*Photo: Ewitsoe
Nhân dịp kết thúc dạy môn Ethics in IT ở Đại học FPT, đăng bài dịch này để biết đâu giúp ích được bạn bè đôi chút khi tranh cãi trên facebook.
Ngày nào chúng ta cũng phải đối mặt vối vô số các vấn đề về đạo đức mà chúng ta buộc phải bày tỏ chính kiến, mở mắt là thấy facebook hoặc những trang báo sáng đầy rẫy những tít giật gân. Đến cơ quan thì nào là nhân viên trốn việc, khách hàng chưa trả tiền, sản phẩm lỗi cần thu hồi…. Đạo đức đuổi theo chúng ta đến sân chơi của bọn trẻ con, và chúc chúng ta ngủ ngon từ màn hình TV thời sự buổi tối. Suốt ngày chúng ta cãi nhau về đạo đức của chính phủ, của dân làm ăn, của các thầy cô giáo, về quyền của người nghèo, hay những ngôi sao.
Vài ví dụ nhỏ:
Mỹ đánh Sirya là đúng hay sai? Phương Trinh có được biểu diễn nữa không? Quảng cáo thuốc hay thực phẩm chức năng là chân thực? Có đưa con đi học thêm không?
Đối đầu với những vấn đề này thật không dễ dàng. Cần phải đặt câu hỏi gì? Cần xem xét những khía cạnh nào?
Việc đầu tiên cần làm khi tiếp cận các vấn đề đạo đức, nhưng thường cũng là việc khó nhất.
Tìm hiểu thực tế
Rất nhiều các vấn đề trở nên rắm rối vì chúng ta không kiểm tra lại thực tế. Rất nhiều các vấn đề tự nhiên mất đi nếu ta gọi điện kiểm tra lại.
(Status: chặt tay để cướp iPhone trên facebook, bài báo: Làng nấu cháo ở Huế, tin đồn: thằng bạn rủ bạn gái đi uống café.)
Nhưng kiểm tra thực tế vẫn chưa đủ. Các sự kiện diễn ra như chúng vẫn thế, chứ không diễn ra theo cách chúng ta muốn chúng phải diễn ra. Bởi thế để quyết định các vấn đề đạo đức, ngoài các dữ kiện thực tế chúng ta thường viện dẫn đến các hệ thống giá trị. Từ cổ đến kim, các nhà triết học đã phát triển năm cách tiếp cận các vấn đề đạo đức.
Tiếp cận thực dụng
Chủ nghĩa thực dụng do Jeremy Bentham và John Stuart Mill phát triển từ thế kỷ 19 để giúp các nhà luật pháp xác định luật nào là tốt nhất. Hai học giả này cho rằng hành động đạo đức là hành động tạo được sự cân bằng tốt nhất giữa cái tốt và cái xấu. Để ra quyết định theo hướng này, đầu tiên chúng ta xác định có mấy cách hành động. Thứ hai, xác định những người bị ảnh hưởng, ai được lợi và ai bị hại. Sau đó chúng ta sẽ chọn hành động mang lại nhiều lợi ích và ít thiệt hại nhất. Hành động đạo đức là hành động mang lại nhiều lợi ích cho nhiều người nhất. (Ví dụ: xây dựng khu đô thị trên đất nông nghiệp.)
Tiếp cận nhân quyền
Nguồn gốc của cách tiếp cận này nằm trong triết lý của nhà triết học người Đức thế kỷ 18 Immanuel Kant và cộng sự nghiên cứu về quyền của cá nhân chọn cho chính bản thân họ.
Theo họ, con người khác sự vật ở chỗ họ có nhân phẩm dựa trên quyền tự do lựa chọn làm gì với cuộc sống của họ, và họ có quyền đạo đức cơ bản yêu cầu mọi người tôn trọng lựa chọn của họ. Con người không thể là đối tượng để điều khiển. Sử dụng con người trái với lựa chọn của họ là vi phạm nhân phẩm.
Ngoài quyền cơ bản, con người còn có một số quyền khác như:
– Quyền được tiếp cận sự thật, ảnh hưởng đến sự ra quyết định
– Quyền riêng tư: tin, hành động và nói mọi việc theo ý thích nếu không xâm phạm đến quyền của ng khác.
– Quyền không bị xúc phạm/đánh đập trừ khi chúng ta tự do và tự nguyện làm những việc có thể bị trừng phạt hoặc chấp nhận rủi ro bị xúc phạm.
– Quyền thỏa thuận: chúng ta có quyền với những điều chúng ta đã thỏa thuận với những người mà chúng ta tự nguyện chấp nhận giao tiếp
Cách tiếp cận này đòi hỏi chúng ta đặt câu hỏi: hành động này có ảnh hưởng gì đến quyền cơ bản của những người liên quan. Càng nhiều quyền bị xâm phạm, càng sai.
(Mỹ can thiệp Syria vì Syria không cho nhân dân tự do lựa chọn.)
Tiếp cận công bằng
Cách tiếp cận này xuất phát từ những luận điểm của nhà triết học cổ đại Hy Lạp Aristotle: “những người bình đẳng phải được đối xử bình đẳng, và những người không bình đẳng phải được đối xử không bình đẳng.” Trước khi hành động chúng ta phải hỏi: chúng ta đã công bằng chưa? Liệu tất cả mọi người có được đối xử bình đẳng với nhau, hay chúng ta thiên vị hoặc kỳ thị.
Thiên vị là tìm cách cho một số người được hưởng lợi thiếu lý do xác đáng. Kỳ thị là áp đặt một số điều kiện lên một số người không khác biệt gì với những người còn lại.
(Câu chuyện một học sinh da trắng bị từ chối nhập học tại trường luật Texas)
Tiếp cận vì lợi ích cộng đồng
Cách tiếp cận này dựa trên giả thiết: xã hội được tạo nên từ những cá nhân mà lợi của họ không tách rời khỏi lợi ích cộng đồng. Các thành viên cộng đồng được gắn kết với nhau bằng các giá trị và mục đích chung. Lợi ích cộng đồng đã được Plato, Aristotle, Cicero thảo luận từ hơn 2000 năm trước. Gần đây, nhà đạo đức học John Rawls đã định nghĩa lợi ích cộng đồng là “những điều kiện tổng quát có ích đều cho tất cả mọi người”. Ví dụ của LICD như hệ thống chăm sóc sức khỏe, phát luật, môi trường…
Cách tiếp cận này đòi hỏi chúng ta phải coi mình như một thành viên của một cộng đồng, quan tâm đến những vấn đề mà cộng đồng mong muốn đạt được. Mặc dù đánh giá và tôn trọng mục tiêu của từng cá nhân, phương pháp này thách thức chúng ta phải thừa nhận và phát triển những mục tiêu mà chúng ta cùng chia sẻ.
(Xây nhà máy thủy điện tại miền Trung)
Tiếp cận đức hạnh
Cách tiếp cận này giả thiết rằng có những lý tưởng mà chúng ta luôn phải phấn đầu để hoàn thiện mình. Chúng ta sẽ phát hiện ra những lý tưởng này trong quá trình tìm hiểu những tiềm năng của bản thân.
Đức hạnh là những phẩm chất hoặc tính cách giúp ta có thể hành động theo cách phát huy tốt nhất tiềm năng để theo đuổi những lý tưởng của mình. Ví dụ về đức hạnh: trung thực, dũng cảm, trắc ẩn, hào hiệp, trung thành, thẳng thắn, công bằng, tự kiểm soát, thận trọng…
Để biết cách hành động theo tiếp cận này, chúng ta phải hỏi: ta sẽ thành người như thế nào? Điều gì sẽ giúp phát triển tính cách của ta và cộng đồng?
(Ví dụ: có ủng hộ Angela Phương Trinh hay ko? 🙂
Giải quyết các vấn đề đạo đức
Tóm lại, muốn giải quyết các vấn đề đạo đức, sau khi kiểm tra lại thực tế, chúng ta phải tự đặt cho mình 5 câu hỏi:
– Mỗi hướng giải quyết sẽ mang lại lợi ích và thiệt hại gì? Lời giải nào cho hiệu quả chung tốt nhất?
– Các đối tượng liên quan có những quyền đạo đức căn bản nào? Và lời giải nào tôn trọng nhất những quyền đó?
– Phương án hành xử nào đối xử công bằng với tất cả mọi người, không thiên vị, không kỳ thị?
– Lời giải nào sẽ góp phần làm tăng lợi ích cộng đồng?
– Hành xử nào sẽ góp phần phát triển đức hạnh cá nhân và cộng đồng?
Đương nhiên là chúng ta sẽ không tự động có lời giải đúng. Cách suy nghĩ này chỉ giúp chúng ta cân nhắc thận trọng tất cả những khía cạnh đạo đức quan trọng nhất trước khi ra quyết định cuối cùng.
(Dịch theo bài báo của Manuel Velasquez, Claire Andre, Thomas Shanks, S.J., and Michael J. Meyer)