25 C
Nha Trang
Thứ năm, 24 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 311

Cách thức tìm ra đam mê và những ngụy biện xung quanh nó

Đam mê, ước mơ là gì? Có ăn được không? Ăn có ngon không? Ăn nhiều có nghiện không? Không ăn được có buồn không? Bị người khác ăn mất có tức không?

–      Đam mê, ước mơ, đơn giản là niềm vui, là sự rong chơi trong cuộc đời.

–      Ăn được không á? Ăn được nhé!

–      Ăn ngon không à? Ngon thì mới vui chứ?

–      Ăn nhiều nghiện không? Có cái gì ngon mà ăn không nghiện không?

–      Không ăn được có buồn không? Bị giật cái bánh rán, giật bịch bánh trán trộn trước mặt có buồn không?

–      Bị người khác ăn mất có tức không hả? Tụi nó cầm bịch bánh trán trộn ăn trước mặt, nhai nhóp nhép có tức không?

Một câu hỏi vui, nhưng tôi nghĩ sự ngẫu hứng này cũng đáng suy ngẫm chứ nhỉ?! ^^

Cách đây vài hôm tôi có nói về chủ đề thành công với bài viết: “Sự thật về thành công, sự lười biếng hoặc chăm chỉ”. Vì có quá nhiều người lăn tăn trong việc “Làm thế nào để biết mình đam mê điều gì?”, nên tôi quyết định viết thêm bài này.

Đây là dòng đầu tiên và cũng là dòng cuối cùng danh cho một số người.

Trước khi đọc bài, tôi chỉ xin hỏi bạn một câu:

Nếu tìm ra đam mê, bạn có dám tiếp tục sống với nó không? Hay là bỏ rơi nó, chỉ vì nó trông có vẻ khó khăn?

Hãy nhớ rằng, không phải ai cũng có may mắn để tìm ra được đam mê của mình hoặc tìm ra nó trong thời gian sớm, nên nếu bạn đã tìm ra niềm đam mê của mình mà vẫn bỏ rơi nó, thì đó quả là điều đáng tiếc vô cùng. Và vì thế, bạn không cần thiết phải đọc những dòng bên dưới thêm chi nữa.

Vào đề, tức các phương thức:

Tôi đã tìm ra đam mê của mình theo cách nào, tôi sẽ kể lại theo cách đó…

 

Phương thức 1: Lấy giấy và viết ra, tắt hết điện thoại, laptop, tivi, kể cả là cửa phòng cũng nên đóng lại nốt. Dành 30 phút để viết tấn tần tật những thứ mình thích (tâm lý phải thật thoải mái). Chung chung cũng được, chi tiết càng tốt, ăn kem cũng được, nhảy hiphop cũng hay… Cứ viết như thế đến khi nào bạn thực sự không thể nghĩ thêm điều gì nữa, sau đó hãy dừng lại. Hãy nhìn lại, xem thật kỹ, nhìn kìa! Hình như giữa những thứ bạn viết ra có “điểm chung” gì đó. Nếu chưa thấy, hãy để ngày hôm sau viết lại 1 vài lần nữa, cho đến khi bạn nhận ra chúng có điểm chung gì đấy. Từ điểm đó, bạn liên hệ chúng với một số thứ có liên quan, một số thứ mà bạn nghĩ rằng “có thể” bạn sẽ yêu thích. Hãy trải nghiệm nó! Hãy thực hành. Hành trình mà không đi, thậm chí không bò, không lếch thì cũng không qua được. (Phương thức này tôi tham khảo ở các sách dạy thành công, và từ một tác giả Vương Quang Vũ trên website của anh Nguyễn Hoàng Huy)

 

Phương thức 2: Hãy thực sự, thực sự tìm hiểu chính mình! Tìm hiểu về tâm trí mình, hiểu rõ về bản thân mình, hiểu rõ những mong ước, những ham muốn tham lam, những điều bạn thường hay quan tâm…Hãy hiểu rõ tất cả, tốt và xấu trong con người bạn. Bỏ ngoài tai tất cả những lời nói của bất cứ ai, chỉ có mình bạn. Điều này có thể tốn khá nhiều thời gian để bạn dành cho bản thân mình, nhưng nó thực sự sẽ là nền tảng “cứng như thép”, góp phần vào lối sống, phương pháp luận, và ý chí của chính bạn sau này rất nhiều.

Cách hay nhất là thiền, triết học, tâm lý, dù bạn không thích, nhưng hãy thử nghiên cứu nó 1 thời gian ngắn thôi – trong một cuộc đời. Vài cuốn mà tôi nghĩ rất hay để chúng ta “tịnh tâm” biết rõ mình là quyển: “Hướng đi cho cuộc đời” – Krishnamurti (hơi khó hiểu, nếu bạn không đủ kiên nhẫn thì nên bỏ qua), cuốn thứ 2 là: Không nước không trăng – OSHO (dễ hiểu hơn cuốn trên). Nhưng nếu 2 quyển này quá khó hiểu thì tôi nghĩ bạn nên dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc các bài viết từ Triết học đường phố *cười*…

Phương thức 3: Bất cứ khi nào bạn có hứng làm gì, dù là nhỏ nhặt, nhỏ xíu như con kiến, hãy làm nó, hãy làm đi, đừng lười biếng, đừng bỏ qua! Ngắm dòng người qua phố đi, hóng gió một mình ngoài bìa rừng đi, viết cái gì đó đi, nhảy nhót, múa hát, lập trình, vẽ, trượt patanh, leo cây, đào hố trồng cây, nhổ cỏ, nấu ăn…Vâng! Hãy điên đi, nếu bạn nghĩ tôi đang bày cho bạn điên, hãy làm bất cứ cái gì dù là nhỏ nhặt. Rồi một ngày nào đó, tất cả sẽ liên kết lại với nhau theo một cách không thể logic hơn. Tin tôi đi, cuộc sống là một sự liên kết tất cả, không tách rời, văn học chưa từng tách rời toán, toán chưa từng tách rời văn và lịch sử, nhưng mọi người thường không biết hoặc cố che mắt mình điều này.

Tôi nói thẳng, là tôi sử dụng cả 3 cách trên, và cũng nói thẳng là tôi tốn 2 năm trời chỉ để tìm việc mình thực sự thích. Thậm chí tôi còn bỏ qua mọi thứ mà người khác cho là quan trọng, chỉ để tìm thứ mà bản thân tôi nghĩ là quan trọng. Có một cái giá cho sự tìm kiếm đam mê, 2 năm là quá may mắn cho tôi, và nếu bạn có thể tìm thấy nó, bạn thực sự may mắn (hãy nhớ, may mắn là do bạn xúc tác mà nên).

Làm sao để biết mình đã tìm ra đam mê: Khi bạn biết rằng, đam mê là thứ mà bạn thường thích làm nhất lúc rãnh rỗi hay buồn chán, là cái mà người ta cản bạn CỨ LÀM, khi bạn nản bạn vẫn làm mà không hiểu sao NẢN VẪN LÀM ???? Không làm thấy khó chịu, không trả tiền hả -> VẪN LÀM, bỏ tiền ra nuôi nó mà chưa thấy thu được cái gì => VẪN BỎ TIỀN RA. Là cái mà bạn sẵn sàng ưu tiên hàng đầu trong danh sách công việc, dù bận, bạn vẫn làm nó trước, dù bệnh – bạn vẫn nghĩ tới nó, dù chán hay cô đơn bạn tìm đến nó, dù ba mẹ chửi vẫn làm ???? Nếu bạn không làm, nó như 1 cái gì đó làm ray rứt tâm trí bạn, nhắc bạn rằng: có một thứ bạn chưa thực hiện hoặc không thể không làm…Nói chung là muốn chết vì nó đi được, mặc dù thấy nó nghịch lí mà vẫn chấp nhận nó ^^!

Có thể gọi nó là “TIẾNG GỌI TỪ TRÁI TIM”nếu bạn thích !

