Featured Image: Nguyen Minh Son
Hồi đó tui ghét môn Sử, không thích môn Văn nhưng lại hứng thú với Địa Lý, kỳ lạ hén. Sau này một người thầy nói với tui rằng phải giỏi Địa Lý mới làm kinh tế được, vốn thích tiền (và những người có nhiều tiền) nên tui thích liền, ngẫm nghĩ cũng ra được lắm thứ… Tui chọn Đà Nẵng trong bài viết này vì đó là nơi tui sinh ra và lớn lên, cũng là nơi tui quen thuộc nhất, hiểu rõ nhất, hay ít ra là tui nghĩ như vậy.
Chuyện ăn:
Cách đây 2 ngày, một người bạn của tui vào Xì Phố chơi, dẫn nó đi ngang qua Phạm Ngũ Lão, thế là con bé bật thốt lên:
– Ý Burger King kìa, nhìn mà nhớ ghê á mi, Burger King ở Đà Nẵng vừa đóng cửa tuần trước rồi.
Ừ thì, một thương hiệu đẳng cấp thế giới đấy, bước vào cái dải đất hình chữ S này với hình ảnh cao to vạm vỡ, kết hợp với tâm lý chuộng ngoại của người Việt, thế mà vẫn thất bại ở một trong những thành phố lớn nhất của Việt Nam, lạ thật.
Burger King không phải là gã bự con duy nhất gục ngã tại đây, trước đó một thời gian, Jollibee cũng phải âm thầm rút lui khỏi thành phố đầy thơ mộng này. Họ lớn, khỏe thiệt, cơ mà chết là cứ chết thôi…
Một loại đồ ăn khác tràn ngập Xì Phố là “bánh tráng trộn”, khi mà các xe bánh tráng mọc lên như nấm, các gánh hàng rong đều treo lủng lẳng vài gói bánh tráng, dăm ba trái xoài và một con dao để hành nghề, các “thương gia” ngửi thấy mùi cơ hội, một thị trường khổng lồ mới mà trước giờ chưa có cái loại hàng khoái khẩu này. Thế là cái món ăn vặt nức tiếng này theo gió đầu mùa thổi quét cả thành phố Đà Nẵng để rồi nhanh chóng chết dần chết mòn, chỉ còn lại vài ba xe thật sự rất tuyệt vời về cả chất lượng lẫn giá cả thì trụ vững, còn lại chết yểu cả! Kỳ lạ nhỉ, hay người Đà Nẵng không phải… là người ta cà?
Rồi các nhà hàng hạng trung trung cũng mọc lên, giá một món chừng 50-60k, cũng rất được chuộng ở Xì Gòn, không gian tuy không quá sang trọng nhưng cũng lịch sử hơn hẳn các quán góc với bàn nhựa và cái ghế cùng nguyên liệu nhỏ xíu, với tham vọng hút sạch thành phố siêu dễ thương này để rồi chịu chung số phận với Burger King, Jollibee và bánh tráng trộn. Chi mà ngược đời dữ vậy nè?
Thực ra là vầy, Đà Nẵng bé xíu, xa lắm chạy xe 15 phút tới nơi, thế là quán ăn nào ngon, rẻ là lắm kẻ ăn ngay. Dân ở đây cũng chất phác, thật thà, thôi thì thức ăn nhanh á, ăn quen Lotteria và KFC rồi, cũng hay khuyến mãi và giá rẻ nữa, cái chi đã lỡ yêu thì chung tình dữ lắm, thôi thì tạm biệt cô nàng Burger King tuy sang hơn xíu nhưng chảnh chọe về giá cả quá, cũng là người lạ, người lạ thì tui ngại, ngại thì từ từ quan sát đã nghen…
Chưa kể lâu lâu “thèm của lạ” mới mần thức ăn nhanh thôi, thiếu chi món ngon, rẻ mà no nữa, bún bò giò gân nè, phở nè, cơm gà nè, hủ tiếu nè, mỳ quảng, bún mắm, bún thịt nướng nè, bún chả cá, xôi gà nè, ôi thôi tùm lum thứ, vừa dân dã, vừa ngon. Chưa kể cơm nhà nữa nè, truyền thống ở đây là bữa trưa bữa tối phải đủ mặt thành viên trong gia đình, ăn chung, coi thời sự nó mới ra cái nhà, bữa nào buồn mới ra tiệm chơi. Rồi người dân miền Trung hay có thói quen cần kiệm, thay vì 20k lên 21k còn được, lên hẳn 70-80k/bữa thì khó quá à nha. Vậy nên không chết cũng uổng!
Đúng là bánh tráng trộn trước kia hổng có ở miền đất lành này, những tưởng đâu thị trường to bự chảng, nhưng lầm rồi, từ cả gần chục năm về trước thì đám học sinh đã kéo nhau ra những quán... bánh tráng kẹp mà măm rồi, hồi đó chỉ vài ba chỗ dưới khu Huỳnh Thúc Kháng, sau này thì đầy, kẹp nướng đủ các loại nhân, nước chấm tới 6-7 loại, khách muốn ăn loại nào tự múc loại ấy cho hợp khẩu vị, chu choa là nó thích, tự dưng đi ăn cái bao ny lông bánh tráng trộn khô ngoét kia mần chi? Chết là phải rồi! Nhà tui thích nui chó mà anh lại bán mèo thì thua rồi, trừ phi mèo quá cool thôi à nha.
Rồi mấy cái nhà hàng tầm trung trung kia nữa, dạ thưa nhà hàng loại sang chảnh ngang ngang Hà Lội, Xì Gòn bọn em cũng có, resort đỉnh cũng có nốt luôn, Đà Nẽng hem có thì mượn đỡ Hội An, lỡ là VIP, tiếp hàng xịn thì bọn iem sẽ chọn những nơi này chứ ai xuống tầm trung chi cho mất khách. Còn đám chẻ chẻ như bọn em, ăn nhậu là chính, cụng ly zô zô nó mới zui, ra quán sang sang vậy bó tay bó chân, sợ người ta quánh giá chết, với cả ở đây buồn chết, dăm bữa cái nhậu nhỏ, chục bữa cái nhậu lớn lớn, nhậu ở đây tiền mô mà chịu nổi, vả lại ngồi ghế nhựa, sát vỉa hè hay biển cho nó mát mẻ, thoải mái, chui vô đó chi zậy nè…
Chuyện ở:
Số là đợt vừa rồi có về Đà Nẵng, lâu cũng không về nên giống dân nhà quê, cái chung cư cao cấp, xịn thiệt xịn tên Azura cắm ngay cạnh sông Hàn đó mà giờ mới biết, cơ mà nghe đồn xịn thiệt, đẹp thiệt nhưng mà ế chổng ế chê…
Dạ thưa dân bọn em ở nhà trệt, nhà ngói quen rồi, với lại truyền thống là mần chi thì mần, phải có mảnh đất cắm dùi, ở chung cư… hông có đất, cứ thấy nó kì kì mần răng á. Vả lại đất Đà Nẵng tuy phát triển, nhưng còn lắm đất lắm anh ơi, tuy mắc hơn trước xíu, nhưng so với anh thì còn rẻ chán, bọn em dân xứ nghèo, chưa hội nhập kịp, nên cho bọn em đả thông tư tưởng, kiếm tiền thêm dăm ba chục năm nữa rồi bỏ ống heo ra mua sau… anh nhá…
Chuyện mặc:
Dạ em cũng xin lỗi hàng da, hàng hiệu nốt. Trên mảnh đất hiền hòa này, bọn tui vẫn thấy mình còn nhỏ lẻ, vả lại trời cũng nóng, ai cũng mặc quần dài áo thun, lịch sự hơn xíu là sơ mi thôi, mấy anh cứ mang vest tới chào hàng mần chi mất công zậy. Họa may mấy công ty nhà nước “kiểu mẫu”, tức là đứng ra làm mẫu cho báo chí chụp hình thì nhà có bộ vest cho nó oai, hay mấy công ty đa quốc gia to bự ở Tây qua thì nó mặc, bọn em, sơ mi được rồi.
Học sinh sinh viên ở đây cũng vậy, lúc nhỏ đi học, có vài ba quyển vở, dăm chục quyển sách, cái túi vải nho nhỏ là ok rồi, tiện bỏ giỏ xe đạp mà hông sợ ai giựt nữa. Lớn lớn xíu thì có laptop hơi cồng kềnh, thế là đổi sang ba lô cho nó oách, đi xa chơi cũng dễ nhét đồ nữa, bán em chi mấy cái túi xíu xíu mà sang chảnh dữ.
Chuyện chơi:
Cái này mới lạ nè, ai đời ở Đà Nẽng mà mở công viên nước… ít nhiều gì cũng có nhiều người mệnh danh bãi biển ở đây đẹp nhứt hành tinh (có thể hơi quá nhưng đẹp là đúng), được vài ba tháng đến khi người ta hết tò mò nữa thì thôi, ra biển gửi xe có vài ba ngàn, tắm ớn luôn, mát mẻ sạch sẽ nữa, xong lên là đầy đủ nước ngọt tính bằng ao luôn. Không đóng cửa mới là lạ!
Đà Nẵng tuy không nhỏ, nhưng so với Xì Gòn thì bé tí, ra đường còn không dám nắm tay nhau sợ hàng xóm đi chợ nó thấy, nó về mách phụ mẫu thì chết, ai chẳng biết nhau, khoe hàng chi mất công mất sức zậy, nhà mình như răng thì biết tỏng nhau cả rồi, đâu cần phải khoe của, đâu cần phải nhà hàng sang chọng đâu. Dân tui chất phát, thật thà, tiết kiệm với… chung tình, thích cái chỗ mô, có cảm tình với chỗ mô là đi miết à. Nên các anh các chị có vào quê em thì nhẹ nhàng thôi, nho nhỏ thôi chứ sang quá bọn em không dám vô, tình cảm xíu nữa là ok hết à. Cơ mà thành phố bọn em đồ ăn thì đầy đủ, cà phê cà pháo, quán nhậu cũng đầy rẫy, ngon và rẻ lắm, nên thêm 1,2 quán nữa cũng như muối bỏ biển à, các anh các chị có cái chi hay hay, mở một chỗ cho bọn em chơi, như thêm rạp phim, thêm khu chơi game, thêm chỗ giao lưu giới trẻ là bọn em hoan nghênh lắm, chứ sáng cafe, trưa cơm nhà, tối lại ra nước mía bên bờ sông hoài cũng nhàm mấy anh à…
Ưng Đen
Tác giả có lẽ là người có khả năng quan sát và thường đặt câu hỏi vể các vấn đề. Nói chuyện với bạn chắc là thú vị lắm!
Có nhiều người khen Đà Nẵng lắm, làm cho tôi cũng muốn đến. Tính cổ cổ của người dân Đà Nẵng có vẻ hợp với tôi. Nghe nói các bệnh viện ở Đà Nẵng không thu tiền gửi xe, trong khi các bệnh viện ngoài Bắc thì người ta phải đấu thầu mới được nhận trông xe.
Thử ghé qua một lần đi bạn, rồi bạn sẽ thích sự an yên nơi đây 🙂
Bài viết có phần thể hiện quan điểm hơi hoài cổ một chút của tác giả. Nếu hiểu về địa lý thì đơn giản tất cả mọi thứ bạn nói đều phản ánh Đà Nẵng chưa có nhiều dân nhập cư như Sài Gòn và kinh tế mới chỉ nổi lên vài năm gần đây. Thực tế là rất nhiều người ở Miền Trung từ Nghệ An Thanh Hoá Huế những nơi vị trí địa lý rất gần Đà Nẵng cũng không di chuyển về Đà Nẵng như Sài Gòn và các khu công nghiệp ở Bình Dương. Dân nhập cư nhiều sẽ có sự giao lưu giữa những nền văn hoá ẩm thưc ví dụ người Bắc vô Sài Gòn làm việc có thể kiếm những tiệm cơm bắc mà không thích hương vị Sài Gòn vốn chuộng đường hơn bột ngọt.
Thịnh ở Đà Lạt ở đây bắt đầu thấy du nhập những thứ văn hoá của Sài Gòn chẳng hạn cơm tấm, bánh tráng trộn, bánh mỳ Tuấn Mập, thức ăn nhanh lotteria… những thứ này hầu hết không phục vụ cho dân bản xứ mà chủ yếu là dân Đà Lạt đã từng sống ở Sài Gòn về và xu hướng của những người trẻ.
Đơn giản là khi kinh tế phát triển lên sẽ hình thành những bộ phận trung lưu và người giàu có thu thập cao hơn và chịu chi hơn cho những khoản ăn uống và tiêu xài, bản thân những hãng thức ăn nhanh thất bại đơn giản chỉ là du nhập chưa đúng thời điểm, bản thân Burger King cũng không phát triển lắm ở Việt Nam. Khi kinh tế phát triển hơn, người ta sẽ bận rộn hơn trong vòng xoáy công việc, những bữa ăn cơm gia đình sẽ ít lại, dân số đổ về, quỹ đất sẽ giới hạn và sớm muộn thì căn hộ cũng sẽ là một xu thế cho một bộ phận dân chúng, những xu hướng thời trang, ẩm thực, những hãng thức ăn nhanh và các văn hoá này cũng sẽ quay lại phục vụ những người Sài Gòn hay Hà Nội vào Đà Nẵng công tác, sinh sống và cả một lớp trẻ đi học ở thành phố trở về và phục vụ quê hương vậy. Ở Đà Nẵng cũng đã có những siêu thị, những nhà sách lớn, những cao ốc văn phòng và những chuỗi cửa hàng thức ăn đó là dấu hiệu của những thứ sẽ du nhập. Mọi thứ chỉ đơn giản là thời gian mà thôi!
Ya, đơn giản là thời gian trôi, xã hội thay đổi, chẳng phải nó cũng là địa lý, là hiểu xem người ở đó giờ ra sao sao 😀
Chỉ là mượn Đà Nẵng để chuyển lời thôi 😛
Đồng ý với bài viết, muốn kinh doanh tốt thì phải tìm hiểu kỹ về thị trường. Mà thị trường ở đây chính là con người, là nhu cầu, thói quen, tính cách, sở thích, khả năng tài chính,… Liên quan đến địa lý, văn hóa, lịch sử nữa.
Tks bạn nhé 😀
Rõ ràng là bạn có 1 hiểu biết sâu sắc về con người Đà Nẵng và chắc hẳn đã có 1 thời gian ở Xì Gòn để so ra những điểm khác biệt, mong là sẽ còn thấy nhiều bài viết của bạn trong tương lai 🙂
cám ơn bạn nhé ^^