30 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Translation™] Đối thoại với Robert Adams: Thức tỉnh dần dần hay ngay lập tức (P2/2)

Đối thoại với Robert Adams – THỨC TỈNH DẦN DẦN HAY NGAY LẬP TỨC? (Phần 2/2)

Người hỏi: Robert này, trong các kinh sách tâm linh, có sự phân biệt giữa con đường chậm rãi và giác ngộ ngay lập tức. Có rất nhiều tài liệu nói về việc phải vượt qua các giai đoạn – tôi không thể đồng cảm được với nó. Đối với tôi nó thật vô lý.

Robert: Bạn không thể đồng cảm được điều gì?

Người hỏi: Chính là cái ý tưởng rằng bạn phải vượt qua giai đoạn này để đến giai đoạn kế tiếp.

Robert: Ý tưởng này dành cho những người đang phấn đấu. Sự thật là chẳng có gì để vượt qua. Có vẻ như một số người, những người cần hiểu những điều này và tự họ muốn nghiên cứu chúng, sẽ được trợ giúp để thấy được nguồn gốc của mình. Có lẽ bạn không cần nó.

Người hỏi: Trạng thái hạnh phúc ông đang nói tới tôi sẽ không gọi là hạnh phúc. Trạng thái đó dường như vượt trên cả hạnh phúc. Hạnh phúc là cái đối lập với nỗi buồn.

Robert: Bạn nói đúng.

Người hỏi: Nỗi buồn thậm chí có thể len lỏi vào trạng thái ông là tôi và nó sẽ chỉ là một thứ đi ngang qua mà không hề có danh tính.

Robert: Bạn nói đúng. Lấy ví dụ, tôi có thể khóc trong đám tang nhưng tôi nhận biết ai đang khóc. Tôi có thể buồn nếu tôi muốn nhưng tôi không bao giờ thật sự buồn.

Người hỏi: Trạng thái tâm trí không dính mắc chính là trạng thái gần với nó nhất, có phải không?

Robert: Đúng vậy. Tôi đang tìm từ ngữ để diễn tả mọi thứ. Điều quan trọng hơn là luôn luôn có hạnh phúc trọn vẹn. Nó không phải là hạnh phúc loài người. Đối với đại đa số, để được hạnh phúc, thì phải có một người, một nơi chốn, hay thứ gì đó liên quan đến hạnh phúc của họ. Bên trong chân phúc thì chẳng có gì cả. Nó là trạng thái tự nhiên. Bạn có thể an trú bên trong trạng thái đó mãi mãi.

Người hỏi: Từ quan điểm tu tập, tôi nhận thấy rằng bất kể trạng thái nào nảy sinh, thì vấn đề là liệu tôi có sẵn sàng để buông bỏ trạng thái đó hay không. Việc ở yên trong trạng thái cảm xúc của mình có quan trọng không? Câu trả lời là dù sao đi nữa bạn cũng đâu thể làm gì được khi nó đến và đi.

Robert: Hãy hành động như thể bạn có thể làm được một điều gì đó, mặc dù bạn không thể làm gì được. Nếu bạn đi ngang qua một người đang sắp chết đói ở một chỗ nọ, đừng nghĩ rằng ta đâu thể làm gì được. Hãy đưa cho anh ta một mẩu bánh mì.

Người hỏi: Nhưng trong trạng thái có sự xuất hiện của tâm trí, cảm xúc nảy sinh, tri giác sanh khởi, ông đâu thể làm gì được.

Robert: Ngoại trừ chứng kiến. Chỉ cần chứng kiến. Chỉ cần quan sát. Còn một điều khác cần phải suy xét đó là: nếu bạn đến đây với tư cách là một vị khách, chỉ gặp tôi một lần duy nhất, và bạn sẽ không bao giờ gặp lại tôi lần nữa, thì tôi sẽ diễn giải chân lý cao nhất cho bạn rồi rời đi. Bạn sẽ nói rằng nó thật tuyệt vời. Nhưng khi bạn đến gặp tôi hai lần mỗi tuần hoặc hơn, tôi bắt đầu biết bạn khá rõ, và tất cả mọi điều tôi nói là để giúp bạn phát triển bởi vì đó là điều cần thiết ngay tại thời điểm đó, vì chúng ta sẽ còn gặp lại nhau. Đối với những người sống cùng Ramana Maharshi với vai trò là đệ tử, không phải lúc nào ngài cũng diễn giải chân lý tuyệt đối cho họ. Ngài ấy sẽ trò chuyện với họ như người bình thường. Ngài sẽ hỏi thăm về tình trạng của họ, sức khỏe của họ, về các vấn đề của họ, và ngài sẽ cho họ lời khuyên thực tế. Ngài ấy không nói, “Chẳng có gì quan trọng bởi vì chẳng có gì tồn tại.” Họ gặp những vấn đề. Nên ngài ấy sẽ trò chuyện với họ một cách thực tế.

Người hỏi: Nếu ta không nhận thấy sự tiến bộ bên trong chính mình nhưng lại thấy ta vẫn tiếp tục tức giận, thì ta không nên để điều đó làm phiền mình có phải không?

Robert: Tiếp tục nhận biết, tiếp tục quan sát, tiếp tục chú tâm vào chân Ngã, và sẽ không còn ai để hỏi ai bị làm phiền hay ai không bị làm phiền. Bạn chỉ hỏi câu hỏi như vậy khi sự tập trung của bạn hướng vào sự phiền nhiễu thay vì hướng vào chân Ngã. Giả sử bạn chuyển sự tập trung tới chân Ngã, hãy xem chuyện gì xảy ra.

Người hỏi: Điều đó xảy ra dần dần có phải không?

Robert: Đối với một số người. Nó phụ thuộc vào việc bạn dành bao nhiêu thời gian cho nó.

Người hỏi: Chúng ta không thể đơn thuần tắt đi cảm xúc của mình. Thỉnh thoảng khi tôi đến chỗ làm, tôi nhận thấy được sự căng thẳng ở đó, người ta nổi quạu với nhau, tôi thì bị cuốn vào nó. Đương nhiên là tôi ý thức được, thường thì sau khi xảy ra chuyện, tôi tự vấn, “điều này sẽ dần mất đi khi tôi an trú bên trong bản thân mình, hay là một ngày nào đó tôi sẽ đột nhiên tỉnh thức?”

Robert: Vào buổi sáng, khi bạn vừa mở mắt, đó là lúc để làm việc với chính mình. Hãy tự vấn, “Tôi là ai? Làm sao tôi đến đây được?” Hãy tự mình hòa giải với chính mình. Nếu bạn thực hành như thế ngay khi vừa thức giấc, thì cả ngày sẽ tốt đẹp mà không gặp phải các vấn đề vừa nêu. Đừng nhảy thẳng vào công việc. Hãy dậy sớm hơn một tiếng nếu như bạn cần. Hãy tìm hiểu bản chất của bạn, và nhận ra chân lý. Chú tâm vào chính mình. Hãy tự vấn, “Tôi là ai?” và chờ đợi. Chú tâm vào nguồn gốc của “Ta là” (“I Am”) hoặc tự nói với chính mình, “Ta là, Ta là”, sau đó hãy đi làm. Rồi bạn sẽ thấy những thay đổi. Bạn sẽ xây dựng một sức mạnh bạn có thể mang theo bên mình suốt cả ngày dài.

Người hỏi: Để đi theo cái “Ta” đó tới cội nguồn của nó, để tìm ra cái “Ta” bằng phương pháp truy vấn chân ngã và an trú trong nó dường như có nghĩa là không tồn tại, phi trạng thái.

Robert: Đừng lo lắng về việc không tồn tại. Chỉ cần quan sát “Ta”, và xem nó đi vào trái tim.

Người hỏi: Vậy thì không hẳn là đi theo, mà nó tự động diễn ra phải không?

Robert: Nó tự động diễn ra.

Người hỏi: Khi tôi chiêm nghiệm “Ta là,” thì có nghĩa là tôi đã là chân Ngã rồi đúng không?

Robert: Đúng vậy.

Người hỏi: Robert, bởi vì chúng ta quan niệm rằng chúng ta không phải là chân Ngã cho nên ta bỏ lỡ sự thật rằng ta luôn an trú trong chân Ngã. Như Ramesh Balsekar đã nói, chúng ta chỉ nghi ngờ rằng chúng ta không phải chân Ngã, nhưng sự thật thì chúng ta đã luôn là nó.

Robert: Chính xác. Khi chúng ta không nhận thấy điều đó, chúng ta sẽ trải qua tất cả mọi rắc rối và chơi đủ mọi trò chơi, cho đến khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta là chân Ngã. Vậy là xong.

Người hỏi: Nếu chúng ta không nhận biết chân Ngã và chúng ta nói, “Tôi là nó,” vậy thì ta cứ lặp đi lặp lại như một con vẹt sao?

Robert: Nó sẽ không như vẹt nếu như bạn thực hiện nó cùng với hơi thở của mình. Khi bạn hít vào, nói “Ta”. Khi bạn thở ra, nói “Là”. Một sự thay đổi vi tế của năng lượng sẽ diễn ra bên trong chân Ngã, và bạn sẽ trở nên an lạc hơn, điềm tĩnh hơn, và chẳng lâu sau bạn sẽ không còn đồng hóa với cơ thể và tâm trí mình nữa. Bạn sẽ an vững trong “Ta Là”.

Người hỏi: Robert, khi chúng ta thực hành truy vấn chân ngã, thật sự thì đó mới chỉ là bước khởi đầu để khám phá cái “Ta”. Khi chúng ta phát triển cảm giác an trú trong cái “Ta”, thì không cần phải truy vấn thêm nữa bởi vì chúng ta bước thẳng vào trạng thái an trú.

Robert: Thực hành truy vấn chân ngã thì không có khởi đầu. Giả sử bạn thực hành truy vấn “Tôi là ai?” nghe thì đơn giản, nhưng nó rất mạnh. Chỉ cần nói, “Tôi là ai?” sau đó tạm dừng, rồi nhắc lại, “Tôi là ai?” Đừng bao giờ trả lời câu hỏi đó. Chỉ cần lặp lại “Tôi là ai?” Cuối cùng, một điều gì đó sẽ xảy ra.

Người hỏi: Tôi đang muốn hỏi, nếu như ông phát triển cảm giác an trú trong chân ngã thì ông có thể quan sát các trạng thái đến và đi, quan sát sự đồng hóa với bản ngã, và sau đó việc truy vấn chân ngã sẽ không còn cần thiết nữa nếu như ông có thể bước thẳng vào trạng thái an trú.

Robert: Nếu bạn đang an trú trong chân Ngã, thì chẳng có bản ngã nào để quan sát – chỉ có chân Ngã. Bạn quan sát bản ngã bằng tâm trí, chứ không phải bằng chân Ngã. Nếu bạn an trú trong chân Ngã, thì chẳng còn gì khác nữa. Bạn đã đến đích. Bạn đã hoàn tất. Tất cả mọi thứ khác là của tâm trí. Khi tôi nói an trú trong chân Ngã, ý tôi là hãy quên đi mọi thứ và hãy là chính mình. Không còn gì khác để biết tại điểm đó.

⭐ Phần 1/2: https://www.facebook.com/…/pfbid02FdRN2d31GmmBhYG5HhLMi…

Biên dịch: Quang Lý

Hiệu đính: Prana

Nguồn: o-meditation

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI