25 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 27 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 53

Tạp chí Aloha volume 24

[Thông báo] Vậy là tạp chí Aloha của THĐP tới ngày hôm nay đã xuất bản tới volume 24, volume đánh dấu mốc một chặng đường khá dài đã đồng hành cùng mọi người, nhớ lại cách đây hơn 1 năm 3 tháng, ngày 21/12/2018 khi Aloha volume 1 lần đầu tiên được cho ra mắt. Nhìn lại quá khứ để hướng đến tương lai, sau một thời gian sản xuất tạp chí, THĐP nhận thấy có những nội dung hiện tại trong Aloha có vẻ như không có đủ sức hấp dẫn bạn đọc, cụ thể là 3 nội dung: truyện ngắn Cô bé Hạt Tiêu, truyện dài Tuổi trẻ cô đơn, và tập thơ dài Thiên đường trần gian. Vì thế nên chúng tôi quyết định từ volume 25 trở đi sẽ ngưng không đăng tải những bài này nữa, thay vào đó sẽ là 3 bài dịch, có nghĩa là từ volume 25 sẽ có tổng cộng 6 bài dịch và những mục còn lại vẫn giữ nguyên. Việc này hy vọng sẽ khiến cho chất lượng và sức hút của Aloha magazine tăng lên gấp đôi, nhưng không vì thế mà chúng tôi cũng tăng giá membership lên gấp đôi. Giá membership vẫn giữ nguyên!

Không ai biết trước được tương lai của Aloha sẽ đi về đâu, đặc biệt là với tình hình đại dịch Covid 19 hiện nay. Nhưng THĐP vẫn có ý định tiếp tục xuất bản Aloha cho tới ít nhất là volume 27. Đi về đâu tất cả đều tùy thuộc vào sự đón nhận ủng hộ (hoặc không) của mọi người. Tạp chí Aloha chỉ có thể tiếp tục tồn tại nếu có đủ số lượng người quan tâm đến nó, và THĐP cũng không mong gì hơn chuyện đó.

Nội dung volume 24

• [Hỏi-Đáp] Vừa thiền vừa nghĩ về Đạo thì có sớm giác ngộ không?
• [Bài dịch] Ảnh hưởng sâu rộng của Chí Tôn Ca
• [Bài dịch] Chân Ngã (Atman) VS Vô Ngã (Anatman)
• [Bài dịch] Tinh túy cốt lõi của Chí Tôn Ca
• [Truyện ngắn] Cô bé Hạt Tiêu | Vũ Thanh Hòa – Quyển 3, Tập 5 – Khối Rubik của Hạt Tiêu
• [Truyện dài] Lên Đà Lạt | Vũ Thanh Hòa – Chương 12: Vườn trong và vườn ngoài
• [Truyện dài] Tuổi trẻ cô đơn – Chương 40-41 | Ni Chi
• [Thơ dài] Thiên đường trần gian – Phần 24 | Vũ Thanh Hòa
• Thế giới đó đây

Annotation 2020-04-10 191257

432

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha của THĐP để trau dồi kiến thức trí tuệ, những nội dung được chọn lọc chỉ có tại THĐP, từ nay sẽ không đăng full các bài dịch trong tạp chí nữa ➡️ bit.ly/THDPmembership
🎯 All Volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

 

Giam mình ở nhà – Một bài kiểm tra để nâng cấp thái độ sống

2

Chúng ta đang trải qua một trong những khoảng thời gian mang tính chất lịch sử của loài người, khoảng thời gian đòi hỏi các nền kinh tế hùng mạnh từ thấp đến cao phải thay đổi và thích nghi với tình hình mới. Cả thế giới bị đặt trong tình huống thích nghi hoặc bị đào thải, đó chính là hiện trạng mà chắc hẳn rất nhiều người trong số chúng ta cảm thấy không ưng ý.  Nhưng nếu suy nghĩ tích cực, đây là cơ hội quý giá để bạn khám phá bản thân.

Nội dung chính của bài viết này là việc ở nhà một mình, nó như một sự ép buộc của thượng giới bắt chúng ta phải đối diện với bản thân nhiều hơn so với những năm về trước. Bạn ít có những buổi gặp gỡ với bạn bè hơn, ít tương tác xã hội hơn, ít phải giả vờ giao tiếp hoặc thích nghi với số đông hơn. Nói cách khác, việc cách ly ở nhà một mình là cách bạn đi tìm kiếm bản thân, trò chuyện với những mớ hỗn độn bên trong đầu để chuẩn bị cho một sự kiện gì đó lớn. Đây giống như một trò chơi, một bài kiểm tra. Trong đó người chơi sẽ thắng nếu họ có thể đối diện với những lộn xộn bên trong tâm thức. Phần thưởng cho người thắng cuộc là sự bình an muôn đời. Vậy làm cách nào để bạn trò chuyện, phân tích và tìm hiểu bản thân?

1. Thiền

Thiền là trạng thái nghỉ ngơi cho bộ não và làm ngăn nắp lại những rung động bên trong bạn. Thường thì tâm trí chúng ta rất ghét thiền, bởi xã hội này được thiết kế để con người luôn phải động não và suy tính. Dần dần tâm trí đã quên mất với trạng thái nghỉ ngơi và sẽ mất một khoảng thời gian để bạn làm quen. Nhưng tin mình đi nó rất đáng. Thiền có thể là ngồi và quan sát suy nghĩ của bản thân. Bạn sẽ có cơ hội lâu hơn quan sát lẫn chính mình, phân tích và đưa ra kết luận. Điều này quan trọng bởi nó sẽ gỡ nút thắt cho một số câu hỏi hay vấn đề mà trước đó bạn hay vướng bận.

>>> Hướng dẫn cơ bản cách ngồi thiền | Huy Nguyen

2. Chánh Niệm

Trong thiền có thuật ngữ chánh niệm, chánh niệm đơn giản là thưởng thức thực tại với tất cả các hành động bạn đang làm. Ví dụ bạn có thể làm việc nhà kết hợp với việc hít thở sâu và tận hưởng việc đó, quan sát cách mình cầm cây chổi, quét bụi. Rồi sau quá trình đó bạn có thể tận hưởng sự sạch như một dạng phần thưởng mà bạn xứng đáng. Trong những hành động này bạn nên quan sát mọi thứ xung quanh, chiêm ngưỡng cái cách bạn tác động vào chính thực tại của mình. Lợi ích của chánh niệm trong làm việc nhà là bạn có thể thấy bạn đang sống chứ không phải tồn tại. Kết quả là bạn sẽ có trách nhiệm hơn trong việc bạn làm sau này dù là những hành động nhỏ nhất trong cuộc sống.

Thiền và chánh niệm khá hiệu quả trong chuyện sắp xếp lại suy nghĩ của bạn. Nếu bạn coi tâm trí mình như một căn nhà của tâm hồn, căn nhà đó càng gọn gàng sạch đẹp thì mọi sống gió tác động từ các ngoại lực bên ngoài sẽ không khiến bạn hề hấn gì.

Gần đây mình phát hiện ra rằng, thiền và chánh niệm còn mang lại cho người sử dụng một con đường tắt để đi tìm đam mê dễ hơn. Việc này vô cùng thích hợp cho bạn nào đang muốn dành khoảng thời gian này để tìm ra việc mình thích thú và say mê. Sau thiền, đầu bạn sẽ thanh thản và trống trải, tâm trí bạn lúc này sẽ trong trạng thái minh mẫn và dễ tiếp thu. Đây nền tảng cho những buổi tự học kĩ năng khác mà bạn luôn khao khát. Trong trạng thái bình thường chúng ta thường phớt lờ những sở thích thời thơ ấu như vẽ, đàn, ca hát hay nấu ăn, thì giờ đây bạn có thể giết thời gian bằng việc cho nhưng sở thích đó có cơ hội quay trở lại. Bạn sẽ không biết bạn thích thú như thế nào đâu.

3. Nghe nhạc sóng não

Đây là phương thức thiền dễ nhất nếu bạn cảm thấy bạn không thích hợp với chuyện ngồi yên một chỗ để thiền, bạn có thể nghe nhạc thiền. Thường thì trên các trang Youtube hay Spotify có những playlist nhạc thiền, nhạc sóng não phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau: Tập trung trong làm việc, tăng tính sáng tạo, nhạc sóng não tăng mức độ hạnh phúc, nhạc sóng não để chánh niệm… Bạn chỉ cần ghi mục đích bạn cần dùng rồi kèm theo chữ Frequency là bạn sẽ có được vô số kết quả tìm kiếm. Đây như những viên thuốc chống trầm cảm của mình trong thời gian mình làm quen với mùa Đông ở Bắc Âu (Phần Lan).

4. Hãy luôn giữ cho thể trạng ở mức độ tốt

Bạn có nhiều thời gian ở nhà, sẽ không còn một lý do nào để bạn bào chữa cho chuyện lười tập thể dục cả, việc hoạt động thể dục sẽ là cách giúp bạn nâng cấp thân hình và sức khoẻ chuẩn bị cho một cuộc sống mới khi cả vũ trụ đang bảo trì lại xã hội loài người ngoài kia. Những bài tập thể dục tại nhà sẽ phát huy tác dụng cao nếu bạn siêng năng. Tiếp theo là hãy tự tạo cho mình một thực đơn dinh dưỡng cân bằng, uống nhiều nước để cơ thể luôn ở trạng thái đủ nước.

Hãy chăm sóc cơ thể bạn kỹ càng để có được mức sống cao nhất mặc cho hoàn cảnh của bạn là như thế nào. Đây chính là hạnh phúc của bạn.

5. Hãy trò chuyện với gia đình

Việc này có vẻ hiển nhiên nhưng thực ra bạn đang không dành thời gian đủ nhiều cho người thân xung quanh mình, trò chuyện với ba mẹ và anh chị em, tâm sự và giúp đỡ lẫn nhau qua nhưng việc nhà thay vì 24/7 online trên Facebook, Instagram hay Tiktok. Hãy tập trung năng lượng cho sự yêu thương, tình yêu sẽ giúp cho mái ấm của bạn hạnh phúc hơn trong thời gian này.

• • •

Khoảng thời gian ở nhà không phải là một cực hình, nó là môt ân huệ để bạn yêu thương bản thân hơn, trò chuyện với chính mình, chăm chút cho thể xác bên ngoài, và học cách nâng cao mức độ sống của mình, tập cách hài lòng với những gì bạn đang có. Mình chúc các bạn luôn khoẻ mạnh, an toàn và có khoảng thời gian thực hạnh phúc và viên mãn trong thử thách lần này.

Tác giả: Cristian
Edit: THĐP

Ảnh: Soroush Karimi

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha của THĐP để trau dồi kiến thức trí tuệ, những nội dung được chọn lọc chỉ có tại THĐP, từ nay sẽ không đăng full các bài dịch trong tạp chí nữa ➡️ bit.ly/THDPmembership
🎯 All Volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

Vivekananda – Cuộc đời và sứ mệnh của vị Đạo sư nổi tiếng

0

thdp translation 4

Đạo sư Vivekananda (12/1/1863 – 4/7/1902) là một tu sĩ đạo Hindu và là một trong những bậc thầy tâm linh có sức ảnh hướng lớn nhất Ấn Độ. Ông không chỉ là một bậc thầy tâm linh, mà còn là một triết gia, nhà văn, giảng sư, ưu tú và cần mẫn với số lượng khổng lồ những bài giảng pháp qua văn bản và thuyết trình trong quảng đời khá ngắn ngủi của mình (39 năm). Ông là người đã tiếp tục lan truyền ngọn lửa trí tuệ của thầy ông, Ramakrishna, tới những chân trời mới. Ông đã hoạt động không biết mệt mỏi cho một xã hội tốt đẹp hơn, phục vụ những người nghèo khổ, hết mình vì đất nước. Ông là người đã mang lại sự phục hưng cho tâm linh Hindu và đã khiến cho đạo Hindu trở thành một tôn giáo đáng kính nể trên toàn thế giới. Thông điệp về tình anh em đại đồng và sự thức tỉnh tâm hồn/chân ngã (self-awakening) vẫn còn giữ được giá trị quan trọng của nó đặc biệt là trong thời đại thế giới biến loạn ngày nay. Vị đạo sư trẻ và giáo huấn của ông đã khơi nguồn cảm hứng cho rất nhiều người, và lời lẽ của ông đã trở thành mục tiêu phấn đấu phát triển bản thân đặc biệt là cho giới trẻ Ấn Độ. Cũng chính vì lý do này, ngày sinh của ông, 12 tháng Một, đã trở thành một ngày lễ quốc gia (National Youth Day / TD: Ngày Tuổi Trẻ Toàn Quốc) ở Ấn Độ.

Tuổi trẻ và giáo dục của Vivekananda

Tên khai sinh của ông là Narendranath Datta, được sinh ra trong một gia đình khá giả người Bengal tại Calcutta, Vivekananda là một trong tám người con của Vishwanath Datta và Bhuvaneshwari Devi. Ông được hạ sinh vào ngày 12 tháng Một năm 1863, cũng đúng vào dịp đại lễ Makar Sankranti truyền thống. Vishwanath (cha) là một luật sư thành công và có sức ảnh hưởng đáng kể trong xã hội. Bhuvaneshwari (mẹ) là mẫu người phụ nữ truyền thống, có đức tin tôn giáo mãnh liệt, điều này cũng đã tạo ra một tác động lớn lên con trai mình.

download (2)
Lễ hội Makar Sankranti

Khi còn là một cậu bé, Narendranath đã biểu hiện một trí thông minh sắc sảo. Cậu có tính cách nghịch ngợm và cũng có duyên với với âm nhạc, cả nhạc cụ lẫn ca hát. Cậu học hành xuất sắc, đứng đầu ở Metropolitan Institution (ngày nay được gọi là Vidyasagar College, Đại học tư đầu tiên tại Ấn độ), và sau đó là ở Presidency College tại Calcutta. Khi học xong đại học, cậu đã hấp thụ được khối lượng kiến thức khổng lồ ở nhiều chủ đề. Cậu còn tích cực tham gia vào các bộ môn thể thao, thể hình, đấu vật. Cậu rất thích đọc sách, và đã đọc hầu hết các chủ đề. Một mặt cậu nghiên cứu kinh thư Hindu như Chí Tôn Ca, Áo Nghĩa Thư, mặt khác cậu cũng tìm hiểu về triết học, lịch sử và tâm linh phương Tây từ những người như David Hume, Johann Gottlieb Fichte, và Herbert Spencer.

Khủng hoảng tâm linh của Vivekananda và mối quan hệ với Ramakrishna

Mặc dù mẹ của Narendranath là một người rất mộ đạo, và cậu đã lớn lên trong một môi trường được bao phủ bởi tôn giáo, cậu đã trải qua một sự khủng hoảng tâm linh sâu sắc khi còn trẻ. Khối lượng kiến thức rất lớn cậu đã học được, đã khiến cậu phải đặt câu hỏi về sự tồn tại của Thượng đế và có khoảng thời gian cậu đã tin vào thuyết Bất khả tri (Agnosticism). Nhưng cậu đã không thể hoàn toàn lờ đi được sự hiện diện của một Thực thể Tối cao. Trong quá trình khủng hoảng đó, Vivekanada đã nghe nói tới Ngài Ramakrishna từ William Hastie, Hiệu trưởng của Scottish Church College.

Trước đó, để thỏa mãn những nghi vấn về Thượng đế, Narendranath đã đến gặp nhiều đạo sư tâm linh nổi tiếng từ mọi tôn giáo, hỏi họ một câu duy nhất, “Ông đã thấy Thượng đế chưa?” Lần nào cậu cũng ra về với một câu trả lời không thỏa đáng. Cậu cũng hỏi Ngài Ramakrishna câu hỏi đó tại nơi ông cự ngụ, Dakshineswar Kali Temple. Không một chút ngần ngại, Ngài Ramakrishna trả lời:

“Có. Ta đã thấy. Ta thấy Thượng Đế rõ như ta thấy cậu, chỉ là ở một mức độ mãnh liệt hơn nhiều.”

Vivekananda, ban đầu không mấy ấn tượng với sự đơn giản của Ramakrishna, đã kinh ngạc với câu trả lời của Ramakrishna. Ramakrishna dần dần đã thu phục được chàng trai trẻ đầu óc đầy lý lẽ với sự kiên nhẫn và tình yêu của ông. Càng đến Dakshineswar để gặp Ramakrishna, những câu hỏi của Vivekananda càng được trả lời.

download (3)
Dakshineswar Kali Temple

Vivekananda thức tỉnh tâm linh

Vào năm 1884, Narendranath đã phải trải qua một giai đoạn khốn đốn tài chính khi cha cậu qua đời, và cậu phải tìm cách lo cho mẹ và các em nhỏ. Cậu đã nhờ Ramakrishna cầu nguyện với Nữ thần Kali giúp đỡ tình trạng gia đình cậu. Theo lời gợi ý của Ramakrishna, cậu đích thân đi vào đền thờ để cầu nguyện. Nhưng một khi đối diện với Nữ thần, cậu đã không thể cầu xin tiền bạc của cải vật chất, thay vào đó cậu đã cầu nguyện để có được ‘Vivek’ (trí tuệ) và ‘Vairāgya’ (từ bỏ). Ngày đó đã đánh dấu cột mốc thức tỉnh tâm linh hoàn toàn cho Narendranath, và từ đó cậu chính thức bắt đầu đi sâu hơn vào đời sống tu hành.

Quãng đời tu sĩ

Khoảng giữa năm 1885, căn bệnh ung thư cổ họng của Ramakrishna đã trở nên trầm trọng khiến sức khỏe ông suy sụp. Tháng 9 năm 1885, Ngài Ramakrishna được di chuyển đến Shyampukur ở Culcutta, và một vài tháng sau Narendranath đã thuê một chỗ ở tại Cossipore. Tại đây, ông cùng một nhóm những người trẻ là đệ tử thân cận của Ngài Ramakrishna, chăm sóc chu đáo cho thầy của họ. Ngày 16 tháng 8 năm 1886, Ngài Ramakrishna rời bỏ thân xác vô thường.

Sau khi Ngài Ramakrishna qua đời, khoảng 15 đồ đệ của ông bao gồm Narendranath bắt đầu sống cùng nhau trong một căn hộ tồi tàn ở Baranagar Math phía bắc Calcutta, hội được đặt tên Ramakrishna Math, dòng tu của Ramakrishna. Tại đây, năm 1887, họ chính thức từ bỏ mọi dính mắc với thế giới và đưa ra những lời tuyên thệ nhập đạo. Những anh em trong hội tự đặt ra pháp danh cho mình và Narendranath đổi tên thành Vivekananda, nghĩa là “phúc lạc của trí tuệ.”

Những anh em tu sĩ sống bằng của bố thí, khất thực, họ biểu diễn yoga và thiền định. Vivekananda rời khỏi Hội năm 1886 và bắt đầu đi bộ khắp Ấn Độ, thuật ngữ gọi một tu sĩ lang thang như vậy là “Parivrajak”. Ông đi bộ suốt chiều rộng đất nước, hấp thụ nhiều bản sắc xã hội, văn hóa và tôn giáo ở những nơi ông đi qua. Ông đã chứng kiến những khó khăn của cuộc sống mà tầng lớp thường dân phải đối mặt, những bệnh tật của họ, và đã thề nguyện rằng sẽ hiến dâng đời mình để phần nào làm vơi đi những đau khổ này.

Thuyết trình tại Hội nghị Quốc tế các Tôn giáo

Trong khoảng thời gian làm tu sĩ lang thang, Vivekananda nghe nói đến Hội nghị Quốc tế các Tôn giáo (World Parliament of Religions) sắp được diễn ra tại Chicago, Hoa Kỳ, năm 1893. Ông đã quyết tâm muốn tham dự cuộc hội nghị này, để đại diện cho Ấn Độ, đạo Hindu, và những triết lý của thầy ông, Ngài Ramakrishna. Trong lúc ngồi thiền trên những tảng đá ở Kanyakumari, cực Nam Ấn Độ, ông đã nhận được thông điệp bảo rằng quyết định đi đến Hội nghị là đúng đắn. Sau đó các đồ đệ của ông tiến hành quyên góp tiền bạc ở Madras (giờ là Chennai), và Ajit Singh cùng Vivekananda đã rời Bombay vào ngày 31 tháng 5 năm 1893 để đi tới Chicago.

Trên chuyến đi tới Chicago ông đã đối mặt với rất nhiều khó khăn vô cùng cam go, nhưng tinh thần của ông vẫn vững vàng kiên định như núi. Ngày 11 tháng 9 năm 1893, khi thời khắc đến, ông đứng trên sân khấu, và đã khiến mọi người sững sờ lặng thinh với câu mở đầu (ông thuyết trình bằng tiếng Anh): “Anh chị em Hoa Kỳ của tôi…” (thay vì lời mở đầu thông thường là “Ladies and Gentlemen.”) Chỉ với câu mở màn đó, mọi người đã đứng lên vỗ tay hoan hô. Rồi ông tiếp tục thuyết pháp về những nguyên tắc của Vedanta và tầm quan trọng về mặt tâm linh của nó, đánh dấu đạo Hindu lên bản đồ các tôn giáo thế giới.

Swami_Vivekananda_at_Parliament_of_Religions
Vivekananda ngồi kế Nikola Tesla trong cuộc hội nghị

Sau đó ông đã sống hai năm rưỡi ở Hoa Kỳ và đã thành lập “Vedanta Society of New York” năm 1894. Ông cũng đã đi đến Vương quốc Anh để thuyết pháp về những đạo lý của Vedanta và về Tâm linh Hindu cho thế giới Tây phương.

Giáo lý và Ramakrishna Mission

Vivekananda trở về Ấn Độ năm 1897 trong sự chào đón nhiệt liệt của thường dân và hoàng gia. Ông đến Calcutta sau hàng loạt những buổi thuyết pháp khắp đất nước, và đã thành lập Ramakrishna Mission vào ngày 1 tháng 5, 1897 tại Belur Math gần Calcutta. Những mục tiêu của Ramakrishna Mission được dựa trên những lý tưởng của Karma Yoga (Yoga Hành động), trong đó điểm chính yếu là phục vụ tầng lớp dân chúng nghèo khổ của đất nước, thông qua nhiều hình thức như xây dựng trường học, đại học, và bệnh viện, lan truyền những giáo lý thực tế của Vedanta thông qua những buổi hội nghị, hội thảo, khóa học…

Trí tuệ tâm linh của ông là sự kết hợp giữa những giáo lý tâm linh của Ngài Ramakrishna và sự thấu hiểu của riêng ông về hệ thống triết học Advaita Vedanta [1]. Ông chạm đến sự thiêng liêng của linh hồn thông qua sự phục vụ vị tha, thờ phụng, và kỷ luật tinh thần. Theo Vivekananda, mục tiêu tối hậu là đạt được tự do của linh hồn và điều này bao trùm toàn bộ tôn giáo của một người.

Swami_Vivekananda-1893-09-signed

Qua đời

Đạo sư Vivekananda đã tiên tri rằng ông sẽ không sống đến tuổi 40. Ngày 4 tháng 7 năm 1902, ban ngày ông vẫn thực hiện những công việc thường nhật của mình, dạy tiếng Phạn cho các học sinh. Chiều tối ông lui về phòng nghỉ ngơi và qua đời khi đang ngồi thiền vào khoảng 9 giờ. Các đồng môn bảo rằng ông đã nhập Đại Định (Mahasamadhi), mức nhập Định cuối cùng, khi một “linh hồn” rời bỏ thân xác một cách có ý thức. Thân xác của vị thánh này sau đó được hỏa táng bên bờ sông Hằng thiêng liêng.

Di sản

Đạo sư Vivekananda đã cho thế giới thấy những nền tảng đích thực của sự thống nhất của Ấn Độ. Ông đã dạy cách làm thế nào mà một đất nước với sự đa dạng lớn lao có thể gắn kết lại bởi tình nhân ái và tình anh em. Vivekananda đã nhấn mạnh những khuyết điểm của văn hóa tây phương và cách để vượt qua chúng thông qua những đóng góp của Ấn Độ. Netaji Subhash Chandra Bose (anh hùng dân tộc Ấn Độ) từng nói về Vivekananda:

“Vị Đạo sư đã làm hài hòa Đông phương và Tây phương, tôn giáo và khoa học, quá khứ và hiện tại. Và đó là lý do vì sao ông vĩ đại. Đồng bào ta đã có được lòng tự trọng, tự lực và tự cường chưa từng có trước đây là từ những lời dạy của ông.”

Vivekananda đã xây dựng thành công một cầu nối giữa văn hóa Đông và Tây. Ông đã phân tích kinh thư, triết học và lối sống Hindu cho những người phương Tây. Ông đã khiến họ nhận ra rằng bất chấp sự nghèo khó và khuyết điểm, Ấn Độ đã có một đóng góp to lớn cho văn hóa thế giới. Ông đã đóng một vai trò then chốt trong công cuộc chấm dứt sự cách ly văn hóa của Ấn độ với phần còn lại của thế giới.

[1] Là một trường phái của triết lý Vedānta (một trường phái triết học nằm trong Ấn Độ giáo xem xét đến bản chất của thực tại. Từ Vedanta là từ ghép của veda “kiến thức” và anta “cuối cùng, kết luận”, dịch ra là “kiến thức cao nhất”. Cách đọc khác của anta như là “chủ yếu”, “cốt lõi”, hay “bên trong”, tạo ra từ “Vedānta”: “những điểm chủ yếu của kinh Vệ-đà”.) của triết học Ấn Độ. Chữ Advaita có nghĩa là “Bất Nhị” (non-dual).

Source: Cultural India
Biên dịch: Prana – THĐP

Xem thêm

💎 Bất Nhị Nguyên (Advaita Vedanta) vs. Tâm lý học phân tích

[Review] Death Parade (Anime) – Nên xem khi bạn đang buồn

0

Cũng lâu rồi không post gì, mình review về anime mang cũng khá nhiều ý nghĩa về sự sống, cái chết, con người và nhiều ý nghĩa triết lý khác 😀

TL;DR:  Ý tưởng của phim đại loại là sau khi bạn chết, linh hồn của bạn sẽ được đưa tới 1 thế giới khác ở đây sẽ có người đưa ra quyết định bạn sẽ lên thiên đàng, hoặc xuống địa ngục. Nên xem khi bạn đang buồn.

Lời mở đầu: Ở thế giới bên kia, linh hồn của người chết phải được phán xét. Họ sẽ có thể được tái sinh và được phép trải nghiệm cuộc sống một lần nữa hoặc sẽ bị gửi đến khoảng không vô tận, cõi hư vô, không có gì ngoài bóng tối và sự tuyệt vọng. Quyết định này hoàn toàn phụ thuộc vào các thẩm phán sống trong thế giới của người chết. Bartender của chúng ta (Nhân vật chính), Decim, là một trong những thẩm phán như vậy. Hai linh hồn con người được đưa vào quán bar tên Quindecim, và bị buộc phải chơi một trò chơi với cái giá phải trả là mạng sống của họ. Những hành động họ làm, những điều họ nói trong lúc chơi những trò chơi này sẽ quyết định số phận của họ. Chính trong những khoảnh khắc đó, bản chất thực sự của linh hồn một người được cho là sẽ bộc lộ ra. Trong suốt quá trình này, thẩm phán phải đối chất với khách hàng của mình và đưa ra quyết định cuối cùng.

Điểm tốt: Nét vẽ sáng tạo và khá đẹp, màu sắc u ám nhưng hài hoà và không gây khó chịu, giả thuyết hay, âm nhạc nhìn chung rất ấ tượng, một bộ anime có chất riêng sau nhiều năm, chỉ có 12 tập nên sẽ không tốn quá nhiều thời gian để xem.

Điểm chưa tốt: Plot twist phụ hơi mờ nhạt, phát triển nhân vật củà các thẩm phán khác ngoại trừ Decim không đủ sâu sắc và thú vị.

Điểm tệ: Một số phân cảnh phim sẽ làm bạn buồn thật sự, có thể là sẽ khóc, mình đã từng nghĩ về góc tối của loài người nói chung và cả chính bản thân mình, thật sự cảm giác đó rất tệ.

Thông tin cơ bản

• Tiêu đề: Death Parade
• Thể loại: Tâm lý, chính kịch
• Nhà sản xuất: Madhouse Studio
• Độ dài: 12 tập
• Ngày phát sóng: 09/01/2015 -> 27/03/2015
• Xếp hạng độ tuổi: 17+

Để bắt đầu phân tích kĩ hơn về phim, mình sẽ bắt đầu trước về mảng thiết kế nhân vật:

Madhouse Studio luôn là 1 nhà sản xuất anime nịnh mắt là điều đầu tiên, Death Parade (DP) cũng không phải là 1 ngoại lệ. Tất cả mọi nỗ lực của nhà sản xuất đã được đền đáp, độ mượt mà trong những khung hình, màu sắc u ám đồng đều xuyên suốt cả series, nhưng điều gây ấn tượng nhất với mình là phong cách nghệ thuật ẩn ý mang tính biểu tượng mà phim sử dụng, thật khó để diễn tả chính xác nếu bạn chưa xem vì mình sợ sẽ spoil nội dung về phim. Điều đặc biệt kế tiếp là bố cục khuôn mặt của nhân vật, chưa bao giờ mình xem anime nào có bố cục dị như vậy =)) nhưng có lẽ nhờ điểm này, Madhouse đã vô tình (hoặc có chủ ý trước) làm nổi bật DP khỏi những phong cách vẽ của các anime khác, điểm này rất tốt, có lẽ là nét đặc trưng duy nhất mà DP sở hữu. Tổng thể thì phần thiết kế nhân vật khá tuyệt vời, mình hoàn toàn hài lòng về điểm này.

Kế đến như mình đã nói ở trên, Madhouse sử dụng màu sắc và ánh sáng ngoạn mục góp phần làm nổi bật lên sức sống của phim, điều này nghe có vẻ hơi mỉa mai vì mọi thứ đều xảy ra ở thế giới bên kia, sau khi bạn chết. Vì đây là 1 series khá đen tối, nhờ đó mà việc phát triển nhân vật dễ đồng cảm hơn.

Tiếp đến là về phần âm thanh. Một điểm khá được ưu ái của series này, khó có thể ngờ được 1 series dark như DP mà lại có phần nhạc phim mở đầu theo phong cách thập niên 70 vui nhộn và 1 chút funky (Flyers – by BRADIO).

(Opening)

Trái ngược hoàn toàn với bài hát mở đầu mỗi tập phim (Opening), thì bài hát ở cuối mỗi tập phim (Ending) lại là 1 bản nhạc rock kịch tính, buồn, kèm theo ý nghĩa của lyrics khá u ám và thảm hại, cùng hình ảnh những con rối bị hỏng, những ma-nơ-canh đang phân rã (1 số tập hình ảnh ma-nơ-canh sẽ thay đổi theo chủ đề của tập phim đó). Rõ ràng với 1 anime thì âm nhạc không phải là thứ quyết định xem bạn có xem tiếp đến hết series đó hay không, nhưng phần âm nhạc của DP xứng đáng được điểm cộng, và nó đóng góp 1 phần không nhỏ trong series này. (Last Theater – by Noisycell)

(Ending)

Nhịp độ phim

Theo mình thì nhịp độ phim vừa phải, không gây chán ở những tập đầu, giữa phim nhịp độ sẽ chậm lại nhường chỗ cho việc phân tích cảm xúc nhân vật, khiế bản đồng cảm nhiều hơn và để lại những suy nghĩ khá sâu sắc khi tập phim kết thúc. Về cuối phim nhịp độ sẽ dồn dập hơn, cảm xúc sẽ cao trào hơn và Madhouse đã đặt 1 plot twist ở vị trí không thể nào hợp lí hơn.

Về hình ảnh biểu tượng và suy nghĩ cá nhân

Khi phán quyết cuối cùng được đưa ra, người đó sẽ được Tái Sinh hoặc rơi vào Cõi Hư Vô. 2 người sẽ được đưa tới thang máy gửi đi, trên đầu thang máy sẽ có 2 biểu tượng. Sự tái sinh được biểu tượng hoá bằng 1 mặt nạ màu trắng hay có thể hiểu là thiên đàng, còn rơi vào hư vô hay hiểu cách khác là địa ngục thì sẽ là 1 mặt nạ quỷ đỏ. Nhưng khi mình xem phim, thì thực tế phán quyết cuối cùng không bao giờ là rõ ràng, nó mang tính phiến diện vì chỉ dựa trên quyết định của người phán xét. Vậy địa ngục hay thiên đàng tuỳ thuộc vào số phận của người đó ở tiền kiếp, không thể dựa trên sự tái sinh hoặc vào cõi hư vô được đúng không?

Nhìn chung thì DP khá dễ xem, nhưng cũng đen tối và nếu bạn thích những phim đen tối, buồn bã, ý nghĩa sâu sắc thì DP chính xác là dành cho bạn. Với hình ảnh, bầu không khí tràn ngập sắc màu sẽ rất kích thích thị giác. Những nhân vật dễ đồng cảm kèm theo những câu chuyện cho phép người xem chiêm nghiệm cuộc sống của chính họ và tìm thấy ý nghĩa xuyên suốt cả series phim.

Điểm tổng kết: 8.5/10

Và như mọi khi, nếu bạn đã đọc đến đây, thì chúc các bạn một ngày tốt lành.

Tác giả: Khải Phạm


🎯 Đặt mua tạp chí Aloha của THĐP để trau dồi kiến thức trí tuệ, những nội dung được chọn lọc chỉ có tại THĐP, từ nay sẽ không đăng full các bài dịch trong tạp chí nữa ➡️ bit.ly/THDPmembership
🎯 All Volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

Bạn không phải là cái rốn của Vũ Trụ

0

Mọi đau khổ và muộn phiền đều bắt nguồn từ việc tự nghĩ rằng ta đặc biệt, ta là cái rốn của vũ trụ, mọi thứ đều phải theo ý muốn của ta hay không nên xảy ra như nó đang xảy ra, hoặc rằng ta là nạn nhân của hoàn cảnh. Đây là biểu hiện của cái tôi giả tạo, thứ dính liền với chúng ta như một căn bệnh bẩm sinh tự phát, ai cũng mắc phải, và nó như một giai đoạn tất yếu của cuộc hành trình, nếu muốn tiến hóa, ta phải vượt qua nó.

Cái tôi này tự phóng chiếu ra hình ảnh của chính nó. Nó duy trì sự tồn tại của hình ảnh này bằng cách cho rằng mình đặc biệt, nổi bật, hơn người. Biểu hiện là đồng hóa vào các giá trị vật chất như tiền bạc, danh tiếng, đó là lý do tại sao mỗi người chúng ta lại có ham muốn “thành công” hay đạt được thành tựu mãnh liệt đến thế. Khi tự xem mình là đặc biệt, cái tôi này muốn mọi người phải đối xử tốt với nó, mọi việc phải xảy ra phải thuận theo thứ nó đã mong cầu. Và rồi khi mọi việc diễn ra theo cái nó phải diễn ra, thì nó quẫy đạp, chống cự, và tự đưa mình vào vị trí nạn nhân. Ngoài ra, cái tôi này thường cảm thấy cô đơn khi không ai để ý đến mình, buồn đau với những ký ức, tự giam mình vào ngục tù của tâm trí dù cho ngoài kia mọi thứ vẫn đang biến đổi, thay mới với cái đẹp của hiện hữu trong từng khoảnh khắc. Cái tôi này luôn sợ phải thay đổi, nó bám víu vào một trạng thái vật chất và hình ảnh cố định (như sợ nghèo đi khi đang giàu có, phai tàn danh tiếng khi đang nổi bật), trong khi mọi thứ là vô thường, khi không thực chứng được quy luật này, tất yếu sẽ nảy sinh quyến luyến và sau đó là sợ hãi.

Trong triết lý của Lão tử có nói về Đạo, tức mọi thứ xảy ra theo luật tự nhiên và đều là Thiên ý, chúng ta chỉ có thể xuôi theo mà không nên phản kháng gì. Cái tôi thì đi ngược lại điều này, nó muốn một kết quả nhất định, một kịch bản nhất định, nó phân biệt ra thứ “tôi muốn” và thứ “tôi không muốn”. Những ý muốn này đều là một sự phóng chiếu vào tương lai, đều là ảo tưởng, trong khi thứ diễn ra bây giờ, mới là sự thật. Khi phát sinh ra ý muốn đó, nó đã tự xung đột với chính mình, tự xung đột với Đạo. Điều này khiến mỗi người bị bản ngã chi phối sống trong mâu thuẫn hằng ngày, hằng giờ, thậm chí từng giây phút.

Tôi không có ý khuyên bạn sống trong một trạng thái không có khao khát và động lực phát triển. Tôi cũng không khuyên bạn thụ động, buông thả lười biếng, mặc cho mọi thứ diễn ra. Tôi chỉ muốn bạn nhận thức được thực ra bạn đang hành động vì điều gì, động cơ nào sâu thẳm bên trong tâm trí bạn, nếu là để củng cố cho cái tôi thì sớm muộn bạn cũng vùi đầu vào mâu thuẫn và đau khổ. Thay vào đó, hãy làm mọi thứ có khả năng trong hiện tại, và để chúng chảy cùng với dòng chảy của tự nhiên, kết quả xảy ra đều có lý do, khi đó bạn mới hòa nhập với Đạo, mượn sức mạnh đó để khiến mọi thứ tịnh tiến một cách tốt đẹp và trơn tru.

Chúng ta không đặc biệt, về bản chất chúng ta đều như nhau, đều là một cá thể của Đời sống, một cơn sóng ý thức của Đại dương bao la. Nhưng có một điều rằng, chúng ta độc nhất và khác biệt. Mỗi người đều có một hành trình trải nghiệm “chẳng giống ai”. Được sống đã là một đặc ân, hãy làm cho sự sống này có ý nghĩa. Dùng trải nghiệm này để học hỏi và tiến hóa chính linh hồn mình, để hòa nhập vào Đại dương – mục đích chung của chúng ta, của mọi con sóng.

Tác giả: Bá Kỳ

Photo: Geetanjal Khanna

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha của THĐP để trau dồi kiến thức trí tuệ, những nội dung được chọn lọc chỉ có tại THĐP, từ nay sẽ không đăng full các bài dịch trong tạp chí nữa ➡️ bit.ly/THDPmembership
🎯 All Volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

[THĐP Translation™] 18 thông điệp từ thiên tài khoa học Nikola Tesla

thdp translation 4

  1. “Ngày mà khoa học bắt đầu nghiên cứu về những hiện tượng phi vật lý, nó sẽ gặt hái được nhiều tiến triển hơn chỉ trong vòng một thập kỷ so với tất cả những thế kỷ tồn tại trước đó của nó cộng lại.”
  2. “Trong tất cả các loại lực ma sát, loại trì trệ tiến triển loài người nhất chính là vô minh, điều mà Đức Phật gọi là ‘Cái xấu xa nhất trong đời.’ Lực ma sát có kết quả từ cái vô minh chỉ có thể được giảm bớt bằng cách lan tỏa kiến thức và sự hợp nhất tất cả những thành phần hỗn tạp của loài người. Không nỗ lực nào có thể được thực thi đúng hơn.”
  3. “Đó là người nghệ sĩ, người đã thức tỉnh được cái tâm hồn nhân từ, ngay cả trong tuổi già, được chiếu sáng trong những lời dạy của các nhà cải cách và triết gia cao quý, tâm hồn đó làm cho những con người trong tất cả các ngành nghề, vị trí làm việc không phải vì bất kì quyền lợi hay bồi dưỡng vật chất nào – mặc dù lý lẽ thường tình cũng có thể đòi hỏi điều này – nhưng chủ yếu là với mục đích được thành công, vì niềm vui có được khi có nó và vì những điều tốt đẹp họ có thể mang lại cho những người anh em. Qua ảnh hưởng của hắn, nhiều người khác đang dấn bước tiến lên, được thúc ép bởi một tình yêu sâu thẳm với ngành học của họ, những người đang gặt hái kỳ công, những người với tầm nhắm và niềm vui chủ đích là sự thu nhận và lan tỏa kiến thức, những người có tầm nhìn vượt xa trần tục, những người với bảng hiệu ‘Tiến mãi! Anh em, hãy vinh danh người nghệ sĩ; hãy cảm tạ người, hãy uống sức người!”
  4. “Tôi đã từng cho chúng ăn, hàng ngàn con chim bồ câu. Nhưng có một con, một con rất đẹp, trắng tinh với chấm xám nhẹ ngay hai đầu cánh. Con đó khác biệt. Nó là một con chim cái. Tôi chỉ cần mong muốn và gọi nó, nó sẽ bay đến bên tôi. Tôi yêu con chim đó như một người đàn ông yêu một người đàn bà, và nó yêu tôi. Khi nào mà tôi còn có nó, khi đó cuộc đời tôi còn có ý nghĩa.”
  5. “Có nhiều ngày tôi cũng không biết bữa ăn kế tiếp của tôi sẽ đến từ đâu. Nhưng tôi chưa bao giờ sợ làm việc. Có lần tôi đi tới một nơi người ta đang đào rãnh và nói rằng tôi muốn làm việc. Ông chủ nhìn vào bộ đồ tươm tất và bàn tay trắng mềm của tôi và cười to với những người khác… nhưng hắn cũng bảo ‘Được rồi. Sắn áo lên đi. Bắt tay vào làm việc.’ Và tôi đã làm siêng năng hơn tất cả. Cuối ngày hôm đó tôi được 2 đô la.”
  6. “Hơn 35 năm trước, tôi đã bắt đầu nghiên cứu về hiện tượng sấm sét và trong năm 1899 tôi đã thật sự thành công, sử dụng một máy phát 2000 mã lực, trong công trình tái tạo ra được sấm sét nhân tạo, với những dòng điện 18 triệu volts – 1200 amperes, thứ sấm sét cực mạnh này có thể được nghe thấy trong vòng bán kính 20 km. Tôi đã biết được cách tạo ra sấm sét như trong tự nhiên, và đã thuần thục mọi khó khăn về kĩ thuật trong công việc này.”
  7. “Tâm trí sẽ nhạy bén và sắc sảo hơn trong sự tách ly và tĩnh mịch không gián đoạn. Suy nghĩ thì không cần phải có một cái phòng thí nghiệm lớn. Tính nguyên bản phát triển mạnh mẽ trong sự tách ly, không bị ảnh hưởng từ bên ngoài, điều làm tê liệt trí sáng tạo. Hãy ở một mình, đó là bí quyết của những phát minh; hãy ở một mình, đó là khi những ý tưởng được nảy sinh. Đó là lý do tại sao nhiều phép lạ trên trái đất đã bắt nguồn từ những bối cảnh khiêm tốn.”
  8. “Tất cả mọi người khắp nơi nên có được những nguồn năng lượng miễn phí. Điện năng có mặt khắp mọi nơi với số lượng chất lượng vô hạn và có thể vận hành máy móc thế giới mà không cần tới than, dầu hay xăng.”
  9. “Tôi cảm thấy chắc chắn rằng những khám phá của tôi hoàn toàn không phải tình cờ, nhưng đích thực là một công trình từ một nguồn năng lực thiêng liêng.”
  10. “Món quà của sức mạnh tinh thần đến từ Trời, Thực Thể Thiêng Liêng, và nếu chúng ta tập trung tâm trí vào chân lý đó, chúng ta trở nên đồng nhịp với năng lực vĩ đại này.”
  11. “Trí não của tôi cũng chỉ giống như một cái máy thu nhận. Trong vũ trụ này có một cái lõi mà từ nó chúng ta tiếp nhận kiến thức, sức mạnh, và những nguồn động viên. Tôi chưa đâm thủng được vào những bí mật của cái lõi này, nhưng tôi biết nó tồn tại.”
  12. “Vì đã từng một lần từ ether mà ra, nên cuối cùng nó cũng sẽ đến ether mà về.”
  13. “Bản năng là điều vượt xa kiến thức. Chúng ta có, không nghi ngờ gì, một số sợi thớ tinh vi cho phép chúng ta nhận thức được sự thật, chân lý khi mà các phép suy luận logic hay bất kì nỗ lực ý chí nào của cái trí đều vô ích.”
  14. “Dự án của tôi bị trì hoãn bởi những quy luật tự nhiên. Thế giới chưa sẵn sàng cho nó. Nó đi quá xa trước thời đại, nhưng cũng chính những quy luật đó cuối cùng cũng sẽ thắng thế và trở nên như một chiến thắng khải hoàn.”
  15. “Cái mà chúng ta muốn nhất bây giờ là có một liên kết gần gũi hơn và thông hiểu giữa những cá nhân và cộng đồng khắp trái đất và loại trừ sự cuồng tín đề cao ý tưởng về cái tôi và cái kiêu mạn quốc gia, điều mà luôn có xu hướng đưa đẩy thế giới trở về thời kì man rợ và xung đột.”
  16. “Hầu hết mọi người đều say mê trong việc ngắm nhìn cái thế giới bên ngoài và họ hoàn toàn vô thức trước những gì đang diễn ra bên trong.”
  17. “Tôi hi vọng rằng những thí nghiệm tôi đã thực hiện cũng sẽ sớm được trình bày lý giải rằng tôi không chỉ thoáng qua được một tầm nhìn, nhưng là đã tóm được một sự thật vĩ đại và sâu sắc.”
  18. “Nếu bạn biết được sự vĩ đại của các con số 3, 6, 9, bạn sẽ có được chìa khóa mở ra vũ trụ.”

Biên dịch: Huy Nguyen – THĐP


🎯 Đặt mua tạp chí Aloha của THĐP để trau dồi kiến thức trí tuệ, những nội dung được chọn lọc chỉ có tại THĐP, từ nay sẽ không đăng full các bài dịch trong tạp chí nữa ➡️ bit.ly/THDPmembership
🎯 All Volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

Hướng dẫn cơ bản cách ngồi thiền (thiền quán Vipassana)

(Bài này đã được đăng trong THĐP Club ngày 24/11/2019. Giờ đăng lại trên website để dễ chia sẻ hơn cho những ai cần.)

Nói về thiền thì có nhiều quan niệm, trường phái, cách thức khác nhau, nhưng bài này tôi chỉ xin chia sẻ hiểu biết cá nhân của mình về những khái niệm ý niệm cơ bản và cách ngồi thiền cho những người đang muốn tập ngồi thiền nhưng chưa biết nên ngồi thế nào. Bạn nào có góc nhìn, cách thiền khác thì hãy chia sẻ trong một bài viết khác, chứ không nên tranh luận bình luận vào đây gây hoang mang.

Một số người sẽ có ý kiến rằng thiền thì không nhất thiết phải ngồi, có thể thiền mọi lúc mọi nơi, trong mọi việc mình làm, gọi là thiền động. Tuy nhiên theo tôi thì việc ngồi xuống thiền là vẫn cần thiết. Chỉ khi ngồi xuống thì hành giả mới có thể chạm vào được sự tĩnh lặng tuyệt đối, cái không thể chạm vào được với thiền động. Càng tiến gần tới sự tĩnh lặng tuyệt đối và an trú trong sự tĩnh lặng tuyệt đối càng lâu thì sẽ càng có nhiều điều kì diệu xảy ra. Đỉnh điểm của những điều kỳ diệu chính là Samadhi.

THĐP từng làm vietsub cho video “Ngồi thiền có những lợi ích gì dựa theo khoa học?“. Ngoài những lợi ích này thì việc ngồi thiền còn là một trong những phương pháp đắc lực được những người học Đạo thực hành hơn 5000 năm nay, giúp một người nhận ra được sự thật quan trọng họ chưa từng nhận ra là họ không phải là người nghĩ ra những suy nghĩ trong đầu, không nhất thiết phải bị cuốn theo chúng, và những suy nghĩ đó có thể được lắng dịu xuống một cách tự nhiên không cưỡng ép như thế nào.

Theo hiểu biết cá nhân của tôi thì thiền là nghệ thuật của sự tập trung. Thiền là khi ta kết nối với con người thật của mình, sống với bản chất đích thực / Chân ngã của mình: ý thức thuần khiết, pure awareness, sự quan sát, sat-chit-ananda (hiện hữu-ý thức-phúc lạc). Một vài đối tượng phổ biến để tập trung quan sát là hơi thở, và/hoặc sự tĩnh lặng giữa các hơi thở, hay sự tĩnh lặng của một tâm trí đã lắng dịu. Trong lúc tập trung quan sát đó có thể vọng tưởng, tạp niệm sẽ nổi lên thì hãy quan sát, nhận ra chúng–nhận ra ta không phải là người nghĩ ra những suy nghĩ đó, chúng chỉ là quán tính của tâm trí–rồi kéo ý thức trở lại quan sát đối tượng thiền ban đầu, dần dần vọng niệm sẽ giảm bớt khiến tâm trí tĩnh lặng hơn. Chỉ đơn thuần quan sát chứ không phân tích, hay cố gắng nỗ lực áp chế, ngăn chặn suy nghĩ, vì làm như vậy cũng giống như “cố gắng làm cho mặt hồ tâm trí phẳng lặng bằng một cái bàn là”, theo cách nói của Alan Watts. Ngoài ra khi bước vào thiền định thì hành giả cũng nên loại bỏ tâm tham nếu có, tham muốn đạt được này kia khi thiền, Chí Tôn Ca đã dạy hãy hành động mà không mong cầu kết quả, lúc đó sẽ không phải dính nghiệp.

Mới tập thì ngồi 10-15 phút, dần dần tăng lên 30 phút hoặc hơn. Thời điểm thích hợp để thiền nên là buổi sáng sớm khi mới thức dậy. Đó là lúc tinh thần của bạn được sảng khoái tỉnh táo nhất, năng lượng đã được nạp đủ sau một giấc ngủ. Cá nhân tôi có thói quen thức dậy trong khoảng 5-6 giờ sáng, rồi bắt đầu ngồi thiền khoảng 30-45 phút để khởi đầu một ngày mới đầy sung mãn. Ngồi thoải mái, thẳng lưng, không ngồi kiết già được thì bán già cũng không sao, tê chân thì có thể thử ngồi trên một miếng lót (mông cao hơn chân một chút). Hít thở tự nhiên, không cố gắng điều khiển hơi thở, khi tâm trí dần tĩnh lặng thì hơi thở cũng sẽ tự nhiên trở nên chậm và sâu. Thở đúng tự nhiên thì khi hít vào bụng sẽ phình ra, vai không nhúc nhích, bụng phải thư giãn thì nó sẽ tự động phình ra. Thiền đúng thì sẽ tìm thấy được bình an, thư thái, được nạp đầy năng lượng. Thiền sai sẽ càng thấy căng thẳng có thể vì đã cố gắng kiểm soát tâm trí, thay vì chỉ đơn thuần là quan sát nó.

Có một số ý kiến cho rằng ngồi thiền cần thiết phải có một người thầy trực tiếp hướng dẫn nếu không sẽ bị “tẩu hỏa nhập ma”. Tôi không nghĩ vậy, không nhất thiết, có thì tốt không có thì tự tập theo những hướng dẫn trên bảo đảm cũng sẽ không sao. Phương pháp tôi đã nói bên trên thật ra cũng là tóm tắt đại ý của phương pháp thiền quán Vipassana đa số mọi người thực hành.

“Thiền định có thể cho bạn cái không gì khác có thể cho bạn. Nó giới thiệu bạn với chính mình.” ‒ Swami Rama

17 câu hỏi thường gặp về Thiền | Vũ Thanh Hòa

• [THĐP Translation™] Kỹ thuật hành thiền dành cho mọi mức độ IQ

Tác giả: Huy Nguyen

Photo: Moodywalk | Unsplash

“Dòng chảy” – Trạng thái cực đỉnh của mọi hành động

1

“Cái mềm yếu nhất trong thiên hạ chế ngự được cái cực nhất trong thiên hạ. Cái không có lại xâm nhập được vào chốn khốn cùng.” – Lão Tử

Trong triết lý của Lão Tử có định nghĩa về “dòng chảy” cùng với Vô vi (không làm). Theo nghĩa ứng dụng, chúng ta có thể mô tả vô vi như một trạng thái của dòng chảy, tương tự như “vùng” (“the zone”) khi đề cập đến những vận động viên. Khi người vận động viên rơi vào “vùng”, họ hoạt động không cần gắng gượng, họ di chuyển trong không gian và thời gian tưởng như không tốn chút công sức. Trong trạng thái ở trong dòng chảy đó, bên trong họ không tồn tại dù chỉ một chút sự cực đoan, không nỗi lo toan, không sự trầm tư. Tất cả mọi thứ như cuốn theo dòng chảy tự nhiên.

Vậy dòng chảy là gì? 

Dòng chảy là một chuỗi tất cả các hành động diễn ra tự nhiên và xuyên suốt, không chịu tác động bởi ham muốn, những vấn đề của quá khứ, và sự kỳ vọng của tương lai. Cơ bản của dòng chảy cũng tương tự thuyết Amor Fati của triết học phương Tây. Dòng chảy có thể được diễn đạt như:

  • Không hành động (Non-action)
  • Hành động không nỗ lực (Effortless action)
  • Hành động của cái không hành động (Action of non-action)

Tuy nhiên tư tưởng về việc không hành động đi ngược lại với niềm tin phương Tây thời hiện đại về việc cưỡng ép, làm việc chăm chỉ hơn để đạt được mục tiêu to lớn. Chúng ta được khuyến khích để trở nên tham vọng, để giành lấy sự kiểm soát trong nỗ lực. Trong khi đó, rất nhiều người thích nghi với lối sống đó với những tâm bệnh về rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, trầm cảm. Chúng ta coi thường tính thụ động, và thường nhầm lẫn nó với sự lười biếng, nhưng thật ra hai điều này lại khác nhau.

Khi chúng ta quan sát trong tự nhiên, ta sẽ thấy việc “không làm gì” trở nên có ý nghĩa hơn so với ta nghĩ. Kết quả không hề tương đương với số năng lượng chúng ta bỏ vào, kết quả sinh ra từ chuỗi nhưng hành động, và được tạo thành nhờ mức tần số của người làm phát ra. Điều đáng lưu ý ở đây là trong số tất cả những hành động ta cần phải làm, rất nhiều hành động diễn ra tự nhiên, không cần quá nhiều sự can thiệp để có thể đi đúng hướng. 

Lão Tử từng ví von cuộc đời như một dòng sông, ta có thể lựa chọn thả trôi bản thân xuôi theo dòng hoặc bơi ngược dòng, bám víu vào một cành cây nào đó. Nếu bạn ngẫm nghĩ và suy xét đủ lâu, cả tôi và bạn trong đa số thời gian vừa qua đều chọn bơi ngược dòng, mà không hề nhận ra điều đó. Tâm trí bạn tin rằng bạn có thể và nên kiểm soát môi trường xung quanh để tồn tại.

Đây là một xu hướng coi mình là trọng tâm của cái tôi (ego), bởi phần lớn những quá trình diễn ra bên trong cũng như bên ngoài chúng ta, không thuộc tầm kiểm soát của chúng ta.

Vậy nếu lựa chọn xuôi theo dòng chảy, ta sẽ có được gì?

Khi xuôi theo dòng chảy, tức là chúng ta căn chỉnh sự tồn tại của mình với quy luật tự nhiên, đây là con đường ít ma sát và lực cản nhất, cho tự nhiên một cơ hội để tự mở lối. Như vậy, cách thức của Lão Tử chính là vượt qua dòng sông mà không cố gắng kiểm soát nó.

Một trong hình tượng lý tưởng về dòng chảy chính là nước. Nước không có hình thù, tuyệt đối uyển chuyển, không phản khángg, dễ thích nghi và vô cùng hiền hoà. Cái thiện tuyệt đối giống như nước, có lợi cho vạn vật khi chảy qua nhưng lại chẳng tranh giành. Nước có thể mềm mại, nhưng nó chiến thắng cái cứng, minh chứng bằng sự sói mòn của đá được miêu tả trong câu nói “Nước chảy đá mòn.”

“Làm trống tâm trí, trở nên vô định. Vô dạng, như nước. Nếu bạn bỏ nước vào một cái ly, nó trở thành cái ly. Bạn bỏ nước vào một cái bình, nó trở thành cái bình. Bạn bỏ nước vào ấm trà, nó trở thành ấm trà. Và nước có thể chảy hay nó cũng có thể dập. Hãy như nước, bạn tôi.” — Lý Tiểu Long

Ứng dụng thực tiễn và kết luận

Khi rơi vào trạng thái của dòng chảy, bạn quên đi kết quả, áp lực, những nỗi lo lắng về tương lai hay sai lầm trong quá khứ, và ngay thời điểm bạn buông bỏ tất cả lại chính là lúc bạn có tất cả. Cái tất cả ở đây chỉ có bạn và việc bạn đang làm, dù là nhân viên kế toán với bản excel tài chính, một nghệ sĩ với bản nhạc, một vận động viên với trận đấu, một nhiếp ảnh gia với khung cảnh, một đầu bếp với món ăn hay một học sinh với vô số bài tập được giao.

Và cách duy nhất để đạt được trạng thái này chính là buông bỏ, nghĩa là dừng việc bơi ngược dòng, dừng lại việc cố bám vào những cái cây, thả quá khứ đi, không trông đợi quá nhiều vào tương lai, sống ở hiện tại và cứ sống thôi, đừng do dự…

Tác giả: Cristian
Edit: THĐP

Ảnh: Jack Anstey

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha của THĐP để trau dồi kiến thức trí tuệ, những nội dung được chọn lọc chỉ có tại THĐP, từ nay sẽ không đăng full các bài dịch trong tạp chí nữa ➡️ bit.ly/THDPmembership
🎯 All Volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

[Review] The Platform – Món quà của thượng giới và thông điệp tới thiên đàng

0

Đây là review mình viết dựa trên cảm nhận về khía cạnh tôn giáo và luân lý trong Platform của riêng cá nhân mình.

The Platform không phải là hố sâu đói khát, mà là món quà của thiên đường

The Platform với cái tên được dịch ra tiếng Việt là “Hố sâu đói khát”, rất gây tò mò và làm người xem liên tưởng đến yếu tố kinh dị. Nhưng với mình thì “Hố sâu đói khát” nó chẳng thể nào nói lên hết mọi vấn đề, ẩn dụ trong phim so với Platform – là Nền tảng, là một cái bục có thể di chuyển lên xuống theo đúng nghĩa đen.

Và trên cái bục đó bày biện rất nhiều cao lương, mỹ vị do các đầu bếp chế biến với sự giám sát kĩ lưỡng của bếp trưởng. Bếp trưởng chính là hình ảnh ẩn dụ của Chúa Trời. Các đầu bếp là những thiên thần đang cụ thể hoá những mong muốn của người phàm, được hình tượng bằng các món ăn ngon khi viết vào bản yêu cầu gửi đến Thiên đường. Và trong phim, Goreng đã chọn món ốc sên. Sự nổi giận của Chúa – Bếp trưởng khi có sai sót, dù chỉ là một sợi tóc rơi vào món panna cotta đã nói lên việc Chúa quan tâm đến con người thế nào trong từng món ăn – mong muốn của con người trước khi gửi đến họ.

“Ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi.” — Jesus (Matthew 10:30)

Cái bục bằng bê tông hoặc đá trong Platform cũng tượng trưng cho bàn thờ dâng lễ vật trong các tôn giáo thời cổ đại, nhất là người Do Thái luôn dâng lễ vật xuyên suốt trong Cựu Ước, nhất là sách Lê Vi có đề cập rất chi tiết.

Sau khi dâng lễ xong, toàn phần hoặc một phần của lễ sẽ chia cho những người tham gia cùng ăn. Còn trong các nhà thờ Công Giáo, bàn thờ bằng đá luôn được đặt chính diện để cử hành thánh lễ. Vì thế Platform – cái bục – bàn thờ chính là kết nối giữa Chúa và con người để dâng tiến và trao tặng.

Tầng 0 trong Platform là Thiên đường thì 333 tầng còn lại chính là Địa ngục. 3 lần 3 là 9 tương ứng với 9 tầng địa ngục được Dante Alighieri mô tả trong Địa ngục, một trong ba phần thuộc Thần Khúc. The PlatformĐịa ngục trong Thần Khúc đều đề cập đến 7 mối tội đầu trong Kitô Giáo là kiêu ngạo, tham lam, dâm dục, phẫn nộ, phàm ăn, đố kỵ và lười biếng. Goreng trong phim gần như đã gặp những nhân vật tồn tại 1 hoặc 2 đặc trưng của 7 mối tội đầu.

Platform – Địa Ngục đó lại có tính luân hồi khi mỗi tháng các tù nhân được thay đổi số tầng, tuỳ theo sự ngẫu nhiên. Nhưng một thứ sẽ không bao giờ đổi là bục đồ ăn bao giờ cũng đầy tràn các loại cao lương mỹ vị và ai ở tầng trên sẽ luôn nốc đầy hết sức có thể. Thậm chí làm dơ bẩn đồ ăn trước khi cái bục di chuyển xuống tầng dưới.

Kết cấu của Platform đầy bạo lực qua các trường đoạn mô tả tù nhân tranh giành, chém giết, dùng đủ mưu mô để sống cho bằng được. Đồ ăn trước khi Goreng hành động không bao giờ đến những tầng cuối cùng, dù Goreng, Imoguiri hay cả Baharat đều cho rằng sẽ có đủ cho tất cả nếu phân chia công bằng bằng ý thức chung.

Chúa – Bếp trưởng đã cụ thể hoá lời cầu nguyện – mong muốn của con người, nhưng chính con người lại ích kỷ và kiêu ngạo, khi ai cũng chỉ muốn giữ lại cho riêng mình nhiều nhất có thể, chứ không bao giờ muốn cho đi. Vì thế, Platform đáng ra đã trở thành một hệ thống phân chia món quà của thượng giới, thì lại trở nên địa ngục hay Hố sâu đói khát.

“Của thánh chớ liệng cho chó, ngọc trai đừng ném cho lợn kẻo chúng quay lại cắn xé anh em.”

Đó là lời cảnh báo của Chúa Giê-su tới các môn đệ ngụ ý nói về việc hãy cẩn thận trước tâm địa con người.

Trong Platform việc ai cũng tranh giành, dẫm lên đồ ăn, làm dơ bẩn, rồi cắn xé chém giết nhau vì bục đồ ăn là có ý này đến việc con người đã đố kỵ, tham lam và tàn bạo với nhau thế nào vì món quà của Chúa. Dĩ nhiễn là với cái nhìn của mình.

Tại sao mỗi tầng lại có hai người?

Mỗi tầng trong Platfrom đều chỉ có hai chứ không phải 1 hay 3 vì con số 2 đại điện tính nhị nguyên của mọi vấn đề, triết lý, đạo đức hay hành vi của con người và xã hội. Nhị nguyên là thiện và ác, cá nhân và cộng đồng, yêu và ghét, tha thứ và oán hận. Mỗi tầng của Platform mà Goreng được đổi là để bộ phim diễn giải từng vấn đề một.

Trong Kinh Thánh, Adam và Eva đại diện cho Nam và Nữ. Adam đã đổ lỗi Eva đã dụ dỗ mình ăn trái cấm. Đến lượt Eva lại đổ lỗi cho con rắn – Satan. Sau đó đến chuyện Cain và Abel dâng lễ vật, Cain đã giết em mình vì của lễ của Abel làm đẹp lòng Đức Chúa. Tiếp theo Jacob cướp quyền trưởng nam của anh mình là Esau bằng bát cháo đậu. Nhưng chưa hết, Jacob cũng đoạt luôn lời chúc phúc của cha mình là Isaac bằng món thịt nướng. Lời chúc đó Isaac định dành cho Esau. Tất cả những chuyện này xuất hiện trong sách Sáng thế và đều có liên quan đến đồ ăn. Cốt lõi của Platform xoay quanh giữa đồ ăn và giữa hai người đại diện cho tính Nhị nguyên. Và bế tắc bắt đầu từ đó.

Mỗi khi chuyển tầng mà mình gọi đó là tái luân hồi, Goreng luôn gặp 1 con người mới và vấn đề mới. Đầu tiên Goreng gặp lão Trimagasi, một con người hết sức đặc trưng của đám đông. Trimagasi nói rằng cuộc đời lão rất thích xem quảng cáo, chính con dao của lão mua là nhờ quảng cáo, rồi lão nổi điên khi biết bị lừa rồi liệng cái tivi xuống tầng trúng đầu một ai đó làm lão được đưa đến Platform. Trimagasi đại diện cho tính lười biếng, có xu hướng nhận định theo cái nhìn chung, cái nhìn của xã hội cùng một tính cách vị kỷ, nhỏ nhen, đầy mưu mô.

Lão nói tại sao lão lại phải vào đây chỉ vì cái tivi vô tình rơi trúng đầu một người nhập cư trái phép. Lão có thể chung sống hoà thuận khi mọi chuyện tốt đẹp. Còn lúc bị đổi xuống tầng 171, Trimagasi lựa chọn quyết định sẽ ăn thịt Goreng để tồn tại và lão đã hành động trước. Lão không tin người khác có thể đối xử tốt với mình nên thà phụ người trước khi người phụ mình. Lão chọn con dao Samurai Plus để tăng thêm khả năng tự quyết của mình.

Sau Trimagasi, Goreng ở chung tầng với Imoguiri. Một người làm việc trong Platfrom nhưng lại không hề biết Platform hoạt động thế nào. Cô khẳng định không có một ai dưới 16 tuổi ở đó và cũng không biết cấu trúc của Platform thực sự là gì. Imoguiri không nói dối vì công việc của cô chỉ là lấy mẫu đơn phỏng vấn mà thôi. Cô chỉ biết có công việc của mình, không cần quan tâm đến những người trong Platform thế nào hay ý Chúa trên cao ra sao. Cô sống không vị kỷ nhưng cũng không quan tâm đến người khác quá nhiều. Cho đến khi có chuyện xảy ra, khi Imoguiri biết mình ung thư. Biết mình sắp chết, cô tự nguyện vào Platfrom để thúc đẩy sự đoàn kết tự phát và tính ý thức về cộng đồng của mỗi người trong việc chia sẻ thức ăn. Nhưng cách của cô vô dụng trong 15 ngày liên tiếp.

Imoguiri giống lão Trimagasi ở hai điểm: Lựa chọn sai cách và cùng thất bại rồi trả giá bằng mạng sống. Một người vị kỉ, còn một người chỉ trở nên có tính cộng đồng khi nhận ra mình phải làm gì đó trước khi chết. Cả hai đều không hiểu Luật của Platform và cũng chẳng hiểu con người ở đó.

Platform vốn đã là một thế giới vô luật, mọi triết lý hay sự cải cách dù tốt đẹp đến đâu sẽ không bao giờ cải tạo được địa ngục này. Chỉ có hành động mới có thể tạo ra một điều gì đó, nhưng sẽ là ai và làm thế nào. Câu trả lời đó dành cho Đấng Cứu thế của Platform.

Những người bên cạnh đấng cứu thế

Himaru là người mẹ tìm con trong Platform với sự cuồng sát không thể ngăn cản. Nhưng những kẻ cô giết luôn là đàn ông. Trong Platform, nhiều kẻ không chỉ đói khát, mà còn thèm muốn sự thỏa mãn dục vọng nữa. Tất cả đều nói rằng Himaru tìm con mình, nhưng chính cô lại chưa bao giờ nói ra điều đó. Cô xuống hết tầng này đến tầng nọ, trong vai trò Thế thiên hành đạo, giết bất cứ ai chạm đến mình nhưng vẫn không tìm được con gái. Sau đó chính cô cũng đã chết dưới tay kẻ khác. “Kẻ nào dùng đao kiếm sẽ chết vì đao kiếm.” Platform đã truyền tải lời Chúa Giê-su rất rõ ràng qua hình ảnh Himaru.

Tuy nhiên cũng chính Himaru là người đã cứu Goreng khỏi bị Trimagasi ăn thịt. Và cũng chính cô đã cứa cổ Trimagasi trước khi Goreng đâm lão. Lão đã chết vì Himaru chứ không phải Goreng. Trong Kinh Thánh, hình ảnh người phụ nữ luôn bị thiệt thòi, o ép và lăng nhục. Nhưng chính những người phụ nữ đã luôn ở bên cạnh Chúa Jesus, ngay trong những giờ phút cuối cùng. Khoảnh khắc Himaru chăm sóc cho Goreng là sự ẩn dụ của Chúa Jesus khi được người một người phụ nữ tội lỗi lấy dầu thơm rửa chân và lấy tóc của mình lau sạch. Himaru đã nhìn thấy ở Goreng sự nhân từ, mấu chốt để sau đó Goreng phá vỡ được tái diễn một chu kỳ luân hồi của bạo lực và tội lỗi trong Platform. Cô giúp Goreng cũng chính là giúp chính mình.

Baharat thì là một con người đức độ và vô tư nhất có mặt trong Platform. Chính Barahat đã nói Chúa ở trên tầng cao nhất và cũng là Chúa nói với anh rằng “sẽ có hai người” đưa anh đến gặp Người. Tất nhiên là không phải đôi vợ chồng ở tầng 5. Ý của Barahat rất đơn giản, anh muốn lên tầng cao nhất để gặp Chúa.

Trong cuộc hành trình dài đi đến tầng 333, Baharat đã bảo vệ thành công món panna cotta được thầy anh khai sáng gọi là “Thông điệp gửi tới Thiên đường”. Sau đó Baharat đã cứu Goreng khỏi cái chết. Anh cũng bảo vệ panna cotta thành công trước khi gửi món quà của thiên đường cho đứa trẻ. Anh đã chết, đã đi gặp Chúa khi qua “hai người” anh giúp. Khác với Himaru dù Baharat cũng hạ sát vài người, nhưng cái chết của anh là “Dám chết cho người mình tin”. Đó cũng là thứ tình yêu cao cả nhất.

Không phải đấng cứu thế nhưng cũng là đấng cứu thế

Goreng đã chọn cuốn Donkihote để mang vào Platform chứ không phải đao kiếm hay chó mèo.

Donkihote đại diện cho hình ảnh một người ngây thơ tin vào những giá trị hào hiệp, quân tử, nhân đạo và lãng mạn của một hiệp sĩ thời trung cổ nhưng không đúng thời. Donkihote chỉ nhận ra những điều đó trước khi chết. Goreng với ngoại hình và tính cách giống hệt như Donkihote vậy. Anh ngây thơ đến mức ban đầu khi vào Platform luôn kinh ngạc trước bản chất của con người, mà thực ra tất cả chỉ là điều rất bình thường trong xã hội, trong Platform. Anh cũng thật thà khi nói rằng mình thích ăn ốc sên, rồi rất bất ngờ khi điều đó trở thành hiện thực.

Món ốc sên ấy dù nhỏ bé nhưng vẫn được Thiên đường chuẩn bị hết sức cầu kì và đặt lên một chiếc đĩa pha lê rất đẹp. Dù là điều ước nhỏ bé nhất, Chúa sẽ làm nó tốt nhất để gửi xuống cho con người. Mong muốn của Goreng đơn giản đến mức 32 tầng đầu không buồn động vào món ốc sên đó.

Khác với những lời kêu gọi sự đoàn kết tự phát của Imoguiri, Goreng đã trải qua biến động quá lớn để giúp cho mình không bị chết vô nghĩa như Donkihote. Nhưng anh cũng không phải là con người vị kỷ như Trimagasi. Goreng doạ sẽ bôi phân lên tất cả đồ ăn nếu tầng dưới không làm theo cách của Imoguiri. Nó hiệu quả nhưng vẫn chưa đủ để thay đổi Platform cho đến khi cái chết của Imoguiri và sự giúp đỡ của Baharat. Lúc này Goreng đã trở thành Đấng Cứu thế sau những lời nói của hai kẻ đã chết thì thầm với anh trong đêm:

“Thật vậy, nếu các ông không ăn thịt và uống máu Tôi các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy…”

Những lời ẩn dụ này là Chúa Giê-su nói về việc mình sẽ chết, nhưng cái chết của mình sẽ là sự cứu độ với tất cả con người. Chúa cứu chuộc con người thông qua cái chết của mình. Còn trong Platform, những điều của hai kẻ mà có thể Goreng đã ăn thịt kia ngụ ý nói rằng anh cũng xấu xa và có cùng bản chất như họ và những kẻ khác ở 333 tầng. Điều đó đúng, nhưng Goreng đã đưa ra lựa chọn cho riêng mình. Anh sẵn sàng đánh cược mạng sống của mình để đưa đồ ăn xuống tầng cuối cùng. Bất chấp mọi lý do, cái giả phải trả cũng phải xuống tới đó để gửi một thông điệp lên Thiên đường. Goreng từ việc không phải là Đấng Cứu thế, nhưng anh đã trở thành Đấng Cứu thế của Platform.

“Ta không muốn kẻ tội lỗi phải chết, ta muốn nó ăn năn, sám hối và sống.”

Goreng đã là một con người mới, là Đấng Cứu thế nhưng không phải sinh ra đã là vậy. Anh chọn mình phải trở nên như thế, thông qua các biến cố, sự kiện và tội lỗi vì ngay tới những kẻ tha hoá nhất cũng mong muốn một Đức Chúa của mình. Và Goreng lấy mạng sống của mình để phá vỡ sự luân hồi trong Platform và cứu tất cả mọi người bằng cách gửi một thông điệp lên Chúa.

Ban đầu là panna cotta.

Sau đó là một đứa trẻ.

Chi tiết hai tầng cuối cùng Goreng được chuyển đến mang những con số ám chỉ anh là Đấng Cứu thế. Tầng 33 đại diện cho số tuổi của Chúa Jesus tại trần thế và tầng 6 – ngày thứ 6 Chúa chịu chết.

Đứa trẻ là ai?

“Hãy để trẻ thơ đến với ta, vì Nước Trời thuộc về chúng.”

Đứa trẻ ở tầng 333 hiện thân cho những gì tốt đẹp nhất trong Platform. Hơn nữa là niềm tin. Sở dĩ Goreng tìm được đứa trẻ chứ không phải Miharu vì trong anh luôn có tính thiện và niềm tin chứ không chỉ có hận thù. Có thể Miharu đã từng xuống tận tầng 333 nhưng không gặp con mình – hiện thân của tính thiện. Đứa trẻ chỉ xuất hiện khi hội tụ đủ hai yếu tố: Sự hi sinh và chia sẻ. Và Goreng đã làm được.

Goreng đã để cho đứa trẻ lên tầng 0 gặp Chúa còn mình ở lại một không gian đen tối. Một nơi còn dưới cả tầng 333. Đó là nơi của sự chết.

Nhưng mình không cho rằng Goreng sẽ chết. Đối với niềm tin về cái chết và tình yêu “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám chết cho người mình yêu” mà Goreng đã gửi gắm vào đứa trẻ đưa lên Chúa, mong Người sẽ phá bỏ Platform để tất cả được đi ra khỏi đấy, thì chắc chắn anh sẽ chưa chết để chứng kiến điều Chúa sẽ làm, như Chúa đã chọn anh đến với Platform.

Phim kết thúc ở đoạn mở để tất cả có thể suy diễn mọi thứ tiếp theo sẽ thế nào tuỳ từng mỗi người. Tất cả mọi điều trên chỉ là sự nhận định của cá nhân mình thông qua cái nhìn của một người có Đạo. Việc của mình là viết ra suy nghĩ và chia sẻ nó đến với mọi người.

Tác giả: Đức Nhân
Biên tập: THĐP


🎯 Đặt mua tạp chí Aloha của THĐP để trau dồi kiến thức trí tuệ, những nội dung được chọn lọc chỉ có tại THĐP, từ nay sẽ không đăng full các bài dịch trong tạp chí nữa ➡️ bit.ly/THDPmembership
🎯 All Volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

[THĐP Translation™] Lợi ích của sự chuyển hóa năng lượng tình dục từ Napoleon Hill

2

thdp translation 4

Nội dung bài dịch này được trích từ quyển Chiến thắng con quỷ trong bạn (1938). Napoleon Hill có thể được xem là “ông nội” của mấy cuốn “self-help” thời nay. Trong quyển sách Nghĩ và Làm Giàu (Top Bestseller trong những quyển “self-help”) đã dành ra hẳn chương 12 để nói về năng lượng tình dục và sự chuyển hóa năng lượng.

Hỏi: Đắm chìm trong sắc dục, tình dục, dâm dục sẽ gây ra thiệt hại gì?

Đáp: Thiệt hại lớn nhất là nó làm cạn kiệt nguồn sinh lực vĩ đại nhất của đàn ông, và nó phí phạm, không gì có thể bù vào cho đủ, năng lượng sáng tạo của đàn ông.

Nó làm tiêu tán nguồn năng lượng tự nhiên cần dùng để duy trì sức khỏe. Sex là sức mạnh chữa lành hữu ích nhất của Thiên Nhiên.

Nó làm tiêu tán năng lượng hấp dẫn của một nhân cách đáng mến.

Nó lấy đi sự lấp lánh trong mắt một người, và đưa vào sự chói tai trong giọng một người.

Nó tiêu diệt sự hăng hái, kiềm nén hoài bão, và dẫn tới thói quen không sớm thì muộn, đi từ chủ đề này tới hết chủ đề khác, không trụ được vào một chủ đề hay đam mê nào.

Đây là chuyện bình thường của nhóm 98% dân số! Chào mừng bạn tới nhóm 2%. Một khi bạn đã ở trên đỉnh núi của nhóm này, bạn không bao giờ có thể trở lại con người cũ.

Hỏi: Cảm xúc tình dục có thể đạt được những mục đích lợi ích nào không, nếu được kiểm soát và chuyển hóa?

Đáp: Tình dục có kiểm soát cung cấp sức lực hấp dẫn, khả năng thu hút người khác. Nó là yếu tố quan trọng nhất cho một nhân cách thiện lành.

Nó khiến giọng nói trở nên có sức mạnh hơn và cho phép truyền đạt bằng giọng nói bất cứ thông tin nào.

Nó truyền năng lượng động lực cho bạn hiện thực hóa khát khao.

Nó nạp đủ năng lượng cho hệ thống thần kinh cần thiết cho sự vận hành, duy trì cơ thể.

Nó mài dũa trí tưởng tượng và khiến bạn có thể tạo ra những ý tưởng hữu ích.

Nó khiến cho những những hoạt động vật lý và tinh thần được tăng nhanh và chuẩn xác.

Nó cho bạn sự bền bỉ và kiên định để theo đuổi mục đích lớn trong cuộc đời.

Nó là liều thuốc giải cho MỌI sợ hãi.

Nó khiến một người miễn nhiễm với nản chí.

Nó giúp làm chủ được sự lười biếng và trì hoãn.

Nó cho bạn sự bền bỉ thể xác và tinh thần khi trải qua sự đối kháng hay thất bại.

Nó cho bạn những phẩm chất chiến đấu cần thiết dưới mọi hoàn cảnh để tự vệ.
Tóm lại, nó tạo ra người chiến thắng, không phải kẻ bỏ cuộc!

Biên dịch: Prana


🎯 Đặt mua tạp chí Aloha của THĐP để trau dồi kiến thức trí tuệ, những nội dung được chọn lọc chỉ có tại THĐP, từ nay sẽ không đăng full các bài dịch trong tạp chí nữa ➡️ bit.ly/THDPmembership
🎯 All Volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP