Featured Image: Ken Rowland
Sáng nay, báo nhà giật tít: “Vụ Hào Anh đuổi cha mẹ ra đường: 8 tháng, Hào Anh đổi xe 4 lần, ‘nướng’ hết 200 triệu”. Chỉ riêng một cái tít báo đã tàn nhẫn. Chỉ riêng một cái tít báo đã biến một đứa trẻ 18 tuổi thành kẻ phản diện hoàn toàn.
Tôi tự hỏi những nhà báo ấy ngày xưa đã dành những mỹ từ xót xa nào cho em? Để gần 800 triệu đã được kêu gọi quyên góp và góp phần vào bi kịch lần hai của cuộc đời em?
“Đạo Phật cũng dạy như vậy, có hiểu mới có thương, tình yêu phải làm bằng sự hiểu biết” – Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Đây là hệ quả của việc thương mà không hiểu, thương ở phần ngọn, thương để giải quyết nhu cầu tâm linh, lương tâm của chính bản thân mình của người đời dành cho Hào Anh.
Khi câu chuyện này xảy ra, tôi có đọc báo, tôi có biết nhưng rõ ràng tôi không quan tâm, tôi mới chỉ có 20 tuổi. Tôi không nghĩ lúc đó có ai quan trọng hơn mình. Khổ đau khi chưa chạm tới tôi thì chỉ là một danh từ trên giấy trên báo. Giờ 4 năm đã trôi qua, sự thương của người đời với Hào Anh đột nhiên trở thành một bi kịch mới. Tôi 24 tuổi, vì chưa từng xót thương chuyện cũ mà sao chợt bỗng thấy xót xa cho chuyện mới. Có lẽ thời gian khiến người ta ủ rũ và mềm yếu đi nhiều.
Câu chuyện bắt đầu với một ý nghĩa nhân văn rõ ràng: Giải cứu một con người đồng đẳng với chúng ta, dang tay giúp đỡ để sau này em có thể bắt đầu một cuộc sống mới, bù đắp cho những tổn thương em đã phải trải qua. Chuyện xảy ra lúc này, chắc chắn không phải hồi kết, chỉ là hệ quả trên con đường đi, tất cả vì chúng ta vẫn cho rằng “tiền là công cụ giúp ích hữu hiệu nhất cho những số phận, mảnh đời bất hạnh”.
Nhưng mẹ tôi chưa từng dạy: “Tiền có thể giúp chữa lành vết thương lòng của con.” hay: “Tiền có thể giải quyết triệt để những đau buồn một con người phải chịu đựng.” Với một vài trường hợp, như trường hợp này, tiền trở thành con dao hai lưỡi, cầm thế nào cũng bị thương chảy máu.
Thế là chúng ta trở lại với câu chuyện con cá và chiếc cần câu:
Và giờ một số người đang tiếc rẻ con cá mà họ đã đem cho
Có lẽ tình thương của phần lớn chúng ta chỉ dừng lại ở đó? Nghĩa là nếu còn ngoan, còn tốt thì thương. Hết tốt, hết ngoan thì cảm thấy chỉ-muốn-đạp-cho-phát? Trong 4 năm vừa qua, ngoài việc (Hào Anh) chờ đủ tuổi để nhận được gần 800 triệu đồng từ nhà hảo tâm, tôi tự hỏi những nhà hảo tâm liệu có còn nhớ tới em? Hay từ thiện chỉ là một hình thức làm phúc làm đức cho chính mình và vốn em đã bị lãng quên rồi cho tới khi bi kịch mới này phát sinh?
“Trong đạo Phật, từ bi gắn liền với trí tuệ. Không hiểu, không thể thương yêu sâu sắc. Không hiểu, không thể thương yêu đích thực. Hiểu chính là nền tảng của tình thương yêu.” – Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Vậy nên chỉ có thể đổ lỗi rằng chúng ta đã không hiểu. Không hiểu sự thật ngọn ngành khi bi kịch thứ nhất xảy ra (em bị bạo hành do lý do chủ trại tôm trình bày: trộm cắp). Người bạo hành một đứa trẻ đương nhiên cần bị trừng phạt nhưng còn đứa trẻ? Chỉ vì đã từng bị bạo hành thì có thể không cần được giáo dục và dạy dỗ?
Đột nhiên tôi cảm thấy một cái nhói nhè nhẹ trên má: Cái tát đầu tiên và duy nhất từ bố vào năm tôi 17 tuổi. Chúng ta không hiểu một đứa trẻ bị bạo hành ngoài điều trị thể xác còn cần điều trị cả về tinh thần, tâm lý và một đứa trẻ cho dù thế nào vẫn luôn cần được giáo dục, dạy dỗ. Vì chúng ta không hiểu: chúng ta quyên tặng tiền. Và chúng ta lãng quên em. Như rất nhiều những mảnh đời bất hạnh khác.
Và giờ chúng ta tiếc nuối con cá ngày xưa cũng chỉ vì chúng ta không hiểu. Chúng ta không hiểu bản chất của bi kịch lần thứ hai này là quả của nhân chúng ta gieo. Là thứ rục ruỗng còn sót lại của con cá ngày đó. Chuyện của em làm tôi nhớ tới rất nhiều những gia đình nông thôn tan nát khác chỉ vì giải tỏa, hiện đại hóa, giải phóng mặt bằng. Những con người quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho giời đột nhiên được đổi cái cần vất vả kiếm ăn hàng ngày (miếng đất, miếng ruộng) thành một con cá rất to, đứng từ bên này con cá nhìn sang bên kia không thấy mặt nhau, tưởng rằng ăn cả đời không hết. Và rồi thế mà nó cũng hết. Và giờ thì cái cần đã ở đâu mất rồi?
Tôi nghĩ, giá mà chúng ta đã đủ yêu thương và hiểu biết để cho em cái cần câu, đủ kiên nhẫn và quan tâm để dạy em câu cá, đủ nghiêm khắc để không khiến em nghĩ rằng bi kịch của em là lý do chính đáng khiến em được thụ hưởng mà không phải nhỏ mồ hôi nước mắt.
Nhưng tôi cũng đâu có quyền gì để phán xét? Tôi cũng chỉ 24 tuổi và tôi cũng chỉ đang trên con đường tự khai phá chính mình…Vì tôi không cho em một con cá nào nhưng cũng không đủ thương yêu để cho em cái cần, tôi chỉ biết xót xa là vậy.
Thế mà tôi cứ ước: Ước rằng con người biết cảm thông hơn với em. Để thực sự lần này, em có thể làm lại.
- Trích dẫn tham khảo từ: http://www.nguoiduatin.vn/thien-su-thich-nhat-hanh-ke-chuyen-tinh-yeu-va-tinh-duc-a82279.html
Tương Nhi
có lẽ các nhà hảo tâm và mọi người đều quá nâng niu họ theo cách không hợp lý ! nếu cho họ một cơ hội tự tạo ra những ước mơ và giá trị của mình thì có lẽ đã tốt hơn là tự nhiên có tất cả những món tiền từ trên trời rơi xuống !thế thật không còn ý nghĩa gì nữa !
Sáng nay em đã định viết bài này, Cũng cùng tựa đề, nhưng viết rồi xóa vì không diễn tả được.
Cám ơn tác giả đã nói hộ tâm tư
Tôi đang định viết nhăng viết cuội một bài với tựa đề dự định: “Bi kịch của một đứa trẻ” để mướn cớ chửi bới giới truyền thông kỳ quặc của cái quốc gia này thì đọc được bài viết này của bạn và suy cho cùng vẫn là câu hỏi: “Chúng ta đang để lại gì cho thế hệ mai sau ?”
Chúng ta đã từng giàn giụa những câu chuyện đầy nước mắt về nó, rồi giờ chúng ta tự cho mình cái quyền phán xét, chửi rủa và dìm thằng bé xuống đáy bùn sâu của tội lỗi. 4 năm qua hình như nó vẫn chỉ là một thằng thất học với cả đống tiền trong tay, còn chúng ta chỉ riêng úp cái bản mặt tri thức vào một dòng tên miền mang tên: facebook.com là chẳng phải đã học được ối thứ rồi hay sao ?
Cám ơn bạn về bài viết.
Đây là những thứ mà chúng ta nói với nhau , chứ chúng ta không hề nói với xã hội :)) Xã hội vẫn tuân theo quy luật , sự vận hành của nó , chúng ta vẫn nêu lên vấn đề của chúng ta suy nghĩ như 2 đường cong lâu lâu mới chạm vào nhau 1 lần .
Cuộc đời do chính người khác phá hoại thì có thể sửa được, bây giờ thì tự phá hủy chính cuộc đời của mình, thật oan nghiệt.