Tất cả chúng ta đều muốn đạt được điều gì đó trong cuộc sống — sở hữu một thân hình vừa vặn, gây dựng một công ty thành công, tạo dựng một gia đình hạnh phúc, viết một cuốn sách best-seller, thắng một giải thưởng lớn, và còn nhiều nữa.
Và với hầu hết chúng ta, con đường chinh phục những điều này bắt đầu từ việc đặt một mục tiêu cụ thể và khả thi. Ít nhất thì đây là cách mà tôi làm cho đến gần đây. Tôi từng đặt mục tiêu cho những lớp học tôi tham gia, cho những quả tạ tôi muốn nâng trong phòng gym, và cho những đối tác trong kinh doanh. Tuy nhiên, điều tôi bắt đầu nhận ra là nếu bạn muốn thực sự làm xong việc và tạo tiến độ trong những lĩnh vực quan trọng, có một cách tiếp cận tốt hơn rất nhiều.
Chung quy nó chính là sự khác biệt giữa mục tiêu và hệ thống, điều tôi sẽ giải thích sau đây.
Sự khác biệt giữa Mục tiêu và Hệ thống
Mục tiêu và Hệ thống khác nhau ở điểm nào?
- Nếu bạn là một huấn luyện viên, mục tiêu của bạn là giành ngôi vô địch. Hệ thống là những gì đội bạn tập luyện mỗi ngày.
- Nếu bạn là một nhà văn, mục tiêu của bạn là viết một cuốn sách. Hệ thống là thời gian biểu viết lách mỗi tuần bạn tuân theo.
- Nếu bạn là một vận động viên điền kinh, mục tiêu của bạn là một cuộc chạy marathon. Hệ thống là lịch huấn luyện cho cả tháng.
- Nếu bạn là một doanh nhân, mục tiêu của bạn là xây dựng một công ty triệu đô. Hệ thống là quá trình bán hàng và quảng bá thương hiệu.
Có một câu hỏi thực sự thú vị:
Nếu bạn hoàn toàn phớt lờ mục tiêu và tập trung hoàn toàn vào hệ thống của mình, liệu bạn có thể tạo ra thành quả nào không?
Ví dụ như bạn là một huấn luyện viên bóng rổ và bạn lờ đi mục tiêu vô địch và chỉ tập trung vào những gì đội bóng của bạn làm mỗi buổi luyện tập hàng ngày, liệu bạn sẽ tạo ra một thành quả nào đó? Tôi nghĩ câu trả lời là có.
Đây là một ví dụ, tôi mới cộng tổng số từ trong các bài viết tôi viết trong năm nay. Kết quả là, trong 12 tháng gần đây, tôi đã viết hơn 115,000 chữ. Vì một cuốn sách thường có 50,000 đến 60,000 chữ, điều đó có nghĩa là tôi đã viết đủ để lấp đầy hai cuốn sách chỉ trong năm nay. Đây quả thực là một bất ngờ vì tôi đã không đặt một mục tiêu viết lách nào. Tôi chưa từng đo lường tiến độ của mình theo một tiêu chuẩn nào đó. Tôi chưa từng đặt một số từ mục tiêu cho bất kì một bài tôi viết. Tôi chưa từng nói nói “Tôi muốn viết hai cuốn sách trong năm nay.”
Điều tôi thực sự tập trung là viết một bài viết mỗi thứ Hai và thứ Năm. Gắn chặt với lịch trình ấy suốt 11 tháng, kết quả là 115,000 chữ đã được viết. Tôi tập trung vào hệ thống của mình và quá trình hoàn thành công việc. Cuối cùng, tôi nhận được một thành quả tương đương (hay thậm chí tốt hơn).
Sau đây là 3 lý do bạn nên tập trung vào hệ thống thay vì mục tiêu.
1. Mục tiêu làm giảm đi hạnh phúc hiện tại của bạn
Khi bạn làm việc hướng tới một mục tiêu, bạn về cơ bản tự nhủ rằng “Tôi chưa đủ giỏi, nhưng tôi sẽ giỏi khi hoàn thành mục tiêu.”
Vấn đề với lối tư duy này là bạn đang tự bảo bản thân rằng mình sẽ có hạnh phúc và thành công khi đạt được cột mốc tiếp theo. “Khi nào tôi đạt được mục tiêu, thì tôi mới hạnh phúc. Khi nào tôi đạt được mục tiêu, thì tôi mới thành công.”
GIẢI PHÁP: Theo đuổi một quá trình, chớ phải một mục tiêu.
Lựa chọn một mục tiêu đặt gánh nặng lớn lên đôi vai của bạn. Bạn có thể tưởng tượng sẽ ra sao nếu mục tiêu hồi đầu năm của tôi là viết hai cuốn sách trong 12 tháng? Viết ra câu này thôi cũng đã áp lực lắm rồi. Nhưng chúng ta liên tục làm điều này với chính mình. Chúng ta đặt những áp lực không cần thiết lên bản thân để giảm cân hoặc kinh doanh thành công hay viết tiểu thuyết bán chạy… Thay vào đó, bạn có thể nghĩ đơn giản hơn và giảm thiểu áp lực bằng cách tập trung vào tiến độ công việc hàng ngày và bám sát theo lịch trình của mình, hơn là bận tâm về những mục tiêu lớn lao và thay đổi cuộc đời. Khi bạn tập trung vào luyện tập thay vì hiệu suất, bạn có thể sống trong khoảnh khắc hiện tại và cùng lúc cải thiện bản thân.
2. Lạ lùng thay những mục tiêu không phù hợp với tiến độ lâu dài
Bạn có thể cho rằng mục tiêu sẽ thúc đẩy bạn về đường dài, song, không phải lúc nào điều này cũng đúng. Lấy ví dụ một người đang luyện tập cho cuộc chạy bán-marathon (21.1 km). Nhiều người sẽ luyện tập chăm chỉ hàng tháng trời, nhưng ngay khi họ hoàn thành cuộc chạy, họ dừng việc luyện tập ấy. Mục tiêu của họ là hoàn thành cuộc chạy bán đường dài và họ đã đạt được nó, mục tiêu ấy không thúc đẩy họ được nữa. Khi mọi nỗ lực của bạn được dành cho một mục tiêu cụ thể, điều gì sẽ thúc bạn đi sau khi mục tiêu ấy được hoàn thành?
Điều này tạo ra một hiệu ứng tạm gọi là “hiệu ứng yo-yo”, khi người ta di chuyển qua lại giữa hai trạng thái hành động hướng tới mục tiêu và không hành động gì. Chu kì này khiến cho việc tạo ra tiến độ lâu dài trở nên khó khăn hơn nhiều.
GIẢI PHÁP: Quên đi, bỏ qua những kết quả tức thì
Tuần trước, tôi có đến phòng gym tập động tác clean and jerk. Khi tôi tập đến những set cuối, tôi cảm thấy nhói ở chân. Nó không đau đớn hay là một chấn thương gì mà chỉ là dấu hiệu mệt mỏi khi đến gần cuối buổi tập. Trong một vài phút, tôi nghĩ đến chuyện hoàn tất set cuối cùng. Sau đó, tôi nhớ ra rằng kế hoạch luyện tập của tôi kéo dài cả cuộc đời và đã quyết định nghỉ sớm hôm đó.
Trong tình huống như trên, tinh thần dựa trên mục tiêu sẽ nhắc bạn hoàn thành bài tập và đạt mục tiêu. Sau cùng thì nếu bạn đặt ra một mục tiêu và không đạt được nó, bạn cảm thấy như một kẻ thất bại. Nhưng với một tinh thần dựa trên hệ thống, tôi không gặp vấn đề gì. Tư duy dựa trên hệ thống không bao giờ quan tâm đạt đến một con số cụ thể nào, nó chỉ gắn chặt với tiến độ và không bỏ sót luyện tập.
Tất nhiên, tôi biết rằng nếu tôi không quên một buổi tập nào thì tôi sẽ nâng được những quả tạ lớn hơn về lâu dài. Và đó là lý do hệ thống giá trị hơn so với mục tiêu. Mục tiêu là những kết quả ngắn hạn. Hệ thống là những quá trình dài hơi. Sau cùng thì quá trình sẽ luôn chiến thắng.
3. Mục tiêu ám chỉ bạn có thể kiểm soát những điều không thể
Bạn không thể dự đoán tương lai. Nhưng mỗi khi đặt mục tiêu, chúng ta cố gắng làm điều ấy. Chúng ta cố gắng lên kế hoạch nơi chúng ta sẽ tới và thời điểm chúng ta sẽ tới đó. Chúng ta cố gắng dự đoán chúng ta sẽ tạo tiến độ nhanh tới mức nào, kể cả khi chúng ta không biết gì về hoàn cảnh hay tình huống sẽ xuất hiện trên con đường.
GIẢI PHÁP: Tạo ra vòng lặp phản hồi.
Mỗi thứ Sáu, tôi dành 15 phút để điền vào một bảng tính những số liệu quan trọng nhất cho công việc. Ví dụ, tôi sẽ tính toán tỉ lệ chuyển đổi trong một cột (phần trăm khách ghé thăm website đăng kí nhận tin từ tôi mỗi tuần). Tôi hiếm khi nghĩ về con số này, nhưng kiểm tra cột này mỗi tuần cho tôi một vòng lặp phản hồi cụ thể để tôi biết mọi thứ vẫn đang ổn. Khi con số này giảm đi, tôi biết là mình cần gửi nhiều lưu lượng chất lượng hơn tới trang web.
Vòng lặp phản hồi đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng những hệ thống tốt vì chúng cho phép bạn kiểm soát nhiều mảnh ghép khác nhau song không khiến bạn thấy áp lực phải dự đoán điều gì chuẩn bị xảy ra với mọi thứ. Hãy quên đi việc dự đoán tương lai và xây dựng một hệ thống có khả năng ra hiệu khi nào thì bạn cần thay đổi.
Yêu quý Hệ Thống
Tôi không bảo rằng mục tiêu hoàn toàn vô dụng. Tuy nhiên, tôi khám phá ra rằng mục tiêu tốt cho việc lên kế hoạch cho tiến độ trong khi hệ thống tốt cho việc thực sự tạo ra tiến độ. Mục tiêu có thể cho bạn những chỉ dẫn và thậm chí thúc đẩy bạn đi trong ngắn hạn, nhưng cuối cùng một hệ thống tốt sẽ luôn chiến thắng. Sở hữu một hệ thống mới là cái quan trọng. Theo đuổi một quá trình mới là thứ làm nên khác biệt.
Tác giả: James Clear
Dịch: Sang Doan
Review: Nguyễn Hoàng Huy
📌 Ủng hộ dịch giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP
📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2
Cảm ơn biên dịch ! Em là một học sinh lớp 12 chuẩn bị thi đại học, gần đây em luôn bị ám ảnh bởi những con số, mục tiêu của mình đã đặt ra, và càng đến ngày thi thì em thì càng thấy stress không cách nào giải toả được.
Nhưng bài viết này thực sự đã giúp em bình tĩnh lại và cởi bỏ được những áp lực của mục tiêu. Em thực sự cảm ơn biên dịch, đọc được một bài viết như thế này trước kì thi quả thật rất ý nghĩa.