Nội dung
Elon Musk là một “expert-generalist”
Làm thế quái nào mà Elon Musk có thể dựng xây 4 công ty trị giá hàng tỉ đô vào độ tứ tuần, trong 4 lĩnh vực hoàn toàn tách biệt (phần mềm, năng lượng, vận chuyển, và không gian)?
Để lý giải sự thành công của Elon Musk, người ta đã nhắc đến tinh thần làm việc phi phàm của anh (Musk thường xuyên làm việc đến 85 giờ mỗi tuần), khả năng thiết lập tầm nhìn về những tương lai không tưởng, và sự bền bỉ phi thường của anh.
Tuy nhiên, các lý do đó đều không thoả mãn tôi, có rất nhiều người sở hữu những đặc điểm kia. Tôi muốn biết Elon Musk đã làm gì khác biệt.
Sau khi tìm hiểu hàng tá bài báo, video và sách về Elon Musk, tôi nhận ra một mảnh ghép lớn của vấn đề đã bị thất lạc. Có quan điểm phổ biến rằng để đạt được tầm cỡ quốc tế, chúng ta chỉ nên tập trung vào một lĩnh vực. Elon Musk phá vỡ quy luật đó. Chuyên môn của anh trải rộng từ Khoa học tên lửa, Kỹ thuật, Vật lý học, Trí thông minh nhân tạo (AI) cho đến Năng lượng Mặt trời.
Trong bài trước, Tôi gọi người như Elon Musk là “expert-generalist” (khái niệm được đặt ra bởi Orit Gadiesh, chủ tịch của Bain & Company). Expert-generalist là những con người học hỏi rộng rãi từ nhiều lĩnh vực và thấu hiểu được những quy tắc kết nối những lĩnh vực đó, rồi áp dụng những quy tắc cốt lõi trên vào chuyên môn của họ.
Dựa vào quan điểm cá nhân của tôi về cuộc đời Elon Musk và các tài liệu học thuật liên quan đến phương pháp học tập và chuyên môn hoá, tôi tin rằng chúng ta nên học hỏi rộng rãi ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề để tăng khả năng đạt được những thành công đột phá.
Quan điểm về chuyện bá nghệ bá tri
Nếu bạn là một người đam mê học hỏi ở nhiều lĩnh vực, hẳn bạn cảm thấy quen thuộc với câu nói sau:
“Jack of all trades. Master of none.”
(Tạm dịch: “Bá nghệ bá tri, vị chi bá láp.”)
Hàm ý của câu trên là nếu bạn theo đuổi quá nhiều lĩnh vực, kĩ năng của bạn sẽ chỉ đạt đến bề nổi, không bao giờ có được sự tinh xảo.
Tuy nhiên, những thành công của các expert-generalists trong lịch sử đã chứng minh điều này không phải lúc nào cũng đúng. Nghiên cứu nhiều lĩnh vực mang lại một lợi thế về thông tin (và vì thế một lợi thế sáng tạo), bởi phần lớn mọi người chỉ tập trung vào một lĩnh vực.
Ví dụ, nếu bạn theo đuổi ngành Kỹ thuật, và mọi người khác chỉ đọc những ấn phẩm về công nghệ, trong khi bạn có vốn kiến thức rộng rãi về sinh học, bạn sở hữu khả năng nảy ra những ý tưởng mà chẳng ai có thể nghĩ ra được. Ngược lại cũng thế, nếu bạn học ngành Sinh học và song song đó còn hiểu về trí tuệ nhân tạo, bạn có một lợi thế thông tin hơn những người chỉ quan tâm đến chuyên ngành của họ.
Tuy ý tưởng thì cơ bản, ít người thực sự học thêm ngoài ngành
Lợi thế của một expert-generalist là, cứ mỗi lĩnh vực mới không quen thuộc với đồng ngành, họ lại có khả năng tạo ra những sự kết hợp người khác không thể.
Một nghiên cứu thú vị hưởng ứng góc nhìn này. Nghiên cứu này giải thích cách 59 nhạc sĩ chuyên sáng tác Opera giỏi nhất của thế kỉ 20 trở thành bậc thầy. Trái ngược với những lời kể thông thường rằng thành công từ những nghệ sĩ giỏi nhất chỉ có thể được đạt luyện tập chăm chỉ và chuyên sâu, nhà nghiên cứu Dean Keith Simonton nhận ra điều hoàn toàn trái ngược:
“Các tác phẩm của những nhạc sĩ Opera thành công nhất thường hàm chứa một sự đa dạng về dòng nhạc… các nhạc sĩ có thể tránh sự cứng nhắc từ việc “quá chuyên nghiệp” (luyện tập quá nhiều) qua việc rèn luyện chéo,” tóm tắt bài báo đăng trên Scientific American của nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania – Scott Barry Kaufman.
Siêu năng lực “Learning Transfer” của Musk
Từ thời niên thiếu, mỗi ngày Elon Musk đều đọc hai quyển sách thuộc nhiều lĩnh vực, theo lời kể từ người em trai ông, Kimbal Musk. Để dễ hình dung hơn, nếu mỗi tháng bạn đọc một quyển sách, thì số sách Elon Musk đọc nhiều gấp 60 lần bạn.
Ban đầu, Elon Musk đọc những sách thuộc các lĩnh vực Khoa học viễn tưởng, Triết học, Tôn giáo, Lập trình, và Tiểu sử của các Nhà Khoa học, Kỹ sư và Doanh nhân. Lớn lên, anh đọc thêm về Vật lý, Kỹ thuật, Thiết kế Sản phẩm, Kinh doanh, Công nghệ, và Năng lượng. Cơn khát kiến thức giúp anh tiếp xúc với những lĩnh vực mà anh chưa bao giờ cần học ở trường.
Elon Musk có một kĩ năng học tập vô cùng đặc biệt mà nhiều người thậm chí còn chưa biết đến: Learning Transfer. “Learning Transfer” là việc chúng ta áp dụng kiến thức đã được học từ bối cảnh này vào một bối cảnh khác, ví dụ như việc lấy những thông tin cốt lõi chúng ta từng được dạy ở trường hoặc qua một quyển sách, rồi áp dụng vào thế giới thực, hoặc áp dụng kiến thức từ ngành này vào ngành khác.
Đây chính là chỗ Elon Musk tỏa sáng. Qua nhiều buổi phỏng vấn, Elon Musk đã chứng minh rằng anh có một quy trình hai bước độc đáo để trau dồi kĩ năng Learning Transfer này.
Đầu tiên, Musk tách kiến thức ra thành các nguyên lý cơ bản. Musk từng trả lời ở một Reddit AMA (chương trình “hỏi tôi mọi thứ” ở Reddit) cách anh làm điều đó:
Việc xem kiến thức được sắp xếp như một cây cú pháp vô cùng quan trọng – bạn phải nắm vững những nguyên lý cơ bản nhất, hay là thân và cành lớn, trước khi nghiên cứu đến lá, hay những chi tiết nhỏ nhặt.
Nghiên cứu cho thấy việc rút ra những quy tắc chuyên sâu, khái quát sẽ giúp phát triển Learning Transfer. Một nghiên cứu khác gợi ý một kỹ thuật vô cùng hiệu quả để người học có thể thấu hiểu các nguyên lý nền tảng. Kỹ thuật này được gọi là “những trường hợp tương phản.”
Đây là cách nó hoạt động: Giả sử bạn muốn tháo gỡ kỹ tự “A”, và tìm hiểu nguyên tắc bên dưới của nó, cái gì làm làm cho một “A” một A? Chúng ta có hai cách tiếp cận bạn có thể sử dụng:
Theo bạn đâu là cách làm hiệu quả hơn?
Cách 1. Mỗi kí tự A khác biệt ở cách 1 cho chúng ta nhiều thông tin hơn về cách chữ A được tạo nên với những yếu tố được giữ nguyên và các điểm khác biệt. Ngược lại, cách 2 thì lại không cho chúng ta thêm một thông tin nào.
Qua việc quan sát đa dạng các trường hợp, chúng ta bắt đầu trực giác được mấu chốt của vấn đề, và thậm chí có thể tạo ra những kết hợp độc đá của riêng mình.
Điều này có ý nghĩa gì trong cuộc sống hằng ngày? Khi ta nhảy và một lĩnh vực mới, ta không chỉ nên áp dụng một phương pháp, hay cách tốt nhất, mà chúng ta nên tìm hiểu nhiều cách tiếp cận khác nhau, phân tích từng cái rồi so sánh với nhau. Điều này sẽ giúp ta tìm ra được những nguyên lý cơ bản.
Ở bước 2 của Learning transfer, Elon Musk tái thiết lập những nguyên lý nền móng anh đã được học trong Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ, Vật lý học và Kỹ thuật rồi áp dụng vào những ngành khác:
- Vào Hàng không Vũ trụ để xây dựng SpaceX.
- Vào Tự động hoá để tạo nên Tesla cùng với đặc tính Lái tự động.
- Vào Đường sắt để đặt nền móng cho công nghệ Hyperloop.
- Vào Hàng không để đặt nền móng cho máy bay sử dụng nhiên liệu điện với khả năng cất-hạ cánh thẳng đứng.
- Vào Công nghệ để đặt nền móng cho việc kết nối máy móc với não bộ con người (Công nghệ Neural lace).
- Vào Công nghệ để thiết lập nên PayPal.
- Vào Công nghệ để đồng sáng lập nên OpenAI, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm phòng tránh những tương lai tiêu cực từ AI.
Giáo sư Keith Holyoak tại Đại học UCLA chuyên ngành tâm lý học, một trong những bộ óc hàng đầu về “tư duy loại suy” (analogical reasoning) — Kỹ thuật tư duy sử dụng so sánh tương quan để hiểu thấu một vấn đề — khuyến khích mọi người tự đặt cho mình hai câu hỏi sau để mài dũa kĩ năng của mình:
“Điều này làm mình liên tưởng đến cái gì?” và “Tại sao nó lại khiến mình liên tưởng đến nó?”
Qua việc liên tục quan sát và tìm hiểu ở môi trường xung quanh và tài liệu bạn đã đọc, cộng thêm việc tự hỏi đặt hai câu hỏi trên, bạn đang tập thể hình cho bộ não của mình, mang lại khả năng bắc cầu giữa những ngành nghề khác biệt, vượt qua các ranh giới truyền thống.
Bây giờ ta bắt đầu hiểu được Elon Musk đã trở thành một expert-generalists tầm cỡ thế giới như thế nào:
- Elon Musk đọc nhiều gấp 60 lần so với những người yêu sách trong nhiều năm.
- Những gì Elon Musk đọc trải dài trên nhiều lĩnh vực.
- Elon Musk không ngừng ứng dụng những kiến thức học được bằng cách phân tách ý tưởng thành các nguyên tắc cơ bản, rồi tái thiết lập chúng theo những cách mới.
Điều sâu sắc nhất chúng ta có thể học được qua câu chuyện của Elon Musk là không nên chấp nhận giáo điều cho rằng chuyên môn hoá là cách hiệu quả nhất và duy nhất dẫn đến thành công. Expert-generalist huyền thoại Buckminster Fuller cách đây nhiều thập kỷ đã tóm tắt một bước chuyển dịch trong tư duy vẫn còn có thể áp dụng vào cuộc sống thời nay:
“Chúng ta đang sống ở thời đại cho rằng những xu hướng hạn hẹp của chuyên môn hoá là logic, là tự nhiên và đáng theo đuổi… Trong khi đó, nhân loại vẫn luôn khao khát một sự hiểu biết toàn diện. Sự chuyên môn hoá đã sinh ra các cảm giác tách biệt, nghĩ mình vô dụng và mông lung trong nhiều cá nhân.
Nó còn dẫn đến viêc một cá nhân đùn đẩy trách nhiệm tư duy và hoạt động xã hội cho người khác. Thậm chí, chuyên môn hoá còn tạo ra những thành kiến mà dần dần kết hợp để trở thành những mâu thuẫn xuyên quốc gia và ý thức hệ, điều dẫn đến chiến tranh.”
Nếu ta dành thời gian để học hỏi những khái niệm cốt lõi của nhiều lĩnh vực và luôn liên kết các khái niệm đó vào cuộc sống hằng ngày của ta và thế giới, việc chuyển giao giữa các lĩnh vực khác nhau trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều.
Khi xây dựng nên một hệ thống những “nguyên tắc đầu tiên” và kết hợp chúng vào những lĩnh vực khác biệt, chúng ta lập tức đạt được siêu năng lực khả năng đi vào một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, và nhanh chóng tạo ra những đóng góp độc đáo.
Thấu hiểu siêu năng lực học tập của Elon Musk giúp chúng ta có được trí tuệ về cách khiến anh có thể tham gia một ngành công nghiệp hơn trăm tuổi, rồi thay đổi hoàn toàn cách ngành công nghiêp đó cạnh tranh.
Elon Musk rõ ràng là có một không hai, nhưng những kĩ năng của anh ấy không phải là phép màu.
Tác giả: Michael Simmons and Ian Chew
Source: Fortune.com
Biên dịch: Tin Nô Bi
Hiệu đính: Prana