(872 chữ, 3.5 phút đọc)
Bạn tôi: Cậu có bao giờ nói dối không?
Tôi: Tớ chưa thấy có ai sống mà không nói dối một lần nào. Người lớn nói dối con nít vì nghĩ rằng sự thật là điều không tốt cho nó. Con cái nói dối cha mẹ vì sợ đánh đòn. Thỉnh thoảng mọi người lại nói vài ba câu kiểu buông lơi, đơn giản vì họ nghĩ lời nói đó chẳng làm tổn hại đến ai. Tớ cũng thỉnh thoảng vô ý mà nói dối.
Bạn tôi: Thế nào gọi là vô ý mà nói dối?
Tôi: Chẳng hạn việc cậu thật sự đã nghe được thông tin đó, nhưng vì vướng kẹt trong ngôn từ mà cậu đã đánh mất đi độ chính xác khi truyền đạt lại cho người khác. Và nếu cậu là một kẻ vụng về quá chớn, nhiều khi cậu còn cung cấp một thông tin đã bị sai lệch hoàn toàn. Vậy là cậu mang tội danh nói dối mặc dù tâm hồn cậu cũng ngây thơ chẳng khác gì những lời cậu đã nói.
Bạn tôi: Cậu có nghĩ nói dối là xấu không?
Tôi: Còn tùy vào cấp độ lời nói dối, vô ý thức hoặc có ý thức.
Bạn tôi: Hầu hết mọi người đều căm ghét sự lừa dối nhưng họ lại rất sợ hãi khi phải nghe sự thật. Cũng có những người nói dối vì họ nghĩ rằng sự thật sẽ khiến người nghe bị tổn thương.
Tôi: Vì nghĩ thế mà tớ không quá quan trọng đối với những người nói dối tớ. Tớ chỉ căm ghét tớ mỗi khi tự lừa dối chính mình.
Bạn tôi: Tớ cũng hay có thói quen lừa dối tớ. Tớ đã nhiều lần tự răn đe bản thân nhưng vẫn không thể trung thực với chính mình. Điều ấy khiến tớ đau khổ vô cùng.
Tôi: Cảm giác này tớ đã trải qua rất nhiều lần. Cứ dằn vặt giữa những suy tư lẫn lộn, tớ chọn cho mình cách giải quyết an toàn để vỗ về ôm ấp tâm hồn. Nhưng đó chỉ là liều thuốc giảm đau tất thời. Bởi lẽ khi vết thương cũ tái phát, tớ lại bắt đầu hoang mang. Rồi tớ bắt đầu oán giận chính bản thân. Không có ai đe dọa trừng phạt, nhưng tâm trí lại cứ bịa đặt vẽ vời thêm vô số thứ để tự cãi cọ giằng xé. Những lúc ấy đầu óc tớ chỉ muốn nổ tung. Tự lừa dối mình có thể chẳng gây sát thương cho ai nhưng về lâu dài sẽ tạo ra cho chúng ta thói quen. Tớ thậm chí còn tin rằng chúng ta có thể nói dối tất cả mọi người, vì nhân loại này xưa nay đã quen sống gian dối trong nhau, nhưng chúng ta không thể tự lừa dối mình, vì đó là không tôn trọng bản thân. Đến chính mình mà mình còn không tôn trọng thì còn mong ai khác tôn trọng đây?
Bạn tôi: Chúng ta tự lừa dối chính mình vì chúng ta là nô lệ của những nỗi sợ hãi.
Tôi: Chúng ta có cả kho tàng sợ hãi với muôn màu muôn vẻ. Nói dối để bào chữa cho những khía cạnh khó giải quyết. Nói dối để người khác yêu thương mình. Tự ảo tưởng những điều tốt đẹp bằng lời nói dối…Đó là bi kịch của con người. Luôn sống theo những lý tưởng, những mục tiêu, hướng đến một hình tượng đã cố gắng xây dựng trong tâm trí để tròn vừa ánh nhìn của thiên hạ và chính mình, rồi rập khuôn đời sống trong tất cả thói quen dẫn lối chúng ta đến vạch đích. Ở đây tớ cần nói thêm về lý tưởng. Con người tự thêu dệt lý tưởng trong tâm trí họ bởi họ muốn được an toàn trong cái vỏ bọc đó, hoặc họ muốn được nhiều người ngưỡng mộ yêu mến, họ muốn trở thành một con người có đạo đức và nhân cách… Vậy nên khi họ trót lỡ hành động một việc gì đó đi trật với đường ray xe lửa, họ sẽ bắt đầu tự bào chữa cho lỗi lầm bằng lời nói dối.
Bạn tôi: Cậu có nghĩ nói dối chính mình là rào cản ngăn chúng ta tìm về tiếng nói của bản ngã?
Tôi: Như tớ đã nói, vết thương dù lành sẹo những vẫn sẽ gây ra cảm giác tê buốt lúc trái gió trở trời. Nếu chúng ta không thể dối diện với căn nguyên của sự thể, cố tình che đậy bằng lời lẽ ba hoa mỹ miều, chúng ta sẽ không bao giờ quay trở về được cội nguồn.
Bạn tôi: Nói dối chính mình phải chăng đó chỉ là bình yên ngắn hạn?
Tôi: Ngay lúc này đây tớ chỉ cảm thấy muốn khinh bỉ bản thân vì đã nói dối lại còn đi khua môi múa mép với cậu về sự nói dối.
Tác giả: Ni Chi
Ảnh minh hoạ: PublicDomainArchive
📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP
📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2