25 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 27 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 278

Lá thư từ một người Thầy

0
*Feature Image:  kkhelga

 

“Chào Khánh Hòa, Vậy là em đã đọc “The Little Prince” (Hoàng Tử Bé) và có lẽ cũng bị nó chinh phục. Thầy đọc nó từ thời nhỏ và bị Saint-Exupery ám ảnh suốt đời. Thầy thích trở về với tuổi thơ, thư giãn bởi sự giản dị, trong trẻo của nó, không màu mè, không cạm bẫy, nó làm cho người ta tin yêu cuộc đời hơn, sống nhẹ nhõm hơn. Ước gì được sống mãi với tuổi thơ.

Thật oan uổng cho thầy khi nói “thầy không thích đọc”. May mắn thay cho thế hệ trước – thế hệ của thầy không có Internet, không có games, chẳng có truyền hình, muốn nghe đài phải ra loa công cộng… nên mọi người phải đọc sách! May hơn nữa là kinh tế còn khó khăn, không dễ gì có tiền để mua sách, cho nên, người kinh doanh phải chọn lọc, tìm sách hay để xuất bản, nhờ đó người đọc dễ lựa chọn, dễ tìm được đúng cái cần đọc, đọc không nhiều mà vẫn biết, vẫn làm được… Và thế là họ, nhiễm phải “văn hóa đọc”. Tuy đói thông tin – nhưng không mù lòa, mọi người đều thích đọc và trở nên ngiện ngập – đương nhiên là sách!

Khốn khổ thay cho thế hệ ngày nay, khi cái gì cũng có (kể cả cái không cần). Để kiếm tiền, người ta phải in thật nhiều sách. Và thế là các bạn… bơi trong bể khổ, lạc trong rừng thông tin… Vì thế, những người đi trước, tích lũy được chút ít vốn liếng, và vẫn còn đọc… vì “nghiện”, muốn làm cái phễu lọc thông tin giúp các bạn (đương nhiên nếu các bạn không chê).

Và vì thế thầy cố gắng biến đổi đi một chút nội dung bài học, thoát ra khỏi “tầm chương trích cú”, sự gò bó của khuôn khổ, lựa chọn bổ sung thêm thông tin hữu ích ngoài đời để các bạn có thể thu lượm được những hiểu biết khả dĩ có ích. Nếu các em thấy những bài học trên lớp, những email… chỉ là trao đổi… thì đã tốt lắm rồi. Em đã đọc lá thư của tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy hiệu trưởng trường nơi con mình đang học chưa? Thật ngắn gọn, sâu sắc, đầy đủ, hữu ích. Mỗi lần thầy đọc lại đều thấy như mới, nó như… handbook của cuộc đời mình và để dạy con mình.

Từ thuở học trò, thầy đã nhiễm phải cái thói ghét sự nô lệ, có lẽ bắt đầu từ lời của thủ tướng Phạm Văn Đồng. Khi ông thấy các bậc cha mẹ đánh con, ông nói, đại ý là: “Trẻ em là con người. Dạy con bằng đòn roi là tạo cho nó tư duy nô lệ, phải có đòn roi nó mới biết phải trái, phải có đòn roi nó mới chịu làm.” Lớn lên mọi người đều thấy, mỗi khi dừng xe ở ngã tư, khi có cảnh sát đứng đó, ai cũng đều chấp hành luật, khi không thấy cảnh sát… nhiều người vượt đèn đỏ. Thiển cận, bon chen vốn đã làm cho người Việt ta nhỏ bé đi.

Thế rồi cách đây ít năm, thầy đọc được một bài báo của Việt Kiều Nhật về nước. Ông ta rất mừng vì tuổi trẻ ngày nay ham học, thi nhau học. Ai cũng học tiếng Anh, tin học… Tuy nhiên ông có một nỗi buồn, khi thấy mục đích của sự học tập của đại đa số chỉ là để sau này tìm được một chỗ làm “tốt”, kiếm được nhiều tiền. Ít người muốn học để rồi làm một cái gì hơn nữa, ngoài cái việc đáp ứng nhu cầu cá nhân. (Dù sao thì ta cũng có thể tự an ủi: nghĩ như thế cũng đã là một nửa của khẩu hiệu “dân giàu, nước mạnh” rồi!)

Khi người ta bảo thầy phải điểm danh sinh viên, thầy nghĩ : “Chẳng tội gì, tội học trò, khổ mình” – và giải pháp được lựa chọn như em đã biết. Các em được “tự do đi học hay nghỉ” và thầy vẫn làm được công việc “quản lý” sinh viên một cách nhẹ nhàng, không tốn sức, hiệu quả, không biến Sinh viên thành Học sinh. Tuy nhiên với xã hội ngày nay, với sinh viên Việt ngày nay, cũng cần có một chút áp lực.

Thầy cho em một cơ hội làm bài kiểm tra giữa kỳ nhe. Đề kiểm tra: “…”. Nộp bài qua email.

Khánh Hòa thân mến, khi em nói tới sự “chấp nhận” và “đánh đổi” thầy thấy em già trước tuổi đấy. Tuy nhiên thầy tin rằng em nghĩ tới mấy từ đó với ý nghĩa tích cực của nó. “Chấp nhận sự thật”, “chấp nhận sự khác biệt”, “ chấp nhận quan điểm của người khác…” nhưng điều quan trọng hơn là hành động tiếp theo sau khi “chấp nhận” đó là gì. Còn “đánh đổi” là một từ “nguy hiểm”, ranh giới giữa cái hay và cái dở mong manh lắm, nó đúng hay sai tùy thuộc nhiều vào quan niệm sống của mỗi người, phải vậy không? Hãy thận trọng.

Thầy đã lựa chọn “Hoàng tử bé” để luôn nhắc mình “Mọi Thầy/Cô thủa hàn vi cũng là sinh viên. Đừng bao giờ quên điều ấy.” Được trao đổi với các bạn trẻ là một niềm vui. Còn hiểu được các bạn, có nghĩa là mình chưa “out of date”. Chúc em mọi sự tốt lành!”

 

Thầy Vũ Khởi Nghĩa – Giảng viên Học Viện Hàng Không Việt Nam

P/S: Đây là lá thư mình nhận được từ thầy của mình, dạy môn “Khái quát về Hàng không dân dụng” khi mình gửi email trình bày lý do và mong thầy cho mình cơ hội để được làm bài kiểm tra giữa kỳ. Mình thật sự rất tâm đắc về cách dạy, cách tận tình với sinh viên và sự chia sẻ của thầy đối với một đứa học trò có khi thầy còn chưa biết mặt. Nội dung trên đây xoay quanh “văn hóa đọc” và “văn hóa sống” mà mình và thầy trao đổi. Gửi cả nhà Triết Học Đường Phố như một món quà năm mới nhé!

 

Hồi chuông cảnh báo năm 2013

0
*Feature Image: EUMETSAT

 

Nhân dịp năm 2013 sắp qua và một trong những điểm nhấn của năm nay về thiên tai không thể không kể đến bão Haiyan suýt ghé thăm khúc ruột Miền Trung và giờ mình ngồi đây để tản mạn tán dóc một chút về em và những điều quanh em ấy.

Thứ nhất, em được báo chí, các cơ quan chức năng ban ngành đánh giá “siêu cấp”, “hủy diệt”,… làm người dân và đặc biệt người miền Trung lo lắng sốt vó (riêng mình trưa hôm đó phải ăn trưa lúc 4h chiều cũng vì em). Chốt lại em rất “đặc biệt” dù chả ai thích em cả.

Thứ hai, nhờ em (và cả mấy bà chị của em trước đây nữa) mà mình thấy được tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam mình, thậm chí cả kiều bào nước ngoài cũng hướng về mảnh đất cằn cỗi miền Trung. Rồi cả việc người dân hỗ trợ nhau chèn chống nhà cửa, bộ đội hỗ trợ nhân dân, các nhà mạng đồng loạt nhắn tin thông báo, nhắc nhở người dân… Em “lạnh” mặc em nhưng lòng người thì vẫn cứ “ấm”. Thế nhưng không vì thế mà không có những mặt trái. Nghe bão người dân tranh nhau đi chợ mua sắm nhu yếu phẩm chuẩn bị bão và ai cũng lo lắng, ai cũng tranh thủ để về nhà đón em Hải Yến (lần đầu tiên thấy có cơn bão được đặt tên tiếng việt). Vì ai cũng vội vàng, tranh thủ nên chụp giật, tranh giành, cãi vã, thậm chí xô xát đã xảy ra.

Con người ta cần học cách bình tĩnh trong mọi tình huống. Chả có gì hay ho khi bạn giành mua được bánh mỳ gối về ăn ngày bão mà miệng lại bị sưng cả. Rồi những người dân nhạy cảm với thời thế nhanh chóng lựa chọn kinh doanh cát trước bão (thời đại kinh tế thị trường, gì chứ có lời thì nên tận dụng tất). Và muôn vàn trường hợp hôi của, hay hệ lụy nhờ em mà ra nữa. Nhưng mình nghĩ nói về em thế là đủ rồi vì mình biết em không có xài facebook (đã search tung nãy giờ mà không thấy facebook của em nên đoán thế).

Quay lại vấn đề hôm này đọc được thắc mắc của một bạn miền Nam thắc mắc rằng “Có ai biết tại sao suốt ngày bão chọn miền Trung để vào, có phải ở đây có nguồn năng lượng gì đó hút bão không?” Riêng mình thì mình vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này nhưng mình lại có một câu hỏi khác. Đó là “AI MANG EM ĐẾN?

Nói con người mang em đến thì thật hơi quá nhưng ít ra, với cái nhìn thiển cận của mình thì con người dù không trực tiếp sinh em ra nhưng cũng góp chút sức nuôi lớn em. Tại sao ư? Soi lại em Hải Yến, em được mệnh danh là “siêu bão”, “hủy diệt” vậy câu “hậu sinh khả úy” còn đúng với cả bão sao? Rồi tại sao khí hậu ngày càng khắc nghiệt mùa đông thì lạnh buốt giá còn hè thì nóng “làm sao phải mặc”.

Ngay khi nghe tin bão rất là nhiều bạn xót xa, thậm chí đọc báo thấy người chết, tàn khốc đã rơi nước mắt nhưng các bạn đã làm gì? Nếu chỉ xót xa, chỉ lo lắng, chỉ rơi nước mắt hay lên facebook than trời sao ác nghiệt thì thật sự mình thiết nghĩ không cần. Vì chỉ làm thêm đau lòng người trong cuộc và chẳng mang lại lợi ích thiết thực nào cả. Xin mạn phép hỏi có bao nhiêu bạn đã từng trồng một cái cây rồi? (tất nhiên trồng chăm sóc cho nó lớn lên chứ không kể sinh hoạt ngoại khóa trồng theo yêu cầu, nhiệm vụ đâu nhé). Có bao nhiêu bạn từng nghĩ phải bảo vệ môi trường, phải phân loại rác, phải tiết kiệm điện, phải hạn chế khí thải, phải ngăn chặn phá rừng,…

Một câu rất đau lòng nhưng rất thật đó là “Cha chung không ai khóc”. Việc vĩ mô đó là việc của thiên hạ. Nhưng bạn ơi, bạn chính là thiên hạ đấy! Mình không phải nhà nghiên cứu hay bảo vệ môi trường nhưng thật sự mình không muốn năm 70 tuổi mình lại phải trèo lên nóc chèn chống nhà cửa để đón em Hải Én hay Hải Nhạn gì đó “đẹp trai siêu cấp vô địch” cấp 70. Thực tế cho thấy tất cả chỉ là từ ý thức con người mà thôi. Bạn hãy làm những gì bạn cho là đúng. Làm đúng, làm tốt phần của bạn đã là tuyệt lắm rồi. Hãy bỏ suy nghĩ mình tôi làm được gì đi, vì ai cũng nghĩ như bạn thì “Cha” không chỉ chết và còn “Không nhắm mắt nổi”.

Vậy nên thay vì trước bão lo lắng, xót xa trên facebook. Ngày bão đến thì tụ tập nhậu nhẹt, đánh bài. Sau bão thì…ai thèm quan tâm khi em đã “trở về cát bụi”, đâu cần cập nhật facebook về em nữa… thì hãy tìm hiểu một chút về môi trường, về hiệu ứng nhà kính, về cách đơn giản để bảo về môi trường. Để ít nhất khi ta trao nó lại cho con cháu chúng ta thì nó cũng nguyên vẹn như lúc ta nhận được từ cha ông của mình.

Về thái độ, mình nghĩ mình thuộc tuýp người lạc quan nên khi nghe bão, chuẩn bị bão mình vẫn cười đùa như bình thường và thậm chí nhiều bạn chỉ trích mình vô tư không biết lo lắng. Nhưng có lẽ mỗi người có một cách đối mặt với vấn đề khác nhau. Với mình thay vì lo lắng, sầu não thì hãy chuẩn bị thật kỹ. Một khi đã chuẩn bị thật kỹ hết sức rồi thì chuyện gì đến sẽ đến. Thậm chí nên “tận hưởng” đi (vì ít ra cũng được nghỉ làm, nghỉ học, được sống cho bản thân, gia đình mà ko bị chi phối bởi những mối quan hệ râu ria xung quanh mà).

Khi đối mặt với bão nói riêng và các thiên tai, thảm họa từ tự nhiên khác nói chung thì con người ta trở nên thật bé nhỏ (đứng trước thiên nhiên bao giờ con người ta cũng nhỏ bé hơn là họ nghĩ) thế nên tại sao con người không “phòng bệnh thay vì chữa bệnh”. Hãy làm những gì bạn có thể làm, đã đến lúc chúng ta phải có trách nhiệm để bảo vệ ngôi nhà của chính mình!

 

Zune

Ba điều tôi không muốn thay đổi trong năm 2014

0
*Feature Image: DezRay6

 

Mỗi năm, ai cũng có 365 ngày để làm việc và học tập. Thời gian trôi qua nhanh hay chậm có chăng tùy người và tùy vào cách họ sử dụng khoảng thời gian của mình có hiệu quả hay không. Với người bận rộn thì 365 ngày dường như không đủ cho họ, trong khi với người nhàn rỗi thì đó lại là con số khá lớn. Nhưng ai cũng mong chờ một năm mới đến: với nhiều thứ mới, tiến bộ hơn và tốt hơn năm cũ. Với tôi, có một vài điều mà tôi không hề muốn thay đổi khi bước sang năm 2014.

Đầu tiên, đó là thói quen đọc sách. Trước đây tôi RẤT THÍCH sách. Ngày ấy còn học phổ thông, lúc nào cũng nghe bên tai từ HỌC – HỌC – HỌC. Thi thoảng đọc vài cuốn sách thì bị coi là quá rảnh rỗi và nên dành thời gian đó làm thêm bài tập. Thú thực, tôi không thích đọc sách tham khảo – dù của bất kì môn học nào. Tôi thích đọc những cuốn sách không có trong chương trình học như hạt giống tâm hồn, các tác phẩm của những nhà văn hoặc sách của những người nổi tiếng.

Nó tuy không trực tiếp phục vụ việc học hay đem lại hiệu quả ngay tức thì nhưng lại bồi dưỡng tâm hồn tôi theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để rồi càng lớn tôi càng chiêm nghiệm được rằng: “Ngày trước đọc cuốn sách ấy không hiểu lắm, bây giờ mới thấy nó đúng thật!” Thế rồi từ ngày lên đại học, tôi bận rộn hơn với những công việc khác hoặc không có điều kiện đến nhà sách, tôi thường đọc ebook – sách điện tử. Quả thật, tôi không hề thích đọc sách theo kiểu này vì đơn giản nhìn vào màn hình máy tính hay điện thoại lâu thì khá mỏi mắt.  Tôi thích cảm giác được lùng sục hoặc xếp hàng để mua được cuốn sách mình thích. Và rồi cầm trên tay, ngửi mùi sách mới (hơi “điên rồ”), có cảm giác gì đó rất lạ, rất khó tả, rất riêng mà khi đọc sách điện tử không thể đem lại cho tôi. Giờ tôi đọc sách ít hơn nhưng đọc và nghiền ngẫm lâu hơn trước. Hy vọng năm mới, tôi vẫn giữ được thói quen tốt này.

Thứ hai, đó là sự lạc quan. Không hiểu sao tôi tin vào những điều tốt đẹp dù tôi biết rằng “đời không như mơ”. Tôi luôn tâm niệm làm việc tốt trong khả năng của mình và cố gắng đối xử tốt với tất cả mọi người. Có người bảo ngây thơ, thậm chí là “ngu”. Có người lại bảo giả dối, làm vì vụ lợi cho bản thân. Tuy nhiên tôi có một phương châm sống đó là

“Không quan trọng người khác nghĩ gì mà là bản thân mình cảm thấy thế nào.”

Và tôi thấy thanh thản khi làm theo những gì mình cho là đúng. Tôi biết, dù cuộc sống có xô bồ đến đâu thì vẫn còn đó nhiều người tốt, họ vẫn đang làm việc thiện tích đức cho đời. Đôi khi tôi cũng cảm thấy bi quan. Tôi suy sụp. Nhưng rồi tôi ngủ, tôi đi, tôi đọc, tôi xem, tôi nghĩ về những điều tuyệt vời mình từng có, tôi làm mọi thứ để bản thân không còn nghĩ đến những điều tiêu cực nữa.

“Thứ duy nhất mạnh mẽ hơn sợ hãi, đó là hy vọng.”
– Thị trưởng Snow (The Hunger Games)

Hy vọng năm mới, tôi sẽ có đủ sự lạc quan để vượt qua những khó khăn thử thách cũng như luôn có niềm tin để không ngừng cố gắng theo đuổi mục tiêu, ước mơ của mình.

Cuối cùng, đó là việc dám chịu trách nhiệm. Tôi từng là dân khối A. Chỉ vì thích học Văn nên chuyển qua khối D. Ban đầu bố mẹ cũng phản đối ghê lắm. Nhưng rồi ngày rộng tháng dài, tôi kiên trì thuyết phục bố mẹ và cuối cùng cũng được làm theo ý muốn của mình. Kết quả tuy chưa được như tôi mong đợi nhưng ít nhất đó cũng là lần đầu tiên trong suốt 18 năm, tôi dám thẳng thắn bày tỏ quan điểm và tư đưa ra một quyết định quan trọng cho bản thân.

Tôi cũng cảm thấy mình trưởng thành hơn sau những ngày tháng học xa nhà, tạm gọi là khá tự lập (vì tôi vẫn cần đến “viện trợ” hàng tháng của bố mẹ). Tôi phải chọn lựa rất nhiều. Dù đúng dù sai, tôi đều phải tự chịu trách nhiệm cho những sự lựa chọn ấy bởi lẽ theo như bố tôi vẫn thường nói thì: “Bố mẹ không thể lúc nào cũng kè kè đằng sau giải quyết “hậu quả” cho mày được. Lớn rồi tự làm tự chịu. Tôi không hoàn hảo cũng chẳng mạnh mẽ hay dũng cảm gì hết. Tôi đã làm nhiều việc – đôi khi rất “liều” và phạm phải không ít sai lầm. Tôi đã ngã, rất đau. Nhưng những va vấp ấy lại là bài học quý giá mà chẳng ai có thể dạy tôi. Và tôi cũng hiểu rằng nếu mình không tự đứng lên thì sẽ mãi nằm đấy – tại nơi tôi đã ngã. Hy vọng năm mới và rất nhiều năm sau nữa, tôi sẽ không phải thấy hối tiếc về những gì mình đã làm.

Vạn vật sắp bước sang một vòng quay mới, ngày cuối cùng của năm 2013 cũng sắp hết. Giờ này trên các trang mạng xã hội mọi người cũng đã “rục rịch” chào năm mới rồi. Dự báo thời tiết trong vòng vài tiếng nữa sẽ có bão notifications/notes/status trên Facebook – bão giật cấp 13, cực kì nguy hiểm. Vẫn còn đây những dự định, những hoài bão dở dang. Nhưng ngày mai thức dậy sẽ là một ngày mới, là cả một năm mới, và tôi sẽ có đủ thời gian để hoàn thành chúng.

 

 

Anh Nguyễn LP

Đến khi nào chúng ta mới thoát ra khỏi sự sợ hãi của bản thân?

0
*Feature Image: the twinkling of an eye

 

– Con ơi, khi nào đến bệnh viện Từ Dũ con kêu bà xuống nha.. Con ơi..

– Trạm cuối! người tiếp viên sẵng giọng mà không thèm nhìn mặt bà cụ.

– Con ơi, cho bà hỏi… Con ơi..

– Bà ồn ào quá, tui đã bảo là trạm cuối rồi, người đàn ông đó đẩy mạnh tay bà cụ đang chạm tay vào người anh để hỏi, bà cụ gần như ngã nhào.

Ngày hôm nay, cả chuyến xe buýt đó đã một phen náo loạn vì vụ cãi nhau, giữa tôi và người tiếp viên xe buýt. Đó là cung cách phục vụ của người tiếp viên đối với một bà cụ đáng tuổi mẹ tuổi bà với anh ta. Tôi đã lên tiếng vì muốn anh ta tự kiểm điểm về thái độ đó. Nhưng đó không phải câu chuyện chính mà tôi muốn nhắc đến. tôi chỉ muốn nói, khi ấy tôi-đơn-độc.

Trong chuyến xe ngày hôm đó, có lẽ hơn 30 người trên xe. Duy chỉ một người trung niên nào đó lên tiếng “Cô ấy nói đúng rồi, anh nên xem lại mình đi.” Và, 28 con người nhìn vào tôi, như thủ thỉ rằng. “Con người đó đang lo chuyện bao đồng,” một người còn lại thì khi xuống xe quay qua bảo tôi “Bạn can đảm lắm, tôi cũng thấy bức xúc.”

Bạn biết gì không, tôi đã thiết nghĩ, người đáng coi thường nhất chính là người cuối cùng mà không phải anh tiếp viên. Tại sao ư? Vì anh ta biết sai nhưng im lặng-giống-tôi-của những-lần trước… Có lẽ, đây là một câu chuyện quá quen thuộc hoặc những trường hợp tương tự như thế thì quá quen thuộc. Bạn có bao giờ chứptng kiến nạn móc túi trên xe buýt? Bạn có bao giờ bị sàm sỡ trên xe buýt? Có bao giờ thấy người bị thương nhưng lại làm ngơ?…

Nhưng im lặng? Im lặng? Đến khi nào chúng ta mới thoát ra khỏi sự sợ hãi của bản thân, thoát ra khỏi cái cộng đồng vô nghĩa đó? Đến khi nào chúng ta mới có thể thoát ra sự ích kỉ, chủ nghĩa cá nhân của bản thân?

Đứng giữa bầy người

Xã hội này còn bao nhiêu người, chỉ lo cho bản thân, lo kiếm tiền, chật vật bận rộn với mình. Thời gian là vàng ư?  Thiết nghĩ, câu trả lời nhỏ nhẹ thì luôn ngắn hơn một câu gắt gỏng, một điều lịch sự luôn tốn ít thời gian hơn sự sỗ sàng, một nụ cười thì luôn ấm hơn sự nhăn nhó. Sống văn minh, tức là bạn đang tích thời gian, nhiệt huyết, kiến thức, và trái tim cho mình.

Bạn im lặng và chờ cơn bức xúc đó qua đi, vì đằng nào mọi chuyện sẽ qua, yên ổn nếu bạn im lặng, và bạn sẽ an toàn, không vướng vào rắc rối. Nhưng, bạn có biết bạn đang dần để cái xã hội này ăn mòn, bạn giống họ, và bạn cũng chẳng có cái quyền gì để nói họ.

Sống khác đi, sống mạnh mẽ lên, bạn bức bối, bạn tức tối thì được gì. Bạn là bạn với cá tính riêng. Điều đó thể hiện ở thái độ và hành động của bạn, người trẻ ạ. Bạn nghĩ mình bất lực khi lên tiếng hay bạn nghĩ mình sẽ thành trò cười cho mọi người khi bạn làm khác họ à? Bạn đã bao giờ thử chưa? Vậy tại sao lại sợ? Tin tôi đi, bạn sẽ cảm thấy thật tốt khi lên tiếng.

Tôi không viết cái này để kể về câu chuyện của tôi, câu chuyện của tôi chẳng là gì cả. Nhưng tôi đang kể nó với giọng điệu tự hào. Bạn có muốn thử? Tôi viết nó, vì tôi tin, xã hội này còn rất nhiều người tốt, người can đảm. Một ngày nào  đó, tôi hy vọng đâu đó, đọc được mẩu tin, một status trên facebook của một bạn trẻ chẳng hạn “Hôm nay, tôi đã lên tiếng.”…

“Chúng ta sẽ phải hối hận không chỉ vì lời lẽ và hành động xấu xa của những người xấu mà còn bởi sự im lặng đáng sợ của những người tốt.” – Martin Luther King

Nghiêng

Giá trị của các giá trị

0
*Feature Image: uiethma

 

Thời gian gần đây tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về vai trò và ý nghĩa của những giá trị khác nhau trong cuộc sống. Từ hàng nghìn năm trước, sự khác biệt trong yếu tố địa lý, khí hậu, tài nguyên đã chia hệ phái ý thức của con người làm đôi, mà đến tận ngày nay sự khác biệt giữa Đông và Tây vẫn còn vô cùng lớn lao.

Lấy câu chuyện về trinh tiết của người phụ nữ làm ví dụ. Tôi vẫn nghe kể đâu đó rằng, ngày trước, phụ nữ chưa chồng mà chửa là nhục lắm, bị gọt đầu bôi vôi cho cả làng xỉ và, thậm chí còn bị thả trôi sông. Ngày nay thì thậm chí làm mẹ đơn thân lại là một xu hướng được nhiều người cổ vũ. Không nói đâu xa, chỉ hơn chục năm trước thì các bạn trẻ vẫn yêu nhau rất “trong sáng”, nhà nghỉ chưa mọc lên nhiều như bây giờ. Mấy hôm trước tụ tập gần chục cô bạn học nói chuyện, cả lũ trố mắt khi biết có đứa vẫn chưa làm “chuyện ấy” với bạn trai.

Xét về khía cạnh con người, tôi cho rằng mọi sự thay đổi về hướng phi bạo lực như việc ngừng cạo đầu bôi vôi là một sự tiến bộ. Tuy vậy, xét về khía cạnh các giá trị nhân văn thì liệu coi nhẹ trinh tiết của người phụ nữ có được coi là một chuyển dịch theo hướng tiến bộ hay không?

Cách nhìn nhận về vai trò của người lãnh đạo là một ví dụ khác về sự khác biệt trong các giá trị trong xã hội. Ở nhiều nước như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan hay phản ánh rõ nét nhất là trong các nền văn minh như Ai Cập cổ đại, Trung Hoa phong kiến người dân dường như đặt kỳ vọng rất lớn vào việc có được một vị “minh quân” để lãnh đạo đất nước. Vai trò của cá nhân lãnh đạo có vị trí rất quan trọng trong các xã hội như vậy, họ dường như là những người “vĩ đại” và được mong chờ phải có năng lực vượt bậc hơn so với những người khác.

Các công trình kiến trúc hùng vĩ như Kim Tự Tháp hay Vạn Lý Trường Thành là sản phẩm điển hình của các xã hội trọng thị cá nhân lãnh đạo. Khi có vấn đề xảy ra trong xã hội kiểu này, dân chúng thường kỳ vọngvào việc cải cách bộ máy lãnh đạo hơn là huy động nguồn lực tự thân. Ở những nước phương Tây, đặc biệt là Bắc Âu hay trong các nên văn minh như Hy Lạp cổ đại, người ta lại đề cao tính dân chủ trong cơ chế ra quyết định hơn là bản thân người lãnh đạo. Các quốc gia này thường không có những vị vua “vĩ đại” hay những công trình khổng lồ.

Bản thân sự tồn tại của các giá trị khác nhau trong xã hội đã nói lên rằng mỗi giá trị đều tồn tại với lý do của nó. Rõ ràng rằng người phụ nữ “truyền thống và giữ gìn” lẫn người phụ nữ “cá tính và thoáng đãng” đều có thể có cuộc sống hạnh phúc trong một xã hội tôn trọng sự khác biệt. Các quốc gia với những quan niệm khác nhau về người lãnh đạo đều có thể có sự phồn thịnh và phát triển. Vậy thì vai trò của các giá trị là gì? Đấy là điều mà tôi suy nghĩ.

Tôi nghĩ rằng, con người sinh ra với những sự khác biệt, tuy vậy, hạnh phúc dường như đều bắt nguồn từ việc những mong muốn được thỏa mãn. Điểm khác biệt lớn nhất bắt đầu từ việc những nhu cầu của mỗi cá nhân là khác nhau, vì thế cách họ giao tiếp, hành xử với nhau để thỏa mãn nhu cầu của bản thân cũng trở nên khác biệt, đó chính là sự khác biệt giữa các giá trị.

Trinh tiết, có thể biểu tượng cho sự chung thủy, theo đó người phụ nữ gìn giữ cơ thể mình, tình yêu của mình và dành nó cho người đàn ông duy nhất mà cô tin tưởng. Việc không cho phép người đàn ông khác quan hệ thể hiện sự tôn trọng cơ thể của bản thân. Thế nhưng, điều này hẳn không phải có thể áp dụng với tất cả các cô gái, bởi việc “tôn trọng bản thân” và “sự chung thủy” có thể được nhìn nhận theo một cách khác. Đàn ông có xu hướng tách biệt việc quan hệ tình dục thuần túy vì nhu cầu bản năng ra khỏi tình yêu thực sự, điều này khiến “sự chung thủy” của đàn ông không loại bỏ việc quan hệ với gái mại dâm.

Điều này khiến tôi bắt đầu suy nghĩ rằng các giá trị mà mỗi cá nhân lựa chọn cho chính họ có xu hướng phù hợp với các nhu cầu bản năng hoặc/và để thích nghi với điều kiện hoàn cảnh địa lý, văn hóa xã hội của họ. Ví như giá trị “tôn trọng” giữa con người với con người là một giá trị có tính đồng thuận cao giữa các nền văn hóa. Nhưng có thể nguồn gốc của việc tôn trọng người khác không phải từ sự tốt đẹp vốn có của con người mà là từ nhu cầu được tôn trọng của mỗi cá nhân. Vì mỗi con người đều yếu đuối trước xã hội, sự tôn trọng người khác đảm bảo cho việc bản thân bạn được tôn trọng lại. Nhưng xét trong một bối cảnh dù ta tôn trọng người khác, họ cũng sẽ không tôn trọng lại ta (như bạn rơi vào tay một bộ tộc man rợ ăn thịt người chẳng hạn), liệu bạn có duy trì giá trị tôn trọng kia? Hay liệu con người có tôn trọng con muỗi?

Điều này dẫn đến một kết luận rằng bản thân các giá trị không có đúng hay sai, mà là mức độ phù hợp của nó đối với các cá nhân và cộng đồng. Việc tôn vinh một giá trị và áp đặt nó lên toàn xã hội sẽ làm trầm trọng hóa các mặt trái của giá trị này về lâu dài. Thay vì vậy, có lẽ chúng ta nên tìm hiểu nguồn gốc bản chất xuất phát của các giá trị, hệ lụy và hậu quả mà nó có thể gây ra cho bản thân người áp dụng và xã hội.

Câu chuyện có lẽ có thể dừng ở đó, nhưng điều khiến tôi trăn trở là cách giải quyết khi những giá trị xung đột và đối đầu lẫn nhau trong một cá nhân? Liệu có thể có sự thương lượng, thỏa hiệp,nhượng bộ giữa hai giá trị đối lập hay là nhất thiết phải có sự đấu tranh, áp đặt một giá trị này lên giá trị khác?

Những suy nghĩ của tôi đến đây trở nên phức tạp và mông lung cho đến khi tôi nghĩ đến một từ: “CHẤP”. Con người muốn quá nhiều, và không từ bỏ được những cái mong muốn đấy. Con người tin vào điều họ muốn tin, và không từ bỏ được những cái niềm tin ấy. Quay đầu lại là bờ, nhưng gian nan ấy đâu phải gian nan thường. Đầu vẫn mông lung, viết ra một bài viết mông lung

 

Hoàng Đức Minh

Homa Bay, 30/12/2013

Đầm lầy hay sa mạc?

0
*Feature Image: Vison Roll

 

Giả sử vào một ngày trời không đẹp nào đó, nếu bạn rơi vào một trong hai hoàn cảnh trớ trếu như sau:

– Viễn cảnh 1: bạn sa chân vào đầm lầy nhầy nhụa. Càng cố vùng vẫy càng chìm sâu xuống vũng bùn.

– Viễn cảnh 2: bạn đang đi trên sa mạc rộng lớn. Không có thức ăn, thức uống. Trên đầu là cái nắng chói chang, dưới chân là mặt cát nóng bỏng. Bạn thích điều nào xảy đến với mình hơn?

Tất nhiên bài viết này không đề cập đến việc chọn viễn cảnh nào sẽ mang cho bạn một cái chết đẹp hơn! Dù bạn là ai, dù lựa chọn của bạn như thế nào, khi rơi vào hoàn cảnh trên bản năng của sự sống sẽ trỗi dậy. Ai cũng muốn sống dù là kẻ hèn nhát nhất! Tuy nhiên, liệu chúng ta có đủ tỉnh táo và sức mạnh để vượt lên khó khăn hay là bất lực buông xuôi khi đầu hàng nghịch cảnh?

Mắc kẹt trong đầm lầy

Sa chân vào đầm lầy là tình huống chúng ta hoàn toàn bị động. Điều đó có nghĩa là nghịch cảnh đã chọn chúng ta. Trong cuộc sống đôi khi chúng ta rất dễ rơi vào hoàn cảnh bất ngờ này. Đó là khi bị đồng nghiệp chơi xấu, bị bạn bè quay lưng, bị người yêu phản bội…Chúng như những cú đánh mạnh giáng xuống tâm lý của chúng ta.

Nỗi sợ hãi, sự thất vọng bắt đầu xâm chiếm và ăn mòn cảm xúc của chúng ta. Màu hồng đã bị hoen ố, niềm tin bị đập vỡ. Và tâm lý buông tay từ bỏ là mẫu số chung của rất nhiều người, khi mà giờ đây đầm lầy mà chúng ta đang mắc kẹt được tạo ra từ chính những người ta hằng yêu thương và trân trọng. Càng đưa tay níu kéo hay cố vũng vẫy trong hoang mang chúng ta chỉ càng đang tự dìm chết chính mình.

Những cái tát phũ phàng đến từ cuộc sống không phải là để chúng ta ngã quỵ mà là trao cho chúng ta sức mạnh để nhận thức đủ đầy về cuộc sống; để chúng ta mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn và đầy bản lĩnh đương đầu với nghịch cảnh. Nhớ, nếu một ngày bạn rơi xuống đầm lầy, đừng vội buông xuôi mà chối từ cuộc sống. Hãy tỉnh táo và khôn ngoan! Chúng ta sẽ phải nghi ngờ, phải biết tìm kiếm những người ủng hộ chúng ta. Muốn có hòa bình trước hết phải có đấu tranh. Trước hết là đấu tranh cho sự sống của chính mình! Đừng để những kẻ phản bội hả hê trên nỗi đau của chính mình, hãy để họ rùng mình sợ hãi trước bản lĩnh chúng ta.

Chẳng ai có thể biết trước được điều gì càng không thể tránh được những toan tính của con người nhưng chúng ta có thể đề phòng để giảm thiểu hậu quả. Thế nên, đừng quá lo lắng nếu bên cạnh chúng ta luôn có những kẻ sẵn sàng cướp lấy thành công và cơ hội của mình. Sống thoải mái và vô tư, những đầm lầy chẳng thể nào nuốt chửng chúng ta khi ta đã sẵn sàng đối mặt với nó. Đừng lúc nào cũng lo sợ mình sẽ gặp phải cái này cái kia; hãy nghĩ rằng cuộc sống vốn nhiều màu sắc nên những gì ta gặp sẽ giúp ta bản lĩnh hơn, già dặn hơn, chín chắn hơn!

“Hãy biến nghịch cảnh thành cơ hội giúp bạn đạt được những điều tốt đẹp hơn.”  – Willie Jolley

Thử thách trên sa mạc

Đối với những người trẻ tuổi năng động, họ sẽ không bao giờ để thời gian trôi qua kẽ tay một cách vô vị và đầy nhàm chán. Đó cũng là lý do đơn giản vì sao ta chọn đi trên sa mạc nóng bỏng thay vì thảo nguyên xanh mát. Với tình huống này, chúng ta hoàn toàn chủ động. Chủ động trong việc chuẩn bị tâm lý, chuẩn bị kỹ năng và hành trang để dấn thân vào nó.

Nhưng “người tính không bằng trời tính”. Có những khó khăn, những thách thức chúng ta không bao giờ lường được. Nên nhớ không phải ai cũng ủng hộ con đường mà bạn đi. Rất nhiều người sẽ gang ghét đố kỵ, thậm chí có khi chúng ta có là bạn của nhau, chúng ta cũng có chút gì đó không vui khi bạn thành công hơn, giàu có hơn và hạnh phúc hơn. Chính vì thế, trên sa mạc nóng bỏng chúng ta có thể vượt qua cơn khát, có thể dấn thân vào hiểm nguy, nhưng chúng ta không thể lường trước những hiểm nguy thù địch đang âm thầm bủa vây.

Đối diện với khó khăn, không ít người đã từ bỏ ước mơ và hoài bão của mình. Cũng không ít người vì để tồn tại đã hành động như những kẻ ngốc nghếch hoặc vả chăng là thâm độc đến tận cùng. Tuy nhiên, nên nhớ rằng: Những gì thấp hèn sẽ bị đánh bại bởi sự cao thượng và tốt đẹp! Nếu bạn đủ bản lĩnh, bạn sẽ đi tới cùng. Nhưng nếu không thể, hãy ra đi trong cách vinh quang nhất.

Can đảm chọn thử thách có nghĩa là bạn đã thành công được một nửa. Cách bạn đương đầu với nó sẽ cho thấy bạn là ai. Vượt qua nó sẽ cho thấy bạn trưởng thành như thế nào. Chúc cho chúng ta sẽ thành công trên con đường mà mình đã chọn.

“Nếu bạn tỏ ra mềm yếu trước thử thách, thì bạn thật bé nhỏ và sức mạnh của bạn thật nhỏ nhoi.” – Cách ngôn

 

Dew Nguyễn

Một phần 7 tỷ

0
*Feature Image: Ghana Portraits

 

Những tháng ngày ở đây, tôi cảm thấy sự nhỏ bé của một cá nhân trong việc thay đổi thế giới.

Người dân ở Kenya thường hay treo ảnh thủ tướng của họ, tôi cũng chẳng biết lý do. Kenya không phải Triều Tiên, việc treo ảnh cũng chẳng phải bắt buộc ở mọi nơi, mọi nhà. Ở Việt Nam ta hay treo ảnh Bác, như một lễ nghi văn hóa ở các tổ chức của Đảng và nhà nước hơn là bởi sự tôn kính của người dân. Ở Thái Lan, việc tôn kính nhà vua giống như một tiềm thức văn hóa, thế nên họ cũng hay treo ảnh của nhà vua.

Kenya hay Thái Lan, hay Việt Nam cũng đều chẳng phải là những đất nước ổn định và phát triển. Ở Thái Lan, năm này qua năm khác, người dân vẫn cứ xuống đường đấu tranh vì quyền lợi mà họ muốn được hưởng. Ở đất nước Kenya này, cái nghèo đói ám ảnh những khu ổ chuột mà ngay kề sát đó có thể là trung tâm thương mại lớn nhất thành phố.

Sự bất công diễn ra ở mọi nơi

Nếu những người lãnh đạo tài năng đến thế, tại sao những quốc gia lại vẫn cứ chậm phát triển đến thế?

Nhìn bức ảnh của vị thủ tướng, tôi tự hỏi nếu mình đứng ở vị trí kia, tôi có thay đổi được quốc gia này không? Tôi nghĩ đến Hồ chủ tịch. Bác Hồ đã không nhìn thấy ngày đất nước được thống nhất, Bác cũng không nhìn thấy được ngày những người thuyền dân vượt biển chạy nạn, nhiều điều Bác không bao giờ được nhìn thấy. Ngày Bác mất, bác còn chưa thực hiện được ý nguyện của đời mình.

Tôi nghĩ đến Nelson Mandela, nghĩ đến ngài Kofi Annan, nghĩ đến nhiều người. Họ rất vĩ đại. Vĩ đại hơn tôi, hơn bạn. Nhưng tôi vẫn nhìn thấy trên gương mặt họ những nỗi buồn. Nelson Mandela từng nói: “It always seems impossible until it’s done,” nhưng giấc mơ về một châu Phi “which is in peace with itself” của ông vẫn chưa bao giờ được thực hiện.

Và rồi tôi nghĩ đến những người thành công hơn thế, những người đã tạo ra sự thay đổi bền vững và lớn lao nhất cho thế giới này: Abraham, Jesus, Muhammed, Khổng Tử, Thích Ca… Liệu Jesus có vui mừng không khi thấy những con dân của ông đổ máu cho cuộc thánh chiến hơn nghìn năm trước với người Hồi giáo. Hẳn nhà tiên tri Muhammed, người kêu gọi sự chống Do Thái và Ki-tô giáo năm ấy cũng không ngờ rằng suốt cả nghìn năm sau khi ông chết, những giáo dân dòng Shia và Sunni vẫn lao bom vào nhau.

Dù họ có vĩ đại, có thành công đến thế nào, thế giới vẫn là thế giới mà chúng ta đang sống.

Thế giới này có bất công, có sự kỳ thị. Vẫn luôn có những người phụ nữ bị bán vào nhà chứa, có những em bé không được đến trường, có những đứa trẻ tự tử vì mất niềm tin vào cuộc sống. Thế giới này có tình yêu, có điều kỳ diệu. Vẫn có tôi, có bạn, có những người hành động để tạo ra sự thay đổi.

Ở lục địa nghèo với 800 triệu dân này, tôi nghĩ về hơn một tỷ người Trung Quốc, về gần một tỷ người Ấn Độ, về một nước Việt Nam gần đã qua con số 90 triệu. Con người không hề nhỏ bé, chúng ta quá đông.

Đi đến đâu tôi cũng thấy con người.

Cần bao nhiêu sự thay đổi để thay đổi thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp? Hẳn là 7 tỷ, mà phải là 7 tỷ mỗi ngày. Nghĩ đến đây, tôi lại nghĩ về mình. Sau chuyến đi này, tôi sẽ trở về, rồi lại tiếp tục đi tiếp. Đi trên hành trình thay đổi mình. Ít nhất tôi sẽ thay đổi được một phần 7 tỷ thế giới này. Còn bạn, hẳn bạn cũng có thể thay đổi được một phần 7 tỷ thế giới chứ?

Một lần nữa, tôi lại tự nhủ: “Be the change you want to see in the world.”

 

Hoàng Đức Minh

Homa Bay, 28/12/2013

Cho tôi một vé đi tuổi thơ ngỗ nghịch

0
Photo: THE ENLIGHTENMENT by D. ALAN HOLMES

 

Hồi còn bé… tôi chẳng phải là một đứa trẻ ngoan

Giờ vẫn vậy.Có thể bạn không tin nhưng tôi đảm bảo là hồi bé tôi “kinh khủng” hơn bây giờ nhiều.

Hồi bé thì đứa nào mà chả thích xem tivi, tôi cũng vậy. Mẹ tôi cứ suốt ngày phàn nàn về việc tôi thích xem tivi mà chẳng chịu học bài. Trời ơi, học thì có gì vui đâu cơ chứ, tại sao người lớn lại có thể suốt ngày làm những việc nhàm chán được nhỉ? Tôi chẳng hiểu sao bố tôi lại thích xem bóng bàn hay bóng đá. Tự mình chơi thì cũng vui, nhưng ngồi xem quả bóng bay qua bay lại trên bàn thì có gì hay cơ chứ? Tôi cũng chả hiểu nổi là tại sao người lớn thì lại không thích xem phim hoạt hình. Chẳng lẽ cứ lớn lên là thấy phim hoạt hình chẳng hay nữa? Tôi tự nhủ rằng sau này tôi có lớn lên thì tôi sẽ vẫn thích xem phim hoạt hình, nhất định là như vậy.

Tuyết tinh thần

0
*Photo: Ewitsoe

 

Người ta hay nói với nhau, hoặc tự an ủi bản thân, rằng: Sau cơn mưa trời lại sáng. Chẳng có gì để bàn luận về tính xác đáng của câu nói này. Đó là một chân lý không thể chối cãi, và sẽ là rất ngu ngốc nếu có ai đó phủ nhận.

Thiên nhiên là minh chứng rõ ràng nhất cho chân lý ấy. Đây là một quy tắc bất di bất dịch của tạo hóa: Có mưa thì phải có nắng, có tối thì phải có sáng. Những yếu tố đối lập này cứ luân phiên nhau đến với nhân loại, cuộc sống nảy sinh từ sự hài hòa giữa các mảng sáng – tối, nắng – mưa, khái niệm “cuộc đời” đã được sinh ra trong hoàn cảnh đó.

Và rồi, cứ mỗi khi ai đó gặp chuyện không may trong cuộc sống, người thân, bạn bè của họ thường an ủi họ bằng chính cái khái niệm ấy: “Cuộc đời mà!” Ừ, nghe có vẻ hợp lý và dễ an lòng, người đó nghĩ rồi mình sẽ ổn thôi. Nếu chịu khó tìm trên google hoặc bất kỳ phương tiện truyền thông nào, bạn sẽ nhận được một rổ châm ngôn với đại ý: ĐỪNG BAO GIỜ bỏ cuộc, may mắn rồi sẽ tìm đến với bạn sau những điều tồi tệ ấy!

– Ừ chính xác…

– Có gì để phản bác không?

– Không…

– Tất nhiên rồi, khà khà

Nhưng… Này, ba cái chữ in hoa kia dễ làm lắm hả? Bạn có chắc là sau 5 lần nghe câu nói “cuộc đời mà!” kia, bạn vẫn còn đủ nhiệt huyết, niềm tin và động lực để bước tiếp? À, 5 lần vẫn không là gì hả? 10 lần thì sao? À, 10 lần chỉ là chuyện nhỏ với bạn đúng không?

– Mệt quá, không cố nữa đâu …

– Đừng nản lòng, sau cơn mưa trời lại sáng!

– Ừ đúng…

– Thế sao ủ rũ thế? Lạc quan lên!

– Ừ… *Cười gượng*

– Nhớ đấy!

– Nhưng này, cơn mưa kéo dài bao lâu?

– … Không biết… nhưng đại loại là sau đó trời sẽ sáng…

Chiều cao con người có hạn mà, nhỉ? Nước mưa ngập đầu rồi thì nắng lên còn ý nghĩa gì không? Có chăng lúc đó, tất cả những gì bạn có thể làm là cố gắng đón những tia sáng le lói xuyên qua làn nước đang nhấn chìm mình, rồi dần lịm đi khi vẫn tồn tại đâu đó trong bạn một niềm hy vọng về một điều thần kỳ rằng nước sẽ bốc hơi NGAY LẬP TỨC sau khi nắng lên.

*Photo: Ewitsoe

 

Đừng hiểu lầm. Tôi không có ý bảo bạn ngừng cố gắng. Chỉ là, hãy tính toán kĩ hơn và đừng làm mọi thứ một cách vô tội vạ. Đó là thiên chức của bộ não con người – thứ khác biệt rõ ràng nhất đối với động vật bậc thấp. Đừng tự huyễn hoặc, hãy thực tế. Đừng tìm cách bao biện, hãy sửa sai.

Bởi lẽ, cuộc đời không có chỗ cho quá nhiều sai lầm. Nó sẽ nhấn chìm bạn trước khi bạn kịp làm gì đó. Tôi ghét phải nghe câu “Thôi lần sau cố gắng”. Tại sao phải là LẦN SAU trong khi ngay lúc này tôi có thể làm tốt hơn? Câu nói đó chẳng qua là cách nói khác của “Lần này mày ngu vãi l*n”. Bạn không cần phải thức đêm để làm việc mới thành công, nhưng nhất thiết bạn phải tỉnh táo và chăm chỉ vào ban ngày.

Đây là lúc để gạt khỏi đầu những câu an ủi chết người đó. Nếu thất bại, hãy dũng cảm nói “Tôi sai rồi”, chứ đừng có nói “thất bại là mẹ thành công”. Đó sẽ là con dao bạn tự mài để đâm chết chính mình.

 

Duy Bàn Chân

Thêm Một Lần Yêu Em

0
*Photo: the twinkling of an eye

 

Đêm lạnh thật sự khó chịu

Dạo này không khí càng lúc càng lạnh, buồn thay là cái lạnh này sau mùa Noel cũng không có dấu hiệu sẽ chấm dứt hay giảm đi. Đối với nhiều người bình thường thì đêm lạnh sẽ rất tuyệt để đánh một giấc ngủ sâu và say, xua tan những mệt mỏi trong ngày. Thế mà đối với tôi thì nó như một dụng cụ tra tấn hữu hiệu, một hình phạt dành cho kẻ đã phản bội tình yêu. Mấy dòng này đây để tôi ghi nhớ cái cảm xúc lúc này đang trỗi dậy trong mình, và cũng là vì tôi muốn viết cái gì đó. Sau đây cho phép tôi được kể một câu chuyện khá dài.