28 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Chuyện đi và chuyện về

Photo: Frank Dang

 

Gần đây tôi đọc được một câu chuyện khá ngắn, xúc tích và cũng rất chủ quan về một gia đình, về một con người “Đi đi, đừng về!” Hình như câu chuyện đi du học và trở về vốn vẫn nóng hổi theo cách của riêng nó.

Nhiều người bảo rằng, đi đi, rồi đừng về Việt Nam này làm gì bởi họ sợ hãi, bởi họ khiếp sợ con người nơi đây. Nơi mà đồng bào đạp lên sự ngu dốt của nhau để kiếm đồng tiền, bát gạo. Nơi mà đồng bào dần thiếu đi tình thương yêu cùng bao bọc. Nơi mà đồng bào dần thiếu chữ “người”.

Nhiều người lại bảo rằng, đi đi, rồi nhớ trở về để xây dựng quê hương, để thể hiện tình yêu nước cao vời vợi. Đi đi rồi trở về với tri thức và đam mê để gây dựng Việt Nam tốt đẹp hơn.

Chuyện đi đi về về, chuyện ở chuyện đi dường như là câu chuyện muôn thuở, dường như là câu chuyện ngàn đời nay. Họ gọi những người đi rồi không bao giờ về là những con người không biết yêu quê hương, rũ bỏ nguồn gốc tổ tiên. Họ gọi những người vì tình yêu nước nồng nàn mà quay về, rồi vì tình yêu đó bị trà đạp đến hèn mọn mà cất bước ra đi là những con người ngu ngốc. Vậy họ gọi họ, những con người vẫn ở đó, miệng chửi đổng những người hơn họ, miệng nguyền rủa những người thua kém họ, miệng oang oang tinh thần yêu nước bất diệt, họ gọi họ là gì?

Tôi chẳng bàn nhiều chuyện khác, riêng cái chuyện đi đi về về là câu chuyện riêng của mỗi con người. gần đây, tôi đọc được một câu trích dẫn như thế này:

“Mọi người đều làm việc theo phong cách riêng, lựa chọn theo cảm giác của mình. Bạn không thể nói người khác đã sai, cũng không thể đảm bảo mình tuyệt đối đúng. Nếu thay đổi góc nhìn, kết luận về sự việc cũng sẽ khác đi. Con người, sự việc, tình cảm, ai đúng, ai sai, chỉ chính mình mới hiểu.”

Chẳng phải như vậy sao. Mỗi người chọn cho mình một con đường riêng, chọn cho mình một cuộc đời riêng, vậy hà cớ gì bạn cứ ngồi đó mà phán xét kẻ khác, hay phán xét chính tác giả về con đường mà nhân vật trong câu chuyện đã lựa chọn, thay vì tự tìm cho chính mình một con đường riêng để giúp ích cho đất nước này.

Cô giáo tôi từng nói:

“Nếu cô kể cho các em tình hình hiện giờ của Việt Nam, có lẽ các em sẽ muốn chuyển quốc tịch hay vượt biên ngay lập tức.”

Nhưng một thầy giáo khác của tôi lại nói rằng:

“Xã hội nào cũng có những thời điểm loạn như thời điểm hiện tại, nên thầy luôn luôn tin tưởng rằng sẽ có một Việt Nam tốt đẹp hơn.”

Bạn có thể nói rằng ai là người sai? Thầy tôi hay là cô giáo của tôi? Có lẽ chẳng ai sai cả vì mỗi người họ chọn cho mình một cách riêng. Một người không kể lể cho chúng tôi sự thật vì sợ rằng chúng tôi sẽ chạy trốn như bao con người muốn chạy trốn khỏi quốc gia nghèo, lười nhác và đầy điều xấu này. Một người kể hết mọi chuyện cho chúng tôi vì người đó tin tưởng rằng khi chúng tôi nhận ra điều tất yếu thì chắc chắn sẽ tiếp tục ở lại, tiếp tục học tập và làm việc vì đất nước nhỏ bé và vô cùng nghèo về cả nghĩa đen và nghĩa bóng này.

Chuyện đi và chuyện về là chuyện riêng của mỗi người, tôi tin nếu họ đủ khả năng đi du học, ra nước ngoài làm việc thì họ cũng có đủ nhận thức để hiểu việc mình đang làm, và tất nhiên chẳng cần bạn dạy đúng dạy sai.

Bà ngoại tôi thường răn dạy con cháu trong nhà bằng đôi ba câu thơ của Đỗ Trung Quân với tư tưởng truyền thống của người Việt rằng con cháu sẽ ở thật gần bà, sẽ sống và làm việc cách nhà bà chưa đến chục km.

“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày…”

Nhưng thật sự, chúng tôi hiểu rằng, cho dù yêu thương cha mẹ ông bà đến bao nhiêu, cho dù cảm thấy nhà là nơi tuyệt vời nhất để nghỉ ngơi, cũng là nơi cảm thấy ấm áp và được yêu thương nhất. Và thật sự, chẳng ai là không muốn về nhà, muốn được yêu thương vỗ về, muốn được thưởng thức những bữa cơm gia đình ấm ấp, muốn được ngồi cạnh ông, cạnh bà nghe kể chuyện xưa (dù nó đã được kể đi kể lại hàng chục lần trước đó), muốn được chuẩn bị vài món ăn thịnh soạn cho mẹ cha. Ai mà không muốn như vậy?

Nhưng:

“Nhân bất vị kỷ, thiên tru địa diệt”
(Người không vì mình, trời tru đất diệt)

Ai cũng muốn vì chính mình mà gây dựng nên cái gì đó, ai cũng muốn được thỏa mãn những ngông cuồng của tuổi trẻ, vậy nên họ lựa chọn ra đi. Còn chuyện về hay không về lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Vậy nên đừng đứng trên góc độ của mình mà phán xét kẻ khác, cũng đừng đứng trên góc độ của mình mà phê phán kẻ khác. Mỗi người có một hệ quy chiếu riêng của mình, vậy tại sao bạn cứ muốn ép người khác vào hệ quy chiếu của chính mình? Quan trọng là mỗi người, sống tốt cuộc đời của mình và không hổ thẹn hay nuối tiếc là điều tuyệt vời lắm rồi.

 

Như Nhiên

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

30 BÌNH LUẬN

  1. Thứ nhất, tôi xin chúc mừng năm mới tác giá. Tôi chúc tác giả sẽ có nhiều trải nghiệm hơn và truyền cảm hứng đến nhiều người nữa trong năm 2015.

    Thứ hai, tôi muốn chúc mừng về những điều thay đổi tác giả mang đến cho bạn đọc. Thay đổi tôi muốn nói đến nằm trong cách nghĩ của tác giả thể hiện trong bài viết này. So với bài viết gần 1 năm trước “Ngày còn rát trẻ”, có vẻ như tác giả đã tập trung hơn vào việc mình muốn làm, hướng phát triển bản thân và một cơ chế “trơ” dần với những điều tiêu cực để tập trung đến một mục tiêu cao cả nào đó mà tôi hy vọng tác giả có. Ở một cách nói khác, có lẽ tác giả đã tìm ra hướng giải quyết cho tình trạng hiện tại của mình. Một lần nữa tôi xin chân thành chúc mừng!

    Có điều tình cảnh của tôi đang có đà hướng đến tình trạng của tác giả gần 1 năm về trước, mất phương hướng… Nhưng cảm ơn tác giả đã cho ra bài viết này rất đúng thời điểm. Nó giúp tôi đỡ lan man hơn rất nhiều.

    Thân mến!

  2. Như chuyện thầy bói xem voi !

    Như một cơn gió, kẻ đi xui gió thì khen, kẻ đi ngược gió thì chê.

    Thấy thì không cần phải lý luận, càng lý luận lại càng không thấy

  3. E thấy quan điểm chưa thực sự rõ ràng lắm :ss tức là tác giả đồng tình với cái nào hay chỉ là khuyên mọi ng nên có cái nhìn khách quan đa chiều hơn thôi ạ?

    • Đối với chuyện này, không có đúng hay sai, cũng chẳng có cái gì gọi là quan điểm cả vì mỗi người tự sống cuộc đời riêng của mình.
      Bài náy chỉ đơn thuần là đưa ra cái nhìn khách quan thôi em ạ.

  4. Mình thấy ở bài này tác giả đã hết sức trung lập, và ý tác giả đã nói rõ ai cũng có hệ quy chiếu của riêng mình rồi vậy mà nhiều bạn muốn mang những trường hợp riêng lẻ vào nói làm gì nhỉ. Tôi nghĩ tác giả muốn viết bài viết này nhằm mọi nguời tranh luận và đưa ra ý kiến của mình một cách ôn hòa hơn. Bản thân tôi cho rằng chuyện đi hay ở muốn bàn cho chi tiết có lẽ phải mất khoảng vài chục bài viết nữa và cần bàn luận, mổ sẻ nhiều vấn đề, phạm trù khác nhau. Còn hiện giờ, tôi nghĩ rằng tinh yêu là tự nguyện, tình yêu và ý chí của họ như thế nào thì họ chọn con đường phù hợp nhất với bản thân mình. Quan trọng là họ phải sống cuộc sống hạnh phúc của chính họ, còn thì họ thích nói thế nào thì nói, chúng ta là những người tự phân biệt được đúng sai kia mà.

  5. Vấn đề là ở chỗ thay vì họ nói là mưu cầu sự nghiệp, hạnh phúc riêng của họ nơi xứ người thì họ viện ra đủ lý do rằng tại Việt Nam thế này, tại Việt Nam thế kia bạn Nhiên ạ.
    Việt Nam đã thế từ trước rồi, và cũng từ cái đống bùn đó mà sinh ra họ, họ cứ làm như họ bị đối xử bất công hơn cả những người trong nước ấy. Họ viện so sánh đủ thứ ở Việt Nam với các nước phương Tây phát triển (nơi mà họ du học) ĐỂ THẤY RẰNG họ là những kẻ đáng thương, họ bị đối xử bất công nên không về, họ không nói là họ vì bản thân. Họ sinh ra ở Việt Nam nhưng mà họ nói giống như một đứa trẻ Tây đang phải chọn lựa.
    Giống như con không thể chê cha mẹ nghèo. Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu người ta nhớ rõ và biết đặt đúng vị trí của bản thân mình.

    • Mình thấy cách nhìn của bạn hay. Nếu mọi người chỉ nhìn vào những điểm tiêu cực của người khác hay xã hội và dùng lý do đó để chỉ trích thì thật không hay. Thay vì đơn giản họ chỉ cần nói, tôi thích cuộc sống ở nước ngoài hơn, đó là mơ ước của tôi, và đó là quyết định của tôi.
      Sẽ chẳng ai quy kết tội không yêu nước, hay không nhớ về cội nguồn cho người muốn có cuộc sống tốt hơn hay muốn trải nghiệm hoàn cảnh sống khác với quê hương mình.

    • Sao mình không thấy như vậy nhỉ? Bạn thấy ai viện cớ? Bao nhiêu phần trăm viện cớ như vậy?
      Ai chẳng vì mình, không sống vì mình thì sống vì ai nữa hả bạn? Ai chẳng mưu cầu sự nghiệp, hạnh phúc. Bạn đọc đoạn cuối chưa? “Nhân bất vị kỷ, thiên tru địa diệt” đó.
      Và thêm nữa, Việt Nam tồi tệ thật mà bạn, bạn có thấy hay không khi người Việt Nam còn chẳng biết yêu thương những người xung quanh mình, yêu thương khách hàng của mình, họ chỉ biết đạp lên cái ngu của nhau mà sống.

      • Bạn cứ đọc lại những comment với kể cả bài viết để thấy người ta thích đổ lỗi cho người khác, cho đất nước như thế nào.

        Đất nước Việt Nam tồi tệ thật (theo con mắt của bạn) nhưng đấy không phải là cái cớ để người ta rời bỏ đất nước. Lý do thực sự để họ rời bỏ đất nước là họ muốn mưu cầu hạnh phúc cá nhân bạn à. Nó có thể có đôi chút liên quan nhưng hoàn toàn khác nhau đấy bạn.

        Đoạn cuối ấy, nếu ai cũng nói thẳng cái hệ quy chiếu của họ là (Người không vì mình, trời tru đất diệt) là triết lý sống của họ thì còn dễ. Nhưng họ ngụy trang bằng một mớ các lý do mà đọc xong cứ tưởng là đất nước đang bắt tội họ, làm gì có lỗi với họ lắm đấy. Họ đang đóng vai thành những kẻ đáng thương.

        Thực ra cái đáng thương nhất là họ đi du học, nhưng họ quên mất nguồn gốc và xuất thân của chính bản thân mình, nên khi nhìn vào trong nước thì ở đâu đâu cũng thấy trái mắt. Đi học mấy năm cứ ngỡ mình đã thành Tây rồi nên mới vậy.

  6. Vậy họ gọi họ, những con người vẫn ở đó, miệng chửi đổng những người hơn họ, miệng nguyền rủa những người thua kém họ, miệng oang oang tinh thần yêu nước bất diệt, họ gọi họ là gì?

    Mình không nghĩ quá sâu xa như bạn. Đồng ý mỗi người có 1 suy nghĩ riêng, và việc họ có chấp nhận suy nghĩ của người khác hay không? Nếu không chấp nhận họ sẽ xử sự ra sao thì đó cũng là cách họ chọn cho họ như bạn đã đề cập.
    Bài viết với luận điểm có vẻ hay nhưng mình cảm thấy nó rất bình thường và bạn vẫn còn là người vướng vào việc người ta nghĩ gì. Nếu bạn không quan tâm người ta nghĩ gì. Bạn sống cho bạn và bạn hài lòng về điều bạn đã làm. Vậy tại sao còn phải lo lắng, quan tâm, hay có ý trách móc những người đã lựa chọn 1 cách nhìn không giống bạn.
    Thực sự bạn, trong sâu thẳm, đã thức tỉnh hay chưa?

    • Bản thân mình sống và hài lòng với những gì mình đã làm. Mình cũng chẳng quan tâm hay lo lắng trách móc những người đã lựa chọn không giống mình. Đối với luận điểm trong bài viết, mình chỉ đứng ở góc độ người ngoài để nhìn vào vấn đề này.
      Thực trong sâu thẳm mình đã thức tỉnh hay chưa thì chắc là chưa.

      • Mình đồng ý với bạn ở quan điểm là mỗi người có quyền lựa chọn phương hướng và cuộc sống hiện tại của họ. Nhưng khi bạn đặt một câu hỏi: “Vậy họ gọi họ, những con người vẫn ở đó, miệng chửi đổng những người hơn họ, miệng nguyền rủa những người thua kém họ, miệng oang oang tinh thần yêu nước bất diệt, họ gọi họ là gì?”
        Mình thấy bạn có vẻ “không ưa” những người mà bạn cho là quyết định không giống bạn. Từ ngữ sử dụng nói lên tất cả. Mình vẫn hi vọng là bằng cách hướng về như thế nào không quan trọng nhưng mỗi người chúng ta cho dù sống hay đến lúc chết đi cũng không thể chối bỏ nguồn gốc hay tổ tiên của mình. Mà có lẽ bạn cũng hơi quá kích động, bây giờ cũng chẳng ai nói một người chọn ra nước ngoài sống và làm việc là không yêu nước.
        Chắc bạn đang ở trong một tình trạng khó xử như vậy. Nhưng mong bạn đừng quá tiêu cực vì cách thể hiện của “họ”.

        • Nếu mình nói rằng mình đang nằm trong “họ” bạn có tin không? :)). Thật ra không đến mức mình chửi những người hơn mình, nguyền rủa những người kém mình nhưng cũng đại loại là đứa chỉ biết ngồi đó mà nói, mà viết. Từ trước tới giờ, đối với chuyện ưa hay không ưa, đúng là mình sẽ trút vào hết những bài văn, nhưng riêng đối với bài này, mình không trong trường hợp khó xử nào cả, cũng không cảm thấy khó chịu gì cả. Đơn giản mình đọc được, mình nhìn được, mình nghe được và rồi mình viết ra thôi. Mình không tiêu cực và cũng chẳng rảnh đến nỗi mang chuyện của kẻ khác biến thành nỗi lo, niềm khó chịu của mình.

    • mình thấy đơn giản chỉ là tác giả nêu lên suy nghĩ và luận điểm của mình về vấn đề này, một cách khách quan, chứ không hẳn là “lo lắng, quan tâm hay có ý trách móc”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI