25 C
Nha Trang
Thứ sáu, 1 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 209

Lặng im, những ngôi sao

Featured Image: Vincent van Gogh

 

Từ nhỏ đến giờ, Bach luôn là một nhà soạn nhạc có tầm ảnh hưởng lớn đến tôi, cả trong âm nhạc cũng như cuộc sống.  Âm nhạc của ông gieo những hạt giống tốt lành vào những năm tháng tuổi thơ tôi, để nó nảy mầm và vươn cao đến ngày hôm nay.  Tôi luôn tìm thấy sự đồng cảm và thấu hiểu sâu sắc trong âm nhạc của Bach, cùng với vẻ đẹp trường tồn, vẹn nguyên qua bao năm tháng.  Một vẻ đẹp lúc giản dị, tươi sáng, lúc hùng vĩ, choáng ngợp.

Lịch sử nhạc cổ điển ghi nhận Bach (1685 – 1750) như là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của thời kỳ Baroque ( 1600 – 1750)  và của dòng nhạc này, với khối lượng tác phẩm khổng lồ và đa dạng.  Thật khó để chọn ra những tác phẩm mà tôi yêu thích nhất. Nên có lẽ tôi sẽ chọn một số tác phẩm mà trong thời gian gần đây tôi nghe nhiều nhất.

Cello suites

Cello suites (Sáu tổ khúc dành cho cello , không có nhạc cụ đệm ) được coi như một trong những tác phẩm được biết đến nhiều nhất khi nói đến âm nhạc của Bach, cũng như khi nói đến những tác phẩm viết cho cello. 6 tổ khúc này cũng được chuyển soạn cho nhiều nhạc cụ khác: Violin, viola, contrabass, piano, guitar, sáo, basson, saxophone, trumpet,..

Trong sáu tổ khúc viết cho cello này thì Prelude của tổ khúc số 1 giọng Son trưởng, BMW 1007 được biết đến và thể hiện nhiều hơn tất thảy. Đối với tôi, Prelude của tổ khúc số 1 luôn đem tới một cảm giác hào hứng đặc biệt. Tuy nhiên tôi vẫn luôn thích việc thưởng thức trọn vẹn 6 tổ khúc hơn là chỉ thích một bản riêng lẻ.

Trong mấy tháng gần đây, cứ trưa nào cũng vậy, giai điệu của Cello suites luôn vang lên trong căn phòng tôi.  Hơn hai tiếng nghe là quá đủ để tĩnh tâm, có thể chìm vào giấc ngủ hoặc để âm nhạc dẫn đường cho trí tưởng tượng.

Cello suites trao cho tôi những giấc mơ trong vắt như pha lê, những ngày tươi sáng , những đêm êm mượt như nhung và lớp rêu phong của thời gian.

Prelude in A minor – BWV 569

Sinh thời Bach được ghi nhận như một nhạc công organ xuất chúng ở khắp châu Âu, cũng như một nhà soạn nhạc vĩ đại cho nhạc cụ này, với khối lượng tác phẩm đa dạng và giàu tính sáng tạo.

Prelude in A minor được Bach viết cho organ (solo).  Như nhiều tác phẩm khác của ông viết cho nhạc cụ này, Prelude in A minor khiến tôi lặng đi trước những cơn sóng âm thanh trào dâng, đồ sộ, hoành tráng và thiết tha đến nao lòng.

https://www.youtube.com/watch?v=jpxM3IFlATA

Harpsichord Concerto No 1 in D Minor – BWV 1052

Harpsichord Concerto No 1 được viết cho harpsichord (solo) và nhạc cụ dây (violin, viola, cello, violone). Harpsichord vốn là một nhạc cụ giữ vai trò quan trọng trong thời kì Baroque và trong âm nhạc Bach. Với tôi, nhạc cụ này luôn khiến tôi thích thú bởi âm thanh tuy không có độ mạnh nhẹ nhưng vẫn rất giàu sức biểu cảm.

Kết

Những gì tôi viết ở trên là quá ít, quá nhiều thiếu sót khi nói đến di sản mà Bach để lại cho hậu thế. Những tác phẩm của ông đọng mãi trong tâm trí tôi như những ngôi sao sáng tỏ lấp lánh trên trời cao. Lặng im, những ngôi sao. Lặng im và bất tử.

 

Cánh Đồng Âm Nhạc

Một số nhầm lẫn của Marx

Featured Image: f2b1610

 

Marx là một triết gia lớn, được nhiều người đánh giá rất thông minh, có đạo đức tốt, rất yêu mến giai cấp vô sản, suốt đời phấn đấu cho tự do và giải phóng vô sản. Marx là con người tuyệt vời được hàng tỷ người ngưỡng mộ. Những kết luận do Marx đưa ra đã trở thành lý luận cách mạng của nhiều đảng cộng sản và những đồ đệ của Marx cho rằng đó là những điều duy nhất đúng, còn cái gì ngược lại là sai, là phản động. Hàng tỷ người, trong đó có nhiều người thông minh, ưu tú, trong thời gian dài đã tin vào điều đó, ca ngợi điều đó.

Người ta tin, rất tin vào Marx vì động cơ rất tốt đẹp của ông, vì sự chứng minh, sự suy luận có hình thức bên ngoài chặt chẽ, vì lý thuyết của Marx phù hợp với lòng mong ước của số đông. Lý thuyết đó đã thắng lợi lớn ở một số nước, nhưng rồi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Trung Quốc đưa ra thuyết ba đại diện mà thực chất là không còn theo Marx một cách tuyệt đối. Tại sao lại như vậy? Phải chăng trong lý thuyết của Marx có cái gì đó không đúng, phải chăng Marx có nhầm lẫn điều gì?

Năm 1922, trong bài giảng về “Chủ nghĩa tam dân”, Tôn Trung Sơn nhận xét như sau: Marx là người rất giỏi và có đạo đức tốt, chỉ tiếc rằng luận thuyết đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội loài người của ông là một sai lầm nghiêm trọng.

Tôi không phải người nghiên cứu triết học và sử học, càng không phải người hoạt động chính trị nên không có những nghiên cứu sâu về Marx. Thời trẻ tôi học và thi các học thuyết của Marx đạt điểm khá cao, rất tin vào các học thuyết đó, nguyện suốt đời phấn đấu theo các học thuyết đó. Lớn lên tôi thấy một số điều trong thực tế cách mạng không giống như lý thuyết, về già tôi ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm thực tế, xem một số tài liệu viết về chủ nghĩa Marx mới cảm nhận thấy Marx có thể đã nhầm một cái gì đó. Tôi chỉ viết ra những cảm nhận để trao đổi với bạn bè chứ không phải công bố một tài liệu nghiên cứu khoa học. Mà đã là cảm nhận thì không cần chứng minh.

Theo tôi Marx đã có nhầm lẫn. Tiếc rằng những nhầm lẫn đó là do lòng tốt của ông tạo ra, nó được ẩn dấu rất kín đáo và ngấm ngầm tạo ra hạt giống độc hại.

Khi tuyên truyền, khi tiếp xúc với chủ nghĩa Marx người ta chỉ chú ý đến, chỉ thấy, chỉ nói về những mặt tốt đẹp của nó mà chưa thấy được hạt giống độc hại còn ẩn dấu rất kín. Chưa thấy được vì quá tin, quá yêu, quá tôn sùng hoặc vì trình độ chưa đủ, chưa có con mắt và trí tuệ thật tinh tường. Những hạt giống này chỉ có thể nẩy mầm khi có điều kiện thuận lợi, đó là khi đảng cộng sản đã chiếm được độc quyền lãnh đạo xã hội và thi hành sự toàn trị. Nếu chưa có điều kiện thuận lợi thì hạt giống đó cứ nằm yên, được giấu kín, nhiều người không thể biết, chỉ có một số rất ít người, nhờ điều kiện khách quan thuận lợi hoặc nhờ có linh tính cao mới biết được (ví dụ như Tôn Trung Sơn, Gandhi, Bertrand Russell, Mandela, v.v.). Khi hạt đã nảy mầm, thành cây, có cành lá, hoa quả thì mọi người mới thấy.

Tôi cũng vừa mới thấy trong thời gian gần đây thôi!

Khi hoa lá tiết ra chất độc làm hủy hoại môi trường người ta mới đi tìm nguyên nhân. Nhưng phần lớn chỉ thấy nguyên nhân ở hoa lá mà không thể, không muốn hoặc không dám tìm đến gốc rễ, đến hạt giống. Người ta đổ lỗi cho môi trường, cho hoàn cảnh mà không dám đụng đến bản chất là hạt giống.

Tôi tạm dừng lại một chút để kể hai câu chuyện.

1 – Chuyện của anh Ngữ, giảng viên của trường Đại học Xây dựng. Ngữ sinh ra khỏe mạnh, thông minh, học giỏi từ phổ thông đến đại học, được giữ lại làm giảng viên. Anh là một giảng viên có nhiều năng lực, được tập thể tin cậy, đánh giá cao và đặt nhiều hy vọng. Anh rất tự tin vào thể trạng và trí tuệ của mình, thường than phiền về người anh ruột hơi bị tâm thần. Thế nhưng, đùng một cái, Ngữ phát bệnh tâm thần, chữa trị một thời gian không khỏi và qua đời. Nhiều người tiếc thương cho một tài năng, đổ lỗi cho môi trường đã gây ra bệnh, họ có biết đâu mầm bệnh đã được nằm sẵn ở gen từ trong bào thai, chẳng qua mấy chục năm trời nó được giấu kín mà thôi, nó chỉ phát bệnh khi đã tích lũy được năng lượng cần thiết, gặp được điều kiện phù hợp.

2 – Chuyện Tề Hoàn Công. Là một ông vua khỏe mạnh, giỏi giang, làm bá chủ, ông rất tự tin vào năng lực, uy tín và sức khỏe của mình. Một hôm Tần Hoãn vào chầu, thưa với Tề Hoàn là vua đang có bệnh. Tần Hoãn là một thầy thuốc nhờ có Tiên giúp mà có khả năng chỉ nhìn người mà biết bệnh. Vua không nghe, tin rằng mình khỏe mạnh, chẳng có bệnh gì. Một thời gian sau Tần Hoãn lại tâu là mầm bệnh đã phát triển, vua vẫn gạt đi vì không những tự tin mà còn tin vào lời tâu của các quan, các thái y trong triều là vua vẫn mạnh khỏe. Sau thời gian nữa Tần hoãn lại nài nỉ xin vua cho chữa bệnh thì bị đuổi đi. Đến khi vua phát bệnh nặng cho tìm Tần Hoãn thì ông đã bỏ trốn. Sau khi bị tìm được, bắt về chữa bệnh thì Tần Hoãn thưa: Ban đầu bệnh của Hoàng thượng mới là mầm mống, có thể uống thuốc để chữa. Tiếp đến, bệnh phát triển vào máu, có thể dùng châm cứu để chữa, nhưng vì không chữa nên để nặng thêm. Đến khi bệnh phát ra da, tuy nặng rồi nhưng trong uống, ngoài xoa vẫn còn có thể chữa. Còn đến bây giờ bệnh đã vào đến tủy thì hạ thần đành chịu bó tay. Tề Hoàn Công và thân tín của ông trong thời gian dài không dám nói là ông có bệnh, chỉ có một người biết và dám nói thì bị đuổi đi.

Mầm bệnh của chủ nghĩa Marx cũng giống như của hai người vừa kể, nó đã tồn tại rất lâu, ngay từ lúc chủ nghĩa mới hình thành, ngay cả lúc chủ nghĩa tỏa hào quang rực rỡ, làm say đắm hàng triệu chiến sỹ cách mạng. Hình như một lúc nào đó Marx cũng cảm nhận được là nếu không khéo thì sau khi cách mạng thành công sẽ phát sinh những bệnh không mong muốn. Nhưng Marx, vì bị lòng tốt và tình cảm với giai cấp vô sản chi phối mà đã tin rằng bệnh có thể được ngăn ngừa. Marx tưởng rằng những người theo học thuyết của ông để làm cách mạng đều có được nhận thức và đạo đức như ông. Nếu quả như thế thì đó là một nhầm lẫn lớn!

Nhiều học thuyết về xã hội, về triết học thường bắt đầu bằng việc đánh giá con người (nhân chi sơ tính bổn thiện hoặc là tính bổn ác). Marx cũng đánh giá: “Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội.” Marx thấy con người của xã hội tư hữu có nhiều đức tính xấu xa, tham lam, ích kỷ, không dung hòa được mâu thuẩn giữa quyền lợi cá nhân và cộng đồng, là cá lớn nuốt cá bé, v.v. Marx thấy giai cấp vô sản không những đáng thương vì bị bóc lột mà còn đáng yêu, đáng tin, đáng kính trọng vì họ đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau, sẵn sàng hy sinh vì quyền lợi giai cấp. Marx bị ảnh hưởng nhiều bởi học thuyết Darwin, cho rằng môi trường, hoàn cảnh có ảnh hưởng quyết định đến sự tiến hóa của muôn loài. Marx tin chắc thói xấu của con người là do tư hữu sinh ra. Khi làm được cách mạng vô sản, đưa người vô sản lên cầm quyền để quản lý xã hội, xóa bỏ tư hữu, thiết lập nền công hữu thì giai cấp vô sản dễ dàng xử lý mâu thuẩn giữa quyền lợi cá nhân và cộng đồng, xóa bỏ thói tham lam ích kỷ, mọi người sẽ đoàn kết, thương yêu nhau, làm việc tự giác, đối xử công bằng.

Marx đã nhận thức nhầm về bản chất con người, đánh giá quá cao những đức tính của giai cấp vô sản. Điều này cũng do vận dụng học thuyết duy vật của ông. Ông cho rằng vật chất có trước và quyết định ý thức, ông phủ định phần tâm linh nơi con người, ông không biết rằng tính tham lam, ích kỷ đã được hình thành từ trong bào thai, là một phần thuộc tiên thiên, hoàn cảnh xã hội chỉ làm tăng thêm hoặc giảm bớt mà thôi. Ông không biết rằng một con người khi còn là vô sản có nhiều đức tính tốt vì hạt giống xấu chưa có điều kiện nẩy mầm, nhưng khi đã trở thàmh người có quyền, mà lại là độc quyền thì các hạt giống tốt sẽ thui chột đi, nhường miếng đất màu mỡ cho các hạt giống tư lợi, độc đoán phát triển.

Khi quan sát sự nghèo đói của vô sản, Marx quá đề cao nguyên nhân không có tư liệu sản xuất mà coi nhẹ một nguyên nhân khác cũng vô cùng quan trọng, đó là những người nghèo đói nhất trong giai cấp vô sản thường là do ngu dốt, lười biếng.

Marx quá tin, quá đề cao vai trò của vô sản nên đã suy đoán rồi rút ra kết luận là cách mạng vô sản là tất yếu. Đã hơn 150 năm kể từ khi Marx công bố Tuyên ngôn của các đảng cộng sản, lời dự đoán về cách mạng vô sản đã không được kiểm chứng.

Marx là người tạo ra tiên đề để Lenin rút ra kết luận tất yếu phải thiết lập chuyên chính vô sản, cho rằng chính quyền nhà nước là của giai cấp này nhằm thống trị giai cấp khác đối lập. Đó là những kết luận rất sai lầm, nó tạo ra sự độc quyền, chuyên chế, đàn áp những tư tưởng và xu hướng khác biệt. Nhà nước của giai cấp theo Lenin có lẽ chỉ xảy ra dưới thời phong kiến và cộng sản, còn bình thường thì nhà nước là cơ quan quản lý xã hội, nhằm dung hòa quyền lợi và nghĩa vụ giữa các tầng lớp. Lý luận về đấu tranh giai cấp, về chuyên chính vô sản, về công hữu hóa tư liệu sản xuất do Marx và Lenin vạch ra đã được những người kế tiếp như Stalin, Mao Trạch Đông phát triển thành những thảm họa như cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, cách mạng văn hóa, đàn áp những xu hướng tư tưởng và xã hội khác biệt.

Trong khi đảng cộng sản thắng lợi ở một số nước nông nghiệp nghèo như Nga, Trung Quốc, Việt Nam thì ở nhiều nước tư bản phát triển, các đảng xã hội đi ngược lại với Marx, chủ trương không làm cách mạng vô sản mà tiến hành cải cách xã hội theo phương hướng dung hòa quyền lợi. Họ đã tạo nên xã hội tốt đẹp, phát triển như các nước Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Hà Lan, Đức, Anh, Thụy Sĩ, v.v.

Marx đã rất tin vào thắng lợi tất yếu và rất tốt đẹp của cách mạng vô sản mà không thấy hết sự phá hoại nhiều thứ do cuộc cách mạng đó mang lại. Marx đã rất đơn giản khi tin và cố chứng minh rằng trong xã hội do vô sản lãnh đạo với sự công hữu tư liệu sản xuất thì mọi thứ đều phát triển tốt đẹp. Marx rất nhầm khi cho rằng giai cấp công nhân là đại diện cho nền sản xuất hiện đại, đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến. Marx đã không dự đoán được rằng một số không nhỏ những người, mới hôm qua, lúc đang vận động làm cách mạng thì tỏ ra rất tốt, rất ưu tú, nhưng hôm nay, khi đã nắm quyền lực thì trở nên tư lợi, độc đoán, họ lại đi theo vết xe của bọn thống trị đã bị họ lật đổ trước đó. Điều ấy là nằm trong bản chất của số đông con người chứ không phải thuộc bản chất giai cấp.

Tôi nhớ ở đâu đó Marx có viết là độc quyền sẽ dẫn đến thoái hóa, điều đó là đúng cho mọi lĩnh vực, thế nhưng người ta lại chỉ vận dụng cho kinh tế tư bản, còn đối với chính trị cộng sản và kinh tế quốc doanh thì người ta lại cố bảo vệ sự độc quyền.

Khi phân tích sự sụp đổ của Liên xô, nhiều người chỉ ra 2 nguyên nhân cơ bản là sự thiếu dân chủ trong đảng cộng sản cầm quyền, là cán bộ cấp cao chưa thực sự giác ngộ về giai cấp, thiếu rèn luyện nên thoái hóa, biến chất. Khi phân tích những tiêu cực, những tệ hại của xã hội Việt Nam hiện nay người ta cũng cho rằng nguyên nhân cơ bản là một số đông đảo cán bộ các cấp, các ngành thoái hóa, biến chất, không giữ được đạo đức cách mạng. Tôi nghĩ rằng những nguyên nhân đó chỉ là lá, là ngọn, dễ thấy, còn có nguyên nhân của nguyên nhân, là thân, là gốc được ẩn dấu trong đất sâu mà người ta không thấy hoặc thấy mà không dám đụng tới, không dám đào bới.

Thử hỏi một đảng cộng sản hùng mạnh như của Liên Xô, của Việt Nam, điều lệ viết rõ ràng về quyền dân chủ, về phê bình và tự phê bình, về nghĩa vụ tu dưỡng đạo đức, mỗi lần đại hội đều nêu cao khẩu hiệu chọn người đủ đức, đủ tài vào cấp ủy, thế thì cái gì sinh ra và dung dưỡng cái bọn mất dân chủ, cái bọn thoái hóa ấy? Tôi đoán rằng chúng được sinh ra từ hạt giống đã được gieo từ trước, đã được dấu kín trong một thời gian từ trong bản chất của học thuyết. Đó là hạt giống chuyên chính, hạt giống độc quyền. Hạt giống này do Marx và Lenin do vô tình hoặc cố ý đã gieo vào học thuyết chuyên chính vô sản, nó cứ nằm im, nằm im mãi, chờ cho đến khi đảng cộng sản nắm được quyền lực thống trị thì mới nẩy mầm và phát triển.

Có một câu châm ngôn từ xưa như sau: “Muốn biết đạo đức một người như thế nào hãy trao cho quyền lực và xem họ sử dụng quyền ấy như thế nào.” Ngày nay có thể suy ra, muốn biết thực chất một đảng như thế nào, hãy xem họ sử dụng quyền lực ra sao. Còn việc nói cho hay, tuyên truyền cho giỏi để lừa nhân dân thì tầng lớp thống trị nào cũng nói được rất tốt, kể cả Napoléon, Hitler, Nhật hoàng phát xít, Pol Pot…

Trong tác phẩm Karl Marx, Peter Singer viết: “Quan niệm của Marx về bản tính con người là sai lầm, nó không dễ thay đổi như ông tưởng.” Peter còn nhận xét: “Chúng ta có những bằng chứng mà Marx không có.” Do đó chúng ta phát hiện ra sai lầm của Marx. Trong tác phẩm Giai Cấp Mới, Milovan Djilas vạch ra tính tất yếu của việc “toàn trị của một giai cấp mới, đó là các đảng cộng sản cầm quyền”.

Nguyễn Ái Quốc đưa chủ nghĩa Marx – Lenin vào Việt Nam với mong muốn vận dụng để lãnh đạo nhân dân đánh đuổi thực dân, giành độc lập, làm cách mạng dân tộc phản đế. Ông cũng nhận thấy chuyên chính vô sản có thể gây ra những bệnh tật không mong muốn nên đã sớm viết tài liệu “sửa đổi lề lối làm việc” để huấn luyện đảng viên, cán bộ nhằm ngăn ngừa các thói hư tật xấu từ độc quyền đến mất dân chủ, từ độc quyền đến thoái hóa, biến chất, tham ô, lãng phí. Thế nhưng ông đã phải chấp nhận lý thuyết đấu tranh giai cấp mà làm luôn cách mạng dân chủ phản phong, cách mạng vô sản xây dựng XHCN. Ông đã rất muốn ngăn ngừa sự thoái hóa biến chất nhưng rồi không thể nào ngăn được vì nó đã có sẵn trong chủ thuyết.

Chủ nghĩa Marx – Lenin vào Việt Nam mang theo sự chuyên chính, sự độc quyền của đảng cộng sản, làm phát sinh một giai cấp mới với đặc quyền đặc lợi, với sự độc đoán và tham nhũng, làm chậm lại sự phát triển của đất nước. Trong tình hình của thế giới hiện nay nhiều điều cơ bản của chủ nghĩa Marx tỏ ra không còn đúng.

Trong phương châm phát triển đất nước, trong dự thảo hiến pháp vẫn nêu quyết tâm kiên trì chủ nghĩa Marx – Lenin, kết hợp tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong một hội thảo khoa học của Hội Cựu giáo chức tôi có liều mạng phát biểu là để bảo vệ sự đúng đắn và trong sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh thì nên tách tư tưởng đó ra khỏi chủ nghĩa Marx, và để phát triển đất nước trong giai đoạn mới thì nên từ bỏ chủ nghĩa Marx. Lời phát biểu ấy đã bị một số người lên án một cách thầm lặng hoặc công khai, nhưng cũng được nhiều người tỏ ra tán thành một cách dè dặt.

 

N. Đ. C.
Edit: THĐP

Chuyện giàu

Featured Image: Chris Morley

 

“Là người giàu nhất trong nghĩa trang không quan trọng với tôi… Khi đi ngủ và nghĩ rằng mình đã làm điều gì đó tuyệt vời… đây mới là điều tôi quan trọng.” – Steve Jobs

Tuần trước tôi và một người bạn được vinh hạnh tham gia một hội thảo của một tổ chức xin được phép dấu tên, khoảng 2700 người đến từ nhiều nơi, mời một diễn giả nghe đâu là triệu phú bên Mỹ, từng làm HR cho nhiều hãng xe khủng trên thế giới, nhưng sau đó tìm được công việc này, thế là về hưu cùng lúc với bố mình, năm 30 tuổi. Sau đó ông ta sống cuộc sống an nhàn, hưởng thụ đến tận bây giờ. Ông chia sẻ là ngay cả con của ông cũng hỏi: “Ủa, bố không phải đi làm à?”

Nơi đây người ta vẽ ra một viễn cảnh, nơi mà tất cả mọi người lấy tiền làm đam mê, lấy sự giàu có về vật chất, sống an nhàn, lười biếng trong một căn biệt thư xa hoa, với những trang thiết bị đỉnh nhất thế giới làm viễn cảnh tương lai cho mình.

Họ… thật nhàm chán!

Chúng tôi cố nán lại chừng 20 phút, thì cả hai đứa đều không thể chịu nổi cái không khí ngột ngạt nơi đây, toàn bộ đều diện quần tây, áo sơ mi, mặc vest chỉnh chu, mặc dù nhiều kẻ còn đang đi học, hay bắt đầu đi làm. Mặc dù lắm người còn rất trẻ, đúng ra họ phải khoác cho mình những bộ đồ thoải mái hơn, năng động hơn, nhưng họ lại sợ người ngoài “quánh giá” mình chưa thành công, mình không thành đạt, mình không lịch sự, không chuẩn nên phải tự quăng mình vào một cái nhà tù như vậy.

Chúng tôi tìm cách chuồn êm khỏi đây! Tự do muôn năm!

Trong quyển sách “The Millionaire Next Door” (có tên là Bẻ Khóa Bí Mật Triệu Phú, do First News phát hành), khi Thomas J. Stanley, William D. Danko cùng các đồng nghiệp bắt tay vào “săn lùng” những kẻ triệu phú bí ẩn, họ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khi biết rằng những người thực sự giàu có mà họ muốn tìm kiếm không nằm trong những căn nhà xa hoa nhất khu phố hay diện những bộ đồ bảnh bao nhất, đi chiếc xe hiệu nhất, mà có thể là tên hàng xóm kế bên, ở trong một các nhà bình thường, mặc những bộ đồ sell off, đi những chiếc xe cũ kỹ từ đời nào cơ.

“Cứ 7 người mua một bộ đồ trị giá trên 1000 USD thì chỉ có 1 người là triệu phú.” – The Millionaire Next Door

Vẫn biết là cơm áo gạo tiền, lo cho người này người kia nên đồng tiền đi liền khúc ruột, chẳng thể thiếu được trong cuộc sống mỗi người, nhưng ta có thực sự cần quá nhiều tiền, và hưởng thụ cho đến chết không?

Sau khi về hươu được 2 năm, chỉ quanh quẩn ở nhà, lo cơm nước, đốc thúc học hành của em tôi, ba tôi già đi hẳn, sức khỏe dần rút xuống, tinh thần cũng chẳng còn mạnh mẽ như trước, chỉ đến khi ông xắn tay lên, phụ giúp mẹ tôi thì mọi thứ ổn lại, ổng mạnh khỏe hơn, vui vẻ và đầy sức sống hơn.

Ngay trong những định nghĩa, chia sẻ qua boardgame Cashflow nổi tiếng của mình, Robert Kiyosaki cũng chia sẻ, mục đích lớn nhất để ta thoát khỏi vòng Rat Race, bước vào cuộc chơi của những người thực sự thành công là đi chinh phục. Khi đạt được tự do tài chính cũng chính là lúc chúng ta chúng ta dồn mọi thời gian, nỗ lực vào theo đuổi những giấc mơ của mình, chứ không phải biến thành một cái xác vô hồn, theo đuổi những thứ phù phiếm xa hoa, vô độ.

GIÀU CÓ là gì?

Với tôi, giàu có không chỉ là tiền bạc (tức là có nha, hông phải không có tiền bạc đâu), nó còn là sự thăng hoa về tinh thần khi trong quá trình giàu có đó, ta được làm thứ mình thích, chiến đấu mỗi ngày để thỏa mãn cái sự đam mê của mình, để lại một cái gì đó có giá trị, một hình ảnh khó phai cho những người chung quanh, một tấm gương cho những người đi sau.

Có một ai đó nói câu này:

“Nếu đi đến cuối cuộc đời, mà thân thể ta chẳng có mấy vết sẹo, tức là ta chẳng trải nghiệm được gì từ cuộc sống.”

Hay có một câu khác hay hơn:

“Phần lớn mọi người đã chết ở tuổi 25, chỉ có điểu đến 75 tuổi mới chôn mà thôi.” – Benjamin Franklin

“Thành công là một cuộc hành trình, chứ không phải điểm đến.” – A. Moravia

Lảm nhảm xíu thôi, tại cảm thấy buồn cho những người ngồi đăng kia và đâu đó có những người giống họ. Thật đáng tiếc nếu mục tiêu của ai đó là nghỉ hưu thật sớm, kiếm được đủ tiền để hưởng thụ và rồi biến mất như chưa vào giờ tồn tại. Được làm thứ mình thích là cả một niềm hạnh phúc bự chảng. Có điều vì áp lực xã hội, vì chưa đủ giỏi, vì không chịu rèn luyện kỹ năng, tiếp thu kiến thức, tạo dựng những mối quan hệ mà lắm người phải quăng mình vào những cuộc chơi mà họ chẳng hề muốn chơi để rồi bị cơm áo gạo tiền cuốn phăng đi, để rồi họ chỉ đơn thuần là tồn tại, chứ không còn là sống nữa…

 

– Ưng Đen –

Quy tắc cờ vua & quy tắc cuộc đời

Featured Image: Matt Bilton

 

Tôi không phải là một người “sống lâu”, tôi không biết hết những cái mà ba mẹ gọi là “ mùi đời” hay chữ “ ngờ” gì cả, tôi chưa được học hết và cũng chưa nếm trải qua. Đây chỉ là những cái mà tôi thấy trong một phần rất nhỏ của cuộc đời.

“Cuộc đời như một nước cờ, bạn đánh sai một nước có thể bạn mất tất cả.” – Khuyết danh

Có lẽ cũng biết câu nói này đặc biệt nếu bạn là một hâm mộ viên của phim cổ trang. Thế bạn phải đánh nước cờ như thế nào với cuộc đời này để ít nhất không thua nó? Bạn đâu có quyền lựa chọn không chơi. Nếu vậy muốn chơi một trò chơi bắt buộc bạn phải hiểu nguyên tắc chơi của trò chơi này.

Quy tắc cờ vua

Trong cờ vua, Vua là tối thượng, bạn hy sinh hết tất cả để bắt vua của địch đồng thời phải bảo về được Vua của bạn. Trước dàn tướng uy nghi là những con chốt, người ta thường hay nói câu: “ Thí con chốt.” Đồng nghĩa với việc bạn đang xem thường một con chốt. Con chốt nước đầu tiên nó được đi hai ô, những bước sau chỉ đi được 1 ô. Tiếp đến dàn tướng, xe thì ngang dọc bàn cờ, mã thì chỉ được 2 ô ngang và chéo cho một lượt đi, tượng chỉ có thể chéo trắng hoặc đen. Tung hoàng ngang dọc trên bàn cờ nhất có lẽ là con Hậu. Còn đối với Vua, nếu nói rõ ra chỉ hơn được con chốt ở chỗ được đi ngang vì con Vua chỉ được di chuyển về 4 hướng mỗi lượt đi chỉ được 1 ô.

Quy tắc cuộc đời

Ở phần này, tôi chỉ muốn nói đến hai quân cờ trong bàn cờ: Vua và Chốt.

Bạn đang nghĩ bạn là quân cờ nào trên bàn cờ? Đôi khi bạn chỉ là một con chốt trên một bàn cờ của cuộc đời một người nào đó, họ tâng bạn lên (đi 2 ô đầu tiên) khi đó nếu bạn không biết, bạn cứ nghĩ bạn đang là con Vua trên bàn cờ – đây là điều quan trọng nhất đối với con người. Người ta rất hay ngộ nhận vị trí của mình.

Tại sao Vua chỉ đi được hơn được quân chốt một hướng đi thôi đó là được đi ngang nhưng lại có nhiều có rất nhiều quân lính, tướng tá sẵn sàng hy sinh? Có phải họ giỏi, họ có thể điều binh khiển tướng hay đối với một số người nếu nhìn theo một góc độ nào đó và hơi phiến diện thì họ thuộc dạng “ cái lưỡi không xương, trăm đường lắt léo” để được ngồi ở vị trí mà những bao người mơ ước trong khi đó thực lực chưa chắc bằng những tướng tá khác của họ.

Nhưng vẫn còn một điều nữa, nếu con chốt đủ khả năng đi được đến ô cuối cùng về phía bên đối thủ nó sẽ trở thành Vua. Bạn thấy đó, tôi nêu ra điều này có lẽ bạn đã hiểu được ẩn ý của tôi rồi.

“Bạn là quân cờ nào trên bàn cờ của cuộc đời ai chưa phải là điều quan trọng nhất. Quan trọng nhất bạn có muốn trở thành Vua trên bàn cờ đó không?” Nhưng bạn phải hiểu một điều bạn có thể trở thành Vua hay không thì bạn vẫn đang là một quân cờ trên bàn cờ.

Vì vậy, tôi chỉ muốn nói với bạn một điều: “Hãy tự hào những gì mình làm, đừng tự hào vị trí mình đang đứng.”

 

Lộc Trần

Chuyện phiếm của người Việt và của thế giới

Featured Image: Ria Pereira

 

Trong những buổi cafe, ăn uống nhậu nhẹt hay ngay cả trong những buổi thảo luận giữa giờ nghỉ làm, nghỉ học, có muôn vàn những câu chuyện được kể ra, được bàn luận và đó luôn là một chủ đề hoàn toàn mở… chính trị, văn khóa, khoa học, kỹ thuật, chuyện đời tư của ông A bà B, chuyện phố X làng Y… Có bao giờ bạn tự hỏi: Bạn ở đâu trong những cuộc nói chuyện đó?

Bạn nghĩ rằng đại đa số chỉ có người Việt mình mới nhiều chuyện, biết cafe chém gió hay nói chuyện phù phiếm, rằng chúng ta tiêu tốn quá nhiều thời gian vào những quán cafe từ hè phố đến sang trọng? Bạn sai rồi đấy, nếu lướt qua một vòng và đi vào sở thích nói chuyện phù phiếm ở các nước được xem là văn minh, là đỉnh cao trên thế giới hiện nay như châu Âu hay châu Mỹ thì tôi nghĩ rằng bạn sẽ đánh giá lại cách nhìn của mình. Bạn có bất ngờ khi biết rằng buổi ăn tối hay những buổi “uống trà đàm đạo” có thể kéo dài cả buổi và trung bình gấp 3 đến 4 lần so với Việt Nam.

Không lẽ họ ăn nhiều uống nhiều đến chừng đó? Ừ thì họ cũng ăn uống nhiều thật đó, nhưng cái mắt xích để kéo cho thời gian dài ra lại chính là những câu chuyện. Chuyện gì mà họ nói nhiều vậy? Và cách nói chuyện của họ có khác chúng ta không? Hãy thử lắng nghe và bạn sẽ biết, câu chuyện của họ có nhiều điều để động não và nói chứ không phải chỉ đơn giản là chuyện phiếm qua bờ môi.

Cafe ở nước ngoài đa phần là không đậm như cafe của người Việt Nam (ngay cả espresso cũng chỉ mạnh bằng 1/3 cafe Việt), tuy nhiên nhưng những câu chuyện của họ đậm hơn rất rất nhiều… Đậm ở đây nghĩa là khối lượng kiến thức trao đổi cho nhau nó vượt tầm so với những câu chuyện nhạt nhẽo vô ích của chúng ta. Tôi không có ý đánh đồng hết tất cả những cuộc nói chuyện của các bạn trẻ hiện nay thế nhưng ngoài số lượng nhỏ những bạn có kiến thức để tranh luận thì phần lớn tầng lớp trẻ trâu hiện nay là thế, hãy đi vào các quán cafe và chịu khó lắng nghe những cuộc nói chuyện phím xung quanh, tất cả chỉ thể hiện một mớ những câu chuyện đời thường tầm phào, những chủ đề với những kiến thức mơ hồ không có trích dẫn, lấy nguồn từ những trang lá cải thể hiện quan điểm một chiều.

Thói quen tranh luận, hay phản biện theo khoa học (phản bác có dẫn chứng, trích dẫn) một ý kiến nào đó dường như vô cùng hiếm. Cái lý của đứa to mồm hay lớn tuổi luôn luôn dành phần thắng. Những câu chuyện kết thúc mà không có một sự đúc kết và học hỏi được gì từ chúng. Không như Việt Nam, một cuộc nói chuyện dài với những người gọi là thân quen ở nước ngoài lại chính là một nơi để họ có thể phô diễn hết kiến thức mà họ đã học, đã đọc và đã biết về lĩnh vực đó. Sự trao đổi thẳn thắn và biết lắng nghe diễn ra rất công bằng từ cả hai phía, không phân biệt giai cấp và tuổi tác.

Anh là tiến sĩ một ngành nào đó thì anh cũng chỉ biết rõ về những lĩnh vực chuyên sâu mà anh đang nghiên cứu chứ anh không thể biết hết mọi thứ trong cả ngành lớn chứ đừng nói gì đến một ngành khác. Chuyên gia kinh tế không thể bằng một người nông dân khi nói về chuyện chăm sóc cây bắp cây lúa. Chính vì thế cuộc nói chuyện là một lớp học không chính thống cho những người tham gia cùng học cùng mở mang kiến thức.

Hãy ước lượng khối kiến thức để có thể nói chuyện thoải mái với một người trẻ tuổi được gọi là có học thức ở các nước tiên tiến, nó lớn hơn nhiều so với các bạn có thể hình dung. Kiến thức chung tổng quát về tất cả các ngành khiến cho họ tự tin giao tiếp và có thể tham gia bất kỳ câu chuyện ở bất kỳ lĩnh vực nào. Tôi không đề cập đến cuộc nói chuyện mang quá nhiều tính học thuật với các chuyên gia của một ngành nào đó, tôi đang nói về những cuộc nói chuyện phím, chính vì lý do đó cuộc nói chuyện có thể nhảy từ văn hóa, chính trị, tôn giáo, du lịch cho đến khoa học, kỹ thuật…

Nếu nói về chính trị, một đề tài khá nhạy cảm ở Việt Nam cũng như ở các nước phương Tây, bạn sẽ biết và nói được bao nhiêu về cái đề tài khô khan ấy hay chỉ nói chung chung là các ổng ở trên làm sai, rồi nào ăn hối lộ thế này thế khác… có bao nhiêu bạn biết được hệ thống chính trị và khuynh hướng phát triển của đất nước ta trong thời này ra sao? Những khó khăn chúng ta cần đối mặt và chúng ta đang chịu ảnh hưởng của những điều kiện gì? Ấy thế mà các bạn ở phương Tây đã không nói thì thôi chứ đã nói là những vấn đề chung nhất bạn ấy có thể mô tả rành mạch. Khuynh hướng phát triển của đảng, những mặt tốt và mặt xấu của các dự luật khi được đề ra, những nguồn tiền được chi vào những mục đích mang tính công cộng có phù hợp không…

Tất nhiên không thể mong rằng mọi cuộc nói chuyện đều mang tính học thuật cao nhưng những kiến thức chung mà họ có được rất đáng nể. Những câu chuyện hầu hết đều đi vào chi tiết ở một mức độ cao dần cao dần tùy vào thành phần tham gia. Chẳng phải nói gì nhiều khi một nhóm người có trình độ học vấn cao thì chắc chắn cái biên độ giao động của kiến thức cũng phải tăng lên nhiều hơn so với những người ít học, ít đọc. Đến đây thì chúng ta đã thấy cái tầm quan trọng của việc đọc. Đọc nhiều, tích lũy nhiều kiến thức rồi thì bạn cũng sẽ thấy việc có ích khi sử dụng nó, ít ra trong những buổi giao lưu chuyện phím thế này.

Nói về chuyên ngành của bạn, ừ thì vì là chuyên ngành cho nên bạn có thể nói về điều đó từ sáng đến tối. Tuy nhiên nếu trong cuộc nói chuyện chẳng ai nói về cái mà bạn thông thạo, bạn có cảm thấy lạc lõng về điều đó? Tại sao đứa bạn của bạn có thể bắt chuyện với tất cả mọi người, có thể nói về đủ các lĩnh vực mà bạn thì không? “Chém gió” đa lĩnh vực là một nghệ thuật và người “chém gió” như vậy cũng có thể xem là một nghệ sĩ, muốn như vậy thì bạn còn chờ gì nữa mà không đọc đi, đọc hết tất cả những thứ mà bạn quan tâm, trang bị cho mình đủ kiến thức cơ bản về ngành đó thôi, bạn sẽ không phải là kẻ thừa trong những câu chuyện đó.

Nói về công nghệ thông tin thì ít nhất cũng biết được tính năng và những phần quan trọng cùa máy tính như ram, cpu hay cách chuyển đổi dung lượng, đi sâu hơn thì chuyên mảng phần cứng, phần mềm lại có biết bao chuyện để nói, ép xung hay các các kỹ thuật mới áp dụng để thiết kế cpu, các hệ điều hành thay đổi ra sao… Nói về phim ảnh thì ít ra cũng biết các phim mới nhất nói về gì, diễn viên và nội dung có hay có đẹp không? Thông điệp mà đạo diễn muốn gởi đến ra sao? Bạn không cần biết hết mọi thứ nhưng nên biết mỗi thứ một ít, một ít thôi, vừa đủ để không bị bỏ rơi trong cái bể kiến thức vô bờ.

Quay lại cuộc nói chuyện của các bạn nước ngoài, bạn không nhất thiết phải là người giỏi, nhưng những câu hỏi của bạn trong một lĩnh vực mới có thể khiến người khác tôn trọng bạn, hãy vận dụng những kiến thức của mình để đưa ra những câu hỏi thông minh và sâu sắc, đừng cho ra những câu hỏi tầm phào để họ uýnh giá bạn thấp hơn là được. Ví dụ đang nói về lĩnh vực tôn giáo, về đạo hồi mà bạn chỉ biết hỏi về các phẩn tử khủng bố đánh bom như Binladen thì thua rồi… có biết bao điều hay về đạo hồi về ý nghĩa của những điều cấm kỵ, về tục lệ kiêng cữ trong tháng Ramadan tại sao bạn không đề cập mà chỉ biết đến những mặt xấu của nó. Cái hạn chế khi nhìn một mặt của vấn đề luôn là một rào cản trong quá trình mở mang kiến thức.

Chúng ta không có kịch bản cho những cuộc nói chuyện và lĩnh vực nào cũng có thể là một đề tài bất chợt, khi có kiến thức, một câu chuyện về lĩnh vực nhất định sẽ được vun đắp từ nhiều phía và kéo dài cho đến khi hết ý, đó chính là lý do vì sao những cuộc nói chuyện của người nước ngoài rất dài và cuốn hút, nó được xây dựng từ kiến thức của tất cả mọi người.

Không thể phủ nhận rằng truyền thông Việt nam trong những năm gần đây phát triển rất mạnh, tuy nhiên, kéo theo nó là những câu chuyện tầm phào bên lề được thổi phồng quá đáng và nó lại là những chủ đề chính trong câu chuyện của những người trẻ tuổi. Tôi hoàn toàn không hiểu bạn nhận được gì trong những câu chuyện như vậy? Những bài dạy về đạo đức và lối sống hay những góc khuất quan trọng của xã hội mà bạn là một người quan trọng nên tham gia vào việc phê phán giúp nó tốt lành hơn?

Sao không cùng nhau trải nghiệm và kể cho nhau nghe những điều thú vị ở một nơi xa xôi nào đó, nơi có phong tục tập quán rất lạ, có món ăn rất ngon và có những cách sống đáng học tập. Sao không cùng phân tích sự thành công hay thất bại của một thương hiệu, một tập đoàn, những ý tưởng sáng tạo mới mà bạn đọc được, kiến thức mà bạn thu được không những giúp bạn lúc đó mà còn về sau này. Hãy để cho những cuộc nói chuyện của bạn không đơn giản chỉ là những guồng chảy xoay vòng của xã hội mà là một bông hoa đầy màu sắc và tràn đầy hứng khởi, có thế bạn mới giúp ích cho chính bản thân bạn, gia đình và xã hội này.

 

Thiên Khánh

Nền giáo dục cấm đoán (phần 1): Mô hình giáo dục “nhà tù” và “nhồi sọ”

Featured Image: Dale Murray

 

Đây là một bộ phim tài liệu nghị luận xã hội của nước ngoài, nói về thực trạng và giá trị của nền giáo dục hiện nay, những góc khuất và bất cập, không chỉ tại Việt Nam mà là trên toàn thế giới. Tập phim dài hơn 2 tiếng với rất nhiều những quan điểm mới lạ và thú vị. Những quan điểm này có thể trái ngược với những gì bạn từng biết và từng tin, thậm chí nó có thể là nguyên nhân cho những cuộc khẩu chiến về quan điểm cho những ai quan tâm. Nên, hãy cân nhắc trước khi đọc bài và chuẩn bị tinh thần cho những cảm xúc tồi tệ, nghi ngờ, thất vọng, hoang mang… bạn có thể gặp phải.

Bạn có thể ngờ được không với những tuyên bố: “Trường học chính là rào cản lớn nhất được tạo ra trong xã hội, là mô hình nhồi sọ biến chúng ta thành những kẻ biết vâng lời và không phản kháng, thực tế thực trạng của giáo dục hoàn toàn đi ngược lại những lý tưởng cao đẹp mà nó đề ra…” Thật quá đỗi hay ho và hấp dẫn. Sau đây để tiện cho các bạn theo dõi, mình sẽ viết lại toàn bộ phần sub vì bộ phim khá dài. Việc đọc cũng dễ giúp bạn hiểu hết nội dung và tiết kiệm rất nhiều thời gian. Ai hứng thú với chủ đề này hay muốn xem lại tập phim thì sẽ có link ở cuối bài.

Bộ phim là thành quả tổng hợp từ một quá trình học hỏi không ngừng. Những cá nhân phát biểu trong phim chia sẻ với chúng ta rất nhiều ý kiến và quan điểm, sự tham gia của họ không có nghĩa là họ đồng ý với tất cả các quan điểm mà bộ phim truyền tải. (Người dịch phim Dariya Nguyễn). Khuyến khích chia sẻ thông tin trên phim này!

Phần 1: Mô hình giáo dục nhà tù và nhồi sọ – Trường học ra đời như thế nào?

Thân gửi tới tất cả các em nhỏ và người lớn thực sự mong muốn trưởng thành trong tự do. Tôi vẫn nhớ một câu chuyện triết học mà thầy giáo kể: Một nhóm nô lệ được sinh ra và lớn lên trong hang tối, họ bị trói quay mặt vào tường và tất cả những gì họ thấy là những cái bóng phản chiếu trên tường. Những người cai ngục đốt đuốc phía sau và cố tình tạo ra rất nhiều những cái bóng. Những cái bóng đó là toàn bộ những gì họ được biết về thế giới bên ngoài. Những cái bóng chính là thế giới của họ, hiện thực của họ. Một ngày kia, một trong số họ được thả tự do và được phép đi ra thế giới bên ngoài. Tôi tự hỏi anh ta mất bao nhiêu thời gian mới làm quen được với ánh sáng rực rỡ khi phần lớn thời gian chỉ sống trong tăm tối. Rất có thể, phản ứng của anh ta là sự sợ hãi khủng khiếp về cái thế giới rực rỡ ấy. Liệu anh ta có thể hiểu thế nào là một cái cây, biển cả và mặt trời? Giờ hãy giả thiết rằng anh ta nhìn vào hiện thực và phát hiện ra rằng những gì trong hang chỉ là sự giả dối tột cùng… Tôi không nghi ngờ rằng, anh ta sẽ có một ham muốn lớn lao là được quay trở lại hang, để kể cho những người khác nghe về những gì anh chứng kiến, một hiện thực hoàn toàn khác, một thế giới khác…

Nền giáo dục cấm đoán

Truyền thông, hàng ngàn cuốn sách, và những tuyên bố của những người chức quyền, các tổ chức quốc tế, chuyên gia, triết gia, các trang web… Đều nhất trí khẳng định về tầm quan trọng của giáo dục. Họ đầu tư cả đống tiền bạc để đào tạo, cải cách và nghiên cứu. Họ in sách, tài liệu, thậm chí đưa cả máy móc hiện đại vào nhà trường. Họ tạo ra các chương trình dạy và học, tăng lương rồi giảm lương, áp dụng đủ loại mô hình dạy học khác nhau. Tất cả, với danh nghĩa, cải tiến giáo dục. Những điều đó không ngăn cản được thực tế rằng: Bao nhiêu trường học, là bấy nhiêu rào cản được tạo ra trong xã hội. Các loại trường chuyên, trường cho người nghèo, trường cho dân tộc thiểu số, cho thợ, cho chuyên gia, cho các tầng lớp trung lưu, trường công và tư, trường cho nhà giàu và các tầng lớp quý tộc… Mục tiêu là gom cho càng được nhiều học sinh càng tốt. Phần lớn là để tạo ra những công nhân phục vụ cho xã hội với các thứ hạng được định sẵn, và chỉ rất hiếm hoi là chú trọng tới thực chất của giáo dục.

Dẫu có khác biệt, thì tất cả các trường học hiện nay trên thế giới là nhằm tạo ra một mô hình nhồi sọ tối ưu. Làm sao mà những ý tưởng ấy lại giúp phát triển trí tuệ cá nhân và nhân loại nói chung được? Và liệu rằng luận thuyết về giáo dục hiện nay đã và đang tồn tại đến nay có thể giúp cải thiện cuộc sống của tất cả mọi người và đóng góp cho một thế giới tốt đẹp hơn? Liệu có tồn tại một cách dạy và học khác đạt được những tiêu chí đó? Liệu có thể tạo ra trường học mà tránh được tất cả những lý tưởng, tiêu chuẩn và định kiến? Thắc mắc đó đã dẫn chúng tôi tới một thế giới mới mà hoàn toàn chưa hề được biết tới. Bộ phim này là một phần của quá trình vô tận, một câu hỏi có thể là không có câu trả lời hoàn chỉnh và chính xác, cuộc tìm kiếm tới bản chất của giáo dục và việc học, những sai lầm mà chúng ta mắc phải, và trên hết, những ý kiến sẽ trợ giúp chúng ta tiếp tục tìm kiếm và tiếp tục học hỏi.

Một thầy giáo yêu cầu hai học sinh viết một bài luận về những gì các em thu được sau từng ấy năm đi học. Và kết quả họ bị thầy giáo gọi ra nói chuyện và bị cô hiệu trưởng đến kiểm tra, bài luận có những câu: “Chúng em thấy rất ít thứ quan trọng được học ở trường. Các thầy cô chỉ dạy chúng em phải dè chừng nhau và háo thắng. Bố mẹ và thầy cô, chẳng ai lắng nghe chúng em nói. Đấy là lý do vì sao chúng em muốn nói rằng: Thế là quá đủ rồi. Giáo dục chỉ là một sự cấm đoán mà thôi….” Thầy giáo giải thích với cô hiệu trưởng: “Thực ra là hai em ấy có nói với tôi rằng hai em ấy nảy ra ý tưởng đọc bài luận này tại Buổi Diễn Toàn Trường. Tất nhiên, đây chỉ là bản nháp thôi.”

“Ồ không đâu, đó không phải nháp, tụi em sẽ đọc chính xác như thế đấy.” Cô hiệu trưởng ngắt lời: “Không, không thể được, đó toàn là những từ ngữ hỗn xược xấc láo, các em không thể công kích chúng tôi theo cách lố lăng như vậy.” “Nếu cô cảm thấy bị xúc phạm, thì hẳn phải có lý do chứ ạ?” “Thưa thầy, chúng em chỉ đơn giản là viết bài luận mà thầy giao đề.” “Vậy nên tôi mới nói đó là bản nháp, các em cần uốn nắn lại từ ngữ.” “Không, sẽ không uốn nắn chỉnh sửa gì hết, chúng em sẽ đọc đúng như vậy.” “Không được, như thế là bất kính.” “Xin lỗi cô, em quên mất việc nói ra những gì mình thực sự nghĩ là bất kính…”

“Nghe này, những gì các em nói có thể làm phật lòng nhiều người.” “OK, nhưng nếu đó là những gì chúng em cảm thấy và viết ra như vậy, tại sao lại không thể cho họ biết chứ? tại sao không chứ? Đấy thật sự là những gì chúng em nghĩ thì có vấn đề gì nào? Chúng em sẽ chịu trách nhiệm những gì mình nói.” “Không, không hãy đợi đã, vì tôi hiểu em, cái gì ở trường cũng khiến em thất vọng, tôi làm em thất vọng, các thầy cô làm em thất vọng. Thầy hiểu em quá rõ.” “Không thầy chẳng hiểu gì em cả.” “Thầy hiểu thật đấy.” “Không, thầy không hề.”

Albert Einstein từng nói:

“Nếu bạn muốn tìm ra một kết quả khác, thì đừng lặp đi lặp lại một cách làm, hết lần này tới lần khác.”

“Rất nhiều học sinh sau 12 năm đèn sách vẫn không thể đọc viết thông thạo (sai chính tả), họ không giải được phương trình, không nhớ những gì họ từng tiếp thu (rõ ràng). Vâng, thực tế là họ học được rất ít từ trường học. Vậy lý do vì sao phần lớn học sinh học rồi mà dốt vẫn hoàn dốt? Đấy là bằng chứng chắc chắn rằng lỗi không phải do học sinh, mà là do hệ thống giáo dục rồi.” “Thực tế là ngày nay việc giáo dục được cải tiến rộng rãi, nhưng lại vẫn áp dụng những cách tiếp cận hoàn toàn sai, chỉ toàn là chắp vá chỗ nọ chỗ kia, rồi làm ra vẻ như là chúng đem lại cải tiến thực chất. Vấn đề nằm ở chính luận điểm và quan niệm cơ bản về giáo dục. Cái sai nằm ở chính cách nhìn nhận vấn đề.”

“Các bậc từ tiểu học đến cấp ba ở các nước Mỹ Latinh (Vâng, và cả Việt Nam nữa) chẳng là gì ngoài những cái cũi tẻ nhạt và chán ngắt. Tôi thường mời mọi người tới và tham quan các trường học để thấy được rằng cần phải đập hết những khuôn mẫu. Và cho họ thấy hình ảnh các thầy cô, đứng cạnh bảng đen, chẳng làm gì ngoài nói, nói, nói… trong khi chúng ta đã đi hết một nửa thế kỷ 21. Thật là lố bịch và vô nghĩa.”

“Các môn học mà chủ đề đều khép kín, thụ động, chẳng có gì gợi mở và hấp dẫn, những môn học chỉ toàn chữ, chữ và chữ. Các nhà cải cách chẳng hề tìm hiểu, nói chung là chẳng có gì cải tiến ngoài chương trình học. Họ quá chú trọng vào nội dung, dạy một vài kỹ năng, trong một số lĩnh vực nhất định. Ngày nay kiến thức bị sai lệch bởi vì cách nhìn nhận của chúng ta sai lệch. Thậm chí, chúng tôi có thể nói rằng trong trường học hiện nay, việc học hỏi thực sự đang bị cản trở.

Các kiến thức ta được học chẳng bền mà cũng chẳng thịnh hành được lâu. Vì ngày nay các học thuyết thay đổi rất nhanh. Kiến thức đổi mới và thay thế thường xuyên, trong khi nền giáo dục luôn dậm chân tại chỗ. Xã hội thì thay đổi chóng mặt. Đây chính là gốc rễ của vấn đề. Các nhà giáo dục tại các trường cao đằng đại học cho rằng kết quả của việc học là có thể đo được, định lượng và quan sát được. Cho nên chúng ta bắt đầu tìm kiếm phương pháp để đo lường thứ được cho là kết quả, là mục đích của việc học. Và đó là thứ chúng ta gọi là điểm số, dù ở dạng A hay B, các con số bậc điểm hay dạng mặt cười, mặt mếu… Nhưng logic sau nó vẫn là cũ rích một mục tiêu, để so sánh. So sánh các cá nhân, quá trình học của anh ta với một thước đo tiêu chuẩn. Thật là nhảm nhí. Mỗi cá nhân là duy nhất và độc đáo, chẳng ai giống ai cả để mà so sánh.”

“Cách học hiện nay là nhằm tìm kiếm ra một con số để quyết định, nó thậm chí còn cố định nghĩa một người ở dạng nào: Xuất sắc, giỏi, khá, trung bình, yếu hoặc kém. Thế đấy, ví dụ tôi tạo ra một bài thi kiểu ai sẽ có đáp án trước… hệ quả tất yếu là sẽ có người thắng và kẻ thua. Và mỗi khi có kẻ thua thì nghĩa là ai đó sẽ cảm thấy buồn và tồi tệ. Hẳn nhiên rồi.” “Trẻ em cũng được động viên để tranh đấu với nhau. Học sinh giỏi được ghi nhận, được trao giải. Những người không làm tốt thì bị ăn chửi và sau đó phần lớn là bị bỏ mặc. Ai cũng nói về hòa bình nhưng chẳng ai có vẻ dạy cho trẻ em điều đó. Mọi người được giáo dục để tranh đấu, và tranh đấu là bước đầu tiên để gây ra chiến tranh.”

“Về lý thuyết, những gì nói về giáo dục là hướng tới mục tiêu phát triển con người một cách toàn diện: Giá trị con người, hợp tác, tính cộng đồng, sự đoàn kết, công bằng, tự do, hòa bình, hạnh phúc…bla bla toàn những mỹ từ cao đẹp. Nhưng thực tế về cơ bản, cơ chế của hệ thống giáo dục lại là thúc đẩy điều ngược lại: Tranh đấu, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa phân biệt, các quy tắc luật lệ, bạo lực cảm xúc, chủ nghĩa vật chất… Bất kỳ ý tưởng tốt đẹp nào được nêu ra là đối lập với cơ chế mà giáo dục đang cố duy trì.

Nếu tôi được đào tạo từ một mô hình chỉ chuyên về mặt này hay mặt kia, giả sử là lịch sử chẳng hạn. Thì khi đi dạy, tôi chỉ chăm chăm học sinh này biết gì về lịch sử, sau khi tôi giảng về lịch sử và bắt em ấy đọc một số sách về lịch sử, và thế là tôi xong việc với em ấy. Tôi không cần quan tâm gì tới em ấy nữa. Như là em ấy có đang gặp chuyện khổ tâm gì không, xuất thân em ấy thế nào, gia đình em ấy ra sao.” “Điều dễ nhất cho các giáo viên kiểu truyền thống là cứ lặp đi lặp lại những gì anh ta vẫn dạy, hết năm này đến năm khác. Việc dạy trở thành một quá trình lặp đi lặp lại các biểu tượng. Ngày nay, tại Argentina, phần lớn trẻ em nói rằng: Ôi lại thứ hai rồi sao? Lại phải đến trường rồi sao? Nhưng đấy chưa phải điều tệ nhất, khi phần lớn các giáo viên tại Argentine cũng bày tỏ cùng một tâm trạng như vậy.

“Tôi tin giáo viên ngày nay chỉ đơn giản là một sản phẩm sinh ra từ hệ thống. Họ không sinh ra để mong muốn trở thành một thầy giáo giỏi hay tệ, chỉ đơn giản là xã hội đã bắt họ phải chọn lựa để trở thành như vậy. Làm sao mà tôi có thể dạy các em cách thể hiện cảm xúc khi mà các thầy giáo ở trường đại học chẳng có ai nói với tôi một từ về “cảm xúc”.

“Tôi không muốn đến trường, thật lãng phí thời gian. Tôi cũng không muốn cho con tôi đi học, trường học toàn tạo ra các vấn đề với chúng. Ngày nay một đứa trẻ 8 tuổi còn dành thời gian học nhiều hơn cả một sinh viên. Thật vớ vẩn, chẳng có nhiều thứ đến thế để mà học ở nhà trường. Thế là nhà trường không còn là nơi dạy học, tôi gọi nó là trung-tâm-giữ-trẻ-cả-ngày hay là bãi-nhốt-trẻ-số-lượng-lớn”
“Tôi lại nghĩ trường học giống như nhà tù, quá là tệ đi, đây là nơi mà mọi người nhốt chúng lại và thậm chí là cần cả bảo vệ để ngăn không cho chúng chạy trốn. Trường học khiến bọn trẻ ngày càng khép kín và họ lại xây những bức tường cao hơn mỗi ngày, dù cho tường bằng gạch hay bằng cây thì vẫn thế, vẫn là để cô lập và ngăn cách.”

“Tôi muốn trường học là nơi cho bọn trẻ phát triển một cách tự nhiên như chính cách chúng được sinh ra. Không phải là nơi đào tạo cho chúng sẵn sàng cho các bậc học cao hơn, cao hơn nữa: Tiểu học, trung học, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ rồi sau đó nữa là đi làm. Rồi sao, sau nữa là làm gì?” “Thật là đơn giản khi giáo viên chỉ phải nói những câu: Trật tự, im lặng hết cho tôi, bây giờ, lật sách vở ra, bây giờ, lấy cây bút màu đỏ… Theo tôi, những thứ đó, phương pháp đó là để đào tạo… chó, chứ không phải cách giáo dục con người.”

John Taylor Gatto nói: “Vấn đề của chúng ta là hiểu rằng, việc dạy dỗ một cách ép buộc xuất phát từ một thực tế đáng hổ thẹn là trên phương diện con người, những gì là sai, thì trên phương diện cơ chế, lại là đúng.”

Nguồn gốc của trường học và giáo dục

Từ nhu cầu của những nhà Chuyên Quyền

Một điều ít ai biết tới về giáo dục phổ thông đại chúng và bắt buộc như hiện nay, được tạo ra từ một thời điểm cụ thể trong lịch sử. Trước đó, kiểu giáo dục này không tồn tại. Giáo dục ngàn xưa rất khác với giáo dục ngày nay chúng ta được biết. Ví dụ, tại thành Athen – Hy Lạp cổ đại không hề có trường học. Những học viện đầu tiên của Plato là nơi để thảo luận, chia sẻ ý kiến, tự do thí nghiệm và khám phá. Lúc bấy giờ, giáo dục bắt buộc chỉ dành cho nô lệ. Mặt khác, giáo dục tại thành Sparta thì giống như là huấn luyện quân đội nhiều hơn. Khi ấy, chính quyền sẽ tống cổ những kẻ không đạt một mức tiêu chuẩn được định sẵn vào những lớp học bắt buộc, là những nơi bài học và quy tắc xử sự được dạy qua tra tấn và nhục hình. Trong quá khứ, giáo dục là do các nhà thờ công giáo chi phối, ít nhất là tại các nước công giáo phương tây. Và điều này cũng mới chỉ có từ thế kỷ 18, tại thời điểm lịch sử mà người ta gọi là “Khai Sáng Chuyên Quyền” – nơi tạo ra các ý tưởng về giáo dục phổ thông đại chúng, miễn phí và bắt buộc.

Trường học như chúng ta được biết tới nay được khai sinh từ cuối thế kỷ 18, đầu 19 tại Prussia (Đức). Nhằm chống các cuộc nổi dậy tương tự đã xảy ra ở Pháp, Hoàng Gia đề bạt một số nhân vật được cho là “Người khai sáng” để làm hài lòng đám đông muốn nổi dậy, nhưng vẫn duy trì chế độ Chuyên Quyền. Các trường học tại Prussia dựa trên sự phân biệt gắt gao các tầng lớp và giai cấp. Cơ chế của nó, thừa hưởng từ mô hình của người Spartan, đề cao kỷ luật, sự tuân lời và chế độ độc đoán. Mục đích của tầng lớp chuyên quyền đầy học thức này là gì? Là tạo ra một đám dân chúng biết nghe lời và dễ bảo để có thể huấn luyện phục vụ cho chiến tranh sẽ xảy ra trong thời kỳ lịch sử lúc bấy giờ khi hàng loạt các quốc gia mới nổi lên (giống các quân cờ thế mạng). Hoàng hậu Cartherine của Nga, đã gọi mời các nhà thông thái tới từ Pháp, kêu gọi họ tạo ra một hệ thống giáo dục và Diderot, một trong những người nổi tiếng nhất, đã tạo ra một đề án, không phải nhằm tạo ra những người dân thông minh hơn, mà là những dân chúng biết vâng lời và phục vụ cho chính quyền.

Tin tức về mô hình giáo dục thành công này lan truyền cực nhanh, đến mức chỉ trong vài năm, các nhà giáo dục ở Châu Mỹ và Châu Âu đã đến học ở Prussia để lấy bằng về áp dụng cho nước mình. Dần dà, mô hình này trở thành chung cho cả thế giới, rất rất nhiều nước đã bắt chước mô hình giáo dục “hiện đại” này để phổ cập cho tất cả dân chúng. Giương cao ngọn cờ của “sự bình đẳng”, trong khi bản chất hệ thống về cơ bản là sự Chuyên Quyền nhằm duy trì quyền lợi cho tầng lớp Quý tộc và phân chia giai cấp ngày một rõ nét hơn. Đấy chính là sự ra đời của giáo dục phổ thông.

“Nên nhớ là chính Napoleon, đã thề thốt là không đội trời chung với Chuyên Quyền, nhưng rồi ít lâu sau, cũng đã làm điều tương tự. Ông ta nói thế này, không thêm thắt một từ: “Tôi muốn tạo ra một hệ thống giáo dục mà từ đó định hướng cho suy nghĩ của dân chúng Pháp.” Bạn hiểu chứ? Ông ta quả thực đã làm như thế, và nó vẫn tiếp tục suy trì cho tới ngày nay, cho dù chúng ta có ý thức được điều này hay không.”

Từ nhu cầu của nền kinh tế sản xuất hàng hóa

Trường học được tạo ra trong một thế giới bị chi phối bởi nền kinh tế công nghiệp, bởi thế phương châm của nó là tạo ra những sản phẩm đạt hiệu quả cao nhất, với ít chi phí và công sức nhất có thể. Sử dụng các công thức khoa học và quy luật thông thường, trường học chính là giải pháp hoàn hảo để tạo ra nguồn nhân công phục vụ cho các ngành công nghiệp. Giống hệt những nhà tài phiệt công nghiệp của thế kỷ 19. Ai là người cung cấp tài chính cho hệ thống giáo dục bắt buộc, ai giúp sức cho những tổ chức giáo dục? “Tôi phải làm gì cho con cái của những công nhân, để chúng về sau cũng làm việc cho tôi? Làm sao chúng ta có thể dạy họ đọc, dạy họ trở nên những công nhân thông minh?”

Và nền giáo dục đó vẫn duy trì tới ngày nay, một phương tiện để tạo ra những công nhân có ích và những công cụ hữu dụng để chắc chắn rằng nền kinh tế hàng hóa vẫn tiếp diễn theo quy chuẩn cũ. Điều đó đồng nghĩa với việc duy trì cơ cấu xã hội hiện có. Ngoài ra, trường học còn được “chắp cánh” với những nghiên cứu về kiểm soát hành vi, những lời hứa hẹn về một xã hội không tưởng và thậm chí là các học thuyết về tầng lớp xã hội thượng đẳng. Chẳng ngạc nhiên khi các quốc gia đầu tiên áp dụng hệ thống giáo dục như Prussia hay gần giống vậy, gần như cùng lúc, cuối cùng đều trở thành, nguồn cơn của chủ nghĩa Quốc Xã và Bài Ngoại.

Dây chuyền sản xuất hàng loạt trong công nghiệp là một ví dụ hoàn hảo cho giáo dục. Giáo dục áp lên một đứa trẻ có thể được so sánh với quá trình sản xuất một sản phẩm. Vì thế nó đòi hỏi các bước cụ thể và bắt buộc, theo một trình tự cụ thể. Gom nhóm trẻ nhỏ theo độ tuổi và các cấp học. Và trong từng giai đoạn sẽ nhồi những môn học cụ thể. Nội dung nhồi được thiết lập kĩ lưỡng bởi các chuyên gia. Nhưng vấn đề ở chỗ, các môn học, như môn Sinh học, không được thiết lập bởi các nhà sinh vật, cũng không phải bởi những người giáo dục trực tiếp, mà chính hệ thống quan lại, tay sai thời đó – những kẻ hoàn toàn không biết dạy và học là thế nào.

Trong cái dây chuyền như thế, một người sẽ phụ trách từng phần nhỏ của quá trình, mà vốn dĩ không đủ thẩm quyền cũng như khả năng để biết toàn bộ cơ chế hoặc những người tham gia vào quá trình đó. Mỗi giáo viên sẽ dạy từng cấp, từng môn cho học sinh, khoảng 30-40 học sinh mỗi lớp đến độ mà toàn bộ quá trình biến thành hoàn toàn máy móc. Giáo dục hiện nay là trọng tâm của những người cầm quyền, học sinh đến trường, giáo viên lên lớp, học sinh về nhà, giáo viên về nhà. Mỗi ngày cái vòng lặp đều lặp lại i như thế. Giáo viên là một bộ phận công chức của hệ thống lãnh đạo, và họ phải nghe theo lời chủ: “Anh phải dạy cái này, cái nọ cái kia, và theo cách này.” Quá nhiều giáo viên và học sinh bị bóc lột sức lao động đến mệt lử và chẳng còn mấy thời gian để chú ý riêng tới từng học sinh.

Vì lẽ dĩ nhiên họ không thể mong tất cả học sinh cùng làm một việc vào cùng một thời điểm được. Cái dây chuyền sản xuất công nghiệp này cũng như các trường học và các lực lượng vũ trang của nhiều quốc gia và văn hóa phương Tây. Cho tới vài thập kỷ trước, trường học giống như trại lính và nhà thương điên vậy. Thậm chí giờ nghỉ cũng bắt đầu và kết thúc bằng một hồi chuông tự động, chứ chẳng có một âm thanh con người, nhằm đào tạo trẻ nhỏ tự huấn luyện, từng chút từng chút một, đứng thành hàng, theo một hàng gạch nhất định, lần lượt theo sau lưng người khác, với quy chuẩn từ thấp đến cao.

Suốt thế kỷ qua, chúng ta đã tạo ra những trường học cứ như thể chúng là nhà tù hoặc xưởng sản xuất, đề cao sự vâng lời với luật lệ và quy định xã hội. Trường học đã được hình dung như là nơi sản xuất những công dân vâng lời, những công nhân có ích và những kẻ tiêu dùng hàng hóa đều đặn, nơi là con người dần biến thành những con số, điểm số và số liệu. Yêu cầu và sức ép của hệ thống cuối cùng làm giảm hoặc làm mất nhân tính của tất cả mọi người, bởi vì nó bao trùm lên toàn bộ thầy cô, hiệu trưởng và các nhà quản lý giáo dục. Tất cả bị biến thành một đám người đồng nhất với những tư tưởng đồng nhất, nhằm tạo ra những kết quả tương tự nhau.

“Tất cả chúng ta phải biết cùng một thứ. Mặc cho thực tế là chúng ta, những người lớn, đều chẳng thể biết cùng một thứ, cũng chẳng làm cùng một việc. Và ở trường, thì ai cũng phải làm cùng một thứ, và phải làm thật tốt nữa. Vì thế, trường học không thể có khả năng thỏa mãn những nhu cầu của từng cá nhân, bởi vì trường học là đào tạo, và chúng là các trung tâm đào tạo, việc của họ là thế. Người nào không chịu học, sẽ bị tụt lại phía sau. Nó là như thế đấy.

Điều này ngụ ý rằng, hệ thống giáo dục là một hệ thống phân chia và loại trừ giai cấp: Nó lựa chọn một phần vào đại học để họ trở thành một phần của tầng lớp quý tộc, để lãnh đạo các công ty và quá trình sản xuất của cải, để đứng đầu các hệ thống kinh tế và truyền thông… Và còn những người khác, những người không thích ứng được với trường học, sẽ “lĩnh án” phải làm những công việc bấp bênh hơn bởi họ không có bằng cấp để làm những công việc khác. Hệ thống và các chính phủ, đáng tiếc, chẳng quan tâm đến điều này. Thực chất, họ không thèm quan tâm tới con người như là con người, như là các cá nhân. Và với những tiêu chí này, các hệ thống giáo dục khác, nhằm tìm kiếm cho những mục đích khác, phải bị cấm.”

Sự thực là cốt lõi của mô hình trường học theo kiểu Prussian được xem là trung tâm của hệ thống giáo dục ngày nay. Các bài kiểm tra theo tiêu chuẩn, chia thành độ tuổi, các lớp học bắt buộc, chương trình học xa rời thực tế, hệ thống đánh giá xếp loại, áp lực lên giáo viên và học sinh, cơ chế thưởng phạt, thời khóa biểu chặt chẽ, tách rời và khép kín khỏi cộng đồng, hệ thống học bậc thang… tất cả những điều đó vẫn là một phần không thể thiếu của trường học. Ngay cả ở thế kỷ 21 này.

Trường học không thể bị đánh đồng với giáo dục. Trường học cùng lắm chỉ là một tấm bản đồ cũ kỹ về kiến thức, và giáo dục là vùng đất mà ở đó, việc học thực sự đang xảy ra.

 

(Còn tiếp, còn dài lắm, phim 2 tiếng lận, mà đây mới chỉ gần 30 phút đầu phim thôi, các bạn củng hộ mình sub tiếp không ạ? Thật ra không ủng hộ mình cũng sẽ làm, đừng lo. ^^)

https://www.youtube.com/watch?v=9CcNO4mDd5M

Tham khảo

 

Phi Tuyết

Tuổi tác và sự già đời

Featured Image: il lele

 

Thực ra cái chủ đề này hơi khó bắt đầu… Thôi cứ đi từ khái niệm.

Tuổi tác là gì? Mình khi nghe đến cụm từ này sẽ nghĩ ngay đến số năm sống từ khi sinh ra. Một nghĩa đen hoàn toàn. Và trong số đó chia ra các tuổi: Nhi đồng, thiếu niên, trẻ vị thành niên,… Những giai đoạn của cuộc sống sẽ đi kèm tuổi tác của mỗi chúng ta, và mỗi một độ tuổi sẽ có những quyết định mang tính bước ngoặt đánh dấu sự trưởng thành về mặt tuổi tác. Tuổi tác thực sự là một điều khiến ta phải suy nghĩ vì nó ngày một lớn mỗi ngày và khiến ta phải chắt chiu từng cơ hội hơn.

Sự già đời là gì?  Đây quả thực là một khái niệm khó giải thích, nó nôm nà là một sự trưởng thành. Sự trưởng thành đó có được là do có những bài học đúc kết ra được từ những trải nghiệm mới mẻ trong cuộc sống. Trời ơi khó giải thích thật! Đến Google còn không biết là gì. Vậy tùy theo cách hiểu của mọi người nhé. Mình thì hiểu như vậy!

Câu hỏi đặt ra: Tuổi tác và sự già đời có mối quan hệ như thế nào? Thoạt nghĩ thì hầu như ai cũng nghĩ ngay ra tuổi tác tỷ lệ thuật với sự già đời. Tuổi tác càng cao thì sự già đời càng nhiều thêm. Đúng, rất đúng. Bởi vì tuổi tác càng cao thì trải nghiệm càng nhiều và đương nhiên từ những sự trải nghiệm đó chúng ta có được sự già đời hơn. Nhưng liệu có thực sự ai cũng vậy? Bởi ở một xã hội ngày một phát triển như hiện tại, những đứa trẻ tầm 9 – 10 tuổi nhiều khi đã có được những trải nghiệm cảm giác mà ở thế hệ bố mẹ chúng nhiều khi ngoài 20 tuổi mới có cơ hội được trải nghiệm cảm giác tương tự. Điều đó đem lại cho những đứa trẻ sự già dặn hơn, chững chạc hơn. Trải nghiệm tôi muốn nói ở đây không phải là dạng như kiểu: Lần đầu đi máy bay, lần đầu được đi du lịch,… mà kiểu trải nghiệm như va chạm trong đời sống, tự lập sớm là một dạng như vậy.

Nhiều người lớn bây giờ nghĩ rằng trẻ con thì sẽ có những suy nghĩ của trẻ con và cho rằng không cần quan tâm lắm đến những suy nghĩ đó. Đó quả thực là một quan điểm rất sai lầm, trẻ con thông minh hơn họ nghĩ và có vài câu hỏi trẻ con đặt ra chưa chắc người lớn đã trả lời cũng như giải thích được cho chúng. Trẻ con nhiều khi đem lại cho người lớn một sự tò mò. Nhiều đứa trẻ có được sự chững chạc, độc lập. Để có được điều đó một phần nhỏ cũng từ sự kỷ luật, nghiêm khắc nhưng mềm dẻo của cha mẹ. Nhưng phần lớn vẫn là những va chạm lớn trong cuộc sống mà những người làm cha làm mẹ không khó để cho chúng cơ hội để va vấp, chúng phải tự xoay sở trong những tình huống khác nhau để rút ra cho mình những bài học, những sự nhìn nhận vấn đề một cách khách quan.

Vậy nên nhiều đứa trẻ dù tuổi đời còn rất trẻ đã sở hữu một suy nghĩ mà tưởng chừng chỉ người lớn mới có thể sở hữu được. Ở chúng luôn có một sự già dặn, đứng đắn nhưng vì vẫn “trẻ con” mà, tránh sao được sự non nớt trong từng tình huống. Nhưng không vì thế mà chúng mất đi chất “người lớn” trong mình. Ngược lại, nhiều người cho dù tuổi tác cao nhưng lại có những suy nghĩ “trẻ con”, tỏ ra ăn thua với những người ít tuổi hơn rất nhiều. Nhưng một phần trong họ vẫn luôn có suy nghĩ: “Chấp gì trẻ con.” Thực ra thì không biết ai trẻ con thực sự.

Điều cuối cùng muốn nhắn nhủ: Hãy già đời theo đúng tuổi tác của mình. Cũng không nên già trước tuổi mà cũng không nên trẻ sau tuổi. Đủ luôn là đủ. Hiểu chứ?

Chúc mọi người đủ!

 

No Name

Chiếc áo thứ hai

Featured Image: Wiki Common

 

Theo tự nhiên bao bọc quanh cơ thể chúng ta chính là bộ đồ da người, ai sinh sao nó sẽ thể hiện ra như vậy. Nghĩa là xấu ra xấu, đẹp ra đẹp, chúng ta có sức khỏe tốt thì người đối diện sẽ biết, ngược lại chúng ta có vấn đề về sức khỏe thì người đối diện cũng sẽ dễ dàng nhận ra. Chính vì vậy để che giấu đi những khiếm khuyết đó và tăng thêm phần tự tin chúng ta sẽ tự trang bị cho mình chiếc áo thứ hai, nó là quần áo thời trang, đồ hiệu và trang điểm.

Tôi có cảm hứng viết những điều này khi suy nghĩ về những chia sẻ của em – người quan trọng với tôi. Em có những trăn trở, băn khoăn về vấn đề này. Thú thật tôi đã biết về điều này nhưng tôi không quan tâm đến nó trước đây. Tôi cho rằng chuyện cũng bình thường thôi. Vì ông bà ta xưa có nhắc “người đẹp vì lụa” cơ mà. Nhưng sau khi nghe những chia sẻ về những trăn trở của em tôi giật mình suy nghĩ. Tôi nghĩ mỗi ngày một ít, kèm theo những câu chuyện lẻ tẻ của giới showbiz thì tôi thấy nó thật nghiêm trọng và nó có ma lực hút ghê gớm. Cái ma lực mà một khi đã vướng vào thì thật khó đề dứt ra. Tôi có thể gọi nó với tên gọi mỹ miều đó là một loại ma túy hiện đại. Nó làm cho con người tự tin, phấn chấn, vui vẻ nhưng sau khi dùng nó thì chúng ta sẽ phải sử dụng nó đến chết. Nếu chúng ta tự biến mình thành công cụ của chúng, chúng ta mất lý trí thì điều tồi tệ này sẽ xảy ra.

Tác dụng của chiếc áo thứ hai này ghê gớm như thế nào?

Nó là lớp vỏ bọc hoàn hảo cho chủ nhân của nó. Tùy theo cấp độ của con người mà sẽ có loại phù hợp. Khu bạn là người lệ thuộc về tài chính như sinh viên chẳng hạn, bạn vẫn có nhu cầu ấy nhưng bạn sẽ chọn những loại sản phẩm bình thường, bình dân và phù hợp với nhu cầu hiện tại của chính bạn. Bạn sẽ chọn son môi giá rẻ tạo màu đẹp đáp ứng được mục đích của chính bạn nhưng thành phần chì trong nó thì vượt ngưỡng cho phép, hay phấn mắt, phấn nền, phấn má hồng, vân vân.

Khi bạn ra trường đi làm thì bạn sẽ nâng giá trị con người mình lên theo rất nhiều hướng như củng cố kiến thức, thay đổi vị trí làm việc từ nhân viên thành quản lý, hoặc thay đổi thương hiệu sử dụng mỹ phẩm và trang điểm. Bạn sẽ chuyển sang sử dụng đồ hiệu, dùng các sản phẩm đắt tiền của các công ty thời trang hàng đầu. Khi đó giá trị con người bạn sẽ thay đổi, bạn cũng trở nên tự tin hơn rất nhiều. Vì nó giúp bạn che đi những khiếm khuyết trên cơ thể của bạn, nó giúp bạn đủ tự tin để tương tác với người đối diện bạn mà họ không nhận ra bạn tốt xấu thực tế ra sao.

Giống như câu chuyện mà tôi được kể lại. Đó là một cô nhân viên không hề biết tình trạng sức khỏe của cô chủ của mình. Vì cô chủ này thường dụng trang điểm để ngụy trang với mọi người rằng sức khỏe của cô rất tốt. Cho đến một ngày cô ngất xỉu với gương mặt nhợt nhạt và đưa đến bệnh viện. Lúc đó mọi người mới biết là tình trạng sức khỏe của cô ấy đáng báo động. Chính vì lợi dụng vào trang điểm mà cô gái có thể đánh lừa được mọi người, mọi người giao tiếp, tiếp xúc với cô ấy chỉ nhìn cô ấy bằng lớp áo bên ngoài, đó là lớp kem, lớp phấn, lớp màu sắc được bài trí hoài hòa trên gương mặt cô ấy một cách tuyệt vời bằng công nghệ trang điểm. Chính vì vậy mọi người đều bị đánh lừa một cách ngoạn mục.

Đó là một cái mặt nạ hoàn hảo đế chúng ta lờ đi sự thật của chúng ta. Chúng ta sẵn sàng dùng cái giả dối để giao tiếp với nhau, để tiếp cận với nhau chứ chúng ta chưa bao giờ nghĩ sẽ bỏ cái mặt nạ đó xuống và dùng cái chân thật nhất của con người mình để tiếp cận mọi người. Vì khi đó chúng ta sẽ cảm thấy xấu hổ, chúng ta sẽ biểu hiện là một cô gái rụt rè, lúng túng và mất đi sự tự tin của trước kia. Chúng ta chưa bao giờ cho phép mình chấp nhận cái sự thật này. Cũng giống mấy ông bà trong giới showbiz họ mặc nhiên nghĩ khi họ xuất hiện trước công chúng là hiển nhiện họ phải đẹp, phải sang trọng. Chính vì vậy, mỗi khi ra người họ thường được bọc rất kỹ đó là được bọc trong xe đẹp, quần áo đẹp, lớp bột trang điểm dày và đắt tiền. Rất vất vả và khổ sở.

Đấy là điều mà chắc ai cũng nhận ra nhưng chúng ta đã quen với cái nhịp, cái làn sóng mà xã hội này tạo ra. Chúng ta có lý trí đến mấy thì chúng ta cũng sẽ không thể thoát ra được. Vì đơn giản giá trị của chúng ta sẽ gắn liền với những món đồ xung quanh chúng ta như điện thoại thông minh, quần áo đồ hiệu, túi xách hiệu, xe đẹp, hay là mỹ phẩm mà chúng ta dùng. Một người dùng lọ nước hoa vài ngàn đô một chai với người dùng lọ nước hoa chỉ hơn vài trăm ngàn thì sự khác biệt tôi nghĩ là lớn lắm. Nhưng thiết nghĩ nếu chúng ta cứ nghĩ lớp vỏ ngoài phù phiếm đó chính là giá trị của mỗi chúng ta thì chúng ta sẽ mãi bị lệ thuộc vào nó.

Hãy xây dựng chân giá trị con người dựa trên nền tảng của sự thật. Chính cái giá trị bền vững này của mỗi chúng ta sẽ giúp chúng ta tỏa sáng hơn, thu hút hơn và tự tin hơn so với dùng chiếc ai thứ hai này gấp nhiều lần. Do đó, đừng để mình ngộ nhận và mù quán với những gì mà xã hội đang ảnh hưởng lên chúng ta các bạn nhé.

 

Mr Lias

Vì gia đình là bến đỗ nơi ta có thể quay về

Featured Image: Mental Picture

 

Gia đình ở hai tiếng ba, mẹ

Tôi nhớ lúc nhỏ có đọc được trong cuốn sách giáo khoa môn Giáo Dục Công Dân năm cấp hai một câu ngạn ngữ Châu Phi. Câu nói ấy ý như sau:

“Dù con cái có là rắn độc thì bà mẹ vẫn ôm ấp nó quanh hai bầu vú của mình.”
— Ngạn ngữ châu Phi

Câu nói ấy gây ấn tượng mạnh với tôi đến tận ngày nay vì hình ảnh một người dám để rắn độc cắn mà chỉ nghĩ đến thôi tôi cũng đã rùng mình. Tôi tự hỏi, điều gì ở  những người phụ nữ bé nhỏ này đã có thể khiến người trở nên mạnh mẽ đến như vậy. Câu hỏi ấy vẫn còn bỏ ngỏ.

Thế là tôi nghĩ đến mẹ tôi.

Ngày xưa khi còn nhỏ, tôi hay ốm yếu bệnh tật. Tôi sốt nhiều đến mức đã nghĩ đó là chuyện bình thường, ai cũng như tôi. Chỉ đến khi năm lớp tám tôi mới nhận ra để rồi tự hỏi vì sao tôi chẳng bao giờ nghe thấy ba mẹ than phiền vì có đứa con ốm yếu như tôi. Tôi luôn nhớ cái hình ảnh giữa đêm thức giấc, hình ảnh mẹ ngồi kế bên, chán mẹ nhăn nheo vì lo lắng, tay mẹ thì luyên thuyên hết đắp khăn lên trán đến nắm tay nắm chân cho tôi đỡ lạnh. Đến giờ tôi mới nhận ra, dù tôi có bệnh hàng tháng đi chăng nữa thì tôi vẫn là con của mẹ, và mẹ vẫn sẽ mãi lo lắng cho tôi.

Thế là tôi nghĩ đến ba tôi.

Ngày xưa khi còn nhỏ, gia đình tôi sống ở khu chung cư dành cho giáo viên. Mỗi mùa nước lũ, ba mẹ phải lấy tất cả chăn nệm trong nhà để ngăn nước tràn vào nhà. Chỉ có một mùa nước lũ, nước mưa lớn quá dù có ngăn thế nào nước vẫn tràn vào nhà, ngập đến đầu gối của ba. Để tôi có thể tự do đi lại, ba đã đặt những chiếc ghế nhựa khắp nhà. Lúc ấy bé con tôi cứ nghĩ đó là trò chơi, chạy lên hết cái ghế này đến lên cái ghế khác, rất thích thú. Một tối tôi muốn đi nhà vệ sinh. Gấp rút quá ba không biết phải làm thế nào, đã ẫm tôi trên lưng rồi chạy như bay vào nhà vệ sinh, tìm cái ghế cho tôi ngồi trên đó. Chỉ đến lúc đó thôi tôi mới nhận ra, chân ba đẫm trong nước mưa bầy nhầy dơ bẩn để chân tôi khô ráo sạch sẽ.

Thế là tôi nghĩ đến ba mẹ của các bạn.

Tôi nghĩ đến những người ba người mẹ đã vì bạn mà sáng đi chiều về, mồ hôi nhễ nhại, chỉ kịp lấy khăn thấm, ăn vội vài miếng cơm, nằm nghỉ vài phút đồng hồ quí giá, để rồi lại tất bật ra đi trong buổi trưa nắng như thiêu như đốt. Tôi nghĩ đến những người ba người mẹ vì cuộc đời của bạn mà bỏ qua cuộc đời của bản thân. Tôi nghĩ đến những người ba người mẹ vì bạn trên giảng đường đại học mà đứng bán xôi bán bánh hay ngủ lây lất ở những khúc đường thành phố. Tôi nghĩ đến những người ba người mẹ vì bạn mà đứng đợi trước cổng trường, lo lắng đến mức nước mắt rưng rưng. Tôi nghĩ đến những người ba người mẹ đã thức để lo giấc ngủ của bạn được tròn vành.

Đó là những hình ảnh tôi đã được nhìn thấy trên mặt báo những ngày thi đại học gần đây và thật tâm tôi tin rằng bản thân các bạn còn vô vàn những kỷ niệm đẹp đẽ khác của riêng ba mẹ dành cho các bạn.

Tôi biết có nhiều người đến khi ba mẹ qua đời mới nhận ra được tài sản vô giá đó của mình. Tôi cũng biết có nhiều người may mắn hơn, đến khi sinh ra đứa con đầu lòng mới nhận ra tình mẫu tử thiêng liêng cao cả như thế nào. Thế nên tôi tự định đoạt cái may mắn của mình để có thể nâng niu cái báu vật của mình lâu hơn cả họ. Vì dù thời gian còn lại là rất nhiều thì với tôi vẫn là chưa đủ.

Và tôi thật tâm mong muốn các bạn nhận ra được báu vật và sự may mắn của riêng mỗi các bạn.

Hãy nhìn vào khuôn mặt của ba mẹ các bạn, nhìn những nếp nhăn thấm đẫm sương, những đôi mắt mờ đi vì năm tháng mà sao quá đỗi trong veo và đong đầy cảm xúc. Hãy nhìn những mái đầu bạc phơ vì sương gió, những bàn tay rám nắng và chai sạn, cái lưng khòm đi vì gánh nặng gia đình mà sao vẫn to lớn và vĩ đại.

Ba mẹ của chúng ta đẹp đẽ biết bao nhiêu.

Gia đình ở hai tiếng bạn bè

Nhưng rồi cuộc đời của mỗi người là mỗi khác nhau. Và có những cuộc đời được sinh ra, với vô vàn những lý do khác nhau, không được hay đã không còn được tận hưởng cái hơi ấm từ tài sản quý giá này, tôi muốn gửi gắm đến bạn một câu nói của giáo sư Meg Jay trong cuốn sách The Defining Decade:

“Những người có gia đình tan vỡ như Emma cảm thấy như cuộc đời họ sẽ sống trong đau khổ. Họ lớn lên tin tưởng rằng gia đình là của người khác và rằng họ sẽ không bao giờ với tới được. Giải pháp duy nhất của họ là tìm đến bạn bè, bác sĩ tâm lý, hoặc bạn trai để được nghe những lời an ủi, hoặc chỉ để nguyền rủa cái gọi là gia đình. Điều mà chẳng ai nói với những thanh niên tuổi hai mươi như Emma đó là cuối cùng, và bỗng dưng, họ có thể chọn lựa và tạo dựng được gia đình cho chính bản thân họ. Và đây chính là gia đình mà cuộc đời họ thuộc về, là những người sẽ định nghĩa những thập kỉ tiếp theo của cuộc đời họ.”

(“Clients like Emma feel destined for unhappiness because of broken families. They grew up believing that family was beyond their control, or something other people got to have. The only solution they have ever known has been to turn to friends or therapists or boyfriends for moments of solace, or to swear off family altogether. What no one tells twentysomethings like Emma is that finally, and suddenly, they can pick their own families—they can create their own families—and these are the families that life will be about. These are the families that will define the decades ahead.”)
— Meg Jay, PhD in The Defining Decade.

Hãy nhìn xung quanh các bạn, tìm cho mình một hay những người mà bạn tin tưởng. Những người thật lòng yêu thương bạn và bạn thật lòng thương yêu. Những người mà bạn cảm thấy may mắn và tự hào được gọi hai tiếng bạn thân. Những người sẽ lắng nghe bạn nói, thương yêu, chia sẻ, vì đó sẽ là một gia đình mới hơn, một gia đình rất riêng của bạn.

Gia đình không chỉ ở hai tiếng “gia đình”

Gia đình không chỉ đơn thuần là những danh từ như “gia đình” là “ba” “mẹ” “anh” “chị” “em” hay “bạn bè”. Gia đình có cái nghĩa sâu xa hơn rất nhiều mà đôi khi vì vòng quay cuộc sống chúng ta bỗng quên khuấy đi mất. Gia đình, đó là những người thật lòng yêu thương bạn; những người mà bạn tin rằng, dù bạn có thay đổi thế nào, ở xa cách mấy, thì họ vẫn sẽ luôn ở đó, là bến đỗ nơi ta có thể quay về, là nguồn động viên, là tình yêu thương, là sự quan tâm chăm sóc không bao giờ thay đổi.

Hãy gửi đến họ những nụ hôn nồng nàn nhất, những cái ôm ấm áp nhất, những dòng thư thật tâm nhất, những lời nói yêu thương sâu thẫm nhất trong lòng bạn.

Vì bạn, vì họ, vì chúng ta xứng đáng được nhận yêu thương.

Tôi thân chúc các bạn hạnh phúc.

http://www.youtube.com/watch?v=nGbb9uvNiBw

 

 Trân Nguyễn

Lá thư gửi một bạn 18 tuổi trên con đường tương lai ít ai chọn

Featured Image: Oksana

 

Gần đây có một bạn 18 tuổi mới tốt nghiệp có viết thư hỏi xin tôi lời khuyên để chọn ngành nghề khi chưa sống, làm việc & trải nghiệm đủ để đưa ra một quyết định sáng suốt.

Cậu ấy viết: “Cháu có nên chọn con đường ít người chọn hơn, mạo hiểm hơn và cũng nhiều mối lo hơn, hay là chọn một khóa cao đẳng, đại học nào đấy mà cháu thích, có vài tấm bằng rồi tính tiếp. Cháu nghĩ mình không muốn trở thành hình mẫu Joe-mỗi-ngày-9-tới-5 ở công sở đâu. Cháu muốn khác biệt với số đông, cháu muốn gây ảnh hưởng tới thế giới này, cháu muốn hạnh phúc. Làm sao cháu có được khởi đầu tốt nhất vào thế giới của người lớn?”

Một câu hỏi rất hay. Điều tôi thích ở cậu bé là dám đặt câu hỏi. Hầu hết các bạn 18 tuổi đều chỉ chọn con đường an toàn cho xong.

Đây là những gì tôi sẽ trả lời: Chọn con đường ít được chọn hơn.

Nếu cháu không muốn trở thành hình mẫu Joe-mỗi-ngày, 9-tới-5 làm việc công sở, đừng đi theo con đường mà những người khác chọn.

Nếu cháu muốn khác biệt với đám đông, cháu phải chọn đi con đường khác. Ta đã chọn đi con đường an toàn khi ta 18, có được một công việc rồi đi học đại học, khoan hãy trách ta… điều đó cũng lấy đi của ta gần 20 năm để cuối cùng tìm ra việc ta thích làm. Thực không lấy làm vui khi phải đi trên còn đường mà nhiều người chọn chỉ vì bị đặt vào một cái nghề mà ta thực sự chả thích gì nó.

Đúng là chọn con đường nghề nghiệp khác với đa số thì đáng sợ hơn thật. Không có gì đảm bảo cả. Cháu phải dấn thân, dám mạo hiểm, trở nên khác biệt, trở thành cái gai trong mắt người khác. Cô đơn.

Nhưng sự cô đơn này chỉ là tạm thời thôi. Cháu sẽ sớm tìm ra những người cũng đang tạo ra sự khác biệt, cháu sẽ có được sự gắn bó đặc biệt với họ, rất khác với mối liên kết với những người chọn đi theo lối mòn. Cháu sẽ được những người này truyền cảm hứng và ngược lại.

Còn sự sợ hãi là bài học đáng giá – Nếu cháu có thể vượt qua được sự sợ hãi đó, cháu có thể làm được tất cả. Cháu không bị giới hạn bởi một thế giới thoải mái và an toàn.

Vậy cháu làm gì trên con đường đáng sợ, cô đơn mà thú vị này? Câu trả lời tùy thuộc vào cháu – cháu được cổ vũ để tự mình khám phá ra những điều này.

Đây là một số ý tưởng:

  • Cháu phải biết mình là ai. Ngẫm nghĩ rồi viết (blog). Đấy là 2 công cụ tốt nhất để cháu khám phá ra mình là ai.
  • Tự học. Internet có bất cứ thứ gì cháu muốn học, từ viết cho đến làm hoạt hình 3D tới lập trình rồi xây nhà hay đánh đàn ghi-ta. Đừng bao giờ ngừng học hỏi.
  • Tìm ra được động lực của cháu. Sẽ có rất nhiều lần cháu cảm thấy chả muốn làm gì cả. Đấy là một vấn đề cần phải có, bởi vì cháu sẽ phải tìm ra cách để giải quyết nó hoặc là đi xin một công việc nhàm chán nơi mà người khác thúc đẩy cháu. Xử nó. Cháu sẽ chuẩn bị được nhiền hơn trên con đường của mình.
  • Tìm ra được đam mê của cháu. Điều này không dễ dàng gì, bởi vì nó cần phải mất rất nhiều lần thử và sai. Thử nhiều thứ. Khi cháu giỏi thứ gì đó, cháu sẽ thích nó hơn. Ai cũng phải bắt đầu từ đâu đó.
  • Giúp người khác. Khi ai đó không biết cách làm gì, dạy họ. Khi họ cần giúp đỡ, giúp họ. Khi họ bị kẹt lại, động viên họ. Tìm ra nhiều cách để giúp đỡ. Cháu sẽ học được nhiều điều, kể cả việc tìm ra chấu là ai & cháu đam mê điều gì. Đấy cũng là một động lực tốt.
  • Gặp người khác. Tìm người có cùng sở thích với cháu, làm những việc khác lạ, đi đây đi đó, những người có con đường riêng của họ. Họ rất tuyệt vời và rất vui khi đi chơi cùng.
  • Bớt xài. Cháu xài ít thì không phải làm nhiều. Điều này sẽ giải phóng cháu cho việc học hỏi & khám phá nhiều hơn.
  • Khám phá thế giới. Cháu không phải bỏ nhiều tiền cho việc đi du lịch nếu cháu xài ít. Gặp những con người mới. Học nhiều ngôn ngữ mới. Làm những việc nên làm.
  • Giỏi một thứ gì đó. Luyện tập, đọc nhiều, quan sát những người giỏi, lấy ý tưởng của họ rồi biến thành cái của mình, làm trên nhiều dự án mà cháu thấy thích và học từ đó, luyện tập thêm nữa.
  • Dạy cái gì đó có giá trị cho người khác. Nếu cháu học lập trình, dạy cho 1 người mới nhập môn. Cháu học cái gì, dạy cái đó. Người ta sẽ biết ơn cháu.
  • Làm freelancer lấy tiền. Bất kể khi nào cháu học được một kĩ năng mới, cho người khác thuê trên mạng. Cháu chưa cần phải thật tuyệt vời, chỉ cần đừng lấy(charge) nhiều tiền. Cố gắng đúng hẹn. Được tin tưởng, tiếng lành đồn xa.
  • Bán một cái gì đó. Làm một cái sản phẩm nhỏ, ảo hay thật gì cũng được, bán nó. Cháu sẽ học được rất nhiều từ việc buôn bán.
  • Học cách trở thành một người tốt. Đúng hẹn. Cố gắng không trễ deadlines. Thành thật. Học cách đồng cảm. Giữ lời. Nhất là với bản thân cháu.

Chỉ cần làm được một nửa những điều trên thôi, cháu sẽ thích con đường mình chọn. Nếu cháu làm được gần hết, cháu sẽ gây được ảnh hưởng tới thế giới. Khi nào cháu chọn theo con đường này được ít nhất 6 tháng, gửi thư cho ta biết cháu như nào rồi.

Thân ái, Leo.

 

Edit: THĐP
Dịch: Bơ Đường