Featured Image: Đặng Quốc Bảo
Trong suốt hơn 10 năm, kể từ khi bắt đầu học cấp III đến khi tốt nghiệp đại học và đi làm, nếu chúng ta quen nhau thì bạn sẽ rất khó để hẹn tôi đi uống café, hay xem phim vào những buổi chiều thứ bảy. Đó là lúc mà tôi gác lại mọi công việc, cuộc hẹn của mình để theo đuổi một sở thích. Chính là bóng rổ.
Bạn đã từng đam mê một môn thể thao nào đó như bóng đá, bóng rổ, cầu lông, tennis hay khiêu vũ, nhảy hiện đại, bắn cung, đánh kiếm…? Hay bất kỳ hoạt động nào mà bạn đam mê khác? Nếu câu trả lời là “có”, tôi tin rằng bạn sẽ đồng cảm với tôi về việc dành riêng một khoản thời gian cho những hoạt động này.
Cảm giác đó như thể dẫu đã trải qua một tuần làm việc mệt nhọc căng thẳng, nhưng bạn vẫn tràn đầy năng lượng và chỉ mong đến cuối tuần để có những giây phút cực kỳ thư giãn với niềm đam mê đó. Đã bao giờ bạn trải qua cảm giác háo hức mỗi khi xỏ giày ra sân banh? Đã bao giờ bạn cảm thấy run người đầy hào hứng khi bước ra sàn khiêu vũ? Giả sử như hôm đó có mưa một chút, bạn có sẵn sàng đội mưa đi đến nơi sinh hoạt hay không?
Mỗi khi làm điều gì mà chúng ta say mê và khao khát, những trở ngại đều trở nên nhỏ bé hơn. Không cần ai thúc đẩy nhưng chính chúng ta luôn sẵn sàng để đi tới đó. Tôi cũng không phải là một ngoại lệ. Mỗi tuần, cứ đến khoảng 1 giờ trưa thứ bảy là tôi lại thầm cầu mong trời đừng mưa để được chơi bóng rổ. Nếu như có mưa chút ít, tôi vẫn cố gắng lên sân với hy vọng mưa sẽ tạnh. Còn nếu như trời nắng thì quá tuyệt vời rồi. Thậm chí, nếu quá nắng, tôi vẫn lên sân và kiên nhẫn ngồi chờ đợi nắng sẽ nhạt đi trong thời gian ngắn thôi.
Những cuộc hẹn của tôi đều được khéo léo sắp xếp vào một thời điểm khác. Ngay cả khi đó là cuộc hẹn với người yêu. Còn nếu như buộc phải gặp bạn ấy trong thời điểm này, giải pháp sẽ là rủ cô ấy cùng lên sân bóng rổ và chơi. Chuyện này đã xảy ra trong hơn 10 năm nay. Tôi vẫn hy vọng rằng mình sẽ còn đủ sức khỏe để duy trì điều này trong 10 năm sắp tới.
Điều thú vị nhất là khi tôi phát hiện ra không phải chỉ duy nhất bản thân mình nghĩ như vậy; mà hầu hết tất cả những người bạn chơi bóng rổ cùng tôi đều có chung một phản ứng như thế. Mỗi khi lên sân bóng, tôi đều nhìn thấy những khuôn mặt đầy năng lượng như thế. Mỗi khi trời mưa, tôi cũng cảm nhận được sự thất vọng khi các bạn đã nuôi một chút hy vọng để lên sân nhưng vẫn phải thất thỉu đi về. Một vài người với quyết tâm lớn hơn thì sẵn sàng ngồi đợi đến khi mưa tạnh để được chơi môn thể thao mình yêu thích. Đó chẳng phải là những hình ảnh rất đẹp đấy sao? Tất cả những việc đó chỉ xảy ra khi chúng ta thật sự được làm những điều mình yêu thích.
Tuy nhiên, bóng rổ, cũng như nhiều thú vui giải trí khác, không phải là ước mơ của tôi mà chỉ là một sở thích mà thôi. Điều đáng nói ở đây, dù chỉ là một sở thích, chúng ta vẫn cảm nhận được sự vui sướng khi thực hiện nó. Như vậy nếu như bạn đang sống ước mơ của mình thì niềm vui sướng đó sẽ được nhân lên gấp bao nhiêu lần nữa? Tuy nhiên, một trong những thử thách lớn nhất của mỗi người trên con đường tìm kiếm ước mơ của mình đó chính là sự nhầm lẫn giữa ước mơ và sở thích đơn thuần. Nguyên do vì đôi khi chúng ta chưa hiểu rõ bản thân hay vị trí hiện tại trên con đường thực hiện ước mơ. Điều này khiến chúng ta phải mất rất nhiều thời gian thử sai, tìm kiếm và thật sự, quá trình này đầm cam go xen lẫn với cảm giác thất vọng. Vậy làm cách nào để có thể xác định được “Đâu là ước mơ của mình và đâu chỉ là một sở thích?”
Mặc dù đam mê bóng rổ là thế nhưng tôi luôn biết được rằng đây chỉ là sở thích chứ không phải là ước mơ của mình. Lý do bởi vì tôi biết chiều cao và kỹ thuật của mình không phù hợp để trở thành vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp. Vì vậy, một lần nữa, việc xác định được mình là ai có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc tìm kiếm cuộc sống mơ ước của mình. Tuy nhiên, với những sở thích khác? Câu chuyện không hề đơn giản…
Khi tôi còn học những năm cuối cấp của tiểu học, tôi có một cơ hội hiếm có khi tham dự cuộc thi tin học không chuyên của thành phố Hồ Chí Minh. Thời điểm đó, tin học và máy vi tính vẫn còn là những khái niệm khá mới mẻ với nhiều người. Tôi may mắn có một người chú ruột làm trong lĩnh vực này nên đã được tiếp cận máy tính vào thời điểm còn rất sớm. Với những hệ điều hành DOS, NTSC còn rất sơ khai (có thể bạn chưa bao giờ nghe nói đến những hệ điều hành này), những chương trình vẽ bằng Paint hay những trò chơi được chép qua những đĩa mềm 1,4Mb, tôi say mê trong thế giới điện tử. Tôi say mê đến mức mà mỗi tháng bố mẹ của tôi đều cho tôi tiền để mua tạp chí PCWorld, một tạp chí đầy thách thức để hiểu với một em bé tiểu học.
Tôi đã nghĩ ước mơ của mình sẽ trở thành một nhà lập trình, một chuyên viên máy tính hay tương tự. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của mình thì ước mơ này ngày một phai nhạt hơn. Đến năm cấp II, tôi hứa với thằng bạn thân của mình sẽ trở thành bộ trưởng tài chính. Ước mơ đó phần nào đã đi đúng hướng khi tôi đậu vào trường đại học ngân hàng TP.HCM với chuyên ngành quản trị kinh doanh. Khi ra trường tôi vẫn tìm kiếm công việc theo đúng chuyên ngành đào tạo, nhưng ước mơ đã có thay đổi đôi chút khi tôi nghĩ rằng mình sẽ trở thành một chuyên viên đầu tư tài chính trong một thị trường chứng khoán đầy năng động lúc bấy giờ.
Để thực hiện ước mơ này, tôi cũng đã nỗ lực khi tham dự kỳ thi CFA (một chứng chỉ đầu tư tài chính thế giới) cũng như quyết định theo học thạc sỹ ngành tài chính tại Úc. Sau đó nữa thì rất nhiều thời điểm trong tâm trạng cực kỳ phấn khích, tôi mong muốn trở thành nhà diễn thuyết, nhà văn, thợ làm bánh, chuyên viên trang điểm, tạo mẫu tóc, nghệ sỹ pha chế café… Tôi tin rằng, sự mong muốn này cũng sẽ chưa dừng lại.
Đã bao giờ bạn rơi vào những trường hợp tương tự khi mình có quá nhiều lựa chọn?
Cách thức thử sai sẽ cho bạn rất nhiều cơ hội trải nghiệm nhưng cũng chính vì thế bạn dễ dàng trở nên lạc lối hơn. Vì vậy, rất cần một công cụ để bạn có thể xác định được ước mơ của mình một cách chính xác nhất. Điều này sẽ giúp bạn tập trung hết mọi nguồn lực từ thời gian, công sức, tài chính để phục vụ mục tiêu đó. Một khi bạn càng sớm xác định được ước mơ của mình, không những bạn sẽ có thể gặp nhiều thuận lợi hơn trên con đường sự nghiệp, mà hơn thế nữa, bạn sẽ càng có nhiều thời gian tận hưởng cuộc sống này một cách đầy đam mê nhất.
5 dấu hiệu để xác định ước mơ của bạn
- Thứ nhất, bạn luôn tìm kiếm thông tin về lĩnh vực này ngay cả khi nó không liên quan đến công việc hay chuyên ngành bạn học. Bạn có thể ngồi trên máy tính hàng giờ đồng hồ, mày mò tìm cách để làm công việc đó tốt hơn từ rất nhiều nguồn khác nhau. Có thể đó là trang web Việt Nam, trang web nước ngoài, diễn đàn, forum, bài viết hay video liên quan. Bạn không ngại đọc những cuốn sách, bài hướng dẫn về chủ đề này cho dù nó được viết bằng ngôn ngữ khác và gây cho bạn không ít trở ngại. Bạn luôn khao khát cập nhật những thông tin mới nhất về chủ đề này và mong muốn mình sẽ là người được biết đầu tiên.
- Thứ hai, bạn không hề cảm thấy thiếu năng lượng khi làm điều đó. Bạn có thể thức đến 1, 2 giờ sáng để may những chiếc túi da hoặc viết cuốn sách của mình. Bất cứ thởi điểm nào, bạn luôn cố gắng tìm kiếm những khoảng thời gian trống trong ngày để nghĩ về nó, để thực hiện nó. Bạn luôn hy vọng có thể làm việc đó một cách hiệu quả hơn. Bạn trau chuốt cho tác phẩm của mình để nó trở nên hoàn hảo nhất.
- Thứ ba, bạn tự hào và vui sướng khi chia sẻ những thành quả của mình.
- Thứ tư, bạn không quan tâm đến những lời chê bai chỉ trích của người khác về đam mê của bạn. Ngược lại, bạn lại cảm thấy rất hạnh phúc và sảng khoái khi có người ủng hộ. Cho dù thế nào, bạn vẫn muốn thực hiện điều đó.
- Cuối cùng, bạn mơ ước mình có thể bán được sản phẩm này và tạo được nhiều giá trị hơn nữa trong lĩnh vực bạn đang đam mê. Bạn cũng muốn nhiều người tham gia cùng bạn để thực hiện và sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn cho những người mới.
Bạn đã có bao nhiêu dấu hiệu cho ước mơ của mình?
Ngoài ra, còn một cách nữa để bạn xác định được đâu là ước mơ và đâu chỉ là sở thích. “Điểm khác nhau giữa yêu một người và thích một người là gì? Dấu hiệu của tình yêu là gì?”
Tình yêu chỉ có một nhưng những thứ tương tự như tình yêu thì lại rất nhiều. Cảm xúc tương tự yêu đó được đặt nhiều tên khác nhau như cảm, thích, quý, mến … Bạn có thể dễ dàng bị cuốn hút bởi một hay vài đặc điểm của người khác, và từ đó có thể dẫn đến một tình yêu. Tuy nhiên, có một sự thật là để biết mình có yêu một người hay không, bạn không thể nào dựa vào những đặc điểm của đối phương, kể cả hình thức lẫn nội dung!
Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng, phần bản chất bên trong người yêu mình mới quan trọng vì bề ngoài quá dễ thay đổi. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Đã bao giờ bạn chứng kiến tính cách của một người mình yêu thương thay đổi? Có thể đó là một tai nạn, một hiện tượng, một cú shock mà tâm tính người đó thay đổi hoàn toàn. Lúc đó, tình cảm của bạn dành cho người đó thế nào?
Vì vậy, việc xác định mình yêu một ai, không phụ thuộc vào đối phương. Đơn giản tình yêu đó là của chính bạn, không thể nào liên quan đến người khác. Nếu như chúng ta nói rằng chúng ta yêu một người nào đó vì tính cách người đó dễ thương hay một ngoại hình hấp dẫn thì có lẽ đó chưa phải là tình yêu. Vì một người như vậy thì ai cũng có thể yêu thương được, không cần một tình yêu từ chúng ta. Tình yêu đối với tôi cùng với cảm xúc là một sự nhận thức song hành là ta đồng cảm, thấu hiểu và yêu cả những điểm chưa hoàn thiện của người yêu. Chính vì vậy, để có thể xác định được mình yêu một người bạn phải tìm hiểu từ chính bản thân mình, không phải đối phương. Đó là hành trình tìm kiếm những dấu hiệu bên trong chúng ta.
- “Bạn có mong muốn gặp lại và luôn chờ từng ngày để gặp lại người ấy?”
- “Khi ở cạnh người ấy, bạn có luôn cảm thấy thoải mái vì được là chính mình?”
- “Có đôi lúc mối quan hệ giữa bạn và người ấy thật khó khăn, nhưng bạn không bỏ cuộc vì bạn hiểu được rằng mình rất muốn gắn bó với người ấy?”
- “Bạn tin chắc chắn mình sẽ hạnh phúc khi ở bên cạnh người ấy?”
Có lẽ dần dần cuốn sách này đang dần trở thành cuốn sách tư vấn về tình yêu mất nên tôi sẽ tạm thời dừng ở đây.
Bây giờ, điều bạn nên làm để xác định ước mơ là đặt những câu hỏi tương tự với bất kỳ hoạt động nào đó bạn yêu thích như: ca hát, khiêu vũ, thể thao, chơi game…
- “Bạn có chờ đợi được đến ngày đi học khiêu vũ và luôn mong ngóng đến buổi tập?”
- “Khi ca hát, tinh thần bạn có hết sức thư giãn và thoải mái không?”
- “Chơi thể thao mệt thật đấy, nhưng bạn thích đến mức có thể chấp nhận luyện tập mệt mỏi hơn nữa để ngày càng chơi giỏi hơn?”
- “Bạn có hạnh phúc và mãn nguyện khi chơi game không?”
Những biểu hiện bên ngoài có thể đánh lạc hướng bạn, nhưng những dấu hiệu bên trong bạn sẽ có tính chính xác cao hơn. Hãy tin vào trực giác, cảm xúc và suy nghĩ của mình để tìm được những gì bạn đam mê. Khi bạn theo đuổi được điều này, cuộc sống trong mơ của bạn đang dần trở nên rõ rệt hơn. Bạn cảm nhận được từng tế bào trong cơ thể mình reo lên sung sướng.
Tại sao lại không biến cuộc đời bạn, công việc mỗi ngày của bạn trở thành điều bạn mơ ước? Thay vì bạn phải dành cả tuần để làm một công việc buồn tẻ, chỉ để có trang trải cuộc sống và dành những ngày nghỉ hiếm hoi để trải nghiệm cảm giác đam mê qua việc chơi tenis, bóng rổ hay khiêu vũ. Bạn sẽ lựa chọn như thế nào? Hãy tự mình kiểm chứng với những hoạt động chung quanh bạn, bạn sẽ xác định được đâu là ước mơ, đâu có thể chỉ là những sở thích nhất thời. Hãy tin vào những dấu hiệu bên trong. Khi đó, bạn sẽ thức dậy mỗi ngày với niềm hạnh phúc dâng trào trong từng hơi thở.
Đặng Quốc Bảo
tuyệt vời
Nếu loại bỏ phần “Yêu” thì bài viết sẽ hay và khá chuẩn.
Đối với đa số + định kiến xã hội thì tình yêu chỉ có một. Nhưng đấy không phải sự thật! Khi con tim rung động thì lý trí sẽ chẳng còn quyền lực. Yêu là để cảm, chứ không phải để nghĩ.
Dù sao cũng cảm ơn tác giả về bài viết lấy từ trải nghiệm cá nhân 🙂