June Arunga – Chủ nghĩa tư bản và công lý
Trong tiểu luận này, June Arunga kêu gọi đưa chủ nghĩa tư bản thị trường tự do vào châu Phi và phản đối những người ngăn cản, không cho châu Phi dựa vào nền thương mại tự do để tham gia vào nền kinh tế thế giới. Bà ủng hộ thương mại tự do, và phê phán những người ủng hộ “khu vực thương mại” được lựa chọn, tức là khu vực cung cấp những khoản ưu tiên ưu đãi (và đôi khi vi phạm quyền sở hữu của người dân địa phương) cho các nhà đầu tư nước ngoài hay giới tinh hoa địa phương và phủ nhận quyền tự do thương mại hoặc quyền đầu tư trên cơ sở bình đẳng của những người khác. Bà kêu gọi tôn trọng quyền sở hữu của người dân châu Phi và chủ nghĩa tư bản tự do, không để cho những ưu tiên ưu đãi và các cơ sở độc quyền làm méo mó đi.
Kinh nghiệm của tôi là phần lớn – có thể đến 90% – bất đồng là do thiếu thông tin tại một trong hai phía. Điều này đặc biệt quan trọng, nhất là khi người ta chuyển từ không gian văn hóa này sang một không gian văn hóa khác. Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển như vũ bão của ngành thương mại ở châu Phi, giữa người châu Phi với nhau, sau một giai đoạn cách ly kéo dài – đấy là do chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc và sự thiếu hiểu biết lẫn nhau mà ra. Tôi nghĩ chúng ta phải hân hoan trước sự phát triển như thế của ngành thương mại. Một số người lo sợ trước sự phát triển của thương mại, tôi nghĩ họ cần có nhiều thông tin hơn.
Đang diễn ra quá trình toàn cầu hóa và tôi nghĩ là chúng ta phải chào mừng nó. Nó giúp cho việc chuyển giao các kỹ năng, giúp người ta tiếp cận với công nghệ trên toàn thế giới và nhiều điều khác nữa. Nhưng nhiều người vẫn đứng bên ngoài quá trình này. Câu hỏi là: Tại sao? Năm 2002 tôi đã gặp ông Johan Norberg, một nhà kinh tế học Thụy Điển, tác giả cuốn sách có tính khai minh với tựa đề là Bảo vệ chủ nghĩa tư bản toàn cầu (In Defense of Global Capitalism), và tôi đã kinh ngạc trước cách xử lý thông tin của ông.
Ông không làm một việc đơn giản là gạt bỏ những người chống lại thương mại tự do. Không những thế, ông còn lắng nghe họ, xem xét quan điểm của họ và kiểm tra lại thông tin của họ. Khởi kỳ thủy, sự quan tâm đối với những tin tức có đầy đủ căn cứ đã làm ông hết lòng ủng hộ chủ nghĩa tư bản.
Tôi còn ngạc nhiên hơn trước cách suy nghĩ về tương lai của những người nghèo, tức là những người bị tác động nhiều nhất. Norberg đã đi khắp thế giới để hỏi người dân. Ông không nói với họ những việc họ nên nghĩ. Ông hỏi họ đang nghĩ gì. Bằng cách hỏi những người nghèo, những người được tạo cơ hội tham gia vào thương mại – như thương nhân hay người buôn bán nhỏ hoặc những người lao động trong các doanh nghiệp có tham gia vào lĩnh vực ngoại thương – ông phát hiện ra những sự kiện mà các quan chức giáo điều đã bỏ qua.
Công việc trong nhà máy mới làm cho cuộc sống của bạn tốt lên hay xấu đi? Cái điện thoại cầm tay đầu tiên làm cuộc sống của bạn tốt lên hay xấu đi? Thu nhập của bạn tăng hay giảm? Bạn đi lại bằng phương tiện gì: đi bộ, đi xe đạp, đi mô tô hay ô tô? Bạn thích đi mô tô hay đi bộ? Norberg nhấn mạnh rằng cần phải xem xét những sự kiện xảy ra trong dân chúng. Ông hỏi những người dân tham gia vào nền thương mại toàn cầu xem họ nghĩ gì và liệu thương mại tự do có cải thiện được đời sống của họ hay không. Ông muốn nghe đánh giá của từng cá nhân.
Chúng ta phải hỏi chính phủ đang làm gì với chúng ta chứ không phải hỏi họ đang làm gì cho chúng ta. Chính phủ của chúng ta đang làm hại chúng ta: họ ăn cắp của chúng ta, họ ngăn chặn, không cho chúng ta buôn bán, và làm cho người nghèo càng nghèo thêm. Những nhà đầu tư ở địa phương không được phép cạnh tranh vì chế độ pháp quyền không tồn tại trong các nước nghèo. Có thể đấy là lý do làm cho họ trở thành những nước có thu nhập thấp – vì nhân dân không được chính phủ tôn trọng.
Chính phủ nhiều nước nghèo tìm cách lôi kéo “các nhà đầu tư ngoại quốc”, nhưng lại không cho dân chúng nước mình tham gia thương trường. Mở cửa thị trường và cạnh tranh cho dân chúng trong nước không nằm trong chương trình nghị sự của họ. Dân chúng địa phương có kiến thức và hiểu rõ khu vực của mình. Nhưng chính phủ các nước Phi châu của chúng ta lại ngăn chặn, không cho nhân dân nước mình tham gia thương trường nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư ngoại quốc hoặc những nhóm quyền lợi đặc biệt trong nước.
Thí dụ, những hạn chế nghiêm ngặt đã gây ra trở ngại rất lớn đối sự cạnh tranh của các công ty nội địa trong lĩnh vực dịch vụ như ngân hàng và cung cấp nước uống, phớt lờ khả năng của nhân dân chúng ta, không để họ sử dụng những kiến thức tại chỗ về công nghệ, về sở thích của dân chúng và cơ sở hạ tầng tại chỗ. “Toàn cầu hóa” mà chỉ ưu tiên ưu đãi “các nhà đầu tư ngoại quốc”, trong khi các nhà đầu tư địa phương bị gạt ra và không được phép cạnh tranh là sai.
Nếu “các đặc khu kinh tế” mà chính phủ dựng lên là để thu hút “các nhà đầu tư ngoại quốc” thì tại sao đa số người dân lại chẳng được lợi lộc gì? Tại sao chúng lại được coi là những khu vực ưu tiên ưu đãi đặc biệt chứ không phải là thành phần của sự tự do thương mại cho tất cả mọi người? Tự do thương mại phải là tự do cạnh tranh trong việc phục vụ người dân, chứ không phải là ưu tiên ưu đãi cho giới tinh hoa trong khu vực, những người không thích cạnh tranh hay ưu tiên ưu đãi cho những nhà đầu tư ngoại quốc, những người có thể gặp riêng các vị bộ trưởng.
Khi các công ty ngoại quốc được chính phủ ưu tiên ưu đãi thì đấy không phải là “thương mại tự do”, khi các công ty trong nước bị chính phủ ngăn chặn, không cho tham gia thương trường thì đấy cũng không phải là “thương mại tự do”. Thương mại tự do đòi hỏi chế độ pháp quyền cho tất cả và tất cả mọi người đều được tự do tham gia vào những hành động tự nhiên nhất: trao đổi tự nguyện.
Sự thịnh vượng của người châu Phi không phải xuất phát từ những khoản trợ giúp của ngoại quốc hay những đồng tiền do gian lận mà ra. Ở châu Phi, chuyện đó đã xảy ra quá nhiều rồi, nhưng nó không có ảnh hưởng tích cực đối với cuộc sống của người nghèo. Kiểu “giúp đỡ” như thế chỉ làm gia tăng nạn tham nhũng và làm suy yếu chế độ pháp quyền mà thôi. Nó buộc chúng ta phải mua dịch vụ từ những người dân của đất nước viện trợ. Nó làm biến dạng các quan hệ thương mại. Nhưng tai họa nhất là: “viện trợ” làm cho chính phủ và nhân dân không còn liên hệ với nhau nữa vì người thanh toán các khoản chi tiêu của chính phủ nằm ở Paris, Washington hoặc Brussels, chứ không nằm ở châu Phi.
Quan hệ thương mại cũng có thể bị giới tinh hoa trong khu vực, những kẻ được giới chức chính trị ưu ái, làm cho méo mó hoặc mất tự do, chắc chắn là độc giả biết rõ lý do rồi. Quan hệ thương mại cũng có thể bị bóp méo bằng cách bảo đảm sự độc quyền, không cho cả những người cạnh tranh trong nước cũng như nước ngoài tham gia vào những lĩch vực nào đó. Hơn nữa, quan hệ thương mại có thể bị làm méo mó và mất tự do khi giới tinh hoa nước ngoài câu kết với chính phủ nước họ để được chính phủ nước nhận viện trợ giành cho những hợp đồng độc quyền thông qua những khoản viện trợ ràng buộc: cả công ty cạnh tranh trong nước lẫn nước ngoài đều không được tham gia vì thỏa thuận đã ký rồi.
Tất cả những quy định này đều trói buộc thị trường và quyền tự do của chúng ta. Chúng ta buộc phải mua những hàng hóa hay dịch vụ với chất lượng và giá cả không chắc đã phải là tốt nhất vì chúng ta không có quyền tự do lựa chọn. Mất quyền tự do làm cho chúng ta cứ mãi ở vị trí kém cỏi và nghèo đói.
Chúng ta không bị cướp bóc vì giá thấp và chất lượng hàng hóa tốt. Chúng ta bị cướp mất cơ hội cải tiến, bị cướp mất cơ hội sử dụng đầu óc của chính mình, bị cướp mất cơ hội cải thiện hoàn cảnh của mình bằng chính năng lực và trí tuệ của mình. Về lâu dài, tội đó còn to hơn. Chủ nghĩa bảo hộ và đặc quyền đặc lợi không chỉ duy trì sự khánh kiệt nền kinh tế mà còn làm cho trí tuệ, lòng dũng cảm, tính cách, ý chí, lòng quyết tâm và lòng tự tin, không thể phát triển được.
Thông tin chính là cái chúng ta cần. Chúng ta phải nói chuyện với quần chúng nhân dân. Chúng ta cần phải kiểm tra lại các sự kiện. Trong đa số các trường hợp, đấy không phải là thông tin mật, nhưng ít người chịu quan tâm. Bằng chứng không thể chối cãi được là chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, tự do thương mại và bình đẳng trước pháp luật, tạo ra thành công kinh tế cho quần chúng nhân dân.
Điều chúng ta cần là chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, nó sẽ tạo ra không gian cho chúng ta thể hiện năng lực của mình. Nhà kinh tế học Peru, ông Hernando de Soto, đã chỉ rõ trong tác phẩm Điều kỳ diệu của tư bản (The Mystery of Capital) cách thức người nghèo biến “vốn chết” thành vốn “năng động” nhằm cải thiện cuộc sống của chính họ. Thiếu vốn không phải là sự kiện không thể tránh được. Ở châu Phi chúng ta có nhiều vốn, nhưng đa phần không được sử dụng nhằm cải thiện cuộc sống của chúng ta. Đấy là “vốn chết”. Chúng ta phải hoàn thiện quyền sở hữu của chúng ta để biến những đồng vốn nhàn rỗi thành “vốn năng động”, thành những đồng vốn tạo ra cuộc sống. Chúng ta cần phải có quyền sở hữu, nghĩa là chúng ta đòi tôn trọng quyền của chúng ta. Chúng ta đòi bình đẳng trước pháp luật. Chúng ta đòi chủ nghĩa tư bản thị trường tự do.
[themify_box style=”orange rounded” ]June Arunga là nữ doanh nhân và nhà sản xuất phim ở Kenya. Bà là người sáng lập và tổng giám đốc điều hành của hãng Open Quest Media LLC và đã thực hiện mấy dự án trong lĩnh vực viễn thông ở châu Phi. Bà đã sản xuất hai bộ phim tài liệu về châu Phi cho hãng BBC là Con đường của quỉ sứ (The Devil’s Footpath), nói về chuyến đi sáu tuần, dài 5.000 dặm, từ Cairo đến Cape Town, của bà; và Lên án ai? (Who’s to Blame?), nói về cuộc tranh luận/thảo luận giữa Arunga và cựu tổng thống Jerry Rawlings của Ghana. Bà thường viết cho trang mạng AfricanLiberty.org và là đồng tác giả cuốn Cuộc cách mạng của điện thoại di động ở Kenya (The Cell Phone Revolution in Kenya). Arunga tốt nghiệp khoa luật tại trường tổng hợp Buckingham (University of Buckingham), Anh quốc.[/themify_box]
Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn: The Morality of Capitalism do Tom G. Palmer chủ biên, nhà xuất bản Jameson Books ấn hành, 2011.
” Chính phủ nhiều nước nghèo tìm cách lôi kéo “các nhà đầu tư ngoại quốc”, nhưng lại không cho dân chúng nước mình tham gia thương trường. Mở cửa thị trường và cạnh tranh cho dân chúng trong nước không nằm trong chương trình nghị sự của họ. Dân chúng địa phương có kiến thức và hiểu rõ khu vực của mình. Nhưng chính phủ các nước Phi châu của chúng ta lại ngăn chặn, không cho nhân dân nước mình tham gia thương trường nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư ngoại quốc hoặc những nhóm quyền lợi đặc biệt trong nước.
Thí dụ, những hạn chế nghiêm ngặt đã gây ra trở ngại rất lớn đối sự cạnh tranh của các công ty nội địa trong lĩnh vực dịch vụ như ngân hàng và cung cấp nước uống, phớt lờ khả năng của nhân dân chúng ta, không để họ sử dụng những kiến thức tại chỗ về công nghệ, về sở thích của dân chúng và cơ sở hạ tầng tại chỗ. “Toàn cầu hóa” mà chỉ ưu tiên ưu đãi “các nhà đầu tư ngoại quốc”, trong khi các nhà đầu tư địa phương bị gạt ra và không được phép cạnh tranh là sai. ” -> VIỆT NAM chúng ta đây.