27 C
Nha Trang
Thứ tư, 4 Tháng mười hai, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Review] Cà phê cùng Tony, Tony Buổi Sáng – Không phê không về

tumblr_inline_nuze9zT0k21s09z1b_1280

Cà phê cùng Tony, sau khi thưởng thức xong cuốn sách này, tôi rất sung sướng vì gom được một rổ các loại xúc cảm từ xanh mượt đến thở dài thườn thượt, từ âm u đến thương thầy thương u, và từ giông tố đến xấu hổ lặng người. Đơn giản vì Cà phê cùng Tony rất phong phú cả về nội dung và hình thức, khiến người đọc tự quay nhìn lại được rất nhiều góc phần của chính mình. Hay nói cách khác, những mảnh ghép bên trong lũ lượt được rung lên chỉ với một cuốn sách, đến mức có lúc muốn xé sách vì bị nhột ghê quá.

Về mặt nội dung, điều mà tôi thích thú ở Cà phê cùng Tony đó là sự đa dạng và tính thực tế.

Đa dạng ở đây phải nói đến những câu chuyện đời thường được truyền tải đính kèm theo những ý tứ đầy mỉa mai của tác giả. Rất nhiều những góc cạnh của cuộc sống được diễn tả, từ chuyện ăn uống, tắm rửa, chửi thề, cho đến chuyện buôn bán, học hành, giao tiếp. Những đề tài khác nhau được luân chuyển liên tục khiến gió chẳng bao giờ bị cũ để phải đổi. Việc tác giả Tony kể chuyện rất phong phú khiến người đọc thích thú muốn nghe hoài không chán, giống như thể ăn no quá rồi nhưng vẫn ngon miệng nên lại cố gắng tọng thêm chút nữa vậy.

Nội dung cuốn sách là góc nhìn về thực trạng xã hội, quy cách ứng xử của con người và sự khác biệt giữa các nền văn hóa. Sẽ có rất nhiều điều để bàn luận nếu đi sâu vào các tiểu tiết, như: Chuyện tiêu thụ động vật quý hiếm, thú nuôi, tác phong làm việc tại cơ quan, văn hóa ứng xử nơi công cộng, các giá trị tâm hồn, v.v…. Nhưng tựu chung lại, phần lớn những câu chuyện bộc lộ lối sống, bản tính của bộ phận không nhỏ người Việt Nam với tư duy tiểu nông, tính vô kỷ luật, sĩ diện và sự thụ động. Rồi từ đó, bạn đọc có thể hình dung ra một phần bức tranh một đất nước đang bên lề mục nát. Mục từ bên trong cách suy nghĩ của con người cho đến lối ứng xử, hoạt động bên ngoài xã hội.

Tôi thấy tác giả đá xoáy liên tục ở mọi đề tài, kể đến đâu là có chuyện để mà mỉa mai đến đó. Chuyện này giống như một người theo chủ nghĩa “tinh tươm” bước vào một căn phòng nhìn chỗ nào cũng ngứa mắt vì kết cấu lòi ra thụt vào, bừa bãi, nhếch nhác và bốc mùi thum thủm. Người thường thì tức giận la mắng, kẻ khôn thì chia sẻ góc nhìn sạch sẽ của bản thân. Hay ở chỗ là Tony Buổi Sáng đánh động những điều này với lớp trẻ, những người đang ở độ tuổi sung mãn về thể lực và khao khát về trí tuệ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Thử hỏi ở một quốc gia mục rữa thì ai sẽ là người có tiềm năng lớn lao biến đổi nó trở nên tốt đẹp hơn, sau đó kết quả có ra sao thì họ cũng là người được thụ hưởng hay được gánh nhận? Rửa một cái bát cần xả qua nước mới liên tục hay là cứ đánh tung bọt xà bông mãi ở trong chậu nước cũ rồi cứ thế mang ra úp?

“Chỉ có một tuổi trẻ để nhìn thấy thế giới rộng lớn ra sao. Lớn rồi ngại đi lắm, vì lúc đó có gia đình riêng, rồi sức khỏe cũng giảm, trí tuệ cũng giảm. Mình đi nhiều thì tính tình sẽ cởi mở, phóng khoáng, hào sảng. Học cái hay, cái đẹp, cái văn minh rồi mang về quê hương.”

Đọc lần đầu tiên, tôi bị nhột quá mải nghĩ xem có nên xé sách không nên không nhìn kỹ được tác phẩm này. May quá mần lại lần nữa với độ rắn mặt cao hơn, tôi thấy rằng Cà phê cùng Tony cũng mới chỉ nêu hiện tượng và lần tới được đoạn gần rễ của vấn đề. Gần rễ thôi chứ chưa phải là rễ đâu. Vì có những góc cạnh khác cũng rắn mặt không kém chi phối, thao túng cả cách suy nghĩ của con người thì tác giả vẫn chưa thấy đề cập đến.

Khi đã bớt tự ái, tôi đã có một vài sự trăn trở như thế này các bạn ạ. Tại sao cùng là con người mà ở Việt Nam lối tư duy lại khác biệt so với các quốc gia khác, đặc biệt là các nước phương Tây? Nói toạc móng heo ra thì lối tư duy tiểu nông chia rẽ ấy khiến cho cuộc sống trở nên vụn vặn, gò bó, yếu kém, khổ sở. Tại sao những câu chuyện trong Cà phê cùng Tony vẫn còn diễn ra nhan nhản ngày qua ngày, tháng qua tháng như chuyện thường ở huyện, đến mức lặp lại nhiều quá thành luôn bản tính cố hữu, “nét đẹp văn hóa” của quốc gia? Tại sao không thay đổi được dù biết nó là RẤT cần thay đổi? Có phải là do người Việt không chịu sáng tạo? Hay là sự sáng tạo không được tạo điều kiện để phát triển ở mức tối đa, thậm chí bị đè nát khi vừa mới trong trứng nước?

Cà phê cùng Tony là một cuốn sách đáng để đọc vì tính thực tế của nó. Việc nêu lên vấn đề rồi hướng tới được những hành động cụ thể để cải tiến, thay đổi vấn đề đó khiến cho người đọc có cảm giác lôi cuốn, tin tưởng người đang kể chuyện. Điều này càng khẳng định việc mỗi người nên tự có lấy trải nghiệm của riêng mình, hành động để lắp ghép cuốn sách cuộc đời của mình. Tony kể chuyện của ổng rồi tới chuyện của người khác theo góc độ của bản thân lại càng lộ ra sự từng trải của tác giả. Tôi luôn cho rằng những người đi nhiều, làm nhiều là những người hấp dẫn. Vì họ có nét riêng, có sắc màu cá nhân ở mỗi bước chân họ tới, chứ không phải một nhân vật nhợt nhạt mơ hồ nào đó có câu cửa miệng luôn là “Phật đã nói” hay “Leona Da Vinci từng cho hay”.

Người sống mà hành động càng nhiều thì họ sẽ càng giàu, chưa đến mức biểu hiện ra thành tiền thì cũng giàu có ở trong tâm hồn, trí tuệ. Kẻ giàu kể chuyện thì sẽ toát lên vẻ trù phú và người nghèo sẽ xúm tới xem, hoặc là rủa cho nó đi siêu xe đâm vào cột điện chết sớm, hoặc là ngưỡng mộ rồi răm rắp nghe theo để cho thỏa nguyện “Được như anh ấy”

“Nhưng tưởng tượng cũng phải gắn liền với thực tiễn nghen. Tưởng tượng xong, phải quay về với thực tế ngay, để áp dụng. Chỉ ngồi tưởng tượng và không biết mình là ai, ở miền Nam thì vào Biên Hòa, ở miền Bắc thì vào Trâu Quỳ mà hái hoa, mà bắt bướm.”

Nói đi thì cũng phải nói lại, ý tứ của tác giả hay dở như thế nào là do quan điểm cá nhân của mỗi người. Có một điều tôi chưa thật sự phục sau khi đọc xong cuốn sách này đó là tư tưởng phân biệt trắng – đen, tốt – xấu ở đây vẫn quá nhiều. Nếu có 10 người đọc Cà phê cùng Tony và đều mang trong mình lối tư duy phân cực, thì tác giả sẽ được 5 người yêu mến và bị 5 người “say goodbye” luôn. Sự chia rẽ trong tư tưởng kết hợp với sức mạnh nội tâm của người viết khiến cho lực đẩy giữa hai cực càng trở nên mạnh mẽ. Không thể nói được là người ta sẽ sống có ích hơn sau khi đọc Cà phê cùng Tony hay là càng sa đọa hơn với một tâm trạng cáu kỉnh. Tôi cho rằng một cuốn sách hay là thứ quy phục được cả 10 người kia, hoặc chí ít có 5 cháu lao vào hành động để cải thiện cuộc đời và 5 cháu còn lại cũng có thêm sức mạnh để đọc lại Cà phê cùng Tony thêm lần nữa.

Sự lôi cuốn đặc biệt của cuốn sách khiến tôi liên tưởng đến việc bị thôi miên khi nghe quảng cáo tham gia bán hàng đa cấp. Tôi chợt thấy những kẻ có trí tuệ, sức mạnh bên trong và thêm vào đó là khả năng ăn nói hay viết lách thì thật sự nắm trong tay quyền lực rất lớn. Ngôn ngữ là công cụ rất mạnh trong việc tương tác và trao đổi thông tin. Kẻ nào sở hữu rượu ngon và còn biết đựng trong bình đẹp nữa thì có thể làm thầy hoặc làm kẻ thao túng, tùy thuộc vào mục đích phục vụ người khác hay chuộc lợi cho bản thân.

Để ý kỹ hơn thì thấy nửa đầu sách, Tony Buổi Sáng kể chuyện hài nhiều, bóng gió cũng không ít nhưng người đọc thấy vui. Cái vui đấy bù lại với cái chạnh lòng là vừa đủ, nên là nghe đến đâu thấm bài học đến đó. Đáng tiếc là càng về sau cuốn sách lại càng trở nên nghiêm túc khiến người đọc có cảm giác căng thẳng như bị phân vai đệ tử ngồi nghe thầy thuyết pháp vậy. Hình tròn biến thành hình tháp và những góc cạnh ấy thu hẹp khả năng truyền đạt tối đa của tác giả và mức độ hấp thụ của người nghe. Giống như nửa đầu Tony vừa đấm vừa xoa, nhưng đến cuối chắc một tay mỏi quá nên khỏi xoa luôn.

Cách kể chuyện của tác giả rất sinh động, tự nhiên và sáng tạo, cảm giác giống như đi vào một giấc mơ lúc nào mà chẳng biết, nó cứ như thật, nên người đọc không bị sốc hay gượng ép. Nếu nói về độ sáng tạo thì không thể phủ nhận được rằng đây là tác phẩm đáng để học hỏi, không thì cũng đáng để giải trí. Tóm lại là có giá.

Ngoài nội dung là khung xương cốt tủy, lối hành văn là mông má da thịt cũng đóng góp một phần rất lớn trong sự thành công của cuốn sách. Câu chữ, giọng điệu ở đây biến chuyển khôn lường, rất lôi cuốn. Ngôn ngữ chau chuốt, mang phong cách thậm xưng, châm biếm, và đồng thời cũng rất bình dân, cập nhật trào lưu ngôn ngữ mới nên dễ tiếp cận với giới trẻ – đánh trúng đối tượng cần chia sẻ.

Phải nói rằng, Tony Buổi Sáng đã vận dụng tối đa chức năng của việc viết lách để truyền đạt ý tưởng đến với người đọc, tức là về mặt kĩ thuật thì ổng cũng không phải dạng vừa.

Tóm lại, Cà phê cùng Tony là một cuốn sách đặc sắc về mặt nghệ thuật và có giá trị ứng dụng thực tiễn cao về mặt nội dung nên khi đọc có cảm giác kích não rất đã đời. Hít một hơi cảm hứng từ nó cũng đủ để làm được khối việc chứ chẳng chơi.

8/10 là điểm mà tôi dành cho cuốn sách này.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

*Featured Image: nghiensach
spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI