28 C
Nha Trang
Thứ bảy, 23 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Review] Những lá thư không gửi, Susie Morgenstern – Để khóc, để cười và để yêu thương

tumblr_inline_nuze9zT0k21s09z1b_1280

Những lá thư không gửi là câu chuyện về cậu bé Ernest đã tìm thấy niềm vui sống sau khi kết bạn với một cô bé đầy tươi sáng có tên Victoire. Nàng ta kéo Ernest sang một thực tại mới đầy sắc màu – thứ trong suốt 10 năm cuộc đời, cậu không hề biết đến sự tồn tại của nó. Thậm chí, cậu bé còn mơ hồ về sự tồn tại của chính mình trong ngôi nhà già nua, buồn tẻ cùng với bà nội Précieuse và bà Germanine cũng già nua, buồn tẻ không kém. Victoire làm tôi nhớ đến Pippi Tất Dài – một cô bé tràn ngập nắng vàng đã làm thay đổi cuộc đời của không biết bao nhiêu người mà nàng ta gặp gỡ.

10 năm trong kén, cái cậu Ernest ấy! Có người sẽ cho rằng chuyện một đứa bé thui thủi một mình ở một nơi chán ngắt hơn cả trại giam ấy là điều bất khả, nhưng nếu nhìn rộng ra ngoài xã hội thì có những người đã sống trong xiềng xích hết cả một đời mà chẳng hề hay biết – xiềng xích trong tư tưởng. Cậu bé ấy chỉ là một phép ẩn dụ cho một cuộc đời rô-bốt nhàm chán, bế tắc đến mức chẳng nhận ra là mình đang bế tắc, bị tẩy não đến mức chẳng biết là mình có não. Nhưng Victoire đã xuất hiện và sự tươi sáng của cô bé khiến Ernest nhận ra rằng như thế nào mới là sống.

Nhưng nỗi sợ phải thay đổi thói quen, đặc biệt là thay đổi nhận thức khiến người ta dễ dàng rơi vào cuộc chiến tranh nội tâm hơn là bắt nhịp dần dần để đón nhận. Thật may mắn khi đây lại là một cậu bé. Bản năng của trẻ thơ đã giúp Ernest tiến tới những nhịp điệu mới lạ với một tâm thế thích thú nhiều hơn là sợ hãi. Tác giả Susie đã mô tả rất chính xác hai loại phản ứng của một con người khi đứng trước những thay đổi lớn của cuộc đời thông qua hai hình ảnh: Sự trốn chạy của bố Ernest và sự dấn thân của cậu bé.

Sự xuất hiện của Victoire vừa là cái cớ và vừa là động lực để cho Ernest bắt đầu một cuộc đời mới.

Nói thế thôi, người ta chỉ có thể tặng nhau được công cụ chứ không thể tặng được nhận thức mới, hành động mới và một trái tim mới được. Đó là lý do vì sao Victoire chỉ là tác nhân chứ không phải là nguyên nhân của sự thay đổi. Có nhiều người ngoài kia cũng cần phải chuyển mình rồi nhưng dường như vỏ bọc cũ đã quá dày khiến họ gặp rất nhiều khó khăn. Nhân tố giúp đổi thay thì lúc nào cũng đầy khắp xung quanh, nhưng còn ý thức thay đổi thì lại chưa từng một lần le lói chứ chẳng nói chuyện bùng lên như ngọn lửa cách mạng. Hay nói cách khác là khi không tự thông được não thì cả trăm Victoire cũng bằng zero!

Nhưng có một điều tôi phải đề cập tới, đó là giá trị 10 năm sống tẻ nhạt của cậu bé Ernest. 10 hay 9 chỉ là một quãng thời gian nhất định, nhưng vấn đề nằm ở việc người có trải nghiệm ớn lên tận cổ ấy sẽ cảm nhận sâu sắc hơn hương vị cuộc sống khi họ được tiếp xúc với nó. 10 năm chính là cái giá phải trả để Ernest được thật sự yêu đời. Cậu mua mảnh đất nhàm chán để được nhìn thấy khoảng trời sinh động. 10 năm chính là lời nhắc nhở về sự kiên nhẫn cho tất cả chúng ta khi ở trong hoàn cảnh khó khăn. 10 năm cũng là hiện thân của giới hạn để ta không chần chừ khi cánh cửa đổi mới đã mở. Người nào đi qua đủ đắng cay mới hiểu được thế nào là ngọt ngào, nếm đủ thất bại thì mới thấu vị thành công.

Cuốn sách đã mô tả cả một cuộc hành trình đầy biến động trong cuộc đời cậu bé Ernest. Khi đôi chân cậu chưa vững vàng vì vừa chạm tới bến bờ mới thì nhờ tình yêu thương của những người xung quanh, cậu bé trụ lại được. Thứ làm lay động trái tim người đọc chính là tình yêu và sự hòa hợp. Chúng ta chẳng còn thấy người khó khăn và kẻ cứu rỗi, nên cũng không thấy sự trả nợ hay ban ơn, chúng ta chỉ thấy sự sẻ chia trong niềm vui như thể anh em một nhà.

Các nhân vật trong cuốn truyện này đầy ắp tình yêu. Họ nương tựa và ôm ấp lẫn nhau, giống như rừng già sẽ chẳng gục ngã khi ở tận dưới lớp đất sâu là những bộ rễ đan cài. Chỉ có ở trong gian nan thử thách thì chúng ta mới dễ dàng nhận ra được tình người hiện hữu. Nó xóa nhòa đi mọi khoảng cách và mọi sự phân biệt. Những hành động, những cử chỉ yêu thương được tác giả diễn tả một cách hết sức mộc mạc và trong sáng. Chính sự giản dị đó đã lấy được nước mắt của mọi người, dù chỉ là một lời khen, một cái thơm lên má, một lá thư với đủ các câu chúc mừng bất chấp không đúng dịp nào cả, v.v… Chúng ta cần yêu và được yêu như vậy đến nhường nào.

Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở việc lên được đến bờ vì những tổn thương trong quá khứ vẫn còn đó. Những lá thư không gửi của bố Ernest dành cho cậu là biểu tượng của những vết thương lòng day dứt cần được chữa lành. Vì với mỗi một lời cần giải tỏa không được nói ra sẽ tương đương với một vết chém trở lại vào trong trái tim. Và với mỗi câu trả lời không được nhận khi mình hoàn toàn xứng đáng sẽ chẳng khác nào một tấm màn đen phủ lên tâm hồn.

Nhưng bức thư mà Ernest gửi đi cho người cha của mình chính là giọt nước tràn ly, là tiếng nói đanh thép rằng: “Tôi muốn được chữa lành và tôi sẵn sàng.” Một cậu bé mười tuổi dũng cảm đứng lên vì hạnh phúc của chính mình, đây là chuyện không phải ai cũng làm được. Ernest là hiện thân của sức mạnh và niềm tin vào sự rộng lượng của cuộc đời. Vì cậu bé thật sự muốn hạnh phúc nên vũ trụ liên tục mở ra cho cậu những cánh cửa để chạm tới nó. Ernest gửi đi một lá thư và cậu nhận về hàng nghìn lá. Cậu chàng mười tuổi này lại trở thành nguồn cảm hứng và sức mạnh để cha và bà nội cậu dũng cảm đối mặt với những nỗi đau xưa cũ – bước đầu tiên của công cuộc chữa lành.

Đôi lúc, tôi thấy Ernest không thật lắm vì từ ngữ cậu dùng cứ như của một ông cụ 80. Nhưng khi nhìn lại quãng thời gian đơn độc của cậu thì tôi có thể hiểu được nó đã khiến Ernest trở nên nhạy cảm và trầm mặc đến thế nào. Có những con chim đủ lông cánh rồi mới bị bão bùng vậy bủa. Nhưng dường như những cơn bão đời ấy nhìn thấu được sức mạnh tiềm tàng của linh hồn cậu bé nên chúng đã ập đến ngay từ ngày cậu mới chào đời. Những khó khăn, những thương tổn làm ta đau đớn, nhưng chúng lại chính là thứ giúp ta trở thành vĩ nhân vào một ngày nào đó không hay. Mà nói cho cùng thì cũng không ít những cụ già 80 nói chuyện như một đứa con nít đấy thôi. Vì bão hủy hẹn mà!

Cuốn sách chỉ có hơn trăm trang nhưng chất đầy những ý tứ lay động lòng người và những pha gây cười ngộ nghĩnh. Những câu chữ trong tác phẩm này được sàng lọc một cách tối đa, các nhân vật nói vừa đủ, tác giả kể chuyện vừa đủ. Những lá thư không gửi ghi điểm rất đậm cũng vì sự “ít-mà-chất” ấy của mình. Trong chuyện viết lách, bôi ra hoa lá cành thì dễ nhưng để thể hiện trọn vẹn linh hồn của tác phẩm mà lại dùng ít ngôn từ nhất thì đòi hỏi tác giả phải có một đầu óc cực kỳ sắc sảo và tinh tế.

Cuốn sách bé nhỏ này thật sự là một thế giới phong phú. Tôi dám cá rằng mỗi người sẽ nhìn thấy một góc phần nào đó cuộc đời của chính mình đằng sau những con chữ ấy, để khóc, để cười và cuối cùng, để yêu thương…

8.5/10 là điểm tôi dành cho tác phẩm này.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

*Featured image: marisannphoto
spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI