21.1 C
Da Lat
Thứ Tư, 7 Tháng 5, 2025

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 283

Đời

*Photo: mastersofphotography

Mong manh giữa được và mất
Mệt mỏi giữa yêu thương – ghét bỏ
Con người cứ lẫn quẫn trong vòng tròn tạo hóa
Để rồi đắm chìm trong sân hận đam mê

Một Trà
Nhấp chén trà khuya lòng có tỉnh giấc?
Hay chỉ mê đi trong hương vị hoa nhài
Để thấy Đạo đời thêm nhiều uẩn khúc
Lòng ta lại cảm thấy mông lung…

Một Rượu
Cạn chén rượu kia có thoát đi phiền não,
Hay giúp ta có thêm bằng hữu tâm giao?
Tri kỉ, tri ân đâu chẵng thấy
Chỉ thấy thêm kẻ oán, người thù…

Một Đàn Bà
Có người đẹp giúp người đời tỉnh thức,
Tìm lại cho mình mục đích khát khao?
Hay chỉ tạo thêm nhiều ham mê dã tính
Người nhìn người chỉ chực săn nhau…

Nhưng
Phải lạc trong Đạo thì mới tìm thấy Đạo
Phải mông lung để thấy được mông lung…
Phải say rồi chợt tỉnh cơn mê
Không thì cứ say giữa đời thường chấp ngã
Phải thấy cái đẹp để ta còn ham muốn
Ham muốn mong manh được trở thành người !!!

(Nhật ký trong nhà )

Thich Nhat Tien

Làm thế nào để Việt nam trở nên văn minh hơn? – Phần 2

Photos: giaoduc.net.vn

 

Như đã nói ở bài viết trước, sau khi cấm xe máy, người dân sẽ phải tính tới phương tiện thay thế là ô tô, tuy nhiên, chắc chắn có những người chưa đủ điều kiện để sắm một chiếc ô tô cho mình, vậy nên giải pháp thay thế sẽ là các phương tiện công cộng. Và cái khó ở đây chính là hiện trạng của loại hình phương tiện này chưa đảm bảo đương đầu với lượng nhu cầu tăng vọt khi ấy, cho nên, nếu không thể làm mới chúng, khó mà thuyết phục người dân đây là một giải pháp thay thế hữu hiệu.

Trong số các phương tiện công cộng, có lẽ nhiều người sẽ giống tôi, nghĩ ngay đến xe bus. Đây chính là chiến lược cốt lõi để vận động người dân từ bỏ xe máy: nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ xe bus. Vậy, ta có hai việc để làm: chuyện nghiệp hóa nhân viên, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng.

Với lái xe và phụ xe bus, ta cần có thái độ đúng mực với họ. Trước hết đó là sự tôn trọng, nói gì thì nói, nếu xã hội không nhìn nhận họ như là người làm việc công ích, thì khó mà đội ngũ này tận tâm được. Tôi đã từng đi xe bus và thấy người phụ xe rất khó kiểm soát hành khách, ý thức của họ tồi đến mức khi nhân viên yêu cầu họ mới đứng dậy nhường ghế? Xe bus vốn chật chội, trong khi phụ xe đã nhắc nhở là bật nhạc thì nghe tai nghe, đảm bảo không ảnh hưởng người khác, thì lại có bạn trẻ cứ để điện thoại phát nhạc, rồi lại có người vô tư cười nói như ở nhà… Rõ ràng là cần xem lại thái độ của những người đi xe bus.

Tiếp theo là chế độ lương, đẩy mạnh lực lượng nhân viên đồng nghĩa phải tạo cho họ chỗ dựa vững chắc. Nếu đồng lương không đủ sống, sẽ chẳng ai thiết tha với nghề này, việc tăng giá vé lại khá nhạy cảm, không khéo léo có thể phản tác dụng. Phải làm gì để chính người dân chấp nhận ấy như là điều hiển nhiên, có vậy mới hiệu quả.

Đối tượng người già, theo tôi hoàn toàn có thể được đi miễn phí, chi phí bù đắp sẽ do giá vé ngày và tháng tăng lên. Khi mặt bằng giá vé tăng, chúng ta hoàn toàn có thể thu hút thêm nhân lực để cung ứng cho thị trường.

Đối với nhóm học sinh, sinh viên, tiến hành đăng kí vé cho các em ngay từ đầu năm theo hình thức tự nguyện. Sau đó cấp thẻ xe bus chuyên dụng cho đối tượng này. Các em có thể dùng nó thay cho vé tháng, đóng tiền đủ luôn 1 năm học (đủ tổng số tiền đi xe 9 tháng rồi trừ đi % ưu đãi). Nghĩa là có ba loại vé: vé ngày cho khách vãng lai, vé ưu đãi cho nhóm học sinh, sinh viên, và vé tháng cho các đối tượng còn lại (thường xuyên đi xe bus nhưng lại không phải đối tượng được ưu đãi). Đặc biệt, vé ưu đãi chỉ cấp có hạn định cho từng cá nhân, do nhà trường làm trung gian giữa công ty xe bus và khách hàng.

Kế tiếp là cơ sở hạ tầng. Cần nâng cấp thêm các bến chờ xe có mái che, ghế ngồi, hệ thống biển báo tuyến là bảng điện tử (quan sát tốt hơn về đêm). Để thu hút vốn, ngoài dán áp phích quảng cáo, có thể đặt thêm các tờ rơi trong giá sắt, khi hành khách chờ có thể lấy ra xem. Trên xe bus, thân xe, móc treo… đều là những vị trí thuận tiện để quảng cáo, nhờ thu hút quảng cáo, không gian vốn có thể mở rộng hơn cho việc nâng cấp dịch vụ.

Sau khi đã cải thiện dịch vụ, chúng ta cần tiếp tục đổi mới hình ảnh xe bus. Tôi thấy với điều kiện hiện tại, những việc sau hoàn toàn có thể tiến hành.

Lắp đặt bộ phát wifi. Trong phạm vi xe bus, người dùng có thể sử dụng wifi sau khi hỏi mật khẩu người phụ xe. Tuy là miễn phí nhưng có thể hiểu, việc tăng giá vé, số lượng người dùng tăng cũng đã là chi trả cho khoản wifi.

Học tập Châu Âu. Ý tưởng trồng cây xanh trên xe bus để làm du lịch là một sáng kiến độc đáo của ông Marc Grance người Tây Ban Nha. Nếu có thể Việt hóa ý tưởng đó sau khi đã xin phép bản quyền với chủ nhân. Tôi nghĩ đó sẽ là sự thú vị với tất cả mọi người. Tất nhiên, điều kiện khí hậu nước ta rất khác biệt, nên để hiện thực hóa quả là một thử thách không dễ, nhưng người Việt Nam vốn rất thông minh, ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào hình ảnh những chiếc xe bus có khu vườn nhỏ trên nắp xe.

Ngoài ra, trên xe cũng nên có thêm hệ thống điều hòa hai chiều. Tiết trời mùa hè oi nồng, mùa đông rét buốt sẽ thành lợi thế cho xe bus cạnh tranh với xe máy, cũng như một số phương tiện khác.

Điều cuối cùng đó là nâng cấp thế hệ xe bus đã cũ kĩ, đảm bảo an toàn và hoạt động ổn định, phục vụ người dân tốt hơn. Bên cạnh đó là tăng chuyến xe phục vụ, không để xảy ra tình trạng chen chúc trên xe bus, rất phản cảm và xấu xí. Đến lúc này, hình ảnh xe bus sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều, nó sẽ thành phương tiện chủ lực cho người dân đi lại.

Sau xe bus là đến taxi, phương tiện đóng vai trò quan trọng trong việc cơ động phục vụ khách hàng. Bên cạnh sự tiện nghi của taxi, chúng ta vẫn cần phải chú ý tới một vài vấn đề không nhỏ. Triển khai cấm xe máy tất sẽ làm thị trường mở rộng cực khủng, dễ xảy ra tình trạng tăng giá, ăn gian cước… ảnh hưởng quyền lợi người dân để công ty thu lợi bất chính. Vậy nên cần phải có chủ trương siết chặt giám sát hoạt động các hãng taxi từ trước. Như chế tài xử phạt nặng hơn, tăng cường kiểm tra hành chính, kiểm tra ngầm, bảo vệ người dân, phóng viên khi tố cáo hành vi gian dối, vi phạm… đồng thời thanh sát chất lượng của cả tài xế lẫn ô tô,

Thứ ba là loại hình xe khách. Loại hình bát nháo, lạc hậu hiện nay. Nếu chúng ta nhìn vào thực tế, có thể thấy sự mất an toàn, lộn xộn, vô kỷ luật của những chiếc xe này. Giải pháp của tôi là gì? Rất đơn giản, cấm hoàn toàn. Thực sự là không cần đến nữa, không cần những chiếc xe khách đường dài nữa. Xe bus, taxi,… đã đủ để cung ứng rồi. Và chắc chắn sẽ có người phản đối, cho rằng xe khách vẫn còn rất cần thiết, chưa thể bỏ đi cùng xe máy được. Vậy thì tôi xin trả lời như sau:

Các xe khách tư có thể đầu quân cho một công ty du lịch để đảm nhận nhiệm vụ chuyên chở hành khách, với một số cá nhân khác có thể bán xe, xin vào làm lái xe bus, phụ xe nếu đủ điều kiện. Hoặc các cơ quan đang cần xe chuyên chở nhân viên. Tất nhiên họ đều phải qua vài đợt khảo hạch năng lực. Số xe khách không sử dụng có thể đem bán, và sau này là ra nước ngoài, những nước còn nghèo nàn.

Đối với các công ty xe khách phải giải thể, sẽ là một sự xáo trộn lớn, vậy nên cần thiết có một kế hoạch khác cho số này. Đó là sát nhập với một công ty xe bus. Không những giúp tân trang lại toàn bộ xe sở hữu, nâng cao trình độ nhân viên, tác phong làm việc… mà còn dễ quản lí, đồng bộ. Việc này có thể ảnh hưởng đến các công ty vận tải hành khách, hoặc làm dấy lên nỗi lo về độc quyền, tuy nhiên, cái giá đó vẫn sẽ là rẻ so với việc để thả nổi như hiện nay.

Cuối cùng là về xe điện ngầm. Đã từ lâu chúng ta mong muốn Việt Nam có thể sử dụng được loại hình này thay cho đường sắt kém an toàn. Hiện tại trình độ chúng ta vẫn chưa thể đạt được mức ý, nhưng tôi vẫn hy vọng tương lai, đường sắt Việt Nam sẽ chỉ còn để chuyên chở hàng hóa, còn nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân, sẽ do tàu điện đảm nhận. Với những quãng đường trường mà xe bus không kham nổi, taxi thì quá đắt đỏ, có lẽ tàu điện chính là giải pháp hữu hiệu nhất.

Tôi cũng biết nhiều người cho nó là viển vông với hiện trạng này của đất nước. Nhưng Việt Nam đã tụt hậu quá lâu rồi, bước sang thế kỉ 21, vậy mà mọi người vẫn còn chần chờ thêm nữa. Có thể bây giờ chưa đủ điều kiện, nhưng rồi mọi thứ cũng sẽ tốt dần lên, vậy chẳng lẽ chờ đến lúc ấy mới tính việc phổ biến loại hình tàu điện hay sao? Chờ cơ sở khá lên, chờ thời gian chín muồi, chờ các nước bạn tiến bộ hơn,… chờ… chờ… chờ đến bao giờ mới chịu làm?

THẬT HÈN NHÁT! Mọi người cứ suy nghĩ như vậy thì bao giờ chúng ta mới là một nước văn minh, một đất nước không dựa vào chế độ chính trị để văn minh, mà là vào tầng lớp nhân dân. Vậy chính từ suy nghĩ của nhân dân đã không chịu nghĩ đến “văn minh” thì thử hỏi chính quyền làm được gì? Đừng có văn minh bằng cách đòi hỏi Nhà nước nữa, hãy văn minh từ chính bản thân mình đi. Từ chính mọi người.

Không phải là cơ sở vật chất Việt Nam tụt hậu so với thế giới, mà chính là ở con người, con người Việt Nam đang tụt hậu. Tụt hậu trình độ (quan trí, dân trí), tụt hậu ý thức, tụt hậu tác phong.

Về vấn đề đổi mới giao thông ở nước ta, cụ thể hạn chế xe máy, chuyển sang dùng phương tiện công cộng và xe hơi, tôi nói đến đây có lẽ là chưa đủ, nhưng cũng không phải là sơ sài để tất cả có thể tham khảo, bổ sung cho suy nghĩ bản thân. Từ giờ các bài viết trong chuyên mục này sẽ nói nhiều đến các khía cạnh khác của đời sống xã hội theo con mắt của cá nhân tôi. Không đơn thuần là chuyện đi lại, để Việt Nam văn minh đúng nghĩa, mà tôi còn muốn nhiều hơn thế, nhiều hơn nữa…

“Trên thế gian này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi” – Lỗ Tấn

Vòng tròn

Photo: La Vida es Bella

Có những người không hiểu chính mình
Lẫn quẫn trong vòng tròn suy nghĩ
Rồi một ngày họ nhận ra chân lý
Để đi lên phải thoát khỏi vòng tròn…

Có những người chưa thoát khỏi vòng tròn
Họ khát khao một bàn tay kéo giữ
Rồi một ngày họ nhận ra chân lý
Để leo lên chỉ có mỗi tay mình…

Có những người đã thoát ra những đường cong
Vươn lên bằng đôi bàn tay rướm máu
Rồi một ngày họ nhận ra chân lý
Họ chỉ đang ở đỉnh của vòng tròn…

Và từ đây họ nhảy khỏi vòng tròn
Muốn vươn xa và vươn cao hơn nữa
Rồi một ngày họ nhận ra chân lý
Khắp xung quanh chỉ là những vòng tròn

Có những người đã hiểu được chính mình
Họ nhắm mắt và bình tâm an lạc
Mọi hận thù đam mê đều mờ nhạt
Họ nhẹ nhàng trôi ra khỏi… những vòng tròn!!!

( Nhật ký trong nhà)

Tản mạn chuyện “phượt”

*Photo: Arafinwë

 

Ở những cuốn từ điển tử tế đều không có phiên nghĩa cho từ “phượt”. Nghe nói nó có xuất xứ từ ông nhà văn đại gia Vũ Anh phiếm bàn với các hảo thủ bụi đời du lịch từ nhiều năm trước trên diễn đàn du lịch mênh mang Internet.

Đại khái nôm na là “lượt phượt đi” sau truyền khẩu bó gọn chỏng lỏng còn mỗi chữ Phượt. Nghe vừa láo toét, vừa khó hiểu vừa rách nát nghĩa, rất đúng bản chất đời dịch chuyển của các con “đò nát”. Có thằng ác miệng còn bảo sau này nó giàu bỏ tiền lập miếu ông Vũ Anh vì ông nghĩ ra cái từ hay quá.

“Nếu bạn nghĩ mình quá nhỏ bé để có thể tạo ra một sự khác biệt, thử đi ngủ chung với một con muỗi xem.”

– Đạt Lai Lạt Ma

Những nỗi sợ hèn yếu nhục nhằn trĩu nặng trên vai

Photo: Khải Đơn

 

Tối qua trên đường về nhà, tôi đã gặp một chuyện thế này.

Một anh trai trẻ và một phụ nữ chừng gần 50 tuổi va quẹt với nhau. Hai chiếc xe được dắt vào bên đường. Họ bắt đầu cãi nhau. Bằng một cách nào đó, người phụ nữ kia đã gào thét, la hét rất to với những lời vô cùng oan khốc, khổ sở. Đại loại là anh tông tôi ngã xuống đường, tôi phải đi chụp CT, lỡ não tôi có bị sao thì sao. Anh làm tôi trầy tay chân, đầu gối tôi lỡ nứt xương thì sao. Anh trai kia không nói lời gì quá, chỉ hỏi, giờ phải làm sao. Một ông xe ôm chen vào, thôi bà muốn bao nhiêu tiền bà nói đi.

Bà kia ra giá luôn: Chụp CT 1 triệu, chân tôi trầy trụa 200, lỡ nứt xương phải chụp phim 500.

Một người đi đường nhướn người vào nói: Vừa vừa phải phải thôi bà, nói cho đúng, đừng có làm quá.

Bà ấy lại la hét, giận dữ, kiểu như nỗi đau này không ai gánh chịu thay. Tôi thấy anh trai kia vô cùng lúng túng, tay đã phải thò vào túi móc ví ra chuẩn bị đếm tiền. Bà ta vẫn tiếp tục la hét trong một đám đông không ai biết phải làm gì.

Tối nay, đi về nhà khuya lại thấy một chuyện khác.

Một chiếc xe khách 50 chỗ dừng bên đường, chắc dừng cũng lâu rồi. Tôi đang đi thì một anh chàng lái xe máy phóng lên, tôi tưởng anh ta đã lao vào chiếc xe khách. Nhưng điệu nghệ thế nào đó, anh chàng lách qua, rồi anh ta lái xe loảng quảng, quay lại chửi tài xế (dù trong xe chắc chẳng có ai, vì tôi thấy xe tắt máy). Vài người đứng nhìn, tưởng anh chàng đã đi, nhưng không, anh ta gần như đã thắng xe lại và định xuống xe để quay lại theo kiểu “quyết tử một phen” với kẻ nào đó dám… đậu xe khiến anh ta huých vào.

Nghĩ sao đó, anh ta lại tiếp tục cho xe chạy, và lần này thì rú ga, lảo đảo lao đi lách qua lại giữa một dòng người đông nghịt. Như một con ngựa trời.

……

Tất cả những chuyện đó đã khiến tôi suy  nghĩ về những nỗi sợ. Tôi sẽ phải làm gì nếu tôi là cái anh chàng hôm ấy bị va quẹt và bị bà phụ nữ chửi tru tréo đòi tiền? (Mà chắc tru tréo vậy thì chưa hẳn là anh chàng đã gây tai nạn gì kinh dị.) Tôi sẽ phải làm gì nếu một đám người xông vào đòi tiền mà mình tuyệt nhiên chưa kịp hoàn hồn để biết mình thực sự đang ở giữa cái mê hồn trận gì đây? Tôi phải làm gì nếu cái anh chàng lái xe lảo đảo đó sẽ dừng xe lại và xách theo một cây sắt dài quay lại và quyết cho anh tài xế kia một trận ra trò? Và bạn, bạn sẽ biết phải làm gì nếu có ba chiếc xe máy đi kè sát vào bạn và chuẩn bị một cuộc hù dọa ra trò khiến bạn bị giật mất cả ba lô lẫn tiền bạc trên xa lộ?

Có quá nhiều nỗi sợ. Có cả những cái dáng dấp vô hồn của nỗi sợ ẩn giấu đâu đó mà ta không sao thấy được, và tệ hơn là không biết phải làm gì nếu như điều đó, vào một khoảnh khắc, có nguy cơ xảy ra với CHÍNH MÌNH… Sự không ngờ ấy nó rình rập đâu đó trong những khoảng trống mà những người tốt cảm thấy bất lực, vừa không thể thoát ra, vừa không thể giúp được ai đó đang gặp nạn trước mắt mình.

Nỗi sợ ấy quá nhỏ đến mức ta không thấy được nó, ta không tin nó xảy ra với mình, ta không biết thứ ta đang nghe/xem/nhìn trên tivi, báo chí ngày qua liệu có thật hay chỉ là xảy ra với ai đó ngoài bản thân mình.

Nỗi sợ ấy lại quá lớn đến mức nó bành trướng thành sự co rúm dữ dội của tất cả mọi người. Giống một buổi sáng nọ, tôi đến bệnh viện, cô lao công đang cố lau hết vết bẩn trên sàn và cô lỡ kéo chiếc giẻ lướt qua chân một đứa nhỏ chừng 12 tuổi. Tôi bàng hoàng nhận ra khi mẹ nó (mặc rất đẹp và sang trọng) tru tréo lên những lời kinh hoàng và thô bạo để chửi cô lao công như một cái loa phóng thanh công suất lớn, thì không một ai dám nói một lời nào để bảo cô ta hãy tôn trọng người khác – kể cả tôi.

Chỉ có một bác rất già, hôm ấy đã đi lại và nói với cô ta, con ạ, ai đau bệnh đến đây cũng khổ, thôi mình vui lên bệnh mới khỏi, chứ không vui không hết bệnh đâu. Nhưng lời người già cũng chỉ là gió, cô ta tiếp tục chửi tru tréo và tục tĩu cho đến khi những y tá đi ngang bắt đầu lườm nguýt cô ta một cách đầy hằn học. Sự co rúm ấy, nó giống như một cơn yếu đuối vô chừng và hèn hạ, nơi tôi không thể tin khi mình nói ra một lời góp ý, thì cái sự thô tục ấy sẽ bị “dằn mặt” đôi chút. Không tin, không dám tin gì cả.

Tôi thường tự hỏi về nỗi sợ. Tôi sợ giúp một người bị ngã trên đường, sợ phải nói một lời vào cuộc tru tréo của bà già đòi tiền, sợ phải can ngăn cái gã đàn ông sẽ cầm cây sắt đến để nện anh tài xế, sợ…. quá nhiều… quá nhiều nỗi sợ…. những nỗi sợ hèn yếu quá, nhục nhằn quá, co rút quá… và sao cứ trĩu nặng trên vai, trĩu nặng trên cả những mong muốn tốt đẹp được giúp đỡ một ai đó.

… và cứ như thế… tôi nhớ đến người phụ nữ mà tôi không biết mặt đã từng bế tôi trên tay đưa tôi vào bệnh viện rồi bỏ đi không cần một lời cảm ơn, trong một buổi chiều tôi bị tai nạn giao thông….

Hẳn cô ấy không có nỗi sợ nào giống tôi…

 

Khải Đơn

Cái tôi cùng lắm chỉ là một con bò

Photo:  celine nadeau

Bạn có để ý không? Có gì đó không ổn với xã hội hiện đại. Nếu chưa thấy, nhìn kỹ lại, chút nữa và một chút nữa!

Hãy nhìn đủ kỹ và lâu rồi nói với tôi là bạn đã thấy những bất ổn.

Nếu bạn muốn sống tốt và được lòng mọi người ở cái xã hội hiện đại này. Cách duy nhất, cách hay nhất, kể cả là từ xưa đến giờ, nó luôn đúng, đó là: Tâng bốc cái tôi của người khác.

Tâng bốc cái tôi là một nghệ thuật, và người ta có thể đào ra rất nhiều thứ từ đó, thậm chí là những kho vàng.

Nghệ thuật marketing, PR, truyền thông, chẳng có gì khác là đánh vào tâm lý, đánh vào điểm yếu của cái tôi. Kích thích sự tò mò và “thói hưởng thụ” của cái tôi.

Nghệ thuật ngoại giao, chẳng có gì tốt hơn là việc “lắng nghe” những gì người khác nói. Bởi vì ai cũng thích nói hơn là thích nghe. Cái tôi tự nó thích thể hiện. Và bạn có thể lấy lòng người khác với “không một lời nào”. Ghê gớm chứ?

Kinh doanh mua bán là đánh vào sự ganh tỵ, sự thèm muốn, sự “thích chứng tỏ”, sự sĩ diện của cái tôi. Cậu mua cái này đẹp? Tôi sẽ mua cái khác độc hơn mà cóc đụng hàng. Cậu mua đồ bên Hàn? Tôi đặt ship từ Mỹ về. Cậu sexy? Tôi gợi cảm. Cậu lịch lãm? Tôi bụi bặm… Có quá nhiều để có thể liệt kê hết…

Từ cái tôi, nảy sinh cả đống dịch vụ không cần thiết hoặc chẳng có gì hay ho, nhưng thật sự thì chúng đã, đang thịnh hành và tiếp tục phát triển.

Tôi cóc biết cái tôi là gì, hình thù ra thế nào. Có lẽ nó vô hình, hoặc vô dạng. Nhưng người ta có thể dễ dàng cột dây và dắt mũi nó như một con bò. Nhìn cách mà giới truyền thông đang dắt mũi giới trẻ thì biết. Truyền thông đăng tải cái này, truyền thông muốn chúng ta biết đến cái kia, truyền thông thích thì khuếch trương và lăng xê cho trường phái này, thích bỏ qua trường phái kia… Và thế là chúng ta ngồi nhận những thứ đó giống như một đứa trẻ ngồi chờ được phát bánh.

Hãy thỏa mãn cái tôi cho người khác, và bạn sẽ có được cái bạn muốn.

Tôi đang nói năng xằng bậy và phi thực tế. Nếu nhận được một câu hỏi: Nếu không thỏa mãn cái tôi cho người khác thì chúng ta sẽ làm gì cho họ? Chắc tôi sẽ bó tay. Bởi vì loài người làm đúng theo cái tiến trình tiến hóa và phát triển.

Nhưng… (lại nhưng), có gì đó mà tôi thấy rất giống với sự “lợi dụng” lẫn nhau. Tôi muốn cua con này, tôi đánh vào tai nó vài lời mật ngọt; tôi muốn bán món hàng này, tôi nịnh nọt và nói vài lời kích động cái tôi; tôi muốn hướng người khác theo đường mà tôi muốn, tôi nhẹ nhàng đánh vào cái tôi và dụ họ; tôi muốn chọc tức thằng đó, tôi buông vài lời khiêu khích – sỉ nhục và xem thường…Và đương nhiên, tất cả những thứ đó, người ta cũng có thể sẽ làm ngược lại với tôi. Có gì đó dao động giữa cái “muốn” và cái “được thõa mãn” của cái tôi.

Chúng ta hình như hàng ngày đều vác cái tôi của mình ra bắt nó phải chạy đua, phải làm cái này, phải làm cái kia, phải tranh đấu, phải hơn thua, phải tham gia vào cái vòng xoáy của những nhận định, những lời khen tiếng chê, lời ra tiếng vào, đến tối mịt mệt mỏi rã rời, nếu không thì sẽ bị thế lọ, bị thế chai… Tôi nghĩ, có gì khác với một con rối chăng?

Chung quy, cái tôi sợ sệt! Và nó bắt đầu phòng thủ, bằng đủ mọi cách thức có thể, với mọi suy tính có thể. Với cái tôi, cuộc đời này thật đáng lo lắng. Cái tôi sợ bị bỏ rơi, sợ bị người khác cười vào mũi vào tai, và… cái tôi sợ bị lạc lõng. Nỗi sợ đã che mờ tất cả.

Màn sương mù của nỗi sợ chiếu rọi từ cái tôi ra bên ngoài, và ánh mắt chúng ta dần mờ, tầm nhìn xa chỉ còn 10 mét, vì thế, chúng ta quanh quẩn – không còn có thể nhìn gì đó xa xôi hơn, rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn được nữa.

Cái tôi như một con bò, bị hệ thống xã hội này dắt mũi tới một khoảng đất nhỏ, xung quanh là sương mù dày đặc không thể nhìn thấy gì, và cách mà con bò chọn là cúi đầu xuống và gặm cỏ… Gặm đã, con bò cảm thấy rất sung sướng, ợ lên để tiêu hóa thức ăn. Nó cảm thấy sung sướng quá, việc của nó chỉ là tiêu hóa – tiêu hóa bằng hết tất cả những gì ông chủ của nó muốn nó tiêu hóa. Cuộc đời con bò đâu tự biết được sự vô vị, cho đến một ngày nó bị bắt đem ra xẻ thịt làm đồ ăn, bị tận dụng đến nỗi chỉ còn có vài khúc xương, người ta mang vứt.

Có gì đó bất ổn!

Và, tôi nghĩ: Chúng ta có phải là những con bò không? Hay, cái tôi của chúng ta có phải là những con bò không? Nếu phải thì chúng ta có nên tiếp tục để bị dắt mũi nữa không? Ngày mai người ta sẽ cột dây và dắt mũi bạn tiếp, bạn có đưa mũi cho người ta dắt không?

Chúng ta có việc gì đó cao lớn hơn phải làm, làm những thứ mình thích chỉ bởi vì mình thích, làm những thứ cần vì nghĩ là nó nên làm, bởi vì nhận thức đúng đắn của bản thân ta kêu gọi. Chẳng phải vì những tiếng ồn xung quanh hay sự mong đợi, làm hài lòng những người mà chúng ta chẳng quen biết.

Ý tôi là, cái tôi to lớn bỗng từ khi nào tự dưng lại nhỏ bé và hèn mọn đến như thế. Ngày mai đây, bước ra đường, và nếu có thể trút hết mọi xiêm y trên người, chúng ta có thể còn lại gì đáng được khen là đẹp? Và nếu nếu chúng ta bị lấy mất đôi tai, chúng ta có còn cảm thấy cuộc sống này đẹp nếu không còn nghe được những tiếng khen. Mất đi cặp mắt để nhìn người này đi xe xịn, người kia mặc đồ quá thời trang, thì chúng ta có thấy được vẻ đẹp của một cô gái?

Nếu chỉ còn bạn trong bóng tối, với cái tâm thức rõ ràng, trong sáng và minh bạch, không gian lặng im, bạn cảm thấy điều gì? Hay chỉ là một sự trống rỗng!

Đừng có ảo tưởng những thứ xung quanh thuộc về bạn. Không có đâu, chẳng có gì cả, ngoại trừ cái tâm thức đó. Lo trau dồi cái tâm thức – cái tôi đẹp đẽ đó đi, nó không tầm thường như cách mà chúng ta nghĩ hay thưởng sử dụng đâu…

Có việc gì đó cao hơn để chúng ta làm trong 1 cuộc đời ngắn ngủi… Đó là được “chơi”, theo cách mà chúng ta muốn… Nhớ là, hãy giữ cho cái đầu óc được tỉnh táo và đừng bảo giờ để bản thân bị dắt mũi vì bất cứ điều gì! Bất cứ một lần nào nữa…

 

 

-Lục Phong-

Mùa đông ở miền Bắc rất lạnh

*Photo: gk2102

“Dường như ai đi ngang cửa.
Gió mùa đông bắc se lạnh.
Chút lá thu vàng đã rụng.
Chiều nay cũng bỏ ta đi.”

– Lệ Quyên, Nỗi Nhớ Mùa Đông

Mùa đông bắt đầu với những cơn gió lạnh buốt và những ngày mưa rả rích. Tôi nhớ khi còn ở nhà, dù không muốn nhưng tôi rất hay bị gọi dậy sớm để trông sạp hàng cho mẹ. Đang nằm trong chăn ấm lại phải dậy và ngồi ngoài thời tiết lạnh như thế, đúng là một “cực hình.” Những lúc không có khách, tôi thường tranh thủ ngắm phố xá và “buôn” đủ thứ chuyện với bác hàng Phở nhà bên cạnh.

Ngày mới của tôi thường bắt đầu với hình ảnh những người lao động lam lũ qua lại trên đường. Một ông lão gầy gò cong lưng đạp xe chở đầy su hào. Một bà bán xôi cứ đúng 6 giờ sáng lại ôm cái thúng xôi gấc to đùng đi qua phố tôi. Mọi người hay gọi bà là bà Tiến Cóc vì lưng bà còng. Những chiếc xe chở vài ba con lợn. Tiếng rao báo lúc sáng sớm. Mấy bà bán quần áo mới dỡ hàng trên Lạng Sơn về đứng nói chuyện chờ người ra đón.

Mùa đông ở miền Bắc rất lạnh, nhất là vào những đợt rét đậm rét hại. Tôi rất phục họ bởi vì bất kể thời tiết thế nào, họ cũng chăm chỉ dậy sớm và làm việc. Chẳng như đám học trò chúng tôi, trời mới chuyển rét thôi đã ngại đi học lắm rồi. Sáng dậy muộn, đến trường vừa kịp lúc trống. Tiết một đứa nào cũng ngáp ngủ và lờ đờ, chỉ mong trống hết tiết thật nhanh để được ra ngoài cổng trường kiếm cái bánh mì nóng hay gói xôi ấm lót dạ. Không chỉ vậy, trong ngăn bàn lúc nào cũng có quà vặt: khi thì là củ khoai hay cái bắp ngô nướng, khi thì là túi hạt dẻ thơm phức.

Photo: Kristinamilojevic
Photo: Kristinamilojevic

Mùa đông này chẳng có ai gọi tôi dậy sớm vào mỗi buổi sáng mùa đông nữa. Những hôm được nghỉ thì cũng cố nằm trong chăn ấm chứ chẳng muốn ra ngoài chút nào. Rồi thỉnh thoảng khi đang đi trên phố, bắt gặp những người lao động vất vả mưu sinh, tôi lại nhớ đến những buổi sáng ấy. Và chợt chạnh lòng nhớ tới bố mẹ ở nhà – họ cũng đang bươn chải như thế để kiếm tiền nuôi chị em tôi ăn học. Dẫu biết không ai được chọn bố mẹ nhưng nhiều lúc thật ganh tị với đám bạn. Tôi cũng muốn gia đình mình thật giàu có để bố mẹ không phải khổ cực như vậy. Nhưng tôi chẳng bao giờ thấy xấu hổ vì nghề nghiệp của bố mẹ vì tôi biết họ kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình. Tôi hạnh phúc với những gì bố mẹ đã giành cho tôi. Dù tất cả không là gì so với người khác nhưng tôi biết đó là những điều tốt nhất và là tất cả những gì họ có.

Mùa đông thường gợi những nỗi buồn vu vơ, đôi khi là nỗi nhớ nhà da diết trong lòng người. Mùa đông lạnh buốt cắt da cắt thịt với dòng người qua lại hối hả; người bán – người mua cho kịp phiên chợ cuối năm để có tiền sắm Tết. Mùa đông với những món ăn, những thứ quà giản dị gắn liền với tuổi học trò. Dù có ở bất cứ đâu trên đất Bắc, ta cũng đều cảm nhận được nét riêng của mùa đông – đẹp, đặc biệt và không nơi nào có được.

Tôi yêu mùa đông không chỉ vì đó là mùa tôi được sinh ra mà còn bởi đây là mùa cuối cùng trong năm – thời điểm để mọi người nhìn lại những gì đã qua và những điều mình đã làm được trong năm cũ. Và tôi cũng biết rằng khi mùa đông này hết thì mùa xuân đến và Tết sẽ về!

 

Anh Nguyễn LP

Hãy để Thần Chết làm bạn đồng hành

Quote: Khalil Gibran

 

“Con người thường băn khoăn liệu có tồn tại sự sống sau cái chết, mà không đặt câu hỏi rằng họ đã thực sự sống trước khi chết hay chưa.”

– OSHO

Chết là gì? Chúng ta sợ chết ư?

Con người ta thường sợ chết. Nhỏ thì mong lớn lên, tận hưởng tuổi trẻ đã rồi chết cũng không muộn. Thanh niên thì mong có gia đình đã rồi hãy chết cũng cam lòng. Có gia đình rồi thì mong có con cái đã. Có con cái thì mong có cháu chắt. Có cháu chắt rồi thì mong cho tụi nó thành đạt đã rồi hãy xuôi… Nói chung con người muốn mình sống được càng lâu càng tốt. Nếu niềm tin này của mỗi người thành hiện thực thì chắc tới khi chết cũng không còn chỗ mà chôn thật.

Tinh thần Chutzpah – Tinh thần Israel

Nếu bạn muốn biết về sự thành công của người Israel, một dân tộc luôn phải nỗ lực và bị đe dọa. Hẳn bạn nên biết trước nhất về văn hóa “xét lại” của người dân mang dòng máu Israel. Việc sống lưu vong ở nhiều nơi và buộc phải thích nghi với nhiều văn hóa đã khiến người Israel có tư duy phân tích và phản biện một cách tích cực với những điều thường hay xảy ra, những lề thói xung quanh. Việc suy nghĩ về tính đúng sai đối với những việc “rất đỗi bình thường, những suy tắc trong cuộc sống” khiến người Israel không đi vào lối mòn. Việc cởi mở trong tranh cãi và quan niệm “không vị nể” lẫn nhau khi tranh cãi (kể cả cấp trên) khiến người Israel luôn luôn đạt được những tiến bộ và sự sáng tạo vượt bậc trong khoa học.