30 C
Nha Trang
Thứ bảy, 2 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 201

Xác định đúng trọng tâm cuộc đời, rồi ta sẽ không bao giờ còn cảm thấy chông chênh

Featured Image: Cuba Gallery

 

Cuộc sống này vốn không chỉ là hương thơm của hoa hồng và vẻ thơ mộng của dòng sông, nó bao gồm cả những phút giây bạn bị gai đâm cho tứa máu hoặc vẫy vùng giữa dòng nước chảy xiết nữa. Những khó khăn và cạm bẫy luôn chực chờ, chỉ cần ta lơ là và mất cảnh giác sẽ xô tới, nhào nặn ta thành những vật thể đôi khi chính ta cũng không thể hình dung.

Sẽ có những lúc bạn loay hoay, hoang mang và vô định. Cảm giác chông chênh, mệt mỏi và hoàn toàn mất phương hướng. Đó có thể là khi bạn thi trượt cuộc thi mà bạn nghĩ là quan trọng nhất đời mình. Đó là khi người bạn thân nhất quay lưng đi sau khi đâm vào lưng bạn một vết dao. Đó có thể là khi người yêu ngàn năm của bạn nói rằng không còn yêu thương bạn nữa. Đó cũng có thể là khi bạn làm cha mẹ thất vọng về mình vì bạn không nghe theo họ. Đó là khi con đường sự nghiệp của bạn bị khựng lại sau nhiều năm phấn đấu…

Sẽ có nhiều, rất nhiều những khoảnh khắc bạn hoang mang, lo sợ và run rẩy vì không biết bám víu vào đâu. Vì những gì bạn tin tưởng đều tan biến. Đó thật sự là một cảm giác đáng ghét, và tồi tệ. Làm cách nào để ta đứng vững giữa muôn vàn cạm bẫy khó khăn thử thách? Làm cách nào để ta luôn hiên ngang vững vàng trên đôi chân mình và luôn mở rộng vòng tay chào đón những điều dễ thương của cuộc đời? Liệu có thứ gì luôn ở bên và giúp ta vượt qua những trở ngại? Thứ gì đó dẫn đường chỉ lối cho ta đi xuyên qua màn đêm sóng gió để đạt được điều mong muốn?

Để vượt qua được những khoảnh khắc đó, bạn phải tìm kiếm cho mình một điểm tựa vững chắc, kiểu điểm tựa luôn luôn ở đó, luôn luôn cho bạn lời khuyên và không bao giờ rời xa bạn. Đến cái bóng cũng rời xa bạn khi bạn đi vào bóng tối, nhưng điểm tựa thì không, hãy tìm kiếm một điểm tựa- một tâm điểm như thế. Thứ mà tôi gọi là “trọng tâm cuộc đời”. Là thứ bạn cần phải có và nên có, dù cho bạn tuổi thiếu niên, thanh niên hay khi đã trưởng thành. Hãy luôn xác định trọng tâm cho cuộc sống và làm mọi điều hướng về nó. Bạn sẽ không lạc lối và thất vọng. Cũng như cách mà ta tạo nên một vòng tròn, đó là một đường cong bao quanh một tâm điểm với khoảng cách bằng nhau, nếu có bất cứ khúc cong nào đi xa hay gần hơn tâm điểm thì hình đó không còn là hình tròn nữa, chỉ là một hình na ná hình tròn mà thôi. Cuộc sống cũng vậy, để nó luôn đi đúng hướng thì bạn cần phải có một tâm điểm.

Có nhiều cách để xác định tâm điểm, một trong những cách mà phổ biến đó là việc đặt những tâm điểm khác nhau vào từng giai đoạn cuộc đời khác nhau, ví dụ như khi là học sinh thì ta có thể đặt tâm điểm vào cha mẹ, khi trưởng thành thì đặt tâm điểm vào sự nghiệp, bạn đời, sau đó là vào con cái và gia đình… Rất nhiều cách để bạn đặt tâm điểm cuộc sống, và thường mỗi người lại có những cách đặt khác nhau. Sau đây tôi sẽ hướng dẫn cho các bạn một cách đặt tâm điểm khác, được đề cập bởi Stephen Covey, tác giả cuốn “7 thói quen của bạn trẻ thành đạt“. Nó khuyên bạn như thế này:

Đặt trọng tâm cuộc sống vào của cải, vật chất

Ôi không, nếu có ai đó khuyên bạn đặt trọng tâm cuộc sống vào của cải vật chất thì đó sẽ là lời khuyên tệ hại nhất trong đời bạn được nghe. Trọng tâm vốn dĩ là thứ cần vững chắc, chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn đặt nó vào những thứ dễ tan biến nhất trên đời. Của cải vật chất có thể khiến bạn nổi bật, có thể khiến bạn có một cuộc sống thoải mái. Nhưng nó là thứ mong manh và phù du. Hôm nay bạn có nó, ngày mai nó có thể biến mất, nhanh như bong bóng xà phòng vậy. Quy luật của tiền bạc là phải luôn dịch chuyển, nó sẽ không bao giờ đứng yên, không có gì có thể đảm bảo nó sẽ ở cạnh bạn mãi mãi. Khi là một người chú trọng vật chất, bạn dễ dàng phạm sai lầm và thường có xu hướng bất chấp tất cả để đạt được những thứ bạn muốn. Điều này không tốt và cũng không nên. Một chiếc điện thoại xịn, một bộ quần áo đẹp, một con xe láng bóng không giúp bạn vượt qua được những khó khăn thử thách trong cuộc sống.

Có câu nói rất hay thế này “Nếu như tôi có tất cả những thứ giúp chứng minh tôi là ai, thì khi những thứ đó mất đi, Tôi là ai?” Cũng vậy thôi, đừng để của cải vật chất và những thứ hào nhoáng bên ngoài định nghĩa con người bạn, bạn đáng giá hơn thế, hơn những thứ có thể mua được bằng tiền, đừng định giá trị bản thân chỉ bằng những món trang sức dính ngoài da đó. Rất rất nhiều người sống trong giàu có mà chẳng thấy hạnh phúc gì. Họ chính là những nạn nhân của trò chơi cuộc đời, và bước đi sai lầm của họ chính là đặt trọng tâm cuộc sống vào vật chất.

Đặt trọng tâm cuộc sống vào chuyện học hành, bằng cấp

Mới đầu nghe thì có vẻ hợp lý, khi mà suốt những năm tháng ấu thơ cho tới khi trở thành những thanh thiếu niên. Bắt đầu từ khi biết nhận thức bạn sẽ được nghe đều đặn những câu dặn dò ngọt ngào: “Cố gắng học thật tốt con nhé, con chỉ cần học thật giỏi thôi đừng lo lắng gì cả, chúc con học tốt, con ăn nhiều vào để học cho giỏi…” Tất cả mọi thứ xung quanh chúng ta đều được quy vào việc học, học giỏi là tốt, là ngoan, là hiếu thảo, học dốt là mất mặt, là xấu hổ, là lo sợ cho tương lai… Từ đó chúng ta luôn mặc định việc học là rất quan trọng và rồi cắm đầu cắm cổ vào học quên ngày tháng mà vẫn không biết thực sự chúng ta học để làm gì.

Học giỏi là một điều tốt, đương nhiên, nhưng nó không quan trọng đến mức bạn đặt cả cuộc sống vào nó. Tôi biết có nhiều bạn học ngày học đêm, học không ngừng nghỉ, không phải vì họ thích học, mà vì họ sợ rớt kỳ thi, vì họ muốn duy trì thứ hạng, vì họ không muốn làm ba mẹ mình thất vọng. Riết rồi họ đánh mất luôn cuộc sống của chính mình. Không, cuộc sống này còn rất nhiều chuyện quan trọng đáng làm hơn là việc cắm đầu học lấy bằng cấp rất nhiều. Đừng dồn mọi tâm huyết và lĩnh vực vào đó. Vì biết đâu có một ngày bạn sẽ nhận ra, mình đang lãng phí thời gian làm gì thế này?

