*Photo: Billcoo
NIỀM TIN = GIÁ TRỊ. (Ký hiệu = có nghĩa là tạo ra)
Trung đã khám phá ra điều này khi sử dụng so sánh những sự việc mình đã thí nghiệm và thấy điều này là đúng đắn. Bạn hãy cho Trung nhận xét về bài viết này nhé.
Định nghĩa 1: Niềm tin = “Tiền”
Tiền theo định nghĩa hiện thời: Là chuẩn mực chung so sánh giá trị của hàng hóa và dịch vụ. Thông qua việc chứng thực các giá trị này dưới dạng của một vật thể (ví dụ: Tiền giấy, tiền kim loại).
Câu hỏi 1: Nếu không sử dụng tiền mà vẫn có một chuẩn mực chung so sánh giá trị của hàng hóa dịch vụ thì nó có được coi như là “tiền” hay không?
– Trả lời: Có thể được. Vì nó có giá trị tương đương.
Tình huống 1:
– Một người bạn rủ bạn đi uống cafe, bạn không có tiền nên từ chối. Người bạn của bạn hào phóng mời bạn mà không cần phải bạn thanh toán, họ sẽ thanh toán phần nước uống đấy.
Tình huống này cho biết rằng, bạn có thể sử dụng lời nói, để ghi nợ hoặc được người khác thanh toán giúp bạn một khoản tiền, khi bạn muốn mua một sản phẩm nào đó. Với giá trị nhỏ.
Tình huống 2:
– Bạn đang thiếu tiền, tìm trong danh sách bạn bè và gọi đến người giúp đỡ. Bạn mở lời vay người bạn một khoản tiền lớn. Bạn của bạn hỏi khi nào sẽ thanh toán cho họ. Bạn hứa rằng trong một tháng sẽ trả hết khoản tiền. Bạn của bạn đồng ý.
Tình huống này với khoản tiền lớn bạn vẫn có thể có được với một nguồn hỗ trợ khác, nhờ lòng tin và sự uy tín từ bạn, khoản tiền đó có thể bạn sẽ nhận được từ người bạn trao niềm tin.
Tình huống 1, và 2 chỉ là những tình huống nhỏ trong các vấn đề liên quan tới “tiền”. và cái quyết định quan trọng lớn nhất đó chính là: Bạn vẫn có thể có “tiền” khi trong tay bạn không có “tiền”.
Điều gì khiến một sự việc “không” trở thành “có” trong bài viết này đó chính là nhờ vào “niềm tin”. Như vậy có thể hiểu là: Nếu Trung gởi cho bạn “niềm tin” thì bạn có thể gởi Trung “tiền” của bạn. Điều này chỉ đúng khi “niềm tin” đó tạo dựng trên cơ sở “niềm tin” mang lại “giá trị” cho bạn, lợi ích đón nhận được từ “Trung”.
Định nghĩa 2: Giá trị = “Tiền”
Câu hỏi 2: Nếu bạn có một sản phẩm có giá trị thì có thể đổi với một sản phẩm có giá trị khác nếu giá trị đó được hai bên thỏa thuận tương đương hay không?
– Trả lời: Có thể được. Điều đó được hai bên đã thỏa thuận nên không có gì phải bàn.
Tình huống 3:
– Trung hái được quả chuối, Tâm hái được quả bưởi. Thường ngày Trung và Tâm đều ăn quả của mình hái cực kỳ ngán. Trung chưa bao giờ ăn bưởi còn Tâm thì chưa bao giờ ăn chuối của Trung. Một ngày Tâm suy nghĩ muốn trao đổi với Trung rằng trao đổi với nhau. Tâm gởi Trung quả bưởi còn Trung gởi Tâm quả chuối. Và Trung đã đồng ý. (Chất lượng hai quả đều tốt)
Khi hai giá trị được trao đổi cho nhau với cùng một chất lượng ngang nhau thì giá trị đó thay thế cho “tiền”
Tình huống 4:
– Một người làm ra được các sản phẩm phục vụ cho con người. Giúp con người có thêm nhiều kiến thức quan trọng cốt lõi. Sản phẩm sáng tạo giúp cho kích thích tư duy, não bổ thay đổi thói quen tiêu cực thường ngày. Khi tất cả các sản phẩm đó được tung ra thị trường, mọi người ban đầu chưa hiểu được giá trị nó, sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, áp dụng cho rằng điều đó có hiệu quả. Mọi người đã trả tiền cho những sản phẩm vô hình đó. Người tạo ra sản phẩm có một nguồn thu nhập mới từ sản phẩm mình tạo ra. (Đó là tác giả bài viết này)
Khi niềm tin tạo ra sản phẩm tốt. Sản phẩm tốt đó khiến cho người dùng chấp nhận, bởi vì tính hiệu quả của sản phẩm mang lại. Người dùng chấp nhận trả một khoản tiền cho người tạo ra giá trị đó.
