24 C
Nha Trang
Thứ năm, 24 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 312

Tôi sợ…

Có đôi lúc, đằng sau sự nổi loạn, vui vẻ, tinh nghịch, ngợm nghĩnh của ta là hiện thân của một nỗi sợ hãi vô hình cứ bám riết và ám ảnh tâm trí ta.

Tôi từng ước..

Ước chi sợ hãi kia là cuốn rốn để cắt phăng đi ngay khi ta còn đỏ hỏn.

Nhưng thất vọng thay, nó lại là con virus ăn sâu vào con người ta và sẵn sàng cào xé ta bất cứ lúc nào. 

Tôi không sợ chết, nhưng tôi sợ những dư âm của tuổi già.

Dòng đời luôn là hữu hạn, sự sống bao giờ cũng có điểm dừng mặc cho ta có ra sức chèo kéo hay níu giữ. Có người được trời cho một tuổi trẻ xông xáo, một thời mạnh mẽ được thỏa sức tung bay cùng khát vọng, một tuổi trẻ hừng hực lửa đam mê, cũng có người phải bán tuổi trẻ cho những việc nhàm chán, cho những đau thương mà mãi chưa tìm được lối thoát nhưng dẫu có nồng nhiệt hay buồn khổ thì họ vẫn phải gặp nhau ở một điểm mà ta gọi là tuổi già. Cái tuổi mà sức khỏe xuống dốc, tinh thần hoảng loạn vì sợ hãi, cái tuổi mà người may mắn thì được an nhiên với con cháu, kẻ bất hạnh thì phải buôn gánh bán bưng kiếm từng miếng cơm qua ngày tháng. Ở cái tuổi nếp nhăn như kẻ chỉ ấy, mấy ai còn đam mê giàu sang, mấy ai còn thèm vàng tiếc bạc, mấy ai còn tham công tiếc việc mà có lẽ, thứ họ ngày đêm mơ ước, là một cái kết bình yên không đau đớn, một sự ra đi thanh thản không bệnh tật, một đoạn kết không dư âm mệt mỏi cho bản thân hay vất vả cho con cháu. Hay nhỉ! Bon chen, đua tranh, giành giật, mưu toan rồi cũng đến ngày phải cúi đầu trước thời gian. Tuổi già ơi! Đến trong an nhiên và đi trong thanh thản nhé. Hãy cho tôi được hạnh phúc chăm lo cho con cháu, được đút từng miếng ăn, thay từng miếng lót, được dỗ dành chúng đi vào giấc ngủ nhưng xin đừng bắt tôi bất lực để con cháu phải trả lại những niềm vui thuở nào.

Tôi chẳng sợ chia ly mà chỉ sợ yêu thương trong dối trá.

Đâu có cuộc gặp nào là vô nghĩa trên thế gian. Nào có ai đến ai đi mà không để lại cho ta chút hoài niệm. Bởi thế nên tôi xem việc họ đến là điều tuyệt vời, họ đi là lẽ hiển nhiên và nếu họ ở lại, tôi biết đó là một phép màu của cuộc sống. Đau thương khi chia ly không phải là lời giải cho bài toán số phận của Thượng Đế, không phải là cách hàn gắn sợi dây duyên đã đứt lìa mà chỉ có mỉm cười để đón nhận tương lai mới là điều tốt đẹp nhất cho bản thân. Chia ly không đáng sợ! Kẻ đáng sợ chính là những  giả dối làm phai màu yêu thương, làm rạn nứt niềm tin, làm đau đớn người – thương và khiến cho chia ly cận kề, trái tim thêm vết xước.

Tôi không sợ sóng gió trần gian, chẳng nao núng trước bão táp đời thường nhưng tôi sợ, tôi rất sợ phải nhìn thấy nếp nhăn trên khuôn mặt cha mẹ, mái tóc bạc bỗng ám ảnh tôi trong từng giấc ngủ muộn.

Ngày trẻ trâu tôi ăn chơi vô độ, những đêm thức trắng bên cuộc vui bạn bè với hơi men ngây ngất, tôi từng dành nhiều thời gian cho các mối tình, cho việc đau đớn khi mất đi ai đó, suy nghĩ, trầm tư của cái tuổi nông nổi ấy suy cho cùng chỉ dành cho người – dưng. Bỗng một ngày, trở về nhà sau những năm tháng trượt dài trong cuộc vui của tuổi trẻ, mọi thứ vẫn vậy duy chỉ có mái tóc cha sao lốm đốm bạc, khuôn mặt mẹ sao xếp đầy nếp nhăn, tủ thuốc gia đình nặng hơn với các loại đau xương, nhứt khớp, bổ não,trợ tim hay huyết áp. Màn đêm buông xuống, văng vẳng bên tai tôi không chỉ có tiếng côn trùng réo rắt mà dường như có lẫn tiếng ho của cha, tiếng trăn trở thở dài của mẹ. Giật mình! Có cuộc vui nào giúp kéo dài thanh xuân cho bậc sinh thành, có nước mắt nào níu giữ sức khỏe cho song thân hay chỉ có ta ích kỉ, mang tiền thấm mồ hôi để đổi lấy chút men trong chai rượu, mang nếp nhăn, sự cực khổ của cha mẹ để nhận về tiếng cười của người dưng. Hỡi ôi! Nỗi sợ hãi mang tên thời gian.

Có những  sợ hãi không cần phải co cúm trong bóng đêm mới hiện hữu. Nếu trước đây tôi từng sợ cô đơn thì giờ đây tôi nghĩ, sống  giữa biển người bao la dối trá, giữa những yêu thương không thật, giữa những trái tim vô cảm, những lời nói ngọt ngào trong tâm địa đay nghiến, giữa những trò chơi sau lưng đầy hèn hạ thì có lẽ, cô đơn hay một mình vẫn tốt hơn.

Tôi từng sợ ít bạn. Vì sợ nên tôi mở lòng kết bạn với tất cả những người tôi gặp, làm quen với tất cả những người tôi thấy. Dĩ nhiên, nó không làm cho tôi hối tiếc, nhưng nó lại khiến cho tôi đau. Bàn tiệc của tôi ngày ấy bao giờ cũng đông nhưng khó khăn của tôi lúc đó chẳng bao giờ có mặt đủ bạn bè đã ăn chơi. Họ đến khi họ vui, họ đến khi tiền ta rủng rỉnh rồi họ đi khi cuộc sống ta bất cập, họ đi khi đâu đó họ nghe mùi “nhờ vả”. Vậy đấy! Trách ai! Trách người bạc bẽo hay trách ta dại khờ. ..  Nhếch mép rồi ghi vào ghi chú cuộc đời “chất lượng mang lại niềm vui, số lượng chỉ là bề nổi còn bên trong chỉ ẩn chứa nỗi sợ hãi mà thôi”.

 

Càng lớn dường như nỗi sợ càng rõ nét.

Cứ như trẻ con chỉ sợ mẹ mắng, ba la, ông bà không cho kẹo bánh.

Đi học thì sợ thầy cô la mắng, sợ bạn bè nghỉ chơi, sợ người mình thầm thương tay trong tay người khác, sợ điểm kém hay đơn giản là sợ con sâu con chuột.

Lớn lên, nỗi sợ hãi được định hình khi ta bắt đầu sợ nỗi buồn, sợ chia ly, sợ mất mác, cô đơn hay sợ cha buồn mẹ khổ.

Rồi dòng thời gian trôi qua, tuổi già kéo đến đẩy những ngày tháng nông nổi vào dĩ vãng thì sợ hãi chỉ còn gói gọn trong hai chữ “bệnh tật”, ước mơ của cả cuộc đời quy về hai chữ “mạnh khỏe” và đánh đổi cả một đời chỉ mong được an nhiên.

Featured image: MeRcUrY & LvMz.Adam

Sự thật về thành công, sự lười biếng hoặc chăm chỉ

“Bạn có muốn mỗi sáng mai thức dậy là một ngày vui vẻ, bật dậy khỏi giường với một niềm hứng khởi với đam mê của mình?”

“Bạn có muốn có một cuộc sống sung túc hơn, tươi đẹp hơn?”

“Bạn có muốn mua những món đồ mình thích mà không phải đắn đo?”

“Khóa đào tạo kỹ năng mềm, nghệ thuật giao tiếp trước đám đông, và một cuộc sống tích cực hơn”…

Blah..blah…blah…

Đó là những câu nói cửa miệng của các diễn giả dỏm, của các sách làm giàu thị trường, của những tổ chức dạy kỹ năng mềm – dạy người ta giả tạo…

Các bạn biết đó! Gần đây đã có quá nhiều sách thị trường xuất hiện, tổ chức giáo dục với mục đích kinh doanh trục lợi là chính, nó thật xấu xí. Những sách dạy làm giàu, sách dạy kinh doanh, sách dạy thành công được PR rất nhiều, và đương nhiên việc những quyển sách này trở thành best seller là chuyện thường…

Tôi không cố tình hay có ý bác bỏ các sách này, nhưng với quan điểm của một người đọc vài chục cuốn cũng vì tò mò, thì tôi thấy nó dễ làm người ta đi chệch hướng trong việc hướng đến một cuộc sống hạnh phúc đích thực hơn là sống tốt…

Làm giàu là tốt đấy chứ, nhưng một quyển sách chỉ dạy người ta làm giàu dễ gây lầm tưởng cho người trẻ, những người bồng bột ham muốn thành công, thích giàu có, thích vật chất…Và thế là người trẻ lao đi làm giàu trước khi tìm ra ý nghĩa thực của cuộc đời họ. Nên nhớ rằng, giàu vật chất không phải là đích đến và là ý nghĩa thực của cuộc sống, đơn giản vì nó sẽ mất. Đi tìm và theo đuổi một thứ trước sau gì cũng mất và cũng bỏ ta mà đi, đó là sự hoang phí cuộc sống.

Vật chất và tiền bạc không phải là thứ để chúng ta đem ra bác bỏ. Nhưng việc hiểu rõ nó là hoàn toàn cần thiết. Giàu có vật chất sẽ lấy đi của bạn một số điều gì đó, tình thương chăng, có thể lắm chứ; khám phá lũ côn trùng ư, cũng có thể; lấy đi tuổi trẻ thích phiêu du bốn bể chăng, cũng có thể…

Phần lớn người trẻ thường mất bình tĩnh và chói lóa trước vàng bạc, kim cương, những lời nói hoa mỹ, những lời kêu gọi hay ho, và thế là họ tham gia vào cái vòng xoáy kinh tế, vòng xoáy của thị trường, vòng xoáy của thời gian trôi…

Hãy nghiêm túc đi! Hãy nghiêm túc làm những gì mình thực sự thấy có ý nghĩa cho đời mình, thay vì những ao ước chung chung và bề mặt như có một cuộc sống giàu sang, thu nhập cao, trở thành giới thượng lưu…

Tôi đã nghe ở đâu đó câu nói này: “Tôi đã từng thấy những người rất nghèo, thứ họ có chỉ là tiền.”

Bình tĩnh lại đi. Thành công là gì? Thành công nhất thiết phải làm bạn hạnh phúc, hạnh phúc với mỗi phút giây đang sống, với cả cuộc hành trình sống này. Thành công không thể biết qua đồng tiền, vì thế những diễn giả có xu hướng gắn thành công với sự giàu có đều là bịa đặt.

Các sách dạy thành công, các diễn giả này thật xấc xược khi bảo rằng bạn hãy đặt ra những mục tiêu, hãy viết ra những mục tiêu bằng MindMap, và kiên trì lao đến để giành giật cho chính mình. Quá hỗn láo! Khi một con người chưa được dạy, chưa được hướng dẫn, chưa có được ý thức cá nhân về điều mình cảm thấy có ý nghĩa, thì việc đặt ra những mục tiêu là điều nhảm nhí vô cùng. Một người không có biết đường đi nhưng vẫn biết rõ nơi đến? Quá là lố bịch!

Họ bảo rằng hãy sống bật dậy mỗi sáng với đam mê! Ôi! Bật dậy mỗi sáng! Bất cứ ai nói câu này đều đáng bị cho ra rìa của những kẻ ngu dốt thích ảo tưởng. Đam mê không có nghĩa là sáng nào cũng bật dậy làm với niềm hân hoan vô độ, mà là ngay cả khi chán ngán nhất cũng không bao giờ từ bỏ, chán nhưng vẫn làm, đó mới là tình yêu, mới là đam mê, mới là niềm yêu thích.

Họ bảo rằng, hãy kiên trì, hãy chăm chỉ, hãy cố lên! Tôi hỏi, động lực là gì? Động lực là tiền ? Là chu cấp vật chất cho những người mình yêu thương ? Là vì một tương lai tươi sáng? Quá nhảm nhí! Động lực không phải là lý trí, nếu bạn không tin cứ tự kiểm chứng, bất cứ ai tạo động lực bằng lý trí sẽ sớm tạo thêm nhiều stress cho mình. Vì vốn động lực là đến từ trái tim, là đến từ ý nghĩa, là đến từ cảm xúc…Trừ khi bạn yêu việc mình đang làm, còn bằng không, sẽ không có một động lực nào hết. Ham muốn vật chất không phải là tình yêu, đó là sự tham lam. Ham muốn địa vị, đó không phải là tình yêu, đó là sự tham lam, là cái tôi.

Ham muốn chính là lý do làm người ta lười. Với tôi thì không có ai vô tình lười, trừ phi họ cố tình. Khi người ta yêu việc mình làm, họ không bao giờ lười, họ thích thú! Khi người ta yêu nhau ở giai đoạn đầu, người ta không lười, người ta chăm dẫn nhau đi chơi hết nơi này đến nơi nọ, hết câu chuyện vui này đến chuyện vui kia, hết đùa giỡn lại nằm ra bãi cỏ tâm sự. Hãy nhớ, tình yêu không bao giờ làm người ta lười, chỉ có tham lam và cái tôi làm người ta lười biếng.

Với tôi thì không có ai lười, họ chỉ chăm làm cái này và lười làm cái khác. Các nhà khoa học cũng lười ! Họ lười nghe người khác nói khích, họ cũng lười tán gẫu và bông đùa, nhưng họ chăm nghiên cứu. Thằng nhóc chơi điện tử, nó không lười, nó chăm chơi game. Siêng và lười là một. Nhưng làm sao để siêng đúng cái mình cần, và lười đúng cái mình không cần, thì phải tự đi hỏi bản thân mỗi người : Tình yêu trong họ là gì ?

Hãy nhớ, tình yêu không làm người ta lười, không làm người ta bỏ cuộc, không làm người ta thất vọng, bởi vì tình yêu như ánh mặt trời, luôn đẹp, luôn ấm áp…

Hãy dậy thật sớm, ngắm ánh mặt trời…

Hãy phiêu du lên những ngọn núi nếu bạn thích…

Hãy viết, nếu bạn muốn viết gì đó…

Hãy làm bất cứ thứ gì trong trái tim bạn thấy muốn, vì một ngày nào đó, tất cả mọi thứ sẽ liên kết lại với nhau, và bạn sẽ biết mình là ai trong cuộc đời này. Ý nghĩa của cuộc đời bạn lúc đó cũng sẽ bắt đầu nảy mầm từ trong tâm tưởng…

Hãy bỏ thời gian ra tìm hiểu chính mình, hãy bỏ ngoài tai lời người khác nói, dù là Napoleon Hill, Billgates, Steve Jobs, hãy bỏ đi những tham lam, hãy bỏ hết ! Chỉ còn bạn và cái đầu rỗng không, như cốc nước rỗng không ! Nó có thể sẽ hứng được một ít nước phép từ trên trời rơi xuống…

Hãy làm công việc vốn dành cho bạn ! Nó sẽ hòa làm một với bạn, và chắc chắn một ngày bạn sẽ trở nên thuần thục về nó, bạn sẽ giỏi…Ngày đó sẽ đến… !

-Lục Phong-

Featured image: Przystani Miłosierdzia

Bấm nút CC để hiện vietsub – Nguyen Hoang Huy chuyển dịch
[youtube=http://www.youtube.com/watch?v=mnFUDVpFwFQ]

Bài tham khảo: Người Việt Không Chăm Chỉ?

Bài bonus: Cách thức tìm ra đam mê và những ngụy biện xung quanh nó

Xúc Cảm Cafe

Trở về Hà Nội, tôi vẫn giữ thói quen cafe… từ mấy quán nhỏ trong ngõ Núi trúc, mấy tiệm cafe nơi đường Láng Hạ, 2FCoffee Lê Văn Lương… cho đến Emotion Coffee Kim Mã… thấy nao nao nhớ Toronto, nhớ hương vị Tim Hortons coffee,  Starbucks, Second Cup…

Brendan McDermid/Reuters
Brendan McDermid/Reuters

Với tôi đôi khi uống cafe không chỉ là thưởng thức một thứ đồ uống yêu thích mà còn là trạng thái cảm xúc khó diễn đạt bằng lời. Nhớ khi đi cùng các con nơi bến Subway, ngang tiệm Tim Hortons thì thể nào con trai cũng mua cho tôi một cốc cafe cùng với một số loại bánh ngọt, là cứ thích vậy thôi… tôi biết con trai bằng độ tinh tế đã cảm nhận được cảm xúc của mẹ- dù rằng không nói ra.

Con biết nhiều khi không chỉ đơn thuần tôi uống một đồ uống yêu thích mà còn là muốn nhấm nháp hương vị thơm nồng, ngọt ngào, ấm áp… bên các con giữa những ngày giá lạnh của Toronto, cách xa nhà mình một nửa vòng trái đất, trời lạnh nhưng ở bên các con thật ấm …

Nhớ khi tôi mới sang, ba mẹ con đi đến Toronto District School Board, số 5050 Yonge Street, tiếp giáp với Quảng trường Mel Lastman để làm hồ sơ cho con gái nhập học. Hôm đó trời vừa mưa, vừa lạnh. Trong lúc chờ đến lượt và đợi chú Minh, con trai biết ý mẹ liền rủ đi băng ngang quảng trường, tới tiệm Starbucks.

 

Digitalproperties
Digitalproperties

Tiệm cafe ấm áp hay ngồi bên các con ấm áp, chỉ biết rằng tách cafe hôm đó thật ngon, xúc cảm buổi mưa lạnh đó cũng đẹp như view của tiệm vậy. Nếu trời không mưa, không gió lạnh thì thảo nào tôi cũng kéo các con ngồi ngay ngoài hàng hiên tiếp giáp với quảng trường.

Sau này, khi đưa con gái đi tham dự mấy buổi học làm bánh (là anh trai đã đăng ký cho em ngay khi em vừa đến Toronto) tại Michael, trong lúc chờ con, sau khi ngắm nghía chán chê những mẫu len, catalogue đan, móc… tôi lại ra quảng trường, ngồi đan khăn hoặc đơn giản là lặng ngắm khung cảnh thanh bình của North York Centre.

Khi đó tôi cảm thấy thật vui mừng, khi đã đưa các con đến được một đất nước tươi đẹp, thanh bình, hiếu khách. Tôi còn có mơ ước xa xôi hơn nữa, mong muốn các con cũng yêu đất nước tươi đẹp này như tôi… Dường như là lẽ tự nhiên, khi các con ở đâu thì nơi đó luôn chiếm trọn tình cảm nơi trái tim tôi, nơi đâu che chở các con, yêu thương các con thì nơi đó cũng là chốn thương yêu trong tôi…

 

Có một ngày, cũng tại quảng trường này, ba mẹ con đi chơi ngẫu nhiên gặp một hội chợ thế là tôi hào hứng như một đứa trẻ, lang thang khắp mọi quầy hàng… nhấm nháp các món ăn mỗi thứ một chút: gặm ngô nướng bơ, nếm thịt nướng… ăn món bánh đặc trưng của Bắc Mỹ và… tất nhiên không thể thiếu một cốc cafe (gọi là cốc cafe nghe buồn cười nhưng đúng là vậy- nó là cốc giấy dùng khi cầm đi chứ không phải tách sứ như ở nhà mình).

Ngắm nghía từng góc của quảng trường, thấy sao gần gũi giữa những người xa lạ, đa sắc tộc, đa văn hóa- họ thật hiền và thân thiện. Hội chợ không chen chúc, không quá náo nhiệt, dường như nhằm mục đích giải trí, thư giãn hơn là thương mại.

Trời tối dần, tôi thích thú ngắm những dãy bàn dưới tán cây được thắp sáng một cách lãng mạn, dành cho những mỏi mệt có thể ngồi thư giãn, nhấm nháp đồ ăn, đồ uống… hay cũng có thể chỉ là dành cho những lãng đãng như tôi đậu lên…

Rồi lại có một ngày, cả ba mẹ con cùng cháu Giang sau khi đi shoping tại Vaughan Mills về, xuống tại bến Bus trong trường York University của con trai (dĩ nhiên tôi cũng rất yêu trường của con, sẽ có riêng một bài viết về cảm xúc của tôi ngay phút đầu tiên, khi rảo bước trong trường).

photo: Andrei Sedoff
photo: Andrei Sedoff

Sau khi đi tắt các building, qua mấy giảng đường… ngang qua tiệm Second Cup con trai lại hỏi:

– Mẹ có muốn uống café không?

Đương nhiên đó là gợi ý thật hấp dẫn và khó có thể bỏ qua được dù rằng lúc đó khá là muộn, dù rằng tôi cũng không muốn uống café vào buổi tối… và thế là chúng tôi lại cafe!

Những người bạn của con trai, tôi đều thấy hiền hiền và dễ thương và Giang cũng không phải là ngoại lệ. Giang hơn con trai tôi 2 tuổi, là người bạn cùng thuê chung nhà. Cháu có nếp sống chỉn chu và tự chủ. Sau thời gian ở gần tôi rất quý Giang, cháu sống tình cảm và rất nghị lực, tôi thấy con trai cũng cần phải học tập ở cháu nhiều điều.

Hôm đó thời tiết cũng lạnh, nhưng vẫn như lệ thường cả bốn chúng tôi đều ấm áp, ấm áp khi ở bên nhau nơi đất khách, ấm áp khi cùng nhau sẻ chia những niềm vui cũng như nỗi buồn… Ngồi bên các con – lúc này Giang cũng gần gũi như con tôi vậy, tôi lại dốc đến tận cùng bầu nhiệt huyết của mình, ngõ hầu sẻ chia cùng các con những kinh nghiệm mà tôi nhặt nhạnh được trên quãng đường đời đã đi qua của mình.

Tôi vẫn nhớ tôi đã nói một cách say mê với gương mặt ửng đỏ, với đôi mắt rực sáng về tuổi trẻ, về những ước mơ, về những điều thiết thực đối với tuổi các con mà các con nên làm… làm sao không để phí hoài những năm tháng đẹp đẽ nhất của cuộc đời… Tôi cảm thấy vui khi các con đều đồng cảm cùng tôi.

Rồi đến một ngày khi tôi gần về, bạn Béo – người Singapore của con trai (bạn thông cảm nhé, là cô yêu qúy cháu nên mới đặt cho cháu cái tên thân mật này) mời đi ăn chia tay sau những bữa ăn gặp gỡ và làm quen khác. Bạn này thì phải nói là cực kỳ chu đáo và không kém phần lãng mạn.

Sau bữa ăn bạn đưa tới tiệm café quen thuộc với bạn ở Downtown Toronto. Đã mấy lần chúng tôi ghé qua đây nhưng không phải lúc nào cũng còn chỗ.

Tiệm mở 24/24 và 356ngày/năm! Cũng bé bé xinh xinh, cầu thang nhỏ nhỏ như cafe phố cổ Hà Nội. Bên trong tiệm cũng hơi ồn ào, hơi ngột ngạt với bầu không khí dường như quánh đặc lại khi mới bước vào, có lẽ do khoảng không gian không mấy rộng rãi lại tương đối đông khách. Nhưng sau khi cả nhóm may mắn được đưa tới một bàn ngồi sát bên cửa sổ tầng 3, thì những cảm giác khó chịu ban đầu dường như tan biến.

Lúc này, quan sát những bông tuyết đầu mùa rơi xiên xiên dưới ánh đèn vàng qua ô cửa thấy thật lãng mạn và cả những vị khách của tiệm nữa, những gương mặt sáng, trẻ trung thật dễ thương vô cùng. Cách nói chuyện, cách thể hiện tình cảm của họ với nhau đẹp một cách tinh tế… Như lệ thường tôi lại nhấm nháp cafe…

Và… cứ như vậy, cảm xúc khi uống cafe đối với tôi nhiều khi không chỉ là sự hợp khẩu vị của một thứ đồ uống mà còn là sự thấu hiểu nét quyến rũ của một nền văn hóa; là cảm nhận sự ấm áp, bình yên bên những thương yêu không phụ thuộc vào nhiệt độ và tình hình thời tiết; là sự thẩm thấu những ngọt ngào mà cuộc sống tươi đẹp này mang lại… và còn nhiều, nhiều nữa, không thể kể xiết bởi ngôn từ cũng trở nên bất lực trước những xúc cảm cứ ào ạt xô mãi không thôi… Ước gì… tôi có thể có khả năng sử dụng được một chút ngôn ngữ của âm nhạc, của hội họa, của thi ca… Là… chỉ ước vậy thôi!

 

*Feature Image:lilyglover

Người lữ hành đích thực

“Người lữ hành đúng nghĩa là người đi chỉ vì được đi. Trái tim không hề vương vấn, như mây bay gió thổi, anh bước theo số phận của mình. Cớ gì phải có lý do, chỉ cần một tiếng hô thôi: “Lên đường đi nào!””

Che Guevara

Trên thế giới này, từ miền bắc cực lạnh giá đến vùng nhiệt đới cháy nắng, từ tây phương phóng khoáng đến phương đông huyền bí, có biết bao người ra đi vì tiếng gọi của những con đường, biết bao người ra đi vì tiếng gọi của những miền đất mới. Đường xa vẫy gọi, tất cả họ đều nghe tiếng nói thôi thúc trong tim.

Cụm từ “the traveler” – người lữ hành không phải xuất hiện mới đây. Hàng nghìn năm về trước, từ thuở khai sinh loài người, các bộ lạc nguyên thủy đã chia làm hai loại, bộ lạc du mục và bộ lạc định cư. Theo thời gian, những nền văn minh hình thành, với các thành phố, pháo đài, bộ máy nhà nước, con người dần dần quay về sống quây quần với cộng đồng của mình trong những lãnh thổ khác nhau. Nhưng có một số người nào đó, dường như vẫn còn vương vất lại dòng máu lãng du của tổ tiên mình, vẫn tiếp tục lang thang từ miền này đến miền khác. Trong những tác phẩm văn học thiếu nhi, thi thoảng ta vẫn bắt gặp hình ảnh của một người đàn ông gầy gò, râu tóc bạc phơ, đôi mắt sáng với cái nhìn khỏe khoắn và táo bạo, rong ruổi qua làng mạc núi non, sưu tầm những bài dân ca, những câu đồng dao, thần thoại, và kể chuyện cổ tích cho trẻ con. Chính một ông già như thế trong “Cánh buồm đỏ thắm” đã khơi gợi niềm tin mãnh liệt của cô bé Axon, khiến cô tin vào một cánh buồm đỏ, đến đón cô đi vào một cuộc đời mới, với những chân trời mới đầy tình yêu và hy vọng. Chính ông già ấy đã gieo ước mơ vào lòng cô từ những ngày thơ bé, để nó nảy mầm và thành hiện thực khi cô lớn lên. Có lẽ những ông già như vậy, là ông tổ của những người lữ hành.

Trải qua bao nhiêu năm, những người lữ hành hiện đại được trang bị với internet, với các diễn đàn chuyên dành cho dân lữ hành, với các thiết bị chuyên dụng. Số lượng của những người lữ hành chuyên nghiệp ngày càng tăng lên, nhưng vẫn là một con số ít ỏi so với những nghề nghiệp khác. Họ vốn là những người muốn thoát ra khỏi cái vòng cuốn lẩn quẩn của công việc thường nhật và môi trường chật hẹp. Họ yêu thích khám phá những vùng đất xa lạ và tìm hiểu những nền văn hóa khác nhau. Họ đánh giá cao những trải nghiệm trong đời hơn là sở hữu vật chất. Và cũng giống như ông lão Ê gơn trong Cánh buồm đỏ thắm ngày xưa, những người lữ hành ngày nay là những người khơi gợi ước mơ. Qua kinh nghiệm của họ, qua trí tưởng tượng của họ, những câu chuyện của người lữ hành luôn mang đến nguồn cảm hứng cho những người khác, luôn khiến họ mơ đến những vùng đất thần tiên, khiến họ tin vào những gì tốt đẹp ở đời, khiến họ mong về một tương lai tươi sáng hơn, trái ngược với cuộc sống đầy gian khó hiện tại.

Như những người đứng bên ngoài xã hội loài người, dân lữ hành luôn phải chịu những phản đối, thất vọng từ gia đình, những chỉ trích từ xã hội. Jodi Ettenberg, người đã từ bỏ công việc luật sư ở New York để trở thành một travel – blogger kể về cuộc sống lữ hành toàn thời gian của cô một cách hài hước. Một lần cô gọi cho gia đình từ Việt Nam. Cha cô hỏi: “Con đang làm gì ở đó vậy con yêu?” “Con ăn bún cha à, mỗi ngày”. “Cái gì? Bún hả? Hằng ngày sao?” “Dạ, nơi này có nhiều loại bún lắm cha ơi, và con đang thử hết tất cả các loại”. Ông cười và bảo rằng: “Jodi, cha rất yêu con, nhưng cuộc sống của con làm cha thấy bối rối quá”. Nhưng không phải ai cũng nhẹ nhàng như cha của Jodi. Cô nhận được nhiều email từ các bậc phụ huynh, giận dữ bảo rằng cuộc sống của cô là một tấm gương xấu cho con cái của họ, khiến chúng sống ngày càng vô trách nhiệm. Những người khác thì hỏi rằng tại sao cô lại lựa chọn sống lang thang như vậy, và cô đang cố lẩn tránh điều gì. Trong khi thực tế thì Jodi chỉ yêu thích phiêu lưu trên những vùng đất mới. Liz Carlson, một traveler khác, kể rằng khi trở về sau chuyến du hành vài năm, cô thấy nhiều người vốn là bạn rất thân bỗng quay lưng lại với cô. Cô bảo: “Lựa chọn một cuộc sống lữ hành có thể khiến bạn bị xa lánh”. Không chỉ có thế, người lữ hành thường xuyên phải đối diện với những khó khăn trên đường đi, những cô đơn thất vọng khi kiệt sức, và phải làm việc cật lực để có thể đi tiếp. Trên trang blog lữ hành adventurouskate.com, tác giả chia sẻ rằng để làm một người du hành bạn phải làm việc vất vả hơn bao giờ hết trong suốt quãng đời trước đây, rằng thu nhập sẽ không ổn định, cùng với nhiều gian nan khác. Các lữ khách bị rất nhiều người chỉ trích rằng họ lựa chọn một cuộc sống vô trách nhiệm, không biết tích lũy cho sau này, không có trách nhiệm với xã hội, chạy theo những giấc mơ hão huyền trong đời sống, và sẽ chết già không nơi nương tựa. Nhưng cùng với những chỉ trích chua cay về họ, vẫn có rất nhiều người khác, hàng ngày hỏi làm cách nào để có thể sống được như thế.

Cuộc đời là như thế, không thể tránh khỏi những khác biệt, những mâu thuẫn. Nhưng có nhiều những điều khác nhau, có những thứ phong phú đa dạng mới là cuộc đời, và chính những điều đó làm nên nét đẹp của cuộc sống. Mỗi người đều có những sở thích, những ước mơ riêng. Nói như tác giả Phạm Lữ Ân: “Có người mải mê rong chơi, có người chỉ thích nằm nhà để đọc sách. Có người phải đi thật xa đến tận cùng thế giới thì mới thỏa nguyện. Có người chỉ cần mỗi ngày bước vào khu vườn rậm rạp sau nhà, tìm thấy một vạt nấm mối mới mọc sau mưa hay một quả trứng gà tình cờ lạc trong vạt cỏ là đủ thỏa nguyện rồi.” Có người tìm thấy chính mình trên hành trình vạn dặm, nhưng cũng có người ngộ ra đạo lý khi ngồi dưới mái nhà của mình, trên chiếc giường quen thuộc của mình. Ai cũng có quyền lựa chọn cách sống riêng cho mình, miễn là không phương hại đến cách sống của người khác. Đừng vì người ta khác mình mà dè biểu gièm pha họ, đừng vì họ khác mình mà ghét họ. Đừng cho những người ở nhà là buồn chán cổ hủ, đừng lên án kẻ lang thang là sống vô ích vô tâm. Hãy làm tốt việc của bản thân, ngừng xen vào chuyện người khác. Nhưng lẽ đời, nói thường dễ hơn làm. Khác biệt thường gây ra xung đột. Tác giả “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” viết: “Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn”. Mình thực chỉ ước có một nơi nào đó trên thế giới, nơi những suy nghĩ tự do, độc đáo được khuyến khích, nơi những khác biệt chung sống cùng với nhau, an nhiên.

Cũng như thời xưa cũ, những con đường luôn vẫy gọi trái tim của những con người mang trong mình dòng máu du mục. Má của mình, một cô giáo làng nuôi mộng văn chương từ thuở bé. Dù giờ đã hơn năm mươi tuổi, nhưng Người vẫn luôn nói rằng khi nghỉ hưu, Người mong ước được phiêu du trên những miền đất lạ, và được viết hăng say. Elizabeth Gillbert từng kể về một thời trẻ tuổi, khi bà lang thang khắp nơi ở lục địa châu Âu, làm đủ nghề từ bồi bàn đến trông trẻ, để gặp những người xa lạ, để nghe những câu chuyện kể, và cặm cụi viết trong những đêm tối đen sau một ngày cực nhọc. Cũng như họ, mình cũng ước mơ một ngày nào đó. Một ngày nào đó, mình cũng sẽ đi, và viết.

 

Rosie Nguyen

*Ảnh: Jeff Krause

Huyền Chip và suy nghĩ về Tự Do

Phải, Huyền Chip có lẽ là một trong những sự kiện nổi trội nhất trong mấy tuần gần đây mà chắc hẳn ai hay cập nhật thông tin cũng sẽ biết. Tôi đã đọc cuốn sách của Chip, tôi đã đọc cả những bài viết phân tích điểm không thật trong cuốn sách, và cả những bài báo ca ngợi, hay chỉ trích cô gái này, tôi cũng đều ngó qua. Dù hiện tượng này vẫn chưa qua đi, tôi đã rút ra cho mình cơ số bài học mà đối với tôi là hữu ích.

Nói thật, tôi cũng từng là kẻ đi kiếm tìm sự thật đằng sau mọi thứ, với nhiều điều trong cuộc sống, khi chúng không đưa cho tôi một lý giải hay minh chứng thật thuyết phục, tôi sẽ không tin đó là sự thật.

Cuốn sách Xách ba lô lên và đi của Huyền Chip, có kể chi tiết chuẩn xác 100% hay không, chẳng ai có thể biết được ngoài Huyền Chip. Về căn bản, chỉ tiêu kiếm tìm sự thật của mỗi người rất khác nhau : có người đòi hỏi từng từ từng lời lẽ mà cô ấy đưa ra phải chuẩn xác, có người chỉ cần cô ấy chỉ ra dấu visa của 25 đất nước đã là quá đủ, cũng có người phải chắc chắn rằng tất cả đều là do cô ấy tự lực cánh sinh. Đó, đó là định nghĩa về “sự thật” của mỗi người, hay mỗi tập đoàn người đang theo dõi câu chuyện này.

Còn với tôi, cá nhân tôi tự hỏi tại sao chúng ta lại phải bắt ép cô ấy chứng minh được cho chúng ta tin rằng tất cả trải nghiệm là của cổ? Phải chăng là cuộc sống của chúng ta vốn đã sẵn quá nhiều những nghi ngờ và giả dối đến độ chúng ta đang từ chối tin vào bất cứ điều gì mà ta không tận mắt chứng kiến? Tôi tin rằng nếu HC có giở lật từng trang hộ chiếu visa cho mọi người xem, hay có ai đứng lên làm chứng cho chuyến đi ấy, thì đâu đó vẫn sẽ có những người nghi ngờ, cho rằng đó là đều do sự sắp đặt, là ăn tiền, là PR-Quảng cáo. Làm sao mà một ai đó có thể thuyết phục bạn tin vào điều họ nói khi bạn cứ khăng khăng thuyết phục mình đó là viễn tưởng? Trong khi giữa hàng trăm nghìn người cùng phản đối Huyền Chip, liệu có được quá 10% là đã thực sự bước ra ngoài đời sống và thực hiện những chuyến du lịch bụi, hay chỉ là những kẻ nhìn đời qua màn hình máy tính – và chỉ lựa chọn quan điểm dựa trên lập luận và số liệu của người khác?

Tôi cho rằng thật đáng khen những người tiên phong trong việc phản bác lại cuốn sách và đưa ra lý lẽ của mình, nhưng tôi không thể đồng tình với những người chưa từng đọc hay mới đọc qua loa XBLVĐ mà lại có định kiến với nó chỉ vì một hai dẫn chứng của người khác, những điều mà bản thân họ còn không dám chắc là “sự thật”. Họ coi việc đi tìm sự thật như chọn một phe trong cuộc chơi và dùng cách ném đá và mỉa mai để giữ thế áp đảo. Mà khi một quan điểm được xây dựng trên phân định thắng-thua chứ không phải sự suy xét của lí trí, thì ý nghĩa của việc tìm ra “sự thật” sẽ không còn.

Không những thế, nếu có biết được những điều ấy có thực hay không, thì ta sẽ làm gì với chúng? Nếu tất cả đều là sự thật, thì liệu ngày mai bạn có dám cầm 10 triệu đồng để đi du lịch phượt một chuyến? Còn nếu nó không phải sự thật, có lẽ nào bạn lại tin rằng thế giới này đầy rẫy nguy hiểm đến nỗi một kẻ đi qua 25 nước đã phải lãng mạn hóa nó lên để bán chạy sách? Giả sử cuốn sách này đấy những lời dối trá, tôi cũng không tin rằng nó lại cản được ý muốn đi phượt của những bạn trẻ thực sự muốn đi để mở rộng tầm mắt, cũng như với những người cho rằng sống lang chạ nay đây mai đó là một cuộc sống không hợp với mình cũng sẽ khó lòng “xách ba lô lên và đi” dù cho những điều trong cuốn sách thực tế đến 100% đi nữa.

Và đôi lúc, con người ta muốn từ chối những điều vượt hơn hẳn tầm hiểu biết của họ, con người luôn có xu hướng né tránh những điều mình không rõ, sợ hãi rằng những điều mình đang tin tưởng và làm theo là sai lầm. Nếu có ai còn nhớ, thì bản thân Galileo đã chết khi cố chứng minh rằng trái đất hình cầu. Giáo hội Thiên Chúa Giáo đã từ chối học thuyết của ông vì nó đối chọi lại với những gì Kinh thánh viết, vấn đề nằm ở không phải điều nào mới thực sự là đúng đắn, mà nằm ở việc lo sợ Giáo hội sẽ mất vị thế trong đức tin của các tín hữu thời bấy giờ.

Nhưng ý tôi là thế này, điều quan trọng không phải điều bạn tin có phải “sự thật” hay không, vì nó vốn dĩ cứ tồn tại – niềm tin của bạn chẳng ảnh hưởng đến nó được, mà là bạn sẽ làm gì với niềm tin ấy. Những người Thiên Chúa Giáo tin rằng có một Thượng Đế ở trên kia, theo dõi họ, vậy nên nhiều người dành cuộc sống của mình để làm những điều ý nghĩa, giúp đỡ mọi người, yêu thương vạn vật, và họ tự hào rằng mình sống một cuộc sống đúng đắn. Vậy không có nghĩa là những người Vô thần, chẳng tin vào Thượng Đế hay Đức Phật nào cả lại đang sống một cuộc đời sai lệch, nhất là khi họ đóng góp cho thế giới những sáng tạo về mặt vật chất, cải thiện đời sống của nhân loại, giúp đỡ hàng triệu người, cứu hàng nghìn sinh mạng. Dù có một Thượng Đế trên đời hay không, bạn vẫn được quyền chọn lựa cách sống của chính mình, và cách bạn sống mới định nghĩa được chính bạn, chứ không phải là niềm tin.

Và cuốn sách của Huyền Chip cũng vậy, tôi không quan tâm nhiều đến việc nó có phải sự thật hay chỉ là bịa đặt, nhưng hãy nhìn vào ảnh hưởng của nó tới cộng đồng, châm lên ngọn lửa tìm hiểu thế giới này với hàng trăm bạn trẻ, truyền cảm hứng cho hàng nghìn người khác, mở ra một quan niệm khác: đâu phải cứ tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định, lập gia đình một vợ, một chồng hai con mới là hạnh phúc, mới là thành công? Những bạn trẻ đã, đang và sẽ công kích cuốn sách này, phải chăng phần lớn các bạn cảm thấy lo sợ khi cuộc đời các bạn tự trải ra trước mắt không thú vị như cuộc đời của cô gái ấy?

Tôi không nói các bạn “GATO” hay gì, cũng không có ý bảo cuộc đời ai nhàm chán, cuộc đời ai ý nghĩa. Nhưng khi ngày càng nhiều người viện vào lí do “vẽ ra cho giới trẻ ảo tường về thế giới màu hồng” để rồi cứ xách ba lô lên và trở thành “ăn mày xã hội”, tôi tự hỏi rằng, phải chăng chính niềm tin vào cuộc sống của chính họ đang dần sụp đổ? Phải chăng họ đang hoang mang khi thấy người khác có thể hạnh phúc và vui vẻ với lối sống trái ngược với họ, phải chăng họ thấy khó chịu khi thấy một cô gái có thể vừa vui vẻ tự lực cánh sinh vừa ngao du trong cuộc đời, trong khi họ có một mái nhà mà vẫn còn chật vật với những dự định còn bỏ ngỏ?

Bạn nói rằng cuốn sách gây ảnh hưởng xấu khi những bạn trẻ VN có ý định xách ba lô lên và đi trong khi bản thân chẳng có quái hiểu biết nào về cuộc sống, không ngờ được những hiểm họa đang rình rập bên ngoài.

Thứ nhất, tôi cho rằng chẳng ai học được cách đi mà chưa vấp ngã cả. Quá trình học tập cơ bản nhất của con người là quan sát, bắt chước, mắc sai lầm, để rồi rút kinh nghiệm. Từ những kinh nghiệm đó, chúng ta mới tổng hợp lại tạo thành tri thức cho mình. Cuộc sống này đầy rẫy những nguy hiểm, nhưng đâu vì thế mà bạn dừng ra ngoài đường mỗi ngày vì sợ tai nạn giao thông, sợ cướp xe giật ví, sợ giang hồ trả thù cơ chứ? Có trải nghiệm con người ta mới hiểu về cuộc đời, sao bạn có thể tự cảm nhận thế giới ngoài kia nếu bạn không bước ra và quan sát nó? Kiến thức trong sách dù là chân lý hay đạo thì cũng là ý thức hệ do người khác tổng hợp mà nên, nó không hoàn toàn là của bạn, sao bạn dám nghi ngờ chuyện người khác đi 25 nước, trong khi tin sái cổ rằng mặt trời mọc lên từ hướng Đông? Mà sự thật rằng mặt trời vốn dĩ đâu có mọc, chúng ta thấy nó là do trái đất xoay quanh mặt trời đấy chứ.

Thứ hai, nếu như bạn lo sợ một ngày em bạn, con bạn, cháu bạn sẽ thực hiện một chuyến đi nguy hiểm, mà không có chút khái niệm nào về địa lý, về lừa lọc, và thủ tục hành chính. Sao bạn không cho nó một khóa học căn bản về những điều nên hiểu trước khi đi du lịch, thay vì ngồi một chỗ và cười vào mặt nó, để rồi nó ra đường vấp ngã về nhà mếu máo với bạn, lúc đó bạn sẽ làm gì, ôm nó vào lòng và nói “Tao đã bảo rồi mà mày không nghe” sao? Nếu bạn có ý định làm thế, thì tôi xin kể cho bạn câu chuyện ở làng tôi. Có một cậu nhóc nhà nghèo, học lớp 9, đam mê hóa học. Đam mê đến nỗi cậu nhóc mua nguyên liệu về nhà mày mò ngồi chế thuốc nổ. Khi nhà trường phát hiện ra cậu chế tạo được thuốc nổ và nghịch chúng, thì thay vì lên công tác tư tưởng hay giúp cho cậu bé hiểu được cách an toàn để theo đuổi đam mê ấy, đã đuổi học cậu nhóc. Sau đấy thì cậu nhóc ấy trong một lần thử nghiệm đã gặp tai nạn bị cụt mất hai bàn tay, lồng ngực bị tổn thương nặng nề, có nguy cơ mù mắt. Câu chuyện tôi kể trên không có một lời dối trá nào, các bạn thấy đấy, điều nguy hiểm nhất là khi chúng ta có che đậy thế giới này trước con cái chúng ta. Tại sao không ai dạy cho chúng cách tiếp cận thông minh và an toàn nhất? Hay chúng ta đang lo sợ rằng nếu chúng ta dạy chúng một cách bài bản thì chúng sẽ thực hành một cách nhuần nhuyễn đến nỗi cuộc đời chúng sẽ không được như ta hy vọng?

Tôi cho rằng có lẽ chính tư duy lo sợ này của người Việt Nam ta đã dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường, chúng ta có đầy những khiếm khuyết trong tự do giáo dục: học sinh ngồi trên ghế nhà trường được dạy A với B cũng chỉ biết A với B, chúng ta tin rằng mình là học sinh yếu kém chỉ vì chúng ta chẳng quan tâm nhiều tới việc mài quần trên ghế nhà trường, hay hiện trạng là hàng nghìn ca nạo phá thai mà những bà mẹ còn đang mặc áo đồng phục phát sinh ro sự kém chất lượng trong việc giáo dục giới tính.

Con người ta không thể nào có nhiều lựa chọn khi họ còn bị kìm kẹp trong bốn góc tường nhà, muốn có được tự do chọn lựa, tự do tư duy, tự do sống thì chúng ta phải bước ra ngoài thế giới và nhìn cuộc đời bằng con mắt của chính mình chứ không phải qua con mắt của người khác.

Để kết luận lại, tôi xin trích dẫn một câu nói mà tôi cực kỳ yêu thích như thế này :

“Mọi thứ khác chỉ là những tin đồn không thể xác thực, vô dụng, có thể chỉ là bịa đặt. Vậy nên, hãy giải phóng bản thân mình khỏi những ảo tưởng của văn hóa. Hãy chịu trách nhiệm cho những suy nghĩ và hành động của bạn.”

– Terence Mckenna

[youtube=://www.youtube.com/watch?v=pUREriIs31A&w=560&h=315]

Đơn Du

*Ảnh: Huyền Chip

Giới trẻ và niềm tin

Tôi từng được nghe một câu nói của Ông Thái Hòa (GĐ Chiến lược Tập đoàn FPT), “Vấn đề giới trẻ Việt Nam gặp khó khăn không phải là nhận thức mà là giới trẻ đang mất niềm tin vào những điều tử tế.”

Giới trẻ, một tầng lớp đông đảo, thế hệ tương lai của đất nước. Và họ là những người mang trong mình hoài bão, ước mơ và cả những nông nổi của tuổi mới lớn. Họ thích cái tôi cá nhân, thích thể hiện và cũng như thích làm theo những thứ mình thích. Và cũng không thể nào cản nổi niềm đam mê của họ. 

Gần đây có nghe câu chuyện về Huyền Chip, một cô gái trẻ, một thân một mình xách ba lô lên và đi mấy chục nước. Và dường như giới trẻ đã có những phản ứng trái chiều liên quan đến vấn đề đó. Một bộ phận đông hầu như ủng hộ, một bộ phận khác thì không tin vào những gì Huyền Chip đã làm được, ngờ vực những gì đã xảy ra. Vâng, điều ngờ vực đó cũng là có căn cứ, nhưng có một điều rằng. Giới trẻ dường như mất đi niềm tin. Niềm tin vào những điều tử tế. Họ không tin rằng Huyền Chip có thể đi 25 nước và Huyền Chip cũng không trải nghiệm được những gì đã kể trong những cuốn sách. Thật sự, việc Huyền Chip có đi 25 nước hay không thì điều đó cũng không quá quan trọng. Trong cuộc sống, chẳng có gì là tuyệt đối. Nếu bạn không đạt được điểm 10, thì bạn đạt điểm 9 cũng là một thành tích quá tốt rồi. Nếu Huyền Chip không đi được 25 nước những cô gái ấy có thể đi được 5 nước thì cũng là một điều quá lớn lao rồi. Tại sao không công nhận những gì cô gái đó đã làm được mà lại cố gắng đi phán xét và bắt lỗi. Dường như, khi một ai đó không làm được những gì người khác làm thì họ thường có xu hướng chê bai hay chỉ trích và hơn hết mang tính mỉa mai, bới móc. Giới trẻ Việt Nam còn mang nặng trong mình tư duy thắng thua “Nếu tôi thắng thì anh sẽ là người thua” và điều đó hình thành do chúng ta trải qua quá nhiều kì thi mang tính chất thắng thua. Kể cả những chương trình giải trí đều mang tính chất thắng thua trong đó. Vậy tại sao không phải là tư duy thắng thắng (Win-Win) để cùng nhau chiến thắng. Tại sao không ủng hộ Huyền Chíp, từ đó giới trẻ có niềm tin rằng họ có thể làm những điều tương tự, thậm chí còn lớn lao hơn. Và cũng không cần đi ra nước ngoài, chỉ cần giới trẻ có niềm tin họ có thể đi khám phá xuyên Việt, trải nghiệm trọn vẻ đẹp tiềm ẩn của đất nước Việt Nam.

Những bạn trẻ hãy tự hỏi rằng, với từng ấy năm trời tại sao người khác có thể làm được nhiều việc như vậy mà mình thì lại không. Hãy có một niềm tin, trước tiên phải tin vào chính bản thân mình. Vì khi bạn tin vào chính bản thân mình thì mọi việc bạn làm đều là lựa chọn đúng đắn của bạn.

Và cũng gần đây, nhiều hiện tượng của giới Showbiz cũng nổi lên với những cô ca sĩ, người mẫu “khoe hàng” trên những sân khấu, gây phản cảm. Nhưng đặc biệt có một điều rằng, những cô gái đó vẫn kiếm về cho mình hàng tỷ đồng, sỡ hữu những chiếc xế khủng tiền tỷ. Và tại sao, những nghề như vậy lại mang lại cho họ nhiều tiền như vậy, tại sao họ không có bằng cấp, không có một kỹ năng, một nghề nghiệp nhất định. Chỉ cần một ngoại hình khá và khả năng diễn trò là họ có thể mang về một số tiền vô cùng lớn. Và giới trẻ họ sẽ nghĩ rằng “Bây giờ, chẳng cần bằng cấp gì hết, chỉ cần lấn sân vào Showbiz, khoe hàng, diễn trò sẽ được nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền” Ví dụ điển hình cho suy nghĩ này chính là hiện tượng “Bà Tưng”.  Và cũng vì những điều đó, dẫn tới những hậu quả khôn lường về sự lệch lạc nhận thức. Sẽ có một số bạn trẻ nghĩ rằng “Tại sao tôi học hành chăm chỉ như thế này, cố gắng tham gia hoạt động xã hội, thể hiện hết khả năng bản thân nhưng lại không bằng những cô gái vẫn hằng đêm lên sàn khoe thân và kiếm được tiền tỷ”. Và dường như giới trẻ sẽ mất niềm tin vào những gì tốt đẹp trong cuộc sống. Họ nghĩ rằng chỉ có cách làm cho mình trở nên nổi tiếng thì sẽ mang lại tiền tài danh vọng. Đơn giản, người ta có thể nổi tiếng và có tiền những chưa chắc người ta có đủ nhận thức về những điều họ làm, họ trải nghiệm. Và cuộc sống cũng vậy, được cái này thì đánh mất cái khác. Gia đình những người như vậy họ có chấp nhận được hình ảnh của những đứa con hằng đêm vẫn mua vui cho người khác. Họ có được học hành tới nơi tới chốn.

Giới trẻ cần có một niềm tin, một niềm tin vào chính bản thân họ. Và hơn hết chính là niềm tin vào sự tử tế. Sự tử tế ở đây có nghĩa là những gì tốt đẹp mà cuộc sống mang lại cho bạn. Giới trẻ cần gạt bỏ những tư duy lối mòn, sáng tạo và dám đương đầu với thử thách. Hãy thử xách ba lô lên và đi, trải nghiệm những điều tử tế từ những con người trên những chặng đường bạn sẽ đi qua.  Hãy học tập và sáng tạo, cống hiến hết mình dù thứ mình nhận được chẳng mang giá trị vất chất. Những hơn hết nó mang lại một cảm giác hạnh phúc ở trong con người bạn.  Có một người thầy từng nói với tôi rằng “Hạnh phúc là hoa nở trên chính con đường đi, chứ không phải hoa ở cuối con đường.” Chúng ta hãy cùng cảm nhận hạnh phúc mỗi ngày, khi ăn một món ngon, khi nghe một bài hát hay hoặc đơn giản hạnh phúc là khi bạn giải được một bài toán khó hoặc cũng có thể là nhận cuộc gọi hỏi thăm từ bạn bè….

Niềm tin là một thứ vô hình. Nó có thể mang ta tới đỉnh cao của thành công và cũng có thể đẩy ta xuống vực sâu của thất bải. Hãy đặt niềm tin đúng chổ và đi đúng hướng!

 

Quang Nam

 *Feature Image: Dave Malnes

 

Giá như…

Giá như, thời gian quay trở lại, tôi sẽ hiếu thảo hơn với cha mẹ của mình, cung kính hơn với người lớn…

Giá như, có thể quay trở lại, tôi sẽ không quyết định nông nỗi với mối tình đầu của mình, tôi đã không lăng nhăng và vô tâm như thế, tôi nhất định sẽ yêu thương nhiều hơn…

Giá như, tôi trẻ lại, tôi sẽ chăm chỉ học hành và rèn luyện bản thân thật nghiêm khắc để trở nên giỏi giang hơn, giàu có hơn…

Giá như, tôi sinh ra trong một gia đình có điều kiện, có lẽ tôi đã không tệ như thế này…

Giá như, tôi xinh đẹp hơn một chút, giá như ngày xưa tôi tập thể dục nhiều hơn thì giờ đây tôi đã có thể thực hiện những ước mơ của mình…

Giá như, tất cả đều bắt đầu lại, tôi sẽ không bỏ lở những cơ hội tốt, tôi nhất định sẽ xây dựng một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc…

Giá như, mọi thứ quay lại, tôi sẽ làm tốt hơn rất nhiều…

Giá như, cuộc sống của tôi bây giờ được như ngày xưa thì sướng biết mấy…

Giá như, tôi có thể tốt hơn bây giờ…

Bạn thấy đó! Chúng ta là thế, loài người là thế, thường xuyên hối hận về những gì đã làm, tiếc nuối những gì đã qua, và ham muốn rất nhiều cho hiện tại, cho tương lai. Đa phần người ta muốn thời gian quay trở lại để làm mọi thứ tốt hơn họ hiện có, họ “giá như” nhưng chưa chắc gì nếu quay lại họ đã làm được như thế. Dù thời gian có quay trở lại, chúng ta vẫn sẽ vậy thôi! Không sai lầm này thì sai lầm khác, làm được cái này thì không làm được cái khác. Làm giàu thì ít có thời gian dành cho yêu thương, yêu thương nhiều thì không có bao nhiêu thời gian để làm giàu. Không bao giờ có thể hoàn hảo, không bao giờ được…

Chúng ta hay lầm tưởng trở thành một người “không phải mình” thì mọi thứ sẽ tốt hơn. Chúng ta tưởng rằng những hào nhoáng của người nổi tiếng là đẹp đẽ, của idol là tuyệt vời! Dừng lại đi, ảo tưởng quá rồi đó! Không có ai đẹp hoàn toàn, không có ai xấu hoàn toàn, nói dễ hiểu là đẹp xấu lẫn lộn!! Mà cũng không nhất thiết phải tiêu diệt cái xấu, cái tiêu cực để dành chỗ cho cái đẹp, cái tích cực. Vì khi đó, thời gian dành cho cái tích cực sẽ tuột xuống, và chúng ta lại so sánh cái tích cực của chúng ta không bằng được cái tích cực của người khác. Chúng ta là thế, ham muốn thông qua so sánh. Nếu có một chữ “giá như”, tôi ước tất cả mọi người chỉ có thể nhìn thấy bản thân mình, không thể nhìn thấy bất kỳ ai khác. Khi đó thì chúng ta không còn biết điều gì là tốt xấu nữa, không còn so sánh nữa, nó tồn tại vì nó đang ở đó, thế thôi. Nếu đưa một ngón tay lên giữa khoảng không, thì không có định nghĩa nào, cho đến khi ngón khác cũng được xòe ra, lúc này mọi thứ đã được định nghĩa, được phán xét, được đánh giá, thông quá việc so sánh. Nhiều người cùng so sánh tạo thành một quy chuẩn, một cá nhân học những quy chuẩn này để phòng thủ cho lần sau được gọi là kinh nghiệm…So sánh, kinh nghiệm và thời gian tạo ra ham muốn. Nếu chỉ có mình ta sống trên đời thì ta có thể hạnh phúc rồi!!

Chúng ta có thể sống một mình trên đời không? Được chứ, chúng ta có thể giả lập nó bằng cách bỏ hết những tốt xấu đi, bỏ hết thiện ác đi. Tại sao ư? Khi chúng ta khen cái tốt, nghĩa là cái xấu sẽ buồn bã và thất vọng, nếu chúng ta là con người thì chúng ta nên cảm thông cho điều đó, mà điều đó lại do chính sự khen ngợi kia tạo nên. Khi chúng ta bênh vực cái thiện và rủa bỏ cái ác thì cái ác sẽ bị ghẻ lạnh, và nếu có 1 ngày cái ác biến mất, thì chúng ta không còn cái thiện nữa, mọi thứ sẽ là hư không, vô nghĩa lắm!

Thiện ác là một, tốt xấu là một, đúng sai là một, cao thấp là một, trắng đen là một, ánh sáng và bóng tối là một, tất cả là hai mặt của một đồng xu, là vùng sáng ở nơi này và là vùng tối ở nơi khác trên cùng một quả đất. Làm sao để chấp nhận điều này? Điều mà mọi người cho là phi thực tế này? Đơn giản thôi! Khi nào cái tôi, cái bản ngã – cái bức tường ngăn cách giữa thiện và ác, tốt và xấu bốc hơi bay đi mất, thì khi đó, dòng nước này có thể hòa làm một rồi. Một dòng nước toàn vẹn, thật đẹp! Dù cho dòng nước có thể làm người ta chết đuối, song nó cũng là mẹ nuôi dưỡng sự sống trên trái đất này…

Tôi đã dừng lại từ lâu rồi, những suy nghĩ đó…Sống với những gì hiện có, với không khí, với gió, với những gì đang hiện hữu. Tôi có thể cảm nhận nó, ánh sáng, bóng tối, lời khen, tiếng chê, thật đẹp, thật bình yên…

“Tôi luôn nghĩ rằng cuộc đời là thế muôn hình muôn vẻ, lối đi ngã rẽ, trăm người 10 kẻ, tốt xấu chia phe, vô hình đâu thấy, vô thấy đâu nghe… Hah! Bước đi trong đêm thâu dầm mưa dãi nắng, sống bao năm trôi qua ngọt bùi cay đắng, thấm vào trong tim. Cuộc sống như 1 cuốn phim có đầu có cuối cuống hút những kẻ đam mê vào vòng xoáy đắm đuối dù có tiếc nuối. Nó sẽ đến hồi kết, còn muốn quay lại từ đầu tránh sao cho mỏi mệt, thôi ngừng lại đi. Nếu có 1 cơ hội thì tôi khuyên bạn như vậy.” – Lil Knight.

-Lục Phong-

Featured image: PARC PHOTOGRAPHY

Men tình rất dễ… say

Từ bỏ một tình yêu mù quáng cũng giống như một người say đang cố giữ vững những bước chân của mình. Nghiêng ngả dữ lắm rồi, mà vẫn phải ráng dùng một chút ý thức còn sót lại kéo mình đứng thẳng lên. Đứng thẳng liêu xiêu.

Rồi mỗi bước lại cứ lừng khừng, xiêu vẹo, chông chênh. Say đấy, mà vẫn biết sợ, sợ không gồng mình cho tỉnh táo thì lại bị té…vào cơn say. Người say ít thì đi vài bước sẽ lại tỉnh. Hẳn là vẫn u u mê mê nhưng vẫn giữ được bước chân vững vàng.

Kẻ say nhiều thì hết nghiêng, lại ngã, nhưng còn biết cố gắng thì dò dẫm riết cũng sẽ về được đến nhà. Lại có người say đến quên trời đất, biết là phải đứng lên, nhưng lỡ vấp một cái, ngã rồi thì cũng không còn sức để đứng lên nữa. Vậy là cứ lăn đùng ra đó, ngủ, chìm trong cơn say. Nhiều khi họ tự cho phép mình ngủ như thế. Ngủ để tỉnh táo lại, và ngủ vì chẳng thể làm gì khác hơn. Sau một giấc ngủ vùi có thể họ đã bị bỏ lại rất xa, nhưng dù sao cũng đã tỉnh và lại có thể tự mình bước đi, vững vàng.

Cũng có nhiều người chỉ vờ ngủ để chờ có một ai đó, lúc nào đó sẽ đến kéo mình dậy.  Đơn giản vì lúc đó họ biết mình chưa thể bước đi một mình. Có người dìu bước thì sẽ về nhà nhanh hơn. Còn như không có ai, nằm riết cũng đến lúc giã rượu. Tỉnh được rồi thì thôi, tự đứng dậy và lại tự bước đi. Không ai vì say mà té, rồi vì không đợi được ai dìu dậy mà sau khi tỉnh lại uống tiếp cho say. Có chăng đó là những người nghiện rượu, không bao giờ muốn tỉnh.

Nhưng… cũng có những người bị bỏ quên mãi mãi. Họ té, không còn sức để đứng lên, không còn biết đứng lên, cũng chẳng ai vực dậy. Thế là cứ nằm đấy, từ say đến ngủ luôn không bao giờ tỉnh lại.

Tôi đã từng say, đã biết cảm giác quay cuồng, nghiêng ngả là thế nào. Tôi cũng đã từng yêu, yêu mù quáng, và cũng biết mình lúc đó chông chênh đến thế nào. Tôi đã từng chứng kiến nhiều người say đến quên trời đất, và nhiều người yêu đến quên mất bản thân.

Tôi không bàn đến việc uống đến say là đúng hay sai, nên hay không nên, vì ai làm gì đều có lý do riêng của họ, không thể thông cảm vẫn cần được tôn trọng quyền cá nhân đó. Tôi chỉ chia sẻ một góc nhìn, để những người từng say, đang say (và có lẽ sắp bị say) có thể tìm đâu đó chút đồng cảm.

Bạn có nhìn thấy mình trong đó? Bạn cảm nhận như thế nào khi đứng ra một góc và nhìn lại hình ảnh của mình?  Tôi thì đang mỉm cười khi nhìn lại chính mình ngày xưa. Có thể nụ cười có chút chua xót, nhưng vẫn mang niềm vui, vì sau cùng, tôi đã tỉnh, đã về đến nhà, đã vượt qua.

Tôi tiếc cho những người “ngủ luôn trong cơn say”, có thể họ không biết hậu quả của việc “quá chén” sẽ đi đến mức đó, lúc không còn tỉnh táo họ cũng không còn kiểm soát được mình. Cũng có thể nhiều người nghĩ sẽ tìm thấy bình yên trong giấc ngủ đó. Nhưng bình yên nhất vẫn là giữ cho mình được tỉnh táo, hay ít nhất cho phép mình say… có giới hạn.

Bạn có quyền say, bạn có quyền yếu đuối ngủ vùi, bạn có quyền trông cậy vào một bàn tay chìa ra vực dậy, nhưng trên hết bạn phải giới hạn bản thân mình.

Nếu đã lỡ uống quá say, muốn tỉnh, chỉ cần ngừng uống. Muốn thoát khỏi cơn say thật nhanh, vẫn có rất nhiều cách. Chỉ cần bạn muốn. Và sau cơn u mê, rồi bạn sẽ lại sáng suốt như bình thường. Thời gian không dừng lại, chuyện gì rồi cũng sẽ qua, chỉ là bạn đừng dừng lại.

 

 *Feature Image: Lukas Sowada Photography

Đôi khi nên cần một định nghĩa – tình yêu cũng vậy…

Đôi khi nên cần một định nghĩa, để nhìn nhận sự việc một cách khái quát và tổng thể hơn. Tình yêu cũng vậy. Nó vẫn có thể được định nghĩa – theo vô vàn cách. Một cách đặc biệt, trong phạm trù của trái tim, định nghĩa nào cũng đúng ở một khía cạnh nào đó. Trải nghiệm khác nhau mang lại một góc nhìn khác nhau đối với mỗi cá nhân. Do đó, có thể…

Yêu là việc chấp nhận sẽ không được đáp lại. Nó là quyết định mang tính cá nhân và không cần sự cho phép hay can thiệp của bất cứ một bên thứ hai nào. 

Là việc chấp nhận một cá thể khác xâm phạm một cách tự nguyện vào khoảng không thời gian vốn trước đây chỉ có bản thân mình trong đấy. 

Là việc chấp nhận chứ không phải là hy sinh bản thân. Không ai hy sinh và đánh mất bản thân mà gọi đó là tình yêu được. Khi yêu một ai đó, cũng là lúc yêu bản thân mình nhiều hơn hết thẩy. Không thể yêu một người nào đó mà không đi kèm với tình yêu bản thân?!

Là việc cái tôi trở nên đáng trân quý hơn bao giờ hết khi ở cạnh người đó. Nếu đánh mất bản thể mình khi ở cạnh một người nào đó, nếu là tôi, tôi sẽ tránh xa người đó ngay và luôn nhanh hết mức có thể.

Là việc chấp nhận một thói quen hơn 21 ngày được hình thành và đeo bám. Thói quen có thể bỏ, nhưng luôn cần trong đời. ít nhất là một lần.

Là một sáng tạo thú vị tìm được lúc đó – nói như tác giả cuốn sách “một nửa của 13 là 8”. Việc khám phá những điều mới mẻ – mỗi ngày – nơi người ấy đôi khi là một trải nghiệm không nên bỏ qua.

Là nỗi ám ảnh dễ chịu mang theo mỗi sáng, mỗi tối, mỗi ngày. Đón nhận nó và nhường chỗ trong tâm trí cho nó.

Là sự thờ ơ lớn nhất bản thân có thể thực hiện, nhưng cũng có thể đó là sự quan tâm sâu sắc nhất từng có.

Là một sự can đảm lớn nhất từng thực hiện. Cũng là việc cần ít nỗ lực nhất. Bởi đơn giản, mọi thứ tự nhiên diễn ra theo một cách chẳng ai ngờ đến.

Là niềm hạnh phúc do bản thân tạo ra và tự quyền quyết định.

Là một trải nghiệm nhất thiết phải có ít nhất một lần trong đời người. Một chuyến đi ngẫu hứng cần thực hiện. Một hành trình thú vị không nên bỏ qua.

Là có thể đặt bút viết ngay những dòng này mà không cần suy nghĩ mình đang viết những gì.

Cũng có thể, yêu là một sự mạo hiểm đáng thèm khát mà tự trong mỗi người luôn tìm kiếm. Nói gì thì nói, đời sẽ chẳng là gì, ta sẽ chẳng là ai nếu không dám mạo hiểm! Nhỉ? 😉

 

*Feature Image: Kelly Steffey

Liệu bạn có dám mở lòng mình khi yêu thương gõ cửa?

*Feature Image: Cubagallery

 

Chiều nay, nắng thu nhuộm vàng cả căn phòng nhỏ, gió đưa hương mùa thu len lỏi từng ngóc ngách tâm hồn, và có lẽ, những chiều thu một mình khiến người ta yếu đuối và mông lung tới kì lạ. Có thể, chính điều này đã khiến tôi chợt nghĩ tới hai từ “người yêu” và “tri kỉ”, hai từ mà rất hiếm khi xuất hiện trong từ điển của tôi. Lắm lúc tôi nghĩ, có lẽ tôi quá nhát gan để không dám mở lòng, bởi lúc nào cũng sợ rồi sẽ tổn thương.

Có những con người, trong lúc mệt mỏi, ốm đau hay thất bại, chỉ ước ao có một bờ vai để được dựa vào, một vòng tay ôm thật chặt, và những cái hôn thật nồng nàn, để che đi bóng tối của vạn vật xung quanh, bởi trước mắt đang có một vì sao tỏa sáng lắp lánh. Thế nhưng, họ lại e dè, lại dừng bước, lại không dám tiếp tục, không phải tại họ là loài vô tâm, không biết yêu đương mặn nồng là gì, mà chỉ bởi họ sợ hãi. Họ sợ khi họ mở lòng vào những phút yếu lòng nhất, sẽ không kìm được mà không ngừng dựa dẫm vào vì sao đối diện, rồi chẳng may một ngày, vì sao ấy biến mất, khi đó lệ thuộc đã thành thói quen, họ làm sao có thể tiếp tục đi qua bóng tối một mình đây? Hoặc cũng có thể, họ sợ họ kì vọng quá nhiều, ao ước quá nhiều về phần kia của mình, chính vì vậy, họ không dám chạm vào vì sao ấy, bởi họ sợ, nó sẽ bị vỡ tan như bong bóng xà phòng. Chung quy lại, chẳng phải họ không thể nào yêu, mà chẳng qua, họ lo lắng quá nhiều, tính toán quá nhiều mà chẳng cách nào yêu được.

Có những người vì quá tổn thương mà chẳng cách nào mở lòng mình thêm nữa. Có lẽ giống như những người trên đó, họ cũng sợ, họ sợ nếu bị tổn thương thêm lần nữa, họ sẽ chẳng có cách nào mà tiếp tục. Có lẽ họ rất sợ, nhưng cũng thất vọng bởi chẳng ai có đủ kiên trì để chạm sâu vào vết thương đang lở loét trong lòng mà hàn gắn, chẳng ai đủ kiên trì tới khi những vết thương ấy lành lặn hoặc giả lên da non, có lẽ người đủ kiên trì vẫn chưa xuất hiện. Trong sâu thẳm, họ vẫn mong chờ được yêu thương như trước.

Có những người vì quá xem thường chính mình mà sợ hãi không dám yêu. Họ khát khao yêu bao nhiêu thì họ lại càng sợ hãi mà không dám chấp nhận lời yêu bấy nhiêu. Tình yêu của họ chưa kịp thành hình đã bị bóp nát, vì họ sợ, bản thân họ không đủ tốt để yêu thương và được yêu thương. Họ sợ nếu lỡ chạm phải thì lại có thêm một người bị tổn thương. Họ sợ, họ lo, họ trốn tránh. Phải chăng tất cả họ đều không dám yêu bởi người đủ nồng ấm, người đủ kiên trì và người đủ bao dung vẫn chưa xuất hiện?

Cái gì tới cũng sẽ tới, người ta nói bạn không là gì trong thế giới rộng lớn này, nhưng bạn lại là cả thế giới với một ai đó. Thật ra, câu này có hơi nhảm nhí, bởi không phải ai cũng đủ may mắn để tìm được một nửa còn lại của đời mình. Một người bên họ khi buồn, khi vui, khi chán nản, khi hạnh phúc, khi thành công và cả khi thất bại. Một người ở đó, có thể mong manh như ngọn lau trước gió, nhưng lại vô cùng vững chãi khi bạn dựa vào.

Sự thật, không phải ai cũng may mắn tìm kiếm được người như vậy, bởi có người mất cả đời mà chẳng cách nào tìm thấy, có người mất hàng chục năm khi mắt mờ chân chậm mới phát hiện hóa ra đó vẫn luôn là một nửa của mình, hay có người chưa kịp yêu thương đã đánh mất để rồi cả phần đời còn lại cô đơn hiu quạnh. Thế nhưng, đâu phải ai cũng có thể tìm được yêu thương mà mình mong đợi, có một con người vô cùng vĩ đại nhưng cuối đời, ông vẫn chỉ mất đi trong cô độc.

Câu chuyện của ông là như vậy: Từng có một người, ông ta từ nhỏ đã yêu thích thi ca, ước mơ trở thành nhà thơ, kết quả ông ta trọn đời đi theo sự nghiệp nghiên cứu khoa học; ông ta vô cùng giàu có, nhưng cả đời lang thang, phiêu bạc, không nhà để về, ông ta luôn khao khát tìm được một người chân thành yêu mình, nhưng cuối cùng ông ta mang theo nỗi tuyệt vọng với tình yêu mà chết đi trong cô đọc, tên tuổi của ông lưu lại cho hậu thế ving quang tột bậc nhưng trên bia mộ chỉ đơn giản vài chữ – Alfred Bernard Nobel. Nobel từng nói như thế này: “Tôi không có được một gia đình làm nơi thả neo, không có bạn để yêu thương, cũng không có kẻ thù để căm ghét.”

Vậy đó, cuộc đời ai cũng vậy, cho dù vĩ đại tới nhường nào, nhưng cuối cùng, họ cũng như bao người khác, chỉ có một ước mơ nhỏ nhoi là tìm được một chốn yên bình và ấm áp, nơi họ thân thương gọi là “nhà”. Thế nhưng, chẳng phải tất cả đều có thể tìm được một nửa của mình bởi chẳng phải ai cũng đủ dũng cảm để mở lòng mình khi yêu thương gõ cửa.

Liệu cứ ngồi cân đo đong đếm tổn thương, tới khi nào mới có thể tìm được những yêu thương thật sư? Phải chăng cứ ung dung, an nhàn mà tận hưởng cuộc sống hiện tại, bởi cái gì đến ắt sẽ đến.

 

Như Nhiên