28 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Nghệ thuật là phương thuốc chữa bệnh tinh thần

“Chúng ta đều biết nghệ thuật không phải là sự thật, nghệ thuật là sự giả dối giúp ta tìm ra sự thật hoặc ít nhất là sự thật mà ta cần phải hiểu. Người nghệ sĩ cần phải biết cách thuyết phục mọi người tin vào sự thật trong lời nói dối của mình.”  – Pablo Picasso

“Mục đích thực thụ của nghệ thuật không phải là tạo ra những thứ đồ vật đẹp… Đó là một phương pháp để thấu hiểu, một con đường xâm nhập thế giới và tìm ra vị trí của một người ở trong đó.”- Paul Auster

“Thế giới cần đến tất cả các kiểu trí óc.” – Temple Grandin

Tối nọ tôi lang thang ở nhà sách, xem vu vơ qua một vài bức vẽ ký hoạ, lướt qua vài dòng bình luận về tác phẩm và tác giả và có một bình luận như thế này, tôi nhớ đại khái thôi vì lúc ấy tôi không mang theo điện thoại để chụp ảnh và cũng không có giấy bút bên cạnh để viết lại. Tác giả đã không ngừng lặp đi lặp lại nét vẽ nhẹ nhàng tìm đặc điểm trên gương mặt cô gái để tự làm cảm động chính mình.

Kỳ quặc, lúc ấy tôi đã nghĩ như vậy, chỉ là một bức tranh, vẽ sao cho thật đẹp, thật giống là được rồi không phải hay sao? Một lời bình luận như thế này có vẻ quá khoa trương nhưng không thể phủ nhận rằng sâu bên trong tôi cảm thấy chấn động. Sau một lúc suy nghĩ về câu nói trên tôi lấy một cuốn sách khác, hướng dẫn vẽ ký hoạ dành cho người mới bắt đầu, giở từng trang xem người hướng dẫn kỹ thuật vẽ ký hoạ màu cần phải như thế nào, tôi thấy chân dung khuôn mặt người đàn ông rất bình thường được vẽ với nhiều loại màu sắc khác nhau trông vô cùng quái lạ, trừu tượng và cũng rất ấn tượng, bên dưới là lời khuyên dành cho tác giả đại loại là khi vẽ cần đơn hoá suy nghĩ của chính mình hoặc thậm chí không được suy nghĩ gì ngoài việc phải hoàn thành một mạch cho xong bức tranh, đôi khi nên dừng lại nếu không cảm thấy có hứng thú muốn vẽ tiếp v.v…

Thì ra bên dưới mỗi một bức vẽ đều có cái tôi của hoạ sĩ, mỗi một bức tranh đều được truyền thần, mỗi một loại màu mà tác giả sử dụng đều có khí chất và mục đích riêng, khắc hoạ hay nhấn mạnh những đặc điểm mà tác giả cảm thấy muốn truyền tải thái độ của mình. Tự hỏi, thật sự không biết điều gì diễn ra bên trong bộ não của tuýp người nghệ sĩ này, hứa hẹn sẽ có nhiều cuộc đổ bộ vào nhà sách và viện bảo tàng thường xuyên.

Cũng tối đó tôi mơ thấy đại dương nổi sóng gió, nước cuồn cuộn xoáy giữa đêm tối, tôi đứng từ xa nhìn và cảm thấy rất hào hứng. Sau một lúc, tôi thấy hai chiếc thuyền thật to đâm sầm vào nhau vỡ tan tành, không những không sợ mà còn cảm thấy hào hứng hơn. Sáng hôm sau, mọi thông tin về biểu tượng “biển” và “đại dương” được tôi khai thác triệt để, phần lớn thông tin đều cho rằng có nhiều điềm xấu vì các biểu tượng như “sóng cuộn” “bão tố” “đêm tối” “thuyền vỡ” trong giấc mơ nhưng tôi tin những thứ đó không đúng với riêng mình. Một lúc sau tôi tra thấy những chú giải này, tôi không dịch vì không muốn làm sai lệch ý nghĩa có trong đoạn văn (tôi không tự tin lắm về khoản dịch dọt của mình).

