31 C
Nha Trang
Thứ năm, 31 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 225

Khoảng trời bình yên trong âm nhạc của Secret Garden

Ảnh : Secretgraden.no

Vài nét về Secret Garden

Với những người yêu nhạc không lời ở Việt Nam, Secret Garden không phải cái tên quá xa lạ. Kể cả với những người không biết gì về nhóm nhạc này, âm nhạc của họ cũng rất quen thuộc: Nó xuất hiện trong các bộ phim, chương trình truyền hình, quảng cáo, lễ trao giải, quán café,…Trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ không đi quá sâu vào việc giới thiệu về lịch sử phát triển và thành tựu mà nhóm đã đạt được. (bạn có thể xem những thông tin đó tại www.secretgarden.no) Thay vào đó là một vài thông tin cơ bản và  những cảm nhận của riêng tôi.

Secret Garden là một nhóm song tấu được thành lập nhờ cuộc gặp gỡ giữa Rolf Lovland (người Na Uy, sáng tác, sản xuất, keyboard) và Fionnuala Sherry. (người Ireland, violin) Âm nhạc của họ lấy cảm hứng từ nhạc dân gian Na Uy – Ireland và một chút từ nhạc cổ điển. Khởi nguồn từ ý tưởng “giai điệu kể chuyện “ và “câu chuyện không lời”, Secret Garden đã chinh phục người nghe trên khắp thế giới bằng thứ âm nhạc diệu kỳ của họ.

Lấy âm thanh piano và violin làm hai yếu tố cơ bản, Rolf và Fionnuala tập chung vào “sự giản đơn” để kể nên những câu chuyện không lời. Như Rolf Lovland đã nói: “Âm nhạc nên đơn giản và tinh tế như hình ảnh một con bướm đậu từ bông hoa này sang bông hoa khác.” (lời tựa cho bản nhạc Papillon) Để đạt đến sự giản đơn tuyệt vời , đó là một cuộc hành trình dài đầy nỗ lực của tất cả các nghệ sĩ trong 20 năm qua. Điều này làm tôi chợt nhớ đến câu nói của ngài Chopin: “Sự đơn giản là mục tiêu cao nhất sau khi đã vượt qua tất cả những khó khăn.”

Âm nhạc Secret Garden mở ra khoảng trời tự do cho những suy tư, những nỗi niềm cả vui lẫn buồn, những khoảng lặng. Và hơn nữa, là tạo nên một nơi trú ẩn bình an cho tâm hồn.

Tôi đã đến với âm nhạc của Secret Garden như thế nào?

Tôi chính thức biết đến cái tên Secret Garden vào năm 2009, sau khi nghe nhạc của họ trong nhiều năm mà không hể hay biết. Hồi đó, tôi đang có trong tay album Earthsongs. Vào một buổi tối rảnh rỗi, tôi quyết định bật CD đó lên nghe. Một cảm giác sửng sốt chạy dọc người tôi khi nghe những bản đầu tiên: Sometimes When It Rains rồi Field of Fortune. Và sau đó là choáng ngợp trước vẻ đẹp lay động lòng người của những bản nhạc. Rồi tôi bị mê hoặc hoàn toàn. Mỗi âm thanh tỏa sáng lấp lánh trong những giai điệu mộc mạc, đơn sơ. Âm nhạc Secret Garden và tôi gắn bó với nhau từ đó.

Nhắc đến âm nhạc Secret Garden, nhiều người thường nhận xét nó rất buồn. Tôi cũng đồng ý một phần vì có nhiều bản nhạc khiến tôi rơi nước mắt khi nghe: Heartstrings, Home, Dreamcatcher, Elegie,…Nhưng Rolf và Fionnuala đâu chỉ có thu âm những bản buồn. Secret Garden còn có những giai điệu rộn rã khiến trái tim tôi nhảy múa theo : The Reel, Invitation, Elan, The Rap, Fionnuala’s Cookie Jar,.. Dù vui hay buồn, trên hết âm nhạc của họ mang đến cho tôi cảm giác bình yên, chân thật, như một chỗ dựa tinh thần đáng tin tưởng.

Điều tuyệt vời nhất khi thưởng thức âm nhạc Secret Garden là lúc chạm tới, hòa nhập với những câu chuyện không lời và để cảm giác của mình phản chiếu những câu chuyện đó theo cách riêng. Cũng như để âm nhạc dẫn dắt trí tưởng tượng của mình, vượt qua giới hạn của không gian và thời gian, khai phá những vùng cảm xúc mới.

“Just the two of us“

Là album mới nhát của Secret Garden, phát hành tại Na Uy vào năm 2013 và đang phát hành tại các quốc gia khác. Phần lớn album là những bản chuyển soạn mới từ những tác phẩm cũ. Cả album chỉ có âm thanh của violin và piano, không có thêm bất cứ nhạc cụ nào khác, không có âm thanh của dàn giao hưởng. Nhưng không vì thế mà âm nhạc trở nên nhàm chán. Sự tối giản tạo nên một thứ phép màu âm nhạc thuần khiết nhất: Sự đồng điệu về mặt tâm hồn giữa cả người chơi lẫn người nghe. Đó như là một sự trở về – trở về với những khoảnh khắc đẹp mong manh chớm nở ban đầu. Như lần đầu tiên Fionnuala đặt cây violin lên vai và chơi bản Nocturne của Rolf.

Rất mong được đọc những chia sẻ của các bạn về âm nhạc Secret Garden! Chúc các bạn vui!

 

Cánh Đồng Âm Nhạc

Thế giới đi về đâu?

Photo: Jeffrey

 

Chiến tranh biển đông đã giúp mọi người hiểu rõ hơn quá trình nhận thức về chiến tranh của quần chúng nhân dân như thế nào. Người thì ủng hộ kẻ thì phản đối, tất cả đều nhằm mục đích cổ động tinh thần chiến đấu cho cả hai phía.

Giai cấp thống trị Việt Nam cho việc Trung Quốc đặt giàn khoan 981 để khoan dầu như vậy là đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đó là hành động xâm lược. Để khởi động cuộc chiến tranh với Trung Quốc, giai cấp thống trị Việt nam đã huy động toàn bộ lực lượng tuyên truyền qua tất cả các phương tiện thông tin đại chúng để kích động lòng yêu nước của quần chúng nhân dân và gia tăng sự ủng hộ của các nước trên thế giới.

Với đội ngũ nhà báo đông đảo, các tin tức nóng hổi được cập nhật hàng giờ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những tin tức ấy đã thức tỉnh cái tôi ở trong mỗi con người, mọi người dân Viật Nam đều cảm thấy tổ quốc của “tôi” đang lâm nguy vậy nên mọi người đều sôi sục một tinh thần sẵn sàng xả thân vì cuộc chiến. Những tin tức ấy lại được các trang mạng xã hội chia sẻ nhanh trong trên toàn thế giới.

Toàn dân việt nam và các nước trên thế giới đều khẳng định việc trung quốc hạ đặt giàn khoan là nguyên nhân gây ra cuộc xung đột đang diễn ra trên biển đông. Để giải quyết được cuộc xung đột ấy chỉ có một con đường: Trung Quốc rút giàn khoan về nước.

Việc trung quốc rút giàn khoan đi chỉ là cách xử lý tình thế chứ không thể giải quyết được cuộc chiến tranh Việt – Trung. Với tư duy của một nhà triết học thì không thể a dua theo đám đông mà cần có cái đầu đủ lạnh để quan sát và đánh giá một cách khách quan. Không những giải quyết sự việc ở thời hiện tại mà phải biết xu hướng phát triển của sự việc trong tương lai. Có như vậy mới mong giải quyết được cuộc chiến tranh đã diễn ra hàng triệu năm qua trên thế giới.

Xung đột biển đông, cuộc chiến ở Ucraina sẽ đưa thế giới đến một xu hướng phát triển mới đó là sự hình thành các liên minh mang tính khu vực.
Một cộng đồng ASEAN nhỏ bé chưa đủ sức để đối chọi với một Trung Quốc hiếu chiến sẽ tiếp tục liên minh với Châu Âu hoặc Mỹ để hình thành một liên minh rộng lớn hơn. Trung Quốc và Nga hai con người cô độc cũng đành ngậm ngùi bắt tay nhau để đối chọi với Mỹ và Châu Âu. Các bạn sẽ thấy trong tương lai không xa thì các khối liên minh trên thế giới sẽ được hình thành. Ai dám chắc rằng các khối liên minh kia sẽ không xung đột với nhau và như thế một cuộc chiến tranh khốc liệt mới đang chờ chúng ta.

Các cuộc xung đột trên thế giới sẽ ngày càng mở rộng và phát triển cho đến khi có được một liên minh thống nhất trên toàn thế giới. Đó là con đường đi tới tương lai của thế giới. Cho dù các bạn có muốn hay không thì vẫn phải đi trên con đường đó để đến hoà bình thế giới. Thế giới có được hòa bình sớm hay muộn phụ thuộc vào nhận thức của mỗi chúng ta về hiện tượng chiến tranh.

 

KMAC

Ý nghĩa thật sự của lòng yêu nước – Lawrence W. Reed

Photo: Gage Skidmore

 

Lòng yêu nước không phải là vẫy cờ

Trong những ngày này lòng yêu nước chẳng khác gì lễ Giáng sinh – rất nhiều người bị cuốn vào không khí lễ hội tràn ngập ánh sáng và những màn trình diễn. Chúng ta nghe những lời nhắc nhở về “ý nghĩa thực sự” của lễ Giáng sinh và chúng ta thậm chí có thể lầm bầm một vài từ đầy tội lỗi về những cái đang tác động tới chúng ta, nhưng mỗi người chúng ta dành nhiều thời gian và suy nghĩ về cỗ bàn, tặng quà, và những thứ khác của một ngày lễ thế tục hơn là suy nghĩ một cách sâu sắc về ý nghĩa thật sự của nó.

Lòng yêu nước thì cũng thế, nhất là vào ngày Tưởng niệm các chiến sĩ trận vong (Memorial Day) trong tháng Năm, Ngày Quốc kỳ vào tháng Sáu, và ngày Độc lập vào tháng Bảy. Hãy đi xuống Main Street America và hỏi từng công dân xem lòng yêu nước có nghĩa là gì và trừ một vài ngoại lệ, hầu hết các câu trả lời đều có tính tự mãn nhưng hời hợt và thường là hoàn toàn sai. Nếu nhìn thấy chúng ta như hiện nay thì những Người Lập Quốc, những người đàn ông và đàn bà đã tạo cho chúng ta lý do để trở thành người yêu nước, sẽ nghĩ rằng chúng ta đã lạc đường.

Kể từ cuộc tấn công bỉ ổi ngày 11 tháng 9 năm 2001, người Mỹ đã gần như thống nhất trong “tình yêu nước”. Đối với hầu hết mọi người, thật đáng buồn là thế cũng đủ để trở thành một người yêu nước cứng rắn rồi. Nhưng nếu tôi đúng, thì đây là giai đoạn để người Mỹ tham gia vào một khóa bồi dưỡng.

Lòng yêu nước không phải là tình yêu đất nước, nếu bạn coi “đất nước” có nghĩa là những cánh đồng lúa chín, những dãy nui uy nghi và những thứ tương tự như thế. Hầu như nước nào cũng có những dãy núi đá, những cảnh sông nước đẹp đẽ, cùng những thứ để con người trồng cấy và ăn. Nếu lòng yêu nước chỉ có thế, thì người Mỹ có ít những thứ quý giá mà chúng ta có thể nói là đặc biệt hay độc đáo để có thể yêu. Và chắc chắn, lòng yêu nước không có nghĩa là hy sinh cuộc đời của con người chỉ vì một dòng sông hay một dãy núi.

Lòng yêu nước không phải là niềm tin mù quáng vào những thứ mà các nhà lãnh đạo của chúng ta làm hay nói với chúng ta. Đấy chỉ là thay một số khái niệm cao cả bằng những bước duyệt binh không cần động não mà thôi.

Lòng yêu nước không chỉ đơn giản là đi bầu cử. Bạn cần phải biết nhiều hơn về những động cơ thúc đẩy cử tri trước khi bàn về lòng yêu nước của ông ta. Ông ta có thể đi bầu cử bởi vì ông ta muốn một cái gì đó mà người khác phải trả tiền. Có lẽ ông ta cũng chẳng suy nghĩ nhiều về việc chính khách mà ông ta thuê sẽ lấy cái đó ở đâu. Xin nhớ câu nói uyên thâm của Tiến sĩ Johnson: “Lòng yêu nước là nơi trú ẩn cuối cùng của một tên vô lại.”

Vẫy cờ có thể là một dấu hiệu bên ngoài của lòng yêu nước, nhưng chúng ta không coi rẻ thuật ngữ này bằng cách có một lúc nào đó cho rằng đó là chỉ là một dấu hiệu. Thương tiếc những người đã hy sinh cuộc đời chỉ đơn giản là vì họ đã sống trên đất Mỹ là việc bao giờ cũng nên làm, nhưng đấy cũng không phải là lòng yêu nước.

Người dân ở mỗi quốc gia và lúc nào cũng thể hiện tình cảm về cái mà chúng ta gọi là “lòng yêu nước”, nhưng điều đó lại đặt ra câu hỏi. Cái này là gì vậy? Chả nhẽ nó lại rẻ và vô nghĩa như vậy sao? Chỉ cần vài động tác và tình cảm là bạn đã trở thành người yêu nước ư?

Không phải trong sách của tôi

Tôi cho rằng lòng yêu nước ăn sâu bén rễ trong tư tưởng sinh thành ra một đất nước, nhưng đó là phải tư tưởng mà tôi nghĩ đến khi tôi cảm thấy mình là người yêu nước. Tôi là một người Mỹ yêu nước, vì tôi tôn kính những tư tưởng đã thúc đẩy những Người Lập Quốc và buộc họ, trong nhiều trường hợp, phải đặt cược sinh mạng, tài sản, danh dự thiêng liêng của mình.

Những tư tưởng nào? Xin đọc lại Tuyên ngôn độc lập. Hoặc, nếu bạn giống như hầu hết người Mỹ hiện nay, xin hãy đọc nó lấy một lần. Tất cả đều có ở đó. Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Không phải chính phủ mà Tạo Hóa đã trao cho họ một số quyền bất khả xâm phạm. Trước hết là quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Chính phủ phải bị hạn chế nhằm bảo vệ hòa bình và gìn giữ quyền tự do của chúng ta, và chính phủ làm như vậy thông qua sự đồng ý của những người bị trị. Đó là quyền của những người tự do nhằm tự giải thoát khỏi chính phủ khi chính phủ đó trở thành kẻ phá hoại những mục đích đó, như những Người Lập Quốc của chúng ta đã làm trong một hành động cao cả của lòng can đảm và thách thức hai trăm năm về trước

Xin gọi đấy là Freedom (tự do). Xin gọi đấy là Liberty (cũng có nghĩa là tự do – ND). Gọi là gì cũng được, nếu bạn muốn; nhưng đó là nền tảng xây dựng nên quốc gia này và nếu chúng ta rời xa nó thì chúng ta sẽ tự chuốc lấy hiểm nguy. Đấy là cái xác định chúng ta là người Mỹ. Đó là những điều ước ao của hầu hết những người đã từng sống trên hành tinh này. Nó làm cho cuộc đời đáng sống, có nghĩa là, đấy là điều xứng đáng để chiến đấu và hy sinh.

Quan điểm Mỹ

Tôi biết rằng khái niệm này về lòng yêu nước chính là ý nghĩa theo kiểu Mỹ của thuật ngữ đó. Nhưng tôi không biết đối với Uganda hay Paraguay người yêu nước nghĩa là gì. Tôi hy vọng rằng người Uganda và Paraguay có những lý tưởng cao cả làm họ vui sướng khi họ cảm thấy mình là người yêu nước, đấy là câu hỏi mà bạn sẽ phải hỏi họ. Tôi chỉ có thể nói cho bạn biết lòng yêu nước có ý nghĩa gì đối với tôi, một người Mỹ, mà thôi.

Tôi hiểu rằng nước Mỹ đã thường không đáp ứng được những tư tưởng cực kỳ cao cả, được thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập. Điều đó không hề làm giảm sự tôn kính của tôi đối với những tư tưởng đó, và cũng không làm lu mờ hy vọng của tôi rằng thế hệ người Mỹ tương lai sẽ lại được chúng truyền cho cảm hứng.

Trên thực tế, cách hiểu như thế về lòng yêu nước đã giúp tôi vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất và chán nản nhất. Lòng yêu nước của tôi không bao giờ bị ảnh hưởng bởi thất bại của bất kỳ chính trị gia nào, hoặc bất kỳ sai lầm nào của một số chính sách của chính phủ, hoặc bất kỳ sụt giảm nào trong nền kinh tế hoặc thị trường chứng khoán. Không có kết quả của bất kỳ cuộc bầu cử nào, dù bất lợi đến đâu, làm cho tôi cảm thấy kém trung thành với những lý tưởng mà những Người Lập Quốc của chúng ta đã viết ra vào năm 1776. Thật vậy, như kinh nghiệm sống cho thấy, trí huệ mà những người khổng lồ như Jefferson và Madison ban cho chúng ta chưa bao giờ trở thành rõ ràng như thế đối với tôi. Tôi nóng ruột hơn bao giờ hết, chỉ muốn giúp đỡ những người khác để họ có thề đánh giá đúng những việc đó.

Trong lần về thăm quê cha đất tổ gần đây của tôi ở Scotland, tôi đi ngang qua một vài từ rất cũ, chúng đã buộc tôi phải dừng lại. Mặc dù những từ này có trước Tuyên ngôn Độc lập của chúng ta những 456 năm, và cách xa chúng ta ba ngàn dặm, tôi khó có thể nghĩ về bất cứ điều gì từng được viết ở đây lại có thể khuấy động lòng yêu nước mà tôi đã định nghĩa ở trên đến như thế. Năm 1320, trong một nỗ lực nhằm giải thích lý do vì sao họ đã phải chiến đấu đẫm máu suốt 30 năm nhằm đánh đuổi quân xâm lược người Anh, các nhà lãnh đạo người Scotland đã kết thúc bản Tuyên bố Arbroath với dòng chữ sau đây: “Chúng tôi chiến đấu không phải vì danh dự, vinh quang hay của cải, mà chúng tôi chiến đấu cho quyền tự do, quyền tự do mà không một người tốt nào chịu từ bỏ, ngay cả khi phải hi sinh mạng sống của mình.”

Tự do – tìm hiểu nó, sống cùng với nó, giảng dạy nó và ủng hộ những người đang dạy những người khác về những nguyên lý của nói. Đấy, thưa những người đồng bào Mỹ của tôi, là ý nghĩa của lòng yêu nước đối với mỗi chúng ta trong những ngày này.

 

Dịch bởi Phạm Nguyên Trường

Ghi chú của người dịch: Bài báo này được xuất bản tháng 6 năm 2003.

 
[themify_box style=”blue info”]Lawrence W. Reed trở thành chủ tịch quỹ FEE vào năm 2008 sau khi đã nằm trong ban giám đốc quỹ từ những năm 1990, ông viết và nói trên FEE từ cuối những năm 1970. Trước khi trở thành chủ tịch quỹ FEE ông đã làm chủ tịch Mackinac Center for Public Policy ở Midland, Michigan trong 20 năm. Ông còn giảng dạy môn kinh tế học ở Northwood University in Michigan từ năm 1977 đến 1984 và chủ nhiệm bộ môn kinh tế học ở trường này từ năm 1982 đến 1984. [/themify_box]

Người phàm đích thực

Photo: Noell S. Oszvald

 

Ban đầu tôi loay hoay mãi không biết đặt tên tiêu đề cho bài viết của mình. “Người phàm đích thực” là suy nghĩ nhất thời lóe lên trong đầu và tôi không ngờ mình lại tâm đắc đến thế. Chắc sẽ có không ít người cười khẩy: Đã là phàm rồi lại còn đích thực? Diệu vợi quá nàng ơi!

Vậy thế nào là phàm không đích thực?

Thế giới quan chung của chúng ta luôn mặc định có 3 thế giới: Địa ngục, trần gian và thiên đàng. Quỷ dữ thì sống dưới địa ngục, người phàm ở trần gian và các thần ngự trị thiên đàng. Lý do tồn tại quan niệm này là do tôn giáo, là do tư tưởng tôn giáo trong mỗi con người chúng ta đã thấm nhuần vậy rồi.

Tôi là kẻ gàn dở, gàn dở đến tức tưởi. Vì con mắt nhân quan của tôi lại thấy khác đi một chút cái thầm nhuần tư tưởng ở trên. Tôi cho rằng, mình là kẻ phàm, kẻ trần tục trong số ít những kẻ phàm phu tục tử đúng nghĩa hay còn gọi là đích thực ở trần gian này.

Tôi rất ít khi theo dõi, thậm chí là xem người ta trình diễn nhạc. Tôi thường nghe nhạc dạng mp3, hoặc lên mạng nghe nhạc không lời. Âm nhạc là món quà tuyệt với nhất mà thiên đường gửi tặng trần thế. Tôi là kẻ phàm tục, người trần mắt thịt, chỉ biết hưởng thụ cái sướng, và cực cưng chiều bản thân trong cái khoản hưởng thụ. Nói về âm nhạc, tôi là kẻ biếng ăn khó chiều nhất trong cái món này. Biết sao được, từ khi biết ăn ngon, cái gu thẩm mỹ của tôi nó cũng khó chiều một cách đáng ghét. Bạn bảo, sao em toàn cau có và chê bai vậy? Chả lúc nào thấy e khen ngợi được cái gì. Haiz, nhiều lúc nhìn lại bản thân sau những câu chê, tôi cũng thầm chửi bậy lắm. Đời nó khắm khú thế đấy, theo như thiên hạ thì: “Nhìn lại mình đi, trước khi chê bai người khác!”

Tôi có cái tính lãng mạn của những kẻ nghệ sĩ đến gàn dở. Nghe nhạc và cảm nhận của tôi nó cũng cực gàn dở. Có người dạy tôi, âm nhạc là ý niệm. Người biết chơi nhạc, người biết hát là người biết đưa ý niệm của mình vào nghệ thuật mà mình đang chơi. Người biết thưởng thức là người cảm nhận được cái đẹp trong ý niệm đang thấm nhuần qua âm nhạc. Đó là lý do tôi là kẻ khó tính vậy đấy. Cũng có thể cái phàm tục của tôi nó chưa đủ để cảm nhận hết ý niệm của các ca sĩ thị trường bây giờ. Maybe.

Ừ thì tôi cứ khó tính tức tưởi vậy!

Tôi thích ăn thịt, thậm chí là thịt ngon. Ừ thì cái ngon ai mà chả thích. Lên mạng và đọc những bài khuyến cáo về thịt chó. Nào là thịt chó nhiễm bệnh, nào là thịt chó nặng nghiệp. Ấy thế mà tôi lại mang tiếng là người yêu chó. Bao lần lên cơn thèm tôi đã tự sỉ vả mình. Thế nhưng đi qua hàng thịt chó, tôi lại tặc lưỡi: Đời được mất tý mà!

Khốn nạn! Nhỉ?

Nói cho nó phải lẽ, hưởng thì tôi hưởng lắm lắm. Chơi thì tôi tới bến lắm lắm. Thế nhưng làm việc thì tôi cũng tự vắt kiệt mình lắm lắm. Hồi bé, tôi hay vác mồm đi chửi người. Lớn rồi tôi lại mang mồm quay lại chửi mình. Chửi cho thấy nhục thì thôi. Nhục thì sao? Nhục thì cố gắng mà làm việc cho tương xứng với cái mày đã hưởng thụ ấy đi. Cố gắng mà trả nợ đời, vì đời đã hoặc sẽ cho mày hưởng thụ, thậm chí là phè phỡn, còn tùy thuộc vào cái mà mày cho đời.

Tôi tục lắm, phàm lắm. Ấy nên tôi hèn lắm, làm gì cũng chả dám ác nghiệt như quỷ dữ, và cũng chẳng thể thánh thiện như thiên thần. Tôi chỉ dám là mắt thịt đời thường thôi.

“Chả dại gì em ước nó bằng vàng
Trái tim em, anh đã từng biết đấy
Anh là người coi thường của cải
Nên nếu cần anh bán nó đi ngay

Em cũng không mong nó giống mặt trời
Vì sẽ tắt khi bóng chiều đổ xuống
Lại mình anh với đêm dài câm lặng
Mà lòng anh xa cách với lòng em

Em trở về đúng nghĩa trái tim
Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Biết lấy lại những gì đã mất
Biết rút gần khoảng cách của yêu tin

Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em
Biết khao khát những điều anh mơ ước
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu

Mùa thu nay sao bão giông nhiều
Những cửa sổ con tàu chẳng đóng
Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm
Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh

Em lo âu trước xa tắp đường mình
Trái tim đập những điều không thể nói
Trái tim đập cồn cào cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn

Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”

– Xuân Quỳnh

Người ta luôn sống như quỷ dữ, làm việc như người phàm, nhưng lại mong muốn có một kết quả như thiên thần. Làm ơn đi, đã phàm xin hãy phàm đúng nghĩa. Đã tục xin hãy tục cho trọn vẹn. Nếu muốn là thiên thần, xin hãy tập ngay từ bây giờ, cốt cách của một thiên thần.

Thiên đàng không có đâu! Chỉ có ý niệm thiên đàng trong kẻ phàm thôi.

PHẢI BIẾT ĐI TỪ ĐỊA NGỤC LÊN THIÊN ĐÀNG, VÀ DỪNG CHÂN Ở TRẦN GIAN. Ấy mới là NGƯỜI PHÀM ĐÍCH THỰC!

 

Thiên Thiên

Làm thế nào để bắt “dê” khi bị bịt mắt?

Photo: Wikimedia

 

“Quả của trí tuệ có 3 loại: Một là suy nghĩ chu đáo, hai là lời nói thích đáng, ba là hành vi công chính.” – Democritus

Hồi bé tôi đã từng chơi đủ mọi thể loại trò chơi vận động ngoài trời cùng với lũ bạn hàng xóm ngày đó, từ đuổi bắt, đá banh, cá sấu lên bờ… cho tới một ngày nọ, cô bạn hàng xóm kia bày ra một trò chơi mới cho nguyên đám cùng chơi. Đầu tiên cả lũ phải chia từng cặp ra oẳn tù xì với nhau, đứa nào thua cuối cùng sẽ bị quấn khăn bịt kín hai con mắt lại. Nhiệm vụ của cái đứa bị bịt mắt này là phải túm cho bằng được một đứa bất kỳ, và khi túm được rồi phải nói được chính xác đứa đó là đứa nào thì mới được gỡ khăn ra khỏi mắt. Đoán đúng tên thì đứa bị túm sẽ phải bịt khăn, còn đoán sai tên thì phải chịu tiếp cái cảnh xung quanh chỉ là một màu tối đen như địa ngục.

Chính vì cái thế giới đen đặc đó mà nảy sinh bao chuyện rất mắc cười. Mấy đứa kia thi nhau hú hét và lêu lêu tán loạn để thu hút sự chú ý, đứa bị bịt mắt cứ thế chạy tán loạn. Có khi nghe tiếng đứa nào thè lưỡi lêu lêu ngay trước mặt mình, liền bay vô túm nó thiệt chặt, tới khi sờ sờ rờ rờ một hồi mới phát hiện ra là mình đang ôm lấy ôm để… cái chậu cây nhà người ta. Cũng có khi vô cùng sung sướng hả hê khi túm được một đứa, sờ sờ thấy tóc dài liền cười hà hà: “À con Th. đây phải không?” Tới khi gỡ bịt mắt ra mới biết là mình nhầm hàng, quên mất là lần này có tới hai đứa con gái tóc dài tham gia chơi lận. Tụi xung quanh cứ thế cười miết, làm mình chỉ muốn lấy xẻng đào lỗ chui xuống đất ngay và liền vì quá nhục…

Có thể bây giờ chúng ta đã lớn, những người bạn hàng xóm thuở nào cũng đã mỗi đứa một phương trời, không còn ai để chúng ta rượt bắt trong đêm tối nữa. Nhưng trò chơi thì vẫn còn đó, và chúng ta vẫn còn đang đối diện trò chơi này dưới nhiều hình thức khác nhau trong cuộc sống, đi kèm với nó là vô vàn những phản hồi xung quanh đến với chúng ta.

Chúng ta đã từng cảm thấy vui sướng khi được cho những con điểm cao đỏ rực sáng chói trong vở, được người lớn vỗ vai khen ngợi và động viên, bạn bè trầm trồ xuýt xoa vì chúng ta có cái điện thoại xịn, cùng nhiều điều tích cực khác. Ngược lại, chúng ta đã từng cảm thấy vô cùng thất vọng khi kết quả không như ý mình muốn, cảm thấy mình không được ủng hộ khi bố mẹ cứ bắt mình phải chọn ngành này ngày kia theo ý họ, bạn bè thì dè bỉu chỉ vì tính cách riêng biệt cùng đặc điểm giới tính mà họ cho là không bình thường, cùng rất nhiều những điều tiêu cực khác nữa.

Hay nói cách khác, người ta thường có xu hướng “xù lông” bảo vệ quan điểm của mình khi đối diện với những nhận xét tiêu cực, thậm chí là bỏ qua chúng nhiều hơn là những lời nhận xét tích cực. Nhưng như vậy liệu có giúp chúng ta được gì không, ngoài chuyện cảm thấy thoải mái dễ chịu hơn khi không còn phải nghe những lời nhận xét này kia…?

Quay trở lại với trò bịt mắt bắt dê. Khi chúng ta bị bịt mắt, chúng ta tóm được những đứa xung quanh là nhờ điều gì? Nhờ những tiếng bước chân kèm theo giọng của tụi nó! Vì những âm thanh ấy cho chúng ta biết tụi nó đang đứng ở đâu, đang đứng gần mình hay đứng xa lắc xa lơ, để mình còn biết đường mà quyết định xem nên túm đứa nào. Vậy bạn có bao giờ tự hỏi rằng chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn không còn nghe được những âm thanh đó nữa hay chưa? Phải rồi, chúng ta sẽ chẳng bắt được bất kỳ một “con dê” nào nữa hết, vì có biết nó đứng ở đâu đâu mà đòi bắt!

Những lời phản hồi cũng giống như vậy, dù nó tích cực hay tiêu cực đến mấy đi chăng nữa. Nhất là những phản hồi tiêu cực, nó không phải là những lời nhận xét chứng minh bạn đã thất bại, đó chỉ là những gợi ý chỉ dẫn cho ta biết ta có đang đi sai hướng hay làm sai điều gì không. Nếu bạn bỏ ngoài tai những lời phản hồi, bạn sẽ không bao giờ biết được mình có đang đi đúng hướng hay không, và bạn sẽ mãi chìm trong đêm tối dày đặc chẳng còn biết mình đang đứng ở đâu trên đường đời nữa.

Khi còn là học sinh, tôi có một thói quen khó bỏ là chơi game suốt ngày: Cứ đi học về ăn uống xong xuôi là nhào đầu vô chơi, ngày nghỉ cuối tuần ở nhà cũng toàn chơi game từ sáng tới chiều. Chơi nhiều đến nỗi bố mẹ nhắc nhở, la rầy, thậm chí cúp máy và bảo tôi nghiện game quá nặng rồi nên phải làm như vậy. Tôi không chịu được chuyện này nên đã rất nhiều lần “xù lông” với bố mẹ, tự bảo vệ bản thân bằng cách gân cổ lên cãi rằng mình vẫn có học hành đàng hoàng chứ có phải chơi miết đâu. Nhưng kết quả không biết nói dối, cái lúc bố mẹ tôi nhận được phiếu điểm cuối học kỳ chính là thời khắc ác mộng nhất trong đời. Họ chẳng mắng, chẳng la rầy cũng chẳng đánh đòn gì, chỉ có sự thất vọng hằn rõ tới từng nếp nhăn trên khuôn mặt. Tôi đã phải làm lại mọi thứ từ đầu, không chỉ việc học tập, mà còn là cả sự tin tưởng của bố mẹ, vì kết quả đã quá rõ ràng – tôi chơi game quá nhiều trong khi học hành thì chẳng được bao nhiêu, dẫn đến điểm số cứ ngày một thụt lùi dần…

Vì thế thay đổi hướng đi, thay đổi lời ăn tiếng nói và hành động là một việc rất quan trọng, và chúng ta có rất nhiều cách để thực hiện điều này – từ việc đặt câu hỏi cho những người xung quanh, cho tới việc chịu khó lắng nghe người khác góp ý cho mình. Bất kỳ điều gì! Kể cả khi người ta có giận dữ và tỏ thái độ nặng nề khi bộc lộ ý kiến, nó chỉ phản ánh về chính người đó mà thôi. Cái gì giá trị có thể tận dụng được với bạn thì cứ nhận lấy, còn những thứ khác như thái độ cư xử của người ta hay những thứ linh tinh khác cứ quên hết đi, chỉ cần nói cảm ơn người ta là được rồi.

Tuy nhiên, trước khi thay đổi một điều gì đó, tôi cũng muốn bạn biết thêm một điều rằng không phải ý kiến phản hồi nào cũng đúng. Nghĩa là nhiều khi những ý kiến đó hoàn toàn chính xác và rất thực tế, nhưng cũng có những ý kiến hoàn toàn sai, thậm chí vô nghĩa chẳng có giá trị gì cả. Vì thế trước khi thay đổi bản thân theo ý kiến của người khác, bạn cũng cần phải xem xét kỹ thông tin mà bạn nhận được.

Trước đây tôi có đọc được một bài báo đề cập đến một vị Thạc sĩ với câu nói “Đồng tính là bệnh” gây rất nhiều tranh cãi, nó khiến tôi tò mò đọc hết bài báo để xem thử xem tại sao vị này lại cho rằng đồng tính là bệnh, kết quả chỉ là một sự thất vọng trần trề do bà này đã đưa ra ý kiến của mình một cách phiến diện và không hợp lý (bạn có thể lên Google đánh vào bốn chữ “đồng tính là bệnh” để tìm bài viết liên quan). Thế giới người ta đã loại đồng tính ra khỏi danh sách các căn bệnh của loài người từ cách đây hơn 20 năm rồi, họ chỉ coi nó là một xu hướng tình dục mang tính tự nhiên mà thôi. Vậy mà bà ấy lại có những phát ngôn như thế, nên nó đã khiến tôi phải nghi ngờ về năng lực và sự hiểu biết thật sự về chuyên ngành tâm lý của bà ấy – do người ta là Thạc sĩ hẳn hoi.

Dù sao đi nữa, phản hồi cũng chỉ là một dạng thông tin. Không ai bắt bạn phải làm theo hết những ý kiến phản hồi mà bạn nhận được, cái quan trọng hơn là bạn sẽ phản ứng ra sao với chúng. Tôi chỉ có thể chắc chắn một điều rằng, nếu bạn muốn thành công thì bạn phải tìm kiếm phản hồi, suy nghĩ thật kỹ về chúng và thay đổi hành vi để có được kết quả mà mình mong muốn. Giống như trò chơi bịt mắt bắt dê thuở xưa vậy thôi. Nếu không có những tiếng bước chạy, không có những giọng nói của những đứa xung quanh, liệu bạn có đủ sức bắt được “con dê” nào không khi thế giới trước mắt của bạn chỉ còn là một thế giới đen đặc?

Mà nếu có bắt được “con dê” nào rồi cũng phải coi kỹ xem mình có bắt đúng đối tượng không nhé, mắc công ngoài mặt chỉ biết cười trừ cho qua mà trong lòng rất muốn đào lỗ chui xuống đất…

 

Nhật Niên

Ngày bụi phủ

Ảnh: United States Library of Congress

 

Vào một ngày nằm nhà, tôi quyết định dọn lại cái hộc tủ khuất sâu trong phòng riêng. Trong lúc dọn dẹp, tôi tìm thấy những tập bản nhạc cũ của mình. Những tập bản nhạc tôi có cách đây cả chục năm. Vẫn còn nguyên tên tôi viết nắn nót trên trang bìa. Vẫn còn nguyên nét chữ cô giáo tôi trên những trang sách đầy chữ tiếng Nga. Vẫn còn nguyên những ngày tháng in trên những trang bản nhạc. Những ngày tháng không bao giờ phai mờ. Những ngày tháng của tuổi thơ tôi.

Tôi nhớ cây piano đã theo tôi trong bốn năm đầu học nhạc. Cây piano có âm thanh ấm và mềm cùng chiếc ghế dựa thoải mái. Cây piano đã nhẫn nhịn những cơn thịnh nộ của tôi – một đứa trẻ khi không tập được gam. Nhưng tôi cũng có rất nhiều khoảnh khắc hạnh phúc với nó. Hạnh phúc thật hồn nhiên và bình dị, khi chơi những giai điệu mà một đứa trẻ say mê. Từ Trống cơm đến Album for the young (Schumann) hay những trích đoạn của Hồ thiên nga (Tchaikovsky). Qua lăng kính trẻ thơ, những khúc nhạc đó thật nhiệm màu.

Tôi nhớ chiếc đài cassette đỏ – thế giới âm nhạc của tôi khi còn nhỏ. Chiếc đài là cả một kho báu của tuổi thơ tôi. Những buổi sáng cuối tuần đẹp trời, nó ngân nga những bài hát của Queen, The Who, Led Zeppelin, Deep Purple, Michael Jackson,… Để tôi nhảy nhót đến hụt cả hơi theo những câu hát và hò hét toán loạn. Và bố tôi, thường là đang trầm ngâm đọc báo, nghe nhạc sẽ cười phì khi thấy cảnh đó. Rồi cả bố cả con cùng hát vang nhà. Còn những ngày mưa rét thì âm nhạc vang lên thường là của Pink Floyd hoặc The Doors. Từ Echoes, Dark side, Fat Old Sun, The Piper at the Gates of dawn, Obscured by clouds đến Light my fire, The end, Celebration of the lizard,… Đến bây giờ, khi nghe lại những bài hát ấy, tôi vẫn buồn chảy nước mắt.

Những ngày Tết thường là những ngày vui nhất, khi nhạc của The Beatles, The Rolling Stones, ABBA, Bee Gees, The Carpenters được bật xuyên suốt cả kỳ nghỉ. Vào đêm giao thừa, nhà tôi thường không hay bật bài Happy New Year ( trong khi cả ngõ đang bật ầm ầm ) vì cả bố và tôi đều đồng ý là nó quá buồn. Thay vào đó là một vài bài khác của ABBA như: Dancing Queen, Waterloo cùng với Top of the world của The Carpenters. Còn sáng mùng một thường là Ob-La- Di, Ob-La-Da của The Beatles và Angie của The Rolling Stones. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi Tết đến xuân sang hoa đào nở, hễ trong nhà có bật nhạc ABBA và The Beatles thì tôi vẫn hát hò nhảy nhót theo y hệt như hồi còn bé.

Cũng phải nói thêm một chút, không lâu sau đó thì nhà tôi có một cái đầu CD. Dĩ nhiên là tôi không thân với nó bằng cái đài cassette đỏ kia. Nhưng vì nó có khả năng chạy mấy cái CD nhạc cổ điển, cộng với mấy bải của Westlife, Backstreet Boys mà chị tôi hay nghe nên tôi cũng khá là thích nó.

Có nhiều ngày tôi mơ về những kỷ niệm đó – những khoảnh khắc ấm áp diệu kỳ của tuổi nhỏ khi được sống trong âm nhạc. Những ký ức gần như một thứ thiêng liêng mà những bước chân tàn nhẫn của thời gian không thể xóa nhòa. Nó như một thứ động lực mạnh mẽ cho hiện tại, cho ngày hôm nay. Mỗi khi nhớ về tuổi thơ đầy ắp những giai điệu tuyệt vời, tôi biết ơn âm nhạc hơn bao giờ hết. Âm nhạc đã cho tôi quá nhiều thứ, nhiều hơn bất cứ thứ gì mà tôi đã dành cho nó: Niềm vui, những ngày tháng tuyệt vời, sự trưởng thành, thấu hiểu và nhiều thứ khác nữa. Dù tôi có đang ở đâu trên cuộc đời này, âm nhạc vẫn mãi đồng hành với tôi, như một người bạn đường tận tâm. Tôi chưa bao giờ rời bỏ âm nhạc, và âm nhạc cũng vậy. Âm nhạc san bớt những nỗi buồn và nhân lên vạn niềm vui. Âm nhạc cho tôi thấy được, cuộc sống này đẹp đến nhường nào.

Tôi đang viết những dòng này, trong sự yên lặng của một buổi sáng mùa hè. Sự yên lặng là một món quà. Sự yên lặng là âm thanh tuyệt vời nhất, là khởi nguồn cho mọi âm thanh khác. Sự yên lặng của hiện tại dẫn lối về hoài niệm đẹp đẽ của quá khứ.

Tôi đang viết những dòng này, cho những ngày bụi phủ. Thứ bụi cầu vồng nhiệm màu lấp lánh. Và cho cả những giấc mơ từ ngày cũ.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin dành tặng các bạn một ca khúc của The Beatles – In my life. Có câu hát trong bài này đã vang vọng trong đầu tôi suốt mấy ngày qua: “In my life, I’ve loved them all. In my life, I love you more.”

Cánh Đồng Âm Nhạc

Thí nghiệm mới về sự ảnh hưởng của tâm thức lên sự vật

Thí nghiệm này được thực hiện trong 30 ngày để chứng minh sự khác biệt giữa “Tôi yêu bạn”, “Tôi gét bạn”, và sự thờ ơ.

6 phương pháp biến cảm hứng thành hành động

Bạn biết không, tôi đã trải qua rất nhiều chuyện, những chuyện này nó thường tạo cho tôi một động lực để cố gắng nhưng… chỉ tại thời điểm đó mà thôi. Tôi không giữ được ngọn lửa tinh thần đó và cũng không biết cách nào để thắp nó lên và cháy âm ỉ trong tôi được. Nó vội sáng rồi vụt tắt rất nhanh.

Bạn có như tôi không? Bạn có biết tại sao không? Bạn có biết cách để duy trì nó không?

Đã bao nhiêu lần rồi chúng ta đọc một quyển sách tuyệt vời hoặc tham dự một buổi diễn thuyết về thành công hay về thay đổi bản thân, khi đó chúng ta muốn thay đổi nhưng rồi lại thôi. Chúng ta liên tục trì hoãn, tội gọi đó là trì hoãn cơ hội cho một tương lai thành công.

Bắt đầu khi chúng ta học ở đại học, chúng ta biết rằng mình là dân tỉnh lẻ lên thành phố học tập. Thiệt thua bạn bè đủ mọi thứ như tiếng Anh, tin học, kỹ năng và cả kiến thức. Nhận thấy chúng ta nhút nhát, rụt rè, ngại giao tiếp với người lạ; nhận thấy chúng ta yếu ngoại ngữ, tiếng Anh chỉ biết làm ngữ pháp còn các kỹ năng còn lại chúng ta không biết gì hết; nhận thấy chúng ta chỉ biết sử dụng thế giới internet chỉ để đọc báo hay chat với bạn bè; nhận thấy thấy kiến thức của chúng ta thua kém rất xa so với các bạn bè cùng lớp.

Chắc chắn với các bạn một điều rằng, khi chúng ta nghĩ ra các thứ như vậy, chúng ta hiểu rõ bản thân mình như vậy thì ai cũng sẽ nghĩ là mình cần phải thay đổi đúng không? Chúng ta phải đạt được những điều này để có thể tự tin hơn với mọi người 

Vậy làm sao để thay đổi?

Chúng ta sẽ đi đăng ký tham gia các  khóa học tiếng anh rèn luyện kỹ năng nghe – nói – đọc – viết. Ngày ngày chúng ta cấp sách đến lớp, vừa được học kiến thức vừa được gặp gỡ bạn bè mới. Tốt đấy chứ. Nhưng có ai trong chúng ta nghĩ là thời gian chúng ta giành cho ngoại ngữ quá ít ỏi, chỉ hơn một giờ đến lớp. Chỉ học ở trên lớp thì có thấm vào đâu. Có ai sau giờ học trên lớp rồi chúng ta ôn lại, tự thực hành, tự học từ các nguồn trên internet không. Nếu có chắc chắn người đó sẽ thành công, người đó sẽ có thể dùng tiếng anh như tiếng mẹ đẻ của mình.

Có rất nhiều người tự hỏi bản thân hoặc đi hỏi những người xung quanh ta là: “Tôi học tiếng Anh gần mười năm nay nhưng tôi không thể nói tiếng Anh được, tại sao vậy?” Trả lời là: tại chính mình mà ra. Bạn không thể nào nói tiếng Anh được nếu bạn chỉ là con bướm chỉ biết vờn hoa. Bạn phải kiên trì và tự tạo cho mình động lực để cố gắng và hành động thì mới mong đạt được điều mình muốn được.

Bên cạnh ngoại ngữ, các bạn cũng hay muốn mình làm diễn giả hay trở thành người giao tiếp giỏi. Khi các bạn đi dự một hội thảo liên quan đến phát triển bản thân hay kỹ năng mềm, ngay lúc này đây bạn có một ước muốn là trở thành người tự tin và có khả  năng hoạt ngôn như diễn giả vậy. Ngay lúc đó bạn có một niềm cảm hứng cực kỳ lớn để rồi hết chương trình bạn về nhà thì đâu cũng lại vào đó. Nề nếp cũ được duy trì, bạn không rèn luyện và không hành động thì bạn chỉ là bạn mà thôi. Năm hay mười năm sau, bạn lại có một cơ hội tham dự một chương trình chia sẻ của các diễn giả người mà bạn thần tượng, cảm hứng lại ùa về lúc này chắc bạn sẽ biết tại sao bạn không phải là diễn giả mà bạn mãi chỉ là người bỏ tiền ra tham dự mà thôi. Có đúng không?

Để có thể nói lưu loát và nói thuyết phục như các diễn giả họ phải bỏ ra rất nhiều thời gian cho một ngày để tập luyện, để luyện giọng, hạn chế uống bia và thuốc lá, họ đọc rất nhiều sách, họ ghi chép những cái sai của chính mình, họ làm việc ngày đêm để khắc phục điểm yếu, họ mang trải nghiệm của bạn thân vào bài nói của họ. Họ dấn thân chứ họ không chỉ có biết thích. Còn chúng ta chỉ dừng lại ở “tôi thích” mà thôi.

Chúng ta luôn nghĩ rằng chúng ta có nhiều thời gian, chúng ta cho mình cái quyền được chần chừ, trì hoãn hết điều này đến điều khác. Xung quanh chúng ta có muôn ngàn thứ cám dỗ, những thứ này nó sẽ kéo chúng ta xuống tầng cuối cùng của thế giới. Nếu chúng ta liên tục làm việc phi lý trí thì một ngày nào đó chúng ta lại sẽ than thân trách phận. Trách chúng ta tại sao không bằng bạn bè, trách tại sao người ta tự tin còn chúng ta thì lười nhát, trách sao mình không nói được tiếng Anh, trách vân vân.

Ngày nào chúng ta còn nghĩ chúng ta có quyền ngồi quán cà phê nhiều giờ chỉ để nói những chuyện phiếm chúng ta sẽ chưa thành công; chúng ta có thể nhậu mỗi tuần thì chúng ta cũng sẽ không thành công; chúng ta giành nhiều giờ để xem phim thì khi đó chúng ta cũng sẽ khó thành công; chúng ta còn sử dụng internet chỉ để chat, đọc báo tiếng Việt, xem video giải trí,…thì sẽ có ngày chúng ta sẽ lại than trách chính chúng ta. Cám dỗ nó vậy đó, nó làm cho chúng ta tiêu tốn rất nhiều thời gian vào những điều không hề có ích cho tương lai của chúng ta.

Bất kỳ ai cũng vậy, ngồi quán cà phê hàng giờ sẽ dể hơn rất nhiều so với tự học tiếng Anh một mình tại nhà. Sử dụng internet để chat, facebook sẽ dễ hơn rất nhiều so với tìm tài liệu, học kiến thức mới hay tham gia các khóa học online của các trường Đại học danh tiếng tổ chức.

Xem các video giải trí như phim hành động, hài,…sẽ dể hơn rất nhiều so với khi ta xem các diễn giả của TEDx chia sẻ.

Đấy là những điều hết sức nguy hiểm cho những người trẻ như tôi hay các bạn những người chịu khó đọc bài chia sẻ của tôi. Qua trải nghiệm của bản thân cũng như sự học hỏi từ những người xung quanh hoặc từ sách, tôi có thể chia sẻ với các bạn 6 phương pháp để có thể biến nguồn cảm hứng của bạn thành hành động:

1. Khi có cảm hứng và muốn hành động bạn hãy viết ra và chia sẻ với nhiều người

Đó có thể là người thân của bạn, bạn bè, thầy cô của bạn, hay đưa thông tin đó trên mạng xã hội hay trang web cá nhân của bạn. Khi đó sẽ có rất nhiều người biết và theo dõi bạn, họ là người giám sát hành động của bạn. Khi đó bạn chỉ còn có một được là đi thẳng về phía trước chứ không thể nào ngẫn nhìn về phía sau được nữa. Giống như chuyện Hạn Vũ đốt thuyền vậy, khi bạn không có đường lui thì bạn sẽ hành động mạnh mẽ.

2. Bạn nên quản lý thời gian hợp lý

Có rất nhiều người làm rất nhiều điều nhưng họ không quan tâm đến thời gian của họ, mỗi ngày của họ có nhiều lúc thời gian sẽ trôi qua thật vô ích. Khi họ giật mình lại thì hết ngày, lại đến giờ phải đi ngủ. Bạn cần đưa vào lịch thời gian của mình vì nó sẽ giúp bạn hiểu mình đã làm việc như thế nào, có sử dụng thời gian hiệu quả chưa,…

3. Hãy bắt đầu với những điều nhỏ nhất có thể

Khi bạn thấy bạn bè giao tiếp với người nước ngoài bạn thấy thích thú lắm. Về nhà tạo cho mình một lịch học tiếng Anh với hai tiếng một ngày. Làm như vậy bạn cảm thấy mới đủ nhưng chỉ mới học một vài phút chắc chắn là bạn sẽ cảm thấy nản mà thôi. Hãy bắt đầu với năm phút hoặc chỉ hai phút mỗi ngày thế là đủ. Bạn hiểu ý mình chứ?

4. Hãy cam kết với chính mình

Bạn đã thông báo với bạn bè, người thân và đặt thông tin trên mạng xã hội nhưng thế chưa đủ. Bạn cần phải có trách nhiệm hơn với chính mình. Nếu bạn thất bại thì bạn sẽ bị mất tiền, phải đứng hát múa ở nơi công cộng hoặc đi bán hết 100 tờ vé số chẳng hạn. Khi đó bạn sẽ có trách nhiệm với chính mình hơn và quyết tâm mạnh mẽ hơn.

5. Tránh bị lãng quên

Thật khó để bạn bắt đầu, tôi biết bạn hay quên lắm. Nếu bạn muốn chạy bộ vào buổi sáng sau khi thức dậy nên chuẩn bị mọi  thứ như giầy, áo, khăn đặt bên cạnh giường ngủ. Khi thưc dậy bạn sẽ được nó nhắc nhở là “bạn cần phải chạy bộ sáng nay”.

6. Khi bạn cảm thấy không muốn thực hiện hãy dừng lại

Khi bạn muốn làm trì hoãn việc gì đó như: “Hôm nay tôi không đi học, tôi sẽ học bù phần này vào ngày mai.” Khi đó bạn nên dừng lại. Tự vấn chính mình, điều mình muốn là gì? Mình e ngại điều gì? Khi đó bạn sẽ đối mặt được với chính mình mà không lảng tránh nó nữa. Đến khi hoàn toàn thông suốt thì bạn sẽ cảm thấy thích thú hơn.

Những điều tôi viết ra đó không chỉ là trải nghiệm của cá nhân mà đó còn là những chia sẻ từ trải nghiệm của những người thuộc các mối quan hệ của tôi. Phần lớn họ là những người thành đạt. Để đạt được những thành tựu như hiện tại thì bản than họ cũng đã cố gắng rất nhiều để vượt qua những cám dỗ của cuộc sống để đi đến những hành động cụ thể. Khi viết ra tôi mong bản thân tôi cũng sẽ biết cách tận dụng sức mạnh tinh thần để biến thành những hành động cụ thể. Dù là hành động đúng hay sai thì tôi cũng tự tin nói với bản thân mình rằng đó là do tôi, tại tôi chứ tôi sẽ không tiếp tục đỗ lỗi cho môi trường xung quanh nữa.

Tác giả: Mr Lias

*Featured Image: Free-Photos

Chúng ta có vui vẻ khi bị lừa?

 Photo: Toyokazu

 

Các bạn đã từng bị lừa chưa? Tôi nghĩ là có.

Tôi cũng thế, đã, đang và sẽ bị lừa rất nhiều lần nữa.

Hồi còn nhỏ mẹ tôi hay nói: “Ăn đi con, không thì con hầm nó bắt đấy.” Vậy là tôi vừa sợ vừa ăn hết cả bát cơm. Cô giáo thì dọa nếu không viết đẹp thì ông bảo vệ khóa cửa lại không cho về nữa. Ngày còn nhỏ các bạn có bị như thế không? Thừa nhận đi, chắc là sợ phát khiếp lên ấy chứ. Hi! Bây giờ nghĩ lại mấy chuyện đó mà buồn cười, nhưng cũng nhờ những câu nói đó của người lớn mà chúng ta trở thành con ngoan trò giỏi đấy chứ.

Đi học thì khỏi phải nói rồi. Mấy thằng quỷ sứ trong lớp lừa mình không biết bao nhiêu lần. Có hôm tôi nghỉ học, hôm sau lên trường, chúng nó bảo cô giáo vừa kiểm tra, còn bảo lên mà xin làm bài khác trả nợ đi. Báo hại tôi chạy đi tìm cô để hỏi, và nhận được câu trả lời: “Cô không biết.” Nhưng cái bọn quỷ sứ đó nó ác nhất ở vụ gán ghép giả. Tôi còn nhớ thằng bạn thân của tôi nói: “Cái A nó thích mày.” Một câu nói của nó mà làm tôi sướng mấy hôm liền, cả ngày cười như thằng hâm, lại còn bắt chuyện với bạn A đó như thật. Sau này biết mình ăn dưa bở, ôi xấu hổ thật!

Bố tôi thì vẫn nói học ngành y sướng lắm. Nhà có thằng con một, nghe lời bố, tôi làm luôn cái hồ sơ thi y. Đấy, bây giờ sáng lý thuyết chiều thực tập, lịch thi như bất tận luôn rồi.

Cái cuộc sống sinh viên, lại gà mờ như tôi, ra chợ các bác bán hàng nói loại cà này ngon, cái kia nhập khẩu, cái này rau sạch… Ôi thôi, các bác nói sao cháu biết vậy. Tôi được cái dễ nuôi, ăn uống thế nào cũng được, cũng chả biết cái loại rau này với rau kia khác nhau cái gì, hay cái hàng Việt Nam chất lượng cao kia thật được bao nhiêu phần trăm.

Hầu hết những chuyện trên tôi kể ra, nói là bị lừa nhưng cũng không có tai hại gì nhiều, đôi khi còn có lợi nữa. Nhưng cuộc sống đâu chỉ có thế. Có những người lừa mình đi gia sư rồi không trả tiền. Có những kẻ lừa bán cho mình cái điện thoại hỏng. Thôi, tôi vẫn tự nhủ rằng, đó là kinh nghiệm sống, mất tiền mà trưởng thành hơn, không sao.

Nhưng em, một cô gái không chỉ xinh, với tôi em rất đẹp. Em nói không có tôi em sẽ chết, tôi là thế giới của em. Cớ sao… Tôi cố tìm ra một lý do để vui trở lại. Nhưng không như những chuyện kể trên, giờ đây thật khó.

Haiz, dù vậy, thở dài một cái rồi cho mọi chuyện ra ngoài như hơi thở đó. Tôi vẫn tin rằng mọi chuyện trên đời đều có một lý do, một kết quả và cả một ý nghĩa với mỗi chúng ta nữa. Có lúc ta biết rõ, có lúc không. Chỉ cần hít sâu, thở dài thật nhẹ nhõm.

Ngày mai tôi đi tình nguyện, đến trung tâm bảo trợ những người tàn tật, già yếu, thương binh, tâm thần. Họ rất đáng thương nhưng đầy nghị lực. Thế mà lần trước trong lúc dọn dẹp phòng một bác trai, vô tình tôi nhìn thấy một cái đĩa phim “không lành mạnh”. Nhưng tôi vẫn sẽ đi, hít sâu, thở dài một cái và làm tốt những việc nên làm.

 

Duy Tùng

Thandie Newton và Bài Học về Sự Đồng Cảm trong Sự Khác Biệt

Cảm hứng có thể đến từ thiên nhiên, từ đường đời hay cả từ con người, bất kể ở gần bên hay ở đâu xa tít tắp. Cảm hứng truyền cho ta ước muốn phấn đấu, ước muốn yêu thương và ước muốn được sẻ chia. Tóm lại là ước muốn được sống hơn cả sự trọn vẹn.

Với người này thế giới quá ồn ào, với người kia thế giới lại quá lặng im. Nên, đôi khi, chúng ta không nhất thiết phải giữ im lặng, vì biết đâu, có ai đó muốn nghe tiếng của ta và cần lời ta nói. Với bài viết này, tôi muốn cám ơn Thandie Newton, một nữ diễn viên xinh đẹp và tài năng. Cám ơn Thandie đã nói và truyền cảm hứng cho tôi. Còn tôi, tôi không có nhiều điều hay để nói, chủ chốt có câu này: “Đề phòng đọc mà quên, bạn hãy kéo ngay xuống cuối bài để lắng nghe Thandie trước!”

Tôi có may mắn được làm quen lại với Thandie, trong một bài phát biểu ngắn. (vì trước đây, tôi đã từng gặp cô trong bộ phim Pursuit of happiness) Cô nói về quá trình đi tìm kiếm bản ngã của bản thân, về sự thay đổi quay cuồng của cuộc sống và bùng nổ từ trong chính con người mình, về sự đổ vỡ của bản ngã và cuối cùng là sự trở lại với mình thuở mới ra đời.  Thandie nói đúng, đi tìm kiếm một sự khác biệt là một điều cần thiết mà cũng là điều vô cùng tai hại.

Thường khi, chủ nghĩa cá nhân lại dễ dẫn đến sự tự ti, bản ngã cực đoan, sự gây hấn thù hằn. Chủ nghĩa cá nhân bùng phát nơi mỗi con người có thể dẫn đến chủ nghĩa độc tôn và tư tưởng độc tài. Sự cô đơn, nhiều khi đáng sợ là bởi, những lúc ấy, thiên hướng xoay trục suy nghĩ quanh chính bản thân mình dễ tạo nên trạng thái đơn cực. Người ta chỉ nhìn thấy mình, chỉ suy nghĩ về mình, chỉ lo lắng cho mình. Cả nỗi sợ đối với thế giới cũng dễ thành nguy cơ, nếu lỡ như nỗi sợ biến thành sự chống đối cùng cực với tất cả mọi thứ xung quanh?

Con đường sáng tạo, gây dựng cá tính và phong cách riêng. Hóa chừng, mọi sự sáng tạo đều chỉ là thừa kế. Chúng ta được sinh ra trong một thế giới đã có sẵn rất nhiều thứ, chúng ta không tạo ra từ hư vô bất kì điều gì. Không điều gì cả, thuyết trọng lực của Newton, hay đến những món đồ không tưởng như máy bay tàng hình, robot… Ngay cả với một người làm nghệ thuật, có rất nhiều thứ có thể ảnh hưởng đến con người đó, bằng cách này hay cách khác, có thể trực tiếp như một người thầy, một tác gia vĩ đại hay gián tiếp như thời niên thiếu, đời sống gia đình, môi trường, hoàn cảnh sống. Ngay chính trong thế giới sáng tạo thì chúng ta cũng đã không thể nào tìm ra được một sự độc nhất tuyệt đối!

Thandie kể về một kinh nghiệm của mình với môn Nhân chủng học. Rốt cuộc thì dòng giống loài người lại phát xuất từ Châu Phi, từ một gốc da đen mà ra. Chủng tộc giữa Kenya và Uganda so với Na Uy và Nam Phi thì cũng không khác nhau là mấy. Thandie đã giúp tôi thay đổi quan điểm khi đọc những bài báo về dân Trung Quốc, dân Việt Nam, về những cung cách phân biệt nhau. Thực ra càng phân biệt, chúng ta càng thấy không thể nào có sự phân biệt tuyệt đối, tất cả chỉ dừng lại ở một ngưỡng tương đối rất mịt mờ. Người châu Âu, họ vẫn thế, nhầm lẫn giữa dân Việt và dân Tàu. Nguyên hệ thống ngôn ngữ Trung, Nhật, Hàn, Việt, chúng ta thấy đều có sự ảnh hưởng và tương thích với nhau, nếu đi sâu về ngữ nghĩa. Cũng như khi chúng ta nhìn ra văn hóa châu Âu vậy.

Châu Âu không phải ai cũng mắt xanh tóc vàng, việc nhìn một người để đoán biết họ là Anh hay Pháp, Pháp hay Ý, Ý hay Tây Ban Nha ngay từ lần gặp đầu tiên, chỉ qua ngoại hình, không qua ngôn ngữ, quả cũng không dễ! Sự phân tán dân cư khắp các châu lục khác nhau dường như đã diễn ra cách đây quá lâu, khiến cho người ta lầm tưởng và độc tôn khác biệt của chính mình. Nguyên sơ, chẳng có gì là khác biệt cả. Nhìn từ chuyện gần hơn như gốc gác quê quán, nếu cũng là dân xứ ấy như người ra Bắc, người vào Nam, người sang Mỹ… thì rõ là sẽ có đổi khác. Vì nắng nhiều mà đen, vì lạnh quanh năm mà da trắng trẻo, vì ở với người Mỹ thì phải nói tiếng cho giống Mỹ, còn ở Nam ở Bắc thì dần sẽ có sự sai khác…

Điều này dẫn đến một thực tế mới, đó là, chúng ta có sức ảnh hưởng lên nhau, chúng ta không chỉ thích nghi với môi trường, chúng ta còn cần một sự hòa hợp tương tự nhau để chung sống. Lại theo một cách nào đó, chúng ta lại dần dần trở nên giống nhau vậy!

Một kinh nghiệm rất đơn giản hơn: Chuyện làm quen, kết bạn. Nhất là khi ta ở quê ra tỉnh, từ tỉnh lẻ xuống thành phố, từ nước này sang nước nọ. Nếu chúng ta ôm lấy nguồn gốc cũ, ôm lấy những lề thói cũ, khư khư sống với suy nghĩ cũ, thì chúng ta không bao giờ có thể thích nghi tốt được. Nhuộm mình cho giống thiên hạ và cởi mở con người để đón nhận sự khác biệt là hai việc hoàn toàn khác nhau. Một bên là bắt chước, còn một bên là hòa hợp. Sự ôm khư khư khi đang ở xứ người có nghĩa là luôn cho mình là một thành phần khác biệt: “Tôi là người lạ ở xứ này, tôi không thuộc về nơi này, nơi này quá xa lạ với tôi!”

Thế rồi bắt đầu với những so sánh vị kỷ, chút hào hứng ban đầu chẳng còn mấy, chúng ta dần tách biệt ra ngoài lề, rồi thậm chí là tự thấy xa lạ với chính mình. Thực ra mà nói, nếu cả khu xóm cũ, bạn bè cũ cùng di cư như ta, sự hoán đổi địa điểm của ta được thay bằng chính sách đổi dân giữa thành phố A và thành phố B, thì mọi sự vẫn đâu vào đó. Nghịch ngược là, chỉ có ta ra đi, chỉ có ta thấy mình xa lạ giữa một nơi… nơi mà người khác lại thân thuộc, vì là quê hương họ.

Chỉ có cách là quên đi sự khác biệt đó, chúng ta hòa vào đời sống mới như thể đó là gia đình mới, quê hương mới của ta. Không cần như Hemingway, chỉ có Paris và gia đình là quê hương (tôi chỉ mượn ý, không nói được nguyên văn của ông ở đây), quê hương là một khái niệm tại tâm, không phải tại địa điểm.

Cách dễ nhất để kết bạn, làm quen, hay thậm chí để yêu một người là bớt phân biệt đi. Hãy xem nhau như người quen ngay từ lần đầu bắt chuyện, như thể ta đang gặp một người tri kỉ mà thất lạc tin tức từ lâu. Ta hỏi thăm nhau để cập nhật tình hình của nhau chứ không phải để tìm hiểu về nhau, vì chúng ta đã biết nhau rồi. Bớt phân biệt, bớt tìm sự sai khác thì chúng ta dễ dàng chấp nhận nhau hơn, dễ cảm thông nhau hơn. Và đương nhiên, nếu như thế thì sẽ không có chuyện kết thúc với một câu nói: “Chúng ta không hợp! Chúng ta quá khác nhau!” Sự khác nhau, phải chăng chỉ do sự so sánh chủ quan của ta mà ra, đâu có tiêu chuẩn đo lường cụ thể nào.

Nên mới hiểu, vì sao mà những thiền sư, những người thích đi khắp cùng trời cuối đất, lòng họ bình yên đến thế. Bởi, ngay cả sự phân biệt đâu là người, đâu là vật, họ cũng chẳng còn để ý, nữa là phân biệt giữa người và người.

Sự phân biệt ác độc lắm, nó vừa làm chúng ta xa cách lẫn nhau, vừa khiến tim chúng ta đau buồn thất vọng vì mặc cảm về chính mình.

Có lẽ chúng ta sẽ thoải mái hơn, khi không nhìn thấy đẹp xấu nơi nhau, để không u uất về khác biệt và bất công nữa. Đôi tai cũng có thể cần bịt lại, nếu ta cố tìm phân biệt nơi giọng nói, mũi cũng nghẹt đi cho khỏi mùi thơm mùi ôi, tay cũng mất cảm giác đi nếu còn so sánh gầy ráp, thô nhám hay búp măng hoàn hảo…

Hãy cứ tự nhiên, hãy cứ hòa làm một như kinh nghiệm của Thandie. Tôi cũng sẽ không đi tìm cá tính cho mình nữa. Trời sinh thế nào, thì ta là thế ấy.

“Bạn sinh ra đã là một nguyên bản, đừng chết như một bản sao.” Vừa có nghĩa là không sao chép, và cũng là đừng cố gắng tạo nên một cái tôi nào nữa. Là chính bạn lúc sinh ra thôi!

Broon