Dẫn nhập
1. Chủ nghĩa tự do
Các nhà triết học, xã hội học và kinh tế học thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX đã trình bày có hệ thống một cương lĩnh chính trị, dùng làm kim chỉ nam cho chính sách xã hội, đầu tiên là ở Anh và Mĩ và sau đó là trên toàn lục địa châu Âu, và cuối cùng đã lan toả ra tất cả những khu vực có người ở trên toàn thế giới. Nhưng nó chưa được thực hiện một cách trọn vẹn ở bất cứ đâu. Ngay cả ở Anh, đất nước được gọi là quê hương của chủ nghĩa tự do và là đất nước tự do mẫu mực, những đồ đệ của chính sách tự do cũng chưa bao giờ thực hiện được tất cả các đòi hỏi của mình.
Một số nước chỉ chấp nhận một phần cương lĩnh tự do, trong khi những nước khác – những nước có vị trí quan trọng không kém – hoặc là từ chối ngay từ đầu hoặc là từ bỏ sau một thời gian. Phải có một chút cường điệu thì người ta mới có thể nói rằng thế giới đã từng trải qua thời đại tự do. Chủ nghĩa tự do chưa bao giờ được hưởng thành quả trọn vẹn.
Mặc dù chỉ giữ thế thượng phong trong những giai đoạn ngắn ngủi và trong những khu vực hạn chế, những tư tưởng tự do cũng đủ sức làm thay đổi toàn bộ bộ mặt của trái đất. Kinh tế đã phát triển vượt bậc. Việc giải phóng sức sản xuất của con người đã nâng mức sống của con người lên gấp mấy lần trước đây.
Trước chiến tranh [Thế giới thứ nhất] (chính cuộc chiến này cũng là kết quả của cuộc đấu tranh khốc liệt và lâu dài nhằm chống lại các tư tưởng tự do và báo hiệu những cuộc tấn công còn khốc liệt hơn vào những nguyên lý của tự do) thế giới đã có mật độ dân cư cao chưa từng thấy, còn dân chúng thì có mức sống cũng cao chưa từng thấy. Sự thịnh vượng mà chủ nghĩa tự do tạo ra đã làm giảm đáng kể tử suất ở trẻ sơ sinh, một tai hoạ khủng khiếp của những thời đại trước, và việc cải thiện điều kiện sống đã dẫn đến kết quả là tuổi thọ trung bình của người dân gia tăng.
Sự thịnh vượng không chỉ đến với giai tầng những kẻ đặc quyền đặc lợi. Trước chiến tranh [Thế giới thứ nhất] công nhân trong các nước công nghiệp ở châu Âu và ở Mĩ cũng như ở những nước thuộc địa của Anh đã sống trong những điều kiện thuận lợi hơn và sang trọng hơn cả những ông hoàng bà chúa trước đó chưa lâu. Người công nhân không chỉ có thể ăn uống đầy đủ mà còn có thể cho con đi học; nếu muốn, anh ta còn thể tham gia vào đời sống sống trí tuệ và văn hoá của đất nước; và anh ta có thể nâng cao được địa vị xã hội của mình, nếu có đủ tài năng và nhiệt huyết.
Trong những nước tiến xa nhất trong việc áp dụng cương lĩnh tự do, thành phần chính của đỉnh kim tự tháp xã hội lại không phải là những người được hưởng đặc quyền đặc lợi nhờ được thừa kế tài sản hoặc địa vị của cha mẹ mà là những người, trong những điều kiện thuận lợi, biết dùng sức mạnh của mình để vượt qua những hoàn cảnh khó khăn và tiến lên.
Hàng rào ngăn cách chủ nhân và người nô lệ trong các thế kỷ trước đã sụp đổ. Chỉ còn lại những người công dân bình quyền. Không ai cản trở ai, không có ai bị truy bức vì lý do sắc tộc, quan điểm hay tôn giáo nữa. Không còn những vụ khủng bố vì lý do chính trị và tôn giáo nữa, chiến tranh giữa các nước cũng ít dần đi. Những người lạc quan đã nói tới bình minh của thời đại hoà bình vĩnh cửu.
Nhưng các sự kiện đã xoay theo hướng khác. Trong thế kỷ XIX đã xuất hiện một loạt những người chống đối mạnh mẽ và quyết liệt chủ nghĩa tự do. Họ đã quét sạch phần lớn thành quả mà những người tự do đã giành được. Hiện nay thế giới không còn muốn nghe về chủ nghĩa tự do nữa. Bên ngoài nước Anh, thuật ngữ Chủ nghĩa tự do đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Còn bên trong nước Anh, chắc chắn là vẫn còn “những người tự do”, nhưng đa phần đấy chỉ còn là tên gọi. Trên thực tế, họ chính là những người xã hội chủ nghĩa ôn hoà.
Hiện nay, ở đâu thì quyền lực chính trị cũng đều nằm trong tay các đảng phái có tư tưởng bài tự do cả. Cương lĩnh của các đảng phái bài tự do đã tháo cũi xổ lồng những lực lượng gây ra cuộc Đại chiến vừa qua, và bằng cách đặt ra hạn ngạch xuất nhập khẩu, thuế quan, hạn chế nhập cư và những biện pháp tương tự khác, những lực lượng này đã đưa các dân tộc trên thế giới vào tình trạng bế quan toả cảng lẫn nhau.
Còn trong mỗi nước, cương lĩnh này đã dẫn đến những cuộc thí nghiệm theo đường lối xã hội chủ nghĩa mà kết quả là năng suất lao động giảm, nghèo đói gia tăng. Tất cả những ai không cố tình nhắm mắt trước hiện thực đều phải công nhận rằng ở đâu họ cũng nhìn thấy tín hiệu của một thảm hoạ kinh tế thế giới đang đến gần. Tư tưởng bài tự do đang dẫn nền văn minh đến một vụ sụp đổ toàn diện.
Đọc lịch sử và tìm hiểu xem những chính khách theo đường lối tự do ủng hộ những chính sách nào và họ đã giành được những gì chưa thể cho ta biết chính xác chủ nghĩa tự do là gì và nó nhắm đến những mục tiêu nào. Vì, chủ nghĩa tự do chưa thực hiện được trọn vẹn cương lĩnh của mình, ở đâu thì cũng thế.
Cương lĩnh và hành động của các đảng hiện nay tự gọi là tự do cũng không giúp chúng ta hiểu rõ được bản chất của chủ nghĩa tự do chân chính. Như đã nói bên trên, ngay cả ở nước Anh, hiện nay chủ nghĩa tự do làm người ta nhớ đến phong trào Tori và chủ nghĩa xã hội hơn là cương lĩnh của những người ủng hộ tự do thương mại xưa kia. Nếu những người theo trường phái tự do mà lại cho rằng quốc hữu hoá đường sắt, hầm mỏ và những xí nghiệp khác, thậm chí ủng hộ những sắc thuế mang tính bảo hộ là phù hợp với quan điểm của mình thì ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng chủ nghĩa tự do chỉ còn là một cái tên mà thôi.
Hiện nay, nghiên cứu các trước tác của những người sáng lập vĩ đại của phong trào cũng chưa thể giúp ta hiểu được tất cả các tư tưởng của chủ nghĩa tự do. Chủ nghĩa tự do không phải là một học thuyết đã hoàn chỉnh hay một giáo điều bất di bất dịch. Ngược lại: đấy chính lá áp dụng lý thuyết khoa học vào đời sống xã hội của con người.
Cũng như kinh tế học, xã hội học không dẫm chân tại chỗ kể thừ thời của David Hume, của Adam Smith, David Ricardo, Jeremy Bentham và Wilhelm Humboldt, học thuyết của chủ nghĩa tự do hiện nay cũng khác với ngày đó, mặc dù những nguyên lý nền tảng thì không thay đổi. Đã nhiều năm nay không có ai đưa ra được một tác phẩm ngắn gọn nói về bản chất của học thuyết này. Đấy có thể là lý do chính đáng cho việc chấp bút tác phẩm mà bạn đọc đang cầm trên tay.
2. Thịnh vượng về vật chất
Chủ nghĩa tự do là học thuyết nói về hành vi của con người trong thế giới này. Nói cho cùng, nó không có mục đích nào khác, ngoài việc gia tăng sự thịnh vượng về mặt vật chất của con người; nó không quan tâm đến những nhu cầu nội tâm, nhu cầu tinh thần và siêu hình học của con người. Nó không hứa hẹn mang đến cho con người hạnh phúc hay an lạc, nó chỉ mang đến sự thoả mãn tối đa những ước muốn có thể thoả mãn được bằng những đồ vật của thế giới ngoại tại mà thôi.
Thái độ hoàn toàn mang tính vật chất và ngoại tại của chủ nghĩa tự do đối với tất cả những gì được coi là trần tục và phù du vì thế thường bị người ta phê phán. Cuộc đời của con người, như người ta vẫn nói, đâu chỉ có ăn và uống. Có những nhu cầu cao cả hơn và quan trọng hơn thức ăn, nhà ở và quần áo mặc. Ngay cả những kho đụn lớn nhất thế giới cũng không đem lại cho con người hạnh phúc; chúng chỉ làm cho tâm hồn con người bất an và trống rỗng mà thôi. Sai lầm lớn nhất của chủ nghĩa tự do là nó không cung cấp cho người ta những khát vọng cao quý hơn và sâu sắc hơn.
Nhưng những người nói như thế chỉ chứng tỏ rằng họ có một quan điểm rất không đúng và hoàn toàn mang tính vật chất về những nhu cầu sâu sắc và cao quý đó. Chính sách xã hội, với những phương tiện mà nó nắm trong tay, chỉ có thể làm cho con người trở thành giàu hay nghèo, chứ không bao giờ có thể làm cho họ hạnh phúc hay thoả mãn được những khao khát nội tâm của họ.
Trong lĩnh vực này, tất cả các phương tiện vật chất đều là con số không. Tất cả các chính sách xã hội đều chỉ có thể làm được một điều, đấy là loại bỏ những nguyên nhân đau khổ bên ngoài. Nó có thể thúc đẩy cái hệ thống có thể cung cấp thức ăn cho người đói, quần áo cho người thiếu thốn, nhà ở cho kẻ vô gia cư. Còn hạnh phúc và an lạc lại không phụ thuộc vào thức ăn, quần áo mặc và nhà ở; mà trên hết, phụ thuộc vào những gì người ta ấp ủ trong lòng.
Chủ nghĩa tự do chỉ quan tâm tới sự thịnh vượng về mặt vật chất của con người không phải là do nó coi thường những đòi hỏi về mặt tinh thần mà là vì nó tin rằng phương tiện bên ngoài không thể nào động chạm đến được những điều sâu sắc nhất và cao cả nhất trong tâm hồn con người. Nó tìm cách tạo ra sự thịnh vượng về mặt vật chất vì biết rằng kho báu tâm hồn, kho báu nội tâm của người ta chỉ có thể xuất phát từ trái tim mà thôi.
Nó không có mục đích nào khác ngoài việc tạo ra tiền đề ngoại tại cho việc phát triển đời sống tinh thần của con người. Và không nghi ngờ gì rằng một người tương đối phát đạt trong thế kỷ XX có thể dễ dàng thoả mãn những đòi hỏi về mặt tinh thần hơn là, thí dụ như một người sống trong thế kỷ X, tức là một người luôn phải lo tìm cái ăn để sống hoặc thoát được kẻ thù đe doạ.
Dĩ nhiên là nếu những người châu Á và những người theo các giáo phái thời trung cổ, tức là những người tu khổ hạnh và những người cho rằng lý tưởng là nghèo khổ và tự do như chim trời hay cá biển, phê phán thái độ của chủ nghĩa tự do thì chúng ta chịu, không thể nào trả lời được. Chúng ta chỉ có thể xin họ cho chúng ta đường ai nấy đi, cũng như chúng ta sẽ không cản trở họ tìm kiếm thiên đường theo cách của mình. Hãy cứ để họ sống thanh bình trong những cái am nhỏ, cách biệt với thế giới của họ.
Tuyệt đại đa số những người cùng thời với chúng ta đều không chấp nhận lý tưởng khổ hạnh. Nhưng khi đã không chấp nhận sống cuộc đời khổ hạnh thì cũng không được phê phán chủ nghĩa tự do vì nó chỉ nhắm đến mục tiêu vật chất bên ngoài.
3. Chủ nghĩa duy lý
Ngoài ra, chủ nghĩa tự do còn bị phê phán là duy lý nữa. Nó muốn điều chỉnh mọi thứ trên đời một cách duy lý, và như vậy là không công nhận rằng trong công việc của con người tình cảm và nói chung những điều không thể hiểu bằng lý tính có và phải có vai trò quan trọng.
Chủ nghĩa tự do công nhận rằng đôi khi người ta cũng hành động một cách thiếu khôn ngoan. Nhưng nếu lúc nào con người cũng hành động một cách hợp lý thì đã không cần kêu gọi họ sử dụng lý trí rồi. Chủ nghĩa tự do không nói rằng lúc nào người ta cũng hành động một cách thông minh, nhưng nói rằng lúc nào họ cũng nên hành động một cách thông minh, đấy là nói theo cách hiểu về quyền lợi của mình. Bản chất của chủ nghĩa tự do là tìm cách làm cho người ta thừa nhận lý trí trong lĩnh vực chính sách xã hội, cũng như nó đã được thừa nhận vô điều kiện trong bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào của con người
Nếu một người được bác sĩ khuyên là nên sống một các hợp lý – tức là sống hợp vệ sinh – mà trả lời: “Tôi biết rằng lời khuyên của ông là hợp lý, nhưng tình cảm của tôi lại cấm không cho tôi làm theo. Tôi muốn làm những việc có hại cho sức khoẻ của mình, mặc dù đấy có thể là phi lý.” Thì chắc chẳng ai có ý kiến gì được nữa. Để đạt những mục tiêu đã đề ra, dù có làm gì thì ta cũng đều cố làm một cách hợp lý.
Một người muốn băng qua đường sắt sẽ không chọn đúng lúc đoàn tàu đang lao tới để bước. Người khâu cúc áo sẽ có gắng tránh để kim không đâm vào tay. Trong bất cứ lĩnh vực hoạt động nào con người cũng đã phát triển được kỹ thuật hoặc công nghệ hướng dẫn cho họ cách thức hành động nếu họ không muốn trở thành những kẻ ngớ ngẩn. Mọi người đều công nhận rằng làm người ai cũng phải học những kỹ thuật cần dùng trong cuộc đời, còn người bước vào lĩnh vực mà anh ta mù tịt về mặt kỹ thuật thì bị chế giễu là vụng về.
Chỉ có trong lĩnh vực chính sách xã hội người ta mới nghĩ rằng mọi việc phải làm khác đi. Ở đây, không phải là lý trí mà là tình cảm và nhiệt tình mới là quyết định. Câu hỏi: sắp xếp đồ vật thế nào để trong nhà luôn sáng sủa, nói chung thường được thảo luận bằng những lý lẽ thông thái. Nhưng nếu chuyển sang vấn đề nhà máy sản xuất bóng đèn nên để cho tư nhân hay chính quyền quản thì lý lẽ lại không còn giá trị nữa. Ở đây, tình cảm, quan niệm của xã hội – nói tóm lại, không phải là lý trí – đóng vai trò quyết định. Chúng ta cứ mãi tự hỏi: Tại sao?
Tổ chức xã hội loài người theo một khuôn mẫu phù hợp nhất với những mục tiêu đặt ra là một công việc đơn giản và chán ngắt, cũng tương tự như, thí dụ việc xây dựng đường sắt hay sản xuất vải hay đồ gỗ mà thôi. Công việc quốc gia và công việc của chính phủ thực ra là quan trọng hơn tất cả những vấn đề khác trong hoạt động của con người vì chế độ xã hội tạo ra nền tảng cho tất cả những hoạt động khác, và người ta chỉ có thể đạt được mục tiêu của mình trong một xã hội có những điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện những mục tiêu đó. Nhưng, dù lĩnh vực của những vấn đề xã hội và chính trị có cao quý đến mức nào thì đấy vẫn là những đối tượng do lý trí của con người kiểm soát và vì vậy mà phải được xét đoán phù hợp với những tiêu chuẩn của lý trí.
Trong những vấn đề đó, cũng như trong tất cả những công việc trần tục khác của con người, chủ nghĩa thần bí chỉ có thể là một tai hoạ. Con người có khả năng hiểu biết rất hạn chế. Không thể hy vọng là một lúc nào đó chúng ta có thể hiểu được những bí mật cuối cùng và sâu xa nhất của vũ trụ. Nhưng việc chúng ta không thể biết được ý nghĩa và mục đích của cuộc đời của mình không phải là lý do để ta không thận trọng nhằm tránh những căn bệnh truyền nhiễm hay sử dụng những phương tiện thích hợp trong việc mưu sinh, cũng như không thể ngăn cản chúng ta trong việc tổ chức xã hội nhằm đạt được những mục tiêu mà ta đang phấn đấu một cách hữu hiệu nhất.
Ngay cả nhà nước và hệ thống pháp luật, chính phủ và bộ máy quản lý của nó cũng không phải là cái gì đó quá cao siêu, quá hoàn hảo và quá cao quý đến mức chúng ta không thể suy tư được. Chính sách xã hội cũng là những vấn đề công nghệ xã hội, cũng phải được giải quyết bằng những biện pháp và phương tiện mà ta nắm trong tay trong khi giải quyết những vấn đề kỹ thuật khác: dùng tư duy lý tính và khảo sát những điều kiện đã biết. Lý trí là tất cả những gì làm nên con người và làm cho con người đứng cao hơn loài vật. Thế thì tạo sao trong lĩnh vực chính sách xã hội con người không tin vào lý trí mà lại tin vào tình cảm và lòng nhiệt tình?
Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn: http://mises.org/liberal.asp