25 C
Nha Trang
Thứ hai, 28 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 264

Quả Trứng – The Egg (Cuộc trò chuyện với Thượng Đế)

Ngươi chết trên đường về nhà.

Tai nạn giao thông.  Không có gì đặc biệt, tuy thế mà chết người.  Ngươi để lại vợ và hai con.  Cái chết không đau đớn.  Nhân viên cứu cấp hết lòng cứu chữa nhưng vô hiệu quả.  Thân thể ngươi nát bấy, thoát đi thì tốt hơn, tin Ta đi.

Và khi ấy ngươi gặp Ta.

“Sao… chuyện gì vậy?”  Ngươi hỏi, “Tôi đang ở đâu đây?”

“Ngươi chết rồi,” Ta nói, một cách thẳng thừng.  Nói kiểu cách làm chi.

“Có chiếc xe vận tải trượt bánh…”

“Đúng thế,” Ta nói.

“Tôi…  Tôi chết rồi ư?”

“Đúng.  Nhưng đừng có buồn.  Ai cũng chết,”  Ta nói.

Ngươi nhìn quanh.  Hư vô.  Chỉ ngươi và Ta.  “Đây là đâu?”  Ngươi hỏi, “Đây là đời sau đấy à?”

“Thì cũng đâu đó,” Ta nói.

“Có phải Ngài là Thượng Đế?”  Ngươi hỏi.

“Ừ,” Ta trả lời, “Ta là Thượng Đế.”

“Thế còn con cái…  vợ Tôi thì sao?”  Ngươi nói.

“Sao là sao?”

“Họ có hề hấn gì không?”

“Ta cũng đang còn chờ xem sao,” Ta nói, “Vừa mới chết mà ngươi đã vội lo lắng cho gia đình.  Khá lắm.”

Ngươi nhìn Ta kinh ngạc.  Đối với ngươi, Ta không có vẻ gì là Thượng Đế, Ta giống như người thường.  Hoặc có thể là một người đàn bà.  Có thể là một giới chức thẩm quyền nào đó.  Hao hao như thầy giáo tiểu học hơn là đấng toàn năng.

“Đừng lo,” Ta nói, “Họ sẽ yên lành.  Con cái ngươi sẽ nghĩ ngươi toàn hảo về mọi mặt.  Chúng đã không rỗi hơi mà sinh lòng khinh thường ngươi.  Vợ ngươi bề ngoài sẽ khóc thương, nhưng trong lòng nhẹ nhõm.  Nói cho ngay, hôn nhân gia đình ngươi đang tan vỡ.  Nếu để nói an ủi thì vợ ngươi sẽ cảm thấy rất tội lỗi khi được nhẹ gánh.”

“Ủa,” ngươi nói, “Còn bây giờ thì sao?  Tôi có được lên thiên đàng hay bị đày xuống địa ngục hay gì đây?”

“Không đi đâu hết,” Ta nói, “Ngươi sẽ được tái sinh.”

“À,” ngươi nói, “hóa ra đạo Hindu nói đúng.”

“Đạo nào cũng đều đúng trong cách riêng của họ,” Ta nói, “Hãy đi với Ta.”

Ngươi theo sau, cùng Ta rảo bước qua cõi hư vô.  “Chúng ta đang đi đâu đây?”

“Không nhắm đến nơi nào cả,” Ta nói, “Cứ vừa đi vừa trò chuyện cho vui.”

“Vậy là nghĩa làm sao, thưa Ngài?”  Ngươi hỏi, “Khi tái sinh, Tôi sẽ như một tấm bảng tinh khôi, có phải vậy không?  Một đứa trẻ thơ.  Và như thế mọi kinh nghiệm và mọi việc tôi làm trong kiếp này chẳng có tác dụng gì.”

“Không phải vậy!”  Ta nói, “Ngươi vẫn lưu giữ tất cả những kiến thức và kinh nghiệm của tiền kiếp.  Có điều là hiện tại ngươi không nhớ đấy thôi.”

Ta dừng lại và nắm lấy vai ngươi, “Linh hồn ngươi tráng lệ, đẹp đẽ, và bao la hơn ngươi có thể tưởng tượng.  Trí tuệ con người chỉ có thể chứa một phần nhỏ của bản thể ngươi.  Như thể ngươi nhúng ngón tay vào ly nước để thử xem nóng hay lạnh.  Ngươi bỏ một phần tí tẹo của ngươi vào cái vại, và khi kéo ra, ngươi được thêm tất cả kinh nghiệm của nó.

Ngươi mang phận người trong 48 năm qua, thế nên ngươi chưa kinh qua đủ để cảm nhận được cái ý thức mênh mông của ngươi.  Nếu như chúng ta ở đây lâu hơn chút nữa, ngươi sẽ nhớ lại mọi điều.  Nhưng màng chi chuyện đó khi đang hóa kiếp.”

“Vậy thì Tôi đã tái sinh bao nhiêu lần rồi, thưa Ngài?”

“Ồ, nhiều lắm.  Nhiều không kể xiết.  Và đã sống qua nhiều kiếp người.”  Ta nói, “Lần này, ngươi sẽ là cô thôn nữ Tàu vào năm 540 trước Công nguyên.”

“Sao?”  Ngươi ấp úng, “Ngài gởi Tôi ngược dòng thời gian ư?”

“À, đại khái là thế.  Thời gian, ngươi biết đó, chỉ hiện hữu trong vũ trụ của ngươi.  Từ nơi Ta đến mọi thứ đều khác biệt.”

“Ngài từ đâu đến?”  Ngươi hỏi.

“Thì,” Ta giải thích, “Ta đến từ một nơi chốn.  Một nơi chốn khác.  Và có những kẻ khác giống Ta.  Ta biết ngươi muốn biết nơi đó ra sao, nhưng thật tình ngươi sẽ không hiểu được.”

“Ồ,” ngươi nói, thoáng tiu nghỉu, “Hãy khoan.  Nếu như Tôi tái sinh vào những nơi khác đúng lúc, không chừng Tôi sẽ gặp chính mình.”

“Quả thế.  Xảy ra thường xuyên.  Và với hai kiếp người chỉ biết nhận thức về đời mình thì ngươi nào biết điều gì đang xảy ra.”

“Vậy thì tất cả có nghĩa lý gì?”

“Thật không?” Ta hỏi, “Hỏi thật không đó?  Ngươi hỏi Ta ý nghĩa cuộc đời là gì?  Hơi có vẻ rập khuôn nhỉ?”

“Câu hỏi hợp lý mà,” ngươi vẫn khăng khăng.

Ta nhìn đăm đăm vào mắt ngươi, “Ý nghĩa của cuộc đời, mục đích Ta tạo dựng nên vũ trụ này, là để ngươi trưởng thành.”

“Ngài ám chỉ cả nhân loại?  Ngài muốn chúng tôi trưởng thành?”

“Không, chỉ một mình ngươi.  Ta tạo nên cả vũ trụ này riêng cho ngươi thôi đó.  Với mỗi cuộc đời mới ngươi trở nên chín chắn hơn và trí tuệ ngươi được thăng tiến hơn.”

“Chỉ mình Tôi thôi sao?  Thế còn mọi người khác thì sao?”

“Không có ai khác cả,”  Ta nói, “Trong vũ trụ này chỉ có ngươi và Ta.”

Ngươi nhìn Ta trân trối, “Nhưng còn biết bao người trên thế giới…”

“Tất cả chỉ là ngươi.  Những kiếp tái sinh của chính ngươi.”

“Sao.  Tôi là mọi người à?”

“Ngươi đang hiểu ra rồi đấy,” Ta nói, vỗ lưng ngươi khen thưởng.

“Thế ra tôi là mỗi người đã đến trong cuộc đời này?”

“Đúng vậy, và cũng là những người sẽ đến nữa.”

“Tôi đã là Abraham Lincoln?”

“Cũng là John Wilkes Booth nữa,” Ta tiếp lời.

“Tôi đã là Hitler?”  Ngươi nói, vẻ bàng hoàng.

“Và cũng là hàng triệu người mà hắn đã sát hại.”

“Tôi đã là Jesus?”

“Và ngươi cũng là mỗi môn đồ của ổng nữa.”

Ngươi lặng im.

“Mỗi khi ngươi làm hại ai,”  Ta nói, “ngươi làm hại chính ngươi.  Mỗi khi ngươi làm điều thiện, ngươi làm cho chính ngươi.  Mỗi giây phút vui buồn của nhân loại từ trước tới giờ, và trong tương lai, đều được ngươi cảm nhận.”

Ngươi nghĩ ngợi một hồi lâu.

“Tại sao?”  Ngươi hỏi Ta, “Thế là thế nào?”

“Bởi vì ngày nào đó, ngươi sẽ trở nên như Ta.  Bởi vì đó chính là ngươi.  Ngươi cùng một bản thể với Ta.  Ngươi là con Ta.”

“Ủa,” ngươi thốt lên, “Ý Ngài nói Tôi là Thượng Đế?”

“Chưa đâu.  Ngươi mới chỉ là một cái bào thai.  Ngươi còn đang tăng trưởng.  Một khi ngươi trải nghiệm muôn kiếp nhân sinh qua hết mọi thời đại, ngươi sẽ đủ chín chắn để được sinh ra.”

“Như vậy hết thảy vũ trụ,” ngươi nói, “chỉ là…”

“Một quả trứng.”  Ta trả lời, “Bây giờ là lúc ngươi tiến tới kiếp sau rồi đó.”

Và Ta tiễn ngươi vào đời.

Tác giả: Andy Weir — Dịch: Anne Nguyễn

 

Valentine, ngày dành cho người cô đơn!

*Photo: Ibai Acevedo

 

Nghe thì có vẻ lạ, ai chả biết Valentine là lễ tình nhân, nói thế chả khác nào phủ nhận tất cả các khái niệm mà chúng ta biết về ngày lễ này. Nhưng sẽ không lạ lắm đâu ạ, nếu các bạn đọc bài này.

Thiết nghĩ các cặp tình nhân có lẽ không cần lắm ngày này đâu. Một khi đã yêu nhau thì ngày nào chẳng là lễ tình nhân, lúc nào mà không có lý do để tặng quà cho nhau, lúc nào mà không có lý do để cùng nhau đi chơi hoặc hôn nhau cơ chứ. Rằm tháng bảy, trung thu, một tháng sáu, hai tháng chín,.. Ngày nào mà chả là lễ tình nhân theo cách mà các bạn ấy thể hiện.

Cũng như cho dù đất nước chúng ta đã hòa bình vài chục năm nhưng chỉ khi đến lễ quốc khánh cả nước mới sôi sục, tự hào và bàn luận thật nhiều về sự tự do. Tình yêu cũng thế, đôi lứa đã yêu nhau thì Lễ tình nhân như này cũng như một ngày để họ cảm nhận sâu sắc hơn rằng họ đang có nhau, rằng hơn tất cả những người cô đơn trên thế giới này, họ đang yêu và được yêu. Chỉ thế thôi, cho dù ai có quan trọng hóa thế nào đi chăng nữa thì valentine đối với những người đang yêu nhau, thật ra cũng bình thường thôi.

Những người cần chú ý, cần quan tâm, những người có cảm xúc phức tạp nhất trong những ngày này, lạ thay, lại chính là những người cô đơn.

Này nhé, sự cô đơn thực chất nó đã đau khổ lắm rồi, thế mà những ngày này lúc nào cũng thấy những thứ liên quan đến tình yêu, nào là viết status, nào là quảng cáo, nào là các trang báo. Ai ai cũng nói về tình yêu, đâu đâu cũng có tình yêu, nó chẳng khác nào một người đang bị đói mà xung quanh ai cũng ăn uống no sai rồi còn bàn luận về thức ăn trước mặt mình nữa. Rồi những người cô đơn ấy lúc nào cũng hô hào về sự tự do vĩ đại của mình thì trong những ngày này bỗng dưng thấy trống trãi lạ thường, cô đơn lạ thường.

Cái kiểu mà Valentine nằm nhà lướt facebook hoàn toàn không dễ chịu chút nào. Điều ấy lại nảy sinh một vấn đề nữa là những người cô đơn bỗng dưng thèm yêu lạ lùng, và nếu không may sự vội vàng sẽ khiến họ phải chấp nhận những mối tình mà sau này có khi phải ngậm ngùi. Ngày Valentine, những người yêu nhau thì sẽ vẫn cứ yêu nhau, vẫn cứ cười với nhau, vẫn sẽ nắm tay nhau, vẫn sẽ đi chơi cùng nhau như hàng triệu ngày trước đó, nhưng những người cô đơn thì sẽ cô đơn nhiều hơn, buồn nhiều hơn, trống trãi nhiều hơn.

Thấy chưa, những đôi tình nhân vào ngày này có gì khác đâu, chỉ những người cô đơn tâm hồn mới bị xáo trộn có khi nó còn kéo theo sự xáo trộn trong cuộc sống nữa ấy chứ!

Ngày này còn dành cho một loại người nữa, cũng là cô đơn nhưng chính xác phải dùng từ này cho họ, “những người sắp hết cô đơn hoặc chuẩn bị tan nát trái tim.” Valentine, một đòn bẩy tuyệt vời để những thứ tình cảm nhỏ nhen được dịp bay cao, một cơ hội tuyệt vời để bày tỏ tình cảm. Thế là thế giới sẽ được dịp chứng kiến những cặp đôi mới, hoặc bi kịch là chứng kiến những chàng trai đang cầm bó hoa nhưng nước mắt lưng tròng và tay thì đang bóp chặt lồng ngực, ai mà biết được! Dù là thiên đường hay địa ngục thì ngày này cũng là một cột mốc quan trọng trong đời họ!

Bạn có phải là người đang cô đơn? Tôi tin phải, bởi chỉ có cô đơn hôm nay bạn mới ngồi nhà và đọc những dòng này thôi. Nhưng đó không hẳn là một bi kịch đâu. Tôi xin nhắc lại một câu nói của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh:

“Tâm hồn chúng ta được sinh ra là để chờ đáp lại niềm yêu mến đến từ một tâm hồn khác. Nó giống như chiếc ống sáo, sẵn sàng reo lên khi ngọn gió mùa hè thổi qua.”

Hay một câu chuyện khác rất nổi tiếng, câu chuyện “Cô Bé Lọ Lem” ấy. Nhưng đừng hiểu nhầm, tôi không muốn nói về cô bé lọ lem hay chàng hoàng tử đâu, cả thế giới đã nói quá nhiều về họ rồi. Tôi muốn nói đến một biểu tượng ý nghĩa trong truyện mà ít ai nói tới, đó là đôi giày. Đặt một giả thiết như này, rằng không có chuyện đôi giày có thể tự giãn nở, và rằng thật ra bà mẹ của ghẻ của cô bé lọ lem cũng thử vừa chiếc giày mà hoàng tử nhặt được, thế hoàng tử làm sao tìm được lọ lem?

Dễ thôi, chỉ cần hỏi những người thử vừa một câu: “Thế chiếc giày còn lại đâu?” Không có đôi giày nào tồn tại một mình, cũng như chúng ta, không ai tồn tại một mình, vấn đề là bao giờ tìm thấy nhau? Vấn đề là “chiếc giày còn lại ở đâu?” Nó tìm ta hoặc ta tìm nó, tất cả chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

Như cái tựa đề, hôm nay là ngày dành cho những người cô đơn nên tôi xin chúc cho các bạn đang cô đơn sớm tìm được một nửa của mình, đâu đó xung quanh thôi…

 

 

David Bectam

Nếu có đủ niềm tin vào bản thân thì cứ nghỉ học!

*Photo: abbietabbie

Đi học vui mà

Nếu ai đó hỏi rằng tôi có yêu những ngày học sinh nhỏ nhỏ bé bé không? Tôi nói có, thậm chí chúng tôi vẫn mong muốn được đi học trở lại. Ở đó, tôi sẽ lại nói chuyện trong giờ học một cách lén lút vì sợ bị ghi tên vào sổ đầu bài. Sẽ loay hoay đứng xếp hàng trước mỗi giờ vào lớp và đành hanh với những tổ khác việc lớp trưởng cho ai vào lớp trước?! Sẽ bị đám con trai ôn dịch kia buộc áo dài của hai đứa con gái ngồi gần nhau lại. Và nhìn chúng nó thả pháo nổ vào thang máy giáo viên.

Chúng tôi sẽ lại khăn gói đi trại, hét hò, nhảy múa. Tất nhiên là sẽ trốn học đi chơi với nhau nữa. Đi bằng xe đạp, tới tận cùng thế giới cũng xong… À, và tôi sẽ lại yêu mối tình học trò của mình!

Dễ thương mà đúng không? Bất chấp cả một thế lực to lớn bao gồm phụ huynh giáo viên và giám thị, chúng tôi vẫn kiên cường chiến đấu, học những môn mình ghét cay ghét đắng, cam chịu những con người mình ghét đắng ghét cay. Nếu ai đó hỏi tôi đổi những ngày đi học khuôn phép nề nếp này lấy sự tự do được lựa chọn điều mà mình yêu thích, nói thật, tôi vẫn chọn đi học. Vì tôi nhớ, cả lũ chúng tôi đã khóc như mưa ngày ra trường…

Tôi không tin là chúng tôi bị bắt đi học. Với tôi, tôi lựa chọn việc được đi học. Không phải vì kiến thức gì gì đó, vì đi học vui, vậy thôi. Tôi lựa chọn niềm vui, trong một giai đoạn chưa biết buồn, cũng chưa cần phải buồn.

Lại chuyện chọn “sai” ngành

Mọi chuyện không huy hoàng như vậy với trường Đại học. Tôi chọn phải một ngành mà học đến giữa đường thì đâm ra ghét cay ghét đắng. Ghét như ghét mấy ông thầy bà cô hay đì ép học sinh thời cấp 3. “Tội nghiệp” tôi!

Nhưng Đại học thì là thứ mình có thể lựa chọn, tại sao vẫn chọn sai? Ai hỏi tôi như vậy, tôi cũng chịu thôi! 18 tuổi, tôi vẫn luôn ý thức mình muốn gì và mơ mộng gì. Chỉ là không đủ dũng cảm lựa chọn. Cũng không tin mình có năng lực theo đuổi. Chọn sai và (lê lết) đi đến cuối cùng. Chọn sai và yên tâm chọn lại. Tại sao người ta có thể học ĐH ở tuổi 80 mà không cho một đứa 22 tuổi như tôi được quyền chọn lại?! Mà, người ta có cho hay không cũng không quan trọng. Tôi tự cho phép mình là được.

Nói cho đúng ra, tôi chưa bao giờ thật sự hối hận về việc chọn ngành học của mình. Tôi chỉ nghĩ, nó giống như việc con người ta cần làm tròn nhiệm vụ của mình, trong những giai đoạn nhất định. Việc học ĐH của tôi, tôi chỉ nghĩ đơn giản như ngày nhỏ tôi chán học sử địa lí hoá các thứ (nói chung chán hết), nhưng cuối cùng vẫn đi học và thi cuối kì.

Đừng đổ lỗi cho trường đại học!

Tôi luôn biết ơn trường Đại học. Thật sự.

Nhờ có sự chọn nhầm ngày ấy, mà hôm nay, tôi quyết tâm đi con đường của mình. Yên tâm chọn lựa vì niềm tin “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Và cũng bởi, 22 tuổi, tôi tin mình đã đủ năng lực hành vi và tinh thần, để chịu trách nhiệm cho bất kì quyết định (điên khùng) nào của mình.

Tôi chỉ muốn nói với những ai đã hoặc đang muốn rời bỏ trường Đại học rằng, nếu bạn muốn học, không bao giờ thiếu thứ để bạn trải nghiệm, dù bạn đang ở đâu đi nữa. Trường Đại học không làm phí thời gian của bạn, chỉ có bạn tự làm phí phạm tuổi trẻ của mình. Đừng chạy theo những giấc mơ Bill Gates, Steve Jobs… khi bạn còn chưa nhận thức rõ ràng rằng họ rất khác mình. Con đường nào cũng đúng, và con đường nào cũng sai. Là ở mình!

Và thật sự, tôi không giới hạn những điều tôi học được ở trường Đại học trong khuôn khổ kiến thức chuyên ngành, vì nếu như vậy, tôi gần như trắng tay sau khi ra trường. Tôi tin trường Đại học cho tôi những trải nghiệm. Trải nghiệm về một cấp cao hơn của một nền Giáo dục đã cũ (nhưng tôi không thấy ghét cách học này, cũng không định phỉ báng nó như một số người vẫn phê phán nước mình), trải nghiệm về cơm áo gạo tiền, về những mối quan hệ kiểu sinh viên.

Tôi đã gặp những người mà tôi muốn giữ lại trong đời đến nhiều năm sau này. Và mối tình đơn phương dễ thương vô vọng của tôi nữa. Thêm một vài việc ngông cuồng trẻ dại mà nếu là học sinh thì không dám làm, còn người lớn thì chê là u muội.

Nếu đủ niềm tin vào bản thân, cứ nghỉ học!

Nói thật, tôi đã từng muốn nghỉ học không dưới một lần, hồi còn học năm 2 năm 3, hồi tôi thi rớt, hồi tôi nhận thông báo nghỉ học Cử Nhân Tài Năng, thậm chí hồi tôi chỉ còn 1 môn nữa là kết thúc 4 năm ròng. Và giả sử, hồi đó tôi có nghỉ thật đi nữa, chắc cảm giác của tôi bây giờ cũng không khác mấy. Bình thản vậy thôi. Vì tôi vẫn luôn học, dù có đến trường hay không… Có chăng, tôi đã thiếu sót khi cho rằng tấm bằng chỉ là của mình chứ không phải của Bố Mẹ nữa. Không phải là tiền của Bố Mẹ, là niềm tin của Bố Mẹ kia.

Rất nhiều người phán xét việc tôi chọn ngành học, việc tôi đòi bỏ học. Kể cả Bố Mẹ. Kể cả bạn thân nhất. Tôi cũng từng buồn, từng đau lòng, từng áp lực vì họ. Nhưng, tôi cũng chỉ có một tuổi trẻ để sống. Có người cảm thấy sự an toàn và ổn định của họ là hạnh phúc. Có người cảm thấy được làm điều mình muốn, ngay lập tức, không tính toan nhiều nhặn, là hạnh phúc, như tôi. Vậy thì, tôi không lên án cách sống của ai. Nên cũng không đặt vào tai mình sự phán xét của họ. Dù người đó là Bố, Mẹ, bạn thân hay những người (được xem là hoặc tự cho mình là) hiểu chuyện và hiểu đời.

Chỉ bởi vì, việc tôi làm gì, sống như thế nào, hoàn toàn không liên quan đến việc tôi có đủ năng lực hoàn thành bổn phận làm con, làm bạn, làm abc xyz của mình hay không. Vì mỗi người có một cách riêng để sống có trách nhiệm. Tôi không trách nhiệm theo cách của Bố Mẹ, bạn bè, anh chị, vân vân… không có nghĩa là tôi vô tâm và hư hỏng ! Đó là tôi tự nghĩ vậy. Ai nghĩ khác tôi cũng không ép.

Đến lúc kết nhỉ, dài dòng quá rồi

Và bạn biết quan điểm của tôi là gì không? Bạn cứ nghĩ theo đúng cái cách mà bạn đang tin.(Tôi đã nói rõ là của bạn nhé!) Bạn có thể yêu quý việc đi học hoặc không, có thể nghỉ học bất kì lúc nào bạn thấy đúng thời điểm. Tôi chỉ muốn nói là, việc học (không phải việc đi học) nó vẫn luôn vận hành theo một cách kì diệu nào đó, bạn có thể nhìn thấy được hoặc không. Nên đừng phủ nhận bản thân mình, cũng đừng phủ nhận người khác. Bạn chỉ có một cuộc đời để sống, chăm sóc tốt cho nó thật sự mất rất nhiều thời gian và tâm lực. Bằng mọi giá, hãy trân trọng hiện tại, và nếu cần, đừng ngại thay đổi! Bạn luôn có cái quyền đó, bạn biết chứ? Cái quyền được lựa chọn

P/S: 22 tuổi, sắp bước qua 23, tôi đang sống những ngày đơn độc trên con đường của mình. Hạnh phúc học cái mình muốn, nghĩ điều mình thấy được an ủi, mơ giấc mơ miên man bất tận, mỗi ngày đều sống ngoan, sống thật, dịu dàng thương mình bất chấp tất cả những sự dèm pha về một đứa con gái bất tài vô dụng và hoang tưởng – mỗi ngày.

 

 

Yên

Để người khác được tự do nghi ngờ về bạn

Photo: Lục Phong

Có thể bạn đã từng không thích ai đó nghi ngờ mình, hoặc mình phải nghi ngờ ai đó chi cho mệt. Nhưng thật ra, trong tâm lý học thì NGHI NGỜ LÀ NỀN TẢNG CỦA NIỀM TIN. Nghi ngờ tuyệt nhiên không liên quan gì đến định kiến, nó không phải là một phán xét về ai đó xấu hay tốt. Nghi ngờ chỉ đơn giản là: Chưa hiểu biết về ta. Từ đó mà người nghi ngờ có thể đề phòng, giữ khoảng cách, tìm hiểu đối tương bị nghi ngờ. Một khi nghi ngờ đủ nhiều, có được kết quả, thì niềm tin về điều đó cực kỳ vững chắc, nó định hình đối tượng bị nghi ngờ rất sâu sắc (ăn thua chỗ này cả). Qua đó, ta có thể rút ra một kết luận phụ:

Nếu ai đó chỉ đơn thuần nói tin tưởng bạn, rất có thể đó là lời nói suông hoặc không đủ quan tâm dành cho bạn.

Hãy chú tâm hơn tới những người nghi ngờ về bạn. Những người đó có sự quan tâm nhất định đến bạn, có sự tò mò nhất định về bạn, và rất có thể sẽ trở thành những người thân cận nhất với bạn.

Khi người ta chưa hiểu gì về tính cách của bạn, về khả năng của bạn, vì bất cứ lý do gì đó, vì bạn ít thể hiện chẳng hạn thì bạn phải cho phép người ta nghi ngờ bạn. Đó là một điều hoàn toàn tự nhiên mà bạn cũng có trong mình. Hãy nhớ kỹ điều này, vì nó rất quan trọng trong nhiều việc.

Bạn ước mơ một thứ, và bạn chưa từng làm gì để chứng minh là mình có đủ khả năng để thực hiện nó ngoài một niềm tin vô hình không ai có thể thấy. Bạn hãy chuẩn bị tinh thần trước sự nghi ngờ của bố mẹ, người thân và bạn bè đi là vừa. Rất tiếc là, nếu điều đó càng lạ lẫm hay vĩ đại thì nỗi nghi ngờ càng cao, và khi nỗi nghi ngờ càng cao thì nó lại có xu hướng trở thành “khó tin”. Từ trạng thái nghi ngờ – “chưa tin” chuyển sang trạng thái “khó tin”, điều này có nghĩa là bắt đầu có những khó khăn cho bạn rồi đó.

Nhưng như đã nói ở trên, bạn phải cho phép người ta nghi ngờ về điều đó. Và điều duy nhất bạn có thể làm là: Nói được thì làm được! Bạn phải chứng minh cho mọi người thấy khả năng của mình để họ có thể dần dần tin nó là “thật” ở nơi bạn.

Bạn thương một ai, và người ta nghi ngờ bạn đang lợi dụng người đó. Ùm, chỉ có một mình bạn hiểu bạn đang yêu thương thật lòng hay lợi dụng. Lúc này, ai nghi ngờ cũng không quan trọng, nhưng sẽ không may nếu người bạn thương đang nghi ngờ bạn đấy. Đó là lúc bạn cần có những hành động để chứng minh cho bản thân mình.

Nghi ngờ! Nghi ngờ là thứ để thúc bạn xây dựng hình ảnh bản thân, nghi ngờ là thứ để nói rằng bạn hãy chứng minh bản thân mình, làm việc chăm chỉ. Nghi ngờ là tốt, bị nghi ngờ là tốt, nhưng nếu người ta luôn nghi ngờ tất cả mọi điều về bạn thì chắc là có điều gì đó không ổn rồi đấy nhé.

Làm người ai cũng muốn có những người thân cận tin tưởng và luôn ủng hộ mình. Nhưng lỡ như, có đôi khi những người xung quanh chưa ai tin ta cả thì cũng đừng buồn, vì đó là lúc chúng ta phải chứng minh mình thật nhiều. Lòng tin tưởng là thứ quý giá, do đó người ta cũng không dễ gì tặng nó cho bạn, trừ khi bạn thuyết phục được họ một cách hoàn toàn. Tôi thiết nghĩ, những thứ quý giá luôn hiếm hoi và chẳng dễ gì xuất hiện, và nếu bạn muốn có được nó, bạn phải trả những cái giá tương ứng, bạn phải hi sinh cho nó, bạn phải nỗ lực để xứng đáng với nó, nhưng phần thưởng có lẽ cũng sẽ ngọt ngào không kém những gì bạn đã bỏ ra đâu, tin tôi đi!

-Lục Phong-

Niềm tin

*Photo: Cameron Bushong

 

Một phần ba số bệnh nhân tâm thần thực tế không có tổn thương thần kinh vật lý nào cả, họ chỉ đơn giản là thiếu đi một thứ rất quan trọng: Niềm tin.

Với rất nhiều người, cuộc sống chỉ đơn giản là những chuỗi ngày ăn uống ngủ nghỉ, đi chơi, xem phim, yêu đương, lập gia đình, sinh con, già đi và chết. Điều đó không có gì sai, chỉ có điều, hình như nó quá nhàm chán. Và những thứ nhàm chán lặp đi lặp lại hàng ngày sẽ giết chết mọi niềm vui sống của một người, tệ nhất là tự tử.

Không có gì lạ, khi số lượng người tự tử ở các nước phát triển thường cao hơn các nước nghèo, khi cuộc sống vật chất quá đầy đủ và đã đi vào vòng quay bất tận, con người thường mất đi mục đích sống, mất đi mục tiêu phấn đấu, mất đi mọi niềm vui thuần khiết nhất mà họ từng có.

Nếu đi hỏi 10 người câu hỏi: “Lý tưởng sống của bạn là gì?” – có tới 9 người sẽ đơ mặt ra và ấp úng không biết nói gì. Người còn lại sẽ nói rằng: “Kiếm nhiều tiền, trở nên thành công, nổi tiếng… ” Câu trả lời sai rồi, lý tưởng là thứ mà bạn sẵn sàng hy sinh vì nó, có ai sẵn sàng hy sinh (chết) để có nhiều tiền hơn, để nổi tiếng hơn không? Cũng có đấy, nhưng ít lắm.

Khi quá thiếu niềm tin, con người sẽ phải khỏa lấp chỗ trống trong lòng họ bằng nhiều phương pháp. Uống rượu, tưng bừng thâu đêm suốt sáng, đập đá, bay lắc, tình dục bừa bãi v..v.. Không có cách nào khác, họ cần phải quên đi khoảng trống nội tâm của họ, họ cần có một hoạt động gì đó để quên đi câu hỏi mà lẽ ra họ phải luôn tự hỏi mình: “Tôi sống vì điều gì?” Vì sao ư? Vì họ sợ phải đối diện với nó, sợ phải đối diện với chính mình.

Một số người tìm thấy niềm tin trong tôn giáo, vào những Đấng thiêng liêng, vào những thế lực siêu hình, vào một sự sống vĩnh cửu sau khi chết, vào một nước thiên đàng mà họ phấn đấu để đạt tới. Như vậy cũng không có gì sai, ít ra bây giờ họ đã có niềm tin, có cái để phấn đấu, để nương tựa vào. Đó là lý do vì sao tôn giáo lại nắm giữ một bộ phận quyền lực rất lớn.

Một số người tin rằng khi họ gặp một người “hoàn hảo”, mọi vấn đề của họ sẽ được xử lý, họ sẽ trở nên hạnh phúc, yêu đời và tràn đầy sức sống, cuộc sống của họ sẽ có ý nghĩa. Đó không phải là nội dung của 90% các ca khúc thị trường ngoài kia sao? Tin buồn là mọi thứ dường như không đơn giản vậy.

Những cái đó, cũng chỉ như một liều thuốc an thần tạm thời, đến cuối cùng, họ vẫn phải đối diện với sâu thẳm bên trong mình, họ là ai, họ sống vì điều gì? Tới một lúc, tất cả các tín đồ thuần thành nhất rồi cũng đều phải nhận ra, các Đấng thiêng liêng không sống thay họ được, không cứu rỗi họ được, cuối cùng chỉ còn lại một mình họ với bản thân mà thôi. Những cặp đôi yêu nhau nhiệt tình nhất rồi cũng phải nhận ra rằng, người kia không giúp họ tìm được ý nghĩa của cuộc đời (mà thường là sẽ làm rối tung nó lên).

Bạn có thể đọc hàng trăm quyển sách về đề tài này, nhưng nó cũng chẳng giúp bạn nhiều trong việc tự đối diện với bản thân, chẳng giúp bạn biết mình sống vì điều gì. Bạn có thể mượn hàng trăm câu nói của hàng trăm bậc vĩ nhân nói về mục đích cuộc sống, nói về lý tưởng, nhưng rồi nó cũng chẳng giúp bạn nhiều lắm đâu, chỉ là trong giây phút nhất thời thôi.

Câu hỏi này không có lời đáp. Bạn phải tự tìm cho mình, phải tự hỏi mình, điều gì với bạn là thực sự quan trọng, nếu phải hy sinh thì bạn sẽ hy sinh vì điều gì?

Tìm ra rồi, hãy sống với nó, nhưng đừng áp đặt nó lên những người khác. Vì mỗi người đều có những câu trả lời khác nhau. Nếu một ngày, bạn nhận ra nó không còn đúng, vậy hãy bỏ nó đi, chọn lấy một câu trả lời khác, sống với nó, trọn vẹn một lần nữa.

Đừng bao giờ mong chờ vào một thứ thần kỳ nào hiện ra và làm cuộc đời bạn trở nên có ý nghĩa.

Bạn, chính là điều thần kỳ rồi.

 

Vuong Quang Vu

Người Việt đang xấu đi thật sao?

*Photo: Gluhaich Pictures

 

Có lẽ ai cũng biết rằng bất cứ một sản phẩm nào trước khi được đưa ra thị trường đều phải được kiểm tra xem sản phẩm ấy có đủ chất lượng hay bị lỗi gì không. Tuy nhiên chẳng có chuyện người ta kiểm tra từng sản phẩm một đâu, quy tắc của nó là thế này, trong một lô người ta lấy ra bất kỳ khoảng năm sản phẩm, nếu có nhiều hơn một sản phẩm bị hỏng nghĩa là cả lô sản phẩm đó bị kết luận rằng không đạt yêu cầu cho dù toàn bộ những sản phẩm còn lại có tốt đến đâu chăng nữa.

Đó là chuyện của hàng hóa, thế nếu chúng ta đem cái cách ấy để kết luận tính cách, nhân phẩm của một quốc gia, một dân tộc liệu có hợp lý chăng? Chưa biết là có hợp lý hay không cơ mà dường như ở đất nước này người ta đang sử dụng cách ấy rất phổ biến.

Nếu xem đất nước chúng ta là một lô hàng khổng lồ thì Facebook hay các trang báo mạng là nơi để người ta kiểm hàng còn những nhà báo, nhà bình luận là những người chọn những sản phẩm ra để kiểm tra và thực tế đã chứng minh, họ không chọn những sản phẩm ngẫu nhiên mà thích đem những sản phẩm xấu ra hơn, thế là theo quy luật của kiểm nghiệm, đất nước chúng ta (chính là lô hàng khổng lồ) dường như đang xấu đi trông thấy.

Câu chuyện về chú chim nổi tiếng nhất Việt Nam và chủ nhân của nó là một minh chứng. Theo thống kê của Google vào cuối năm ngoái thì Việt Nam có khoảng 20% dân số sử dụng Smartphone, trừ đi vài phần trăm người sử dụng chạy bằng hệ điều hành Windows Phone (Flappy Bird chưa hỗ trợ hệ điều hành này), trừ đi vài phần trăm người chơi trò ấy mà mình tin là hoàn toàn không quan tâm đến chủ nhân của người sáng tạo game ấy, tức là chỉ đơn giản chơi để giải trí như muôn đời vẫn thế, trừ đi vài phần trăm nữa những người ủng hộ game và tác giả của game ra.

Làm một phép trừ tưởng tượng đơn giản xem đáp án số người có khả năng ganh tỵ, ném đá, không tôn trọng tác giả là bao nhiêu? Chắc chắn là con số đó không vượt quá bảy phần trăm dân số Việt Nam. Thế các thánh dựa vào đâu mà bảo rằng dân tộc chúng tôi có thói hay ganh tỵ, dân tộc chúng tôi không biết quý trọng hiền tài, vân vân và vân vân.

Nếu một trăm người Việt làm từ thiện thì không hẳn cả người Việt tốt, còn nếu một trăm người Việt ích kỷ thì người Việt ích kỷ. Thật thế à?

Vâng, đó chính là thói quen của rất nhiều “các nhà phân tích vĩ đại”. Chuyện tốt thì không biết chứ chuyện xấu thì nó dễ dàng biến thành những cơn sốt dưới những ngòi bút “tài năng” ấy. Nói thật, chuyện hôi của ở đâu mà chả có trên hành tinh này, một chiếc xe tiền hoặc chở hàng bị lật người dân lao vào kiếm chát thật ra cũng khá bình thường trên thế giới.

Cơ mà ở Việt Nam nó sốt đến nỗi lên báo nước ngoài, những con người da vàng Việt Nam được chiếu lên TV nước ngoài, được đăng ảnh lên báo nước ngoài với hình ảnh xâu xé, giành giật từng lon bia đầy xấu hổ. Bọn họ sẽ dùng cặp mắt nào nhìn chúng ta? Ai mà biết được, chỉ biết rằng những người bình luận, phân tích ấy đã thành công trọng việc quảng bá cái xấu đầy tài tình. Không phải là chúng ta phải trốn tránh sự thật, không dám thừa nhận cái xấu. Nhưng điều lạ ấy là người ta thích soi mói cái xấu hơn là viết về những điều tốt.

Ví dụ nhé, nếu chiếc xe hôi bia ấy bị lật mà chẳng ai thèm vào hôi của người ta có nhốn nhao thế không? Có mấy bài viết kiểu “Người Việt không tham lam dù hàng chục lon bia lăn lóc trước mặt” “Vụ hôi bia và sự văn minh của người Việt” hay đại loại thế hay không? Chắc là không đâu, như tôi đã nói, người ta thích bàn về cái xấu hơn mà lại!

Có một lần tôi thấy một giáo viên cũ của mình đăng một bức ảnh lên facebook với rất nhiều món ăn chả khác nào nhà có tiệc, bảo rằng gặp mấy anh phóng viên tác nghiệp mến quá nên mời về nhà đãi cơm. Nhưng mà chuyện đó đâu có ai biết, đâu có ai thèm đói hoài. Nếu chuyện ấy xảy ra với một tình huống khác đi, rằng những người phóng viên ấy hết tiền, bụng đói đến nhờ một bữa cơm nhưng bị xua đuổi, chắc chắn nó sẽ đầy rẫy trên mạng mà thôi. Thế là cô tôi sẽ nổi tiếng không thua gì Bà Tưng, không may là cô ấy lại làm việc tốt, tiếc thay!

Rồi một ngày nào đó những đức tính tốt đẹp của chúng ta sẽ dần bị lãng quên, không phải là nó không tồn tại mà là vị chẳng ai biết. Đến lúc đó cả thế giới nhìn vào chúng ta như một đất nước chỉ biết đố kỵ, tham lam và ích kỷ. Thế giới không biết những anh hùng chạy xe ôm bắt cướp mà chỉ biết những tên hôi của, thế giới sẽ không biết những con người tốt bụng suốt đời chỉ biết làm từ thiện mà chỉ biết những thằng trẻ trâu vào tường của Bill Gate chửi cha mắng mẹ ông. Thế giới không bì mù, mà là vì chính chúng ta chỉ cho họ xem những thứ ấy.

Trả lời lại câu hỏi ở đầu bài, rằng chuyện áp dụng quy tắc trong kiểm nghiệm hàng hóa vào cả dân tộc có nên không. Nên, nếu bạn nghĩ một thằng suốt ngày lên facebook chơi Flappy Bird có thể đánh đồng với hàng trăm người đang khom lưng ngoài đồng. Nếu trách mắng, chửi rủa hãy cứ làm với những người gây ra tội ác chứ đừng lôi cả dân tộc chúng tôi vào. Xin đấy!

 

 

David Bectam

Theo đuổi đam mê hay đi tìm đam mê?

Featured image: Jen Waller

 

Tôi là một 9X đời đầu, thế hệ mà từ thời còn học phổ thông đã nghe rất nhiều về việc phải tìm được niềm đam mê cho bản thân để cuộc sống mỗi ngày không phải là công việc mà là tận hưởng tình yêu dành cho việc mình thích. Khi vào đại học, tôi càng thấm sâu tư tưởng này hơn khi trên các bài phỏng vấn, những người thành công và nổi tiếng luôn nói rằng họ thành công vì họ theo đuổi đam mê. Thế là tôi cũng vác ba lô lên và theo đuổi đam mê của mình.

Tôi tình cờ đọc một bài viết* của trang Havard Business Review nói về vấn đề “Theo đuổi đam mê” (Follow your passion) của thế hệ Y tại Mỹ (Generation Y, thế hệ gồm những 8X cho đến 10X). Tác giả bài viết có một cách giải thích rất hay về việc “theo đuổi đam mê”: “theo đuổi” là khi bạn biết mình đang đi theo điều gì, hay nói cách khác, bạn chỉ “theo đuổi đam mê” khi bạn xác định được nó. Thật không may là không nhiều người thật sự biết họ muốn gì trước khi họ bắt đầu.

Đôi khi tốn cả hàng tháng, thậm chí hằng năm trời chỉ để nhận ra rằng bạn thật sự thích điều gì đó. Tôi ví von điều này như có những cặp đôi đến với nhau vì tình yêu sét đánh từ cái nhìn đầu tiên, cũng có những cặp quen nhau hàng năm trời chỉ để tìm hiểu và trải qua nhiều giai đoạn trước khi thật sự đến với nhau.

Tương tự với đam mê. Quá trình xây dựng đủ kỹ năng và “gom góp” tình cảm cho công việc bạn thích đôi khi khó khăn và thử thách khiến bạn muốn bỏ cuộc giữa chừng. Do vậy nếu cứ ngồi nhà tưởng tượng về “đam mê”, rồi khi mới vào làm một thời gian ngắn đã than van cực khổ và xin nghỉ việc vì công việc không như trong mơ, tôi e là bạn sẽ khó tìm được đam mê của mình.

Câu khẩu hiệu “Theo đuổi đam mê” khiến nhiều bạn trẻ nghĩ rằng phải có đam mê rồi thì mới bắt đầu dồn hết sức lực cho công việc. Nhưng rất tiếc, điều ngược lại xảy ra thường hơn, bạn phải thật sự dồn hết tâm trí cho một điều gì đó trước khi thật sự tìm thấy đam mê của mình. “Tìm kiếm đam mê” và “Theo đuổi đam mê” là hai việc không giống nhau, chúng chỉ giống nhau ở một điều là không dễ dàng để đạt được.

Steve Jobs, người nổi tiếng với những sáng tạo trong sản phẩm của mình, nổi tiếng với nhiều câu nói truyền cảm hứng đã từng bảo rằng:

“The only way to do great work is to love what you do. If you haven’t found it yet, keep looking. Don’t settle.”

Tạm dịch: “Cách tốt nhất để làm những điều tuyệt vời là yêu những điều bạn đang làm. Nếu bạn vẫn chưa tìm thấy, hãy tiếp tục tìm. Đừng dừng lại.

Tôi hiểu câu này có nghĩa là: Hãy hết lòng tìm tòi, suy nghĩ, học hỏi cho công việc bạn đang làm đi, sau một thời gian khi mà bạn thật sự hiểu được nó và không hề cảm thấy hứng thú, đây thực sự không phải công việc mà bạn có thể gắn bó. Hãy tiếp tục tìm kiếm và lập lại quá trình này. Bạn đừng cho là đã phí thời gian cho công việc mà mình không thích vì tôi tin rằng trong quá trình làm việc, bạn đã học được kha khá kỹ năng (vì như tôi nói, hãy hết lòng tìm tòi), và cũng chính thời gian này bạn hiểu rõ hơn về bản thân, tại sao bạn thích hoặc không thích công việc hiện tại. Từ đó, chắc chắn bạn sẽ có một ý niệm rõ hơn về những việc bạn muốn làm trong tương lai.

Ngày xưa, tôi (và chắc là rất nhiều bạn đồng trang lứa khác) muốn trở thành một “doanh nhân thành đạt”. Tôi muốn trang điểm xinh đẹp, bước đi tự tin trong một cao ốc rộng lớn với bộ áo váy áo đen oách nhất có thể. Tôi sẽ có tiền để làm bất cứ những gì tôi thích, điều hành hàng trăm nhân viên, bận rộn với hội họp và di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Tôi sẽ là mẫu hình người phụ nữ hiện đại. Tôi vui vẻ với “đam mê” của mình. Tôi biết nhiều người sẽ thấy hình ảnh này quen thuộc, không mới mẻ, không đặc biệt và bất cứ thanh niên mới lớn nào cũng có thể nghĩ đến. Đó chính xác là những hình ảnh khuôn mẫu mà tôi nhìn thấy từ xã hội và gán ghép cho bản thân mình.

Rồi tôi tình cờ làm việc 3 năm cho một chương trình tình nguyện. Chúng tôi, sinh viên Mỹ và Việt Nam, đến trường dạy cho học sinh nông thôn thể thao, các môn học và kỹ năng sống với mong muốn giúp các em tự tin và có động lực học cao hơn. Tôi chưa bao giờ xem đây là đam mê của mình, là thứ tôi sẽ đi trọn đến hết cuộc đời. Tôi cũng không nghĩ mình có thể học nhiều từ công việc này vì nó có vẻ không liên quan đến hình ảnh “nữ doanh nhân áo đen thật oách” mà tôi từng mơ. Tôi làm vì thích, vì cảm thấy mình có ích cho xã hội, làm để thử thách bản thân trong vai trò mới mỗi năm, làm để được tiếp xúc với những người bạn cùng tuổi với tính cách khác nhau đến từ những hoàn cảnh khác nhau.

Hơn nữa, tôi thích sếp của tôi vì những gì cô ấy làm cho trẻ em nông thôn Việt Nam, tôi thích cách cô ấy kiên trì và vượt qua khó khăn, tôi thích cách cô ấy hào hứng nói về ước mơ được mở rộng chương trình ra nhiều nước để có thể phục vụ nhiều hơn cho trẻ em nông thôn. Hay nói cách khác, tôi thích cách cô ấy theo đuổi ước mơ của mình. Trước khi đọc được bài báo trên, tôi đã không hề biết rằng khoảng thời gian qua chính là khoảng thời gian “đi tìm đam mê” của tôi. Từ những kỹ năng học được và suy ngẫm về bản thân qua công việc, tôi biết rằng ước mơ “nữ doanh nhân” không còn là cái đích mà tôi hướng tới. Tôi sẽ hạnh phúc hơn nếu được làm các công việc xã hội, được giúp ích cho những người cần tôi hơn.

Cuối cùng, điều mà tôi muốn nhắn nhủ với các bạn là, hãy đi tìm đam mê trước khi bạn có thể theo đuổi đam mê. Mà muốn tìm đam mê, điều quan trọng đầu tiên là đóng laptop và đặt chân ra khỏi nhà.

 

 

Ái Tâm

*Bài viết có tựa là Solving Gen Y’s Passion Problem đăng trên trang blogs.hbr.org

Luận bàn về tình dục

*Photo: loop_oh

 

Đạo Phật nói tham ái dục là nguồn gốc của đau khổ, con người khoái lạc hay đau buồn là do tính tham dục bản năng, Đức Phật khuyên con người nên diệt dục để đạt đến trạng thái vô vi. Đối với người bình thường, tình dục là nhu cầu bản năng của giống loài, và cũng là phương tiện để duy trì nòi giống. Không thể và cũng không nên để tất cả mọi người hoàn toàn diệt dục, nếu như vậy con người sẽ biến mất trên trái đất, nhưng cũng không nên quá tham dục, điều này cũng hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng đến giống loài sau này, đã được các nhà khoa học cảnh báo, ta sẽ xem xét vấn đề này ở đoạn sau.

Dễ dàng nhận thấy rằng, từ xa xưa rất nhiều các cuộc chiến tranh, các cuộc tranh chấp địa vị, chức quyền,.. Mục đích to lớn hơn cả là để thỏa mãn nhu cầu của con người. nhu cầu về danh tiếng cũng chỉ một phần thôi, nhu cầu chính vẫn là thỏa mãn thú vui cho thể xác của kẻ chiến thắng(ăn ở, mặc và cả tình dục nữa). Một vài kẻ chỉ huy các cuộc xâm chiếm luôn biện minh cho mục đích của mình, trước khi chuẩn bị đánh thành, thường động viên binh sĩ: “Hãy ráng sức chiếm thành này, rồi tất cả đàn bà con gái trong thành sẽ là của các ngươi.” Chỉ một câu hứa hẹn như vậy thôi mà cũng khích lệ tinh thần quân sĩ lên rất nhiều.

Hậu quả của một thành bị chiếm là đàn ông bị giết chết, còn đàn bà con gái bị cưỡng hiếp, làm nô lệ tình dục cho bên chiến thắng. Chiến tranh thật nghiệt ngã, nhưng cũng đủ thấy chiến tranh cũng một phần để thỏa mãn nhu cầu tình dục rất cao của con người. Ngày nay cũng vậy, hình thức tuy khác nhưng mục đích của đa số con người vẫn chủ yếu là như vậy.

Một vấn đề liên quan mật thiết đến tình dục, đó là tình yêu. Câu hỏi được đặt ra là tình yêu có bao gồm tình dục bên trong không? Đa số sẽ đáp là có. Câu trả lời vô thưởng vô phạt bởi quan niệm tình yêu của mỗi người là khác nhau, không ai giống ai cả. Cũng một câu hỏi thường được đặt ra là khi yêu thì yêu thể xác hay tâm hồn? Có người đáp là tâm hồn, cũng nhiều người đáp là cả hai. Nhưng thực tế đôi khi không như mọi người vẫn nói, cái thông thường để bắt đầu một thứ gọi là tình yêu đó là thể xác.

Trong một nhóm bạn trai hay bạn gái đi cùng nhau, người được chú ý ban đầu luôn là những người có ngoại hình đẹp, có sự hấp dẫn người khác giới cao hơn, hay nói cách khác là hấp dẫn về mặt tình dục hơn người bên cạnh, còn những người ít hấp dẫn hơn thì hoặc là phải có một tâm hồn đẹp hoặc do hết sự lựa chọn. Tình yêu về cơ bản là mong muốn được chiếm hữu đối phương cả về thể xác lẫn tâm hồn, về thể xác thì rõ ràng rồi, về tâm hồn thì ngay cả những suy nghĩ cũng muốn muốn người tình của mình theo ý mình. Được đặt một cái cân thì bây giờ ta thấy nhu cầu chiếm hữu về thể xác có phần nhiều và nặng hơn.

Một vấn đề liên quan nữa là hôn nhân. Mục đính chính nhất của hôn nhân là duy trì nòi giống, tình yêu (nam nữ) không còn là thứ quan trọng nhất, nếu có tình yêu thì tốt, nhưng nếu chỉ có tình yêu trong đó thì sẽ là một bi kịch. Trong hôn nhân, hai người được thỏa mãn tình dục một cách hợp pháp lại là sự cân bằng tốt về sức khỏe và tinh thần cho cả hai người. Các cuộc ngoại tình đa số xảy ra do nhu cầu tình dục là chính, nếu suy nghĩ kỹ càng về vấn đề một chút, ta nên coi hôn nhân là một bản khế ước, nơi có những nghĩa vụ và quyền hạn để hai người có trách nhiệm phải tuân theo.

Trong sự phân biệt giới tính, khát vọng tình dục của nam giới cao hơn nữ giới nhiều, bản năng của người đàn ông luôn là mạnh mẽ, thèm khát nhiều thứ, trong đó có dục vọng. Họ có rất nhiều năng lượng trong cơ thể, nhiều lúc họ cần thiết phải xả hết các năng lượng đó, nếu những năng lượng đó cứ âm ỉ tích tụ lại có khi gây nguy hại cho họ, có thể dẫn đến tẩu hỏa. Khi không có sự hợp tác, cách mà đa số thường làm đó là thủ dâm.

Nhưng thủ dâm có lợi hay hại? Các nhà khoa học vẫn chưa chứng minh được, nhưng khuyến cáo không nên lạm dụng. Thực ra, thủ dâm cũng giống như chất gây nghiện, nó giúp cơ thể giải tỏa những nhu cầu trong một thời gian ngắn, nhưng mỗi khi bị kích thích hay tác động lại thì lại dùng đến nó, liều lượng ngày một tăng gây hại cho cơ thể rất nhiều.

Trong đạo Phật đã viết, khi con người hao hụt quá nhiều tinh khí, cơ thể sẽ trở nên rất yếu đuối và mệt mỏi, có thể giảm bớt tuổi thọ, khí chất của cơ thể mất đi, mà theo như người Á Đông, khí mới là thứ giúp cho cơ thể khỏe mạnh chứ không phải là các dưỡng chất trong thức ăn, vitamin hay cơ thể to lớn. Thủ dâm nhiều cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng nòi giống sau này do tinh khí bị hao mòn. Để từ bỏ thủ dâm, cách thông thường được khuyến cáo là nên bỏ từ từ chứ không nên dừng đột xuất, tuy nhiên đó cũng chỉ là một cách làm tạm thời mà thôi.

Có hai cách để loại bỏ bản năng con người, một là tránh xa hẳn cám dỗ, hai là đẩy cám dỗ đến mức thừa mứa. Cả hai cách đối với người thường xem ra đều không hiệu quả, nếu cố gắng loại bỏ bản năng nhưng trong đầu luôn suy nghĩ về chúng có khi còn gây hại hơn, còn đẩy lên đến mức thừa mừa thì cơ thể sẽ cạn kiệt sinh lực trước khi kịp dừng lại. Vậy nên chúng ta phải có một sự hiểu biết chính xác và hợp lý cho vấn đề này.

Trong cõi trời đất âm dương, nam là dương, nữ là âm, âm dương giao hòa thì trời đất yên bình, cơ thể khỏe mạnh, âm thịnh dương suy hay ngược lại thì gây hại cho cả hai. Cái gì quá cũng không tốt, luôn ở mức trung bình thì tốt, kinh nghiệm và lời dạy cổ nhân nào có sai. Nhưng để không gây quá, chúng ta cần làm gì?

Internet và cuộc cách mạng tình dục ở phương Tây, cũng đã lan rộng ra nhiều nước phương Đông, có mặt tích cực nhưng cũng nhiều mặt tiêu cực mà chính ngay các nước phương Tây cũng đang bị dính hậu quả. Hình ảnh đồi trụy, khiêu dâm tràn lan, thỏa mãn được nhu cầu tức thì cho con người, chính các nước phương Đông và chậm phát triển lại bị ảnh hưởng nhiều hơn cả.

Con người ta bàn tán quá nhiều về ngoại hình, về tình dục mà có quá ít các buổi nói chuyện về văn chương nghệ thuật, lý tưởng, những thứ làm lành mạnh hóa tâm hồn con người hơn. Phim ảnh, sách truyện mô tả hay liên quan ít nhiều về vấn đề tình dục lại gây được sự chú ý hơn cả, và được coi là nghệ thuật.

Đối với triết gia Hegel, trong cuốn Mỹ học ông đã nói nghệ thuật là khi nhìn vào nó lòng không nảy sinh một dục vọng nào. Các tác phẩm bây giờ phần nhiều luôn cố gắng làm thỏa mãn những dục vọng, để khi mà nhìn hay đọc nó, con người luôn nảy sinh những vấn đề tâm lý to lớn. Ta không đào sâu vào vấn đề này, nhưng điều cần thiết đầu tiên là loại bỏ ngay những cám dỗ gây ảnh hưởng tới bản năng ta hàng ngày, tôi tin các bạn biết chọn lựa.

Ở các nước đạo Hồi, phụ nữ luôn mang mạng che mặt và quần áo kín đáo, bởi họ tin rằng làm như thế dục vọng ở đàn ông sẽ không bị nổi lên khi nhìn vào người phụ nữ. Ở nước ta và các nước tự do khác, phụ nữ ra đường mặc tất cả các bộ đồ có thể gọi là gợi tình nhất, bó sát cơ thể càng đẹp, càng ngắn càng lộ ra càng đẹp. Làm sao chúng ta có thể gạt bỏ dục vọng khi nhìn họ như thế? Cũng làm sao chúng ta có thể bắt phụ nữ ta phải giống những phụ nữ bên đạo Hồi được, như vậy thì tội cho họ quá! Chỉ mong họ ăn mặc bớt gợi tình đi chút, mong anh em ít bàn tán, tán dương hay ngắm nhìn những phụ nữ ăn mặc kiểu như thế này. Còn nếu không, theo như đạo Phật, hãy coi phụ nữ đẹp như những xác chết biết đi.

Trong tình yêu, đối với người đàn ông đừng yêu quá nhiều và cũng đừng quá sớm. Vì đàn ông có nhu cầu tình dục mạnh và nhiều hơn phụ nữ nên độ tuổi yêu và lấy vợ nên lớn hơn phụ nữ nhiều. Triết gia Plato và nhiều nước phương Tây đã chọn độ tuổi hợp lý để lấy vợ là trên 30 (khoảng 35), đừng phung phí tuổi trẻ vào quá nhiều mối tình, rốt cuộc cũng chẳng làm được gì nếu chỉ quanh trong cái vòng luẩn quẩn của tình yêu và tình dục.

Tưởng rằng khi đã quất ngựa truy phong, người chịu hậu quả chỉ là phụ nữ, nhưng như đã phân tích ở trên người đàn ông cũng phải chịu hậu quả ngang như phụ nữ.

Điều tốt nhất để ta có một đời sống đẹp và bớt dục là lao động. “Nhàn cư vi bất thiện”, con người không lao động thường hay suy nghĩ những điều vô bổ, xấu xa. Thói biếng nhác làm trì trệ cơ thể và đầu óc con người. Làm sao chúng ta có thể suy nghĩ chuyện kia khi đang lao động, cho dù đó là lao động chân tay hay đầu óc, chỉ cần là lao động chân chính thì cũng làm ta trở nên lành mạnh. Bóng đêm và sự tĩnh lặng, là thời điểm cho những con người vĩ đại phát huy tài năng, nhưng cũng làm cho những con người bé nhỏ chết dần trong đó.

 

 

Đời Thừa

Trí tuệ Do Thái – không chỉ dành riêng cho người Do Thái

*Photo: Emelie Sköld

 

Khi đọc xong cuốn “Quốc gia khởi nghiệp (Start-up Nation)” tôi cứ băn khoăn mãi với câu hỏi: ”Điều gì nằm trong những bộ óc làm thay đổi thế giới đó?” Phải chăng những người Do Thái có mật khẩu nào đó để mở cánh cửa bí mật của bộ não chăng. Thế nên, khi bắt gặp cuốn “Trí tuệ Do Thái” của tác giả Eran Katz tôi cứ như vớ được vàng vậy.

Quả thật là tuyệt vời và thỏa mãn khi những thắc mắc của tôi về cách tư duy của người Do Thái đã được giải đáp. Bài viết này tôi sẽ không giản lược mà viết ra những ý chính của cuốn sách, vì làm như thế thật sự không mang lại giá trị gì cho những người sẽ muốn đọc nó sau bài viết này. Tôi sẽ tường thuật lại những luồng suy nghĩ mà tôi được tiếp nhận trong khi đọc nó.

“Một điều không logic có thể trở nên logic với sự hỗ trợ của một trí tưởng tượng sáng tạo.” ― Eran Katz

Điều đầu tiên tôi phải nói đó là, lúc bắt đầu đọc chương thứ nhất của cuốn sách tôi thực sự cảm thấy sao nó thân quen đến thế. Ba người bạn thân quây quần bên bàn cafe vào một buổi sáng đẹp trời và ”chém gió” với nhau về những điều lớn lao của nhân loại. Ôi thôi rồi, chính là chúng ta đây chứ ai, những thanh niên kiểu mẫu nước nhà đây rồi. Nhưng điểm giống nhau chỉ dừng lại ở đó, chúng ta “chém gió” rồi về nhà ngủ còn họ thì không, họ ngay lập tức thực hiện một cuộc phiêu lưu, khám phá về bí ẩn của “trí tuệ Do Thái” khởi đầu bằng một vụ cá cược đầy thú vị và cảm tính. Đấy có lẽ là một trong những đặc điểm của dân tộc Do Thái. Nếu cảm thấy hấp dẫn thì phải làm luôn và ngay cho nóng.

Chắc chắn các bạn ai cũng đã từng nghe về Albert Einstein – Nhà vật lý học vĩ đại nhất thế kỉ XX là một người Do Thái. Và có một điều không phải ai cũng biết đó là ông không tin vào Chúa (Chúa được nhân cách hóa, personalized God), và hiển nhiên ông không phải là một tín đồ của đạo Do Thái. Ý tôi không phải nói về việc phân biệt tôn giáo, mà là tôn giáo của người Do Thái không đóng vai trò thiết yếu trong việc hình thành nên tư duy của họ. Điều đó hiển nhiên trở thành một yếu tố dẫn nhập tuyệt vời cho tất cả mọi người trên thế giới khi muốn đọc cuốn sách này mà không bị rào cản nào bởi tôn giáo của mình.

Tôi không biết các bạn có đánh vật với trí nhớ của mình thời còn đi học hay không, nhưng riêng tôi thì những môn bắt buộc phải học thuộc là một nỗi ám ảnh thực sự. Tôi có thể đọc hết cuốn sách Lịch sử hay Ngữ văn với tất cả sự say mê chỉ trong một ngày, nhưng tôi lại không thể học thuộc được chỉ một đoạn ngắn trong đó cũng bằng chừng đó thời gian. Và đến bây giờ tôi mới hiểu được nguyên do vì sao như vậy, tôi đã học với một trạng thái không được cởi mở về tinh thần, tôi đã gần như bắt ép não bộ của mình phải ghi nhớ từng câu từng chữ trong khi nó chưa tự nguyện làm thế.

Vậy bí ẩn trong việc khiến bộ não của chúng ta tự nguyện lưu trữ tất cả những dữ liệu ta muốn là gì? Trong cuốn sách này có 15 nguyên tắc cho việc cải thiện trí nhớ, nhưng tôi sẽ để các bạn tự tìm hiểu vậy. Nhưng tôi có thể rút ra rằng: “Trí nhớ là khởi nguồn của trí tuệ.”

Tri thức nào có thể khiến tôi thay đổi thế giới?

Một câu hỏi đầy trăn trở tới mức nghẹt thở với những thanh niên đang mắc bệnh vĩ cuồng như tôi. Và câu trả lời không phải là “tri thức nào” mà là “nguyên do gì” khiến tôi muốn thay đổi thế giới. Tôi muốn một thế giới tốt đẹp hơn, chung chung quá, tôi muốn tạo ra một thứ có thể giúp cuộc sống của mọi người “sướng” hơn, có cố gắng đấy, hay là tôi muốn tạo ra một thiết bị công nghệ hỗ trợ cho việc giáo dục được tốt nhất, tuyệt vời rồi đấy, cuối cùng thì tôi sẽ tạo ra một thiết bị mà tất cả mọi người đều sẽ dùng cho việc học tập.

Đó chính xác là cách mà họ – những người Do Thái đang làm thay đổi thế giới này, hãy trả lời một câu hỏi bằng một câu hỏi và không ngừng sử dụng trí tưởng tượng, cho dù nó hẳn sẽ không logic một chút nào. Hãy vươn đến tri thức bằng cách sử dụng trí tưởng tượng!

Thêm một chút nữa về sự sáng tạo, liệu chúng ta có đang hiểu sai về từ “sáng tạo” rằng nó đồng nghĩa với việc phải phát minh ra một thứ gì đó mới? Điều đó đúng, nhưng không hẳn là chỉ có việc phát minh mới được gọi là sáng tạo, chúng ta có thể cải tiến những thứ có sẵn, hoặc chỉ là bắt chước một cái gì đó theo cách của riêng mình và làm cho nó hay hơn, đó chính là cái mà Eran Katz gọi là ”bắt chước sáng tạo”.

Kết luận lại thì đây không phải là một cuốn sách làm thay đổi cuộc đời bạn, nhưng nếu bạn đọc và nghiền ngẫm nó thì bạn có thể khiến bản thân trở nên thoải mái và tự tin hơn với những ý tưởng hoặc mục tiêu của mình. Như William Shakespeare đã từng nói:

“Knowledge is the wing wherewith we fly to heaven.”

 

 

Phan

Từ Văn Hoá đến Văn Minh

Photo by Bill Couch

Văn Hoá

Trẻ tuổi như tôi, viết về văn hóa hay văn minh nhiều người sẽ cho là chưa đủ trải nghiệm, nặng hơn thì cho tôi là kẻ lộng ngôn. Bản thân tôi cho rằng, nhu cầu tìm hiểu về văn hóa, để có một lối sống văn minh thì thời nào, tuổi nào cũng có, hơn nữa tôi đang sống trong đất nước tự do ngôn luận (dù sự tự do ấy vẫn nằm trong chừng mực nào đó), kết nối hai suy nghĩ đó, tôi vững tin để viết.

Văn hóa là một lĩnh vực cực kỳ phong phú, phức tạp. Khi đề cập đến nó mỗi người có một cách hiểu khác nhau, tùy thuộc vào góc độ tiếp cận, và hệ tư tưởng của từng người. Có một luận điểm chung mà nhiều nhà nghiên cứu đều đồng tình khi bàn về văn hoá, đó là: Văn hoá phải lấy con người làm trung tâm, phải gắn liền sâu sát với đời sống vật chất, tinh thần của con người.

Với một tập thể, cộng đồng, dân tộc… Văn hóa theo tôi là những gì tinh hoa còn lại sau quá trình chu du, chọn lọc của lịch sử. Trải qua từng giai đoạn phát triển, giá trị văn hóa sẽ thay đổi chứ không bất biến. Gía trị đó giúp người ta phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, cộng đồng này với cộng đồng khác. Ví dụ như đời sống tâm linh phong phú, tục lệ thờ cúng ông bà tổ tiên, chén trà đon đả mời khách, gốc đa, phiên chợ… là những nét văn hóa đặc sắc của người Việt ta.

Nhiều quan điểm cho rằng nên tách bạch văn hóa vật thể và phi vật thể, theo tôi điều đó chỉ đúng một nửa, nếu xét trên góc độ định tính. Suy cho cùng, những cái còn đọng lại mãi mãi của Văn Hóa đều qui về giá trị tinh thần dành cho con người. Giá trị tinh thần, bản sắc mới là cái sau cùng, và là cái đáng bàn nếu viết về văn hóa.

Văn Hoá Nhân Cách

Chịu ảnh hưởng từ văn hóa cộng đồng, bản thể mỗi con người cũng tự hình thành những nét văn hóa khác nhau, tôi tạm gọi đấy là văn hóa nhân cách. Hình thành văn hóa nhân cách là một quá dài, thậm chí liên tục thành đổi trong tư tưởng mỗi con người. Bản thân một con người không tự hình thành,  mà phải học hỏi, chọn lọc từ môi trường sống.

Mỗi cá nhân sẽ học hỏi, được giáo dục từ bốn nhóm giáo dục cơ bản là gia đình, trường học, xã hội và tự giáo dục.

Nếu bạn không xuất thân từ một gia đình gia giáo, trường học không cho bạn biết phải ứng xử với cuộc sống phức tạp ra sao, đoàn thể, xã hội không dạy bạn gì khác ngoài việc kiếm sống, thì có thể coi quá trình tự học chính là quá trình giúp bạn hình thành văn hóa nhân cách và là cơ sở quý trọng nhất tạo ra một con người văn hóa.

Ngày trước, điều kiện tự học còn khó khăn, chúng ta ít có khả năng tiếp cận kiến thức, còn bây giờ mọi thứ giản tiện hơn rất nhiều. Nhịn vài buổi cà phê, ta có thể mua được một cuốn sách quý, giảm đi vài chục phút tán gẫu mỗi ngày, ta có thể dành thời gian tìm hiểu thêm các vấn đề ta quan tâm qua internet, giá một đĩa nhạc đĩa phim gốc giờ cũng chỉ bằng một bữa cơm văn phòng. Hay nhất là các chương trình đào tạo từ xa, ngồi nhà bạn vẫn có thể học tại một quốc gia tiên tiến nào đấy và có bằng cấp chứng minh hẳn hoi. Có cơ hội nào cởi mở hơn việc này?

Thế nhưng việc tự học cũng cần lắm thái độ cầu thị và tư duy cởi mở, biết chọn lọc. Thế giới phẳng về mặt thông tin, tri thức giúp khai sinh nhiều giá trị nhân văn và cũng tạo điều kiện cho các giá trị giả, giá trị ảo, giá trị vội vã ra đời. Ta cần chuẩn bị một thái độ cầu thị, sẵn sàng học hỏi để chấp nhận cái tân tiến, và cũng cần chọn lọc, định hướng để không bị cuốn theo các cơn bão giá trị ảo, giá trị vội vã. Làm được như vậy, con người sẽ trở thành một chiêc ăng-ten thần kì, lưu giữ lại những giá trị tinh tế trong cuộc sống, làm tiền đề cho quá trình tự học bền vững.

Từ Văn Hoá đến Văn Minh

Những con người có tri thức, văn hóa sống trong một xã hội có bản sắc quả là một điều lí tưởng, trong mơ của nhiều dân tộc. Đây cũng là điều kiện cần để chuyển đổi từ văn hóa đến văn minh.

Cần nhưng chưa đủ. Để có được yếu tố Văn Minh, cần phải đưa các yếu tố của quản trị, quy hoạch,  khoa học và công nghệ kết hợp hài hòa với văn hóa xã hội, trên cơ sở lấy con người làm nền tảng trung tâm.

Một xã hội văn minh, trước hết phải là một xã hội hài hòa về mặt cảnh quan, nhà cửa được chung sống với cây xanh trong sự quy hoạch thân thiện và tôn trọng lẫn nhau. Nhiều người nói, khách du lịch nước ngoài thích đi bộ giữa lòng Saigon hay Hanoi vì đây là hai thành phố nhiều cây xanh, tôi thì nghĩ ngược lại, họ thấy lạ vì vẻ hỗn độn “chiến đấu” của nhà của với cây cối thì đúng hơn.

Xã hội văn minh, phải là xã hội ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật phục vụ đời sống công cộng. Cứ nhìn vào hệ thống giao thông công cộng, hệ thống quy hoạch các biển báo… của một  thành phố là thấy ngay được mức độ văn minh.

Xã hội văn minh, còn biểu hiện ở cách quy hoạch “xử sự” với thiên nhiên, với truyền thống ra sao? Làm sao để tổ chức không gian sống và vẻ mỹ quan đô thị theo khuynh hướng hiện đại nhưng có bản sắc riêng, dung hòa giữa cá thể và cộng đồng? Làm sao để ta thấy được ở một đô thị cả ba yếu tố quá khứ – hiện đại và cả tương lai?

Đang viết những dòng này, tôi lục lại các email của anh bạn vong niên đang sống ở Berlin. Anh Minh Châu đã ngoài 50, tâm hồn anh trẻ trung và rất biết cách viết để cho người đọc cảm thấy “thèm thuồng”

“Nghiện thanh bình như em, phải ghé chỗ anh chơi. Quán anh đang ngồi, nằm trong một khu vườn, lũ bồ câu thường ưu ái đến thăm. Chúng đang hay sà xuống, nhặt đồ ăn thừa trong đĩa, trong lúc thực khách vẫn đều đặn lật trang nhật báo. Nhà thờ, công trình cổ được bảo vệ. Bức tường Berlin vẫn còn ngổn ngang đá chờ du khách đến nhặt về làm kỷ niệm.

Ở đây hoa được trồng nhiều vô kể, ở mọi diện tích trống trong chung cư, biệt thự, văn phòng, vườn hoa công cộng. Lẵng hoa được treo dọc cái dãy phố, trên ban công… ở phần lớn các ngôi nhà. Các cô gái châu Âu nữa, họ xinh đẹp, quí phái trong ánh nắng mùa hè nhẹ dịu của Berlin. Em nhất định phải thấy mới được…”

Tôi nghĩ nên dừng lại ở đây, trước khi bạn đọc cho tôi là một kẻ mơ mộng. Cũng đúng mà, cách nhanh nhất để con người tìm thấy sự hài lòng là mơ ước, là “giá như…”

Tôi thì nghĩ, khi yêu quí một thứ gì đó, ta có quyền tin tưởng và kỳ vọng. Để có được sự văn minh, cần nhiều thứ, nhưng con người luôn phải cho thấy vai trò trung tâm, giữ quyền chủ động.

Hãy tin vào sự thay đổi tích cực, và bắt đầu, từ chính bản thân bạn.

 

 

Hồ Thụ

Saigon – 26.5.2013