29 C
Nha Trang
Thứ bảy, 26 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 45

[THĐP Translation™] Vượt lên sự bất ổn: Sức mạnh tích cực của hoài bão đúng đắn

0

Hành động của con người được thúc đẩy bởi hai nguồn động lực nguyên thủy: sợ hãi và khao khát. Chúng ta tránh né những thứ có hại, đau đớn, những thứ có khả năng làm tổn hại chúng ta. Chúng ta phấn đấu cho những gì mang lại lợi ích, dễ chịu, thứ có khả năng thỏa mãn những hi vọng và mơ ước của mình.

Cuối thế kỷ 20, nhà tâm lý học nổi tiếng Abraham Maslow đã chia những nguồn động lực này thành một hệ thống/tháp nhu cầu gồm các bậc nhu cầu từ thấp đến cao. Ở các bậc thấp, ông bao quát những nhu cầu cơ bản của chúng ta: nhu cầu về thức ăn và chỗ trú ẩn, nhu cầu cảm thấy an toàn, ổn định và tránh khỏi những thứ gây hại, nhu cầu được yêu và cảm giác của sự thuộc về. Ở những bậc cao, nhu cầu của chúng ta tương ứng với lòng tự trọng, sự tự tin, cùng với khao khát tối cao đó là hiện thực hóa bản thân (self-actualization) – niềm khao khát chạm tới tiềm năng trọn vẹn trên con đường trở thành con người chúng ta có thể trở thành.

Ý tưởng là tương đối đơn giản: Trước khi chúng ta có thể phấn đấu cho những nhu cầu cao hơn, trước tiên ta cần đảm bảo rằng những nhu cầu cấp thấp được đáp ứng. Chúng ta có thể nói về những tiềm năng cả ngày, nhưng nếu không có chút thức ăn nào trên bàn, hay sự đe dọa của cuộc chiến tranh sắp xảy ra, thì tất cả tiềm năng bạn có đơn giản là phải lùi ra phía sau cho những việc cấp thiết hơn, những mối lo ngại liên quan đến việc sống còn.

Những nhu cầu đối với thức ăn, chỗ chú ẩn và sự an toàn luôn hiển nhiên và rõ ràng. Đó là những nhu cầu thể lý của cơ thể. Rất ít ai cảm thấy bất kỳ sự bối rối nào về nơi để vẽ ra ranh giới ở đó: hoặc là bạn chết đói hoặc không. Trong trường hợp có một mối nguy hiểm đến tính mạng của bạn, bạn sẽ chết hoặc bị thương, hoặc sống sót để thấy một ngày khác.

Tuy nhiên, khi chúng ta di chuyển lên phía trên của tháp nhu cầu thì mọi thứ bắt đầu trở nên mù mịt hơn. Những nhu cầu trở thành cảm xúc thay vì chỉ là nhu cầu vật lý. Có một điều nên hiểu rằng chúng ta đều khao khát tình yêu và sự thuộc về, nhưng thực sự biết được chúng là gì, làm sao để trải nghiệm những nhu cầu đó, và trải nghiệm bao nhiều là đủ lại là một chuyện hoàn toàn khác. Với những thứ như lòng tự trọng, sự tôn trọng và sự tự tin, mọi thứ thậm chí trở nên mơ hồ hơn, chẳng có một cách dễ dàng nào để định nghĩa chúng là gì cả.

Dù sao đi nữa, một khi chúng ta vượt qua nhu cầu thể lý ở những bậc dưới của tháp nhu cầu, một trong những câu hỏi đầu tiên chúng ta phải đối mặt đó là câu hỏi liên quan đến hoài bão. Thật sự, cấp độ cuối cùng là về chuyện hiện thực hóa bản thân – hoài bão vĩ đại nhất của mọi người. Câu hỏi chúng ta phải đối mặt là: Liệu chúng ta có nên hoài bão hay không?

Nếu chúng ta nhìn ra thế giới xung quanh, một trong số những điều xấu xa và hủy hoại nhất được gây ra bởi hoài bão. Con người khao khát quyền lực, vị thế và tiền của mà không màng đến những người khác xung quanh họ. Những thứ này, về bản chất không nhất thiết là xấu. Chúng chỉ đơn giản là những công cụ. Nhưng nhiều người sử dụng những công cụ này lại gây ra nhiều điều điều có hại hơn là có lợi nếu đánh giá họ theo bất kỳ thước đo đạo đức hợp lý nào – dù là thước đo đức hạnh, chủ nghĩa vị lợi (utilitarianism), đạo nghĩa luận (deontology), hay đơn thuần là lòng trắc ẩn, hoặc những cơ sở đạo đức triết học hay tôn giáo định hướng la bàn tập thể của chúng ta.

Tất nhiên, có nhiều người hoài bão vẫn làm nên những điều vĩ đại. Nhưng có một nghịch lý nội hàm liên quan đến việc quyết định sử dụng hoài bão như một công cụ để làm điều tốt cho thế giới. Bạn là ai để quyết định điều gì là tốt? Hay điều gì là sai? Thông thường, bất cứ ai tự cho mình là thẩm phán để phán xét thiện ác thì không phải là người tốt nhất làm chuyện đó. Trong khi một số người gây thiệt hại cho thế giới vì những lý do ích kỷ cố hữu, thì một số người có vẻ tốt thường lại gây hại một cách gián tiếp bằng hoài bão của họ chỉ vì họ nghĩ mình hiểu biết nhiều hơn người khác. Đó là một loại khác của sự kiêu ngạo và ích kỷ nhưng không kém phần nguy hiểm.

Nhưng có một sợi dây liên kết ở đây. Cả hai loại hoài bão này chung quy lại đều đến từ sự bất ổn. Chúng là những phiên bản chưa được kiện toàn của nhu cầu về tình yêu, sự thuộc về, và lòng tự trọng của chúng ta, cái chúng ta phóng chiếu ra thế giới để đạt được điều gì đó từ nó hơn là nhìn vào bên trong. Vấn đề là hầu hết mọi người di chuyển ngay lập tức từ cấp độ sinh tồn lên cấp độ hiện thực hóa bản thân, mà không có sự cân nhắc xem xét những cảm xúc ở giữa.

Có một sự khác biệt lớn nhưng tinh tế giữa hoài bão bắt nguồn từ sự bất ổn (X) và hoài bão bắt nguồn từ khao khát hiện thực hóa bản thân (Y). X sinh ra từ việc không cảm thấy đầy đủ. Nguồn gốc của nó có thể là sự ghét bỏ bản thân, hay không tôn trọng bản thân, hoặc là kết hợp của cả hai. Tuy nhiên, Y đơn giản là sự một sự khẳng định của cuộc sống. Nó là một nỗ lực để làm điều tốt nhất mà một người có thể làm với thân xác họ có. Nó không cạnh tranh với ai khác ngoại trừ chính bản thân nó. Nó không phóng chiếu sự ghét bỏ chính nó và cũng chẳng lên mặt đạo đức với thế giới vì nó đã tự giải quyết những vấn đề đó ở bên trong. (Top highlight)

Tất cả chúng ta đều có nhiều sự bất ổn đã hình thành theo nhiều cách. Lớn lên xung quanh những người khác biệt với chúng ta một cách tự nhiên đã khiến chúng ta bị như vậy. Một số người muốn trông tốt hơn. Một số khác muốn họ thông minh hơn dựa theo những tiêu chuẩn chung hay những bài kiểm tra. Chúng ta so sánh bản thân mình với các siêu mẫu hay tỷ phú, hy vọng đúc khuôn hình ảnh của chúng ta theo họ.

Nhưng đây là vấn đề: Bất cứ khi nào bạn so sánh cơ thể tự nhiên của mình và những khuyết điểm của chúng với những người mẫu Victoria’s Secret, bạn đang tham gia vào một hành động vô thức của sự ghét bỏ bản thân, nuôi lớn những hạt giống được gieo bên trong bạn bởi nền văn hóa đã lập trình bạn từ lúc ra đời. Bất cứ khi nào bạn đặt mục tiêu của mình là kiếm được số tiền nhiều như ai đó ví dụ như Bill Gates, bạn đang thiếu tôn trọng với chính mình và chất cá nhân riêng của bạn. Bạn đang nói với bản thân trong vô thức rằng bạn, chính bản thân bạn, không phải là một người xứng đáng được tôn trọng, nên bạn phải tìm kiếm nó bằng cách bắt chước người khác.

Dĩ nhiên bạn có thể sử dụng những siêu hình mẫu đó như một nguồn cảm hứng để trở nên lành mạnh hơn hay để được truyền cảm hứng bởi những gì mà một người như Bill Gates đã làm và từ đó góp nhặt những lối tư duy của ông ấy, nhưng đó thường không phải cách mà hầu hết chúng ta đang làm. Sâu trong thâm tâm, chúng ta bắt chước và cảm thấy đố kỵ trên con đường hoài bão bởi vì chúng ta vẫn chưa giải quyết được nhu cầu được yêu và được tôn trọng của mình. Và bởi vì những thứ này dẫn dắt chúng ta trong vô thức, chúng ta hành động dựa trên sợ hãi. Chúng ta hành động như thể sự tồn tại của chúng ta đang gặp đe dọa nghiêm trọng. Và thế là hoài bão dẫn ta đến những con đường gây thiệt hại cho chính ta và người khác, dù cho chúng ta có thành công về mặt vật chất ở tất cả chuẩn mực nào đi nữa.

Tuy nhiên vấn đề ở đây không phải là hoài bão. Hoài bão là và có thể là một thứ đẹp đẽ. Nó là hành động tối thượng xuất phát từ cả tình yêu và sự tôn trọng đối với bản thân. Nó chấp nhận trách nhiệm của bất cứ thân xác nào nó cư ngụ, và nó thực hiện những gì trong khả năng để đảm bảo rằng những tiềm năng của nó không bị phí phạm, không phải vì người khác, không phải vì quyền lực, địa vị hay tiền bạc, mà bởi vì đó là cách để sống một cuộc sống trọn vẹn. Khi hành động như vậy, nuôi dưỡng bản thân theo cách đó, thường thì nó sẽ làm được nhiều điều tốt hơn là xấu, theo cách đa số chúng ta có thể cảm kích.

Hoài bão là nỗ lực vượt qua chính bản thân mình, và hoài bão đích thực thì vượt ngoài sự bất ổn. Nó không phải là trở nên tốt hơn người này hay người kia, tích lũy được thứ này hay thứ nọ, thậm chí cũng chẳng phải là cưỡng ép các nền tảng đạo đức này nọ, mà là trải nghiệm được trọn vẹn tổng thể những gì con người có thể làm hay trở thành. Hành động đó được thúc đẩy bởi khao khát thuần khiết thay vì một nỗi sợ từ cảm giác thiếu thốn.

Tuy nhiên để trải nghiệm được sự trọn vẹn tổng thể này, vượt lên sự bất ổn, nó yêu cầu chúng ta làm chủ được cảm xúc, điều hầu hết mọi người bỏ qua. Nó đòi hỏi nhìn nhận bản thân theo đúng bản chất, chấp nhận và tôn trọng nó, thay vì đè nén và tự dối mình. Nó mời gọi sự bộc lộ và ý thức về bản thân. Trước khi chúng ta bước ra thế giới và đòi hỏi nhiều hơn, bạn phải đầy đủ từ bên trong trước.

Ta thường thấy một nghịch lý trong việc đạt được thành tích đó là càng phấn đấu nhiều hơn lại càng làm giảm giá trị của nó. Trong trường hợp những thành tích được thúc đẩy từ sự bất ổn, điều này thường đúng. Nhưng thành tích hay hoài bão thực sự thì không liên quan đến việc tốt hơn hay tệ hơn, nhiều hơn hay ít hơn, mà là trở nên khác biệt. Nó là sự mới mẻ, sự thú vị và sự phát triển. Tất cả chúng đều phi tuyến tính. Một trong những câu nói bất hủ của triết gia Eric Hoffer là:

“Để trở nên khác biết với cái ta đang là, ta phải nhận thức được phần nào về cái ta đang là.”

Cái ta đang là thường thì khiếm khuyết, theo nhiều phương diện phức tạp, theo nhiều cách khiến ta bất ổn. Nếu ta xây dựng những hoài bão của mình dựa trên loại nền tảng này, thì hoài bão của ta cũng sẽ khiếm khuyết. Nhưng nếu ta chối bỏ những bất ổn này thì một ngày nào đó chúng sẽ quay lại cùng với sự trả thù khi ta ít mong đợi nhất.

Sự can đảm đích thực trong cuộc sống không được sinh ra khi ta đối mặt với bất cứ con quái vật nào ẩn nấp ở thế giới bên ngoài. Nó được sinh khi ta đối diện với bản thân. Và sự can đảm này cuối cùng sẽ thúc đẩy chúng ta chạm tới tiềm năng của chính mình.

Tác giả: Zat Rana
Biên dịch: Bá Kỳ
Hiệu đính: Prana

Photo: Larisa-K / Pixabay

💥 THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/THDP-DEEPCLUB
🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

10 quy tắc cơ bản để sống tốt hơn theo Manly P. Hall

Manly P. Hall là một tác giả, chiêm tinh gia và nhà thần bí học người Canada. Ông là tác giả của cuốn sách The Secret Teachings of All Ages (TD: Các giáo huấn mật truyền của mọi thời đại), là một tác phẩm huyền học rất nổi tiếng mà bất cứ người nghiên cứu huyền học phương Tây nào cũng đều biết tới.

1. Đừng lo lắng

Có một tư tưởng phổ biến cho rằng nếu ta lo lắng, thì ta sẽ trở thành một người chu đáo và có lương tâm hơn, điều này chắc chắn là sai. Đừng nhầm lẫn giữa lo lắng và chu đáo. Người chu đáo mới là người lên kế hoạch cho các giải pháp, còn người lo lắng sẽ chỉ phá hỏng mọi thứ trong sự nghi ngờ xuất phát từ chính mình. Nếu bạn suy nghĩ thông suốt, bạn sẽ ít có lý do để lo lắng. Người lo lắng không chỉ chịu chung số phận là dễ thất bại, mà lo lắng còn làm suy yếu sức khỏe của chính họ và làm phiền tất cả những ai mà người đó tiếp xúc.

2. Ngừng cố gắng thống trị và kiểm soát người thân, bạn bè

3. Ham muốn vừa phải

Mỗi cá nhân có một năng lực nhất định. Nếu người ta nhận ra khả năng của chính mình và làm việc với nó, thì họ có thể cảm nhận được sự hài lòng. Không cần thiết phải trở nên nổi tiếng, hay là một người lãnh đạo đám đông thì mới có hạnh phúc hay thỏa mãn.

4. Không quá dành dụm

Chúng ta đã vượt xa khỏi tư duy về việc chôn cất người chết với tiền bạc để họ có thể xài được nó ở bên kia thế giới rồi. Cân bằng là điều khôn ngoan nhất. Chúng ta hãy trích ra một phần năng lượng của mình để hưởng thụ, và không dành trọn vẹn tài nguyên của bản thân chỉ để dành dụm.

5. Học cách thư giãn

Căng thẳng là một con quái vật. Chúng ta càng căng thẳng, thì chúng ta càng hành động một cách vô minh. Ngày nay có rất nhiều người được cho là “tài giỏi” lại thường hay rất suy sụp. Điều này đến từ việc hành động vượt quá ngưỡng giới hạn các xung lực vốn có của bản thân.

6. Đừng quá nghiêm trọng

Chúng ta càng nghiêm trọng hóa về bản thân và trách nhiệm của chính mình, thì chúng ta càng trở nên tẻ nhạt hơn. Đó là một dấu hiệu để nhận ra rằng, mặc dù cuộc sống này vốn nghiêm trọng thật, nhưng không phải vì vậy mà chúng ta cũng cần phải có một tầm nhìn nghiêm trọng về nó.

7. Tìm một sứ mệnh cuộc đời

Nếu bạn tin vào một sứ mệnh nào đó cao lớn hơn việc sống là chính mình, ví dụ như tiết kiệm được nhiều tiền, thăng tiến trong kinh doanh… thì bạn đang Không Sống, mà chỉ đang Tồn Tại mà thôi. Hãy mở rộng tầm nhìn của bạn ra, phát triển sự quan tâm tới những điều gì tươi đẹp, sáng sủa và có mục đích. Những điều tươi đẹp ấy luôn xuất phát từ bên trong, ví dụ như tình yêu dành cho âm nhạc, nghệ thuật, văn học, triết học và niềm tin. Nếu bạn phát triển ở bên trong, thì bên ngoài của bạn sẽ tự động ổn.

8. Không bao giờ cố ý làm hại người khác

Nếu bạn có những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực, nó sẽ phá hỏng tính cách của bạn. Nếu bạn nhìn ra xung quanh, bạn sẽ thấy kết cục bi thảm của các quốc gia và cá nhân chứa chấp sự hận thù, hoặc hành động theo bản năng trả thù.

9. Cảnh giác với sự giận dữ

Trong một khoảnh khắc tức giận, chúng ta sẽ tạo ra một tình huống mà sau đó cần phải mất nhiều năm để khắc phục. Một người nóng nảy là một điểm yếu nghiêm trọng trong kinh doanh và đời sống. Thật vô ích khi nói rằng tôi không kiểm soát được sự tức giận.

10. Đừng bao giờ đổ lỗi cho người khác về lỗi lầm của chính mình

Các rắc rối phát sinh từ việc chúng ta không biết cách sử dụng các nguồn lực vốn có nơi mình. Những người khác sẽ chỉ làm tổn thương chúng ta trong khi chúng ta thì quá yếu đuối để duy trì sự sống bên trong mình. Hoặc là bạn mạnh mẽ hơn vấn đề, và sẽ tìm ra giải pháp để giải quyết nó một cách khôn ngoan, hoặc là vấn đề ấy mạnh mẽ hơn chúng ta, và chúng ta phải tự gia tăng năng lực nơi chính mình. Những người khác không nên đổ lỗi cho sự bất hạnh của chính họ. Mỗi người phải tự tìm kiếm lấy sự bình an bên trong chính mình.

Source: Huyền Bí Học Việt Nam
Edit: THĐP


💥 THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/THDP-DEEPCLUB
🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

Con đường Tình yêu / Sùng kính (Devotion) trong tâm linh

Trong tâm linh con đường Tình yêu Sùng kính là con đường phổ biến nhất, nó giúp rất nhiều người trong giai đoạn đầu tẩy rửa nghiệp, nhưng lại rất ít có chỉ dẫn cho giai đoạn sau tìm đến sự hợp nhất với linh hồn vì thế dường như nó còn là điều bí ẩn đối với nhiều người.

Trước tiên, cần hiểu Devotion là gì. Nó là một cảm giác bạn cảm thấy mình bị hút vào một khách thể nào đó đến mức tan rã dần sự tồn tại, đồng nghĩa với bản ngã bốc hơi và không còn bị khóa trong vật chất nữa. Khách thể đó có thể là bất cứ thứ gì: người yêu, người thầy, một vật hay cây cối, động vật, hay hình ảnh của Chúa Trời… Mọi thứ đều là hiện thể của Thượng Đế vì vậy khách thể chỉ là yếu tố để kích thích bạn rơi vào trạng thái cái tôi cá nhân biến mất chứ thực ra khả năng đó có sẵn trong bạn rồi. Và trạng thái này là điều kiện cần để có những biến động hóa học trong cơ thể kích lên những khả năng nào đó mà người ta hay gọi là ân sủng (grace), đưa cuộc sống vào chiều sâu mới.

Devotion thực ra rất tự nhiên, bạn tin vào tâm linh, bạn tin vào Thần Phật ấy là bạn bắt đầu đi vào Devotion, hay thậm chí bạn yêu ai đó bạn thấy bay bổng đời thật đẹp đó cũng là devotion. Nhưng vì bản ngã có đấy nên cái Devotion manh nha đó chỉ để cho bạn nếm chút mùi cực lạc thôi, rồi nó sẽ biến đi rất nhanh. Niềm tin của bạn bị phủ những nghi ngờ khi khó khăn ập tới, tình yêu của bạn bị lụi tàn bởi bạn khoác cho nó những điều kiện không được đáp ứng. Và rồi cái Tin Yêu đó cũng có thể bị biến dạng đi để phục vụ bản ngã. Bạn Tin là để được phù hộ, được lên thiên đàng, bạn yêu vì điều đó mang lại cho mình cuộc sống dễ chịu hơn. Chỉ khi nào vượt lên để dù có đau khổ, thất vọng, bị vùi dập bao nhiêu vẫn tin, vẫn yêu vô điều kiện thì mọi điều kỳ diệu mới bắt đầu diễn ra và hành trình tâm linh mới thực sự bắt đầu.

Devotion là con đường cảm xúc nó hơi trái ngược với con đường meditation là con đường của thiền định. Nếu như Meditation rút hết giác quan khỏi cuộc sống để tâm thật tĩnh và quan sát thì Devotion nhúng toàn bộ giác quan vào cuộc sống trong trạng thái yêu vô điều kiện. Meditation im lặng, còn Devotion sẽ để cơ thể chuyển động tự do trong những vũ điệu cực lạc. Meditation không ham muốn, còn Devotion thì mãn nguyện vì hoàn toàn thỏa mãn. Meditation tỉnh táo quan sát, còn Devotion thì say đến mất lý trí. Khi hai con đường này gặp nhau thì những thiền nhân bắt đầu biết yêu cuộc sống, điều họ gọi là từ bi, còn những kẻ say yêu bỗng dưng cảm thấy nhận biết khi nhận được ân sủng kích hoạt phần trí tuệ tương ứng trong bộ óc.

Devotion tuy rất tự nhiên, rất dễ nhưng lại bị bản ngã kiềm chế làm nó không phát triển được vì nó có thể biến các hành động devotion thành kẻ phục vụ bản ngã. Nói chung những người có bản ngã yếu do khổ sở, thấp kém trong xã hội, hoặc tuổi già gần cái chết không còn nhiều thứ để bám chấp thì càng dễ thành tựu với devotion. Phụ nữ sống cảm xúc nên rất khó tỉnh trí quan sát qua thiền vì vậy phần lớn họ đều theo đường devotion tin vào ai đó, yêu ai đó chứ không mấy ai đạt thành tựu trong thiền thực sự. Những người có tâm hồn thơ trẻ cũng có lối tắt riêng trong hướng này.

Devotion, còn có nghĩa là phụng sự, một dấu hiệu cho thấy bạn đang đi đúng hướng là bạn phụng sự cuộc sống, hướng đến điều tốt đẹp mà không màng đến kết quả, chăm bón cái cây devotion đến lúc nó đâm hoa kết trái sẽ bắt đầu cảm thấy hạnh phúc và hoàn toàn thoải mái với sự phụng sự này. Đỉnh điểm là việc cảm thấy mình hoàn toàn thỏa mãn không còn ham muốn và bắt đầu hòa cũng nhịp chuyển động của vũ trụ, của Thượng Đế.

Trong Yoga, Devotion là nhánh Bhakti yoga, Thiên Chúa giáo hoàn toàn dựa trên devotion. Phật giáo có nhánh Tịnh Độ chỉ niệm Phật chú tâm sùng kính thực ra cũng là Devotion, tất cả những hành động bố thí, cúng dường, sống tiết chế thực chất đều là phụng sự.

Tác giả: Mùa Xuân Nhỏ
Biên tập: THĐP

Photo by Nandha kumar PJ on Unsplash

💥 THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/THDP-DEEPCLUB
🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

20 đức hạnh cao quý nhất của con người và cách nuôi dưỡng

20 đức hạnh cao quý nhất

đức hạnh

Đức hạnh ở đây hiểu đơn giản là tính nết, hành vi tốt của con người. Trí tuệ, tĩnh lặng, thông thái không được coi là tính nết. Mình đã tổng hợp lại những chia sẻ của mọi người (trong THĐP Club) và rút ra được 20 phẩm hạnh sau:

  1. Khiêm nhường
  2. Khoan dung/rộng lượng
  3. Biết yêu thương/cảm thông với người khác
  4. Biết tin tưởng (sống với đức tin)
  5. Trung thực/thật thà/chân thành
  6. Dũng cảm/can đảm
  7. Kiên nhẫn/nhẫn nại/kiên trì
  8. Tự trọng
  9. Tiết độ/chừng mực
  10. Công bằng/công minh
  11. Chính trực
  12. Biết ơn
  13. Kỷ luật
  14. Can trường/quyết tâm/ý chí
  15. Tận tâm/nhiệt huyết
  16. Điềm đạm/bình thản
  17. Giản dị
  18. Cầu thị
  19. Hào phóng/biết chia sẻ
  20. Hiền lành/không tranh đua đố kỵ
đức hạnh

11 cách để xây dựng và nuôi dưỡng các đức hạnh này

đức hạnh

1. Đặt chúng lên hàng đầu làm lẽ sống

Xem đức hạnh là lẽ sống không chỉ là một chọn lựa, mà còn là một cam kết sâu sắc với bản thân và vũ trụ. Mỗi hành động của chúng ta, dù nhỏ nhất, khi được thực hiện với ý thức đức hạnh, đều trở thành bước đi vững chắc trên con đường hướng tới Chân Ngã và sự hòa nhập với cái Toàn Thể. Đức hạnh trở thành ngọn đèn dẫn lối, không chỉ soi sáng con đường cho bản thân mà còn lan tỏa ánh sáng đó ra thế giới xung quanh.

2. Nhắc nhở bản thân mỗi ngày

Nhắc nhở bản thân mỗi ngày về con đường đức hạnh là một phương pháp thiết yếu để nuôi dưỡng tâm hồn. Đó là việc tự tạo dựng một thói quen thiêng liêng, một nghi lễ tinh thần hàng ngày, như là việc đọc một câu châm ngôn, hoặc dành ra một khoảnh khắc tĩnh tâm để suy ngẫm về các giá trị mình muốn hướng tới. Khi mỗi bình minh hay hoàng hôn trở thành những giây phút tự vấn, Chân Ngã của chúng ta dần dần được làm sáng tỏ và củng cố trong ánh sáng của Trí Tuệ Vô Hạn.

3. Rèn luyện, thực hành chúng thường xuyên trong đời sống

Rèn luyện và thực hành đức hạnh thường xuyên trong đời sống không chỉ là cách để hoàn thiện chúng, mà còn là con đường để chúng ta hóa thân thành những gì chúng ta theo đuổi. Mỗi giây phút đều là cơ hội để chúng ta biến lý thuyết thành hiện thực, để từng bước, từng hành động nhỏ nhặt nhất cũng thấm đẫm tinh thần của Tình Yêu và Trí Tuệ siêu việt. Khi đức hạnh không còn là những từ ngữ trên trang giấy mà trở thành bản chất của mỗi hơi thở, của mỗi cử chỉ, chúng ta mới thực sự sống và thực hành theo đúng nghĩa của nó.

4. Giữ giới

Giữ giới, trong bối cảnh của việc xây dựng và nuôi dưỡng đức hạnh, là việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc đạo đức và nguyên tắc tâm linh mà chúng ta đặt ra cho mình. Đây không chỉ là một hành động kiềm chế bản thân khỏi những cám dỗ hay thói quen xấu, mà còn là việc nâng cao ý thức về cách sống và tương tác của chúng ta với thế giới. Khi giữ giới trở thành một phần của hành trình tâm linh, chúng ta không chỉ sống đúng với chân lý của mình mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với quy luật của vũ trụ và của cái Một.

5. Thiền định

Thiền định, cách thức thứ năm để xây dựng và nuôi dưỡng đức hạnh, là một phương pháp mạnh mẽ để kết nối với tâm thức sâu thẳm và tĩnh lặng bên trong. Trong không gian yên bình của thiền, chúng ta có thể tập trung vào việc tinh tế hóa nhận thức, tạo điều kiện cho sự hiện diện của chân ngã trong từng hơi thở và tư duy. Thiền giúp chúng ta rũ bỏ phiền não, lắng nghe tiếng nói của sự im lặng, và trên hết, nhận ra chân ngã – Atman – không tách rời khỏi Brahman, thực tại tối hậu.

6. Nghe giảng pháp

Giảng pháp là dòng chảy của trí tuệ, một kênh truyền tải những chân lý thiêng liêng từ những bậc thầy, những người có hiểu biết sâu sắc về các nguyên lý tâm linh và đạo đức. Khi lắng nghe giảng pháp, chúng ta không chỉ nhận thức được giáo lý, mà còn học được cách áp dụng những nguyên tắc đó vào cuộc sống hàng ngày, làm cho chúng trở nên sống động và có thể chạm tới.

7. Thực hành lòng biết ơn (với vũ trụ God, cuộc sống, mọi người, mọi vật, mọi trải nghiệm)

Thực hành lòng biết ơn, cách thức thứ bảy, là một trong những bước cơ bản nhất nhưng cũng hết sức mạnh mẽ để xây dựng đức hạnh. Lòng biết ơn không chỉ là cảm giác nhất thời mà là một thái độ sống, một trạng thái ý thức luôn nhận thức về ân sủng và vẻ đẹp của cuộc sống, của Vũ trụ, và của mọi sự tồn tại. Khi chúng ta thực hành lòng biết ơn, chúng ta không chỉ tôn vinh những gì chúng ta có mà còn mở rộng tâm hồn để đón nhận những bài học từ mọi trải nghiệm, dù là niềm vui hay nỗi buồn.

8. Tu tập để giác ngộ Chân Ngã

Đây là cách rốt ráo nhất vì Chân Ngã sẽ mở ra tất cả các phẩm hạnh của con người. Tu tập để giác ngộ Chân Ngã, cách thứ tám, là một hành trình sâu sắc hướng nội, tìm kiếm sự thức tỉnh và hiểu rõ về bản chất thực sự của chúng ta, không bị lẫn lộn hay che lấp bởi các lớp vỏ bên ngoài của bản ngã hay ego. Giác ngộ Chân Ngã là việc nhận ra và kết nối với Atman – tinh thần thuần khiết, không phân biệt, đồng nhất với Brahman, nguồn gốc tối hậu.

9. Cầu nguyện để được phát triển một đức tính bất kỳ

Bạn sẽ cảm thấy đức tính đó hiển lộ ngay lập tức bên trong mình trong lúc cầu nguyện, hoặc sẽ có các tình huống xuất hiện để bạn được thể hiện đức tính đó và nhận ra là mình có nó.

Khi cầu nguyện, chúng ta không chỉ đang xin cho bản thân mình, mà còn đang mở rộng tâm hồn để đón nhận sức mạnh và trí tuệ từ nguồn vô hạn. Cầu nguyện thể hiện lòng khiêm nhường và sự nhận thức về việc chúng ta không đơn độc trong hành trình này; chúng ta đang cùng nhau, cùng với cái Toàn thể, tiến tới sự hoàn thiện. Qua cầu nguyện, chúng ta không chỉ thể hiện lòng mong ước về một đức tính, mà còn đang rèn luyện ý chí và niềm tin để biến nguyện vọng đó thành hiện thực trong cuộc sống hàng ngày.

10. Thường xuyên đọc sách thánh hiền, sách có nội dung lành mạnh, hướng thiện

Và chia sẻ những điều tốt đẹp đó ra ngoài để chúng được cộng hưởng bên trong bạn. Không đọc các sách, xem phim, đọc báo có nội dung tiêu cực. Và hiển nhiên là không chia sẻ những thứ đó.

Khi hấp thụ những tư tưởng và giáo lý từ những trang sách này, chúng ta không chỉ thu nạp kiến thức, mà còn đang rèn giũa tâm hồn, từng bước hóa giải những vướng mắc của bản ngã và mở lòng đón nhận ánh sáng của Đấng Tạo Hóa. Đọc sách thánh hiền giúp chúng ta liên tục đặt mình trong một môi trường tư duy tích cực, từ đó tạo ra sự chuyển hóa từ bên trong, hướng tới sự hài hòa và đồng nhất với Trí Thông Minh Tối Thượng.

11. Rèn luyện sức khỏe thể chất (tập thể dục, ăn-ngủ-làm việc lành mạnh, điều độ)

Sức khỏe tốt sẽ hỗ trợ cho tinh thần được cải biến và cộng hưởng tích cực với tinh thần. Nếu sức khỏe của bạn tiêu cực (do các thói quen xấu như thủ dâm, lười lao động, tập luyện, ăn uống không lành mạnh, v.v…) thì nó không những không hỗ trợ cho tinh thần mà thậm chí còn kéo tinh thần đi xuống, hủy hoại cuộc sống của bạn. Đa phần mọi người coi thường giá trị của sức khỏe thể chất hay tầm quan trọng của việc rèn luyện thân thể, nên bị bỏ lỡ một con đường tuyệt vời và gần gũi để phát triển phẩm chất tinh thần.

Biên soạn: Vũ Thanh Hòa
Biên tập: Ông Thần AI

Xem thêm

💎 [THĐP Translation™] Ayahuasca đã giúp tôi nhận ra khiêm nhường là cách duy nhất để tìm thấy hạnh phúc thực sự

💎 Khiêm tốn có thể được phát triển bằng cách nào?

27 sự khác biệt giữa người nghèo và người giàu

“Người nghèo khao khát thành công và né tránh thất bại. Người giàu khao khát sự trải nghiệm, dùng thất bại làm đòn bẩy để đi tới thành công.”

• • •

“Người nghèo” vs. “Người giàu” nghĩa là gì?

“Nghèo” và “giàu” ở đây xét cả trên khía cạnh đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Một người mang nhận thức giới hạn thì sẽ chỉ có thể quanh quẩn trong thực tại nghèo nàn, gò bó và khổ đau. Còn một người có nhận thức cởi mở thì hiển nhiên sẽ có mặt trong những thực tại trù phú, linh hoạt và hạnh phúc.

Trong cuộc sống, một người nghèo có thể chỉ nhìn thấy những khó khăn và trở ngại trước mắt, coi chúng như là những bức tường không thể vượt qua. Ngược lại, người giàu tâm hồn thường nhìn thấy những thách thức là cơ hội để trưởng thành và phát triển. Họ không bị định nghĩa bởi hoàn cảnh hiện tại mà bởi khả năng vươn lên trên hoàn cảnh đó.

Người nghèo thường đợi may mắn gõ cửa, trong khi người giàu lại tự mình tạo ra may mắn. Điều này không chỉ áp dụng trong việc tích lũy của cải vật chất mà còn trong việc xây dựng một trạng thái tâm linh và tinh thần giàu có, nơi sự biết ơn và lòng từ bi trở thành những nguồn tài nguyên vô tận, nuôi dưỡng tâm hồn và khai mở con đường dẫn đến sự thanh thản và hạnh phúc thực sự.

Trong mê cung của cuộc đời, người nghèo tinh thần thường lạc bước trong mớ bòng bong của sự oán trách và so sánh, mắc kẹt trong những vòng lặp của sự thất vọng và ghen tị. Họ thường quay cuồng trong việc theo đuổi những thứ họ nghĩ sẽ mang lại hạnh phúc, mà không nhận ra rằng hạnh phúc thực sự nằm trong việc chấp nhận và trân trọng những gì hiện có.

Ngược lại, người giàu về tâm hồn biết rằng hạnh phúc không phải là điểm đến, mà là một hành trình, một trạng thái được nuôi dưỡng từ bên trong qua việc tự cải thiện và mở rộng tầm nhìn. Họ không chỉ sống để tồn tại, mà sống để thắp sáng ngọn lửa đam mê, khát khao học hỏi và sẻ chia. Điều này tạo nên sự giàu có thực sự, không chỉ bởi những gì họ sở hữu, mà bởi những gì họ cho đi và cách họ khiến cho thế giới xung quanh trở nên tốt đẹp hơn.

đức hạnh

27 sự khác biệt trong nhận thức giữa người nghèo và người giàu

1. Người nghèo (N.N) khao khát thành công và né tránh thất bại. Người giàu khao khát sự trải nghiệm, dùng thất bại làm đòn bẩy để đi tới thành công.

2. Người nghèo coi việc tích lũy cho riêng mình dẫn đến giàu có. Người giàu coi sự chia sẻ và sự ảnh hưởng tích cực của mình là giàu có.

đức hạnh

3. Người nghèo cường điệu hóa sự tiêu cực. Người giàu chuyển hóa sự tiêu cực thành các giá trị thực tế.

4. Người nghèo muốn hưởng thụ. Người giàu muốn lao động và cống hiến.

5. Người nghèo tự ti về năng lực hiện tại của chính mình và không thể hành động dứt khoát. Người giàu tự tin thể hiện những gì mình đang có và hiểu rằng sự nâng cấp bản thân là chuyện cả đời.

6. Người nghèo sợ sai. Người giàu sợ bỏ lỡ cơ hội được biết cái gì là đúng.

7. Người nghèo hay tự ái. Người giàu thì bao dung.

8. Người nghèo đuổi bắt đồng tiền. Người giàu sử dụng đồng tiền để theo đuổi sự tiến hóa.

đức hạnh

9. Người nghèo muốn gây ấn tượng với người khác. Người giàu muốn gây ấn tượng với chính mình.

10. Người nghèo ngồi lý thuyết suông về những điều tốt đẹp. Người giàu thì tìm mọi cách để trở thành hóa thân của những điều tốt đẹp.

11. Người nghèo sợ thua thiệt. Người giàu thì sẵn sàng hi sinh.

12. Người nghèo sống với tâm trí bất an. Người giàu học và biết cách chế ngự tâm trí của chính mình.

13. Người nghèo mong kiểm soát người khác và thế giới. Người giàu thì tập trung vào năng lượng và tâm thế của chính mình.

14. Người nghèo đổ lỗi cho hoàn cảnh và sống bằng tâm lý nạn nhân. Người giàu tự nhận lỗi về chính mình và hành động để thay đổi thực tại.

15. N.N muốn bỏ ít nỗ lực nhưng muốn được thành tựu cao. Người giàu thì lao động hết mình trong mọi việc và coi sự lao động đã là một phần thưởng.

16. N.N quan tâm đến lượng (giá thành sản phẩm). Người giàu quan tâm đến chất (chất lượng sản phẩm).

17. N.N coi thường sinh lực/ sức khỏe thể chất hay tinh thần. Người giàu thì coi chất lượng thể chất hay tinh thần của bản thân là gốc rễ của mọi thứ.

18. N.N hay đòi hỏi. Người giàu luôn biết ơn.

19. N.N đi theo trào lưu, chỉ biết nhận thông tin từ truyền thông dư luận và dễ dàng bị dắt mũi. Người giàu thì tạo trào lưu từ chính mình và chọn lọc thông tin mình hấp thụ.

20. N.N sống duy vật. Người giàu sống với đức tin tâm linh.

21. N.Nchống cự lại thay đổi. Người giàu học thích nghi với thay đổi, tìm kiếm giá trị mới ở trong những thay đổi.

22. N.N thích “mì ăn liền”, thích những gì nhẹ nhàng, free, nhanh chóng, không mất công sức để chuyển hóa. Người giàu thích đồ “khó nuốt”, lượng thông tin cao, cần nghiền ngẫm để thấu hiểu. (“Sữa cho trẻ con, thịt cho người trưởng thành.”)

23. N.N không muốn hấp thụ điều mới, vì tư duy bảo thủ, cao ngạo. Người giàu thì ham học hỏi, cầu thị, khả năng học hỏi đến từ sự khiêm nhường.

24. N.N sa ngã bởi khổ đau. Người giàu trưởng thành trong khổ đau.

25. N.N chỉ biết kế hoạch của bản thân. Người giàu biết nương kế hoạch của bản thân vào kế hoạch của Vũ trụ.

26. N.N sống trong quá khứ, tương lai. Người giàu sống trong hiện tại.

27. N.N tích tiền của. Người giàu tích nhân đức.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Ảnh: Nathan McBride | Unsplash

💎 Xem thêm: [Bài dịch] Tự do: Biện pháp giúp giảm nghèo đói hữu hiệu nhất

Muốn không đau khổ thì đừng tạo ra đau khổ

0

Chuyện về người đàn ông đau khổ

Có một người đàn ông đau khổ vì mình đã gây ra một chuyện lớn. Nhiều ngày ông sợ hãi và lo lắng mỗi khi có tiếng gõ cửa, ông sợ rằng ai đó sẽ tìm tới bắt mình trả giá. Ông không biết phải làm thế nào cả. Cả ngày lẫn đêm ông giận dữ, cáu bẳn, đổ lỗi và dựa vào bất cứ lý do có thể để giải thích sai lầm và chạy trốn khỏi khổ đau. Dù đã làm mọi cách có thể, nhưng ông vẫn bị khổ đau bám như một quả báo. Cho đến khi những người xung quanh thông cảm và động viên thì ông mới dần dần quên đi nỗi khổ đau đó, dù nó vẫn âm ỉ nhưng do chính ông bị những mặc cảm, hổ thẹn đó chi phối ý niệm mình.

Một thời gian sau, con trai ông cũng mắc sai lầm tương tự. Nhưng nó hèn nhát khi chạy trốn khỏi sai lầm nó đã gây ra. Người ta tìm đến ông và trút lên ông sự giận dữ vì tội lỗi của con trai. Cơn đau khổ khi trước vẫn chưa nguôi ngoai thì bây giờ lại tồi tệ hơn. Nhưng lần này, ông đã tìm được cách để loại bỏ khổ đau của mình. Ông trút sự khổ đau của mình bằng lời nói và hành động mang sự khổ đau lên bất cứ ai xung quanh mà ông biết mình có thể làm thế đối với họ.

Người đàn ông này có thể là bạn, là tôi hay bất cứ ai trong chúng ta và câu chuyện là hình ảnh rất thường ngày, khi bạn hoặc tôi trút bỏ sự đau khổ của mình bằng cách tạo ra đau khổ cho người khác dưới bất cứ hành động nào. Đồng thời ngay chính bản thân chúng ta, cũng bị sự đau khổ đó dày vò cả tinh thần lẫn thể xác khi không tìm ra cách tốt hơn.

Chuyện trưởng phòng của bạn bị sếp lớn mắng vì lý do nào đó và sau đó hậm hực tìm bạn và nặng lời một cách vô lý, nhưng bạn không biết tại sao và làm thế nào để không cảm thấy tổn thương và đau khổ vì chuyện mình không biết. Hay trong gia đình, bố mẹ cãi nhau về chuyện cơm áo, rồi đổ áp lực tiêu cực đó anh của bạn và anh của bạn lại tìm đến bạn để cằn nhằn về sự bực bội đó. Cả hai đều đau khổ khi đau khổ xuất phát từ bố hay mẹ, thậm chí chính sự đau khổ của bố mẹ bạn lại xuất phát từ sự đau khổ của người khác và bạn phải chịu đựng sự đau khổ đó.

Câu hỏi ở đây là có cách nào để né tránh đau khổ hay đối xử với nó không? Có.

Vậy cách đó có thể tìm kiếm ở đâu? Qua tôn giáo, sách vở. Có sự thực hành nào có thể giúp chúng ta không phải đau khổ? Có, nhưng không dễ làm theo. Tại sao không dễ làm theo? Vì mọi người sẽ không chọn nó.

Nhưng trước hết chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem tại sao khổ đau lại luôn xuất hiện nhiều như thế và chúng ta lại dễ dàng tạo ra đau khổ cho nhau dễ như thế.

Ngày nào cũng có nỗi khổ của ngày đó

Đối với một người bình thường, việc tìm kiếm cội nguồn của khổ có lẽ xuất phát từ ý niệm và mục tiêu trong cuộc sống này. Một ý niệm muốn có một cuộc đời tốt đẹp là một điều hết sức bình thường, và mục tiêu để đạt được cuộc sống đó là kiếm được nhiều tiền. Nhưng nếu như trong quá trình thực hiện đó bạn không đạt được mục tiêu kiếm được số tiền bạn mong muốn, hoặc con đường chẳng được êm xuôi tốt đẹp thì sẽ tạo ra rất nhiều suy nghĩ và hành động tiêu cực, từ những tiêu cực này thì đau khổ bắt đầu xuất hiện và nó sẽ lan nhanh và bộc phát ra ngoài mà bạn không thể kiểm soát được.

Chúng ta vừa là sinh vật thông minh nhất nhưng cũng nhạy cảm nhất khi có thể nhận biết đau khổ chỉ qua ánh mắt, lời nói, tiếng còi xe đầy khó chịu và những câu chuyện tiêu cực trên internet. Bạn không chỉ dễ dàng cảm nhận được đau khổ đến từ bất cứ lý do nào, đồng thời cũng có khả năng tạo ra đau khổ và đưa nó đến với người khác. Thậm chí trong 30 phút lướt facebook, bạn sẽ thấy đa số những thông tin tiêu cực và đau khổ hiện diện trong hình ảnh và cả những chia sẻ ngắn ngủi.

Nhưng đi kèm với trải nghiệm của đau khổ sẽ giúp bạn phát nguyện lòng yêu thương dễ dàng hơn, đem đến cho bạn một cuộc sống có ý nghĩa hơn thì bạn có thấy mâu thuẫn không?

Nếu có ai đó nói bạn phải từ bỏ vài thứ, phải chịu đựng đau khổ và hãy tha thứ cho bất cứ ai gây ra đau khổ cho bạn, thì bạn sẽ không cảm thấy đau khổ khi nó đến thì bạn có đồng ý không? Đây hẳn là một điều kiện vô cùng đòi hỏi mà bạn chưa chắc là nó sẽ hiệu quả.

Đổi lại bạn cũng một phương án dễ dàng hơn để tạm thoát khỏi đau khổ: Trút bỏ nó cho người khác và không quan tâm người khác sẽ làm gì với đau khổ bạn tạo ra. Rồi người đó cũng lập lại điều đó với bạn và bất cứ ai khác. Như vậy đau khổ chưa bao giờ biến mất cả, nhưng nó không chỉ tạo ra một đau khổ mà là rất nhiều đau khổ.

Thực tế có những cách mà chúng ta thường đưa ra để nhanh chóng giải quyết nỗi khổ đau mà không cần bất cứ sự cố gắng nào, bao gồm:

  • Trút nỗi đau lên người khác, lên hoàn cảnh, số phận…
  • Âm thầm chịu đựng đau khổ đến mức có thể.
  • Kể lể về đau khổ với bất cứ ai và trên các mạng xã hội.
  • Coi đau khổ là một vấn đề cần chính phủ, tôn giáo, xã hội giải quyết, còn mỗi bản thân mình là không đủ.

Nhưng cách dễ dàng nhất vẫn là đem đau khổ tới cho người khác. Phật Thích Ca gọi đó là mũi tên thứ nhất bạn bắn vào người khác. Từ khổ đau này tạo ra mũi tên thứ hai – đau khổ của người khác, và cứ thế sẽ liên tiếp tạo ra những đau khổ không hồi dứt.

Nguyên nhân của đau khổ có phần không nhỏ đến từ việc trong ý niệm nhiều người muốn theo đuổi vật chất, dục vọng, quyền lực, khẳng định giá trị của bản thân bằng bất cứ biện pháp nào có thể. Điều này còn được văn hoá, xã hội, môi trường học tập và làm việc cổ vũ bằng cách khích lệ bạn đối phó với đau khổ bằng cách kiếm càng nhiều tiền càng tốt, vị trí trong xã hội càng cao thì việc tránh được khổ đau sẽ khả thi. Chúng ta cho rằng đau khổ trong thời đại này phần lớn xuất phát từ việc không đạt được mong muốn có nhiều vật chất và sự công nhận cũa xã hội. Điều này nhìn ra có vẻ đúng và là động lực tốt đẹp của con người, nhưng xin bạn hãy dừng lại một phút để nhìn nhận rằng ngay từ khi tạo ra những động lực để thoả mãn cái tôi của mình, bạn đã vô tình khởi tạo sự đau khổ dù nó mới chỉ nhỏ bé như hạt cải.

Trong một cuộc sống ganh đua với áp lực cao như bây giờ, việc ai đó cũng muốn thể hiện khả năng của mình, không chấp nhận chia sẻ sự cảm thông thì việc khởi tạo vô số đau khổ để thúc đẩy bản thân là điều chúng ta sẽ không thể kiểm soát được. Chúng ta vì muốn thể hiện mình tốt hơn để khi có vấn đề xảy ra, thì người bị sếp khiển trách sẽ không phải mình. Điều này là tốt cho bạn, nhưng trong nó vô tình tạo ra ít nhất hai đau khổ: bạn mong muốn người bị mắng không phải là mình và cố gắng hết sức có thể để chuyện đó không xảy ra bằng nỗ lực của bản thân.

Để giải thoát bản thân khỏi những đau khổ thì việc chúng ta tìm đến tôn giáo – suối nguồn tinh khiết sẽ gột rửa được tâm hồn. Và đây là giải pháp nhất tốt nhất, không mất phí nhất để thanh tẩy tâm hồn. Nhưng chúng ta lại chỉ coi những hoạt động tôn giáo là tấm vé một chiều, là nơi chúng ta nghĩ có thể dùng vật chất để mua vài quá trình trị liệu tương tự những buổi tư vấn tâm lý, tham dự những buổi lễ cuối tuần, các buổi thiền, đi làm từ thiện trong ngày nghỉ với mong muốn mọi đau khổ sẽ được trút bỏ nhanh chóng và chúng ta lại sớm quay lại với cuộc sống hàng ngày.

Tất nhiên, các hoạt động đó có sự cải thiện nhất định, nhưng hiệu ứng của những bạn cho là nhanh nhất để giải quyết vấn đề cũng sẽ đi nhanh như thế và bỏ lại bạn với vô số đau khổ mỗi phát sinh mỗi ngày. Chuyện này dễ hiểu vì nhiều người trong chúng ta chỉ coi tôn giáo hay những hoạt động chữa lành tinh thần là liệu pháp chữa cháy chứ không phải là lập lại những hành động cầu nguyện, thiền định, chịu đựng và yêu thương mỗi ngày như việc nhận thức rằng đau khổ luôn được tạo ra trong ngày mai, chứ không biến mất ngay khi bạn chiến thắng nó trong hôm nay.

Có một điều chúng ta có thể đang không ý thức rằng, bạn và tôi không xem trọng những cách thức chữa lành đau khổ nhưng nhìn nhận đau khổ là môt vấn đề trong cuộc sống. Và lý do nằm ở việc diệt trừ đau khổ không phải là một bản năng có sẵn trong mỗi chúng ta, và trên mức thang đánh giá của nhiều xã hội văn minh nhất, nó xếp sau những cái “bạn có thể chấp nhận đau khổ để nhận được những vật chất cụ thể hơn.”

Trên hết, việc bạn có thể bước qua đau khổ thì đó lại là một quá trình cần đến sự nhận biết và hành động. Cả hai điều này đều không đơn giản dù cho những tôn giáo đã hứa hẹn rất nhiều về lợi ích của chúng.

Muốn không đau khổ thì đừng tạo ra đau khổ

Trong Kinh Thánh, phần Tân Ước có một dụ ngôn nói về cách loại bỏ đau khổ, nhưng đồng thời cũng nhắn nhủ một điều hết sức quan trọng và có liên hệ mật thiết với bài viết này. Dụ ngôn đó như sau:

Phê rô – Peter hỏi Chúa Jesus rằng “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm (tạo ra đau khổ cho bạn) đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”

Vì thế, Nước Trời (sự giải thoát đau khổ) cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn nén vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con tài sản mà trả nợ.

Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.” Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao!”

Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.” Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện.

Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông.

Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”

Bạn sẽ dễ dàng nhận ra rằng dụ ngôn nói đến việc chống lại khổ đau thông qua tha thứ. Chúa – tôn giáo luôn có nhân hậu với bất cứ món nợ – đau khổ của con người dù nhiều như 10 vạn nén vàng (1 nén vàng tương đương 6000 quan tiền). Nhưng ngay khi thoát khỏi khổ đau của chính mình, chúng ta lại tạo ra khổ đau cho người (hành động của kẻ được tha món nợ 10 vạn nén vàng với người mắc nợ 100 quan tiền) và để rồi chính chúng ta lại tích tụ đau khổ sau khi đã được thanh tẩy khỏi chúng.

Và đồng thời bạn cũng tìm thấy cách hai cách để loại bỏ đau khổ là yêu thương và tha thứ. Rất đơn giản phải không, nhưng để có thể liên tục tái lập hai hành vi vượt trên cả chuẩn mực đạo đức và bản thân này lại rất khó. Trong một xã hội ganh đua và đề cao cái tôi, thì việc yêu thương chỉ được tính trên phạm trù những mối quan hệ mật thiết của bạn, còn tha thứ bạn sẽ hiếm khi bỏ qua được lỗi lầm của đa số người khác quá một lần.

Không phải bạn là hẹp hòi hay ích kỷ, nhưng bạn đang sống trong một thế giới không chấp nhận một cá nhân có lòng vị tha vô biên giới (vì việc này bạn sẽ là người phải chịu thiệt, phải nhận lấy đau khổ) và coi sự răn dạy của tôn giáo có giá trị chỉ hơn truyện cổ tích một chút. Việc bạn thành thạo một kỹ năng để kiếm sống, hay chơi thể thao chỉ đòi hỏi bạn sự tập trung và thời gian. Còn việc vượt lên khỏi đau khổ sẽ yêu cầu thêm bạn một điều còn khó hơn cả điều kia – từ bỏ cái tôi, từ bỏ bản ngã. Đây là mấu chốt khiến việc vượt qua đau khổ trở thành một con đường khó đi với rất nhiều người.

Bạn đang sống trong một thế giới mà chủ nghĩa cá nhân đang lên cao hơn bao giờ hết. Khi bạn đã coi mình là một ngôi sao trên bầu trời thì việc chậm lại một chút để thấu hiểu, cảm thông và tha thứ cho người khác cần rất nhiều nhận biết vượt khỏi trí tuệ thông thường. Để giải thoát con người khỏi đau khổ, Phật đã giảng về Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, nói về thiền định sẽ sản sinh ra Từ, Bi, Hỷ, Xả (Tứ vô lượng tâm). Chỉ riêng Pháp này cũng đòi hỏi sự tập trung và nhận biết rất nhiều, mới hiểu được rằng tại sao chỉ bằng sự yêu thương thì mới thoát khỏi khổ đau.

Thông qua các kinh sách, các ẩn dụ và các Pháp thì việc thực hành là một nửa của câu trả lời cho việc giải trừ đau khổ. Mọi phương tiện và hành động như thiền định, cầu nguyện, tha thứ, bao dung… và với tất cả hành động này sẽ xoá bỏ cái tôi, bản ngã và dẫn bạn đến một nhận biết “Bạn sẽ không đau khổ khi chính bản thân ngừng tạo ra nó.” Và khi bạn đã không tạo ra đau khổ, bạn đã biết cách yêu thương và khi bạn đã biết yêu thương bạn sẽ dễ dàng tha thứ.

Tất cả các hành động và suy nghĩ sản sinh chánh niệm này bạn hãy thực hành mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi khoảnh khắc chứ không chỉ là một thời gian hay một khoá học từ tôn giáo hay những người giảng dạy. Rất khó nhưng hãy tin tôi, việc này đáng để bạn làm như vậy.

Yêu thương người khác cũng chính là yêu thương chính mình

“Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán.
Đừng kết án thì khỏi bị kết án.
Hãy tha thứ thì sẽ được tha thứ
Hãy cho đi thì sẽ được cho lại.” – Trích trong sách Tin mừng của Thánh Luca-Luke

Nhận biết đau khổ và yêu thương người khác đều phát từ ý niệm chứ không phải hoàn cảnh hay vật chất đã là một sự chuyển biến lớn để thoát khỏi đau khổ, và cũng chính là cách bạn đang yêu thương mình. Đây chẳng phải là phát hiện gì mới nhưng chúng ta lại ít khi hay không muốn hành động như thế. Những định kiến cùng giá trị mà xã hội, văn hoá, môi trường làm việc lại khuyến khích việc tạo ra cái tôi hơn là sự từ bi. Sự tử tế và yêu thương luôn được coi sự yếu đuối và không phù hợp với thời đại.

Marcus Aurelius, triết gia Khắc kỷ và là hoàng đế La Mã viết trong cuốn Suy tưởng rằng:

“Hãy bắt đầu một ngày mới bằng việc nói với bản thân mình hôm nay bạn sẽ gặp những người thô lỗ, kiêu căng, tráo trở, lừa dối… tất cả họ đều phạm phải sai lầm vì không thể tự mình nhận ra đúng hay sai. Nhưng bạn biết quy luật của Tự nhiên, sự thanh thảnh khi bạn đang làm điều đúng, và nỗi lo sợ bất an khi làm điều sai, nên bạn cũng không lo cho mình bị ảnh hưởng bởi họ. Nhưng, bạn cũng đừng tức giận, khinh thường và ghét bỏ họ, những người anh em của bạn trên thế giới này. Họ với bạn như chân, tay, mắt, mũi của một thân thể, chỉ có thể hoà thuận chứ không phải chống đống nhau. Vì các bộ phận cơ thể chống đối nhau là trái với Tự nhiên.”

Thậm chí Aurelius còn khuyên rằng cách đối phó với một người khó chịu, xấu xa nhất và có hành động gây hại với bạn là hãy đối xử với hắn thật tử tế, chân thành, nhẹ nhàng và kín đáo chỉ cho hẳn biết cái sai của mình. Đây có thể là một hành động ngu ngốc và tốn thời gian trong guồng quay thờ đại bây giờ. Nó đi quá giới hạn đạo đức mong muốn bạn thể hiện, đồng thời hạ thấp cái tôi của bạn.

Nhưng hãy thật tỉnh táo, hãy nhớ điều bạn đang muốn là không tạo ra đau khổ và bị đau khổ hành hạ thì phải có sự thờ ơ trước những thứ không thực sự ảnh hưởng đến bạn. Dù đó là hành động hay lời nói xuất phát từ ý niệm của người khác vô tình hay cố tình gieo hạt giống đau khổ cho bạn. Càng để ý tới những biểu hiện bên ngoài, bạn càng khó kiểm soát đối với cuộc sống của chính mình. Và, bạn biết rồi đấy, khi bạn bị các ngoại lực tác động thì tự khắc đau khổ sẽ xuất hiện.

Để thoát khỏi đau khổ không cần thiết phải trở thành một thiền sư hay tu sĩ, hoặc từ bỏ thế gian, đi sâu vào trong rừng núi xa lánh mọi khổ đau. Bạn chỉ nhận biết rằng mỗi ngày đều có vô số đau khổ mới được tạo ra và ập đến bạn. Thông qua những hành động tốt, kiểm soát suy nghĩ, thực hành các phương pháp sản sinh chánh niệm như cầu nguyện, thiền, mong muốn người khác luôn nhận được những sự tốt đẹp và ý thức rằng những hành động và suy nghĩ đúng đắn này đồng thời sẽ đem đến cho bạn một sự nhân từ với ngay cả chính bản thân mình, khi nó đến từ tận bên trong bạn.

“Đừng quá lo lắng về ngày mai. Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó.” Chúa Jesus nói.

Hãy chấp nhận một ngày luôn có đau khổ, nhưng cách bạn nhận biết và kiểm soát ý niệm, hành động của mình thì đau khổ sẽ không tác động đến bạn, cũng như chính bạn cũng không khởi tạo thêm đau khổ nào cả. Hãy làm hết sức mình, rồi Trời sẽ giúp. Hãy thắp sáng lên ngọn đèn, chứ đừng ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối.

Tác giả: Đức Nhân
Edit: THĐP

Ảnh minh họa: Tác phẩm điêu khắc Đức Mẹ sầu bi (Pieta) của Michelangelo

💥 THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/THDP-DEEPCLUB
🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

Vì sao ta thấy cô đơn hơn bao giờ hết?

*Bài viết hiện có 15.1K Likes trên Medium

Thuật ngữ “nỗi cô đơn” (loneliness) có vẻ như đã bắt nguồn từ thế kỉ thứ 16. Dù vậy, phải vài trăm năm sau nó mới rộ lên trong nghệ thuật và truyền thông. Cảm giác cô đơn đó đã luôn tồn tại, dĩ nhiên, nhưng tần suất sử dụng trong ngôn ngữ cho thấy mức độ liên quan của nó theo thời gian.

* * *

Fyodor Dostoevsky và nỗi cô đơn

đức hạnh

Tại sao Fyodor Dostoevsky lại được xem là một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại nhất từng tồn tại? Trong tự truyện của ông, Ernest Hemingway đã từng tuyên bố rằng không thể đọc hết một quyển sách nào của Dostoevsky bởi vì chúng được viết quá tệ. Nhận xét đó không hoàn toàn sai: Dostoevsky không hề được biết đến qua những dòng văn chương bay bướm.

Tuy nhiên, có một lý do khác cho sự hấp dẫn của ông. Ông hiểu thế nào là sống như một con người, ngày này qua ngày khác, xuyên suốt nhiều năm và thập kỉ, bằng cách rất ít nhà văn đã từng cảm nhận được và có khả năng bày tỏ.

Một chủ đề nhất quán trong các tiểu thuyết của ông là cách những cá nhân đối mặt với bản thân, tâm trí của họ, sau khi làm một chuyện tày đình, thường là tiêu cực, như phạm tội hoặc một hành vi vô đạo đức. Nhiều nhân vật của ông về sau trong tiểu thuyết bộc lộ cảm giác tội lỗi, nỗi cô đơn và sự cô lập.

Chủ đề ông miêu tả thường thì nặng nề hơn những điều liên quan trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên cốt lõi của tất cả những gì ông đang làm là tìm hiểu cách tâm trí chúng ta tạo ra những cảm giác về sự gắn kết, mối quan hệ, và ý nghĩa.

Luận điểm của ông chủ yếu là: Cách chúng ta nối kết với bản thân mình cũng liên quan sâu sắc với cách chúng ta nối kết với xã hội, những người khác, và ngược lại. Nếu một trong hai bị mất đi tính cân bằng thì cái còn lại cũng như vậy. Để nuôi dưỡng sự kết nối này, ông viết trong Brothers Karamazov (Anh em nhà Karamazov), chúng ta phải luyện tập sự trung thực:

“Hơn tất cả, đừng tự dối mình. Người nói dối với bản thân và lắng nghe lời nói dối của mình đến một lúc sẽ không thể phân biệt sự thật bên trong hắn hay xung quanh hắn, rồi sẽ mất đi mọi tôn trọng dành cho chính hắn và cho người khác.”

Nhìn sơ qua, mối liên quan giữa điều này và nỗi cô đơn vẫn còn thiếu rõ ràng nhưng sau khi bóc trần từng lớp thì điều đó hiện ra khá rõ ràng.

Mối hiểm hoạ đằng sau sự phức tạp của văn hoá

đức hạnh

Thuật ngữ “nỗi cô đơn” (loneliness) có vẻ như đã bắt nguồn từ thế kỉ thứ 16. Dù vậy, phải vài trăm năm sau nó mới rộ lên trong nghệ thuật và truyền thông. Cảm giác cô đơn đó đã luôn tồn tại, dĩ nhiên, nhưng tần suất sử dụng trong ngôn ngữ cho thấy mức độ liên quan của nó theo thời gian.

Hôm nay, nếu bạn tìm kiếm từ khóa cô đơn, bạn có được 51,700,000 kết quả trong 0.34 giây. Nếu đủ quan tâm để đào sâu hơn, bạn sẽ tìm thấy hàng nghìn bài viết nói về cách chúng ta đang sống trong một thế giới nơi cô đơn là một đại dịch, một vấn đề về sức khoẻ cộng đồng, ở giai đoạn quan trọng trong thời hiện đại.

Nhiều thủ phạm đã được chỉ ra: Kết nối giữa cộng đồng và gia đình bị tan rã; những cuộc di cư lên thành thị; điện thoại, TV và Radio và mọi thứ ở giữa. Không chỉ đơn thuần sự cô lập, chỉ là một phần của nó, mà tất cả những thủ phạm trên đều chỉ tới một điểm chung: Chúng ta sống trong một thế giới ngày càng phức tạp về mặt văn hoá.

Trên các trảng cỏ châu phi vào khoảng 200 nghìn năm trước – hệ sinh thái mà loài người đã tiến hoá để thích nghi – chúng ta sinh hoạt trong những bộ lạc nhỏ, du cư nay đây mai đó. Có thể có một vài điểm khác biệt di truyền của bạn so với gia đình hoặc bạn bè nhưng nhìn chung, nhờ nền văn hóa giản đơn và đồng dạng, chúng ta khá giống nhau với những con người bổ khuyết cho nhau.

Bây giờ hãy so sánh với thế giới trong đó ta có mạng lưới Internet. Mọi người đều có thể tìm đến mọi nền văn hoá, từ mọi ngóc ngách trên quả đất, vào mọi thời điểm trong ngày. Mức độ của sự kết nối chúng ta có ngày nay có nghĩa là có một sự giao thoa kết hợp giữa nhiều nền văn hoá, tạo ra một sự đa dạng khủng khiếp trong những cá nhân và sự tiếp xúc của họ. Và kết quả là?

Sự hình thành của cái tôi, danh tính của chúng ta, trong một thế giới như vậy tạo nên những khác biệt sâu sắc giữa ta và người khác, cả theo những cách tinh vi và hiển nhiên. Tuy chuyện này có một vài lợi ích, ở một khía cạnh sâu xa và mang tính tâm linh hơn – khía cạnh cần thiết để thật sự kết nối với ai đó – ta thấy cô đơn, bởi không ai có thể hiểu ta như cách ta muốn họ hiểu mình.

Ừ thì cô đơn có thể là một sản phẩm của sự tách biệt, nhưng nỗi cô đơn mà nhiều người trong số chúng ta cảm nhận, trong một thế giới nơi mọi người dễ dàng kết nối với nhau hơn bao giờ hết, có nguyên do chính là bởi thực tế rằng xã hội hiện đại đã tách chúng ta ra khỏi nhau về mặt tinh thần, chứ không phải chỉ đơn giản là vì thiếu vắng tương tác.

Hòa giải những mảnh vỡ tâm hồn

Sự thật rằng tất cả chúng ta đã trở nên khác biệt hơn bao giờ hết không phải là xấu. Trên thực tế, tuỳ vào những giá trị của bạn, nó là một điều tuyệt vời. Hơn thế nữa, trở nên khác biệt riêng nó không phải là lý do khiến việc kết nối giữa người với người trở nên khó khăn.

Trong các tiểu thuyết của Dostoevsky, mỗi khi nhân vật nào đó phải đối mặt với tội lỗi hoặc với việc mình đã gây ra khổ đau trên thế giới một cách có ý thức, thứ trừng phạt họ không bao giờ là cuộc đời, mà là tâm lý của chính họ.

đức hạnh

Kể cả khi không ai khác trên đời biết họ đã làm những gì, họ vẫn phải che giấu điều đó khỏi người khác, và dần dần, khỏi cả chính mình. Sự thật đơn giản này – nhận thức rằng họ không bao giờ có thể thành thật với một người khác, không bao giờ bộc lộ con người toàn bộ của mình – làm họ cảm thấy đơn độc và tách biệt, kể cả khi xung quanh chẳng có ai nghi ngờ.

Đây là một ví dụ cực đoan, nhưng bằng nhiều cách cuộc sống hiện đại cùng những nền văn hoá phức tạp song hành với nó cộng với những mối quan hệ thông qua công nghệ đã tạo ra một thực tại rời rạc mà ở đó ta cũng không thể trốn chạy khỏi vấn đề này.

Bạn là một người khác khi ở nhà so với khi ở chỗ làm. Bạn là một người khác offline so với bạn lúc online. Bạn là một con người khác khi ở trong tiểu văn hoá này (ví dụ một câu lạc bộ những người đọc tiểu thuyết khoa học giả tưởng) so với bạn trong nhóm khác (chẳng hạn như một giải bóng đá vào Chủ nhật bạn chơi).

Bởi vì nhiều tiêu chuẩn khác nhau của xã hội, ta phải giấu đi nhiều phần của bản thân trước những con người này ở những nơi nọ, điều mà – một lần nữa – bản thân nó không phải là vấn đề; nhưng thói quen đơn giản đó đã tạo ra những lời nói dối tinh vi mà ta bảo với bản thân và người khác. Một lúc nào đó, những lời nói dối nọ sẽ bắt đầu được chồng chất lên nhau, dẫn đến những mảnh vụn tâm hồn không hài hòa.

Bạn chỉ thực sự kết nối với ai đó khi bạn và họ cho đối phương thấy toàn bộ con người của mình, kể cả những điểm không hoàn hảo hay khác biệt; chỉ đơn giản chấp nhận rằng không phải ai cũng có thể hiểu chúng. Xã hôi hiện đại, không may, khiến điều đó trở nên vô cùng khó khăn với nhiều chuẩn mực xã hội phức tạp, bất chấp thực tế rằng thời nay chúng ta luôn được kết nối với nhau một cách hời hợt nhờ vào công nghệ.

Nếu ta không chủ động hòa giải những phân mảnh đó thành một sự toàn thể vẹn toàn chặt chẽ để bộc lộ với thế giới, bằng tất cả sự thật và trung thực của mình, ta sẽ không tìm thấy được cái ta đang kiếm tìm.

Trước khi chấp nhận một ai đó bầu bạn và thiết lập một mối quan hệ với họ, bạn trước hết phải chấp nhận bản thân mình.

Khả năng cho sự trung thực

Điều trớ trêu ở đây là việc này rất cần sự tách biệt và tĩnh lặng (cái có thể dẫn tới nỗi cô đơn, nhưng thường không phải là nguyên nhân gốc rễ) để có thể tự nhận thức rằng tất cả những thứ này đều đang xảy ra bên dưới bề mặt.

Ngày nay, mỗi chúng ta đều là sản phẩm của vô hạn những sự tổng hợp phức tạp của các nền văn hoá đã từng giao thoa vào những thời điểm nào đó, ở những nơi nào đó, xuyên suốt mỗi phút giây trong cuộc đời, để tạo ra một cảm giác về cái tôi bằng cách nào đó bị giấu kín. Kết quả là, thậm chí chúng ta không biết mình là ai.

Trong cách hiểu này, sự tĩnh mịch là một món quà. Nó cho bạn thấy cái gì đang ở đó khi bạn không bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ xung quanh hay bị đánh lạc hướng bởi những điều lan man; nó cho bạn cơ hội khách quan quan sát, thấy được cách những phân mảnh danh tính đó mâu thuẫn với nhau.

💎 [THĐP Translation™] Tôi đã học được gì từ Blaise Pascal về sức mạnh của sự tĩnh lặng

Thay vì để ý đến hình tượng hay thương hiệu của bạn trong một tình huống nào đó, bạn bị ép phải chiêm nghiệm với con người đằng sau vẻ bề ngoài: những lời nói dối bạn tự nói với mình và người khác, về nỗi hổ thẹn bạn cảm thấy, và về tất cả những gì còn lại bị tâm trí bạn giấu đi mất khi bạn không để ý.

Những việc này không dễ dàng, và không có gì như một liều thuốc trị cô đơn, nhưng điều kì lạ lại xảy ra khi bạn đối mặt với cái bạn vẫn luôn trốn tránh: Bạn dần tôn trọng hơn con người thật sự bên trong và không cần phải thiếu trung thực về điều gì; qua đó bạn mở ra cánh cửa dẫn tới sự kết nối.

Tự nhiên thì một mối quan hệ thành thật và lâu dài đích thực yêu cầu sự tham gia đồng lòng của cả hai phía để cùng trút bỏ lớp vỏ ngoài, điều không hoàn toàn do bạn quyết định, nhưng vẫn cần được bắt đầu qua cách mà bạn thấu hiểu chính mình.

Trong các tiểu thuyết của Dostoevsky, mỗi khi một nhân vật của ông thừa nhận cảm giác tội lỗi sau khi làm điều sai trái và gỡ bỏ gánh nặng tâm lý đang đè nặng cuộc sống họ, họ sẽ cảm thấy mình tự do hơn, kể cả khi sau đó họ bị trừng phạt sau khi tự thú.

Cũng bằng cách này, ta thấy cô đơn khi ta che giấu bản thân mình, hoặc khi ta không là chính mình. Và giải pháp không phải là thêm vào nhiều kết nối giả tạo hơn, mà là trở thành người chúng ta đã là [(ND): Sat-Chit-Ananda (Hiện hữu-Tâm thức-Phúc lạc)].

Tác giả: Zat Rana
Biên dịch: Tin Nô Bi
Hiệu đính: Prana

Ảnh minh họa: Edvard Munch, The Scream, 1893

Xem thêm

Osho nói về sự cô đơn, trải nghiệm một mình

Trải nghiệm cô đơn và sự thức tỉnh tâm linh

[THĐP Translation™] 18 thông điệp cuộc đời từ đại văn hào Johann Wolfgang von Goethe

  1. “Con người nhìn thế giới này bằng những thứ anh ta chứa trong tim mình.”
  2. “Điều quan trọng trong cuộc sống này là sống, không phải kết quả sống.”
  3. “Bất cứ điều gì bạn làm hoặc ước bạn có thể làm – trước hết hãy bắt đầu. Sự táo bạo chứa trong nó cảm hứng, sức mạnh và cả phép màu.”
  4. “Thiên tài là người cảm nhận được hạnh phúc mãnh liệt khi anh ta sử dụng tài năng của mình để làm việc yêu thích.”
  5. “Không có gì đáng sợ hơn sự thiếu hiểu biết trong hành động.”
  6. “Tất cả những suy nghĩ khôn ngoan đã sẵn có, điều cần thiết là hay suy nghĩ chúng một lần nữa.”
  7. “Tính cách con người hình thành dần bởi những chuỗi sự kiện của cuộc đời.”
  8. “Việc làm cho bản thân trở nên quan trọng chỉ có thể thành công khi một người tự cô lập chính mình, lúc đó anh ta không khác gì một đứa trẻ cô đơn.”
  9. “Chia rẽ và thống trị – kẻ khéo léo cũng phải khóc; đoàn kết và dẫn dắt – khẩu hiệu của người khôn ngoan.”
  10. “Mỗi ngày ta nên nghe ít nhất một đoạn nhạc ngắn, đọc một vầng thơ hay, ngắm một bức tranh đẹp để những suy nghĩ thực dụng hằng ngày không thể xóa bỏ những điều tốt đẹp mà Thượng đế đã gieo vào tâm hồn mỗi người.”
  11. “Thế giới này thật trống trải nếu nghĩ rằng chỉ có những ngọn núi, con sông và thành phố; nhưng nếu biết ai đó đang suy nghĩ, cảm nhận cùng chúng ta và những người dù cách xa nhưng gần nhau trong tâm thức làm cho trái đất này trở thành một khu vườn có người ở.”
  12. “Tình yêu không thể cưỡng ép, tình yêu cần vun trồng.”
  13. “Chúng ta được tạo hình và tạo dáng bởi những gì ta yêu.”
  14. “Vẻ đẹp là quy luật bí ấn của tự nhiên biểu hiện ra ngoài; nếu không như vậy, nó sẽ bị ẩn giấu mãi mãi.”
  15. “Tâm hồn nào cảm nhận được cái đẹp thỉnh thoảng phải bước một mình.”
  16. “Tất cả những kiến thức mà tôi đang có, người khác cũng có thể đạt được. Nhưng trái tim và tâm hồn là của riêng tôi.”
  17. “Nếu tôi yêu bạn, vậy đâu là vấn đề của bạn?”
  18. “Khi bạn bắt đầu biết tin vào bản thân, bạn sẽ biết được phải sống như thế nào.”

Biên dịch: Huy Nguyen – THĐP

Ảnh: Wikipedia

💥 THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/THDP-DEEPCLUB
🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

Elon Musk tư duy như thế nào?

Elon Musk là một “expert-generalist”

đức hạnh

Làm thế quái nào mà Elon Musk có thể dựng xây 4 công ty trị giá hàng tỉ đô vào độ tứ tuần, trong 4 lĩnh vực hoàn toàn tách biệt (phần mềm, năng lượng, vận chuyển, và không gian)?

Để lý giải sự thành công của Elon Musk, người ta đã nhắc đến tinh thần làm việc phi phàm của anh (Musk thường xuyên làm việc đến 85 giờ mỗi tuần), khả năng thiết lập tầm nhìn về những tương lai không tưởng, và sự bền bỉ phi thường của anh.

Tuy nhiên, các lý do đó đều không thoả mãn tôi, có rất nhiều người sở hữu những đặc điểm kia. Tôi muốn biết Elon Musk đã làm gì khác biệt.

Sau khi tìm hiểu hàng tá bài báo, video và sách về Elon Musk, tôi nhận ra một mảnh ghép lớn của vấn đề đã bị thất lạc. Có quan điểm phổ biến rằng để đạt được tầm cỡ quốc tế, chúng ta chỉ nên tập trung vào một lĩnh vực. Elon Musk phá vỡ quy luật đó. Chuyên môn của anh trải rộng từ Khoa học tên lửa, Kỹ thuật, Vật lý học, Trí thông minh nhân tạo (AI) cho đến Năng lượng Mặt trời.

Trong bài trước, Tôi gọi người như Elon Musk là “expert-generalist” (khái niệm được đặt ra bởi Orit Gadiesh, chủ tịch của Bain & Company). Expert-generalist là những con người học hỏi rộng rãi từ nhiều lĩnh vực và thấu hiểu được những quy tắc kết nối những lĩnh vực đó, rồi áp dụng những quy tắc cốt lõi trên vào chuyên môn của họ.

Dựa vào quan điểm cá nhân của tôi về cuộc đời Elon Musk và các tài liệu học thuật liên quan đến phương pháp học tập và chuyên môn hoá, tôi tin rằng chúng ta nên học hỏi rộng rãi ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề để tăng khả năng đạt được những thành công đột phá.

Quan điểm về chuyện bá nghệ bá tri

Nếu bạn là một người đam mê học hỏi ở nhiều lĩnh vực, hẳn bạn cảm thấy quen thuộc với câu nói sau:

“Jack of all trades. Master of none.”
(Tạm dịch: “Bá nghệ bá tri, vị chi bá láp.”)

Hàm ý của câu trên là nếu bạn theo đuổi quá nhiều lĩnh vực, kĩ năng của bạn sẽ chỉ đạt đến bề nổi, không bao giờ có được sự tinh xảo.

Tuy nhiên, những thành công của các expert-generalists trong lịch sử đã chứng minh điều này không phải lúc nào cũng đúng. Nghiên cứu nhiều lĩnh vực mang lại một lợi thế về thông tin (và vì thế một lợi thế sáng tạo), bởi phần lớn mọi người chỉ tập trung vào một lĩnh vực.

Ví dụ, nếu bạn theo đuổi ngành Kỹ thuật, và mọi người khác chỉ đọc những ấn phẩm về công nghệ, trong khi bạn có vốn kiến thức rộng rãi về sinh học, bạn sở hữu khả năng nảy ra những ý tưởng mà chẳng ai có thể nghĩ ra được. Ngược lại cũng thế, nếu bạn học ngành Sinh học và song song đó còn hiểu về trí tuệ nhân tạo, bạn có một lợi thế thông tin hơn những người chỉ quan tâm đến chuyên ngành của họ.


Tuy ý tưởng thì cơ bản, ít người thực sự học thêm ngoài ngành

Lợi thế của một expert-generalist là, cứ mỗi lĩnh vực mới không quen thuộc với đồng ngành, họ lại có khả năng tạo ra những sự kết hợp người khác không thể.

Một nghiên cứu thú vị hưởng ứng góc nhìn này. Nghiên cứu này giải thích cách 59 nhạc sĩ chuyên sáng tác Opera giỏi nhất của thế kỉ 20 trở thành bậc thầy. Trái ngược với những lời kể thông thường rằng thành công từ những nghệ sĩ giỏi nhất chỉ có thể được đạt luyện tập chăm chỉ và chuyên sâu, nhà nghiên cứu Dean Keith Simonton nhận ra điều hoàn toàn trái ngược:

“Các tác phẩm của những nhạc sĩ Opera thành công nhất thường hàm chứa một sự đa dạng về dòng nhạc… các nhạc sĩ có thể tránh sự cứng nhắc từ việc “quá chuyên nghiệp” (luyện tập quá nhiều) qua việc rèn luyện chéo,” tóm tắt bài báo đăng trên Scientific American của nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania – Scott Barry Kaufman.

đức hạnh

Siêu năng lực “Learning Transfer” của Musk

Từ thời niên thiếu, mỗi ngày Elon Musk đều đọc hai quyển sách thuộc nhiều lĩnh vực, theo lời kể từ người em trai ông, Kimbal Musk. Để dễ hình dung hơn, nếu mỗi tháng bạn đọc một quyển sách, thì số sách Elon Musk đọc nhiều gấp 60 lần bạn.

Ban đầu, Elon Musk đọc những sách thuộc các lĩnh vực Khoa học viễn tưởng, Triết học, Tôn giáo, Lập trình, và Tiểu sử của các Nhà Khoa học, Kỹ sư và Doanh nhân. Lớn lên, anh đọc thêm về Vật lý, Kỹ thuật, Thiết kế Sản phẩm, Kinh doanh, Công nghệ, và Năng lượng. Cơn khát kiến thức giúp anh tiếp xúc với những lĩnh vực mà anh chưa bao giờ cần học ở trường.

Elon Musk có một kĩ năng học tập vô cùng đặc biệt mà nhiều người thậm chí còn chưa biết đến: Learning Transfer. “Learning Transfer” là việc chúng ta áp dụng kiến thức đã được học từ bối cảnh này vào một bối cảnh khác, ví dụ như việc lấy những thông tin cốt lõi chúng ta từng được dạy ở trường hoặc qua một quyển sách, rồi áp dụng vào thế giới thực, hoặc áp dụng kiến thức từ ngành này vào ngành khác.

Đây chính là chỗ Elon Musk tỏa sáng. Qua nhiều buổi phỏng vấn, Elon Musk đã chứng minh rằng anh có một quy trình hai bước độc đáo để trau dồi kĩ năng Learning Transfer này.

Đầu tiên, Musk tách kiến thức ra thành các nguyên lý cơ bản. Musk từng trả lời ở một Reddit AMA (chương trình “hỏi tôi mọi thứ” ở Reddit) cách anh làm điều đó:

Việc xem kiến thức được sắp xếp như một cây cú pháp vô cùng quan trọng – bạn phải nắm vững những nguyên lý cơ bản nhất, hay là thân và cành lớn, trước khi nghiên cứu đến lá, hay những chi tiết nhỏ nhặt.

Nghiên cứu cho thấy việc rút ra những quy tắc chuyên sâu, khái quát sẽ giúp phát triển Learning Transfer. Một nghiên cứu khác gợi ý một kỹ thuật vô cùng hiệu quả để người học có thể thấu hiểu các nguyên lý nền tảng. Kỹ thuật này được gọi là “những trường hợp tương phản.”

Đây là cách nó hoạt động: Giả sử bạn muốn tháo gỡ kỹ tự “A”, và tìm hiểu nguyên tắc bên dưới của nó, cái gì làm làm cho một “A” một A? Chúng ta có hai cách tiếp cận bạn có thể sử dụng:

đức hạnh

Theo bạn đâu là cách làm hiệu quả hơn?

Cách 1. Mỗi kí tự A khác biệt ở cách 1 cho chúng ta nhiều thông tin hơn về cách chữ A được tạo nên với những yếu tố được giữ nguyên và các điểm khác biệt. Ngược lại, cách 2 thì lại không cho chúng ta thêm một thông tin nào.

Qua việc quan sát đa dạng các trường hợp, chúng ta bắt đầu trực giác được mấu chốt của vấn đề, và thậm chí có thể tạo ra những kết hợp độc đá của riêng mình.

Điều này có ý nghĩa gì trong cuộc sống hằng ngày? Khi ta nhảy và một lĩnh vực mới, ta không chỉ nên áp dụng một phương pháp, hay cách tốt nhất, mà chúng ta nên tìm hiểu nhiều cách tiếp cận khác nhau, phân tích từng cái rồi so sánh với nhau. Điều này sẽ giúp ta tìm ra được những nguyên lý cơ bản.

Ở bước 2 của Learning transfer, Elon Musk tái thiết lập những nguyên lý nền móng anh đã được học trong Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ, Vật lý học và Kỹ thuật rồi áp dụng vào những ngành khác:

  • Vào Hàng không Vũ trụ để xây dựng SpaceX.
  • Vào Tự động hoá để tạo nên Tesla cùng với đặc tính Lái tự động.
  • Vào Đường sắt để đặt nền móng cho công nghệ Hyperloop.
  • Vào Hàng không để đặt nền móng cho máy bay sử dụng nhiên liệu điện với khả năng cất-hạ cánh thẳng đứng.
  • Vào Công nghệ để đặt nền móng cho việc kết nối máy móc với não bộ con người (Công nghệ Neural lace).
  • Vào Công nghệ để thiết lập nên PayPal.
  • Vào Công nghệ để đồng sáng lập nên OpenAI, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm phòng tránh những tương lai tiêu cực từ AI.

Giáo sư Keith Holyoak tại Đại học UCLA chuyên ngành tâm lý học, một trong những bộ óc hàng đầu về “tư duy loại suy” (analogical reasoning) — Kỹ thuật tư duy sử dụng so sánh tương quan để hiểu thấu một vấn đề — khuyến khích mọi người tự đặt cho mình hai câu hỏi sau để mài dũa kĩ năng của mình:

“Điều này làm mình liên tưởng đến cái gì?” và “Tại sao nó lại khiến mình liên tưởng đến nó?”

Qua việc liên tục quan sát và tìm hiểu ở môi trường xung quanh và tài liệu bạn đã đọc, cộng thêm việc tự hỏi đặt hai câu hỏi trên, bạn đang tập thể hình cho bộ não của mình, mang lại khả năng bắc cầu giữa những ngành nghề khác biệt, vượt qua các ranh giới truyền thống.

Bây giờ ta bắt đầu hiểu được Elon Musk đã trở thành một expert-generalists tầm cỡ thế giới như thế nào:

  • Elon Musk đọc nhiều gấp 60 lần so với những người yêu sách trong nhiều năm.
  • Những gì Elon Musk đọc trải dài trên nhiều lĩnh vực.
  • Elon Musk không ngừng ứng dụng những kiến thức học được bằng cách phân tách ý tưởng thành các nguyên tắc cơ bản, rồi tái thiết lập chúng theo những cách mới.

Điều sâu sắc nhất chúng ta có thể học được qua câu chuyện của Elon Musk là không nên chấp nhận giáo điều cho rằng chuyên môn hoá là cách hiệu quả nhất và duy nhất dẫn đến thành công. Expert-generalist huyền thoại Buckminster Fuller cách đây nhiều thập kỷ đã tóm tắt một bước chuyển dịch trong tư duy vẫn còn có thể áp dụng vào cuộc sống thời nay:

Chúng ta đang sống ở thời đại cho rằng những xu hướng hạn hẹp của chuyên môn hoá là logic, là tự nhiên và đáng theo đuổi… Trong khi đó, nhân loại vẫn luôn khao khát một sự hiểu biết toàn diện. Sự chuyên môn hoá đã sinh ra các cảm giác tách biệt, nghĩ mình vô dụng và mông lung trong nhiều cá nhân.

Nó còn dẫn đến viêc một cá nhân đùn đẩy trách nhiệm tư duy và hoạt động xã hội cho người khác. Thậm chí, chuyên môn hoá còn tạo ra những thành kiến mà dần dần kết hợp để trở thành những mâu thuẫn xuyên quốc gia và ý thức hệ, điều dẫn đến chiến tranh.”

Nếu ta dành thời gian để học hỏi những khái niệm cốt lõi của nhiều lĩnh vực và luôn liên kết các khái niệm đó vào cuộc sống hằng ngày của ta và thế giới, việc chuyển giao giữa các lĩnh vực khác nhau trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều.

Khi xây dựng nên một hệ thống những “nguyên tắc đầu tiên” và kết hợp chúng vào những lĩnh vực khác biệt, chúng ta lập tức đạt được siêu năng lực khả năng đi vào một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, và nhanh chóng tạo ra những đóng góp độc đáo.

Thấu hiểu siêu năng lực học tập của Elon Musk giúp chúng ta có được trí tuệ về cách khiến anh có thể tham gia một ngành công nghiệp hơn trăm tuổi, rồi thay đổi hoàn toàn cách ngành công nghiêp đó cạnh tranh.

Elon Musk rõ ràng là có một không hai, nhưng những kĩ năng của anh ấy không phải là phép màu.

Tác giả: Michael Simmons and Ian Chew
Source: Fortune.com
Biên dịch: Tin Nô Bi
Hiệu đính: Prana

[Review gốc] Muôn kiếp nhân sinh – Một lời nhắc nhở

2

Mình được bạn tặng cuốn Muôn kiếp nhân sinh của tác giả Nguyên Phong, ông cũng chính là Giáo sư người Mỹ gốc Việt John Vũ. Ông là một nhà khoa học gốc Việt nổi tiếng ở Mỹ, có trong top những người sáng tạo nhất thế giới.

John Vũ từng là phó chủ tịch – Vice President phụ trách tất cả vấn đề về kỹ thuật của tập đoàn Boeing. Cá nhân mình vài năm gần đây hay đọc những bài viết về công nghệ của giáo sư John Vũ trên website Science-technology.vn

John Vũ cũng chính là người dịch tác phẩm nổi tiếng về tâm linh như Hành trình về Phương Đông, Bên rặng tuyết sơn, Đường mây qua xứ tuyết… và mới đây nhất là cuốn Muôn kiếp nhân sinh kể về chuyện một nhân vật ở Mỹ giấu tên đã trải qua những câu chuyện luân hồi ở trong các thế giới cổ đại như Atlantis, Ai Cập do chính John Vu viết.

1. Muôn Kiếp Nhân Sinh dùng câu chuyện ngày xưa để cảnh báo thời nay và sự lặp lại của thành – trụ – hoại – diệt

Một trong số những tiền kiếp trước của Thomas, nhân vật chính trong Muôn kiếp nhân sinh kể rằng mình đã từng sống ở lục địa Atlantis, nơi con người là á thần và cả những con người được lai tạo với các loài dã thú. Đó là một mở đầu hấp dẫn, và câu chuyện tiếp tục kể về một trong ba quốc gia coi trọng tôn trọng tâm linh, giới luật và sở hữu một sự tiên tiến mà trong thời đại này coi đó là phép lạ.

Nhưng con người ở Atlantis lại không có tình thương và sự đồng cảm với nhau. Họ còn thèm khát và bị dâm dục điều khiển trong mọi hành động. Cuối cùng các quốc gia trong Atlantis gây chiến với nhau và tất cả bị xoá sổ bởi một trận động đất chôn vùi nền văn minh Atlantis. Tuy nhiên một số người đã được chọn để đưa tới một số vùng đất khác để tái thiết lại từ đầu dựa trên tôn giáo, sự tiến bộ về tâm linh và văn minh của mình. Ai Cập “may mắn” được những người Atlantis sống sót chọn lựa.

Nhưng Ai Cập lại mắc phải những sai lầm của Atlantis như việc theo đuổi chiến tranh, xây dựng các đền thờ, lăng mộ, lợi dụng tôn giáo và phổ biến sự mê tín để điều khiển các Pharaoh và cưỡng đoạt của cải lẫn sức lực của dân chúng. Tuy nhiên, trong những lỗi lầm đó một số cá nhân Ai Cập đã học hỏi và tiến bộ hơn con người Atlantis đó là sự can đảm, đồng cảm và yêu thương. Đây không phải là cái kết có hậu trong câu chuyện vượt thời gian và trải dài vô số kiếp này. Con người trong thời hiện đại đã lại mắc lại sai lầm từ hàng nghìn năm trước.

Nguyên Phong – John Vu vốn là một nhà khoa học máy tính đã khéo léo lồng ghép hình ảnh những sinh vật nửa người nửa thú ở Atlantis với trào lưu Cyborg – con người được gắn với các thiết bị công nghệ để gia tăng tuổi thọ và tối ưu hoá các kĩ năng vật lý. Cùng với ẩn dụ rằng “Người Atlantis có thể thay thế bộ não con người bằng những dụng cụ khác biến con người trở nên khờ dại, chịu sự sai khiến trong sự vô thức” ám chỉ đến internet và các thiết bị điện tử và di động, vốn đang thay thế khả năng tư duy và biến con người trở thành một sinh vật mất sự tự chủ trong hành vi và suy nghĩ.

Ngoài ra, con người cũng đang vô cùng mạo hiểm khi tiến sâu vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và máy học, mà theo Nguyên Phong – John Vũ với tư cách là chuyên gia về máy tính cho biết “máy học và trí tuệ nhân tạo đã biết cách tự lừa lẫn nhau để dành chiến thắng trong một ván cờ. Điều này các nhà lập trình chưa bao giờ cài đặt cho chúng và không thể ngờ đến.” Đây là sự cảnh báo nhưng hiện tại hậu quả vẫn chưa đến mức độ để đại đa số lo sợ, nhưng thông qua bối cảnh chính trị, chiến tranh và sụp đổ của Atlantis đã cho người đọc thấy sự đáng sợ thế nào khi con người đặt mình vào tình tế tự diệt vong bằng chính sự văn minh và tiến bộ của mình.

>>> [THĐP Translation™] Elon Musk: “Hãy nhớ lời tôi — AI nguy hiểm hơn nhiều so với vũ khí hạt nhân”

Trong dòng thời gian của lịch sử, bất cứ một nền văn minh, đế quốc hay vùng đất nào đều trải qua quá trình sáng tạo, phát triển, suy vong và sụp đổ được gọi là Thành – Trụ – Hoại – Diệt. Nghe có vẻ đáng lo sợ và hứa hẹn về một sự u ám, nhưng quá trình này lại chính là vô thường, luân hồi, nhân quả của các tôn giáo và mình gọi đó là “Hợp tự nhiên”. Trên hết, qua quá trình Thành – Trụ – Hoại – Diệt đó con người sẽ học hỏi được gì và tiến bộ như thế nào hay sẽ lập lại một chu kỳ luẩn quẩn của luân hồi và nhân quả. Nói như cái nhìn của Phật giáo gọi đó là nghiệp quả và nếu đã gieo nhân nào thì cuối cùng qua bao nhiêu kiếp sẽ phải lãnh kết quả và hậu quả do nghiệp nhân tạo ra vì “Bất cứ động lực nào phát ra cũng có một lực phản ngược lại và một hành động xảy ra sẽ đem lại kết quả.”

2. Khoa học luôn đi cùng với tôn giáo và tình yêu thương, thực hành thiền định sẽ dẫn tới điều thiêng liêng

Muôn kiếp nhân sinh chính là cái nhìn của một nhà khoa học máy tính với chuyên môn cao mà Nguyên Phong – John Vũ muốn truyền đạt cái nhìn của mình về việc tôn giáo có vai trò đồng hành với khoa học thế nào trong việc tìm hiểu và khám phá những kiến thức mới trong vũ trụ và tâm linh. Với cái nhìn của riêng ông, một người được công nhận là xuất chúng trong chuyên môn khoa học và máy tính, nhưng lại ngầm đồng ý rằng giá trị của tôn giáo trong việc khám phá vũ trụ là không thể không suy xét kỹ.

Nếu đây là một cuốn sách dựa trên sự phóng tác hay là sự thật thì nó cũng đã đem tới những giá trị không phủ nhận được thông qua câu chuyện về Atlantis, Ai Cập cùng triết lý nền tảng của các tôn giáo dù khó hiểu với đa số. Chuyện lấp lửng giữa sự thật, phóng tác hay những vấn đề chưa có lời giải trong Muôn kiếp nhân sinh lại càng làm người đọc tò mò hơn. Mấu chốt ở đây là Nguyên Phong – John Vũ đã đưa ra hai lời khuyên phải có lòng yêu thương và sự quán chiếu tìm kiếm Thần Thái Dương, Chúa, Phật qua nội tâm của chính mình.

Trong giáo lý của Thiên Chúa giáo “Kính Chúa và thương người” là hai điều răn quan trọng nhất vượt trên mọi điều răn. Còn trong Phật giáo, sự yêu thương chính là Tứ vô lượng tâm đến với tất cả chúng sinh không phân biệt.

Vậy tại sao lại là sự yêu thương chứ không phải điều gì khác? Vì nếu lấy yêu thương làm nhân, thì gặt hái những quả, những hoa đem đến một cuộc sống tốt đẹp hơn dù trong bất cứ tình cảnh nào. Việc phát sinh lòng yêu thương ở những giai đoạn quan trọng nhất trong câu chuyện luân hồi của Muôn kiến nhân sinh đã trả lời cho giá trị của hành động này. Sự yêu thương vượt trên quyền lực, văn minh, cấp bậc và trí thông minh. Trên hết, họ đã biết giá trị của sự yêu thương có ý nghĩa thế nào. Nó là bước đầu để phát triển trí thông minh, khi có thông minh sẽ có trí tuệ và trí tuệ sẽ tới sự thiêng liêng kết nối con người với Thần Thái Dương, Chúa, Phật, Đại ngã tuỳ theo cái nhìn của mỗi tôn giáo.

Và việc để phát khởi lòng từ bi thì Muôn kiếp nhân sinh có chỉ ra một cách là thông qua con đường hành động thiền định. Qua thiền định sẽ tạo ra suy nghĩ đúng đắn, qua suy nghĩ đúng sẽ có hành động đúng và sự yêu thương chính là hành động đúng. Trên thực tế, thiền định là hành động đơn giản nhất mà một con người có thể phát triển trí tuệ và xoá bỏ bản ngã.

Thiền định sâu xa sẽ giúp bạn hiểu được và thấy rõ mọi sự, mọi vật như nó là và vượt qua cái tướng bên ngoài để thấy rõ cái bên trong. Trong sự thiền định, con người sẽ hướng động lực của mình lên trên để kiểm soát nội tâm thay vì hướng xuống để dục vọng làm chủ bản thân.

>>> Hướng dẫn cơ bản cách ngồi thiền (thiền quán Vipassana)

3. Sự nhận biết là đôi cánh dẫn tới thiên đường

Sau cùng, nội dung trong Muôn kiếp nhân sinh khá rời rạc, phân mảnh và thiếu một câu trả lời rốt ráo vì chính câu chuyện tiền kiếp của nhân vật chính cũng… kết thúc giữa chừng vì người viết không đề cập nữa. Bù lại, giá trị mình thích nhất trong Muôn kiếp nhân sinh là sự ý thức được chính mình. Đó là điều căn bản của mọi truyền thống tâm linh.

Có một câu chuyện của Plato được nhắc đến trong sách là con người trước đây có cánh và sống với thần linh trên thiên giới. Nhưng không biết vì lý do gì họ đã từ bỏ đôi cánh đó và quên đi bản chất thực sự của mình. Tuy nhiên con người vẫn là thần linh, và việc quan trọng của cuộc đời họ là tìm lại đôi cánh để quay về thiên giới. Vậy có cách nào để biết đôi cánh đó ở đâu không?

Trước tiên hãy quay vào bên trong chứ không phải hướng ra bên ngoài để tìm kiếm câu trả lời. Vì biết mình là biết được nguồn gốc thiêng liêng của mình. Một khi ý thức về nguồn gốc thiêng liêng của mình thì tất cả sẽ được giải đáp.

>>> Tat Tvam Asi: BẠN chính là NÓ — BẠN cũng chính là điều bạn đang tìm kiếm

Tác giả: Đức Nhân
Edit: THĐP

Ảnh: vietnamnet