“It is said that the dream about the sea symbolizes endless opportunities in front of the dreamer. There are many things that the person is able to achieve, the only thing that is needed is the effort. The dream also represents the wholeness of human, therefore the changes of the sea, shows the changes in the mind or the health.”

Lý giải như thế vô cùng phù hợp vì dạo đó tôi bỗng dưng thích thú ghi chép lại những tưởng tượng về nhiều loại hình ảnh khác nhau trong đầu khi nhìn lên trời hoặc những thứ vằn vện trên nền nhà. Điều khác biệt giữa tôi lúc ấy với tôi trước đó nữa là sự tò mò muốn tìm hiểu xem cái gì đang diễn ra bên trong vì có lúc tôi hơi sợ hãi với những gì mình tưởng tượng và nghĩ rằng mình sắp điên. Đỉnh điểm là lần nọ tôi lấy hết can đảm đến bệnh viện yêu cầu, phải nói là năn nỉ để họ cho tôi làm trắc nghiệm nhân cách xem tôi có bình thường như mọi người hay không, kết quả là tôi chỉ hơi khác với chuẩn một chút xíu thôi.

Trước đây tôi vẫn biết thế giới là một nơi vô cùng đa dạng và phong phú, là một nơi mà theo tôi con người không cần thiết phải có siêu năng lực như dị nhân, một nơi thường được miêu tả là sự chồng chéo hỗn độn của thiên đường và địa ngục, cùng lúc tồn tại cả thiên thần và ác quỷ. Là nơi mà con người có thể trải nghiệm cuộc sống của mình cùng lúc ở cả hai thế giới, thế giới thực và thế giới tưởng tượng.

Thế giới nội tâm và thế giới bên ngoài, nghệ thuật chính là nơi hai thế giới gặp nhau nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy kinh ngạc vì điều đó, ý tôi muốn nói về sự khác nhau giữa cái biết và cái cảm nhận. Trước đây tôi chỉ biết nhưng bây giờ tôi mới có khả năng cảm nhận. Trong một chốc tôi cảm thấy thế giới là một xứ sở kỳ diệu nếu mọi người dám tha thứ cho bản thân và tha thứ cho nhau để có thể sống thực với bản ngã của mình.

Khi đó thế giới sẽ còn hỗn loạn hơn nữa nhưng là hỗn loạn trong sự thống nhất vì mọi người đều hài lòng với vị trí của mình dù mỗi một cá nhân riêng lẻ đều đặc biệt quái lạ không giống với những người còn lại, điều đó cũng có nghĩa là ai cũng đẹp và độc đáo, không có ganh tị, không có sợ hãi. Thế giới sẽ tràn ngập màu sắc và tôi nghĩ rằng thật là phi lí khi con người với 60 năm cuộc đời lại không chịu cởi mở để tiếp nhận mọi thứ do chính con người sáng tạo ra.

Lúc đó con người không chỉ mới thực sự có khả năng thực hiện phép màu bởi họ biết cách lắng nghe trực giác. Con người có khả năng tiên đoán về tương lai của mình bằng cách thực hiện nó, ai đó đã nói câu này nhưng tôi muốn bổ sung thêm rằng, con người thực sự có thể tiên đoán tương lai của mình bằng cách lắng nghe trực giác, hiểu rõ chính mình muốn gì rồi thực hiện nó.

Samsung nói rằng: “You decide your life.” Nhưng tôi nghĩ hơi khác một chút thế này: “You design your life.” Lúc đầu bên trong sẽ có những xung động, những thôi thúc rất nhẹ, rất mơ hồ nhưng nếu con người lắng nghe và làm theo thì dần dần nó sẽ dẫn ta đến với những mục tiêu ngày một cụ thể hơn, cảm giác sẽ ngày một mạnh mẽ hơn cho đến khi con người quay đầu nhìn lại quá khứ họ có thể hiểu được rằng mọi thứ diễn ra đều có lí do cả.

