28 C
Nha Trang
Thứ hai, 28 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 261

Những kẻ ăn xin trong Tình Yêu

*Photo: Unknown. Edit Typo: Jane Doerecovery

 

Tôi là một anti-fan của luật hôn nhân gia đình. Nếu không vì một số sự tiện lợi trong thủ tục hành chính thì vợ chồng tôi đã vứt giấy đăng kí kết hôn vào sọt rác lâu rồi. Hiện nay tôi sống cùng người phụ nữ mà danh từ chung gọi là vợ,và tôi có con cái của mình. Nhưng hôn nhân không liên quan gì đến quá trình đó.

Tất nhiên giờ đây 7 năm sau ngày cưới mà chúng tôi còn ở được với nhau và thấu hiểu lẫn nhau quả là một phép màu. Nhưng dù sao, phép màu cũng đã xảy ra!

Điều tốt nhất mà cả hai chúng tôi đã tỉnh ngộ ra đó là: Yêu thì khác hoàn toàn đi ăn xin!

Ai ai cũng nói tình yêu là nền móng của hôn nhân. Nhưng cái thứ hôn nhân mà mọi người đang nói tới lại chính là thuốc độc của tình yêu. Hai thứ thù địch mà có thể ở chung nhau được sao? Thật là ngược đời nhưng mọi người hình như không đủ thông minh để nhận ra điều đó.

Tôi sẽ giải thích tại sao hôn nhân lại là thuốc độc của tình yêu

Tình yêu thì quá bao la nhưng tôi sẽ chiết xuất ra một vài cái tinh túy nhất mà tình yêu có. Thứ nhất, yêu là sự đồng điệu, hòa làm một của hai con người. Thứ hai, yêu là sự chia sẻ lẫn nhau giữa hai con người. Thứ ba, yêu là sự quan tâm sâu sắc giữa hai con người. Thứ tư, yêu là sự tự nguyện vì người mà ta yêu.Thứ năm, yêu là một cam kết gắn bó hoàn toàn tự nhiên, sự gắn bó đó còn hay tan biến là hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của cả hai đối tượng tham gia. Thứ sáu, yêu là để nhân niềm vui của mỗi cá nhân lên thêm. Thứ bảy, tình yêu tạo nên một sức mạnh tinh thần to lớn cho cả hai người trong cuộc…

Tạm thời liệt kê bấy nhiêu đó thôi cũng đủ thấy tình yêu đã làm cho mối quan hệ giữa hai người yêu nhau trở nên vô cùng đặc biệt, đặc biệt hơn hết thảy những điều đặc biệt mà chúng ta từng biết. Ai đã từng yêu thì biết rằng khi có tình yêu, cuộc sống của chúng ta bỗng nhiên hoàn toàn khác trước, thế giới xung quanh của chúng ta cũng bỗng nhiên hóa thành một thế giới khác tươi đẹp hơn rất, rất nhiều.

Tình yêu rõ ràng đã làm cho thế giới này, cuộc sống này trở nên tươi tắn, đáng yêu và đầy ý nghĩa. Mỗi khi tình yêu xuất hiện, dường như có một ngôi sao lấp lánh vui vẻ trên bầu trời. Vậy mà dù cho tình yêu đã giúp ích, đã nâng đỡ tâm hồn con người nhiều đến thế thì con người vẫn không cảm thấy đủ. Con người vẫn muốn thêm nữa. More and more.

Con người muốn biến tình yêu thành thứ có thể kiểm soát được, nhốt lại được. Và thế là hôn nhân hiển nhiên tồn tại như một biểu tượng của tình yêu mặc dù khi khoác lên mình biểu tượng đó thì tình yêu bị kéo xuống tận đáy.

Bạn đã bao giờ từng hỏi: Chuyện tình yêu của tôi và anh ấy/cô ấy là chuyện hoàn toàn riêng tư, hoàn toàn mang tính chất cá nhân giữa hai người, vậy thì đó là chuyện của chúng tôi, tại sao chúng tôi phải xin phép pháp luật để chúng tôi được yêu nhau? Một xã hội luôn ca ngợi tình yêu nhưng khi yêu nhau, ở với nhau thì phải xin phép thì đó gọi là loại xã hội gì? Thậm chí bạn sẽ thấy những người mà ban hành, thi hành luật hôn nhân gia đình lại là những người nghèo nàn nhất trong tình yêu.

Ở các nước phương Tây, rồi ở phương Đông gần đây, tình trạng li hôn đã trở nên phổ biến. Nếu chúng ta chịu khó suy ngẫm thì thấy đó cũng là chuyện hiển nhiên thôi.

Khi bị trói buộc vào hôn nhân, tình yêu chết. Khi tình yêu chết thì cả chồng giấy đăng kí kết hôn cũng không thể hồi sinh được, huống gì chỉ một tờ. Một số người chịu không thấu nữa thì li dị. Phần còn lại kéo dài đời mình lê thê qua năm tháng trong cái lồng hôn nhân nghiệt ngã.

Một số ít người, rất ít, nhận ra điều gì đó sai lầm căn bản trong chính tình yêu

Tôi và vợ tôi nhận ra: Chúng tôi đã làm kẻ ăn xin trong suốt gần 30 năm cuộc đời mình, và đau khổ, xung đột là điều tất nhiên. Chỉ khi chúng tôi thôi làm kẻ ăn xin, mọi vấn đề mới tan biến, mối quan hệ mới nảy mầm sống lại. Đó có lẽ là ân sủng lớn nhất trong cuộc đời chúng tôi.

Ăn xin! Tôi muốn nói đến việc ăn xin trong tình yêu

Hẳn bạn chẳng lạ gì những câu ca thán, ỉ ôi của cả các cô gái và các chàng trai hiện nay, tạm lấy vài ví dụ như sau:

– Thời bây giờ tình yêu đẹp chỉ có trong phim.

– Tìm được một chàng trai yêu mình thật lòng khó như lên trời.

– Không có anh ấy/cô ấy thì tôi sống làm gì nữa.

– Anh ấy/cô ấy là tất cả cuộc sống của tôi.

Và bài ca cải lương này còn dài lắm lắm.

Hãy để ý những phát ngôn trên, có người sẽ cảm thấy nó rất đúng trong tình yêu, thậm chí nếu một diễn viên Hàn Quốc nào đó mà thốt lên: Anh ấy/cô ấy là tất cả cuộc sống của tôi thì khối người xúc động! Đó, tình yêu đã bị quy định, đã bị làm sai lệch tới mức nó đã chết yểu từ lâu rồi. Không tin ư, tôi sẽ phân tích tiếp.

Tất cả những phát ngôn trên có chung một điểm: Chỉ muốn nhận mà chẳng muốn cho cái gì cả!

Khi bạn chỉ muốn nhận nghĩa là bạn phụ thuộc. Bạn muốn nhận sự yêu thương thì bạn phụ thuộc vào người ban phát nó. Bạn tuột xuống hạng hai, họ trở nên quan trọng. Khi bạn muốn cho nghĩa là bạn tự do. Bạn cho mà người ta không lấy thì nó vẫn còn là của bạn, có mất mát gì đâu. Bạn trở thành hạng nhất, bạn trở thành số một.

Khi bạn chỉ muốn nhận, tình yêu trở thành sự ủy mị, yếu đuối, cải lương. Khi bạn muốn cho, tình yêu trở thành ánh sáng, thành suối nguồn cho đời bạn.

Tình yêu, theo nghĩa mặc định trong đầu rất nhiều người hiện nay chỉ còn là đòi hỏi, chỉ muốn nhận lấy, chỉ muốn phụ thuộc (hoặc chiếm hữu, chỉ là hai mặt của một đồng tiền), đó là sự u mê không thể nào tưởng tượng nổi. Nhưng u mê có sức mạnh rất khủng khiếp, đó là lí do vì sao điều này đã lan tràn trong xã hội như một căn bệnh dịch không có vắc xin.

Khi bạn chỉ muốn nhận lấy gì đấy trong tình yêu thì đích xác bạn là kẻ ăn xin đáng thương. Bạn sẽ khổ đau nếu người mà bạn kì vọng không đáp ứng gì đó theo mong muốn của bạn. Và theo tôi, đó cũng chả phải tình yêu gì sất, chỉ là sự ngụy trang khôn khéo.

Tình yêu phải là sự cho đi vô điều kiện, chỉ có như vậy thì nó mới đúng là bản chất chân thật của tình yêu. Cho đi vô điều kiện mới là tự do. Hãy nghiền ngẫm đi. Cho đi mà có điều kiện thì vẫn là muốn nhận, vẫn là sự mất tự do.

Người biết yêu theo cách cho đi sẽ luôn sống với niềm vui. Người luôn có cái để cho đi là người luôn dư thừa, dư thừa tình yêu thương bên trong tâm hồn, trong trái tim người đó. Người luôn sống với niềm vui sẽ mang lại hạnh phúc cho người khác. Và đó mới chính là cách mà tình yêu vận hành đúng đắn.

Mối quan hệ của hai con người luôn tràn ngập yêu thương sẵn sàng chia sẻ cho người khác là mối quan hệ vượt ra khỏi thời gian. Tình yêu của họ sẽ không thể chết, cái chết chỉ xảy ra trong thời gian. Một người chết đi thì người còn lại sẽ sống luôn cả phần của người đã chết, một cách tuyệt vời nhất.

Tình yêu đẹp chỉ có trong phim ảnh! Tất nhiên là người nói câu đó đúng, bởi vì họ có làm cái gì để biến tình yêu của họ trở nên đẹp đâu. Họ chỉ biết ngóng cổ lên chờ ai đó mang tới, như một kẻ hành khất chính hiệu.

Khi tôi và vợ hiểu ra tất cả những điều này, chúng tôi mới có cơ hội tái sinh lại chính mình, và điều hay là chúng tôi bắt đầu yêu lại chính vợ, chính chồng mình như một mối tình đầy mới mẻ. Đó chính xác là phép màu!

 

 

Mr. Bow

Vì sao các nhà trí thức phản đối chủ nghĩa tư bản? (Robert Nozick)

 Photo: Venturebeat

 

Lời người dịch: Mọi người đều biết rằng các nhà tri thức trên khắp thế giới là một trong số những người chống chủ nghĩa tư bản và kinh tế thị trường quyết liệt nhất và kiên trì nhất. Các nhà văn, nhà báo, các giáo sư đại học theo đường lối tả khuynh ở đâu cũng có tỉ lệ rất cao. Robert Nozick, một trong những người cổ vũ cho chủ nghĩa tự do nổi bật nhất cho rằng nguyên nhân nằm ở hệ thống giáo dục của nhà trường hiện đại: tạo ra trong các nhà tri thức muốn biến thế giới thành một lớp học cho tất cả mọi người.

Đáng ngạc nhiên là nhiều trí thức lại có thái độ phản đối chủ nghĩa tư bản đến như vậy. Các nhóm kinh tế-xã hội khác không có thái độ phản đối đến như thế. Như vậy là, về mặt thống kê,  trí thức là những người bất thường.

Không phải tất cả trí thức đều là “tả khuynh”.  Tương tự như các nhóm khác, ý kiến ​​của họ phân bố trên toàn bộ đường đồ thị. Nhưng ý kiến của các nhà trí thức ngả về và nghiêng về phía tả khuynh nhiều hơn.

Với từ trí thức, tôi không có ý nói tất cả những nhà khoa bảng hoặc những người có trình độ học vấn nhất định nào đó, mà muốn nói tới những người, trong khi hành nghề, thường phải làm việc với những ý tưởng được thể hiện bằng lời nói, tạo ra dòng chảy ngôn từ mà những người khác phải đọc, phải nghe. Những người “thợ rèn chữ” đó gồm các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học, các nhà báo, và các thày giáo, các giáo sư. Số này không bao gồm những người sản xuất và truyền tải thông tin đã lượng hóa và toán học hóa (các “thợ rèn số”) hoặc những người làm việc với phương tiện nghe nhìn như họa sĩ, điêu khắc gia, quay phim. Khác với các “thợ rèn chữ”, tỉ lệ những người chống lại chủ nghĩa tư bản làm trong các ngành này không cao như thế. Các “thợ rèn chữ” tập trung ở những khu vực nghề nghiệp nhất định: Các viện và học viện, các phương tiện truyền thông, bộ máy hành chính của chính phủ.

Trong xã hội tư bản các “thợ rèn chữ” hoàn toàn an tâm: họ có quyền tự do đưa ra, tiếp nhận, và tuyên truyền những ý tưởng mới, có quyền tự do đọc và thảo luận những ý tưởng này. Kỹ năng của họ được trọng dụng, thu nhập của họ cao hơn mức trung bình. Tại sao não trạng bài tư bản trong số những người này lại cao như thế? Hơn nữa, một số dữ liệu cho thấy người trí thức càng giàu có và thành công thì ông ta càng dễ có thái độ phản đối chủ nghĩa tư bản hơn. Não trạng bài tư bản thường xuất phát từ “nhóm đối lập tả khuynh”, nhưng không chỉ có thế. Yeats, Eliot và Pound phản đối xã hội thị trường từ lập trường của cánh hữu.

Sự chống đối chủ nghĩa tư bản của các “thợ rèn chữ” có ý nghĩa xã hội không nhỏ. Chính họ là những người tạo ra ý tưởng và hình ảnh của chúng ta về xã hội, họ đưa ra các chính sách cho bộ máy quản lí lựa chọn. Họ cung cấp cho chúng ta câu chữ để thể hiện, từ tác phẩm chuyên đến khẩu hiệu. Vì vậy mà sự phản đối của họ có tầm quan trọng, nhất là trong một xã hội ngày càng phụ thuộc vào việc hình thành và phổ biến thông tin một cách minh bạch.

Chúng ta có thể thấy hai cách giải thích vì sao nhiều trí thức phản đối chủ nghĩa tư bản. Cách thứ nhất liên quan tới tác nhân đặc thù của các nhà trí thức có thái độ bài tư bản. Loại thứ hai liên quan tới tất cả các nhà trí thức, tức là lực thúc đẩy họ ngả sang quan điểm bài tư bản. Nó có đẩy một người trí thức cụ thể sang phía bài tư bản hay không còn phụ thuộc vào các lực lượng khác đang có ảnh hưởng đối với anh ta. Nhưng, gộp lại, vì nó làm cho thái độ bài tư bản của trí thức cao thêm, kết quả là tác nhân này sẽ tạo ra tỉ lệ cao các nhà trí thức có thái độ bài tư bản. Lời giải thích của chúng tôi sẽ thuộc loại thứ hai. Chúng tôi sẽ xác định nhân tố đẩy người trí thức sang lập trường bài tư bản, nhưng không đảm bảo rằng có thể áp dụng nó cho từng trường hợp cụ thể.

Giá trị của của người trí thức

Hiện nay, các nhà trí thức luôn nghĩ rằng họ là những người có giá trị nhất trong xã hội, là những người có uy tín và quyền lực cao nhất, những người được tưởng thưởng lớn nhất. Người trí thức cho rằng họ có quyền như thế. Nhưng, nói chung, xã hội tư bản không tôn vinh những người trí thức của nó. Ludwig von Mises giải thích thái độ bất bình đặc biệt của giới trí thức – khác với người công nhân – là họ giao thiệp với các nhà tư sản thành công và do đó họ lấy những người đó ra so sánh và cảm thấy nhục nhã khi thấy tình trạng thấp kém hơn của mình. Nhưng, ngay cả những người trí thức không giao tiếp với các nhà tư sản cũng cảm thấy bực bội như thế, chỉ giao tiếp không thì chưa đủ, những người dạy các môn thể thao và dạy múa cho những người giàu có và làm việc với họ không phải là những người bài tư bản nổi bật.

Thế thì tại sao các trí thức hiện nay cảm thấy có quyền được hưởng những phần thưởng cao nhất của xã hội và bất mãn khi họ không nhận được sự tưởng thưởng như thế? Người trí thức cho rằng họ là những người có giá trị nhất, là những người có công nhất, và xã hội nên tưởng thưởng cho mọi người phù hợp với giá trị và công lao của họ. Nhưng xã hội tư bản không làm theo nguyên tắc phân phối “hưởng theo giá trị hay công lao”. Ngoài quà tặng, tài sản thừa kế, và tiền nhận được từ cờ bạc, vẫn thường xảy ra trong một xã hội tự do; thị trường trả công cho những người đáp ứng nhu cầu của người khác được thể hiện trên thương trường, và tiền công phụ thuộc vào nhu cầu và nguồn cung thay thế lớn đến mức nào. Các doanh nhân và người lao động thất bại không có thái độ thù địch đối với hệ thống tư bản như các trí thức-“thợ rèn chữ”. Chính cảm giác về giá trị vượt trội nhưng không được công nhận của mình, quyền của mình bị phản bội, mới tạo ra thái độ thù nghịch như thế.

Tại sao các trí thức-“thợ rèn chữ” cho rằng họ là những người có giá trị nhất, và tại sao họ lại cho rằng phải phân phối theo giá trị? Xin lưu ý: nguyên tắc này không phải là tất yếu. Có những mô hình phân phối khác đã được đề xuất, trong đó có phân phối cào bằng, phân phối theo đức hạnh, phân phối theo nhu cầu. Nói cho ngay, thậm chí một xã hội quan tâm tới công bằng cũng không cần đặt ra mục tiêu là phải có một mô hình phân phối. Công bằng trong phân phối có thể nằm trong quá trình trao đổi tự nguyện của cải kiếm được và dịch vụ được thực hiện một cách công chính. Dù kết quả của quá trình đó có như thế nào thì đấy cũng là kết quả công bằng, nhưng kết quả không cần phải phù hợp với bất kì mô hình cụ thể nào. Thế thì tại sao các “thợ rèn chữ” lại coi mình là những người có giá trị nhất và chấp nhận nguyên tắc phân phối theo giá trị?

Ngay từ khi tư tưởng được ghi chép lại, người trí thức đã nói với chúng ta rằng công việc của họ là có giá trị nhất. Plato đánh giá khả năng suy luận cao hơn lòng can đảm và sự khát khao và cho rằng triết gia phải cai trị; Aristotle cho rằng chiêm nghiệm bằng trí tuệ là hoạt động cao cả nhất. Không có gì ngạc nhiên là trong những văn bản còn lại đến thời nay có những đánh giá cao như thế về hoạt động trí tuệ. Nói cho cùng, những người đưa ra đánh giá, những người ghi chép lại lý do ủng hộ những đánh giá như thế đều là trí thức cả. Họ tự ca ngợi mình. Những người đánh giá những việc khác cao hơn tư duy bằng ngôn từ, dù đấy có là săn bắn, quyền lực hay thú vui xác thịt quanh năm suốt tháng, không bận tâm đến việc ghi chép lại quan điểm của mình cho hậu thế. Chỉ có các nhà trí thức mới làm ra lý thuyết về việc ai là người cao quý nhất mà thôi.

Cái học của người trí thức

Tác nhân nào làm cho một số trí thức có cảm giác rằng mình có giá trị cao hơn? Tôi muốn tập trung vào một thiết chế cụ thể: trường học. Khi kiến thức sách vở ngày càng trở nên quan trọng, việc học tập – thế hệ trẻ cùng nhau học đọc và học kiến thức sách vở trong nhà trường – trở thành hiện tượng phổ biến. Bên cạnh gia đình, trường học trở thành tổ chức quan trọng nhằm định hình thái độ của thế hệ trẻ, và hầu như tất cả những người sau này trở thành nhà trí thức đều đã từng học tập ở trường. Họ là những người có thành tích trong học tập. Người ta đem họ ra so sánh với những người khác và được coi là giỏi hơn. Họ được khen ngợi và được tưởng thưởng, họ là trò cưng của các giáo viên. Làm sao họ lại có thể coi mình không phải là những người ưu việt cho được? Lúc nào họ cũng cảm thấy sự khác biệt trong việc xứ lí các ý tưởng, trong việc mình có khả năng tư duy nhanh nhạy hơn. Nhà trường nói với họ và chỉ cho họ thấy rằng họ là những người giỏi hơn.

Nhà trường còn thể hiện và qua đó dạy cho học sinh nguyên tắc khen thưởng theo phẩm chất (trí tuệ). Những người có phẩm chất trí tuệ cao được khen ngợi, được giáo viên yêu, và được điểm cao nhất. Theo đánh giá của nhà trường, các học trò thông minh nhất tạo ra tầng lớp thượng lưu. Dù không nằm trong chương trình giảng dạy chính thức, nhưng các nhà trí thức đã học được trong nhà trường bài học rằng họ có giá trị cao hơn những người khác, và giá trị cao đó cho họ quyền được tưởng thưởng cao hơn.

Nhưng xã hội thị trường rộng lớn hơn ngoài kia lại dạy cho người ta bài học khác. Ở đấy, những phần thưởng lớn nhất không thuộc về những người nói tài nhất. Ở đấy, các kỹ năng trí tuệ không được đánh giá cao nhất. Đã học được rằng họ là những người có giá trị nhất, xứng đáng được tưởng thưởng nhất, có quyền được tưởng thưởng nhất, làm sao phần đông các nhà trí thức không tức giận xã hội tư bản, một xã hội đã tước đoạt những thứ họ xứng đáng được hưởng, những thứ mà ưu thế của họ đã cho họ “quyền” được hưởng? Đáng ngạc nhiên là thái độ thù nghịch sâu cay và buồn nản của các nhà trí thức đối với xã hội tư bản – dù được che đậy dưới nhiều lý do thích hợp, thường được họ trình bày một cách công khai – vẫn tiếp tục tồn tại ngay cả khi những lý do cụ thể đó được chứng minh là không đúng?

Nói rằng trí thức cảm thấy có quyền nhận những phần thưởng cao nhất mà xã hội nói chung có thể cung cấp (tài sản, địa vị…), tôi không có ý cho là trí thức coi những phần thưởng đó là hàng hóa có giá trị cao nhất. Có thể các nhà khoa bảng đánh giá niềm vui mà hoạt động trí tuệ mang lại cho mình hay sự kính trọng của các thế hệ sau cao hơn những phần thưởng kia. Tuy nhiên, họ cũng cảm thấy có quyền được xã hội nói chung đánh giá cao nhất – cao nhất mà xã hội có thể – mặc dù họ có thể coi phần thưởng cao nhất đó là không đáng kể. Tôi không có ý nhấn mạnh những phần thưởng sẽ chui vào hầu bao của người trí thức hay thậm chí tôn trọng cá nhân họ. Tự coi mình là trí thức, sự kiện là hoạt động trí tuệ không được đánh giá và tưởng thưởng cao nhất đã làm họ bực bội rồi.

Các nhà khoa bảng muốn toàn bộ xã hội trở thành một trường học, tương tự như môi trường nơi họ đã thành công đến mức ấy và được đánh giá cao đến mức ấy. Áp dụng những tiêu chuẩn tưởng thưởng khác với những tiêu chuẩn trong xã hội, nhà trường chắc chắn sẽ làm cho một số người sau này cảm thấy mất giá. Những người ở những vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng của nhà trường sẽ cho rằng mình có quyền giữ vị trí hàng đầu – không chỉ trong cái xã hội nhỏ bé đó mà còn có vị trí cao nhất trong xã hội rộng hơn. Những người đó sẽ căm thù cái xã hội không cư xử với mình theo đúng ước vọng và quyền mà họ tự gán cho mình. Như vậy là, hệ thống trường học tạo ra não trạng bài tư bản trong giới trí thức. Chính xác hơn, nó tạo ra não trạng bài tư bản trong giới trí thức làm việc với ngôn từ. Tại sao các “thợ rèn số” không có thái độ như các “thợ rèn chữ”? Tôi ngờ rằng những đứa trẻ sáng dạ trong tính toán – dù cũng được điểm cao trong các kỳ thi – không được thày giáo chú ý và ưu ái bằng những em nói tài. Chính khả năng giao tiếp đó mang lại cho các em phần thưởng của thày giáo, và rõ ràng là chính những phần thưởng này đã tạo ra cảm giác ưu trội của mình.

Kế hoạch hóa tập trung trong lớp học

Còn một điểm nữa cần nói thêm. Các nhà trí thức-“thợ rèn chữ” (trong tương lai) thường thành công trong hệ thống trường học chính thức, nơi những phần thưởng liên quan là do các “cơ quan quyền lực” của các giáo viên phân phát. Nhưng trong trường còn có hệ thống xã hội phi chính thức trong lớp học, ngoài hành lang, và trên sân trường, nơi phần thưởng được phân phối không theo chỉ đạo của cấp trên mà phân phối một cách tự phát, theo ý thích của các đồng môn. Ở đây các nhà trí thức không thành công đến như thế.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên là, phân phối hàng hóa và phần thưởng thông qua một cơ chế do trung ương tổ chức được các nhà trí thức coi là thích hợp hơn là “tình trạng vô chính phủ và hỗn loạn” của thương trường. Phân phối trong khuôn khổ hệ thống xã hội xã hội chủ nghĩa kế hoạch tập trung so với phân phối trong một xã hội tư bản chủ nghĩa cũng tương tự như phân phối bởi các giáo viên so với phân phối trên sân trường và ngoài hành lang.

Giải thích của chúng tôi không nói các nhà trí thức (tương lai) chiếm đa số ngay trong tầng lớp thượng lưu của trường. Nhóm này có thể bao gồm phần lớn là những người có kết quả học tập nổi bật (nhưng không phải là áp đảo) và biết cách cư xử đúng mực, thích làm người khác hài lòng, có thái độ thân thiện, đắc nhân tâm, và biết chơi bằng (và tuân theo) quy tắc. Những học sinh như vậy cũng sẽ được giáo viên đánh giá cao và khen thưởng và họ cũng sẽ rất thành công trong xã hội. (Và thành công trong hệ thống xã hội phi chính thức của trường. Cho nên không thể nói những người này có thái độ đặc biệt đối với các tiêu chuẩn của hệ thống chính thức của trường.) Giải thích của chúng tôi giả định rằng các nhà trí thức (tương lai) phân bố một cách bất cân xứng trong nhóm thượng lưu (chính thức) của trường, trong tương lai chính những người này sẽ cảm thấy mất giá. Hay nói đúng hơn, họ ở trong nhóm có thể dự đoán trước được tương lai như thế của chính mình. Thái độ thù nghịch sẽ phát sinh trước khi họ bước vào thế giới rộng lớn hơn và trải nghiệm sự suy giảm địa vị xã hội thực sự, đấy là lúc người học trò thông minh nhận ra rằng trong xã hội rộng lớn hơn anh ta (có thể) sẽ không thành công bằng giai đoạn học tập hiện nay. Hậu quả không dự định trước như thế của nhà trường – não trạng bài tư bản – tất nhiên, sẽ gia tăng khi học sinh đọc sách của/được giảng dạy bởi các trí thức có thái độ bài tư bản quyết liệt.

Chắc chắn là, có một số trí thức-“thợ rèn chữ” khó tính và đấy là những học trò hay thắc mắc và vì vậy mà bị giáo viên không ưa. Họ có học được bài học rằng người giỏi nhất sẽ được phần thưởng cao nhất và có nghĩ rằng – mặc kệ thái độ của các thày giáo của họ – mình chính là những người giỏi nhất và bắt đầu ghét hệ thống phân phối của trường học ngay từ thuở đầu đời hay không? Rõ ràng là, để trả lời vấn đề này và những vấn đề khác được đặt ta ở đây, để kiểm tra và chau truốt giả thuyết mà chúng tôi đưa ra, cần phải có dữ liệu về trải nghiệm trong nhà trường của các tri thức-“thợ rèn chữ” tương lai.

Nói chung, hầu như sẽ ít người phản đối khi nói rằng các quy tắc trong trường học sẽ có ảnh hưởng đến niềm tin của người học sau khi họ đã ra trường. Nói cho cùng, bên cạnh gia đình, trường học là cơ cấu xã hội quan trọng, nơi các em học hành động, và do đó học tập là giai đoạn chuẩn bị để họ có thể hoạt động trong xã hội rộng lớn hơn. Không có gì ngạc nhiên là những người thành công theo quy tắc của trường học sẽ bất mãn với xã hội gắn bó với những quy tắc khác, tức là những quy tắc không bảo đảm cho họ thành công như trong trường học. Khi chính họ lại là những người tạo ra bức tranh của xã hội về chính mình, tạo ra đánh giá của xã hội về chính mình, thì những người bị họ thôi miên quay ra chống lại xã hội cũng đâu phải là điều đáng ngạc nhiên. Nếu bạn có trách nhiệm xây dựng xã hội từ con số không, chắc là bạn sẽ thiết kế nó sao cho các “thợ rèn chữ” – với tất cả các ảnh hưởng của họ – sẽ không bị người ta nhồi nhét vào đầu thái độ thù địch đối với các quy phạm của xã hội.

Giải thích của chúng tôi về sự mất cân đối của thái độ bài tư bản trong hàng ngũ trí thức dựa trên khái quát xã hội học hoàn toàn đáng tin.

Trong một xã hội, nơi mà ngoài gia đình, ngay từ đầu thế hệ trẻ đã tiếp cận với hệ thống hay tổ chức phân phối phần thưởng cho những người giỏi nhất trong hệ thống ấy sẽ có xu hướng tiếp thu các quy tắc của tổ chức này, và hi vọng rằng xã hội rộng lớn ngoài kia cũng sẽ hoạt động theo những quy tắc đó; họ sẽ cho rằng mình sẽ được chia phần hoặc (ít nhất) cũng có vị trí phù hợp với những quy tắc này. Hơn nữa, những người nằm trong tầng lớp thượng lưu trong hệ thống thang bậc của thiết chế đầu tiên mà họ gặp bên ngoài gia đình rồi sau đó, khi ra ngoài xã hội sẽ bị (hoặc nhìn thấy trước là sẽ bị) rơi xuống những nấc thang xã hội thấp hơn sẽ – do cảm tưởng về quyền đã bị mất – ngả sang phía phản đối hệ thống xã hội rộng lớn bên ngoài và có thái độ thù địch với những quy tắc của nó.

Xin nhớ rằng đây không phải là định luật nhất thành bất biến. Không phải tất cả những người bị mất địa vị xã hội sẽ quay sang chống lại hệ thống. Mặc dù mất địa vị xã hội là một tác nhân  có thể tạo ra hiệu ứng theo hướng đó, và vì vậy mà trong một nhóm có đông người, hiệu quả của nó sẽ hiện rõ. Tầng lớp thượng lưu có thể mất địa vị xã hội bằng những cách khác nhau: họ có thể nhận được ít hơn nhóm khác hoặc (trong khi không có nhóm nào vươn lên) họ có thể vẫn nhận như thế nhưng không được nhiều hơn những người mà trước đây bị coi là thấp kém hơn. Mất địa vị theo kiểu thứ nhất đặc biệt làm người ta đau đớn và bất bình, còn kiểu thứ hai thì dễ chấp nhận hơn. Nhiều trí thức (nói rằng họ) ủng hộ quyền bình đẳng trong khi chỉ có một nhóm nhỏ coi mình là “quý tộc” mà thôi. Như vậy là, giả thuyết của chúng tôi nói rằng việc mất địa vị xã hội theo kiểu thứ nhất rất dễ gây ra sự oán ghét và lòng thù hận đối với xã hội.

Hệ thống trường học chỉ phổ biến và tưởng thưởng cho một số kỹ năng liên quan đến những thành công trong tương lai (nói cho cùng, trường học là một thiết chế mang tính chuyên môn) cho nên hệ thống khen thưởng của nó sẽ khác với hệ thống khen thưởng của xã hội bên ngoài. Điều này chắc chắn sẽ làm cho một số người – khi bước ra xã hội – bị mất địa vị xã hội và phải chịu những hậu quả kèm theo của nó. Trước đó tôi đã nói rằng các nhà trí thức muốn xã hội giống như một trường học lớn. Giờ đây chúng ta thấy rằng thái độ bất bình là do nhà trường (một hệ thống xã hội mang tính chuyên môn bên ngoài gia đình, lần đầu tiên con người tiếp xúc) lại không phải là xã hội thu nhỏ.

Theo cách giải thích của chúng tôi, dường như có thể dự đoán được rằng các nhà trí thức được học hành có thái độ chống đối xã hội mà họ đang sống chiếm tỉ lệ cao, dù đấy là xã hội tư bản hay cộng sản thì cũng thế. (So với các nhóm có địa vị kinh tế-xã hội như nhau thì trong xã hội tư bản, tỉ lệ những người trí thức có thái độ bài tư bản là cao. Câu hỏi là liệu tỉ lệ những người trí thức có thái độ thù địch với xã hội (không phải tư bản) mà họ đang sống có cao như thế hay không). Như vậy, rõ ràng là, chúng ta cần những dữ liệu nói về thái độ của trí thức trong các nước cộng sản đối với bộ máy cai trị; những người trí thức này có thái độ  thù địch với hệ thống đó hay không?

Cần phải chau truốt giả thuyết của chúng tôi để không thể áp dụng (hoặc áp dụng được nhưng không chính xác đến mức đó) đối vợi mọi hình thức xã hội. Có chắc chắn là hệ thống trường học trong tất cả các xã hội nhất định sẽ tạo ra những người trí thức có thái độ chống đối xã hội khi họ không nhận được những phần thưởng cao nhất của xã hội hay không? Có lẽ là không. Xã hội tư bản đặc biệt ở chỗ nó tuyên bố công khai: chỉ có tài năng, sáng kiến ​​cá nhân, đóng góp của cá nhân mới được tưởng thưởng mà thôi. Người lớn lên trong xã hội đẳng cấp hay phong kiến cha truyền con nối không nghĩ rằng tưởng thưởng sẽ hay phải phù hợp với giá trị của cá nhân. Xã hội tư bản chủ nghĩa chỉ tưởng thưởng cho những người đáp ứng được ước muốn – được thể hiện trên thương trường – của người khác, phù hợp với đóng góp của người đó vào nền kinh tế, chứ không phải theo giá trị của cá nhân người đó. Nhưng, nó cũng khá gần gũi với nguyên tắc tưởng thưởng theo giá trị – giá trị và đóng góp thường liên quan mật thiết với nhau – nhằm nuôi dưỡng kì vọng do nhà trường tạo ra. Đặc tính của xã hội rất gần với đặc tính của nhà trường cho nên sự gần gũi mới tạo ra oán giận. Xã hội tư bản tưởng thưởng cho thành tích của cá nhân hoặc bảo với họ rằng nó sẽ làm như vậy, vì vậy mà những người trí thức tự coi mình là những người hoàn hảo nhất, lại là những người cảm thấy cay đắng nhất.

Tôi cho rằng, ở đây còn một tác nhân khác nữa. Học sinh càng đa dạng thì nhà trường sẽ càng tạo ra thái độ bài tư bản nhiều hơn. Khi hầu như tất cả những người sẽ thành công về kinh tế trong tương lai cùng theo học các trường riêng biệt thì người trí thức sẽ không có được thái độ của những người có ưu thế hơn. Nhưng ngay cả khi nhiều trẻ em của tầng lớp thượng lưu học tại các trường riêng biệt thì xã hội cởi mở vẫn sẽ có những trường học khác, trong đó nhiều em học sinh sẽ trở thành những doanh nhân thành đạt về mặt kinh tế và sau đó các nhà trí thức sẽ bực bội khi nhớ lại rằng họ học giỏi hơn những đồng môn mà sau này trở thành giàu có hơn và quyền lực hơn. Sự cởi mở của xã hội còn có một hậu quả khác nữa. Các em học sinh, không chỉ những “thợ rèn chữ” tương lai mà cả những em khác, sẽ không biết sự nghiệp trong tương lai của mình sẽ ra sao. Họ có thể có mọi ước mơ. Xã hội đóng, không cho người ta vươn lên, sẽ bóp chết mọi hi vọng ngay từ trong trứng nước. Trong một xã hội tư bản cởi mở, các em học sinh sẽ không cam chịu ngay từ đầu những giới hạn của sự thăng tiến xã hội; dường như xã hội đã nói với họ rằng những người có năng lực nhất và có giá trị nhất sẽ vươn lên những vị trí cao nhất, còn trường học thì gửi cho những người có thành tích học tập tốt  nhất thông điệp nói rằng họ là những người được đánh giá cao nhất và xứng đáng được phần thưởng lớn nhất; rồi sau này, những học sinh được khuyến khích nhất và kì vọng nhất lại thấy những đồng môn mà họ biết và thấy là kém hơn mình lại thành đạt hơn, giành được những phần thưởng cao nhất mà đáng lẽ mình phải được hưởng. Có cần ngạc nhiên không khi những người này có thái độ thù địch với xã hội?

Một vài giả thuyết khác

Như vậy là, chúng ta đã cụ thể hóa được giả thuyết ở mức độ nào đó. Không phải mọi hệ thống học đường mà hệ thống học đường trong bối cảnh xã hội cụ thể nào đó mới tạo ra trong các nhà trí thức (thợ rèn chữ) não trạng bài tư bản mà thôi. Chắc chắn là giả thuyết này cần phải được cụ thể hóa thêm nữa. Nhưng như thế cũng đủ rồi. Đây là lúc chuyển giả thuyết này cho các nhà khoa học xã hội, đưa nó khỏi lĩnh vực lí thuyết suông và chuyển cho những người nghiên cứu với các sự kiện và dữ liệu cụ thể hơn. Nhưng chúng ta vẫn có thể chỉ ra một số lĩnh vực mà giả thuyết của chúng ta có thể đưa ra những dự báo và kết quả có thể kiểm chứng được. Trước hết, có thể tiên đoán: hệ thống trường học của đất nước càng khuyến khích các học sinh tài năng thì càng có nhiều khả năng là giới trí thức của họ sẽ trở thành những người ta khuynh. (Ví dụ, nước Pháp.) Thứ hai, những người trí thức trong thời gian học ở trường mà “chín muộn” sẽ không có cùng não trạng về quyền được hưởng những phần thưởng cao nhất, vì vậy, tỉ lệ những trí thức “chín muộn” có thái độ bài tư bản sẽ ít hơn là những người có thành tích cao trong học tập ngay từ những năm đầu đời. Thứ ba, chúng tôi hạn chế giả thuyết của chúng tôi trong những xã hội (khác với xã hội đẳng cấp của Ấn Độ), nơi người học trò có thành tích học tập tốt có thể hi vọng cũng sẽ thành công như thế trong xã hội. Cho đến tận thời gian gần đây, trong xã hội phương Tây, phụ nữ không có kỳ vọng nhiều như vậy, cho nên chúng ra có thể cho rằng những học sinh nữ trong tầng lớp thượng lưu ở nhà trường nhưng sau này bị mất địa vị xã hội sẽ không có thái độ bài tư bản như các nhà trí thức nam giới. Chúng ta cũng có thể dự đoán rằng, xã hội càng bình đẳng hơn về cơ hội nghề nghiệp giữa phụ nữ và nam giới thì càng có nhiều nữ trí thức tỏ thái độ thù nghịch với chủ nghĩa tư bản như các trí thức đàn ông đang làm hiện nay.

Một số độc giả có thể nghi ngờ cách giải thích về não trạng bài tư bản trong giới trí thức mà chúng tôi vừa đưa ra bên trên. Dù sao mặc lòng, tôi cho rằng chúng tôi đã định danh được một hiện tượng quan trọng. Tổng quát xã hội học mà chúng tôi đã nêu ra bằng trực giác hóa ra là có sức thuyết phục: một cái gì tương tự như thế chắc chắn phải xảy ra trên thực tế. Một số ảnh hưởng quan trọng nhất định sẽ xuất hiện trong tầng lớp “học sinh thượng lưu” mà sau này bị mất địa vị xã hội, trong nhóm người này thái độ đối kháng với xã hội nhất định sẽ xuất hiện. Nếu đấy không phải là thái độ đối lập cao của các nhà trí thức thì là gì? Chúng tôi bắt đầu với một hiện tượng khó hiểu, cần giải thích. Tôi cho rằng chúng tôi đã tìm thấy, tác nhân có thể giải thích – sau khi chúng tôi đã nói một cách rõ ràng), tác nhân này rõ ràng đến nỗi chúng ta phải tin rằng nó giải thích được một số hiện tượng xảy ra trên thực tế.

Tác phẩm Anarchy, State, and Utopia của nhà triết học Robert Nozick, xuất bản năm 1974, củng cố vị trí của chủ nghĩa tự do trong triết lý chính trị được giới học giả rất coi trọng. Trong tác phẩm này, Nozick bênh vực “nhà nước tối thiểu” – sau này được gọi là minarchism – và chỉ ra những biện pháp để nó có thể trở thành “khuôn khổ cho những xã hội không tưởng.”

Nhưng Nozick không chỉ quan tâm tới lý thuyết chính trị. Ông đã chú ý tới gần như tất cả các nhánh của triết học trong những công trình có tính bao quát như Philosophical ExplanationsThe Examined Life, and Invariances: The Structure of the Objective World.

 

Tác giả: Robert Nozick

Dịch giả: Phạm Nguyên Trường

(Đã đăng trên Diễn đàn xã hội dân sự)

Mạnh dạn để viết

*Photo: by Triết Học Đường Phố

 

Triết gia Immanuel Kant nói: “Ngòi bút là thần linh của pháp quyền”, suy rộng ra ý nghĩa của câu nói đó, ta thấy ngòi bút còn là nơi thể hiện sức mạnh, phẩm chất, tinh thần và đức hạnh của người viết. Do lối viết của nhiều người khác nhau, nên nhiều khi chỉ cần nhìn vào cách viết của người nào đó ta cũng có thể suy đoán được kiến thức, tính tình, sự cẩn trọng hay khiêm tốn trong các câu chữ. Hay nói cách khác, ngòi bút chính là cái phản ánh của tác giả.

Theo một thống kê không chính thức, và tôi tin là nó chính xác, tính bình quân đầu người ở nước ta chỉ đọc vẻn vẹn một quyển sách/năm, một con số quá nhỏ so với các nước khu vực, chứ chưa dám so với các nước văn minh trên thế giới. Đó là về đọc sách, còn về viết sách thì sao? Chắc chắn đó sẽ là một con số nhỏ khủng khiếp mà nếu có điều tra thì ta còn phải giật mình hơn.

Ví dụ một quốc gia rất nhỏ bé nhưng thịnh vượng trên thế giới là Iceland, với dân số chỉ khoảng 300 nghìn người nhưng số lượng đầu sách xuất bản hàng năm rất lớn, tính trung bình cứ 10 người dân thì có một nhà văn. Ngược lại quá khứ, trong thời đại Khai sáng ở phương Tây, thời đại mà toàn bộ phương Tây chuyển mình, đại nhảy vọt so với phương Đông của ta, tính trung bình mỗi một xã nhỏ của Pháp đều có một nhà xuất bản, sách báo được xuất bản rất nhiều, rất nhiều cây viết đã truyền bá tư tưởng của mình ra ngoài thông qua những cuốn sách đó.

Ở nước ta ngày nay, số lượng nhà xuất bản có thể nói là rất ít, chỉ có vài nhà xuất bản lớn, nhưng sách của họ cũng chủ yếu là các sách nổi tiếng của nước ngoài được dịch theo nhu cầu của thị trường đọc, những tác giả mới thường tắt ngấm sau một vài sự hắt hủi của người đọc, và cứ thế người ta viết ngày càng ít hơn. Được sống trong một xã hội được coi là dân chủ và tự do, nơi có nhiều phương tiện hỗ trợ thuận lợi để viết, vậy mà có quá nhiều nguyên nhân khiến khiến ta không thể viết, không dám viết hay không biết cách viết.

Thêm nữa con người chạy theo giá trị vật chất quá nhiều, những quyển sách làm đẹp tâm hồn ít được ngó ngàng tới, những thứ được coi là nghệ thuật bị bỏ rơi, sách viết cẩu thả, nội dung hời hợt nhưng hợp thời lại là thứ được độc giả chú ý hơn cả. Giáo dục ngày càng ít đi những người bên xã hội, nhà văn hay những cây bút ít dần về số lượng và chất lượng.

Ta nhận thấy rằng bản thân chính chúng ta viết quá ít và quá sơ sài. Thư điện tử, chat, tin nhắn là những tiện ích trong cuộc sống hằng ngày, giúp đỡ ta nhiều nhưng những hậu quả nó gây ra cũng không nhỏ, nó vô tình khiến ta cẩu thả hơn, nhạt nhẽo hơn, những câu từ hay, bóng bẩy dường như biến mất, cái lối bình dân hóa xâm nhập vào hầu như tất cả mọi người, cái trừu tượng dần mất đi thay vào cái cụ thể. Những buổi nói chuyện dần trở nên ngắn ngủi và nhạt nhẽo dần, hay nói cách khác, chúng ta không biết nói chuyện mà chỉ thích tranh luận, không biết trình bày mà chỉ thích bình luận.

Những bức thư tay cũng biến mất. Chưa bao giờ tôi thấy tình yêu lại kém lãng mạn như bây giờ, những vần thơ hay, những lời có cánh trong những bức thư tay của chàng gửi nàng đã mất hẳn. Mọi người yêu thơ tình Xuân Diệu nhưng cư xử lại khác với thơ, nhiều người coi là sến, là trên mây.

Có lần một bạn sinh viên năm thứ ba học sư phạm hỏi tôi từ “huyễn hoặc” nghĩa là gì? Một bạn khác hỏi từ “vô minh”? Những cô giáo, thầy giáo tương lai mà hỏi những từ như vậy! Ôi, quả các bạn có không biết thật thì bao nhiêu công lao soạn từ điển của cha ông ta, bao nhiêu sách báo xuất bản đổ xuống sông xuống biển cả. Chỉ đọc còn không chịu đọc, thì viết thế nào được.

Những người được coi là thành phần trí thức nhất, các giáo sư tiến sĩ, không ít người lấy những luận văn của người khác trên mạng, sao chép phần lớn kiến thức và câu chữ rồi coi đó là của mình, bảo sao các bạn trẻ lại không làm vậy. Mọi thứ đã có sẵn, chỉ việc bê về, chỉnh sửa chút xíu cho phù hợp. Chính thói lười suy nghĩ dẫn đến việc lười viết, lười viết dẫn đến việc lấy toàn bộ của người khác làm thành của mình.

Thực ra viết sách không hề khó khăn như nhiều người vẫn nghĩ, về cơ bản, quyển sách là tập hợp những ý tưởng rời rạc thành một mục đích chung của tác giả, những ghi chép nhỏ, những bài luận ngắn, hay những cảm xúc ngắn ngủi được ghi lại thành câu văn được xâu chuỗi lại thành một thể thống nhất. Nếu muốn bắt đầu, đầu tiên ta nên bắt đầu với việc viết những bài viết ngắn, hay những suy nghĩ từ trải nghiệm để tăng dần khả năng của mình lên dần, sau khi có những bước tiến rõ rệt, ta xác định mục đích rồi cũng có thể viết được quyển sách cho chính mình.

Điểm lợi đầu tiên của việc viết ra là tăng kỹ năng viết lách, một con người được đánh giá cao ở khả năng trau chuốt ngôn từ của mình. Khi được là đại diện, những ngôn từ của ta còn là bộ mặt của gia đình, đoàn thể hay của cả đất nước, dân tộc, khó mà để những câu văn cẩu thả có thể hiện diện trong đó.

Ngày nay, hùng biện là một phương tiện quan trọng để đạt được sự chấp thuận của người nghe, tuy nhiên để có thể hùng biện tốt, ngoài chất giọng, điệu bộ và cách truyền đạt, những lời lẽ trong bài hùng biện lại mới có tính chất quan trọng hơn cả. Một người muốn thuyết phục được những người khác cần thiết ở tất cả các yếu tố đó.

Thêm nữa, viết ra sẽ tăng khả năng ghi nhớ kiến thức. Trong những cuốn sách về tự học của học giả Nguyễn Hiến Lê, ông khuyên chúng ta nên viết (hoặc dịch) sách vì làm như thế sẽ ghi nhớ kiến thức lâu hơn, nếu chỉ đọc thôi kiến thức chúng ta sẽ nhanh chóng mất đi. Khi đọc một quyển sách hay nào đó, ta nên luôn có một quyển vở ghi chép những ý hay để sau này ta có thể xâu chuỗi lại dễ dàng hơn.

Quả thực, khi suy nghĩ về một chủ đề nào đó, trong đầu ta có thể hình dung hàng trăm ý nghĩ khác nhau, nhưng đến khi đặt bút xuống viết những suy nghĩ đó cho liền mạch thì ta mới thấy nó khó khăn đến nhường nào. Ông nói sẽ thật là sai lầm nếu chỉ đọc mà không viết, kiến thức sẽ nhanh chóng bị lãng quên, khi viết vào, kiến thức sẽ được ghi nhớ lâu hơn. Nhà triết học Schopenhauer cũng cho rằng con người đọc quá nhiều sẽ hạn chế khả năng suy nghĩ và sáng tạo. Có vẻ điều đó là chính xác.

Khi viết ra cũng giúp ta bớt đi những suy nghĩ vô ích. Ta thấy rằng khoảng 80% những suy nghĩ của chúng ta là thừa thãi và vô ích, nó thường có tính chất lan man, liên tục, đôi khi còn có tính siêu hình, và không có điểm dừng. Nó khác với những tưởng tượng mang tính sáng tạo và thiết thực. Nếu không có sự tập trung lại, ta dễ dàng bị những suy nghĩ đó cuốn theo.

Đúng là nên viết, nhưng vấn đề là viết như thế nào?

Thứ nhất chủ đề viết, ta định viết theo chủ đề nào? Chủ đề triết học thì khô khan, khó viết và cần nhiều kiến thức chiêm nghiệm, thường ở mức trừu tượng nên mức độ phổ biến không rộng khắp. Văn học cần sự trau chuốt câu chữ và tính sáng tạo trong đó. Cảm xúc, suy nghĩ cần sự thành thực và đồng cảm, còn những bài phân tích cần nhiều kiến thức sâu rộng. Việc chọn chủ đề viết là do bạn, ta thấy cái nào phù hợp nhất với mình thì ưu tiên chủ đề đó hơn.

Thứ hai là về câu chữ và lối hành văn, cũng tùy từng thể loại mà câu chữ và cách hành văn sẽ khác nhau. Chúng khác nhau theo vị trí địa lý Đông Tây, ở phương Đông, các câu từ thường tối nghĩa, ngắn gọn, đôi khi chỉ một câu một từ mà có nhiều cách hiểu khác nhau, lối viết này yêu cầu người đọc phải có kiến thức và tự luận ra là chính, cách viết phương Tây cũng đôi khi trừu tượng, nhưng khá rõ ràng và mạch lạc, các đoạn lý giải thường chi tiết, mang nhiều phong cách quý tộc.

Lối viết cũng phân ra theo từng thời đại lịch sử, ngày trước thường viết theo lối ước lệ tượng trưng, độc giả không phải là toàn thể, nhưng ngày nay ta thấy cách viết thường theo hình thức dân chủ, câu văn tương đối dễ hiểu, câu chữ đơn giản, trọng ví dụ. Tất nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ như những tác phẩm đạt giải Nobel, tác phẩm siêu hình,… Nhưng ta đang xét xu hướng chung, không bàn chi tiết ở đây.

Mục đích viết là dành cho những đối tượng nào, chỉ viết riêng cho mình ta đọc, cho một người khác đọc, cho đa số đọc hay cho tất cả mọi người đều đọc được. Một bài viết tốt không phải là bài được nhiều người thích đọc nhất, bài được nhiều người thích nhất là bài được nhiều người hiểu nhất, có thể đồng cảm nữa. Như ta đã nói ở trên, cách viết theo hình thức dân chủ thường đơn giản, dễ hiểu và thích đưa ra nhiều ví dụ, những thứ thấy ngay trước mắt làm độc giả tán thành hay phản đối luôn, lối viết này thường dùng để truyền bá tư tưởng ra đa số.

Thật vậy một bài tiểu luận hay sách viết về triết học mà tất cả mọi người đều có thể đọc hiểu được thì đó hẳn là một bài viết không tốt, một bài thơ mà diễn tả đúng cảm xúc tất cả thì chắc chắn không có. Bởi vậy, cứ viết và tự tìm độc giả của chính mình.

Sẽ thật nguy hiểm nếu không có sự phản biện, không một vấn đề nào được đưa ra mà không có sự phán xét của người khác. Một trong những mục đích của thời đại khai sáng là công khai hóa ý kiến của mình lên để cùng trao đổi và phản biện, tư tưởng sẽ chết rục nếu ta cứ giấu mãi trong đầu mà không công khai ra, bởi ý kiến số đông không phải là ý kiến tốt, nhưng một vài ý kiến được chọn lọc trong đó lại hữu ích cho ta.

Một nguyên nhân khiến mọi người không dám công khai ý kiến mình là sợ sai, và có thể bị người khác chửi là ngu, đó hẳn là sự nhút nhát của người viết và sự thái quá của người phản biện, mong mọi người có sự dũng cảm để dám nói và dám viết.

Khi một người nổi tiếng nói lên những triết lý đơn giản, ta coi đó là những câu nói hay và chính xác, nhưng khi một người thân của bạn hay một người bình thường nào đó nói ra câu có ý nghĩa tương tự như vậy, nhiều người lại coi đó là điều ai chẳng biết. Bài viết trên đây về cơ bản là những điều mọi người đều đã biết, tác giả chỉ dũng cảm công khai những ý kiến của mình lên đây để mọi người cùng phê phán, âu cũng là cách để trau dồi thêm khả năng viết và kiến thức của mình. Bài viết chỉ là những ý tổng hợp, không muốn kéo dài ra như một quyển sách mỏng, mong độc giả thông cảm vì những điều bất tiện.

 

 

Đời Thừa

Làm thế nào để tự vượt qua nỗi buồn?

Ngày hôm nay tôi nói với bạn một sự thật: Đó là bạn phải tập học cách để tự vượt qua những nỗi buồn.

Tại sao phải tự vượt qua nỗi buồn, bạn hỏi?

Một cách lý tưởng nhất giả thiết rằng bạn có người yêu, tri kỷ, và những người đó có thể cho bạn một cái ôm ấm áp, một nụ hôn, một bờ vai để tựa, một không gian tĩnh lặng để yên tĩnh, những lời động viên an ủi… Thế nhưng có những lúc những cơn căng thẳng hoặc nỗi trầm cảm đến với bạn không thể tác động được từ bên ngoài.

Hoặc cũng có thể một ngày đẹp trời nào đó những người được gọi là người yêu hay tri kỷ kia lại chính là nguyên nhân khiến bạn đau khổ thì biết lấy ai mà tựa vào? Hoặc một suy nghĩ đơn giản thế này thôi, đồng ý bạn có những người tốt xung quanh mình sẵn sàng chia sẻ mọi nỗi thống khổ của bạn, nhưng họ không phải là cái thùng nước gạo để suốt ngày suốt tháng bạn muốn trút cái gì vào cũng được.

Ngoài ra hãy nhớ kỹ, nếu như bạn suốt ngày kêu ca về tình trạng của mình, tức là bạn đang trút sang những người thân những năng lượng tiêu cực, nếu yêu thương họ thì cũng nên giảm bớt những gánh nặng cho họ. Và thêm nữa, ai cũng có cuộc đời của mình, thế nên chia sẻ chỉ là ở một mức độ nào đó, không được kỳ vọng người khác, dù là những người thân yêu nhất, cũng không thể giải quyết được vấn đề của mình. Thế nên, hãy tập cách tự giải quyết tận gốc các vấn đề trong nội tâm của mình, hay nói cách khác là đôi lúc cần phải tựa vào chính mình.

Tôi là người có kinh nghiệm từng bị rơi vào những cơn suy sụp về tinh thần, có những lúc căng thẳng tưởng chừng như mình bị trầm cảm. Những lúc như thế, mọi suy nghĩ tiêu cực ùa đến như rất nhiều sợi dây trói chặt mình lại, dìm mình xuống, mất ngủ và căng thẳng triền miên. Tinh thần yếu dẫn đến một cơ thể yếu, và ngược lại cơ thể yếu không thể chống đỡ nổi một tinh thần yếu.

Hãy khoan nói về nguyên nhân, thật ra cuộc sống của tôi đầy đủ về mọi mặt, không có gì đáng phải bàn, những cơn suy sụp đến chẳng qua là mình bị quá căng thẳng vì một áp lực nào đó mình tự tạo, Những người hay bị rơi vào trạng thái trầm cảm đôi khi không hẳn do cuộc sống có một cú sốc hay sự mất mát nào, nó thuộc về tính cách hoặc một số những thói quen xấu trong quá khứ, như bệnh nghĩ nhiều chẳng hạn.

Hoặc như trong chương 3 của sách Alain nói về hạnh phúc, tác giả Émile Chartier còn chỉ ra một nguyên nhân rất trời ơi đất hỡi rằng những người lúc nào cũng có một tâm trạng thất thường và đột nhiên bị suy sụp tinh thần là do lượng thiếu và thừa huyết cầu trong máu.

Tôi từng tự vượt qua nỗi buồn như thế nào?

Vào năm thứ 3 của đại học, dạo đó, chúng tôi đứng trước một cuộc thi hết sức gay cấn để Đại sứ quán Nhật lựa chọn những thành viên ưu tú cấp học bổng đi du học tại Nhật. Tất nhiên là tôi đã để cho áp lực đánh bại mình trước kiến thức. Tôi bị chứng đau đầu mất ngủ triền miên và không thể tập trung vào bài học được.

Một cảm giác hết sức kinh khủng bao chiếm hết tâm trí mình, những suy nghĩ dằn vặt về bản thân, những tưởng tượng về sự chê cười cho thất bại, hoàn toàn hạ gục tôi. Cảm giác bao trùm là căng thẳng, mỏi mệt, dằn vặt… Tôi không nhớ chính xác mình có đi bệnh viện không, và hình như mình có uống loại thuốc nào đó, nhưng không thể cải thiện được tình hình.

Sau đó, tôi quyết định chạy bộ vào những buổi sáng. Sáng nào tôi cũng dậy sớm chạy bộ quanh hồ. Rời xa khỏi sách vở và những áp lực, vào những buổi sáng tinh sương tôi nhìn ngắm những tia nắng mặt trời rực rỡ, những người bán hàng rong, thậm chí, nụ cười của cậu bé bán bánh mỳ quen thuộc cũng làm cho tôi vui. Sự vận động của cơ thể khiến tôi ăn được nhiều hơn và ngủ ngon hơn. Trong suốt một tháng trời như vậy, bệnh đau đầu của tôi hoàn toàn biến mất và tôi trở nên khỏe mạnh cũng như vui vẻ bình thường.

Sau này, có một lần nữa tôi bị rơi vào trạng thái suy sụp tinh thần vì bị mất đi một mối quan hệ tốt. Vì suy nghĩ nhiều khiến tâm trí tôi hoàn toàn bị tê liệt. Những lúc như thế tình trạng hết sức kinh khủng đó là tôi tự làm cho mình bị rơi mãi rơi mãi vào cái vấn đề đó không thể thoát ra được. Sự căng thẳng trong tâm trí kéo theo sự mỏi mệt về tinh thần luôn làm cho tôi cảm giác mình cứ nằm đấy mãi, không thể nào dậy được.

Sau đó, tôi quyết định thức dậy vào mỗi sáng sớm, đeo tai nghe, đi giầy thể thao vào chạy bộ. Sự trong lành của những buổi sáng tinh sương, âm nhạc và những nhịp điệu chạy đều đều dần dần kéo tâm trí tôi ra khỏi vũng bùn mà tôi tự nhảy xuống. Đều đặn như thế, cả tinh thần và sức khỏe của tôi đều được cải thiện và chỉ trong một tuần thì tôi cảm thấy vấn đề của mình hoàn toàn được tự giải quyết. Như một phương thuốc rất đơn giản và hữu hiệu.

Sách Alain nói về hạnh phúc nói về cách tự vượt qua nỗi buồn

Về sau này, khi đọc cuốn Alain nói về hạnh phúc của Émile Chartier, tôi mới thấm thía được tác dụng của việc vận động cơ thể có ảnh hưởng rất lớn tới việc cải thiện tâm trạng của chúng ta. Có những câu nói hết sức tâm đắc như:

“Vào những phút lo lắng, đừng cố tìm cách suy luận, bởi suy luận của bạn sẽ biến thành những mũi kim nhằm vào chính bạn. Tốt hơn hết là bạn hãy thử nâng tay lên rồi gập tay lại, những tác động ngày nay được dạy tại tất cả các trường đại học, hiệu ứng của nó sẽ khiến bạn kinh ngạc. Vậy là ông thầy dạy triết đang bảo bạn đến chỗ ông thầy thể dục mà học đấy.”(trang 66, chương 17)

“Ông chỉ ra rằng, mặc dù nằm gọn trong não trạng, cảm xúc vẫn phụ thuộc vào những sự luân chuyển diễn ra trong cơ thể ta; chính những luân chuyển của máu hay dòng đối lưu của một loại chất lỏng nào đó du hành bên trong các dây thần kinh cuốn những ý nghĩ ấy quay trở lại bộ óc của ta, một cách dữ dội hơn trong sự im lặng của đêm. Thường thì chúng ta không nắm bắt được sự náo loạn này của cơ thể, chúng ta chỉ nhìn thấy những tác động này của nó mà thôi, hoặc giả chúng ta nghĩ rằng chính cảm xúc tạo ra sự náo loạn đó, trong khi ngược lại chính sự luân chuyển trong cơ thể mới là cái dung dưỡng cảm xúc.” (Trang 28, chương 6)

Trong cuốn sách này còn nói rất nhiều về những tư thế hoặc sự vận động của cơ thể có tác động tích cực không ngờ đến tâm trạng và cảm xúc của chúng ta. Ví dụ khi ngáp, gãi đầu gãi tai, nhún vai, duỗi thẳng chân tay… Là những hành động khá tự nhiên trong những trường hợp cụ thể của cảm xúc. Kể cả một nụ cười, dù là một nụ cười xã giao cũng đem lại sự chuyển động tích cực cho cơ mặt và đem lại một tâm trạng tốt hơn.

Trước kia tôi cứ nghĩa rằng người lúc nào cũng nở nụ cười trên môi hẳn là một người có một tâm hồn hạnh phúc ở bên trong và niềm vui đó toát ra tự nhiên trên khuôn mặt. Nhưng trong cuốn sách này chỉ ra rằng, bạn cứ mỉm cười đi, tự điều đó sẽ khiến bạn vui. Trong sách viết:

“Những cử chỉ lịch sự và thiện tâm đều là biểu hiện của sức khỏe” hoặc “Tâm hồn, cái mà ta luôn cho là hào hiệp và nhạy cảm, nếu bị tách riêng ra thì dường như chẳng quan tâm nhiều đến thế. Cơ thể sống động đẹp đẽ hơn nhiều, nó đau đớn bởi ý niệm và nó lành bệnh nhờ vào hành động.” (Trang 35, chương 8)

Cơ thể “đau đớn bởi ý niệm và lành bệnh nhờ vào hành động”. Bạn ghi nhớ nhé. Vậy để tránh rơi vào tình trạng buồn chán hoặc suy sụp về tinh thần, việc đầu tiên là bạn hãy vận động thật nhiều. Hồi sống ở Việt Nam, cũng như nhiều người khác, tôi rất ít vận động, đặc biệt là chuyện đi bộ, cứ ra khỏi nhà vài mét cũng thấy người ta đi xe máy. Mọi người dành nhiều thời gian cho màn hình máy tính, lười tập thể dục, ít đi công viên.

Khi định cư tại Pháp, tôi hiếm khi rơi vào tâm trạng buồn chán hay trầm cảm. Tôi đi bộ rất nhiều mỗi ngày từ nhà ra siêu thị, công viên, bến tầu điện ngầm. Công viên là những không gian rất mở và rộng lớn với cỏ và cây xanh, làm cho tâm hồn chúng ta cũng rộng mở và khoáng đạt hơn.

Cách tự vượt qua nỗi buồn #2

Ngoài việc vận động cơ thể, bạn nên coi sách là người bạn thân thiết của mình. Sách nói với ta những tiếng không lời. Sách không phải là những thứ ồn ào, phô diễn. Khi đi vào thế giới của sách, ta cảm thấy mình được yên tĩnh, bình yên, đồng cảm. Sách là những tiếng nói tinh hoa và được chắt chiu nhất từ tâm hồn của người viết. Hẳn ta sẽ tìm thấy những gì sâu kín và những giá trị đẹp đẽ từ đó.

Ta đọc, chỉ vì ở đó ta có một nơi trú ngụ của tâm hồn. Có rất nhiều điều trong tâm hồn bạn, những suy nghĩ đang còn hỗn độn chưa thể định hình, chính bạn cũng không thể lý giải được, thì hãy tin tôi đi, bạn có thể tìm được điều đó trong những cuốn sách.

Khi buồn, hãy đeo tai nghe nhạc, cầm một cuốn sách chạy bộ ra công viên, nằm dài trên bãi cỏ, ngắm trời xanh, và đọc sách, bạn nhé.

Đoàn Minh Hằng

Xem thêm

Nỗi buồn, tự hào hay sợ hãi?

4 điều để làm khi “chán đời”

“Chết quá dễ mà sống thì quá khó.”

Trịnh Công Sơn, Rơi Lệ Ru Người (Nxb Phụ Nữ)
Trịnh Công Sơn và Dao Ánh trong một lần tái ngộ
Trịnh Công Sơn và Dao Ánh trong một lần tái ngộ

Chúng ta có vô số thứ cần làm, có quá nhiều mong muốn và nhu cầu nhưng năng lực cùng với điều kiện khách quan lại ngăn cấm ta thực hiện chúng. Mỗi khi gặp khó khăn, bạn có quyền cảm thấy chán nản, tuyệt vọng. Bạn có thể đầu hàng hoặc bị khuất phục. Dưới đây là một vài cách tôi thường làm mỗi khi bế tắc hay còn gọi là “chán đời”.

1. Tìm một đôi tai biết lắng nghe khi chán đời

Lúc bạn buồn nhất cũng là lúc bạn thấy cô đơn nhất. Hãy tìm một ai đó đủ tin cậy để giải tỏa hết nỗi niềm. Bạn đã quá ngán những lời nói hoa mĩ, “ngọt như mía lùi” rót vào tai hàng ngày rồi. Bạn cũng không muốn một người dạy đời bạn phải sống thế này thế khác. Điều bạn cần là một ai đó sẵn sàng nghe bạn nói. Họ cũng không nhất thiết phải hiểu hay thông cảm cho hoàn cảnh của bạn. Vì đơn giản, việc bạn cảm thấy mình được coi trọng và được lắng nghe còn quan trọng hơn nhiều.

“Không có gì là mãi mãi trong thế giới ác ôn này, thậm chí những vấn đề của bạn.”

Charlie Chaplin

Rắc rối đến rồi đi trong một khoảng thời gian nhất định, khi bạn không còn bận tâm đến nó nữa nó sẽ tự khắc xách va li và “biến” khỏi cuộc sống của bạn.

2. Nghe nhạc thật to khi chán đời

chán đời

Những thứ liên quan đến nghệ thuật và có tác dụng giải trí cao như âm nhạc sẽ rất có ích cho bạn khi chán đời. Chắc hẳn ai cũng đã từng phải thốt lên rằng: “Sao bài hát này giống trường hợp của mình thế!” Bạn đau với nỗi đau của nhân vật nữ chính thất tình. Bạn được sung sướng với niềm vui của tác giả khi anh ta trúng sổ xố độc đắc. Đôi khi một bài hát cùng tâm trạng, vào đúng thời điểm còn an ủi bạn tốt hơn nghìn lần một người nào đó lảm nhảm bên tai bạn rằng bạn đã ngu ngốc, đã điên rồ và dại dột như thế nào.

Tôi thường nghe nhạc rất to, bởi khi ấy tôi được hòa mình vào những ca từ và giai điệu của bài hát. Tôi sẽ chẳng cần quan tâm hôm nay mình vừa bị điểm thấp hay 3 tháng nữa tôi mới lại được về nhà. Thôi nào, gác tạm mấy chuyện đó sang một bên, yên lặng mà thưởng thức âm nhạc đi!

3. Đi đâu đó với bạn tri kỉ khi chán đời

Một số người thích đi đây đi đó để thỏa mãn niềm đam mê của mình vì với họ đi du lịch hay phượt cũng là một cách nạp lại năng lượng hoặc tìm ra nguồn cảm hứng mới. Tâm trí bạn sẽ không vướng bận những suy nghĩ vẩn vơ nữa.

Sau khi trở về từ chuyến đi và gặp gỡ một vài anh chàng, bạn sẽ nhận ra rằng thật ngu ngốc khi phải buồn vì tên bạn trai coi trọng việc chơi game hơn cả bạn. Đến ngày sinh nhật bạn anh ta cũng không tặng nổi một món quà tử tế. Có lẽ anh ta không xấu nhưng chắc chắn anh ta không yêu bạn nhiều như bạn tưởng. Vậy nên có lẽ anh ta không đáng để bạn phải hy sinh quá nhiều như thế.

Có một câu nói mà tôi rất tâm đắc từ rất lâu rồi:

“Cười và thế giới cười với bạn. Khóc và bạn khóc một mình.”

— Ella Wheeler Wilcox

Lúc vui tôi thích đi du lịch cùng nhiều người, đến nơi náo nhiệt và quậy tưng bừng. Khi buồn thì ngược lại. Tôi sẽ lang thang một mình hoặc chỉ rủ thêm một, hai người nào đó đi du lịch cùng. Những lúc như thế tôi muốn tĩnh tâm, tránh xa mọi âm thanh ồn ào của cuộc sống. Cảnh đẹp và bạn hiền bên cạnh, vậy là đủ.

4. Đọc một cuốn tiểu thuyết tình yêu khi chán đời, ngay cả khi đó không phải là sở thích của bạn

chán đời

Con người cần được yêu thương bởi lãng mạn là một điều không thể thiếu trong cuộc sống. Một cuốn tiểu thuyết tình cảm nhẹ nhàng sẽ đưa bạn đến thế giới khác, cho dù nó có hơi xa vời thực tế một chút. Tại sao bạn lại không cho mình quyền được mơ mộng, được thả hồn theo mối tình éo le của hai nhân vật chính? Nhìn người khác hạnh phúc bạn cũng sẽ thấy vui vẻ. Thấu hiểu nỗi đau, sự bất hạnh của họ, bạn sẽ thêm quý trọng và giữ gìn những gì mình đang có.

Với tôi, đọc xong một cuốn sách cũng giống như đã sống thêm được một kiếp nữa. Từng giây từng phút được đồng hành với nhân vật, trải qua những cung bậc cảm xúc trầm bổng để rồi cùng nhau đi đến một cái kết không thể trọn vẹn và tuyệt vời hơn. Thỉnh thoảng làm một điều KHÁC đem đến cho bạn một cảm giác hoàn toàn LẠ, vô cùng kích thích và hưng phấn.

Tất cả những điều trên có thể chỉ giúp bạn vượt qua sự chán đời, có lẽ chỉ là tạm thời.

Nhưng trên tất cả mọi thứ, nó giúp bạn thư giãn, bình tâm và đưa ra những quyết định sáng suốt. Điểm mấu chốt ở đây là bạn nên có những suy nghĩ tích cực cho dù trong đầu bạn không thực sự nghĩ vậy. Có lần tôi xem phim “Ba Chàng Ngốc” của Ấn Độ, nhân vật Rancho có nói với bạn mình một câu thế này:

“Trái tim con người rất dễ sợ hãi. Cậu chỉ cần lừa nó một chút thôi. Thế này nhé, kể cả khi gặp phải khó khăn đến đâu, hãy cứ bảo nó rằng: Tất cả đều ổn, tất cả đều ổn. Điều này không giải quyết được vấn đề nhưng cậu sẽ có can đảm đối mặt với nó.”

Mỗi khi bạn chuẩn bị đưa ra một quyết định, sẽ luôn có hàng trăm lí do ngăn cản bạn làm việc đó. Một chút liều lĩnh, một chút bất cần đời, ít nhất hãy làm một điều bạn chưa bao giờ dám làm khi bạn còn trẻ, vì có lẽ sau này bạn sẽ chẳng thể làm được nữa.

Bỏ qua những điều ngoài lề về phương pháp dạy học của tiến sĩ Lê Thẩm Dương, có một câu nói của ông mà tôi và bạn bè thấy khá đúng và thường lấy ra đùa với nhau:

“Sống là phải để cho đời nó chán mình chứ không bao giờ được nghĩ đến chuyện chán đời!”

Tác giả: Anh Nguyễn LP
Biên tập: THĐP

Cảm giác của những người thiểu số

Chẳng hiểu sao tôi thấy những ông bố người Dao, người Thái tôi đã gặp thương con gái hơn nhiều những ông bố người Kinh. Chỉ còn ba dòng tập tô nữa, con bé người rũ ra vì buồn ngủ, mếu mếu máo máo, viết nguệch ngoạc mãi không xong, bố mẹ nó cũng rất mệt, nhưng chẳng hề to tiếng quát tháo hay giận dữ chút nào. Cảnh gia đình đầm ấm đó, bố mẹ mỗi người một bên, vừa cưng nựng vừa pha trò cho con đỡ khóc, ở giữa là đứa con gái bé tí, bên cạnh đống lửa cháy bập bùng và con mèo gầy ốm rên hừ hừ vì lạnh, chẳng hiểu sao làm tôi xúc động đến rớt nước mắt.

Trở lại Canada sau 3 năm, tôi cứ nghĩ mình sẽ bắt nhịp lại với cuộc sống ở đây rất ổn. Dù gì tôi cũng đã từng sống ở đất nước lá phong này 4 năm. Ngân hàng, siêu thị, hệ thống giao thông công cộng không có gì thay đổi. Cách quẹt thẻ mua hàng, cách giật dây trên xe buýt để báo hiệu mình muốn xuống bến tiếp theo vẫn thế. Bài trí hàng hóa trong những cửa hàng quen và thực đơn của những nhãn hiệu đồ ăn nhanh cũng y chang như xưa. Tưởng rằng việc hòa nhập với cuộc sống rất lề lối và có phần đơn điệu này sẽ  đơn giản như tôi quay lại đây sau một kì nghỉ hè, chứ không phải là khoảng cách ba năm dài đằng đẵng.

Nhưng khi bắt đầu đi học, tôi vấp ngay phải một rào cản rất lớn, đó là sự khác biệt trong nhận thức và hiểu biết của tôi về xã hội so với các bạn cùng lớp. Phần lớn các bạn học thẳng lên bậc thạc sĩ sau khi tốt nghiệp đại học, và những gì các bạn quan tâm chủ yếu xoay quanh Canada và Mỹ. Tôi thì lại không sinh ra, cũng không có nhiều hiểu biết về hai đất nước này.

Kết quả là trong những buổi thảo luận trên lớp, tôi thường im lặng, không biết đóng góp gì khi những sinh viên khác tranh luận sôi nổi. Hoặc khi họa hoằn lắm tôi mới rụt rè đưa một ví dụ về Việt Nam hoặc châu Á mà tôi nghĩ có liên quan đến học thuyết đang nói tới, thì y như rằng lớp học sẽ rơi vào một sự im lặng khó xử, bởi vì đơn giản là các bạn còn lại không biết những điều tôi biết, nên không thể bình luận thêm.

Sự chênh lệch về nền tảng này khiến tôi khá buồn bực, một phần vì cảm mình bị “ra rìa”, trong khi một phần lớn điểm của tôi sẽ được chấm dựa trên những lần phát biểu trong lớp. Nếu cuộc thảo luận xoay quanh những diễn viên, ca sĩ, người mẫu, hoặc thậm chí những dự thảo luật, hay những sự kiện lịch sử của Canada, tôi thường chẳng tham gia được. Và khi tôi lên tiếng, các bạn trong lớp có thể gật gù, nhưng họ không phản hồi, hay bình luận thêm về những ví dụ tôi đưa ra.

Vấn đề này không mới. Thường là học sinh quốc tế duy nhất trong những lớp xã hội học, ngành học khá chú trọng vào bối cảnh xã hội chứ không có những nguyên tắc đúng với mọi thời đại, mọi không gian như toán, lý, hóa, tôi đã luôn thấy lạc lõng trong suốt bốn năm học đại học. Cứ tưởng rằng khi học lên bậc thạc sĩ rồi, mối quan tâm và hiểu biết của những người học cùng sẽ mở rộng hơn, thay vì chỉ bó hẹp trong đất nước của họ. Tôi thất vọng và khó chịu về sự lạc lõng này đến nỗi đã có lúc tôi muốn chuyển sang học Phát triển quốc tế vì nghĩ rằng sinh viên trong các lớp ở ngành này chắc sẽ có tầm nhìn rộng mở hơn.

Cũng không hiểu thế nào, tôi nhận ra, sự khó chịu này có nguyên nhân rất lớn từ việc tôi đang bị đặt ở vị trí yếu thế. Tôi đang là một cá nhân đơn lẻ và khác biệt trong một tập thể của những người giống nhau. Tôi đang phải điều chỉnh để tuân theo những quy tắc tính điểm, những cách giao tiếp ứng xử mà tôi không quen, nhưng những người ở đây cho thế mới là tốt.

Tôi đang bị đẩy ra khỏi không gian quen thuộc (comfort zone) của mình. Nếu chỉ ở nhà, tôi sẽ luôn là một người nằm trong nhóm có địa vị. Tôi ở thủ đô, có học, lại toàn làm việc với người nước ngoài. Tôi sẽ chẳng thể hiểu được nỗ lực để làm theo chuẩn mực của số đông, càng cố gắng càng thấy mình bị đẩy ra xa, càng muốn hòa nhập lại càng thấy mình không giống, cảm giác vừa tủi thân, vừa tị nạnh của người ở bên lề, và nỗi lạc lõng luôn len lỏi kể cả khi sự thân quen bắt đầu nhen nhúm. Họ không hiểu mình, họ không thể đồng cảm với mình, vậy mà mình phải thay đổi để giống họ.

Tôi cứ dằn vặt mãi như thế, cho đến lúc tự dưng tôi nhớ ra, có lần em gái người dân tộc Thái đã kể với tôi là: “Ở trường em tất cả học sinh phải nói tiếng Kinh hết. Nếu nói tiếng Thái sẽ bị cô giáo quật thước kẻ vào tay.” Lúc ấy tôi đã chẳng khó chịu, hay mảy may suy nghĩ gì.

Giáo dục vẫn được coi là một trong những cách hiệu quả nhất để thoát nghèo, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi trẻ con ở thành phố ngồi trong lớp học nghe giảng đến mụ mị cả người vì sự cạnh tranh quá lớn, vì nếu không như thế thì không thể vào đại học, thì trẻ con ở nông thôn miền núi đi học vì chính sách của nhà nước, vì được cán bộ địa phương vận động, vì cần có cái chữ, vì bố mẹ các em mong con mình sẽ đổi đời.

* * *

Có lần tôi đi Hà Giang, ở cùng một gia đình người Dao đỏ. Lúc đấy đã chín giờ tối, trời mùa đông khá lạnh, nhà đốt một đám lửa giữa bếp, tiếng lửa liếm vào củi lách tách. Đứa con gái út vừa mới vào lớp một, đang ngồi trên bàn học khóc thút thít vì buồn ngủ mà vẫn chưa làm bài xong. Nó sợ sáng hôm sau đến lớp sẽ bị cô giáo phạt. Nhưng cơn buồn ngủ sau bữa cơm no đang sầm sập kéo đến. Một đứa trẻ sáu tuổi, mẹ đánh thức từ năm rưỡi sáng, sáu giờ tay cầm nắm xôi cùng chị đi bộ một tiếng đồng hồ đến trường. Năm giờ chiều từ trường về nhà, đi bộ một tiếng sáu giờ mới về đến nơi. Chín giờ tối, hai mắt mở ra không nổi, mà bài tập còn nhiều quá, thì còn biết làm gì hơn là khóc?

Mẹ nó cũng dậy từ sáng sớm đi nương, đi lấy rau cho lợn, rồi xay thóc, và bây giờ đang ngồi bên cạnh đứa con gái mắt mũi tèm lem tóc tai rối bù, giọng rất dịu dàng, một tay lau nước mắt một tay cầm bút chì chỉ từng chữ cho con. Nhưng chị không viết hộ. Bố nó ngoài  ba mươi, làm cán bộ địa chính ở xã, và bây giờ vẫn đang đi học đại học tại chức, một năm học ba tháng ở thành phố để cố lấy cái bằng đại học. Bố nó nhẹ nhàng ngồi cạnh con, vừa động viên vừa dỗ dành.

Chẳng hiểu sao tôi thấy những ông bố người Dao, người Thái tôi đã gặp thương con gái hơn nhiều những ông bố người Kinh. Chỉ còn ba dòng tập tô nữa, con bé người rũ ra vì buồn ngủ, mếu mếu máo máo, viết nguệch ngoạc mãi không xong, bố mẹ nó cũng rất mệt, nhưng chẳng hề to tiếng quát tháo hay giận dữ chút nào. Cảnh gia đình đầm ấm đó, bố mẹ mỗi người một bên, vừa cưng nựng vừa pha trò cho con đỡ khóc, ở giữa là đứa con gái bé tí, bên cạnh đống lửa cháy bập bùng và con mèo gầy ốm rên hừ hừ vì lạnh, chẳng hiểu sao làm tôi xúc động đến rớt nước mắt.

Giáo dục có thật sự giải quyết được vấn đề gì không?

Trong khi trẻ con ở thành phố è cổ ra học tiếng Anh thì trẻ con miền núi đi học về nói tiếng Kinh với bố mẹ. Cũng từ chuyến đi Hà Giang đó, tôi được hay ngày xưa bản người Mông và bản người Dao ở cạnh nhau lâu đời thì hai bên đều nói được tiếng của nhau, giờ thì họ không hiểu tiếng nhau nữa, vì cả hai bên đều nói tiếng Kinh. Tiếng Kinh là thứ ngoại ngữ nếu ai không biết thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi có việc gì cần xuống ủy ban xã. Những người phụ nữ phải nghỉ học sớm, hoặc không được đi học từ nhỏ không biết viết tiếng Kinh, vì thế nếu họ cần làm giấy khai sinh cho con, hay xin cấp thuốc tránh thai miễn phí, hay nhận trợ cấp hộ nghèo, đều cần người khác đi cùng.

Họ có thể gặp những cái hừ mũi khó chịu từ cán bộ xã, họ sẽ rúm ró lại xấu hổ vì mình dốt, hoặc sẽ cười khúc khích mặt đỏ ửng lên để giấu đi sự ngại ngùng của mình. Ít có cán bộ người Kinh nào công tác ở một vùng dân tộc thiểu số lại chịu học tiếng địa phương. Các cô giáo người Kinh cũng nói với tôi rằng, họ luân phiên chuyển công tác vào “vùng sâu vùng xa” theo chỉ định của “trên”, và phần lớn các cô đều mong đến ngày trở về xuôi, chứ ít ai có ý định ở lại khi hết hạn công tác.

Có lần tôi ngồi trong một mái nhà sàn lợp lá cọ liêu xiêu bên vách núi, nói chuyện với một người phụ nữ bằng tuổi mình, trước ngực địu đứa con lớn hai tuổi, sau lưng địu đứa con nhỏ hai tháng. Đứa con lớn ngọ nguậy liên tục, mũi dãi lòng thòng, thỉnh thoảng làm dây địu động đậy mạnh và đứa em nhỏ đằng sau khóc ré lên. Chị chậm rãi kể cho tôi, chị đã từng là học sinh giỏi nhất trường, nhất xã, rồi được đi học sư phạm theo chỉ tiêu của huyện với trợ cấp của nhà nước. Khổ cái, hầu như tất cả học sinh miền núi đi học theo chương trình này đều học sư phạm. Nếu muốn làm công ăn lương ở một bản làng xa xôi, thì còn lựa chọn nào khác?

Ở một ủy ban xã có hai mươi ghế, thì những người trong đó ngồi luôn cả đời, trước khi họ về hưu đã giữ chỗ cho con cháu, người quen, dân thường như mình làm sao vào được. Ngoài ủy ban xã ra thì chỉ có trường học là trả lương. Chị kể với tôi như thế, và lẽ đương nhiên là sau khi tốt nghiệp sư phạm cùng với vài chục người khác, chị vẫn không có việc, vì không có tiền hay người quen. Cô học sinh sinh giỏi của xã, sau hai năm đi học xa nhà, sau bao nhiêu khó khăn vất vả, bao nhiêu đấu tranh với gia đình và kì vọng của cộng đồng, giờ lại lấy chồng, nuôi con, làm ruộng, chăn lợn như tất cả những cô chẳng đi học khác.

“Ở địa phương em, các bạn gái lấy chồng rất sớm, toàn bỏ học để tảo hôn các anh chị ạ.”

Sinh viên trường đại học Phan Châu Trinh ở Hội An, một cô bé người Vân Kiều, kể về vấn đề xã hội em muốn thay đổi trong một hội trường đông nghịt các sinh viên khác và các anh chị là những người hoạt động xã hội từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, giọng hơi nghẹn lại. Em không biết làm thế nào cả. Không phải bạn nào cũng được đi học đại học như em. Em có thể làm gì?

Để một cô gái từ nhỏ đến lớn chỉ ở trong bản làng lên huyện học cấp 3, không những gia đình phải mất tiền, mất một lao động, mà bản thân em cũng phải rất dũng cảm. Con gái xa nhà lại ở một mình, em sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thậm chí nguy hiểm. Con trai có thể đi đường rừng bốn năm chục cây số mỗi chiều thứ 6 để về thăm nhà, con gái cũng có thể đi, nhưng liệu trên những quãng đường đấy, em có được an toàn? Còn nếu không đi học, ở nhà làm ruộng thì phải lấy chồng thôi, còn lựa chọn nào khác?

Việc đi học với trẻ em miền núi là một cuộc chiến dài đằng đẵng. Và cuộc chiến ấy nhiều khi vô nghĩa với các em, với gia đình các em. Dậy từ lúc trời chưa sáng, về đến nhà khi mặt trời đã khuất sau rặng núi. Bữa trưa là một nắm cơm nguội và chút ít cá khô. Leo núi, lội suối, những khi lũ lên bất chợt có học sinh bị cuốn trôi lúc nào không biết. Đi học nhóm ở nhà bạn về có khi bị rắn đuổi theo. Những em ở nội trú tại trường do nhà xa có khi ăn cơm với muối và chan canh bằng nước lã.

Các em dành cả ngày ở trường để học những công thức toán lý sẽ không giúp các em có mùa vụ năng suất cao hơn. Các em bị ép nói tiếng phổ thông, trong khi ngôn ngữ mẹ đẻ của các em với bao nhiêu ẩn dụ, thần thoại và tri thức địa phương thì bị hao mòn dần. Một cái bằng tốt nghiệp cấp hai, cấp ba, có giúp đời sống của các em đỡ vất vả hơn?

Những bạn sinh viên người Thái tốt nghiệp đại học đã từng bảo tôi, ở lại thành phố thì lương chỉ đủ tiền thuê nhà, tiền chi tiêu rồi cũng hết, những lúc ốm đau có khi lại phải xin trợ cấp gia đình. Còn về quê, về quê thì biết xin việc ở đâu?

Tôi nghĩ lại cảm giác khó chịu của mình khi học trong một lớp toàn sinh viên Canada, và mơ hồ cảm thấy cách tổ chức và đánh giá của lớp học này sẽ có lợi cho những bạn người Canada từ bé đến lớn đã quen với việc tư duy đa chiều và không ngại bày tỏ ý kiến của mình rằng: “Bài đọc thầy giao tuần này như cứt ý thầy ạ” hay “Mấy người viết sách này đầu óc có vấn đề thì phải, vớ vẩn quá đi mất”. Cái kiểu của tôi, ngồi lắng nghe, ghi chép, mỗi khi muốn nói gì phải giơ tay, đợi thầy giáo cho phép, rồi về nhà ngẫm nghĩ lâu thật lâu sau mới dám rụt rè đưa ra một ý kiến phản bác lại một giáo sư nào đó trong một email viết đi viết lại mất cả buổi sáng, thì rõ ràng bị thiệt.

Nếu cô bé người Thái kể với tôi ở lớp phải nói tiếng Kinh, mà ra Hà Nội học đại học, không biết em có cảm giác như thế không? Em có chán và muốn bỏ cuộc vì cảm giác mình không được công nhận và vô cùng lạc lõng như tôi không? Em cũng nói tiếng phổ thông tốt như, hoặc thậm chí tốt hơn tôi nói tiếng Anh, nhưng điều đó đâu có nghĩa là những người ở phía có quyền lực có thể tảng lờ sự khác biệt của em, đúng không?

Tôi biết ơn cái trải nghiệm khó chịu của mình, dù tôi vẫn ghét nó. Tôi vẫn không thích khi các bạn trong lớp bắt đầu nói về những thứ của Canada tôi chẳng biết gì, hoặc rơi vào sự im lặng chết chóc mỗi khi tôi lên tiếng, nhưng nhờ thế mà tôi bị bắt buộc phải làm người thiểu số, và có thể tôi  hiểu em nhiều hơn, điều mà nếu cứ tiếp tục làm người Kinh ở thành phố, tôi có lẽ chẳng nhận ra bao giờ.

Nguyễn Hồng Vân

Photo by Tron Le on Unsplash

Đã học đại học thì không nên điểm danh

Photo: Corbis

 

Tiêu đề nghe giống như một sự bao biện cho những tên làm biếng, lười học và chuyên cúp lớp, cụ thể là tôi. Nên trước tiên phải điểm sơ qua tiểu sử của tác giả để cảm nhận được góc nhìn của người viết trong bài này. Trong bốn năm tôi đóng tiền học đại học, thời gian đi học giảm dần theo từng năm, cụ thể năm nhất tôi chỉ cúp khoảng 10% số tiết học (thường là những môn quá chán), năm hai con số tăng vọt lên khoảng 40%, năm ba với sự thay đổi lớn khi tôi chỉ có mặt tại những lớp thí nghiệm hoặc điểm danh hay đôi lúc là thuyết trình bài tập nhóm, tất nhiên tới năm bốn tôi chỉ phải đóng tiền và đi thi, gần như chẳng lên lớp buổi nào kể cả có điểm danh đi chăng nữa.

Do vậy, tôi là một người kịch liệt phản đối việc điểm danh trong đại học vì điều đó cũng đồng nghĩa với việc có cố gắng học bài thi thế nào đi chăng nữa, tôi cũng nắm chắc phần rớt vì không đi học buổi nào. Thế nên câu hỏi đặt ra rằng “Tại sao lại phải điểm danh trong Đại học khi mọi sinh viên đều đã trên 18 tuổi và đầy đủ quyền công dân?”

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và chỉ ra được 2 câu trả lời là “ý thức kém” và “không điểm danh thì có ma nó học”.

Với lý do đầu, người dạy giả định người học có ý thức kém, nếu không có biện pháp kỷ luật, răn đe sẽ không chịu đi học và học. Tôi cho rằng điều đó là hoàn toàn đúng và đúng một cách tuyệt đối với các bé mẫu giáo cho tới phổ thông trung học. Nhưng khi với một người đã 18 tuổi thì không nên áp dụng suy nghĩ như thế vì đơn giản người học lúc này đã phát triển đầy đủ nhận thức, họ không cần một hình thức kỷ luật nào vì việc học là cho cá nhân, nếu không học thì họ sẽ tự chịu trách nhiệm với bản thân và gia đình chứ không phải người dạy. Nên tôi cho rằng dùng “ý thức kém” để bao biện cho việc điểm danh không phải là một lý do tốt.

Thay vào đó, lý do thứ hai lại rất thú vị, trước hết là câu chuyện của bản thân, tôi đã từng 3 lần học môn triết học và cả 3 lần đều ngã ngựa (cho tới tận bây giờ tôi vẫn còn nợ môn đó vì rất ít khi đi học dù đã thề thốt bao nhiêu lần trước khi đăng ký môn học). Khi tôi ngồi nói chuyện với một đứa bạn bên trường Kinh Tế, được biết bên đó có một ông thầy trẻ dạy Triết, điều đặc biệt là ít khi nào có sinh viên vắng lớp cho dù không hề điểm danh, thậm chí bất ngờ hơn có nhiều sinh viên vào học chui để xem ông này dạy cái khỉ gì.

Trái ngược với hình ảnh lớp Triết trong trường Bách Khoa của tôi, khi mọi sinh viên đều tranh nhau những bàn cuối, ngủ, chơi game, đọc truyện, nhắn tin…Đâu là sự khác biệt giữa hai lớp triết đó, có chăng do ông thầy bên Kinh Tế vừa trẻ vừa đẹp trai mà lại chưa có vợ hay là một lý do nào khác? Tôi chưa có may mắn tham gia một lớp của thầy đó, chỉ được nghe về cách dạy Triết của ông rất thú vị, khi lồng những định nghĩa khô khan vào những thực tế hằng ngày như tại sao Ngọc Trinh lại được xem là đẹp? hay Làm sao để tán đổ một cô gái?…khiến cho sinh viên không buồn chán mà bỏ về.

Bản thân tôi cũng trải nghiệm điều này rất rõ khi năm nhất cả nhóm bạn tôi đã bỏ tiết học Lý chính thức của mình và chui sang lớp của một cô khác chỉ vì cô dạy dễ hiểu hơn rất nhiều. Và đôi lần tôi từng nhìn thấy một vài lớp học kèm 1-1 giữa một giảng viên và một sinh viên chỉ vì thầy không chịu điểm danh, đúng như ý tôi muốn đề cập “không điểm danh thì có ma nó học”.

Vì vậy, tôi cho rằng người dạy muốn đạt được hiệu quả tối đa trong việc truyền tải kiến thức cho người học thì không nên điểm danh. Vì như vậy không chỉ loại bỏ bớt những thành phần “ý thức kém” không muốn học mà tập trung giúp những ai thực sự muốn tìm tòi kiến thức và thêm nữa có thể đánh giá được khả năng dạy học của mình như thế nào qua số lượng người học tới lớp.

 

Nhộn

 

 

Yêu như Robot

*Photo: Wolfy

 

1:1 – 1-1 – 1&1

Cái gì thế nhỉ? À, đó là chuẩn mực vàng của tình yêu!

Tốt với một người duy nhất và tuyệt đối đừng tốt với ai khác, đó gọi là tình yêu? Chia sẻ niềm vui, hạnh phúc với một người duy nhất và tuyệt đối đừng chia sẻ với ai khác, đó gọi là tình yêu?

Một cô gái hay một chàng trai dính chặt vào một mối quan hệ khi đối phương thỏa mãn một số tiêu chí nào đó gọi là tình yêu? Hôn nhân theo pháp luật gọi là tình yêu? Làm mọi việc điên rồ để bảo vệ nguyên tắc 1-1 gọi là tình yêu? Đàn ông có gia đình thì không được yêu & phụ nữ có gia đình thì không được yêu, đó gọi là tình yêu? Yêu một ai đó khác thì gọi là phản bội, đó gọi là tình yêu?

Tất cả những gì loài người biết cho đến hiện nay (ngoại trừ một số địa phương cá biệt và một vài bộ tộc thiểu số có cách nhìn khác) thì tình yêu luôn luôn phải là: 1-1

Không được vượt ra khỏi nguyên tắc đó. Ai vượt ra khỏi nguyên tắc đó lập tức sẽ bị ném đá, phê phán, chỉ trích, bị loại trừ… Điều đó khắc nghiệt đến nỗi một người quyền lực như tổng thống Putin cũng phải đầu hàng và né tránh đối diện.

Nhân loại không ngừng ca ngợi tình yêu nhưng khi tình yêu xuất hiện theo cách khác, cách mà đại đa số không mong muốn thì lập tức trò lố xuất hiện. Phần đông cứ hành động chính xác như thế này: Họ không thể chịu đựng nổi ai đó yêu thương nhau! Họ phải hùa nhau vào phá đám, tiêu diệt, hủy hoại đi cái mà họ vẫn đang ca ngợi: Tình yêu!

Ấy thế rồi họ lại tiếp tục ca ngợi tình yêu một cách chung chung. Họ cứ lặp lại mãi sự ca ngợi ấy, không ngừng. Họ sẽ ca ngợi chừng nào tình yêu còn tuân theo chuẩn mực được số đông công nhận, càng đông càng tốt!

Chuẩn mực thì chính là luật lệ, mà luật lệ chính là sản phẩm của lí trí. Tình yêu là cái thuộc về tâm hồn, thuộc về trái tim, thuộc về điều thiêng liêng, thuộc về cái vô hạn. Lấy chuẩn mực để quy định tình yêu và mong muốn có được hạnh phúc từ đó là một việc làm điên rồ. Bởi đó chính là lấy cái thấp kiểm soát cái cao, lấy cái nhỏ đựng cái lớn, lấy cái trần tục áp đặt cái thánh thiện.

Photo: Adam Foster
Photo: Adam Foster

Thế nhưng tại sao chúng ta vẫn cứ làm đi làm lại những điều điên rồ và vô lí đó trong suốt hàng ngàn năm?

Là một thói quen không thể thay đổi? Là một sự tăm tối không thể khai sáng? Là bản chất thú tính không thể vượt qua? Là sự sợ hãi?

Rất may mắn là vẫn có đó một số ít người đã ở bên kia của thực tế này. Họ sống chen lẫn trong đám đông nhưng không phải là số đông. Cuộc sống của họ tràn ngập yêu thương, từ ái, độ lượng và thánh thiện. Tình yêu của họ không còn bị quy định bởi những chuẩn mực, sự nhỏ nhen, sở hữu. Tình yêu của họ đã trưởng thành. Tình yêu của họ đã vượt ra ngoài yếu tố thời gian vì họ đã hiểu được yêu thương không phải là đối lập của thù ghét. Họ hiểu rằng yêu là sự quan tâm sâu sắc tới người khác. Họ hiểu rằng yêu là tự do. Họ hiểu rằng yêu là ân sủng của tạo hóa. Họ hiểu rằng…

Họ khiêm nhường và biết ơn tình yêu, biết ơn sự sống, biết ơn điều thiêng liêng. Họ không còn là những con robot sống và hoạt động, yêu theo những chương trình được cài đặt sẵn. Phải chăng họ mới chính là tương lai mới của loài người?

 

 

Mr. Bow

Thiên Chức Của Người Phụ Nữ

Photo: ucukmavi

 

Phụ nữ là những người đáng được tôn vinh, “thiên chức làm vợ – làm mẹ” là một trong những thiên chức cao cấp nhất của loài người, nó đòi hỏi nhiều tri thức nhất, nhân cách cao cả nhất, sự hy sinh lớn nhất.

 

“Phụ nữ là những người làm cho thế giới này yên bình, sút bay những căng thẳng, xoa dịu những nỗi đau và vẽ ra những sắc màu thiên nhiên.”

Tối qua mới đọc được comment ấy của một bạn ở một bài viết, mình mới nhảy vào hỏi bạn ấy bâng quơ: “Liệu TN có thể vẽ ra những sắc màu cuộc sống không nhỉ?” Bạn đùa, “Được chứ, TN vẫn thường hay vẽ nguệch ngoặc đó thôi.

Thực sự những “thiên chức” to lớn của người phụ nữ, mình chẳng thích tí nào. Thiên chức làm vợ, thiên chức làm mẹ, không có gì hấp dẫn với mình. Mình không thích nấu ăn, không thích quẩn quanh trong xó bếp, mình cũng không thích trẻ con, mặc dù ai cũng bảo bọn chúng thật đáng yêu. Từ nhỏ mình luôn ước ao được sinh là một thằng con trai. Mình nghĩ là con trai có lẽ mình sẽ làm được nhiều điều “lớn lao” hơn chăng, chứ sẽ không nằm trong quan điểm cổ hủ “Đàn bà thì biết gì”. Bạn bảo: “Đơn giản lắm TN qua Thái đi.”

Mình chẳng biết nói gì nữa, chỉ biết để qua một cái icon mặt cười, bạn lại tiếp tục bảo “Làm con trai thì làm sao mặc váy được.” Ừ ha….Mình bị nghiện váy, mình trông có vẻ dịu dàng và nữ tính, mình thích hoa, mình có thể làm những thứ để tô vẽ cuộc sống của mình đầy màu sắc đúng nghĩa là một đứa con gái. Nhưng đối nghịch với những điều ấy là bản chất độc lập và mạnh mẽ ngầm, kèm theo những tham vọng mà ngay cả những đứa con trai “tầm thường” cũng chẳng thể có được.

Đôi khi, à không phải, rất nhiều khi mình ganh tỵ với đàn ông, vì cùng một thứ nhưng tư duy của họ có thể tập trung tốt hơn người phụ nữ. Có chị bảo với mình vì bộ não của phụ nữ tốt hơn đàn ông, nhưng đàn ông chỉ tập trung vào một vài thứ, còn phụ nữ lại phân tán đi quá nhiều, bởi thế độ tập trung của họ không cao. Theo những nghiên cứu thì nam giới sử dụng não trái tốt hơn não phải, còn nữ giới có khả năng sử dụng tốt cả hai bán cầu như nhau do đó phái yếu có khả năng làm được nhiều việc cùng một lúc còn tốt hơn phái mạnh. Phụ nữ lại có khuynh hướng suy nghĩ nhiều và sâu xa hơn đàn ông.

Phụ nữ “liễu yếu đào tơ”, thân yếu tay mềm nhưng kỳ thực là những người mạnh mẽ về tâm hồn, đàn ông tuy mạnh mẽ nhưng lại “yếu đuối” hơn phụ nữ khi vấp ngã. Không tin? Bạn thử nhìn lại ví dụ đơn giản này xem: Khi thất tình đàn ông thường mất nhiều thời gian phục hồi hơn là phụ nữ. Theo nghiên cứu của Elite Singles thì 95% nam giới thừa nhận trong cuộc đời từng đau khổ vì thất tình nhiều hơn phụ nữ 25%.

Phụ nữ hiện đại ngoài những chuyện công việc, sự nghiệp họ còn gánh vác chuyện gia đình, chuyện chồng, chuyện con. Đã có rất nhiều người phụ nữ thành công trên thương trường, gây ảnh hưởng lớn cho xã hội, nhưng họ vẫn luôn hoàn thành những thiên chức cao cả của mình. Nếu một gia đình không có bàn tay phụ nữ, chắc hẳn là sự thiếu sót vô cùng lớn, tổ ấm ấy sẽ lạnh lẽo vô cùng. Có quan niệm thiên chức làm vợ – làm mẹ là trách nhiệm và nghĩa vụ to lớn nhất của phụ nữ. Mình không nghĩ vậy, hai từ “trách nhiệm và nghĩa vụ” nghe thật sự không công bằng với phụ nữ.

Họ có quyền lựa chọn không làm, chẳng ai ép buộc họ làm, nhưng mình nghĩ họ làm những điều đó giống như “bản năng” thiên bẩm của mình, ăn sâu vào trong tâm thức từ những tỉ tỉ năm trước, triệu triệu kiếp trước. Người phụ nữ tất bật chu toàn mọi việc trong gia đình, cố gắng làm cho gia đình mình được toàn vẹn và hạnh phúc nhất.  Đó luôn là mong muốn và là hạnh phúc to lớn nhất của đời họ.

Lại chuyện phụ nữ với thiên chức làm mẹ. Khi mình nghe những chị đồng nghiệp kể về chuyện sinh nở, sự đau đớn, khó nhọc, kèm những cảnh miêu tả “rùng rợn” khi sinh một đứa trẻ và chỉ có một kết luận cuối cùng “Phụ nữ quả là anh hùng.” Đàn ông chắc cũng chẳng có “gan” để làm việc đó. Phụ nữ chính là hiện thân của nguồn sống trên trái đất, họ tạo ra những sinh linh bé bỏng, nuôi dưỡng và giáo dục chúng thành những con người và con người sẽ tạo nên những điều tốt đẹp của cuộc sống, tất cả xuất phát từ tình yêu thương, trí tuệ, sự bao dung của người mẹ.

Đấy! Điều mà phụ nữ làm cho thế giới này quả là vĩ đại. Phụ nữ là những người đáng được tôn vinh, “thiên chức làm vợ – làm mẹ” là một trong những thiên chức cao cấp nhất của loài người, nó đòi hỏi nhiều tri thức nhất, nhân cách cao cả nhất, sự hy sinh lớn nhất.

Hy vọng… Sẽ sớm tới một ngày, mình có đủ lòng yêu thích những “thiên chức” vĩ đại của người phụ nữ. (Ừ…Mình có quyền “thích” hay “không thích” những điều vĩ đại chứ nhỉ.)

 

Trang Nguyễn

“Đàn bà con gái” không chỉ là cách gọi, cách xưng, mà còn là cách Chửi

Photo: WaterInMyPaint

 

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ viết một bài hay một cái gì đó đại loại thế này…nhưng chắc tại lúc chiều khi tình cờ nghe được câu chuyện của vài người-những chàng trai tôi không quen, chỉ là vô tình nhưng chẳng hiểu sao đến bây giờ cái câu chửi của một cậu bạn dành cho một cậu bạn khác cũng chung nhóm ấy “Mày, đàn bà con gái.” với âm vực không nhỏ và chắc chắn không đùa đủ để ám ảnh tôi đến giờ và kết quả là ngồi gõ lạch cạch thế này. Chắc do tôi nhạy cảm quá!

Đàn bà con gái, ừ thì đàn bà con gái! Đó là một cái danh xưng, một cách gọi dành cho phái nữ từ xa xưa, xa đến nỗi ta chẳng nhớ nó được sinh ra từ bao giờ và ở đâu. Nhưng ngày nay, à không, cũng chẳng biết từ khi nào người ta không dùng nó với cái nghĩa đơn thuần ấy nữa. Nó không chỉ là cách gọi, cách xưng, nó còn là cách Chửi. Vâng, là chửi nhau ấy!!!

Đầu tiên, ở vai trò một người ngoài cuộc khi nghe câu đấy, đến tôi còn không chịu nỗi muốn lên tiếng huống chi là chàng trai kia-người trực tiếp tiếp nhận nó sẽ cảm thấy thế nào?

“Đàn bà con gái” nếu là dùng để đùa giỡn, trêu ghẹo vui trong các cuộc chuyện trò vô ý tứ thì không nói làm gì, nhưng nếu dùng một các nghiêm túc thì tôi nghĩ tuyệt đối không nên dùng câu ấy với phái mạnh, từ già cả bé lớn, từ các ông, các anh, các chú…nói chung đừng bao giờ nói vào mặt họ câu ấy. Không hợp, rõ ràng nó không hợp. Nghĩ sao người ta đàn ông con trai ngời ngời ra thế, cao to, cơ bắp ra thế mà lại phun vào mặt người ta bốn chữ “đàn bà con gái”, không kể đến tính cách người đó hay nguyên nhân người đó làm gì để dẫn đến bị nói như thế thì rõ ràng xét về bề ngoài đã thấy không tương xứng rồi. Nó không thuyết phục, nghệ thuật khi nói là nên để người nghe cảm thấy thuyết phục trước đã. Kể cả là khi chửi. Ít nhất với tôi là như thế!

Đàn ông, họ trọng nhất chữ Sĩ. Nên việc một người đàn ông đứng trước mặt một người đàn ông khác, kêu họ giống đàn bà thì chẳng khác nào đất dưới chân họ đột nhiên nứt nẻ, rồi vùi sâu họ xuống tận mấy chục tầng âm u. Chẳng khác nào đem cái tự tôn cao ngất của họ đá bay chỉ bằng một cước. Người nghe có thể cảm thấy bị xúc phạm nặng. Hắc tuyến bao quanh và chắc chắn sẽ xảy ra xung đột, thế mới nói lý do kế tiếp tôi nghĩ không nên dùng cụm từ “đàn bà con gái” với phái mạnh là để hạn chế chiến tranh. Còn nếu sợ chiến tranh, không nói trước mặt họ mà đi nói sau lưng, khỏi sợ họ biết! Ý hay à, nhưng xin thưa, bạn còn “đàn bà” hơn họ gấp mấy chục lần kìa.

Còn nếu bạn là phái nữ, đúng với cái tên “đàn bà con gái”, bạn nghĩ bạn có quyền chửi thẳng mặt thằng bồ đểu, kiểu “chia tay đòi quà” là cái thứ tính toán, cái đồ nhỏ nhen, cái đồ đàn bà. Nói thế, bạn nghĩ bạn đúng, bạn nghĩ sẽ làm người đàn ông kia xấu hổ để bỏ ghét? Nhưng bạn lại đang hạ thấp chính mình nói riêng và một nửa thế giới nói chung đấy. Nói thật nhé, cứ nói kiểu thế trước mặt nó một hồi xem, nó im lặng quay đi thì không nói gì, chứ nhỡ nó quay ra vừa tát vừa lên giọng “ừ, thì tao đàn bà này” thì có mà mang vạ vào thân, vì cái gì cũng có giới hạn chịu đựng của nó mà. Thử tưởng tượng đi. Chẳng có gì hay ho cả. (Đùa thôi, nhưng cũng có thể xảy ra lắm.) Tôi nghĩ nếu là phái yếu thì càng không nên nói thế, vì khi nói thế khác nào bạn đang nói chính mình, đồ nhiều chuyện, đồ chi li, đồ nhát gan,… và còn hàng tá cách chửi “đàn bà” khác nữa. Hãy tôn trọng họ, cũng như tôn trọng chính bạn!

Còn những người đàn ông kia, tạm gọi là “nạn nhân” khi bị nói như thế cũng chẳng tốt tẻ gì, đừng vội đùng đùng nổi trận xông thiên mà hãy xem lại mình như thế nào để mà sửa chữa, nam nhi mà bị nói như thế khác nào mất mặt quá rồi.

Còn nếu bạn là một anh chàng có thói quen hay chửi thằng bạn mình giống đàn bà con gái vì nó mau nước mắt và trong đầu bạn cứ một mực cho rằng đàn bà con gái là mít ướt, là yếu mềm, là tính toán, là chi li, là nói nhiều,… và không điều gì làm bạn thay đổi được ý nghĩ ấy thì bạn cứ nghĩ như thế đi, tôi chẳng (thèm) cấm, nhưng hãy để ý nghĩ đó im lặng trong đầu, đừng mang nó ra mà mỉa mai kẻ khác, vì bạn đâu phải “đàn bà” mà nói nhiều thế!?

Đàn bà con gái không sinh ra để bị bới móc, bị đem ra để đo để so cái sự yếu đuối, nhu nhược hay tầm thường. Đàn bà cũng không thiếu người độc lập, tài giỏi chẳng thua kém gì các đấng mày râu, nhưng có bao giờ thiên hạ kêu họ “đàn ông con trai” không? Hay lại nói những câu sặc mùi ghen ăn tức ở như  “giỏi quá khó có chồng, ế dài cổ cho coi…” ? Vậy cớ sao những gì không tốt, những gì không hay ở đàn ông lại đem danh xưng chúng tôi áp đặt lên? Để chê bai, để nhạo báng???

Tôi không phải lên án gì, cũng không có ý tứ đứng lên giành công bằng cho phụ nữ, tôi không vĩ đại thế. Có chăng thì tôi tin mỗi cô gái bây giờ dư sức để tự tạo công bằng cho mình, cần gì người nhỏ bé như tôi lên tiếng, phải không? Chỉ là tôi nghĩ đàn bà hay đàn ông đều có những điểm khác biệt, có người vầy người khác chẳng ai giống ai nên đừng đem người này áp đặt lên người kia. Tạo hóa tạo ra chúng ta với những sứ mệnh và vai trò khác nhau nên không thể so sánh được, có những việc người này làm được nhưng người kia thì không, ví dụ (vui) như một người đàn ông chẳng thể ngồi gõ bài này như tôi đây 🙂

Tôi cũng chưa bao giờ nghiêm túc nói bất kì chàng trai nào là “đàn bà con gái” có chăng tôi nghĩ nếu tức tối quá thì cũng chỉ nên phán một câu như vầy “Này anh, anh sẽ đẹp trai hơn nếu hành xử như một người đàn ông thực thụ”. Nhẹ nhàng thế thôi!!!

P/s: Đây chỉ là suy nghĩ, quan điểm cá nhân tôi. Nên nếu không cùng ý nghĩ với bạn thì cũng là chuyện bình thường. ^.^  Thân 🙂

 

Nắng Lạ