27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Những người chữa bệnh cho đất nước

Photo: Yuichiro Chino

 

Lỗ Tấn trước khi bắt đầu viết văn, ông từng theo học ngành y với ước mơ chữa bệnh cứu người, nhưng rồi ông nhận ra muốn chữa bệnh cho cả một xã hội thì một người thày thuốc là không đủ, ông cần phải cầm bút.

Bác Hồ – một trong những người đọc Lỗ Tấn – cũng bắt đầu con đường giải cứu dân tộc bằng việc cầm bút. “Bản án chế độ thực dân”“Tiếng chuông rè” “Những người cùng khổ”.. Là những phát súng đầu tiên tấn công vào thành trì thực dân đô hộ.

Nói như thế để chúng ta có thể thấy rằng vai trò của báo chí là quan trọng thế nào đối với mỗi xã hội, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Nếu được hỏi ngành nghề nào bị “ghét” nhất, có người sẽ trả lời “y tế”, cũng có người đáp “giáo dục”, lại có người nói là “giao thông”… Nhưng nếu để ý kỹ, cái ngành nghề bị “ghét” nhiều nhất lại chính là báo chí.

Cũng phải thôi, cái ngành nghề gì mà suốt ngày đi bới móc những “sai sót nhỏ nhặt” trong cả một “công lao đóng góp to lớn” của ngành nghề khác. Cái ngành nghề gì mà chỉ chực chờ rình mò quay phim, chụp ảnh những phút “lỡ tay” của người ta. Cái ngành nghề gì mà bắt bẻ từng câu từng chữ của người ta để mà giật tít.

“Tiêm nhầm thuốc” “phong bì” “dịch sởi”..v..v Ngành y tế ghét báo chí ra mặt. “Mãi lộ” “đường cong mềm mại” “sập cầu, lún đường”..v..v Ngành giao thông cũng không ưa gì anh báo chí.

Một xã hội mà nhiều nơi “ghét” báo chí như thế là một xã hội ốm yếu. Bởi lẽ báo chí chính là người thầy thuốc của cả hội. Ở đâu có ung nhọt, ở đâu có “bệnh” là họ lao đến, vạch trần chúng ra trước con mắt công phẫn của dư luận. Muốn có công bằng, dân chủ, trước hết phải có tự do ngôn luận, tự do báo chí. Có ai dám đảm bảo rằng cái chết của những em bé vô tội sẽ không bị “chìm xuồng” nếu không được đưa lên mặt báo, biết đâu đấy chúng ta đang đổ hàng đống tiền thuế của người dân vào việc “nâng tầm vị thế quốc gia, thu hút khách du lịch” nếu các trang báo không chuyển đến chính phủ ý kiến cực lực phản đối của đại bộ phận người dân. Không có báo chí, chúng ta chẳng khác gì những con cừu bị chăn dắt, hôm nay được đưa ra bãi cỏ, nhưng ngày mai rất có thể được dẫn đến lò mổ.

Người xưa có câu: “Ban ngày không làm việc xấu, đêm ngủ không sợ quỷ gõ cửa.” Trong thời đại hiện nay có lẽ nên thay bằng: “Ban ngày không làm việc xấu, đêm ngủ không sợ lên mặt báo.” Một người hoàn thành tròn trách nhiệm, không tự thẹn với lương tâm thì sợ gì những bài báo, những tranh vẽ châm biếm!

Làm báo có dễ không? Ở đâu có dịch bệnh, báo chí có mặt, ở đâu thiên tai bão lũ, báo chí cũng không đi sau, mới đây thôi chắc mọi người vẫn còn nhớ cái chết thương tâm của cô phóng viên trẻ khi đi đưa tin về cơn bão lịch sử. Hàng ngày hàng giờ, có bao nhiêu nhà báo đang phải mạo hiểm thân mình, đóng vai đủ mọi thành phần trong xã hội, nay vào ổ mại dâm, mai đi buôn ma tuý..v..v, hòng xâm nhập vào những điểm “đen” nhức nhối. Những con người ấy chắc không còn lạ gì với những thư nặc danh đe doạ, hay nguy hiểm hơn, là những phong bì dày cộm đầy ma lực. Cầm bút thì dễ thôi, giữ cho ngòi bút thẳng mới khó.

Tuy nhiên không có nghĩa là chính trong ngành báo chí không có ung nhọt. Trong thời buổi báo mạng tràn lan, đếm chữ đếm “view” kiếm tiền, có những kẻ đã vận dụng triệt để câu “nhà văn nói láo, nhà báo nói phét”. Nay đặt điều dựng chuyện chỗ này, mai tạo dư luận chỗ kia hòng trục lợi. Đáng buồn là bộ phận này không hề nhỏ, thậm chí là đang ngày một gia tăng chóng mặt.

Trước sự phát triển của mạng thông tin và truyền thông, mỗi người chúng ta cần rèn luyện thêm kỹ năng lọc thông tin. Chỉ có kẻ ngốc mới ăn tất cả những thứ gì người khác đưa cho, đọc báo cũng thế, cần phải phân biệt rạch ròi những tờ báo nào chúng ta cần phải đọc vào buổi sáng, những tờ báo nào chúng ta chỉ nên đọc khi vào toilet. Hãy thử tập trung đọc kỹ những bài viết trên những tờ báo uý tín như “Lao Động” “Nhân Dân” “ Dân Trí” “An ninh thế giới”… tôi tin chắc sẽ có ích hơn rất nhiều so với việc click chuột liên tục để lướt qua những cái tít giật gân tràn ngập trên internet.

Có lẽ những người làm báo muốn bảo vệ hay ca ngợi công việc của họ thì thật quá dễ dàng ( khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi), nhưng có lẽ học có nhiều thứ đáng để viết, đáng để đưa lên mặt báo hơn việc chống lại những người đang phê phán họ. Thôi thì đành dùng địa vị của người ngoài cuộc để nói lên tiếng nói công bằng cho những người đang chữa bệnh cho đất nước.

 

Voldemort VN

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI