27 C
Nha Trang
Thứ bảy, 26 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 50

Công việc chỉ là đồ bỏ, nếu nó không bắt nguồn từ tình yêu

0

Có một bộ phận trong số chúng ta luôn hướng tới những thứ tốt đẹp, như kỷ luật bản thân, hướng đến tâm linh, các giá trị tinh thần, phấn đấu và cố gắng trong cuộc sống, tập trung làm việc, sống khổ hạnh, v.v… Những thứ này vẻ ngoài có vẻ ngoài tích cực, nhưng nếu nó không bắt nguồn từ động lực là tình yêu thì cũng vô nghĩa. Vì tất cả mọi thứ bạn làm chỉ đang củng cố cho một hình ảnh, một cái tôi.

Thử nghĩ xem bạn khiêm tốn và đạo đức để làm gì? Bạn đạo đức để người khác thấy bạn đạo đức và khiêm tốn, để từ đó bạn được khen ngợi, để bạn cảm thấy mình siêu việt? Bạn kỷ luật để làm gì? Để xây dựng hình ảnh về bản thân, đạt được thành quả vật chất? Chứ không phải vì tình yêu bản thân muốn mình sống có ích hơn và dành năng lượng của mình tạo ra những điều giá trị cho gia đình và xã hội. Bạn cố gắng làm việc kiếm tiền để làm gì? Để mua xe đẹp, mua đồ mới, để tiêu xài vào các thú vui tiêu khiển? Chứ không phải để giúp cha mẹ bạn, giúp gia đình bạn, giúp bản thân có cuộc sống lành mạnh tốt đẹp hơn.

Nếu không vì tình yêu, bạn sẽ làm tất cả những việc nghe có vẻ tốt đẹp một cách gượng ép: khiêm tốn gượng ép, kỷ luật rập khuôn, đạo đức gượng ép,… vì tất cả chúng không phục vụ cho tình yêu, hay những giá trị tốt đẹp. Kỷ luật trong công việc chỉ có thể biến thành một dòng chảy tự nhiên khi nó biết quy phục tình yêu, Đạo, God, hay các mục đích tốt đẹp. Không quan trọng là bạn làm gì, quan trọng là bạn làm vì điều gì, động cơ và giá trị mà bạn hướng tới đằng sau hành động đó. Bằng không, tất cả chúng đều củng cố cho cái bản ngã của bạn, bồi đắp cho một nhà tù ngày càng kiên cố để nhốt bạn vào.

“Tự cải thiện bản thân (hình ảnh về cái tôi) là tự thủ dâm, hãy phá hủy bản thân.” – Tyler Durden, Fight Club

“Tôi bảo đừng có mà hoàn thiện, tôi bảo đừng trở nên hoàn hảo nữa. Hãy tiến hóa.” – Tyler Durden, Fight Club

Khi còn bé, tôi có xem chương trình Quà tặng cuộc sống. Có một câu chuyện bây giờ tôi mới hiểu ra. Tuy không nhớ chi tiết nhưng đại ý là như sau: Có một hiệp sĩ chiến đấu vì dân làng để đánh bại một tên hung thần, và lần chiến đấu đó ông đã chiến thắng. Tên hung thần xin tha mạng và hứa mỗi tuần sẽ tặng ông một túi vàng. Đúng như lời hứa, ông nhận túi vàng đó mỗi tuần, nhưng bỗng một ngày ông không còn được nhận nữa, nên ông đến hỏi tội tên hung thần nọ. Hắn bảo ông đã nhận quá nhiều rồi và hắn sẽ không tặng cho ông thêm nữa, thế là ông điên tiết và đòi chiến đấu với hung thần một lần nữa. Bất ngờ là lần này ông thua. Ông thắc mắc hỏi tên hung thần: “Tại sao lần trước ta thắng ngươi dễ dàng vậy mà giờ ta lại thua ngươi?” Tên hung thần chỉ cười đáp: “Lần trước ông chiến đấu vì chính nghĩa, vì tình yêu, còn lần này ông chiến đấu vì lòng tham.”

Qua câu chuyện này, tôi nhận ra tình yêu chính là thứ rót sức mạnh cho chúng ta trong mọi việc, chỉ tình yêu mới đủ lớn để vượt lên bản ngã, sự khó khăn và đau đớn. Nếu chỉ vì lòng tham, hay mong ước hưởng thành quả, ta sẽ vô cùng chật vật và khó khăn để vượt qua. Vì vậy, trong Chí Tôn Ca, Đức Krishna đã dặn dò môn đệ của Người rằng:

“Bởi vậy, con người cần hành động với ý thức nghĩa vụ mà không tham quyến thành quả lao động, như thế anh ta mới chạm đến Đấng Tối Cao.” (3:19)

Hay

“Linh hồn nhất mực tận tụy với Ta có được sự an lạc hoàn toàn vì nó hiến dâng tất cả thành quả lao động của mình cho Ta, trong khi kẻ chẳng hợp nhất với thần thánh, kẻ tham luyến thành quả lao động của mình thì hệ lụy vào nghiệp quả của những hành động ấy.” (5:12)

Nên nếu trên đời chỉ có một lý do duy nhất để bạn làm điều gì đó, thì nó nên là tình yêu. Hãy đặt tình yêu vào tất cả những gì bạn làm. Kỷ luật bản thân vì tình yêu dành cho bản thân. Kiếm tiền vì tình yêu dành cho gia đình. Làm công việc mình đam mê vì tình yêu dành cho nó. Bằng không bạn sẽ phục vụ cho bản ngã. Bản ngã tồn tại bằng năng lực của sự sợ hãi. Làm việc vì bản ngã là làm việc vì sự sợ hãi.

“Sợ sệt là năng lượng khiến ngươi co lại, đóng cửa, thu mình, chạy, trốn, giấu giếm và làm hại. Tình yêu là năng lượng khiến ngươi bung ra, mở cửa, gửi đi, lưu lại, bộc lộ, chia sẻ, và chữa lành.

Sợ hãi bao bọc thân thể chúng ta dưới lớp y phục, còn tình yêu cho phép chúng ta trần truồng đứng lên. Sợ hãi bám víu và bắt chộp mọi thứ chúng ta có, còn tình yêu thì cho đi tất cả những gì chúng ta có. Sợ hãi thì bám chặt, yêu thương thì ôm ấp. Sợ hãi thì nắm giữ, tình yêu thì cho đi. Sợ hãi giày vò, tình yêu xoa dịu. Sợ hãi gây hấn, tình yêu cải thiện.” – Neale Donald Walsch, Đối thoại với Thượng Đế

Nhưng đừng nhầm lẫn tình yêu tôi đang nói tới ở đây. Nó không phải phạm trù yêu – ghét nhị nguyên mà chúng ta hay bắt gặp, nó không phải việc bạn thích và muốn sở hữu một chiếc ô tô, không phải bạn thích và muốn chiếm hữu một cô nàng vì thân hình đẹp hay khuôn mặt thiên thần của cô ta. Tình yêu này là bất nhị, là vô điều kiện. Hãy thử hình dung tình yêu này trong trường hợp một người mẹ dành cho đứa con nhỏ, hay một cặp tình nhân với sự kết nối tâm hồn. Nó vượt lên trên nhị nguyên, vượt lên yêu ghét đẹp xấu, nó bao trùm những thứ đó. Và cũng đừng nhẫm lẫn tình yêu bản thân với sự ích kỷ, hay ái kỷ. Ích kỷ là một sự say mê dành cho cái tôi. Người biết yêu bản thân thì mới biết cách yêu thế giới.

Tôi đã từng làm những thứ không vì tình yêu. Đi làm kiếm tiền thỏa mãn thú vui của chính mình, viết bài vì muốn có được danh tiếng, làm video để nổi tiếng. Và rồi tôi nhận được gì, là những sự phù phiếm, đi kèm với đó là sự chán ghét công việc, đánh mất niềm vui ở trong đó. Dần dần tôi cảm nhận được sự vô nghĩa trong cuộc sống của mình.

Mọi khổ đau trên thế giới này chỉ có thể chữa lành bằng tình yêu, ý nghĩa của sự sống cũng bắt nguồn từ đó. Vậy nên, nếu ta làm mọi việc không vì tình yêu, thì chúng ta đang phục vụ một thứ nhảm nhí nào đó, và tự xây tù cho chính bản thân mình.

Tác giả: Bá Kỳ

Ảnh: Christin Hume

>> Download Chí Tôn Ca Free – bit.ly/CTC_THDP


🎯 Đặt mua tạp chí Aloha của THĐP để trau dồi kiến thức trí tuệ, những nội dung được chọn lọc chỉ có tại THĐP, từ nay sẽ không đăng full các bài dịch trong tạp chí nữa ➡️ bit.ly/THDPmembership
🎯 All Volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

 

Tìm kiếm sáng tạo như thế nào?

0

Định nghĩa “sáng tạo” đối với mình là: Tạo ra một cái gì đó mang đậm chất của riêng mình, một thứ mới mẻ hoàn toàn hoặc rút tỉa từ những sáng tạo đã có tạo nên một thứ khác cho mình.

Với cái nhìn của mình, sáng tạo không có gì bí ẩn. Chính ý chí tạo nên điều kì diệu ấy. Nhưng chúng ta lại chỉ muốn có sáng tạo chứ không nghĩ đến ý chí động lực để bắt đầu. Vậy tại sao ý chí lại quan trọng và sản sinh ra sự sáng tạo?

1. Hãy nghĩ về bắt đầu nhiều như nghĩ về kết quả

Vì bắt đầu là điều quan trọng nhất để sáng tạo. Sự khó khăn, mệt mỏi hay bỏ cuộc ngay khi suy nghĩ bắt đầu làm một điều cái gì đó trong bạn sẽ kết thúc sự kích hoạt tâm trí hoạt động để tìm kiếm sáng tạo.

Chúng ta muốn sáng tạo, muốn hoàn thành nhưng không bao giờ khao khát bắt đầu nhiều như nghĩ về kết quả. Trong khi, kết quả chỉ đến khi hành động. Và tìm được động lực làm việc là điều khó nhất, điều này dẫn đến lý do “ý chí” quan trọng và dẫn đến sáng tạo. Vì mỗi con người đều có khả năng kiểm soát ý chí hơn là sáng tạo.

Thực tế thì, sáng tạo là một con đường ngoằn ngoèo để đến được thành quả. Nghệ thuật tạo ra nhiều sáng tạo nhất là tận dụng nhiều nhất những gì bạn có. Bạn buộc bản thân phải nghĩ nó đến mỗi ngày nhiều nhất có thể. Chúng ta thường không đủ niềm tin vào bản thân và để tâm trí liên tục chạy theo và nghĩ về những kết quả chưa hề có, những sáng tạo mơ hồ không rõ ràng và lảng tránh hành động. Ý chí sinh hành động, hành động sinh sáng tạo và sáng tạo đem đến kết quả.

2. Nếu quá ít ý chí thì tạo ra sáng tạo như thế nào?

Đọc sách cũng giúp cho chúng ta nảy sinh nhiều ý tưởng bất ngờ. Sách vẫn và mãi là nguồn cảm hứng lớn lao nhất cho các phát minh, tiểu thuyết, thơ ca, sự đột phá. Nếu bạn nghĩ rằng mình quá ít ý chí để thôi thúc hành động, thì việc tìm cảm hứng hay động lực qua những câu chuyện “Người thật việc thật” được viết lại trong trong sách cũng là một cách tìm được sáng tạo.

Và nếu như bạn lại nói rằng mình không đủ kiên nhẫn để tìm kiếm sáng tạo trong sách thì bạn có thể thiền định hoặc ở trong một không gian yên tĩnh. Vì yên tĩnh mới tạo ra tinh thần tốt, tinh thần tốt thì tâm trí mới tập trung để tạo ra sáng tạo. Trong mỗi ngày, hãy dành thời gian tạm nghỉ về tinh thần để trí óc trở nên nhạy cảm để nắm bắt được những khoảnh khắc thiên tài xuất hiện.

Rất nhiều phát minh đột phá, tác phẩm bất hủ đều xuất phát khi con người ở một mình. Albert Einstein nghĩ về thuyết tương đối trong một văn phòng cấp sáng chế nhạt nhẽo ở Thuỵ Sỹ. Và Franz Kafka luôn phải ở trong phòng khép kín mới tập trung viết được.

Điều mấu chốt là bạn phải ép bản thân ngồi xuống, bằng tất cả ý chí bạn có thể hội tụ được và bắt đầu. Đây là giai đoạn khó khăn nhất, nên để tạo ra động lực thúc đẩy chúng ta phải hiểu rõ về vài điều như:

  • Hiểu rõ bản thân là bạn phải làm chủ toàn bộ cảm xúc của mình để mỗi ngày tâm trí bạn luôn hướng đến hành động, đến những gì bạn làm là quan trọng.
  • Hãy liên kết sự vui vẻ và thích thú với công việc bạn làm để mỗi ngày bạn luôn làm việc bạn thích.
  • Đừng nghĩ quá nhiều mà nên tập trung và để ý tới thời gian bỏ ra vào để hành động. Bạn hành động càng sớm thì càng sớm có kết quả.
  • Không đánh giá tiêu cực sự bắt đầu tìm kiếm sáng tạo của mình. Sáng tạo là một công việc khó khăn, lâu dài và để có kết quả thì nó thường đến chậm hơn bạn nghĩ.

Và vì thành quả đến chậm nên chúng ta sẽ lo lắng, tự hỏi có gì đang không ổn và dần dần nghĩ về việc từ bỏ. Và để không từ bỏ việc truy tìm sáng tạo thì bạn phải từ bỏ một vài thứ khác.

3. Cái giá của sự tìm kiếm sáng tạo

Đối với mình là từ bỏ và hạn chế nhất có thể những công cụ giải trí bây giờ như tivi, game, mạng xã hội và đọc tin tức tầm phào trên các trang mạng. Tất cả những thứ này đã biến con người trở nên máy móc hơn, xao nhãng hơn và nhanh chóng tự thưởng cho mình những giây phút vui vẻ hời hợt. Trong khi điều quan trọng hơn là cố gắng hành động để tạo ra một kết quả cụ thể và tận hưởng niềm vui của sự nỗ lực đó.

Suy nghĩ và hành động của chúng ta bây giờ phụ thuộc vào thuật toán và sản phẩm của các công ty công nghệ và giải trí. Những công ty này luôn muốn các kĩ sư, các chuyên gia tâm lý – hành vi tập trung khai thác những khía cạnh nhỏ bé nhất của chúng ta và lấp đầy nó bằng vô số ứng dụng, sản phẩm giải trí để đánh cắp thời gian và khả năng hành động, suy nghĩ của chúng ta.

Chúng ta hoàn toàn có khả năng tạo ra nhiều sáng tạo hơn cả chính bản thân mình có thể nghĩ đến. Chỉ là chúng ta phải biết cách từ bỏ và hạn chế những thứ không thực sự quan trọng, mang tính nhất thời và dễ lặp lại như tim kiếm niềm vui, giải trí qua internet.

Ý chí nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Việc đầu tiên hãy cân nhắc xem điều gì thực sự quan trọng với bạn, là sáng tạo thực sự hay chỉ là những giây phút vui vẻ chóng qua? Hãy nghĩ về việc bạn muốn trở thành như thế nào khi thực hiện một công việc mang tính sáng tạo khả thi, và làm cách nào để biến nó thành sự thực? Bạn chọn ngồi xuống hành động hay vẫn tiếp tục lướt facebook và để cho thời gian trôi qua một cách vô nghĩa trong khi có thể tận dụng nó?

Tác giả: Đức Nhân

Photo : Kirsten Jackson 

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha của THĐP để trau dồi kiến thức trí tuệ, những nội dung được chọn lọc chỉ có tại THĐP, từ nay sẽ không đăng full các bài dịch trong tạp chí nữa ➡️ bit.ly/THDPmembership
🎯 All Volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

Mối quan hệ âm dương giữa tiền bạc và Đạo lý

0

“Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Tạo hoá ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” (Câu thứ hai trong Bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ)

Mọi người ai cũng có quyền mưu cầu và khao khát sự trù phú, sung túc. Tuy nhiên điều quan trọng là liệu chúng ta đã hiểu rõ bản chất và chức năng của đồng tiền nói riêng hay vật chất nói chung chưa. Nếu không có góc hiểu đúng đắn và tích cực, thực tại của chúng ta sẽ bị đảo lộn trật tự và mâu thuẫn. Lúc này, thay vì góp phần biểu đạt giá trị tâm hồn, tiền bạc sẽ tiếp tay hủy hoại con người bạn. Thay vì sống một cuộc đời viên mãn và trọn vẹn trong hiện tại, bạn lại chạy đua với sự đói khát, tham thèm vật chất hay các hình thức thỏa mãn thân xác.

1. Bản chất và giá trị thực của đồng tiền

Tiền bạc không chỉ bao gồm các loại tiền, vàng, nhà đất, v.v.. mà còn bao gồm mọi thứ hữu hình khác, như thân thể, sức khỏe, các mối quan hệ, các xúc cảm và ý tưởng, các phẩm hạnh đạo đức. Tất cả những gì chúng ta có thể nắm bắt được bằng các giác quan, đều là tiền bạc.

Giá trị của tiền bạc phụ thuộc vào năng lượng đặt ở đằng sau. Hay cụ thể hơn, giá trị của tiền bạc mang tính chủ quan, phụ thuộc vào mức độ chú ý của ta dành cho nó. VD: Có người coi 1 triệu là quý giá và tìm đủ mọi cách để cất giữ bảo vệ. Nhưng cũng là 1 triệu ấy, có người sẵn sàng quyên góp hết cho quỹ từ thiện để giúp đỡ người nghèo. Sự chú ý của người thứ hai này đặt vào đồng tiền năng lượng là tình yêu thương, không đặt vào đồng tiền làm bằng giấy.

Điều này cũng giải thích cho cách bạn tiếp cận với những đồng tiền năng lượng mang tên “giận dữ”, “buồn khổ”, “bất mãn”. Chúng thực sự trở thành vấn đề, hay có uy lực, “quan trọng”, nghiêm trọng đối với bạn khi bạn liên tục dành sự chú ý cho nó. Khi xảy ra chuyện, bạn không có sự bình thản và xả ly, bạn nhăn mặt lại và bắt đầu suy nghĩ đủ thứ “người kia nói một lời làm mình khó nghe quá”, “ôi cái công việc này làm mình bực bội ghê”, “không biết bao giờ mình mới thoát khỏi cái cảnh nghèo nàn này”, v.v… Bạn chú ý đến cái gì, cái đó được nuôi dưỡng, trở nên “có giá”, và tiếp tục tồn tại. Đôi khi, những thứ đó lại là những thực tại tiêu cực. Vì không hiểu biết được giá trị của đồng tiền hay các loại vật chất có cội nguồn là từ bạn, nên bạn khiến cho chính bản thân mình yếu đuối trước chính những thứ bạn đã trao cho năng lượng.

Khi được phân chia, tiền bạc sẽ có 2 loại, một loại “trên Trời” và một loại “dưới Đất”. Loại “trên Trời” là các giá trị đạo đức không thể bị băng hoại như lòng nhân ái, đức tin, sự vị tha, đức can trường, sự dũng cảm, nhẫn nại, tự trọng, v.v… Loại “dưới Đất” là các giá trị hữu hình lệ thuộc vào điều kiện khác để tồn tại, như tiền của, bạc vàng, hình ảnh cá nhân, địa vị, công việc, sức khỏe, mạng sống, cảm xúc và tư tưởng, v.v… Về chủ đề này, Đức Jesus đã có lời dạy tương ứng:

“Nhưng hãy tích trữ của cải các con ở trên Trời là nơi mối mọt không thể hủy hoại và kẻ trộm cũng không khoét vách lấy được. Vì của cải các con ở đâu, lòng các con cũng ở đó.” (Mt 6:20-21)

2. Mối quan hệ giữa tiền bạc và Đạo lý

Thuận theo nguyên tắc âm dương, tiền bạc mang nguyên lý âm, chuyển động biến đổi thành muôn hình vạn trạng, là dòng chảy liên tục thay đổi. Trong tiếng Anh tiền tệ là “currency” (dòng lưu hành) là vì vậy. Hay người Việt Nam thì nói “Tiền vào như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin.” Tiền mang tính âm như nước, là thứ linh động, dễ biến đổi. Và đặc biệt, nó có bổn phận quy phục và là đầy tớ cho nguyên lý dương, thường hằng bất biến, là Đạo lý, Chân Ngã, Thượng Đế, Tâm Hồn.

Ở đây, vật chất (tiền bạc) là bề tôi của Đạo lý, là nguyên liệu để Đạo được biểu lộ. Và đồng tiền chỉ thể hiện đúng giá trị và chức năng của nó khi phục vụ nguyên lý tối cao, hay phục vụ những điều tốt đẹp. Nói theo một cách khác, sự sự trù phú của tâm hồn luôn kéo theo sau sự sung túc về vật chất. Khi bạn có mục đích làm những điều thiện lành, bạn hiển nhiên được cuộc đời cung cấp đủ năng lượng, và nguyên liệu vật chất để thi hành việc đó. Nên những người có tư tưởng giàu rồi mới làm việc thiện, giỏi rồi mới giúp người khác, hay phải kiếm đủ tiền đề huề vợ con rồi mới tu Đạo là người không hiểu biết quy luật của Tự nhiên, và sẽ luôn gặp thất bại trong hành động thực hiện ước muốn của chính mình.

3. Cách sử dụng tiền đúng đắn, người biết sử dụng đồng tiền

Khi rơi vào tay một người không hiểu bản chất của đồng tiền và mối liên quan giữa nó với Luật Trời, đồng tiền sẽ được sử dụng với mục đích vô minh, tiêu cực. Ví dụ đơn giản là con người lo ăn uống hưởng thụ để chăm bẵm cơ thể béo tốt, hưởng thụ sự dễ chịu sung sướng về thân xác, chứ không hiểu được giá trị của thân thể mạnh khỏe là để đủ khả năng để trau dồi trí tuệ, lao động cống hiến, và để giúp đỡ những người yếu ớt thiệt thòi hơn mình.

Hay một ví dụ khác, đó là con người nhìn những cảm giác tiêu cực của bản thân là thứ xấu xa, và tìm cách để trốn tránh hay gạt bỏ và tạo nên những mâu thuẫn, cực đoan và bất hạnh nhiều hơn trong lòng. Trong khi mọi cảm xúc hay tư tưởng, dù tiêu cực đến đâu, cũng là một giá trị của cuộc đời, là một đồng xu của vũ trụ, nằm trong “dòng tiền” của vũ trụ, hay thuộc vào Ý Trời. Một người hiểu biết điều này thì biết đón nhận mọi điều diễn ra trong cuộc sống của mình như một ân sủng và thấy sự trù phú đang dạng của các trải nghiệm. Và chỉ nhờ có vậy, họ mới nhìn ra được giá trị quý báu, những bài học cuộc sống nằm sau những tình huống có vẻ ngoài tiêu cực. Thay vì đặt sự chú ý vào biểu hiện sần sùi thô ráp, anh ta đặt cược năng lượng của mình vào sự hiện diện đầy sinh động của tình huống đó. Đây chính là cách một người có thể sống với bình an và phúc lạc tràn ngập trong đời mà không hề bị vướng vào dòng vật chất anh ta đang đắm mình bên trong.

Ngoài ra, khi tiền của vật chất đã là tôi tớ của Trời Đất, thì bạn không có cớ gì để nói rằng tiền là của bạn và bạn phải sở hữu, tích lũy để hưởng thụ cho riêng mình. Ngay chính bạn, thân thể của bạn, sự thông minh của bạn hay lòng trắc ẩn của bạn, cũng thuộc về Trời Đất. Người nào tự nhận tất cả những thứ đó là của mình thì sẽ rơi vào lòng tham và sự vô minh, người đó sẽ phải chịu đau khổ khi những thứ đó bị tổn hại. Già ốm thì kêu than, đãng trí thì bất mãn và không giúp được người mình muốn giúp thì thấy khổ đau ghê gớm. Dù bạn có tốt đẹp đến thế nào, mà nhận những tốt đẹp đó là của bạn, thì không khác gì bạn đang vơ nhận tiền bạc của vũ trụ là của bạn. Đây là tư tưởng của kẻ bần tiện. Để thoát ra khỏi cạm bẫy tham lam và đau khổ này, chỉ có duy nhất một cách đó là xả ly, và hiến dâng tất cả cho God, bằng cách sống cống hiến mà không mong cầu được hưởng thụ điều gì và thường trực biết ơn mọi chuyện đang diễn ra trong hiện tại.

“Người nào luôn tràn trề ý thức về Ta và hiểu rằng rốt cục chỉ có Ta hưởng thành quả của mọi hy lễ và khổ hạnh, rằng Ta là vị chúa tể tối cao của mọi tinh cầu và tất cả á thần, là ân nhân và người hảo tâm của mọi chúng sinh, người đó thoát khỏi những khổ đau vật chất và có được sự an lạc.” — Sri Krishna, Chí Tôn Ca (5:29)

Đa số con người hiện nay không hiểu được nguyên lý âm dương giữa vật chất và Thượng Đế để nương theo mà sống sao cho hữu ích và chính đáng. Chúng ta đều bị tẩy não rằng phải kiếm tiền, phải làm giàu bằng mọi giá và cho rằng tiền bạc quan trọng hơn Đạo Lý. Chúng ta chỉ biết so đo nhau chuyện cái nhà cái xe, chuyện cao thấp béo gầy, có hình ảnh đẹp trên mạng xã hội, có bữa ăn sang trọng, có chỗ làm ổn định lương cao, có hiểu biết nhiều hơn người kia, ngầu hơn, oách hơn, nhiều thú vui hơn, đôi khi là “tâm linh” hơn, v.v… Nhưng chẳng mấy khi quan tâm rằng bản thân mình có biết rõ Đạo lý và những quy luật chi phối cuộc đời không. Vì nếu biết, ta chẳng bao giờ phải nhỏ một giọt chú ý đến những thứ hào nhoáng bên ngoài, thứ hiển nhiên sẽ biểu lộ tương ứng theo sau trí tuệ tâm hồn.

Khi sống trong cuộc đời này, sự nghèo đói mà một người trải nghiệm là do góc nhìn của anh ta nghèo nàn, đói khát ánh sáng trí tuệ, hay sinh lực bên trong anh ta thấp kém nên tạo ra lăng kính tiêu cực, không phải do bản chất của thực tại đó nghèo nàn. Chẳng có đồng xu nào trong kho chứa của Trời Đất lại không là quý báu. Chỉ có những kẻ bị lòng tham và sự u mê che phủ con mắt trí tuệ thì mới thấy cuộc đời này nghèo đói và cần bon chen.

“Những lời hoa mỹ khuyên con người thực hiện đủ loại hành động vì thành quả được tiến tới thiên đường, được sinh ra trong gia đình quý phái giàu sang, để có quyền lực, và nhiều thứ khác trong bộ kinh Vệ Đà vô cùng hấp dẫn những kẻ nghèo tri thức. Đầy lòng khát khao lạc thú giác quan và cuộc sống xa hoa, những kẻ đó nói rằng chẳng có gì hơn thế.” — Sri Krishna, Chí Tôn Ca (2:42-43)

“Lòng quyết tâm phục vụ tận tụy cho Đấng Tối Cao chẳng bao giờ nảy nở trong tâm trí những kẻ ham mê lạc thú giác quan và của cải vật chất, những kẻ bị tất cả những thứ đó làm rối trí.”– Sri Krishna, Chí Tôn Ca (2:44)

Sự giàu có và trù phú sẽ luôn đến với một người tuân theo Luật Trời. Giống như người vợ biết cung phụng chồng, làm đúng bổn phận của mình, thì chẳng có lẽ nào người chồng lại không làm đúng bổn phận của anh ta là cung cấp mọi thứ người vợ cần. Tiền bạc vật chất là vợ, Đạo Lý là chồng. Người nào muốn giàu có sung túc thì trước tiên phải biết quy luật của sự sống, phải cúi mình trước Trí Tuệ Vĩ Đại. Còn người nào muốn sang giàu mà không hiểu biết quy luật này thì cuộc sống của họ có thể sẽ mang những đặc điểm sau:

  • Lao động luôn mong hưởng thụ thành quả, sống với lòng tham và không thể toàn tâm toàn ý cho việc đó.
  • Luôn cân đong tính toán trường hợp nào có lợi hơn về mặt vật chất và thường rơi vào mâu thuẫn, đắn đo hoặc trì hoãn hành động.
  • Làm lụng vất vả khó nhọc, tâm trí mơ tưởng về sự quyền quý xa hoa.
  • Bất mãn với hiện tại, không nhận ra giá trị của những điều bé nhỏ.
  • Khi kế hoạch và kỳ vọng không được như ý thì buồn khổ và bực bội.
  • Nếu trở nên giàu có thì sướng vui ngây ngất, không biết rằng cái giàu đó tiềm tàng đối cực là sự bất an, thèm khát, khó chịu và đau khổ. (Trong khi đối cực tiềm tàng trong sự giàu có của người quy thuận Đất Trời, đó là trí tuệ về Đạo lý, sự bình an chân thật và trách nhiệm sống hữu ích cho đại đồng. Người này khi giàu có thì không mừng vui hớn hở, mà vẫn ung dung điềm nhiên như lúc trước khi họ có nhiều tiền của.)

4. Kết luận

Nói tóm lại, việc tích lũy tiền bạc chỉ vô minh, lệch lạc

  • Khi mục đích tích lũy không phải để cống hiến hay giúp đỡ người khác
  • Khi tiền đó không xoay quanh các giá trị đạo đức cơ bản
  • Khi chỉ dùng để thỏa mãn 5 giác quan
  • Khi cho rằng tiền đó là của mình
  • Khi cho rằng hạnh phúc đến từ tiền bạc vô thường, trong khi hạnh phúc đã chính là bản chất nội tâm đích thực của bạn, Chân Ngã – ông chủ của mọi loại vật chất, lang quân của nữ thần của cải.

Tác giả: Hòa Taro

Ảnh: Geronimo Giqueaux

>> Download Chí Tôn Ca Free – bit.ly/CTC_THDP


🎯 Đặt mua tạp chí Aloha của THĐP để trau dồi kiến thức trí tuệ, những nội dung được chọn lọc chỉ có tại THĐP, từ nay sẽ không đăng full các bài dịch trong tạp chí nữa ➡️ bit.ly/THDPmembership
🎯 All Volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

Hãy sống với lòng biết ơn

0

Thế hệ trước đã trải qua những cuộc chiến tranh, những cơn đói khổ, những mái nhà dột nát. Niềm vui của họ chỉ đơn giản là sớm mai thức dậy vẫn nhìn thấy mặt trời mọc, vẫn có cơm ăn, vẫn có chỗ tránh nắng che mưa. Chỉ đơn giản là người thân họ còn toàn vẹn, còn được có cơ hội sum vầy. Họ biết ơn từng thứ nhỏ nhặt, vì đối với họ, trong hoàn cảnh đó đã là phước lành rất lớn. Nhưng hiện nay, một bộ phận trong số chúng ta, từ trẻ nhỏ đến thanh niên, cả người lớn, hình như đã quên mất điều này – lòng biết ơn.

Kinh tế phát triển, chúng ta không còn chật vật với từng miếng ăn nữa, không có chiến tranh, chúng ta cũng không sợ phải mất mạng. Chúng ta có một cuộc sống quá an toàn, đến độ ta xem đó là một điều hiển nhiên và xem thường điều đó. Và càng ngày, chủ nghĩa tiêu thụ càng mạnh mẽ, chúng ta muốn nhiều nữa, hơn nữa, mua đồ, đi ăn thật nhiều, hàng quán mọc tứ phương, khách đi nườm nượp, và chúng ta thật vui mừng vì làm cho nền kinh tế phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ.

Trẻ con bây giờ lớn lên cũng không phải vất vả như xưa. Chúng được nâng như trứng, hứng như hoa, cưng chiều, lo lắng chu cấp đủ điều, đôi khi là thừa mứa. Thực tại của chúng không chứa đựng cái khổ, nên điều khổ nhất đối với chúng là đòi hỏi điều gì đó mà không được đáp trả. Các bậc phụ huynh nghĩ điều đó là tốt cho con cái, nhưng họ không nhận ra họ đang tước đi bên trong chúng lòng biết ơn và quý trọng từng thứ mà chúng có, biến chúng trở nên ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân mình.

Ở đây mình đang nói về đối cực của sướng và khổ (về mặt vật chất), nếu một người chỉ quen sống trong sung sướng, thực tại của họ bị khuyết thiếu đi trải nghiệm đối cực là sự khổ. Cái đáng lẽ là ít sung sướng, thì họ lại nghĩ đó là điều đau khổ, bởi làm sao biết sung sướng nếu không biết khổ là gì. Ví dụ như một cậu nhóc chỉ biết ăn bám bố mẹ, thì cậu ta sẽ không cảm thấy sung sướng, nhưng nếu cho cậu ta sống khổ cực vài ngày, thì cậu ta sẽ biết rằng sống trong hoàn cảnh như vậy đã là quý giá lắm rồi.

“Nếu như bạn chưa từng khổ, chưa từng nghèo, thì có khi, đó lại là một cái khổ.” (Anonymous)

Nhưng tâm trí của chúng ta là thứ luôn đòi hỏi, luôn bất mãn đối với hiện tại. Tâm trí luôn muốn điều gì đó khác, rằng khi tương lai đến, đạt được thứ này thứ kia, tôi mới có thể hạnh phúc. Chúng không bao giờ biết hài lòng với hiện tại, thứ ta đang có, cái bây giờ và ở đây. Tâm trí chẳng bao giờ biết ơn bất cứ điều gì.

Khi nói lên điều này tôi không có ý bảo rằng chúng ta phải sống thụ động và không hành động vì sự phát triển. Một con người thụ động là một con người vẫn bất mãn với trạng thái hiện tại, nhưng họ chỉ tự dối mình và che lấp điều ấy bởi sự lười biếng của chính mình. Thay đổi chỉ diễn ra trong hiện tại, trong hành động bây giờ, trong quá trình, còn sự bất mãn hay đòi hỏi kia là một mong muốn về kết quả hay thành tựu. Và thay đổi có nghĩa lý gì khi ta luôn bất mãn, khi hiện tại chính là tương lai của 3 tháng trước, của 3 năm trước, thời điểm ta nghĩ rằng “đến lúc đó ta sẽ toại nguyện.” Học tiếng anh giỏi đến đâu chăng nữa thì liệu có đủ thỏa mãn ta không khi ta không chấp nhận và biết ơn với trình độ tiếng anh của mình hiện tại.

Khi đánh mất lòng biết ơn, con người sống với một tâm hồn luôn bất mãn, luôn đòi hỏi. Trong khi đòi hỏi tức là xung đột với cái đang diễn ra trong hiện tại, tức sẽ dẫn đến mâu thuẫn và đau khổ.

Dịch Covid 19 xảy ra là một cú đá vào sự an toàn của chúng ta, một cú đá văng đi sự đòi hỏi. Bây giờ chúng ta chỉ mong sao cuộc sống được “bình thường” như trước, cái “bình thường” mà lâu nay chúng ta luôn hắt hủi và chối bỏ vì đã nhàm chán. Thật mâu thuẫn phải không. Chúng ta không nhìn thấy món quà “hiện tại” ở trước mắt vì ta đang bận ngó nghiêng đến “tương lai”. Đứng núi này trông núi nọ, hay như dòm vợ hàng xóm vậy.

Biết ơn không phải là tự lừa dối chính mình, tự ảo tưởng về hoàn cảnh khó khăn hiện tại. Biết ơn là thay đổi điểm nhìn về một sự việc, thay đổi cách ta nhìn sự việc đó. Và sự thật là, thực tại của chúng ta chính là cách mà chúng ta nhìn chúng, chứ không phải do hoàn cảnh bên ngoài. Điều này giải thích cho việc tuy cùng một hoàn cảnh sống nhưng cảm nhận của mỗi người lại khác nhau một trời một vực.

“We don’t see things as they are, we see things as we are.” – Anais Nin (Chúng ta không nhìn mọi thứ như cái chúng là, chúng ta nhìn mọi thứ như cái ta là.)

Nên khi bất đồng quan điểm với cha mẹ, mình luôn nghĩ đến sự biết ơn đối với họ để hóa giải tiêu cực trong bản thân. Hay mỗi khi gặp nghịch cảnh, than thân trách phận, bất mãn với điều này điều kia, mình luôn tự nhủ với lòng rằng “có cơm ăn áo mặc chỗ ngủ đã là may rồi, gia đình còn hòa hợp đã là hạnh phúc rồi.” Để từ đó mình mới có thêm sức mạnh để giải quyết những thách thức, biến cố nan giải, hay đơn giản là bình thản với cái mà tâm trí kêu ca là khổ.

Phát triển lòng biết ơn, một người sẽ thay đổi trạng thái nội tâm, từ đó thay đổi thực tại của chính mình, và sẽ trở nên bình an và hạnh phúc hơn. Đời sống là vô thường, ai biết được chuyện ngày mai, còn sống thì đã là may mắn, được sống đã là một ân sủng. Hãy quý trọng những điều đó. Và khi nghịch cảnh xảy ra, hãy quy phục Vũ trụ bằng lòng biết ơn, như một liều thuốc tiếp thêm sức mạnh cho chính mình.

Tác giả: Bá Kỳ
Edit: THĐP

Ảnh: Josh Boot

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha của THĐP để trau dồi kiến thức trí tuệ, những nội dung được chọn lọc chỉ có tại THĐP, từ nay sẽ không đăng full các bài dịch trong tạp chí nữa ➡️ bit.ly/THDPmembership
🎯 All Volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

[Review] Leonardo da Vinci, Walter Isaacson – Con người hay Thần Thánh?

0

“Hãy mô tả lưỡi của chim gõ kiến?” (Trích trong sổ tay của Leonardo da Vinci)

1. Thiên tài là những đứa con hoang

Leonardo da Vinci cũng là con hoang giống như nhiều cái tên nổi bật trong lịch sử khác là Tần Thuỷ Hoàng, Steve Jobs hay Casere Borgia, chủ nhân Leonardo từng phục vụ là một trong những người con của Giáo hoàng Alexander VI. Ngoài ra, rất nhiều các tên tuổi trong thời kì Phục Hưng là con hoang. Sau này khái niệm con hoang được văn học phương Tây coi là quân bài tẩy có tính chất thay đổi cả cục diện và vận mệnh. Điển hình là John Snow trong Game of Thrones.

Cái hay của Isaacson nằm ở chỗ ông luôn tìm được nhiều chi tiết hô biến sự thần thánh hoá các nhân vật này trở thành những con người bình thường mà bất cứ ai đều có thể đạt đến tài năng của họ. Isaac cho rằng tất cả những thiên tài đều có thể đạt được sự tinh hoa là từ chính mình, chứ không nhờ đến ân sủng của các vị thần. Leonardo da Vinci cũng không phải là ngoại lệ.

Nếu như ai đã đọc Steve Jobs thì sẽ biết rằng Jobs là con nuôi của bố mẹ ông, thì Leonardo da vinci là con hoang của một chưởng khế chuyên viết công văn và khế ước tên là Piero da Vinci với một thiếu nữ 14 tuổi tên là Caterina. Cuộc đời Leonardo bắt đầu theo một cách không đơn giản nên những gì sau này ông học hỏi và tiếp thu cũng rất khác biệt.

2. Đi tìm bí mật của thần thánh

Vì là con ngoài giá thú nên Leonardo da Vinci sẽ không được kế nhiệm vị trí của cha mình cũng như chẳng được hưởng một cuộc sống bình thường. Về học hành, ngay từ nhỏ Leonardo da Vinci hầu như không đi học, thậm chí còn không biết nhiều về tiếng Latin, thứ ngôn ngữ dùng trong công việc của nước Ý lúc đó và cũng không biết phép toán chia. Một cái tên được gắn với nhiều giai thoại, sự thật và phép màu của thần thánh phủ lên mà cũng có những góc không toàn vẹn như bất cứ ai.

Theo mình, có lẽ hai chữ “thiên tài” với các góc cạnh hoàn hảo luôn nói về các con người vĩ đại là không đúng. Steve Jobs cũng không biết lập trình nhưng di sản ông để lại là một công ty công nghệ với các sản phẩm đỉnh cao với nghệ thuật tối giản. Thiên tài đúng hơn là sự chênh vênh và mâu thuẫn kì lạ giữa việc biết quá nhiều và không biết gì. Leonardo Da Vinci theo học ở xưởng vẽ của Andera del Verrocchio, bậc thầy nổi tiếng nhất thành Florence. Leonardo da Vinci hơn cả người dẫn dắt mình hai khía cạnh: khả năng vẽ và xao nhãng trong công việc. Trong thế giới hiện đại, việc xao nhãng và không tập trung ảnh hưởng rất lớn đến khả năng làm việc và Leonardo da Vinci cũng giống như những con người lười biếng nhất. Ông hiếm khi hoàn thành các tác phẩm của mình bởi trí tưởng tượng siêu phàm luôn dẫn dắt ông hướng đến những điều mới mẻ, những câu hỏi thay vì tập trung vẽ.

Suốt cuộc đời Leonardo da Vinci chỉ hoàn thành 15 bức tranh. Trong đó có những bức liên tục được vẽ và chính sửa trong thời gian dài như “Mona Lisa”, “Bữa tiệc ly” hay “Chúa Cứu thế.” Nghịch lý là Leonardo da Vinci luôn luôn nhắc nhở mình về sự xao nhãng bằng cách ngày nào cũng viết vào sổ tay mấy chữ “Nói ta nghe, nói ta nghe ngươi đã làm được những gì?”

3. Sự ám ảnh của người phàm

Bất cứ ai cũng đều có những lúc phóng đại về bản thân mình và Leonardo da Vinci cũng làm vậy khi gửi các lá thư đến mấy vị bảo trợ cho mình. Ông giới thiệu bản thân đến Ludovico Sforza là vương công xứ Milan bằng một bức thư tâng bốc quá đà Ludovico lẫn bản thân mình được bắt đầu bằng “Thưa vị chủ nhân tiếng tăm lẫy lừng bậc nhất”. Sau đó Leonardo da Vinci liệt kê ra 11 điều tài giỏi liên quan đến kiến trúc, toán học, chế tạo vũ khí, thuỷ lợi, điêu khắc và vẽ được mọi thứ. Leonardo da Vinci sau này khi giới thiệu mình đến những quân vương, Giáo hoàng tiếp theo cũng tán tụng bản thân bằng sự huyễn hoặc chứ không phải thực tế.

Leonardo da Vinci cũng bị ám ảnh với sự nổi tiếng và tiền tài trong một thời gian. Ông luôn tìm cách chứng minh mình với đám vương công bằng kĩ năng chơi nhạc hay thiết kế các vũ khí được lưu lại trong sổ chép tay của mình. Thậm chí Leonardo da Vinci còn hướng tài năng của mình và chiến tranh với những bức phác hoạ đẫm máu và các thiết kế vũ khí sát thương để làm chiều lòng các nhà vua.

Vậy một người được coi là “á thần” như Leonardo liệu có ghen tức với ai không? Có, vì đó cũng là một “á thần” của thời kì Phục Hưng có tên Michelangelo.

Leonardo da Vinci cảm thấy ghen tức với bức tượng David của Michelangelo khi được đặt ở trung tâm Florence cũng như việc Michelangelo nhận được sự bảo trợ tốt hơn từ những người giàu có hơn ông. Chính Leonardo góp ý rằng bức tượng David nên đặt ở một chỗ nào đó “kín đáo” để nhiều người không phải xấu hổ với chỗ kín của David phô bày ra. Dù rằng chính ông không bao giờ che giấu mình là người đồng tính và có nhiều bạn trai trẻ tuổi.

Sự mâu thuẫn luôn tồn tại là một ân huệ và lời nguyền với các tài năng. Leonardo da Vinci là người đứng đầu trong các thiên tài về sự mâu thuẫn tồn tại trong mình. Khả năng quan sát, sự tò mò và trí tưởng tượng là những yếu tố tạo nên sự vĩ đại và phủ lên Leonardo da Vinci sắc màu thần thánh. Nhưng đó cũng chính là những gì mà cá nhân mình hay bất cứ ai trong các bạn đều có sẵn.

Leonardo da Vinci chỉ là một trong những người kết hợp với tất cả những điều đó để đem đến tới những bức hoạ vô giá của mình. Ngoài khả năng vẽ mọi thứ là điều được công nhận, thì Leonardo là người tiên phong về giải phẫu, vẽ bản đồ, nước, cây cỏ và đặt những câu hỏi “Tại sao bầu trời có màu xanh? Mô tả như thế nào về lưỡi của chim gõ kiến?” Da Vinci cũng sớm nhận ra rằng với một lối sống ăn chay sẽ giúp cho cơ thể tốt hơn, ông tìm được cách ngủ ít để dành thời gian tối đa cho việc tưởng tượng và quan sát.

Trong cuốn Leonardo da Vinci của Walter Isaacson còn viết chi tiết về giới tính của Vinci. Leonardo da Vinci là một người đồng tính nhưng ông không bao giờ giấu giếm điều đó. Một mâu thuẫn lớn nhất trong những bức hoạ của Leonardo da Vinci là ông vẽ về phụ nữ khá nhiều và nổi tiếng nhất là bức Mona Lisa. Tuy nhiên tất cả những bức họa về phụ nữ đều là đơn đặt hàng chứ không phải là niềm say mê của Leonardo. Ông đam mê thân thể nam giới và choáng váng trước vẻ đẹp của các chàng trai.

4. Bao nhiêu sự thật trong truyện của Dan Brown?

Trong cuốn Mật mã da Vinci của Dan Brown viết rằng John ngồi cạnh Chúa Jesus là Maria Madalena vợ Người, nhưng nếu ai biết rõ về Leonardo da Vinci thì đó là một bịa đặt nhằm câu khách của Dan Brown.

Leonardo da Vinci mê mẩn vẻ đẹp lưỡng giới và luôn vẽ các nhân vật nam với khuôn mặt xinh trai, nhỏ nhắn cùng một cơ thể đẹp. Và trên hết Leonardo không quan tâm tôn giáo cũng như không hề gia nhập vào bất cứ một hội nhóm nào cả. Quan trọng nhất, Leonardo không khác chúng ta là bao ngoài sự tò mò vô hạn.

5. Học hỏi ở Leonardo da Vinci

“Người có tài năng hướng tới mục tiêu mà không ai khác có thể hướng tới. Thiên tài hướng mục tiêu mà không ai khác có thể nhìn thấy.”

Không chỉ trong cuốn sách này mà Leonardo da Vinci luôn được nhắc đến là thiên tài của các thiên tài ở thời kì phục hưng và trong thế giới hiện đại ông còn được nói đến nhiều hơn nữa. Nhiều sử gia, các nhà nghiên cứu không ngớt tán tụng về những gì ông đã làm và câu hỏi rằng hậu thế liệu có ai sánh được với Leonardo da Vinci và điều gì đã tạo nên Leonardo da Vinci?

Leonardo là một hình ảnh thu nhỏ của trí tuệ vạn năng, luôn nỗ lực tìm hiểu tạo hoá theo vô hạn cách cũng như đưa con người hoà vào trong sự vô hạn đó. Ông là con người và cũng là thần thánh. Chúng ta cũng như vậy.

Trí tưởng tượng, tò mò không giới hạn và khả năng quan sát là những điều cơ bản tạo nên một con người, nhưng ít ai có thể tận dụng tốt nó như Leonardo da Vinci. Đối với mình khi đọc xong cuốn tiểu sử này thì câu hỏi đúng là “bạn sẽ làm gì với những thứ mình cũng có như Leonardo da Vinci?” và mình tin rằng trong hiện tại và tương lai sẽ xuất hiện những Leonardo da Vinci khác bằng chính các phương pháp của ông như :

  • Hãy tò mò không nghỉ ngơi
  • Tìm kiếm tri thức vì tri thức
  • Quan sát
  • Bắt đầu với các chi tiết
  • Nhìn ra những thứ khó nhìn thấy
  • Đừng ngại mạo hiểm
  • Hãy để mình xao lãng trong sáng tạo
  • Tôn trọng sự thật
  • Trì hoãn để cảm nhận sự hoàn mỹ
  • Tránh tư duy hạn hẹp
  • Không ngừng vươn xa
  • Say sưa tưởng tượng
  • Sáng tạo cho bản thân chứ không vì khách hàng
  • Ghi chú vào giấy và sổ
  • Cởi mở trước những điếu bí ẩn

Đáp án về mô tả lưỡi của chim gõ kiến mà Leo quan sát và ghi chú lại:

“Lưỡi của chim gõ kiến có thể kéo dài gấp 3 lần chiều dài mỏ, khi không dùng đến nó thụt sâu vào trong sọ và cấu trúc giống như sụn của nó tiếp tục đi xuyên qua hàm để bao quanh đầu sau đó vòng xuống lỗ mũi. Ngoài đào bới giun trong thân cây, cái lưỡi dài còn bảo vệ não của con chim khi liên tục thục mỏ vào thân cây với lực tác động lên đầu nó lớn gấp 10 lần có thể làm chết mình. Cái lưỡi kì lạ này cũng cũng đóng vai trò như một cái đệm, giúp bảo vệ não con chim khỏi bị tổn thương.”

Tác giả: Đức Nhân
Edit: THĐP

Ảnh: Tiki

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha của THĐP để trau dồi kiến thức trí tuệ, những nội dung được chọn lọc chỉ có tại THĐP ➡️ bit.ly/THDPmembership
🎯 All Volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

6 góc nhìn phiến diện về bản ngã ngăn cản sự thức tỉnh của con người

0

Chắc hẳn các bạn ở đây đã từng nghe về khái niệm bản ngã (ego) hoặc đang trên đường tìm hiểu về nó. Thậm chí những người đã từng tu tập hay có các trải nghiệm tâm linh thì có thể nếm trải được góc cạnh nào đó của bản ngã. Tuy nhiên, mình để ý thấy rằng có rất nhiều người (trong đó có mình trước kia) đã từng có góc tiếp cận hời hợt về ego, từ đó tạo nên một lăng kính không trong sáng để nhìn rõ sự thật hay thực tại đang phơi bày trước mắt. Những tư tưởng này không được giải tỏa và làm sạch mà còn bị lan tràn từ người này sang người nọ, để càng ngày càng nhiều người sở hữu những tri kiến ấy, cản trở sự thức tỉnh tâm linh.

Xét theo nguyên lý âm dương thì Chân Ngã mang nguyên lý dương, là nền tảng và ý tưởng vững chắc không thể bị biến đổi, còn bản ngã mang nguyên lý âm là sự chuyển động liên tục để biểu diễn ý chí của Chân Ngã thành hình hài cụ thể. Hai thứ không tách biệt khỏi nhau mà nương nhờ nhau để tồn tại và biểu lộ, như hai mặt của đồng tiền, như hình với bóng. Chân Ngã là Luật, bản ngã là người thi hành Luật, biến thế giới thành nơi tràn đầy vẻ đẹp hoàn hảo.

Dựa theo đó, mình sẽ chỉ ra 5 góc nhìn lệch lạc phổ biến nhất của con người trong quá trình tìm kiếm chân lý và tu tập.

1. “Bản ngã là xấu xa.”

Đây có lẽ là tư tưởng mà đa số người tu vướng phải. Khi nghe hay đọc những nội dung khai sáng từ bậc đạo sư nào đó nói về ego và sự tan rã của nó, hay những ảnh hưởng tiêu cực của nó trong đời sống thì chúng ta dễ dàng lầm tưởng rằng nó là xấu xa, đáng ghét. Cái xấu xa ở đây là thái độ tiêu cực của con người với một phần của sự tồn tại, một phần thiết kế của Thượng Đế, còn ego không xấu xa. Khi sử dụng một góc nhìn tiêu cực thì cái gì nằm trong góc nhìn đó cũng là thứ dở tệ, hay tai hại. Nếu có bản ngã xấu xa thì đó là do người mang nó chưa thể hiện đúng trách nhiệm và bổn phận quy phục Chân Ngã, bản ngã sẽ không được điều tiết và chế ngự.

Nếu một người tu tập ngay từ ban đầu đã có định kiến rằng bản ngã xấu xa thì họ sẽ không thể nhìn ra được giá trị chân thực của bản ngã và những phần tốt đẹp từ nó mà họ đang được hưởng. Muốn biết nó là xấu hay đẹp thì trước tiên một người phải bỏ đi mọi định kiến về nó.

2. “Bản ngã là vô dụng.”

Khi nhìn bản ngã là xấu xa tồi tệ, một người cũng không nhìn thấy được giá trị gì của bản ngã, coi nó như là một đống rác đổ đi, vô dụng và thừa thãi. Đây là tư tưởng sai lầm thứ hai của người tu tập. Nếu không có bản ngã thì người đó không ăn được, không biết lao động là như thế nào, không biết nói chuyện, vui đùa hay nghỉ ngơi, nói chung là họ không thể đứng vững ở trong thế giới vật lý này mà có được an toàn. Họ sẽ rồ xe lao vào gốc cây, sẽ cầm dao để cứa vào thân thể chính mình và bảo rằng tôi đang dùng bông hoa để gãi ngứa cho cái cột điện. Hay nói cách khác, khi không nương tựa vào chức năng tiếp cận với thực tại vật lý của bản ngã, một người sẽ hoặc là sống đời thực vật, hoặc là điên khùng rồ dại, làm những chuyện ngu xuẩn mất trí không thể tưởng tượng nổi. Hay một ví dụ khác đó là mình đang viết những dòng chữ này là nhờ bản ngã, đang truyền đạt các ý tưởng cũng là nhờ nó, và lựa cách viết sao cho dễ hiểu và rõ ràng cũng là nhờ nó nốt. Bản ngã là chiếc xe ô tô, Chân Ngã là người lái xe. Nếu không có chiếc xe thì ý muốn di chuyển của người lái xe cũng không có giá trị gì, cũng như không được hoàn thiện và tựu thành. Hay nói cách khác, bản ngã là nơi mà ý chí và ước mơ của bạn (ở phạm vi nhỏ), và God (ở phạm vi lớn) được hiển thị.

3. “Người còn bản ngã là vô minh.”

“Người còn bản ngã là còn vô minh”, theo mình thì đây là một mệnh đề bị thiếu sót và còn phiến diện. Chính xác hơn thì người còn bản ngã chưa kết nối, chưa quy phục Chân Ngã là còn vô minh. Vì như đã nói ở trên, giá trị của bản ngã là phụng sự Chân ngã, và nhờ sự hiện diện của Chân Ngã quyết định. Nếu một người chưa nhận ra hoặc ít nhất tin vào sự tồn tại và hiện hữu của tâm hồn, Thượng Đế, thì bản ngã là vô dụng và là tấm màn vô minh che phủ con mắt nhìn đời. Họ sẽ sống trong việc sử dụng sai mục đích của bản ngã, như tích lũy của cải vật chất, tham lam, đố kị, hãm hại lẫn nhau, v.v…

4. “Bản ngã phải bị giết chết hoặc dẹp bỏ.”

Một cách tiếp cận tiêu cực về bản ngã sẽ sinh ra ý muốn tác động tiêu cực với nó. Người tu sẽ muốn đè nén bản ngã, muốn nó phải chết đi. Nói chung đây đều là những ý muốn rất cực đoan và bạo lực. Cái cần bị giết chết và dẹp bỏ không phải là bản ngã, mà là góc nhìn tiêu cực và phiến diện về nó. Khi còn thái độ tiêu cực, một người sẽ không thể có bình an. Còn khi có bình an, anh ta mới đạt đến sự sáng suốt, sẽ nhìn ra các giá trị vô tận của ego và biết cách sử dụng nó để sống một cuộc đời hữu ích, hay xây dựng một thế giới tươi đẹp. Như Đức Krishna đã nói trong Chí Tôn Ca:

“Con người cần sử dụng tâm trí để giải thoát chính mình, chứ không phải để thoái hóa. Tâm trí vừa là bạn vừa là thù của linh hồn. Đối với người đã chế ngự được tâm trí, nó là bạn tốt nhất. Còn đối với kẻ chẳng làm được điều đó, nó là kẻ thù ghê gớm nhất.” (6:5-6)

5. “Chưa dập tắt bản ngã thì chưa thoát luân hồi.”

Mình đã từng nghe có người nói rằng chưa hết bản ngã thì chưa thể thoát luân hồi. Vấn đề ở đây không nằm ở việc có thoát luân hồi hay không, vấn đề nằm ở việc một người sống trong luân hồi như thế nào, có lành mạnh không, có thức tỉnh không. Vì nếu câu trả lời là có thì luân hồi không còn ảnh hưởng gì đến họ. Giống như là phải có thần thông để làm trời hôm nay hết mưa, nhưng vấn đề là ta có thể mặc áo mưa đi làm hoặc tắm mưa với niềm hạnh phúc thì mưa chẳng còn là thứ cần phải chống cự. Dựa vào một ý tưởng phiến diện về luân hồi rồi sinh ra ý muốn dẹp bỏ bản ngã là chuyện mê lầm, hoang tưởng. Nếu luân hồi đã không cần thoát thì bản ngã cũng không cần dập. Cái gì cũng có mục đích, vị trí, sứ mệnh của nó trong cuộc đời, theo đúng cách thiết kế của Thượng Đế. Giác ngộ không phải là dập tắt bản ngã hay thoát luân hồi, mà là hiểu ra được bản chất và mục đích chân thực của mọi tạo vật trong thế giới (bao gồm cả chính mình.) Khi ấy, bức tranh thực tại hiện ra là hoàn mỹ. Câu chuyện cuộc đời không còn là chạy đua và giãy đạp để thoát khổ, mà là chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoàn hảo của tất cả mọi thứ.

6. “Bản ngã tách biệt với Chân Ngã.”

Vì tư tưởng sai lầm nên người tu nhìn nhận bản ngã xấu xa, trong khi đó được nghe hiểu về Chân Ngã là thứ tốt đẹp vẹn toàn. Nên người đó sinh ra góc nhìn bản ngã là khác biệt và tách biệt với Chân Ngã. Điều này tiếp tục củng cố sự chia rẽ và phân cực nặng nề trong tâm tưởng của họ. Và một người không được thống nhất và dung hòa mọi mặt của tâm trí thì sẽ luôn sống trong mâu thuẫn, tối tăm và không đi đến được lời giải đáp cuối cùng. Nói bản ngã tách biệt với Chân Ngã cũng không khác gì nói con người tách biệt với Thượng Đế, cành cây tách biệt với rễ cây, và con sông thì tách biệt với đại dương. Nếu nói như vậy thì chẳng khác nào người đó đã phủ nhận sự tồn tại của thân cây, và khẳng định rằng cái cành cây có thể xanh tốt và đơm hoa kết quả mà không cần phải gắn liền một mối với cội rễ. Đây là một tư tưởng vô cùng phi lý và sai lầm.

Trong cuốn Kỳ thư Kybalion cũng đã nói về tính nhị nguyên của hiện tượng. Ý thức và vật chất là hai thái cực khác nhau của cùng một thứ, như nóng và lạnh là hai biểu hiện đối lập của nhiệt độ, nhanh chậm là hai sắc thái tương phản của tốc độ. Làm sao ta tìm ra được đâu là nơi cái nóng hay cái lạnh bắt đầu, đâu là nơi cái nhanh chuyển thành cái chậm. Tương tự như vậy, ta sẽ không thể tìm ra được điểm phân tách giữa bản ngã và Chân ngã, giữa con người và Thượng Đế.

Vì sống với tư tưởng tách biệt nên người hành giả không nhìn ra những giá trị ẩn tàng sau mọi hiện tượng. Anh ta đã tự che khuất con mắt trí tuệ của mình bằng ảo tưởng rằng bản thân chẳng có gì liên quan đến những điều kỳ diệu. Góc nhìn tách biệt này cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự vô thần, dẫn đến những đau khổ không hồi kết trong cuộc sống vì con người đã tin rằng chính bản thân họ không hề có một cội nguồn tuyệt diệu.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có câu nói này:

“Chúng ta ở đây là để thức tỉnh khỏi ảo tưởng về sự tách biệt.”

Có nhiều người cũng cất công tu tập nhưng không hướng tới sự hiệp nhất này nên khó lòng chứng ngộ mà cứ đi lòng vòng với những tư tưởng tiêu cực.

Vậy là vừa xong mình vừa chỉ ra 6 ảo tưởng sai lầm về bản ngã mà một người có thể mắc phải trong quá trình kiếm tìm chân lý. Khi thức tỉnh, bạn sẽ không tìm thấy điều gì mới, mà đơn giản là gạn lọc đi được những tư tưởng hạn hẹp cũ. Càng thanh sạch và tường minh bao nhiêu, bạn càng tới gần sự tỉnh táo bấy nhiêu. Vậy nên nếu bạn đang khao khát sự khai sáng, đừng mất công đuổi bắt những chân lý mãi ở nơi nào, mà hãy quan tâm việc làm sạch tư tưởng của chính mình, hay những định kiến mà bản thân vẫn tưởng rằng đó là chân lý.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Ảnh: Mr TT

Các bài viết liên quan

>> Sự hình thành của Bản ngã (Ego) – Vì sao cái tôi cá nhân của bạn chỉ là ảo tưởng

>> Ảo tưởng về sự tách biệt — Tìm Hiểu Sâu Hơn Về Bản Chất Của Ego (Bản Ngã / Cái Tôi Cá Nhân)

>> Cái chết của bản ngã (Ego death) – Tắt đi chế độ phòng thủ


🎯 Đặt mua tạp chí Aloha của THĐP để trau dồi kiến thức trí tuệ, những nội dung được chọn lọc chỉ có tại THĐP ➡️ bit.ly/THDPmembership
🎯 All Volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

Hoàn Thành, Jon Acuff – Chỉ 8% sẽ theo đuổi mục tiêu đến cùng

1

Tại sao nhiều người sợ hoàn thành công việc?

Nỗi sợ thất bại chỉ là một nửa của vấn đề khi bạn bắt tay làm một việc nào đó. Một nửa còn lại là mọi người sợ hoàn thành nó. Vì nếu bạn không hoàn thành, sẽ chẳng có chê bai bạn hay nói rằng bạn đã làm rất tệ hoặc thất bại. Cuốn Finish (Hoàn Thành) sẽ giải thích cụ thể về chuyện này, theo cách rất thuyết phục và hài hước. Mình có thể nói rằng cuốn Hoàn Thành là một phiên bản nhẹ nhàng, dễ đọc và hài hước hơn so với Deep Work – tập trung sâu. Hoàn Thành đề cập cách làm thế nào để hoàn thành công việc, mục tiêu, tập luyện với một vài mẹo khá thú vị. Trong đó tác giả Jon Acuff có chỉ ra cách đọc 100 cuốn sách 1 năm cực kì đơn giản là bằng… niềm vui.

Jon Acuff mở đầu bằng việc dẫn chứng các nghiên cứu chỉ ra rằng 92% mọi người sẽ bỏ cuộc – Thuật ngữ gọi là Quyết tâm mùa xuân. Từ việc chạy bộ, giảm cân, viết sách, hoàn thành các dự án… tất cả sẽ bỏ cuộc ngay sau những ngày đầu tiên khi thực hiện không suôn sẻ, hoặc chưa có kết quả tích cực hơn.

Mình sẽ chia sẻ 4 nguyên do mà 8% còn lại hoàn thành được công việc hay mục tiêu của mình mà trong cuốn Hoàn thành chỉ ra là: loại bỏ sự hoàn hảo, nói không với vài thứ, tin vào dữ liệu và luôn vui vẻ. Có những cách khác khi áp dụng cũng rất hay, mọi người có thể tìm đọc trong sách. Đối với mình thì 4 điều dưới đây rất phù hợp với bản thân.

1. Hoàn Thành – Vượt qua chủ nghĩa hoàn hảo

Ví dụ như bạn quyết tâm đi làm sớm để có thời gian cho công việc, nhưng khi đưa con đi học thì chúng lại dậy muộn, hay kẹt xe sẽ làm bạn cảm thấy một ngày bắt đầu cực kì tồi tệ và cho rằng mình không thể bắt đầu công việc có hiệu quả được.

Hoặc hôm nay chạy được 5km, nhưng thời tiết quá nóng hay quá lạnh làm bạn hôm sau chỉ chạy được 2-3km và bắt đầu thấy nản chí để duy trì sự hoàn hảo của 5km đặt ra, rồi dần dần từ bỏ.

Để vượt qua được chủ nghĩa hoàn hảo, Jon Acuff viết rằng đừng chờ đợi những điều kiện tốt nhất khi làm việc, tập luyện hay phát triển kĩ năng mới. Việc bạn kiểm soát được tất cả những gì sẽ xảy ra là điều điên rồ. Hãy làm ngay trong mọi hoàn cảnh có thể.

VD: Muốn làm việc tập trung hãy ngắt internet khi gõ laptop. Muốn giảm cân thì đừng mua kem cất trong tủ lạnh.

2. Hãy nói không với nhiều thứ khác

Kể cả việc bạn tỉ mỉ chuẩn bị một bữa ăn ngon nếu trong ngày hôm đó phải đi tập. Nếu bạn quá lười để bắt đầu làm việc gì đó thì hãy nói không với vài thứ khác.

Ví dụ sau 8 tiếng đi làm, bạn có lịch hôm nay phải đi tập. Nhưng trước khi đi tập bạn muốn ăn cái gì đó, xem cái gì đó để trì hoãn việc đi tập. Như thế thời gian sẽ bị tích lại, và những việc làm bạn phân tâm đó sẽ càng làm buổi tập của bạn trôi vào ngày hôm sau. Và ngày hôm sau sẽ là một ngày khác khi bạn tự nói rằng mình sẽ quay lại tập bất cứ lúc nào cũng được.

Hãy nói không với những suy nghĩ và công việc chưa cần thiết đó. Đội mũ bảo hiểm và lao vào tập ngay đi. Lượng calo của bạn sẽ tiêu hụt ngay lúc này khi bạn nói không với cả suy nghĩ của mình.

3. Tin vào dữ liệu

Dữ liệu ở đây chính là những con số bạn tích luỹ qua từng ngày khi làm việc, viết lách và tập. Dữ liệu chính là sự đối lập với chủ nghĩa hoàn hảo. Sự hoàn hảo luôn yêu cầu và chính bản thân bạn cũng thích nó khi muốn những gì mình làm đều êm xuôi tốt đẹp và có hiệu quả ngay lập tức. Rất tiếc là sự hoàn hảo chính là lời nói dối ngọt ngào nhất.

Hôm nay bạn đọc được 20 trang, ngày mai 30 trang nhưng ngày kia 5 trang thì vẫn tốt hơn là không có trang nào. Chỉ cần mỗi ngày bạn đều đọc, viết hay chạy bộ thì dữ liệu sẽ được tích lại và đến thời điểm đúng là thì trở thành Hoàn thành.

Kiên nhẫn trong mỗi ngày làm chính là biến dữ liệu thành kết quả chứ không phải là sự hoàn hảo.

4. Khi vui vẻ, bạn đọc 100 cuốn sách cũng được

Năm 2017 Jon Acuff chỉ đọc đúng 18 cuốn. Năm sau thì anh đọc hơn 100 quyển mà còn ít hơn cả thời gian đọc 18 cuốn. Vì Jon Acuff chỉ đọc những cuốn anh thích đọc, những cuốn sách anh cảm thấy vui vẻ để đọc, kể cả truyện tranh. Anh nói rằng đọc cuốn sách 200 trang bạn thấy thích còn hơn là phải nhai một tác phẩm kinh điển 700 trang và cảm thấy nản chí.

Mục tiêu đọc 100 cuốn không nhất thiết phải là những cuốn sách hạng nặng và có ai đó nói rằng bạn nhất định phải đọc. Hãy đọc những gì bạn muốn và làm bạn vui vẻ. Khi hoàn thành được những gì đã bắt đầu, thì nó sẽ biến thành thói quen tốt.

Tác giả: Đức Nhân
Edit: THĐP

Ảnh: Igor Ferreira

Bí mật kiếm tiền tỉ của Steve Jobs có phải là LSD và Cần sa?

7
*Bài viết hiện có 2.4K Likes trên Medium

Thông tin từ cuốn tự truyện của Steve Jobs

Steve Jobs

Sau khi Steve Jobs đã thất thủ trước cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư của ông, cuốn tự truyện với tên gọi đơn giản là Steve Jobs (tác giả: Walter Isaacson) đã được xuất bản. Quyển sách đã được viết ra sau rất nhiều giờ từ nhiều buổi phỏng vấn người đồng sáng lập huyền thoại, cựu chủ tịch, cựu CEO (Tổng giám đốc điều hành) của Apple. Một số người đã bị sốc khi được biết về những chi tiết về đời tư của thiên tài này, đặc biệt là về lịch sử sử dụng “đồ” (drugs) của ông.

Nó đã quá sốc khi biết rằng Jobs đạt tới đỉnh cao tiền tài danh tiếng mà không có được một tấm bằng đại học. (Ông bỏ đại học sau 6 tháng và đã hy vọng rằng mọi thứ “sẽ ổn thôi.”) Nhưng đa số mọi người đều không biết rằng ông đã từng có thời gian dấn thân vào triết học / tôn giáo Đông phương, ăn chay trường, không tắm (trong thời gian dài), và từng sử dụng rất nhiều các loại chất biến đổi tâm trí (chất thức thần).

LSD là loại thuốc yêu thích của Steve Jobs

Rõ ràng, LSD là loại thuốc yêu thích của Steve Jobs. Trên thực tế, ông đã không muốn dính líu tới bất cứ những ai chưa từng trải nghiệm qua loại thuốc này. Trong những năm đầu của Apple, Jobs tìm kiếm những ứng cử viên nổi loạn, chứ không phải những thể loại mọt sách công nghệ thông thường ứng cử vào những vị trí tuyển dụng.

Khi một ứng cử viên có thái độ cứng nhắc bước vào phỏng vấn, Jobs đã hỏi y, “Cậu còn trinh không? và “Cậu đã dùng LSD bao nhiêu lần?”

Không những Jobs muốn có được những đồng sự biết khám phá tâm trí của chính họ với chất thức thần, ông còn quy kết sự thành công của chính mình cho các chất này. Những hồ sơ FBI trong quá khứ về Jobs đã đưa thông tin này ra ánh sáng, từ những ngày khi ông cần có được sự thông qua của chính phủ để làm việc với Pixar (thời đó Steve Jobs nắm nhiều cổ phiếu của Pixar nhất).

Trong hồ sơ, Jobs thú nhận:

“Suốt giai đoạn đó (1972-1974) tôi đã dùng LSD khoảng 10 đến 15 lần. Tôi hấp thụ LSD dưới dạng một cục đường hoặc dưới dạng gel cứng. Tôi thường dùng LSD khi ở một mình. Tôi không có lời nào để diễn tả hiệu ứng có được với LSD, tuy nhiên, tôi có thể nói rằng nó là một trải nghiệm tích cực thay đổi cuộc đời đối với tôi và tôi mừng là tôi đã trải qua chuyện đó.”

0_86992qc-1T8ZB8Yt

Jobs cũng đã hút cần sa hay hashish (một sản phẩm tinh chế từ cần sa), hay ăn những chiếc bánh brownie sô-cô-la được nấu từ tinh chất cần sa, một hoặc hai lần từ năm 1973 đến 1977.

Đối với nhiều người, những tiết lộ này không có gì quá ngạc nhiên. Rõ ràng, nhiều nhân vật sáng chói — không thiếu những nhà sáng chế — đã sử dụng thuốc để mở rộng giới hạn tâm trí của họ. Bill Gates, một tỉ phú công nghệ khác, cũng đã từng có lịch sử với LSD. Vì một số lý do, văn hóa của chúng ta không đồng hóa thiên tài với việc dùng thuốc, nhưng Steve Jobs rõ ràng là bằng chứng cho thấy hai việc đó không phải lúc nào cũng loại trừ lẫn nhau.

Source: First to Know
Biên dịch: Prana

Bình luận từ Akasha

Về Steve Jobs và hành trình tâm linh

Trong hành trình khám phá chân ngã của mình, Steve Jobs đã hướng về Đông Phương với niềm tin rằng triết học Đông phương sẽ mở ra một cánh cửa mới vào tâm hồn. Khi còn là một thanh niên, Steve Jobs đã đi sâu vào nền văn hóa Ấn Độ, nơi triết học không chỉ là những lý thuyết xa vời mà là những bài học sống động, được thể hiện qua từng nếp sống hàng ngày. Steve Jobs đã dành thời gian để hiểu về Advaita Vedanta, một hệ thống tư tưởng cổ đại nhấn mạnh sự thống nhất của Atman và Brahman – tâm hồn cá nhân và tâm hồn vũ trụ.

Ngoài Advaita Vedanta, Zen Buddhism, với sự nhấn mạnh vào sự tỉnh thức và nhận thức trực tiếp, đã giúp Steve Jobs hình thành một cách tiếp cận mới trong việc quản lý và sáng tạo. Thiền định không chỉ giúp ông giảm bớt căng thẳng mà còn là công cụ để phát triển sự tập trung và tư duy phản biện. Từ đó, Steve Jobs đã đưa vào Apple một văn hóa đặc trưng với sự đơn giản trong thiết kế và rõ ràng trong mục tiêu.

Steve Jobs tin rằng việc lắng nghe và hiểu bản chất của sự vật qua quan sát và thiền định là chìa khóa để tạo ra những sản phẩm không chỉ hữu dụng mà còn có sức lan tỏa về mặt tinh thần. Ông coi trọng việc tạo ra sự kết nối giữa người dùng và công nghệ, giống như cách Zen tìm cách kết nối con người với thực tại tối hậu.

Sự đơn giản mà ông truyền bá không chỉ dừng lại ở bề mặt của sản phẩm mà còn thấm sâu vào triết lý kinh doanh. Đối với Jobs, “ít hơn là nhiều hơn” không chỉ là một khẩu hiệu mà là một phương châm sống, một cách để đối diện với thế giới phức tạp bằng sự tĩnh lặng và hiểu biết.

Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng cuộc sống và sự nghiệp của Steve Jobs không chỉ được xây dựng trên những thành công vật chất mà còn được nâng đỡ bởi một hành trình tâm linh phong phú, đi tìm kiếm chân lý qua những bài học triết học sâu sắc từ khắp nơi trên thế giới.

Về Steve Jobs và LSD

Steve Jobs không ngần ngại chia sẻ về kinh nghiệm của mình với LSD, mô tả nó như một trong những điều quan trọng nhất mà ông đã từng làm trong đời. Ông xem chất thức thần này không chỉ đơn thuần là một phương tiện để “thoát ly” mà còn là cánh cửa mở ra những tầng lớp sâu kín của ý thức, nơi mà ý tưởng sáng tạo có thể tự do bay bổng không giới hạn.

Những chuyến đi của tâm trí Steve Jobs trải qua dưới ảnh hưởng của LSD đã mở rộng tầm nhìn của ông, giúp ông thấy được sự liên kết không ngờ giữa vẻ đẹp, khoa học và sự sáng tạo. Kinh nghiệm này đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình hình thành nên tư duy thiết kế và triết lý kinh doanh của ông.

Về Steve Jobs và cái chết

Về cái chết, Steve Jobs có một quan điểm tâm linh sâu sắc. Trong bài phát biểu nổi tiếng tại Đại học Stanford, ông đã nói về cái chết như một đổi mới lớn nhất của cuộc sống, một phương tiện để dọn dẹp cái cũ và nhường chỗ cho cái mới. Ông không xem cái chết như một kẻ thù mà như một phần tự nhiên của cuộc sống mà tất cả mọi người đều phải đối mặt.

Sự chấp nhận này không phải đến từ nỗi sợ hãi mà từ một sự hiểu biết sâu sắc về Atman, là chân ngã không bao giờ chết đi, mà chỉ chuyển hóa từ hình thái này sang hình thái khác. Đối với Steve Jobs, cái chết không phải là kết thúc mà là một phần của quá trình tiến hóa của linh hồn – một quá trình không ngừng diễn ra và tái tạo chính nó trong vũ trụ.

Những quan điểm này của Steve Jobs không chỉ phản ánh sự độc lập tư duy và khao khát hiểu biết sâu sắc của ông mà còn cho thấy sự liên kết giữa tư duy đổi mới trong công nghệ và tư duy tâm linh. Chúng tạo nên một bức tranh đầy màu sắc về một nhà lãnh đạo tài ba, người không chỉ thay đổi thế giới qua những sản phẩm công nghệ mà còn qua những suy tư sâu sắc về cuộc sống và cái chết.

Xem thêm

>>> [THĐP Translation™] Mẹ kế đối chất tôi việc dùng LSD
>>> [THĐP Translation™] Microdosing* LSD không chỉ là một trào lưu ở Thung Lũng Silicon, nó đang lan rộng ra nhiều môi trường công sở khác
>>> LSD và âm nhạc của nhóm The Beatles
>>> Một người dành ra 2 ngày để dùng LSD và xem The Simpsons
>>> [Bài dịch] 10 điều bạn nên biết về LSD

Đại dịch là cơ hội để con người nhìn lại cách đối xử của mình với môi trường

1

Với sức ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cuộc sống bình thường của người dân đang thay đổi nhanh chóng. Dĩ nhiên môi trường cũng thế, theo chiều hướng tiêu cực. Đại dịch Covid-19 là biến cố nghiêm trọng trong nhiều năm qua, nhưng nó cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho con người.

Việt Nam là quốc gia có thiên tai tàn phá hằng năm và biến đổi khí hậu trở thành thách thức lớn nhất trên chặng đường phát triển. Không khó để nhìn ra các yếu tố tác động đến môi trường như dân số tăng, quá trình đô thị hóa mạnh và nhất là khí thải nhà kính ngày càng tăng do phát triển công nghiệp và dân cư.

Trên thế giới, các nước khác cũng gặp phải vấn đề tương tự, dù ở nhiều góc độ khác nhau. Rất nhiều cảnh báo đã được đưa ra cho con người, nhưng bản chất của việc tăng trưởng cũng bao gồm việc gây hại đến môi trường, không nhiều thì ít.

Trong thời gian hầu như tất cả các nước trên thế giới buộc phải dừng các hoạt động kinh tế, hay nói cách khác là phát triển kinh tế chậm lại, chất lượng không khí được cải thiện rõ rệt. Ví dụ rõ ràng nhất là Trung Quốc và châu Âu. Trung Quốc, từ trước đến nay được coi là một nước gây ô nhiễm môi trường vào loại cao trên thế giới. Ở các thành phố lớn của nước này, mức độ ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân mà còn có nguy cơ gây thiệt hại đến nền kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới này. Tuy nhiên, trong thời gian dài giảm các hoạt động kinh tế, Trung Quốc đã ghi nhận sự giảm ô nhiễm đáng kế. Do là nước chịu tác động của đại dịch Covid-19 đầu tiên, Trung Quốc cũng là nước đầu tiên áp dụng biện pháp giảm mức hoạt động kinh tế, đồng thời áp dụng chính sách phong tỏa mạnh mẽ lên cuộc sống người dân. Một nguyên nhân trực tiếp dẫn tới thay đổi này là sự hạn chế sử dụng phương tiện giao thông của người dân. Họ chỉ ở trong nhà. Các nhà máy, xí nghiệp đống cửa, các chuyến bay cắt giảm đến mức tối thiểu. Như vậy, lượng khí thải ra môi trường luôn ở mức thấp, thậm chí chỉ còn dưới 10% so với trước. Theo đo đạc của NASA và ESA (Cơ quan vũ trụ châu Âu), nồng độ khí thải của thành phố Vũ Hán – từng là tâm dịch của Trung Quốc và thế giới đã giảm từ 10 – 30% từ ngày 23/1 (trước khi cách ly) đến 25/2. Đò là mức giảm lớn, là điều mà ngay chính nước này và thế giới dau đầu tìm giải pháp. Thậm chí, một số nhà khoa học cho rằng, mức giảm ô nhiễm này có thể cứu nhiều người hơn là số người chết do virus ở Trung Quốc.

Đối với Châu Âu, trong tháng 3 tại Italia, một nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 thì chất lượng không khí cũng có sự thay đổi tích cực. Một số nước khác ở châu Âu cũng ghi nhận sự thay đổi của không khí. Còn ở Ấn Độ, người dân đã ngạc nhiên khi có thể quan sát dãy núi Himalaya từ xa. Ấn Độ là ngước có dân số khoảng 1,3 tỷ người và cũng đang chịu tác động xấu của sự ô nhiễm không khí. Nhiều người dân cảm thấy không khí trong lành hơn rõ rệt, dù không ra đường nhưng cũng có thể có tầm quan sát xa hơn trước.

Còn ở Việt Nam thì sao? Chỉ số AQI (chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày) đo được ở Hà Nội đã tốt hơn rất nhiều kể từ khi nước ta áp dụng biện pháp cách ly xã hội. Việc xác định chỉ số AQI là thước đo quan trọng để xác định xem không khí xung quanh ta là sạch hay ô nhiễm, và nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân. Một người lớn trung bình hít thở khoảng 15m3 không khí mỗi ngày. Nếu chất lượng không khí tiêu cực thì có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu đến toàn cơ thể, bao gồm cả tim, gan, phổi và hệ hô hấp, hay ngay cả thai nhi đang phát triển trong bụng mẹ. Tại các trạm quan trắc không khí, chỉ số AQI  đã xuất hiện nhiều kết quả trung bình và tốt trong ngày. Theo kết quả quan trắc ở Hà Nội (Nguồn: Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội) đầu tháng 4 , trạm Kim Liên và Tây Mỗ là 2 trạm có chất lượng không khí tốt nhất khi có số ngày AQI đạt mức tốt chiếm 42,9%. trạm Minh Khai chỉ còn 1 ngày có mức kém chiếm 14,3%, với trạm Phạm Văn Đồng là 28,6%. Các trạm nội đô cũng đã có ngày xuất hiện kết quả tốt. Trạm Hoàn Kiếm và Thành Công có 1 ngày AQI ở mức kém, 1 ngày AQI ở mức tốt chiếm 14,3%, còn lại ở mức trung bình.

Những chuyển biến về chất lượng không khí trên thế giới và Việt Nam trong thời gian dịch bệnh hoành hành đã làm con người phải suy nghĩ lại về cái giá phải trả khi chúng ta không hành động, hoặc hành động cầm chừng trong việc gìn giữ môi trường, đồng thời vẫn đẩy mạnh các hoạt động có hại đối với Trái Đất.

Chưa nói đến biến đổi khí hậu, chỉ trong một thời gian ngắn mà chất lượng không khí, thứ tác động trực tiếp tới sự sống của con người đã cải thiện. Điều đó là minh chứng hùng hồn nhất cho nguyên nhân của ô nhiễm môi trường là từ các hoạt động của con người. Thảm họa Chernobyl, thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản, thảm họa bùn đỏ ở Hungary 2010 và rất nhiều thảm họa khác chính là sự trả giá vô cùng đắt cho những hành vi kém ý thức của con người với tự nhiên.

Những thay đổi về môi trường theo hướng tốt lên trong thời gian qua có thể là sự cảnh báo đến các quốc gia và từng con người trong việc bảo vệ chính nơi mình đang sống. Tuy nhiên, nếu xét về độ dài thời gian của các cuộc khủng hoảng thì đại dịch Covid có lẽ sẽ có thời gian ngắn hơn nhiều so với khủng hoảng môi trường đã kéo dài hàng thế kỷ. Từ khi con người dùng máy hơi nước cho đến những công nghệ cao hơn, môi trường dần bị hủy hoại. Có vết thương dần lành lại, có vết thương sẽ mãi mãi không lành.

Một số nhà khoa học cho rằng, những thay đổi tích cực về môi trường trong thời gian đại dịch sẽ chỉ tạm thời dừng ở việc chất lượng không khí được cải thiện. Còn đối với tổn hại của môi trường trong dài hạn thì sự thay đổi hiện nay chỉ có tác động nhỏ. Tuy nhiên, nếu tác động nhỏ này có thể khiến mỗi người, mỗi tập thể, mỗi quốc gia suy nghĩ thấu đáo thì chất lượng môi trường tự nhiên trong tương lai có thể sẽ thay đổi lớn. Theo suy nghĩ thông thường, mạng sống con người có thể đặt lên trên sự toàn vẹn của môi trường. Đúng thế, nhưng chẳng mấy ai biết được rằng sự toàn vẹn của môi trường mới là điều kiện đảm bảo không chỉ cho mạng sống, mà còn cho chất lượng sống mà con người vẫn đang cố gắng níu giữ và phát triển.

Tác giả: Wavetau

Ảnh: Kalen Emsley

4 lý do khiến chủ nghĩa khắc kỷ có giá trị mọi thời đại

0

Chủ nghĩa Khắc kỷ đã từng biến mất khỏi lịch sử gần 1000 năm, rồi bị quên lãng bởi những tư tưởng, triết học mới của phương Tây. Nhưng qua thời gian, những con người đã thay đổi lối sống và cả sự nghiệp của mình đã chứng minh được chủ nghĩa Khắc kỷ không chỉ là một giá trị lãng mạn, có phần bi quan và chịu đựng mọi khổ đau.

Và tại sao chủ nghĩa Khắc kỷ lại là một lối sống tốt, phù hợp và áp dụng được thực tế như vậy? Mình sẽ nói đến từng khía cạnh đã tạo dựng nên giá trị của chủ nghĩa Khắc kỷ và dẫn chứng sự hiệu quả nó đem lại, ít nhất đối với những tác giả viết sách và làm việc trong môi trường cần tập trung cao.

1. Chủ nghĩa khắc kỷ không chỉ là triết học, mà còn là một tôn giáo

Nếu bạn phân vân giữa việc chọn lựa một tôn giáo để học hỏi những giá trị tốt đẹp cho nội tâm và hướng tới một cuộc sống an yên, nhưng đồng thời không bị phụ thuộc vào các lễ nghi, lễ lạy hàng ngày thì chủ nghĩa Khắc kỷ có thể phù hợp với cùng những tiêu chí trên.

William B. Irvine, tác giả cuốn Chủ nghĩa Khắc Kỷ viết chủ nghĩa Khắc Kỷ có cả hai yếu tố quan trọng trong Thiên Chúa giáo và Phật Giáo: Thừa nhận thần thánh (như Zeno và Marcus Aurelius) và coi trọng thời khắc hiện tại, ngay bây giờ. Một người Khắc kỷ không phủ nhận những giá trị của tâm linh, đồng thời công nhận từng giờ khắc của hiện tại và suy ngẫm về vô thường có thể xảy ra bất cứ lúc nào – biểu hiện trong tính thiền, đi sâu vào bên trong để nhận biết mọi việc lẫn chính bản thân mình.

Steve Jobs

Ngoài ra, những giá trị khác là lòng yêu thương nhân loại như Aurelius đã viết nhiều lần trong Suy tưởng, mong muốn đạt được sự bình thản, kiểm soát những gì có thể và hiểu rõ những gì không thể mà Epictetus trình bày. Sau này, lời cầu nguyện bình an của nhà thần học Reinhold Niebuhr cũng lập luận một lần nữa quan điểm của Epictetus:

“Cầu Chúa cho con được thanh thản chấp nhận những điều con không thể thay đổi, cho con can đảm để thay đổi những điều thay đổi được, và cho con khôn ngoan để phân biệt được điều nào có thể và điều nào không thể đổi thay.”

Cuối cùng, sau những năm tháng nghiền ngẫm và thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, William B. Irvine. đưa ra kết luận rằng ngay cả một người vô thần cũng có thể thực hành được lối sống khắc kỷ vì sự thiết thực và phù hợp của nó.

2. Những con người tử đạo vì lối sống khắc kỷ

Tất nhiên, hành động quả cảm nhất để chứng minh cho giá trị của một tôn giáo là sẵn sàng chết vì đức tin của mình. Chủ nghĩa Khắc kỷ cũng có những kẻ tử đạo của nó. Chủ nghĩa Khắc kỷ không chỉ truyền cảm hứng qua văn bản mà còn từ các cá nhân.

Những người Hy Lạp đem đến một tôn giáo, còn những người La Mã đã dùng mạng sống của mình để chứng minh giá trị của lối sống mà chủ nghĩa Khắc Kỷ đem lại. Họ không phải xuất thân trong giới bình dân, mà là tinh hoa của xã hội La Mã.

Khởi đầu là cái chết Cato Trẻ, người được gọi là Vinh quang của La Mã nổi tiếng với lối sống khắc kỷ, giản dị trong hành vi, thanh liêm trong chức vụ. Con người này chính là nhân vật mà Seneca coi là biểu tượng cho chủ nghĩa khắc kỷ của thời đại mình. Cato Trẻ đã đứng về phía Pompey để chống lại Caesar, nhà độc tài vĩ đại của La Mã, người sinh ra trong gia tộc được coi là có dòng máu của thần Vệ Nữ, và là cậu ruột của hoàng đế Augustus sau này.

Steve Jobs

Cato tự sát khi thua trận trước Caesar không phải bị ép phải chết, nhưng vì muốn bảo toàn danh dự và từ chối trở thành công cụ chính trị của Caesar. Cato Trẻ chính là Thánh Stefano – người tử đạo đầu tiên trong Thiên Chúa giáo. Sự dũng cảm dám chết cho lối sống khắc kỷ của Cato đã gây ấn tượng cho những người khác đến mức, họ đã chống lại các hoàng đế tàn bạo và độc đoán nhất La Mã sau này.

Nghị viên La Mã nổi tiếng Publius Clodius Thrasea Paetus, được truyền cảm hứng từ cái chết của Cato Trẻ đã dũng cảm chống lại hoàng đế Nero và phải chết. Nero cũng là người ép thầy tự sát mình đồng thời là một nhân vật Khắc kỷ xuất chúng – Seneca.

Cuộc tử đạo vẫn chưa dừng lại. Con rể Thrasea Paetus là Helvidius Priscus một triết gia khắc kỷ đồng thời là địa chủ giàu có cũng chống lại hoàng đế Vespasian nổi tiếng độc tài và cứng rắn. Cuộc đối thoại Pricus và hoàng đế La Mã mang đậm chất của một người có lối sống Khắc kỷ và kết quả của nó là ông cũng phải chết như bố vợ mình.

Khi Vespasian cấm Priscus tại thượng viện Lã Mã thì Priscus đáp lại rằng “đó là quyền hạn của ngài, còn nghĩa vụ của tôi là bước vào đó.”

“Ồ. Vậy ngươi cứ có mặt nhưng đừng nói gì cả.” Vespasian trả lời.

“Ngài đừng hỏi ý kiến của tôi thì tôi sẽ im lặng.”

“Nhưng ta sẽ hỏi ý kiến của ngươi.”

“Thì tôi sẽ nói những gì tôi cho là chính trực và đúng đắn.”

“Kể cả điều đó sẽ khiến ngươi phải chết?”

“Vậy sẽ thế nào khi tôi nói với hoàng đế rằng tôi đã và luôn là một người bất tử? Ngài làm việc của ngài là ra lệnh cho tôi phải chết. Còn tôi coi cái chết đó là việc mình đã chọn. Không có gì đáng sợ cả thưa hoàng đế.”

Những con người quả cảm và coi nhẹ cái chết, cộng cả danh tiếng lẫy lừng của những tên tuổi như Epictetus, Marcus Aurelius trong việc thực hành lối sống khắc kỷ. Và cũng không có gì khó hiểu khi im hơi lặng tiếng 1000 năm nhưng chủ nghĩa Khắc kỷ vẫn ngay lập tức xác lập giá trị khi quay lại trở lại. Thậm chí người ta cho rằng, triết học của Spinoza – một triết gia nổi tiếng thế kỷ 17 có vay mượn nhiều thứ từ chủ nghĩa khắc kỷ.

Trên hết, triết lý và lối sống khắc kỷ là một lựa chọn phù hợp bởi nó đã được áp dụng thành công trong sự nghiệp của các hoàng đế, nhà vua, tổng thống và cả các doanh nhân thời nay.

3. Triết học tạo nên các hoàng đế vĩ đại và những kẻ xuất chúng

Steve Jobs

Trong lịch sử, không thiếu các hoàng đế, nhà vua, người chinh phạt lẫy lừng, nhưng vẫn có những cái tên đặc biệt nổi trội trong thời cổ đại, La Mã, hay thời Kì Khai Sáng là Alexander Đại Đế, Marcus Aurelius và Friedrich Sáng suốt của nước Phổ. Những con người này nổi bật không chỉ vì có vương quyền, tài thao lược trong chiến trận mà còn được nuôi dạy trong bầu không khí của triết học nói chung và chủ nghĩa khắc kỷ nói riêng.

Khái niệm “Quân vương triết gia” được coi là là kiểu mẫu mà đạo học Phương Đông và triết học phương Tây “cảnh giới tối cao của người làm vua.” Trong Trung Hoa cổ đại, chuyện Nghiêu nhường ngôi cho Thuấn, Thuấn truyền lại cho Vũ dựa trên tài năng, đức độ chứ không phải truyền lại ngôi vương cho con cháu.

Thời hoàng kim của Lã Mã cũng vậy, bắt đầu từ Nerva, Trajan, Hadrian, Antonius Pius và cuối cùng là Marcus Aurelius. Họ đều là con nuôi, tướng lĩnh chứ không phải trực hệ, nhưng tạo nên thời đại Ngũ đế hiền vương với những bước đi đúng đắn và một lối sống cương trực để duy trì sự ổn định lẫn các kế hoạch mở rộng La Mã.

Trên hết, những cái tên này còn gắn liền với đạo học, triết học và sự ảnh hưởng vô cùng lớn. Sau cái chết của Marcus Aurelius, chủ nghĩa khắc kỷ ngay lập tức bước vào bóng tối. Điều này cũng xảy ra với Trung Hoa cổ đại, khi thời Tam đế Nghiêu-Thuấn-Vũ kết thúc thì những gì họ đã làm sẽ không còn lập lại.

Khi chủ nghĩa khắc kỷ quay trở lại, lập tức nó đã trở thành nguồn cảm hứng cho những triết gia và các con người hiểu được giá trị của việc sống “thuận theo tự nhiên.” Henry David Thoreau với tác phẩm The Walden nói về việc 2 năm trải nghiệm cuộc sống trong thiên nhiên đã đem lại nhiều lợi ích và giá trị như thế nào, cũng như cảm thấy Thoreau có nhiều phần là một nhà khắc kỷ rõ ràng ra sao.

Thậm chí có thể nói rằng, Benjamin Franklin – vĩ nhân của nước Mỹ cũng ít nhiều có lối sống khắc kỷ thông qua cuốn tiểu sử viết về ông sau này qua việc “Xây dựng thói quen tốt” – tương tự như những gì một con người có thể kiểm soát mà Epictetus nói tới.

Chưa hết, những tổng thống Mỹ như Theodore Roosevelt, Bill Clinton, các doanh nhân và tác giả best seller Steve Jobs, Robert Green, Tim Ferrris, Nassim Nicholas Taleb, Cal Newport đều thực hành chủ nghĩa khắc kỷ và thành công trong cuộc sống. Tác giả Thiên nga đen – Nassim Taleb trong cuốn Skin in the game kể rằng ông dành thời gian 3 năm trong một căn hộ ở New York để viết xong bản thảo khó nhất mình từng viết.

“Một con người theo chủ nghĩa khắc kỷ hiện đại là biến lo sợ thành thận trọng, biến nỗi đau thành thông tin, biến sai lầm thành hành động và biến ước mơ thành nhiệm vụ.” — Taleb kết luận.

4. Một lối sống dám đối mặt với nỗi đau và cái chết

“Nếu bạn muốn chế ngự nỗi đau
Hãy mở cuốn sách này ra và đọc cho chăm chú
Và sẽ thấy trong đó đầy những kiến thức về mọi sự vật
Đang có, đã có và sẽ có
Rồi bạn cũng sẽ biết rằng niềm vui hay nỗi buồn
Chẳng có gì khác hơn một làn khói sương.”

Đó là lời giới thiệu của một nhà tu hành dành cho người bạn của mình khi đề cập đến Suy tưởng của Marcus Aurelius. Một người khắc kỷ và cũng là hoàng đế nhưng lại nói đến nỗi đau, sự sợ hãi và cái chết nhiều hơn bất cứ ai đã từng nghĩ.

Trong cuộc sống cũng vậy, những nỗi sợ hãi và lo lắng về bất cứ điều gì tồi tệ nhất, tiêu biểu là cái chết luôn là chủ đề được tôn giáo, sách vở và diễn giả nói đến nhiều nhất. Chủ nghĩa khắc kỷ cũng vậy, nhưng nó còn hướng dẫn cho người ta cách chấp nhận “cái chết là điều làm cho cuộc sống có ý nghĩa”, chứ không phải là chịu đựng hay dùng mọi cách để trốn chạy nó.

Sau cùng, việc là một người khắc kỷ nhiều khả năng sẽ không làm bạn giàu có hơn như các khoá học, diễn giả hứa hẹn. Nhưng mình chắc chắn một điều là mỗi ngày trôi qua, bạn sẽ cảm ơn và trân trọng từng giây phút được sống trong hiện tại, đồng thời biết cách chế ngự được những nỗi đau, kể cả sự sợ hãi về cái chết của chính mình.

>>> [THĐP Translation™] Những điều cơ bản cần biết về Chủ nghĩa Stoic (chủ nghĩa “khắc kỷ”)

Một số tác phẩm khắc kỷ

  • Suy tưởng của Marcus Aurelius
  • Những lá thư của Seneca
  • Những bài giảng của Epictetus
  • Chủ nghĩa Khắc kỷ của William Irvine.
  • Tượng “David” của Michelangelo

Tác giả: Đức Nhân
Edit: THĐP

Ảnh: Igor Ferreira