19.6 C
Da Lat
Thứ Hai, 28 Tháng 7, 2025

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 221

Khổ đau là kho báu

30

Trong cuộc sống, người ta có thể dùng tiền để mua được những trải nghiệm thú vị, sảng khoái cho chính mình, nhưng những trải nghiệm khó chịu dường như lại là miễn phí. Nó thường tự rớt xuống đầu và khiến bạn trở nên điêu đứng, mệt mỏi. Vì sao mệt mỏi ư? Vì con người thường thích những trải nghiệm vừa ý, dễ chịu và ghét bỏ, né tránh hoặc cố gắng tìm cách chống cự lại những trải nghiệm đau đớn xảy đến trong đời mình. Nhưng thật sự khi nói về những điều đau khổ đó thì chúng lại đáng được hoan nghênh, trân trọng và khiến chúng ta tự hào hơn bao giờ hết. Nó là một kho báu khó lòng mua được bằng tiền.

1. Nỗi đau là một trải nghiệm, là cơ hội để bạn trở nên hoàn thiện hơn so với ngày hôm qua

Vì khi cảm nhận đau khổ, bạn được nhìn lại chính mình một cách rõ ràng hơn, nhìn lại rằng trong thâm tâm bạn còn điều gì bám víu, để khi cuộc sống không như ý muốn bạn lại phải chịu đựng những gánh nặng như vậy. Cảm xúc tiêu cực chính là dấu hiệu rất chính xác để con người nhận biết rằng có điều gì đó chưa ổn trong suy nghĩ và cách cư xử của bản thân. Nỗi đau là cơ hội cho một người có ý thức quay về bên trong để tìm ra điều gì là tốt nhất cho chính mình và điều gì nên buông bỏ.

“Thượng Đế dìm người xuống nước sâu, không phải để làm cho họ chết đuối mà là để rửa sạch họ” – Colston

Đó là lý do tại sao người tu tập cần thường xuyên quan sát chính mình. “Tu” chính là sửa chữa, nếu không nhận biết được mình đang như thế nào thì sửa sao cho nổi. Còn đối với những người vô thức, họ cần nỗi đau như một cú giáng mạnh để tỉnh dậy, quay về với bản thân dù chỉ là trong phút giây ngắn ngủi. Ở cuộc đời này, liệu có mấy kẻ nở hoa mà chưa từng đi qua mưa bão?

2. Những vết thương, vết sẹo khiến bạn trở nên là duy nhất

Niềm hạnh phúc có thể giống nhau nhưng nỗi đau thì chẳng hề trùng lặp. Giống như chỉ tồn tại một ngọn núi để mọi người leo tới, nhưng dưới kia có biết bao nhiêu con đường chông gai mà mỗi kẻ đặt bước một nẻo vào. Như Goethe, một trong những vĩ nhân trong nền văn chương thế giới, đã từng nói:

“Trí tuệ con người trưởng thành trong tĩnh lặng còn tính cách trưởng thành trong bão táp.”

Chắc chắn, một người đi qua khổ đau sẽ có thái độ phản ứng trước cuộc sống khác hoàn toàn với một người chưa từng nếm trải những điều đó. Nó tạo nên bản sắc riêng cho từng cá thể mà sẽ không thể tìm được ở bất kỳ một ai khác. Hơn nữa, nếu bạn đã từng nếm trải những gian truân, hãy thử tìm lại những bức ảnh của mình trước kia khi vẫn còn “lành lặn”, “an toàn” và so sánh chúng với những bức ảnh bây giờ. Nét mặt, chính xác hơn là thần thái của bạn khác hẳn so với trước đó, dù khoảng thời gian có thể chỉ là một vài tháng. Sự từng trải hiện lên trên đôi mắt bạn, trên cách bạn mỉm cười. Với những trải nghiệm khác nhau, mỗi người sẽ “lấp lánh” với cường độ và hình thức khác nhau. Khổ đau đã làm nên con người bạn.

Một người khi vượt qua càng nhiều thử thách trong cuộc sống thì sẽ càng biết trân quý cuộc đời. Họ biết rằng không có phút đau đớn chia ly thì cũng không có khoảnh khắc hân hoan gặp mặt, không có nỗi thất vọng khi sự việc không thành thì cũng không có hy vọng cho một khởi đầu mới, và không có nỗi sầu khổ tận cùng thì cũng không có ngày sướng vui hạnh phúc. Họ nhìn thấy giá trị của nghịch cảnh nên sẽ thấy được sự quý báu của cuộc đời và sự may mắn của bản thân. Người thành công trong cuộc sống biết cảm ơn những thất bại và những cơn bão lòng họ đã từng nếm trải.

Cùng một nỗi đau, nhưng có kẻ nhìn nó như liều thuốc độc để rồi chết dần chết mòn theo ngày tháng. Nhưng có kẻ nhìn nó như chiếc đòn bẩy để giúp mình bật xa hơn về phía trước. Cuộc đời cho chúng ta đau khổ để lụi tàn hoặc để vươn dậy mạnh mẽ hơn. Vậy nên con người thường phải nếm mùi vị “bị đời ghét bỏ” trước khi thấy “yêu đời tha thiết”.

3. Kẻ đã nếm nhiều đau khổ sẽ có được khả năng đồng cảm hơn với những người xung quanh

Xã hội ngày nay đã có biết bao nhiêu người bất mãn từ bỏ gia đình, ước mơ và cuộc sống; bên cạnh đó là không biết bao nhiêu lời than thở, phán xét, chỉ trích lẫn nhau đầy căng thẳng. Những kẻ không hiểu mình thì cũng chẳng thể hiểu người. Vì rằng mỗi cá thể là duy nhất nhưng về bản chất, chúng ta đều như nhau – đều có những góc tối lẩn khuất trong tâm hồn. Vậy nên khi một người đã từng kinh qua màn đêm nội tâm đó, họ hiểu biết được chính mình và có khả năng đồng cảm với những số phận đã và đang trải nghiệm điều tương tự.

Một người đã từng trượt đại học sẽ hiểu được nỗi đau của những sĩ tử khi nhận giấy báo thi rớt. Một người mất cha, mẹ mới thấm được sự cô đơn của những đứa trẻ mồ côi. Một kẻ đã nếm vị thất tình sẽ hiểu được một người đang quằn quại vì mới chia tay bóng hình anh ta yêu dấu. Liệu con người còn cần gì hơn sự cảm thông khi chung sống với nhau?

Mọi sự thờ ơ, xa lánh, xích mích, căng thẳng, đổ vỡ đều xuất phát từ sự thiếu đồng cảm, chia sẻ lẫn nhau đó. Sự đồng cảm cao nhất thường xuất hiện ở hai người cùng chung cảnh ngộ. Khi bản thân chúng ta chưa thật sự trải nghiệm thì ngôn từ hay hành động sẽ khó có thể chạm tới được trái tim của người khác chứ chưa nói là có thể xoa dịu hay chữa lành cho họ. Vậy nên, hãy lấy làm may mắn khi chúng ta đang nếm trải nghịch cảnh, đó là một trong những chiếc chìa khóa giúp bạn chạm tới nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn mọi người – những nỗi đau.

Vâng, nếu bạn đang chịu đựng những điều điêu đứng, khốn khó, hãy ngừng than vãn và khóc lóc đi vì bạn đang nắm trong tay một kho báu vô giá mà cuộc đời đã ưu ái dành tặng. Hãy dùng nó để “làm giàu” con người của chính mình và để học cách yêu thương lẫn nhau. Cuộc đời không ngu ngốc đến mức tự ném cho bạn một mớ rắc rối chết tiệt để bạn phải hờn ghét nó đâu. Chúc các bạn tận hưởng ngày khổ đau vui vẻ! 😀

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Featured image: Free-Photos

 

Bạn thực sự có thể làm được gì?

Bạn thực sự có gì? Và bạn thực sự có thể làm được gì?

Đa số con người đều nghĩ rằng mình đang nắm giữ một vài thứ gì đó trong cuộc đời. Ít nhất cũng phải có nơi ở, gia đình, bạn bè, vật sở hữu cá nhân… Phần lớn chúng ta định nghĩa bản thân mình bằng những thứ đó.

Và tôi muốn đặt ra câu hỏi rằng có thực sự ta sở hữu những thứ ta nghĩ mình đang có? Câu hỏi nghe có vẻ khó hiểu, ta có tức là ta đang sở hữu đấy thôi, nhưng vấn đề là không phải ai cũng biết họ đang có thứ họ cần, không phải ai cũng biết sử dụng thứ họ có. Nó ở ngay trước mắt đấy, ngay dưới chân đấy mà có chịu nhìn, có chịu cúi xuống nhặt lên đâu.

Theo quan điểm của Phật giáo thì cuộc sống là tạm thời, là vô thường, không thể nắm bắt… Thật ra, tôi không đề cập đến điều này trong bài viết. Câu trả lời của riêng tôi là chúng ta vừa có lại vừa không có. Có mà không biết mình đang có, mình không có lại nghĩ là mình có. Chính vì câu trả lời mang vẻ “sắc sắc không không” này nên tôi muốn làm rõ điều đó để tránh hiểu lầm.

Theo quan điểm của tôi, nếu muốn đi tìm mục đích cuộc sống, hay là để định nghĩa bản thân, hay có thể nói là muốn sống một đời hạnh phúc thì không chỉ nên xem xét xem bạn có gì hay không có gì, bạn có nên so sánh hay không nên so sánh, mà còn phải xem bạn có thể làm được cái gì?

Tôi biết có nhiều người sở hữu đủ các thứ trên đời, may mắn hơn nhiều người, tài giỏi hơn nhiều người, dung mạo xinh đẹp hơn nhiều người nhưng vì sao họ vẫn luôn cảm thấy không đủ? Vì sao họ tự tin đến vậy, hài hước đến vậy, học rộng đến vậy lại tìm đến cái chết xem như là sự giải thoát cuối cùng cho những nhọc nhằn mệt mỏi thế gian? Họ có biết rằng họ có mọi thứ bao con người ao ước không? Vậy thì rốt cuộc con người đó có hay đang không có thứ mà mình sở hữu? Người chết họ để lại câu hỏi lớn mà những người ở lại không bao giờ biết được câu trả lời.

Có những đứa trẻ sinh ra vốn không hề có cha mẹ. Em gọi nơi em được nuôi nấng là nhà, gọi những người chăm sóc em là cha mẹ, gọi những người cùng cảnh ngộ với em là anh chị em. Nhưng sự thực là em không có nhà, không có cha mẹ, không có anh em… Em có biết điều đó không? Em biết chứ, biết ngay từ trong bản năng không cần ai phải nói ra. Nhưng em vẫn có những giây phút hạnh phúc, vẫn có tình yêu (những nơi họ thực sự yêu thương các em), vẫn cố gắng nương nhau mà sống, có đau khổ đấy nhưng rồi vẫn cười, vẫn vô tư.

Vậy thì em có được xem là mình có gia đình không? Có anh chị em nâng đỡ nhau hay không? Có cha mẹ thương yêu hay không? Các em có biết ơn tất cả những điều các em đang có hay không?

Lại có những người giàu có, dư dả nhưng thà là cứ xài bậy bạ phung phí còn hơn là cho không ai một cắc. Cũng có những người thiếu thốn, tiết kiệm là vậy nhưng thực ra rất tốt bụng. Vậy thì ai giàu có hơn ai?

Bạn thực sự có gì? Đây là một câu hỏi thụ động. Thử nghĩ xem, bạn có thể đếm được cá ngoài đại dương không? Nhưng cá trong ao thì dễ dàng. Bạn có thể đếm được vì sao cả một bầu trời không? Từ bên dưới đáy giếng thì quá đơn giản. Đừng chỉ tự hỏi mình thực sự có gì, ta chỉ có thể đếm được những thứ đã bị ứ đọng và trì trệ, những thứ đã bị giới hạn. Hãy tự hỏi bản thân thực sự có thể làm được gì, bởi vì khả năng con người là vô hạn. Đừng làm cá chép, hãy hoá rồng. Và làm ngay đi.

Đôi khi tôi có cảm giác mình cô đơn quay quắt, càng cảm thấy mình cô đơn đến hãi hùng khi tôi đọc phần tác giả viết về cha mình trong “Khởi Sinh Của Cô Độc“. Ông già sống như một bóng ma vất vơ vất vưởng, hoặc cũng có thể nói ngược lại là ông đã chết rồi trở thành xác sống biết đi. Cái nào cũng đúng, ông già thậm chí còn không có nổi một ý định tự tử, người đã chết thì đâu thể chết thêm lần nữa. Thế là tôi tỉnh ra, tôi không muốn mình trở thành loại người như ông già đó. Rồi tôi đi tập thể dục. Vậy thôi, đơn giản mà hiệu quả. Tôi bây giờ mới thấm thía câu “bình thường là đạo”.

Ừ thì ai rồi cũng chết, thì ai cũng cô đơn, ai cũng đau khổ, đời là thế này thế kia… Ừ, nó là vậy đó nhưng mà tôi phải lo lấy được cái chứng chỉ Toiec đã rồi tính sau. Tôi biết con người là độc ác, cuộc đời là bể dâu nhưng mà tôi thực sự bận lắm không hơi đâu mà nhỏ nước mắt sụt sùi những chuyện đó, tôi phải đi học, đi làm kiếm tiền lo cho tôi, cho gia đình, đóng thuế cho nhà nước rồi dư dả thì làm từ thiện, giúp đỡ người bất hạnh, trẻ em mồ côi…

Nếu các bạn thực sự quan tâm đến cái đất nước này thì hãy xách đít lên mà làm. Hành động định nghĩa con người của chúng ta chứ không phải là những gì thứ chúng ta có hay là những thứ chúng ta chỉ mới biết. Chỉ biết thôi thì chưa đủ đâu, “có làm thì mới có ăn”, phép màu thực sự không phải là việc hô phong hoán vũ mà là sống có thanh thản hay không, đêm về ngủ có ngon giấc không, tâm hồn có an bình hay không, đã làm hết nhiệm vụ của ngày hôm nay chưa, cười có chân thành hay không, hôm nay có hơn ngày hôm qua hay không…

Bạn thực sự có thể làm được gì và đã làm được gì? Tôi tôn trọng điều đó hơn hết thảy.

 

Quyên Quyên

Bài học của kẻ ngã ngựa

Featured Image: Claudio Lara

 

Bốn năm một lần, World Cup lại đến. Đúng như sự chờ đợi, không khí năm nào cũng rộn ràng xem như cái “tết chung” của toàn thế giới. Và năm nào cũng thế, hễ cứ xong một trận người ta lại lao vào bình luận, rất nhiều bài học được đưa ra mỗi năm một kiểu và tùy vào từng trận.

Thế nhưng, có một “bài học” mà năm nào cũng có, một “bài học” mà bên ngoài trận đấu những kẻ ở cách nửa vòng trái đất “ban phát” cho những người thua cuộc: Bài học của kẻ ngã ngựa.

World Cup 2014 đi được gần nửa vòng bảng, những bất ngờ bóng đá đã xảy ra như chuyện thường ngày ở huyện

Mở đầu là anh Tây Ban Nha bại trận với người Hà Lan với tỷ số 1-5. Nhớ khi trận đấu chưa bắt đầu, khi mà hào khí người Tây Ban Nha còn vang bóng ở World Cup 2010 thì anh bình luận viên (trên tivi) anh phóng viên (trên báo) khen họ không tiếc lời. Nào là họ là ứng viên vô địch, nào là đội hình trong mơ, nào lối đá tiki taka đẹp mắt. Điều này vẫn kéo dài cho đến tỉ số 1-0 khi Tây Ban Nha dẫn trước.

Rồi cũng chính anh Tây Ban Nha khi bắt đầu bị gỡ hòa, bị dẫn bàn, rồi thua một cách oanh liệt bởi những người Hà Lan chơi hay hơn. Lúc này, chính anh bình luận viên đó (và anh nhà báo đó) lại quay ngoặt 180 độ, cho rằng cơn lốc đã cuốn phăng bò tót, Tây Ban Nha đã hết thời, lối đá tiki taka đã thoái trào.

Mới đây, trận cầu giữa Bồ Đào Nha và Đức lại “kinh điển” hơn nữa. Khỏi phải nói trước trận đấu, anh bình luận viên (và các anh nhà báo) kỳ vọng và khen ngợi Ronaldo như thế nào. Nào là CR7 sẽ ná pháo, sẽ là người hùng….

Và rồi, khi người Bồ thua đậm 0-4, thì chính CR7 thành “kẻ ngã ngựa” và tất nhiên bình luận viên (và mấy anh nhà báo khác) thi nhau “dằn mặt” kẻ ngã ngựa này. Nào là Rô điệu trở nên bạc nhược, CR7 không phải là người Bồ. Rồi chính đồng đội anh Pepe khi nhận thẻ đỏ rồi bị xem là: “Bồ Đào Nha có thể mất tên đồ tể ngu xuẩn Pepe.”

Bởi thế, xem World Cup với một người như tôi bỗng dưng… hoang mang. Bởi kiến thức thể thao của tôi không nhiều nên đặt hết niềm tin vào anh bình luận viên (và các nhà báo thể thao), nhưng chính họ lại thay đổi chính kiến nhanh quá. Tôi theo không kịp.

Rồi chính những anh bình luận viên và nhà báo thể thao đã cho tôi “bài học” về chuyện trong đời: Khi bạn ngã chắc gì người đời đỡ bạn đứng dậy. Mặc dù trước đó họ rất yêu thương bạn bằng lời chót lưỡi đầu môi.

Khi bạn ngã thì người ngoài cuộc đinh ninh là chính lỗi của bạn. Bạn phải ôm trọn lỗi kia về mình, càng biện hộ bạn càng bị “ném đá”. Tôi cứ nghĩ linh tinh, trong bóng đá cũng như cuộc sống, mỗi người cần phải có những sai số. Nhưng cần tuyệt đối trung thành với chính kiến của mình.

Nhưng xem World Cup thì ngược lại, bao năm nay cứ nguyên tắc: Thua là giặc và nên ào theo đội thắng. Bóng bên sân nào thì “cuốn theo chiều gió” đó, khi bóng lăn sang bên sân kia thì phải quay ngoắt, đổi chiều ngay và luôn. “Vâng đội X đang thể hiện sức mạnh của mình” “Không được nữa rồi, tuổi tác, vâng quả thực tuổi tác đã khiến đội X” “Cầu thủ Y hôm nay trở nên bạc nhược, anh đang đánh mất mình…”

World Cup 4 năm một lần, mỗi mùa lại mang cho người hâm mộ những cảm xúc khác nhau. Thế nhưng, có một điều bao năm nay ở Việt Nam vẫn không thay đổi, đó chính là “tâm thể” của những kẻ sẵn sàng quật ngã các cầu thủ sau trận đấu.

 

Đức Lộc

Tuổi 24 – Tôi hài lòng với cuộc sống chỉ toàn tiếng cười chê

Featured Image: Anh Tu Nguyen

Nhớ ngày đó – cái hồi mà cả khối 12 nhốn nháo loạn xị cả lên để tìm trường đăng ký thi đại học, có một TÔI sức học khá, thuộc TOP lớp chứ chả đùa, chẳng phân vân đặt bút đánh roẹt vào một trường dễ tính tới mức chẳng cần phải thi, chỉ cần xét tuyển cũng đủ đậu, chỉ vì trường đó có cái ngành “nghe tên thấy hay hay”. Sau đó, dĩ nhiên tôi tiếc nuối, vì khi nhìn thấy số điểm dư vào Đại học Kinh tế lừng danh bao người thèm muốn mà không thể học, nhìn ra sự bồng bột của mình, bỏ trường dân lập với cái ngành có tên hay hay, tôi vào học một trường cao đẳng cũng khá có tiếng, chuyên ngành marketing mà lúc đăng ký cũng chỉ vì tụi bạn kêu “ngành này hợp với mày nè”…

18 tuổi – không biết có ai cười tôi không, nhưng có tôi tự cười chính mình, cười sự bồng bột dễ dãi và vô định hướng với tương lai của bản thân.

Ơn trời, tôi không hối hận khi học ở đây, lịch học khá dễ chịu và thoải mái nên tôi có thể làm bao điều thú vị mà cô bạn thân học đại học kinh tế không thể làm vì lịch học thi bù đầu bù cổ.

Rồi tôi tốt nghiệp, trong khi bạn bè rục rịch đi làm hồ sơ xin việc, vui mừng thoát khỏi kiếp sinh viên để nhào vào đời. Tôi cũng hớn hở bước qua một giai đoạn mới, nhưng không đi làm như các bạn, tôi kiên quyết xin ba mẹ cho về quê mở shop thời trang, việc mà người ta vẫn gọi bằng mỹ từ sang chảnh “theo đuổi đam mê”.

Bạn bè nhìn tôi với nửa con mắt, như xem thường, tự nhiên học cho đã xong về quê buôn bán. Tôi biết dù không nói ra nhưng tụi nó chắc có nhắc đến tôi như một ví dụ về quyết định nhảm nhí, khùng điên. Mà nếu chỉ bạn bè không thì đỡ, đằng này cả ba mẹ tôi cũng phản đối. Ba thì muốn tôi đi làm công việc văn phòng cho nhẹ nhàng, lịch sự. Mẹ thì không muốn cho tôi mượn một số vốn lớn để bắt đầu vì tôi chỉ như một đứa trẻ học đòi, ngựa non háu đá… Thế đấy, theo đuổi đam mê vất vả quá, tôi mất cả tháng trời để tìm hiểu, để lập kế hoạch, để thuyết phục ba mẹ cho mượn vốn, cuối cùng ba mẹ cũng chấp nhận, với điều kiện, nếu thua lỗ hết thì sẽ bị trừ vào số tiền hồi môn sau này. Sặc. Thế là tôi bắt đầu.

21 tuổi – Tôi bị bạn bè bĩu môi xem thường và bị ba mẹ thở dài thất vọng về quyết định của mình

Sau một năm, mọi thứ ổn định, tôi hoàn trả lại vốn cho ba mẹ đầy đủ và bắt đầu có một số vốn riêng. Lúc này tiếng nói của tôi bắt đầu có trọng lượng, nhưng ba mẹ vẫn chưa hài lòng. Tôi vẫn được nghe kể những câu chuyện đại loại như: Con bà A làm cho công ty quảng cáo suốt ngày mang dầu ăn, xà bông, hạt nêm về xài vài tháng không hết, con ông B làm cho công ty kia cuối năm được đi du lịch nước ngoài tận… Trung Quốc, con cô C làm ngân hàng được thưởng này nọ dịp cuối năm… Lần nào vô tình gặp các cô bác hàng xóm tôi cũng được nghe câu: “Giờ cháu làm gì rồi? À vậy à, sao cháu không đi làm? Không xin được việc à? Con cô giờ mới dô công ty này. Con chú giờ đang đi công tác kia…” Tôi chẳng hỏi họ cũng tự trả lời. Ai quan tâm chứ?

Thật là phát điên, người ta tự hào về con họ tôi không quan tâm nhưng cảm giác ba mẹ thất vọng về mình thật tệ, nhất là khi tôi là đứa được kỳ vọng vì những thành tích đẹp đẽ suốt những năm học phổ thông.

Thế là tuổi 22, tôi không bị bạn bè hay ba mẹ chê cười, mà bị những bậc phụ huynh khác xem thường một cách đầy ẩn ý, nhiều khi là ra mặt. 2 năm tiếp theo bắt đầu tuyệt vời hơn, tôi tạo cho mình một cuộc sống hoàn hảo và thường xuyên update điều đó lên facebook, cách nhanh nhất để mọi người biết về thực trạng của bản thân. Vì làm tự do, lại ở một mình, tôi thích ngủ dậy lúc nào thì dậy, thích ăn gì thì đi ăn liền, mỗi sáng cafe thư thả, mỗi tối đi dạo bờ hồ, đi ăn những món ngon, tụ tập bạn bè, cả ngày bận đồ đẹp ngồi chat chít, soi gương, một vài tuần lại về nhà ba mẹ ăn uống với cả gia đình, tặng quà cho ba mẹ, 1 vài tháng lại đi du lịch đâu đó có khi trong khi ngoài nước, rồi mua thứ này sắm thứ kia, mở thêm vài cửa hàng mới cho các chị em trong nhà cùng làm…

Ba mẹ dường như đã chấp nhận việc tôi “thất nghiệp” và hình như cũng có chút hài lòng

Lúc này, bạn bè tôi bắt đầu bị cuống vào vòng xoáy kinh tế suy thoái, rồi những lời ủ ê, than vãn ngập tràn facebook, không còn thấy vẻ nhiệt huyết với công việc như hồi mới ra trường. Nhiều bạn bắt đầu nghĩ tới việc kinh doanh riêng, dù là về quê mở tiệm hay làm online tay trái, họ tìm đến tôi để hỏi những lời khuyên và kinh nghiệm, dĩ nhiên, tôi rất vui vì điều đó, và với ai tôi cũng sẽ hỗ trợ hết mình, chia sẻ mọi điều tôi biết, vì thật lòng, tôi cũng mong họ thành công. Cũng có khi tôi được khen, được ai đó nói rằng tôi thật giỏi và họ rất nể phục. Ôi, thật là hạnh phúc khi được nghe điều đó, mặc dù công việc của tôi đã gặp nhiều khó khăn lắm đấy, và hiện tại tôi vẫn đang tìm cách xoay xở với khó khăn mỗi ngày. Nhưng tôi không nhận mình tài giỏi, tài giỏi gì khi nhìn ra bên ngoài, mình chỉ là cái đinh gỉ, nhưng tôi có thể nhận mình liều, liều vì khác biệt, vì không bị cuốn theo bất cứ một quy trình nào mà định kiến áp đặt.

Mấy ngày qua bạn bè khoe hình tốt nghiệp liên thông đại học kinh tế, tôi nhìn cũng có chút ghen tỵ, nhưng tấm bằng, đối với một người yêu những việc không theo khuôn khổ như tôi mà nói, gần như không có giá trị gì. Ngoại trừ việc tôi muốn có nó, để lên tiếp thạc sĩ, để có thể đi giảng ở trường nào đó, gõ đầu trẻ, như một đam mê khác giấu kín từ lâu.

Và rồi thì 24 tuổi, tôi gần như có những thứ rất nhiều người khác mong muốn: cuộc sống tự do thoải mái, tự lập với những cửa hàng riêng, và những chuyến du lịch dài ngày.

24 tuổi – tôi đã và biết mình sẽ bị cười nhạo cho thối mũi, nếu mọi người biết ý định của tôi – từ bỏ tất cả những điều tuyệt vời đó, để xuống lại mảnh đất Sài Thành nhộn nhịp, bắt đầu những công việc mới, những dự định mới, kế hoạch mới, to lớn hơn, viễn vông hơn và tất nhiên, thử thách hơn nữa. Hoặc là, cũng từ bỏ tất cả lại đó, tiến ra Hà Nội, làm một công việc thú vị mà tôi mới tìm được, thử thách bản thân ở một môi trường xa lạ.

24 tuổi – tôi lại tự cười bản thân vì bản tính lỳ lợm, ưa thử thách, không biết điểm dừng của mình. Những ai biết ý định sẽ cười vì tôi tham lam và hình như hơi ngu ngốc, ba mẹ tức giận không hiểu tôi đang nghĩ cái quái gì? Đi đi ở ở, đúng là “đồ tuổi ngựa”.

Thế đấy, từ đầu tới cuối, những bước ngoặt cuộc đời của tôi, toàn những việc không được ai ủng hộ, toàn những thứ lạ lùng đi ngược dòng người xung quanh. Nhưng tôi hài lòng, thế giới này được bao nhiêu người hài lòng với cuộc sống của họ? Tôi cảm thấy may mắn hơn những người khác, vì luôn hài lòng với những quyết định có phần lạ lùng của bản thân. Vì, giữa hàng ngàn niềm tin bủa vây xung quanh tôi mỗi khi phải ra quyết định, tôi chọn cách tin vào chính bản thân mình. Và tôi chưa từng phải hối hận. Dù cho có nhiều lúc mỏi mệt muốn buông tay.

Vậy nên các bạn ơi, đừng sợ hãi, đừng tức giận khi bị người khác chê cười. Vì đôi khi họ cười đó, nhưng trong thâm tâm, họ khao khát được dại dột, được xông pha như những người mà họ chê cười. Bởi vì, có gì hiệu quả hơn để che giấu cảm xúc cho bằng một nụ cười?

“Thứ duy nhất khiến cuộc sống này trở nên đáng giá, là vì nó không kéo dài mãi mãi. Chính vì cuộc sống của chúng ta có thể kết thúc bất cứ lúc nào, nên làm ơn, đừng lãng phí thời gian sống cuộc đời của người khác, hãy sống cuộc đời của chính mình, bạn sẽ không hối tiếc…”

Đây hẳn là một câu nói quen thuộc ai cũng biết, nhưng nó chưa bao giờ lỗi thời, đúng không?

 

Phi Tuyết

Chuyện ba tui

Featured Image: Cisco Image

 

Nói chớ với tui, tìm được cái hay, cái đáng quý, cái đẹp của mẹ thì dễ chứ nói khen ba tui thì khó quá chừng. Tại ổng hắc ám, ổng gia trưởng, ổng hay la hay mắng, hay nhậu nhẹt, hay ép anh em tui ngủ trưa dù chẳng có xíu buồn ngủ nào, khó thiệt…

Thôi thì kiếm chỗ mà khen, chứ chê hoài sao đặng, với thiệt ra ổng cũng có nhiều chỗ đáng khen lắm ấy chớ, chỉ là ít ai nhìn thấy, hiếm ai hiểu được mà thôi à.

Ông là lính đi Campuchia về, học hết lớp 11 đã phải nhập ngũ, nên điều nuối tiếc nhất của ông là không hoàn thành hết chương trình học phổ thông, và không được học đại học. Mẹ tôi thì có lên đại học, sau khi cưới nhau về, sáng bà đi làm, tối bà đi học văn bằng hai để lấy kiến thức về kinh tế, về quản trị, rồi bà khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng, bà bảo:

“Mẹ, ổng cứ nghĩ tao làm được của ăn của để, còn ổng về hưu sớm không kiếm được nhiều tiền nên coi thường ổng, lại thêm mấy thằng bạn ổng cứ bơm đểu nên cứ về gây sự. Chứ mẹ nói con nghe, nói gì thì nói, ngày xưa mẹ đi làm đâu có bao nhiêu tiền đâu, một tay ổng nuôi mẹ ăn học mới có được ngày hôm nay đó.”

Buồn cười nhất là chuyện má tui khen ba tui mà ổng không biết, cứ hậm hực, buồn bực chi không biết nữa…

– Ba ơi, sao không mua cho con xe đạp mới, xe này đi cả 2 năm rồi, cũ và đi ê mông lắm.
– Đi xe đạp cũ, bọn ăn trộm ăn cắp mà nó lấy, nó lấy mấy cái xe đẹp đẹp trước, dốt ạ.
– Dạ…

“Tao hút thuốc nhiều để bọn mày thấy bọn mày khó chịu, ghét nó, sau này khỏi hút, thấy tao hay không?”
Đệch, cũng chỉ là lý do thôi, mà ít nhiều gì ổng thành công trong việc khiến tôi ghét khói thuốc thật, chẳng bao giờ muốn thử nó cả.

“Tao nói mày nghe, mẹ mày cứ khinh thường tao, chứ ngày xưa không có tao thì không có cái nhà này đâu, hồi đó bả muốn mua miếng đất kia kìa, mà tao không cho, tao bảo phải mua cái này, thế mà giờ hóa ra lại hay.”

Năm lớp 12, tui gặp một chút rắc rối trong suy nghĩ, tình cảm (đệch, ghét chuyện tình cảm thế nhỉ!), thế là học hành cũng sa sút, chẳng phải đổ lỗi gì nhưng sự thật nó thế, mẹ tôi thì nổi cáu lên, la la mắng mắng, ba tôi thì lại tới đồng cảm, sẻ chia, 2 người cứ như kẻ đấm người xoa ấy, mà lại đổi vai nữa chứ, bình thường ba thì làm ầm lên, mẹ mới là người xoa, phối hợp kinh thặc…

“Thôi mày lo học đi con ạ, như ba này, vì giờ không có cái bằng đại học nên chẳng lên cao được, giờ có muốn đi học cũng quá tuổi rồi. Dù sao cũng học vì mày thôi, mày học không được thì về nhà bốc vác, cũng chẳng chết được, tùy mày.”

“Ba chuyển tiền rồi đó, kiểm tra đi nghe…”

“Được bữa ba mày đi công tác, ra ngoài ăn đi mấy đứa, ổng ở nhà đâu có cho đi ăn tiệm đâu, với mẹ cũng lười nấu nữa, đi đi…”
Tui lây cái tính lười từ mẹ tui đó, hông phải bản tính đâu, chính bả cũng nói ‘sao mày giống cái gì không giống, giống mẹ ở cái bệnh lười hả con’ mà…

“Ba mày dạo này biết sợ rồi, bác sĩ nói nên sợ, ít rượu bia thuốc lá lại, cũng đằm tính đi rồi, ở nhà cũng vui vẻ hơn, mày đừng lo nghe con.” – mẹ tôi.

Còn nhiều nữa, cơ mà dài rồi, tui chỉ muốn nói là, ba tui cũng hay đấy chớ, nhờ…

À, tôi đã nói là ba tôi mới là đầu bếp chính trong nhà chưa nhỉ, ổng nấu ngon lắm đó…

Dear father’s day

Ưng Đen

Cân bằng

Featured Image: Nguyễn Quỳnh Anh

 

Nghĩ nhiều mãi cũng mệt
Nói nhiều mãi cũng nhàm
Làm nhiều mãi cũng nản
Phải biết nghỉ ngơi thôi.

Đi nhiều mãi cũng mỏi
Thấy núi mãi cũng chán
Ngắm biển mãi cũng buồn
Phải về đồng bằng thôi.

Thương hoài sẽ phiền muộn
Yêu hoài sẽ nhạt nhòa
Nhớ hoài sẽ phôi pha
Phải cần có khoảng trống

Cuộc đời này ngắn lắm
Chỉ sống một lần thôi
Sống sao cho thư thái
Như nước dòng sông trôi

Có gì đâu mà vội…

 

Julia Le

Em có mệt không em?

Feature Image: Richard Gaston

 

Em có mệt không em?
Khi em cứ chạnh lòng vì những điều nhỏ nhặt
Em phải hiểu rằng cuộc đời không phải là những câu chuyện cổ tích
Nên em đừng tự làm khổ bản thân mình…

Mỗi sớm mai em có thể chào đón ánh bình minh
Đó là một hạnh phúc mà nhiều người mong ước
Em có thể tự do với đôi chân trên đường đời xuôi ngược
Em rất hạnh phúc, phải không em?

Hạnh phúc đơn giản chỉ là những que kem
Có người thích kem vào mùa hè, có người thích khi mùa đông lạnh giá
Như những người chỉ mong mỏi khám phá miền đất lạ
Có những người chỉ hạnh phúc khi được sống ở một nơi thân thuộc và bình yên…

Cuộc sống không công bằng với tất cả đâu em...
Chỉ cần em hài lòng với những gì em đang có
Và em hãy cố gắng hết mình để thay đổi những gì em mong muốn
Và em sẽ thấy rằng hạnh phúc rất giản đơn…

 

Một Đời Quét Rác

Ký thác một nỗi buồn gần

Featured Image: Ibai Acevedo

 

Ừ thì hoa vẫn vàng
Ừ thì nắng vẫn trong
Ừ thì em vẫn chưa qua đời
Ừ thì góc phố vẫn xanh ngời
gió lay...
Rồi tháng 5 đã tàn
rồi chiều hôm nắng phai
rồi thì em hát câu không lời
rồi ngoài kia gió mưa tơi bời
bóng mình di mê
Rằng mùi hương thoáng bên khung rèm
rằng bóng đêm ốm đau khù khờ
bài thơ đã tử nạn trên nghĩa trang hồi ức
linh hồn thối rửa bóng đè
nghe ngày rực rỡ tiếng ve
nghe ngày khép lại đêm mê
bài Thánh ca đã úa màu
mùa hè sang với những chiếc lá âu sầu
bóng mình đi vắng
Em về xếp những cơn mưa nằm ngay ngắn
nghe thời gian phủ bụi ố bàn chân
nghe màu rêu đi lạc
ký thác nỗi buồn gần.

Phương Uy
09.06.2014

Tìm sợi nắng ân cần, treo ngược nỗi buồn tênh

Featured Image: Nicholas Lau

 

Ta đã buồn. Như một vì sao
Có những đêm lung linh
và những ngày lịm tắt
Những man di thét gào
và những kềm lòng không thật
Như buổi mưa chiều.
Bỗng thấy mình dáo dác tìm ai

Ta đã buồn. Như một hoàng hôn
Tím chân mây. Tím thẫm đường về
Có ngọn núi nào bạc màu trong sương trắng
Heo hút đầu rừng. Cánh hoa vàng
Nghe tan tác chiều buông

Ta đã buồn như một mùa đêm
Bóng thân quen, phút chốc… hóa ngại ngần
Có bàn tay nào
quên nhau trong thinh lặng
Đêm đổ mưa nguồn
Nghe giọt đắng tràn ly

Ta đã buồn. Như một sớm ngày lên
Những long lanh sương, khoe cội nguồn hư ảo
Soi vào ta. không còn ta. Hay vẫn đấy là ta ?!
Bỗng bật cười. Đã bước qua một mùa mộng mị
Tìm sợi nắng ân cần
Treo ngược
Nỗi buồn tênh.

 

Gold

 

Ngày của Bố

 

Featured Image: Wikimedia Commons

 

Dad, a Son’s first Hero and a Daughter’s first Love.
(Tạm dịch: Bố, người anh hùng đầu tiên của con trai mình và là tình yêu đầu tiên đối với con gái mình.)

Đúng vậy, cha tôi là vị anh hùng của đời tôi, người cứu tôi trước mũi xe tải lúc 4 tuổi, người kéo tôi lên sau thất bại ở ngưỡng cửa Đại học. Ông cũng là người anh hùng của anh trai tôi, người kéo anh ra khỏi vũng lầy của cạm bẫy Đa cấp. Ông không chỉ là vị anh hùng của đời tôi và anh trai tôi, ông còn là vị anh hùng của rất nhiều con người khác khi còn là một anh lính. Đối với tôi, ông là người mà tôi ngưỡng mộ nhất, người đã dẫn lối tôi, người đã dạy bảo tôi từ ngày tôi còn bé.

Tôi vô cùng yêu quý ông, mà có lẽ mọi người con đều yêu quí cha mình. Rốt cuộc, bố là người đã sinh thành và nuôi dưỡng chúng ta. Tất cả những vĩ nhân đều là con của một người bố. Bố luôn là chỗ dựa tin thần của mỗi người con. Tôi cũng thế.

Thật sự mà nói, tôi là một con người rất giỏi giấu cảm xúc, có những lúc tôi buồn và tuyệt vọng cùng cực nhưng vẫn cố để tạo ra một nụ cười để thỏa mãn người xung quanh, để không kéo bầu không khí quanh nó. Nhưng tất nhiên, ông luôn là người đầu tiên (có lẽ mẹ tôi cũng là người đầu tiên) nhận ra cảm xúc thật của tôi. Những giây phút nhẹ nhàng, những lời khuyên ân cần, những chia sẻ chân thật là những thứ ông luôn đem đến cho tôi những lúc như thế.

Có lẽ ông là người hiểu rõ tôi nhất trong gia đình. Ông không chỉ dạy tôi thể thao mà còn cả những điều cần thiết cho tương lai của mình. Tôi vẫn nhớ những câu chuyện của ông về những chuyến đi khắp đất nước, những trải nghiệm mà ông có được, những người bạn mà ông gặp gỡ. Những câu chuyện của ông luôn cuốn hút và đầy ý nghĩa. Nhờ có ông, tôi đã không bị “shock văn hóa” khi mới chân ướt chân ráo lên đất Hà Thành. Đối với tôi, ông là một người bạn thân thiết, sẵn sàng chia sẻ và luôn ở bên tôi những lúc tôi tuyệt vọng nhất.

Tất nhiên, đôi lúc cũng có những tranh cãi giữa tôi và bố mà có lẽ tôi phải nói là giữa những người đàn ông với nhau. Bàn ăn luôn là nơi mà những “cuộc chiến” về chính trị, xã hội hay là cả chuyện anh A này, chị B kia xảy ra giữa tôi và bố. Lúc đầu, tôi cứ nghĩ rằng ông không hiểu tôi, là ông bảo thủ cho những lời nói của mình, nhưng tôi dần nhận ra rằng, sau những “cuộc chiến” ấy, tôi dần một trưởng thành hơn, dần vùi đắp những kinh nghiệm về cuộc sống hơn, có một cái nhìn thực tế hơn về xã hội kia. Tôi không biết liệu có đúng hay không nhưng dường như ông luôn là người điều khiển những “cuộc chiến” ấy để dẫn lối cho tôi, để dạy dỗ tôi về cuộc sống ngoài kia nguy hiểm và khó khan như thế nào.

Vào thời điểm cách đây một năm, là lúc tôi đang vô cùng tuyệt vọng sau kết quả bết bát của kì thi Đại học, cái ngày mà tôi nhận được những điểm số ấy, tôi đã nghĩ tới viễn cảnh của một cái dây thừng hằn trên cổ mình. Nhưng rồi ông chính là người đã cứu vớt tôi, kéo tôi lên khỏi vũng lầy của những suy nghĩ tiêu cực ấy.

Đêm đấy, ông lên phòng tôi, nhẹ nhàng ngồi trên giường, ân cần an ủi tôi. Lúc đấy, tôi chỉ dám quay mặt đi, rung rung từng giọt nước mắt vì sự tủi nhục, xấu hổ không nói nên lời của mình. Tôi cảm thấy có lỗi với chính bản thân mình và cũng cho chính ông và gia đình. Nhưng rồi ông bảo với tôi: “Đại học không phải là con đường duy nhất, nếu trượt trường này thì đi trường khác, chỉ là liệu con có đủ dũng cảm để mà đi hay không?” Câu nói đó đã kéo tôi lại hiện thực, đưa tôi thêm niềm tin vào cuộc sống và xóa đi nỗi buồn thất bại kia.

Ông luôn là người mà tôi ngưỡng mộ nhất cho dù ngoài kia có bao nhiêu vĩ nhân xuất sắc đi chăng nữa. Nhờ có ông, tôi thấu hiểu được sự vất vả, tần tảo của bố và mẹ đã dành cho anh em tôi, để giúp chúng tôi có một cuộc sống đầy đủ.

Mỗi người con chúng ta vẫn luôn và mãi mãi là đứa con bé bỏng của một ông bố cho dù chúng ta trưởng thành bao nhiêu đi chăng nữa. Bố luôn là người dẫn lối cho ta đi, người đem lại hạnh phúc cũng như dạy dỗ chúng ta nên người. Vì vậy, hãy trân trọng và yêu thương ông bố của bạn, bởi họ chỉ có một và luôn là người duy nhất bởi vì dẫu cho bạn có khó khan, tuyệt vọng bao nhiêu, họ cũng luôn bên bạn, sát cánh với bạn đi đến cuối con đường đời, đi đến những hạnh phúc trong cuộc sống ngắn ngủi này. Có thể họ sẽ vẫn còn những cái nhìn cũ kỹ của một thời kỳ xưa lam lũ và chiến tranh nhưng đừng vì thế mà phán xét họ, cuối cùng, đối với mỗi ông bố, được chứng kiến con mình hạnh phúc và thành công có lẽ là điều tuyệt vời nhất, là điều duy nhất mà họ hướng đến.

Nhân Ngày của Bố, xin gửi đến những lời chúc chân thành nhất cho những ông bố ngoài kia, xin hãy mãi giữ vững niềm tin, sự chân thành và ân cần đối với những người con của mình.

Happy Father’s Day.

 

Martin Trương