Photo: Martin Abegglen
Việc mọi người tẩy chay hàng hóa Trung Quốc không phải là mới, không chỉ ở trong nước mà các nước khác ở châu Á, châu Âu hay cả Châu Phi cũng tẩy chay hàng hóa của Trung Quốc. Tẩy chay vì sản phẩm của họ kém chất lượng, có chất độc hai gây nguy hiểm cho người tiêu dùng là điều nên làm còn rộ lên phong trào kêu gọi tẩy chay vì họ đưa giàn khoan HD 981 lấn chiếm biển Đông thì không hợp lý.
Vẫn biết kinh tế – chính trị – quân sự có mối liên hệ chặt chẽ và ảnh hưởng trực tiếp với nhau nhưng cái nào duy trì được thì nên duy trì, kinh tế mạnh thì mới có thể viện trợ được cho quân sự – vốn đã không tạo ra tiền mà còn ngược lại, tiêu tốn rất nhiều tiền của.
Nếu lúc này chúng ta tẩy chay hàng hóa Trung Quốc thì những người tiểu thương cũng không làm ăn gì được, hàng hóa ế ẩm gây thiệt hại nhiều, họ lỗ vốn và sẽ chẳng có tiền thuế đóng cho ngân khố. Chưa kể, Trung Quốc là thị trường nhập siêu của Việt Nam hơn 10 năm nay, cũng xuất phát từ nhu cầu và chi phí rẻ hơn các nước nên mới phải nhập nhiều như vậy, từ ly uống nước cho đến thiết bị điện tử, mình tin rằng trong nhà bạn hoặc bất cứ ai cũng có rất nhiều vật dụng xuất xứ từ Trung Quốc.
Nếu lúc này, nhà nước cũng có chủ trương tẩy chay giống chúng ta thì người Trung Quốc cũng sẽ đáp trả bằng việc không nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc là một trong những nước nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam, nếu họ đóng cửa khẩu thì hàng triệu người nông dân, tiểu thương, doanh nghiệp của chúng ta sẽ điêu đứng, nợ nần và phá sản. Một khi nền kinh tế lung lay thì quân sự, quốc phòng cũng sẽ suy giảm theo. Bắn một quả tên lửa có giá hàng triệu đô la chứ không phải vài trăm nghìn nên ngân sách phải luôn sẵn sàng để chuẩn bị đạn dược.
Việc một khách sạn từ chối phục vụ khách là người Trung Quốc, mình hoan nghênh tinh thần dân tộc của họ và cũng không đồng tình với cách làm này. Làm như vậy, họ vừa mất một khoản doanh thu chỉ là việc rất nhỏ nhưng mất cái lớn chính là ánh mắt nhìn của cộng đồng quốc tế cũng như người Trung Quốc về Việt Nam, cho rằng chúng ta đang sử dụng chính sách kỳ thị và phân biệt. Việt Nam chúng ta dù có sức mạnh tinh thần đoàn kết dân tộc nhưng điều đó chưa phải tất cả, ai cũng biết về quân sự, kinh tế và nhiều mặt khác thì chúng ta yếu thế hơn và thua xa Trung Quốc.
Bởi vậy nên chủ trương của nhà nước là đàm phán trong hòa bình, hạn chế khả năng xung đột, vì nếu xảy ra chiến tranh chúng ta và cả Trung Quốc sẽ thiệt hại nặng nề. Nếu đàm phán hòa bình thì cần phải tận dụng sự ủng hộ của bạn bè quốc tế và chính những người dân Trung Quốc yêu hòa bình. Người Trung Quốc sinh sống ở Việt Nam rất nhiều, nếu họ biết đồng bạo họ bị ngược đãi thì họ chỉ thêm căm ghét và tức giận chúng ta. Và người Việt Nam sinh sống tại Trung Quốc cũng không ít, khi đó họ có cớ để ngược đãi đồng bào của chúng ta. Không đáng.
Với mình thì, sản phẩm nào tốt, chất lượng, giá cả cạnh tranh thì mình sẽ chọn mà sử dụng chứ không chạy theo kiểu “người Việt ưu tiên sử dụng hàng Việt” hoặc kiểu rất ghét như “sử dụng hàng Việt Nam mới là yêu nước”. Bây giờ có nói rằng mình yêu nước rất nhiều thì cũng chẳng có gì để chứng minh lời nói của mình nên nói ra nó sáo rỗng.
Sản phẩm nào tốt thì mình sử dụng, dùng hàng của nước ngoài không phải là chối bỏ hàng Việt Nam. Chỉ là tạo thêm điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh về chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm, cùng theo chuẩn quốc tế mà hòa nhập vào thị trường. Hơn nữa, dùng hàng nước ngoài thì cũng đóng góp cho ngân sách nhà nước qua hải quan chứ có dùng lậu đâu mà bảo không yêu nước.
Trên đây là suy nghĩ và quan điểm của mình, chỉ nói được những gì cơ bản vì mình học kỹ thuật nên không am tường bao nhiêu về kinh tế, còn gì sai sót thì các bạn góp ý thêm.
Bùi Nhật Tiến
Tôi nghĩ trừ trường hợp bất khả kháng như nó là 1 phần của sản phẩm mà chúng ta mua vd cái máy tính thì dính con chuột hay bàn phím thì những trường hợp khác chúng ta hoàn toàn có thể ko dùng hàng Tàu lên đến 90%. Như trái cây, rau củ, đồ chơi, đồ ăn, thức uống… nó hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức chúng ta thôi.
Như khi chúng ta đi mua 1 cái máy lạnh hiệu Toshiba, chúng ta có nhiều lựa chọn, made in Indonesia, Thailand chứ đừng chọn made in China. Và còn rất nhiều nhiều mặt hàng khác tương tự như vậy.
Còn việc chúng ta sợ TQ trả đũa về kinh tế gây thiệt hại thì hãy nhìn lại vấn đề, chúng ta sống bám vào TQ thì kinh tế chúng ta càng ngày càng trì trệ. Nếu thiệt hại đó có thể khiến người Việt Nam thức tỉnh, tìm lối thoát cho người láng giềng xấu xa đó thì đó là cơ hội cho người Việt Nam chúng ta. Vấn đề là chúng ta có dám chấp nhận đương đầu với khó khăn để tìm cho mình những người bạn thật sự hay không? Đó là ý thức của từng người dân và trên hết nó còn là ý thức của giới lãnh đạo.
Những điều bạn nêu ra chính là lý do chúng ta nên ngừng sử dụng hàng TQ.
Sự phụ thuộc quá lớn vào TQ là mối lo thường trực của đất nước. Nếu một
ngày TQ cấm vận VN thì nền kinh tế sẽ chao đảo. TQ biết điều đó và luôn
dùng điều đó để mặc cả trong mọi tranh chấp với VN. Thế nên hạn chế dần dần sự phụ thuộc vào TQ chính là bảo vệ an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Điều này thì mình hoàn toàn ủng hộ, nhưng mấu chốt là chính sách của nhà nước có giúp chúng ta làm điều này hay không thôi.
Nhà nước ủng hộ hay không thì đó là vấn đề còn phải bàn. Nhưng trước hết phải chọn một trong hai thái độ: chống lại sự phụ thuộc hay là cam chịu. Trong khi tất cả mọi người đang sôi sục tẩy chay hàng Tàu thì bạn lại khuyên mọi người cúi đầu chấp nhận. Mình thấy thế không ổn chút nào.
Mình không khuyên mọi người chấp nhận, bạn cũng biết là nền kinh tế nước ta đang lệ thuộc rất rất nhiều vào Trung Quốc. Không cần đợi mọi người tẩy chay, chỉ cần có biến cố về chính trị, quân sự hoặc gì khác thì Trung Quốc họ sẽ ra những lệnh trừng phạt về kinh tế đối với Việt Nam, khi đó hàng chục triệu gia đình của chúng ta sẽ rơi vào cảnh tan nhà nát cửa chứ không phải đơn giản đâu. Muốn nền kinh tế không lệ thuộc thì còn phải trông cậy vào rất nhiều yếu tố khác và thực hiện lâu dài chứ không phải trong một hai năm được.
“Với mình thì, sản phẩm nào tốt, chất lượng, giá cả cạnh tranh thì mình sẽ chọn mà sử dụng” ~~> nghĩa là hàng TQ thì bạn vẫn dùng?
Mình đã nói rõ vậy rồi còn gì, nếu hàng TQ mà tốt hơn, đẹp hơn, rẻ hơn hàng của VN thì mình sẽ chọn hàng của TQ. Bạn đọc những comment ở trên của mình để rõ quan điểm hơn, không phải sử dụng hàng của TQ là góp phần đẩy lùi nền kinh tế của đất nước đâu nhé 🙂
“nếu hàng TQ mà tốt hơn, đẹp hơn, rẻ hơn hàng của VN thì mình sẽ chọn hàng của TQ”: OK, mình chỉ cần bạn nói câu này thôi. Đúng sai cứ để người đọc phán xét, bạn không cần giải thích với mình nữa.
Đó là điều hiển nhiên, đừng nói với mình là bạn không sử dụng bất kì sản phẩm nào liên quan đến TQ. Nếu bạn dám chắc là KHÔNG thì mình có thể đáp ứng bất kì yêu cầu nào của bạn.
Không đồng ý hoàn toàn với bạn, nếu chỉ đơn giản là làm người tiêu dùng thông minh thì ý nghĩa của việc tiêu dùng sẽ chỉ hạn chế lại ở mức cá nhân. Theo ngu ý của mình, thì mình ủng hộ quan điểm không bài hàng Trung Quốc, nhưng vẫn khích lệ sử dụng hàng Việt Nam, hai điều này không hề trái ngược nhau.
Cảm ơn bạn, nhưng bạn có nghĩ rằng nếu chúng ta quá ưu ái cho sản phẩm của người Việt Nam thì sẽ chẳng bao giờ có sự cạnh tranh về mẫu mã, chất lượng cũng như giá cả của những sản phẩm trong nước và nước ngoài không?
Ở một phương diện khác thì ý của bạn, khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam sẽ thúc đẩy sản xuất, chất lượng sản phẩm tăng đáp ứng nhu cầu người sử dụng và dẫn đến nền kinh tế phát triển, không lệ thuộc vào hàng nhập khẩu, cán cân nhập xuất sẽ không chênh lệch nhiều.
Tất nhiên, mình khích lệ chứ không dùng từ quá ưu ái. Và việc khích lệ này khác với cách bạn nghĩ, dựa trên tình hình và bản chất kinh tế hiện nay của Việt Nam, nó sẽ khuyến khích cạnh tranh nội địa, nâng cao mặt bằng, tạo đà nâng cao năng suất.
Nói đơn giản, đấu với thằng hàng xóm vẫn có nghị lực hơn là đấu với những ông to nước ngoài. (đã là nước ngoài thì hiếm khi mất công cạnh tranh ông nhỏ, trong khi mình nhỏ).
Việc công bằng đại trà như ý bạn sẽ làm mất động lực phát triển nhiều hơn là việc thiên vị nội địa một chút, mình nghĩ vậy, khoa học mà nói.
Mình không đồng ý với tác giả ở đoạn này ”Với mình thì, sản phẩm nào tốt, chất lượng, giá cả cạnh tranh thì mình sẽ chọn mà sử dụng chứ không chạy theo kiểu “người Việt ưu tiên sử dụng hàng Việt” hoặc kiểu rất ghét như “sử dụng hàng Việt Nam mới là yêu nước”
Chiến dịch ”Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” được kêu gọi hẳn là có mục đích rõ ràng khuyến khích sử dụng hàng Việt để ủng hộ và đẩy mạnh nền sản xuất trong nước trước sự xâm lăng của hàng hóa nước ngoài. Tất nhiên nếu như hàng Việt không có sản phẩm nào thay thế tốt hơn hay là chất lượng và giá cả quá chênh lệch thì cũng không có sự lựa chọn nào khác.
Tuy nhiên mình đánh giá chiến dịch này chỉ có tác dụng về mặt tinh thần ủng hộ chứ về thực chất vẫn chưa thay đổi được nhiều cục diện thị trường hàng hóa trong nước.
Cảm ơn bạn, về điều này thì chỉ dừng lại ở quan điểm cá nhân của mình, còn ý của bạn thì mình đồng tình và cũng đã trình bày trong comment phía trên của bạn Cảnh Thái.
mình thấy bài viết của bạn rất đúng, thuyết phục, lời lẽ sắc sảo lại có sự khiêm nhường….mình xin mượn bài của bạn chia sẻ cho mọi người được k….mình hứa là giữ nguyên bản quyền tác giả 🙂
Cảm ơn bạn, hãy cứ chia sẻ vì đó cũng là mục đích viết của mình mà. Giữ bản quyền tác giả nhưng cũng lưu ý quy định của page về việc dẫn link kẻo bị Googe phạt nhé. Thân ái.
ước gì mình có cách viết như bạn tác giả nhỉ 🙂
Hi, luận điệu của mình đơn giản chứ chưa được sâu sắc như những tác giả khác, còn phải cố gắng nhiều. Cảm ơn bạn.
bạn viết bài thức tế va dễ hiểu! i LIKE!
Cảm ơn bạn