17.1 C
Da Lat
Thứ Sáu, 25 Tháng 7, 2025

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 255

Thời đại chúng ta sống, viết cho một thế hệ mất mát

*Featured Image: Christian Als

 

Bài viết này hoàn toàn là những ý kiến, cảm nhận chủ quan của bản thân tôi chứ không phải là một nghiên cứu hay đánh giá gì cả. Bài viết có hơi lan man nhưng tôi nghĩ đây cũng là suy nghĩ của nhiều người chứ không phải của riêng mình tôi.

Tôi mượn thuật ngữ “thế hệ mất mát” này để nói về những con người trẻ tuổi Việt Nam nói chung đang sống ở thời đại này, đó là những con người ở độ tuổi từ đầu 8x cho đến gần cuối 9x hay nói cách khác là từ những người đã ở điểm cuối của tuổi trẻ cho đến những học sinh còn đang ngồi ở ghế trường cấp 3. Nói về nguồn gốc của thuật ngữ “thế hệ mất mát” hay còn gọi là “thế hệ bỏ đi” (tiếng Anh: Lost Generation) là một thuật ngữ dùng để chỉ thế hệ những người đến tuổi trưởng thành trong suốt thời gian xảy ra thế chiến thứ nhất, những người trẻ tuổi đã đánh rơi tuổi thanh xuân của mình tham gia cuộc chiến và trở về không lành lặn kể cả và thân thể lẫn tinh thần.

Thuật ngữ này đã được phổ biến rộng rãi nhờ nhà văn nổi tiếng Ernest Hemingway, ông đã dùng nó làm một trong hai từ tương phản giới thiệu cho tiểu thuyết Mặt Trời Vẫn Mọc của mình. Trong tác phẩm này, Hemingway đã cho rằng thuật ngữ này là của Getrude Stein, người sau này đã dìu dắt và bảo trợ cho ông. Sau này thuật ngữ “thế hệ mất mát” lại được sử dụng cho thế hệ binh sĩ không lành lặn trở về sau thế chiến thứ hai.

Và sau đó thuật ngữ này lại được báo chí và văn học Mỹ sử dụng nhiều để ám chỉ về thế hệ binh sĩ trở về sau chiến tranh Việt Nam với những thương tật nặng nề về thể xác, tâm hồn và mang theo những tệ nạn xã hội nặng nề như nghiện ma túy, hiếp dâm,… Hiện tại thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi để ám chỉ những con người trẻ tuổi sống tạm bợ, không mục đích rõ ràng hay định hướng tương lai trong thời đại kinh tế suy thoái kinh tế ở nhiều nước.

Cách đây chưa lâu, một người anh vừa xin thôi việc đã ngồi tâm sự với tôi rất nhiều. Anh thấy cuộc sống chỉ toàn có màu xám vì giờ đây anh đã hơn 30 tuổi mà công việc anh làm suốt mấy năm trời thật nhàm chán, lương chỉ ba cọc ba đồng và không có sự thăng tiến nào trong sự nghiệp, anh còn nói về cả những tình yêu đã mất thời anh còn đôi mươi, do những sai lầm, bồng bột khi còn trẻ mà những tình yêu đó không thành và giờ đây anh cảm thấy thật cô đơn vì không có người con gái nào bên cạnh anh.

Ngoài ra anh còn cảm thấy thật có lỗi với mẹ của mình vì anh đã không kịp đền đáp công sức sinh thành của mẹ thì mẹ anh đã mất rồi. Anh tiếc nuối cho ngày tháng tuổi trẻ của mình vì chỉ biết lao đầu vào những điều vô bổ như chuyện trai gái, những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng, những bữa ngồi chém gió không mệt mỏi hay là lao đầu vào chơi game để rồi vứt bỏ đam mê và quên đi tương lai của mình. Anh nói ước gì anh đã sống khác, lúc đó tôi chỉ biết khẽ cười mà cũng không biết an ủi thế nào.

Nghĩ về bản thân và không ít người khác, khi chúng ta học xong cấp 3 đa số chúng ta đều chọn con đường đại học vì nghĩ đó là con đường duy nhất để tương lai của mình tốt đẹp hơn và cũng như chiều lòng bố mẹ mình. Nghĩ về những ngày khi mới bước vào giảng đường đại học, tôi và nhiều người khác đã từng nghĩ học chỉ để cho đỗ hết các môn, cốt lấy được tấm bằng đại học để sau đi xin việc; thời gian còn lại để lê la ở những nơi vô bổ với bạn bè hay thậm chí lang thang không mục đích ở thế giới ảo còn hơn cứ suốt ngày tiếp thu những bài học khô cứng, chán chường ở giảng đường.

Chúng ta chỉ là những đứa con sống trong một gia đình bình thường, trong một nước thế giới thứ ba; không tiền bạc, không kỹ năng sống, không định hướng và còn không còn nhiếu thứ nữa, tuyệt vọng như hét vào khoảng không rồi đợi chờ được đáp lại, chúng ta đã chọn làm những điều nổi loạn, nông nổi của tuổi trẻ để tìm một lối thoát. Nhiều người muốn trốn tránh hiện thực tàn nhẫn đó đã chọn những lối thoát như đập phá với nhạc rock, đi “phượt” khắp chốn hay viết những câu chuyện lãng mạn rẻ tiền,… Còn lại đa số đã chọn cách sống tạm bợ cho qua ngày và để cuộc đời mình trôi như phù du để cho xã hội định đoạt. Và rồi chúng ta cứ để những ngày tháng tuổi trẻ trôi qua một cách vô nghĩa như thế cho đến lúc tốt nghiệp và bắt đầu tự mình đối mặt với cuộc đời.

Có một điều tôi thấy rất đúng là dường như xã hội và nền giáo dục hiện tại đã dạy cho những con người trẻ tuổi rằng cuộc sống phải thật thực dụng và cũng làm cho con người trở nên trì trệ, ít sáng tạo hơn trước. Khi bắt đầu bước ra đời, đa số chúng ta lại chọn những ngành nghề ít trở ngại, lương cao nhưng chúng ta đã quên mất một điều là khi còn trẻ chúng ta đâu có chịu học hành hay làm việc cho đến nơi đến chốn mà lại chọn làm những điều vô bổ, sống tạm bợ qua ngày. Vì thế lúc này bản thân đâu có một chút chuyên môn, kinh nghiệm hay kỹ năng sống nào để xã hội chấp nhận.

Nhìn vào hiện thực có hàng trăm nghìn sinh viên tốt nghiệp đang thất nghiệp và không biết tương lai sẽ đi về đâu, vì bản thân họ chẳng có gì ngoài tấm bằng đại học vô nghĩa và chả chứng tỏ gì cho bản thân cả. Khi mất phương hướng như vậy họ lại vùi đầu vào những trò vô bổ và mải miết đi tìm một công việc để phục vụ một điều duy nhất cho bản thân là tiền bạc, mặc cho bản thân có thích hay hợp với công việc đó không, vô định về mục đích sống và con đường tương lai. Cũng có nhiều người đã vứt bỏ đam mê của mình để chọn những điều mình không thích vì gánh nặng của cơm áo gạo tiền hay những định kiến của gia đình và xã hội.

Trong số những con người trẻ tuổi có không ít người đã có được thành công trong cuộc sống hay có thể sống hết mình với đam mê nhưng những con người đó là không quá nhiều trong xã hội hiện tại. Thực ra chúng ta có rất nhiều cơ hội để có thế giúp chúng ta có một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai, nhưng để bước trên con đường đó chúng ta phải đánh đổi nhiều thứ trong cuộc sống bình lặng mà chúng ta đang có.

Và hầu hết chúng ta chọn con đường dễ dàng giống những người khác để cho cuộc đời cứ thế trôi qua lững lờ, vô định như phù du vậy vì chúng ta sợ phải đối mặt với khó khăn và sự đánh đổi. Để rồi về sau chúng ta chỉ biết ngưỡng mộ hay thậm chí ghen tị với những người có được thành công trong cuộc sống hay sống được với đam mê của mình. Khi tuổi trẻ dần đi qua, ta nhìn lại những điều ta đã làm khi còn trẻ và tự tiếc cho bản thân vì mình đã không cố gắng, không sống tích cực hơn.

Mỗi cá nhân đều phải đối mặt với sự “mất mát” của thế hệ mình như một cách để sinh tồn nhưng sự “mất mát” ngày càng trở nên đáng sợ như một bệnh dịch lây lan khiến cho xã hội càng lúc càng trở nên xấu xí, xù xì.

 

 

Đạt Lê

[THĐP Translation™] Tỉ phú Warren Buffett đã sai lầm về Bitcoin như thế nào

6
Featured image: Adam Jeffery | CNBC

 

Warren Buffett nói bitcoin “là một ảo ảnh” và so sánh nó với checks (chi phiếu) và money orders (ngân phiếu)

*chi phiếu, ngân phiếu

“Một tấm check cũng là một cách để chuyển tiền. Nó có đáng giá nhiều không chỉ vì nó có thể chuyển tiền? Ngân phiếu nữa? Ý tưởng cho rằng bitcoin có một giá trị nội tại to lớn chỉ là một trò cười đối với tôi,” Buffet nói với CNBC tuần trước.

Nhận xét cứng nhắc và dửng dưng này của ông nên được phản biện, bởi vì nếu ông Buffet thật sự tin vào những gì ông đang nói, thì có lẽ là ông đang khiến cho hàng triệu người hiểu lầm.

Thế hệ của tôi lớn lên ngưỡng mộ “Nhà tiên tri xứ Omaha,” biệt danh của ông, như một nhà hiền triết thông thái trong thế giới tài chính. Và vì thế với một sự tôn trọng tuyệt đối tôi phải chỉnh lại sự so sánh ông nêu ra và sự suy đoán rằng bitcoin là một ảo ảnh. Những người lắng nghe ông nói về bitcoin đang bỏ qua cơ hội để hiểu về một hệ thống thật sự tốt hơn cái chúng ta đang có.

Trong năm 2013, nếu bạn đặt tiền vào Berkshire Hathaway (ND: Tập đoàn khổng lồ do Buffet làm chủ tịch) thì số tiền đầu tư của bạn sẽ tăng 23 phần trăm, trong khi bitcoin tăng 4900 phần trăm. Gấp hơn 213 lần, và không một nhà đầu tư nào nên lờ đi sự thật đó.

Dửng dưng với bitcoin không có gì khó. Nó là một công nghệ tinh vi và đa số mọi người dường như đã có một thành kiến rằng bitcoin là một địa bàn nằm ngoài luật pháp, một kiểu “thiên đường của hacker.” Tôi là một người khá may mắn khi có được một số bạn bè và đồng nghiệp đã từng học qua công nghệ thông tin và rất hiểu biết về mật mã học, và tính toán phân bố. Họ đã dành ra nhiều giờ dạy cho tôi biết về cách thức hoạt động và những lợi ích của bitcoin protocol, công nghệ blockchain, một bản lưu trữ vị trí mỗi bitcoin đang nằm ở đâu.

Trước khi tìm được những người thầy có khả năng, tôi cũng đã từng nghi ngờ. Quá trình tìm hiểu cần thời gian, tôi đã phải dẹp hết tất cả những nghi ngờ của mình sang một bên và đã phải tìm hiểu những điều khá khó khăn để hình dung, nhưng tôi vẫn tìm hiểu bởi vì những người tôi coi trọng nói rằng nó xứng đáng cho tôi chú ý đến.

Công ty tư vấn của tôi, Articulate Ventures, đã được khách hàng trả tiền bằng bitcoin vì những công việc thật sự chúng tôi làm. Và với số bitcoin đó chúng tôi đã lấy mua dụng cụ văn phòng từ Overstock.com. “Ảo ảnh” không biến thành những tấm bảng, hay những cây viết, chỉ có tiền mới có thể. Tôi bảo đảm với bạn rằng bitcoin là thật đối với những thân chủ của tôi — và những cửa hàng tôi mua đồ với nó.

Bitcoin cũng không phải là một ảo ảnh đối với một triệu người đã đăng kí tài khoản tại Coinbase. Nó là thật đối với tất cả những người đang giao dịch khoảng $12 triệu đô la mỗi ngày, và còn tiếp tục tăng. Và nó là thật đối với khoảng 6000 người Argentina, những người vẫn còn có thể nuôi được gia đình họ vì họ đã mua bitcoin trước khi đồng tiền quốc gia bị sụp đổ.

Ông Buffet đã sai lầm khi so sánh bitcoin giống như chi phiếu hay ngân phiếu bởi vì bitcoin không đại diện cho tiền, nó LÀ tiền. Nếu một người nào đó gửi cho tôi một tờ check $100, tờ check đó chỉ là một lời hứa rằng tôi sẽ đổi ra được đô la. Khi có một người gửi cho tôi bitcoin, số bitcoin đó lập tức có thể được xài ngay dưới hình thức hiện tại. Tôi không cần phải “cash a check” (đổi check lấy tiền mặt) bởi vì bitcoin đã là tiền rồi. Đừng nghĩ về bitcoin như một phương tiện để chuyển đổi đô la, bản thân nó giữ giá trị với độ thanh khoản rất cao.

Bitcoin cho phép chúng ta chuyển tiền đến một người khác một cách an toàn trong tích tắc, mà không cần phải dựa vào một đối tác tài chính trung gian, những người làm việc theo giờ giấc của ngân hàng, thu phí giao dịch, và đánh bạc với số tiền khách hàng gửi vào với khả năng làm tổn hại đến nền kinh tế và cần phải được bailed out* bằng những đồng tiền thuế.

*bail out là một hành động cứu trợ từ phía chính phủ dành cho những doanh nghiệp làm ăn thất bại, thường có nhiều tác hại hơn lợi ích

Sự thật rằng hệ thống tài chính hiện tại đã quá lỗi lời. Hàng ngàn người trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo tín dụng mỗi ngày. Các doanh nhân nhận thẻ tín dụng phải trả 2.7 phần trăm tiền phí, và các ngân hàng thu phí từ $10 đến $50 cho những giao dịch wire transfers tốn nhiều ngày để hoàn tất. Với bitcoin, các doanh nhân tốn chưa tới một phần trăm, và giao dịch được hoàn tất trong 10 phút. Đây là những sáng tạo sẽ cho phép nhiều người hơn nữa tham gia vào kinh tế.

Nó cũng cực kì quan trọng rằng chúng ta không xem MT Gox là một sự thất bại của bitcoin. Bitcoin không thất bại; công nghệ mã khóa của nó không bị hacked. Nó chỉ là một sự thất bại của những người điều hành sàn giao dịch đó. Cái đẹp trần trụi của bitcoin chính là mỗi người sẽ chịu trách nhiệm cho chính sự đầu tư của họ. Chúng ta không sống dưới một niềm tin rằng sẽ có người nào đó bail chúng ta ra nếu có gì đó xảy ra, vì thế chúng ta xem sự an ninh là một trách nhiệm luân lý cá nhân. Thế giới trở nên tốt hơn khi từng cá nhân biết chịu trách nhiệm cho chính họ.

Tôi biết ông Buffett tuyên bố rằng ông chỉ đầu tư vào những gì ông hiểu, nên tôi hy vọng rằng ông sẽ bỏ ra thời gian để tìm hiểu thêm về bitcoin. Bitcoin có được tất cả những chức năng cần thiết của tiền. Nó có thể đếm được, có thể chứa giá trị được, và có thể dễ dàng luân chuyển và chia nhỏ. Khác với tiền tệ được chính phủ in ra, nó không bị mất giá từ bất cứ chính phủ nào, những chính phủ thiếu thiếu trách nhiệm không đủ khả năng chi trả cho những hoạt động của họ.

Thế hệ của tôi đã học được rất nhiều từ những chiến lược đầu tư của ông Buffett, vì thế thật khó để gợi ý ra rằng ông đã sai về một cái gì đó. Ông Buffett đã làm được quá nhiều thứ với loại tiền tệ mà chúng ta đã có trước đây, tôi thậm chí là không thể hình dung được ông sẽ làm gì với một loại tiền tệ mới với những phẩm chất mới này.

Tương lai luôn luôn vô định, đó là lý do tại sao loài người luôn luôn tìm kiếm một nhà tiên tri, mặc dù chúng ta biết rằng chuyện đó không hề có. Chúng ta chỉ có thể nhìn vào những gì đang xảy ra xung quanh và tìm hiểu xem điều gì là có thể. Bitcoin đang lan tỏa một cách mạnh mẽ và không ai nên gạt đi sức mạnh tuyệt vời của một loại tiền tệ được tạo ra từ toán học và mật mã. Thậm chí là nếu bạn chưa sẵn sàng để mua, nó tuyệt đối đáng để bạn chú ý đến. Không còn thời điểm nào thích hợp hơn để tìm hiểu về nó ngay hôm nay.

 Tác giả: Vance Crowe
Dịch: Nguyễn Hoàng Huy

 

*Vance Crowe là người sáng lập ra Articulate Venture, một công ty tư vấn kinh doanh tại Saint Louis, Missouri chuyên giúp các thân chủ tạo ra sự khác biệt trong doanh nghiệp của họ. Vance từng giữ vai trò là một nhà chiến lược thông tin tại World Bank Group.

Luân hồi và siêu hình

Photo: Natcsh

 

Có một vài ý mình muốn nói về quan điểm của mình về Luân hồi, cũng như một số ý khác liên quan đến vấn đề niềm tin trong tôn giáo. Xin vào thẳng vấn đề luôn vì mình không biết viết mở bài sao hết.

Thứ nhất là luân hồi, mình chẳng quan tâm đến vấn đề là lúc chết rồi có linh hồn hay không, nếu có thì linh hồn bay đi đâu hay làm con ma đi cà lơ phất phơ ngoài đường. Không phải mình cóc tin, vấn đề không ở chỗ tin hay không tin, vấn đề là mình không quan tâm. Mong ước bước vào cõi vĩnh hằng, mong ước nhập niết bàn, mong ước được lên thiên đàng là những mong ước. Mong ước luôn mang tính trói buộc dù có chính đáng hay không chính đáng, đó là vấn đề. Ông thầy tu mà tu vì muốn được nhập niết bàn thì sẽ không hiểu ra được gì hết, một người làm việc tốt để mong cho được lên thiên đàng thì chẳng hiểu ý nghĩa của việc họ đang làm là gì, nói đúng ra họ đang đánh mất hiện tại để chuẩn bị cho tương lai, rõ ràng là vậy.

Thứ hai, trong Phật giáo, theo mình cảm nhận thì “dục” là vấn đề không đáng được nhắc đến lắm. Tuy Phật giáo luôn chấp nhận việc tu tại gia, có gia đình nhưng mình luôn có cảm giác gì đó mà các nhà sư bảo là: Dục thì bình thường, nhưng không có dục vẫn tốt hơn! Ấy, nếu vậy thì nó đâu còn nhìn nhận một cách bình thường nữa. Đường lối của Đức Phật là triệt tiêu, triệt tiêu tham- sân- si, dục thuộc “tham” – tham dục.

Mình cũng là một phật tử, nhưng mình không thích phong cách đó lắm, cũng có thể mình nghiên cứu chưa tới, nhưng mình vẫn luôn có cảm giác người ta nói: Không dục vẫn tốt hơn. Mình thấy cứ have sex, make love đi, có sao đâu, một kiếp người à, không cần phải lo nghĩ tới niết bàn hay thiên đàng, vì kiếp sau mình chẳng biết mình là ai nữa đâu. Đương nhiên là chúng ta không bừa bãi, chúng ta tuân theo quy luật tự nhiên nhiều tỷ năm nay, cực kỳ đơn giản. Nhiều người cứ lo nghĩ quá nhiều về kiếp sau có bị đầu thai hay không? Chi khổ vậy? Kiếp này sống chưa xong, chưa đàng hoàng nữa, cứ nghĩ và mang vác cái kiếp sau lên lưng làm gì không biết!

Tiếp nữa là, trên đời này có “MA” không? Hồi trước mình không tin có ma, mình chỉ nghĩ ánh sáng đi ngủ thì trời tối, tối thì là tối, liên quan gì ma cỏ ở đây? Nhưng rồi tự nhiên mình tin có ma! Ma thì sao? Nhiều người sợ ma chứ sao nữa? Mình sợ không? CÓ, mình cũng sợ ma! Nhưng ở cái mức độ thấp nhất có thể, kiểu như thả mình vào rừng nửa đêm thì mình cũng sợ. Rốt cuộc là có ma hay không? Chứng minh sao được? Cái đó không phải để chứng minh, cái đó để cảm nhận tùy từng người. Mà ma thì sao? Thì bình thường chứ sao đâu? Mấy bạn muốn độc chiếm địa cầu à? Muốn mỗi mình loài người ở thôi à, còn người chết đi rồi không được ở nữa à? Ích kỷ quá đấy!

MA!! Hãy tôn trọng ma, không làm ồn vào ban đêm, không đi lại nhiều vào ban đêm trừ trường hợp bất khả kháng, không lấy chuyện ma cỏ ra làm trò cười hay đùa giỡn, đừng tưởng tượng quá nhiều về ma, thực sự là mình không có thời gian để tưởng tượng tới ma từ lâu rồi ấy. Đó là các bí quyết để bạn đỡ sợ ma hơn. Nói cho các bạn an tâm luôn, chả có con ma nào “rảnh hơi” đi hù mấy bạn hay đi theo mấy bạn đâu, ai mà rãnh chứ. Hơn nữa, ma không tồn tại lâu, họ chỉ là đi lăng quăng một thời gian ngắn trong khi chờ thượng đế chỉ định đi đâu thôi. Vậy mà nhiều người cứ ảo tưởng xung quanh họ có quá trời ma chờ bay vào xâu xé họ @@! Vớ vẩn, cực kỳ vớ vẩn. Vớ vẩn hơn cả là loại càng sợ ma càng coi phim ma “cho zui”, dạng này bó tay chấm com.

Thiên đàng đẹp hay địa cầu đẹp? Để xem nhé

Người ta thường hay tưởng tượng thiên đàng là một nơi bình yên, thanh thản, đẹp đẽ và yên vui. Nhưng điều đó có tồn tại không? Một lý thuyết rất sơ đẳng mà chúng ta bỏ quên, không có buồn, thì vui là gì? Hãy nghĩ kỹ về điều đó. Làm gì có một nơi toàn là vui và sướng, thế thì vui và sướng tự nhiên sẽ trở thành một cái gì đó “bình thường”. A ha, nó tự nhiên trở nên bình thường, rồi nó bắt đầu bị lặp lại, nó trở nên tự nhàm chán và nó chẳng có gì đặc biệt. Thấy gì chưa? Có gì đó sẽ không được lý giải một cách thỏa mãn cho tư duy của chúng ta.

Nói một chút về địa ngục. Chả có địa ngục cái khỉ gió gì đâu, linh hồn làm gì biết đau đớn mà nhúng vô chảo dầu chảo lửa gì ở đây. Lấy ba chỉa chọt cũng không ăn thua, linh hồn có máu hay có phản xạ sinh học đâu mà biết đau. Mà làm gì có nơi nào tang tóc đến nỗi đi đâu cũng buồn đau. Nói thật chứ, kể cả cái thằng tàn ác nhất quả đất, khoái trò giết chóc và đao phủ, cho nó xuống làm việc dưới địa ngục cho thỏa chí gian tà thì nó cũng không sớm thì muộn biết sợ cái bối cảnh đó. Kể cả những thằng đứng lò lửa cũng cảm thấy buồn theo, trước sau gì nó cũng “nghỉ làm”, chả còn ai nhúng linh hồn bị xích vào chảo dầu hay cầm ba chỉa thọt lên thọt xuống giống trong hoạt hình Tom & Jerry nữa. Tóm lại là nó sẽ mất cân bằng và tự bị đào thải nếu cứ vận hành như thế. Địa ngục sẽ biến mất. Hô hô hô, thích ơi là thích!!

Tới chỗ này mới khoái nè. Giờ thấy gì chưa, trái đất đẹp, cuộc sống đẹp, đẹp và xấu, tích cực và tiêu cực, hai mặt trên một đồng xu, hai cái tạo nên đồng xu, không phải mỗi tích cực hay mỗi tiêu cực. Trái đất là chỗ tự có khả năng cân bằng để tồn tại, không phải trên trời mấy tầng mây hay thẳm sâu dưới lòng đất. Đừng bảo “đời là bể khổ” nữa, nơi này cho ta cay đắng ngọt bùi để ta nếm đủ món ngon trên đời, lên trời thì không có đâu – toàn đồ ngọt, xuống địa ngục thì toàn đồ cay, chả sung sướng gì hơn đâu. Chỗ này, ngay bây giờ, hãy cảm thấy “phê”, giống như chơi tàu lượn siêu tốc, phải lượn lên lượn xuống nó mới phê chứ cứ bay trên trời hay lặn dưới biển hoặc chạy thẳng thì chán chết đi được.

(LƯU Ý: Này, đừng tưởng bỡ. Không có thiên đàng và địa ngục không có nghĩa là tự tung tự tác nhé, coi chừng kiếp sau “còng lưng” trả cả vốn lẫn lãi đấy!).

Đúng là trái đất sẽ tới hồi tự diệt vong, có sinh thì có diệt, nhưng không phải là bây giờ. Đúng, trái đất hiện giờ đang mất cân bằng, có nhiều bất cập nhưng chúng ta có thể cải thiện nó. Nói chung là trong khoảng thời gian 1 vài kiếp người nữa, địa cầu vẫn ổn nếu chúng ta sửa sang lại cho nó. Dù gì thì với mình địa cầu vẫn đẹp hơn cả, dù cho NASA có trồng được cây trên sao hỏa hay xây nhà được trên mặt trăng thì cũng thế thôi.

Không phải là Đức Phật hay Đức Chúa có gì sai mà mình không theo, vấn đề là đó là cách sống của các ngài, và khi áp cái cách sống đó, quan điểm đó lên một người thì điều đó không còn phù hợp và chuẩn xác nữa. Nếu không tin thì bạn thử đổi “cái đầu” của bạn với đứa bạn thân xem, mượn cái đầu của nó gắn lên cái cổ của bạn xem sao!!

Rõ ràng Đức Phật, Chúa, Khổng Tử, Lão Tử, Krishna, Osho, Gandhi và nhiều thánh nhân khác đều đi chung trên một con đường, con đường hòa nhập về với tự nhiên và vũ trụ, là yêu thương, nhưng chúng ta không thể sao chép máy móc theo cách đó được, nó không phù hợp với tố chất và khả năng chịu nhiệt của ta đâu. Ta cần tự mình tìm ra một phương pháp, một lối đi phù hợp. Để làm gì? Cũng chỉ để quay về la mã, về hòa nhập với vũ trụ và yêu thương thôi, nhưng đó là con đường duy nhất dành cho mỗi người, là nhiệm vụ cuối cùng mà mỗi cá thể hướng đến. Hòa nhập với vũ trụ, không phải niết bàn hay vĩnh hằng, nếu có kiếp sau, hòa nhập kiểu khác, thoải mái đi!

Quan điểm của mình là thế, thích thoải mái, không vướng bận, không quy tắc, không né tránh… Không phải là vấn đề tuổi tác, phải trải nghiệm nhiều hay sao đó mới được nói ra những điều này, mình thấy mấy điều đó là không cần, không đúng. Bây giờ mình bao nhiêu tuổi, không quan trọng, và mình vẫn sẽ giữ quan điểm này đến khi nào về với cát bụi, dẫu cho có kiếp sau thì mình vẫn sẽ muốn sống như thế. Cuộc sống là thế mà, lúc đau thương tang tóc, lúc buồn bã, lúc vui cười, lúc mãn nguyện hạnh phúc xung điện trong người rần rần, lúc bình thường không có gì đặc biệt. Cái lỗi của con người là lúc vui thì họ không nghĩ nhiều mà lúc buồn thì họ cứ chăm chăm ép cái não phải nghĩ đủ thứ chuyện trên đời. Tha cho nó đi, buồn thì là buồn, không nghĩ tùm lum tùm la được mà, chắc chắn là sẽ được.

Để sống trên đời này mà không u uất, mình quy về một mối thiển cận theo cách nghĩ của bản thân: ĐIỀM TĨNH ĐỐI MẶT VÀ GIẢI QUYẾT MỌI VẤN ĐỀ. Cuộc sống là một chuỗi các vấn đề, cái chính không phải là vấn đề như người ta hay nghĩ, cái chính là cách – là phong thái mà chúng ta đối mặt với nó. Mình từ nhỏ thích tự thân vận động, mọi chuyện đều muốn tự bản thân giải quyết, không bao giờ bỏ chạy từ việc nhỏ tới việc lớn. Mỗi người đáng quý ở chỗ làm được bao nhiêu thì cố gắng mà làm, không cần biết là có giải quyết được hay không, miễn là quyết tâm không bao giờ bỏ chạy là rất đáng quý.

Nhiệm vụ của tôn giáo là làm một cánh tay, một cầu nối, một chỗ để những tâm hồn lơ lửng, mất phương hướng vịn vào. Mình không bao giờ nói tôn giáo là xấu, nhưng tôn giáo không thể hoàn chỉnh, con người không bao giờ hoàn chỉnh, không có lý thuyết nào hoàn chỉnh cả, luôn có hai mặt của vấn đề ở đó để tạo nên một chủ thể hoàn chỉnh.

Ý ở đây mình nói, nếu một ngày nào đó tôn giáo không thể thỏa mãn bạn được nữa, hãy rời xa nó. Để làm gì? Để bản thân được thanh thản. Tin mình đi, hạnh phúc, tự do và chân lý là những điều không thể tìm, không cần phải tìm, nó ở đây nè. Đây đây! Nhìn đi đâu thế hả? Đó, thấy chưa. Trời ạ, kìa! Không phải chỗ đó, đây này. Không không! Rồi đó, quét một vòng xung quanh bản thân bạn, xung quanh tâm thức của bạn, nó ở đó, thứ mà không thể diễn tả bằng lời, hãy cảm nhận!

Qua đây, thông điệp mình muốn gửi gấm rất đơn giản: Đừng bao giờ chán đời, vì một lúc nào đó, có thể là đến khi cận kề cái chết bạn mới biết được rằng: ĐƯỢC SỐNG TRÊN ĐỜI LÀ MỘT HẠNH PHÚC, MỌI THỨ KHÁC CHỈ LÀ PHỤ.

 

 

-Lục Phong-

Nếu hôm nay là ngày cuối cùng…

*Featured Image: ~Hasti~

 

Một người bạn học chung cấp hai với tôi vừa mới mất. Điều đó có nghĩa là cậu lính trẻ ấy sẽ không còn cơ hội đi tiếp và khám phá cuộc đời của mình nữa. Thật đáng tiếc. Con đường phía trước còn dài lắm mà, sao cậu đã vội bỏ cuộc? Yên nghỉ nhé, bạn tôi ơi!

Thật sự muốn viết một điều gì đó để giải tỏa tâm lý. Tuần qua, tôi đón nhận tin chiếc máy bay xấu số MH370 với một thái độ không thật sự quan tâm như đối với rất nhiều những mẩu tin thời sự mà báo chí đưa hằng ngày. Tôi xem một clip về Ric Elias, một trong những hành khách có mặt trên chuyến bay bị tai nạn năm 2009 ở Mỹ, anh chia sẻ bằng những lời tâm huyết nhất của mình về những điều anh cảm thấy được khi phải đối mặt với cái chết đang cận kề.

Nhưng cảm xúc của tôi thì cũng không có gì quá đặc biệt: “Những con người trên những chiếc máy bay ấy đâu có quen biết gì tôi, việc họ có mặt trên trần gian này hay không, đối với tôi mà nói, cũng không có ảnh hưởng gì to tát lắm.” Tôi biết, đó là sự thờ ơ, lãnh đạm của một người trẻ chưa từng trải đời, còn tồn tại một mớ hỗn độn những ích kỉ, vô tâm trong con người mình.

Nhưng khi nghe tin bạn mất, tôi giật mình, bàng hoàng. Có lẽ là có sự đồng cảm thế hệ giữa hai đứa bằng tuổi. Tôi thử nghĩ về ngày hôm qua của bạn mình. Khi cậu ấy đang làm nghĩa vụ cùng đồng đội, đang ở trong tâm trí của người mẹ đợi con mình trở về, đang ở trong trái tim nồng nàn của người yêu…Đột nhiên, cậu ấy biến mất! Rồi tôi nghĩ về ngày mai của chính mình. Tôi biết mình sẽ phải đánh vật với cái đồng hồ báo thức, biết mình sẽ phải tham dự một cuộc thi nho nhỏ, biết mình còn đống bài tập phải giải quyết.

Còn ngày mai của cậu ấy? Hết rồi! Cậu ấy sẽ nằm im mãi mãi dưới nắm đất mồ lạnh lẽo kia, chứng kiến người thân và bạn bè thắp những nén nhang nghi ngút khói cho mình qua tấm ảnh thờ. Và chỉ có vậy thôi. Ngày kia, tháng sau, năm tới của cậu ấy cũng vậy. Bao nhiêu lời chưa nói, bao nhiêu công việc, dự định cho tương lai đều bị dừng lại. Không một ai có thể thực hiện chúng thay cậu ấy. Không ai cả!

*Photo: Marco Bellucci
*Photo: Marco Bellucci

Rồi tôi nhớ về điều Steve Jobs nói. Đại ý là hãy sống như mỗi ngày là ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Trước đây, tôi nghĩ: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời thì còn chần chừ gì nữa, ăn chơi thôi!” Còn bây giờ, tôi nghĩ khác. Tôi đã có mục đích của đời mình rồi. Tôi còn muốn làm thật nhiều việc có ích, cho tương lai của mình, cho bố mẹ, cho người mình yêu!

Tôi muốn sống cho trọn vẹn đến từng khoảnh khắc của một ngày. Sống không chỉ cho mình, mà cho cả những người xung quanh, cho cộng đồng nữa. Sống, chứ không chỉ tồn tại. Tôi còn trẻ, tôi không muốn phải nằm trong một cỗ quan tài rồi vùi lấp mình xuống đất, chưa đến lúc đó!

Còn bạn thì sao? Bạn sẽ làm gì nếu hôm nay là ngày cuối cùng của mình?

“Có những người đã chết ngay lúc họ đang sống.” (Tôi là Bêtô)

“Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình.” (Thép đã tôi thế đấy)

 

 

Blue Weasley

6 lý do khiến bạn thất bại trong tình yêu

*Featured Image: *Lucette*

 

Sự thất bại trong tình yêu hay nói đúng hơn là sự đổ vỡ không mong muốn từ hai phía. Đã bao giờ bạn tự hỏi mình: Tại sao mình lại thất bại trong tình yêu chưa? Câu hỏi này tôi đã hỏi mình nhiều lần và đã hiểu vì sao ở độ tuổi 23 tôi vẫn chưa có một mảnh tình vắt vai nào hay nói cách khác mà giới trẻ hiện nay vẫn gọi là FA. Theo tôi có sáu nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại trong tình yêu của giới trẻ hiện nay:

Thứ nhất: Quá tự tôn và độc đoán

Tự tôn hay nói cách khác là tự coi trọng mình, đề cao cái tôi. Độc đoán hay còn gọi là gia trưởng để chỉ những người có thói bảo thủ, chỉ nghe ý kiến theo một chiều mà không nghe những lời giải thích từ người khác, cho mình là to nhất và có quyền tự quyết định mọi việc. Trong tình yêu quá tự tôn và độc đoán là một trong những nguyên nhân dẫn đến phải dùng đến lệnh “Stop“.

Trong mọi cuộc tranh luận bạn khăng khăng ý kiến của mình là đúng, sẵn sàng to tiếng hay giận dỗi để người yêu bạn công nhận “mặt trời mọc ở phía Tây”. Hay chỉ vì thức khuya để viết một bài viết nào đó mà sáng ra đã “trót” lỡ hẹn một buổi đi ăn sáng với bạn, bạn đòi chia tay ngay lập tức mà không chấp nhận một lời giải thích nào. Hay trong các buổi đi chơi, xem phim, đi ăn… bạn luôn là người chọn địa điểm, chọn thể loại phim, chọn món ăn và bắt người yêu bạn phải răm rắp nghe theo…

Điều đó làm cho nửa kia cảm thấy nhàm chán, khi bị người khác xem mình như một con rối và xảy ra đổ vỡ là điều tất yếu. Lời khuyên chân thành là bạn hãy kiềm chế bản tính này thì tình yêu sẽ bền vững.

Thứ hai: Quá đa nghi

Thời Tam Quốc vì đa nghi mà Tào Tháo giết cả ân nhân của mình. Trong tình yêu cũng thế chỉ vì đa nghi mà các cặp tình nhân đã chia tay, thậm chí còn trả thù một cách dã man.

Bạn luôn lo lắng và hay suy nghĩ về đối phương quá nhiều khiến cho họ cảm thấy như đang bị làm phiền, quấy rối. Suốt ngày bạn theo dõi nửa kia, kiểm tra xem hôm nay họ ăn gì, đi với ai, tiền tr0ng ví có hao hụt không… Nếu có yêu bạn đi chăng nữa thì một ngày họ sẽ không chịu nổi tình trạng luôn bị theo dõi, kiểm tra, soi mói suốt ngày và cảm giác bị xúc phạm.

Tôi nghĩ trong tình yêu bạn nên tạo ra một niềm tin, khi yêu thì phải tin tưởng nhau. Bởi vì niềm tin xuất phát từ trong tim óc nên không có gì để đảm bảo và cũng không có gì để kiểm chứng. Bạn hãy dành cho nhau những khoảng riêng tư vừa đủ thì chắc chắn sẽ kéo dài. Tôi xin nhắc bạn và hãy nhớ: “Đa nghi là kẻ thù số một trong tình yêu.

Thứ ba: Quá cộc cằn và thô lỗ

Bạn là một con người có ngoại hình hoàn hảo mà luôn có những lời nói cộc cằn, là người luôn cứng đầu và không bao giờ nhường nhịn. Dù bạn có yêu nửa kia thế nào đi nữa thì họ cũng cảm thấy ngán ngẩm khi phải suốt ngày nghe những lời nói của bạn. Đừng nghĩ rằng chỉ cần mình có tiền, có ngoại hình đẹp và có ăn nói cộc cằn, thô lỗ đi chăng nữa thì tình yêu của bạn sẽ bền vững. Tôi chắc chắn với bạn rằng nếu đó là tình yêu thì cũng chỉ là tình yêu vật chất không bền vững, không đúng với bản chất tình yêu vốn có của nó, trước sau cũng đổ vỡ.

Nếu bạn cộc cằn, thô lỗ thì đã đến lúc bạn phải ngừng lại rồi. Bạn cần phải học nói những lời dễ nghe, nói lời hòa hợp, lời nói tế nhị luôn nhẹ nhàng sâu lắng. Trong mọi cuộc trò chuyện bạn phải biết lắng nghe, từ tốn, chậm rãi, luôn nở nụ cười trên môi thì tôi chắc chắn rằng một nửa kia của bạn sẽ cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc.

Thứ tư: Quá phô trương

Bạn lên Facebook, Twitter, MySpace, Zing me, Zalo… đăng những ảnh âu yếm, hôn nhau, những status ngọt ngào lên nhằm khẳng định thương hiệu của mình. Suốt ngày không biết mệt mỏi “khoe khoang” về chuyện tình của mình nào là người yêu mình tốt thế nào, tặng toàn đồ hàng hiệu ra sao… Hay có những hành động phản cảm, quá lỗ nơi đông người. Tuy nhiên, khi bạn thể hiện quá đà, thái quá lại gây ra những phản cảm, khó chịu cho những người xung quanh và biết đâu nửa kia cũng cảm thấy khó chịu khi những bí mật riêng tư của bạn bị mọi người biết đến. Khi đó tình yêu của bạn sẽ có những biến động xảy ra.

Đừng phô trương quá mà hãy lắng nghe và hành động một cách khôn ngoan. Tôi biết khi yêu nhau việc bạn thể hiện những hành động, lời nói ngọt ngào cho nhau chẳng có gì sai nhưng bạn nên nghĩ trước những hậu quả có thể xảy ra trước khi bạn hành động.

Thứ năm: Quá thực dụng và đa tình

Chắc tôi không cần phải giải thích thêm về hai từ “thực dụng” “đa tình”, chắc bạn biết quá rõ về hai từ này hơn tôi. Bạn biết đấy tình yêu đúng nghĩa không có sự hiện diện của hai từ này, vốn dĩ nó là kẻ phá hoại tình yêu của bạn.

Bạn tán người A vì người ta là chủ cửa hàng shopping để bạn có tiền đi chơi, tán người B vì họ là con của giám đốc để bạn có vị trí tốt trong công ty, tán người C vì họ là con nhà giàu khi đó bạn sẽ không phải lo nghĩ về tiền bạc… Hay bạn có nhiều người yêu hôm nay bạn dành thời gian cho người yêu D, mai bạn đi với người yêu E, mốt bạn lại đi với người yêu F… Mỗi người có một điểm tốt riêng bạn không muốn mất ai, bạn luôn đứng núi này trông núi nọ, luôn ỷ lại người khác. Nói cách khác thì tình yêu trong bạn luôn có sự toan tính, mưu mô. Tôi hỏi bạn rằng liệu tình yêu đó có tồn tại trong bao lâu? Một tháng, hai tháng, ba tháng hay một năm? Câu trả lời chắc bạn biết rõ.

Nếu đây là lý do bạn yêu nửa kia thì tôi khuyên bạn một cách chân thành “hãy dừng lại trước khi quá muộn“. Tình yêu đến bằng cái gì thì sẽ đi bằng cái ấy. Nếu đến với nhau bằng tiền bạc và công danh thì một ngày nào đó bạn cũng sẽ đánh rơi tình yêu của mình. Bởi vì sự thực dụng, tính toán, thói ỷ lại sẽ không giữ được tình yêu lâu bền. Hãy yêu nhau một cách chân thành, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn thì bạn mới giữ lửa cho tình yêu.

Thứ sáu: Quá chân thành

Tôi không phủ nhận tầm quan trọng của việc chân thành trong tình yêu. Nhưng chân thành quá mức không phải là tốt, chính điều này làm cho bạn bị lệ thuộc vào cảm xúc rất nhiều. Chắc chắn rằng nếu bạn thật quá bạn sẽ không giữ nổi hạnh phúc của mình. Bởi vì bạn đang làm cho đối phương tự phụ và một ngày nào đó không xa họ sẽ nhàm chán bạn. Bạn cần giữ cho mình một chút gì đó “bí mật” bản thân hay một chút nghi ngờ nào đó đủ để cho đối phương cảm thấy sợ và muốn giữ bạn điều đó có nghĩa tình yêu bạn sẽ trường tồn theo thời gian.

“Thật thế, khó tìm ra một tình yêu hoàn hảo. Để trở thành một người tình, bạn phải có liên tục sự tinh tế của một kẻ rất sáng suốt, sự linh động của một đứa trẻ, tính nhảy cảm của một nghệ sĩ, sự hiểu biết của một triết gia, sự thu nhận của một vị thánh, sự khoan dung của một học giả và lòng dũng cảm của một tín đồ.” – Leo Buscaglia

Tình yêu rất quan trọng trong cuộc đời này. Bởi lẽ khi có tình yêu bên cạnh chúng ta như tiếp thêm sức mạnh, không ngừng học tập, sáng tạo và luôn dành lấy cho riêng mình chiến thắng trong mọi cuộc đua, vươn tới thành công trong chặng đường đời của mình. Vậy bạn hãy giữ chặt lấy tình yêu của mình đừng để những lý do đó làm đổ vỡ tình yêu của các bạn đã xây nên. Chúc bạn mãi hạnh phúc và thành công trong cuộc sống.

Xin cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của tôi!

 

Huy Phạm

Ai sẽ lau khô nước mắt cho người cô đơn?

*Featured Image: Isaiah Stephens

 

Với vài người, họ đối mặt với đau khổ chông gai bằng cách trốn đi một nơi thật xa, một mình, để trong một giây phút thực sự cảm thấy bình yên và thanh thản, đủ để tiếp thêm sức mạnh và quay lại con đường đầy vấp váp. Có thể bạn sẽ tự hỏi tại sao không đến bên người ta tin tưởng?

Giữa cuộc đời liên hồi luân chuyển như vậy, thì tìm một người đặc biệt để tin tưởng, để trân trọng và yêu thương, thì quá khó. Có những lúc ta tin tưởng thật sâu sắc, để rồi họ chỉ chờ thế rồi ra đi. Có những người ta luôn luôn ngờ vực, thì sớm muộn lại mất họ trong tiếc nuối. Mà sự tin tưởng để duy trì một khi ta tìm được một người như vậy thì lại dường như quá mong manh trước thời gian, khi mọi thứ đều thay đổi.

Đừng bận tâm nói với tôi rằng có những thứ không bao giờ thay đổi, vì đó là một điều dối trá!

Sự thay đổi dễ nhận ra nhất là bạn có thể thấy là mái tóc mình sau hai tháng sẽ dài thêm, hay bạn bây giờ và 10 năm trước đã khác nhau ở vài nếp nhăn. Thế nhưng sự thay đổi về tâm hồn thì không dễ dàng như vậy. Chúng lặng lẽ trườn vào cuộc sống của chúng ta, dần dần thay thế mọi thứ, và đến khi bạn nhận ra thì đã quá muộn. Sự tin cậy cũng vậy, có thể đánh mất trong một nhịp tim, hoặc có thể chồng chất ngày qua ngày, cho đến giây phút vượt quá giới hạn chịu đựng.

Những người mạnh mẽ – hay đúng hơn – những người cô đơn, thường là những người chịu sự tổn thương từ quá khứ do đến từ nhiều câu chuyện khác nhau: Sự thay đổi làm họ sợ hãi, phản bội, xung đột, v.v… Những người cảm thấy quá chán chường và vô vọng trong việc tìm kiếm một sự bình yên giữa cơn dông. Họ biết rằng có những nỗi đau không vơi đi khi khóc, và có những kỷ niệm đau buồn mà không được khóc để quên.

Clover by IsaiahStephens

Thay vì gục ngã, họ xây nên những bức tường ngăn cho những đau khổ chực trào đó thoát ra ngoài, và vô tình bức tường đó cũng ngăn họ khỏi việc yêu thương. Mỗi khi ta đến một chốn bình yên là một lần những bức tường đó được hạ xuống, mọi cảm xúc xô đến như những con sóng bạc đầu vào trái tim, nhưng lạ thay, ta sẽ thấy thanh thản, đau khổ, nhưng thanh thản.

Ấy nhưng…

Khi tôi bảo rằng sẽ thật khó để tìm một người để tin, tôi nói là “khó”, chứ không phải “không thể”. Trong sự cô đơn, trong đau ốm, trong bối rối – nhận thức về nó khiến ta có thể bước tiếp, thậm chí ngay cả khi họ bất lực không thể giúp ta. Họ ở đó là đủ rồi.

Đây sẽ không phải là người sẽ luôn bênh vực bạn mỗi khi bạn sai trái, mà sẽ nện bạn ra trò để bạn phải quay lại con đường đúng. Và luôn luôn, bạn cũng sẽ làm điều tương tự với họ, như thế, hai người sẽ đều cùng đi cùng trên con đường thẳng, con đường đúng, mãi mãi.

Và hãy nhớ rằng…

Nỗi đau không phải là lỗi, nỗi đau là thứ không cần phải sợ, vì nỗi đau đến với tất cả mọi người. Sẽ có lúc trong cuộc đời, chúng ta muốn vứt bỏ tất cả để chạy trốn nó, đó là khi đau buồn bóp chặt trái tim.

Điều này nữa: Nếu còn có thể cảm thấy nỗi đau thì nghĩa là trái tim chúng ta vẫn đập, vẫn còn có thể yêu thương, và tình yêu thương ấy sẽ hàn gắn nỗi đau. Tất cả chúng ta, theo một nghĩa nào đó, đều là những cỗ máy. Máy móc đôi lúc cũng chảy dầu, khi ấy cứ để nó chảy, nếu nó vẫn không ngừng lại hãy để người bạn yêu thương, trân trọng, và tin tưởng, lau khô nó cho bạn.

 

 

Thi Thi

FA hiểu thế nào là tùy mỗi người

Có bao giờ bạn tự hỏi rằng tại sao chúng ta gặp người này mà không là người khác? Tại sao chúng ta yêu người này mà không yêu người khác? Có lẽ đa số chúng ta cho rằng đó là ngẫu nhiên. Có đến 7 tỷ người trên thế giới này, chúng ta không gặp người này thì cũng gặp người khác. Chúng ta không yêu người này thì cũng yêu người khác.

Hơn 10 năm trước, tôi vô tình “lượm” được cuốn Hành Trình Về Phương Đông ở một tiệm bán sách cũ. Cuốn sách nói về hành trình của một nhóm người Anh đến Ấn độ để tìm hiểu về các tôn giáo tại đất nước này. Nhóm người này đã được các vị “chân tu” khai sáng. Cuối cùng họ đã quay lại Ấn độ để “nối gót” các vị chân tu.

Cuốn sách bàn nhiều vấn đề dưới góc độ tôn giáo và khoa học, trong đó có sự hình thành vũ trụ và con người. Theo khoa học thì vũ trụ hình thành từ vụ nổ “Big Bang”. Một hạt vật chất có khối lượng rất lớn nổ ra và giản nở tạo thành vũ trụ. Còn con người thì tiến hóa ngẫu nhiên từ loài khỉ dưới tác động của môi trường sống thay đổi.

(Xem thêm: 9 lý do chứng minh thuyết tiến hóa sai)

Tuy nhiên dưới góc nhìn của tôn giáo thì vũ trụ và vạn vật được tạo ra bởi đấng tạo hóa. Nếu nói loài người tiến hóa từ khỉ thì tại sao đến nay khỉ vẫn là khỉ mà không phải là người? Con người có 24 cặp nhiễm sắc thể được sắp xếp theo một trật tự nhất định, chỉ cần khác đi một chút con người sẽ thành con khác. Theo xác suất thông kê để có được cái trật tự “thành người” đó thì cơ hội là 1 phần 10 mũ 24 (một dãy số gồm 25 chữ số, bắt đầu bằng số 1 và 24 số 0 phía sau). Với cơ hội cực kỳ siêu nhỏ này, các tôn giáo đều cho rằng trật tự sắp xếp của các nhiểm sắc thể này không thể là điều ngẫu nhiên.

Cũng theo cái logic này để một người gặp được một người một cách ngẫu nhiên thì cơ hội là 1 phần 7 tỷ. Do vậy để gặp một người, yêu một người cần phải có cái “duyên”.

Theo Phật giáo thì mọi thứ đều do duyên mà hợp, hết duyên mà tan. Duyên được hiểu như là sự liên kết giữa cái này với cái khác, người này với người khác. Ví dụ bê tông, sắt thép… liên kết với nhau theo một trật tự nhất định thì thành cái nhà. Nhưng khi sự liên kết đó thay đổi hoặc không còn thì cái nhà cũng không còn là cái nhà nữa.

Theo logic của luật nhân quả, để gặp được một người, để yêu được một người chúng ta phải có “duyên” có “nợ” từ kiếp trước. Độ bền của tình yêu như thế nào, độ dài của cuộc hôn nhân ra sao tùy thuộc vào “món nợ” mà chúng ta “thiếu” nhau từ kiếp trước.

Có một câu chuyện rằng một chàng trai yêu một cô gái tha thiết, nhưng cô gái lại lấy một người khác. Anh ta đau khổ vô cùng, định tự tử thì gặp một vị sư. Vị sư này đưa cho anh một tấm gương, anh nhìn vào thấy một cô gái lõa thể chết bên vệ đường. Có 3 người đàn ông đi qua, người thứ nhất đưa mắt nhìn rồi bỏ đi. Người thứ hai thấy cô gái tội nghiệp bèn cởi áo của mình đắp lên thi thể của cô. Người thứ 3 bèn mang xác cô gái đem chôn. Cuối cùng vị sư cho anh biết kiếp trước anh chỉ là người đắp cho cô gái tấm áo, còn chồng cô ấy bây giờ mới là người đã mang xác cô ấy đem chôn. Duyên nợ của anh với cô gái đã hết nhưng duyên nợ của cô ta và chồng cô ta thì còn.

Nếu hiểu theo cách này thì chúng ta chẳng việc gì phải cưa cẩm ai cả. Cứ tà tà mà chơi cho sướng thân, rồi “chủ nợ” hay “con nợ” sẽ tự động tìm tới mình mà “thanh toán”. Khi nợ nần thanh toán xong thì “chủ nợ” hay “con nợ” sẽ tự động bye bye. Lúc đó cũng chẳng cần buồn hay khổ làm gì.

Một người bạn đăng một câu status lên facebook rằng: “Nếu chúng ta yêu một cái gì đó, thì hãy buông nó ra. Nếu nó quay trở lại thì nó là của mình mãi mãi. Nếu không thì chúng ta đã không có nó ngay từ lúc đầu.” Một người bạn khác comment một cách khôi hài: “Nếu chúng ta yêu một cái gì đó, thì hãy buông nó ra. Nếu nó quay trở lại thì có nghĩa là không ai thèm lấy nó.”

F.A là ế, là không ai thèm lấy hay là chưa gặp được người yêu mình thật lòng? Hiểu thế nào thì tùy mỗi người. Chỉ thắc mắc một điều không biết những người có số đào hoa, kiếp trước là tỷ phú hay ăn mày tình ái mà lắm “nợ nần” thế.

Nói về sự rèn luyện

Trong một bài viết trước tôi có nói, con người ít triết học (hơi hiểu biết) có xu hướng xa rời tôn giáo, nhưng càng có nhiều triết học con người lại quay trở lại với tôn giáo, bởi nếu chỉ dùng lý trí làm sao con người có thể giải thích hay thỏa mãn được những vấn đề siêu hình, tâm linh. Bài viết này không bàn về vấn đề tôn giáo nữa, chỉ muốn mượn tôn giáo để nói về một điều rất hay và quan trọng mà không phải ai cũng nhìn thấy ở các tôn giáo: Đó là sự tu tập và rèn luyện (tu luyện). Đó là điểm tích cực nếu áp dụng cho những người không thuộc một tôn giáo nào như chúng ta.

Cơ bản tôn giáo nào cũng hướng con người làm việc thiện, bỏ việc ác, hướng đến một đời sống tốt đẹp hơn. Con người không tôn giáo cũng có nhiều người nói rất hay về đức hạnh, đạo đức, tình yêu, lý tưởng… Một bạn trai trẻ có thể nói nhiều câu triết lý cao đẹp mà cứ ngỡ chỉ những triết gia, những kẻ trải đời mới nói ra được, một cô gái mới lớn cũng viết được những tâm trạng lâm ly hơn cả một nhà văn có tài.

Chính chúng ta, những người lý luận có khi còn hay hơn cả những triết lý của của tôn giáo, của những con người thành công, vậy mà tại sao vẫn đau khổ, tại sao vẫn thất bại, sai lầm? Tôn giáo, để đạt được tính nhân văn của nó, không gì khác hơn là sự tu tập thường xuyên. Con người để đạt được lý tưởng, thành công cũng không khác gì ngoài việc nên thường xuyên rèn luyện như vậy.

Ví dụ trong Phật giáo, để mong muốn có được sự linh ứng khi trì tập Chú Đại Bi thì bắt buộc người tu phải trì đủ mỗi ngày 108 biến (số lần), niệm trong vòng 1000 ngày (khoảng 3 năm) liên tục không gián đoạn, bỏ sót ngày nào. Tôi không rõ có linh ứng thiệt không, nhưng chắc chắn trong vòng 3 năm ngày nào ta cũng hành trì 108 lần thì tâm ta sáng hơn, không có chỗ cho những thứ độc hại lẫn vào, khi đang chuẩn bị làm một việc gì đó có hại, chỉ cần nhắm mắt và đọc thần chú tự nhiên sẽ có một cái gì đó thôi thúc ta không làm điều hại nữa. Điều đó tương tự như trong đạo Thiên Chúa khi các giáo dân đến nhà thờ hàng tuần, sám hối hàng ngày.

Thực tế rằng, chỉ có sự rèn luyện liên tục và nghiêm túc mới mong đạt được đến thành công, đằng sau những ánh hào quang trên sân khấu là những buổi luyện tập gian khổ kéo dài, đằng sau những đồng tiền lương thiện là những giọt mồ hôi nước mắt. Chẳng có cái thành công nào là dễ dàng, thiên tài là rất hiếm, nếu chỉ sinh ra mới một tư chất bình thường thì cần phải có một sự khổ luyện, nỗ lực hơn để thành công, con đường tuy xa hơn nhưng đích đến vẫn luôn rộng mở. Tôi rất không thích và luôn đánh giá thấp những con người cậy tài mà không chịu học, những người mà luôn mở miệng ra là nói: “Chẳng qua không thích học thôi chứ chịu học thì chẳng ai theo kịp.” Những người đó trong xã hội này không phải là ít.

Càng tự do con người càng trở nên buông thả và hư hỏng, chữ tự do ở đây hiểu theo nghĩa tùy tiện, và đa số chúng ta đang tự do theo nghĩa tùy tiện này. Tự do ăn uống, tự do vui chơi, tự do khám phá thực chất chỉ là sự ngụy biện, chẳng có một vĩ nhân nào lại không áp đặt cho mình những quy tắc, kỷ luật nghiêm ngặt để tự bắt buộc mình thực hiện cả. Có những người đã giam mình cả năm trời trong phòng thư viện để đọc sách, lại có những người dám sống tách biệt với những thứ vui chơi bên ngoài.

Đừng thấy cái hại nhỏ mà vẫn làm, đôi khi những cái hại nhỏ lại tích tụ thành một nguy hiểm lớn, những tổ mối nhỏ có thể phá sụp cả một thân đê kiên cố. Một người hứa sẽ dậy sớm rèn luyện thể chất để mong có một cơ thể khỏe mạnh, nhưng chỉ khoảng hai, ba ngày trời mưa rét buốt là có khi thôi việc tiếp tục luyện tập. Việc này vẫn thường xảy ra.

Câu nói được mọi người thường nói: “Nốt hôm nay!” hay “Ngày mai sẽ khác!” mang một ý nghĩa tích cực nhưng lại ít đúng khi thực hiện. Chơi nốt hôm nay, ngày mai sẽ học. Nốt trận này, rồi về. Uống rượu nốt hôm nay, mai sẽ bỏ. Bắt đầu từ ngày mai sẽ tu chí học hành… Có quá nhiều nốt, chỉ mong rằng đến nốt cuối đời ta không hối tiếc về điều gì, hay về thời gian đã mất về những cái nốt.

 

Đời Thừa

Võ Thuật Dưới Góc Nhìn Đạo Lý

*Featured Image: Carlo Maccheroni

 

Bạn đã từng học võ chưa? Bạn tiếp thu được những gì từ các môn võ mà bạn học? Và bạn đã sử dụng võ thuật của mình cho những mục đích nào?

Tôi đã từng học võ, hai môn võ chứ không phải một môn như bình thường. Hồi cấp 2 tôi học Karatedo, lên đại học tôi học Vovinam. Và tôi thật sự đã thay đổi rất nhiều từ khi tôi học các môn võ về cả cơ thể và nhận thức. Một sự thay đổi nhiều khi chỉ cảm nhận được từ bên trong con người mình mà thôi.

Võ thuật dưới góc nhìn trước đây của tôi, khi mà tôi chưa học võ. Một thằng trẻ trâu, hung hãn, thích quậy phá. Tôi nghĩ rằng sau khi tôi học võ xong thì tôi có thể đánh bất cứ thằng nào dám đụng vào tôi, dám thách thức với những thằng hay dọa nạt tôi. Hay là tôi sẽ cùng mấy thằng bạn thân của mình họp thành một hội để có gì thằng nào bắt nạt thì bọn tôi sẽ đánh chúng. Vâng! Rất là trẻ trâu. Tôi nghĩ rằng, việc học võ lúc đó chỉ là để đánh nhau, để thể hiện sức mạnh cá tính của mình và để cho mọi người thấy ta đây cũng biết võ vậy.

Nhưng rồi sau khi tôi học võ, tôi cảm nhận một điều rằng, học võ chính là học đạo lý làm một con người. Một con người đúng nghĩa của nó về mặt đạo lý. Thầy dạy võ của tôi đã thay đổi toàn bộ suy nghĩ của tôi về võ thuật. Võ thuật là một cái gì đó mang màu sắc về tinh thần đạo lý, dùng cái mạnh để chống lại cái xấu xa hay dùng để nâng cao sức khỏe của chúng ta vậy. Tôi sẽ phân tích về khía cạnh đạo lý của nó. Nó thật sự sâu xa chứ không đơn thuần như những gì chúng ta vẫn thường nghĩ.

Tại sao các tên môn võ đều có chữ “Do” ở phía sau? Ví dụ như Karatedo, Taekwondo, Judo, Kendo… Vì chữ Do này có nghĩa là chữ Đạo

Đạo ở đây tức là đạo làm người, võ sĩ đạo. Về đạo làm người chúng ta phải có trách nhiệm với bản thân và với xã hội. Chúng ta học võ để nêu cao tình thần đạo làm người của mình, để biết rằng mình cần phải giúp đỡ những kẻ yếu thế, dùng võ thuật để chống lại những kẻ gian ác. Đạo làm người là thấy việc bất bình phải đứng ra ngăn cản, phải bảo vệ lẽ phải, phải xã thân vì mục đích lớn.Ví dụ đơn giản như bạn đi trên đường thấy thằng giật túi xách, nếu như bạn học võ và hiểu đạo lý làm người bạn sẽ sẵn sàng giúp đỡ người khác nếu như bạn hiểu được cái Đạo đó. Và khi đó bạn nhận thấy rằng bạn không còn là một cái con người nhỏ bé chỉ nghỉ đến bản thân mà phải nghĩ cho những người khác nữa.

Võ sĩ đạo là tinh thần thắng không kiêu, bại không nản. Tình thần lấy nhu thắng cương, lấy cái yếu điểm làm cái ưu điểm.  Võ thuật là phải biết vị trí của mình, phải hiểu rằng mình sinh ra có cái tinh thần võ sĩ. Tôi học hai môn võ, thì về chiêu thức hay các bài quyền thì có những đặc điểm gần tương đương nhau. Nhưng mỗi môn võ đều thầy được sự uyển chuyển trong đó, nhưng  cả hai môn võ đó những người thầy, những võ sư toàn khuyên dạy rằng phải dùng  biết dùng võ vào lúc nào và những thời điểm nào. Đừng bao giờ sử dụng cái sức mạnh mình có để nhằm mục đích của bản thân . Thật sự nếu hiểu sâu được vào bên trong nó, võ thuật thì nó là cái môn hấp dẫn nhất.

Về sức khỏe, học võ thuật rất tốt, có thể giúp bạn phòng chống bệnh tật, giúp bạn khỏe khoắn hơn. Bên cạnh đó, võ thuật giúp con người bạn uyển chuyển, phản ứng nhanh nhạy và chính xác. Học võ còn có lợi cho khí huyết, tim mạch của bạn. Có một số loại thiền định trong võ thuật giúp sức khỏe thêm cải thiện, thêm hiểu về bản thân, những dòng khí lưu thông trong con người, những huyệt đạo hay cả những yếu điểm của chính chúng ta.

Đạo lý trong võ thuật thì những người học võ đến những mức độ nào đó thì sẽ đạt được những nhìn nhận nhất định về nó. Tất nhiên đối với một người khác nhau sẽ có những quan điểm khác nhau. Tôi chỉ là người học và tìm hiểu ở mức căn bản, đã tham gia thi đấu cũng ít trận. Nếu bạn muốn học võ thì bạn cứ thử tìm hiểu và thử một môn võ nào đó. Bất kỳ môn nào cũng được và rồi bạn sẽ nhận ra rằng thực ra học võ không phải chỉ là học võ mà chính là học để làm người đúng nghĩa.

“Mục đích của việc tập luyện võ thuật không phải để thể hiện sức mạnh, mà điều chúng ta quan tâm là ảnh hưởng của nó đến suy nghĩ và cách sống của mình như thế nào.” – Lý Tiểu Long

 

 

Nguyễn Quang Nam

Trách…

Photo: Maltus

 

Ngẩng mặt nhìn trời, trách dòng đời nghiệt ngã
Trách cuộc đời khiến ta hối hả và bon chen
Nước mắt ta rơi lặng lẽ trong đêm đen
Để ngày mai ta mỉm cười trước nỗi đau của người khác…

Quay lại nhìn người, ta trách người dối trá
Khiến trái tim ta băng giá tự bao giờ
Khi người nhẫn tâm chà đạp lên cả những giấc mơ
Mà bấy lâu ta giữ gìn trong từng nhịp thở…

Ngoảnh lại nhìn mình, ta trách mình lầm lỡ
Sao không giữ được mình với những tạo hóa xoay vần
Trách đời, trách người, chẳng bằng tự trách thân
Thôi thì trách bản thân mình, đừng trách thêm ai nữa…

 

Một Đời Quét Rác