Tình huống 3, 4 cho rằng giá trị được trao đổi với nhau, tiền được trả cho giá trị được người dùng chấp nhận. Điều này có nghĩa “giá trị” tạo ra “tiền”.
Kết luận:
Khi bạn chia sẻ niềm tin và niềm tin đó có giá trị thì tiền sẽ được tạo ra. Nếu bạn vay một khoản vay, người khác tin tưởng bạn thì bạn sẽ vay được khoản vay đó. Tin tưởng trên cơ sở: “Lời nói, vật thế chấp, uy tín, hợp đồng, v..v..”
Bạn muốn có sự giàu có, hãy tạo ra nhiều niềm tin, niềm tin càng nhiều sẽ mang lại tiền cho bạn nhiều.
Trung Branding
Bài viết hay, tuy nhiên theo cá nhân tôi có một thắc mắc: Tiền là một đại lượng có thể “cân, đo, đong, đếm”, bạn cho rằng niềm tin có giá trị tương đương có thể quy ra tiền, vậy “cân, đo, đong, đếm” niềm tin như thế nào đây? Thế nào là nhiều niềm tin?
– Giả sử tôi với bạn có quen biết, và bạn cũng có chút niềm tin đối với tôi. Một ngày, tôi mượn bạn 5k mua xôi, bạn vì niềm tin đối với tôi nên lập tức đồng ý. Tôi đã có 5k trong tay, nhưng tôi cũng nợ bạn 5k. Nếu hôm sau tôi trả bạn 5k thì niềm tin của bạn với tôi vẫn còn đó, tuy nhiên vì bạn xấu trai nên tôi xù luôn. Cuối cùng tôi có 5k và mất đi niềm tin đối với bạn. Câu hỏi ở đây là tôi có thể tạo thêm niềm tin đối với bạn hay không ?
Ôi khó hiểu quá :((
Vậy chuyện gì sẽ xảy ra khi mà đồng tiền biến mất? Giá trị của con người sẽ được thay thế bằng cái gì ?
Đồng tiền biến mất giá trị con người sẽ vẫn thế không được thay thế, vì vốn dĩ đồng tiền không thay thế giá trị con người. Đồng tiền chỉ là phương tiên để giúp cho việc trao đổi giá trị dễ dàng hơn thôi.
Và khi đồng tiền mất thì sẽ có một thứ khác xuất hiện với một cái tên khác nhưng vẫn làm chức năng phương tiện, và điều đó thì chưa thể xảy ra.
Ồ, bạn Trung Branding thân mến! Bạn giống tôi ở chỗ đến giờ phút này mới đăng một bài duy nhất lên Triết Học Đường Phố, và bài viết của bạn lại thuộc về đề tài mà tôi quan tâm. Hơn thế nữa, bạn lại muốn nhận được ý kiến đóng góp. Cho nên tôi rất vui vẻ chia sẻ cách nhìn của tôi với bạn.
Những gì bạn đưa ra trong bài viết này nghe có vẻ thực tế, dễ hiểu, nhưng không mới. Tôi cũng sẽ nói với bạn những điều không mới. Niềm tin mà bạn đề cập đến trong bài viết này là niềm tin có vẻ dễ đo đếm, là niềm tin mà người khác trao cho bạn kèm theo một giá trị tính được bằng tiền. Bài viết chưa nói đến niềm tin của bạn, những niềm tin không tính được bằng tiền, và do đó độc giả không thấy được bạn có những niềm tin đó hay không.
Tác giả cuốn “Dạy con làm giàu” rất nổi tiếng đã xếp Đức Giê-su và Đức Phật Thích Ca vào danh sách những người bán hàng giỏi nhất. Đức Giê-su được rất nhiều người tin, đạo của ông giờ có khắp nơi, nhưng lúc sinh thời ông bị người ta bán với giá 30 xu, rồi bị đóng đinh trên cây thập tự. Đức Phật Thích Ca được rất nhiều người tin, tuy đạo của ông không có nhiều người theo bằng đạo Thiên Chúa, nhưng ông lại được nhiều nhà khoa học tín nhiệm. Để có niềm tin ấy ông đã bỏ sự sang giàu mà đi, rồi ông không sở hữu tài sản gì đáng kể ngoài y phục để mặc và chiếc bát để khất thực.
Nhờ bạn Trung Branding và các bạn đọc khác tính giá trị bằng tiền của những người như Chúa Giê-su, Phật Thích Ca, Hồ Chí Minh, Nelson Mandela… xem họ có… giàu không, vì họ là những người tạo ra được rất nhiều niềm tin.
Nếu những điều mà bạn Trung Branding khám phá ra là hoàn toàn đúng đắn, sẽ dẫn đến kết luận: những người nhiều tiền đều là những người đáng tin cậy, còn những người có rất ít tiền là những người ít giá trị. Có thỏa đáng không?
Trong tất cả các bình luận tôi rất thích bình luận của bạn. Có một cái nhìn chiều sâu và rất rõ ràng. Lời đầu tiên cho tôi cảm ơn đến lời bình luận này của bạn. Và tôi xin giải thích như sau.
1) Về Các bậc Thánh Nhân (Đức Chúa Giê Su – Đức Phật Thích Ca). Chúng ta không thể sử dụng tiền (giá trị hiện thời) sử dụng của loài người để phân tích và áp dụng như trong bài viết được. Vốn dĩ Tôi sử dụng từ “Thánh Nhân” là để nói lên sự rõ ràng đối nghịch về phép so sánh và áp dụng từ “Tiền” của đời thực, tôi tạm gọi từ “Tiền” này sử dụng trong “trần gian”. Tôi tạm gọi các vị Thánh Nhân thuộc lớp “Tiên” vì sao lại xếp loại Tiên tôi sẽ giải thích cặn kẽ nếu bạn vẫn muốn hỏi có thể gởi tôi qua Email.
2) Còn Hồ Chí Minh, NelSon Mandela đây được coi là các vị Vĩ Nhân, hơn một chút người thường nhưng cũng không thoát khỏi thế giới “Tiền”, chỉ có điều giá trị họ vượt qua cả niềm tin, như điều tôi nói trên, Niềm tin = Giá trị, mà mỗi một trong 2 điều này vượt ra khỏi nhau thì nó phá vỡ tính logic những điều tôi nói trên, và chỉ = nhau khi các đối tượng là những người thuộc các tầng lớp (hạ, trung, thượng). Còn Thánh Nhân, Vĩ Nhân không được xếp vào tầng lớp này vì họ chỉ sử dụng “Tiền” theo khía cạnh (tồn tại) mà thôi.
Từ 2 điều trên tôi xin trả lời tiếp:
– Những bậc thánh nhân là những người giàu niềm tin và giá trị và không sử dụng “Tiền” của các tầng lớp thứ bậc của loài người.
– Người nhiều tiền theo như Trung Branding đưa ra luận điểm của mình là người nhiều (giá trị, và niềm tin), và nó không xếp loại là tốt hay xấu, nên sự đáng tin cậy chỉ có khi họ đặt nhiều giá trị và nhiều niềm tin đó theo hướng tích cực.
– Người ít tiền như đã phân tích trên (ít niềm tin – ít giá trị) dựa trên khía cạnh tiền. Tôi hoàn toàn đồng ý điều này, vì nếu họ có nhiều giá trị quy đổi ra thứ khác thì nó hiểu theo một nghĩa khác chứ không còn là theo mắt xích Giá Trị – (Tiền) – Niềm Tin nữa rồi.