Ai cũng có những lúc nhìn đất đen, dù ở đô thị những khoảng đất đen cũng khiến ai đó cảm thấy dơ bẩn. Một hôm, tôi nhìn thấy một khoảng đất đen, cái màu đen ngòm của đất trong chậu cây, rồi thân, rồi rễ cây đang bảo bọc một nụ hồng bé xíu.
Lúc này vẫn còn trong tiết Vu Lan, trời Sài gòn ít mưa và nắng luôn phủ tấm áo vàng chói chang. Tôi bỗng cảm nhận được đất đen đang gắng sức che chở nụ hồng bé nhỏ, cảm nhận từ đất đen đang có nguồn gió yếu ớt giữ mát cho nụ hoa.
Tôi sực nhớ đến một người đàn bà bán cá ở chợ quê. Ngày đó cũng mùa Vu Lan, hôm đó có một đoàn gia đình Phật tử vào chợ, một cô bé oanh vũ hồn nhiên đã hỏi bà bán cá về mẹ và lẹ tay cài lên ngực áo bà ba cũ nhàu của bà một nụ hồng bằng giấy.
Gương mặt bà lúc ấy vừa vui vừa ngượng, cánh tay dính đầy vảy cá của bà đưa lên quẹt đôi mắt. Trong một thoáng mùi cá tanh tưởi bốc lên, trong một thoáng tôi đồng thời nhận được ngọn gió mát và mùi tanh cá. Với phản ứng tự nhiên tôi cũng đưa cánh tay mình lên bịt mủi; còn cô bé oanh vũ thì bụm mủi, vô tư nói. ” Bà đừng bán cá nữa bà ơi, ác lắm! “
Bà bán cá không nói gì, rồi bà tiện tay kéo cái khăn rằn che đầu xuống vẫy vẫy. Những ngọn gió tanh khác lại bốc lên, mùi gió tanh nồng nặc xua đuổi chúng tôi. Có vẻ, đó là những ngọn gió muốn bảo vệ sự bình yên của bà trước mọi sự quấy rầy, những ngọn gió bốc lên từ nhớt cá sống và thịt cá chết.
Vậy đó, nhiều năm rồi tôi không có ý tìm kiếm một thứ triết lý về thiện ác, dơ – sạch…nào để giải thích về sự đắng cay, nỗi hành hạ mà những bà mẹ sẵn lòng gánh chịu tất cả để mưu sinh. Tôi luôn tin, với các bà mẹ, mọi thứ giáo điều không nghĩa lý gì cả vì các bà mẹ luôn là chủ thể bất biến của sự sống bao la.
Mùa Vu Lan của người đàn bà bán cá
Người đàn bà ngồi xổm
nội tạng và những cục máu cá kết lại như tràng hạt
bà sống qua nửa thế kỷ nhờ bàn tay dính máu cá
mỗi ngày ngón tay thêm run như một cách cầu nguyện
những ngón tay run lật bật cầm dao
lời cầu nguyện được ứng
những ngón tay bà hoá thành những con cá nhỏ
chúng tìm thấy dòng nước thánh
Dòng nước thánh mang màu và mùi của máu cá
chảy từ chén cơm vào cơn đói mở miệng đám con
chảy từ tiền cúng chùa và
cơn khát phước thiện mong cầu kiếp lai sinh
dòng nước thánh của bà là dòng sông ác
Bàn tay cầm dao của người đàn bà
lại khoét vào bụng mấy con cá nhỏ
mỗi lỗ thủng từ bụng cá là lối mòn dẫn về phía núi và chân mây
nơi có những bậc giáo chủ – tôn sư vô hình và bằng đá
bước chân của các ngài mở lối buộc tội – mở lối sám hối rộng như bóng tối
duy sự tha thứ chỉ là nụ hoa bé xíu
chuyện giải oan chỉ là ánh mắt không còn nước mắt
từ đáy sâu van xin không có hương khói trả hiếu của đám con
nơi bà sợ
nơi chắc chắn khi chết linh hồn bà không dám đến
Những con cá nhỏ lại chết để nuôi sống những tín điều đạo đức
và bà ngày ngày lại khơi dòng máu cá
đó là cái có thể chảy như mồ hôi và nước mắt
cái gì có thể chảy mãnh liệt thì đã không ngừng chảy từ bàn tay bà
Bầy cá nhỏ hoá thân từ hai bàn tay bà
sáng óng ánh trong dòng sông ác.
*Featured image: Tri Nguyen