27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Translation™] Chiến lược “2 Danh sách” của tỷ phú Warren Buffett: Cách để tập trung tối đa và làm chủ các ưu tiên của bản thân

4

(940 chữ, 4 phút đọc. 69,358 Saves, Must Read trên Pocket)

Sở hữu hơn 50 tỷ đô la tài sản, Warren Buffett luôn được xếp hạng trong số những người giàu nhất thế giới. Trong tất cả những nhà đầu tư của thế kỷ 20, Buffett là người thành công nhất.

Với thành công to lớn ấy, hẳn là rất hợp lý khi cho rằng Buffett có một sự hiểu biết tuyệt vời về cách phân bổ thời gian mỗi ngày. Từ góc độ tiền tài, bạn có thể nói rằng ông quản lý thời gian của mình tốt hơn bất kỳ ai khác.

Và đó là lý do tại sao câu chuyện dưới đây, được một nhân viên của Buffett chia sẻ trực tiếp với người bạn tốt Scott Dinsmore của tôi, đã khiến tôi phải chú ý.

Hãy cùng thảo luận về chiến lược đạt hiệu suất với 3 bước đơn giản mà Warren Buffett sử dụng để giúp nhân viên của ông xác định các ưu tiên và hành động của họ.

Câu chuyện của Mike Flint

Mike Flint là phi công riêng của Buffett trong 10 năm. (Flint cũng đã phục vụ 4 tổng thống Mỹ, vì vậy tôi nghĩ chúng ta có thể nói rằng anh khá giỏi trong việc lái máy bay.) Theo lời Flint, khi trò chuyện với sếp của anh về những ưu tiên trong sự nghiệp, Buffett đã yêu cầu anh trải qua một bài tập gồm 3 bước như sau:

BƯỚC 1: Buffett bắt đầu bằng cách bảo Flint ghi lại 25 mục tiêu sự  nghiệp hàng đầu của mình. Thế là Flint dành một lúc để viết chúng ra. (Lưu ý: Bạn cũng có thể hoàn thành bài tập này với các mục tiêu cho một khoảng thời gian ngắn hơn. Ví dụ, hãy ghi lại 25 mục tiêu hàng đầu bạn muốn hoàn thành trong tuần này.)

BƯỚC 2: Tiếp đó, Buffett bảo Flint xem lại danh sách và khoanh tròn 5 mục tiêu hàng đầu trong số đó. Một lần nữa, Flint dành thời gian để kiểm lại cả danh sách, và cuối cùng đã quyết định được 5 mục tiêu quan trọng nhất.

Lưu ý: Nếu bạn đang đọc bài này ở nhà, hãy tạm dừng đọc, và thực hiện 2 bước này trước khi chuyển sang Bước 3.

BƯỚC 3: Đến đây, Flint có 2 danh sách. 5 điều anh đã khoanh tròn là Danh mục A, và 20 điều còn lại là Danh mục B.

Flint xác nhận rằng anh sẽ bắt đầu thực hiện 5 mục tiêu hàng đầu của mình ngay lập tức. Và đó là lúc Buffett đã hỏi anh về danh sách thứ hai, “Vậy những điều anh không khoanh tròn thì sao?”

Flint trả lời, “À, 5 điều này là trọng tâm chính yếu của tôi, nhưng 20 điều kia cũng được xếp sát ngay sau. Chúng vẫn quan trọng, vì vậy tôi cũng sẽ xử lý tùy thời thích hợp. Chúng không gấp bằng, nhưng tôi vẫn dự tính dành chút tâm sức nỗ lực cho chúng.”

Nghe vậy, Buffett trả lời, “Không. Anh nhầm rồi, Mike. Những điều mà anh không khoanh tròn chính là danh sách Những điều phải tránh bằng mọi giá. Dù thế nào chăng nữa, những điều này sẽ không được anh chú ý đến chừng nào anh chưa thành công với 5 mục tiêu hàng đầu của mình.”

Sức mạnh của sự loại trừ, buông bỏ

Tôi tin vào tinh thần tối giản và sự đơn giản. Tôi thích loại bỏ những thứ vô giá trị. Tôi nghĩ rằng loại bỏ sự những thứ không thiết yếu là một trong những cách tốt nhất để khiến cuộc sống thoải mái hơn, dễ dàng tạo nên những thói quen tốt hơn, và để thấy thấy biết ơn với những gì mình thực sự có.

Vậy nhưng loại bỏ những điều vô giá trị gây hoang phí cũng tương đối dễ dàng. Chính việc bỏ đi những gì bạn quan tâm mới khó. Thật khó để ngăn cản bản thân dành thời gian cho những thứ dễ suy xét nhưng chẳng đem lại mấy thành quả. Những công việc dễ khiến bạn chệch khỏi tiến trình nhất chính là những việc mà bạn quan tâm nhưng lại không thực sự quan trọng.

Mọi hành động đều có cái giá phải trả. Ngay cả những hành động trung tính cũng không thực sự trung tính. Chúng gây mất thời gian, năng lượng và không gian mà bạn vốn có thể dành cho những hành động tốt hơn hoặc các nhiệm vụ quan trọng hơn. Chúng ta thường quay vòng theo những chuyển động thay vì thực sự hành động.

Đây là lý do tại sao chiến lược của Buffett thật xuất chúng. Các mục từ 6 đến 25 trong danh sách của bạn là những điều bạn quan tâm. Chúng quan trọng với bạn. Thật dễ dàng để bạn biện minh cho việc dành thời gian cho chúng. Nhưng khi bạn so sánh chúng với 5 mục tiêu hàng đầu của mình, những điều này chỉ là sự xao nhãng. Dành thời gian cho những ưu tiên thứ cấp chính là lý do bạn còn 20 dự án hoàn thành nửa chừng thay vì có được 5 dự án hoàn thành trọn vẹn.

Hãy loại bỏ một cách không khoan nhượng. Hãy buộc bản thân phải tập trung. Hãy hoàn thành một nhiệm vụ hoặc tiêu diệt nó.

Những xao nhãng nguy hiểm nhất chính là những thứ bạn yêu nhưng không đáp lại tình yêu của bạn.

Tác giả: James Clear
Dịch: Sang Doan
Review: Dương Tùng

Featured image: David A. Grogan | CNBC

📌 Ủng hộ dịch giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI