Tranh: Tào Linh
“Theo lý trí thì gặp trở ngại. Theo tình cảm thì bị cuốn trôi. Theo chí hướng riêng thì bế tắc. Nhìn theo kiểu nào thì thế giới con người cũng là một nơi khó sống. Khi cảm thấy khó sống thì người ta thích tìm đến nơi nào dễ chịu. Và khi nhận ra rằng chẳng có nơi nào dễ chịu để sống thì người ta làm thơ, vẽ tranh.”
– Soseki Natsume, Gối Đầu Lên Cỏ
Làm thi, họa theo Soseki tức là làm nghệ thuật để sống dễ chịu hơn, là con đường duy nhất thoát ra khỏi đời thường ‘luôn không dễ chịu’ bởi người ta về bản chất luôn không thấy dễ chịu với đời mà chết thì cũng không muốn. Ngay cả khi có đủ Phúc – Lộc – Thọ, khi được ôm ấp trong vòng tay mẹ hay người tình, khi trên đỉnh vinh quang trần thế… người ta vẫn thấy mình cô độc và sinh tồn là vô nghĩa. Cái ‘thiên cổ sầu’ của Lý Bạch là một định mệnh con người cũng là suối nguồn của nghệ thuật và động lực sống. Nghệ thuật là sáng tạo để tạm thời ‘xử lý’ cái ‘thiên cổ sầu ấy’. Tú Xương có câu thơ thật hay: “Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn/Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn!” Cái sầu bản thể hơn hẳn cái sầu mùa thu của Nguyễn Khuyến, sầu mất nước của Lục Du hay sầu thất tình của Thơ Mới. Tại sao lại sầu về đêm, tại sao dịch học khuyên nghĩ gì thì nghĩ vào giờ Tý? Đêm thì mọi thứ khép lại, ngủ cả nên ta tự nhiên thoát khỏi đời thường. Tình cảm có cơ được thanh lọc, suy nghĩ được gỡ khỏi mớ bòng bong mưu sinh ‘ô trọc’. Các khớp nối thần kinh hoạt động thanh thoát và tinh nhậy nhất. Các giác quan và suy tưởng cũng tinh nhậy theo.
Nhưng theo tôi, đêm còn quan trọng với sáng tạo bởi có những giấc mơ. Giấc mơ có những cảnh trí kì lạ, ta từng thấy hay chưa từng thấy và thú vị là chúng được bố cục phi nguyên tắc hoặc theo các nguyên tắc không hiểu được của thánh thần. Phải chăng điều đó thôi đã là sáng tạo? Tôi ngủ luôn mơ, không mơ thì rất tiếc. Mà cũng khó phân biệt, chia cắt hay đối nghịch ‘thực’ với ‘mộng’. Nên tôi thấy ẩn dụ người-bướm của Trang Tử là một sự thực đời sống hơn là một triết lý cao xa. Lại có phép tu thân và tu để giác ngộ khuyên người ta muốn hạnh phúc thì hãy diệt dục tận gốc. Làm sao cho các dục vọng không trỗi dậy ngay cả trong mơ? Mà các nhà phân tâm học lại khẳng định trong mơ các dục vọng và libido hoành hành sôi động nhất! Còn các nghệ sĩ siêu thực coi giấc mơ là ‘thật hơn thật’, là sự thật siêu thoát. Và khó cãi lại khi họ cho rằng ‘siêu thực’ mới là chân lý duy nhất-của con người và vũ trụ.
Trong mơ có những phong cảnh hùng vĩ, lộng lẫy, nên thơ hay hung hiểm nhất. Có những cuộc tình, có tự do cho mọi hành vi, ứng xử ‘phi luân, phi đạo’, hay khoái hoạt bất ngờ, có bạo hành, khổ đau, chết chóc kinh hoàng. Có những vần thơ và những bức tranh tới trong mơ. Cũng có khi có tiếng nhạc, tiếng chim, hiếm có mùi, vị nhưng phần lớn của giấc mơ là thị giác. Cơ hội thứ hai của sáng tạo nghệ thuật là tình yêu hết mình và những cuộc thất tình. Tình yêu mang lại sự thăng hoa cho các giác quan, đào luyện cho chúng trở nên tinh nhậy và thông thái, làm ta khám phá bản chất tiềm ẩn của thế giới, thiên nhiên và xã hội. Không có các cuộc thất tình của các danh nhân thì có lẽ nghệ thuật nhân loại đã mất đi một phần ba. Không kém quan trọng với sáng tạo là những tai họa, những nỗi đau khổ mất mát mà ta đối diện, chứng kiến hay phải chịu đựng, chúng giống như ‘kinh nghiệm cận tử’ của những người ‘từ cõi chết trở về’ sau bạo bệnh. Ta giác ngộ ra các ý nghĩa và cái vô nghĩa của sinh tồn.
Kiến thức được coi là những viên gạch xây nên tòa lâu đài trí tuệ. Không có kiến thức tất không thể xây nhà. Tuy nhiên kiến thức cùng các chất kết dính để xây dựng, cũng là một loại kiến thức vô cùng quan trọng khác là vật liệu chết, vô hồn nếu không có sự tổ chức không gian của trí tuệ kiến trúc. Nhiều phát biểu phản đối trí thức duy lý, tư biện, hàn lâm; đối lập chúng với sáng tạo nghệ thuật thậm chí lên án chúng là rào cản, là kẻ thù của thăng hoa sáng tạo nghệ thuật. Tôi nghĩ bản án đó chỉ đúng trong trường hợp hiểu biết, trí thức bị giáo điều máy móc hóa. Khi đó ta trở nên nô lệ của chúng, của những cái cũ đã có sẵn và tất nhiên không sáng tạo được gì hết. Khi đó thì đúng là “Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch/ Duy hữu ẩm giả lưu kì danh – Xưa nay thánh và hiền (giáo điều) có ai buồn biết tới/Chỉ có bậc biết uống rượu mới lưu danh lạ mà thôi”. Ngược lại nếu ta là ông chủ của hiểu biết thì càng nhiều hiểu biết, tri thức càng tốt, ta càng có thêm vật liệu để xây dựng tòa lâu đài trí tuệ tráng lệ, to lớn hơn. Không thể có sáng tạo nghệ thuật lớn nếu không là một trí thức lớn. Một chỗ bí của văn nghệ sĩ ta nghển cổ mong chờ các tác phẩm lớn là ở chỗ này chăng?
Người ta còn tranh luận hoài nghi rằng từ toán học, triết học, khoa học công nghệ tới nghệ thuật rằng con người có thực sự sáng tạo hay chỉ là phát hiện ra những sáng tạo có sẵn của Thượng đế? Hoặc giả phủ nhận Thượng đế, tự phong mình là Thượng đế của mình qua tiến hóa thì vẫn nghi hoặc rằng chính cái kịch bản tiến hóa, sáng tạo kia cũng là tác phẩm của ông Giời: ‘Con quay búng ở trên trời…’ rồi! Dẫu sao sáng tạo vẫn là khoái thú, một cách để tới một cuộc đời, một nơi chốn dễ chịu hơn.
Nhàn đàm, cảm khoái bất định, suy nghĩ miên man bên tách cà phê, hay trà dư tửu hậu với tôi 40% là phù phiếm, 40% là học hỏi bổ ích, còn lại chính là sáng tạo.
Hiệu suất quá cao!
[box style=”info”]Tác giả: Nguyễn Quân
Họa sĩ, nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân sinh năm 1948. Ông từng là Phó chủ nhiệm khoa Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Mỹ thuật, Phó giám đốc NXB Mỹ thuật v.v… Từ 1989, ông hành nghề tự do: sáng tác tranh, tượng, nghiên cứu, giảng dạy Lịch sử mỹ thuật, Nghệ thuật học, viết phê bình, nghiên cứu văn hóa… Nguyễn Quân là tác giả của hàng loạt cuốn sách “độc” nghiên cứu mỹ thuật, nhất là Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX.[/box]
Nguồn: Chaly Cafe