Nghệ thuật là phương thuốc cho những căn bệnh tinh thần. Trước đây, một người bạn đã cười cợt trên lời dạy của một giảng viên rằng đã dạy tâm lý học thì không nên đem văn học vào để làm dẫn chứng. Tôi có thôi thúc muốn táng hắn một cái vì sự ngu dốt của hắn, hắn không hề biết nguồn gốc ra đời của phân tâm học là từ văn học, một nhà văn với trực giác của mình có thể thấy được nhiều hơn một nhà tâm lý học với cái tôi vô cảm kèm theo cái đầu tràn đầy lý thuyết sáo rỗng.

Có rất nhiều trường hợp sinh viên tâm lý đem bệnh nhân ra làm trò cười, sinh viên y khoa đem thi hài ra làm trò chơi là chuyện bình thường (vì chúng vô cảm), những loại như vậy tôi nghĩ không có tư cách mở miệng chứ đừng nói đến chuyện phê phán ai. Tôi đã từng trông thấy nhiều bức tranh do bệnh nhân vẽ, rất cầu kỳ, rất đẹp. Trong số họ không ít người là thạc sĩ, tiến sĩ, là tri thức bỗng dưng ngày nọ họ mất trí, vậy thôi. Không có thông báo gì cả.

Chỉ đáng tiếc là nước mình còn nghèo, dân không đủ ăn còn nói gì đến nghệ thuật. Hôm nọ tôi nghe lỏm được câu chuyện của những quý bà nói với nhau về chuyện học hành của con cái họ, mấy chục ngàn đô chỉ để học ngoại ngữ rồi gì đó cũng lại về ngoại ngữ, không thấy nói gì đến nghệ thuật để tinh thần con trẻ phát triển lành mạnh. Thật đáng buồn vì những người nghệ sĩ được miêu tả như người mê mê tỉnh tỉnh, mơ mơ màng màng, đầu óc ở trên mây, chân không chạm đất v.v… Nếu không có họ, cuộc sống thực sự là vô nghĩa đấy.

 

Quyên Quyên

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

4 BÌNH LUẬN

  1. Một bài viết hay nhưng thật lạ lùng. Tôi thích cách bạn viết, đó như là một con sông chảy ồ ạt, tuôn ra liên miên bất tận, giống như khi đặt bút xuống thì người ta viết một mạch cho hết những suy nghĩ trong đầu. Mỗi tác phẩm mang trong nó dấu ấn của chủ nhân. Qua bài này tôi thấy một người mang trong mình tâm hồn nghệ sĩ nhưng lại năng động và có cái nhìn về thế giới xung quanh khá rõ ràng minh bạch. Đó chính là sự lạ lùng vì những tính cách đó ít khi đi chung với nhau. đây chỉ là cái nhìn của tôi dựa trên bài viết, có đôi khi hoạt động tinh thần khác với hoạt động trong đời sống thực và chỉ được thể hiện qua bài viết hoặc nghệ thuật. Nhưng với nội dung bài thì bạn trong đời sống thực chắc giống với những điều tôi nhìn thấy nhỉ?

    Thật là khiếm nhã khi phân tích về người viết bài nhưng đó là những ấn tượng đã đến khi đọc bài này. Về những điều bạn viết, có những điều tôi hiểu nhưng tôi vẫn chưa cảm nhận được (mà như thế thì cũng chưa được gọi là hiểu). Một người bạn cũng từng nói với tôi rằng, chính bản thân sự sống của tôi đã là món quà quý giá nhất, niềm hạnh phúc lớn lao nhất rồi, và rằng thế giới vô cùng huyền diệu nếu ta chịu quan sát. Với tôi thế giới chỉ là thế giới và tôi là tôi, tôi chỉ có thể thấy sự huyền diệu đó khi được chia sẻ với một người nào đó trong sự kết nối trọn vẹn. Với chỉ mình tôi, thế giới vẫn là sự tách biệt và vô hồn.

    Một bài viết hay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI