27 C
Nha Trang
Thứ tư, 4 Tháng mười hai, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Thao túng và hóa giải

Tôi chạy xe máy trên đường và nhìn những cán bộ công an hình sự và công an giao thông gần đây được cử ra đường phố Hà Nội nhiều hơn. Tôi tự hỏi họ nghĩ đang gì, họ có thực sự muốn tuân lệnh cấp trên để đề phòng và trấn áp những cuộc biểu tình nữa có thể tiếp tục xảy ra? Hay họ cũng thấy mệt mỏi và sai trái? Câu hỏi quan trọng hơn là tại sao có thể họ đã thấy sai và thấy mệt nhưng họ không dám từ bỏ? Thử đặt giả thiết xem có thể xảy ra trường hợp một chiến sĩ công an cởi cảnh phục giữa đường đơn giản vì anh không muốn mặc nữa; không nhất thiết anh phải tham gia vào đoàn biểu tình nhưng anh bỗng thấy đàn áp người dân của mình là quá vô nghĩa. Có thể xảy ra điều đó không?

Đến bây giờ thì chưa nhưng hãy phân tích giả thiết trên. Chúng ta đang biểu tình để yêu cầu Quốc hội lắng nghe tiếng nói người dân và đi đến những quyết sách anh minh và dũng cảm nhưng những quyết sách anh minh và dũng cảm có vẻ như đang bị một-thế-lực-nào-đó thao túng và cấm cản. Chúng ta đang yêu cầu từ bà Chủ tịch Quốc hội đến các đại biểu Quốc hội phải dũng cảm từ bỏ những điều sai trái với lương tri của chính mình và đi ngược lại lợi ích của quốc gia. Nhưng câu hỏi của tôi là: Một đại biểu Quốc hội trực tiếp tham gia lập pháp và một cán bộ công an trực tiếp tham gia ngăn chặn biểu tình, ai là người có nhiều tự do quyết định hành động của mình hơn? Tại sao chưa có suy suyển gì khi đã có cả máu đổ xuống trong những ngày qua?

Khi hỏi về tự do thì có lẽ chúng ta buộc phải thừa nhận rằng, về lí thuyết, tất cả đều bình đẳng trong tự do lựa chọn. Nhưng nhìn vào thực tế và bản chất thì chúng ta thấy tất cả đều bị thao túng bằng những thế lực như nhau: Nỗi sợ hãi và lòng tham lam, hai điều đấy đều nảy sinh từ gốc rễ của sự thiếu hiểu biết; chính vì vậy, quá ít người có quyền lực chính trị dám “nói không” để tạo ra một làn sóng quay lưng lại cái ác. Còn người dân thì đã bị đẩy đến cực cùng khốn nạn khiến không còn biết làm gì hơn ngoài: phẫn nộ; họ tập trung vào phản đối và đả đảo nhưng chắc họ nghĩ còn lâu nữa mới đến lúc họ phải tư duy những giải pháp xây dựng; tôi thấy động cơ ấy cũng sâu xa nảy sinh từ sự thiếu hiểu biết. Suy ra, không có tự do vì không có hiểu biết.

Vậy là ba chất kịch độc: Tham lam, giận dữ và ngu si – như một triết gia vĩ đại mà chúng ta quen gọi là Đức Phật đã chỉ ra – là những thứ đang tàn phá đất nước của chúng ta. Con người hiện tại là nạn nhân của những chất độc đó nên mới khiến chúng ta thấy con người là nạn nhân của con người. Nhưng không! Con người không phải là nạn nhân của nhau. Những đau khổ của con người chỉ được gây nên bởi sự ngu dốt. Chúng ta phải thấy được căn nguyên thật sự.

Những ngày tháng qua, tôi đã chiêm nghiệm đến tận cùng một vấn nạn: Chúng ta bị thao túng bởi ai? Hóa ra câu hỏi thật sự và cũng là câu trả lời thực chất phải là: Chúng ta không bị thao túng bởi ai mà chúng ta bị thao túng bởi cái gì; bởi cái gì nếu không phải bởi những độc tố trên? Người dân cũng vậy thôi mà chính phủ cũng vậy thôi. Việt Nam cũng vậy thôi mà Trung Quốc cũng vậy thôi.

Bây giờ đây, tôi sẽ dùng nghiệp vụ của một người viết để tưởng tượng tiếp về giả thiết một chiến sĩ công an từ chức vì không muốn nhận lệnh đàn áp người dân. Anh ấy sẽ về nhà và tuyên bố với vợ rằng đây là ngày cuối cùng anh làm công an, ngày mai anh sẽ đệ đơn từ chức. Vợ anh sẽ hoang mang: “Anh sẽ thất nghiệp?” “Đúng.” “Nhà mình sẽ sa sút kinh tế?” “Đúng.” “Con chúng ta sẽ có nguy cơ thất học?” “Không! Con chúng ta không bao giờ thất học. Con chúng ta có thể không qua được trung học vì bố nó dám bỏ việc khiến nhà mình nghèo và gặp nhiều rắc rối nhưng nó chắc chắn sẽ là một người ‘có học’ vì bố nó đã dạy nó bài học quý giá nhất bằng lòng can đảm dám từ bỏ những việc làm phi nghĩa. Điều đó còn có ý nghĩa hơn mọi cái bằng ở bất cứ trường đại học danh tiếng nào trên thế giới.” (Tôi dám khẳng định điều này vì người viết cũng chưa từng học xong trung học nhưng được giáo dục bởi một bà mẹ dũng cảm.)

“Thế còn anh,” người vợ vẫn chưa hết lo lắng, “anh không sợ bị người ta hãm hại ư?” “Điều độc hại nhất anh đã tách được mình ra rồi, trái tim anh đã mãi mãi được bảo vệ bởi điều đúng đắn. Anh đã làm hết khả năng của mình, phần còn lại hãy phó thác cho lịch sử. Có gì anh phải sợ? Có mệnh hệ gì thì di chúc anh luôn để sẵn dưới gối nhé.”

Và thế đấy, từ cảm hứng của lòng can đảm đi theo lẽ phải, cứ thêm một chiến sĩ công an khước từ đàn áp nhân dân hẳn sẽ có thêm một đại biểu khước từ một điều luật ngu ngốc, và hẳn sẽ có thêm một nhân sĩ trí thức nêu được những kế sách xây dựng và phát triển nước nhà. Cứ như thế, những kẻ nghĩ rằng mình có khả năng thao túng người khác sẽ dần dà không còn con rối nào để điều khiển nữa vì con người đã trưởng thành để có thể tự tách mình ra khỏi những độc tố: tham lam, thù hận và ngu dốt. Đó là viễn cảnh và lộ trình hiện thực hóa luận điểm mà tôi đã trình bày ở bài viết trước: Triết học sẽ cứu rỗi dân tộc ta. Lí do bà mẹ tôi khuyến khích tôi bỏ học trung học ở Việt Nam là để tôi có may mắn dành trọn vẹn năm tháng niên thiếu để học hỏi, nghiên cứu và thực hành triết học Phật giáo.

Tôi muốn trình bày cho các bạn thêm về bản chất của nỗi sợ hãi. Nhìn sâu, ta sẽ thấy dường như mọi nỗi sợ đều liên quan đến nỗi sợ chết. Ngay bây giờ, tôi sẽ chứng minh rằng cái nhìn đó chưa đủ sâu, chúng ta không sợ chết… đến thế. Bằng chứng là ta vẫn thoải mái làm những việc có nguy cơ dẫn đến cái chết; ví dụ như hút thuốc lá dù bao thuốc nào cũng ghi rành rành là có nguy cơ dẫn đến cái chết từ từ và đau đớn, ví dụ như chơi thể thao mạo hiểm hay khi loạn trí, ta sẵn sàng làm tổn thương mình bằng nhiều cách.

Bạn sẽ nói đó là cách sống của những kẻ điên rồ; còn bạn, bạn là người sáng suốt, bạn không bao giờ làm điều gì gây hại cho bản thân mình. Nếu bạn nghĩ bạn đủ sáng suốt thì tôi xin hỏi: Bạn có chắc bạn sống chỉ để sống mà thôi không? Bạn sống khỏe mạnh và làm mọi cách để tránh xa những nguy cơ chết nhưng bạn đã thỏa mãn chưa?

Bạn vẫn có một khoảng trống vắng lẩn khuất như một sự bất an sâu thẳm trong bản thể. Tôi muốn chỉ ra nỗi sợ hãi lớn lao mà những người có trí tuệ luôn nhìn nhận được: nỗi sợ hãi hư vô – nỗi sợ hãi sự vô nghĩa. Người kém hiểu biết sẽ sợ những tiện nghi sống bị xâm hại; người có hiểu biết sẽ biết họ đang chạy trốn nỗi sợ chết; người hiểu biết lớn sẽ hiểu rằng họ sợ đời sống của họ vô nghĩa. Người hiểu biết lớn sẽ không sợ chết mà sợ sống vô nghĩa lí, vô phương hướng; vì vậy họ không dành thời gian sống để trốn chạy cái chết, họ đi tìm ý nghĩa của mọi thứ, kể cả cái chết.

Đa số con người chọn việc duy trì nòi giống và trao truyền tri thức như việc có ý nghĩa nhất của đời sống; một phần thiểu số sẽ không muốn mất thời gian với huyết thống mà chọn việc thăng hoa tinh thần và trao truyền kinh nghiệm giác ngộ. Tôi thích cách thứ hai hơn. Tôi có kinh nghiệm về nỗi sợ hãi qua những giờ phút tuyệt vọng nhất, tôi muốn tự tử. Tôi bỗng nhận thấy chết sao mà khó quá. Tôi hỏi tôi sợ gì. Tôi thấy tôi không hoàn toàn sợ đau hay sợ chết. Tôi thậm chí còn thèm được chết cho một điều ý nghĩa. Hình như tôi đang làm điều đấy thì phải, những suy nghĩ và viết lách của tôi có thể đang gây nguy hiểm cho đời sống của tôi lắm chứ, nhưng tôi đâu có sợ. Thế mà trong phút tuyệt vọng, tôi lại sợ chết. Ngay phút đó, tôi ngộ ra, không phải tôi sợ chết mà là tôi không cho phép mình kết liễu đời mình trong vô vọng. Tôi có thể chết nhưng không được chết vô nghĩa, chính vì vậy, tôi phải sống tiếp để tiếp tục khám phá và thực hành những điều tôi suy nghiệm được ý nghĩa.

Dẫn đoạn vừa rồi có xa quá với tình hình chính trị – xã hội hiện tại không? Tôi nghĩ là xa và tôi muốn nó phải xa. Một cộng đồng mạnh phải có những cá nhân đi xa nhất được vào trong bản thể của họ. Trả lời được những câu hỏi bản thể sẽ trả lời được những câu hỏi thời sự. Tại sao những quan chức nước ta không có văn hóa từ chức mà lại thường trực một nỗi sợ hãi và phản xạ thần phục trước những thế lực áp bức? Như tôi chứng minh ở trên, vì không có hiểu biết sâu sắc dẫn đến không nhìn nhận được những nỗi sợ nào đang thao túng mình. Họ sợ tiện nghi sống của họ bị xâm phạm nên họ thỏa hiệp làm những việc phi nghĩa. Họ sợ chết và cố gắng bảo vệ đời sống của họ bằng những hành động đáng nguyền rủa. Vì sao họ không sợ nỗi sợ lớn nhất: Sợ đời sống vô nghĩa? Tôi không nói mọi người phải vượt qua nỗi sợ. Tôi muốn mọi người sợ nỗi sợ lớn nhất, lớn lao hơn cái chết để có thể bước qua nỗi sợ chết mà làm những điều lớn lao.

Bên cạnh đó, tôi vẫn muốn nhấn mạnh đề xuất rằng chúng ta phải tách mình ra khỏi dòng chảy ồ ạt của đám đông để có thể thắp sáng được sự tĩnh lặng của bản thể mình. Trước khi muốn làm cho bất cứ cái gì ổn, mình phải ổn trước. Khả năng bình ổn hẳn là một năng lực sinh ra từ sự hiểu biết. Chúng ta bình ổn thì chúng ta mới sáng suốt, sáng suốt thì mới không bị thao túng, không bị thao túng mới có thể dũng cảm đi theo lẽ phải. Nếu tinh thần này được thắp sáng, tôi tin là đêm dài của dân tộc sẽ nhanh chóng tiêu tan. Dù trong ánh sáng, chúng ta vẫn thấy những điêu tàn nhưng ít nhất chúng ta cũng đã thoát được một cuộc hôn mê.

Tác giả: Phapxa Chan

Featured image: igorovsyannykov
spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI