27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Thực trạng đại học ở Việt Nam từ đầu đến cuối

Tại sao tôi hay viết về chủ đề đại học – một vấn đề nhạy cảm đến vậy? Tại sao tôi lại thành kiến với việc học đại học. Nhiều người bạn thân của tôi sẽ thấy tôi quá cực đoan khi nói đến vấn đề này, vậy thì xin mời đọc vài dòng dưới trước khi vào bài đã.

Tôi thích theo trường phái “hiệu quả”. Và bất cứ điều gì không hiệu quả trong chuyện học đại học thì tôi sẽ nói thẳng thành thật không e ngại. Không ai nói thì tôi sẽ nói. Tôi nói thẳng luôn là tôi không thích học đại học, và tôi sẽ phân tích bài này theo hướng “xúi bạn nghỉ học”. Vậy nên nếu bạn là một tín đồ cuồng học đại học và cho nó là bắt buộc để sống tốt thì mời lướt qua cho đỡ tốn thời gian của bạn. Bởi vì tôi chẳng muốn chống phá nhà nước hay tiêm nhiễm văn hóa đồi trụy gì cả. Đó là con đường đạt hiệu quả cao cho người chăm chỉ, vậy thôi.

Xin vào thẳng vấn đề!

Đại học là gì và thực trạng

Tôi định nghĩa đại học là một nơi dạy học MỞ RỘNG về các chuyên ngành. Tại đây, các sinh viên sẽ được nghiên cứu sâu về chuyên môn mà HỌ MUỐN.

Tôi không biết kể từ khi nào mà Đại Học trở thành điều bắt buộc rằng ai cũng phải học đại học để chứng minh giá trị bản thân với cuộc đời. Rất nhiều cha mẹ chọn trường cho con cái họ, rất nhiều sinh viên học cái họ không thích, rất nhiều sinh viên học hành đối phó, rất nhiều sinh viên lười biếng, rất nhiều sinh viên ngủ trong giờ học, rất nhiều sinh viên nói chuyện trong giờ học, rất nhiều sinh viên chơi game trong giờ học, rất nhiều sinh viên copy bài trên mạng để làm tiểu luận, rất nhiều sinh viên thuyết trình cho xong nhiệm vụ để có điểm, rất nhiều sinh viên nghỉ học tối đa thời lượng cho phép, rất nhiều sinh viên cố gắng học chỉ để có được một điểm số “ổn” để rồi đi xin việc trong sự mong chờ đầy bao dung từ doanh nghiệp.

Thế kỷ 21, người ta đã bay đến mặt trăng, xây những tòa nhà chọc trời, tư tưởng đã vĩ đại đến đâu rồi, còn ở Việt Nam thì chạy điểm, thì học vì điểm, thì không biết mình thích gì, thì cầm tấm bằng với cái đầu rỗng tuếch.

Theo định nghĩa của tôi, thì đại học là một nơi học để “MỞ RỘNG”, nó không phải là bắt buộc với những ai không muốn, vậy thì đừng có ép họ làm những gì họ không muốn rồi bảo sao họ bất kính, bất tài hay gì gì đó. Hơn nữa, đại học là nơi để nghiên cứu. Nhưng chúng ta thực sự dạy và học không có hiệu quả. Chúng ta canh mẹ giám thị đi tuần tra. Chúng ta chất một đống tiểu luận mà không ai hiểu trong đó chứa cái gì. Sau cùng là đi tái chế giấy hoặc bán giấy vụn cho mấy người mua ve chai.

Đương nhiên, không phải đại học là vô nghĩa, nhưng nó không hiệu quả cao thì phải thuận theo tự nhiên là bị đào thải. Nếu nó không tự đào thải, chúng ta phải đào thải nó. Đằng này chúng ta lại kìm, chống cho nó khỏi bị sụp đổ, quả là rãnh rỗi!

Tại sao người ta phải đi học ở các ngôi trường sau khi kết thúc chường trình phổ thông bắt buộc?

Để rút ngắn thời gian cần thiết cho việc tiếp thu kiến thức, nhằm đạt được những thành tựu sớm hơn lớp đi trước. Cái đó Newton gọi là: “Đứng trên vai người khổng lồ.” Các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo đều áp dụng phong cách này, họ mời các chuyên gia nước ngoài, gửi học sinh đi du học để phát triển đuổi kịp thế giới. Thực sự là họ đã phát triển rất nhanh và hiệu quả. Chúng ta thì lẹt đẹt đi sau. Bắt chước cũng không ra hồn chứ đừng nói là sáng tạo ra phong cách riêng của Việt Nam.

Ở Việt Nam thì giáo trình dạy vẫn còn rất hàn lâm, nếu không muốn gọi là cổ lỗ sĩ. Học toàn là những thứ không dùng đến hoặc quá cao siêu. Nhiều môn học chẳng liên quan như một đống các toán, lý, hóa.

Học để có kiến thức!

Cha mẹ nào cũng nói thế, lứa người bậc cha mẹ ông bà ta đều nói thế bởi vì họ đâu có đi học sao họ biết được chứ. Học đại học không có nghĩa là có kiến thức, cũng không có nghĩa là có đạo đức đâu. Và rồi chúng ta sống quanh quẩn những con người có đầu óc đến mức đó mà thôi, không hơn được nữa.

Chúng ta biết các công ty, doanh nghiệp chê bai sinh viên dữ dội là phải đào tạo lại. Nhưng chúng ta vẫn thấy vui vì điều đó, không lấy làm xấu hổ. Miễn là có một vé đi vào công ty mà tôi gọi là “ăn bám” dù có bị đào tạo là vui rồi. Tại sao tôi gọi là ăn bám? Bởi vì hữu danh vô thực, cầm bằng cử nhân mà không có tí kiến thức gì. Đã vậy còn bị hậu quả của tánh đối phó khi học 4 năm trong đại học. Sếp đến thì giả bộ làm, sếp không đến thì ngồi chơi tám chuyện, đầy ra!

Cố học để đổi đời!

Vâng, hoàn toàn đồng ý! Nhưng học cái gì? Học cái gì? Nếu bạn nói học đại học để sau này có việc làm, sau nhiều năm sẽ được thăng chức và tăng lương từ từ thì bạn nhầm to cả đống rồi. Tôi đố bạn mang cái tính chán chường trong công việc, đối phó đi làm ngoài đời để được tăng lương đấy, dù cho bạn có bằng cử nhân hay thạc sĩ. Không có giá trị đồng nghĩa với việc “vứt”. Không giông dài, không giải thích.

Cuộc đời là thế, rất cay đắng và khắc nghiệt. Không có ai tội nghiệp bạn rồi thăng lương cho bạn bởi vì bạn đã cố gắng một thời gian dài 4 năm mài đũng quần ở trường đại học. Bạn chán ngán, bạn rớt môn lên rớt môn xuống, bạn đã phát khóc… Kệ bạn! Bởi vì bạn giao cuộc đời bạn cho người ta dạy, giao cuộc đời bạn cho người khác quyết định có thăng lương hay không nên bạn mãi mãi là kẻ phụ thuộc.

Muốn được trọng dụng và lương cao, bạn phải vắt kiệt sức mình cho người ta. Lẽ ra với công sức đó bạn đã có thể kiếm được 100 triệu thì giờ đây người ta phớt tay trên của bạn 75 triệu, còn 25 triệu phát cho bạn, và bạn nhận trong sự vui mừng đầy hạnh phúc. Thật ngốc nghếch!

Hơn nữa, với cùng sức học và làm việc chăm chỉ, bạn sẽ đạt được hiệu quả gấp đôi, gấp ba lần so với học trong trường đại học. Tin tôi đi, tôi biết rất rõ những điều đó. Từ ngày đầu bước chân vào, ngày đầu tiên tôi đã không thích nó, nhưng tôi vẫn muốn học thử xem những lời đồn đại thực hư ra sao. Giờ thì quá rõ rồi, tôi đã rời khỏi nó. Không hiệu quả thì thay đổi, thế thôi.

Học để làm tự hào cha mẹ, vì danh dự gia đình dù không thích?

Điều này quả là ngớ ngẩn không thể ngớ ngẩn hơn. Bạn không thể làm giỏi cái mà bạn không thích. Điều này là tất yếu. Rồi bạn lấy cái gì làm cho cha mẹ bạn tự hào? Hay cả nhà đang ảo tưởng cùng nhau, ru ngủ nhau suốt 4 năm? Rồi sau khi cầm cái bằng, cả nhà hạnh phúc thêm 1 thời gian rất ngắn nữa, khoảng vài tuần trước khi đối mặt với một núi rắc rối mới: Không kiến thức, vô định, thất nghiệp?

Cái bạn có thể làm cho cha mẹ tự hào chính là tài năng của bạn! Là tiền bạn kiếm ra, là những kiến thức của bạn phải làm mọi người nể phục, là khác người, là đặc biệt. Và người ta sẽ hỏi cha mẹ bạn: Làm sao mà anh chị dạy cháu hay thế? Đó chính là báo hiếu, đó chính là danh dự. Không phải việc thất nghiệp, không phải ổn định cuộc sống. Chuyện đó ai cũng làm được. Vậy thì chúng ta đừng nên lấy chúng làm gì gọi là tự hào.

Hầu hết cha mẹ đều rất “sĩ diện hảo” trước mặt khách khứa. Đương nhiên những người này luôn chêm vào những câu nói mang tính sát thương cao: “Anh lo được cho mấy cháu đi học đại học thì giỏi quá. Thôi vài năm nữa là xong nghĩa vụ!”

Cái gì thế? Họ đang nói cái quái gì thế? Nhiều cha mẹ của chúng ta và cả những bậc cha mẹ khác đều có một tâm lý: Lo cho xong! Thế nên họ muốn bạn mau chóng ổn định để họ xong nhiệm vụ. Tôi nói thẳng ra là cha mẹ bạn, cha mẹ tôi, cha mẹ chúng ta không có tính kiên nhẫn trong việc nuôi dạy con cái. Điều này gián tiếp dẫn đến thiếu trách nhiệm. Đương nhiên bạn và tôi không nên trách họ, hãy tự trách mình sao còn ăn bám ba mẹ làm cho họ phải “lo cho xong” nhiệm vụ thì đúng hơn.

Học đúng cái mình thích trong trường đại học?

Điều này thì tôi không có ý kiến, nhưng dù gì thì tôi nói trước, cũng sẽ có một khối lượng hơn một nửa kiến thức chẳng cần thiết gì cho bạn cả. Kham được thì kham, trường hợp này tôi không có ý kiến.

Thực trạng đại học ở Việt Nam

Điều này chắc tôi cũng chẳng cần phải nói thêm chi nữa cho tốn thời gian của nhau. Bằng đại học chỉ có nghĩa là một tờ giấy, vào xin việc, rồi sao nữa? Bạn làm gì trong đó?

Tôi không phủ nhận việc học đại học trong các ngành như kỹ sư, bác sĩ, vì các ngành này đòi hỏi phải giỏi nếu không thì chết người. Còn một số ngành khác không cần thiết thì tự hiểu đi.

Có một số vấn đề nhỏ khác như: Bạn bè thời đi học, thời gian rãnh khi học đại học, vân vân… Mấy chuyện đó nhỏ quá, không nên bàn, vì ở đâu mà bạn chẳng có bạn bè. Thời gian rãnh khi học đại học chỉ là lãng phí. Tóm lại là mấy cái râu ria đó không nên bàn thêm, không cần thiết.

Hãy nhìn xa hơn!

Nếu bạn chỉ nhìn cuộc đời là sau 4 năm học đại học rồi xin việc làm, ổn định cuộc sống thì rõ là bạn quá thiển cận. Thiển cận như bao nhiêu người khác. Bạn cần nhìn cuộc sống là một hành trình dài nhiều chục năm, rồi khi bạn 30- 40- 50 tuổi, bạn sẽ ra sao? Hay chỉ lại là một cuộc sống ổn định, ổn định và ổn định, rồi bạn lại dạy con bạn sống theo cách đó, cách cha mẹ và xã hội đang dạy cho bạn bây giờ? Một cái vòng luẩn quẩn. Thấy chưa?

Bạn sẽ không thoát khỏi cảm giác chán ngán, vô nghĩa khi làm những điều mình không thích, suốt một cuộc đời. Tin tôi đi, điều đó là hoàn toàn có thật. Lúc đó rất có thể bạn sẽ phải đi lại từ đầu để có một cuộc sống ý nghĩa hơn, hoặc là bạn sẽ chán mà chết. Trong khi chúng ta đã có thể lường trước thì lại không tránh, vậy là sao?

Định kiến!

Người Việt sống trong tục lệ cổ hủ, không phải chỉ trong chuyện học đại học mà trong văn hóa gia đình, văn hóa giao tiếp, văn hóa cúng kiếng. Chúng ta không thay đổi, nên chúng ta bị tụt hậu. Chúng ta chống lại bản chất của cuộc sống là thay đổi nên chúng ta nghèo và lạc hậu hoài. Chúng ta chẳng chịu cập nhật những gì thế giới cập nhật. Thế nên chúng ta chỉ là những món đồ cũ chẳng hợp thời, chẳng ai thèm xài. Trừ một vài món được mua về để “trưng” chứ không hơn.

Vậy đấy, chúng ta ôm bom và cùng nhau tự sát. Toàn là tư tưởng từ những đầu đất, từ bộ giáo dục cho đến học sinh sinh viên rủ nhau trốn tránh trách nhiệm phải làm điều gì đó khác hơn.

Đến một lúc bạn phải biết rằng: Giáo dục là nền tảng của sự phát triển xã hội. Một khi bạn không biết tự giáo dục mình, biết mình cần điều gì trong cuộc sống, bạn không thể phát triển. Nếu mười, một trăm, đến một chục triệu người không biết gì hết, dẫn đến chúng ta có một quốc gia hèn kém như hiện nay.

Tôi là một người Việt Nam, tôi không làm gì được cho đất nước hơn là ngồi viết thế này, hơn là bỏ học. Tôi cũng là một người hèn kém. Chấm hết!

Tác giả: Lục Phong
Biên tập: THĐP

Featured image: Minh Hoàng on Unsplash

Các tài liệu nên xem

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

11 BÌNH LUẬN

  1. Mặc dù tác giả còn có những bức xúc chung của đại số số thanh niên VN học đại học, tác giả chắc vẫn còn ở độ tuổi nhà trường, chưa thấy được những đổi thay xã hội và lý do đại học VN nó được cấu trúc vậy. Nếu không phải là 1 người lười biếng chỉ viết bài lủng củng để thỏa mãn sự tức giận vì nền giáo dục không hoàn thiện ở VN, tác giả có thể lấy học bổng và đi học nước ngoài nếu có khả năng, và thực sự học các tốt lẫn cái xấu của của các nền giáo dục mà tác giả đề cập (Nhật, Hàn, SingapoRE), các nước đó cũng có nền giáo dục không phải hoàn hảo và họ vẫn bị những đè nặng về vấn đề danh dự, cha mẹ như trên

    Kết lại, tác giả vẫn còn khá trẻ, không có nhiều kiến thức và ngôn ngữ lủng củng, tuy nhiên cũng có 1 phần nhiệt huyết muốn thay đổi. Nếu có thể thay đổi được thì chắc giúp được đất nước, còn nếu không thì cũng không khác gì những bạn nam ngồi chém gió ở quá trà về chuyện thiên hạ.

  2. Vừa trốn tiết và đang đọc bài này , hơi lủng củng , không có hứng đọc . Hình như chê thì phải , 😀 mình ghét đi học nhưng cũng chẳng biết mình muốn gì ,thôi làm theo bố mẹ vậy

  3. Lạm bình
    —–
    Bài viết này cấu trúc không rõ ràng, lại còn có đến 2 phần thực trạng, có vẻ viết vội. Nội dung không được giới hạn ngay từ đầu, nói đến thái độ của một bộ phận các cá nhân tham gia vào việc học đại học thì không nên đặt tiêu đề là “từ đầu đến cuối”.
    Một gợi ý về phong cách viết của bài này: bài viết dựa trên những nhận định về suy nghĩ của người khác là một vấn đề rất khó nắm bắt nhưng lại viết bởi văn phong mang tính cá nhân là thiếu phù hợp. Hệ quả là người đọc luôn có cảm giác bị áp đặt trong quá trình thưởng thức tác phẩm.
    E rằng tư tưởng nổi lên từ bài viết còn có tính chuyên chế hơn là cái bài viết đề cập. Điều này nhất định làm giảm giá trị truyền đạt của tác giả.

    • Tác giả xúi nghỉ học ngay từ đầu. Bài viết đương được cố tình không giữ vị trí trung lập.

      Bạn nói 2 phần thực trạng là 2 phần nào? Nếu nó không mâu thuẫn nhau và được đề cập ở 2 đoạn khác nhau thì hoàn toàn có thể chấp nhận được, bởi vì nó phù hợp với đoạn văn đó hay không. Không thể gôm hết thực trạng vào một phần mà chưa hề phân tích.

      Suy nghĩ của người khác khó nắm bắt như thế nào? Quan điểm của số đông 80% con người Việt Nam ra sao? Có lẽ bạn nên phân tích rõ ra như tác giả, dù gì người viết cũng có quan điểm riêng.

      Bài viết có tính chuyên chế, thiên về một cực ngay từ phần mở đầu giới thiệu, điều này không có gì phải bàn thêm.

      Lập luận cần phải có dẫn chứng, bạn lạm bình rất chung chung như thế không có giá trị rút kinh nghiệm cho người viết.

      Thân,

      • Vấn đề là cách trình bày quan điểm chứ không phải là quan điểm đó như thế nào mới là tiêu chuẩn của khách quan(không ai bảo bạn đó phải trung lập).
        2 phần khác nhau thì đặt tên khác nhau. Ngôn ngữ thể hiện tư duy, tư duy lủng củng thì ngôn ngữ cũng nhập nhằng. Ngoài ra đấy chỉ là ví dụ cho sự lủng củng của bài viết mà thôi.
        Ý chí tự do là phạm trù cái riêng, trong khi để nói về 1 thực trạng xã hội thuộc phạm trù cái chung. Vì vậy 1 cách vô thức đã tạo ấn tượng về 1 sự “vơ đũa cả nắm” khi dẫn trực tiếp từ 1 góc nhìn cá nhân về quan điểm của người khác rồi khái quát hóa vội vàng.
        Nếu tác giả muốn nhét chữ vào mồm độc giả thì đó là quyền của họ, không ai phủ nhận. Tôi chỉ bảo như thế là không hiệu quả.
        “Đọc là để nghĩ không phải đọc để khỏi phải nghĩ”. Tôi không phải giáo viên dạy văn của tác giả.

        • Bạn phản biện hay thế này thì tác giả nói lại sao đây. Haha. Mình thích cách suy nghĩ và lập luận của bạn hơn. Giá như mình có cơ hội được đọc những bài viết của bạn thì hay biết mấy. …..
          Cũng chẳng biết có cơ hội đó ko nữa nhưng thôi mình cứ để lại email vậy:
          tri.pccc114@gmail.com

          • Mình chỉ bắt đầu viết(thể loại này) gần đây và đều đăng lên Triết học đường phố rồi. Hiện nay mình đang thiếu cảm hứng viết, tuy nhiên hy vọng bạn sẽ theo dõi và góp ý cho các bài viết tiếp theo của mình.
            P/S: mình không phản bác tác giả, mình chỉ phản bác lại ý kiến về sự phân tích văn phong của mình thôi. Cách viết tác giả sử dụng còn tùy vào mục đích của họ, mình chỉ góp cảm nhận theo quan điểm cá nhân thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI