29 C
Nha Trang
Thứ sáu, 1 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 213

Định hướng nào để phát triển Rock/Metal scene Việt Nam?

Featured Image: Vinh Studio

 

Tuần qua cũng nhiều chuyện xoay quanh nền âm nhạc Rock/Metal nước nhà. Show Hardcore United được tổ chức bởi Hardcore Vietnam đã đánh dấu một bước mới của một dòng nhạc mà rất nhiều các bạn trẻ hiện nay yêu thích, theo đuổi, nó đánh dấu dòng nhạc hardcore tại Việt Nam đã vươn ra khỏi tầm underground. Sau khi sự kiện diễn ra được vài ngày, Hardcore Viet Nam lại đăng tải thông tin họ sẽ có ý định làm một show thứ 2 với một khác biệt lớn là sự tham gia của một band nhạc nước ngoài, Whitechapel. Cũng bắt nguồn từ đó, chuyện tranh luận giữa việc tại sao lại mời band nhạc nước ngoài về Việt Nam diễn trong khi chúng ta có thể dùng các band trong nước và tự phát triển scene?

Những cái tên đình đám đã đến Việt Nam trong năm 2013?

Rockstorm đã mời Andromeda, Tiger Translate đã mời Lacuna Coil, tiếp đến là các cộng đồng, các nhóm đã mời được những cai tên như: The Ghost Inside, Obey The Brave, Chealsea Grin, Chthonic, Nargaroth, Black Rebel Motorcycle Club, The Cribs…v…..v….Những cái tên tôi vừa nêu ra, họ đều là những band nhạc hoàn toàn nước ngoài, có những band nhạc đã hết thời đỉnh cao, có những band đã và đang rất “hot” nhưng tóm lại họ vẫn chỉ xếp Việt Nam vào thị trường âm nhạc thứ 2 mà họ hướng đến. Những nhà tổ chức sự kiện luôn gặp rất nhiều khó khăn, chúng ta không có quyền tự lựa chọn ngày tổ chức là những ngày cuối tuần (thứ 6, thứ 7, Chủ nhật) nếu họ đi tour như ở các thị trường âm nhạc được cho là số 1, còn muốn điều đó các nhà tổ chức sẽ phải bỏ tiền ra chơi trội bằng việc mời sang diễn một đêm rồi họ về nước hoặc cùng lắm chỉ là do sự may mắn trong kế hoạch sắp lịch đi tour.

Tốn kém, hút máu của chính người Việt Nam đó nhưng tại sao tôi cho Việt Nam vẫn cần thêm những band nhạc nước ngoài đến diễn?

Tất nhiên ngắn gọn là việc học hỏi từ họ. Việt Nam có những band nhạc mà các bạn cho là lớn, ờ thì cũng là lớn trong nước thôi. Họ diễn vài ba cái chương trình được cho là quy mô lớn, năm nào cũng gần như lặp lại, thêm tí hoa dại cho khác, cũng chỉ những gương mặt ấy, đánh mãi, hát mãi những bài hát mà người ta nghe phát chán rồi tự bảo nhau đó là tượng đài Rock Việt, là những band hay nhất Rock Việt.

Việt Nam đã có band nào đi tour nước ngoài hay chưa?

Câu trả lời là chưa. Có một vài ba band ra nước ngoài tham gia với vai trò là khách mời giao lưu hoặc đi tham dự một cuộc thi nào đó trên thế giới. Qua bao nhiêu năm đều bước, điều mà Rock/Metal scene hướng đến là việc có band nhạc nước nhà được các thị trường âm nhạc nước ngoài mời chào đi diễn, đi tour đến nước họ đến nay là một con số 0 rất tròn.

Tại sao phát triển mãi vẫn chưa đạt được điều trên?

Đại đa số các band nhạc Việt Nam chẳng thế kiếm tiền từ việc đi diễn, việc chơi nhạc, đi diễn chỉ là sự yêu thích, đam mê. Hầu hết họ có công việc kiếm tiền chính chẳng liên quan đến ngành nhạc. Bề bộn lo toang việc kiếm tiền nuôi sống rồi mới nuôi được cái đam mê, thời gian giành cho band nhạc cùng lắm là những giờ cuối ngày cầm đàn, cầm dùi tự tập hay những chiều thứ 7, chủ nhật cùng nhau rảnh rỗi tập band. Điều đó cho thấy chẳng mấy band tận tụy cho việc cùng xây dựng một band cả, cứ chán là chúng ta lại nghỉ chơi rồi ra lập band mới.

Cách quản lý, PR, marketing band nhạc cũng là điều tôi muốn nhắc đến. Đã có band nhạc Việt Nam nào tự lập cho mình một kế hoạch là sẽ đi tour ra nước ngoài, rồi lập những điều căn bản để gửi đi mời chào cho các nhà tổ chức nước ngoài như : hợp đồng trình diễn, hospitality rider, technical rider, stage plot, input list…v….v…? Ngay cả việc tuyển các vị trí cần thiết như quản lý và soundman riêng cho band cũng chưa band nhạc Việt Nam nào làm được.

Kết bài:

Định hướng Rock/ Metal scene phát triển đồng nghĩa với việc ta phải tự phát triển các band nhạc trong nước về mọi mặt và gắn liền với việc thường xuyên giao lưu ra ngoài thế giới, họ sẽ qua nước ta và ta sẽ mang âm nhạc Việt ra nước họ. Chẳng có Rock/ Metal scene nào có thể tự bảo là phát triển trong “nội địa” và thành công vì điều đó cả. Sau Hardcore United, chúng ta sẽ lại được đón The Aristocrats vào tháng 8, có thể Whitechapel vào tháng 9, Rock Storm cũng rục rịch khai màn vào tháng 10. Rock/ Metal scene Việt Nam có phát triển hay không cũng là do chúng ta quyết định, không chỉ những band nhạc, những nhà tổ chức show mà nó cần sự chung tay của tất cả những người chung sở thích, chung đam mê cùng xây dựng! Cột mốc mà tôi mong muốn thấy là Việt Nam sẽ có band nhạc vươn ra thế giới, thời gian có thể xa nhưng chúng ta sẽ luôn cố gắng để đạt được điều ấy chứ?

 

Place Of Mind

Ghi chú:

+HardcoreUnited là một buổi diễn âm nhạc được tổ chức vào ngày 21/06/2014 tại sân nhà ga 3A (3A Station) với sự góp mặt của 11 band nhạc đến từ khắp mọi miền đất nước. Một show diễn được đem ra làm một cột mốc không chỉ vì lý do hardcore tại Việt Nam bước lên khỏi underground mà đó còn show diễn hoàn toàn bắt nguồn từ sự đam mê của một cộng đồng. Số tiền bán vé và nhà tài trợ của show hoàn toàn không thể đáp ứng mọi chi phí của buổi diễn và tất nhiên họ đã tự bỏ tiền túi để có thể tạo ra Hardcore United. Danh sách 11 band nhạc đã tham gia đêm diễn:Cat Pylon // W.A.A.H // Loser Of Generation // Morning Waits // December // Off The Skyline // Elevator // Alive In Sight // The Current Will Carry Us // Epione // In Your Eyes.
+Hospitality rider : Danh sách yêu cầu bên tổ chức chuẩn bị những nhu cầu của nghệ sĩ khi đi diễn (Đồ ăn, thức uống, nơi ở, phương tiện đi lại, an ninh, vé mời…v…v).
+Technical rider : Danh sách yêu cầu bên tổ chức chuẩn bị những trang thiết bị cần có trong buổi diễn (Âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ…v…v…).
+Stage plot : Sơ đồ vị trí lắp đặt các trang thiết bị trên sân khấu của các nghệ sĩ yêu cầu.
+Input list : Danh sách nội dung chi tiết và số cổng Input mà nghệ sĩ cần.

Bát linh hậu: Khoảng cách thế hệ ở Trung Quốc

Featured Image: Bruno Barbey/Magnum

 

Các bậc cha mẹ ở Trung Quốc luôn than vãn về thói lười biếng và tham lam của con cái họ, nhưng thế hệ những người trẻ này đã chịu đủ rồi.


James Palmer là một tác giả sách và biên tập viên người Anh đã có cơ hội làm việc thân cận với nhiều nhà báo Trung Quốc. Cuốn sách mới nhất của ông có tên “Cái chết của Mao” (‘The Death of Mao’) (2012). Ông hiện sống ở Bắc Kinh.

***

Vào năm 2004, vừa đặt chân xuống khỏi máy bay ở Bắc Kinh, tôi đã bị người ta lôi tuột đi làm giám khảo cho một cuộc thi hùng biện tiếng Anh của các học sinh năm cuối cấp III. Đồng giám khảo với tôi là hai nhà xã hội học tuổi trung niên khá ưa hoài nghi, cả hai đều là giáo sư của đại học Thanh Hoa (Tsinghua) [1]. Sau khi nghe một bài phát biểu dài lê thê về việc Trung Quốc đã từng rất nghèo, nhưng giờ đã trở nên giàu có và quyền lực đến thế nào, tôi bình luận với một trong hai người họ rằng các học sinh này có vẻ đã được bảo bọc hơi quá kỹ.

“Chúng chẳng biết một cái gì cả!” cô nói một cách giận dữ. “Chúng không hề có một chút khái niệm nào về việc người dân đang phải sống ra sao. Không đứa nào trong cái thế hệ của bọn nhỏ này biết hết. Tất cả chúng đều đã bị nuông chiều quá đáng.”

Đó là quan điểm tôi đã được nghe đi nghe lại nhiều lần trong suốt tám năm qua, và là một quan điểm mà giới truyền thông Trung Quốc chưa bao giờ thôi đề cập tới. Chỉ riêng vừa tháng Một này thôi, viên thiếu tướng và nhà bình luận truyền thông hiếu chiến La Viện (Luo Yuan) đã phê phán giới trẻ là ‘yếu ớt cả về thể chất lẫn tinh thần’, ca thán rằng: “Nữ tính đang lên ngôi, và nam tính đang biến mất. Thiếu hoàn toàn phẩm chất và nghị lực, lại còn thể trạng yếu ớt như vậy, làm thế nào chúng có thể gánh vác trên vai những trọng trách nặng nề?”

Trong khi đó, tác giả và nhà phê bình xã hội Mộ Dung Tuyết Thôn (Murong Xuecun) thì nguyền rủa giới trẻ thậm tệ trên trang tạp chí Mỹ Foreign Policy, bởi “bị nuôi béo tới phì nộn bằng Coca-Cola và thức ăn nhanh […] thế hệ trẻ bây giờ chỉ biết nhất mực tin theo những gì chính phủ tuyên bố; có nhiều kẻ còn coi đối lập với nhà chức trách là như ngang với tội dị giáo. Chúng không bao giờ thèm bận tâm kiểm tra lại các sự kiện chi tiết.”

Cũng có một phần sự thật đằng sau những lời chỉ trích này. Vào năm mà tôi tới Trung Quốc, khi tôi phải trải qua giai đoạn sống-như-người-ngoại-quốc gần như bắt buộc tại đây với nghề giáo viên, trước khi có thể chuyển hẳn hoàn toàn sang công việc viết sách và làm biên tập xuất bản, tôi đã phải lôi xềnh xệch một thằng nhỏ 19 tuổi ra khỏi lớp học sau khi nó nổi cơn tam bành, giậm chân giật tay ăn vạ và từ chối bước ra khỏi lớp. Lời khẳng định của ông Mộ Dung, rằng giới trẻ ngày nay ngoan ngoãn nuốt từng lời của chính phủ, không hề đứng vững trong một thời đại mà mọi sự tín nhiệm của tầng lớp lãnh đạo đều đã bị đánh đổ hoàn toàn bởi các phương tiện truyền thông, nhưng ta có thể thấy cơ sở cho lời khẳng định của ông La. Mỉa mai nhất là chính con cái của các quan chức quân đội lại có vẻ là những đứa đặc biệt béo tốt nhất. Các giáo viên tại một học viện đào tạo liên thông với với một doanh trại quân đội đã miêu tả với tôi rằng các của nợ cứng đầu và ngu dốt của họ trông cứ như “mấy cái dái ngắn cụt giãy giụa” (‘stubby wobbling penises’), và họ còn tổ chức các cuộc thi ngầm giữa nhau để xem học sinh nào là “xôi thịt” (‘sausagey’) nhất trong cả lũ.

Các so sánh về thức ăn này cho ta thấy – những thế hệ người lớn của Trung Quốc đang muốn biết: “Tại sao chúng có thể sống dễ dàng quá vậy, trong khi bằng tuổi chúng, chúng ta đã phải khổ sở đến chừng nào?” Đối tượng chính của sự phê phán này là thế hệ mà những người Trung Quốc gọi là bát linh hậu (‘balinghou’) – những người trẻ sinh sau năm 1980, chưa bao giờ phải biết đến tem phiếu thức ăn, và được nuôi lớn lên sau khi giai đoạn “cải cách và mở cửa” của Trung Quốc đã bắt đầu. Ở đây tôi đang nói tới tầng lớp trung lưu thành thị, những người chiếm đại đa số truyền thông Trung Quốc, cả với tư cách là đối tượng mua sắm và tiêu thụ. Những lời chỉ trích trên, về thực tế không mấy thực sự liên quan tới các yếu kém của giới trẻ; chúng chỉ như dấu hiệu của một hố sâu ngăn cách khổng lồ, chưa từng bao giờ có trước đây, giữa giới trẻ thành thị Trung Quốc với cha mẹ của họ mà thôi.

Trương Quân (Zhang Jun), một học viên cao học 26 tuổi, đã miêu tả tình thế này như sau: “Nó không chỉ là khoảng cách giữa các thế hệ. Nó là khoảng cách giữa các hệ giá trị, khoảng cách giữa giàu và nghèo, khoảng cách về trình độ giáo dục, khoảng cách về các mối quan hệ, và khoảng cách về thông tin.” Linh Mỹ Lệ (Lin Meilian), 30 tuổi, một nhà báo, đã tuyên bố một cách ngắn gọn thế này: “Tôi chẳng có một điểm gì chung với mẹ mình hết. Chúng tôi không thể nói chuyện với nhau về bất cứ điều gì cả. Bà không bao giờ hiểu được tại sao tôi lại chọn cho mình một cuộc sống như vậy.”

Các bậc cha mẹ, những người đã dành toàn bộ những năm tháng tuổi hai mươi của họ lao động trên những nông trại xa xôi hẻo lánh, giờ đây phải đối mặt với một thế hệ trẻ đo đạc thế giới của họ bằng những trung tâm mua sắm, iPhone và các cuộc hẹn hò.

Loại khoảng cách này không phải chỉ có riêng ở Trung Quốc. Nhưng ở hầu hết các nước khác đều có một tính liền mạch hơn nhiều giữa các thế hệ. Thời niên thiếu của tôi ở Manchester những năm 1990 chỉ khác biệt về mức độ, chứ không khác biệt về bản chất, với thời niên thiếu của bố mẹ tôi tại Bristol và Sydney những năm 1960. Nhưng cha mẹ của những người trẻ thuộc thế hệ hậu-1980 – những người sinh ra vào khoảng 1950 đến 1965 – đã lớn lên trong một thế giới nông thôn, tuân theo các tư tưởng của Mao Trạch Đông; hoàn toàn khác biệt với thế giới của con cái họ bây giờ. Ở thời của họ, mỗi làng chỉ có một chiếc máy điện thoại, các trường đại học bị đóng cửa, và mọi công việc đều được cắt đặt và bổ nhiệm từ trên xuống. Nếu bạn có thể hình dung sự mất phương hướng và lúng túng của rất nhiều bậc cha mẹ phương Tây khi phải đương đầu với Internet và tác động của nó tới con cái của họ, và rồi thêm vào nó hẹn hò, cuộc sống của trường đại học, rồi những lựa chọn nghề nghiệp, vậy là bạn đã có thể tới gần hơn tới nan đề giữa các thế hệ này. Các bậc cha mẹ, những người đã dành toàn bộ những năm tháng tuổi hai mươi của họ lao động trên những nông trại xa xôi hẻo lánh, giờ đây phải đối mặt với một thế hệ trẻ đo đạc thế giới của họ bằng những trung tâm mua sắm, iPhone và các cuộc hẹn hò.

Người Trung Quốc lớn tuổi, đặc biệt là những người nay đã vào độ tuổi năm mươi, sáu mươi, thường cứ như dân nhập cư ngay trên chính mảnh đất của họ. Họ cũng có cái cảm giác lạc lõng, mất phương hướng, hay phải vất vả xoay sở với những tiêu chuẩn xã hội và những thói quen tập quán họ không hiểu nổi đó; chỉ còn biết cố bám chặt lấy những nhóm người đồng loại ít ỏi còn sót lại của mình. Trong mối quan hệ với con cái, họ làm tôi nhớ tới những bậc cha mẹ người gốc Ấn Độ và Bangladesh ở Anh mà tôi đã được chứng kiến khi còn nhỏ, luôn phải vất vả xoay sở để có thể giúp con đưa ra những lựa chọn mà bản thân họ trước đây chưa bao giờ phải lựa chọn. Ấy vậy nhưng, với tất cả những sự khó khăn do khác biệt về địa lý tạo ra đó; khoảng cách giữa một khu làng ở Bangladesh với vùng ngoại ô Manchester vẫn còn nhỏ hơn khoảng cách giữa vùng nông thôn Trung Quốc của những năm 1970 và thành phố Bắc Kinh thời hiện đại.

Dân nhập cư thường có một hệ giá trị ổn định mang tới từ văn hóa quê nhà của họ, mà từ đó họ rút được ra nguồn sống cho cộng đồng mình, bất kể là về mặt tôn giáo hay văn hóa. Nhưng với những đứa con của cuộc Cách Mạng Văn Hóa của Trung Quốc, không hề có một sự liền mạch nào như vậy. Họ được nuôi lớn lên, tin vào tư tưởng cách mạng của Mao Trạch Đông những năm 1960 và 70; và rồi khi đã là những thanh niên trẻ vào cuối những năm 1970, họ được bảo rằng tất cả những gì đã được tiêm vào đầu họ trong suốt thời niên thiếu đó đều là một sai lầm tai hại. Rồi họ được mớm cho một chút hy vọng về chủ nghĩa xã hội, nhanh chóng bị làm cho ảo tưởng lên bởi cơn sốt làm giàu, để rồi cuối cùng được thấy một chút dấu hiệu nhỏ của công cuộc phản-văn hóa tự do (‘liberal counter-culture’) trong những năm 1980, trước khi sự kiện Thiên An Môn chính thức tước đoạt nó đi mãi mãi. Cùng lúc đó, các giá trị truyền thống đã từng bị tuyên là “phản cách mạng” vào những ngày họ còn trẻ, giờ đây lại được chính các nhà lãnh đạo nhanh chóng đánh bóng lại cho đẹp đẽ, rồi giương ra như là xương sống mới cho cả xã hội.

Thế hệ trẻ ngày nay bị phê phán thậm tệ bởi cái gọi là thói vật chất (materialism) của họ, nhưng đây thực ra là một hệ giá trị mà chính cha mẹ của họ còn trân trọng hơn nhiều, bởi nguồn đảm bảo an toàn vững vàng nhất cho cả thế hệ của họ vẫn luôn là tiền. Tiền – hay ít nhất là ảo tưởng về nó – là thứ chưa bao giờ bỏ rơi họ. “Người Trung Quốc yêu tiền”, Trương, cô học viên cao học, nói với tôi: “Bởi vì tiền không mang theo một lịch sử nào với nó hết.” Đã phải trải qua nền kinh tế tư bản cướp đoạt của đất nước trong cơn lốc tới kim tiền; thế hệ già, với thái độ vô luân đến tuyệt vọng của họ khi tìm cách để tồn tại, có thể khiến con trẻ của họ phải ngỡ ngàng. Hoàng Nộ Ba (Huang Nubo), nhà thơ, nhà leo núi, và một tỷ phú bất động sản, giờ đã vào độ tuổi năm mươi, là một trong số ít người dám thoải mái thừa nhận điều này; gọi nó là “sự tan rã của hệ sinh thái xã hội” trong một bài phỏng vấn với tạp chí Caixin của Trung Quốc. Nhưng Hoàng chỉ thuộc thành phần hiếm, được bao bọc an toàn bởi gia tài giàu có của mình; rất nhiều các bậc cha mẹ khác thì vẫn đang rất lo lắng rằng con cái mình chưa làm đủ tốt để có thể tiếp tục tồn tại.

Trong khi những người nhập cư mơ ước con mình sẽ trở thành bác sĩ, luật sư hay giáo sư; những người Trung Quốc nội địa đặt tham vọng của mình ở một nơi khác. Bác sĩ được trả lương quá kiết, luôn phải làm việc quá sức và lại không được trọng nể, tất cả đều vì một hệ thống y tế đã thất bại và mục ruỗng từ bên trong. Luật sư thì luôn phải uốn mình theo những thay đổi khó đoán của hệ thống tư pháp. Giáo sư thì chỉ kiếm được đồng lương ba cọc ba đồng và phải phụ thuộc vào những công việc làm thêm ở bên ngoài mới cầm cự nổi qua ngày. Ưu tiên của các bậc cha mẹ ở Trung Quốc không phải là một vị trí chuyên môn cao hay công danh sự nghiệp lẫy lừng, mà là tiền bạc và sự ổn định, bất kể công việc đem lại nó có là gì.

Cái cũ nhường chỗ cho cái mới ở Thượng Hải. Ảnh bởi Bruno Barbey/Magnum.
Cái cũ nhường chỗ cho cái mới ở Thượng Hải. Ảnh bởi Bruno Barbey/Magnum.

Trương là một học giả trẻ đang trên đà thăng tiến, thường xuyên tham dự các cuộc hội thảo cấp cao về ngoại giao và an ninh. (Cô là người duy nhất trong số những người nói chuyện với tôi yêu cầu được sử dụng bút danh, cho thấy cô có ý thức rõ ràng về sự “nhạy cảm” của cái tên của mình trên mạng đến thế nào). Cô kể: “Mẹ tôi không thể hiểu nổi bất cứ điều gì tôi làm, đặc biệt là khi nó không đem lại chút “bổng lộc” gì hết. Tết năm vừa rồi, tôi về nhà và thấy em họ của mình đã ở đấy rồi. Nó là một trình dược viên (pharmaceutical rep). Nói vậy tức là nó bán thuốc giả hoặc kê khống giá thuốc bán cho các bệnh viện, với sự giúp đỡ ngầm của bác sĩ bên trong, và họ chia đôi lợi nhuận thu được. Mẹ tôi cứ luôn nói với tôi: “Ôi, sao mày không làm ăn chung với em họ mày đi! Nó kiếm ra được bao nhiêu là tiền đấy!”. Bà ấy biết công việc của nó dính dáng đến những gì, nhưng chưa bao giờ bà nghĩ đó là điều gì sai trái hết.”

Các bậc cha mẹ Trung Quốc dốc tiền vào giáo dục cho con cái, nhưng họ cũng đầu tư vào cả các “lối đi tắt” nữa. Hầu hết không thể làm được điều mà gia đình tỷ phú của một người đã làm khi anh ta trượt kỳ thi vào đại học Thanh Hoa: mua cho anh ta hẳn quyền công dân của nước Cộng hòa Dominica, chỉ để anh chàng này có thể đường hoàng theo học tại đại học này dưới danh nghĩa “du học sinh nước ngoài”, với tiền là điều kiện tiêu chuẩn duy nhất cần phải đáp ứng. Tuy vậy, họ có thể làm được điều mà mẹ của Trương đã làm: lo lót cho tất cả các thầy cô để mọi học kỳ, cô đều được ngồi ở dãy đầu tiên trong lớp, giúp cô không bị chìm nghỉm giữa 50, 60 học sinh khác.

Vẫn có thể cố gắng hết sức để có được một sự nghiệp ở Trung Quốc chỉ dựa trên năng lực, mặc dù việc này đang càng lúc càng trở nên khó khăn hơn, do những người giàu có và nhiều quan hệ đang kéo chiếc thang đi xa dần. Cứ lấy ngành nghệ thuật làm một ví dụ. Chỉ để được phép tham dự vào một cuộc thi khiêu vũ cấp quốc gia thôi, mức phí yêu cầu tối thiểu đã là 20,000 tới 30,000 nhân dân tệ (tương đương xấp xỉ 3,000 tới 5,000 đô-la Mỹ, ở một quốc gia mà mức thu nhập bình quân của dân thành thị chỉ vào khoảng 500 đô/tháng).

“Người thắng cuộc thực sự thì được chọn bởi tài năng. Nhưng bạn sẽ cần phải xùy tiền ra cho ban giám khảo mới mong có thể chen chân có một chỗ đứng trong cuộc đấu. Vậy nên các cô gái hoặc sẽ phải phụ thuộc vào ông bố của mình, hoặc họ phải tự đi tìm lấy các “ông bố” khác”, một vũ công 21 tuổi nói với tôi. Ở ngành âm nhạc, một trong những học viện nghệ thuật hàng đầu của cả đất nước, một thời đã từng là cái nôi của bao tài năng vĩ đại, giờ yêu cầu học viên phải mua các khóa học riêng từ nhạc trưởng với mức phí 5,000 tệ một lần (khoảng 800 đô, hay 17 triệu VNĐ). Khi tất cả mọi người khác đều chơi bẩn, kể cả những bậc cha mẹ thành thật nhất cũng không còn lại mấy lựa chọn nào khác cho tương lai của con cái, và một số hối hận chính chủ nghĩa lý tưởng (idealism) của thế hệ mình. Hàn Tố Chân (Han Suzhen), 57 tuổi, một giáo viên đã về hưu, bình luận: “Chúng tôi đã không nuôi dạy chúng theo cách để có thể thích ứng tốt với thế giới này. Chúng tôi đã dạy chúng bằng những lý tưởng đã được khắc sâu trong đầu chúng tôi, theo một cách rất ngây thơ. Nhưng ngày nay tất cả mọi người đều theo đuổi những thứ chúng tôi đã được dạy rằng không nên trân trọng: chúng tôi được dạy là phải cống hiến cho xã hội, giờ thì bọn nhỏ được dạy rằng phải giành lấy cho bản thân bằng mọi cách có thể. Chính xác điều ngược lại. Không ai còn nhắc tới các lý tưởng hay sự tự do vào cái thời này nữa”.

Cũng như trong hầu hết mọi trường hợp trong lịch sử Trung Hoa, triển vọng đẹp đẽ nhất mà ai cũng nhắm tới là một vị trí quan chức nhà nước. Trên giấy tờ thì tiền lương cũng thấp thôi, nhưng kể cả một công việc ít quan trọng nhất trong hệ thống thứ bậc của thế giới quan chức cũng đi kèm với những món lợi tức được bảo đảm và sự ổn định về kinh tế suốt đời, được biết đến với cái tên “bát cơm sắt”. Một công việc quan chức tầm trung là tấm giấy phép đảm bảo để được thoải mái moi móc, bóp nặn cũng như gây ảnh hưởng để giành phần lợi cho mình. Trương nói với tôi: “Thằng em họ tôi, tên buôn thuốc ấy, cứ liên tục càm ràm với tôi rằng: ‘Sao chị đi không làm quan chức đi? Khi đó tôi có thể dọa đám đối tác của tôi rằng tôi có người trong gia đình là quan chức đấy, và thế là cả hai chúng ta đều có thể kiếm được bộn tiền.”

Một công việc trong những tập đoàn quốc doanh khổng lồ, như là tập đoàn dầu mỏ kếch xù Sinopec, hoặc “tứ đại” ngân hàng chẳng hạn, là sự lựa chọn hoàn hảo thứ hai. Những công việc ăn lương nhà nước kiểu này còn được gọi là thể chế nội (tizhinei), “ở bên trong hệ thống”, với tất cả những bổng lộc hấp dẫn từ những khoản lương hào phóng, với chỉ số an sinh xã hội cao và, ở một mức độ nhất định, những khoản hối lộ đều đặn. Đó là lý do chúng rất đắt giá, kể cả phải mua bằng tiền hay bằng quan hệ (‘guanxi’); một khái niệm rất binh thường của người Trung Hoa để nói về thế lực, ảnh hưởng hoặc ưu ái của ai đó dành cho thành viên trong gia đình mình. Để giành được một vị trí trống trước tiên, nhất thiết cần phải có sự chống lưng của cha mẹ. Khi danh sách ứng viên cho một vị trí cấp thấp tại một tập đoàn quốc doanh cấp tỉnh bị tung lên mạng, vào hồi tháng 12 vừa qua, bên cạnh tên các ứng viên còn có ghi cả tên các họ hàng quyền lực nhất của mỗi người họ nữa.

Tuy nhiên không phải vị trí nào cũng có thể mua được. Lý Sương (Li Xiang), một chàng trai 25 tuổi có phần nào đấy kỳ lạ, đang giữa lúc làm các bài kiểm tra và phỏng vấn để trở thành một viên chức chính quyền cấp trung ương. “Nhưng tức một nỗi là cả bố và mẹ tôi đều làm việc cho chính quyền trung ương cả”, anh nói. “Đã có luật quy định rằng bạn không được phép làm cùng một phòng ban với người thân trực hệ trong gia đình. Hệ thống xin việc của chính quyền trung ương trong sạch hơn của chính quyền địa phương hay các tập đoàn nhà nước nhiều; bạn không thể dùng tiền hay ảnh hưởng quan hệ để mua chỗ đứng cho mình được.”

Anh vạch ra rõ ràng ưu và nhược điểm trong hành động của mình trong lúc chúng tôi cùng dùng một bữa cơm thịt nướng đắt đỏ (tới 400 tệ/suất). “Chấp nhận công việc này là tôi phải chấp nhận chịu hụt lương một khoản lớn, từ 10,000 tệ (35 triệu VNĐ) như hiện giờ xuống chỉ còn giỏi lắm là 6,000 (21 triệu), sau khi đã trừ hết thuế má. Một hai năm đầu còn là thử việc, mức lương chỉ được hưởng khoảng 70%. Nhưng bệnh viện dành riêng cho dân viên chức nhà nước đều là những bệnh viện tốt nhất, đặc biệt là với các viên chức chính quyền trung ương. Công việc rất an toàn. Mức an sinh xã hội thì cao. Và tôi cũng thực sự muốn được phục vụ nhân dân nữa. Đó là lý do tôi nộp đơn xin vào vị trí tư vấn viên (advisory) của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (“Chinese People’s Political Consultative Conference”, xem thêm tại đây ). Cha mẹ tôi đã nổi điên lên với tôi! Họ mắng mỏ tôi vì đã chọn lấy một vị trí chẳng có một chút quyền lực nào.”

Cũng như Lý, rất nhiều trong số các bạn trẻ thuộc thế hệ hậu-1980 – trái ngược với tiếng xấu là chỉ biết đến vật chất của họ – vẫn muốn giúp đỡ người khác. Tỷ lệ tình nguyện viên đang đạt mức cao nhất kể từ trước đến nay, mặc dù vẫn còn thấp hơn nhiều so với phương Tây, và các tổ chức phi chính phủ chủ yếu được thành lập bởi sinh viên đại học hoặc giới công chức thành thị trẻ. Nhưng với cha mẹ họ, ‘từ thiện’ có thể là một từ ngữ bẩn thỉu. “Vợ một người bạn của tôi bị ốm rất nặng, và gia đình anh ta chẳng có gì cả”, Trương, cô học viên cao học, nói. “Tôi muốn giúp anh ta độ 500 tệ (khoảng 1.7 triệu VNĐ) để đỡ cho gia đình anh qua cơn khốn đốn, nhưng trong lúc đợi để gặp anh ta, tôi có thể nghe thấy tiếng mẹ tôi vang lên trong đầu, mắng mỏ tôi là một con ngốc. Mỗi lần tôi đem tiền cho ai đó, tôi đều có cảm giác như mình đang bị lừa ấy”. Một người khác tôi phỏng vấn thì nói: “Nếu tôi kể với mẹ rằng mình vừa mới cho người khác tiền, bà sẽ chửi bới tôi thậm tệ, bởi tôi còn chưa mua nổi một căn hộ riêng cho mình nữa.”

Một người có thể sẽ phải vào tù nếu không nuôi nổi cha mẹ già

Và với các bậc cha mẹ mà giấc mơ bị cắt ngang bởi hoàn cảnh lịch sử, cái tham vọng muốn ép con cái phải đi theo con đường mình đã từng muốn đi còn mạnh mẽ hơn nhiều. Khi tôi gặp La Tịnh Thanh (Luo Jingqing) lần đầu tiên, sự tự tin và một chút lo lắng về tình hình thế giới của cô khiến tôi đã nghĩ cô phải già dặn hơn cái tuổi 24 của cô nhiều. Chúng tôi cùng dùng bữa trưa và nói chuyện tại Element Fresh, một chuỗi nhà hàng thượng lưu đặt tại Thượng Hải, điểm đến quen thuộc của rất nhiều trí thức trẻ như cô.

“Mẹ tôi muốn tôi làm một nữ trí thức với một công việc chuyên nghiệp”, cô nói với tôi. “Bà đã từng theo học một trường trung học ngoại ngữ để tránh bị gửi về vùng nông thôn (một chính sách theo tư tưởng Mao Trạch Đông khoảng những năm 1950 tới 70, khi các “trí thức” trẻ ở thành thị bị buộc gửi về sống chung với nông dân). Hoặc cái đó, hoặc phải gia nhập quân đội. Từ ngôi trường đó bà đã xoay sở để vào được đại học, khi nó mở cửa trở lại, và sau khi tốt nghiệp được bổ nhiệm một công việc tại đại sứ quán Nhật Bản. Bà gặp cha tôi ở đó, khi bà 27 tuổi. Họ cưới nhau chỉ vì cha đã làm mẹ tôi dính bầu, ít nhất theo những gì cha tôi nói lại thì vậy. Bây giờ thì họ đã ly hôn rồi.”

“Bà ấy luôn luôn nói với tôi rằng chính tôi đã hủy hoại cuộc đời bà ấy”, La tiếp tục kể. “Bà bảo tôi rằng tuyệt đối đừng bao giờ có con, bởi vì chúng sẽ chỉ phá hoại tất cả mọi thứ. Bà bảo tôi rằng dính thai đã phá hủy hoàn toàn sự nghiệp của bà, rằng chính vì lỗi của tôi mà bước tiến cuộc đời bà đã bị chặn đứng, và rút cục bà ấy phải chịu bị mắc kẹt với cha tôi. Bà ấy đã liên tục nói với tôi những điều ấy từ ngày tôi bắt đầu có thể nhớ được. Nghe có ngớ ngẩn không cơ chứ?” Cô cười to, như cách ai đó sẽ làm khi kể cho bạn nghe về một quá khứ kinh hoàng mà họ đã từ lâu bỏ lại sau lưng. “Nhưng, thực sự thì, bà ấy chỉ muốn tôi trở thành bà ấy thôi, thành cái con người mà bà chưa bao giờ có thể trở thành được. Bà ấy đã từng mơ được làm một bác sĩ, nên bà ấy vô cùng muốn tôi sẽ trở thành một bác sĩ thực sự. Tôi nhớ đã hét lên với bà rằng: “Con không phải sống theo ý mẹ, và con cũng sẽ không bao giờ sống theo ý mẹ hết!”

Nhưng chống lại sự định hướng của cha mẹ cũng khó khăn vô cùng. Mỉa mai thay, một trong những quan niệm ít ỏi còn tồn tại dai dẳng nhất trong xã hội, dẫu qua bao năm tháng đổi thay hỗn loạn của cả dân tộc, lại chính là đạo hiếu, là món nợ vô tận mà con cái nợ với cha mẹ; hiển nhiên phát triển từ triết học của Khổng Tử, nhưng đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong suốt lịch sử bằng hàng nghìn câu thành ngữ và các tích điển đạo giáo. “Đạo hiếu là nguồn gốc của mọi đức hạnh trên đời”, một câu ngạn ngữ nói. “Yêu những gì cha mẹ anh yêu, kính những gì cha mẹ anh kính”, một câu khác khuyên răn. Trọng trách này đặc biệt nặng nề với những người con gái. Một sách khuyên răn điển hình của tổ chức Khổng giáo quốc gia, xuất bản năm 1935, đã dạy rằng: “Con gái sinh ra là đã mang món nợ về đạo hiếu và luân lý. Bởi vậy mục đích cả đời của họ là phải trả được món nợ này cho cha mẹ”. (‘women are born with filial famine and ethical debt. So the purpose of their lives is to clear that debt’).

Không có nền văn hóa nào lại đề cao miệng lưỡi rắn độc của một đứa con bất hiếu, nhưng khó mà có thể hình dung được, ở phương Tây hiện đại sẽ bao giờ có cảnh chủ nhiệm khoa một trường đại học lên trang nhất của báo vì đã quay trở lại làng và rửa chân cho mẹ mình; hay hình ảnh những đứa trẻ ở trường bị bắt phải tập cách quỳ lạy để tỏ lòng kính hiếu với cha mẹ. Kể cả luật pháp cũng hỗ trợ cho điều này: một người có thể sẽ phải vào tù nếu không nuôi nổi cha mẹ già; dù cho luật này, cũng như hầu hết mọi điều luật của Trung Quốc mà không trực tiếp làm lợi cho chính phủ khác, đều ít khi được thực thi một cách nghiêm túc. Thậm chí đã có những cố gắng để bắt việc về thăm cha mẹ già ở quê xa là bắt buộc.

Những lý tưởng Khổng giáo này chưa bao giờ phù hợp với thực tế. Người Trung Quốc không chỉ có danh ngôn về đạo hiếu, kho thành ngữ của họ về thói bất hiếu cũng nhiều không kém; như lời miêu tả về một kẻ đạo đức giả sau đây: “Bỏ bê cha mẹ già, để rồi làm cho họ một đám tang thật linh đình.” Và thực vậy, người già vẫn thường xuyên bị bỏ rơi hoặc quên lãng. Ở bên hàng xóm, nước Hàn Quốc giàu có, quốc gia với nền văn hóa Khổng Tử kéo dài liền mạch lâu nhất trên thế giới; người lớn tuổi còn nghèo hơn, còn nhiều người già vẫn phải lao động hơn, và có mức độ tự tử ở người già thì cao gấp bốn lần mức độ tự tử vốn đã rất cao của giới trẻ Hàn Quốc. Tỷ lệ tự tử của người già ở Trung Quốc chỉ kém sau Hàn Quốc, và đã tăng gấp ba lần trong vòng mười năm qua. Nhưng ở cả Trung Quốc và Hàn Quốc, chống lại lệnh cha mẹ, trên lý thuyết, vẫn là tội nghiệt nặng nhất trên đời.

Chơi mạt chược, Thượng Hải. Ảnh bởi Bruno Barbey/Magnum.
Chơi mạt chược, Thượng Hải. Ảnh bởi Bruno Barbey/Magnum.

Quyền lực của cha mẹ với con cái nhiều khi còn được củng cố bằng cả đòn roi. Một trong những lời mắng chửi điển hình nhất trẻ nhỏ hay phải nhận khi làm sai là “Tao đánh mày chết bây giờ!” Ý tưởng về các “Bà mẹ Hổ” có thể gây náo loạn ở phương Tây, khi nó lần đầu tiên được khơi lên qua cuốn sách đình đám của Amy Chua năm 2011 “Khúc chiến ca của Mẹ Hổ” (‘Battle Hymn of the Tiger Mother’). Nhưng đáp lại, phần lớn giới truyền thông Trung Quốc đã từng chào đón cả “Ông bố Sói” (xem thêm tại đây – ND) Tiêu Bạch Du (Xiao Baiyou), một doanh nhân Quảng Châu, người đã viết cuốn sách ban đầu có tựa đề “Đánh cho chúng tới Đại học Bắc Kinh” [‘Beat Them into Peking University’ (2011)]. Trong cuốn sách, ông hả hê khoe khoang về môi trường giáo dục độc đoán ông đã áp đặt lên bốn đứa con mình, bao gồm cả việc đánh chúng thậm tệ mỗi khi chúng phạm lỗi, và không cho chúng một chút tự do nào để chơi hoặc có bạn bè. Trong một nhà hàng Pháp tại Bắc Kinh, Trương – cô học viên cao học – chìa cho tôi xem phần bắp chân đầy những vết roi đánh đã lên sẹo trắng, vẫn còn nhìn rõ được mờ mờ qua lớp tất chân của cô.

Áp lực của gia đình còn bị làm cho trầm trọng hơn nữa bởi vấn đề dân số. Trong quá khứ, gánh nặng về kỳ vọng của cha mẹ được chia đều cho nhiều anh chị em. Ngày nay, chính sách một con của Trung Quốc đã đẩy thế hệ hậu-1980 xuống tầng dưới cùng của một kim tự tháp bất thần lộn ngược. Điều này gây ảnh hưởng tới tầng lớp trung lưu, những người hơi khá giả một chút, đặc biệt tệ nhất. Ở nông thôn, kế hoạch hóa gia đình đủ thoáng để hầu hết mọi thanh niên tuổi 20 đều có ít nhất một hoặc hai anh chị em; trong khi những người giàu hẳn thì có thừa khả năng chi trả những khoản phạt để có đến hai hoặc ba con, mặc dù khoảng cách giữa những đứa con này có thể sẽ hơi xa một chút. Nhưng với tầng lớp cổ cồn trắng thành thị, mỗi cặp vợ chồng phải gánh trên vai hai cặp cha mẹ già, có khi còn thêm cả ông bà nội ngoại nữa, nếu họ còn sống. Và với mức an sinh xã hội có cố cũng chỉ được tàm tạm, các bậc cha mẹ đều trông vào con cái của mình để bảo đảm cho tuổi già sau này.

Không ngạc nhiên là cách thể hiện rõ nhất điều này là đầu tư mua nhà đất. Chỉ một số nhỏ có thể xoay sở để mua được bất động sản, nhưng họ mua nó từ khi còn rất trẻ – chỉ từ khoảng 27 tuổi. Những lao động nhập cư từ nông thôn xây nên những căn hộ mới cho Trung Quốc sẽ không bao giờ có thể được ở trong những ngôi nhà do chính tay họ xây; nhưng hầu như mọi nhân viên cổ cồn trắng tầm hai mươi, ba mươi mà tôi biết đều có một căn hộ cho riêng mình ở Bắc Kinh. Những căn hộ này thường có giá khoảng 1 đến 3 triệu nhân dân tệ (3 cho tới 10 tỷ VNĐ), và họ đã dành dụm để mua chúng bằng mức lương chỉ từ 5,000 tới 10,000 tệ một tháng của mình. (17 tới 35 triệu/tháng).

“Tôi thà khóc trong xe BMW còn hơn ngồi cười sau xe đạp.”

Tiền kiếm được của cha mẹ, thường được đổ cả vào những tài khoản tiết kiệm, cộng với vay mượn của bạn bè, họ hàng thân thích khác, và đôi khi là cả vay lãi tín dụng đen; tất cả đều được đổ vào tài sản nhà đất của đứa con trên thủ đô. Quá trình này còn được thúc đẩy thêm nữa sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi thị trường chứng khoán rớt giá thảm hại, trong khi bất động sản thì vẫn tiếp tục nóng. Nỗi ám ảnh phải sở hữu một ngôi nhà ở thủ đô này giờ đã chiếm gọn tâm trí của cả hai thế hệ: giờ đây trong tầng lớp trung lưu thành thị, gần như sẽ không thể kết hôn nếu không có một trong hai bên gia đình đảm bảo cung cấp cho đôi vợ chồng trẻ một căn nhà.

“Nhìn chúng mà xem”, một người bạn của tôi kêu lên khi chúng tôi ghé thăm một hiệu sách, nhìn vào những ngăn kệ chất đầy các sách cung cấp lời khuyên cho thế hệ trẻ. “Tất cả chúng đều nói cùng một ý giống nhau: kết hôn và mua lấy một ngôi nhà vào năm 27 tuổi, ổn định cuộc sống, rồi có con. Đều là những cái bẫy giăng sẵn ra bởi các bậc cha mẹ để khiến chúng tôi phải làm theo những gì mà họ muốn”. Trần Chân Chân (Chen Chenchen), một đồng nghiệp phóng viên từng trải của tôi, thì lại không nhìn vấn đề theo “học thuyết âm mưu” này:

“Chúng tôi đang dần trở nên gần gũi với cha mẹ mình hơn, bởi vì cả hai bên đều bị gắn vào khối tài sản nhà đất kia; và kết quả là chúng tôi cũng dần dần cũng trở nên e ngại sự thay đổi hơn. Lúc đầu, chúng tôi đã nghĩ mình còn có thể xoay sở để có các giá trị của riêng mình. Nhưng rồi chúng tôi nhận ra rằng cha mẹ của chúng tôi đã đúng, và bát cơm sắt chính là nguyên tắc vàng. Tôi đã từng chống lại ý muốn của cha mẹ khi họ gây áp lực bắt tôi phải mua một căn hộ ở Bắc Kinh vào năm 2008 (khi đó tôi mới 24 tuổi), nhưng rồi đã chịu xuôi theo ý họ vào năm 2010; và tôi mừng là mình đã mua được nó kịp lúc. Giờ thì thế hệ bọn tôi đã biết được rằng tiền là thứ quan trọng nhất trên đời.”

Lưu Tuấn Thần (Liu Juncheng), giờ đã 60 và là một tài xế taxi về hưu, cũng đồng tình với ý kiến cho rằng hai thế hệ đang dần tìm thấy chung một góc nhìn: “Có vẻ là thế hệ bọn trẻ, cũng như bọn tôi trước đây, đã từng có rất nhiều kỳ vọng vào xã hội, nhưng rồi quan điểm của chúng thay đổi rất nhanh cũng vì xã hội. Chúng đã lạc đường.”

Nhưng kỳ vọng của cha mẹ cũng có thể đẩy mối quan hệ ra xa hơn. “Tôi có một người bạn cũng bằng tuổi tôi”, La, cô trí thức trẻ, kể: “cha mẹ cô ấy vừa thanh toán xong món trả góp cuối cùng cho căn hộ của cô ấy. Nhưng mẹ của cô ấy đã sống cùng ở đó từ tháng 11 tới giờ, và bà ấy có ý định tiếp tục sống ở đó mãi. Mà nó chỉ là căn hộ một-phòng-ngủ thôi đấy!” Mua nhà cho con cái không chỉ đơn giản là một khoản đầu tư với các bậc cha mẹ, nó còn là một sự đảm bảo, ít nhất là trong tâm trí họ, rằng mình có thể sống nốt những năm tháng tuổi già trong căn hộ của đứa con. Đây một thời đã từng được coi là một tiêu chuẩn xã hội thông thường, khi những đại gia đình lớn còn tồn tại. Nhưng với tỷ lệ người già phải sống một mình đang ngày càng tăng lên, người già bắt đầu thấy cần phải có một mối liên kết tài chính với tài sản nhà đất của đứa con, để có thể có thêm đảm bảo cho mình.

Sở hữu một căn nhà cũng là một phần không thể thiếu được trong trò chơi hẹn hò, đặc biệt là với những người bắt đầu đạt ngưỡng 25, 26 tuổi. Trong tầng lớp trung lưu, cha mẹ của chú rể mặc nhiên luôn được kỳ vọng sẽ cung cấp cho đôi trẻ một căn hộ mới để ở, nếu chưa có căn hộ nào sẵn. Cũng như bao người đi thuê nhà khác, tôi cũng đã hơn một lần bị hủy hợp đồng thuê nhà khi con trai của ông chủ nhà bắt đầu chuẩn bị kết hôn. “Chúng tôi gọi con trai là ‘Ngân hàng Kiến thiết Trung Quốc’, bởi vì anh phải xây nhà cho bọn nó; còn con gái là “Ngân hàng Thương nghiệp Trung Quốc’, bởi vì anh có thể bán chúng’ ”, một người bạn tên Minh (Min) của tôi bình luận.

Giới truyền thông cũng thường chỉ trích thói vật chất trong tình yêu của giới trẻ bây giờ, tiêu biểu là vào năm 2010 khi Mã Nặc (Ma Nuo), một thí sinh trong một chương trình hẹn hò trên truyền hình; khi được hỏi bởi một thí sinh nam chưa có công ăn việc làm là liệu cô có muốn cùng ngồi xe đạp với anh trong một cuộc hẹn hò không, cô đã trả lời: “Tôi thà khóc trong xe BMW còn hơn ngồi cười sau xe đạp”. Quả đúng là hình ảnh những kẻ “đào mỏ” (‘gold-diggers’) rạng rỡ với vàng bạc và đồ hiệu cao cấp trên những trang mạng hẹn hò hoặc blog thực sự trông rất khó ưa. Nhưng nhìn lại thì mới thấy: tiêu chuẩn mà các bậc cha mẹ đưa ra cho các bà mối, hoặc in lên những tấm áp phích để thỉnh thoảng tự họ mang theo ra công viên những ngày cuối tuần để tìm kiếm bạn đời phù hợp cho con cái mình; tất cả cũng đều tập trung chủ yếu vào nhà cửa, xe cộ, và lương lậu mà thôi.

Câu chuyện tình yêu của một người bạn khác của tôi, tên tiếng Anh là Sally, thể hiện rõ hơn thực tế về địa vị và tiền bạc trong yêu đương này. Cũng như rất nhiều câu chuyện khác ở Trung Quốc, chuyện của cô nghe hệt như những câu chuyện ngụ ngôn Mác-xít của những năm 1930, chỉ khác là không có một kết thúc có hậu kiểu người phụ nữ giờ đã được tự do quyết tâm đi theo Đảng Cộng Sản. Khi còn ở Đại học, Sally cặp với một anh chàng gốc nông thôn, là hội trưởng hội học sinh và, kỳ lạ thay, là một thanh niên rất trung thành với lý tưởng của Đảng Cộng Sản. “Anh ấy thật thà lắm”, cô kể với tôi, giọng tiếc nuối. “Anh ấy thậm chí còn không bao giờ bỏ túi dù chỉ một cái bút chì nào trong phòng hội đồng học sinh để dùng cho riêng mình.”

Nhưng anh này không thể đáp ứng được những tiêu chuẩn mà Sally và bố mẹ cô mong mỏi. Cô muốn có một người bạn trai có thể mua cho cô điện thoại xịn và túi xách hàng hiệu, trong khi cha mẹ cô thì muốn một người đến từ một gia đình giàu có, hoặc có quan hệ rộng, người có thể thong dong bước trên một con đường sự nghiệp chắc chắn ngay sau khi rời đại học. Không lâu sau cô đá anh chàng và, với sự giúp đỡ từ một cái mũi mới do mẹ cô chi trả, “bẫy” được một cậu công tử nhà giàu khác cùng trường.

Thế nhưng, sau chừng hai năm quan hệ, cô phát hiện ra rằng giờ tình thế như ngày trước giờ đảo ngược lại với chính cô. Sau khi chàng trai đem cô về nhà giới thiệu với cha mẹ mình, tin xấu bắt đầu tới. “Anh không thể cưới em được”, anh ta nói cụt ngủn với cô như vậy. “Bố mẹ muốn anh cưới một cô gái cùng đẳng cấp với anh.” Nhưng, anh ta trấn an cô rằng cô vẫn có thể làm nhân tình của anh, và ông bố đại tỷ phú của anh đã đồng ý sẽ để riêng ra một khoản cho anh để anh có thể nuôi cô.

Từ góc độ kinh tế đơn thuần, đây là một thỏa thuận quá được. Ấy vậy nhưng bên cạnh sự thoải mái và đảm bảo về vật chất, Sally cũng muốn có ít nhất là một chút ảo tưởng về tình yêu, không phải chỉ là một thỏa thuận chỉ có thuần túy tiền bạc trần trụi như vậy. Vậy nên cô quyết định chấm dứt mối quan hệ, và lại bắt đầu tìm kiếm một lần nữa. “Nhưng nói thật”, cô nói, giọng chán chường, “Mẹ tôi cũng đã bảo tôi: ‘Mày đừng có mơ đến chuyện kiếm được một thằng nào giống thế nữa, bởi vì mày có còn là trinh nữ nữa đâu’. Tôi đã bán mình mà vẫn không có được một thỏa thuận tốt nhất có thể.”

Phụ nữ đang ở vào một vị thế không rõ ràng trong thị trường hôn nhân. Sự mất cân bằng về giới, gây ra bởi chính sách một con và chọn lọc giới tính trước sinh, gây nên tỷ lệ 120 bé trai trên 100 bé gái ở một số vùng, thì giúp “nâng giá” họ rất nhiều. Nhưng họ đồng thời cũng phải đối mặt với rào cản bị gộp vào nhóm “gái ế” (‘leftover women’) từ độ tuổi 27, một lằn ranh giới vô hình, bất công, nhưng lại đang ngày càng được củng cố mạnh hơn bởi thành kiến của các thế hệ đi trước.

Thậm chí ngay cả Hiệp hội Phụ nữ toàn Trung Quốc, một tổ chức về lý là để ủng hộ nữ quyền, lãnh đạo chủ yếu bởi các nữ quan chức trên 50 tuổi, cũng cho xuất bản những bài viết trên các trang mạng, cảnh báo những mối nguy xã hội với những người phụ nữ chưa chồng, và số phận kinh hoàng đang chờ sẵn những cô gái độc thân trên 28 tuổi. “Mẹ tôi cứ liên tục gọi điện cho tôi để nhắc rằng tôi chỉ còn một hai năm nữa để kiếm được cho mình một ai đó thôi”, một người bạn 25 tuổi của tôi rầu rĩ bình luận. “Tất nhiên, bà ấy muốn tôi chọn lấy một trong số những tên thộn chán ngấy mà bà ấy vẫn luôn cố giới thiệu cho tôi”.

Ngay sau khi đám cưới được mong mỏi cuối cùng cũng diễn ra, áp lực của cha mẹ sẽ lập tức chuyển sang việc muốn có một đứa cháu. Một biểu đồ thú vị vừa được lưu truyền khắp nơi trên mạng trong dịp Tết Âm Lịch vừa rồi, cho mọi người thấy rõ hơn hàng loạt những yêu cầu, phê phán và đòi hỏi khắt khe mà người thân và họ hàng nhắm vào những người trẻ trở về nhà trong dịp cuối năm. Nếu anh đang độc thân, sao không yêu đi? Nếu đã yêu rồi, sao không cưới đi? Nếu đã cưới rồi, sao chưa có con đi? Nếu có con rồi, sao tụi nhỏ còn chưa làm cho bọn ta nở mày nở mặt đi? Không chỉ có thế, khi đứa trẻ ra đời, cả gia đình thông gia cũng xuất hiện, tạo thêm nhiều bất đồng hơn nữa; khi mà cả con cái, cha mẹ, hai bên ông bà đều chen chúc trong một căn hộ một-phòng-ngủ.

Kỳ vọng của người Trung Quốc về hôn nhân thường được coi là “truyền thống” bởi giới truyền thông, nhưng thực tế chúng là một hỗn hợp kỳ lạ của cả những yêu cầu về đảm bảo an toàn thời hậu-Mao Trạch Đông và những cạm bẫy của ngành công nghiệp hôn nhân phương Tây – với nhẫn kim cương, váy cưới trắng và đủ thứ giống vậy. Để đáp lại áp lực của cả cha mẹ và xã hội trong việc phải đặt hôn nhân lên hàng đầu, một bộ phận trong giới trẻ Trung Quốc đã sáng tạo ra một thuật ngữ mới, “hôn nhân trần trụi”, tức lấy nhau chỉ thuần khiết vì tình yêu, không cần có nhà, nhẫn, lễ kết hôn hay xe cộ gì hết. Ý tưởng này hứa hẹn một sự lãng mạn, nhưng những ý kiến dành cho nó thì vẫn còn lẫn lộn, kể cả trong chính giới trẻ. Một bình chọn trên trang Sohu.com vào năm 2010 cho thấy đại đa số phụ nữ trẻ phản đối ý kiến này, cho rằng nó chỉ là một cách để nam giới trốn tránh trách nhiệm của mình. Hiển nhiên, phần lớn nam thanh niên trẻ thì ủng hộ ý tưởng này nhiệt tình.

“Bà tôi lớn lên trong những năm 30, 40; khi Trung Quốc gần với thế giới hơn bây giờ nhiều, vậy nên bà hiểu cách tôi nhìn cuộc sống.”

Phải cần có lòng dũng cảm rất lớn mới có thể thoát được hoàn toàn khỏi những truyền thống này. La, cô nữ trí thức trẻ, hoàn toàn không thấy có một nhu cầu phải tham gia vào trò chơi hẹn hò; và thay vào đó sống chung với một người đàn ông ngoài 30 tuổi, người ngoại quốc và khá nghèo. “Mẹ tôi đã thôi cằn nhằn về việc này với tôi rồi, nhưng tôi biết bà ấy vẫn sẽ vui hơn rất nhiều nếu tôi chọn lấy một tên đàn ông Trung Quốc đúng kiểu truyền thống, với một căn nhà và một sự nghiệp ổn định an toàn. Bố tôi thì nói như thế cũng OK, bởi vì bạn trai tôi là người Anh, chứ không phải dân Yankee (Mỹ), hay Nhật. Nhưng tôi đã phải chứng kiến toàn bộ cuộc hôn nhân kinh khủng của họ, vậy nên tôi hoàn toàn bi quan về đàn ông. Tôi đã từ bỏ mọi tham vọng có gia đình. Tôi không có đủ khả năng để có thể cho một đứa trẻ hạnh phúc. Ngay đến hạnh phúc cho chính tôi tôi còn chẳng kiếm nổi. Và tôi cũng không muốn phải nghĩ xem mình phải để lại bao nhiêu ngôi nhà cho những thế hệ con cháu sau này.”

Tuy thế, trong khi mối quan hệ giữa thế hệ hậu-1980 với cha mẹ họ toàn những cay đắng – bất kể là về sự nghiệp, nhà cửa, hay hôn nhân – thì khoảng cách giữa họ với ông bà của mình thì, lạ thay, lại nhỏ hơn nhiều. “Bà tôi coi tham vọng làm nhà báo của tôi là chuyện hoàn toàn nghiêm túc.” Linh Mỹ Lệ nói. “Và bà là người đầu tiên dạy tôi Tiếng Anh, từ những năm tôi còn rất nhỏ. Tôi có nhiều điểm chung với bà hơn với mẹ tôi nhiều.”

Linh tiếp tục: “Bà tôi lớn lên trong những năm 30, 40; khi Trung Quốc gần với thế giới hơn bây giờ nhiều, vậy nên bà hiểu cách tôi nhìn cuộc sống.” Đây là một cảm giác xuất hiện ở rất nhiều người trẻ, và nó không phải chỉ là thứ tình cảm gắn bó giữa ông bà và cháu đơn thuần. Điều giúp gắn kết hai thế hệ này lại không chỉ là bởi Trung Quốc đã từng rộng mở hơn trước khi nó đóng cửa với thế giới; mà còn bởi thế hệ những người già luôn sẵn lòng chia sẻ câu chuyện quá khứ của mình với cháu họ.

Trương kể cho tôi ông của cô đã hóa điên vì bị ngược đãi thế nào, để lại cho bà cô một mình nuôi bốn đứa con. Còn La, cô trí thức trẻ, thì kể: “Bà tôi khi đó là chủ một nhà máy, bởi vậy nên bà đã phải chịu rất nhiều hành hạ và khổ sở khi cuộc Cách Mạng Văn Hóa diễn ra. Cũng buồn cười, bởi chính ông tôi cũng là con ruột của một địa chủ. Hàng ngày ông đều được nô bộc kiệu đến trường. Ông tôi trở thành một sĩ quan cấp trung trong quân đội, nhưng khi thấy đám đông công kích bà tôi, ông ta chỉ lẩn vào trong giữa họ. Sau đó họ lôi bà tôi đi và nhốt bà lại trong một “chuồng bò” (một nhà tù tạm) trong suốt vài năm sau đó.”

“Vậy là mẹ cô đã phải nhìn thấy cảnh mẹ ruột của mình bị lôi đi, bị phản bội bởi chính cha mình, khi mới chỉ năm, sáu tuổi?” tôi hỏi.
“Tôi nghĩ là vậy. Ông tôi sau đó đã biến mất tăm hàng chục năm. Họ có ba đứa con, và người chị lớn nhất đã phải chăm lo cho tất cả. Khi đó bác ấy mới chỉ 14 tuổi.”

Thông tin này không hề được kể lại bởi mẹ của La, người, cũng như phần lớn mọi người khác thuộc thế hệ của bà, chọn cách giữ im lặng về mọi gian khổ mình đã phải chịu thủa nhỏ. Trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa, mang trong mình dòng máu của trí thức hoặc địa chủ là đồng nghĩa với bị ngược đãi tại trường học, bị đánh đập, cắt bớt khẩu phần ăn, và thậm chí bị chặn đứng khỏi mọi cơ hội trong cuộc sống. Việc giao nộp chính bố mẹ mình chưa bao giờ được ưa chuộng như đã từng xảy ra ở Xô Viết, với những trường hợp như cậu bé Pavlik Morozov, bị nghi ngờ là đã chết dưới tay gia đình mình, vì cậu đã tố cáo chính cha ruột cậu. Nhưng vẫn có những việc như vậy xảy ra. Một người Trung Quốc mà tôi quen, giờ đã vào độ tuổi 50, từng kể rằng ông đã phải giết chết chính em mình, để ngăn không cho hắn tố cáo với nhà chức trách rằng cha mẹ họ có giữ sách cấm. Kể cả nếu những người khác có chỉ trích chúng, trẻ em vẫn bị bắt phải ký những bản kết tội (‘condemnations’) – “Mặc dù bà ta đã sinh ra tôi và là mẹ tôi, bà ta vẫn là một kẻ phản cách mạng và là kẻ thù của tôi.” Hàng chục triệu người đã phải chứng kiến cha mẹ mình bị quấy rối, bị lăng nhục, bị đánh đập, bị cầm tù, hoặc thậm chí bị giết chết.

Lý, chàng trai với tham vọng làm một viên chức chính phủ, có một mối quan hệ gần gũi và lành mạnh với cha mẹ mình hơn bất kể ai trong số những người tôi được nói chuyện; một phần là vì anh đã cố gắng nỗ lực để có thể hiểu họ. “Họ đã phải chịu rất nhiều khổ sở khi họ bằng tuổi tôi. Họ đã làm việc rất chăm chỉ để trở thành những người mà (sau này) tôi có thể kính trọng. Mẹ tôi xuất thân từ một gia đình hết sức bình thường, chỉ là công nhân, vậy nhưng bà đã chiến đấu rất ngoan cường để vào được đại học. Và bà nội tôi thì đã nghĩ mẹ tôi không đủ tốt để xứng với cha tôi. Bà nội thực sự luôn nghĩ về mọi thứ từ góc độ đẳng cấp, mặc dù chính bà cũng đã đổi tên và chạy trốn lên phía Bắc để khỏi bị ngược đãi trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Bà là con của một gia đình trí thức, và cả gia đình bà đều ở Thượng Hải cả. Khi bà tôi quay lại để tìm họ, thì không còn dấu vết nào còn sót lại hết: bố, mẹ, anh, chị, em, cháu; tất cả đều đã biến mất cả.”

Câu chuyện về sự ngược đãi của cha mẹ kinh khủng nhất mà tôi từng được nghe đến từ một cô gái trẻ mong được giấu tên. Tôi sẽ gọi cô là Lily. Thông minh, thành đạt, và xinh đẹp, theo một cách rất mỏng manh; mối quan hệ giữa cô và mẹ mình luôn là những sự khinh thị và sỉ nhục từ mẹ cô – cô đã bị gọi là xấu xí, lười biếng, ngu dốt – dẫn đến kết cục là một sự việc vào năm cô 24 tuổi. Lily nhận được một lá thư dài từ mẹ mình, nói rằng cô thực ra chỉ là con nuôi, rằng vô vàn các khiếm khuyết của cô đã cho thấy rằng cô không phải là giọt máu của mẹ cô, và rằng đó chính là lý do khiến mẹ cô chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ, có thể yêu cô được. Khóc lóc, Lily gọi cho cha mình và đòi được biết tại sao ông chưa từng nói cho cô sự thật này. “Con nói cái gì vậy?” ông hỏi lại, ngơ ngác. “Cha còn có mặt ở đó khi con sinh ra mà.”

Dần dần, cuối cùng, mẹ của Lily cũng úp mở thừa nhận rằng lá thư đó chỉ là một lời nói dối, một sản phẩm nữa của sự căm ghét và cay đắng mà thôi. Nhưng một chút nghi ngờ vẫn ở lại. Bằng chứng rõ ràng nhất cho mối quan hệ huyết thống, Lily nghĩ, là mái tóc quăn của cô. Nó là từ mẹ cô, người đã sinh ra vào đầu những năm 1960, sau khi một góa phụ trẻ cơ hội có một thời gian mặn nồng ngắn ngủi với một Đáng viên Đảng Cộng Sản Ý ghé thăm Trung Quốc.

“Vậy là mẹ cô đã lớn lên với tư cách một đứa con lai, lại là con ngoài giá thú, giữa một thời điểm mà cả dân tộc điên cuồng truy lùng và tận diệt mọi thứ ngoại lai”, tôi nói. “Tôi không thể tưởng tượng được cuộc sống của bà ấy đã phải kinh khủng đến thế nào.”
“Chắc vậy”, Lily nói. “Chúng tôi chưa bao giờ nói với nhau về chuyện đó.”

Xuất bản ngày 7 tháng Ba, năm 2013
Chủ đề bài đăng: Trung Quốc, Cộng Đồng, Gia Đình, Xã Hội

 

Tác giả: James Palmer
Nguồn: China’s generation gap
Dịch: Nguyễn Tiến Đạt

Đàn ông rửa bát, thì sao?

Featured Image: Benjamin Holtrop

 

Sáng ra tình cờ lượm lại mẩu tin “Tỷ phú Bill Gates rửa bát mỗi tối”, tin này cũng ra khá lâu rồi, đọc lại nhưng vẫn cứ thấy thú vị và tự dưng muốn “lạm bàn”.

” Trong chuyến ghé thăm ngắn ngủi 14 tiếng tới Australia, tỷ phú nước Mỹ được hỏi liệu quyết định chỉ dành cho mỗi đứa con 10 triệu USD có đồng nghĩa với việc ông đã “mất cảm giác” về giá trị cụ thể của từng khoản tiền (do có quá nhiều tiền).

Gates trả lời ông hoàn toàn mất cảm giác về nhiều thứ trong đời mình: “Lâu lắm rồi tôi không xén cỏ. Tôi đã quên công việc đó như thế nào rồi. Nhưng tôi vẫn rửa bát mỗi tối, có những thói quen nhất định đáng được duy trì.

Chủ tịch của tập đoàn phần mềm Microsoft giải thích ông không cho con mình quá nhiều tiền bởi ông muốn tạo cho chúng “cảm giác tự do lựa chọn làm những gì mà chúng thích trong cuộc sống”.

“Tôi nghĩ một đứa trẻ nên được nuôi dưỡng để hiểu rằng chúng sẽ phải tự tìm lấy một công việc và không nên mặc định rằng chúng sẽ có một khoản tiền nào đó hay sẽ được trao đủ số tiền mà chúng cần.” Gates chia sẻ: “Thừa hưởng sự giàu có mang đến cho chúng nhiều điều tiêu cực hơn là tích cực.”
….

Ngưỡng mộ về tài và tâm của Ngài Bill Gates thì khỏi nói rồi, mà mẩu tin này mang tới cho tôi một ấn tượng và một suy nghĩ khác. Ông bảo ông muốn rửa bát vì muốn duy trì một thói quen tốt, nghĩa là ông đã từng có thói quen rửa bát. Nghĩa là ông đã từng bị hay được rửa bát rất nhiều lần nên ông mới coi đó là thói quen và chắc là vì nó đem lại chút ích lợi nào đó cho ông nên ông mới nói rằng đó là thói quen tốt.

Chà, suy diễn vậy có ổn không nhỉ. Kệ, ông ấy có thói quen rửa bát từ khi nào không cần biết, nhưng tới giờ ông vẫn muốn duy trì việc đó mới là điều đáng bàn.

Tôi nghĩ đàn ông Việt nam rửa bát thì cũng không hiếm lắm, nhưng để coi đó là thói quen tốt, nhất là mục đích lại là để giúp mẹ, giúp vợ, thì hiếm thật.

Nhưng các bạn đàn ông đâu nhất thiết phải rửa bát

Bạn có thể đổ rác, vào bếp phụ vợ, sửa chữa những món lặt vặt trong nhà… tóm lại bạn có thể làm bất cứ việc gì trong nhà, dù có tên, hay không tên mà bạn thấy mình làm được, làm tốt, hay đơn giản chỉ là để thực hiện một kỹ năng khác với công việc chính của bạn.

Nhưng làm vậy để làm gì?

Bạn không cần phải lấy Bill Gates làm khuôn mẫu, chắc chắn rồi, bạn là bạn. Nhưng việc hàng ngày bạn làm một điều gì đó, hết sức bình thường, cho dù bạn là người đứng đầu một nước, một tổ chức cao cấp, một doanh nghiệp khổng lồ hay bạn chỉ là thầy giáo, một công chức bình thường…, thì cái cách bạn thực hiện những điều giản dị hàng ngày đó, nó cho bạn một cái nhìn khác về chính bạn.

Bạn sẽ thấy chính bạn hài lòng về bản thân mình. Bạn làm được những cái không phải ai cũng làm được và muốn làm. Bạn mang lại nhiều niềm vui, nụ cười không chỉ cho riêng bạn.

Trong những xã hội văn minh của thế giới hiện đại, xã hội mà hầu hết đàn ông là những người tham gia ‘cài đặt’ ‘luật chơi’ cho xã hội của họ, thì chính bản thân những người đàn ông đó đã và đang là những người sẵn sàng làm bất cứ việc gì, nhỏ hay lớn, lặt vặt hay to quan trọng, là một phần trách nhiệm của họ với cuộc đời, với xã hội, trong đó có gia đình nhỏ bé của họ.

Xét cho cùng, làm gì thì làm, cái đích cuối cùng cũng chỉ là để bản thân mỗi người chúng ta sống vì ta và gia đình, cha mẹ, vợ chồng, con cái, có một cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Đem đến hạnh phúc cho người thân cũng chính là gieo hạnh phúc cho mình. Cho là nhận, là thế.

Nên là, đàn ông cứ làm những điều to tát, lớn lao đi, nhưng cũng đừng quên rằng đàn ông cũng cần ăn, cần mặc, cần sinh hoạt như phần còn lại của thế giới. Bởi vậy nếu đàn ông cố gắng tự phục vụ bản thân mỗi khi có thể và giúp những người thân của mình, mẹ, vợ, con cái mình làm những việc đơn giản hàng ngày, thì chắc chắn đàn ông sẽ cảm nhận được rằng, đàn ông chính là một phần quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống của họ.

Gì chứ rửa bát thì đàn ông nào mà chẳng làm được, có khi còn giỏi hơn Bill Gates ấy chứ, chuyện nhỏ, phải không nào?

 

Julia Le

 

Chuyện “con nhà người ta”

Featured Image: alucco7

 

– Thật ra có một câu hỏi tôi thắc mắc bấy lâu, “con nhà người ta” là thần là thánh hay sao mà có lắm tên, lắm mặt, lắm tài thế! Mà thường có tài thì có tật, nhưng sao mà hắn/cô ta chẳng có tí tẹo khuyết điểm nào, kỳ lạ hén! –

Quen nhau từ thuở… cởi truồng!

Vâng, duyên nợ đưa chúng tôi tới thì cái thời tôi mới đẻ cơ, đại loại như vầy:

– Nhìn thằng nhóc bụ bẫm ghê, GIỐNG ba nó dễ sợ!
– Ừ, nhưng mà nó chỉ nặng có 3 kí thôi, thằng ku Cam, con nhà lão Táo, hàng xóm lão Quýt ở cái xóm Ổi ấy, sinh ra là 3,1 ký rồi, chuẩn phết!
– Ừ, con mụ Heo, nhà bán bún Bò ở đầu ngõ phố Trâu, gần hàng thịt Chó ấy, sinh ra 3,2 kí, trắng phau, xinh cực!
~!@#$%^&*()

May mà lúc đó tôi chẳng hiểu họ đang nói cái gì, chứ hiểu thì… cũng chẳng nói lại được, buồn chết mất.

– Thằng An con nhà bác Tâm, cháu ông Thần mới hơn 1 tuổi mà đã biết đi rồi, chẳng giống như thằng nhóc này!
– Ừ, con Hồng nhà ông Hào, cháu bà Sữa gần 2 tuổi đã bập bẹ nói rồi, nó nói cả ngày luôn, cũng… không giống thằng nhóc này nốt!

May mà giai đoạn này tôi cũng chẳng hiểu họ nói gì sất, nếu không chắc tôi sẽ coi mình như kẻ tệ hại nhất thế gian, có ý định tự sát để bớt ăn hại cuộc đời từ năm 2 tuổi mất!

Tôi lớn, “con nhà người ta” còn lớn hơn tôi nữa!

Dạ, đến giai đoạn này thì tôi đã hiểu được lời người ta xầm xì, cũng vì hiểu mà chẳng muốn nghe, nhưng bữa cơm, bữa tiệc nào cũng phải cúi đầu nghe cả, và lúc này tôi mới biết mình đúng là cái thằng tệ nhất thế gian thật!

– Thằng Huy con cậu Hoàng, nhà ông Thượng vừa đậu vào trường chuyên đó, ghê chưa!
– Ừ, con bé Mị nhà mụ Châu cũng vậy, nghe nói giải nhất thành phố luôn!
– Mày thấy con nhà người ta chưa con, ba mẹ lo cho mày ăn học có thiếu cái gì đâu, sao mà chẳng bằng ai thế này!
.

– Dạ nhưng mà con cũng đậu trường chuyên mà?
– … Nhưng mày thua nó nửa điểm lận!
– … Mà con hơn khối đứa mà…
– Học hành sao toàn nhìn xuống vậy con, phải nhìn lên mà cố gắng chứ! Con ông X, bà Y kìa, thằng Z ấy, nó học ngày học đêm nên kết quả mới cao như vậy, mày thì toàn lo ham chơi thôi, rồi sau này về làm công nhân đấy con ạ!

Thi đại học

– Con nhà em mấy điểm? Xời, mới 22,5 hả? Con nhà chị 27 điểm, mỗi môn 7 điểm cơ! Cái gì? Mỗi môn 7 mới có 21 hả, à thì mà là… Tóm lại là hai mấy ba chục điểm đó, dù sao cũng cao hơn con nhà em! Thôi trưa rồi, chị về nhà lo cơm nước đây!
– Mày thấy thằng Nam chung lớp chưa, nó tới 24 điểm đó, mày mới 22,5, suýt nữa rớt, HÊN đấy con.
– Ba đọc báo thấy thằng Hùng con ông Hài, cháu bà Hước, thủ khoa Y Dược, chưa bao giờ đi học thêm nè! Còn mày đầu tư học hết cái này đến cái kia, con với chả cái!
– Mày biết con bé Trâu (Châu) không, nó vừa xin được học bổng đi du học đó, giỏi ghê chưa!

Đệch, đậu Đại Học rồi mà vẫn còn đứng tận cùng xã hội, khổ thiệt! Cũng may mà cái thằng ở trên không phải mình, nếu không nhảy cầu chết quánh rồi. Nhưng chuyện chưa dừng ở đó…

Chúng tôi ra trường, đi làm

– Thằng con em ra trường chưa, giờ làm ở đâu rồi? Ồ vậy à? Lương tháng bao nhiêu? Mới 5 triệu á? Thằng Hiếu nhà chị vừa ra trường là có công ty hôt ngay, trả lương bằng đô đấy, mỗi tháng đến 200$ cơ!
– …
– Trời, coi con người ta nè, 9x làm chủ doanh nghiệp, nắm trong tay một công ty hàng chục công nhân! Ghê thiệt!

– … Mẹ ơi, con bé Trâu vừa về nước, tốt nghiệp bên nước ngoài nhưng không tìm được việc làm kìa.
– … Thì đúng rồi, người ta trả lương thấp quá mà, bằng nước ngoài của nó giá trị lắm, tại mấy công ty đó tiếc tiền nên nó đang tìm việc khác, lương tháng 2-3 chục triệu mới làm, đâu ai như mày, chui vào công ty cỏn con đó, thắng 5-7 triệu vừa đủ sống.

Đệch… Mà này, chuyện chưa dừng ở đó đâu… đến khi tui có con…

– Ba ơi, mua cho con cái xe đạp 300k đi!
– Ok con, cái chi chứ biết xài tiết kiệm vậy là ok!
– Dạ, mà kèm theo cái Iphone 5S cho con nha!
– … Đua đòi dữ con!
– Con bé Ly nhà ông Lương trong lớp con xài cả tuần rồi, ba mẹ nó nghe nó đòi là cho ngay, đâu có kibo như ba mẹ đâu, hu hu.
***

– Ê mày, ông bà già con Thảo thoáng nhỉ, chẳng như ông bà già tao, keo kiệt với cổ hủ như quỷ!
– Ừ, ông bà già tao cũng vậy, bắt phải đúng tuổi mới cho đi xe, như cái Lan, thằng Đạt thế mà sướng, lấy xe máy đi học, vừa nhanh, vừa oách!
***

– Trời ta nói mày nghe, ông nội nhà ta lẩm cẩm lắm, không có minh mẫn như ông nội mi đâu!

Để rồi đến một ngày đẹp trời, tôi biết con nhà người ta hóa ra là…

– Mày có thầy thằng anh Ưng Đen nhà mày không, hồi đó nó học trường chuyên đó, học hành đàng hoàng chứ ai như mày, toàn lo ăn chơi, sau này làm công nhân cực mày chứ chẳng cực ai hết đó con!
– Mày có biết thằng Ưng, con ông Đen không, nó có đi học mấy đâu mà vẫn học sinh giỏi ầm ầm, ai như mày chứ?
– Mày có biết thằng Đen, con ông Ưng không? Nó đâu thèm đi làm đâu, làm cái chi “pờ ri len xơ” á, người ta tự tìm tới đưa tiền cho nó, ai như mày giờ còn chưa có ai nhân vào làm nữa, nhục lắm con ạ!

Đệch, hóa ra TÔI cũng là CON NHÀ NGƯỜI TA à… Ờ thì… nhiều khi “con nhà người ta” cũng dễ thương đấy chứ, cho người ta động lực để phấn đấu nè… thiệt mà…

 

– Ưng Đen –

Mục đích bạn xuống Trái Đất để làm gì?

Featured Image: Wikipedia

Quá lâu rồi mới có dịp dừng chân tại một quán cà phê ven đường, vừa nhâm nhi cappuccino vừa ngắm nhìn dòng xe cộ lướt qua lướt lại như điện xẹt. Nói nghe có phần văn vẻ màu mè, chứ thật ra là đã có một cuộc hẹn tùy hứng với một người bạn từ trước đó. Chỉ là mãi chưa thấy bạn tới, cộng thêm bản tính ngồi không quá nhiều sẽ đâm ra làm nhiều chuyện nông nỗi, nên mới vừa nhâm nhi cà phê vừa viết mấy dòng linh tinh này để giết thời gian. Thỉnh thoảng không kìm được, vừa gõ lách cách vừa ngẩng lên ngước nhìn dòng xe cộ lướt qua lướt lại nhanh như điện xẹt.

Chỉ trong vòng vài phút, đã có thể chứng kiến cuộc sống hiện đại trước mắt xoay chuyển với một thứ tốc độ kinh khủng không kém gì dòng xe cộ đang hối hả ngoài kia!

Học sinh đi học từ sáng sớm cho đến chiều tối, về nhà chỉ kịp ăn cơm tắm rửa chút đỉnh rồi lại tiếp tục lao vào cuộc chiến sinh tử với con quái vật học hành, xong xuôi rồi mới đánh răng đi ngủ để dành sức cho một ngày học hành vất vả khác đang dí sát đít.

Những nhân viên công sở, đa phần họ cũng phải dậy sớm sửa sang các kiểu để đi làm. Có ngày thì làm đúng tám tiếng đồng hồ theo quy định. Có ngày thỉnh thoảng phải ở lại làm ca đêm đến tối mịt mới về. Về nhà chỉ kịp ăn uống tắm rửa, ở nhà giải trí lướt web được chút xíu rồi đi ngủ để sáng mai còn đi làm tiếp. Thậm chí đã ngồi ở nhà rồi cũng khó tránh khỏi việc bị sếp réo bất thình lình giữa đêm khuya.

Chúng ta cứ thế bị cuốn theo vòng xoáy cuồn cuộn của sự bận rộn, chìm nghỉm trong khối lượng khổng lồ công việc phải làm hằng ngày. Về được tới nhà cũng đã sức cùng lực kiệt, chẳng thiết tha làm cái gì khác ngoài việc nghỉ ngơi hồi sức. Mọi thứ cứ thế lặp đi lặp lại. Ngày qua tháng lại. Như những vòng tròn lẩn quẩn không có điểm dừng…

***

Bản thân thường có một thói quen là hay dành thời gian cho chính mình ít nhất là khoảng một tiếng, khi chỉ còn một mình vào lúc đêm khuya. Nghe có vẻ rất chi là ngớ ngẩn, nhưng khi nói chuyện với chính mình, đó chính là lúc bắt đầu tìm hiểu chính mình nhiều hơn sau một ngày mệt mỏi cuốn theo luồng xoáy học hành và công việc. Nghĩ về những điều mình đã và đang làm, những điều mình mong muốn, nhận thức được mình đang sống và nhìn thấy những thử thách chông gai đang chờ trước mắt. Dần dần nó đã trở thành một thói quen khó bỏ, dù cho có bận rộn bù đầu học hành và dạy thêm các kiểu đi chăng nữa.

Giống như khi chúng ta chạy xe ngoài đường vậy. Dù xe của bạn có động cơ hàng trăm đơn vị mã lực và tốc độ lên tới mấy trăm cây một giờ đi chăng nữa, xăng dầu trong xe vẫn là một thứ hữu hạn. Sớm hay muộn gì rồi cũng sẽ tới một lúc xe hết xăng, phải dừng lại tiếp thêm nhiên liệu rồi mới cho xe chạy tiếp được.

Có một sự thật là đa phần chúng ta thường không thể dừng lại – dù chỉ một chút, giữa cuộc sống bận rộn này mà không suy nghĩ xem tại sao mình lại có mặt ở đây và làm những công việc này. Chúng ta cứ thế cuốn đi theo những khối lượng công việc khác nhau, hết ngày này qua ngày khác mà không thể dừng lại để suy nghĩ xem những điều bản thân muốn đạt được là gì. Cứ thế mà cuốn theo vòng xoay cuộc đời một cách hờ hững.

Chúng ta học ngành này ngành kia theo sự thúc ép bố mẹ và những người xung quanh chỉ vì nó danh giá và nhiều tiền, mà chưa hề cân nhắc đến nhu cầu ngành nghề của chính bản thân mình.

Chúng ta đi chơi với bạn bè chỉ đơn giản là vì người ta rủ rê đi ngay và liền, mà chưa suy nghĩ xem mình muốn đạt được cái gì trong những mối quan hệ và muốn bạn bè mình biết điều gì.

Chúng ta lướt Internet hằng ngày chỉ đơn giản vì đó là một thói quen, mà chưa suy nghĩ hay để ý xem mình hay lên đó đọc cái gì nhất, để từ đó chọn lọc cái mà mình muốn xem.

Đời người cứ thế trôi ỡm ờ, lãng đãng như những chiếc lá lục bình hờ hững trôi trên sông. Trôi hoài trôi mãi mà chẳng biết trôi về đâu, chỉ biết để sông cuốn đi đâu thì cuốn…

Cách đây không lâu có tình cờ đọc được câu này trên một diễn đàn mạng nọ: “Mục đích bạn xuống Trái Đất để làm gì?” Nó cũng đã từng là một trào lưu rất nổi, đi đâu cũng thấy cư dân mạng lấy câu này ra trêu nhau cả tháng trời. Ban đầu bản thân cũng chỉ mới hiểu câu này theo ý nghĩa trêu ghẹo nhau cho vui, nhưng sau này ngẫm lại thấy nó cũng mang một ý nghĩa nghiêm túc nhất định – rằng mình muốn có những người bạn như thế nào, mình sẽ làm nghề gì, muốn ăn ngon mặc đẹp hay chỉ cần đủ ăn đủ mặc đã là hạnh phúc, gia đình mình sau này sẽ như thế nào,… và nhiều điều khác trong đời nữa.

Dù bạn đã từng suy nghĩ về câu trả lời hay chưa, ngay từ bây giờ hãy tự hỏi mình câu hỏi này thường xuyên. Có bận rộn học hành làm việc tới đâu đi nữa, mỗi ngày hãy chịu khó dừng lại, nghĩ về nó một chút. Mục đích đó nên là của riêng bản thân bạn, và cũng không nhất thiết là phải quá cầu kỳ chi li từng tí một. Chỉ cần nó có thể giúp bạn trở thành con người tốt nhất mà bạn có thể, và nên bắt đầu càng sớm càng tốt. Vì câu hỏi này không phải ngày một ngày hai mà có thể trả lời ngay, thậm chí nó có thể sẽ tiêu tốn cả một quãng đời. Mỗi con người lại có những mục tiêu khác nhau, không ai giống ai cả, và cũng không ai có thể tìm kiếm đáp án giùm cho bạn được. Chỉ chắc chắn là khi cái gì đó bên trong lồng ngực trái của bạn còn đập thình thịch, chắc chắn phải có một lý do nhất định nào đó để bạn còn sống được tới bây giờ. Đời vốn dĩ rất hiếm khi có cái gì gọi là ngẫu nhiên.

Riêng bản thân, vẫn còn đang trên đường đi tìm những đáp án đầu tiên cho tuổi trẻ của chính mình.

 

Nhật Niên

Sự nổi loạn của Bitcoin

15
Featured Image: Bit-Square

 

Phản ứng

Kể từ khi các công ty venture capital (đầu tư vốn mạo hiểm) (viết tắt: VC) bắt đầu nói về Bitcoin hồi cuối năm 2013, một trong những bình luận thường được trích dẫn từ họ đó là Bitcoin là một công nghệ thú vị, chứ không phải tiền tệ [1]. Thực tế, câu thần chú này đã trở nên quá thông thường tới nỗi giờ đây nó nghe như một đoạn thu âm.

Vấn đề

Chuyện gì đang xảy ra đây?

Một cách hiển nhiên, hàng triệu người dùng Bitcoin khắp quả đất chưa bao giờ được nghe [2] rằng Bitcoin không thú vị trong vai trò một loại tiền tệ. Nếu Bitcoin không thú vị trong vai trò tiền tệ, thì tại sao hệ thống ngân hàng lại cần phải tốn nhiều nỗ lực để làm chậm lại chuyến bay tư bản [3] từ đồng Đô La tới Bitcoin bằng cách đưa ra những điểm Choke Point ngăn cản cho cả những doanh nghiệp bình thường lẫn các giao dịch P2P?

Câu trả lời nằm ở định mệnh của đồng Đô La. Tất cả các loại tiền tệ của chính phủ đều có một vòng đời có giới hạn, với tuổi thọ trung bình là 27 năm [4]. Đồng USD đã sống lâu hơn hầu hết, nhưng nó cũng sẽ không phải là một ngoại lệ. [5]. Tuy nhiên, cho dù là bạn có đang nói về the Weimar Germany, hay Argentina, hay Liên Xô, hay USA, cái chết của một đồng tiền tệ thuận theo một bản lập trình có sẵn và đã được biết. Phần quan trọng nhất của bản lập trình này là các giới chức tinh hoa con ông cháu cha sẽ thoát ra trước [6] bỏ lại phần còn lại của dân số trở thành những kẻ bagholders*.

*Thuật ngữ tài chính, ý nói về những người bị bỏ lại đằng sau trong khi vẫn còn nắm giữ một đống cổ phiếu vô giá trị.

Vấn đề của Bitcoin chính là nó nằm ngoài bản lập trình. Quần chúng có Bitcoin trước khi giới tinh hoa có được nó, và Bitcoin hoàn toàn không hề chứa đựng bất cứ cơ chế nào mà thông qua đó giới tinh hoa thường sử dụng để lạm phát đồng tiền tệ nhằm làm giàu chính họ. Đây là một vấn đề nếu bạn là một phần của tầng lớp quý tộc tài chính hiện đại. Một vấn đề Cần Phải Được Giải Quyết.

Giải pháp

Cộng đồng VC bật dậy hành động để giải quyết vấn đề này cho các ông chủ chính trị của họ. Đầu tiên nó bắt đầu với Marc Andreessen đưa ra hứa hẹn sẽ thanh tẩy Bitcoin [7], loại bỏ những yếu tố phiền phức của nó. Như bất kỳ một ai quen thuộc với lịch sử về công nghệ đã có thể đoán trước [8], cộng đồng Bitcoin hồi âm với một phản ứng sáng tạo dữ dội và đã tăng cường độ riêng tư của công nghệ lên gấp đôi [9].

