The Truman Show là một bộ phim chính kịch ra đời năm 1998 đã đưa tên tuổi Jim Carrey lên một tầm cao mới vào thời điểm đó. Hiện tại, ông được biết đến là một diễn viên hài lừng danh của Mỹ, nổi tiếng với các phim Ace Ventura: Pet Detective, The Mask, Dumb and Dumber… Với phong cách diễn hài mới lạ, nếu không nói là quái dị, kỳ cục, xàm xí, đặc biệt với nụ cười mang sắc thái “man mát”, Jim Carrey đã tạo nên dấu ấn mãnh liệt trên màn ảnh. Những bộ phim ông tham gia không chỉ hài hước mà còn ẩn chứa những nội dung thâm thúy. The Truman Show là một trong số đó. Bộ phim có ý tưởng kịch bản độc đáo và hài hòa giữa các yếu tố giải trí, triết lý và nghệ thuật.
Đúng như cái tên, Truman Show là một chương trình truyền hình thực tế công chiếu 24/7 ở 220 quốc gia với nhân vật chính là Truman Burbank sống trong một trường phim khổng lồ mô phỏng thế giới thực. Tất cả những diễn biến cuộc sống của Truman kể từ khi nằm trong bụng mẹ cho tới khi ra đời, lớn lên đều được ghi hình bằng hệ thống 5000 camera lắp đặt khắp thị trấn và phát sóng toàn cầu. Tất cả mọi người ở đó đều là các diễn viên, trừ Truman là người không biết mình đang nằm trong chương trình truyền hình đó. Mọi thứ được đạo diễn Christof (Ed Harris thủ vai) sắp đặt hoàn hảo tới nỗi khiến Truman nghĩ rằng thế giới anh đang sống là “bình thường.”
“We accept the reality of the world with which we’re presented. It’s as simple as that.” – Christof
Bộ phim kể về quá trình Truman thức tỉnh khỏi thực tại ảo anh đang sống bằng cách quan sát kỹ lưỡng thế giới và nhận ra những kẽ hở. Ý tưởng này cũng tương tự như ý tưởng phim The Matrix hay Inception. Trong Truman Show, sự sắp xếp (kiểm soát) dường như hoàn hảo nên khả năng thức tỉnh của nhân vật chính được xem là không thể xảy ra. Đây chính là yếu tố tạo nên sự gay cấn, kịch tính của bộ phim. Người xem sẽ không thể đoán biết được các nhân vật sẽ hành động như thế nào để thực hiện mục đích của mình.
Nếu để ý ta có thể thấy Truman mang hàm ý True-Man, là người duy nhất sống thật ở trong thế giới đó, còn tất cả những người khác chỉ đều là giả tạo vì họ là diễn viên. Từ đây ta có thể đặt ra một câu hỏi rằng: Sống thật trong thế giới ảo hay sống ảo trong thế giới thật mới là một bi kịch? Và rằng liệu thế giới chúng ta đang sống có phải là “thật” như chúng ta vẫn thường nhìn thấy. Nếu nó cũng chỉ là một thế giới giả lập, một show truyền hình hay một giấc mơ thì liệu ta có sống khác đi không?
Nhờ 5000 camera khắp thị trấn, nhìn Truman ở mọi góc độ, đạo diễn có thể thao túng những quyết định cuộc của anh. Trong khi đó, Truman chỉ có hai con mắt để nhìn toàn bộ thế giới. Điều này như muốn nói rằng con người bị giới hạn bởi chính tầm nhìn của bản thân, nên dễ dàng bị thao túng, kiểm soát.
“Nothing you see on this show is fake. It’s merely controlled.” – Marlon
Khi xem phim The Truman Show, khán giả được nhìn ở hai góc độ: Máy quay của show và máy quay của bộ phim thực. Điều này cũng tạo ra hiệu ứng (tạm gọi là) “giật khỏi thực tại.” Đột nhiên trong một khoảnh khắc nào đó, tôi có cảm giác như đang nhìn chính mình xem phim Truman Show. Những gì tôi đang làm như thể một thước phim và có một “tôi” thứ hai đang theo dõi tất cả những chuyện đó. Cảm giác này cũng tương tự như khi xem Inception.
Bộ phim cũng đặt ra một ý tưởng rằng khi ảo tưởng, ảo giác về thực tại kết thúc, liệu một người có rơi vào tuyệt vọng đến chết giống như ông già trong phim Nhà tù Shawshank đã thắt cổ tự tử sau khi ra khỏi tù, chỉ vì ông ấy đã dành cả đời để sống trong đó không? Truman, anh ta đã sống trong trường phim 30 năm!
Chưa kể trước đó, Truman còn phải trải qua cảm giác kinh hoàng/hoảng loạn nghĩ mình là một người điên khùng, mất trí khi anh bắt đầu nhìn thực tại bằng một con mắt khác. Tất cả là cái giá phải trả cho sự thức tỉnh. Xem xong phim, có thể chúng ta không muốn thức tỉnh như chúng ta tưởng! Như Terence McKenna nói, “Cái giá để là một người tỉnh trí trong xã hội này là cảm giác lạc lõng không ít thì nhiều.”
Truman Burbank: Was nothing real?
Christof: You were real… that’s what make you so good to watch.
Khi nhắc đến phim The Truman Show, người ta sẽ nhớ ngay đến câu nói kinh điển của Truman Burbank: “In case I don’t see ya, good afternoon, good evening, and good night!” cùng với một câu nói khác cũng mang hàm ý mỉa mai và giễu cợt hoàn cảnh “Somebody help me, I’m being spontaneous!” Jim Carrey như thể được sinh ra để vào vai Truman vậy. Sự hài hước mang vẻ điên khùng, nhí nhố của Truman như một đòn bẩy giúp anh không rơi vào tấn bi kịch của cảm xúc khi thế giới sụp đổ.
Bên cạnh nội dung về sự thức tỉnh, The Truman Show cũng đề cập đến sức mạnh quyền lực của truyền thông, của đồng tiền trong việc chi phối đám đông – những người quan tâm đến sự tiện lợi và giải trí hơn tất cả. Ngoài ra, bộ phim cũng đặt ra một câu hỏi về mối quan hệ giữa sự sáng tạo nghệ thuật và vấn đề đạo đức, nhân tính.
Có thể nói, The Truman Show là một phim mang lại rất nhiều cung bậc cảm xúc. Âm nhạc được chọn lọc kỹ lưỡng và rất ăn khớp với diễn biến phim. Nó là sự pha trộn giữa thanh âm của sự bồn chồn, âu lo, run rẩy, hoang mang khi ở trong những nghi vấn về thực tại và sự kinh ngạc, sung sướng khi phát hiện ra được tia sáng sự thật huy hoàng.
Đây là một bộ phim tôi rất yêu thích và đã xem lại không ít lần. Nó không quá cao siêu, phức tạp trong lời thoại và diễn biến nhưng vẫn thể hiện được những triết lý quan trọng nhất đã từng được nói đến trong tâm linh tôn giáo. Chính sự dí dỏm giản dị của nhân vật chính và sự sáng tạo trong ý tưởng kịch bản là thứ chiếm được cảm tình của tôi nhiều nhất. 9/10 là điểm dành cho The Truman Show.
Christof: I know you better than you know yourself.
Truman Burbank: You never had a camera in my head.
Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Ảnh minh họa: Sadie Pices
📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP
📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️http://bit.ly/2KTJCN2