Vì sao những kẻ xấu xa nhất lại leo cao nhất là chương X tác phẩm Đường Về Nô Lệ của F. A. Hayek do Phạm Nguyên Trường dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính, Nhà xuất bản Tri thức ấn hành năm 2009. Trong chương này, Hayek đã chứng minh một cách đầy thuyết phục rằng đạo đức của chủ nghĩa tập thể không phải là, thậm chí còn trái ngược với, đạo đức truyền thống mà dân chúng các nước vẫn hiểu và vẫn theo. Nếu nền đạo đức truyền thống coi con người là mục đích, lấy nguyên tắc: Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân (điều gì mình không muốn thì không làm cho người khác) làm kim chỉ nam cho hành động thì đạo đức tập thể lại coi: Salus revolutiae suprema lex[1] (Lợi ích của cách mạng là trên hết), con người chỉ còn là phương tiện, là một trong những nhân tố (nhân lực, tài lực, vật lực…) để đạt mục đích tối thượng của cách mạng (thế giới đại đồng hay là chiến thắng cuối cùng của dân tộc thượng đẳng thì cũng thế…)
Khi con người trong các nước theo chế độ tập thể (những nước mệnh danh là xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa, phát xít và quốc xã) không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện cho những mục đích trừu tượng nào đó thì các nước đó nhất định phải trở thành miếng mồi béo bở cho những kẻ vô liêm xỉ nhất, xấu xa nhất. Chỉ có những kẻ như thế mới có thể thăng tiến, có thể leo lên các vị trí chóp bu mà thôi. Nói một cách hình tượng: Chúng ta đang ở trong một ngôi nhà đã bị mục nóc từ rất lâu rồi, quỷ đã ở với người [2] từ rất lâu rồi.
Quỷ ở với người thì xã hội sẽ như thế nào? Sẽ là xã hội của quỷ với đủ mọi hành động đê mạt mà những người chưa kịp thành quỷ coi là tệ nạn: Chỉ cần có con sắp vào mẫu giáo hay sắp đi làm, có vợ bị ốm phải đưa vào bệnh viện hay phải đến sở nhà đất để hợp thức hoá ngôi nhà vừa xây bằng mồ hội nước mắt của chính mình là ta gặp ngay một lũ quỷ sứ mang bộ mặt người, quỷ sứ có thẻ đảng trong túi và lời dạy của Bác Hồ trên đầu môi trót lưỡi. Nếu xem TV hàng ngày thì chắc chắn ta sẽ thấy những kẻ xoen xoét nó rằng: “Đảng là đội quân tiên phong của giai cấp công nhân..” Nhưng chính chúng lại là giám đốc, tổng giám đốc các công ty xuất khẩu lao động, thậm chí còn ăn chặn ngay ít tiền còm của những người lao động đó nữa; ta có thể thấy những kẻ chưa kịp khô môi khi thao thao bất tuyệt về đề tài: “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” lại đã thao thao bất tuyệt về đề tài khác: “Khai thác bô xít là chính sách lớn của Đảng và Chính phủ.”
Còn nếu chịu khó đọc báo thì ta sẽ thấy đầy rẫy chuyện con giết cha, vợ chém chồng, người yêu giết người yêu, thầy giáo đánh học trò thành thương, một vụ va chạm nhẹ có thể trở thành án mạng, “nhìn đểu” có thể trở thành nguyên nhân ẩu đả dẫn đến chết người… Làm gì có “ngưỡng” cho những chuyện vô luân ấy mà có thể nói là “vượt”. Hiện tượng cướp vài bông hoa hay bẻ mấy cành cây anh đào có thể chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn cái ly chứa đầy uất ức đã bị kìm nén lâu ngày mà thôi.
Sống trong hoàn cảnh như thế thì làm sao mà không thành khỉ cho được?
Đọc chương này của Hayek rồi quan sát các hiện tượng hàng ngày, quan sát các quan chức cộng sản, từ nhỏ đến to, tôi đành tự nhủ: Còn cộng sản, tức là khi trẻ con không cần nhớ Lời mẹ dặn [3] mà lại phải thuộc lòng năm điều Bác Hồ dạy thì đạo đức là câu chuyện quá xa vời, chỉ làm mất thì giờ vô ích. Theo tôi, thảo luận về hiện tượng băng hoại đạo đức lúc này cũng chẳng khác gì mang vài liều thuộc cao dán lên những vết lở loét khi cơ thể đã bị AIDS từ rất lâu rồi, khi bệnh đã vào đến cao hoang từ rất lâu rồi.
Vì lý do kỹ thuật, tôi không thể đưa toàn bộ chương X tác phẩm nói trên lên mạng. Độc giả nào quan tâm nhưng không có điều kiện tiếp cận trực tiếp với tác phẩm xin đọc ở đây phần rút gọn của Reader Digest:
***
Không nghi ngờ gì rằng hệ thống “phát xít” ở Anh hay ở Mỹ sẽ khác rất xa mô hình của Ý hay Đức; không nghi ngờ gì rằng nếu việc chuyển hoá được thực hiện một cách phi bạo lực thì chúng ta có thể hy vọng có được những nhà lãnh đạo tử tế hơn. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là hệ thống phát xít của chúng ta sẽ hoàn toàn khác hay sẽ dễ chịu hơn nguyên mẫu của chúng. Có nhiều lí do để tin rằng những đặc điểm xấu xa nhất của các hệ thống toàn trị nói trên là những hiện tượng mà chế độ toàn trị trước sau gì cũng sẽ tạo ra.
Khi một chính khách dân chủ quyết định lập kế hoạch cho toàn bộ các hoạt động kinh tế thì ông ta sẽ phải đối mặt với một trong hai lựa chọn: chấp nhận chế độ độc tài hay từ bỏ kế hoạch, còn nhà lãnh đạo toàn trị thì phải giẫm lên đạo đức truyền thống nếu không muốn thất bại. Đấy là lí do vì sao trong các xã hội có khuynh hướng toàn trị, những kẻ vô liêm sỉ thường dễ thành công hơn. Không hiểu điều đó là không hiểu được khoảng cách mênh mông, có thể nói một trời một vực, giữa chế độ toàn trị và nền văn minh cá nhân chủ nghĩa phương Tây.
Lãnh tụ toàn trị phải tập hợp xung quanh ông ta những kẻ tự nguyện phục tùng cái kỹ luật mà họ sẽ dùng vũ lực áp đặt cho toàn bộ nhân dân. Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể được đưa vào thực tiễn bằng những biện pháp mà đa số những người xã hội chủ nghĩa phản đối, đấy chính là bài học của nhiều nhà cải cách xã hội trong quá khứ. Các đảng xã hội cổ điển hoạt động trong khuôn khổ của các lí tưởng dân chủ; họ không có tính tàn nhẫn cần thiết để thực thi các nhiệm vụ mà họ đã chọn. Điều đặc biệt là cả ở Đức lẫn ở Ý, chủ nghĩa phát xít đã thành công sau khi các đảng xã hội từ chối nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo chính phủ. Họ không muốn áp dụng những biện pháp vì đã nhận ra khả năng phát triển của chúng. Họ vẫn hy vọng vào phép màu rằng đa số sẽ đồng ý về một kế hoạch tổ chức toàn bộ xã hội. Những người khác thì đã học được bài học rằng trong xã hội được kế hoạch hoá vấn đề không còn là đa số sẽ đồng ý cái gì mà là vấn đề nhóm lớn nhất là nhóm nào, chỉ cần các thành viên của nó đồng ý là đủ để hình thành đường lối thống nhất cho tất cả mọi công việc.
Có ba lý do vì sao cái nhóm có đông thành viên, với những quan điểm giống nhau, lại không được hình thành từ những người tử tế nhất mà thường là từ những phần tử xấu xa nhất của xã hội.
Thứ nhất, trình độ học vấn và tri thức càng cao thì thị hiếu và quan điểm càng phân hoá. Nếu chúng ta muốn tìm một sự thống nhất cao về quan điểm thì chúng ta phải hạ thấp tiêu chuẩn đạo đức và tri thức của chúng ta xuống ngang hàng với những bản năng nguyên thuỷ. Điều đó không có nghĩa là đa số dân chúng có tiêu chuẩn đạo đức thấp; điều đó chỉ có nghĩa là cái nhóm gồm nhiều thành viên với những chuẩn mực giá trị giống nhau là những người có tiêu chuẩn đạo đức thấp.
Thứ hai, vì nhóm đó chưa đủ lớn để làm nghiêng cán cân sang phía lãnh tụ, ông ta sẽ phải tăng thêm số thành viên của mình bằng cách kết nạp thật nhiều người vào cùng tín điều với ông ta. Ông ta phải tìm được sự ủng hộ của những kẻ dễ bảo và cả tin, những kẻ không có niềm tin riêng mà sẵn sàng chấp nhận các hệ thống giá trị sẵn có miễn là được rót vào tai họ một cách liên tục. Chính những kẻ với các tư tưởng mù mờ và được hình thành một cách dở dang, những kẻ dễ dao động, những kẻ mà tình cảm và niềm đam mê sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào lại là thành phần đông nhất của các đảng toàn trị.
Thứ ba, để có thể đưa những người ủng hộ thành một tập thể cố kết, người lãnh đạo phải lợi dụng những nhược điểm của con người. Có vẻ như người ta dễ dàng đồng thuận về những vấn đề có tính tiêu cực như chí căm thù giặc, lòng ghen tức với những kẻ khá giả, hơn là về những nhiệm vụ có tính tích cực.
Sự tương phản giữa “chúng ta” và “chúng nó” luôn bị những kẻ săn tìm lòng trung thành của quần chúng lợi dụng. Kẻ thù có thể là bên trong như “Do Thái” ở Đức hay “Kulak” ở Nga, hay kẻ thù bên ngoài. Trong mọi trường hợp kỹ thuật này bao giờ cũng giành được ưu thế ở chỗ nó làm cho lãnh tụ có nhiều tự do hành động hơn bất kỳ chương trình mang tính tích cực nào khác.
Trong tổ chức hay đảng toàn trị, muốn thăng tiến thì phải dám làm những việc bất nhân. Trong đạo đức học cá nhân chủ nghĩa, nguyên tắc mục đích biện minh cho phương tiện được coi là sự phủ nhận mọi tiêu chuẩn đạo đức thì trong đạo đức học của chủ nghĩa tập thể lại trở thành nguyên tắc tối thượng. Một người theo chủ nghĩa tập thể kiên định phải sẵn sàng làm tất cả mọi việc nếu đó là việc “có ích cho tất cả mọi người” vì đối với anh ta đấy là tiêu chuẩn hành động duy nhất.
Một khi chấp nhận rằng cá nhân chỉ là phương tiện phục vụ cho một thực thể cao quý hơn, gọi là xã hội hay quốc gia cũng được, thì phần lớn các đặc trưng của chủ nghĩa toàn trị mà chúng ta kinh tởm tất yếu sẽ xuất hiện. Từ quan điểm của chủ nghĩa tập thể thì sự bất dung và đàn áp tàn bạo, dối trá và theo dõi, coi thường cuộc sống và hạnh phúc cá nhân là những việc thuộc về bản chất và không thể tránh được. Những hành động làm chúng ta ghê tởm như bắn giết con tin, giết người già hay người ốm được coi là những việc thích hợp; di dân cưỡng bức và bắt lưu đầy hàng trăm ngàn người trở thành biện pháp chính trị được hầu như tất cả mọi nguời, trừ các nạn nhân, ủng hộ.
Muốn trở thành người có ích cho sự vận hành của nhà nước toàn trị, để đạt được mục đích, con người phải sẵn sàng bước qua mọi nguyên tắc đạo đức mà anh ta từng biết. Trong bộ máy toàn trị những kẻ tàn nhẫn và vô liêm sỉ luôn giành được cơ hội tốt. Gestapo hay các ban quản lý các trại tập trung, Bộ tuyên truyền hay SA hoặc SS (hoặc những cơ quan tương ứng của Nga) không phải là chỗ thể hiện tình cảm của con người. Nhưng đấy chính là con đường tiến thân trong ban lãnh đạo của nhà nước toàn trị.
Nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ, giáo sư Frank H. Knight, đã nhận xét rất đúng rằng chính quyền của nhà nước theo chế độ tập thể “dù muốn hay không cũng phải làm những việc đó: xác suất những người nắm chính quyền là các cá nhân không thích giữ và thể hiện quyền lực cũng ngang bằng với xác suất một người cực kỳ dịu dàng muốn làm công việc của cai đội trong trại nô lệ”.
Một vấn đề nữa cần phải làm rõ: Chủ nghĩa tập thể nghĩa là sự cáo chung của chân lý. Muốn cho hệ thống toàn trị hoạt động hữu hiệu thì việc mọi người đều buộc phải làm vì mục đích do những kẻ nắm quyền lựa chọn vẫn chưa đủ; điều quan trọng là người ta phải coi đấy là mục đích của chính mình. Chỉ có thể thực hiện được điều đó bằng tuyên truyền và kiểm soát toàn bộ các nguồn thông tin.
Cách tốt nhất để người dân chấp nhận các giá trị mà họ phải phục vụ là thuyết phục họ rằng đấy là các giá trị họ vẫn luôn luôn tin tưởng, chỉ có điều trước đây họ đã hiểu chưa thật đúng mà thôi. Và biện pháp tốt nhất là gán cho các ngôn từ cũ những ý nghĩa hoàn toàn mới. Điều đó đã trở thành đặc điểm chủ yếu của bầu không khí trí tuệ của chế độ toàn trị, làm cho những người quan sát hời hợt phải lúng túng: ngôn ngữ bị xuyên tạc, ý nghĩa của từ ngữ bị biến dạng.
Bị xuyên tạc nhiều nhất chính là từ “tự do”, một từ được các nhà nước toàn trị, cũng như mọi quốc gia khác, sử dụng thường xuyên. Trên thực tế, có thể nói rằng bất cứ khi nào tự do, theo nghĩa chúng ta hiểu, bị xâm hại thì bao giờ người ta cũng hứa hẹn cho nhân dân một nền tự do mới. Có những người ủng hộ kế hoạch hoá còn hứa cho nền “tự do tập thể”, nhưng đây cũng là khái niệm đáng ngờ như bất cứ khái niệm nào phát ra từ miệng các chính khách toàn trị mà thôi. “Tự do tập thể” không phải là tự do của từng thành viên trong xã hội mà là quyền tự do của người lập kế hoạch, được phép làm với xã hội tất cả những gì hắn muốn. Đây là tự do trong tay kẻ có quyền lực tuyệt đối.
Tuyệt đại đa số rất dễ bị tước đoạt khả năng suy nghĩ độc lập. Nhưng thiểu số những người còn giữ được khả năng phê bình cũng phải bị bịt miệng. Việc phê bình công khai hay thậm chí ngay cả những biểu hiện của sự nghi ngờ cũng bị ngăn chặn vì chúng có thể làm suy giảm sự ủng hộ chế độ. Như Sidney và Beatrice Webb viết về thái độ trong các doanh nghiệp Nga: “Khi công việc đang được tiến hành, bất kỳ biểu hiện công khai nào về sự ngờ vực về khả năng thành công của kế hoạch đều bị coi là sự bất trung, thậm chí phản bội vì nó có thể ảnh hưởng đến ý chí và nỗ lực của những người khác.”
Việc kiểm soát còn được thực hiện cả trong những lĩnh vực có vẻ như chẳng liên quan gì đến chính trị. Thí dụ như thuyết tương đối bị coi là “Cuộc tấn công của bọn Do Thái vào cơ sở của vật lý học Thiên chúa giáo và Bắc Âu” và vì nó “mâu thuẫn với chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa Marx”. Mọi hoạt động đều phải xuất phát từ mục tiêu tự giác của xã hội. Không thể có những hoạt động tự phát, thiếu lãnh đạo vì nó có thể tạo ra kết quả không thể dự đoán và không được kế hoạch trù liệu.
Nguyên tắc này còn bao trùm lên cả các trò chơi cũng như giải trí. Tôi xin mời bạn đọc đoán xem những người chơi cờ chính thức kêu gọi: “Chúng ta phải chấm dứt một lần và vĩnh viễn thái độ trung lập của môn cờ vua. Chúng ta phải lên án một lần và vĩnh viễn công thức ‘cờ chỉ là cờ’” này ở đâu.
Điều đáng lo ngại nhất là, thái độ khinh thường tự do trí thức không phải là việc chỉ xảy ra sau khi chế độ toàn trị được thành lập mà nó hiện diện trong những người tin vào chủ nghĩa tập thể trên khắp thế giới. Sự đàn áp tàn bạo nhất cũng vẫn được bỏ qua nếu nó được thực hiện nhân danh chủ nghĩa xã hội. Người ta công khai cổ vũ cho thái độ bất dung đối với những tư tưởng khác biệt. Bi kịch của tư tưởng tập thể là ở chỗ nó bắt đầu bằng việc coi lý trí là tối thượng nhưng lại kết thúc bằng việc tiêu diệt lý trí.
Một khía cạnh nữa của sự thay đổi các giá trị đạo đức do chủ nghĩa tập thể tạo ra cũng đáng phải suy nghĩ. Những đức tính tốt mà người Anglo-Saxon có quyền tự hào và nhờ chúng mà họ được coi là những người ưu tú lại đang càng ngày càng mất giá ở Anh và Mỹ. Đấy là những tính tốt như tính độc lập và tự lực cánh sinh, sáng kiến và trách nhiệm cá nhân, tin tưởng vào các hoạt động thiện nguyện, không can thiệp vào công việc của người khác và tinh thần khoan dung đối với sự khác biệt, tinh thần nghi ngờ lành mạnh đối với quyền lực và chính quyền.
Hầu như tất cả các truyền thống và thiết chế hun đúc nên bản sắc dân tộc và toàn bộ môi trường đạo đức của nước Anh và nước Mỹ đang bị chủ nghĩa tập thể và xu hướng tập quyền hàng ngày hàng giờ phá huỷ.
Phạm Minh Ngọc
Edit: THĐP
[1] Salus revolutiae suprema lex (Lợi ích của cách mạng là trên hết – tiếng Latin trong nguyên văn). – khẩu hiệu được G. V. Plekhanov đưa ra tại Đại hội II Đảng công nhân Xã hội Dân chủ Nga (1903) nhằm chống lại nguyên tắc của dân chủ Salus populi suprema lex (Lợi ích của nhân dân trên hết).
[2] Mượn tên một vở kịch của Nguyễn Huy Thiệp.
[3] Tên một bài thơ của Phùng Quán.
Đường Về Nô Lệ – Bản tóm tắt
Tác giả: Friedrich A. von Hayek
Dịch: Phạm Minh Ngọc
Lời người dịch: Tác phẩm Đường về nô lệ (The Road to Serfdom) xuất bản ở Anh vào tháng 3 năm 1944 và sáu tháng sau, tức là ngày 18 tháng 9 năm 1945, thì được ấn hành ở Mĩ. Phiên bản xuất hiện trên tạp chí The Reader’s Digest, được giới thiệu dưới đây, ra đời vào tháng 4 năm 1945 dưới tiêu đề “Một trong những cuốn sách quan trọng nhất trong thế hệ chúng ta” đã góp phần đưa Hayek trở thành nhân vật danh tiếng và công trình của ông trở thành cuốn sách bán chạy nhất ở Mĩ từ tháng 4 đến tháng 7 năm 1945. Người dịch hoàn toàn đồng ý với Lawrence Frank khi ông viết trên tạp chí Saturday Review of Literature vào tháng 5 năm 1945 rằng bản rút gọn “có phần sắc sảo hơn” cả chính văn, và xin được giới thiệu với độc giả Talawas.
Xin được nói đôi lời về tên gọi của cuốn sách. Bản chính của tác phẩm này đã được tiến sĩ Nguyễn Quang A dịch sang tiếng Việt dưới nhan đề: Con đường dẫn tới chế độ nông nô. Dịch “serfdom” thành “nông nô” là hoàn toàn chính xác về mặt ngữ nghĩa, nhưng nền kinh tế kế hoạch hoá, mà Hayek phản bác trong cuốn sách này, nếu được đưa vào thực tiễn, sẽ không chỉ biến một bộ phận nhân dân, cụ thể là những người lao động chân tay thành nô lệ. Chúng ta đã có dịp chứng kiến 600 ông/bà tổng biên tập của 600 tờ báo và hàng ngàn nhà báo bị/tự bịp mồm, bịt mắt, bịt tai trước cảnh nhếch nhác của bà con “dân oan” giữa thành phố Hồ Chí Minh hoa lệ; thế rồi đùng một cái, sau gần một tháng trời “không thấy, không nghe” gì hết, họ bỗng đồng thanh hô lên rằng “đồng bào đã tự nguyện và vui vẻ lên xe ra về vào lúc nửa đêm!”. Đúng là một đám nô bộc rồi, nhưng không phải là “nông nô”, mà là “văn nô”. Chúng ta cũng đã từng được nghe nói tới Chủ-tịch-nước-nô, đấy là ông Lưu Thiếu Kỳ, Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, người đã bị hành hạ và chết không khác gì một con vật, thậm chí còn nhục nhã hơn cả một con vật. Chúng ta cũng đã từng được nghe nói tới Tổng-bí-thư-đảng-nô, đấy là các ông N. Khrushchev và Triệu Tử Dương, những người đã bị các “đồng chí” của mình giam lỏng tại gia (có khác gì nhốt chó, nhốt ngựa) cho đến chết. Tóm lại, khi kế hoạch hoá nền kinh tế được tiến hành trên thực tế thì tất cả mọi người, trừ những kẻ vô liêm sỉ mà Hayek gọi là “những kẻ xấu xa nhất lại leo cao nhất”, đều trở thành nô lệ cả. Vả lại chính Hayek cũng đã từng nói: “Ý tưởng đó đến từ Tocqueville, người từng nói về con đường dẫn đến sự nô lệ (servitude); tôi thích chọn từ này, nhưng nó lại mang âm hưởng không hay. Vì thế tôi đổi ‘servitude’ sang ‘serfdom’ chỉ đơn thuần vì lí do ngữ âm”.
Tôi cũng xin được không đồng ý với tiến sĩ Nguyễn Quang A khi ông dịch “to”, trong trường hợp này, thành “tới” bởi vì chế độ nô lệ cũng như chế độ nông nô đã bị bãi bỏ từ lâu. Đấy là các chế độ đã thuộc về quá khứ, con đường của lịch sử không hướng tới phía đó. Việc những chế độ như thế tái xuất hiện trong thế kỉ XX là do có những kẻ, dù khởi kì thuỷ có thể là những người tử tế, đã cố tình quay ngược bánh xe lịch sử, cố tình giữ mãi một phần nhân loại trong tình trạng nô lệ, trong tình trạng đói nghèo và thoái hoá về mặt đạo đức.
Dĩ nhiên, muổn hiểu đầy đủ tư tưởng của Hayek thì phải đọc chính văn, tức là phải đọc tác phẩm: Con đường dẫn tới chế độ nông nô do tiến sĩ Nguyễn Quang A chuyển ngữ, đã nói tới bên trên. Chỉ có điều, theo thiển ý, phải là người có niềm đam mê và lòng yêu chân lí vô bờ bến thì mới đủ sức vượt qua những khó khăn, trở ngại trên từng trang giấy, thậm chí trên từng câu chữ của dịch phẩm này. Nhưng bù lại, ta sẽ không phải “phát minh” một lần nữa các khiếm khuyết của chế độ toàn trị, một tên gọi khác của các chế độ cộng sản, xã hội chủ nghĩa, Quốc xã và phát xít, là những chế độ đã từng làm mưa làm gió trong suốt thế kỉ XX.
Nhân đây cũng xin được giới thiệu tác phẩm: Friedric Hayek – Cuộc đời và sự nghiệp do Lê Anh Hùng dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính và giới thiệu, nhà xuất bản Tri thức ấn hành năm 2007. Tất cả các số liệu và trích dẫn của bài viết này đều lấy từ tác phẩm vừa nêu. Tin rằng việc xuất bản các tác phẩm của Hayek và viết về Hayek sẽ góp phần vào việc “giải chấp”, góp phần dẹp bỏ những cản ngại trên Đường tới Tự do mà hôm nay chúng ta đang chập chững bước những bước đầu tiên.
****
“Người nào từ bỏ tự do thực sự để đổi lấy một ít an toàn tạm thời thì không xứng đáng được tự do, cũng chẳng xứng đáng được an toàn.”
— Benjamin Franklin
Đường Về Nô Lệ
(Bản rút gọn in trên tạp chí The Reader’s Digest tháng 4 năm 1945)
Tác giả đã sống nửa cuộc đời tại nước Áo quê hương mình và có mối liên hệ gần gũi với hệ tư tưởng Đức, nửa sau cuộc đời ông sống ở Anh và Mĩ. Trong những năm tháng sau này, càng ngày ông càng tin tưởng rằng những lực lượng đã từng góp phần phá huỷ nền tự do ở Đức cũng đang hoạt động ở đây.
Rất nhiều vụ bạo hành mà bọn Quốc xã đã thực hiện càng củng cố niềm tin rằng hệ thống toàn trị không bao giờ có thể được thiết lập ở đây. Nhưng xin hãy nhớ lại 15 năm trước, cứ mười người Đức thì có chín người, chưa kể đa số các nhà quan sát ngoại quốc, cho rằng đấy chỉ có thể là chuyện hoang đường.
Có rất nhiều thứ mà lúc đó được coi là “đặc trưng Đức” thì nay đã trở thành quen thuộc cả ở Mĩ cũng như ở Anh và có nhiều chỉ dấu chứng tỏ rằng sự phát triển sẽ theo cùng một hướng: sự sùng bái nhà nước, việc coi các “xu hướng tất yếu” là định mệnh, lòng đam mê “tổ chức” mọi thứ (chúng ta gọi là “lập kế hoạch”) ngày càng gia tăng.
Đặc trưng của hiểm hoạ, nếu có thể nói như thế, là người ta nhận thức về nó còn kém hơn cả ở Đức trước đây. Bi kịch ở chỗ là người ta vẫn chưa nhìn thấy rằng tại Đức, đa số những người tử tế, những người theo đường lối xã hội chủ nghĩa, đã dọn đường cho những lực lượng vốn ủng hộ những điều mà họ ghê tởm. Ít người nhận thức được rằng sự ngóc đầu dậy của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa Quốc xã không phải là phản ứng chống lại các xu hướng xã hội chủ nghĩa trong quá khứ mà là kết quả tất yếu của chính các xu hướng đó. Đặc biệt là nhiều lãnh tụ của các phong trào này, kể từ Mussolini trở xuống (kể cả Laval và Quisling), đã khởi đầu như những người xã hội chủ nghĩa để cuối cùng trở thành những tên phát xít hay Quốc xã.
Hiện nay, trong các nước dân chủ có rất nhiều người thực sự căm ghét tất cả các biểu hiện của chủ nghĩa Quốc xã, nhưng lại đang theo đuổi những lí tưởng mà nếu được thực thi thì sẽ dẫn thẳng đến nền độc tài không thể chấp nhận được. Rất nhiều người mà quan niệm của họ có thể gây ảnh hưởng đến tiến trình phát triển, ở mức độ nào đó lại là những người xã hội chủ nghĩa. Họ tin rằng đời sống kinh tế phải được “dẫn dắt một cách tự giác”, họ tin rằng chúng ta phải thay hệ thống cạnh tranh bằng “kế hoạch hoá nền kinh tế”. Phải chăng đây là bi kịch còn lớn hơn nữa? Tức là trong khi cố gắng xây dựng tương lai của chúng ta theo những lí tưởng cao cả thì trên thực tế chúng ta đã vô tình tạo ra kết quả trái ngược hẳn với những gì chúng ta từng theo đuổi?
Kế hoạch hoá và quyền lực
Để đạt được mục tiêu, những người lập kế hoạch phải tạo ra quyền lực – thứ quyền lực do con người áp đặt lên con người – với sức mạnh chưa từng được biết đến trước đây. Thành công của họ phụ thuộc vào mức độ quyền lực mà họ giành được. Thể chế dân chủ góp phần ngăn chặn việc đàn áp tự do mà chế độ quản lí kinh tế tập trung đòi hỏi. Vì thế mà xảy ra đụng độ giữa kế hoạch hoá và dân chủ.
Nhiều người xã hội chủ nghĩa có ảo tưởng đáng buồn rằng với việc tước quyền lực mà các cá nhân sở hữu trong trong hệ thống cá nhân chủ nghĩa và chuyển quyền lực này vào tay xã hội là họ đang thực hiện việc xoá bỏ quyền lực. Điều họ không nhìn thấy chính là việc tập trung quyền lực để nó có thể phục vụ cho một kế hoạch duy nhất thì quyền lực không những không được chuyển hoá mà còn trở thành quyền lực tuyệt đối. Tập trung quyền lực, cái quyền lực trước đó vẫn nằm trong tay nhiều người độc lập với nhau, vào tay một người duy nhất thì quyền lực chẳng những đã tăng lên đến mức chưa từng có trước đây mà còn có ảnh hưởng sâu rộng gần như trở thành khác hẳn về chất.
Thật sai lầm khi cho rằng quyền lực của cơ quan lập kế hoạch trung ương cũng “không hơn gì quyền lực tập thể của ban giám đốc xí nghiệp tư nhân”. Trong xã hội cạnh tranh, không người nào có thể nắm được dù chỉ một phần quyền lực mà một bộ kế hoạch xã hội chủ nghĩa có thể sở hữu. Phi tập trung hoá quyền lực chính là làm giảm uy quyền và hệ thống cạnh tranh là hệ thống duy nhất được thiết kế với mục đích giảm thiểu quyền lực của con người áp đặt lên con người. Ai có thể nghi ngờ rằng quyền lực của một triệu phú, thí dụ như ông chủ của tôi, đối với tôi là nhỏ hơn rất nhiều so với quyền lực của một viên chức hạng bét, nhưng là kẻ nắm trong tay quyền lực cưỡng chế của nhà nước, kẻ có quyền quyết định tôi phải sống và làm việc như thế nào?
Nói gì thì nói, một người công nhân không có tay nghề được trả lương thấp nhất trong đất nước này cũng có nhiều quyền tự do trong việc định hướng cuộc đời của anh ta hơn một ông chủ có nhiều người làm thuê ở Đức hay các kĩ sư và cán bộ quản lí được trả lương cao hơn nhiều ở Nga. Nếu anh ta muốn thay đổi công việc hay chuyển chỗ ở, nếu anh ta muốn thể hiện một quan điểm nào đó hay muốn nghỉ ngơi theo cách nào đó, anh ta sẽ không gặp bất kì một sự cản trở độc đoán nào. Không có mối đe doạ nào đối với sự an toàn tính mạng, không có ai buộc anh ta phải thực hiện nhiệm vụ hay phải sống trong môi trường mà cấp trên đã phân cho anh ta.
Thế hệ của chúng ta đã quên rằng chế độ tư hữu là sự bảo đảm quan trọng nhất của tự do. Đấy là vì tư liệu sản xuất nằm trong tay nhiều người hoạt động độc lập với nhau cho nên chúng ta mới có thể tự quyết định cách hành xử của mình. Khi tất cả các phương tiện sản xuất chỉ nằm trong tay một người duy nhất, dù về danh nghĩa có là toàn thể “xã hội” hay là một nhà độc tài, thì người đó sẽ có quyền lực tuyệt đối đối với chúng ta. Khi nằm trong tay các cá nhân riêng rẽ, quyền lực kinh tế có thể trở thành phương tiện áp bức, nhưng không bao giờ có thể kiểm soát được toàn bộ cuộc sống của con người. Nhưng khi quyền lực kinh tế đã được tập trung lại như một công cụ của quyền lực chính trị thì nó sẽ tạo ra một sự phụ thuộc chẳng khác gì chế độ nô lệ. Người ta nói đúng rằng trong một quốc gia mà nhà nước là người sử dụng lao động duy nhất thì đối lập đồng nghĩa với chết từ từ vì đói.
Nguồn gốc của hiểm nguy
Chủ nghĩa cá nhân, trái ngược với chủ nghĩa xã hội và tất cả các hình thức toàn trị khác, bắt nguồn từ sự tôn trọng của Thiên chúa giáo đối với cá nhân con người và niềm tin rằng tốt nhất là để cho người ta được tự do phát triển tài năng và thiên hướng cá nhân của mình. Triết lí này, đã phát triển một cách đầy đủ dưới thời Phục hưng, lớn lên và truyền bá trong khu vực mà ta gọi là nền văn minh phương Tây. Xu hướng phát triển chủ đạo của xã hội là giải phóng cá nhân khỏi những ràng buộc mà chế độ phong kiến đã tròng lên anh ta.
Sự phát triển kì diệu của khoa học có lẽ là kết quả vĩ đại nhất của sự khai phóng năng lượng cá nhân. Chỉ sau khi sự tự do trong lĩnh vực kĩ nghệ mở đường cho việc tự do sử dụng kiến thức mới, chỉ sau khi mọi thứ đều có thể được thử nghiệm – nếu tìm được người ủng hộ và chịu mạo hiểm – khoa học đã tiến những bước vĩ đại góp phần làm thay đổi bộ mặt thế giới trong suốt 150 năm qua. Kết quả của sự phát triển đã vượt quá tất cả mọi kì vọng. Khi tài năng được giải phóng khỏi mọi cản ngại, con người có thể nhanh chóng đáp ứng được mọi ước muốn. Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX người lao động ở phương Tây đã đạt được những tiện nghi vật chất, mức độ an toàn và độc lập cá nhân mà một 100 năm trước tưởng chừng như khó có thể xảy ra.
Thành công này tạo ra trong một số người nhận thức mới về cái quyền lực vẫn ngự trị bên trên số phận của họ, tạo ra niềm tin về khả năng vô giới hạn trong việc cải thiện điều kiện sống của chính họ. Những thành tựu đã đạt được được coi là tài sản chắc chắn, không thể huỷ hoại, nghĩa là vĩnh viễn; tốc độ phát triển bắt đầu bị coi là quá chậm. Hơn thế nữa, các nguyên tắc từng làm cho quá trình phát triển trở nên khả dĩ bắt đầu bị coi là cản ngại cho sự gia tăng tốc độ của tiến trình và phải được loại bỏ càng nhanh càng tốt. Có thể nói rằng chính thành tựu của chủ nghĩa phóng khoáng đã trở thành nguyên nhân suy sụp của chính nó.
Không một người có suy nghĩ nào lại nghi ngờ các nguyên tắc kinh tế thế kỉ XIX – thực ra mới chỉ là bắt đầu – đấy là có rất nhiều sự lựa chọn trên con đường chúng ta đang đi. Nhưng theo quan điểm thịnh hành hiện nay thì câu hỏi không phải là trong xã hội tự do các lực lượng tự phát phải được sử dụng như thế nào cho có hiệu quả nhất. Trên thực tế chúng ta đã tiến hành loại bỏ các lực lượng đó và thay chúng bằng việc lãnh đạo tập thể và “tự giác”.
Điều đặc biệt là việc từ bỏ chủ nghĩa phóng khoáng, dù được gọi là chủ nghĩa xã hội dưới hình thức cấp tiến hay đơn giản là “tổ chức” hay “kế hoạch hoá”, đã được thực hiện ở Đức. Trong hai mươi lăm năm cuối thế kỉ XIX và hai mươi lăm năm đầu thế kỉ XX nước Đức đã tiến rất xa cả về lí thuyết lẫn thực hành chủ nghĩa xã hội, thậm chí hiện nay các cuộc thảo luận ở Nga chủ yếu là để bàn xem người Đức đang đứng ở chỗ nào. Người Đức, ngay từ trước khi xuất hiện chủ nghĩa Quốc xã, đã tấn công chủ nghĩa phóng khoáng và nền dân chủ, tấn công chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cá nhân.
Một thời gian dài trước khi chủ nghĩa Quốc xã xuất hiện, những người xã hội chủ nghĩa ở Đức và Ý đã sử dụng các kĩ thuật mà sau này Quốc xã và phát xít cũng sử dụng, nhưng hiệu quả hơn. Ý tưởng về một đảng chính trị nắm trọn toàn bộ hoạt động của con người, từ khi sinh ra cho đến lúc chết, một đảng tuyên bố hướng dẫn quan điểm của đảng viên về mọi vấn đề đã được những người xã hội chủ nghĩa đem ra áp dụng đầu tiên. Không phải là bọn phát xít mà chính những người xã hội chủ nghĩa đã tập hợp trẻ em còn bé tí vào các tổ chức chính trị nhằm lèo lái tư duy của chúng. Không phải là bọn phát xít mà chính là những người xã hội chủ nghĩa là những người đầu tiên nghĩ đến việc tổ chức các hoạt động thể thao và giải trí, các trận đấu bóng và cắm trại trong các câu lạc bộ của đảng để các thành viên không bị các quan điểm xa lạ làm cho lung lạc. Những người xã hội chủ nghĩa là những người đầu tiên đòi hỏi các đảng viên phải sử dụng các hình thức chào hỏi riêng để phân biệt họ với những người khác. Chính họ, với các tổ chức gọi là “chi bộ” và các cơ chế nhằm thường xuyên kiểm soát đời sống riêng tư của con người, đã tạo ra khuôn mẫu của các đảng toàn trị.
Ở Đức, chủ nghĩa phóng khoáng đã chết trước khi Hitler nắm được chính quyền. Chính chủ nghĩa xã hội đã giết nó.
Đối với những người từng quan sát sự chuyển hoá từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa phát xít trong một phần tư thế kỉ qua, mối liên hệ giữa hai hệ thống là rất rõ ràng, nhưng trong các nước dân chủ đa số vẫn tin rằng chủ nghĩa xã hội và tự do là những thứ có thể dung hoà được. Họ không nhận thức được rằng chủ nghĩa xã hội dân chủ là một một khái niệm không tưởng vĩ đại nhất của mấy thế hệ gần đây, nó không chỉ bất khả thi mà cuộc đấu tranh vì lí tưởng của nó còn tạo ra một kết quả khác hẳn: huỷ hoại ngay chính tự do. Người ta đã nói đúng rằng: “Chính con người đã biến nhà nước thành địa ngục trần gian khi cố gắng biến nó thành thiên đàng trên cõi thế”
“Chủ nghĩa xã hội bảo thủ” là khẩu hiệu mà nhiều người cầm bút đã từng cổ động và bằng cách đó họ đã góp phần chuẩn bị môi trường cho chủ nghĩa Quốc xã. “Chủ nghĩa xã hội bảo thủ” cũng đang là xu hướng chủ đạo của chúng ta hiện nay.
Kế hoạch hoá phóng khoáng
“Kế hoạch hoá” được nhiều người ủng hộ, chủ yếu là vì chúng ta muốn giải quyết các vấn đề của xã hội với những kế hoạch càng tỉ mỉ càng tốt. Cuộc tranh luận giữa những người ủng hộ kế hoạch hoá và những người theo trường phái phóng khoáng không phải là về vấn đề có nên sử dụng tư duy hệ thống vào việc lập kế hoạch công việc của chúng ta hay không mà là làm thế nào để được kết quả tốt nhất. Vấn đề là chúng ta có cần tạo ra những điều kiện trong đó kiến thức và sáng kiến cá nhân có những cơ hội tốt nhất để họ có thể lập kế hoạch một cách thành công nhất hay chúng ta phải hướng dẫn và tổ chức tất cả các hoạt động kinh tế theo một “bản thiết kế”, nghĩa là “hướng dẫn một cách tự giác các nguồn lực của xã hội để thực hiện quan điểm của người lập kế hoạch về việc ai được nhận cái gì”.
Điều quan trọng là không được lẫn lộn giữa quan niệm của những người phản đối “kế hoạch hoá” nói trên với thái độ “vô vi” (laissez fair) giáo điều. Phái phóng khoáng không ủng hộ quan điểm bỏ mặc cho mọi sự muốn ra sao thì ra; họ ủng hộ việc sử dụng một cách tốt nhất các lực lượng cạnh tranh, coi đấy là biện pháp phối hợp các nỗ lực của con người. Nó xuất phát từ niềm tin rằng hệ thống cạnh tranh hiệu quả chính là kim chỉ nam tốt nhất cho các cố gắng của từng cá nhân. Nó nhấn mạnh rằng để hệ thống cạnh tranh hoạt động hiệu quả thì phải có một khung pháp lí thật rõ ràng và các điều luật, cả trong quá khứ cũng như hiện tại, đều có những khiếm khuyết nghiêm trọng.
Mặc dù vậy, chủ nghĩa phóng khoáng phản đối việc thay thế hệ thống cạnh tranh bằng những biện pháp quản lí các hoạt động kinh tế thô sơ hơn. Chủ nghĩa phóng khoáng coi cạnh tranh là ưu việt hơn không chỉ vì trong hầu hết các trường hợp đấy chính là biện pháp hữu hiệu nhất mà còn vì đây là phương pháp không đòi hỏi sự can thiệp có tính cưỡng bức hoặc độc đoán của chính quyền. Nó bác bỏ “sự kiểm soát một cách tự giác của xã hội” và dành cho các nhân cơ hội lựa chọn, liệu triển vọng của một công việc cụ thể có bù đắp được những thiệt hại mà nó gây ra hay không.
Cạnh tranh không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn sự can thiệp của nhà nước. Thí dụ, qui định số giờ làm việc trong ngày, đặt ra các yêu cầu về vệ sinh, cung cấp hệ thống dịch vụ xã hội rộng khắp là hoàn toàn phù hợp với hệ thống cạnh tranh. Dĩ nhiên là có những lĩnh vực không thể áp dụng hệ thống cạnh tranh. Thí dụ, hậu quả tiêu cực của việc phá rừng hay khói nhà máy không chỉ tác động lên người chủ sở hữu các tài sản đó. Nhưng việc chúng ta phải nhờ đến sự can thiệp trực tiếp của chính quyền ở những lĩnh vực không thể tạo được điều kiện cho cạnh tranh hoạt động hiệu quả không có nghĩa là chúng ta phải ngăn chặn cạnh tranh ở những nơi có thể làm cho nó hoạt động. Tạo ra các điều kiện để cạnh tranh hiệu quả nhất, ngăn chặn gian lận và lừa đảo, phá bỏ độc quyền – là nhiệm vụ không thể thoái thác của nhà nước.
Điều này không có nghĩa là có thể tìm được một cái “trung đạo” giữa cạnh tranh và quản lí tập trung, mặc dù đây có vẻ là điều hợp lí nhất và hấp dẫn nhất đối với những người có hiểu biết. Chỉ cần suy nghĩ một chút là thấy ngay sự sai lầm của quan niệm như thế. Mặc dù cạnh tranh có thể chấp nhận một mức độ can thiệp nhất định, không thể kết hợp cạnh tranh với kế hoạch hoá bởi nếu làm như thế cạnh tranh sẽ không còn là kim chỉ nam cho quá trình sản xuất nữa. Sử dụng một cách nửa vời, cả cạnh tranh lẫn hệ thống quản lí tập trung sẽ trở thành công cụ tồi và kém hiệu quả; trộn lẫn vào nhau sẽ làm cho cả hai cùng mất khả năng hoạt động.
Chúng ta có thể kết hợp giữa kế hoạch hoá và cạnh tranh để lập kế hoạch cho việc cạnh tranh chứ không phải lập kế hoạch để chống cạnh tranh. Kế hoạch hoá mà chúng ta phê phán chính là kế hoạch hoá để chống cạnh tranh.
Sự ngộ nhận vĩ đại
Không nghi ngờ gì rằng phần lớn những người sống trong các nước dân chủ nhưng lại đòi hỏi phải quản lí tập trung tất cả các hoạt động kinh tế vì họ vẫn tin rằng chủ nghĩa xã hội và tự do cá nhân có thể dung hoà được với nhau. Nhưng nhiều nhà tư tưởng đã công nhận từ lâu rằng chủ nghĩa xã hội là mối đe doạ nguy hiểm nhất đối với tự do.
Hiện nay ít người nhớ rằng khởi kì thuỷ chủ nghĩa xã hội đã là một phong trào toàn trị. Nó là phản ứng chống lại chủ nghĩa phóng khoáng của Cách mạng Pháp. Các nhà văn Pháp, những người xây dựng nền móng cho chủ nghĩa xã hội, không hề nghi ngờ gì rằng phải có một chính phủ độc tài cứng rắn thì tư tưởng của họ mới có thể trở thành hiện thực được. Saint-Simon, người ủng hộ kế hoạch hoá đầu tiên trong thời hiện đại, đã tiên đoán rằng những người không tuân phục các bộ phận lập kế hoạch mà ông ta đề nghị sẽ bị “đối xử như súc vật”.
De Tocqueville, nhà chính trị học vĩ đại, hơn bất kì ai khác đã nhận thức được rằng dân chủ sẽ phải chiến đấu một mất một còn với chủ nghĩa xã hội: “Dân chủ mở rộng không gian tự do của từng con người,” ông nói. “Dân chủ trao cho mỗi người tất cả các giá trị khả dĩ,” ông nói như thế vào năm 1848, “trong khi chủ nghĩa xã hội biến mỗi người thành một kẻ thừa hành, thành một con số tròn trĩnh. Dân chủ và chủ nghĩa xã hội chỉ có một cái chung, đấy là từ: công bằng. Nhưng xin lưu ý sự khác biệt: trong khi dân chủ tìm kiếm sự công bằng trong tự do thì chủ nghĩa xã hội tìm kiếm công bằng trong tù ngục và lao động khổ sai.”
Để người ta bớt nghi ngờ và với mục đích biến lòng khao khát tự do – động lực chính trị mạnh mẽ nhất – thành con ngựa kéo xe cho mình, những người xã hội chủ nghĩa lớn tiếng hứa hẹn “một nền tự do mới”. Họ bảo rằng chủ nghĩa xã hội sẽ đem đến cho con người “tự do kinh tế”, thiếu nó thì “tự do chính trị” sẽ chẳng có ý nghĩa gì.
Để cho lập luận của mình nghe có vẻ xuôi tai người ta đã khéo léo thay đổi cả ý nghĩa của từ “tự do”. Từ này vốn có nghĩa là tự do khỏi những hành động cưỡng bách, tự do khỏi quyền lực độc đoán của những người khác. Ngày nay nó đã được cải biến để có nghĩa là giải phóng khỏi nhu cầu, giải phóng khỏi sự ép buộc của hoàn cảnh, những sự ép buộc nhất định sẽ hạn chế khả năng lựa chọn của mỗi chúng ta. Tự do, với ý nghĩa như thế, thật ra chỉ là tên gọi khác của quyền lực hoặc tài sản. Yêu cầu một nền tự do mới thực ra chỉ là tên gọi khác của yêu cầu cũ, tức là yêu cầu phân phối lại tài sản mà thôi.
Lời khẳng định rằng nền kinh tế kế hoạch hoá sẽ tạo ra nhiều sản phẩm hơn hệ thống cạnh tranh đang bị và ngày càng bị nhiều nhà nghiên cứu bác bỏ. Niềm hi vọng sai lầm này chính là động lực mạnh nhất thúc đẩy chúng ta đi theo con đường kế hoạch hoá.
Ngay cả khi những lời hứa hẹn của những người xã hội chủ nghĩa hiện đại về một nền tự do rộng rãi hơn có thực tế và chân thành đến đâu đi nữa thì trong những năm gần đây những người quan sát càng ngày càng tỏ ra ngạc nhiên khi trực diện với những hậu quả không thể dự đoán trước được của chủ nghĩa xã hội, ngạc nhiên khi thấy “chủ nghĩa cộng sản” và “chủ nghĩa phát xít” giống nhau đến bất ngờ trong nhiều lĩnh vực. Như nhà văn Peter Drucker đã viết vào năm 1939:
“Không còn ai tin rằng chủ nghĩa Marx sẽ đem lại tự do và công bằng nữa, đấy chính là lí do thúc đẩy nước Nga bước lên con đường dẫn tới xã hội toàn trị phi tự do và bất công mà nước Đức đã theo. Chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít không phải là những thực thể giống nhau. Chủ nghĩa phát xít là giai đoạn tiếp theo, sau khi chủ nghĩa cộng sản đã chứng tỏ rằng đấy chỉ là một ảo tưởng, và nó đã chứng tỏ rằng đấy là một ảo tưởng, cả ở Nga cũng như ở Đức trước khi Hitler cướp được chính quyền.”
Trình độ tri thức của các đảng viên thường trong phong trào cộng sản và phát xít ở Đức trước năm 1933 cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng. Nhiều người, nhất là những cán bộ tuyên truyền của cả hai đảng, đều biết việc những người cộng sản trẻ tuổi dễ dàng chạy sang đảng Quốc xã hoặc ngược lại. Cộng sản và Quốc xã thường xuyên xung đột với nhau hơn là xung đột với các đảng phái khác, đơn giản là vì họ cạnh tranh với nhau trong việc thu phục những người có cùng não trạng và căm thù nhau vì đảng này coi đảng kia là những kẻ dị giáo. Thực tế chứng tỏ rằng họ là những kẻ đồng hội đồng thuyền. Kẻ thù thực sự của cả hai đảng là người theo chủ nghĩa phóng khoáng kiểu cũ. Trong khi Quốc xã coi cộng sản, cộng sản coi Quốc xã và cả hai đều coi những người xã hội chủ nghĩa là đội hậu bị tiềm năng của mình thì họ lại nhận thức rõ rằng sẽ không bao giờ có chuyện thoả hiệp giữa họ và những người thực sự tin tưởng vào quyền tự do cá nhân.
Lời hứa về Con đường dẫn đến Tự do trên thực tế lại là Con đường quay về chế độ Nô lệ. Không khó dự đoán những hậu quả chắc chắn sẽ xảy ra một khi chế độ dân chủ theo đuổi đường lối kế hoạch hoá. Mục đích của kế hoạch hoá được mô tả bằng một thuật ngữ mù mờ là “hạnh phúc của tất cả mọi người”. Sẽ không có sự thoả thuận nào về mục đích sẽ phải đạt, và hiệu quả của việc người ta đồng ý là cần phải có kế hoạch hoá tập trung mà không có thoả thuận về mục đích thì có khác gì một nhóm người thoả thuận đi với nhau mà chưa thoả thuận là họ muốn đi đâu: kết quả là có thể tất cả đều phải làm một chuyến đi mà đa số hoàn toàn không muốn chút nào.
Trong các nước dân chủ, cơ quan lập pháp không thể hoạt động như là các tổ chức lập kế hoạch. Họ không thể đạt được thoả thuận về tất cả mọi vấn đề, tức là không thể đạt được thoả thuận về việc quản lí toàn bộ nguồn lực quốc gia, vì có rất nhiều đường lối hành động có thể chấp nhận được. Nếu quốc hội có thể đạt được thoả thuận nào đó, bằng cách tiến hành từng bước một và thoả hiệp mọi vấn đề, thì cuối cùng thoả thuận đó cũng chẳng làm ai thoả mãn.
Lập kế hoạch kinh tế kiểu đó thì cũng khó chẳng khác gì, thí dụ, lập kế hoạch cho chiến dịch quân sự bằng các thủ tục dân chủ. Giống như khi lập chiến lược tác chiến, nhất định phải giao cho các chuyên gia. Ngay cả khi nền dân chủ có thể lập được kế hoạch trong từng lĩnh vực kinh tế thì nó vẫn phải giải quyết vấn đề kết hợp những kế hoạch riêng rẽ ấy thành một kế hoạch tổng thể. Lúc đó nhu cầu phải có một ban hay một người duy nhất với toàn quyền hành động lại càng mạnh mẽ hơn. Nhu cầu phải có một nhà độc tài về kinh tế là giai đoạn đặc thù của phong trào hướng đến kế hoạch hoá.
Lúc đó cơ quan lập pháp chỉ còn mỗi nhiệm vụ là lựa chọn ra những người sẽ có quyền lực tuyệt đối trên thực tế. Cả hệ thống sẽ tiến đến hình thức độc tài, trong đó người đứng đầu chính phủ được bầu lên bằng phổ thông đầu phiếu, nhưng hắn có toàn quyền buộc cuộc bầu cử phải đi theo hướng mà hắn muốn.
Kế hoạch hoá nhất định sẽ dẫn đến chế độ độc tài vì độc tài là công cụ cưỡng bức hiệu quả nhất, nhất là nếu kế hoạch hoá tập trung được thực hiện trên qui mô lớn. Không có gì chứng tỏ, như nhiều người vẫn tin như thế, rằng một khi quyền lực được trao bằng các thủ tục dân chủ thì nó không thể là quyền lực độc đoán; nguồn gốc của quyền lực không ngăn được nó khỏi độc đoán; nếu không muốn sống dưới chế độ độc tài thì quyền lực phải bị giới hạn. “Chuyên chính vô sản”, ngay cả nếu nó có dân chủ về hình thức, một khi đã thực hiện việc quản lí tập trung nền kinh tế no sẽ tiêu diệt hoàn toàn quyền tự do cá nhân như bất kì chế độ độc tài nào khác đã từng làm trong quá khứ.
Tự do cá nhân không thể dung hoà với một mục đích tối thượng duy nhất mà cả xã hội phải vĩnh viễn phục tùng. Chỉ xin nói đến kinh nghiệm mà chúng ta đã trải qua trong thời chiến, khi mà hầu như tất cả đều phải phục tùng nhu cầu trực tiếp và khẩn thiết là bằng mọi giá phải bảo vệ cho được nền tự do của chúng ta. Những câu chữ sang trọng về những việc phải làm vì mục đích hoà bình như chúng ta từng làm vì mục đích chiến tranh là những câu chữ hoàn toàn sai, vì tạm thời hi sinh tự do để tự do trở thành vững mạnh hơn trong tương lai là hợp lí, còn thường xuyên phải hi sinh tự do vì nhu cầu của nền kinh tế kế hoạch hoá là việc hoàn toàn khác.
Những người từng quan sát sự chuyển hoá từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa phát xít trong một phần tư thế kỉ qua đều dễ dàng nhận thấy mối liên hệ giữa hai hệ thống này. Thực hiện cương lĩnh của chủ nghĩa xã hội đồng nghĩa với việc tiêu diệt tự do. Chủ nghĩa xã hội dân chủ, một sự ngộ nhận vĩ đại của mấy thế hệ gần đây, đơn giản là bất khả thi.
Tại sao những kẻ xấu xa nhất lại leo cao nhất?
Không nghi ngờ gì rằng hệ thống “phát xít” ở Anh hay ở Mĩ sẽ khác rất xa mô hình của Ý hay Đức; không nghi ngờ gì rằng nếu việc chuyển hoá được thực hiện một cách phi bạo lực thì chúng ta có thể hi vọng có được những nhà lãnh đạo tử tế hơn. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là hệ thống phát xít của chúng ta sẽ hoàn toàn khác hay sẽ dễ chịu hơn nguyên mẫu của chúng. Có nhiều lí do để tin rằng những đặc điểm xấu xa nhất của các hệ thống toàn trị nói trên là những hiện tượng mà chế độ toàn trị trước sau gì cũng sẽ tạo ra.
Khi một chính khách dân chủ quyết định lập kế hoạch cho toàn bộ các hoạt động kinh tế thì ông ta sẽ phải đối mặt với một trong hai lựa chọn: chấp nhận chế độ độc tài hay từ bỏ kế hoạch, còn nhà lãnh đạo toàn trị thì phải giẫm lên đạo đức truyền thống nếu không muốn thất bại. Đấy là lí do vì sao trong các xã hội có khuynh hướng toàn trị, những kẻ vô liêm sỉ thường dễ thành công hơn. Không hiểu điều đó là không hiểu được khoảng cách mênh mông, có thể nói một trời một vực, giữa chế độ toàn trị và nền văn minh cá nhân chủ nghĩa phương Tây.
Lãnh tụ toàn trị phải tập hợp xung quanh ông ta những kẻ tự nguyện phục tùng cái kỉ luật mà họ sẽ dùng vũ lực áp đặt cho toàn bộ nhân dân. Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể được đưa vào thực tiễn bằng những biện pháp mà đa số những người xã hội chủ nghĩa phản đối, đấy chính là bài học của nhiều nhà cải cách xã hội trong quá khứ. Các đảng xã hội cổ điển hoạt động trong khuôn khổ của các lí tưởng dân chủ; họ không có tính tàn nhẫn cần thiết để thực thi các nhiệm vụ mà họ đã chọn. Điều đặc biệt là cả ở Đức lẫn ở Ý, chủ nghĩa phát xít đã thành công sau khi các đảng xã hội từ chối nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo chính phủ. Họ không muốn áp dụng những biện pháp vì đã nhận ra khả năng phát triển của chúng. Họ vẫn hi vọng vào phép màu rằng đa số sẽ đồng ý về một kế hoạch tổ chức toàn bộ xã hội. Những người khác thì đã học được bài học rằng trong xã hội được kế hoạch hoá vấn đề không còn là đa số sẽ đồng ý cái gì mà là vấn đề nhóm lớn nhất là nhóm nào, chỉ cần các thành viên của nó đồng ý là đủ để hình thành đường lối thống nhất cho tất cả mọi công việc.
Có ba lí do vì sao cái nhóm có đông thành viên, với những quan điểm giống nhau, lại không được hình thành từ những người tử tế nhất mà thường là từ những phần tử xấu xa nhất của xã hội.
Thứ nhất, trình độ học vấn và tri thức càng cao thì thị hiếu và quan điểm càng phân hoá. Nếu chúng ta muốn tìm một sự thống nhất cao về quan điểm thì chúng ta phải hạ thấp tiêu chuẩn đạo đức và tri thức của chúng ta xuống ngang hàng với những bản năng nguyên thuỷ. Điều đó không có nghĩa là đa số dân chúng có tiêu chuẩn đạo đức thấp; điều đó chỉ có nghĩa là cái nhóm gồm nhiều thành viên với những chuẩn mực giá trị giống nhau là những người có tiêu chuẩn đạo đức thấp.
Thứ hai, vì nhóm đó chưa đủ lớn để làm nghiêng cán cân sang phía lãnh tụ, ông ta sẽ phải tăng thêm số thành viên của mình bằng cách kết nạp thật nhiều người vào cùng tín điều với ông ta. Ông ta phải tìm được sự ủng hộ của những kẻ dễ bảo và cả tin, những kẻ không có niềm tin riêng mà sẵn sàng chấp nhận các hệ thống giá trị sẵn có miễn là được rót vào tai họ một cách liên tục. Chính những kẻ với các tư tưởng mù mờ và được hình thành một cách dở dang, những kẻ dễ dao động, những kẻ mà tình cảm và niềm đam mê sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào lại là thành phần đông nhất của các đảng toàn trị.
Thứ ba, để có thể đưa những người ủng hộ thành một tập thể cố kết, người lãnh đạo phải lợi dụng những nhược điểm của con người. Có vẻ như người ta dễ dàng đồng thuận về những vấn đề có tính tiêu cực như chí căm thù giặc, lòng ghen tức với những kẻ khá giả, hơn là về những nhiệm vụ có tính tích cực.
Sự tương phản giữa “chúng ta” và “chúng nó” luôn bị những kẻ săn tìm lòng trung thành của quần chúng lợi dụng. Kẻ thù có thể là bên trong như “Do Thái” ở Đức hay “Kulak” ở Nga, hay kẻ thù bên ngoài. Trong mọi trường hợp kĩ thuật này bao giờ cũng giành được ưu thế ở chỗ nó làm cho lãnh tụ có nhiều tự do hành động hơn bất kì chương trình mang tính tích cực nào khác.
Trong tổ chức hay đảng toàn trị, muốn thăng tiến thì phải dám làm những việc bất nhân. Trong đạo đức học cá nhân chủ nghĩa, nguyên tắc mục đích biện minh cho phương tiện được coi là sự phủ nhận mọi tiêu chuẩn đạo đức thì trong đạo đức học của chủ nghĩa tập thể lại trở thành nguyên tắc tối thượng. Một người theo chủ nghĩa tập thể kiên định phải sẵn sàng làm tất cả mọi việc nếu đó là việc “có ích cho tất cả mọi người” vì đối với anh ta đấy là tiêu chuẩn hành động duy nhất.
Một khi chấp nhận rằng cá nhân chỉ là phương tiện phục vụ cho một thực thể cao quí hơn, gọi là xã hội hay quốc gia cũng được, thì phần lớn các đặc trưng của chủ nghĩa toàn trị mà chúng ta kinh tởm tất yếu sẽ xuất hiện. Từ quan điểm của chủ nghĩa tập thể thì sự bất dung và đàn áp tàn bạo, dối trá và theo dõi, coi thường cuộc sống và hạnh phúc cá nhân là những việc thuộc về bản chất và không thể tránh được. Những hành động làm chúng ta ghê tởm như bắn giết con tin, giết người già hay người ốm được coi là những việc thích hợp; di dân cưỡng bức và bắt lưu đầy hàng trăm ngàn người trở thành biện pháp chính trị được hầu như tất cả mọi nguời, trừ các nạn nhân, ủng hộ.
Muốn trở thành người có ích cho sự vận hành của nhà nước toàn trị, để đạt được mục đích, con người phải sẵn sàng bước qua mọi nguyên tắc đạo đức mà anh ta từng biết. Trong bộ máy toàn trị những kẻ tàn nhẫn và vô liêm sỉ luôn giành được cơ hội tốt. Gestapo hay các ban quản lí các trại tập trung, Bộ tuyên truyền hay SA hoặc SS (hoặc những cơ quan tương ứng của Nga) không phải là chỗ thể hiện tình cảm của con người. Nhưng đấy chính là con đường tiến thân trong ban lãnh đạo của nhà nước toàn trị.
Nhà kinh tế học nổi tiếng người Mĩ, giáo sư Frank H. Knight, đã nhận xét rất đúng rằng chính quyền của nhà nước theo chế độ tập thể “dù muốn hay không cũng phải làm những việc đó: xác suất những người nắm chính quyền là các cá nhân không thích giữ và thể hiện quyền lực cũng ngang bằng với xác suất một người cực kì dịu dàng muốn làm công việc của cai đội trong trại nô lệ”.
Một vấn đề nữa cần phải làm rõ: Chủ nghĩa tập thể nghĩa là sự cáo chung của chân lí. Muốn cho hệ thống toàn trị hoạt động hữu hiệu thì việc mọi người đều buộc phải làm vì mục đích do những kẻ nắm quyền lựa chọn vẫn chưa đủ; điều quan trọng là người ta phải coi đấy là mục đích của chính mình. Chỉ có thể thực hiện được điều đó bằng tuyên truyền và kiểm soát toàn bộ các nguồn thông tin.
Cách tốt nhất để người dân chấp nhận các giá trị mà họ phải phục vụ là thuyết phục họ rằng đấy là các giá trị họ vẫn luôn luôn tin tưởng, chỉ có điều trước đây họ đã hiểu chưa thật đúng mà thôi. Và biện pháp tốt nhất là gán cho các ngôn từ cũ những ý nghĩa hoàn toàn mới. Điều đó đã trở thành đặc điểm chủ yếu của bầu không khí trí tuệ của chế độ toàn trị, làm cho những người quan sát hời hợt phải lúng túng: ngôn ngữ bị xuyên tạc, ý nghĩa của từ ngữ bị biến dạng.
Bị xuyên tạc nhiều nhất chính là từ “tự do”, một từ được các nhà nước toàn trị, cũng như mọi quốc gia khác, sử dụng thường xuyên. Trên thực tế, có thể nói rằng bất cứ khi nào tự do, theo nghĩa chúng ta hiểu, bị xâm hại thì bao giờ người ta cũng hứa hẹn cho nhân dân một nền tự do mới. Có những người ủng hộ kế hoạch hoá còn hứa cho nền “tự do tập thể”, nhưng đây cũng là khái niệm đáng ngờ như bất cứ khái niệm nào phát ra từ miệng các chính khách toàn trị mà thôi. “Tự do tập thể” không phải là tự do của từng thành viên trong xã hội mà là quyền tự do của người lập kế hoạch, được phép làm với xã hội tất cả những gì hắn muốn. Đây là tự do trong tay kẻ có quyền lực tuyệt đối
Tuyệt đại đa số rất dễ bị tước đoạt khả năng suy nghĩ độc lập. Nhưng thiểu số những người còn giữ được khả năng phê bình cũng phải bị bịt miệng. Việc phê bình công khai hay thậm chí ngay cả những biểu hiện của sự nghi ngờ cũng bị ngăn chặn vì chúng có thể làm suy giảm sự ủng hộ chế độ. Như Sidney và Beatrice Webb viết về thái độ trong các doanh nghiệp Nga: “Khi công việc đang được tiến hành, bất kì biểu hiện công khai nào về sự ngờ vực về khả năng thành công của kế hoạch đều bị coi là sự bất trung, thậm chí phản bội vì nó có thể ảnh hưởng đến ý chí và nỗ lực của những người khác”.
Việc kiểm soát còn được thực hiện cả trong những lĩnh vực có vẻ như chẳng liên quan gì đến chính trị. Thí dụ như thuyết tương đối bị coi là “Cuộc tấn công của bọn Do Thái vào cơ sở của vật lí học Thiên chúa giáo và Bắc Âu” và vì nó “mâu thuẫn với chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa Marx”. Mọi hoạt động đều phải xuất phát từ mục tiêu tự giác của xã hội. Không thể có những hoạt động tự phát, thiếu lãnh đạo vì nó có thể tạo ra kết quả không thể dự đoán và không được kế hoạch trù liệu.
Nguyên tắc này còn bao trùm lên cả các trò chơi cũng như giải trí. Tôi xin mời bạn đọc đoán xem những người chơi cờ chính thức kêu gọi: “Chúng ta phải chấm dứt một lần và vĩnh viễn thái độ trung lập của môn cờ vua. Chúng ta phải lên án một lần và vĩnh viễn công thức ‘cờ chỉ là cờ’” này ở đâu.
Điều đáng lo ngại nhất là, thái độ khinh thường tự do trí thức không phải là việc chỉ xảy ra sau khi chế độ toàn trị được thành lập mà nó hiện diện trong những người tin vào chủ nghĩa tập thể trên khắp thế giới. Sự đàn áp tàn bạo nhất cũng vẫn được bỏ qua nếu nó được thực hiện nhân danh chủ nghĩa xã hội. Người ta công khai cổ vũ cho thái độ bất dung đối với những tư tưởng khác biệt. Bi kịch của tư tưởng tập thể là ở chỗ nó bắt đầu bằng việc coi lí trí là tối thượng nhưng lại kết thúc bằng việc tiêu diệt lí trí.
Một khía cạnh nữa của sự thay đổi các giá trị đạo đức do chủ nghĩa tập thể tạo ra cũng đáng phải suy nghĩ. Những đức tính tốt mà người Anglo-Saxon có quyền tự hào và nhờ chúng mà họ được coi là những người ưu tú lại đang càng ngày càng mất giá ở Anh và Mĩ. Đấy là những tính tốt như tính độc lập và tự lực cánh sinh, sáng kiến và trách nhiệm cá nhân, tin tưởng vào các hoạt động thiện nguyện, không can thiệp vào công việc của người khác và tinh thần khoan dung đối với sự khác biệt, tinh thần nghi ngờ lành mạnh đối với quyền lực và chính quyền.
Hầu như tất cả các truyền thống và thiết chế hun đúc nên bản sắc dân tộc và toàn bộ môi trường đạo đức của nước Anh và nước Mĩ đang bị chủ nghĩa tập thể và xu hướng tập quyền hàng ngày hàng giờ phá huỷ.
Kế hoạch hoá và pháp trị
Việc tuân thủ một trong những nguyên tắc cổ xưa vĩ đại nhất gọi là Pháp trị là điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa một đất nước tự do với một đất nước nằm dưới quyền chính phủ độc đoán. Bỏ qua các chi tiết kĩ thuật, điều này có nghĩa là mọi hoạt động của chính phủ đều phải tuân thủ các nguyên tắc đã được ấn định và tuyên bố từ trước – các nguyên tắc này cho phép người ta dự đoán được một cách chắc chắn cách thức chính phủ sử dụng lực lượng cưỡng bức trong những hoàn cảnh cho trước và lập kế hoạch cho các công việc của cá nhân trên cơ sở những hiểu biết như thế. Như vậy là, trong khuôn khổ của luật chơi đã biết, cá nhân – được tự do theo đuổi các mục tiêu của mình – chắc chắn rằng chính phủ sẽ không sử dụng quyền lực một cách tuỳ tiện nhằm cản trở các nỗ lực của anh ta.
Kế hoạch hoá kinh tế xã hội chủ nghĩa chắc chắn sẽ làm hoàn toàn ngược lại. Cơ quan lập kế hoạch không thể tự buộc mình vào những qui tắc chung, tức là những qui tắc có thể ngăn chặn sự độc đoán.
Khi chính phủ phải quyết định cần nuôi bao nhiêu lợn hay cần cho bao nhiêu xe bus chạy, mỏ than nào cần được khai thác, hoặc đôi giầy giá bao nhiêu, tất cả quyết định đó đều không có giá trị trong thời gian dài. Chắc chắn chúng phải phụ thuộc vào hoàn cảnh của từng giai đoạn, và trong khi ra quyết định người ta phải cân nhắc quyền lợi của các cá nhân và các nhóm khác nhau.
Cuối cùng, một người nào đó sẽ phải quyết định lợi ích của ai là quan trọng hơn và quan điểm của người đó sẽ phải trở thành một phần của luật pháp. Do đó mà ai cũng thấy rằng nhà nước càng “lập nhiều kế hoạch” thì lại càng gây khó khăn cho các cá nhân.
Sự khác nhau giữa hai loại luật là rất quan trọng. Khác nhau như việc cung cấp những tấm biển chỉ đường và chỉ cho người ta phải đi theo đường nào.
Hơn nữa, chính phủ hoạt động theo kế hoạch từ trung ương thì không thể là một chính phủ khách quan. Lúc đó nhà nước sẽ không còn là một phần của bộ máy công lợi có chức năng giúp cho các cá nhân phát triển các khả năng của mình một cách đầy đủ nhất, mà sẽ trở thành một thể chế cố tình gây ra bất công trong việc thoả mãn nhu cầu của nhân dân, cho phép một người được làm cái mà người khác bị cấm. Một số người sẽ được giầu có đến mức nào, một số người khác thì được phép có những gì, nhất định sẽ trở thành luật.
Pháp trị là chính phủ không tạo ra đặc quyền pháp lí cho một nhóm người cụ thể nào đó, pháp trị cũng là bảo đảm sự công bằng trước pháp luật, tức là khác hẳn với chính phủ độc đoán. Điều đặc biệt là những người xã hội chủ nghĩa (và cả Quốc xã) luôn luôn phản đối nền tư pháp “chỉ” mang tính hình thức, họ cũng phản đối việc luật không ghi rõ một số người sẽ được sung túc đến mức nào, họ còn đòi “xã hội hoá luật pháp” và tấn công sự độc lập của các quan toà.
Trong xã hội kế hoạch hoá, luật pháp phải hợp thức hoá các hành động độc đoán. Nếu luật pháp khẳng định rằng một cơ quan hay nhà chức trách nào đó có thể làm bất kì cái gì họ muốn thì cơ quan ấy hoặc nhà chức trách ấy làm bất kì cái gì cũng đều là hợp pháp cả, nhưng đấy không phải là pháp trị. Khi đã trao cho chính phủ quyền lực vô giới hạn thì ngay nguyên tắc độc đoán nhất cũng có thể được luật hoá; và bằng cách đó nền dân chủ có thể biến thành chế độ độc tài hoàn hảo nhất có thể tưởng tượng được.
Chỉ trong giai đoạn phóng khoáng, pháp trị mới được người ta tự giác thúc đẩy và đấy cũng là thành quả vĩ đại nhất của giai đoạn này. Đấy là hiện thân về mặt pháp lí của tự do. Như Immanuel Kant từng nói: “Theo luật chứ không theo người, đấy chính là tự do.”
Kế hoạch hoá là “tất yếu”?
Rõ ràng là hiện nay ít người ủng hộ kế hoạch hoá còn có thể vênh vang nói rằng kế hoạch hoá tập trung là điều đáng mơ ước nữa. Hiện nay đa phần những người đó đều khẳng định rằng chúng ta buộc phải làm như thế vì hoàn cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.
Người ta thường lập luận rằng sự phức tạp của nền văn minh hiện đại đã tạo ra những vấn đề mới mà chúng ta chỉ có thể hi vọng giải quyết bằng kế hoạch hoá tập trung mà thôi. Nói như thế là hoàn toàn không hiểu sự vận hành của cạnh tranh. Chính sự phức tạp của hoàn cảnh hiện thời lại làm cho cạnh tranh trở thành biện pháp điều phối công việc phù hợp nhất.
Nếu các điều kiện đơn giản đến mức một cá nhân hay cơ quan nào đó có thể theo dõi được tất cả các sự kiện thì kiểm soát một cách hiệu quả hay kế hoạch hoá không phải là việc khó. Nhưng nếu phải tính đến nhiều tác nhân và là các tác nhân phức tạp thì không một trung tâm nào có thể theo dõi được. Các điều kiện cung cầu của các loại hàng hoá khác nhau thay đổi thường xuyên, không một trung tâm nào có thể nhận thức hết hoặc có thể giải quyết ngay được.
Nhờ cạnh tranh – ngoài ra không trật tự kinh tế nào có thể làm được – hệ thống giá cả sẽ tự động ghi lại tất cả các dữ liệu tương ứng. Doanh nhân, bằng cách quan sát sự vận động của giá cả, giống như người kĩ sư quan sát sự vận hành của các bánh răng, có thể điều chính hoạt động của anh ta cho phù hợp với hoạt động của các doanh nhân khác.
So với phương pháp giải quyết các vấn đề kinh tế một cách phi tập trung cộng với việc điều phối tự động thông qua giá cả thì phương pháp quản lí tập trung tỏ ra vụng về, thô thiển và có tầm hoạt động giới hạn đến khó tin. Không hề phóng đại khi nói rằng nếu chúng ta phải dựa vào kế hoạch hoá tập trung để phát triển thì hệ thống công nghiệp không thể nào đạt được mức độ phức tạp và uyển chuyển như hiện nay. Nền văn minh hiện đại có thể xuất hiện chính là vì nó không được xây dựng một cách có ý thức. Việc phân công lao động phức tạp đến mức không thể nào lập kế hoạch được. Kinh tế càng phức tạp thì việc quản lí tập trung càng không cần thiết, chúng ta càng phải sử dụng kĩ thuật cạnh tranh chứ không được lệ thuộc vào việc kiểm soát có ý thức.
Người ta còn lập luận rằng sự thay đổi công nghệ làm cho cạnh tranh trở thành bất khả vì các lĩnh vực không ngừng tăng lên và chúng ta buộc phải lựa chọn giữa việc kiểm soát sản xuất bởi các công ty độc quyền tư nhân hoặc sự quản lí của chính phủ. Sự gia tăng độc quyền có vẻ như là hậu quả của chính sách mà nhiều nước theo đuổi chứ không hẳn là hậu quả tất yếu của phát triển công nghệ. Vấn đề này được Hội đồng Kinh tế Quốc gia Lâm thời nghiên cứu một cách toàn diện (thật khó có thể nghi ngờ rằng đây là một nghiên cứu quá thiên về phía phóng khoáng). Hội đồng đã rút ra kết luận như sau:
“Hiệu quả vượt trội của các xí nghiệp lớn chưa được chứng minh; các lợi thế được cho là có thể huỷ hoại cạnh tranh đã không được tìm thấy trong nhiều lĩnh vực… Kết luận rằng lợi thế của sản xuất qui mô lớn nhất định sẽ dẫn đến tiêu diệt cạnh tranh là không thể chấp nhận được… Hơn nữa, cần phải ghi nhận rằng độc quyền thường là kết quả của những thoả thuận ngầm và được thúc đẩy bởi chính sách của chính phủ. Khi các thoả thuận này bị coi là phi pháp và khi chính sách được xem xét lại một cách toàn diện thì có thể tái lập các điều kiện cần thiết cho cạnh tranh phát triển.”
Bất kì ai từng chứng kiến sự nhiệt tình của các doanh nhân độc quyền trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của nhà nước nhằm làm cho sự kiểm soát của họ hữu hiệu hơn sẽ không còn một chút nghi ngờ nào về “tính tất” yếu của quá trình phát triển như thế. Ở Mĩ chính sách bảo hộ quá mức đã giúp cho nạn độc quyền phát triển. Ở Đức, từ năm 1878 nhà nước đã chủ động thi hành chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của các cartel. Chính ở Đức, nhờ sự giúp đỡ của nhà nước, người ta đã tiến hành một thí nghiệm vĩ đại đầu tiên trong việc “lập kế hoạch một cách khoa học” và “tổ chức một cách tự giác nền công nghiệp” dẫn đến việc hình thành các công ty độc quyền vô cùng to lớn. Thủ tiêu cạnh tranh là chính sách có tính toán ở Đức, được thực hiện nhân danh lí tưởng mà nay chúng ta gọi là kế hoạch hoá.
Chính sách của hai nhóm đầy quyền lực, tức là tư bản có tổ chức và lao động có tổ chức vốn ủng hộ tổ chức độc quyền trong lĩnh vực công nghiệp, chứa đựng một nguy cơ lớn. Gần đây các tổ chức độc quyền phát triển mạnh là do sự hợp tác của tư bản có tổ chức và lao động có tổ chức, nơi một vài nhóm người lao động được ưu tiên ưu đãi chia nhau lợi nhuận độc quyền làm thiệt hai cho cộng đồng và đặc biệt là thiệt hại cho những người lao động trong các ngành công nghiệp thiếu tổ chức. Mặc dù vậy, không có lí do gì để tin rằng xu hướng này là tất yếu.
Xu hướng chuyển sang kế hoạch hoá là kết quả của một hành động có chủ đích. Không có nhu cầu ngoại tại nào buộc chúng ta phải làm như thế.
Kế hoạch hoá có làm chúng ta bớt lo không?
Phần lớn những người ủng hộ kế hoạch hoá, từng xem xét một cách nghiêm túc khía cạnh thực tiễn của nhiệm vụ, không hề nghi ngờ gì rằng nền kinh tế được quản lí (tập trung – ND) nhất định phải vận hành theo phương pháp độc tài, rằng hệ thống phức tạp của các hoạt động liên kết chằng chịt với nhau phải nằm dưới sự chỉ đạo của các chuyên gia, viên tổng tư lệnh phải có quyền lực tuyệt đối, hành động của ông ta không thể bị giới hạn bởi các thủ tục dân chủ. May là họ còn an ủi chúng ta rằng việc quản lí độc tài như thế “chỉ” liên quan đến lĩnh vực kinh tế mà thôi. Lời bảo đảm đó thường đi kèm với ám chỉ rằng bằng cách từ bỏ tự do trong những lĩnh vực không quan trọng, chúng ta sẽ được tự do theo đuổi những giá trị cao cả hơn. Trên cơ sở đó, những người vốn ghét cay ghét đắng độc tài chính trị lại thường lên tiếng đòi hỏi độc tài trong lĩnh vực kinh tế.
Các lí lẽ được sử dụng nhắm vào những bản năng cao quí nhất của chúng ta. Nếu kế hoạch hoá thực sự làm cho chúng ta không còn phải bận tâm với những lo lắng vụn vặt, làm cho đời sống vật chất của chúng ta trở thành đơn giản nhưng chúng ta lại có một đời sống tinh thần cao thì ai nỡ coi thường lí tưởng như thế?
Đáng tiếc là mục đích kinh tế không bao giờ tách rời khỏi các mục đích khác của đời sống. Cái trong ngôn ngữ bình thường mà ta vẫn gọi một cách sai lầm là “động cơ kinh tế” chỉ có nghĩa là ước muốn giành lấy những cơ hội tiềm tàng, giành lấy những điều kiện cho những mục tiêu khác mà thôi. Chúng ta muốn kiếm tiền là vì tiền cho chúng ta quyền được lựa chọn trong việc thụ hưởng thành quả lao động của mình – tiền ta ta cứ tiêu.
Vì thu nhập có hạn nên chúng ta cảm thấy những hạn chế do sự nghèo khó tương đối đè trên vai mình và nhiều người sinh ra căm thù tiền bạc, coi tiền là biểu tượng của sự hạn chế. Trên thực tế, tiền là công cụ vĩ đại nhất của tự do mà con người từng phát minh. Trong xã hội hiện nay chính tiền đã mở ra cho người nghèo những khả năng lựa chọn to lớn, mà trước đây vài thế kỉ ngay cả người giầu cũng không có.
Để hiểu được giá trị thật sự của đồng tiền phải tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra trên thực tế, nếu, như những người xã hội chủ nghĩa đề nghị: dùng “khuyến khích phi kinh tế” thay cho “động cơ kinh tế”. Nếu mọi phần thưởng, thay vì được trao bằng tiền lại được trao bằng danh hiệu, đặc lợi hay quyền lực, nhà ở hay lương thực thực phẩm tốt hơn, quyền được đi du lịch hay đi học thì điều đó có nghĩa là người nhận không có quyền lựa chọn và bất cứ người quyết định thưởng nào cũng có quyền xác định không chỉ số lượng mà cả cách thức hưởng thụ phần thưởng đó.
Cái gọi là tự do kinh tế mà những người ủng hộ kế hoạch hoá hứa hẹn, chỉ có nghĩa là chúng ta không còn phải tự giải quyết các vấn đề kinh tế của mình nữa và những lựa chọn khó khăn đi kèm với nó đã được những người khác làm hộ cho chúng ta. Trong thời đại ngày nay chúng ta gần như phụ thuộc hoàn toàn vào những phương tiện do người khác sản xuất ra cho nên kế hoạch hoá kinh tế sẽ kéo theo sự quản lí gần như toàn bộ đời sống của chúng ta. Khó có lĩnh vực nào, từ những nhu cầu sơ đẳng cho đến quan hệ của chúng ta với bạn bè, người thân, từ việc làm cho đến cách nghỉ ngơi của chúng ta thoát khỏi được “sự kiểm soát có ý thức” của những lập kế hoạch.
Quyền lực của các cơ quan lập kế hoạch đối với đời sống riêng tư của chúng ta sẽ không hề giảm ngay cả khi người tiêu dùng, trên danh nghĩa, được tự do sử dụng thu nhập của mình vì chính quyền vẫn kiểm soát sản xuất.
Quyền tự do lựa chọn trong xã hội cạnh tranh dựa trên sự kiện là nếu một người nào đó không chịu đáp ứng nhu cầu của chúng ta thì chúng ta có thể quay sang người khác. Nhưng đứng trước một nhà sản xuất độc quyền thì chúng ta chỉ còn hi vọng vào lòng tốt của ông ta mà thôi. Và như thế, khi nhà chức trách quản lí toàn bộ nền kinh tế sẽ trở thành một người độc quyền lớn nhất mà ta có thể tưởng tượng được.
Cơ quan này sẽ có toàn quyền quyết định ta được nhận cái gì và với điều kiện nào. Cơ quan này không chỉ quyết định loại hàng hoá và dịch vụ được cung cấp mà còn cả số lượng của chúng nữa; nó có thể quản lí cả việc phân phối giữa các địa phương và nhóm xã hội và nếu muốn, nó có thể thực hiện chính sách phân biệt đối xử một cách tuỳ tiện nhất. Không phải quan điểm của chúng ta mà quan điểm của một người nào đó về việc ta phải thích hay không thích cái gì sẽ quyết định ta được nhận cái gì.
Nếu là người sản xuất, chúng ta còn bị nhà chức trách nhào nặn và “hướng dẫn” kĩ lưỡng hơn nữa. Đa số chúng ta sử dụng phần thời gian trong cuộc đời để làm việc và công việc của chúng ta thường quyết định nơi cư trú và những người xung quanh ta. Do đó, đối với hạnh phúc của chúng ta, tự do lựa chọn công việc có thể còn quan trọng hơn cả quyền tự do sử dụng thu nhập trong thời gian rảnh rỗi.
Ngay cả trong những thế giới tốt đẹp nhất, quyền tự do này vẫn có giới hạn. Chỉ một ít người có thể tự coi là thực sự có tự do trong việc lựa chọn công việc. Nhưng vấn đề là chúng ta có thể lựa chọn, vấn đề là chúng ta không bị trói chặt vào công việc đã được người khác lựa chọn cho ta và nếu ta không thể chịu đựng được công việc đó nữa, hoặc nếu ta thích công việc khác thì những người có khả năng vẫn có thể, với một cái giá phải trả nào đó, tìm được công việc thích hợp hơn. Không có gì đau khổ hơn là nhận thức được rằng dù cố gắng đến đâu chúng ta cũng không thể thay đổi được điều kiện sống của mình. Làm một bánh răng trong một cỗ máy đã là khổ, nhưng còn khổ hơn bội phần nếu ta không thể bỏ đi, nếu ta bị cột chặt vào một chỗ, cột chặt vào những người lãnh đạo do người khác lựa chọn cho ta.
Trong thế giới ngày nay, còn phải làm nhiều nữa thì mới mong cải thiện được cơ hội lựa chọn của người dân. Nhưng “kế hoạch hoá” chắc chắn sẽ đi theo hướng ngược lại. Kế hoạch phải kiểm soát số người gia nhập vào những ngành nghề khác nhau hay kiểm soát mức lương hoặc kiểm soát cả hai. Việc kiểm soát và hạn chế như thế thường là những biện pháp được thi hành đầu tiên trong hầu như tất cả các trường hợp kế hoạch hoá mà ta đã biết.
Trong xã hội cạnh tranh có thể mua được mọi thứ. Đôi khi với giá cực kì cao. Muốn được cái này thì phải hi sinh cái kia. Nhưng cái mà người ta đưa ra không phải là tự do lựa chọn mà là mệnh lệnh và cấm đoán mà ta nhất định phải tuân theo.
Việc người ta muốn giải thoát khỏi những sự lựa chọn đầy đau đớn mà hoàn cảnh khó khăn đặt lên vai họ là điều dễ hiểu. Nhưng ít người muốn người khác lựa chọn hộ. Họ chỉ muốn không cần phải lựa chọn gì hết mà thôi. Và vì thế mọi người đều sẵn sàng tin rằng lựa chọn không phải là vấn đề tất yếu, chúng ta phải lựa chọn là vì hệ thống kinh tế buộc chúng ta phải làm như thế. Sự thật là, chính các vấn đề kinh tế đã làm cho người dân phẫn nộ.
Nhưng người ta lại thích bị lừa rằng vấn đề kinh tế không tồn tại trên thực tế. Họ còn tiếp tục bị lừa thêm bởi lời khẳng định rằng nền kinh tế kế hoạch hoá sẽ tạo ra nhiều sản phẩm hơn hệ thống cạnh tranh. Lời khẳng định này đang càng ngày càng bị nhiều nhà nghiên cứu bác bỏ. Hiện nay ngay cả những nhà kinh tế học theo xu hướng xã hội chủ nghĩa cũng chỉ còn hi vọng rằng nền kinh tế kế hoạch hoá sẽ có hiệu quả ngang với hệ thống cạnh tranh mà thôi. Họ tiếp tục bảo vệ kế hoạch hoá vì hệ thống này sẽ bảo đảm việc phân phối sản phẩm một cách công bằng hơn. Nếu chúng ta muốn quyết định một cách có ý thức ai được nhận cái gì thì chúng ta buộc phải lập kế hoạch cho toàn bộ nền kinh tế, đấy là vấn đề không cần tranh cãi.
Vấn đề chỉ còn là liệu cái giá mà ta phải trả cho việc thực hiện lí tưởng của ai đó về sự công bằng có phải là sự bất bình và áp bức sẽ khủng khiếp hơn cả thời “các lực lượng kinh tế được chơi một cách tự do” – vốn đang bị phê phán dữ dội – hay không mà thôi.
Chính phủ sẽ thực hiện việc phân phối sản phẩm theo nguyên tắc nào? Có một câu hỏi chung cuộc cho biết bao nhiêu vấn đề sẽ xuất hiện hay không?
Chỉ có một nguyên tắc chung, nguyên tắc đơn giản này sẽ đưa ra câu trả lời: sự bình đẳng tuyệt đối cho tất cả mọi người. Nếu đấy là mục đích thì ít nhất nó cũng làm cho ý tưởng mù mờ về phân phối công bằng có một nội dung rõ ràng. Nhưng vấn đề là dân chúng đâu có muốn một sự công bằng cơ học như thế, còn chủ nghĩa xã hội thì không hứa công bằng tuyệt đối mà chỉ hứa “công bằng hơn” mà thôi.
Trên thực tế, công thức này chẳng giải đáp được bất kì câu hỏi nào. Công thức đó chẳng giúp được gì, chúng ta vẫn phải quyết định, trong từng trường hợp cụ thể, mức độ cống hiến của từng người hoặc từng nhóm khác nhau. Điều duy nhất nó có thể nói được: đấy là lấy của người giầu, càng nhiều càng tốt. Nhưng khi phải chia “quả thực” thì vấn đề lại xuất hiện, cứ như thể chưa ai biết công thức “công bằng hơn” nghĩa là thế nào vậy.
Người ta thường nói không có tự do kinh tế thì tự do chính trị cũng chẳng có giá trị gì. Đúng như thế, nhưng theo nghĩa ngược lại với mệnh đề mà những người ủng hộ kế hoạch hoá thường nói. Tự do kinh tế – vốn là tiền đề cho mọi quyền tự do khác – không phải là tự do khỏi những lo lắng về kinh tế mà những người xã hội chủ nghĩa hứa hẹn với chúng ta, nhưng họ lại thường quên nói rằng họ cũng giải phóng chúng ta khỏi quyền lựa chọn nữa. Tự do kinh tế là tự do hoạt động kinh tế, và cùng với quyền lựa là trách nhiệm và rủi ro.
Hai kiểu an toàn
Giống như cái “tự do kinh tế” giả mạo đã nói đến bên trên, sự an toàn về kinh tế cũng thường được coi là điều kiện tối cần để đạt được tự do thực sự. Theo một nghĩa nào đó thì điều đó vừa đúng vừa quan trọng nữa. Những người không tự tin rằng họ có thể tự nuôi sống được mình thường không có tư duy độc lập và không có cá tính mạnh.
Nhưng thực ra an toàn cũng có hai loại. Loại an toàn thứ nhất là tin chắc rằng mọi người đều được nhận những thứ tối cần thiết để tồn tại; loại an toàn thứ hai là sự bảo đảm cho một lối sống, một địa vị tương đối mà một người hoặc một nhóm người được hưởng so với những người khác.
Muốn giữ được tự do nói chung thì không có lí do gì mà một xã hội đã đạt đến mức độ thịnh vượng như xã hội chúng ta lại không bảo đảm cho tất cả mọi người loại an toàn thứ nhất, nghĩa là bảo đảm cho mọi người một lượng thức ăn tối thiểu, nhà ở và quần áo để bảo đảm sức khỏe. Không có lí do gì mà chính phủ lại không giúp tổ chức một hệ thống an sinh xã hội rộng khắp nhằm trợ giúp cho những người gặp hoạn nạn mà ít người có thể vượt qua được. Kế hoạch hoá để bảo vệ loại an toàn thứ hai là có hại cho tự do. Đấy là kế hoạch được thiết kế nhằm bảo đảm cho một số người hoặc nhóm người tránh được thất thu.
Càng ngày càng rõ rằng nếu điều kiện kinh doanh trong một lĩnh vực nào đó được cải thiện nhưng các thành viên của nó lại được phép đẩy những người khác ra để họ được hưởng toàn bộ lợi thế dưới dạng tiền lương hay lợi nhuận cao hơn thì những người làm việc trong các ngành mà mức cầu suy giảm sẽ chẳng có chỗ mà đi và bất kì sự thay đổi nào cũng đều làm cho số người thất nghiệp gia tăng. Không nghi ngờ gì rằng số người thất nghiệp và sự thiếu tin tưởng vào tương lai trong mấy chục năm lại đây phần lớn là do những biện pháp bảo đảm như thế tạo ra.
Chỉ có những người từng trải qua mới thấy hết được tình cảnh tuyệt vọng của những người, trong cái xã hội đã trở thành xơ cứng như thế, bị đẩy ra bên ngoài những nghề nghiệp đã được bảo hộ. Chưa bao giờ một giai cấp lại bóc lột một giai cấp khác một cách dã man hơn là những người sản xuất đã thành đạt bóc lột những người sản xuất kém may mắn hơn. Đấy chính là kết quả của quá trình “điều tiết” cạnh tranh. Khó có thể tìm được khẩu hiệu gây ra nhiều tai hoạ hơn là lí tưởng về sự “ổn định” giá cả và tiền lương trong một số lĩnh vực nào đó, vì trong khi bảo đảm thu nhập cho một số người thì lại làm cho vị thế của những người khác càng bấp bênh thêm. Ở Anh và Mĩ sự ưu tiên, ưu đãi, đặc biệt là dưới hình thức “điều tiết” cạnh tranh, “ổn định” giá cả và tiền lương trong một số lĩnh vực đã ngày càng trở thành quan trọng. Nhưng bất cứ sự bảo đảm an toàn nào cho một nhóm cũng sẽ làm gia tăng sự mất an toàn của những nhóm khác. Nếu bạn bảo đảm cho một người nào đó một phần cố định của một cái bánh thì phần chia cho những người còn lại sẽ thay đổi còn nhiều hơn cả sự thay đổi của chính kích thước cái bánh. Và như vậy là yếu tố chủ yếu nhất của sự an toàn mà hệ thống cạnh tranh cung cấp, tức là sự đa dạng của cơ hội sẽ càng ngày càng giảm đi.
Những cố gắng nhằm bảo đảm sự an toàn bằng các biện pháp bảo hộ, được nhà nước ủng hộ, cùng với thời gian đã tạo ra trong xã hội những biến dạng nghiêm trọng – những biến dạng đủ loại mà Đức là nước dẫn đầu và những nước khác đã đi theo. Quá trình này còn được lí thuyết xã hội chủ nghĩa thúc đẩy hơn nữa: cố tình miệt thị tất cả các hoạt động có dính dáng với rủi ro kinh tế và lên án về mặt đạo đức đối với những khoản thu nhập xứng đáng để mạo hiểm nhưng chỉ một ít người thành công.
Chúng ta không thể trách các bạn trẻ khi họ thích được an toàn, được ăn lương hơn là mạo hiểm kinh doanh vì ngay từ khi còn bé họ đã được dạy rằng viên chức hưởng lương là nghề cao sang, bất vụ lợi và không ích kỉ như các doanh nhân. Thế hệ trẻ hiện nay đã lớn lên trong một thế giới mà cả trường học lẫn báo chí đều tìm cách thoá mạ tinh thần cạnh tranh thương mại, đều coi việc kiếm lời là vô luân, coi việc sử dụng 100 người lao động là bóc lột nhưng chỉ huy một số người tương đương lại là vinh dự. Những người già hơn có thể cho rằng nói thế là phóng đại, nhưng kinh nghiệm tiếp xúc hàng ngày với sinh viên của tôi cho thấy rằng việc tuyên truyền chống tư bản đã làm cho các giá trị của giới trẻ thay đổi và việc thay đổi giá trị đã diễn ra trước khi có những điều chỉnh trong các thiết chế. Vấn đề là liệu khi điều chỉnh các thiết chế cho phù hợp với những đòi hỏi mới, chúng ta có vô tình phá huỷ các giá trị mà chúng ta vẫn còn đánh giá cao hay không.
Như vậy là chúng ta đang đối mặt với mâu thuẫn căn bản giữa hai kiểu tổ chức xã hội không đội trời chung, thường được mô tả như là thương mại và quân sự. Trong trường hợp thứ nhất, cá nhân được quyền lựa chọn và tự chịu rủi ro; trường hợp thứ hai, cá nhân được giải thoát khỏi cả hai. Trong quân đội, công việc và người công nhân đều do cấp trên chỉ định, đây là hệ thống duy nhất mà cá nhân được bảo đảm hoàn toàn về mặt kinh tế. Nhưng sự bảo đảm này lại gắn liền với những hạn chế về quyền tự do và hệ thống cấp bậc, nghĩa là sự an toàn của trại lính.
Trong xã hội đã quen với tự do, chắc chẳng có mấy người sẵn sàng đánh đổi sự an toàn với cái giá như thế. Nhưng chính sách đang được thực thi hiện nay sẽ nhanh chóng tạo ra những điều kiện mà ước muốn an toàn sẽ mạnh hơn tình yêu đối với tự do.
Nếu chúng ta không có ý định tiêu diệt quyền tự do cá nhân thì cạnh tranh phải được vận hành mà không gặp phải cản ngại nào. Cần làm tất cả để ai cũng được bảo đảm một mức mức sống tối thiểu, nhưng đồng thời xin được nói rằng tất cả những lời kêu gọi về đặc quyền an toàn của những giai cấp nhất định phải bị bãi bỏ, cũng xin loại bỏ ngay những lời biện hộ cho phép những nhóm nhất định ngăn cản những người mới chia sẻ lợi nhuận nhằm bảo đảm cho họ một lối sống đặc thù nào đó.
Dĩ nhiên là một sự đảm bảo thoả đáng dành cho những trường hợp thiếu thốn quá mức phải là một trong những mục tiêu chủ yếu của chính sách của chúng ta. Nhưng không có gì khủng khiếp hơn là cái mốt ca ngợi sự an toàn với cái giá phải trả là tự do của các “cây đa, cây đề” trong hàng ngũ trí thức. Điều quan trọng là chúng ta phải học lại để nhận chân sự thật rằng tự do có giá của nó và từng cá nhân phải sẵn sàng chấp nhận những hi sinh to lớn về vật chất để bảo vệ tự do.
Chúng ta phải tái khẳng định lại niềm tin và cũng là cơ sở của tư tưởng tự do trong các nước Anglo-Saxon, đã được Benjamin Franklin thể hiện trong một câu, có thể áp dụng cho từng cá nhân cũng như cho các dân tộc, như sau: “Người nào từ bỏ tự do thực sự để đổi lấy một ít an toàn tạm thời thì không xứng đáng được tự do, cũng chẳng xứng đáng được an toàn”.
Hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn
Muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn chúng ta phải có đủ dũng khí để làm một cuộc khởi đầu mới. Chúng ta phải dọn sạch những cản ngại mà con người đã dựng lên trong thời gian gần đây và phải giải phóng năng lượng sáng tạo trong từng cá nhân. Chúng ta phải tạo điều kiện có lợi cho sự tiến bộ chứ không phải có lợi cho “lập kế hoạch cho sự tiến bộ”. Những kẻ kêu gào “kế hoạch hoá” nhiều hơn nữa không phải là những người dũng cảm, những kẻ tuyên truyền “Trật tự mới” cũng chẳng làm gì khác hơn là bắt chước Hitler, tức là tiếp tục những xu hướng từng diễn ra suốt 40 năm qua. Trên thực tế, những kẻ kêu gọi kế hoạch hoá to mồm nhất lại là những kẻ chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất những tư tưởng đã phát động cuộc chiến tranh với biết bao những sự khủng khiếp mà nó gây ra cho chúng ta. Nguyên tắc dẫn đạo trong việc xây dựng một thế giới với những con người tự do phải là: Chính sách bảo đảm tự do cá nhân là chính sách duy nhất đúng.
Bản tiếng Việt © 2007 talawas | Edit: THĐP