Đam mê và các lý lẽ xung quanh:

–      Đam mê của tôi quá khó đạt được => Next

–      Rồi sẽ có ngày tôi chán đam mê của mình thì sao? => Có rất nhiều người bảo rằng họ chán đam mê, thất vọng và không bao giờ muốn sống một lần nữa với đam mê??? Đây mà gọi là đam mê à? Next

–      Tôi còn trách nhiệm với vợ già, con thơ (ủa lộn), vợ đẹp con xinh, phụ thân già yếu, cha mẹ không thích tôi làm cái đó, tôi phải kiếm tiền, có thực mới vực được đạo => Tôi chưa hề nói rằng hãy quyết liệt bắt đam mê kiếm tiền ra cho bạn ngay từ những phút đầu, cũng chưa từng nói hãy sống bằng một nghề duy nhất. Có thể sẽ khó đấy, có thể sẽ dành một số tiền nuôi đam mê trước đấy. Nhưng chẳng sao, những người quá lăn tăn về những điều chưa biết trước thường là những người chẳng làm được gì cả, thậm chí là sau khi bỏ lại một vài lý lẽ hay comment thì phủi đít về nhà bật tivi lên xem và quay lại cuộc sống thường nhật.

–      Rồi người ta sẽ bỏ cuộc khi gặp thất bại, khi gặp khó khăn, khi đó thật là hoài công, thà đừng làm còn hơn => Next

–      Đam mê của tôi không phù hợp với hệ thống xã hội này, nó quá lập dị, nó quá mơ mộng, tôi đành phải gác lại đam mê của mình cho cuộc sống thực tế => Next

–      Tôi sẽ được gì khi theo đuổi đam mê? => Next

–      Bạn làm được không mà nói? => Next

–      Nhưng xã hội đã như vậy, tôi không thể làm khác => Nghĩa là bạn sẽ chết mọt gông trong tù, hoặc sẽ ngồi chết dí một chỗ đến khi tử vong nếu ai đó bắt chúng ta làm thế.

 

Dù gì!

Dù gì, mọi lý lẽ chỉ là ngụy biện.

Dù gì, chúng ta vẫn phải sống phần đời còn lại, và chắc chắn rằng, chúng ta sẽ làm việc mình thích, hoặc sẽ làm việc mình không thích.

Dù gì, lý lẽ cũng không cứu được chúng ta, chúng ta có thể cãi thắng trong một vụ tranh luận để tiếp tục không sống với ước mơ, nhưng chúng ta sẽ ra sao khi về lại ngôi nhà của mình vào ban đêm?

Dù gì, tất cả chúng ta đều phải cố gắng mà sống. Hoặc là tiếp tục làm những thứ người khác bảo là tốt, hoặc là bắt đầu làm những thứ mà bản thân mình nghĩ là tốt.

Dù gì, hãy yêu cuộc sống! Vì sao à? Vì chúng ta không còn cách nào khác.

Đây là câu nói mà tôi đã hỏi những người thân của mình:

–      Tại sao tôi không thể cảm thấy “bình thường” một cách tự nhiên như mọi người?

=> Vì cậu là cậu, cậu không là ai cả!

–      Tại sao em không thể phớt lờ đi khái niệm « đam mê » trong đầu, tại sao em cứ phải tìm kiếm nó, tại sao em lại ray rứt.

=> Khi một người không nhìn thấy cục kim cương trên đường, họ sẽ vẫn đi tiếp bình thường, nhưng khi họ nhìn thấy cục kim cương, mọi thứ sẽ khác.

Nếu có thể quy mọi lý lẽ phản biện thành một, thì tôi sẽ nói rằng : Người ta sợ thất bại, sợ mình không thể được như mình muốn vì những nỗi khó khăn.

Cuộc sống này, không chỉ có một nỗi sợ, có vô vàn nỗi sợ. Cuộc sống này không cần tranh cãi, cần dùng cái trí tuệ để nhìn thấy bản chất thực sự của niềm vui và ý nghĩa cuộc sống. Nếu bạn thích bỏ nó, thì cũng chẳng sao cả, không ảnh hưởng đến kinh tế nhà ai, nhưng nó sẽ ray rứt bạn khi tuổi về xế chiều.

Tôi biết rằng không thể bắt mọi người đi theo đam mê được, không thể đòi hỏi nhiều kim cương trên thế gian này. Nhưng…

Với tôi thì : Lỗi không phải là cái gì sai, mà là biết sai nhưng vẫn tiếp tục làm.

Vấn đề không phải là làm được bao nhiêu, mà là có chịu làm hay không, vậy thôi !

Nếu bạn không thể thay đổi theo lý tưởng mà bạn mong đợi, đơn giản là bạn đang bỡn cợt với chính cuộc đời mình.” – Lục Phong

Hãy nghĩ về tất cả những điều đó, hãy bỏ thời gian ra nghĩ về nó, đến khi thực sự đủ…

Và, cát vẫn đang rơi trong chiếc đồng hồ…

 -Lục Phong-

Featured image: mostafa ibrahim

Phượt là một hành trình khai phá và sáng tạo bản thân

– Nếu bạn đi phượt chỉ để chứng minh cho bạn bè, cho ba mẹ, cho anh chị em hay cho một ai khác thấy mình có thể làm được. Thì đừng đi, vì đó chẳng phải là động cơ xuất phát từ chính bản thân bạn. Hãy đi vì bạn muốn đi. Đừng chọn đi bụi khi bạn muốn chứng tỏ. Vì phượt bụi là một hành trình khai phá và sáng tạo bản thân, không phải là một hành trình giúp bạn khoe mẽ. Đừng đi vì thấy bạn mình đi và mình cũng muốn làm một chuyến. Hãy đi khi bạn biết bạn đã sẵn sàng.

– Nếu quá dư tiền và chẳng biết làm gì ngoài chọn cách phượt, thì chân thành mà nói, bạn hãy quăng số tiền đó vào ngân hàng và chờ nhận lãi. Nó không phải là phương tiện giúp bạn có một chuyến phượt ý nghĩa cho chính bản thân bạn. Lắm khi, tiền không phải là một yếu tố quyết định bạn có thực hiện chuyến phượt đó hay không. Thành thực mà nói là vậy đó! Phượt ko phải là việc ném tiền qua cửa sổ.

– Nếu bạn còn nặng nề đem chuyến đi của bạn đặt lên bàn cân để giải bài toán “chi phí đánh đổi” thì hãy hoãn chuyến đi lại, ở nhà, và bạn sẽ không phải đau đầu để giải bài toán đó.

– Đừng phượt vì muốn trốn tránh việc giải quyết vấn đề nào đó trong cuộc sống của bạn, ở lại, đối mặt và chiến đấu với nó. Đi không giúp khiến vấn đề tốt lên, mà bạn thậm chí còn mang theo một gánh nặng trong ý thức ngoài chiếc balo đã vốn nặng trịch trên vai. Mình nói thế, vì mình đã từng như thế.

– Sợ nắng, sợ đen, sợ dơ, sợ tiếp xúc người lạ, sợ ngủ đường, sợ buồn, sợ không online facebook được để check in. Thì hãy book ngay một tour và đi du lịch, agency du lịch sẽ giúp bạn dẹp bỏ các vấn nạn trên.

– Một kế hoạch quá chi tiết sẽ đánh mất sự thú vị của chuyến đi, đôi khi, trong mức độ cho phép, hãy để mình chịu một chút mạo hiểm, vì chính lúc đó, tình huống bạn đối mặt sẽ bộc lộ với định hình tính cách của bạn.

– Hãy luyện để có thể chấp nhận bất cứ loại phương tiện nào: máy bay, tàu, xe đò, xe bus, xe máy, xe đạp…vì chẳng biết chuyện gì xảy đến với bạn trên hành trình, tốt nhất hãy buộc bản thân luyện tập khả năng thích nghi.

– Phượt nhóm giúp bạn xây dựng tinh thần đồng đội, tận hưởng chuyến đi nhiều tiếng cười và sự thấu hiểu đối với những người bạn đồng hành và đôi khi là để giảm thiểu rủi ro. Nhưng để thực sự đối thoại với chính cái tôi của bản thân bạn, hãy thử phượt một mình. Bạn sẽ chẳng có ai để nói chuyện ngoài chính con người bên trong bạn. Đừng nhầm đó là sự cô đơn, cô độc hay bất cứ tính từ nào gần với nghĩa lonely. Vì khi bạn thực sự muốn, thì chẳng có gì khiến bạn cảm thấy mình chỉ có một mình cả.

Mình không cổ súy như kiểu “20 việc cần làm trước 23 tuổi trong đó cái gạch đầu dòng thứ hai là: phượt (hoặc đi du lịch).” Vì mỗi người một cái nhìn khác nhau về chuyện phượt – phượt bụi. Bạn chẳng thể ép mình đi nếu bạn chẳng thực sự đủ ham thích để làm điều đó. Và bạn không cần phải làm điều đó. Đơn giản nó là cách bạn chọn để thỏa mãn cái tôi, để làm bản thân thấy hạnh phúc khi bạn thực sự muốn từ hạnh phúc theo cách này.

Đặt những chuyến đi của bạn ở đâu trong hành trình cuộc đời bạn, là tùy sự chọn lựa của mỗi người. Chọn cách bạn sống như thế nào là quyền của bạn một cách hoàn toàn và tự ý thức bởi chính tư duy của bạn. Miễn, đó là sự lựa chọn của bạn! Bạn làm vì chính mục đích xuất phát từ bản thân mình mà thôi.

 

*Featured Image: Mu2M

Huyền Chip, Đỗ Nhật Nam… và câu chuyện về văn hóa phản biện

“Cuốn sách và Huyền Chip là chuyện nhỏ nhưng “văn hóa phản biện” mới là chuyện lớn.”
– Osin Huy Đức

Chưa bao giờ Việt Nam có một không gian trao đổi, thảo luận và cả cãi nhau, mỉa nhau, chửi nhau rộng mở đến thế. Từ các diễn đàn như VOZ, Webtretho cho tới các mạng xã hội như Facebook, Tầm Tay hay cả dưới chân các bài báo như của VietnamNet, Dân Trí. Từ ngày ra đời, các đơn vị tổng hợp tin tức đã thúc đẩy và tạo ra thói quen comment mạnh mẽ dưới mỗi tin tức mà ví dụ điển hình trước đây là linkhay và nay là Tạp Chí Chim Lợn.

Cá nhân tôi cho rằng đây là một xu hướng chung của xã hội, nơi những nhu cầu được thể hiện bản thân, bày tỏ quan điểm, cảm xúc của mỗi cá nhân là rất lớn. Thật sự khó có sự tiến bộ và phát triển nơi những ý kiến của vạn người lại “giống y như một”, hay nếu chỉ có sự phát ngôn một chiều từ một hay một nhóm thế lực thì cũng thật nguy hại cho sự tiến bộ của xã hội.

Thế nhưng, chúng ta đã dần có được quyền tự do ngôn luận (tôi chỉ dám nói từ dần, bởi rõ ràng còn nhiều vấn đề vẫn còn chưa được tự do), chúng ta cũng đã có nhiều không gian cho các phát biểu, thế nhưng tôi cho rằng “văn hóa phản biện” hay những tư duy mà người tham gia trong các cuộc “‘trò chuyện”, một yếu tố rất quan trọng lại còn thiếu nặng nề ở Việt Nam.

Không khó để nhận ra là các “comment” (xin lỗi vì tôi không thích dùng từ bình luận) qua lại trên mạng đều chẳng góp ích nhiều cho sự trao đổi quan điểm, sự phát triển của thế giới quan hay tạo ra một bức tranh rõ ràng về sự việc, chúng giống như kiểu “Đổ dầu vào lửa” hơn. Những người tham gia bình thường, phần lớn phát biểu cảm xúc hay chỉ đơn thuần là một “khẳng định” nào đó mà chẳng hề diễn giải sự hợp lý của nó. Điều này kiểu như “phán”, kiểu như bạn là một ông quan to, nghe xong câu chuyện của 2 ông kiện nhau rồi phán luôn một câu “cả hai đều có tội”.

Thậm chí có những người comment khi họ còn chưa đọc hết cả bài viết.

Những người ủng hộ nhân vật chính thì bị gọi là “bênh vực”, “ăn tiền”, “nịnh hót”, “bao che”, “mù quáng”…Những người phản đối thì bị gọi là “GATO”, “ném đá”, “thiển cận”, “ăn không ngồi rồi” ….

van hoa tranh luan

Những nguyên nhân

 1. Suy nghĩ hời hợt

Tôi cho rằng nhiều khán giả thường không thực sự dành thời gian để tự “tranh biện” với bản thân về sự việc sau khi họ tiếp nhận thông tin. Họ ngay lập tức chọn cho mình một quan điểm và bị gắn chặt với nó. Rõ ràng việc tìm hiểu thông tin nhiều chiều, xác định độ tin cậy của tác giả, tự hỏi và tự trả lời là một quá trình dài và khá “hại não”, những quá trình tìm hiểu thông tin và tư duy này đánh bại phần lớn khán giả. Chúng ta cảm thấy sung sướng hơn khi chỉ cần “đồng tình” hay “phản đối” một quan điểm nào đó.

2. Bị định hướng

Báo chí và các kênh truyền thông ở Việt Nam, tôi cho rằng lập lờ rất nhiều giữa cung cấp thông tin về sự việc và cung cấp quan điểm về sự việc. Có thể vô tình hay cố ý, những bài viết có đưa quan điểm/cảm xúc chủ quan của tác giả sẽ khiến người đọc có xu hướng đồng tình nhiều hơn là phản đối với bài viết đó, nguyên nhân vì trong bài báo thường đưa thông tin và dùng những từ ngữ có lợi cho quan điểm đó.

Lấy ví dụ về bài viết về bài kiểm tra văn bị điểm 2 với lời phê được đưa lên TCCL.

http://tccl.info/vui/1636/bai-kiem-tra-2-diem-bi-phe-‘kho-thanh-nguoi-tu-te’.html

Có những bình luận trái chiều về vấn đề này, nhưng bài báo này trích dẫn toàn những quan điểm bất bình của cư dân mạng thay vì cân đối chúng.

3. Bị đánh lừa bởi ngụy biện

Trong số rất nhiều các ngụy biện, có một số ngụy biện nếu được sử dụng tốt sẽ rất nguy hiểm vì nghe rất thuyết phục, nhưng lại hoàn toàn ẩn dấu đi nhưng sai lầm về mặt logic hoặc chúng đánh vào bẫy tâm lý của người nghe khiến họ cảm thấy nó rất có lý. Cá nhân tôi cho rằng nhiều ngụy biện được sử dụng như một bản năng tự nhiên, xuất phát từ lỗi tư duy của chính người phát biểu, nói cách khác, chính họ cũng bị ngụy biện của họ thuyết phục.Hãy đi sâu hơn vào các lỗi ngụy biện nguy hiểm này.

3.1 Công kích cá nhân

Các phép công kích cá nhân thông thường nhất là “chửi”, tuy nhiên cách này rất lộ liễu, hiệu quả của nó lại có thể rất khả quan trên quy mô lớn. Khi tiếp nhận 1 lượng cực lớn câu chửi trong một thời gian ngắn, người tiếp nhận có thể cảm thấy bị áp lực rất mạnh về tâm lý và dễ dẫn đến kích động, phản ứng tiêu cực hoặc hành động thiếu suy nghĩ.

Phép công kích cá nhân cao siêu hơn, thường được áp dụng bởi những người có học hơn. Họ sẽ đào sâu vào tiểu sử của người phát biểu ví dụ như Cô ta học trường nào? Quê ở đâu? Có bê bối gì hay không? Gia đình cô ta làm nghề gì?…

Trong vụ việc của Huyền Chip, việc Huyền không đi học, xuất thân từ nông thôn, xa gia đình sớm được lấy làm cơ sở cho suy luận rằng cô “thiếu giáo dục”, “không có văn hóa tranh luận” của một blogger… hay cách phát âm tiếng Anh của PGS Hoàng Ánh cũng như lịch sử học tập, công tác của bà bị lôi ra làm trò cười, mỉa mai trên một diễn đàn khác.

Trong câu chuyện này, một trích dẫn rằng Việt Nam nhiều GS, TS nhưng ít bằng phát minh cũng được lấy làm dẫn chứng cho việc kết luận GS Nguyễn Lân Dũng cũng chỉ là một GS rởm.Bài báo về TS Nguyễn Đức Thành sau đây được coi là một ví dụ rất rõ ràng về việc phân tích quan điểm của ông đã dần bị thay thế hoàn toàn thành việc chứng minh ông chỉ là “tiến sĩ giấy”http://www.webtretho.com/forum/f26/ts-nguyen-duc-thanh-vnd-yeu-thi-kinh-te-se-manh-dan-len-1563669/

Cách phân tích về công kích cá nhân của anh Trần Ngọc Thịnh, FB Thích bỏ xừ được nêu ra như sau:

Thứ ba, văn hóa tranh luận đòi hỏi các bên tranh luận cần phải tôn trọng lẫn nhau. Tức là không được mạt sát nhau, không được công kích đối phương bằng việc quy chụp, chụp mũ, đánh giá cá nhân bằng cảm tính, không có dẫn chứng, căn cứ. Sử dụng từ ngữ vô văn hóa để kết luận đối phương bằng những từ như: ngu, đần, thần kinh, dở hơi…Trừ khi họ đúng như thế thật =)) Sự tôn trọng và lắng nghe từng luận điểm và dẫn chứng của mỗi bên để đưa ra những tranh luận đúng đắn và hợp lý.

Vâng, câu in đậm và icon cảm xúc đằng sau đó trong đoạn phân tích này khiến tôi cảm thấy khó hiểu về thái độ thực sự của anh trong vấn đề này. Không hiểu anh có thực sự nghiêm túc và hiểu thế nào là “ngụy biện công kích cá nhân” hay không. Mọi quan điểm chỉ nên được phản bác bằng các phân tích và dẫn chứng mà không phải là cảm xúc của cá nhân với người phát biểu quan điểm đó.

Bạn có thể ghét cô Huyền Chip và cho rằng cô ta chém gió, ghét cô Huyền Anh và nghĩ là cô ta thích thể hiện, ghét Đỗ Nhật Nam vì cậu ta tinh vi nhưng bạn không thể dùng nó như những bằng chứng hay lập luận để công kích quan điểm của họ.Thực sự, bạn có thể cảm thấy khó tiếp nhận việc phải tranh luận với một người mà bạn tin rằng kẻ đó là ngu ngốc, nhưng nếu đó là kẻ ngu ngốc thật thì người xem sẽ tự cảm thấy điều đó chứ nếu bạn sau một hồi tranh luận lại hô lên “Cô là một con ngốc, nói chuyện với cô thật là phí thời giờ” và rồi tìm kiếm sự đồng tình của người xung quanh thì đó không phải là một văn hóa tốt đẹp.

Một trong những cách công kích cá nhân khác chính là việc ghép ảnh kiểu “Thánh ăn vạ” “Thánh ngực” hay các thể loại châm biếm khác.

Việc anh Trần Ngọc Thịnh phong cho một loại người kiểu thành các “Cử nhân ngụy biện”, gọi ai đó là “giáo sư rởm” hay “tiến sĩ giấy” chính là một cách công kích cá nhân kiểu này.

3.2 Lợi dụng cảm tính và đám đông

Đây là nhóm ngụy biện rất nguy hiểm, nguyên nhân vì tự chúng ta đều thường cảm thấy bị thuyết phục bởi các ngụy biện này và cũng dễ rơi vào việc sử dụng nó. Rất nhiều giá trị như Tổ quốc, gia đình … khi được nêu ra sẽ dễ dàng thu hút được sự ủng hộ của đám đông, điều này có phần giống như đánh lạc hướng trọng tâm của câu chuyện.

Ví dụ, việc cho rằng “Cuốn sách của HC có thể sẽ làm cho nhiều đứa trẻ tưởng nhầm rằng đời chỉ toàn màu hồng, chúng sẽ ra sao nếu cũng xách ba lô lên và đi mà không có sự chuẩn bị gì cả?” hay “Huyền sẽ nghĩ sao nếu quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ bị ảnh hưởng bởi việc vượt biên hay trốn vé” hay “Hình ảnh người VN sẽ bị xấu đi bởi những cô gái đi phượt mà còn thiếu ….”

Đây là một loại ngụy biện dựa vào dùng những chữ mang cảm tính cao để gắn một giá trị đạo đức vào một đề nghị hay một câu phát biểu. Tất cả những khái niệm “hình ảnh quốc gia”, “tương lai của giới trẻ”, “quan hệ ngoại giao” đều khiến người đọc dễ dàng nghiêng về phe của người phát biểu.

Một ví dụ khác là kiểu “Nếu đi mà làm bố mẹ buồn thì đi như vậy có ý nghĩa gì? Nếu bố mẹ có ra sao thì ai chịu trách nhiệm?”. Một ví dụ khác là phát biểu kiểu “Đến Việt Nam là quê hương mình còn chưa đi hết, lại còn đi nước này nước nọ làm gì?”

Bạn sẽ dần cảm thấy sự phi lý của các lập luận kiểu này nếu thử mở rộng việc áp dụng nó với tất cả các trường hợp. Bạn sẽ không bao giờ được nói điều gì tiêu cực về bất cứ nước nào vì có thể nó sẽ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao hai nước, bạn có thể sẽ phải tìm hiểu về tất cả phong tục tập quán và lịch sử Việt Nam trước khi ra nước ngoài nếu không bạn có thể làm xấu đi hình ảnh của VN, và bạn sẽ KHÔNG BAO GIỜ được làm điều gì trái ý với bố mẹ bạn vì có thể nó sẽ khiến bố mẹ bạn buồn.

3.3 “Lí luận lươn trạch” kết hợp với “Ảnh hưởng không đáng kể”

Đây là 2 ngụy biện thuộc 2 nhóm khác biệt nhưng lại hay được dùng đi kèm với nhau. Lí luận lươn trạch là kiểu một sự việc có hại xảy ra, các sự việc có hại khác cũng sẽ xảy ra.

Ví dụ: Cô Huyền viết sách sai sự thật ==> Những người khác cũng sẽ bắt chước cô Huyền ==> Giới trẻ sẽ khủng hoảng khi họ cũng xách ba lô lên và đì

Và “ảnh hưởng không đáng kể” là kiểu phóng đại các hậu quả của một việc. Ví dụ như “Cuốn sách của Huyền làm giới trẻ lầm tưởng về những nguy hiểm của du lịch bụi”. Có thể đây là một phát biểu đúng, nhưng ảnh hưởng của nó rất khó có thể đánh giá xét trên toàn bộ giới trẻ hoặc kể cả trên số lượng những người đã đọc cuốn sách của cô Huyền. Điều này tương tự như việc coi hình ảnh của Bà Tưng sẽ “làm hỏng cả nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc”

Việc nâng cấp câu chuyện của cô Huyền và suy ra thành các hậu quả kinh khủng về “tương lai đất nước” hay “quan hệ ngoại giao” là những ngụy biện kiểu này.

3.4 Lợi dụng quần chúng

Ngụy biện này được hiểu rất đơn giản: Cái gì được nhiều người ủng hộ thì cái đó đúng.

Ngụy biện này có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau kiểu: “Hãy nhìn lại số like và những comment khác đi !!!!” (thực tế thì hãy quay trở lại minh họa đầu tiên, bạn cảm thấy comment đầu tiên được hơn 300 like kia là 1 comment giá trị sao?)

Hay theo cách khác: “Tất cả mọi người đều yêu cầu như vậy, đây là quyền lợi chính đáng của tất cả chúng tôi”.

Thực tế thì giá trị của 1 quan điểm không thể dựa vào số người ủng hộ nó, thực tế lịch sử cho thấy đám đông hoàn toàn có thể tạo ra những sai lầm to lớn.

 

Hoàng Đức Minh

*Featured image: Jack Teagle

Làm thế nào để theo đuổi đam mê?

Hạnh phúc nhất là khi bạn được làm những gì mình yêu thích và đam mê. Có một câu nói rất nổi tiếng thế này “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn.” Nhưng nhiều người vẫn hoài nghi về sự thành công này, họ cho rằng cuộc sống còn có nhiều vấn đề cơm áo gạo tiền mà họ cần theo đuổi hơn là cái đam mê chôn cất bên sâu trong tâm họ. Họ nghi ngờ những câu nói đại loại như “Hãy làm những gì từ trái tim bạn muốn.”  Thực chất những người này đang ngụy biện cho chính bản thân mình, một sự ngụy biện tưởng chừng như rất hợp lý để che dấu đi rất nhiều vấn đề tồn tại ngay chính trong bản thân họ

Thứ nhất, bạn có nghĩ rằng bạn sẽ tồn tại lâu dài với một công ty, với một công việc mà bạn không hề thích. Sự chán nản mệt mỏi, và những áp lực thường trực sẽ luôn khiến bạn muốn từ bỏ, vì một lý do nào đó, bạn có thể tiếp tục nhưng thời gian tiếp tục sẽ được bao lâu? Và rồi tới một ngày, sự chịu đựng tới ngưỡng tối đa, bạn sẽ nhảy việc, tìm kiếm một môi trường mới. Bạn lại rơi vào cái vòng tròn luẩn quẩn của sự chán nản vì không làm được công việc yêu thích. Bạn chỉ có thể gắn bó với một công việc  khi bạn phù hợp và có chút nào đó yêu thích nó, nếu chưa đủ yêu thích thì bạn cũng  có thể sáng tạo ra vô số cách để nhân bản một chút đó lên. Sự sáng tạo của con người là không có giới hạn.

Bạn đã bao giờ đặt bút lên giấy hoặc vắt tay lên trán để suy nghĩ mình thích cái gì, mình đam mê cái gì và thực sự mình muốn làm gì chưa? Tôi tin chắc rằng trong chúng ta còn rất nhiều người vẫn chưa tìm ra được cái thực sự mình muốn là gì. Vậy tại sao bạn không bắt đầu tìm kiếm đam mê của mình đi. Một khi theo đuổi được chúng, bạn sẽ vô cùng sung sướng, vô cùng thõa mãn. Những việc bạn thích làm, muốn làm và dốc hết trái tim mình vào đó cho dù bạn không được trả công nhưng bạn sẽ vẫn cảm thấy hạnh phúc. Thì đó chính là đam mê của bạn.

Thứ hai, hoặc giả dụ bạn có đam mê, bạn có sở thích, bạn lại đổ lỗi cho hoàn cảnh khiến bạn phải làm những công việc khác, xu thế không cho phép bạn đi hướng đó, những người xung quanh bạn mong muốn bạn phát triển theo con đường kia. Vậy thì, bạn đừng ngồi đó mà than thở rằng, sao thành công lại không tới với bạn. Thành công không bao giờ tới với những người không đủ can đảm vượt qua chính bản thân và những rào cản. Bạn không  “sẵn sàng đánh cược, chấp nhận chịu thua”, thì bạn chỉ nằm trong phần lớn những người thất bại.

Thứ ba, định nghĩa về thành công và sự giàu có của bạn như thế nào? Bạn nghĩ rằng giàu có tức là bạn có trong tay nhiều tiền, sỡ hữu khối tài sản đồ sộ. Trong hầu hết những cuốn sách làm giàu mà Tôi đã đọc, tất cả đều nói rằng Sự giàu có không được định giá bằng việc bạn có bao nhiêu tiền, mà là việc bạn được tự do trong cuộc sống bao nhiêu. Tự do về cách sống, tự do về suy nghĩ, tự do về quan điểm. Và  cách bạn quản lý đồng tiền, khiến đồng tiền làm việc cho bạn, chứ không phải là cách biến bạn thành nô lệ của đồng tiền. Một khi bạn bị vấn đề tiền bạc chi phối bạn sẽ chẳng thể nào đặt niềm tin vào bản thân và người khác, sự sáng tạo của bạn cũng sẽ bị kìm hãm. Và thành công – đừng bao giờ bạn nghĩ tới.

Vậy làm thế nào để theo đuổi đam mê? Có một câu nói của người Cha giàu trong cuốn sách Rich Dad – Poor Dad thế này “Hãy nuôi dưỡng ước mơ táo bạo & to lớn nhưng hãy thực hiện từng chút một mỗi ngày, hãy đi từng bước nhỏ thay vì nhảy vọt trèo lên vách đá mục tiêu trước mặt mình.

Hãy nghĩ lại xem bạn đã đủ can đảm đi tìm thành công của chính bản thân mình chưa? Chúc bạn sẽ tìm thấy và theo đuổi đến cùng ước mơ của mình.

~Trang Nguyễn~

*Feature Image: Alexix

Cuộc Sống Muôn Màu

Bạn thân ra, hai đứa lang thang phố xá, café, ăn đồ Nhật – uống sa-kê… Những mẩu chuyện không đầu không cuối nhưng nhiều chiêm nghiệm.

Chuyện kể ra… bạn bảo nếu vào địa vị bạn mỗi khi ngẫu nhiên gặp lại nhau bạn vẫn cười nói chào hỏi như thường (cho người ta khỏi “quê”, để khỏi biến họ thành kẻ thù cho dù họ không phải là bạn nữa (y hệt chàng của mình từng nói)… bạn nói:

– Cuộc sống không phải lúc nào cũng có hai màu trắng đen rõ ràng, mà luôn tồn tại một thứ màu nhờ nhờ nữa, T.A đừng phân định làm gì cho mệt! Có là cần thiết không?

Đúng vậy thật, cuộc sống muôn màu! Đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím… bảy màu cơ bản và từ đó phối với nhau, hoà quyện lại thành bao sắc màu khác. Có màu chỉ có trong thơ văn giả dụ như:

“Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng…”

Trong bài thơ nối tiếng Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ. Có màu được định chỉ ra trong cuốn tiểu thuyết vậy mà ngân nga chảy suốt mạch thời gian trong tâm tưởng mình: “màu tro của hoa hồng”… cùng với nàng Meggie – Tiếng chim hót trong bụi mận gai là cuốn sách mình rất yêu thích, khiến cái đầu mơ màng của mình luôn luôn đưa nét cọ tưởng tượng phác thảo ra… và rồi mình cũng có những chiếc đầm mà mình tin là nó nhuốm sắc màu “tro của hoa hồng”!

Với mình màu nào cũng đẹp. Từ tông xám như khói lam chiều tới đỏ rực quyến rũ như màu son của nàng Monroe . Từ xanh xa mờ dãy núi vấn vương mây bay tới xanh ngắt biển ngày nắng chói.

Là sắc màu tự nhiên thì màu nào cũng đẹp. Yêu đến thế màu tím của những bông hoa nhỏ xinh rụng sau hè trên nền đất mịn của thứ cây trồng làm bờ rào- mình cũng không rõ tên nữa, thôi thì gọi là cây xuyên táo. Mình có sở thích với những loài hoa dại, cứ mê mải về một màu trắng của những đám cỏ dại nhỏ xinh nơi thảo nguyên Mộc Châu… đến nỗi rủ bạn đi cafe- nơi hiếm hoi ở Hà Nội có khoảng rộng rãi kê bàn ngồi sát vỉa hè, mình vốn không hề có cảm tình với bất cứ thứ gì làm giả, nhưng những bông hoa trắng phớt xanh nhỏ, cắm gọn gàng trong những chiếc giỏ xinh trong phút chốc nào đó khiến mình quên chúng là hoa giả mà mơ màng nghĩ về loài hoa dại trên cánh đồng thảo nguyên…

Cũng đã lên kế hoạch về một chuyến đi Tây Bắc để ngắm hoa mận trắng … rồi sẽ có một ngày…

Rồi màu đỏ của những viên gạch lát trên con phố Arbat, những sắc màu đẹp tuyệt của tháp chuông Kremlin, màu của đêm trắng huyền diệu trong công viên thấm đẫm hơi thở của thơ và âm nhạc của Paustovsky, màu của một Bình minh mưa đầy chất thơ với mờ hơi nước xen lẫn tiếng còi tàu… màu của dòng sông khi tuyết tan trộn lẫn bùn lầy. Tím đến nao lòng của cánh đồng hoa oải hương hay tím xanh của hoa diên vĩ…

Còn có riêng một màu tồn tại trong mình không chỉ là phần nhận biết về mặt thị giác mà luôn kèm theo nó là một mùi hương ngọt ngào, dịu dàng mà sâu thẳm, thoang thoảng nỗi buồn man mác của mối tình đầu… đó là màu tím Tử đinh hương (Lilac- Cирень). Nó óng ánh sự quyến rũ kỳ lạ như màu mắt biếc của minh tinh Liz Taylor…

Màu của tự nhiên thì sắc độ nào cũng đẹp, mình yêu thích tất thảy nhưng tựu trung lại vẫn dành ưu ái cho hai màu cơ bản: đen và trắng!

Còn màu của cuộc sống? Vẫn biết cuộc sống luôn tồn tại song hành cùng với Thuyết tương đối (hẹp và rộng) của Einstein về mọi phương diện chứ không riêng lĩnh vực vật lý vậy thì cần gì cứ phải phân định trắng đen rõ ràng cho mệt mỏi? Có khi dùng cái màu nhờ nhờ lại là giải pháp thông minh nhất?

Eureka!

 

*Feature Image: Van Gogh

Quên

Này em, nhìn xem..

Cây sinh ra lá, chăm sóc lá, nuôi dưỡng lá rồi lá cũng lạnh lùng bỏ đi cùng cơn gió.

Mây quấn quít trời cao rồi cũng đến lúc lặng lẽ trôi xa theo chiều gió.

Mưa làm dông làm bão, mưa u ám tâm hồn rồi cũng tạnh đi nhường cho nắng ấm áp bao phủ muôn loài.

Bình minh tươi sáng hé lộ rồi cũng chịu khuất phục trước vòng xoay trái đất mà nhường chỗ cho bóng đêm huyền bí.

Và ớt dù cay cũng ăn cả vỏ

Chuối có ngọt cũng bỏ vỏ ngoài.

Đó chính là những qui luật của tự nhiên mà không ai trong chúng ta đủ quyền năng để thay đổi. Cũng như vậy, vốn có một qui luật của sự đến và đi, của hợp và tan, của yêu và chia ly mà con người vẫn thường gọi đó là LÃNG QUÊN.

 

Này em, nghĩ xem..

 

Trái đất không phải hình vuông để em trốn vào những góc cạnh của nó, không phải hình tam giác để em leo lên đỉnh cao mà né tránh sự đời lại càng không thể là hình chữ nhật để em so sánh ngắn dài, cao thấp, hơn thua mà trái đất hình tròn để em đối diện với tất cả và cho những yêu thương được gặp lại lại nhau. Và cũng như vậy, điểm kết thúc của tình yêu cũng chính là nơi bắt đầu của hành trình quên lãng và khi quên lãng được bắt đầu cũng đồng nghĩa với việc em để cho cỗ máy yêu thương lại được vận hành trong trái tim em. Hãy tin rằng, rồi một ngày nào đó yêu thương trong em sẽ được đánh thức từ chính mảnh đất mang tên LÃNG QUÊN.

 

Này em, cảm nhận xem..

 

Đồng hồ trên tay em vẫn nhảy dây đều đều, tiếng xe cộ vẫn ồn ào bên tai em, cô bán hàng nào có ngưng tiếng rao chào mời, đứa em út đang cười sảng khoái với một bộ phim hài, mẹ em đang chuẩn bị bữa tối, ba em đang lao động vất vả và ngoài kia trái đất vẫn quay đều với 365 ngày một năm.. mọi thứ vẫn diễn ra bên em còn em sao lại mãi u buồn vì một kẻ tội đồ mang tên “nỗi nhớ”. Em có biết, cứ mỗi khắc qua đi em còn bầu bạn với “nhớ” chẳng khác nào em mua về cho mình nước mắt, u buồn, ủ dột và đánh mất những niềm vui đang vẫy gọi em ngoài thế giới xinh đẹp ngoài kia. Nhớ nhé em, thời gian có thể không xóa nhòa được tất cả, nhưng thời gian sẽ làm tốt nhiệm vụ của một kẻ thúc giục để em nhận ra, tuổi xuân em đang trôi qua từng khắc, hãy bầu bạn với bình yên để yêu thương giúp em xóa đi phần nào thương tích cho nhung nhớ mang lại, em nhé!

 

Ai đã từng yêu sẽ hiểu rõ độ khó của việc quên và ai đã từng cố quên sẽ hiểu được độ nhảm nhí của câu nói “quên đi cho xong, ngoài kia còn khối người đáng để yêu”. Bởi nếu quên là việc dễ dàng thì đã chẳng có biết bao nhiêu người phải thổn thức và thương nhớ. Sẽ không có bài học nào dạy chính xác cách quên, không có phương thuốc nào đẩy lùi nỗi nhớ cũng chẳng có dòng thi ca nào giúp sự nhớ qua nhanh và sự quên kéo đến mà chỉ có trái tim ta nắm chìa khóa duy nhất mà thôi.

 

Trái tim khờ khạo của ta bắt nhịp yêu thương, tiếp nhận thói quen rồi nạp vào bộ nhớ bao nhiêu là hoài niệm mà có những lúc tưởng chừng như ta không thể thoát ra nhưng điểm khởi đầu cũng sẽ là nơi kết thúc và sự bắt nguồn yêu thương phải là nơi kết liễu nỗi nhớ.

 

Và em ơi, nhớ nhé..

 

Đừng nắm vội tay ai khi nỗi nhớ về quá khứ còn ám ảnh em bởi nỗi nhớ của em có thể sẽ là nỗi đau của người khác.

Đừng cứ sống với nỗi nhớ, bởi dẫu nó có đẹp nó cũng là quá khứ, mà đã là quá khứ thì nó mãi không quay về bên em với đúng hình thù xinh đẹp, ngọt ngào của nó ngày xưa đâu.

Và em ơi, đừng lầm tưởng với quên là xóa sạch, quên là khi em gác được nỗi nhớ vào một chiếc hộp trống rồi một ngày nào đó khi e mở lại chúng, chúng sẽ khiến em mỉm cười chứ không phải là bật khóc..

 

Nhớ lấy em nhé, hãy gác lại những hồi ức không đẹp, hãy quên đi những vết thương trong lòng để yêu thương lại trở về với đúng quĩ đạo của nó. Quên khó thật, những không-phải-là-không-bao-giờ !!!

 *Featured image: Ira Prohorova

Trò chơi so sánh là trò chơi của sự bất hạnh

Cuộc sống thật tẻ nhạt biết bao khi đâu đâu cũng tràn ngập sự so sánh. Nhiều người chẳng biết bản thân mình tốt đẹp đến nhường nào để phải đắm chìm trong sự tự ti của bản thân đối với những thứ của người khác mà mình không có.

Có một nghịch lý đáng buồn là nhiều người cho rằng cuộc đời lý tưởng là cuộc đời mà họ không đang sống. Họ bắt đầu suy nghĩ về những thứ người khác có mà họ không thể có, họ so sánh và rồi họ tự cho mình là kẻ không được may mắn còn người kia thì may mắn hơn. Thật quá dễ dàng để mắc vào cái bẫy suy nghĩ rằng trong thực tế, những người khác có cuộc đời thoãi mái và hạnh phúc hơn nhiều so với mình.

Sẽ luôn có những bạn bè, họ hàng, người thân, đồng nghiệp, nhân vật nỗi tiếng sỡ hữu những vật có giá trị như nhà cao cửa rộng, xe hơi bóng loáng, điện thoại đắt tiền, có người yêu đẹp, có công việc kiếm được nhiều tiền… hơn bạn, nếu cứ ganh tị với những thứ mình không có thì thực sự đang mang một gánh nặng cực kì là nặng nề, bởi nó nuôi dưỡng sự căm ghét và lòng khinh miệt.

Một bậc trí giả vô danh nói “Ganh tị cũng giống như axit, nó ăn mòn dần vật chứa đựng nó.”

Hãy thôi chơi cái trò chơi so sánh các bạn ạ, bất luận bạn là con người như thế nào bạn sẽ không bao giờ đạt được hạnh phúc trong sự ganh tị với những thứ người khác có được, bởi vì lòng ganh tị luôn là người bạn tri kỉ của sự bất hạnh. Ngưỡng mộ may mắn của ai đó quá nhiều đến mức trở nên bất mãn với chính mình thì cũng chả có giá trị gì. Việc so sánh địa vị của bạn với người khác có thể dẫn đến sự bực tức và tâm trạng vỡ mộng. Bạn sẽ kết thúc trong cảnh suy nghĩ bất công, đó là ngưỡng mộ người khác mà chán ghét bản thân mình.

Thực ra nhiều người nhìn vào người khác cho rằng họ có cuộc sống thoải mái và dễ dàng nhưng họ đâu có biết người kia nhìn vào họ cũng nghĩ vậy. Thật trớ trêu đúng không, những người bình thường thì muốn trở nên đặc biệt, những người đặc biệt thì lại muốn trở nên bình thường. Và nếu bạn không đập tan cái suy nghĩ so sánh cái này hơn cái kia thì cuộc đời bạn sẽ luôn luôn gắn liền với bất hạnh mà thôi.

Sẽ chẳng có ai hoàn mỹ thực sự cả, cuộc đời của một ai đó sẽ luôn có một góc khuyết, nhưng góc khuyết đó đôi khi không phải là của người kia, đừng để cho cái suy nghĩ họ thật may mắn vì họ không phải mắc cái góc khuyết đó của mình giày vò bản thân mình, vì họ đôi khi cũng cảm thấy như bạn mà thôi.

Hãy biết ơn cuộc đời hơn, biết ơn những gì mình đang có, hãy so sánh cuộc đời của mình với những người nghèo nhưng hạnh phúc chứ đừng ganh tị với những giá trị vật chất mà mình không bao giờ có được. Bao nhiêu người đứng phía dưới bạn nhiều người trong số họ vẫn cảm thấy hạnh phúc đó thôi.

Hellen keller có nói: “Thay vì so sánh số phận của chúng ta với những người may mắn hơn, chúng ta nên so sánh với số phận của tuyệt đại đa số đồng loại của mình. Khi đó, có vẻ như chúng ta thuộc về số người có đặc quyền đặc lợi.”

Hãy nghĩ mình là một kẻ may mắn trên cuộc đời, đừng cảm thấy mình thiếu thốn vì cái gì đó mà người khác có, bởi vì những con người bất hạnh vẫn còn đang đâu đó trên trái đất này và sẽ có hàng tỷ người sẵn sàng đánh đổi số phận cho bạn. Hãy thư giản, hãy đếm vận may của mình ít nhất một tuần một lần, hãy suy nghĩ những điều tuyệt vời mà cuộc sống cho bạn và bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc. Hãy giành thời giờ để thưởng thức những gì bạn đang có sức khỏe, gia đình, bạn bè, công việc và rồi bạn sẽ chẳng còn thời giờ đâu nữa mà ganh tị với người khác.

“Hãy nghĩ mình hạnh phúc đến nhường nào nếu bạn mất đi mọi thứ mình đang có ở ngay bây giờ và tìm kiếm lại được nó.”

Đồ sưu tầm + một số cảm nghĩ của bản thân.

 

Tâm NG

*Feature Image: Bokeh morning

Tu thân là tu cái gì?

“Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”

Thời nào cũng thế, việc tu thân, hay phát triển bản thân luôn là việc hệ trọng nhất và cơ bản nhất của mỗi con người trước khi có thể làm tốt những việc khác. Triết gia đã thốt lên: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông.” hay “Mỗi ngày là một mặt trời mới.” Không cần phải là một nhà triết học thì chúng ta mới nhận thấy rằng cuộc sống là không ngừng thay đổi và vận động, dòng chảy ấy cứ thế trôi qua mà không cần quan tâm xem chúng ta có muốn hay không. Bởi vậy con người cũng cần phải phát triển không ngừng để không bị thoái bộ, để trưởng thành hơn, để có thể có những tư tưởng và hành động đúng đắn hơn nhằm làm được những việc có giá trị và ý nghĩa đối với mình, với người. Thật không cần phải nói nhiều, chúng ta ai cũng biết việc phát triển bản thân là quan trọng nhường nào, ai cũng biết đó là việc phải làm cả đời nếu không muốn cuộc đời mình trôi qua một cách lãng phí.

Nếu bạn có tiền, hãy mua hạnh phúc!

“Money alone sets all the world in motion”.

(Tiền bạc khiến cả thế giới xoay chuyển)

– Publilius Syrus

Từ xưa đến nay, đồng tiền chưa bao giờ mất đi vị trí tối cao của nó. Không ai có thể phủ nhận vai trò của tiền trong cuộc sống của chúng ta. Không có tiền thì làm gì cũng khó: tiền điện, tiền nước, học phí, sinh hoạt phí… bước chân ra khỏi nhà là cần đến tiền, gánh nặng “cơm áo gạo tiền” chi phối tất cả mọi người, cả xã hội cùng bị cuốn vào vòng quay kiếm tiền.

Ma lực của đồng tiền

Tiền đơn giản chỉ là một công cụ và có chức năng trao đổi hàng hóa, người ta dùng tiền để mua bán, giao thương. Nay, xã hội càng phát triển, tiền càng có thêm nhiều sức mạnh vô hình.

Có tiền người ta thao túng quyền hành

Có tiền người ta mua bán nhân phẩm

Có tiền người ta vứt xó lòng tự trọng

Có tiền người ta bán rẻ linh hồn cho quỷ dữ

Thời nào cũng có kẻ chạy theo đồng tiền, bất chấp mọi giá để có tiền. Nhiều người kiếm tiền bất chính bằng những nghề nghiệp bất lương. Chúng ta vẫn thường “thương hại” họ bằng lí lẽ: đó cũng chỉ là một cách kiếm sống. Quả thực, có những người do hoàn cảnh xô đẩy hoặc ép buộc họ phải kiếm tiền phi pháp. Nhưng, vẫn còn biết bao người đang ngày đêm vất cả kiếm tiền bằng chính sức lao động của họ. Suy cho cùng, tất cả chỉ là cái cớ cho sự lười biếng, ỷ lại bởi lẽ cái gì cũng có giá, thế nên đời vội trách ĐỜI bạc bẽo! Cuộc sống là một gã sòng phẳng, khi hắn lấy đi của bạn một thứ, hắn sẽ trả lại thứ khác tương đương thế. Vậy nên đừng vin vào cái cớ “nghề kiếm cơm” để rồi liên tiếp phạm sai lầm.

Không ai có quyền phán xét cách ta đối xử với đồng tiền của mình, nhưng xin hãy quý trọng nó!

Với những kẻ giàu có, tiền mang lại danh tiếng và cuộc sống an nhàn với nhà đẹp, xe sang, những món hàng xa xỉ. Càng có nhiều tiền, người ta càng sinh ra lắm ảo tưởng bởi lẽ họ cho rằng mình đang đứng trên tất cả và coi thường kẻ khác. Những bữa tiệc thâu đêm, những chiếc xe tiền tỉ, những cuộc vui trác táng tiêu tốn một đống tiền chỉ để thể hiện đẳng cấp của họ.

Với những kẻ nghèo khó, tiền tạo ra những giới hạn. Đã không còn cái triết lí:” Một túp lều tranh hai trái tim vàng”, không có tiền chắc chắn giữa vợ chồng sẽ nảy sinh mâu thuẫn và dẫn đến đổ vỡ. Các Mạnh Thường Quân cũng không thể cứ làm từ thiện mãi nếu không có tiền. Các nhà văn, nhạc sĩ không thể cứ sáng tác mãi mà không kiếm được tiền để nuôi sống chính mình và gia đình – đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.

Không chỉ vậy, tiền còn ngăn cản người ta thực hiện những ước mơ, hoài bão lớn bởi lẽ ngay cả những thứ cao đẹp nhất như nghệ thuật cũng sẽ chỉ là viển vông nếu thiếu tiền. Tất cả rồi cũng sẽ sụp đổ như Cửu Trùng Đài – công trình vĩ đại nhưng xa rời lợi ích thiết thực của nhân dân – gắn liền với kết cục bi thảm của kiến trúc sư thiên tài Vũ Như Tô (kịch Vũ Như Tô – Nguyễn Huy Tưởng). Bên cạnh đó, Hộ trong “Đời thừa” của Nam Cao với những hoài bão cống hiến hết mình cho nghệ thuật cũng rơi vào bi kịch với đồng tiền: “Còn gì đau đớn hơn cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt?”

Ừ thì tiền quan trọng thật đấy, nhưng tiền không phải là tất cả và càng không phải thước đo để đánh giá một con người. Đừng bị tiền mê hoặc bởi nó cũng chỉ là thứ vật chất, rồi cũng sẽ tan biến đi. Bạn sẽ bảo tôi mơ mộng, thậm chí điên rồ nhưng nếu bạn có tiền, hãy đầu tư một cách thông minh, đừng lãng phí tiền vào những thứ phù phiếm mà hãy mua hạnh phúc nhé – Hạnh phúc cho chính mình vào cho người khác. Hạnh phúc rất khó định nghĩa cụ thể, nhưng với tôi, đó là phần thưởng cho bản thân – một bữa ăn ở nhà hàng sang trọng vào ngày cuối tuần, là bữa trưa đạm bạc của đứa trẻ mồ côi tôi thấy trên phố hay đơn giản là niềm vui khi có chiếc vé tàu về quê sum họp ngày Tết của cậu sinh viên tỉnh lẻ.

Người ta bảo có tiền không mua được hạnh phúc, thật vậy sao? Có chăng bạn chưa biết hạnh phúc nên mua ở đâu thôi!

 

[Featured image: Quotes_pictures]

Chỉ vì vấp phải một hòn đá mà dừng bước sao em?

*Feature Image: winkproduction

 

Dành cho một ai đó, người đã lỡ nói với tôi câu: ”Em muốn kết thúc ở đây chị ạ, em mệt mỏi lắm rồi.”

Nói chung, tôi chưa bao giờ thích người ta nói câu kiểu như “Em muốn buông bỏ tất cả.” hay là “Mình muốn kết thúc tất cả.”, với tôi câu nói này từng là rất hèn, thật sự rất hèn nhát. Không dám đi tiếp, không dám bước tới tận cùng, chỉ biết tìm cách trốn tránh?

Liệu đây có phải suy nghĩ sai lầm?

Có vài người gật đầu tắp lự cho rằng nó là đúng, cũng có vài người sẽ lắc đầu mà khẳng định nó là sai lầm. Còn một số còn lại thì lại suy tư về nó. Đứng trên nhiều góc độ mà nói, chẳng có cái gì thật sự sai và cũng chẳng cái gì thật sự đúng, nó là tương đối.

Nếu bạn kết thúc tất cả thì bạn có bao giờ tự hỏi? Bạn đã làm gì được cho bố mẹ bạn? Rồi sau này, khi mà bạn ở bên kia, liệu có thanh thản hơn ở đây hay không? Hay thật sự chỉ toàn là nước mắt và những đau thương của cả bên này và bên đó. Ai mà nói được điều này? Có ai mà chết rồi lại sống lại đâu cơ chứ. Chẳng ai biết, còn nếu muốn biết thì hãy thử rồi sẽ biết.

Nếu bạn muốn kết thúc tất cả? Bới nó là lối thoát cuối cùng cho cuộc sống hiện tại. Bao nhiêu bế tắc cùng cực, bao nhiêu những tuyệt vọng và đau thương. Trái tim bạn tan nát và không ai có thể thấu hiểu. Lúc ấy, việc làm tàn nhẫn kia sẽ đưa bạn đến nơi tốt hơn, một nơi mà ít nhất sẽ ít đau thương hơn ở đây.

Vậy chọn nó hay không chọn nó?

Hãy để cho “số phận quyết định”.

Khi nói tới số phận, không phải là số phận theo cái cách nghĩ nhạt toẹt kiểu số bạn đã sướng rồi, nên bạn sướng hay số phận đã quyết định rồi, hãy buông thả tất cả mà trôi theo dòng nước mang tên số phận. Nó đưa bạn ra biển lớn thì bạn sẽ biết nhiều thứ, nó đưa bạn tới cái hồ thì bạn sẽ biết cái hồ, mà chẳng may nước chảy tới ao tù thì bạn cũng ngậm ngùi chịu đựng. Kiểu suy nghĩ này tôi khinh. Nói thật, số phận có thể không ai đoán trước được, nói con người tự tạo ra số phận cho mình cũng đúng, mà nói số phận đã định đoạt trước cũng không sai. Dòng đời này cũng giống như quá trình bạn đi đường vậy. Giả sử bạn là người lữ hành đi và đi, bạn chẳng biết đâu là điểm dừng cả. Khi đó, bạn hãy xem xem, nếu bạn đi tới ngã tư, ngã ba hay ngã sáu, bạn sẽ chọn rẽ bên nào? Đấy, ông Trời vẽ ra đường, nhưng chọn đường nào là ở mình cơ mà. Vậy bạn có thể nói bạn tự tạo số phận cho mình không? Hoàn toàn có thể, vì lựa chọn của bạn đưa bạn đến với ngày hôm nay. Nếu 4 năm trước, mình chọn trường Y thì 4 năm sau, tức bây giờ, ai mà biết được mình đang như thế nào, mình đang nghĩ gì và cuộc đời mình ra sao. Chẳng cần nói xa xôi gì tới tận mấy năm, chỉ cần trong vài ngày thôi đã khác rồi. Kiểu như hôm nay muốn chơi nên mình nghỉ dạy, thì kiểu gì chủ nhật mình cũng phải đi dạy thay vì được đi chơi.

Lựa chọn ở trong tay bạn, đi tiếp hay dừng lại cũng là do bạn quyết định mà thôi.

Trong cuộc đời này, bỏ cuộc là điều dễ làm nhất, và ai cũng làm được. Chỉ cần buông lỏng tay một chút, thì đấy chẳng phải đã gọi là bỏ cuộc hay sao? Nhưng nếu để nắm chặt tay và tiếp tục đi tiếp. Dù bão táp mưa sa cũng vẫn nắm chắc sợi dây, bám chặt lấy sợi dây cuối cùng mà đi tiếp, đấy mới gọi là không dễ dàng. Nhưng được sinh ra trên đời, mỗi con người lại có những suy nghĩ khác nhau, người thì muốn cuộc đời an nhàn, người lại muốn tranh đua, người thì muốn được xa hoa phú quý, có người lại muốn được luôn chân luôn ta. Mỗi người, đều có những chọn lựa cho riêng mình, chẳng ai bảo ai, nhưng tới lúc nhắm mắt xuôi tay, người ta mới nghiệm ra hai chữ “cuộc đời”.

Nói vậy có lẽ đủ nhiều để hiểu. Khi em quyết định đi, khi em quyết định chạy theo đam mê, tôi đã dùng hết mọi lời lẽ khuyên em, cũng tặng em câu nói: ”Khi nào muốn bỏ cuộc, hãy nghĩ đến lí do tại sao lại bắt đầu?” Khi em ra đi, em đã khiến tôi ngưỡng mộ bởi em dám làm còn tôi thì không dám, nhưng khi em quay lại, tôi lại thấy xót xa. Chẳng phải khinh thường hay bất cứ gì cả, chỉ là tôi thấy, thật không đáng để em bỏ giấc mơ lại như vậy. Còn bây giờ, khi em đã quay lại được một vài tháng rồi, em hay than thở, em hay buồn và có đôi lúc, em nghĩ tới cái chết. Tôi vẫn vậy, không trách em, không quát mắng em, không an ủi em, tôi buộc em phải đứng dậy và tiếp tục bước tiếp. Bởi em biết không, cả tương lai rộng lớn đang đợi em? Huống chi vì một thất bại nho nhỏ mà đáp đi tất cả?

Như vậy có đáng không em?