Tín đồ Công giáo
Giống như bao đứa trẻ khác sinh ra trong một gia đình Công giáo tại Việt Nam, tôi được đưa đến nhà thờ từ khi còn rất nhỏ để trải qua nghi thức rửa tội và theo đó, trở thành một Kito hữu. Mặc dù được “nhập đạo” trong trạng thái chưa phát triển nhận thức nhưng tôi không cảm thấy thụ động, ngược lại còn có phần thoả mãn bởi lẽ tôi đã lãnh nhận tôn giáo như một phần tài sản kế thừa hay một yếu tố di truyền từ cha mẹ.
Bạn biết đấy, dẫu có chào đời với một cơ thể khuyết tật, chúng ta vẫn nên học cách hài lòng với những gì đấng sinh thành ban cho vì đó là những thứ tốt đẹp nhất (trong hầu hết mọi trường hợp).
Tuổi thơ của tôi gắn liền với các buổi thánh lễ, đôi khi háo hức, đôi khi bị bắt buộc. Tôi còn nhớ rất rõ thói quen ấy, hễ cứ nghe thấy tiếng chuông nhà thờ là lập tức tắm rửa sạch sẽ, quần tây áo trắng, sốt sắng di chuyển trên con đường bê tông đổ nát. Ở đó, người đông như trẩy hội. Ở đó, không khí thật trang nghiêm. Ít ra thì tôi thấy tiết học giáo lý ngắn ngủi sáng Chúa nhật vẫn bổ ích hơn môn Đạo Đức thời tiểu học, môn Giáo Dục Công Dân thời trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Tôi mỉm cười đắc ý, vì sao ư? Vì tôi là con Thiên Chúa. Sự tự hào non trẻ ấy thậm chí còn khiến tôi lao vào ẩu đả với một người bạn thân hồi năm lớp 4 chỉ vì một câu nói mang tính chất đùa giỡn. “Nghe bảo đạo Thiên Chúa có thằng Dây-su (Jesus).”
Để rồi mọi thứ dần sụp đổ, thể xác càng to lớn, niềm tin trong tôi càng nhỏ bé, dần dà trở thành một đứa trẻ, dễ dàng bị hiếp đáp bởi những kẻ tồi tệ. Tôi nhìn thấy một bà lão phúc hậu dâng hiến rất nhiều thời gian và tiền bạc cho giáo xứ nhưng lại đi bày bán các mặt hàng độc hại chỉ vì lợi nhuận kinh tế. Tôi nhìn thấy những gã đàn ông đốn mạt vẫn sống phè phỡn ngoài xã hội, những tên giả tạo vẫn được đám đông tin tưởng. Tôi nhìn thấy bất công đầy rẫy, kể cả bên trong nhà dòng của Chúa. Tuy nhiên, đừng lo lắng, chỉ cần họ đến với thánh đường 45 phút mỗi tuần, họ sẽ được tha thứ!?
Đồng tiền chi phối, Judas Iscariot sẵn sàng bán rẻ con Thiên Chúa và những cô nàng bán nước giải khát trên đường quốc lộ cũng đang học cách kinh doanh bất động sản.
Đại hồng thuỷ dâng trào, giông tố mang theo sự đen tối, chỉ còn tôi lạc lõng trên vũng nước. Tôi nhìn thấy thánh giá, Jesus, máu đỏ và những cây đinh gỉ sét, mờ ảo, rõ ràng, không thống nhất.
“Người có thật?”
Tôi choàng tỉnh giữa lòng thành phố, chạy băng qua vài con hẻm hôi thối, từng bước chân loạn lạc. Lại thêm một con hẻm nữa hiện ra, rác thải ngập vỉa hè, thi thể tràn cống rãnh, điện thoại thông minh, dân cư đần độn.
Tôi hoài nghi…
Người Kito hữu
Kể từ khi đánh mất đức tin, tôi bắt đầu dành thời gian cho việc tìm hiểu các tôn giáo khác như Hồi giáo, Phật giáo, Do Thái giáo, Ấn Độ giáo hay gần gũi hơn là đạo Cao Đài. Tôi khát khao nhìn thấy sự tồn tại của thần linh thay vì chấp nhận những lý giải được khoa học đưa ra.
Đã có lúc tôi tin tưởng vào thiên kinh Quran (Hồi giáo) rồi bất chợt nghiên cứu Phật sử, thỉnh thoảng lại phó thác nơi Shiva, một trong 3 vị God chính của Hinduism. Mải mê lang thang giữa muôn vàn tín ngưỡng, tôi chán nản nhận ra rằng chẳng thứ gì có thể (tuyệt đối) thuyết phục được bản thân. Suy cho cùng, thượng đế cũng chỉ là bậc đáng kính thuở xa xưa còn tôn giáo hình thành nhờ vào ảo giác, chất thức thần, sự tin cậy và yếu tố di truyền. Tôi đang nghĩ vậy.
Giai đoạn “vô thần” tiến triển trong vài năm, tôi dần dần rời xa Thiên Chúa dù vẫn thường xuyên lui tới nhà thờ mỗi khi cảm thấy bế tắc hoặc đơn giản hơn là chẳng còn chỗ nào khác để đi. Đối với tôi, không gian bên trong bốn bức tường giáo xứ luôn luôn mang lại sự thanh tẩy cần thiết, nó chữa lành mọi thương tổn.
Một buổi chiều thứ 7 cách đây hơn ba tháng, tôi chạy xe vào một nhà thờ rộng lớn thuộc thành phố Biên Hoà, an vị lên chiếc ghế đá đối diện tượng Đức Mẹ nằm bên phải thánh đường. Khác với những lần trước, lần này tôi không hề mang theo bất kỳ một thứ gì cả, không hành lý, không thù hiềm, không dục vọng, tiện đường ghé qua, tâm hồn trống rỗng. Hôm đó, dấu chỉ đầu tiên đã xuất hiện.
Tôi hướng về phía mẹ Maria, nở một nụ cười rạng rỡ thay cho lời chào thành kính rồi thả lỏng cơ thể, buông bỏ tất cả mọi vướng bận ngoài kia, khép mắt tận hưởng những phút giây thanh bình hiếm có.
“Hôm nay con đã trưởng thành hơn.” Một giọng nói vang lên trong tiềm thức. “Không còn niềm đau, sự ấm ức và những giọt nước mắt.”
Tôi hé mắt, quang cảnh dường như vẫn vậy song lại bị bao trùm bởi những tia sáng mờ ảo. Trước mặt, bên dưới tượng Đức Mẹ, một người đàn ông cường tráng đang mỉm cười với gương mặt nồng ấm và giàu lòng trắc ẩn.
“Jesus?”
Người khẽ gật đầu dù điều ấy căn bản không cần thiết.
Tôi điềm tĩnh nghĩ rằng đây thực tế chỉ là một giấc mơ. “Ai cũng có thể quỳ gối, cầu xin hoặc than khóc trước tôn nhan Người?” Tôi đứng dậy, tiến tới, từng bước chân chậm rãi.
“Đúng, ta vui mừng vì điều đó.”
“Và đau đớn nhận ra… những khi khoẻ mạnh hay sung sướng, họ chẳng bao giờ nhớ tới Người.” Tôi gằn giọng. “Người sẵn sàng ban phước?”
“Tại sao không?”
“Họ nhân danh Người làm những điều sai trái.”
“Họ không biết việc họ làm.”
“Người dung túng cho họ.” Tôi nổi cáu. “Đó là cách mà Người cai trị?”
Jesus không trả lời, Người ngẩng đầu, thái độ “tỉnh queo”.
“Chẳng có phép màu nào cả!” Ngay khi tôi sắp sửa bồi thêm vài câu nói phạm thượng, mặt đất đột nhiên rung chuyển, bầu trời sập tối, đại hồng thuỷ dâng trào. Tôi nhìn thấy thánh giá trồi lên từ vũng nước, kéo theo Người, máu đỏ và những cây đinh gỉ sét.
“Con là ai?”
…
“Con là ai? Sao giờ này còn ở đây?”
Tôi mở mắt, bắt gặp một ông lão ăn mặc lịch sự đang chăm chú quan sát từng cử chỉ của tôi. “Con có bị làm sao không đấy?”
“Con không sao.” Tôi cố gắng đứng dậy cho phải phép. “Con, một người Kito hữu.” Rồi bật cười giải thích. “Ngủ quên thôi ạ…”
Lúc đó đã gần 7 giờ tối.
…
Có bao giờ bạn tự hỏi bản thân về những phép màu nhiệm? Đó là khi Thiên Chúa “phán một lời”, tất thảy mọi chuyện đều theo ý của bạn? Không, Người đã phán trời đất, nhân loại và vạn vật, phần còn lại là do tôi, do bạn mà thành (hoặc bại). Đã đến lúc chúng ta tự đứng lên xây dựng “nước trời” thay vì dựa dẫm vào thượng đế. Sự tồn tại của chúng ta chính là minh chứng rõ ràng nhất cho phép màu Thiên Chúa, hãy nhân danh người làm nên những chiến công vĩ đại.
“Đi là sẽ tới, tin là sẽ có.”
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, Amen.
Tác giả: Võ Trọng Gia
Edit: Triết Học Đường Phố