23 C
Da Lat
Thứ Tư, 23 Tháng 7, 2025

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 214

Đã có lúc mình thấy bất lực trước nỗi khổ của con người

Featured image: LexxNova
Tạm dịch: Bạn chưa bao giờ thật sự sống cho tới khi bạn làm được cho ai một điều gì đó mà họ không bao giờ có thể đáp trả.

 

Những ngày gần đây, mình nhận tư vấn kiếm việc cho các bạn trẻ và lắng nghe câu chuyện của họ. Bạn đoán thử các câu chuyện sẽ là gì? Phần lớn những câu chuyện là về tuổi thơ khốn khó, hiện tại túng thiếu, tranh đấu vì miếng cơm manh áo, hoang mang đi tìm một con đường riêng cho mình. Có câu chuyện khiến mình mất ngủ, trằn trọc không biết nên làm thế nào để giúp chủ nhân câu chuyện. Có câu chuyện làm mình đồng cảm vì những kỷ niệm tuổi thơ không mấy êm đẹp. Cũng có những câu chuyện khiến mình bực tức vì viết sai ngữ pháp quá nhiều, hoặc cách giao tiếp không phù hợp, bởi mình vốn rất nhạy cảm với ngôn từ. Đã có lúc mình thấy bất lực trước nỗi khổ của con người.

Cũng có một vài lần, mình nhận được những tin nhắn rất khẩn thiết, kiểu như như chị ơi em muốn vươn lên, chị ơi em muốn thoát khỏi cảnh nghèo, muốn có xe hơi trong vài ba năm nữa, chị ơi hãy cho em cơ hội gì đó để học hỏi kinh nghiệm, em phải làm sao đây, chị ơi hãy giúp em… Mình thở dài. Thực sự nếu mình có thể giúp các bạn ấy thay đổi cuộc đời nhanh và dễ dàng như thế, mình sẽ làm ngay. Mà nếu mình có cái quyền năng như chúa trời như thế, mình sẽ làm phép để biến bản thân trở thành Paulo Coelho hay Elizabeth Gilbert ngay sau một đêm ngủ dậy. Ai chẳng ước mong thành công đến trong nháy mắt.

Nhưng bạn biết không, nếu bạn đang phải trải qua những ngày khốn khó, phải đương đầu với nghịch cảnh của cuộc đời, thì đó thực sự là một món quà vô giá đấy. Có thể lúc đang khổ sở với những vấn đề của mình, bạn không thấy như vậy, nhưng sau này, khi nhìn lại, bạn sẽ thấy rằng những khó khăn mà bạn đã đương đầu giúp tạo nên câu chuyện của riêng bạn.

Mình rất thích bộ truyện Harry Potter. Nhớ những đêm mình thức đến 3, 4 giờ sáng ôm quyển truyện trong tay, vừa đọc vừa quẹt nước mắt. Harry và những người bạn của cậu chỉ là tưởng tượng. Thế giới của phù thủy, đũa thần và chổi bay có thể không có thật. Nhưng những nỗi buồn và sự tuyệt vọng là thật. Cảm giác đau đớn và sự cô độc là thật. Có ai trong chúng ta chưa từng một lần trong đời thức dậy mà không biết hôm nay mình phải làm gì, nhìn mọi thứ xung quanh chỉ tuyền màu xám và thấy mình đang lạc lối? Có ai sống trên đời mà chưa từng biết đến khổ đau, chưa từng bị chối bỏ bởi người mình yêu thương, bởi gia đình hay xã hội? Những nỗi đau trong câu chuyện đã kết nối người đọc với tác giả, kết nối người đọc với nhau, và góp phần làm nên thành công của bộ truyện. Và những mất mát đau đớn ấy chân thật, bởi vì được viết bởi một con người đã nếm trải bao điều khốn khó của cuộc đời, mẹ cô đột ngột qua đời, hôn nhân tan vỡ, nghèo hết mức có thể nghèo, và trở thành một bà mẹ đơn thân. Nếu không trải qua từng ấy đau khổ, chắc gì Rowling đã viết được câu chuyện sâu sắc được dường vậy, chắc gì Harry Potter đã lay động lòng người và thành công đến thế?

Vậy nên, nếu bạn đang phải vật lộn với cuộc sống, đang phải đấu tranh với những khó khăn trong đời, thì hãy cảm ơn Thượng đế vì món quà của Người, hãy ôm ghì lấy cuộc đời bạn với tất cả những đớn đau khổ sở của nó, và sống với tất cả sức lực và nhiệt huyết của bạn. Vì với những kinh nghiệm của mình, và kinh nghiệm của tất cả những người đã đi trước chúng ta, mình biết rằng quãng đường gian khó không kéo dài mãi mãi. Những khó khăn giúp làm nên câu chuyện của bạn. Cô gái có tuổi thơ bị ngược đãi trở thành người hoạt động tình nguyện tích cực vì quyền trẻ em, chàng trai từng tuyệt vọng đến mức muốn tự tử vì thất bại rồi trở thành doanh nhân thành công, một người từng viết câu nào là sai chính tả câu nấy lại là một tác giả ăn khách sau những ngày tháng khổ luyện. Câu chuyện của bạn như thế nào là do bạn quyết định. Hãy viết lên câu chuyện của cuộc đời bạn.

Thế nên, bạn thân mến, đừng cầu nguyện để đời bạn không phải trải qua những nghịch cảnh, khó khăn. Mà cầu nguyện để bạn đủ sức lực để đương đầu với những sóng gió của cuộc đời. Hãy mỉm cười, nhìn lên bầu trời cao xa. Dù là ngày trời xanh nắng đẹp hay ngày mây mù âm u, thì bạn cũng sẽ không có cơ hội nhìn thấy bầu trời chính xác như thế lần nữa. Ngày hôm nay trôi qua là sẽ mãi mãi không quay trở lại. Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua. Trong khi đó, thì đừng chìm trong những thất vọng của đời mình nhé. Hãy bơi đi.

Rosie Nguyen

Chuyện chẳng ai thấy ai

Featured Image: Caravaggio

 

Chuyện kể rằng Narcissus là một chàng trai có sắc đẹp tuyệt trần, nhưng chàng lại mắc chứng bệnh lãnh cảm và kiêu ngạo. Chàng không yêu bất cứ ai ngòai chính bản thân mình và cho rằng chỉ có mình là người duy nhất đáng yêu. Một hôm trong khi đi săn ở trong rừng chàng đã để cho Nữ thần sông núi Echo nhìn thấy. Chóang váng trước sắc đẹp của chàng, nữ thần Echo đã phải lòng chàng ngay tức khắc. Nhưng vì lãnh cảm và kiêu ngạo, Narcissus đã khước từ tình yêu của nàng. Nàng Echo buồn rầu lui về ở ẩn, sống xa lánh mọi người, dần dần nàng trở nên tiều tụy và thân thể nàng đi đến chỗ tàn tạ và chỉ còn lại một âm thanh yếu ớt như tiếng vọng (trong tiếng Hi Lạp hay tiếng anh ngày nay: Echo có nghĩa là tiếng vọng, âm thanh).
Các nữ thần sông núi vô cùng căm giận chàng Narcissus, họ liền rủa nguyền:
– Này chàng Narcissus kiêu ngạo, chúng ta nguyền cho chàng cuối cùng cũng sẽ yêu và mắc bệnh tương tư như nàng Echo, nhưng mà cái người được chàng yêu cũng sẽ không đáp lại tình yêu của chàng!
Trong khi đó, Nữ Thần Tình Yêu và Sắc Đẹp cũng đã thấy hết mọi chuyện và Nữ Thần cũng vô cùng tức giận khi thấy có một kẻ được yêu mà không đáp lại tình yêu, thứ tình cảm thiêng liêng quý giá mà chính Nữ thần đã ban tặng cho con người. Thế là Nữ Thần quyết định trừng phạt Narcissus.
Một hôm vào mùa xuân, sau một buổi đi săn mệt mỏi, Narcissus liền tìm đến một con suối để nghỉ ngơi. Đây là một con suối chưa có ai đặt chân đến bao giờ, kể cả những con vật sống trong khu rừng này. Thậm chí cũng chưa có một cành cây gãy nào rơi xuống mặt nước, ngay cả những cánh hoa rừng cũng không theo gió bay mà rụng xuống nơi đây. Đó là một con suối vô cùng trong sạch, nó soi tỏ mọi vật xung quanh như một tấm gương. Và khi chàng Narcissus cuối xuống uống nước thì chàng bổng nhìn thấy hình bóng khuôn mặt và thân thể mình hiện rõ ra mồn một với tất cả vẻ đẹp của chúng dưới mặt nước trong xanh. Và bây giờ cũng chính là lúc Chàng Narcissus phải hứng chịu hình phạt của Nữ Thần Tình Yêu và Sắc Đẹp.
Chàng kinh ngạc ngắm nhìn hình bóng mình phản chiếu dưới đáy nước. Và do Nữ Thần Tình Yêu và Sắc Đẹp sai khiến, chàng lập tức phải lòng ngay chính bản thân của mình. Chằng đắm đuối quan sát hình bóng mình, chàng đưa tay ra và gọi chính bản thân mình. Rồi chàng cuối xuống sát mặt nước để hôn chính khuôn mặt mình. Nhưng đôi môi chàng chỉ cảm thấy được mặt nước lạnh lẽo trong veo. Và rồi, Chàng quên đi tất cả, chàng không rời khỏi dòng suối nửa bước và cứ thế mà ngắm bóng hình mình không biết chán. Chàng Narcissus không còn thiết ăn, thiết uống hay ngủ nghê gì nữa. Cuối cùng, Chàng đưa tay về phía bóng mình dưới nước mà tuyệt vọng kêu lên:
– Trời ơi! Ai còn co thể đau khổ hơn ta được đây? Chẳng có núi non biển cả gì cách trở, chỉ có một dải nước nhỏ hẹp này thôi mà hai ta chẳng thể nào đến được với nhau. Nào hãy lên đây với ta đi, chàng trai yêu quý của ta ơi!
Nhưng khi nhìn kĩ dưới nước thì chàng cũng phát hiện ra là chàng đang phải lòng ngay chính bản thân mình. Chàng liền thì thầm cùng với chiếc bóng mình dưới nước:
– Khốn nạn thân ta! Ta đã phải lòng ngay chính bản thân ta mất rồi. Rõ ràng mi chính là ta chứ còn ai nữa. Thôi chết rồi, ta sẽ chẳng còn sốn được bao lâu. Nhưng ta không sợ chết; chỉ có cái chết mới có thể chấm dứt cuộc tình đau khổ của ta.
Thế rồi Chàng kiệt sức dần và cảm thấy cái chết đang đến gần, nhưng chàng không thể nào rời bỏ được chiếc bóng dưới nước của Chàng. Và chàng khóc. Nước mắt chàng nhỏ lã chã xuống dòng suốt tinh khiết, trong vắt làm gợn lên những vòng tròn lượn sóng và làm hình bóng của chàng tan vỡ ra từng mãnh rồi biến mất. Hỏang sợ, Narcissus vội kêu lên:
– Ôi! Chàng trai yêu qúy của ta, chàng ở đâu? Hãy quay về đi! Đừng bỏ ta! Ta không chịu được đâu, ta không thể thiếu chàng. Ít ra chàng hãy để cho ta ngắm chàng chứ!
Mặt nước trở nên yên lặng và bóng chàng lại xuất hiện. Và thế là chàng lại say sưa ngắm nhìn hình bóng của mình không biết chán. Người chàng khô héo đi như giọt sương trên cánh hoa đang bay hơi dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Trong khi đó thì nàng Echo vẫn còn yêu chàng tha thiết, mặc dù nàng chỉ còn lại là tiếng vọng. Nhìn thấy chàng Narcissus đau khổ, trái tim nàng đau thắt lại.
– Khốn nạn thân ta! – Narcissus cất tiếng than.
– …thân ta…! – nàng Echo nhại theo.
Cuối cùng, Chàng Narcissus chỉ còn đủ sức nói câu cuối cùng với bóng mình dưới nước:
– Vĩnh biệt!
Và nàng Echo cũng cất giọng yếu ớt nhại lại:
– … vĩnh biệt…
Narcissus ngã gục xuống bãi cỏ xanh ven suối và trút hơi thở cuối cùng. Các nữ thần trong rừng hối hận và thương tiếc kéo đến khóc than bên xác chàng, cả Echo cũng đến. Các nữ thần đi chuẩn bị cho chàng một ngôi mô, nhưng khi quay trở lại để mang xác chàng đi chôn thì họ không tìm thấy xác chàng đâu nữa. Ở chỗ xác chàng nằm mọc lên một lòai hoa trắng rất thơm và được người đời đặt tên là hoa Narcissus, tức hoa thủy tiên.

Trầm Hương

 

Đây là truyền thuyết được lưu truyền lại trong những câu chuyện cổ Hy Lạp về Echo và Narcissus. Câu chuyện có rất nhiều dị bản, trong số đó có một dị bản kể thêm về dòng suối trong vắt, nơi chàng Narcissus luôn soi bóng mình.  Sự thật là dòng suối luôn luôn yêu chàng Narcissus, khi chàng chết đi, nàng khóc suốt ngày suốt đêm và chắc chắn tình yêu của nàng không hề thua kém nàng Echo một chút nào. Nàng khóc, khóc nhiều tới mức mang cả dòng suối trong mát, ngon lành trở thành một dòng suối nước mặn chát. Nàng khóc nhiều tới mới các nàng tiên thường tới chỗ nàng soi mình cũng xót thương cho nàng.

–          Em à, em yêu chàng đến thế sao?

–          Em rất yêu chàng.

–          Tại sao em yêu chàng nhiều tới thế?

–          Em không biết.

–          Em yêu chàng ở điểm nào?

–          Bởi vì em nhìn thấy mình đẹp như thế nào trong mắt chàng.

Câu chuyện thật chua xót. Chàng Narcisuss yêu cái bóng của mình hơn cả nàng Echo, còn dòng suối yêu chàng vì nàng thấy được nàng đẹp như thế nào trong mắt chàng nhưng nàng nào có hay chăng nàng cũng chỉ đang yêu chính cái bóng của mình trong mắt chàng.

Tôi nghe được câu chuyện này từ đêm nhạc của Lê Cát Trọng Lý, và điều đầu tiên tôi nghĩ tới là tình yêu của nàng Clytie giành cho thần mặt trời. Liệu nàng Clytie có yêu thần mặt trời tới mức luôn hướng về tình yêu của mình? Hay tình yêu của nàng, cũng chính là hội chứng Narcissism, yêu bản thân nàng hơn bất cứ điều gì trên đời này?

Chân dung “sếp” thời @

Featured Image:  Teppei Takahashi 

 

“Dear Sir“ (Kính tặng Sir nhân ngày sinh nhật  tháng 7)

Lâu lắm rồi tôi không gõ hai từ này. Cái từ thật xa lạ mà rất… đáng dùng, với tôi. Nó vừa đủ trang trọng theo phép tắc xã giao, vừa đủ khoảng cách cho những tình huống cần khách sáo, vừa tránh được sự cứng nhắc theo kiểu soạn thảo văn bản mẫu: “Kính gửi Ngài… “

Ai nói lai căng thì nói, đôi khi tiếng Anh là ngôn ngữ sử dụng thay cho những điều khó nói bằng tiếng Việt mà cá nhân tôi thấy thật đắc dụng trong đời thường, dĩ nhiên rồi. Ai đánh thuế đâu, nhất là trong kinh doanh thời buổi này. Cái gì nghe là hiểu, tiện lợi, giảm bớt thời gian công sức không cần thiết, không vi phạm luật pháp, thuần phong mỹ tục…là phải cập nhật ngay. Mà có không muốn cập nhật cũng không được, nếu bạn không muốn tụt hậu.

Hơn nữa, mỗi thời thế đều có những xu hướng, trào lưu nổi bật, dẫn tới việc du nhập một số cách diễn đạt ngôn ngữ “thời thượng”. Bây giờ tôi đố bạn dùng từ gì thuần Việt để giới thiệu về internet đó. Mạng à, làm thế nào để phân biệt mạng lưới, mạng nhện, với nó đây? Ít nhất cũng phải là net, đâu có phải tiếng Việt “xịn”? Hay là từ hotel, restaurant chẳng hạn. Một bác sửa xe vá săm lốp ngoài đường, hay một bà bán cá ngoài chợ, chỉ cần nói tên là hiểu liền, dù nửa chữ tiếng Anh họ cũng chẳng biết. Chấp nhận đi bạn nhé.

À, tôi chỉ đang định gõ chữ ‘ Dear Sir ‘ kia mà.

Vâng.
“Thưa Ngài,“
“Dear Sir,“

Hôm nay tôi muốn viết vài dòng về “Sir” cũ của tôi, tự hứa phải cố gắng hoàn thành kịp gửi tới Sir như một lời chúc mừng Sinh nhật chân thành nhất. Và tôi chọn cách viết như nhiều năm qua tôi vẫn viết, khi cần gửi tới Sir, bản báo cáo, thư xin phép hay là các đề xuất liên quan tới công việc hàng ngày…. Mở đầu bằng hai từ ngắn gọn “Dear Sir“…

Dù ai đó tình cờ đọc được có thể nhíu mày vì cái từ không có trong từ điển tiếng Việt này, nhưng tôi tin Sir thì chấp nhận, vì nó vốn đã trở thành một từ hết sức thông thường, phổ cập trong văn hóa email ở nơi mà Sir là người ‘thuyền trưởng’ gần hai thập kỷ qua.

Nếu một ngày bạn gặp một người trong thang máy một tòa cao ốc văn phòng hạng sang có nụ cười rất tươi, ánh mắt ấm áp, thân thiện, à dáng chuẩn nữa chứ, và đặc biệt là không hề giống một mẫu “ sếp “ chung thời bao cấp mà bạn từng hình dung ( bệ vệ, bụng bia, đầu tóc bóng mượt.. ), rất có thể đó là Sir tôi muốn kể.

Tôi đã biết ít nhất cũng hơn một nửa tá chị em – tất nhiên rồi, chỉ phụ nữ mới có khả năng ‘tám’ với người không mấy thân quen nhanh đến thế – vì không kìm nổi sự ấn tượng, ngay sau khi từ phòng Sir bước ra:

“ Ôi sếp em dễ thương thế, làm việc với sếp chắc rất thoải mái …”
“ Ôi sếp làm em nói chuyện rất cởi mở, chẳng có cảm giác sợ sệt gì cả.. “

Như thể họ vừa xóa tan được các ‘ tin đồn ‘ khi chưa gặp Sir thì phải.

Với tôi thì họ nói hoàn toàn chính xác đó, chỉ có điều không đơn giản chỉ là vậy. Nếu bạn cư xử chuẩn trong mọi trường hợp, chắc chắn, bạn sẽ thấy Sir tuyệt vời. Còn nếu bạn có những động thái trệch hướng xem. Bạn sẽ còn thấy Sir… trên cả tuyệt vời, về… cách xử lý vi phạm. Hu hu… Nhưng đừng vội tin tôi, hãy tự trải nghiệm nhé. Hi hi…

Có lần, tôi còn chứng kiến một chuyện rất hài cũng chính từ cái dáng vẻ “không hề sếp” ấy của Sir. Ấy là lần tôi được cử đi cùng Sir và một người có dáng kiểu mẫu ‘ sếp ‘ truyền thống – anh này thuộc hàng ‘ chức sắc ‘ trong Công ty – đi tiếp khách lúc trời đang mưa. Khi cửa xe vừa mở, mọi người cùng bước ra thì ‘ bụp ! ‘ một cây dù bung lên ngay lập tức. Một anh chàng bảo vệ rất chuyên nghiệp đang giơ cao cây dù che mưa hộ tống cho người – tưởng – là – sếp đi cùng đoàn tiến vào nhà hàng. Sir thì đương nhiên là đội mưa giống tôi thôi, trong sự ái ngại, vẻ mặt rất tiến thoái lưỡng nan và đang cố ra hiệu từ chối cái dù của anh cán bộ kia. Còn Sir thì xua tay và rảo bước thật nhanh. Chết cười!

Sự nhầm lẫn này sẽ còn có thể xảy ra cho bất kỳ ai nếu người đó thuộc tuýp “trông mặt bắt hình dong“. Chẳng hạn nếu bạn là nhân viên mới, hay người mới của khách hàng, của đối tác.. tham dự cuộc họp có Sir mà vị trí ngồi trong cuộc họp không định vị chức danh của các thành viên tham dự. Rất có thể bạn sẽ chăm chú lắng nghe một vị giọng nói hào sảng, hùng hồn, miệng vừa nói tay vừa phác những đường nét rất dứt khoát vào không trung, rất quyết liệt hơn là quan sát một vị khác ngồi trầm ngâm, khi thì gật gù, lúc lại nhíu mày suy nghĩ, nếu có phát biểu cũng rất từ tốn, nhẹ nhàng. Đấy, tôi cũng từng chứng kiến nhiều người “ à ra thế ” vào phút chót cuộc họp. Nhầm chết!

Đó mới chỉ là dáng vẻ, phong thái thôi nhé. Điều mà nhiều năm trôi qua tôi chưa hết ‘ mê tín‘ ở Sir là nhân cách và phong cách lãnh đạo đặc biệt cơ.

Đầu tiên tôi không thể không nhắc đến sự bình tĩnh, kiềm chế theo trường phái duy lý của Sir. Không biết Sir có theo đạo giáo nào để rèn cái đức NHU này hay là thiên bẩm. Làm việc sát với Sir gần 20 năm, dù tôi có cố tình theo dõi cũng chẳng bao giờ bắt gặp Sir trong tình trạng ‘ mất kiểm soát ‘. Nổi nóng, mặt đỏ gay, la hét như Trương Phi là những điều không bao giờ có trong lịch sử cũng như viễn cảnh ‘giao tiếp ứng xử’ của Sir.

Có những chuyện, những thông tin đến với Sir vào hàng ‘động trời’, chỉ nghe thấy thôi tôi đã ‘ tim đập chân run, toát mồ hôi hột ‘ mặc dù tôi thì làm cóc gì có trách nhiệm xử lý mà lo với lắng chứ. Ấy vậy mà sau những giây, phút, giờ rồi tới cả vài ngày len lén quan sát cử chỉ, hành động của Sir, tôi tịnh vẫn chẳng thấy một chút nào tỏ ra bối rối, âu lo. Vẫn vẻ mặt, nụ cười thường trực, như mọi ngày, có chăng là trầm mặc hơn chút thôi. Hay là cứ làm lãnh đạo lớn thì “đứt dây thần kinh biểu cảm”. Không dám đâu!

Thật sự phải tới khi tôi trực tiếp được nghe điều nhận xét về cái sự “TRÌ“ của Sir – không phải từ của tôi nhé, trích nguyên văn đấy – của một bác quan chức đáng kính trong ngành, bạn cao niên của Sir, tôi mới dám khẳng định đó là cốt cách của Sir, là cái tạo nên sự khác biệt nổi bật của Sir. Mà điều này không tự dưng sinh ra, không tự dưng tồn tại được đúng không bạn. Đó là sự ‘khổ luyện’ theo năm tháng.

Sự chu đáo, tỉ mỉ cũng là một trong những điều ở Sir làm tôi đi từ ngạc nhiên tới ngỡ ngàng, và càng làm lâu cùng Sir, nó chỉ càng dày lên thêm. Có hơn vài đôi lần tôi cứ nghĩ chắc Sir đã quên béng việc abc, xyz…, quá thời hạn rồi mà. Nhưng không phải vậy, việc gỉ việc gì, từ trọng đại hay bé tẹo teo Sir đều nhớ tất, không quên một cái nào, cái nào cũng lôi ra xử lý hết, chỉ là nhanh hay chậm thôi. May mà tôi cũng không lơ là, sao nhãng. Hú vía!

Đôi khi tôi tự hỏi có phải bộ não Sir có cấu tạo đặc biệt hơn người? Máy tính điện tử có khi còn lỗi, hoặc là tôi bất cẩn, quên, nhầm, sót mà mắc lỗi, chứ Sir thì không. Phù. Có những việc rõ ràng khi Sir móc nó ra thì kiểu gì tôi cũng phải niệm câu ‘ nô tài có lỗi ‘. Tài cách mấy cũng không cãi được vô tội, tang chứng vật chứng rành rành. Chỉ biết càng phải cố mà nghiêm túc, trách nhiệm hơn. Khách quan nhé, chứ không phải câu đùa kinh điển “Điều 1, Sếp luôn đúng“.

Lạ kỳ nữa là dù lịch họp của Sir dày đặc, Sir toàn tự tay thu xếp, tự phải nhớ lịch mà gần như không bao giờ nhầm nhọt cả. Tôi hầu như chẳng khi nào có cơ hội được nhắc tuồng Sir về các cuộc hẹn, chán thế đấy, muốn ghi điểm cũng có dễ ăn đâu. Trừ một đôi lần có túm được vài anh bên quảng cáo nào đó có hẹn ‘giả bộ‘, chẳng ăn thua!

Bận rộn là vậy, tự tay phải làm mọi việc, chẳng có thư ký riêng ‘chưn dài’ gì cả , chỉ có một phòng Hành chính có một vài cô ‘chân cũng không dài‘ (trong đó có tôi, “bí mựt” nhé) phụ giúp vài việc giấy tờ, văn thư, chuẩn bị phòng họp… Nhưng bạn cứ thử không làm con ong chăm chỉ, không tập trung cao độ mà xem, ‘cảnh sát trưởng’ Sir sẽ luôn là người nhắc cho bạn cái việc nhỏ xíu bạn lỡ… bỏ quên trong một chuỗi danh sách công việc dài lê thê, tràng giang đại hải, nhặt cho bạn vài hạt sạn trong mớ văn bản chi chit những chữ là chữ mà bạn kiểm tới kiểm lui mấy lần vẫn sót. Cứ như thần!

Nhớ những ngày cuối năm, nhà nhà, người người, công ty lớn công ty bé đều chạy đua với thời gian cho kịp Tết. Bận mấy nhưng Sir không bao giờ quên công việc tổ chức đoàn cbcnv đi làm từ thiện. Thường là việc này bao giờ cũng phải thu xếp tới trước ngày Cúng ông Táo về trời, coi như hoàn tất việc Công ty, để cho cbcnv còn về lo việc nhà ( đấy, Sir còn nghĩ cho lính nữa chứ ).

Cảm ơn Sir đã tạo điều kiện cho nhân viên chúng tôi tham gia hoạt động này, hiểu được ngoài gia đình, công việc, còn cần phải biết chia sẻ với cộng đồng. “Sống trong đời sống cần có một…đống tiền, ý quên, ngàn lần xin lỗi nhạc sĩ TCS, cần có một tấm lòng.“ Là như thế đó.

Những ngày cuối năm, mọi người, từ lãnh đạo tới thường dân, luôn là thời điểm chúng ta bày tỏ tình cảm, trả nghĩa trả tình cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thầy cô, cấp trên, đồng nghiệp, bạn bè, những người đã giúp đỡ chúng ta…,  sau một năm miệt mài ‘ cày cuốc ‘. Sir cũng vậy thôi. Nhưng chuyện lạ, là Sir còn không quên gửi quà Tết cho gia đình những cựu nhân viên Công ty, có người đã nằm xuống, có người vẫn còn nằm trên giường bệnh. Chuyện này không phải ai cũng biết.

Thậm chí, ngày cuối cùng của năm cũ, Sir còn tự tay mang những cuốn lịch, một vài chai rượu, hộp trà cho các anh chàng trong tổ bảo vệ của tòa nhà, khi ấy Công ty còn chưa có trụ sở riêng. Và cái phòng ‘chưn không dài’ của chúng tôi cũng có một vài hộp bánh phần quà, chị em mỗi người một vài món, mang về nhà ăn Tết. Chai rượu, hộp bánh thì nhẹ thôi, nhưng tấm chân tình của Sir trong đó thì chúng tôi… xách nặng. Sir là ai, có cần phải mất thời gian ‘care‘ tới cả những chuyện ‘nhỏ như con thỏ’ này không. Bạn trả lời giùm tôi nhé. Đắc nhân tâm chứ gì. Đắc gì mà không có tâm thì cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra thôi. Phải không bạn?

Nhân chuyện nói về quà cáp biếu xén, tôi chợt nhớ tới câu chuyện ‘ cười ra nước mắt ‘ về chai rượu quay vòng vòng, tàn dư thời bao cấp chắc bây giờ cũng vẫn còn đó. Sir có lần chia sẻ câu chuyện này với thái độ rất cởi mở, thẳng thắn, chân tình rằng “ một năm làm việc chung với nhau, Tết nhất anh chị em tới thăm nhau có chai rượu để bày tỏ tấm lòng, tình cảm, là bình thường nhưng Sir không muốn sống theo quan niệm “quan nhất thời, dân vạn đại“, để khi anh em không còn đi chung đường không còn muốn nhìn mặt nhau “…

Bởi vậy, nếu có rất nhiều người thật khổ sở (kể cả bạn chỉ là nhân viên “quèn” thôi nhé ) khi mỗi năm hết Tết đến phải chạy đôn chạy đáo kiếm cho bằng được ‘ hàng độc ‘ để biếu ‘ sếp ‘ hầu mong được chút ơn mưa móc cho năm sau thì may mắn cho chúng tôi, tôi nghĩ là đa số anh chị em lãnh đạo cấp trung ở Công ty, lại đều mong chờ tới cái ngày đó. Những ngày duy nhất trong năm được làm khách ở nhà Sir, uống ly rượu tự tay Sir rót mời, ăn những trái cherry xứ người đen bóng, căng mọng, ngọt như đường, mát lạnh ( bí mựt nhé, và xin lỗi là tôi thường ăn cherry nhà Sir… rất hồn nhiên J ). Một cái may nữa là nhân viên Công ty thì càng không phải ‘ lăn tăn ‘ thủ tục này. Bạn cứ việc toàn tâm toàn ý lo Tết cho gia đình và kê gối ngủ ngon nhé, chẳng cần phải hỏi thăm nhà Sir ở đâu, mua quà gì mà không lo sợ bất cứ điều gì.

Anh chị em key staff không ai hẹn nhưng nhiều năm nay đều có lệ tới thăm gia đình Sir vào những ngày 27-28 Tết. Bình thường gặp Sir thì khó nhá, nhưng hôm đó thì thích lắm. Sir ở nhà sẵn sàng đón tiếp, với những loại rượu ngon thượng hạng, bánh ngon tuyệt hảo tự tay phu nhân Sir làm đãi khách, bạn cứ tha hồ mà chén nhé, giống tôi. Và những câu chuyện rất chân tình cứ thế được mọi người chia sẻ để mỗi người đều cảm thấy có gì đó thật sâu, thật lắng đọng trong lòng. Và tin tôi đi, nếu chẳng may bạn ngã vào hầm rượu nhà Sir, thì ba năm sau bạn mới có thể ra được nhé J. Rượu ngon, lại nhiều, chuyện hay cũng chẳng bao giờ hết được…

( Xin lỗi nếu vì chuyện này mà mỗi năm nhà Sir tốn thêm rượu, bánh thì… tôi xin chịu trách nhiệm… tự nguyện không ăn phần của mình nữa L , chứ không chịu trách nhiệm quảng cáo sản phẩm đâu nhé ).

Cứ thế rồi năm tháng trôi, chuyện mà ai cũng biết là cả cái đoàn tàu anh em ấy bao nhiêu năm qua vẫn cứ ở bên Sir, có người đã từng nghỉ một thời gian ngắn rồi lại quay trở lại. Sir có nam châm thì phải, không ai thoát ra được, tôi nghi lắm. (Tôi thì là chuyện ngoại lệ ạ, vì nhà tôi có một ‘tiền đạo cắm’  ở khung thành rồi,  không nhổ rễ lên được đâu nhé ). Nam châm là cái gì vậy nhỉ, nếu chỉ là biện pháp kỹ thuật thì chắc nhiều người làm được chứ. Nó phải là một trái tim biết thu phục lòng người, mới đủ sức hút lâu bền được.

Nhân chuyện nam châm, tôi lại nhớ ra những người bạn của Sir. Sir có những người bạn xuyên biên giới, những người mà tình cờ tôi biết được và chỉ có thể nói là tình bạn đẹp, vì họ gắn kết với nhau giữa các gia đình. Năm 1992, tôi dự một đám cưới mà số khách người nước ngoài nhiều gần như bằng hoặc hơn người Việt. Choáng. Sau này tôi mới biết Sir đã có thời ở nước ngoài, đã từng có thâm niên hoạt động kết giao với người nước ngoài. Thời gian đầu Công ty mới thành lập mọi người hay hát tếu táo ‘ thằng tây nó tiến thì mình giật lùi, thằng tây nó lúi thì mình …giật tiền’. Quan hệ, ứng xử với người nước ngoài thời đó dường như là ghê gớm lắm. Vậy mà ngay trong câu hát đùa vui, cũng thể hiện rất rõ quan điểm ‘ không có gì phải sợ cả “. Càng về sau, tôi càng thấy rõ hơn uy tín của Sir trong con mắt người nước ngoài, từ các đối tác tầm cỡ thế giới, khu vực, thậm chi cả giới chức của một số nước trong khu vực.

Bây giờ, chỉ cần gõ vào Google vài chữ ‘ nghệ thuật lãnh đạo ‘, bạn có thể tìm thấy hàng trăm trang các thể loại kinh nghiệm cần thiết. Nhưng ở thời kỳ thập niên 90 và cuối thế kỷ 20 đó, làm gì có lãnh đạo nào được học các kỹ năng lãnh đạo. Chỉ có học từ Trường Đời thôi. Có lẽ, Sir đã tiếp cận được những người xuất thân từ thế giới văn minh bằng khả năng giao tiếp ứng xử thông minh và chân tình của mình, tìm ra chìa khóa lãnh đạo đúng đắn. Chẳng thế mà thời hoàng kim Công ty đã từng có hơn 10 đối tác nước ngoài danh tiếng lớn nhỏ cùng thời điểm. Một thực tế hết sức ấn tượng và đầy thuyết phục cho những ai còn hoài nghi về tài lãnh đạo của Sir, nếu có.

Sir cũng là người có những câu nói nổi tiếng, rất đáng sưu tập làm ‘cẩm nang‘ về phương châm sống và làm việc:

  • “Cái gì người ta làm được thì mình không những phải làm được mà còn làm tốt hơn.“
  • “Không cần phải học ở đâu xa, học ngay từ đối tác, khách hàng của mình.“
  • “Mỗi người đều có thời gian làm việc như nhau, phải tự sắp xếp để hoàn thành nhiệm vụ của mình thôi. Lãnh đạo còn khó hơn nhân viên vì bị gián đoạn bởi tiếp khách ra vào…“
  • “Làm gì thì làm, phải tự tin dám nhìn thẳng vào mắt của tất cả cbcnv không cảm thấy hổ thẹn.“

…….

Thực tế, những gì Sir làm cho hơn 1000 cbcnv, và cũng gần con số như vậy các gia đình, những thành quả của Công ty đã đạt được dưới sự dẫn dắt của Sir…tôi không thể kể hết và cũng không đủ sức thống kê. Vì nếu ai muốn biết, tìm hiểu tại các nguồn thông tin chính thống của Công ty chắc chắn sẽ có số liệu và thông tin đầy đủ, chính xác. (Mà hình như công ty, à, Tập đoàn, vẫn chưa có Phòng Truyền thống thì phải, cái này nếu chưa có là thiếu sót của công đoàn đó).

Tôi chỉ muốn viết đôi dòng kể chuyện về Sir, dưới một góc nhìn hẹp từ những trải nghiệm thực tế, để chia sẻ với mọi người những câu chuyện đời thường có thể mọi người chưa biết về Sir, là một người Lãnh đạo rất bình dị, thâm trầm và trọng tình nghĩa, thay vì chỉ biết dưới góc độ một Lãnh đạo tài ba, nghiêm nghị, oai phong.

Có thể ở Sir có những điều tôi còn chưa biết. Nhưng là người phàm, ai lại không có sai lầm, có ai là người hoàn hảo  ? Sir cũng không là ngoại lệ, chắc chắn Sir cũng có những chuyện này chuyện khác không hoàn hảo. Nói thẳng thắn, ai cũng có những góc tối của riêng mình. Nhưng thực tế những người đang sống và làm việc quanh Sir nói gì, nghĩ gì về Sir là minh chứng thuyết phục nhất. Điều này thì hơn ai hết, những anh chị em key staff, đối tác, khách hàng, những người đã đồng hành với Sir gần 20 năm qua, là những người đã có câu trả lời.

Tôi viết tất cả những điều này, chỉ với một suy nghĩ gửi tới Sir một món quà Sinh nhật đầu tiên sau khi không còn là nhân viên của Sir. Điều này bao nhiêu năm qua tôi từng nghĩ tới nhưng không làm được. Bây giờ thì nó được viết ra rất nhanh, câu chữ cứ việc tuôn trào theo nhịp gõ phím, tôi chẳng cần nghĩ, cũng chẳng cần sắp xếp. Các câu chuyện có thực tự chúng bật ra, đòi được kể lại, chỉ vậy thôi.

Và một điều là tôi chỉ có thể ‘public’ nó khi tôi không còn đứng trong hàng ngũ nhân viên của Sir nữa, nó mới thực sự khách quan và trung thực, đúng với tâm nguyện của tôi.

Cuối cùng, khi đọc được những dòng chữ này, tôi mong rằng điệu nhạc “Happy Birthday“ sẽ được ngân vang ở đâu đó giúp tôi nói lời chúc mừng Sir.

Chúc Mừng Sinh nhật Sir!

Tôi đã rất biết ơn, tự hào vì đã từng được làm việc với Sir. Một người Lãnh đạo rất phong cách, rất hiện đại và lại rất đời thường. Nhờ có những năm tháng may mắn đó, tôi đã trưởng thành như ngày hôm nay.

Happy Birthday to ChairMan!

 

Julia Le

Bóng của một cái bóng

Featured Image: Art Quirk

 

Thời còn sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực, có lúc Milan Kundera chỉ viết cho một độc giả duy nhất, dịch giả của mình. Lúc đó, tác phẩm của ông tới độc giả nhờ bản dịch. Nay Kundera đã thành danh quốc tế. Ông vừa cho xuất bản tập tiểu luận Les testaments trahis[57]. Có đoạn ông lên án mãnh liệt khuynh hướng thiếu thủy chung trong thuật dịch văn chương. Một nhà văn có khả năng và điều kiện làm chủ tác phẩm của mình và những bản dịch là chuyện đáng mừng. Mừng cho nhà văn, mừng cho độc giả. Có nhiều nhà văn lớn rất sành ngoại ngữ, có thể viết thẳng tác phẩm của mình bằng ngoại ngữ. Chẳng mấy khi họ tự dịch. Cũng lạ. Và đáng tiếc. Có lẽ đó là cách duy nhất để có bản dịch “thủy chung”, có khi một cách bất ngờ. Như Marx viết lại bản dịch Tư bản luận của Roy, và thản nhiên tuyên bố: bản tiếng Pháp, do ông viết lại, có giá trị khoa học ngang với bản gốc tiếng Ðức. Tới nay, đụng vấn đề, nhiều độc giả điên đầu, không khẳng định nổi bản nào “gốc” hơn bản nào. Cứ như truyện Cửu Âm chân kinh của Kim Dung ấy. Dù sao, thế giới văn chương đã co lại. Chẳng ai sành nhiều ngoại ngữ. Giao lưu văn hoá vẫn cần người dịch văn. Nghệ thuật dịch còn là đề tài đáng suy nghĩ.

Ngày nay, khốn nạn hơn “nghề” dịch văn, hiếm

Ai thích làm giàu, nên tránh xa. Ở Pháp, đó là một nghề khốn khổ. Người được Giải dịch thuật quốc gia năm 1992 ở Pháp, vì đã dịch toàn bộ tác phẩm của một nhà văn lớn của Bồ Ðào Nha, đã thổ lộ trong báo Le Monde: tính theo giờ, lương không bằng lương người quét dọn thuê (femme de ménage). Ðúng thế. Giá công đoàn (tarif syndical) hiện nay ở Pháp là 87 FF một trang 1500 ký hiệu. Người dịch giỏi, dịch cho nhà xuất bản lớn, dịch sách ăn khách, có thể hy vọng 130 FF một trang. Dịch cho “ra hồn” văn một tác phẩm hai, ba trăm trang có thể mất hơn cả năm. Dịch xong, có khi nhà xuất bản không thích bản dịch, hoặc không còn khả năng xuất bản văn chương ngoại quốc. Lúc đó, có thể toi công, ít nhất một phần lớn. Muốn thu hoạch khá, đều đặn, và đảm bảo hơn, nên quét dọn thuê. Chí ít cũng lợi cho mình, cho người.

Ai thích danh vọng, không nên mất thời giờ dịch văn. Nghề này chưa mấy khi mang danh vọng đến ai cả. Có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có chuyện Ðoàn Thị Ðiểm nổi tiếng hơn Ðặng Trần Côn. Nhưng Ðoàn Thị Ðiểm đã thành danh trước Ðặng Trần Côn. Ngày nay, khi một tác phẩm được chú ý, người ta nhớ tới tác giả, chẳng mấy ai nhớ tên dịch giả. Bạn đọc đoán thử tên một dịch giả của Nadine Gordimer hay Umberto Eco xem sao.

Ai thích an phận, càng nên xa chuyện dịch văn. Trớ trêu như “nghề” này, hiếm. Thành tâm đến mấy, cẩn trọng đến mấy, cũng trở thành kẻ phản bội, đối với một số độc giả, có khi đối với chính nhà văn. Xưa, khi Baudelaire công bố tác phẩm của Edgar Poe, thiên hạ liền nhao nhao lên án. Ngày nay, có nhiều bản dịch Edgar Poe khác, không mấy ai lẫn lộn Baudelaire với Edgar Poe. Tuy vậy độc giả Pháp vẫn thích đọc Edgar Poe qua bản dịch của Baudelaire.

Ai thích làm chính trị Việt Nam, và làm một cách ngu ngốc, có thể đầu tư vào chuyện dịch văn Việt Nam. Trên thế giới hôm nay, Việt Nam là một xó hiếm hoi mà dịch một tác phẩm văn chương có giá trị chính trị. Nhưng phải chấp nhận một tỷ lệ lời lỗ hạng bét: nó chỉ có giá trị ấy đối với vài ngài quan văn hủ lậu, ngày càng bất lực, và trong đà tiêu vong.

Thế mà còn khối người tứ xứ ham dịch văn, Trần mỗ đã có dịp gặp vài người, xin tặng họ bài này.

Theo báo Le Monde, Borges có lời tuyên bố thú vị về tác phẩm tiếng Pháp của ông: “Borges est une invention du traducteur[58]”. Ông cũng có quan điểm sâu sắc về tác phẩm văn chương: “Il est absurde de supposer qu’un livre est beaucoup plus qu’un livre. Il commence à exister quand un lecteur l’ouvre[59]”. J.P. Sartre đã phân tích tỉ mỉ vấn đề này trong tiểu luận Qu’est-ce la littérature[60]? Borges còn đi xa hơn khi nói tư duy chỉ là “le rêve d’une ombre[61]”.

Umberto Eco, đối với bản Le nom de la rose[62], đã tuyên bố đại khái: tôi thích thú khám phá, tìm hiểu một bộ mặt của tác phẩm của tôi mà chính tôi cũng không ngờ đến.

Hai nhà văn không nhỏ này coi bộ không hằn học như Kundera đối với những dịch giả của họ. Phải chăng vì họ không có nhu cầu khẳng định mình qua tác phẩm? Ðối với họ, điều ấy thừa? Hoặc vì họ có quan điểm cao cả hơn về văn chương?

Hiện nay, ở Pháp, có hơn 50 bản dịch tác phẩm của Homère. Ai vô phúc đọc hơn một bản dịch, sẽ sửng sốt. Và có thể chết điếng. Bản nào chân chính, thủy chung? Truyện Kiều đã có ít nhất 2 bản tiếng Pháp. Thế mà cách đây mấy tháng, một vị giám đốc UNESCO còn nỗ lực ủng hộ đăng một bản dịch Kiều qua thể alexandrin. Biến lục bát thành alexandrins! Một chuyện “tếu” hiếm hoi. Nhưng, xét cho cùng, không tếu hơn chuyện biến Chinh Phụ Ngâm thành song thất lục bát. Ai có thời giờ đọc những bản dịch Kinh thánh của người Ky tô giáo sẽ hết sức ngạc nhiên. Và có thể hết phân vân về vấn đề dịch thuật. Kinh thánh mà con chiên dám dịch dường như tùy ý, nói chi đến văn người phàm mắt thịt. Bi hài kịch bé tí của người dịch văn ở đó. Không ai phí thời giờ dịch văn nếu không thiết tha tác phẩm mình dịch. Nhưng đã dịch, ắt biến thành kẻ phản bội. Hiện tượng khôi hài này có thể hiểu được. Sự phát triển không đồng đều dường như là quy luật của cuộc sống. Trong văn chương, sự phát triển không đồng đều của tư duy có thể là nguồn gốc của những mâu thuẫn giữa nhà văn, độc giả, dịch giả. Nhưng có lý do cơ bản hơn.

Hiện nay, đã có khá nhiều người hiểu, trong văn chương, ngôn ngữ vừa có nghĩa vừa có tình, và đôi khi tình với nghĩa rắc rối không thua tình nghĩa… vợ chồng. Trong văn các nhà văn lớn, có khi nghĩa chửi tình, tình xuyên tạc nghĩa, và do đó nghĩa đậm tình, tình thấm nghĩa. Ðó là nhận xét nổi tiếng của Paul Valéry: Il y a littérature lorsque le langage est en question[63]. Tra hỏi ngôn ngữ là tra hỏi một nền văn hoá, tra hỏi chính mình. Có lẽ, đối với người dịch văn, không có giây phút nào hào hứng hơn giây phút ấy. Người đầu tiên dịch câu kinh thánh Au commencement était le Verbe thành Thoạt tiên có Ngôn ngữ hẳn đã sống cả một thời đại qua một giây phút hiếm hoi trong đời người. Không hiểu đã có ai dịch câu Je est un Autre của Rimbaud cho ra hồn chưa ? Nếu chỉ biết Ta là Tha nhân, không nên dịch.

Tiếc thay, trong văn chương, tác phẩm có ý độc đáo, hiếm. Không phải ai cũng là Nitzche, Dostoievsky, Kafka, Borges, Bierce, Sartre, Nguyễn Huy Thiệp… Bình thường, nhà văn có bản lĩnh chia xẻ một số giá trị tiến bộ của nhân loại đương thời và có khả năng tra hỏi ngôn ngữ của mình, bắt nó lột xác, biến những giá trị ấy thành ngôn ngữ chung của một cộng đồng. Trong hoàn cảnh ấy, dịch giả không được thú vị thể hiện một tư tưởng mới, chỉ được cái thú thể hiện tấm lòng của một người. Ðiều ấy thực tế chăng? Với giá nào?

Nhà văn thể hiện mình qua phong cách viết của mình. Người cầm bút trở thành nhà văn khi tạo phong cách viết riêng. Ðã là phong cách riêng, không ai bắt chước được. Ðã không ai bắt chước được, ngay trong ngôn ngữ gốc, làm sao dịch được? Thế mà thế. Không ai có thể bắt chước cách viết của một nhà văn, nhưng chuyện dịch tác phẩm văn chương vẫn có ý nghĩa, có giá trị, vẫn nên làm. Không ai, kể cả Picasso, có thể vẽ lại Guernica. Không ai, kể cả Nguyễn Huy Thiệp, có thể viết lại Tướng về hưu. Tại sao vậy? Không phải vì ngày nay không ai có khả năng vận dụng những kỹ thuật tạo tranh của Picasso, hành văn của Nguyễn Huy Thiệp. Chỉ vì Guernica đã được một người vẽ đúng lúc đó, trong hoàn cảnh đó, cách đó.Chỉ vì Tướng về hưu đã được viết lúc đó, trong hoàn cảnh đó, với giọng văn đó. Và lúc đó, trong hoàn cảnh đó, vẽ cách đó, viết cách đó, thể hiện được đòi hỏi nhân cách của con người. Sự trùng hợp ấy chỉ có thể xảy ra một lần, ở một nơi, trong một nền văn minh. Nó đi vào di sản văn hoá của con người. Do đó, như nhiều người đã từng nhận xét, tác phẩm có đời sống riêng, độc lập với tác giả.

Vì thế, ngày nay, dù Nguyễn Huy Thiệp nhại văn của chính mình, cũng không viết lại được Tướng về hưu. Cũng vì thế, Tướng về hưu có thể dịch được. Nó không đòi hỏi dịch giả nhại văn phong của Nguyễn Huy Thiệp trong tiếng Việt. Làm sao làm được ? Nó “chỉ” đòi hỏi dịch giả thể hiện, trong một ngôn ngữ khác, thái độ của một người trước thời đại của mình xuyên qua cách sử dụng ngôn ngữ của mình. Khốn nạn thay, và may thay, nếu thái độ của một người trước thời đại của mình có nhiều điều người khác có khả năng hiểu, khả năng thông cảm, thì thời đại của Nguyễn Huy Thiệp, ngôn ngữ của Nguyễn Huy Thiệp không phải là thời đại của người Pháp, không phải ngôn ngữ của người Pháp.

Người dịch văn Nguyễn Huy Thiệp ra tiếng Pháp không thể chỉ nhại cốt truyện, ý tưởng, cấu trúc, âm nhạc, nhịp điệu trong văn Việt Nam của Nguyễn Huy Thiệp. Nếu chỉ có vậy, chán ngắt, không mấy nhà xuất bản văn chương dám đăng, không mấy độc giả cảm nhận được văn của Nguyễn Huy Thiệp. Phải khơi được trong độc giả Pháp một thái độ tương đương đối với thời đại của chính người Pháp (điều này có thể, vì thời đại của riêng từng người có một mẫu số chung, thời đại này, con người hôm nay), qua chính ngôn ngữ Pháp (điều này chỉ có thể thực hiện được từ đáy lòng tiếng Pháp). Phải tra hỏi được chính tiếng Pháp, như Nguyễn Huy Thiệp đã tra hỏi tiếng Việt. Tóm lại, phải thực sự dịch văn.

Thái độ của một nhà văn trước thời đại của mình, đối với thân phận của mình và của đồng loại, làm sao xác định được, khi nó chỉ thể hiện qua văn phong ? Thường thường, chính nhà văn cũng rất lờ mờ, thậm chí hời hợt ở điểm này. Mấy ai tin rằng La Comédie Humaine[64] của Balzac vĩ đại vì nó thể hiện tư tưởng quân chủ của ông? Những nhà văn vừa làm chủ tư tưởng của mình, vừa làm chủ ngòi bút của mình, như J.P. Sartre, rất hiếm. Ðể hiểu câu “L’enfer, c’est les autres[65]” trong Huis-clos, ta có thể dựa vào khái niệm l’Être-pour-Autrui[66]trong l’Être et le Néant[67]. Ta dựa vào đâu để xác định nội dung tư tưởng của một hình thức hành văn? Vào cách cảm nhận của ta. Nhà văn thể hiện mình trong thời đại của mình xuyên qua một phong cách cá biệt sử dụng ngôn ngữ của thời đại ấy. Ta cảm nhận điều ấy qua cách (cũng cá biệt) ta tiếp xúc giọng văn ấy. Người viết chỉ có thể viết chính mình. Người đọc có thể hiểu ý của người viết một cách “khách quan”, khi ý đó được thể hiện một cách “khách quan”, bằng ngôn ngữ trong dạng “khách quan” của nó, tóm lại, khi một ý tầm thường được diễn tả qua ngôn ngữ tầm thường (lieu commun).

Khi tình ý của tác giả chỉ thể hiện qua phong cách viết, độc giả không thể hiểu, trong nghĩa bình thường, chỉ có thể cảm. Không có cảm giác khách quan. Con người chỉ có thể cảm chính mình. Nghệ thuật dịch đẹp, và khốn nạn, ở đó. Người dịch trước nhất là độc giả, sau là người viết lại, trong một ngôn ngữ khác, những gì mình hiểu và cảm nhận được từ tác phẩm. Do đó, ngoài ngữ nghĩa thông thường, người dịch chỉ có thể viết chính mình. Nhưng dịch giả “là” dịch giả, không thể “là” tác giả. Dịch giả có thể có nhiều suy nghĩ, cách phản ứng, cư xử và viết rất khác tác giả, không thể dùng tác phẩm của bất cứ ai để thể hiện chính mình. Vậy, trong bản dịch một tác phẩm, cái mình ấy là cái mình nào?

Có nhiều người không ngờ đến, mỗi người có hằng hà sa số cái mình. Mỗi người có một cái mình cá biệt. Khi có nhu cầu viết “chính mình”, nên viết thẳng những gì mình muốn viết, không nên đi tìm tình ý ở đâu khác ngoài cái đầu của mình, không nên dịch văn của người khác. Chỉ thế mới có khả năng tạo một lối viết riêng, khả năng hành văn. Nhưng rõ ràng, lúc dịch văn, ngay trong khi ta viết lại tác phẩm của người khác, ta chỉ có thể viết chính mình. Thế thì cái mình ấy là ai ? Nó không là cái “mình cá biệt” kia nữa. Nó là cái “ta” hình thành trong giây phút ta tiếp cận tác phẩm của người khác. Do đó nó vừa là ta, vừa không hẳn là ta, và cũng do đó, bản dịch vừa là tác giả, vừa không hẳn là tác giả. Nó là tác giả qua sự cảm nhận của độc giả. Nó là:

Mình với ta tuy hai mà một,
Ta với mình tuy một mà hai
bởi vì ta với mình chung một ngôn ngữ. Có thể trớ trêu không thua tình yêu.

Vì dịch giả có thể xúc động mãnh liệt trong lúc cảm nhận tác phẩm của người khác, nó có thể tái tạo sự xúc động ấy trong một ngôn ngữ khác. Vì, qua tác phẩm, ta may mắn gặp một người, ta kêu gọi loài người tìm nhau. Tính chất văn hoá, nghệ thuật của dịch thuật ở đó.

Theo luật pháp nước Pháp, dịch giả được coi như một tác giả, ít nhất ở điều này: có quyền cấm nhà xuất bản in tên mình trên tác phẩm. Ngược lại, dịch giả thực sự là lính đánh thuê. Nhà xuất bản luôn luôn giành quyền sửa chữa bản dịch. Khi dịch giả không chấp nhận sửa chữa theo ý nhà xuất bản, dịch giả chỉ còn quyền rút tên. Bản dịch của mình sẽ bị người khác sửa và đứng tên. Ðiều này đúng không chỉ trong dịch thuật. Trong nhiều lãnh vực khác, thí dụ nghệ thuật viết kịch bản, cũng vậy. Ai cũng biết kịch bản phim Freud của John Huston, cơ bản do Sartre sáng tác, nhưng lại do người khác đứng tên. Ngược lại, Sartre có quyền cấm dựng vở kịch Les mains sales[68]trong các nước tư bản vì ông cho rằng, trong tình hình nào đó, thời chiến tranh lạnh, dựng vở kích ấy ở các nước ấy là khoác cho nó một ý nghĩa chính trị ngược với ý nghĩa của nó. Qua đó, ta thấy luật pháp và thực tế có thể chửi nhau. Dù sao, không nên lẫn lộn nhà văn với dịch giả. Một người sáng tạo một phong cách viết mới trong một nền văn hoá. Một người mang một nhân cách, có thể mới, có thể không mới nhưng vẫn giàu nhân cách, của một nền văn hoá chia xẻ với một nền văn hoá khác. Do đó, cả hai đều tạo giá trị. Trong nghĩa đó, coi dịch giả như một loại tác giả, không hoàn toàn vô lý.

Dù sao, tác phẩm trở thành văn chương do kích thước lịch sử độc nhất vô nhị nói trên. Do đó, tác phẩm văn chương luôn luôn gắn với tác giả sáng tác nó. Bản dịch hay mấy cũng chỉ là bản dịch: nó không thể có kích thước lịch sử kia. Có thể vì vậy nhiều người coi dịch giả như cái bóng của nhà văn. Ðiều ấy đúng chăng, có thể thực hiện được chăng? Ðiều đó đúng trong nghĩa: dịch giả, cũng như bản thân tác giả, không thể tái tạo tác phẩm trong kích thước lịch sử của nó. Ðiều đó sai trong nghĩa: bản dịch là một bản sao mờ nhạt hay lệch lạc của nguyên tác.

Dịch giả không thể là bóng của nhà văn. Bóng của nhà văn lẽo đẽo theo nhà văn khi nắng trời. Còn bóng của tác phẩm, khi có, là cái bóng ngủ trên quầy sách khi tác phẩm được chưng dưới ánh đèn, trong tiệm sách. Dịch giả chỉ có thể “là” bóng của một cái bóng! Chính vì, qua tác phẩm của mình, nhà văn chỉ là một cái bóng nên có thể “nhập” vào hồn người khác. Nhưng cũng vì vậy, nó chỉ có thể nhập hồn người với tư cách lờ mờ của một cái bóng. Tác phẩm nghệ thuật chỉ hình thành qua quá trình đó, và chỉ có thể tồn tại nhờ hiện tượng đó. Ðó là ý nghĩa của hai nhận xét trên của Borges. Nhà văn lớn không chỉ “có” một vài cái bóng lẽo đẽo theo mình, mà có hàng triệu cái bóng quây quần trong thế giới ngôn ngữ mình khởi tạo, trong đó có bóng của những dịch giả. Trên đời này chỉ có một loại sách luôn luôn thủy chung với tác giả viết ra nó. Loại sách đó không cần dịch giả để tới người khác. Ðó là sách toán. Trên đời này cũng chỉ có một loại ngôn ngữ thủy chung với nội dung người sử dụng nó đã trút vào nó, đó là ngôn ngữ lập trình trong máy tính. Loại ngôn ngữ này được nhận diện bởi một định trình gọi là định trình biên dịch. Ðịnh trình ấy, ngày nay, không ai bỏ công viết, chỉ cần kê văn phạm và ngữ vựng, rồi dùng máy, sẽ tự động tạo ra một ông thầy chấm điểm tuyệt vời, không bao giờ nhầm lẫn. Nhưng xưa nay, chỉ người mới có khả năng dịch văn thành văn.

Ðiều ấy có nghĩa: ngôn ngữ vừa là cá nhân từng người, vừa là cộng đồng những người chung ngôn ngữ. Rộng hơn, nó có nghĩa: văn hoá vừa là cá nhân từng người, vừa là cả nhân loại. Ngoài mâu thuẫn ấy, nghệ thuật hành văn, nghệ thuật dịch, vô nghĩa, vô tình. Hoài bão “mình là chính mình” qua tác phẩm của mình của nhiều nhà văn, là một ảo vọng, ảo vọng của các nhà văn hồi thế kỷ thứ 19. Nay, ngày càng ít người đeo đuổi ảo vọng ấy. Từ đó tới nay người ta đã hiểu được đôi điều: một quyển sách, tự nó, chỉ là một tập giấy lem nhem mực, chẳng “có” tình ý gì hết, càng chẳng có khả năng lưu trữ một con người. Tác phẩm hình thành khi có người đọc, tái tạo nó trong thế giới tinh thần của loài người, xuyên qua một con người. Do đó, có hai người đọc một tiểu thuyết là đã hình thành hai tác phẩm khác nhau, có khi một cách khủng khiếp. Tác phẩm hay, khác best-seller tầm thường ở đó, chính là tác phẩm càng nhiều người đọc càng khơi nhiều cách cảm nhận, suy luận, càng nới rộng chân trời sáng tạo của con người. Nhà văn đích thực, nhà văn lớn ở chỗ ấy.

Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Phải là đại văn hào mới biết thốt câu hỏi ấy, ngay từ thời xa xưa ấy. Ta có thể khẳng định: ngày nào nỗi đau nhân tình của Tố Như còn là một trong những nỗi đau của nhân loại, ngày ấy Tố Như còn “là” Tố Như, trong mắt người khác, vì còn người có lý do khóc Tố Như. Vì vậy ngày nay còn người cặm cụi dịch lại Homère, Shakespeare, Kafka, Kiều… Vì trước khi biết dịch văn phải biết đọc văn, biết làm người.

Có lẽ ngày nay hiếm có nơi nào còn lắm người đeo đuổi hoài bão trên một cách thiết tha như ở Việt Nam. Ðiều ấy có ý nghĩa của nó. Xưa nay người Việt trọng văn hơn võ, hơn tiền. Suốt cả thế kỷ này, ở Việt Nam, viết văn không phải chuyện đùa, có khi đi tù, có khi mất mạng. Trong hoàn cảnh ấy, nhu cầu khẳng định mình một cách tuyệt đối, quyết liệt, qua văn chương, biểu hiện sự tự trọng của con người. Nó đáng quý, đáng trọng. Nó là một giá trị nhân bản trong hoàn cảnh ấy.Trong hoàn cảnh khác, nhu cầu đó thường khiến con người mở toang của đi vào thế giới mênh mông, lạ lùng này, xem xét, tìm hiểu đời và người. Qua đó, hiểu thêm chính mình, hiểu được tính chất mở, năng động, tổng hợp, của giá trị, của nhân cách, của văn chương.

Chuyện ấy không thể thực hiện được ở Việt Nam. Trong hoàn cảnh Việt Nam, hình ảnh nhà văn mê man từng câu, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy thoát thai từ ngòi bút của mình, thiêng liêng hoá tác phẩm của mình, và do đó tê liệt hoá nó, là một hình ảnh đẹp. Ðẹp trong buổi bừng tỉnh của ý thức, với những khát khao làm người của nó. Nhưng nếu ngừng ở đấy, nếu chỉ có bấy nhiêu, làng văn Việt Nam chưa thể hoà nhập vào thế giới, vì ngày nay, kích thước của con người, và do đó kích thước của văn chương không thể thu hẹp trong phạm vi một cái làng. Dù làng ấy ở Hà Nội hay Paris. Ðối với dịch giả cũng vậy. Người ngoại quốc muốn dịch văn Việt Nam thành văn, phải hiểu, hoặc cảm rằng người Việt là một bộ phận cấu tạo nhân cách của thời đại này. Người Việt muốn dịch văn Việt Nam phải muốn làm người Việt ngang tầm thời đại. Ðương nhiên, đó là điều kiện cần thiết, chưa đầy đủ…

 

Phan Huy Đường

11-1993

Sự cáo chung của chân lý

Featured Image: Photomaginarium

 

(Chương XI tác phẩm Đường Về Nô Lệ do Phạm Nguyên Trường dịch,
Nhà xuất bản Tri thức ấn hành, năm 2009)

“Điều đặc biệt là bất cứ ở đâu quốc hữu hóa tư tưởng cũng đồng nghĩa (pari passu) với quốc hữu hóa công nghiệp.” – E. H. Carr

Muốn cho mọi người cùng phục vụ một hệ thống các mục tiêu duy nhất, được kế hoạch của xã hội trù liệu, thì cách tốt nhất là buộc tất cả cùng phải tin tưởng vào các mục tiêu đó. Chỉ dùng các biện pháp cưỡng bách thì bộ máy toàn trị chưa thể hoạt động hữu hiệu được. Điều quan trọng là làm sao mọi người cùng coi các mục tiêu đó là của chính mình. Mặc dù những quan điểm như thế được lựa chọn và áp đặt từ bên ngoài, nhưng chúng phải trở thành niềm tin của quần chúng, phải trở thành tín điều của tất cả mọi người, sao cho các cá nhân có thể hành động một cách tự phát mà vẫn theo đúng ý của người lập kế hoạch. Và nếu trong các nước toàn trị người dân không cảm thấy họ bị áp bức như là những người sống trong các nước tự do tưởng tượng thì chủ yếu là vì chính phủ các nước này đã khá thành công trong việc buộc người dân suy nghĩ theo hướng chính quyền muốn.

Có thể làm được điều đó bằng những hình thức tuyên truyền khác nhau, kỹ thuật này đã phổ biến rộng rãi, chẳng cần nói thêm ở đây làm gì. Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng công tác tuyên truyền cũng như kỹ thuật tuyên truyền không phải là những đặc điểm riêng biệt của chủ nghĩa toàn trị. Điều duy nhất, đặc trưng cho chính sách tuyên truyền trong chế độ toàn trị là tất cả bộ máy tuyên truyền đếu hướng đến cùng một mục tiêu và tất cả các công cụ đều được phối hợp nhằm tạo ảnh hưởng đối với các cá nhân theo cùng một hướng và tạo ra một Gleichschaltung[1] đặc thù trong đầu óc mọi thần dân. Kết quả là, hiệu ứng mà nó tạo ra khác hẳn không chỉ về lượng mà còn khác về chất so với hiệu ứng tuyên truyền cho những mục tiêu khác nhau do nhiều chủ thể độc lập và cạnh tranh với nhau tiến hành. Khi tất cả các phương tiện thông tin đều bị một bộ máy duy nhất kiềm soát thì vấn đề không còn là reo rắc quan điểm này hay quan điểm kia nữa. Khi đó một tuyên truyền viên khéo léo có thể nhào nặn tâm trí quần chúng theo bất kỳ hướng nào mà anh ta chọn, ngay cả những người thông minh và có tư duy độc lập cũng không thể hoàn toàn tránh được ảnh hưởng của bộ máy tuyên truyền, nhất là nếu họ lại bị cách ly với các nguồn thông tin khác trong một thời gian dài.

Nhưng trong khi tại các quốc gia toàn trị bộ máy tuyên truyền chi phối hoàn toàn tâm trí của dân chúng, thì hiệu quả đạo đức đặc biệt nảy sinh không phải từ kỹ thuật tuyên truyền mà lại từ mục tiêu và nội dung tuyên truyền toàn trị. Nhưng nếu hoạt động của nó chỉ giới hạn ở việc áp đặt một hệ thống các giá trị mà xã hội đang cố gắng hướng tới thì bộ máy tuyên truyền chỉ là biểu hiện cụ thể của những đặc điểm của đạo đức tập thể chủ nghĩa mà chúng ta đã bàn tới bên trên. Nếu mục tiêu của nó chỉ là dạy cho dân chúng một tập hợp các chuẩn mực đạo đức xác định thì vấn đề sẽ chỉ còn là cái chuẩn mực đạo đức đó là tốt hay xấu mà thôi.

Như chúng ta đã thấy, các chuẩn mực đạo đức của chủ nghĩa toàn trị khó mà được chúng ta chấp nhận. Ngay việc phấn đấu cho sự bình đẳng bằng cách quản lý tập trung nền kinh tế chắc chắn sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng theo thang bậc của nhà nước, nghĩa là chắc chắn sẽ dẫn đến việc quyết định bằng những biện pháp cưỡng bức độc đoán địa vị của từng cá nhân trong trật tự thứ bậc mới, còn phần lớn các yếu tố đạo đức nhân bản như sự tôn trọng đời sống con người, tôn trọng kẻ yếu và tôn trọng cá nhân sẽ đơn giản là biến mất. Nhưng dù nó có bị đa số coi kinh đến đâu, dù chuẩn mực này có làm thay đổi các tiêu chuẩn đạo đức, không phải lúc nào cũng có thể nói rằng nó là phi đạo đức. Đối với những nhà đạo đức học theo trường phái bảo thủ, chuẩn mực này còn có một số nét hấp dẫn hơn là các tiêu chuẩn nhẹ nhàng và khoan dung của xã hội tự do.

Nhưng bộ máy tuyên truyền toàn trị còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn, có tính phá hoại hơn rất nhiều đối với tất cả các hệ thống đạo đức nói chung vì nó động chạm đến một trong những nền tảng của đức hạnh: ý thức và sự tôn trọng chân lý. Do bản chất các nhiệm vụ mà nó theo đuổi, bộ máy tuyên truyền toàn trị không thể tự giới hạn mình vào việc tuyên truyền các giá trị, vào những tranh cãi về quan điểm và niềm tin đạo đức được người ta tuân thủ, dù ít dù nhiều, theo các quan điểm thịnh hành trong xã hội, mà còn lan sang cả lĩnh vực nhận thức sự thật, một địa hạt khác hẳn của trí tuệ con người. Điều này xảy ra là bởi vì, thứ nhất, muốn buộc người ta chấp nhận các giá trị chính thống thì phải biện minh chúng, nghĩa là phải chỉ ra mối liên hệ của chúng với các giá trị mà người dân vẫn coi trọng, mà muốn làm như thế thì phải khẳng định được mối liên hệ nhân quả giữa mục đích và phương tiện. Và thứ hai, vì sự phân biệt giữa mục đích và phương tiện trên thực thế không phải lúc nào cũng dứt khoát và rõ ràng như lý thuyết cho nên phải làm cho quần chúng đồng ý không chỉ với mục tiêu cuối cùng mà còn chấp nhận các quan điểm về các sự kiện, vì đó là cơ sở để đề ra các biện pháp cụ thể.

*

Chúng ta đã thấy rõ rằng bất kỳ kế hoạch kinh tế nào bao giờ cũng ngầm định một sự nhất trí của toàn dân về một bộ chuẩn mực đạo đức kiện toàn, một hệ thống giá trị bao trùm lên tất cả; đây là điều không thể nào tồn tại được trong xã hội tự do; người ta phải tạo dựng ra nó. Nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng nhà lập kế hoạch không nhận thức được như thế ngay từ đầu và ngay cả nếu như nhận thức được thì cũng khó mà tạo được chuẩn mực đạo đức bao trùm như thế trước khi bắt đầu soạn thảo kế hoạch. Xung đột giữa các nhu cầu khác nhau sẽ dần xuất hiện và khi chúng lộ rõ thì phải có quyết định. Như thế nghĩa là chuẩn mực giá trị làm kim chỉ nam cho quyết định không phải là in abstracto[2] khi phải quyết định mà phải được tạo ra cùng với chính các quyết định đó. Chúng ta cũng thấy rõ rằng việc không thể tách vấn đề giá trị khỏi các quyết định cụ thể làm cho chính phủ dân chủ, trong khi không có khả năng soạn thảo tất cả các chi tiết kỹ thuật cụ thể, càng không có khả năng quyết định các giá trị làm kim chỉ nam cho hoạt động của nó.

Vì cơ quan lập kế hoạch buộc phải thường xuyên giải quyết các vấn đề công lao mà không có bất kỳ quy tắc đạo đức rõ ràng nào cho nên nó phải thường xuyên biện minh hay ít nhất là thuyết phục dân chúng tin rằng đấy là các quyết định đúng đắn. Và mặc dù kẻ đưa ra quyết định có thể chỉ dựa vào định kiến của mình, người ta vẫn buộc phải tuyên bố công khai một nguyên lý chung nào đó vì các thần dân không chỉ phải tuân thủ một cách thụ động mà phải ủng hộ đường lối một cách tích cực nữa. Nhu cầu hợp lý hóa thái độ yêu ghét chủ quan, tức là những thứ đóng vai trò dẫn đạo người làm kế hoạch trong nhiều quyết định của mình, và nhu cầu dẫn giải các lý lẽ của mình với hình thức phù hợp nhằm lôi kéo được càng nhiều người càng tốt sẽ buộc người ta phải nghĩ ra đủ thứ lý luận, tức là những nhận định về các mối liên kết giữa các sự kiện với nhau, các lý luận này sẽ trở thành một phần của hệ tư tưởng chính thống.

Quá trình sáng tạo “huyền thoại” nhằm biện hộ cho các hành động của chính quyền không phải lúc nào cũng là việc làm có ý thức. Lãnh tụ của xã hội toàn trị có thể hành động trên cơ sở lòng thù hận bẩm sinh của ông ta đối với trật tự hiện hành và ước mơ thiết lập một trật tự thứ bậc mới, phù hợp với quan niệm về công bằng của chính ông ta mà thôi; có thể đơn giản là ông ta không thích người Do Thái, những người thành đạt trong cái trật tự mà ông ta không thể chen chân vào và mặt khác, ông ta lại thán phục những người cao to, tóc vàng, tức là trông giống như các nhân vật anh hùng trong những cuốn sách mà ông ta đã đọc thời niên thiếu. Vậy là ông ta vồ vập ngay những lý thuyết cung cấp cơ sở hợp lẽ cho chính các định kiến mà ông ta chia sẻ với các đồng đảng của mình. Các lý thuyết giả khoa học trở thành một phần của hệ tư tưởng chính thống, là kim chỉ nam cho hành động của nhiều người, xuất hiện như thế đấy. Hay là thái độ căm ghét nền công nghiệp và thi vị hóa đời sống thôn dã khá thịnh hành, lại được củng cố thêm bằng lý luận (có lẽ là sai) rằng thôn quê sinh ra các chiến binh quả cảm, lại tạo ra dưỡng chất cho một huyền thoại khác – huyền thoại “blut und Boden”[3], chứa đựng không chỉ các giá trị cao cả mà cả một loạt các khẳng định nhân quả, những khẳng định một khi đã trở thành lý tưởng dẫn đạo cho hoạt động của toàn xã hội rồi thì không ai được phép nghi ngờ nữa.

Nhu cầu thiết lập các giáo điều chính thống như là công cụ định hướng và tập hợp các cố gắng của tất cả mọi người đã được nhiều lý thuyết gia của hệ thống toàn trị đặt ra. “Lời nói dối hữu ích” của Platon cũng như “các huyền thoại” của Sorel phục vụ cho cùng mục đích như lý thuyết chủng tộc của quốc xã hay thuyết nhà nước phường hội của Mussolini. Chúng chỉ là những quan niệm cá biệt dựa trên các sự kiện mà sau đó được trau truốt thành các lý thuyết khoa học nhằm biện minh cho các định kiến có sẵn mà thôi.

*
Cách tốt nhất để người dân chấp nhận các giá trị mà họ phải phục vụ là thuyết phục họ rằng đấy là các giá trị mà họ hay ít nhất là những người ưu tú nhất trong số họ vẫn luôn luôn tin tưởng, chỉ có điều trước đây họ đã hiểu chưa thật đúng. Lúc đó nhân dân sẽ chuyển lòng trung thành từ các chúa trời cũ sang các chúa trời mới với kỳ vọng rằng các chúa trời mới đúng là điều mà họ cần nhưng từ trước đến nay họ chỉ mới lờ mờ cảm thấy như thế. Và biện pháp tốt nhất là gán cho các ngôn từ cũ những ý nghĩa hoàn toàn mới. Ít có đặc điểm nào của chế độ toàn trị vừa làm cho những người quan sát hời hợt phải lúng túng lại vừa đặc trưng cho bầu không khí trí tuệ của nó bằng việc xuyên tạc toàn diện ngôn ngữ, bằng thay đổi ý nghĩa của ngôn từ để thể hiện lý tưởng của chế độ mới.

Bị xuyên tạc nhiều nhất chính là từ “tự do”. Như ở bất kỳ nơi nào khác, từ này cũng được sử dụng một cách tự do ngay trong các nhà nước toàn trị. Trên thực tế, có thể nói – và đây phải là lời cảnh báo để chúng ta luôn phải thận trọng trước những kẻ hứa hẹn New Liberties for Old[4] (Tự do mới thay cho tự do cũ) – rằng bất cứ khi nào tự do, theo nghĩa chúng ta hiểu, bị phá hoại thì bao giờ người ta cũng hứa hẹn cho nhân dân một nền tự do mới. Ngay trong chúng ta cũng có “những người ủng hộ kế hoạch hóa nhân danh tự do”, những người này còn hứa cho chúng ta nền “tự do tập thể cho cả nhóm”, mà ý nghĩa của nó sẽ trở nên rõ ràng nếu ta chú ý đến điều họ nói sau đây: “dĩ nhiên là đạt được tự do theo kế hoạch không có nghĩa là thủ tiêu ngay lập tức tất cả <sic!> mọi hình thức của tự do đã từng tồn tại trước đây”. Tiến sĩ Karl Mannheim, người có tác phẩm chứa câu dẫn bên trên[5], chí ít đã cảnh báo chúng ta rằng “khái niệm tự do hình thành trong thời đại trước là cản ngại cho cách hiểu đúng đắn vấn đề này”. Nhưng chính từ “tự do” trong lập luận của ông ta cũng đáng ngờ như khi nó nằm trên đầu lưỡi của các chính khách toàn trị mà thôi. Giống như họ, cái “tự do tập thể” mà ông ta đề nghị không phải là tự do của từng thành viên trong xã hội mà là quyền tự do vô hạn của người lập kế hoạch, được phép làm với xã hội tất cả những gì hắn muốn[6]. Đây là sự lẫn lộn của tự do với quyền lực tuyệt đối.

Trong trường hợp này, không nghi ngờ gì rằng chính các nhà triết học Đức, trong đó có các lý thuyết gia xã hội chủ nghĩa, đã đóng vai trò quan trọng trong việc xuyên tạc ý nghĩa của từ “tự do”. Nhưng “tự do” không phải là từ duy nhất mà ý nghĩa đã bị đánh tráo theo hướng ngược lại để trở thành công cụ của bộ máy tuyên truyền toàn trị. Chúng ta đã chứng kiến chuyện tương tự với các khái niệm như “luật pháp” và “công lý”, “quyền” và “bình đẳng”. Cái danh sách này có thể còn kéo dài, có thể đưa vào đây hầu như tất cả các thuật ngữ chính trị và đạo đức thường dùng hằng ngày.

Một người chưa tự mình trải nghiệm thì không thể đánh giá được mức độ xuyên tạc ý nghĩa của các từ và sự rối rắm mà nó gây ra cũng như những rào cản mà nó tạo ra cho bất kỳ cuộc thảo luận duy lý nào. Phải tận mắt chứng kiến thì mới hiểu được làm sao mà hai anh em ruột không thể giao thiệp được với nhau, sau khi một người cải đạo và bắt đầu nói bằng một ngôn ngữ hoàn toàn khác. Còn rắc rối hơn vì sự thay đổi ý nghĩa của các từ thể hiện lý tưởng chính trị diễn ra không chỉ một lần mà là một quá trình liên tục, đã trở thành kỹ thuật tuyên truyền, cố ý hoặc vô tình nhằm định hướng tư duy của con người. Dần dà, khi quá trình này đã đạt đến một mức độ nhất định thì ngôn ngữ trở thành bất lực, từ ngữ trở thành vỏ bọc trống rỗng chẳng còn ý nghĩa xác định nào, có thể biểu hiện cả nghĩa hoàn toàn trái ngược với nghĩa ban đầu của chúng, và chỉ được dùng để tạo ra những liên tưởng cảm xúc còn gắn bó với chúng mà thôi.

*
Tuyệt đại đa số mọi người rất dễ bị tước đoạt khả năng suy nghĩ độc lập. Nhưng thiểu số những người còn giữ được khả năng phê bình cũng phải nín thinh. Như chúng ta đã thấy, vấn đề không chỉ là ép buộc nhân dân chấp nhận một bộ chuẩn mực đạo đức dùng làm cơ sở cho kế hoạch hoạt động của toàn bộ xã hội. Vì nhiều điều khoản trong cái bộ chuẩn mực đó không thể phát biểu một cách tường minh được, vì nhiều điều khoản trong thang giá trị làm kim chỉ nam cho hoạt động chỉ tồn tại một cách ngầm định trong bản kế hoạch, còn các chi tiết của bản kế hoạch và mỗi hành động của chính phủ đều phải trở thành thiêng liêng và không thể bị phê bình. Muốn cho dân chúng ủng hộ sự nghiệp chung một cách vô điều kiện thì phải thuyết phục họ rằng cả mục đích cũng như phương tiện đều đã được lựa chọn một cách đúng đắn. Vì vậy giáo điều chính thống phải bao trùm tất cả các sự kiện có liên quan đến kế hoạch và phải nhồi vào óc mọi công dân.

Mọi lời phê phán công khai hay thậm chí ngay cả những biểu hiện của sự nghi ngờ cũng bị đàn áp vì chúng có thể làm suy giảm sự ủng hộ của công chúng. Như Sidney và Beatrice Webb viết về tình hình trong các xí nghiệp ở Nga: “Khi công việc đang được xúc tiến thì bất kỳ biểu hiện công khai nào về sự ngờ vực, thậm chí lo lắng về khả năng thành công của kế hoạch đều bị coi là sự bất trung, thậm chí phản bội, vì nó có thể ảnh hưởng đến ý chí và nỗ lực của những người khác[7]”. Còn nếu nghi ngờ và lo lắng không phải là về sự thành công của một xí nghiệp cụ thể mà liên quan đến kế hoạch của toàn thể xã hội thì bị coi là hành động phá hoại.

Như vậy là sự kiện và lý thuyết cũng như các quan điểm về giá trị đều trở thành những thành tố không thể tách rời của hệ tư tưởng. Tất cả các kênh truyền bá kiến thức – trường học và in ấn, đài phát thanh và phim ảnh – tất cả đều được sử dụng để truyền bá các quan điểm, bất luận là đúng hay sai, nhằm củng cố niềm tin vào sự đúng đắn của chính quyền; trong khi đó mọi thông tin có thể gây nghi ngờ hay tạo ra dao động đều bị cấm. Tiêu chuẩn để cho hoặc không cho công bố một thông tin là ảnh hưởng của nó đối với lòng trung thành của nhân dân. Nói tóm lại, chính thể toàn trị luôn luôn nằm trong tình trạng mà ở các nước khác chỉ có thể xảy ra trong thời chiến. Người ta giấu tất cả những gì có thể làm cho nhân dân nghi ngờ sự sáng suốt hay làm mất niềm tin vào chính phủ. Thông tin về điều kiện sống của người dân ở các nước khác có thể tạo cơ sở cho những so sánh bất lợi, kiến thức về những đường lối khả dĩ có thể lựa chọn, thông tin cho phép người ta nghĩ rằng chính phủ đã mắc sai lầm, đã bỏ qua cơ hội cải thiện đời sống của người dân v.v… đều bị cấm hết. Kết quả là thông tin trong tất cả mọi lĩnh vực đều bị kiểm soát, đấy là nhằm tạo ra một sự thống nhất tuyệt đối về tư tưởng.

Việc kiểm soát được thực hiện với cả những lĩnh vực có vẻ như chẳng liên quan gì đến chính trị, thí dụ như với cả các ngành khoa học trừu tượng nhất. Dưới chính thể toàn trị các ngành khoa học nhân văn như lịch sử, luật học hay kinh tế học không thể nào tiến hành được các nghiên cứu mang tính khách quan, nhiệm vụ duy nhất của các ngành này là chứng minh tính đúng đắn của các quan điểm chính thống, đây là sự kiện ai cũng biết và đã được thực tế xác nhận. Trong tất cả các nước toàn trị các ngành khoa học này đã trở thành những nguồn cung cấp huyền thoại hiệu quả nhất, chính quyền đã dùng chính những huyền thoại này để tác động lên lý trí và ý chí của dân chúng. Điều đặc biệt là các nhà khoa học trong những lĩnh vực nói trên chẳng cần phải giả vờ rằng họ đang tìm tòi chân lý, chính nhà chức trách quyết định phải tìm hiểu và công bố những luận thuyết nào.

Việc kiểm soát toàn diện lan sang cả những lĩnh vực mà mới nhìn thì có vẻ như chẳng có một tí ý nghĩa chính trị nào. Đôi khi thật khó mà giải thích vì sao lý thuyết này được ủng hộ mà lý thuyết kia thì bị phê phán, nhưng điều kỳ lạ là trong các nước toàn trị khác nhau sự yêu ghét, trong nhiều trường hợp, lại có vẻ như giống nhau. Cụ thể là trong các nước này người ta bao giờ cũng có phản ứng tiêu cực đối với những hình thức tư duy trừu tượng, đây là phản ứng đặc trưng ngay cả trong số các nhà khoa học ủng hộ chủ nghĩa tập thể của chúng ta. Thuyết tương đối bị bác bỏ hoặc vì nó là “âm mưu của bọn Do Thái nhằm phá hoại nền tảng Vật lý học Thiên Chúa giáo và Bắc Âu” hay là vì nó “mâu thuẫn với chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa duy vật biện chứng” không còn là điều quan trọng nữa. Cũng chẳng có gì khác nhau trong những cuộc tấn công vào một số định lí toán thống kê, bất kể vì chúng “là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp trên mặt trận tư tưởng và là sản phẩm phục vụ giai cấp tư sản” hay lĩnh vực này bị phủ nhận sạch trơn vì “không có gì bảo đảm rằng nó sẽ phục vụ quyền lợi của nhân dân”.

Có vẻ như không chỉ môn toán ứng dụng mà cả môn toán lí thuyết cũng được xem xét trên những quan điểm như thế, bất luận thế nào thì một vài quan điểm về các hàm liên tục đã bị coi là “định kiến tư sản”. Theo tường trình của ông bà Webb thì tạp chí Journal for Marxist-Leninist Natural Sciences (Tạp chí khoa học tự nhiên Marxist-Leninist) đầy rẫy các khẩu hiệu tỉ như “Bảo vệ tính đảng trong toán học” hay “Bảo vệ sự trong sáng của học thuyết Marx-Lenin trong phẫu thuật học”. Ở Đức tình hình cũng tương tự như thế. Tờ Journal of the National-Socialist Association of Mathematicans (Tạp chí của Hiệp hội các nhà toán học Xã hội chủ nghĩa quốc gia) cũng đầy rẫy “tính đảng trong toán học”, thậm chí Lenard, nhà vật lý Đức nổi tiếng nhất, người nhận giải thưởng Nobel còn tổng kết sự nghiệp của đời mình trong bộ toàn tập với tên gọi: German Physics in Four Volumes! (Vật lý Đức trong bốn tập!)

Việc lên án tất cả mọi hoạt động không có mục đích thực tiễn trước mắt là hoàn toàn phù hợp với tinh thần của chủ nghĩa toàn trị. Khoa học vị khoa học hay nghệ thuật vị nghệ thuật đều bị những người quốc xã, những trí thức theo đường lối xã hội chủ nghĩa và cộng sản của chúng ta căm ghét như nhau. Mọi hoạt động đều phải có mục đích xã hội rõ ràng. Mọi hoạt động tự phát hay nhiệm vụ không rõ ràng đều không được khuyến khích vì có thể dẫn đến những kết quả không lường trước được, những kết quả mâu thuẫn với kế hoạch, tức là những kết quả không thể tưởng tượng nối đối với triết lý làm kim chỉ nam cho kế hoạch hóa. Nguyên tắc này còn lan sang cả lĩnh vực trò chơi và giải trí nữa. Tôi xin mời bạn đọc thưởng lãm lời kêu gọi những người chơi cờ ở Nga hay là ở Đức: “Chúng ta phải chấm dứt một lần và vĩnh viễn thái độ trung lập của môn cờ vua. Chúng ta phải lên án một lần và vĩnh viễn công thức ‘cờ vị cờ’ cũng như ‘khoa học vị khoa học’”.

Dù sự xuyên tạc như thế có là chuyện khó tin đến đâu, chúng ta cũng phải nhận thức rõ rằng đấy không phải là những lệch lạc vô tình, không có liên quan gì với bản chất của hệ thống toàn trị. Không phải như thế. Chúng là kết quả của chính cái mưu toan buộc tất cả phải quy phục “quan điểm duy nhất về cái toàn thể”, của những nỗ lực nhằm giữ vững quan điểm bằng mọi giá, bắt nhân dân phải liên tục hy sinh nhân danh các quan điểm đó và nói chung tư tưởng cho rằng kiến thức và niềm tin của con người chỉ là công cụ cho những mục tiêu đã được lựa chọn từ trước nhất định sẽ dẫn đến những sự xuyên tạc kiểu như thế. Khi khoa học không còn phụng sự chân lý mà là phụng sự quyền lợi giai cấp, xã hội hay nhà nước thì nhiệm vụ của tranh luận và thảo luận chỉ còn là chứng minh và truyền bá những quan điểm vốn là kim chỉ nam cho toàn bộ xã hội mà thôi. Như Bộ trưởng Bộ Tư pháp quốc xã đã giải thích, tất cả mọi lý thuyết khoa học mới đều phải tự hỏi: “Ta có phụng sự chủ nghĩa quốc xã vì lợi ích cao cả của toàn dân hay không?”

Chính từ “chân lý” đã đánh mất ý nghĩa ban đầu của nó rồi. Nếu trước đây từ này dùng để mô tả cái cần tìm, mà lương tâm cá nhân là người quyết định duy nhất rằng bằng chứng hay cơ sở để đưa ra bằng chứng ấy có bảo đảm độ tin cậy hay không thì nay chân lý là do người có quyền lực đặt ra, là cái mà mọi người phải tin nhân danh sự thống nhất vì sự nghiệp chung và chân lý có thể thay đổi một khi nhu cầu của sự nghiệp chung đòi hỏi[8].

Điều đó đã tạo ra một bầu không khí trí tuệ đặc thù với thái độ vô liêm sỉ đối với cái mà chính nó đã gây ra, thái độ coi thường chân lý, đánh mất tinh thần tìm tòi độc lập và đánh mất niềm tin vào lý trí, biến tất cả các cuộc tranh luận khoa học thành các vấn đề chính trị mà nhà chức trách chính là người có tiếng nói cuối cùng – phải trải nghiệm thì mới hiểu được, đấy là những điều không thể diễn tả nổi trên một vài trang giấy. Nhưng đáng ngại nhất là thái độ coi thường tự do trí tuệ, không phải chỉ xuất hiện sau khi chế độ toàn trị đã được thiết lập mà là thái độ của nhiều nhà trí thức, những người ôm ấp tư tưởng tập thể chủ nghĩa cũng như những người tự coi mình là đầu lĩnh trí tuệ ngay trong các nước có chế độ tự do. Nhưng người đang làm như thay mặt các nhà khoa học trong các nước tự do công khai biện hộ không chỉ cho những vụ đàn áp tồi tệ nhất nhân danh chủ nghĩa xã hội và thiết lập hệ thống toàn trị mà còn công khai kêu gọi thái độ bất dung nữa. Chẳng phải là gần đây chúng ta đã thấy một nhà khoa học Anh bảo vệ Tòa án dị giáo (Inquisition) vì theo ông ta “nó có lợi cho khoa học khi bảo vệ giai cấp đang lên[9]” hay sao? Thái độ như thế thật chẳng khác gì thái độ của bọn quốc xã, những kẻ đã từng bức hại các nhà khoa học, đốt sách và đào tận gốc một cách có hệ thống tầng lớp trí thức trên bình diện quốc gia.

*
Ước muốn áp đặt lên dân chúng một tín điều được coi là bổ ích đối với họ dĩ nhiên không phải là điều mới lạ hay đặc biệt mà chỉ thời chúng ta mới có. Cái mới là lý lẽ mà các nhà trí thức của chúng ta dùng để biện hộ cho nó. Họ bảo rằng không làm gì có tự do tư tưởng trong xã hội hiện nay, vì rằng ý kiến và thị hiếu của dân chúng được định hình bởi tuyên truyền, quảng cáo và cách sống của tầng lớp trên cũng như bởi những yếu tố môi trường sống khác, những thứ nhất định sẽ định hướng tư duy của dân chúng vào những lối mòn có sẵn. Từ đó họ rút ra kết luận rằng nếu ý kiến và thị hiếu của đa phần dân chúng được nhào nặn bởi hoàn cảnh mà ta có thể kiểm soát được thì ta phải sử dụng cái quyền lực này một cách chủ động để lái tư duy của dân chúng vào hướng có lợi nhất.

Có lẽ đúng là phần lớn dân chúng không có khả năng tư duy độc lập, đúng là người ta sẵn sàng chấp nhận các quan điểm có sẵn về hàng loạt vấn đề và người ta cảm thấy hài lòng với những đức tin hình thành từ thời thơ ấu hay được lôi kéo vào. Trong mọi xã hội, tự do tư tưởng chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với một thiểu số không đáng kể. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng một người nào đó có quyền quyết định rằng ai mới là người được phép tự do tư tưởng. Cũng không có nghĩa là một nhóm người nào đó được quyền tuyên bố rằng người dân phải nghĩ thế này hay phải tin thế kia. Sẽ là sai lầm khi cho rằng hệ thống nào thì đa số dân chúng cũng đi theo sự lãnh đạo của một người nào đó, cho nên nếu tất cả mọi người cùng đi theo sự lãnh đạo của một người thì cũng thế mà thôi. Phủ nhận quyền tự do tư tưởng vì không phải ai cũng có khả năng tư duy độc lập như nhau là hoàn toàn bỏ qua những lý lẽ biện minh cho tự do tư tưởng. Tự do tư tưởng là động cơ chủ yếu thúc đẩy sự tiến bộ về mặt tri thức không phải là vì ai cũng có thể nói hay viết bất kỳ cái gì mà là bất cứ lý do hay tư tưởng nào cũng có thể được đem ra thảo luận. Khi bất đồng quan điểm không bị đàn áp thì bao giờ cũng có người tỏ ra nghi ngờ những tư tưởng dẫn đạo đương thời và đưa ra những tư tưởng mới cho mọi người thảo luận và tuyên truyền.

Quá trình tương tác giữa các cá nhân có những hiểu biết và đứng trên các quan điểm khác nhau tạo ra đời sống tinh thần. Sự phát triển của lý tính là tiến trình xã hội đặt căn bản trên sự khác biệt như thế. Bản chất của vấn đề là ta không thể tiên đoán được kết quả, ta không thể biết quan điểm nào sẽ thúc đẩy sự phát triển còn quan điểm nào thì không, nói tóm lại, không có quan điểm nào hiện nay lại có thể định hướng được sự phát triển mà đồng thời lại không ngăn chặn chính sự phát triển đó. “Lập kế hoạch” hay “tổ chức” sự phát triển của tâm trí cũng như sự phát triển nói chung là vô nghĩa, là mâu thuẫn ngay trong thuật ngữ. Ý tưởng cho rằng tâm trí của con người phải “tự giác” kiểm soát sự phát triển của chính nó xuất phát từ nhận thức sai lầm về lý tính của con người; sự thực là, chỉ có lý tính mới có thể “chủ động kiểm soát” được cái gì đó khác và sự phát triển của lý tính là kết quả của quá trình tương tác giữa các cá nhân với nhau. Cố tình kiểm soát nó là chúng ta đã đặt giới hạn cho sự phát triển của nó và không chóng thì chày sẽ dẫn đến sự trì trệ về tư tưởng và sự suy thoái của lý trí.

Bi kịch của tư tưởng tập thể là ở chỗ nó bắt đầu bằng việc coi lý tính là tối thượng nhưng lại kết thúc bằng việc tiêu diệt lý tính vì đã hiểu sai tiến trình đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển của lý trí. Có thể nói rằng đấy chính là nghịch lý của tất cả các học thuyết theo đường lối tập thể và yêu cầu kiểm soát một cách “tự giác” hay “chủ động” lập kế hoạch nhất định sẽ dẫn đến nhu cầu phải có một trí tuệ tối cao điều khiển tất cả, trong khi cách tiếp cận của chủ nghĩa cá nhân cho phép chúng ta nhận chân rằng các lực lượng siêu-cá-nhân mới là lực lượng dẫn dắt sự phát triển của lý tính. Chủ nghĩa cá nhân chính là thái độ nhún nhường trước các tiến trình xã hội và thái độ khoan dung đối với những ý kiến khác biệt, trái ngược hẳn với thói tự phụ nằm sẵn trong cội nguồn của yêu cầu lãnh đạo toàn diện đời sống xã hội..

 

Tác giả: Phạm Nguyên Trường
Đinh Tuấn Minh hiệu đính
Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2009
Edit: THĐP


[1] Gleichschaltung là một quan điểm chính trị của Đức nhằm buộc tất cả các lĩnh vực của đời sống phải phục vụ cho quyền lợi của chế độ xã hội chủ nghĩa quốc gia, ở ta thường gọi là sự thống nhất về tư tưởng – ND.
[2] Cái có trước- La Tinh – ND.
[3] Máu và đất – tiếng Đức – ND.
[4] Nhan đề một tác phẩm mới của nhà sử học Carl Becker (ND).
[5] Man and Society in an Age of Reconstruction (Con người và xã hội trong thời đại tái thiết). trang. 377.
[6] Peter Drucker đã nhận xét rất đúng rằng “trên thực tế, càng có ít tự do thì càng có nhiều lời nói suông về “tự do mới”. Nhưng đây chỉ là ngôn từ che đậy cách hiểu trái ngược hoàn toàn với cách hiểu về tự do từng thịnh hành ở châu Âu… Tự do mới mà người ta đang tuyên truyền ở châu Âu chính là đa số có quyền áp đặt ý chí của mình lên cá nhân con người” (The End of Economic Man -Sự cáo chung của con người kinh tế). trang. 74).
[7] Sidney và Beatrice Webb, Soviet Communism (Chủ nghĩa cộng sản Xô Viết), trang. 1038.
[8] Ở Việt Nam người ta từng nói “Chân lý là cái lý có chân” – ND.
[9] Crowther J.G., The Social Relations of Science (Quan hệ xã hội của khoa học), 1941, trang. 333.

Ngủ sớm đi, em nhé!

Featured Image: Will Montague

 

Năm 2007 nước ta có khoảng hơn 500 nghìn thí sinh trượt đại học (nghĩa là không vượt qua điểm chuẩn của Bộ). Năm 2008 cũng dao đông trong khoảng từ 500-600 nghìn thí sinh trượt. Đến năm 2009 con số đó tăng lên khoảng 800 nghìn. Trong khi điểm sàn năm 2007 là 15, năm 2008,2009 là 13. Điểm sàn thấp hơn nhưng số thí sinh trượt lại cao hơn một cách chóng mặt như thế, nguyên nhân do đâu?

Một thông tin có vẻ không liên quan, đó là khoảng tháng 4 năm 2009, Việt nam xuất hiện một đầu số mới là 092 của mạng Vietnamobile. Xuất hiện không bao lâu nhưng cái tên Vietnamobile cũng đủ tạo nên một cơn sốt nhỏ trong lòng giới trẻ lúc bấy giờ. Việc lo ngại về cước giá điện thoại đã hoàn toàn vô nghĩa với những dịch vụ của đầu số 092. Với dịch vụ Maxi talk và Max SMS thì chỉ với một số tiền khoảng vài nghìn đăng ký là bạn có thể nói chuyện hoặc nhắn tin nội mạng suốt ngày. Vào lúc ấy không phải nói chuyện điện thoại nhiều lãng phí mà hoàn toàn ngược lại. Những cặp đôi trẻ tuổi, học sinh dường như ai cũng sở hữu cho mình một cái sim Vietnamobile.

Thông tin về mạng di động mới thành lập năm 2009 kia có vẻ không liên quan với kết quả tồi tệ của năm 2009…..À không, dường như có một sự liên quan không nhỏ. Mà theo suy đoán của tác giả, việt những dịch vụ kinh khủng kia của Vietnamobile hoàn toàn có thể là một trong những lý do lớn nhất khiến chất lượng thi đại học giảm một cách rõ rệt như thế. Có lẽ cần phải giải thích thêm một tí…

Thời học sinh có lẽ ai cũng từng yêu và yêu một cách ngây dại. Có thể là một mối tình đơn phương cũng có thể là một mối tình rực rỡ. Nói chung, dường như ai cũng có một đối tượng cho riêng mình. Và khi yêu việc được trò chuyện với đối tượng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nếu ngày xưa là những tờ giấy chuyền tay thì bây giờ là những chiếc di động, với sự ra đời của mạng di đông cùng những dịch vụ hấp dẫn nêu trên thì việc trò chuyện thâu đêm với đối tượng mình thích không phải là vấn đề nữa. Đây, “thâu đêm”, đó có lẽ chính là nguyên nhân cho sự giảm sút chất lượng như thế.

Nhắc lại chuyện xưa một tí, thực chất vấn đề tác giả muốn nói ở đây chính là việc thiếu ngủ, đó có thể là nguồn cơn cho rất nhiều thất bại. Câu chuyện Vietnamobile đã qua rồi, nhưng bây giờ trào lưu mới facebook đang dần thay thế. Không có gì lạ nếu khoảng 12 giờ đêm mà cột online trên facebook bạn vẫn còn chi chit đèn. Cũng không có gì lạ nếu hơn 11 giờ bạn hỏi một người bạn “sao vẫn chưa ngủ” và nhận được câu trả lời “còn sớm mà”.

Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu thực tế không phải mọi hoạt động thường bắt đầu từ lúc 6 giờ sáng. Nghĩa là chúng ta có thể chỉ ngủ được vài giờ mỗi ngày. Với việc ngủ ít, thức dậy vội vã, nhịn ăn sáng hoặc qua loa là chuyện bình thường. Nghĩa là cũng sẽ thật bình thường nếu một sinh viên luôn ngủ trong lớp, anh thợ mộc đóng đinh búa trượt vào tay, một nhân viên không đủ tỉnh táo làm việc hoặc tệ hơn nữa là một anh thanh niên vừa ngủ vừa chạy xe đi làm. Có thể ta xem đó như một thói quen hiển nhiên và không có gì bận tâm. Nhưng có khi nào bạn nghĩ rất nhiều điều không tốt đến với mình như công việc chất đống, nợ môn hay luôn cau có bực dọc đều là do một khởi đầu ngày mới tồi tệ không?

Một vài tư liệu trên google cho biết thiếu ngủ có thể dẫn đến rối loạn tâm lý, bệnh tim mạch, tiểu đường và thậm chí là nguy cơ đột quỵ, bệnh ung thư,… (theo tiến sĩ Cherly Thompson của đại học Cleveland, Mỹ).

Nếu bạn đã có thói quen thức khuya thì hãy thử một ngày ngủ sớm, thức dậy vươn vai vài cái, hít thở thật sâu, ăn sáng nhẹ nhàng, làm một cốc cà phê và cảm nhận sự khác biệt của những buổi uể oải níu kéo tấm chăn xem.

Và những cặp đang yêu nhau thắm thiết đến nỗi không thể rời nói chuyện với nhau dù mi mắt đã mỏi. Có lẽ thật là… ác độc nếu bắt các bạn từ biệt nhau hoặc một trong hai sẽ cảm thấy không vui khi một bên muốn chấm dứt cuộc chuyện trò. Nhưng đó là điều tốt nhất dành cho người còn lại, không phải là nói chuyện thâu đêm mà là một lời chúc ngủ ngon chân tình đúng thời điểm. Để một cuộc sống tốt đẹp hơn, một tinh thần thoải mái để đối đầu với những ngày khó khăn phía trước, có lẽ từ bây giờ những người yêu nhau hãy tập nói: “Ngủ sớm đi, em (anh) nhé!”

 

David Bectam

Phiêu diêu tự tại cùng mây gió

“Cháu không nghĩ rằng cháu cần học vấn, cần một công việc hay một thứ gì cho cuộc sống sao?”
“Cháu nghĩ rằng nghề nghiệp là một phát minh của thế kỷ 20 và cháu không muốn nó.” (Into The Wild)

 

Tại sao những người trẻ hiện đại chúng ta lại không thử như Christopher McCandless (Into The Wild)? Ngay sau khi nhận bằng tốt nghiệp, đi về nhà đốt luôn chiếc bằng đó cùng những thứ như giấy tờ tùy thân, thẻ tín dụng, các loại bằng cấp… bỏ lại đằng sau tất cả những ảo mộng phù du của xã hội hiện đại. Hoặc như Ryan Bingham (Up In The Air) nói:

“Cuộc sống của chúng ta cân nặng bao nhiêu? Tưởng tượng bạn có một cái ba lô, bạn cho tất cả những thứ bạn có vào đó, đầu tiên là những thứ như đồ trang sức, quần áo, TV… rồi đến những thứ to hơn như chiếc ô tô, ngôi nhà của bạn… Bạn đã cảm thấy độ nặng chưa?”

Tôi nghĩ nếu bạn có một chiếc ba lô như thế thật, vậy bạn thử nghĩ xem với chiếc ba lô như vậy thì bạn đi được những đâu, bạn sẽ đi được bao xa? Ryan Bingham cũng nói:

“Bạn càng đi chậm thì bạn càng chết nhanh.”

Ồ, tại sao lại như vậy, nghe có vẻ thật xa lạ với những gì chúng ta được dạy từ bé đến giờ, những gì trường lớp dạy chúng ta đâu phải như thế? Xã hội dạy chúng ta làm sao càng có nhiều tiền càng tốt, con người chúng ta được đo đạc bằng những gì chúng ta có: Nhà cao cửa rộng, ô tô sang, quần áo xịn… Trường học thì dạy chúng ta: Tôi chơi với anh thì tôi được lợi cái gì, có tiền không mà đòi chơi với tôi, tôi được bao nhiêu anh được bao nhiêu… Đó chính là sự thực dụng mà chúng ta được dạy. Chúng ta có thể bất chấp tất cả để đạt được của cải vật chất, thậm chí phải hy sinh ước mơ, đam mê của chính bản thân mình với một niềm tin rằng với của cải trong tay chúng ta có thể thỏa mãn sự đánh đổi đó.

Con người ta quá bận rộn để chạy theo những thứ như vậy, họ phải kiếm tiền, họ phải tham gia những cuộc họp, họ phải đi thiết lập mối quan hệ… đủ thứ mà tôi cũng chả hiểu là việc gì. Như vậy Tyler Durden (Fight Club) chả nói đúng quá sao:

“Những gì chúng ta sở hữu cuối cùng lại sở hữu chính chúng ta.”

Chúng làm cho chúng ta không dám “xách ba lô lên và đi”, ôi thật buồn cười thay!

Tại sao những người trẻ hiện đại chúng ta lại không chọn một cuộc sống như Tiêu Phong và A Châu (Thiên Long Bát Bộ)? Bỏ hết tất cả lại đằng sau để đi đến vùng biên cương, hoặc một vùng làng quê nào đó, hoặc một vùng thảo nguyên nào đó, có một ngôi nhà be bé để sống, có một mảnh vườn nho nhỏ để trồng rau ăn qua ngày, rồi trồng vài ba cây ăn quả, cứ đến mùa lại ra vườn hái những trái táo chín đỏ mọng ăn có phải sung sướng không. Hàng ngày ra vườn trồng cây cuốc đất; rảnh rỗi thì ngồi uống trà, đánh cờ, ngâm thơ cùng những người bạn tâm giao; một mình thì chơi đàn, vẽ tranh, đọc sách của các bậc thánh hiền… có phải là tuyệt vời hơn so với cuộc sống bon chen ngoài kia suốt ngày chỉ biết đến mớ giấy tờ xếp từng đống từng đống không. Sáng thì làm việc, tối về nhâm nhi chén trà ăn bánh thưởng nguyệt, biết đâu tức cảnh sinh tình lại ra mấy vần thơ, ôi cuộc đời có phải phiêu diêu tự tại làm sao.

Một năm dành ra đến 2, 3 tháng để đi đây đi đó, leo đỉnh Phanxipan, đạp xe xuyên Việt hoặc đi bộ dọc con đường Trường Sơn, hoặc nếu hơn nữa thì có thể nhảy lên những con tàu vô định không biết đang đi về đâu như Paul Theroux (Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ), đến những nơi mình chưa từng đến, làm quen với những người mình chưa từng biết. Để cho tàu trôi tự do, đến đâu thì đến, đến nơi đâu mình sẽ hòa nhập vào tâm hồn con người nơi đó, sống với họ, ăn với họ, sinh hoạt với họ, cảm nhận những nét văn hóa rất đặc sắc mà không đâu giống đâu; mình sẽ chìm xuống để lắng nghe những âm thanh của thiên nhiên hoang dã, lắng nghe tiếng gió thổi qua từng chiếc lá cây, tiếng chim kêu từ cành này sang cành kia, tiếng nước suối róc rách chảy, liệu như thế có tuyệt vời hơn những tour du lịch đã vạch sẵn nơi đến và bị giới hạn thời gian không?

Dẫu biết cuộc đời còn nhiều khó khăn nhưng bạn cứ tin tôi đi, một khi bạn nhận ra được và phá vỡ bức tường vô hình đó, bạn sẽ thấy nó thật thật tuyệt vời!!!

Tôi nói thật đấy!

Bonus bài nhạc nghe khi đọc note:

 

Yathāmani

Mùa an cư 2014.

Viết cho mười tám, cho những “ngại ngùng một tương lai”

Featured Image: Sergey Sotnikov

 

Tuổi mười tám
Hồn mong manh hơn gió
Khi phố đổi mùa
Cũng man mác
men say
Dễ khóc dễ cười
Nghe hồn nhiên vỗ cánh
Ngấp nghé đường đời
Ta bỡ ngỡ một vòng tay

Tuổi mười tám
Ngày mây đi
chợt khóc
Buổi mưa về
lòng tiếc nuối ngẩn ngơ
Đêm không trăng
Hiểu, những tảo tần của mẹ
Và gánh nặng cuộc đời
Trên đôi tay sần màu rám nắng của cha.

Tuổi mười tám
Đời thênh thang theo gió
Tung cánh chim trời
mải miết
những đường bay
Núi tiếp núi
Chợt hiểu mình bé nhỏ
Dấn bước muôn trùng
Ta khao khát một vòng tay

Tuổi mười tám
Ta ngồi bên quán gió
Nhấp chén mây trời
Nồng nàn
Lúy túy say
Ngoái nhìn hôm qua
Thầy, cô, trường, lớp, bạn
Hành trang vào đời
Ta ôm trọn cả vòng tay

Tuổi mười tám
Căng buồm lên với gió
Xé toạc trùng dương
trong
chất ngất cơn say
Sóng dẫu bạc đầu
Vẫn nghìn năm vẫy gọi
Náo nức nhìn đời
Ta dang rộng cả vòng tay.

Gold

 

Câu chuyện 3 lần mất iPhone

Featured Image: Samuel Grimaldo Jr.

 

Tôi vừa bị mất iphone, không có gì đáng tự hào, nhưng đây là chiếc iphone thứ 3 tôi mất trong năm nay: 2 chiếc đầu tiên là iphone 5 và chiếc vừa mất là iphone 4, những tài sản giá trị. Bạn thấy tôi điên khùng quá không? Người ta một năm mất một cái đã bực rồi, ấy thế mà tôi không mất tới 3 cái lại chẳng hề bực. Đúng, tôi không bực những kẻ trộm kia, tôi chỉ bực chính bản thân mình. Bực cái tính đểnh đoảng, luộm thuộm và luôn tin tưởng mọi người một cách quá đáng. Nếu tôi là một người nào đó như họ, nhìn thấy một món tài sản giá trị đặt hớ hênh mời goi, dám tôi cũng muốn trở thành một tên trộm lắm. Có khi còn nghĩ rằng người bị mất đồ nên cám ơn tôi vì đã dạy họ bài học không nên để tài sản của mình bừa bộn lung tung như thế.

Tự nhiên nhớ lại câu nói này: “Khi một việc tồi tệ xảy ra và lặp đi lặp lại, điều đó có nghĩa là cuộc sống đang cố dạy bạn một bài học nào đó.” Hẳn rồi, cuộc sống đang dạy tôi phải biết bảo quản tài sản cẩn thận và sống ngăn nắp hơn chăng? Mà tôi lại là một học sinh ngu dốt chẳng chịu học. Tôi mất đáng đời lắm thay giờ trách than gì. Không, bài viết này không phải để trách than, mà về những chuyện khác mà tôi ngộ ra, từ bài học này.

Tôi nhận ra mình thật sự cô độc hơn mình nghĩ

Quay lại cảm giác khi mất điện thoại, lần đầu tiên bị mất điện thoại có lẽ là lần tôi đau buồn nhiều nhất, mỗi lần sau thì càng đỡ đau hơn, có lẽ do tâm trí đã dần quen với việc này. Nhưng cảm giác hụt hẫng thì luôn hiện hữu, hụt hẫng vì mất một món đồ giá trị đã đành. Tôi cảm thấy như mình bị mất đi một người bạn thì đúng hơn, một người bạn thân hơn cả bạn thân nữa. Bạn IP luôn ở bên tôi, giúp tôi làm việc, giúp tôi cười, thư giãn, giúp tôi lưu trữ cuộc sống và giúp tôi kết nối với tất cả mọi người. Rồi tôi chợt nhận ra mình cô độc quá chừng. Một người ở độ tuổi trẻ trung sôi nổi nhất lại chỉ có cái điện thoại vô tri làm bạn, bạn thân.

Tôi thức dậy với điện thoại, chìm cả ngày bên điện thoại và đi ngủ cũng bên cạnh chiếc điện thoại. Cuộc sống của tôi từ bao giờ trở nên bé nhỏ và đơn điệu đến thế? Từ bao giờ tôi trở nên lệ thuộc vào cái bạn điện thoại này như vậy. Bạn yếu pin là tôi không yên, bạn hết máu là tôi vội vàng đi nạp. Bạn xước một đường và móp một góc là tôi đau lòng. Tôi quan tâm bạn còn hơn những người thân bên cạnh mình. Từ khi nào bạn lại quan trọng với tôi như vậy? Và tôi cũng nhận ra, hình như không chỉ tôi, mà rất nhiều người cũng đang như vậy, đang cùng chung một tình trạng cô độc đến đau lòng chỉ có chiếc điện thoại là bạn thân thiết nhất mà thôi.

Kinh nghiệm của kẻ mất điện thoại thường xuyên

Mỗi khi mất điện thoại, tôi cũng tiếc lắm, cũng đau lòng lắm, nhưng tôi không than van nhiều. Than van được ích gì, thời gian than van và đau buồn tôi luôn dành để nghĩ cách nào mua lại được chiếc điện thoại khác nhanh nhất có thể. Và luôn tự nhủ câu thần chú “của đi thay người, của đi thay người” cho đỡ đau lòng. Tôi hạn chế cho người khác biết mình mất điện thoại, ba mẹ thì tiếc rẻ một món tiền lớn, bạn bè thì chửi ngu nên tôi thường chọn cách im lặng và tập trung suy nghĩ tìm cách mua lại cái mới. Con người làm ra tiền, làm ra của cải vật chất, thật vô lý khi lãng phí quá nhiều thời gian để đi than van. Tôi thậm chí còn thấy nhiều giọt nước mắt của các bạn mất điện thoại nữa cơ.

Hơi xấu hổ khi nói ra điều này nhưng là một người có kinh nghiệm trong việc mất điện thoại tôi có đôi lời khuyên cho bạn như sau: Đừng mãi tiếc nuối và than vãn về việc mất điện thoại, công bằng mà nói, chẳng ai bận tâm đến chiếc điện thoại của bạn cả dù cho họ có giả vờ hỏi han. Thời gian than vãn đó bạn nên nghĩ cách để kiếm tiền, để làm việc tay trái chân trái sinh thu nhập mua lại chiếc điện thoại khác sẽ tốt hơn. Và bạn nên có kế hoạch dự trù cho việc mất điện thoại, bao gồm việc lưu trữ danh bạ và đồng bộ hết hình ảnh, dữ liệu quan trọng lên một nơi nào đó. Vì khi ta mất điện thoại, tiếc nó đã đành nhưng ta thường tiếc hơn cái danh bạ và toàn bộ hình ảnh, dữ liệu trong đó. Tôi khuyên bạn điều ai cũng biết nhưng bạn biết nó không thừa mà đúng không?

Một ngày không iphone, tôi đã thật sự sống

Một ngày không có iphone của tôi thật khác, tôi đi ngủ sớm hơn và dành nhiều thời gian cho việc đọc sách và viết lách, cảm thấy thư thái lạ thường. Buổi sáng tôi dậy sớm hơn, lái xe về nhà thăm gia đình không quên mua cho ba mẹ tô phở nơi quán họ yêu thích, một việc đơn giản đã lâu tôi không làm. Không phải mất điện thoại tôi mới về, nhưng khi không lăm lăm điện thoại trên tay, tôi nói chuyện với ba mẹ nhiều hơn, tôi ngắm nhìn họ nhiều hơn và cảm thấy yêu thương ba mẹ hơn rất nhiều. Nhìn ba mẹ vui vẻ pha chút ngạc nhiên, cười nói và ăn uống ngon lành, một cảm xúc nghèn nghẹn từ tận đáy lòng tôi dâng lên. Tôi đã bỏ sót quá nhiều điều rồi chăng?

Buổi tối, anh bạn rủ ra một quán bia mới khai trương, như bình thường tôi sẽ từ chối, nhưng ngày không iphone tôi đồng ý, về nhà sớm có làm gì lại đang buồn nữa, uống chút bia ngủ cho ngon, tôi nhủ thầm. Tối đó tôi như lạc vào một thế giới khác, không ngờ tại cái phố núi bé nhỏ này lại có nơi nhộn nhịp như vậy. Tôi cứ tưởng mọi người ai cũng cô đơn như mình hóa ra không phải. Mỗi bàn là từng tốp bạn nam hoặc cả nam nữ, uống bia, trò chuyện cười đùa thật vui vẻ. Là tôi đã tự tách mình ra khỏi cuộc sống màu sắc này từ lúc nào? Từ lúc nào tôi cô độc và nép mình thế này. Rõ ràng, thế giới của tôi bất ổn, bất ổn một cách đáng ngờ mà chỉ mãi đến ngày không có iphone tôi mới nhận ra. Hóa ra ngoài thế giới iphone còn có một thế giới khác, rất xinh đẹp và vô cùng thú vị ngoài kia, tất cả chờ tôi đặt điện thoại xuống, mở lòng ra và khám phá… Một thế giới cần tôi hòa mình và cảm nhận bằng trái tim chứ không phải những cú click hay trượt tay trên màn hình.

Khi nào vẫn còn những kẻ trộm lương tri thì thế giới vẫn còn tốt đẹp

À, ngày không iphone tôi vừa kể là một ngày khác, là ngày hôm kia khi tôi định bán nó cho người ta mà sau đó họ đổi ý không mua nữa. Còn hôm nay sẽ vẫn là ngày có iphone… Ngay sau đây tôi sẽ kể bạn nghe một câu chuyện khó tin có thật, cũng về chiếc điện thoại bị mất ngày hôm nay. Đó là tôi đã được tên trộm mang trả lại. Haha đúng vậy, quá khó tin đúng không? Chính tôi cũng không thể tin được mình lại may mắn thế, may mắn gặp một tên trộm “lương tri”.

Khi bị mất, tôi ngạc nhiên khi họ không tắt máy, máy vẫn đổ chuông. Trong những nỗ lực cuối cùng, tôi nhắn đi một tin trong vô vọng: “Giờ em muốn chị chuộc lại máy hay muốn chị đưa đoạn camera cho công an?” May mắn làm sao, đó là một tên trộm tay ngang và yếu bóng vía, nghe tôi hù đã lập cập mang máy đến trả lại, tất nhiên bạn ấy không dám ra mặt mà nhờ một bác xe ôm mang tới trả và còn nhắn tin xin lỗi tôi rằng: “Tại em suy nghĩ nông cạn nên đã lấy điện thoại của chị, em xin lỗi, em sẽ không làm vậy nữa.” Thật mủi lòng làm sao. Tôi nói chuyện qua tin nhắn với kẻ trộm vài câu và còn được em ấy cảm ơn nữa. Sao cũng được, nhận lại được điện thoại là tôi vui quá trời quá đất rồi vì vốn dĩ chưa bao giờ nghĩ mất rồi sẽ tìm lại được cả. Thế nên nếu bạn có rơi vào trường hợp nào mà tin chắc không thể cứu vãn. Đừng nản lòng, biết đâu điều thần kì lại xảy đến khi ta không ngờ nhất. Chuyện gì cũng có thể xảy ra, trộm iphone còn đem trả lại cơ mà.

Hãy thử mọi cách có thể, cho tới cách cuối cùng…

Cuộc đời thật nhiều điều kì thú. Từ hôm nay, nhất định tôi sẽ cẩn trọng hơn và sẽ cố gắng không phụ thuộc quá nhiều vào bạn iphone nữa. Bạn cũng vậy nha.

À mà quên, thật ra tôi chẳng có đoạn clip hay camera nào cả. Chỉ là chút “nổ” lực cuối cùng mong cứu vãn tình thế thôi, không ngờ lại có hiệu quả. Thế nên bạn cũng vậy, khi bạn gặp khó khăn, hãy luôn thử mọi cách, cho tới cách cuối cùng. Biết đâu cách ngớ ngẩn nhất lại mang lại kết quả tốt đẹp thì sao.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ,với một niềm tin mãnh liệt vào một thế giới tốt đẹp, tôi đi ăn mừng đây.

 

Phi Tuyết

Bắt đầu sẽ là… “một”

Featured Image: Wikipedia

 

Chúng ta không tồn tại trên cuộc đời này một mình. Chúng ta chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi rất nhiều yếu tố từ ngoại cảnh đến con người. Phần lớn các yếu tố đó chính là những điều cản trở sự phát triển cá nhân mỗi chúng ta. Nghịch lý và chính chúng ta lại là người tạo cho mình một sức ì vô cùng lớn, nó lớn dần theo thời gian và làm cho chúng ta chậm tiến. Chúng ta ngại bắt đầu. Điều này chắc chắn là ai trong số các bạn đã từng trải qua. Những câu chuyện tiếp sau tôi chia sẻ, có thể một vài trong số các bạn sẽ thấy mình trong đó. Vì đây là những câu chuyện đơn giản và rất gần với cuộc sống và đó cũng là câu chuyện của tôi.

Câu chuyện thứ nhất, đó là việc tập thể dục rèn luyện sức khỏe. Tôi nhận thấy đây là chuyện nên làm, nó quan trọng. Nhưng mỗi khi tôi có suy nghĩ và chuẩn bị bắt tay thực hiện thì tôi không thể nào làm được hoặc duy trì được. Đó có thể là chạy bộ, gập bụng, chơi cầu lông. Các bạn có biết tại sao không? Vì tôi trì hoãn những kế hoạch mà tôi đã vẽ vời ra. Tôi còn trẻ mà, tôi đâu có bệnh gì đâu. Vì vậy tôi cho phép tôi trì hoãn nó, thậm chí là tàn phá sức khẻo của chính mình. Tôi thức thâu đêm, tôi uống rượu bia, uống café, thuốc lá,… Còn các bạn, các bạn thế nào?

Cậu chuyện thứ hai cũng tương tự vậy, là việc viết lách của tôi. Gần 3 năm từ ngày mà tôi nhận ra viết là một kỹ năng. Nếu bạn có kỹ năng viết bạn sẽ có nhiều cơ hội và có thể sẽ thành công hơn trong cuộc sống. Ví dụ nhé, nếu bạn biết viết bạn có thể làm thêm việc làm thứ hai, làm thêm các việc làm bán thời gian hoặc viết sách, vân vân. Nó quan trọng đúng không nhưng tôi đã không xem trọng nó, tôi ít giành thời gian để suy nghĩ về nó cho đến năm nay. Tôi đã quyết tâm và biến số không thành số một và từ số một này tôi tiếp tục phát triển kỹ năng của mình trên Triết Học Đường Phố. Trước đây tôi liên tục trì hoãn điều này vì tôi nghĩ tôi không thể làm được chuyện này. Nó khó lắm, mỗi khi tôi bắt tay vào thực hiện nó thì có quá nhiều thứ cám dỗ để tôi có thể quên đi việc rèn luyện kỹ năng này.

Câu chuyện thứ ba là vẽ sơ đồ tư duy, cũng như viết tôi biết đến khái niệm học bằng não phải từ khá lâu nhưng để rèn luyện, tìm hiểu chuyên sâu về nó thì không. Tôi cũng chỉ vẽ bằng phần mềm chứ chưa bào giờ thực hiện bằng phương pháp thủ công cả. Đó là vì tôi cho phép tôi trì hoãn nó, cứ để đó. Học theo cách cũ tức sử dụng não trái để ghi nhớ thì với tôi vẫn ổn cơ mà. Cho đến một ngày tôi đến câu lạc bộ đọc sách – nơi đó mọi người đến để đọc sách, chia sẻ và lưu lại bằng sơ đồ tư duy. Mỗi tuần ba buổi, mỗi buổi là một quyển sách. Thế thì mỗi tuần tôi cũng có tối thiểu vài sơ đồ tư duy nghệch ngoạc mà tôi tự vẽ vời ra. Mọi người đến đó ai cũng làm thế, đặc biệt ở CLB Sách này có một cu cậu còn rất bé nhưng nhóc này là chuyên gia về sử dụng và vẽ sơ đồ tư duy. Tôi cần phải hòa nhập, tôi không phải là một nốt nhạc lạc điệu. Nên tôi đã cố gắng, cố gắng duy trì. Chính vì vậy, hơn hai tháng từ ngày mà tôi tham gia CLB Sách tôi cũng có thể khẳng định rằng tôi biết vẻ sơ đồ tư duy và tôi có thể dùng tốt nó.

Câu chuyện thứ tư là một câu chuyện về việc học tiếng Anh. Tôi khổ sở lắm để học tiếng Anh. Tôi muốn có thể nói được tiếng Anh nhưng ngữ âm tôi sai tất. Vì tôi được thầy cô – người mà giúp tôi tiếp cận tiếng anh những năm đầu tiên, lại là người phát âm không đúng cũng như không thể nói được tiếng anh. Tôi sống ở quê, thầy cô chỉ truyền đạt cho tôi ngữ pháp và đọc hiểu thôi. Sau này tôi đến một vài nơi dạy tiếng anh chủ yếu để phát triển giao tiếp. Cô tôi bảo cứ học đều đặn, mỗi ngày một ít. Ít thôi, cứ giành ra 30 phút, thậm chí chỉ 5 phút một ngày để nói tiếng anh và thực hiện nó đều đặn mỗi ngày. Như vậy sẽ nói được tiếng anh trong thời gian ngắn.Với tôi nó khó lắm, tôi không thể làm được điều này. Tôi có thể giành thời gian cho lướt web, mạng xã hội, xem phim, nghe nhạc nhưng giành 30 phút mỗi ngày với tôi là đều không tưởng. Cho đến một ngày tôi có quyết tâm mạnh mẽ, tôi cố gắng thực hiện và duy trì. Kết quả là từ một người dốt tiếng Anh, sợ tiếng Anh thì tôi cũng có thể tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh và thường xuyên đi đến các câu lạc nói tiếng Anh cũng như tự tin giao tiếp với người nước ngoài.

Chuyện thì cũng đã kể rồi, chắc các bạn cũng đã đọc rồi đúng không. Các bạn có thấy hình ảnh của mình trong các câu chuyện này không. Nếu có thì âu cũng là điều bình thường. Không, thì tôi xin chúc mừng bạn. Qua các mẩu chuyện nhỏ này tôi tin các bạn có thể hiểu được tại sao chúng ta chậm tiến. Đó là chúng ta bị bệnh trì hoãn. Vì bệnh trì hoãn này làm cho chúng ta cứ mãi cho các dự định của chúng ta mãi là số không. Tại sao những thứ như sức khỏe, kiến thức, các cơ hội thành công của chúng ta,… vậy mà chúng ta cứ cho nó vào ngăn xếp và cất nó đi. Sao chúng ta không cố gắng để nó trở thành một, rồi từ một nó sẽ thành hai, rồi ba, rồi bốn, rồi năm, vân vân.

Sự trì hoãn có thể đem lại cho chúng ta rất nhiều hậu quả và rắc rối trong công việc và trong đời sống. Trì hoãn dẫn đến căng thẳng, cảm giác tội lỗi, nặng nề và sự khủng hoảng về mặc tâm lý. Làm giảm năng suất lao động, làm chúng ta phá vỡ các cam kết về thời gian, tiến độ hoàn thành công việc. Chính vì vậy, để có thể khắc phục nó, chế ngự nó. Chúng ta nên quyết tâm cũng như lưu nhớ câu này: “Việc hôm nay chớ để ngày mai.” Nó giúp nhắc nhở mỗi chúng ta vượt qua căn bệnh nan y này.

 

Mr Lias