Ảnh: VLADSTUDIO
Trước đây, tôi vẫn đinh ninh rằng con người ai cũng muốn hơn người khác chẳng hạn như giàu hơn, đẹp hơn, giỏi hơn vân vân và vân vân. Nhưng giờ, tôi đã phải thay đổi suy nghĩ. Để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện này:
– Ôi mày ơi, nhà tao nghèo quá..
– Nhà mày mà nghèo? Giàu nứt đố đổ vách ý, nhà tao mới nghèo.
– Thôi đi, nhà tao nghèo lắm, nhà mày mà nghèo thì nhà tao đi ăn xin rồi!
Vâng, và câu chuyện còn chưa chấm dứt tại đây đâu. Chỉ là khi nghe câu chuyện này tôi rất muốn cười. Bạn có biết điều gì khiến tôi muốn cười đến vậy không? Đó chính là lòng hiếu thắng của con người. Hóa ra lòng hiếu thắng của con người rất mãnh liệt, luôn muốn HƠN.
Bất cứ chữ gì có thể ghép được với chữ HƠN thì con người ta đều thích cả dù là mang nghĩa tích cực hay tiêu cực. Lòng hiếu thắng của con người là luôn muốn HƠN mọi người ở một phương diện so sánh nào đó. Đây chỉ là một trông số câu chuyện tôi từng chứng kiến, và còn rất nhiếu câu chuyện như thế.
Tôi tin là bạn cũng từng được chứng kiến cảnh này một lần trong đời. Xin lưu ý thêm, câu chuyện tôi đưa ra là một ví dụ cho lòng hiếu thắng của con người, nó không phải là KHIÊM TỐN bởi lẽ nếu câu chuyện bắt đầu việc khoe giàu thì những người bạn của tôi-những nhân vật chính trong câu chuyện trên đều cố tỏ ra mình rất giàu. Vậy nên tôi mới nói rằng con người luôn thích hơn mà
Tôi cho rằng hiếu thắng là một phần của con người. Ai cũng đều tồn tại trong mình tính hiếu thắng, chỉ có điều là cái cách mỗi người thể hiện ra như thế nào thôi. Hiếu thắng là muốn khẳng định bản thân, muốn được chú ý và nhiều khi là thấy người khác hơn mình thì không thoải mái,… Nói thật đi, có bao giờ bạn muốn nổi bật hơn người khác không?
Chẳng hạn như thành tích của bạn cao nổi bật so với xung quanh hay bạn được khen năng nổ hoạt bát hơn người này người kia. Cũng có khi là những người xung quanh bạn đều thành công tốt đẹp còn bạn thì thất bại thảm hại. Và khi đó, trong lòng bạn liệu có thực sự chúc mừng những người bạn bạn mình hay cảm thấy có chút không phục, có chút ganh tỵ?
Đối diện với chính mình và trả lời thành thực bạn nhé! Tôi tin câu trả lời của bạn là CÓ. Và nếu bạn nói KHÔNG thì cho tôi xin lỗi. Từ chính bản thân mình và những người xung quanh, tôi nhận thấy ai cũng mang trong mình máu hiếu thắng, thật hiếm có một người cao thượng như bạn.
Lòng hiếu thắng-kẻ thù hay người đồng hành?
Thực lòng mà nói thì tôi không cho rằng hiếu thắng là xấu. Bởi khi trong lòng mình tồn tại tính hiếu thắng, tức là mình không muốn thua kém người khác (ở phương diện thua kém một điều gì đó tích cực) thì chúng ta sẽ lấy đó làm động lực để cố gắng chứng tỏ bản thân không hề thua kém ai. Điều đó không phải là rất tốt sao?
Tuy nhiên cái gì cũng có mặt trái của nó, lòng hiếu thắng cũng vậy. Khi tính hiếu thắng quá cao thì nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến mỗi người, trước hết là bản thân chúng ta. Khi ta quá hiếu thắng, ta sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu, lúc nào cũng nghĩ cách hơn thua với người khác bằng được.
Trong người dần sẽ tích tụ ức chế, bực dọc và khi tâm không ổn, lòng không thông thì ta lại càng dễ thất bại. Thứ hai, khi ta để lòng hiếu thắng chế ngự mình thì ta có thể có những hành động mà tôi cho rằng hết sức ngớ ngẩn như nói xấu, dìm người khác để nâng mình.
Và tất nhiên là những mối quan hệ của chúng ta sẽ đi đến hồi kết. Chưa kể đến việc là dìm người khác như vậy nhiều khi bị phản tác dụng. Người bị dìm chưa chắc đã bị nghĩ xấu đi mà ta, cái người đi nói xấu sẽ được đánh giá là kẻ xấu tính, ích kỷ,…
Tôi luôn thích ví lòng hiếu thắng với một con ngựa hoang. Ai không thể điều khiển nó thì chỉ mang đến những tổn thương cho bản thân. Trên một con đường đua, người chế ngự được con ngựa này sẽ nhanh chóng về đích, còn kẻ nào không làm được thì cả chặng đường phải vật lộn với nó mà lợi ích đâu thì chưa biết, chỉ biết rằng mình phải giương mắt nhìn người ta đua nhau về đích còn mình thì mãi dậm chân tại chỗ.
Nhân nói chuyện về lòng hiếu thắng…
Tôi lại nghĩ tới sự kiện Flappy Bird đang rất hot trong cộng đồng người Việt. Tại sao trò chơi này lại hot đến thế? Bản thân tôi cho rằng lòng hiếu thắng góp một phần không nhỏ đâu. Một số người Việt dùng sản phẩm này và cả cánh báo chí đã thổi phồng sự kiện, béo méo, làm biến dạng bản chất sự việc. Tại sao nhiều người Việt phê phán, phàn nàn một cách gay gắt trong khi người sử dụng trên thế giới lại có những đánh giá tích cực về trò chơi này cũng như sự thành công của lập trình viên Nguyễn Hà Đông?
Đó chính là người dân Việt Nam (tất nhiên khôn phải là tất cả người Việt đều vậy) có tính hiếu thắng quá cao hay nói cách khác là ghen ăn tức ở khi thấy được sự thành công của người khác. Sự thành công của Nguyễn Hà Đông với trò chơi Flappy Bird chỉ là do may mắn? Có thực sự vậy không?
“May mắn chỉ đến khi đã có sự chuẩn bi tốt đi kèm với cơ hội.” – khuyết danh
Đúng là không thể phụ nhận có sự tồn tại của may mắn, nhưng may mắn này là nhờ những kinh nghiệm tích lũy trong bao năm trời và đam mê nữa. Vậy đó, cái giá của may mắn cũng đâu hề nhỏ. Liệu bạn có còn muốn nói thành công này chỉ như sự may mắn, ngẫu nhiên tình cờ không?
Vậy nên…
Tôi chỉ muốn nói rằng, chúng ta hãy biết kiềm chế tính hiếu thắng trong mình. Giữ trong mình một chút hiếu thắng để ta phấn đấu tốt hơn, chứ đừng nên thả dây cương để con ngựa mang tên Hiếu Thắng tự do tung hoành. Tôi cho rằng một người biết kiềm chế cong ngựa hoang này sẽ là người đạt được nhiều thành công hơn người khác. Bởi họ biết cái gì tốt cho mình, nên sử dụng cái gì ở mức độ như thế nào để có thể giúp mình thành công.
Và quan trọng hơn là họ dám vươn lên để khẳng định mình. Và tôi cũng tin những người này sẽ không mãi dừng chân ở một cột mốc thành công. Họ sẽ luôn nỗ lực vươn lên để không tụt hậu so với thời đại
Chỉ Vậy Thôi
15/2/14