Tiếng trống kèn ai oán. Hương khói nhang ngùn ngụt. Người qua kẻ lại, ai cũng tất bật với những khuôn mặt bi ai trong cái đám tang của người đàn ông trẻ tuổi. Tôi, người cháu gái cả đội khăn tang đứng bên cạnh linh cửu của chú đang miên man trong những dòng suy nghĩ khác nhau.
Tôi nghĩ về cuộc đời chú, ra đi ở cái độ tuổi 45, để lại người vợ trẻ, hai đứa con thơ và một loạt trách nhiệm, nghĩa vụ chưa hoàn thành. Tôi nghe thấy lời oán trách của người cô út bên cạnh: “Anh ra đi kiểu gì, bây giờ không có nhà để về lại về nhà ba thế này.”
Đúng thật! Chú ra đi mà không còn nhà để về, giờ phải về nhà ông nội, căn nhà vốn đóng cửa từ sau ngày ông tôi mất. Giờ trong căn nhà ấy ngoài bà, ông, giờ còn có thêm chú. Chú đã không còn nhà sau cái vụ vỡ nợ năm ấy, chú phải dắt vợ con tới một mảnh đất khác để sống. Phải công nhận rằng chú là một người giỏi kiếm ra tiền, nhưng cái cách tiêu tiền của chú còn giỏi hơn gấp mấy lần cái cách kiếm ra tiền. Tối hôm làm lễ tang cho chú, tôi nói với ba tôi rằng, “Chắc trong cái chết của chú, có nhiều người sẽ tặc lưỡi bảo rằng “đây là quả báo.”” Ba bảo, “Thì do chú con đã làm ăn không đàng hoàng với hàng xóm rồi bỏ chạy đi một nơi khác mà.”
Làm ăn, kinh doanh, phá sản, vỡ nợ…tất nhiên chẳng ai mong muốn điều đó. Chú là một người lanh lợi và tháo vác, tôi công nhận chú giỏi, có lúc tôi nói đùa với ông ba rằng “Nếu chú không giỏi thì sao có thể vỡ nợ gần 1 tỷ đồng thế, không giỏi sao vay được người khác chừng đó tiền.” Nhưng cuộc đời của chú cũng quá nhiều lận đận, song gió, mọi người vẫn thường bảo rằng “Những người tuổi Thân thường rất vất vả.” Cách sống của chú phóng khoáng, giao lưu rộng, nhiều bạn bè thân thiết. Cái ngày đưa chú về với cát bụi, bạn bè từ rất nhiều tỉnh xa về tiễn chú đi. Một hàng dài xe oto theo sau linh cữu của chú.
Tôi nhìn người thím đang khóc lịm đi bên linh cữu chồng, nhìn 2 đứa nhỏ đứng bên cạnh linh cữu ba chúng thay nhau lạy tạ những người tới viếng. Thím trước giờ sống dựa vào chú, giờ tương lai phía trước, thím phải làm sao, cái trách nhiệm nuôi dạy 2 đứa trẻ thơ đặt hết vào đôi vai bé nhỏ của thím. Còn 2 đứa nhỏ, ba chúng ra đi không để lại nổi 1 căn nhà. Thoang thoảng tôi nghe thấy mọi người trong gia đình tôi đang bàn bạc về vấn đề này. Trong giấc ngủ tối trước, tôi thấy chú, hình như chú bảo chú không an lòng về 2 đứa trẻ.
Tôi nhìn thấy ba tôi đang lăng xăng, người anh cả ốm yếu giờ đây phải lo đám tang cho người em trai từng rất phong độ. Tôi nhìn thấy chú ba, chú năm, mỗi người đều mang những khuôn mặt sầu não. Tôi nhớ những ngày đại gia đình tôi còn đông đúc, những ngày giỗ chạp, lễ tết, nhà nội lúc nào cũng rộn rã tiếng nói tiếng cười, người ra kẻ vào tất bật. Nhưng dần dần cái sự rộn ràng đó suy giảm. Đầu tiên là do sự chuyển đi của gia đình cô út vào Sài Gòn, thỉnh thoảng cô vẫn về với gia đình nhưng sau ngày ông mất thì hầu như cô không về nữa. Tiếp đó là sự chuyển lên thành phố của gia đình chú ba. Rồi sự bỏ qua Gia Lai của người chú tư. Không khí gia đình trở nên ảm đạm hẳn. Và giờ đây chú đã ra đi, gia đình có lẽ sẽ trở nên lạnh hơn.
Từ Sài Gòn về tới nhà lúc 3 rưỡi sáng, em gái nhìn thấy cờ tang liền nắm chặt cánh tay tôi, trong đầu chợt nghĩ “ngày nhỏ tôi rất sợ cờ tang, nhưng giờ thì cảm thấy có gì đáng sợ đâu.” Cuộc đời này có gì đáng sợ! Nó ngắn ngủi như thế! Trên đường đưa chú ra nghĩa trang tôi chợt nhớ tới cuốn sách tôi đọc trên xe lúc về, trong đó có 1 câu đại loại như “Bạn đừng bao giờ đổ lỗi cho cuộc sống này nhàm chán hay vô vị. Hãy sống một cuộc sống tích cực.” Cuộc sống này ngắn lắm và cũng đầy bất ngờ lắm. Giống như cái sự ra đi đầy ngỡ ngàng của chú tôi. “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ.”
– Trang Nguyễn –
*Featured image: Ozzwizard