Giá như mỗi lần có ai đó nói với tôi rằng họ chuẩn bị viết một kịch bản mới, một phim bom tấn, thì tôi lại có thêm một đô la. Tất cả họ đều nói một điều như nhau: “Tôi có ý tưởng câu chuyện này… sẽ hoành tráng lắm đây”.
Thật đáng buồn là hầu hết những người đó không bao giờ chịu viết một từ nào. Những ý tưởng của họ co cụm lại trong tâm trí, bị lạc mất hoặc bị lãng quên. Do vậy, tất cả chúng ta đều phải bắt đầu từ đâu đó.
Nếu bạn không biết gì về viết kịch bản, hãy tìm một quyển sách và học. Nếu bận rộn, hãy dành ra một khoảng thời gian nhất định và mỗi ngày viết một trang. Và bạn sẽ phải tốn vài năm thay vì vài tháng để hoàn thành một kịch bản, nhưng như vậy thì… có sao đâu!
Tóm lại là, sẽ có ai đó sẽ cho ra đời một kịch bản phim. Và người đó có thể là bạn lắm chứ!
Mẹo viết kịch bản
Vài mẹo viết kịch bản dưới đây là bắt buộc nhưng một số khác mang tính tùy chọn. Song, chúng sẽ đem đến cho bạn những ý tưởng, những kỹ thuật mà bạn có thể áp dụng trong suốt quy trình viết kịch bản của mình.
01. Học và nhớ cách viết kịch bản theo một định dạng (format) thích hợp. Điều này là bắt buộc. Những công ty và các nhà làm phim sẽ không đọc kịch bản của bạn nếu họ liếc sơ qua và thấy kịch bản không tuân theo định dạng chuẩn.
02. Xem nhiều phim. Xem những bộ phim đoạt giải và những phim hạng B, những phim điện ảnh chiếu riêng cho truyền hình, cả những phim cũ lẫn những phim mới. Hãy xem hết các phim đó và tìm hiểu xem điều gì khiến cho bộ phim này hay hơn bộ phim kia? Điều đó có phải là do kịch bản hay nhờ vào đạo diễn?
03. Đọc kịch bản của những bộ phim bạn đã xem. Bạn có thể đọc hết kịch bản trong vòng chưa tới 2 giờ. Và khi đọc kịch bản càng nhiều, bạn càng “thấm” format kịch bản và hiểu hơn mối quan hệ giữa kịch bản và bản phim cuối cùng.
04. Đọc những quyển sách về viết kịch bản. Tìm xem những cuộc phỏng vấn với những nhà biên kịch thành công. Bên cạnh đó hãy tìm đọc các trang web về biên kịch và bắt đầu thu thập các mẹo về viết kịch bản. Hãy tìm hiểu xem biên kịch nào viết ra những bộ phim bạn yêu thích nhất và để những biên kịch này là cố vấn cho bạn.
05. Trang bị cho mình một vài phần mềm. Ngoài thị trường hiện có rất nhiều phần mềm viết kịch bản. Bạn có thể dùng phần mềm Word hoặc một phần mềm chuyên về viết kịch bản. Chỉ cần nhớ rằng, bạn sẽ phải đánh chữ, định dạng lại kịch bản của mình và sử dụng một phần mềm thích hợp giúp cho công việc tẻ nhạt đó trở nên dễ dàng hơn.
06. Một khi bạn hoàn tất việc lên ý tưởng hoặc có được khung sơ bộ của ý tưởng của kịch bản, hãy cố gắng viết bảng tóm tắt toàn bộ câu chuyện để xem ý tưởng của mình tiến triển thế nào trên trang giấy. Điều này sẽ giúp bạn thấy rằng, liệu câu chuyện có ổn không? Và bảng tóm tắt đó sẽ trở thành bản tham khảo hữu hiệu trong suốt quá trình viết kịch bản và cho cả về sau nữa, khi bạn phải viết một bảng tóm tắt câu chuyện để đi chào hàng.
07. Học cách phát triển nhân vật, cách viết thoại, cách xây dựng câu chuyện, bối cảnh và cả cách kể chuyện. Những người mới làm nghề viết kịch bản đừng nên né tránh những công thức xây dựng câu chuyện vì chúng cung cấp cho bạn những kỹ thuật của những kịch bản thành công.
08. Nắm rõ nghệ thuật viết. Học về ngữ pháp, đánh vần, dấu câu, văn phong và ngữ điệu. Học cách viết một câu văn trọn vẹn và một đoạn văn hấp dẫn. Bằng cách trau dồi những bài viết của mình, bạn sẽ cải thiện được kịch bản của mình và tăng các kỹ năng cần thiết để bán kịch bản (chẳng hạn như viết bảng đề án, tóm tắt câu chuyện và các câu hỏi chào mời).
09. Phải viết ra giấy mọi ý nghĩ. Bạn phải học những mánh lới, những chiêu trò và dành thời gian để phác thảo ý tưởng. Tuy nhiên, việc trước tiên là bạn phải ngồi xuống và viết ra kịch bản của mình.
10. Chỉnh sửa, kết nối các chi tiết sao cho hợp lý, chặt chẽ và tiếp tục chỉnh sửa. Cứ liên tục chỉnh sửa, chỉnh sửa và chỉnh sửa…Nếu bạn viết được một tiểu thuyết Mỹ vĩ đại, một bài báo trên một trang báo lá cải, hoặc một bài luận cuối khóa thì chẳng thành vấn đề gì cả. Vấn đề là bạn phải luôn luôn chỉnh sửa tác phẩm của bạn một cách cẩn thận.
11. Đưa cho người khác đọc kịch bản của bạn, nhất là những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực biên kịch.
12. Viết đề cương chào hàng. Bạn sẽ dùng cái này để đi bán kịch bản. Do vậy, phải đảm bảo nó thật súc tích.
Một khi kịch bản của bạn được “đánh bóng” sáng sủa, bạn có thể bắt đầu mang nó đi chào bán khắp nơi. Hãy nghĩ đến việc tham gia vào các cuộc thi viết kịch bản và gởi nó đến các đại lý. Còn nếu bạn có mối liên hệ nào đó ở Hollywood thì đừng chần chừ gì mà hãy gọi ngay.
Bạn có thấy những mẹo viết kịch bản này hữu dụng không? Bạn có chiêu nào khác nữa để thêm vào bảng danh sách này?
Melissa Donovan
Dịch: Dương Nữ Khánh Thương
Photo: Mendaliv
E năm nay mới có 15 t thôi,nhưng e lại rất mê viết kịch bản phim.do ko có điều kiện nên ngày nào em cũng dành cả buổi trưa rảnh rỗi để viết và lên ý tưởng cũng được 3 tháng nay rồi.kb cũng dài cả 1 cuốn tập96 trang chắc khoảng 1 năm nữa thì kb của e mới hoàn thành.vay còn nhỏ như e liệu có nộp dc kịch bản ko nhỉ?và làm bk thì có cần phải tốt nghiệp đại học ko .em cảm ơn.
vậy người VN sends kịch bản cho Hollywood có được không?
Theo mình là được nhưng quan trọng về phần phiên dịch có đạt hay không và sẽ là người nhận kịch bản của mình nữa.