28 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Translation™] 9 cách để cai nghiện điện thoại

thdp translation 3

Bạn sử dụng điện thoại quá nhiều. Đây là cách để dừng lại.

📌 Bài viết hiện đã có hơn 18k Likes trên Medium. Bài dịch đã được đăng tải trong Volume 6 tạp chí Aloha. Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership 

Bạn, cũng như đa số mọi người, có lẽ đang sử dụng điện thoại quá nhiều. Theo thống kê của ứng dụng theo dõi thời gian Moment, số giờ trung bình nhìn vào màn hình điện thoại của mỗi người là 4 tiếng, chưa kể đến thời lượng làm những việc khác như gọi điện hay nghe podcast. Hoạt động trong một khoảng thời gian dài như vậy sẽ khiến não bộ thay đổi. Những thay đổi đó có thể mang tính tích cực nếu nói về việc thiền định chẳng hạn. Không tích cực lắm nếu việc đó là dí mắt vào điện thoại.

Trong suốt 3 năm qua, tôi đã tiến hành nghiên cứu và xuất bản một cuốn sách về mối quan hệ của chúng ta với điện thoại. Qua đó, tôi kết luận được rằng thời gian sử dụng điện thoại gây tác động đến mọi khía cạnh của cuộc sống từ trí nhớ, khả năng tập trung, đến sự sáng tạo, tính hiệu quả trong công việc, các mối quan hệ, mức độ stress, sức khỏe và cả giấc ngủ. Tóm lại, nếu bạn cảm bản thân bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực bởi chính chiếc điện thoại thông minh của mình, bạn không bị điên. Bạn đúng.

Khi chúng ta không thể kiểm tra điện thoại, cơ thể sẽ sản sinh ra hoóc-môn stress như adrenaline và cortisol.

Điện thoại, các ứng dụng chứa quảng cáo và mạng xã hội được thiết kế một cách khiến bạn khó có thể ngừng dùng. Đó là cách làm ăn của họ: Người dùng càng dành nhiều thời gian cho nó, họ càng thu thập thêm được nhiều dữ liệu và càng cho chúng ta xem được nhiều quảng cáo đúng đối tượng. Những công ty này rất giỏi trong việc thao túng người xem, đến mức chính chúng ta thường cũng không nhận ra được. Dưới hình thức luôn có bài đăng mới hay một cái “like” tiềm năng đang chờ chúng ta, họ đã khiến chúng ta quen với việc mỗi lần kiểm tra điện thoại là sẽ có một phần thưởng—làm chúng ta cứ muốn kiểm tra nhiều hơn.

Chúng ta đã trở nên giống như những con chó trong thí nghiệm của Pavlov, được huấn luyện mỗi khi nghe được tiếng chuông thì đều nhỏ dãi. Và khi không thể kiểm tra điện thoại, cơ thể sẽ tiết ra hoóc-môn stress như adrenaline và cotisol, khiến chúng ta cảm thấy bức bối, khó chịu. Hành động tiếp theo sẽ là thò tay vào túi quần kiếm điện thoại, kể cả khi chúng ta biết nó không ở đó. Đây chính là các triệu chứng của việc “cai nghiện”.

Tất cả điều này chỉ để nói rằng: Đừng dằn vặt bản thân nếu bạn đã cố gắng mà vẫn không thay đổi được thói quen dùng điện thoại, hay nếu ý tưởng rằng có một mối quan hệ vui vẻ lành mạnh và bền vững với điện thoại của bạn và nghe rất khó. Nó đúng là khó, nhưng nó có thể.

Sau đây là những bí quyết giúp bạn thay đổi mối quan hệ này:

1. Xác định rõ những điều mình thích và không thích

Có những tính năng trong điện thoại mang lại sự hữu ích và gây thích thú cho bạn, và cũng có những yếu tố khiến bạn thấy mình đang lãng phí cuộc đời. Mục tiêu của bạn là giữ cái trước và giảm cái sau.

2. Đừng nói câu “Tôi cần sử dùng điện thoại ít hơn”

Đó là một câu nói mơ hồ và vô nghĩa, chẳng khác gì câu nói “Tôi sẽ ăn uống lành mạnh hơn.” Nếu bạn thực sự muốn thay đổi, hãy bắt đầu từ việc tại sao bạn lại muốn thay đổi, và thay vào đó thì bạn muốn làm gì.

Một trong những cách khắc phục là viết ra từ 3-5 hoạt động mang lại niềm vui, sự thỏa mãn và ý nghĩa cho bạn. Đây có thể là những hoạt động mà bạn muốn làm, nhưng dường như chưa bao giờ có thời gian để thực hiện chúng. Sau đó, hãy tự hỏi bản thân rằng việc sử dụng điện thoại đã cản trở những điều này như thế nào.

Chẳng hạn, tôi biết việc gặp gỡ bạn bè sẽ mang lại nhiều niềm vui. Song song đó, tôi cũng nhận thức được thói quen nhắn tin thay vì gọi điện của mình. Hệ quả là tôi thường mất gần 30 phút vật vã trên điện thoải với tính năng tự động chỉnh sửa chính tả, thay vì chỉ cần 5 phút để nói hết tất cả những điều trên.

3. Lập ra một mục tiêu

Một khi bạn đã xác định được nguyên nhân gây cản trở từ điện thoại, hãy lập ra mục tiêu cho bản thân (có thể là một hay nhiều mục tiêu). Tôi thường dùng cấu trúc này: “Tôi muốn ___ ít lại để ____ nhiều hơn.”

Ví dụ: “Tôi muốn nhắn tin ít lại để dành thời gian gặp gỡ bạn bè nhiều hơn.” Câu nói này hiển nhiên sẽ rõ ràng hơn rất nhiều so với câu: “Tôi muốn hạn chế sử dụng điện thoại.”

4. Định nghĩa thành công

Điều gì khiến bạn cảm thấy thành công? Hãy trung thực với bản thân vì khả năng cao là bạn sẽ không thể hoàn thành một quyển sách trong một lần đọc hay có một cuối tuần với mọi khoảnh khắc đều vui vẻ, năng suất và ý nghĩa. Nhưng nếu bạn biết mình cảm thấy vui khi được gặp một ai đó, bạn có thể định nghĩa sự thành công là việc được đi café tám chuyện cùng người đó vào tuần sau. Nếu bạn muốn đọc một cuốn tiểu thuyết, bạn có thể đặt mục tiêu đọc một chương mỗi tối.

5. Đơn giản hóa

Bạn có thể thay đổi thói quen chỉ với ý chí, nhưng nó chẳng có gì vui, và thường không hiệu quả. Sẽ hiệu quả hơn khi bạn loại bỏ những tác nhân kích thích thói quen cũ và thêm vào những tác nhân hình thành thói quen mới.

Giả sử bạn đang tập thói quen đọc sách trước khi ngủ, nhưng luôn bị sao nhãng bởi điện thoại của mình. Bước đầu tiên, loại bỏ tác nhân kích thích: Sạc điện thoại của bạn ở một nơi xa giường ngủ (nếu cần thiết, hãy mua một cái chuông báo thức riêng). Bước thứ hai, thêm vào những tác nhân kích thích mới: Đặt sách ở tủ cạnh giường, ngay vị trí mà bạn thường để điện thoại. Bằng cách này, khi bạn tìm điện thoại theo bản năng, bạn sẽ vớ phải quyển sách.

Hãy làm điều tương tự với điện thoại: Tắt thông báo (notifications). Nếu bạn không muốn dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, hãy xóa những ứng dụng đó. (Trong trường hợp bạn vẫn muốn vào Facebook, bạn phải sử dụng phiên bản web trên điện thoại với nhiều phiền phức hơn.)

Lưu ý đến màn hình chính của điện thoại. Nó chỉ nên hiển thị các công cụ, không phải những cám dỗ. Hãy chỉnh sửa và sắp xếp các ứng dụng để thuận hơn trong việc làm những điều bạn muốn và khó khăn hơn đối với những thứ gây mất thời gian.

6. Chậm mà chắc

Bạn sẽ không thể thay đổi các thói quen trong một ngày, cũng như việc thay đổi tất cả thói quen trong một lần là thực tế. Hãy chọn một thói quen để tập trung vào nó trong một khoảng thời gian. Bạn có thể dành 5 phút mỗi ngày nhìn ra cửa sổ thay vì lướt điện thoại. Hay vào mỗi sáng chủ nhật, bạn chỉ cầm điện thoại trên tay sau khi ăn xong bữa sáng. Thậm chí, bạn cũng có thể tập kiểm tra email 3 lần/ngày thay vì 20 lần. Có rất nhiều cách khác nhau để thay đổi, và nếu bạn đang đi đúng hướng thì không có nỗ lực nào là quá nhỏ.

7. Hình thành phép lịch sự

Nếu một người bạn phì phèo khói thuốc vào mặt bạn, ắt hẳn bạn sẽ bảo họ dừng lại, bởi vì đó là một hành động thô lỗ theo cách hiểu chung của xã hội. Thế nhưng, khi bạn bè bấm điện thoại trong lúc đang nói chuyện, chúng ta thường khó lên tiếng hơn vì vẫn chưa có phép lịch sự chung về điều này. Sự thay đổi chỉ xuất hiện khi có những cuộc trao đổi nghiêm túc về vấn đề này, do đó hãy thẳng thắn thể hiện quan điểm của bạn.

Khi điều này lặp lại, hãy dùng nó như một chủ đề cho cuộc nói chuyện về thời điểm nào là thích hợp/không thích hợp để sử dụng điện thoại.

Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi đề cập đến việc sử dụng điện thoại của người đối diện, hãy lấy ví dụ từ những người xung quanh.

8. Luôn nhớ rằng mục tiêu của bạn là cảm thấy thoải mái

Nếu xóa bỏ các ứng dụng mạng xã hội khiến bạn cảm thấy tốt hơn thì quá tuyệt. Nếu không, hãy tải lại các ứng dụng này. Nói cách khác, thử nghiệm. Bạn không cố gắng để thay đổi một cách máy móc, mà là cố tìm ra những gì mình thích và không thích. Suy cho cùng, hãy để hành vi sử dụng điện thoại là hành vi có nhận thức.

9. Biết cách chấp nhận sự bất toàn

Bạn sẽ không bao giờ có được một mối quan hệ hoàn hảo với điện thoại của mình. Chuyện đó không sao. Mục đích ở đây là có một cái nhìn rõ ràng về chuyện sử dụng điện thoại một cách lành mạnh là như thế nào và cố gắng khắc phục mỗi khi “ngựa quen đường cũ.” Nếu điều đó xảy ra, à không, khi điều đó xảy ra, đừng dằn vặt bản thân. Hãy hít một hơi thật sâu và tiếp tục tiến bước.

Tác giả: Catherine Price
Biên dịch: Mai Nguyen
Hiệu đính: Prana
Illustration: Ryan Hubbard


 

📌 Aloha Volume 1-13

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI