Nội dung
Socrates đã bị quy tội và kết án tử hình như thế nào?
Cho đến nay, Socrates (phát âm: Soóc-cra-tis) vẫn là một trong những triết gia quan trọng nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, ông đã không viết bất kỳ tác phẩm nào của riêng mình; do đó, chúng ta biết đến cuộc đời và những lời dạy của ông thông qua người học trò và cũng là người bạn của ông là Plato (427-347 TCN). Tác phẩm Apology (TD: Lời tự biện), được viết bởi Plato, không thể phủ nhận là một trong những tác phẩm quan trọng nhất về những phát ngôn của ông được ông đưa ra tại phiên tòa của mình.
Ông bị buộc tội bất kính (ND: với các thần linh) và làm hư hỏng giới trẻ. Trong Lời tự biện của Plato, Socrates liên tục nhắc đến một Thượng Đế duy nhất và ông chống lại việc tôn vinh các vị thần Hy Lạp. Tuy nhiên, ông đã tự bào chữa cho mình và bảo vệ quan niệm của ông về triết học. Socrates đã bị quy tội và kết án tử hình.
Chúng ta biết đến câu nói,
“MỘT CUỘC ĐỜI KHÔNG ĐƯỢC SUY XÉT CẨN THẬN THÌ KHÔNG ĐÁNG SỐNG” vào cuối phiên tòa. SOCRATES TIN RẰNG MỤC ĐÍCH CỦA CUỘC SỐNG LÀ ĐỂ PHÁT TRIỂN TÂM LINH VÀ TRIẾT HỌC; ÔNG CHO RẰNG ĐIỀU QUAN TRỌNG LÀ PHẢI ĐẶT CÂU HỎI VÀ “SUY XÉT” CÁC GIÁ TRỊ VÀ NIỀM TIN CỦA MÌNH ĐỂ XÁC ĐỊNH XEM LIỆU CHÚNG CÓ CHÍNH XÁC HAY KHÔNG. (Top Highlight)
Phương pháp Socrates
Socrates suy xét mọi người bằng cách sử dụng phương pháp elenchus của ông (elenchus có nghĩa là “bác bỏ bằng logic”), hay còn gọi là phương pháp Socrates. Ông tin rằng phương pháp này khiến mọi người nhận thức rõ hơn về sự vô minh của mình và vì thế dẫn đến sự khiêm nhường.
Một trong những tác phẩm quan trọng nhất của Plato, không nghi ngờ gì nữa, đó chính là tác phẩm Lời tự biện. Về cơ bản nó là một tài liệu ghi lại những lời nói mà ông đã đưa ra tại phiên tòa của mình. Phiên tòa diễn ra tại Athens năm 399 TCN. Socrates không chỉ tự bào chữa cho mình mà còn bảo vệ quan niệm của ông về triết học. Theo ông, đức hạnh là nền tảng và triết học là sự suy xét bản thân hướng tới đức hạnh. Ông đã bị buộc tội vì hai điều, đó là làm hư hỏng giới trẻ thành Athen, và giới thiệu một Thượng Đế mới.
Lời tự biện của Socrates
Ở phần đầu trong Lời tự biện của Socrates, ông giải thích rằng bạn ông là Chaerephon đã đến gặp nhà tiên tri ở Delphi và hỏi rằng liệu có ai thông thái hơn Socrates không? Nhà tiên tri trả lời Chaerephon rằng không có ai thông thái hơn. Tin tức này khiến ông bối rối vì ông thấy rất khó để tin rằng mình là người thông thái nhất. Ông đã nhận thức được sự vô minh của mình; ông không cho rằng mình thông thái.
Bởi vậy, ông quyết định cố gắng bác bỏ lời tiên tri bằng cách tìm kiếm những người khôn ngoan hơn mình. Ông nói chuyện với những người trong nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, như các chính khách, thi sĩ hay thợ thủ công; tuy nhiên, ông nhận ra rằng họ chỉ sở hữu “sự khôn ngoan của loài người”. Ví dụ, các nghệ nhân chỉ hiểu biết trong lĩnh vực nghệ thuật của họ, nhưng họ thiếu sự khôn ngoan trong những điều mà ông gọi là “những thứ cao hơn” hay “sự ưu tú của nhân loại”. Socrates nhận ra rằng:
“Tôi thông thái hơn người này, vì cả hai chúng tôi dường như không biết bất kỳ thứ gì vĩ đại hay tốt đẹp; nhưng anh ta lại tự huyễn hoặc rằng mình biết một số thứ mặc dù anh ta không biết gì cả; còn tôi, vì không biết gì cả nên tôi chẳng hề ảo tưởng rằng mình biết.”
Do đó, điều này cho thấy bởi vì tất cả đều khẳng định mình thông thái, chính điều này khiến họ không còn thông thái, trong khi Socrates không bao giờ tuyên bố rằng mình thông thái vì ông nhận thức được sự vô minh của mình về những vấn đề cao hơn; cho nên ông sở hữu một loại trí tuệ. Vì thế Socrates coi trách nhiệm của mình là suy xét bản thân và người khác: có nghĩa là sống cuộc đời của một triết gia.
Socrates cung cấp cho chúng ta một phương pháp tuyệt vời, được gọi là phương pháp Socrates, hay phương pháp elenchus, nghĩa là “sự suy xét”. Phương pháp Socrates không nhất thiết được dùng để xác định điều gì không đúng, mà là để xác định điều gì không thể đúng.
Do đó, phương pháp này đã được sử dụng trong suốt các cuộc đối thoại Socrates. Đối với Socrates, phương pháp xác định điều gì là đúng và không đúng luôn xảy ra trong bối cảnh thảo luận và đối thoại với người khác. Phương pháp này luôn bắt đầu bằng việc Socrates chất vấn người đối thoại với ông câu hỏi “X là gì?” Chẳng hạn, lòng thành kính là gì, hay công lý là gì?
Socrates luôn tuyên bố mình vô minh
Câu hỏi này về cơ bản là muốn biết bản chất của một điều gì đó; điều thiết yếu về những phẩm chất đạo đức như lòng can đảm. Socrates luôn tuyên bố mình vô minh; ông luôn cho rằng mình không biết gì cả. Người đối thoại sau đó đưa ra một câu trả lời, tuy nhiên, câu trả lời được đưa ra không phải là điều Socrates tìm kiếm, vì ông muốn biết bản chất của X.
Người đối thoại sau đó đưa ra một định nghĩa, tuy nhiên, Socrates phát hiện ra mâu thuẫn với câu trả lời đã được đưa ra và chỉ ra rằng định nghĩa đó không thể đúng. Quá trình này tiếp diễn và Socrates lại tiếp tục tìm thấy sự mâu thuẫn bằng cách chỉ ra rằng các định nghĩa đó không thể đúng.
Một ví dụ về điều này xuất hiện trong tác phẩm Phaedo của Plato khi Socrates hỏi Simmias rằng “Chúng ta có chấp nhận sự tồn tại của một thứ như sự bình đẳng không?” Mỗi lần câu trả lời được đưa ra, Socrates lại thấy sự không nhất quán đối với câu trả lời của Simmias. Điều này tiếp tục cho đến khi Simmias không còn định nghĩa nào về sự bình đẳng, và vì vậy cuộc thảo luận kết thúc.
Do đó, “Ở đây Socrates không chỉ nhắc nhở Simmias về sự vô minh của mình mà còn khiến anh ta đau đớn khi nhận ra điều đó.” Điều này rất quan trọng vì Socrates muốn mọi người “suy xét” cuộc sống của mình và nhận thức được sự vô minh bên trong mình thay vì nghĩ rằng mình biết mọi thứ trong khi thực sự chẳng biết gì cả.
Mặc dù phương pháp Socrates không hé mở điều Socrates thực sự đang tìm kiếm, nhưng thay vào đó, nó để lại kết quả trong những người đối thoại và chính Socrates bị rơi vào trạng thái aporia, hay còn gọi là trạng thái bối rối. Vì phương pháp Socrates thường khiến mọi người rơi vào trạng thái aporia, có thể lập luận rằng không có ích lợi nào đạt được từ đó. Tuy nhiên, Socrates nói về lợi ích của sự bối rối và khẳng định rằng nó đưa mọi người đến gần hơn với sự thật:
“Đôi khi sự vô minh tốt hơn kiến thức; ông lập luận rằng kiến thức thực sự có giá trị duy nhất là kiến thức về cái thiện, một kiến thức có thẩm quyền sẽ khuyên bảo chính xác cho ta khi nào thì nên sử dụng các kỹ năng và tài sản khác mà ta có.”
Do đó, theo Socrates, phương pháp elenchus là thiết yếu vì nó là một cách để kiểm tra sự vô minh trong bạn bằng cách suy xét những ý tưởng và niềm tin của bạn. Vì vậy, mặc dù nó dẫn đến sự bối rối nhưng nó làm cho bạn ý thức hơn về sự vô minh của chính mình và do đó khiến bạn trở thành một người tốt hơn.
Triết học là một sự hoàn thiện của linh hồn
Nói tóm lại, ông tin rằng triết học là một sự hoàn thiện của linh hồn vì nó hé lộ sự vô minh bên trong ta; vì vậy, điều quan trọng là sống một “cuộc đời tự suy xét.” Ông cho rằng rất có thể bạn sẽ có một cuộc sống khốn khổ nếu bạn không tự vấn về những niềm tin và ý niệm của mình.
Ông luôn khẳng định rằng ông không biết gì cả; điều này làm vang vọng bản chất của ông. Một phần nào đó, trí tuệ là việc nhận ra sự vô minh của chính mình, do đó ông biết rằng mình không anh minh; vậy nên ông sở hữu một loại trí tuệ. Vào cuối phiên tòa, ông lập luận rằng:
“Nếu tôi nói rằng điều tốt nhất cho một người là thảo luận về đức hạnh mỗi ngày và những điều khác mà bạn nghe thấy khi tôi nói chuyện hay suy xét bản thân và những người khác, vì một cuộc đời không tự suy xét thì không đáng sống đối với con người, bạn thậm chí sẽ ít tin tôi hơn.”
Socrates kết luận rằng một cuộc đời đáng sống là một cuộc đời tự suy xét.
“Bản thân Socrates nói rằng ông là một con chuồn chuồn được các vị thần đặt ‘trên sườn’ của một ‘kẻ đờ đẫn’ ở Athens trong nỗ lực để ‘đánh thức hắn dậy.’”
Nói cách khác, ông cho rằng nhiệm vụ của ông là khiến mọi người nhận thức được sự vô minh của mình. Ông tin rằng nếu bạn không tự vấn những ý niệm và niềm tin của bản thân và kiểm tra để xác định xem chúng có mâu thuẫn hay không, và sống cả cuộc đời dựa trên những ý niệm đó, bạn sẽ sống một cuộc đời lừa dối; một cuộc sống với niềm tin sai lầm. Đây là mối nguy hiểm to lớn mà ông muốn giải quyết.
Đối với Socrates, kiến thức là điều quý giá nhất trong cuộc sống, tuy nhiên, ông tin rằng thà tìm cầu kiến thức và ý thức rõ về sự vô minh của chính mình còn hơn là khẳng định kiến thức mà mình không thực có.
Tác giả: Anam Lodhi
Biên dịch: Mithrandir
Hiệu đính: Prana
(Bài dịch lần đầu tiên được đăng trong Aloha 27)