Bây giờ, thuật hùng biện có vẻ như đang sang số [10]. “Đa số những người nào đang có tài khoản ngân hàng” không cần Bitcoin. Có lẽ họ có thể bị thuyết phục chấp nhận sử dụng một sự thay thế nước dão ba phải khác [11]. Chiến thuật ở đây là tiếp tục sử dụng những thủ thuật nham hiểm [12] nhằm làm chậm đi chuyến bay vào Bitcoin, trong khi bơm tiền vào Thung Lũng Silicon để tạo ra những khu vườn kín cổng cao tường được cắt tỉa cẩn thận nhằm đẩy người dùng xa khỏi sự tự làm chủ ngân hàng của chính họ. Nếu họ thành công với chiến thuật này, hầu hết mọi người sẽ không bao giờ thật sự làm chủ được những đồng bitcoins và một là sẽ chấp nhận các giải pháp thay thế què quặt, hoặc hai là cứ tiếp tục để cho các ngân hàng tiếp tục trò chơi dự trữ tỷ lệ [13] mà Phố Wall rất thích [14].

Thực tế

“Cũng may mà người ta không hiểu về hệ thống ngân hàng và tiền tệ, bởi nếu họ hiểu, tôi tin là sẽ có một cuộc cách mạng trước sáng mai.” — Henry Ford

Tin buồn cho các tầng lớp cai trị, con mèo đã chui ra khỏi giỏ. Bất chấp các công cụ tuyên truyền đại trà trong tay, một người trung bình ngày nay đã hiểu nhiều hơn về tài chính và tiền tệ so với bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử. Kiến thức đó mang lại một sự hiểu biết về chuyện họ đã bị ăn cướp chính xác là như thế nào.

Nhìn chung thì thế giới này đã quá mỏi mệt với đế quốc Mỹ, bao gồm luôn cả cái chủ nghĩa đế quốc tài chính của nó [15]. Nhóm người duy nhất bị thua thiệt trong một thế giới Bitcoin là những người đang được hưởng những đặc quyền đặc lợi hiện tại.

Dù cho họ có cố gắng nhiều như thế nào thì cũng không thể giấu đi được bản chất có tính cách mạng của Bitcoin. Kể từ khi Bitcoin lần đầu tiên len lỏi [16] vào sự chú ý của đại chúng, nhiều người bàn tán về nó như là một mối đe dọa tiềm năng cho hệ thống tiền giấy khi họ đặt câu hỏi, “Liệu một ngày nào đó nó có thể thay thế đồng Đô La không?” Sự kiện bất kỳ ai bỏ công sức ra hỏi câu hỏi đó cho thấy rằng họ đã hiểu được rằng chúng ta đang ở gần giai đoạn cuối của trò chơi cho đồng USD.

Trò chơi này hiện tại đang là một trò chơi hot potato (củ khoai tây nóng) tài chính. Người nào cầm nó (những đồng tiền fiat pháp định) cuối cùng sẽ bị phỏng tay, thua cuộc, và cách hay nhất để không là người thua cuộc là cố gắng thuyết phục những người khác rằng trò chơi còn lâu mới kết thúc. Chiến thuật đó có thể sử dụng được trong bao lâu tùy thuộc vào việc họ có thể lừa các bagholders giỏi và lâu như thế nào. Trong khi đó, mỗi ngày càng có nhiều người khắp thế giới bừng tỉnh nhận ra được rằng Bitcoin không chỉ là tiền, nó còn hơn thế nữa.

Bitcoin là một cuộc kháng chiến [17]. Nắm giữ bitcoins là một cách cho từng cá nhân thể hiện sự phản đối cái quyền lực tối cao của một nhà nước welfare-warfare [18]. Bitcoin là một lá phiếu nhắm thẳng vào chính cái khái niệm về sự cai trị [19]. Bitcoin là một mối hiểm nguy rõ ràng cho từng kỳ lương và bổng lộc của mỗi nhân viên chính phủ và những người đã về hưu [20].

Không may cho những người bại trận trước sự vùng lên của Bitcoin, xu hướng này là bất khả dừng. Thậm chí ngay cả khi họ hoàn toàn thẩm thấu Bitcoin, cuộc kháng chiến toàn cầu chống lại hiện trạng sẽ không đơn giản chỉ bốc hơi. Nó sẽ đơn giản là di chuyển tới một điểm hẹn khác [21], và tất cả tài nguyên họ đã dùng để dìm hàng Bitcoin sẽ bị bỏ phí.

Vì lý do này, các đối thủ của Bitcoin không có lý do gì mà phải e ngại về kết cục tối hậu của cuộc chơi. Thực sự, tốt hơn là mọi người nên hoàn toàn cởi mở về bản chất cách mạng của Bitcoin trong tinh thần cuộc Cách Mạng Pháp, chứ không phải cách mạng trong tinh thần kiểu iPod. Chiến thuật khả dĩ tốt nhất cho tầng lớp cai trị hiện nay chính là “bỏ Đô La chạy lấy người” và mang theo những đồng tiền đen tối họ kiếm được vào thế giới Bitcoin tương lai, và chỉ có nước chấp nhận sự thật rằng từ giờ trở đi mình sẽ không còn có thể chơi ăn gian được nữa.

Thể theo bản chất của một vòng lặp tích cực [22], Bitcoin càng được táo bạo hóa chừng nào thì sự chuyển biến càng nhanh và càng ít đau đớn chừng đó. Vậy thì hãy tiến lên, và lan truyền cuộc cách mạng.

 

Tác giả: Justus Ranvier
Dịch: Nguyễn Hoàng Huy


Tham khảo:

  1. http://www.zerohedge.com/contributed/2014-04-08/why-bitcoin-important
  2. http://themisescircle.org/blog/2014/02/25/bitcoin-has-no-image-problem/
  3. http://www.foxbusiness.com/industries/2014/01/14/chase-revamps-cash-deposit-rules-to-ease-money-laundering-risks/
  4. http://georgewashington2.blogspot.com/2011/08/average-life-expectancy-for-fiat.html
  5. http://dollarvigilante.com/blog/2014/6/10/the-us-government-has-nearly-as-much-debt-as-the-world-has-w.html
  6. http://www.reuters.com/article/2013/03/25/eurozone-cyprus-muddle-idUSL5N0CG13920130325
  7. http://www.technologyreview.com/view/525836/marc-andreessen-predicts-libertarians-will-turn-on-bitcoin/
  8. http://bitcoinism.liberty.me/2013/06/27/i-love-the-smell-of-crony-capitalism-in-the-morning/
  9. http://www.wired.com/2014/04/dark-wallet/
  10. https://twitter.com/napoleon/status/476426521037393921
  11. http://www.coindesk.com/ripple-labs-joins-mainstream-nacha-financial-industry-alliance/
  12. http://www.theguardian.com/money/2014/mar/23/operation-choke-point-payday-lenders-issa-banks
  13. http://nguyenhoanghuy.me/2013/06/01/tien-that-su-tu-dau-ra/
  14. http://www.mining.com/the-fed-only-gave-germany-back-5-tonnes-of-gold-in-over-a-year-82989/
  15. http://www.financialsense.com/contributors/matthew-kerkhoff/china-russia-sign-major-gas-deal-bypass-dollar
  16. http://detlevschlichter.com/2011/06/bitcoin-gold-and-the-demise-of-fiat-money/
  17. http://cointelegraph.com/news/111723/roger_ver_bitcoin_can_stop_governments_from_murdering_people
  18. http://www.zerohedge.com/news/2014-05-07/department-defense-study-bitcoin-terrorist-threat
  19. http://www.telegraph.co.uk/technology/news/10881213/The-coming-digital-anarchy.html
  20. http://www.michiganlawreview.org/articles/are-cryptocurrencies-em-super-em-tax-havens
  21. https://www.darkcoin.io/
  22. https://bitcointalk.org/index.php?topic=590605.msg6479552#msg6479552

Karl Graf Ballestrem – Vài Nhận Định Sai Lầm Của Karl Marx Về Quan Điểm Của Adam Smith

Lời người dịch: Karl Marx là một nhà nghiên cứu về lịch sử tư tưởng kinh tế. Dù uyên bác và làm việc nghiêm túc nhưng ông không tránh khỏi sai lầm. Cụ thể là khi viết Tư Bản Luận, Marx không đề cập đến thành tích đóng góp của phong trào Khai Sáng Tô Cách Lan trong tiến trình thay đổi suy luận kinh tế của châu Âu. Marx liệt kê Adam Smith và David Ricardo vào chung một học phái, mà cả hai sống vào hai thời điểm và có nội dung khảo hướng khác nhau. Marx còn hiểu lầm Smith là học trò của Ferguson. Nhưng quan trọng nhất là Marx có hai phê phán sai lạc về quan điểm của Smith.

Thứ nhất, Marx đã quy kết Smith là “đại biểu khoa học của gia cấp tư sản“. Là một giáo sư Đạo Đức học, Smith không hề đảm nhận vai trò này trong thực tế. Lý thuyết của Smith qua tác phẩm “Sự Thịnh Vượng Của Đất Nước” đào sâu hiện tượng xã hội trong bối cảnh “lịch sử tự nhiên của xã hội dân sự”. Smith luôn biện hộ cho một chính sách kinh tế có thể tác động đến tăng lương công nhân và hạ giá bán sản phẩm. Smith không hề bảo vệ quyền lợi của người giàu và quyền thế, mà ông còn công khai phê phán thái độ đàn áp công chúng giới lãnh đạo thủ cựu và lừa bịp của giới tư sản. Do đó, quy kết của Marx không dựa theo quan điểm xã hội của Smith.

Thứ hai, Marx xem lý thuyết giá trị và phân phối của Smith sai lầm, vì Smith không hiểu chức năng của tiền tệ trong phân công lao động và trao đổi hàng hoá và Smith cũng không nắm bắt được quyền lực lao động trong tiến trình sản xuất. Do không khám phá nguồn gốc tư bản thống trị xã hội, nên Smith không lý giải được tại sao của cải xã hội gia tăng mà có phân phối bất công.

Thực ra, Smith lập luận chiếm hữu trong xã hội dân sự có chức năng lao động của con người, nhưng cũng là thành quả của sử dụng bạo lực và lừa đảo. Phân phối hoặc chiếm hữu giá trị không phải luôn luôn là nguồn gốc của giá trị và luật giá trị không tạo nên xã hội tư sản. Smith không giới hạn phân phối của cải xã hội chỉ có trong ba giai cấp điền chủ, sở hữu chủ tư bản và lao động. Khi giải thích doanh lợi chỉ là do giá bán cao hơn giá trị hoặc là do lừa đảo quyết định, ý tưởng này là sai lầm, vì Smith cho là còn có nhiều yếu tố khác tác động. Smith giải thích doanh lợi là phần trích xuất từ giá trị sản xuất. Khi mọi người không vi phạm luật công bình thì họ có hoàn toàn tự do để theo đuổi quyền lợi riêng và có quyền mang tư bản vào đầu tư kinh tế để cạnh tranh với người khác theo cách của mình. Doanh lợi và điạ tô không những chỉ có chức năng tiền lương mà còn có chức năng giá cả. Do đó, Smith biện minh “hệ thống tự do tự nhiên” dựa trên lập luận hữu dụng nhằm phục vụ quyền lợi tốt đẹp nhất cho đại đa số quần chúng.

Dù có nhận định sai lầm về Smith nhưng Tư Bản Luận của Marx vẫn còn có những giá trị giới hạn nhất định.

Nguyên tác Anh ngữ của bản dịch là “Karl Marx and Adam Smith: Critical Remarks About The Critique Of Political Economy” đăng trong: Contemporary Marxism, James J. O´Rourke et al.(eds.), 1984, D. Reidel Publishing Company, 21-38. Karl Graf Ballestrem (1937-2007), là Giáo sư Triết học và Chính trị học tại các Đại học Chicago, Notre-Dame (Hoa Kỳ), München và Eichstätt-Ingolstadt (Đức).

Người dịch đặt tựa đề cho bản dịch và đưa chung các trích dẫn kinh điển và chú giải cuả tác giả vào cuối bản dịch.

* * *

Nếu luận về phương pháp để so sánh giữa hai tác phẩm “Sự Thịnh Vượng Của Đất Nước” của Adam Smith và “Tư Bản Luận” của Karl Marx thì chúng ta sẽ thấy có sự dị biệt quan trọng và rõ rệt: Trong khi Smith cố gắng tổng quát hoá những kinh nghiệm (mà ông tìm ra qua tư liệu lịch sử, thống kê và đàm luận với thương giới ở thành phố Glasgow) và kiểm chứng lại những phương cách này để lý giải với một tầm vóc rộng hơn về những hiện tượng được chứng nghiệm (theo quy luật khoa học của Newton), thì Marx qua tiểu tựa đã cho thấy Tư Bản Luận là bàn về “Phê Phán Về Kinh tế Chính Trị Học“. Tư Bản Luận khởi đầu với suy đoán lý thuyết của những nhà kinh tế tư sản để chứng minh những phạm trù và quy luật vừa lộ vừa ẩn và đều không có khả năng giải thích được thực trạng của hệ thống kinh tế tư bản.

Đối với Smith, việc tham khảo tài liệu kinh tế cổ điển và hiện đại giúp cho ông soi sáng thêm quan điểm, nhưng ông không cần đến các thuyết trọng thương và trọng nông để lý giải cho luận thuyết của mình. Đúng hơn về sau (đặc biệt là trong quyển IV của “Sự Thịnh Vượng Cuả Đất Nước”), ông thảo luận về các lý thuyết, nhưng chỉ để nhằm soi sáng ưu thế trong hệ thống lý thuyết. Ngược lại, Marx nghiên cứu cẩn trọng về các sách vở kinh tế trên 200 năm qua để khám phá về “Phân Tích Về Xã Hội Tư Sản“ và giới thiệu như một tiền đề trong lý thuyết phê phán (ngay từ đầu quyển I Tư Bản Luận) mà ông coi là những phạm trù và nguyên tắc cơ bản của “Kinh Tế Chính Trị Học Cổ Điển”.

Khi chúng ta lưu tâm đến tầm quan trọng của khoa học kinh tế chính trị cổ điển để tìm hiểu Marx về phê phán xã hội tư sản, một vấn đề có liên quan đặc biệt là liệu Marx có quan tâm đến James Steuart hay Adam Smith hoặc David Ricardo không hoặc là Marx có chú ý lý giải trung thực về các lý thuyết của họ không hoặc Marx có sử dụng chọn lọc các công trình này để đúc kết xem các lý thuyết này có cục bộ và tự mâu thuẫn hay không. Dù thế, vấn đề này không đáng được quan tâm. Trong số những học giả Mác xít, lý thuyết của các nhà kinh tế tư sản thường được trình bày theo quan điểm phê phán thiên về Marx và trích lời của Marx.[1] Đối với các sử gia về tư tưởng kinh tế không theo Mác xít, thì Marx thực ra là kinh tế gia, nhưng không phải là nhà phê phán về lý thuyết kinh tế.[2]

Những nhà nghiên cứu khoa học về Marx là những người hiểu phương pháp lý thuyết phê phán của Marx nhưng không có khuynh hướng hoặc thẩm quyền để lập luận chống lại lý giải kinh điển của Marx về kinh tế tư sản. [3]

Dĩ nhiên, tiểu luận này không cố ý thách thức đến toàn bộ công trình phê phán về kinh tế chính trị học của Marx. Điều tôi muốn minh chứng là so sánh những gì Marx nói về những lý thuyết kinh tế tư sản với nghiên cứu lý thuyết được trình bày nghiêm túc trong toàn cảnh lịch sử và hệ thống. [4] Bởi vì Marx coi Smith và Ricardo là những nhà lập thuyết cho trường phái kinh tế cổ điển loại thượng hạng, thí dụ này là một dẫn chứng quan trọng. Nhưng khi tôi muốn minh chứng quan điểm của Marx đối với Smith là phiến diện và không thuộc về lịch sử, tôi không suy đoán rằng quan điểm của Marx cũng đúng cho Ricardo và những người khác. Cho dù trường hợp này có đúng đi nữa, tôi cũng không suy luận là kết luận của Marx về hệ thống kinh tế tư bản là sai.

Dù tôi tự đặt giới hạn cho đề tài, tuy nhiên, mối quan hệ về loại phê phán mà tôi đề xuất rất minh bạch. Để có thể minh chứng Marx hiểu sai về Smith hay Ricardo là có một trọng lượng phê phán khác biệt, tôi có so với dẫn chứng khác, thí dụ như Smith hiểu sai về thuyết trọng nông. Điều này có thể nhận xét qua thí dụ sau đây. Chúng ta hãy suy đoán về các sách vở kinh điển của tư sản là không bao giờ nói đến lao động và trao đổi các mặt hàng tương đương như phương thức tiêu biểu của chiếm hữu và phân phối trong “những xã hội dân sự”. Ngay từ khởi đầu của Tư Bản Luận điểm chính khi phân tích giá trị và trao đổi là chứng minh lao động và trao đổi hàng hoá tương đương như biểu hiện tất yếu về những nguyên tắc đặc trưng của chiếm hữu và phân phối của xã hội tư bản (như là một hình thức chống lại xã hội phong kiến). Và chỉ có khi thay đổi cách nhìn từ trên bình diện này (phạm vi trao đổi) đến chiều sâu thuộc cấu trúc (phạm vi sản xuất tư bản) thì người ta mới hiểu được bản chất của thặng dư và doanh lợi.

Tuy nhiên, Marx không chứng minh được cho suy đoán của mình là xã hội tư sản thể hiện tất yếu theo chiều hướng này cho các thành viên. Bằng chứng duy nhất của Marx là “kinh điển của kinh tế chính trị học“ đã có nói như thế. Đó chính là lý do tại sao Marx lý giải về thặng dư và doanh lợi có hình thức phê phán của kinh tế chính trị học. Ngày nay, nếu “kinh điển” có nghĩa là một cái gì đó hoàn toàn khác, thì lý giải của Marx về thặng dư và doanh lợi vẫn có thể còn đúng, nhưng hình thức đặc biệt trong lập luận của Marx không còn thuyết phục.

Tiểu luận này chia làm hai phần. Phần thứ nhất thảo luận về điểm Marx đã hiểu đại cương về lý thuyết xã hội của Smith như thế nào. Phần thứ hai bàn đến vấn đề Marx có thừa nhận lý thuyết giá trị và phân phối của Smith là có đúng không.

Lý thuyết xã hội của Adam Smith

Trước hết, đối với các sử gia đương đại, Adam Smith là một trong các nhân vật chủ yếu của “Phong Trào Khai Sáng Tô Cách Lan“.[5] Cùng với bạn là David Hume, ông thuộc về nhóm học giả kiệt xuất mà qua những công trình này chúng ta có thể nhận ra sự thay đổi tư tưởng của con nguời và xã hội từ khoa học quy phạm cổ truyền đến khoa học xã hội hiện đại. Khởi đầu của thời kỳ chuyển hoá này ta có thể tìm thấy qua tác phẩm Treaties of Human Nature (1739/1740) của Hume, đặc biệt là trong quyển III Of Morals. Tác phẩm này giải thích và phê phán về kết ước xã hội theo thuyết tự nhiên. Việc giải thích này trở nên hiển nhiên hơn trong tác phẩm Theory of Moral Sentiments (1759) của Smith mà Smith xem các vấn đề đạo đức học như là một đối tượng thuộc về khoa tâm lý xã hội.

Essay on the History of Civil Society (1767) của Adam Ferguson và Origin of the Distinction of Ranks (177 của John Millars là những tác phẩm tiêu biểu tiên khởi cho những nghiên cứu về khoa học xã hội thực nghiệm và được xem như là công trình tiên phong của xã hội học hiện đại. Inquiry into the Nature and Cause of the Wealth of Nations của Adam Smith là tác phẩm về kinh tế chính trị đầu tiên theo khoa học xã hội thực nghiệm.

Dù có loại trừ David Hume một phần nào thì một đặc điểm chung của các tác giả này là họ nỗ lực giải thích hiện tượng xã hội trong bối cảnh lịch sử, nói một cách chính xác hơn, trong khuôn khổ của “lịch sử tự nhiên của xã hội dân sự”. Các sử gia về lý thuyết nêu rõ điểm tương đồng trong khảo hướng về “lịch sử tự nhiên“ của trào lưu khai sáng Tô Cách Lan và “khái niệm biện chứng lịch sử“ của Marx. Thứ nhất, điểm tương đồng có thể tìm thấy quy luật này trong khái niệm về con người như một tác nhân tích cực nhằm thoả mản nhu cầu ngày càng tăng qua lao động. Thứ hai, các tác giả Tô Cách Lan suy đoán là các xã hội có khuynh hướng phát triển qua những giai đoạn lịch sử nhất định, thể hiện qua các đặc tính sản xuất và chiếm hữu khác nhau (thí dụ như giới săn bắn, nuôi cưù, nông gia và thương nhân).

Thứ ba, họ cố lý giải các thể chế xã hội và chính trị bằng cách quy chiếu với những phương thức sản xuất và sở hữu. Sử gia William Roberton, người bạn của Adam Smith, diễn đạt nguyên tắc này qua hình thức như sau: “Trong bất cứ một cuộc khảo sát nào về hoạt động của con người khi hợp quần vào xã hội, thì mục tiêu đầu tiên cấn phải chú ý là phương thức sinh tồn. Khi phương thức này thay đổi thì các quy luật và chính sách phải thay đổi theo.” [6]

Đối với các tác giả Tô Cách Lan, lịch sử không luôn được xem là thăng tiến vì sự tiến bộ trong lĩnh vực này phải trả bằng một giá là tai ách hay xung đột trong lĩnh vực khác. Chính vì thế mà đi theo sau chiếm hữu đất đai tư nhân, phát triển phân công lao động và du nhập thương mại và kỹ nghệ chế biến là gia tăng năng suất nhưng cùng song hành với nó là nỗi khốn khó ngày càng nhiều của nhân dân lao động, xung đột xã hội và suy đồi đạo đức công cộng. Trong khi Ferguson không tìm ra giải pháp cho tính biện chứng của tiến bộ và suy thoái này, nên ông hoàn toàn bi quan trong nhận định những xã hội hiện đại. Smith và Millar tin rằng họ khám phá khuynh hướng lịch sử nhằm làm gỉảm mối quan hệ của thống trị và tăng tự do cá nhân. „Hệ thống tự do theo tự nhiên“ của Smith là một phương thức xã hội tương lai mà các lực lượng của thị trường có khuynh hướng làm tăng lương và hạ giá bán, nhờ thế mà thực hiện được quyền lợi của đại đa số dân chúng.

Marx có khả năng giải thích Smith trong bối cảnh tư tưởng của Tô Cách Lan vào thế kỷ XVIII. Marx không những đọc Wealth of Nations của Smith và Essay của Hume mà còn Essay on the History of Civil Society của Ferguson và Origin of the Distinction of Ranks của Millar. [7] Marx nhận xét Smith là học trò của Ferguson, dù đây là một điều sai, nhưng cũng chúng tỏ Marx biết được những mối quan hệ cá nhân của nhóm này. [8] Tuy nhiên khi đọc Marx không ai có cảm tưởng rằng Smith là người thuộc phong trào khai sáng Tô Cách Lan. Smith được luôn đề cập chung với Ricardo, dù về phương diện lịch sử, người ta không thể kỳ vọng có điểm tương đồng giữa một vị giáo sư Đạo đức học ở Glasgow với nhà đầu tư chứng khoán tại Luân Đôn, người mà nửa thế kỷ sau có sáng tác, nhưng trong một môi trường lý thuyết và xã hội khác biệt.

Nếu Marx là một sử gia về tư tưởng kinh tế, ta không thể chờ đợi Marx nghiên cứu về luận cương trong lý thuyết xã hội của Smith và bối cảnh lịch sử của trào lưu khai sáng Tô Cách Lan. Tuy nhiên, Marx coi những lý thuyết kinh tế tư sản là những ý thức hệ, một hệ thống tư tưởng có thể trình bày triển vọng và quan tâm của giai cấp tư sản trong một bối cảnh lịch sử và xã hội đặc biệt. Để minh chứng trong trường hợp của Smith, Marx không những chỉ giải thích quan điểm về doanh lợi và tiền lương trong một cách đặc biệt (mà tôi sẽ trình bày trong phần sau) mà còn có những ghi nhận thuộc về lĩnh vực nhân chủng học cá nhân chủ nghiã, đặc điểm không thuộc về lịch sử trong lý thuyết của Smith và trong chức năng của Smith là người phát ngôn cho giới tư sản vào cuối thế kỷ XVIII. Tôi xin cố chứng minh là Marx giải thích sai lầm khá vụng về về lý thuyết xã hội của Smith.

Ngay từ đầu tác phẩm Grundrisse Marx khẳng định là Smith và Ricardo quan niệm về xã hội không thuộc về lịch sử và là cá nhân. Theo Marx, cả hai suy đoán lầm lẫn về cá nhân hiện đại là con người tự nhiên, kết quả của một phát triển lịch sử lâu dài. Khi Smith và Ricardo viết về “những người đi săn và đánh cá cô lập và cá nhân”, cả hai theo một thí dụ của những nhà tiên tri thế kỷ XVIII mà trong trí tưởng tượng về mỗi cá nhân này trong thế kỷ XVIII – một phần là do sản phẩm dựa vào sự giải thể của những hình thái phong kiến của xã hội, một phần khác là do những lực lượng sản xuất mới được triển khai từ thế kỷ XVI -. Sản phẩm này thể hiện một lý tưởng mà sinh hoạt của nó theo họ phản ảnh được quá khứ. Đó không phải là một thành quả mà là một khởi điểm lịch sử. Theo khái niệm bản chất của con người, khi cá nhân thích ứng, đó là do tự nhiên, mà không do trổi dậy theo dòng lịch sử. Sai lầm này khá phổ biến cho từng giai đoạn cho đến ngày nay. [9]

Không giống như các sử gia về tư tưởng hiện đại, Marx không giải thích Smith như là một đại biểu hàng đầu của khảo hướng “lịch sử tự nhiên”. Trong khung cảnh phê phán của Marx, Smith xuất hiện như là một nhà kinh tế tư sản. Marx cũng suy đoán về đặc trưng của tư tưởng kinh tế tư sản để hình dung phương thức sản xuất cuả những xã hội dân sự hiện đại và „xem thiên nhiên là quy định bất biến cho mỗi tình trạng xã hội“.[10] Marx có viết trong The Poverty of Philosophy như sau: “Theo những nhà kinh tế đại diện cho những mối quan hệ tư sản trong sản xuất thì phân công lao động, tín dụng, tiền tệ là những phạm trù cố định, bất biến và vĩnh cữu… Họ giải thích cho chúng ta biết là người ta sản xuất được trong những tình trạng sẳn có như thế nào. Điều mà họ không giải thích được là những điều kiện này tự nó được tạo lập ra sao, thí dụ như chuyển động lịch sử nào đã đem những điều kiện này thành hình”.[11] Trong “kinh điển về kinh tế chính trị học” thì James Steuart là người duy nhất không bị cáo buộc: “Steuart tránh được quan điểm hẹp hòi này vì ông là nhà qúy tộc và trong tinh thần phản luận của thế kỷ XVIII ông đã tôn trọng những cơ sở lịch sử”.[12] Khi Smith và Ricardo thảng hoặc có chú ý đến lịch sử, họ chỉ muốn chứng tỏ tính ưu thế của thời hiện tại tư sản so với quá khứ phong kiến. Theo Marx, điểm này là “nhiệm vụ của họ” vì họ là “đại biểu khoa học cho giai cấp tư sản”.[13]

Marx không nỗ lực chứng minh về đặc điểm ý thức hệ của lý thuyết Smith từ trong văn bản. Đúng hơn, Smith bị phê phán tổng quát là có tư tưởng kinh tế tư sản và không liên hệ đến lịch sử và chỉ biện luận. Tuy thế cần phân biệt lời cáo giác. Không giống như các nhà biện hộ hậu trào, Smith và Ricardo được coi là những “nhà kinh tế kinh điển” bởi vì họ có vị thế mạnh khi diễn tả công khai mối quan hệ sản xuất trong hình thái thuần tuý của nó”.[14] Sáng tác trong thời kỳ mà đấu tranh giai cấp giữa tư sản và vô sản chưa thể hiện, họ nêu lên vấn đề khá rõ rệt của hệ thống tư bản, ngay cả khi mà những suy đoán lý thuyết của họ không tạo ra nhiều khó khăn[15]. Họ không phủ nhận sự cực kỳ túng quẩn của giới sản xuất ra của cải trong xã hội tư sản và chấp nhận là một phó sản của một hệ thống thăng tiến như định mệnh an bài. “Theo nhãn quan của họ, sự khốn khổ chỉ là đau thương có từ thuở lọt lòng, do thuộc bản chất hay do nền kinh tế kỹ nghệ“.[16]

Điều đáng suy gẫm về phê phán của Marx là Marx đáng lý phải biết rằng Smith không chia sẽ về những ảo tưởng của chủ nghĩa cá nhân trong xã hội tư sản là do bản chất định sẳn bất biến, mà Smith là một trong số những người đầu tiên lý giải (trong quyển III Sự Thịnh Vượng Của Đất Nước) việc cá nhân hiện đại trổi dậy là để thoát ra khỏi mối quan hệ phong kiến và họ là một lực lượng sản xuất mới được phát triển từ cuối thời Trung Cổ. Marx cũng phải biết đó không phải là “những người đi săn và đánh cá riêng rẽ và biệt lập” mà là những người mà Smith và Ricardo khởi đầu giới thiệu. [17] „Sự Thịnh Vượng Của Đất Nuớc“ khởi đầu với sự phân tích về phân công lao động hiện đại và nhận xét đối chiếu “về đất nước hoang sơ có nhiều người đi săn và đánh cá” ít nhất không cho thấy Smith nghĩ đến các cá nhân biệt lập. Khi ông dẫn chứng về hai người đi săn trao đổi hai chiến lợi phẩm trong “một tình trạng sơ khai và thô thiển của xã hội và đi trước tích lũy của cải và chiếm hữu đất đai”[18], ông không hề đề xuất là hình thức lao động, chiếm hữu và trao đổi có trong thời hiện đại là cũng đã có trong những xã hội sơ khai. Trái lại, thí dụ này nhằm nhấn mạnh sự khác biệt giữa trao đổi trong xã hội tư sản (là nơi mà luôn có sự khác biệt giữa công nhân và chù nhân) và trong xã hội sơ khai (là nơi mà người ta chỉ sản xuất cho riêng mình và ít khi mới có trao đổi sản phẩm).

Khẳng định của Marx là Smith và Ricardo có những thái độ chấp nhận định mệnh và biện hộ về sự khốn cùng của giới lao động là không có cơ sở trong các công trình của Smith. Dù khảo hướng về lịch sử tự nhiên ít có tính quy phạm hơn là các học thuyết luật tư nhiên truyền thống, Smith bị phê phán thuộc về xã hội mà “người ta lo quần áo cho cả thế gian trong khi chỉ mang trên mình tấm giẻ rách”[19], và không đem lại nghi ngờ khi những chính sách nhằm giới hạn cơ hội của công nhân được thu nhập lương cao hơn, theo ý nghĩ của ông, là “một vi phạm trầm trọng về tự do tự nhiên và công bình”.[20] Những lời tuyên bố như sau cho thấy rõ thiện cảm của ông: “Tất cả chỉ dành riêng chúng ta và không có dành cho người nào khác, dường như đây là một câu châm ngôn đồi bại của các bậc thầy của nhân loại trong mỗi thời đại của thế gian”.[21]

Thực ra, khó xác định được là Smith là “đại biểu khoa học của gia cấp tư sản” theo ý nghĩa nào. Thí dụ như dù Marx xem Steuart là một nhà qúy tộc, vấn đề ý thức hệ hiển nhiên là không liên hệ gì đến hoàn cảnh xã hội của cá nhân (nếu không thì ta có thể gọi Marx và Engels là những nhà ý thức hệ tư sản loại thượng thặng). Đúng ra, đây là vấn đề họ cùng quan điểm và bảo vệ quyền lợi của một giai cấp đặc biệt. Tôi đã chứng minh là chủ nghĩa cá nhân và thiếu ý thức về lịch sử, điều mà Marx suy nghĩ về những đặc trưng của tư tưởng kinh tế tư sản, không thể tìm thấy nơi con người Smith. Càng hiển nhiên hơn khi ta không tìm thấy bất cư nơi nào để chứng minh là Smith bảo vệ cho quyền lợi tư sản. Trong tác phẩm „Sự Thịnh Vượng Của Đất Nước” không có một tập đoàn nào – kể cả giới lãnh đạo thủ cựu “không sản xuất” – bị phê phán cùng mức độ và cùng đặc điểm giống như thương giới và nhà sản xuất, chỉ vì với lý do là họ là thiểu số nhưng có phương tiện tài chính dồi dào, có lối sống thành thị và cận kề các trung tâm quyền lực. Theo Smith, họ có khả năng can thiệp vào những động lực của thị trường và gây ảnh hưởng đến chính trị để phục vụ cho quyền lợi riêng tư. Họ âm mưu giảm giá lương và tăng giá bán, họ hổ trợ luật pháp (như luật gia sản và huấn nghệ) để ngăn ngừa cạnh tranh; họ lập ra thuế quan để giữ ưu thế trước các nhà cạnh tranh quốc tế; họ gây ảnh hưởng chính sách đối ngoại theo chiều hướng phiêu lưu thuộc điạ và gây chiến, đồng thời họ chấp nhận những thiệt hại nặng nề cho đất nước nhằm thủ lợi cho riêng mình.

Phê phán của Smith về thuyết trọng thương phải được nhìn trong bối cảnh chung này và không được hiểu như là lối phê phán về chính sách kinh tế đối ngoại dựa trên những suy đoán lý thuyết sai lầm. Chính ra đó là chiều hướng có chủ yếu chống lại một loại chính sách hoàn toàn phù hợp với quan điểm về quyền lợi đặc biệt của thương giới và nhà sản xuất, thường thì thành công, nhưng gây thiệt hại cho công nhân và người tiêu thụ, và cho đa số. Smith đoan chắc là không có một xã hội dân sự nào tồn tại và thịnh vượng mà không có nhóm này, sáng kiến của họ đem lại việc sử dụng tư bản sinh lợi có thể tạo nên một vai trò hữu ích. Nhưng Smith cũng cảnh báo rằng quyền lợi riêng của nhóm này có thể đối nghịch với quyền lợi của các phe nhóm khác trong xã hội. Nó chỉ có thể giữ một vai trò tích cực bền bỉ và phù hợp nếu khi nhóm này tuân theo quy luật thị trường tự do, mà thị trường này có khuynh hướng thách thức.

Dự thảo về luật lệ thương mại trong khuôn khổ này cần phải được tham khảo với sự thận trọng và không bao giờ được chuẩn nhận cho đến khi được duyệt xét kỹ càng, một việc không phải chỉ vì có ý định tham ô mà với tất cả ngờ vực. Luật pháp này đến từ khuôn khổ của những con người mà những quyền lợi của họ không bao giờ hoàn toàn giống như quyền lợi của công chúng. Nói chung, họ quan tâm đánh lừa và đàn áp công chúng, và cũng khi họ đã làm hai việc này có cơ hội thuận tiện.[22]

Nhận xét này cũng đủ chứng tỏ rằng khi Marx xem Smith là “đại biểu khoa học của gia cấp tư sản“, Marx đã diễn giải sai lạc về luận cương của Smith trong lý thuyết xã hội. Thay vì đặt ra ngoài vòng lịch sử, lý thuyết của Smith cố giải thích hiện tượng xã hội trong bối cảnh “một lịch sử tự nhiên của xã hội dân sự”. Thay vì đơn thuần chấp nhận cảnh khốn cùng của công nhân, Smith biện hộ cho một chính sách kinh tế có thể tác động tương đối đến tăng lương và hạ giá bán. Thay vì bảo vệ cho quyền lợi của người giàu và quyền thế, Smith công khai phê phán không những giới lãnh đạo thủ cựu mà còn cả giới tư sản mới. Sự giải thích sai lệch này, vì đó chính là tiền đề phê phán của Marx về ý thức hệ, nên ảnh hưỏng đến nội dung phê phán của Marx về kinh tế chính trị. Đó là vấn đề cần xét tới.

Lý Thuyết Giá Trị Và Phân Phối Của Adam Smith

Giới nghiên cứu Tư Bản Luận qua chiều hướng của Grundrisse thấy rằng phương pháp của Marx mất vài đặc điểm bí hiểm. Những nhận xét của Marx về phương pháp luận qua những công trình được ấn hành lúc sinh thời cũng không soi sáng nhiều hơn. Đề cương về khái niệm của thuyết duy vật lịch sử, như đã đưọc phác hoạ trong trong tựa đề nổi tiếng trong năm 1859 [23], dường như không có tác dụng trực tiếp trong việc phê phán kinh tế chính trị học. Nhận xét của Marx về thuyết biện chứng của Hegel và „ý định làm đảo ngược thuyết này lần nữa“ được đề cập trong hậu từ dành cho ấn bản Đức ngữ lần thứ hai của Quyển I Tư Bản Luận [24]. Nhưng với nỗ lực giải thích thuyết duy vật biện chứng bằng cách quy chiếu vào vật lý và sinh vật học [25], thì Marx lại làm mù mờ hơn về những điểm phương pháp luận trong khoa học xã hội phê phán.

Chúng ta có thể giải thích Tựa Đề của năm 1859 – đựợc xem như một trong những công trình xuất sắc của Marx – là một phác thảo chung về phương pháp khảo sát của Marx (hướng dẫn cho các nghiên cứu của ông). Một điều chắc đó không phải là một khuôn mẫu cho phương pháp trình bày của ông. Tư Bản Luận không xuất phát từ một phân tích về phương thức sản xuất đi trước chủ nghiã tư bản và của những động lực sản xuất nhằm đưa tới những hình thái sở hữu chủ tư bản để vạch ra thể chế và ý thức hệ của xã hội tư sản. Marx không chọn một phương thức trình bày theo cách liên tục như di truyền. Hiện nay các học giả nghiên cứu Marx đồng ý rằng chương đầu của Tư Bản Luận không đề cập tới thí dụ lịch sử của “những xã hội sản xuất hàng hóa đơn giản”. Càng rõ nét hơn khi công trình này không nỗ lực giải thích “thượng tầng kiến trúc” thông qua phân tích „nền tảng thực tế” của xã hội tư sản. Ngược lại, khi “phê phán về kinh tế chính trị học” việc khởi đầu là phân tích về những hình thức tiêu biểu của ý thức tư sản để chứng tỏ những hạn chế và mâu thuẫn tất yếu.

Khoa học giữ một hình thức phê phán trong mức độ mà khoa học không những có thể giải thích được hiện tượng không trung thực trong ý nghiã thông thường, – một biểu hiện giả tạo của thực tại – những hình thức của ý thức sai lạc, nhưng nhờ vào cấu trúc của thực tại, mà khoa học còn giải thích được hiện tượng thể hiện tất yếu hình thức sai lạc đối với những người không có tinh thần phê phán.

Trong tư duy của giới tư sản, phê phán kinh tế chính trị học khởi đầu bằng cách phân tích các hiện tượng thể hiện như là một hình thức tư tưởng xãy ra thông thường [26]. Hình thức tư tưởng này được hình thành và hệ thống hóa trong những phạm trù và luật pháp của kinh tế chính trị. “Thoạt tiên, sự thịnh vuợng của xã hội tư sản do tích lũy vô số hàng hoá, hàng hoá đơn sơ như điều kiện sống cơ bản” [27]. Chính thế mà phê phán bắt nguồn từ sự phân tích phạm trù hàng hoá (theo ý nghĩa của giá trị, lao động và tiền lương) và „quy luật giá trị” (hàng hoá được trao đổi tùy theo giá trị – giá trị được xác định bằng thời gian lao động trung bình cần thiết bỏ ra). Phê phán nhằm tiến hành chứng minh là đặc điểm của nền kinh tế tư bản, thí dụ như sản xuất tư bản, không thể lý giải dựa trên mức độ về „luân chuyển đơn giản của hàng hoá“ theo quy luật giá trị.

Đồng hành với người có tiền và người chiếm hữu quyền lao động, chúng ta rời bỏ một lĩnh vực khá ồn ào trong một khoảng thời gian, nơi mà mọi chuyện xãy ra trên bình diện và được mọi người chú ý, và chúng ta cùng theo họ tới một điạ điểm sản xuất kín đáo… Ở đây, chúng ta hiểu không những tư bản là gì mà còn hiểu nó được tạo ra như thế nào. Cuối cùng, chúng ta khám phá bí mật của sự sản xuất dư thừa. [28]

Lý thuyết thặng dư giá trị giải thích bản chất của hệ thống kinh tế tư bản chủ nghiã. Từ trên cơ sở này, phê phán có thể trở lại bình diện để lý giải về doanh lợi, tiền lương và hưu bổng – trước tiên trong tổng quát, sau đó trong điều kiện cụ thể của thời gian và cạnh tranh. Khởi đầu quyển III của Tư Bản Luận, chúng ta tìm thấy khẳng định sau đây:” Khi chúng tôi khởi thảo vấn đề trong sách này, thì việc tạo lập tư bản tiến hành tuần tự mà hình thức thể hiện trên bình diện xã hội, trong sự tương tác của các tư bản khác nhau khi cạnh tranh và trong tinh thần ý thức chung của các tác nhân sản xuất”.[29]

„Biểu hiện“ là một phạm trù của ý thức: một cái gì đó chỉ thể hiện trong ý thức của chủ thể. Khi Marx phê phán và lý giải những biểu hiện trên bình diện xã hội tư sản, đôi khi ông đề cập tới “các hình thức trung bình của tư tưởng”, “ý thức chung của các tác nhân sản xuất”, hoặc là “những ý kiến thô bỉ của thương nhân tự do” [30]. Tuy nhiên, đối tượng đặc biệt của Marx về phê phán không phải là ý thức của giới tư sản trung bình, nhưng là của “những đại biểu khoa học của gia cấp tư sản”, đặc biệt là của “giới kinh điển của kinh tế chính trị học”. Trong phần bàn về tiền lương (Tư Bản Luận, Quyển I Chương 17) Marx chứng minh mối quan hệ chặt chẽ giữa những lý thuyết kinh tế khoa học và ý thức của giới tư sản trung lưu.

Trên bình diện xã hội tư sản tiền lương công nhân là giá của lao động… Kinh tế chính trị cổ điển vay mượn phạm trù giá lao động trong ngôn ngữ của đời sống hàng ngày mà không phê bình sâu xa hơn, và chỉ đơn thuần đặt vấn đề là giá cả được quyết định như thế nào… Kinh tế chính trị cổ điển gần chạm đến mối quan hệ đích thực của vấn đề, tuy nhiên hầu như tránh trình bày vấn đề một cách có ý thức. Điều này làm vấn đề không dính vào da của giới tư sản. [31]

Đối tượng đặc biệt mà Marx phê phán là những phạm trù và luật lệ của chủ nghĩa tư bản. Khi ta cho rằng vấn đề đã được trình bày trong kinh tế chính trị cổ điển thì dường như ta chỉ gặp trong quyển IV của Tư Bản Luận, mà chủ đề chính gọi là Lý Thuyết Về Thặng Dư Giá Trị mà những lý thuyết của các nhà kinh tế tư sản có đề cập đến khó khăn này trong chi tiết. Những thảo luận ngắn về các đề tài này có thể tìm ra trong phần lý thuyết của Tư Bản Luận (luôn ở trong phần chú thích) có thể được loại bỏ dễ dàng mà không gây ảnh hưởng đến các lập luận. Tuy thế, khi tham khảo lý thuyết về thặng dư giá trị như là một loại tư tưởng lịch sử không liên quan đến lý thuyết, đó là một sai lầm nghiêm trọng. Điều này được trình bày trong phần đầu của quyển sách. [32] Trong phần thảo luận đào sâu về những lý thuyết kinh tế tư sản (lý thuyết XHCN và cộng sản không đưọc đề cập tới) [33] thì ở đây chính là nơi mà Marx diễn đạt trọn vẹn lý thuyết thặng dư. Đầu tiên, Marx định đưa vấn đề „duyệt xét lịch sử“ vào trong phần lý thuyết phù hợp. Chỉ khi vấn đề được triển khai trong khuôn khổ này, Marx quyết định chuyển vấn đề thành một chuyên đề riêng biệt là “một sự tái lập trong hình thái lịch sử” của vấn đề mà nó được thảo luận và giải quyết trong các chương trước”. [34]

Tiểu tựa của Tư Bản Luận không đề cập đến bất cứ phần đặc biệt nào của công trình. Toàn bộ công trình từ đầu đến cuối có nghĩa là “Phê phán về Kinh Tế Chính Trị Học”. Giữa quyển đầu và quyển chót của bộ sách chỉ có một sự khác biệt, phần đầu đúc kết trong trừu tượng – như phê phán của những phạm trù chủ yếu và luật lệ của xã hội tư sản khi nó thể hiện trong ý thức tư sản – phần cuối nỗ lực đúc kết trong cụ thể – như là một lối phê phán về các lý thuyết tư sản đặc biệt. Về cơ bản thì đối tượng phê bình trong từng trường hợp một là giống nhau: Marx giả định những lý thuyết này, dù có sự khác biệt và thay đổi trong viễn cảnh giữa thế kỷ XVII và XIX, được lập lại những đặc điểm chung của ý thức tư sản trong những mức độ sâu xa và phức tạp khác nhau. [35]

Trong tác phẩm Grundrise Marx nhấn mạnh nhiều lần là xã hội tư sản – không giống như xã hội chiếm hữu nô lệ của thời Thượng Cổ và xã hội phong kiến thời Trung Cổ – thể hiện như là hình thức hợp tác giữa những người sở hữu chủ hàng hoá có tự do và bình đẳng. Không một ai bị bắt buộc phải làm việc cho người khác, không một ai phải cho mà không nhận. Nhờ phân công lao động, mỗi người có thể tự chuyên môn hoá trong sản xuất một loại hàng đặc biệt – thông qua trao đổi tương đương – doanh lợi từ lao động của người khác[36]. Khi một người chiếm hữu bất kỳ loại gì, dù sản phẩm là công trình của mình hoặc là của người khác, đều có tự do chia phần sản phẩm và nhận phần tương đương.

Ngay trong vận hành, tiến trình của trao đổi thể hiện trên bình diện của xã hội tư sản, mỗi người đều cho khi nhận và có nhận khi cho. Làm việc này hay việc khác, người ta phải có một cái gì… Vì thế mà tất cả các nhà kinh tế hiện đại tuyên bố lao động của riêng mình như là loại quyền tư hữu… và quyền sở hữu chủ của thành quả lao động được xem như là một suy đoán cơ bản của xã hội tư sản. [37]

Nhưng đâu là bất công giữa giàu nghèo? Đâu là khốn cùng của gia cấp lao động trong xã hội tư sản? Những gì làm nhà kinh điển quan tâm phê phán kinh tế chính trị học – không giống như các nhà biện hộ hậu trào – khi họ không hề phủ nhận thực tế của nghèo đói và bất công, nhưng họ cũng không nỗ lực để lý giải vấn đề qua lười biếng và những yếu tố tâm lý và đạo đức tương tự. Họ chấp nhận nghèo đói và bất công là những hậu quả tất yếu của xã hội tư sản. Họ muốn lập luận chiếm hữu qua lao động và trao đổi những tương đương là những nguyên tắc hình thành xã hội. Lập luận này mang đến cho họ mâu thuẫn, Marx nói: “từ tất cả những nhà kinh tế học cổ điển cho đến Ricardo[38] đều lập luận là những nguyên tắc mà họ xem là tạo hình cho xã hội tư sản chỉ được thực hiện trong cổ thời trước khi quyền tư hữu thành hình. Khi họ cố lý giải sản xuất và phân phối trong xã hội tư sản, họ bị giao động khi chấp nhận sự thật thuộc về „quy luật giá trị” và quan hệ với các thế lực và gian xảo như là nguồn gốc của doanh thu và nguồn lợi.

Theo Marx, những sai lầm và mâu thuẫn của hầu hết các nhà kinh tế tư sản là có thể hiểu được. Họ không có một phương cách trực tiếp để khám phá nguồn gốc bất công và thống trị trong xã hội mà những mối quan hệ xã hội một phần do kết quả của các hợp đồng giữa những cá nhân có tự do và bình đẳng, phần khác là do những mối quan hệ khách quan giữa những sản phẩm có giá trị đặc biệt. [39] Chỉ khi nào hiểu được chức năng của tiền tệ dựa trên phân công lao động và trao đổi hàng hoá; chỉ khi nào hiểu được sự thay đổi tất yếu của tiền thành tư bản; chỉ khi nào nhận xét được sự sử dụng đặc biệt của quyền lực lao động trong việc làm ra hàng hoá trong tiến trình sản xuất thì mới có thể lý giải được các của cải xã hội gia tăng mà phân phối lại bất công trong một hệ thống dựa trên trao đổi tương đương.

Trao đổi các tương đương này chỉ trên bình diện sản xuất dựa vào chiếm hữu lao động của người khác mà không có trao đổi hoặc trao đổi giả tạo. Hệ thống trao đổi này dựa trên tư bản làm cơ sở. Khi cơ sở này coi tư bản là một thành phần của hệ thống và tự thể hiện trên bình diện như một hệ thống độc lập, đó là biểu hiện đơn thuần nhưng là biểu hiện tất yếu. Tuy nhiên, hiện nay ta không ngạc nhiên khi thấy hệ thống giá trị trao đổi… chúng tỏ như là những nền tảng tiềm tàng của chiếm hữu lao động người khác mà không có trao đổi, một sự tách biệt toàn diện giữa lao động và tư hữu. [40]

Để hiểu những gì Marx nói về lý thuyết giá trị và phân phối của Smith, ta cần nên quan tâm đến những điểm chủ yếu trong phê phán về kinh tế chính trị học. Dưới nhãn quan của Marx, Simth là một biểu tượng đặc biệt về những nhận thức và lầm lạc của kinh tế chính trị học cổ điển. Smith tạo được uy tín là người đầu tiên diễn đạt trong sáng về những điểm cơ bản của hệ thống kinh tế dựa trên phân công lao động và sản xuất hàng hoá. Smith không những chỉ phân biệt giữa giá trị sử dụng và giá trị trao đổi; mà còn nhận ra là không có bất kỳ một hình thức lao động đặc biệt nào khác mà chỉ có lao động tổng quát, một loại hình trừu tượng tạo nên giá trị hàng hoá. [41]

Chỉ dựa trên cơ sở của nhận thức này (“một bước tiến nhảy vọt”)[42] giúp ta đạt đến quy luật tổng quát về giá trị. Và Marx cũng nỗ lực chứng minh là Smith luôn chấp nhận quy luật này được áp dụng trong những xã hội sản xuất hàng hoá. [43] Mặt khác, Smith lại phân tích mơ hồ về giá trị [44] và cũng không thể tin được là giữa nhà tư bản và người lao động có trao đổi tương đương xãy ra. Vì thế, Marx phủ nhận quy luật chung về giá trị ngự trị trong những xã hội tư bản (“quy luật tổng quát bị hủy ngay” [45]) và đề xuất lĩnh vực áp dụng của luật này chỉ trong xã hội nguyên thủy hay trước thời của Smith. [46]

Theo Marx, mâu thuẫn cơ bản của Smith trong lý thuyết giá trị và phân phối gồm có việc Smith giả định về luật giá trị là một nguyên tắc hình thành xã hội tư sản. Trong khi xã hội sản xuất hàng hoá không quy định mối quan hệ hợp tác, mà thực ra mối quan hệ này là nguồn gốc chủ yếu cho sự thịnh vượng xã hội.

Một công trình to lớn của Smith là ông… cảm thấy có một sư rạn nứt ở điểm này (trong mối quan hệ giữa tư bản và lao động) và luật giá trị thực sự bị hủy diệt trong kết quả… và cùng với tích lũy tư bản luật giá trị bị đảo lộn tạo bao nhiêu khó khăn. Đó chính là thế mạnh lý thuyết khi ông thấy được và nhấn mạnh điểm mâu thuẫn này. Nhưng đồng thời đó cũng là yếu điểm lý thuyết khi ông nghi ngờ quy luật tổng quát, ngay cả cho sự trao đổi đơn giản hàng hoá. Ông không hiểu mâu thuẫn xãy ra qua quyền lực lao động khi tự nó lại trở thành hàng hoá và giá trị sử dụng của loại hàng hoá đặt biệt này, – giá trị này không liên hệ đến giá trị trao đổi của nó – mà tự nó là một nguồn năng lực tạo nên giá trị trao đổi [47].

Trong những nhận xét sau đây tôi không có ý định chứng minh là lý thuyết về giá trị và phân phối của Smith là không sai lầm hay không mơ hồ. Ngược lại, tôi nghĩ Marx có lý khi chỉ rõ những điểm mơ hồ trong khái niệm về giá trị của Smith khi cáo buộc Smith là pha trộn hai vấn đề giá trị và phân phối. Tuy nhiên, tôi nghĩ Marx sai lầm khi giải thích những khó khăn của Smith như là kết quả của những mâu thuẫn cơ bản, thí dụ như một mặt thì lập luận là mối quan hệ trong xã hội tư sản tuân theo, mặt khác, lại không tuân theo quy luật giá trị. Nói một cách khác, Smith lập luận chiếm hữu trong xã hội tư sản là một chức năng của lao động của con người và trao đổi các tương đương, nhưng cũng là thành quả của bạo lực và lưà đảo. Smith không bao giờ nghĩ là luật gía trị tạo nên xã hội tư sản, hay nói theo thuật ngữ của Smith, “xã hội dân sự”.

Smith cũng không hề đề xuất phân phối của cải trong ba giai cấp xã hội (điền chủ, sở hữu chủ tư bản và lao động) có liên hệ đến sự trao đổi các tương đương. Lý thuyết về phân phối trong xã hội dân sự của Smith có liên hệ đến những phân tích kinh tế về quyền lực và hầu như không liên hệ gì đến hư cấu về các sở hữu chủ hàng hoá có tự do và bình đẳng. Chính thế mà Smith không đủ thẩm quyền giải thích đối với người dựa vào quan điểm là xã hội tư sản thể hiện trên bình diện như “trong một vườn điạ đàng của quyền bẩm sinh con người”. [48] Đối với suy nghĩ của Smith, không cần vuợt qua những hiện tượng để hiểu điều hiển nhiên: của cải xã hội bị phân chia bất công theo nguyên tắc ít có liên hệ đến những thoả thuận tự nguyện hoặc là số lượng lao động đóng góp của từng cá nhân. Để chứng minh điều này, tôi muốn tóm tắt vài khía cạnh trong lý thuyết của Smith về giá trị và phân phối.

Các xã hội có khuynh hướng du nhập phân công lao động và trao đổi hàng hoá đều có lý do căn bản tại sao. Vấn đề cần phải nhận ra qua thực tế là bằng cách này người ta có thể tìm ra ưu thế trong các công trình của người khác và đạt được việc thoả mãn nhu cầu tối đa với ít nỗ lực hơn. Đó là lý do tại sao Smith định nghĩa giá trị trao đổi hàng hoá do số lượng lao động của người khác mà nó cho phép sở hữu chủ mua hay đặt hàng[49]. Dĩ nhiên, ta có thể định nghiã là giá trị trao đổi của hàng hoá khi quy chiếu với số lượng của bất cứ loại hàng khác (thí dụ như vàng). Nhưng vì giá trị hàng hoá thay đổi – kể cả giá trị của lao động tiền lương (đưọc tính bằng một giá) điểm quy chiếu ổn định duy nhất dường như là nỗ lực được tiết kiệm hoặc sự hữu dụng đạt được khi có thể ta đặt mua nhiều hơn thời gian lao động của người khác. [50]

Tại sao một mặt hàng đặc biệt có một giá trị trao đổi đặc biệt? Tại sao cho phép người sở hữu chủ mua hoặc đặt hàng một số lượng nào đó về thời gian lao động của người khác (hoặc trực tiếp khi thuê dịch vụ hay lao động tiền lương; hoặc gián tiếp, khi đòi hỏi thời giờ cho sản xuất một loại hàng mơ ước)? Một câu trả lời khả dĩ – mà cũng là câu trả lời của Marx – như sau: bởi vì mặt hàng này tự nó biểu hiện (đòi hỏi để được sản xuất) cùng một số lượng thời gian lao động khi được đặt hàng. Nhưng đó không phải là điểm mà Smith nói. Trong suy nghĩ của Smith, lao động thể hiện trong hàng hoá chỉ bằng với lao động đặt mua mặt hàng này khi người sản xuất chính là người làm chủ phương tiện sản xuất, có nghĩa là, sản xuất có trước chiếm hữu đất đai và tích lũy tư bản, nếu nói theo phương diện lịch sử. Chỉ khi nào chúng ta suy đoán “tình trạng nguyên thủy của các sự vật tiếp tục, chúng ta có thể hình dung một xã hội mà „toàn bộ sản xuất lao động thuộc về giới lao động” và “các hàng hoá sản xuất do các số lượng lao động tương đương trao đổi một cách tự nhiên”.[51] Nhưng việc này xãy ra trong các xã hội dân sự, đất đai trở thành của sở hữu tư nhân và phương tiện sản xuất nằm trong tay của chủ tư bản, điền chủ và nhà tư bản đòi hỏi chia phần trong sản xuất và giá hàng phải tăng. Nói một cách khác, hàng hoá bán ra không phải chỉ có một mục tiêu duy nhất là đem lại thu nhập cho người lao động mà còn trả cho doanh lợi và điạ tô. Sở hữu chủ hàng hoá phải mua hàng hoặc đặt nhiều lao động hơn các mặt hàng thể hiện.

Như Marx trình bày, quan điểm này bao hàm sự lầm lẫn giữa giá trị và phân phối, hoặc là hàng hóa khi bán, cần nhiều lao động hơn nó thể hiện, hoặc là người lao động nhận toàn bộ sản xuất hoặc phải chia phần với điền chủ (điạ tô) hoặc chia phần với chủ tư bản (doanh lợi). “Thực ra, phân phối hoặc chiếm hữu giá trị không phải là nguồn của giá trị… Nếu không có sự chiếm hữu như vậy và công nhân nhận lương cho toàn bộ công trình sản xuất của mình, giá trị của hàng sản xuất không thay đổi, dù giá trị này không được chia cho điền chủ hay nhà tư bản”.[52] Hơn nữa, Marx nghĩ rằng giải thích doanh lợi chính là do giá bán cao hơn giá trị hoặc là do lừa đảo, ý tưởng này là ngây thơ. Ý tưởng này nhằm giải thích những doanh lợi đặc biệt, nhưng nếu tất cả mọi sở hữu chủ hàng hoá thưòng lừa đảo lẫn nhau, thì không ai có thể tạo doanh lợi theo kiểu này. Theo Marx, Smith sai lầm khi cố giải thích doanh lợi bằng cách phân thích sư trao đổi hay giao lưu hàng hoá, nhưng ông có lý – và hy vọng lý thuyết thặng dư của ông – khi ông mô tả doanh lợi như là phần trích xuất từ giá trị sản xuất của công nhân.[53]

Dù Smith có lầm, lý do của sai lầm này có thể hiểu được. Smith muốn lập luận là doanh lợi với hai lý do – một mặt, những sở hữu chủ tư bản có thể đòi hỏi chia phần sản xuất, mặt khác họ muốn gây ảnh hưởng thị trường. Nói một các khác, doanh lợi có hai chức năng vửa tiền lương vừa giá cả. Không có lý do gì để tin là Smith sai lầm trong quan điểm này.

“Trong tinh trạng nguyên thủy của sự vật trước khi có chiếm hữu đất đai hay tích lũy tư bản, toàn thể sản xuất lao động thuộc về công nhân. Công nhân không chia phần cho điền chủ và người chủ. [54] Trong những xã hội dân sự, thành quả lao động phải được phân chia bởi vì công nhân không còn làm chủ phương tiện sản xuất. Điền chủ và nhà tư bản chỉ đầu tư vào sản xuất khi nào ho kỳ vọng rằng có được chia phần trong sản xuất. Họ có thể được hưởng bao nhiêu trong toàn bộ sản xuất này không tùy thuộc vào họ có đóng góp vào trong phần lao động có hiệu qủa kinh tế hay không, ngay cả khi ít hơn trong tổng số của lao động. Doanh lợi „không tương ứng đối với số lượng, cực nhọc, hoặc mưu trí của loại lao động được suy đoán là bỏ ra để giám sát và điều khiển“.[55] Điều này càng hiển nhiên hơn trong trường hợp của địa tô. “Khi đất đai ở bất cứ nước nào trở thành thuộc quyền tư hữu, thì điền chủ, cũng giống như bất cứ người nào khác, họ chỉ muốn thu hoạch nơi mà họ không hề gieo, đòi hỏi địa tô đối với những sản xuất tự nhiên.[56]

Doanh lợi và tiền lương có khuynh hướng đi theo tỷ lệ nghịch: doanh lợi cao luôn nhờ vì có lương thấp, và ngược lại. “Lương cao cho lao động và doanh lợi cho chủ tư bản là… hai chuyện hiếm khi… đi liền nhau”.[57] Số lượng chính xác của mỗi yếu tố này tùy thuộc vào điều kiện hợp đồng mà mỗi bên có quyền lợi đối nghịch nhau (một bên thắng thì có một bên thua) và quyền lực mổi bên không bình đẳng. Khi số lượng người chủ càng ít, họ càng tự tin và có nhiều ảnh hưởng trong chính trị, thì họ tất phải thắng thế hơn đối với công nhân. Họ thấy điều này khi luật cấm công nhân kết hợp, trong khi tự chính họ lại luôn luôn cấu kết trá hình nhưng bền bỉ và đồng nhất không tăng lương cho công nhân trên mức lương thực sự của họ. [58]

Tăng lương trên mức tối thiểu đòi hỏi phải tái sản xuất của giới lao động, việc này tùy thuộc các lực lượng của thị trường. Khi chủ tư bản chạy tìm doanh lợi dùng càng nhiều tư bản đầu tư, nhưng cạnh tranh lẫn nhau gây khuynh hướng tăng lương, giảm giá bán và giảm doanh lợi.[59] Dù chủ đầu tư kỳ vọng doanh thu tương ứng với mức đầu tư của mình, nhưng một hê thống cạnh tranh năng động có khuynh hướng xoá tan những kỳ vọng này. Tuy thế, nền kinh tế thịnh vượng và mở rộng là quyền lợi của đa số (công nhân và người tiêu thụ) nhưng không phải là quyền lợi của thương giới và các nhà chế biến.[60] Đó là lý do tại sao các phe nhóm này bằng mọi phương tiện cố tránh cạnh tranh và làm đảo ngược sự vận hành tự nhiên của thị trường: “Những người trong cùng một loai doanh nghiêp ít khi gặp nhau, kể cả cho việc ca ngợi nhau và đánh lạc hướng nhau, nhưng khi có luận đàm họ thường kết thúc bằng âm mưu chống lại công chúng, hoặc trù liệu chuyện tăng giá.“ [61]

Dĩ nhiên, những chính sách hạn chế của chủ tư bản không tùy thuộc vào trường hợp nhân qủa. Như đã đề cập ở trên, những quyền lợi của họ được tìm thấy trong luật pháp và chính sách, thí dụ như luật huấn nghệ [62], luật gia sản [63], các biện pháp hổ trợ cho thị dân khi thương thảo với thôn dân [64], mánh khoé trong ngoại thương, phiêu lưu thuộc địa và gây chiến tranh [65] – điều mà Smith coi là cực kỳ tác hại cho nền kinh tế quốc gia, bởi vì họ có khuynh hướng loại bỏ cạnh tranh và tăng giá cũng như tăng doanh lợi trên mức thích hợp. [66]

Tại sao Smith nghĩ rằng doanh lợi không chỉ có chức năng tiền lương mà còn có chức năng giá cả, điều này đã được minh chứng quá nhiều. Tương phản với hệ thống trọng thương, hệ thống tự do tự nhiên của Smith không còn cổ vũ quyền lợi của thương giới và nhà sản xuất: mọi người khi họ không vi phạm về luật công bình thì họ có hoàn toàn tự do để theo đuổi quyền lợi riêng theo cách của mình, và mang quyền lợi của mình vào kinh tế công nghiêp và tư bản để cạnh tranh với người khác [67]. Smith không hề đề xuất rằng hệ thống này cho phép bất cứ người nào chiếm hữu hàng hoá bằng phương tiện lao động của riêng mình hoặc là do trao đổi tương ứng. Các chủ sở hữu đất đai và tư bản sẽ chia phần trong sản xuất, không bởi vì bất cư lao động nào của họ nhưng vì họ có quyền đòi hỏi việc này. Doanh lợi cũng còn có chức năng tiền lương – nhưng không còn chức năng giá cả -. Giá cả có khuynh hướng thấp và lương tương đối cao. Chính thế mà “hệ thông tự do tự nhiên” được biện minh dựa trên lập luận hữu dụng: nó nhằm phục vụ quyền lợi tốt đẹp nhất cho đại đa số quần chúng. [68]

Khởi đầu tiểu luận này tôi đặt vấn đề là Marx có giải thích trung thực các kinh điển của khoa kinh tế chính trị học không. Đến đây thì ta đã rõ là quan điểm của Marx về Smith không phải là kết quả của một sự phân tích cẩn trọng về tư tưởng của Smith trong bối cảnh lịch sử và hệ thống. Marx đã xem Smith là “đại biểu khoa học của giai cấp tư sản”, mà lý thuyết này thực ra không liên hệ gỉ đến lịch sử mà chỉ biện hộ, mặc dù – như đã minh chứng – đặc điểm lịch sử và phê phán của công trình Smith rất hiển nhiên. Dù những gì Marx nói, Smith không bị đánh lừa bởi bất cứ những biểu hiện công lý trong xã hội dân sự. Lý thuyết của Smith, dù mơ hồ và sai lầm trong một vài khía cạnh, nhưng không hàm chứa những mâu thuẫn căn bản như Marx đề ra.

Trong tầm mức rộng lớn hơn, nhận xét của Marx về Smith là một kết cấu đòi hỏi do phưong pháp và những tiền đề của phê phán về khoa kinh tế chính trị học. “Trong biên niên sử kinh tế chính trị học, thời vàng son thanh bình ngự tri từ thuở xa xưa. Trong bất cứ thời nào thì quyền lợi luật đinh và “lao động“ cũng là phương tiện duy nhất đem lại thịnh vượng…”[69] Khẳng định này thiếu tính thực tại trong kinh tế chính trị học của Smith, nhưng thể hiện được là tiền đề thích hợp cho lý thuyết của chủ nghĩa tư bản và được suy đoán là cùng lúc lại phê phán ý thức tư sản.

 

Karl Graf Ballestrem

Dịch: Đỗ Kim Thêm

Via Dân Luận

Edit: THĐP


[1] Jürgen Kuczynski, Geschichte der Lage der Arbeiter unter dem Kapitalismus, vol. 26, East Berlin, 1965. A.V. Anikin, Junost´nauki, Mosva, 1971.
[2] Robert L. Heilbronner, The Wordly Philosophers, third ed., New York 1969, pp. 140ff. Mark Blaug, Economic Theory in Restropect, Homewood, 1962, German ed. München, 1972, vol. 2, pp. 145ff.
[3] Ronald Meek, Marx´s Economic Method, in Economics and Ideology, London, 1967, pp. 93-112.
[4] Karl Graf Ballstrem, Die schottische Äufklärung, München, Oldenbourg.
[5] Andrew Skinner, “Economic and History: The Scottsh Entlightement“, in Scottisch Journal of Political Economy, 12, 1965; H. R. Trevor-Roper, “The Scottish Enlightment”, in Studies on Voltaire and the 18th Century, vol. 58, Geneva, 1967, pp. 1635 ff.
[6] William Roberston, Collected Works, ed. Dugald Steward, 1809, vol. 5, p.111.
[7] Ronald Meek, „The Scottish Contribution to Marxist Sociology“, in Economics and Ideology, London, 1967, pp. 34-50, esp, .48.
[8] Marx, Karl, Friedrich Engels, 1961, Werke, Dietz Verlag, Berlin, 23,p. 218.
[9] FN 8, P. 5, 84.
[10] FN 8, 23,p, p. 95.
[11] FN 8, 4, p. 126.
[12] Marx Karl, Grundrisse der Kritik der Politischen Ökonomie, Dietz Verlag, Berlin, p. 6.
[13] FN 8, 4.p. 142.
[14] FN 12, p. 917.
[15] FN 8, 23, p.19.
[16] FN 8, 4, p.142.
[17] FN 12, p. 5.
[18] Smith Adam, 1976, Wealth of Nations, Clarendons Press, Oxford, I, 6, p. 65.
[19] Smith Adam, 1978 Lectures in Jurisprudence, Clarendon Press, Oxford, p. 40.
[20] FN 18, I, p. 157.
[21] A.W. Coast (ed.), The Classical Economists and Economic Policy, London, 1971. Smith Adam, FN 18, III, p. 418.
[22] FN 18, I, Cp. 11. p. 267.
[23] FN 8, 13, pp.7ff.
[24] FN 8, 23, p. 27.
[25] FN 8, 23, pp. 12, 26.
[26] FN 8, 23, p. 564.
[27] FN 8, 13, p.15.
[28] FN 8, 23, p.189.
[29] FN 8, 25, p.33.
[30] FN 8, 23, p.190.
[31] FN 8, 23, p.257, 259.
[32] FN 8, 34, p.235.
[33] FN 8, 26. p.230.
[34] FN 8, 31, p.132.
[35] FN 8, 32, p.532.
[36] FN 12, p.903.
[37] FN 12, p.903.
[38] FN 12 p.904.
[39] FN 8, 85, p. 89.
[40] FN 12, p. 409; FN 8, 23, pp. 161-191.
[41] FN 2, 26. 2. p. 56.
[42] FN 12 p. 54.
[43] FN 12, p. 56, 42.
[44] FN 12, p. 504.
[45] FN 8, 26, 1, p. 43.
[46] FN 12, 14, p. 44
[47] FN 12 26. 1 p. 59.
[48] FN 12 23 p. 59.
[49] FN 18 I, p. 5, 47.
[50] FN 18 I p. 51.
[51] FN 18 I, 8, p. 52.
[52] FN 12. 26. 1, p. 65.
[53] FN 12, 26. 1, p.50.
[54] FN 18 I 3,p. 82.
[55] FN 18 I 3, p. 82.
[56] FN 18 I 6, p. 67.
[57] FN 18 I 9, p. 109.
[58] FN 18 I 8 p. 84.
[59] FN 18 I 9 p.105.
[60] FN 18 I 11,p. 266.
[61] FN 18 I, 10, p. 145.
[62] FN 18 I 10, p. 135.
[63] FN 18 I 10, p.151.
[64] FN 18 I 10, p. 141, 376.
[65] FN 18 IV 7 p. 556.
[66] FN 18 I, 10, p. 132.
[67] FN 18 IV, 9, p. 867.
[68] FN 18 IV, 7, p. 630.
[69] FN 12 2, p. 230.

Ai khiến mày “lạ” giữa đám đông?

Featured Image: Christoph

 

Mấy ngày qua, bài toán lớp 2: “Trên tàu có 45 con cừu. 5 con bị rơi xuống nước. Hỏi ông thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?” Thu hút đông đảo ý kiến tranh luận.

Trước hết, khỏi cần nói ai cũng biết bài toán này rất “lạ”. Lạ bởi trước đến giờ chưa có bài toán nào như thế. Với phụ huynh, giáo viên, học sinh từ trước đến nay chỉ chăm chăm theo một lối đi nên việc bị “sốc” trước những cái lạ như thế này như một lẽ hiển nhiên.

Và sau “sốc” là “sợ”

Chúng ta đang sợ những “cái lạ”, chúng ta đang quá quen với một cách giáo dục êm đềm từ bao đời nay. Nên khi thấy một cách giáo dục mới thì sợ con cháu mình “hư”. Bởi thế nên, bao lần cải cách giáo dục vẫn chưa một lần “dám đột phá” đưa ra những “cải cách lạ”. Và chất lượng giáo dục đến nay thì ai cũng đã rõ.

Chúng ta đang được giáo dục rằng mọi thứ lạ thường rất xấu và nên tránh xa ra, hoặc cất giấu đi chứ đừng nên phơi bày. Thầy cô, cha mẹ từ trước đến nay vẫn luôn đặt tình yêu thương lên trên hết, trước một “cái lạ” thì sợ học sinh, con cái mình theo không kịp nên ra sức phản đối, không cho tiếp cận.

Bao năm nay học sinh luôn sống và học tập trong trong một công thức chung: “Chăm chăm theo một dạng bài tập, theo cùng một lối suy nghĩ, và chớ có suy nghĩ khác.” Và như thế, những năm đi học thói quen khám phá “cái lạ” bỗng dưng biến khỏi suy nghĩ của những học sinh. Thay vào đó là thói quen thấy cái lạ thì tránh.

Gần đây có một bài báo khác viết rằng, ở Việt Nam trẻ em có tuổi thơ kéo dài nhất thế giới. Trong vô vàn lý do, tôi nghĩ lý do chính là con cái trong gia đình Việt đang được chỉ bảo trở thành “con nhà lành”. Tức là: Đến trường học theo y như sách, y như thầy cô dạy, toán cứ phải như thế này mà giải, văn cứ thế này mà viết. Ai mà đi “chệch quan điểm” là nhận ngay điểm xấu.

Về nhà học theo những gì cha mẹ chỉ bảo. Thậm chí gần đây, ngay cả lúc con đi chơi cha mẹ cũng chỉ nên chơi như thế này, chơi thế kia là thua đấy. “Con nhà lành” là răm rắp nghe theo, làm theo như một cỗ máy. Nếu nghĩ khác, làm khác tức là “mày lạ” và mày sai. Cần chẩn chỉnh ngay.

Trước đến nay chúng ta đang được giáo dục tránh xa những cái lạ. Bởi quan điểm cái gì lạ là… nguy hiểm. Chúng ta bao bọc những đứa trẻ trong tình yêu thương vượt quá giới hạn. Luôn tạo cho con môt “dải an toàn” mà không tính chuyện sau này, khi ra ngoài cuộc sống sẽ có những chuyện “lạ” mà sách vở không hề dạy.

Tôi chỉ muốn nói rằng, cách giáo dục ấy đã làm mất đi sự tự chủ, tính độc lập trong suy nghĩ của những đứa trẻ. Cách giáo dục tránh xa những “bài toán lạ” như trên đang “nhào nặn” ra những đứa trẻ giống nhau về suy nghĩ. Và lớn lên, khi đã trở thành người trưởng thành những đứa trẻ được bao bọc ấy chỉ biết làm theo, nghe theo người khác, răm rắp như một chiếc khuôn định sẵn.

À nhắc tới “cái lạ” tôi chợt nhớ đến ca sĩ Lệ Rơi – một cái tên đang đình đám trên mạng. Tôi chỉ nghĩ, Lệ Rơi bỗng dưng nổi tiếng bởi anh biết phát huy “cái lạ” của mình. Đơn giản anh chỉ hát những gì anh thích và không rập khuôn theo một tiêu chí để nổi tiếng nào của nhiều người trẻ hiện nay: Quỳ lạy xin vào vòng trong, chụp ảnh khoe thân…

Được biết, anh ca sĩ Lệ Rơi chỉ học hết lớp 3. Tôi cảm thấy anh thật “may mắn” hơn nhiều người học cao mà cứ làm như một chiếc máy biết nói!

 

Đức Lộc

 

Vài lời cùng bình luận viên bóng đá

Featured Image: Generali Group Head Office Trieste

 

Lại một mùa World Cup đã đi hết một nửa chặng đường, bên cạnh nỗi háo hức mong chờ những trận cầu đẹp, nhìn thần tượng tung hoành trên sân hay chứng kiến những giọt nước mắt vui sướng hay đau buồn của cầu thủ, của cổ động viên, 4 năm qua tôi vẫn luôn mong chờ những giây phút sống trong không khí bóng đá như thế này. Tất nhiên bên cạnh đó vẫn là nỗi niềm muôn thuở đối với các Bình Luận Viên (BLV) bóng đá VTV.

Hai năm trước, mùa Euro 2012, tôi đã dành rất nhiều thời gian để phản đối, để bài tỏ nỗi bức xúc của mình, tham gia vào một diễn đàn trên facebook để phân tích những lời hớ hênh, những câu vô nghĩa của BLV Tạ Biên Cương, tất nhiên tôi cũng mong VTV chịu khó lắng nghe và có chút gì đó thông cảm cho dân đen chúng tôi mà thay đổi ít nhiều, nhưng 2 năm trôi qua, World Cup lại đến và họ vẫn y như vậy nên tôi viết bài này coi như một lời chào và xin… không hẹn gặp lại các anh.

Đứng dưới góc nhìn của VTV mà nói, các vị cho rằng các vị đã bỏ ra rất nhiều tiền để mua bản quyền World Cup từ Brazil xa xôi cho khán giả có cơ hội xem đầy đủ, các vị còn cho nhiều đội phóng viên xông pha qua tận Brazil để lấy tin, các vị cũng nghĩ ra đầy chương trình nào đồng hành, nào bình luận trước, giữa và sau trận đấu, nào mời các danh hài, nhà báo, huấn luyện viên, cả ca sỹ và chân dài để cho chương trình thêm phong phú. Các vị nghĩ mình đã làm rất tốt, khán giả thay vì tận thưởng thì lại kêu ca, thật không công bằng cho các vị.

Nhìn từ một góc độ khác thì thấy rằng các vị bỏ ra quá nhiều để nhận được phản ứng không thật hài lòng của người xem chẳng phải do trong đó có vấn đề?! Chẳng phải các vị cũng cần xem lại mình để xem lý do tại sao như vậy?

Với tôi mà nói, điều tôi trông chờ nhất tất nhiên là trong trận đấu, lúc xem thì xem diễn biến của trận đấu còn tiểu sử cầu thủ, ba anh ta, mẹ anh ta, bạn gái anh ta v.v thì hậu xét, đọc trên mạng đầy thông tin thì cần các anh cung cấp vào lúc “dầu sôi lửa bỏng” đó để làm gì? Các anh có nhớ bao nhiêu lần các anh vì chú tâm vào những thông tin bên lề mà các đường tấn công hay các tình huống hay của trận đấu trôi tuột đi trong khi các anh cứ mãi mê với tin tức tận đâu đâu. Thử hỏi, các anh dựng lên nào bình luận trước, giữa hay sau trận đấu, các buổi nói chuyện với chuyên gia hay bài viết về tương quan giữa hai đội để làm gì trong khi đến trận đấu chính thì các anh lại toàn lo những chuyện bên lề và “thỉnh thoảng” mới quay lại diễn biến của trận đấu và thường bị trễ đi vài nhịp?

Có thể sự cung cấp thông tin bên lề đó đối với các anh là cung cấp thêm kiến thức cho khán giả nhưng xin cảm ơn anh, những người chịu thức gần như cả đêm suốt cả tháng trời thì những kiến thức xung quanh chẳng lẽ họ không biết, còn những người không quan tâm đến bóng đá nhiều thì chắc không cần biết nên những thông tin các anh đã dày công sưu tầm có vẻ hơi… dư đối với tôi, tôi chẳng hiểu các anh muốn khoe kiến thức thì trước, sau và giữa trận đấu vẫn chưa đủ cho các anh, cứ nhất thiết đang lúc người ta say sưa theo dõi trận đấu mà thêm vào mới vừa lòng?

Với tôi mà nói đó là sự “tra tấn” hơi bị mệt vì bị “chia não” ra 2 phần. Trong khi mắt dán vào màn hình, tim đập thình thịch theo trái bóng thì tai lại phải nghe thứ đại khái như bạn gái của cầu thủ này là hoa hậu năm bao nhiêu, ba, mẹ của cầu thủ kia làm nghề gì? Cầu thủ nọ bao nhiêu tuổi, đá cho đội nào, năm qua anh ta ghi bao nhiêu bàn, huấn luyện viên này từng huấn luyện cho đội A,B,C hay 10 năm trước hai đội đã gặp nhau và trong 10 năm đó thì mỗi đội đã đá với bao nhiêu đội bóng khác…cơ man nào là thông tin trớt quớt so với diễn biến của trận đấu. Sự trớt quớt này chỉ có thể so sánh như là nấu canh chua mà nêm với dấm và chấm với xì dầu vậy. Nản vô cùng.

Thôi thì kể khổ với các anh vậy thôi, bản thân tôi chẳng dám mong vì tôi mà các anh thay đổi, hội của chúng tôi với vài ngàn người la làng suốt 2 năm qua mà có si nhê gì đâu, hết mong và hết thuốc chữa rồi. Vậy nên, tôi chính thức giả biệt các anh, sau này xem SopCast thôi chứ thật tình là mệt lỗ tai lắm rồi, cũng chẳng buồn nói nữa.

Tôi thì chẳng thể giã từ trái bóng nhưng nhờ các anh độc quyền ngày chủ nhật sôi động và các giải quốc tế quan trọng nên tình yêu đó cũng bớt đi một chút, nhờ vậy mà được ngủ nhiều hơn, vì sức khỏe của mình tôi cảm ơn các anh! Chào thân ái.

 

Phoenix

Sức khỏe

Featured Image: Alexandre Huang

 

Người ta thường nói: Nhan sắc, danh vọng, tiền tài… rồi cũng chỉ là hư vô. Chỉ có tình yêu còn ở lại. Rồi tất cả cũng sẽ tàn phai theo tháng năm…
Đúng. Nhưng, sức khỏe mới là thứ ta luôn cần cho hiện tại.

Không có sức khỏe, ta chẳng làm được gì cho ra hồn. Đầu óc thiếu minh mẫn, sức lực không có độ dẻo dai, làm gì cũng chóng mệt, dễ lười biếng, dễ nản.

Để có sức khỏe tốt, chúng ta phải ăn uống đủ dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh, có một lối sống lành mạnh và tập luyện thể thao thường xuyên. Tiếc thay, chúng ta đang mắc kẹt trong thế giới mà độ an toàn thực phẩm phụ thuộc vào lương tâm của những người đang khai thác nguồn hàng bẩn để kiếm lợi còn trong sáng tới đâu. Nguyên nhân của hàng loạt bệnh nan y phát sinh nhiều gấp nhiều lần trong thời hiện đại này so với thời kinh tế đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu có lẽ một phần cũng từ tất cả những thực phẩm không đủ an toàn mà hàng ngày chúng ta vẫn phải nạp vào cho cơ thể.

Bao giờ thì chúng ta hoàn toàn yên tâm vào các nhãn, mác hàng hóa thương hiệu Việt là thật, các hạn sử dụng được in rõ ràng, không bị dán chồng lên date cũ?

Trong khi chờ đợi ngày đó sẽ đến, thì chúng ta vẫn phải sử dụng mỗi ngày, vì thế chúng ta cũng phải tự bảo vệ bản thân và gia đình mình theo cách riêng của mình. Mua hàng hóa của những thương hiệu uy tín, mua hàng ở những cửa hàng, quầy hàng quen, uy tín. Không nên ăn nhiều và thường xuyên chỉ ở một vài loại thực phẩm, mà luân phiên ăn đủ chủng loại, số lượng vừa đủ. Tăng lượng rau xanh, trái cây, giảm đạm, nhất là giảm thịt.

Ngâm rau, trái cây trước khi rửa. Rửa kỹ bằng nước muối hoặc nước rửa trái cây chuyên dụng với những loại rau, trái ăn sống. Tốt nhất gọt bỏ vỏ trái cây. Nếu có điều kiện, bạn nên mua các loại thực phẩm hữu cơ, nuôi trồng tự nhiên, không bón phân hóa học, nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Mua các loại thực phẩm tươi sống để đảm bảo không bị sử dụng chất bảo quản có tỷ lệ / nồng độ những hóa chất độc hại quá mức cho phép. Mùa nào thức ấy, mua rau, trái địa phương theo mùa vừa sẵn, vừa rẻ.

Lối sống lành mạnh là sinh hoạt điều độ, ăn, ngủ vừa đủ với nhu cầu và sức tiêu hao năng lượng, tái tạo năng lượng của bản thân. Uống nước vừa đủ, không thức quá khuya, không hút thuốc lá, bia rượu quá đà. Trẻ em nhất thiết phải ngủ nhiều hơn, ngủ trên 8 giờ mỗi ngày và ngủ trước 11 giờ để phát triển chiều cao vì hệ xương phát triển trong lúc ngủ. Trẻ em cũng cần ăn nhiều rau, trái cây để dễ hấp thụ dinh dưỡng và đảm bảo cơ chế tiêu hóa tốt. Hạn chế bánh kẹo, nước ngọt có gas tối đa, thay bằng các loại trái cây có đường tự nhiên.

Trong khi chúng ta chỉ có thể hạn chế được phần nào những nguy cơ tiềm ẩn từ thực phẩm vì chúng ta không chủ động được nguồn thực phẩm an toàn, thì rất may chúng ta còn một biện pháp vô cùng hữu hiệu là luyện tập thể thao.

Chơi một môn thể thao phù hợp với thể chất của bạn, duy trì thường xuyên hàng ngày là cách tốt nhất để bạn giữ được một cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai, phòng ngừa được bệnh tật xâm nhập. Chưa kể một lợi ích khác của thể thao là rèn luyện tính chịu đựng, chịu đau, sự kiên nhẫn, điềm tĩnh và một vài môn còn có tác dụng rèn trí não rất tốt.

Người Việt mình, còn một thiệt thòi do hệ thống giao thông công cộng hầu như không phát triển, nên đa số người người ra đường bằng xe máy cá nhân. Xe máy đưa ta bon bon từ nhà, tới sở làm, tới chợ, tới hang cùng ngõ hẻm, chẳng biết đi bộ là gì. Còn đâu cơ hội luyện tập khả năng đi bộ giữ gìn sức khỏe. Bình thường chẳng thấy gì, cho đi du lịch đi bộ chừng vài tiếng đồng hồ liên tục là biết ngay: Thở ra đằng tai, rệu rã, người đi đằng người, chân đi đằng chân…

Tại ai, trách ai… cũng chẳng làm được gì, chẳng thay đổi được gì. Chúng ta hãy tự cứu mình, tự giữ cho bản thân và các thành viên gia đình có một sức khỏe tốt nhất có thể trong khả năng, đấy cũng là cách tốt nhất chúng ta kéo dài cuộc sống và rất thiết thực cho chính ta và những người yêu dấu của mình.

Khi ra nước ngoài, nhìn những người cao tuổi vẫn sử dụng các phương tiện giao thông công cộng đi lại hàng ngày rất bình thường, thì cũng các cụ nước mình ở vào độ tuổi ấy, con cháu không muốn mà ngay cả bản thân các cụ cũng ngại ra đường, nếu không có con cháu chở đi hoặc đi cùng. Phần vì giao thông không an toàn, phần vì các cụ cũng không đủ tự tin về sức khoẻ, tự tin về cách xử lý nếu có sự cố. Và điều quan trọng nhất làm người cao tuổi của chúng ta già nua, phụ thuộc hơn người cao tuổi ở các nước phát triển là, cả xã hội mặc định là người cao tuổi là phải có con cháu phục vụ, ngoài lý do thiếu an toàn thì lý do chính là sức khoẻ của bản thân người cao tuổi không cho phép họ tự tin, tự chủ làm điều họ muốn. Theo quan điểm riêng của cá nhân tôi, cách nhìn của tôi là như thế.

Từ khá lâu rồi, tôi bắt đầu manh nha cho sự độc lập của mình khi ở tuổi già khi chứng kiến những điều người cao tuổi ở những nước phát triển đã và đang làm được cho mình ngay cả khi không còn làm việc. Mong ước chừng nào còn làm được thì mình sẽ tự tay làm tất cả những điều mình muốn, kể cả tự lái xe, sử dụng phương tiện công cộng, nấu ăn, làm bánh, chụp hình, viết lách, chia sẻ kinh nghiệm… cho đến khi không nhúc nhích gì được nữa. Khi ấy thì con cháu muốn khiêng đi đâu thì khiêng J.

Bởi vậy, kể từ lúc ngộ ra điều đó tới bây giờ, ngoài những việc phải làm cho hiện tại, tôi không quên nhiệm vụ cho “trường đoạn cuối” từ việc tích luỹ một tài khoản để có thể sống đủ cho các nhu cầu tuổi già, cho đến duy trì tập luyện ít nhất một môn thể thao thường xuyên (xin tiến cử một môn rất hợp với lứa tuổi trung niên trở lên là yoga), đều đặn mỗi ngày để giữ gìn thể lực, đảm bảo cơ thể luôn khỏe mạnh, dẻo dai, có sức đề kháng tốt.

Bạn đã tập thể dục thể thao chưa, hãy bắt đầu và duy trì thường xuyên nhé.

 

Julia Le