Khi đi học, nếu như bạn học giỏi bạn sẽ thường ảo tưởng vào tương lai. Điều này rất có hại, nó biến bạn thành những con mọt sách chẳng biết gì ngoài lý thuyết. Nó khiến bạn bỡ ngỡ và thậm chí sẽ làm cho bạn cực kỳ thất vọng khi bước vào đời. Vì sống trên đời vốn dĩ người ta không quan tâm chuyện trên trường bạn học giỏi đến thế nào, họ chỉ quan tâm bạn hành xử ra sao và có được việc không mà thôi. Mới đây chúng ta cũng được nghe câu chuyện về việc một anh chàng học hành cực giỏi giang, sau khi chứng kiến lớp đàn anh chị cũng rất giỏi giang đang chật vật loay hoay với cuộc sống, bất mãn về cuộc đời đã đổi hướng đi cho mình. Đó chính là ví dụ điển hình cho việc đặt trọng tâm vào học vấn, nó chẳng mang lại gì cả ngoài mớ kiến thức mơ hồ và rất nhiều khoảng thời gian quý giá bị phí hoài đi.

Thời điểm này khi các trường đại học – cao đẳng công bố điểm thi, sẽ có rất nhiều bạn trẻ đau khổ, uất ức, nhục nhã và thậm chí muốn chết đi vì không tin được mình lại trượt. Cũng là dễ hiểu khi xưa đến nay mọi người đều cho rằng đó là một kỳ thi quan trọng đến mức có thể thay đổi số phận của con người, quan trọng đến mức cả 12 năm học tiểu học – trung học chẳng để làm gì ngoài mục tiêu là đậu đại học. Thật nhảm nhí nhưng cũng thật tiếc vì đó là sự thật. Những con người đau khổ vì điểm số và thất vọng vì kết quả thi cử, đó chính là những người đặt trọng tâm cuộc sống vào việc học. Họ sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc nếu kết quả không đủ tốt. Từ khi nào bạn lại có thể chấp nhận những con điểm số chi phối cuộc đời mình như vậy?

Đặt trọng tâm cuộc sống vào bạn bè

Ai cũng biết bạn bè thì thật là quan trọng, các bạn càng trẻ, nhất là các bạn teen thì lại càng quan trọng việc chơi trong một nhóm bạn bè. Ở cái lứa tuổi ấy, bạn bè là tất cả, chúng cùng nhau làm mọi việc, thề nguyện sống chết vì nhau. Còn gì tuyệt vời hơn việc có một đám bạn thân cùng sở thích. Mỗi ngày, mỗi tháng lại lên kế hoạch cùng nhau làm những việc điên rồ nhưng thật vui vẻ. Chính họ đã tạo cho chúng ta một khoảng trời tuổi trẻ đầy ắp kỷ niệm. Và rồi ta nghĩ sẽ sát cánh cùng nhau mãi mãi, nghĩ rằng sẽ không có gì ngăn cản được tình bạn tuyệt đẹp này.

Lớn hơn rồi bạn sẽ hiểu, bạn bè không là tất cả. Một nhóm bạn thân trung học khi lên đại học sẽ chẳng mấy khi còn gặp nhau nữa. Một nhóm bạn đại học khi đi làm rồi đôi khi sẽ chẳng dành được cho nhau một tối cuối tuần. Ai rồi cũng lớn lên, cũng có những công việc riêng, những mối quan tâm và quan hệ riêng mà họ phải bù đầu đối mặt. Chẳng mấy người còn nhớ đến cái lời thề nguyền cắt máu anh thề nhận huynh nhận đệ khi xưa cả. Tất nhiên vẫn rất nhiều người duy trì được những nhóm bạn thân, thường dễ nhất là khi họ học chung trường, ở chung khu phố hay thậm chí làm cùng công ty nữa. Nhưng sẽ luôn có một khoảng cách được tạo ra, khi chúng ta tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Và những cậu bạn thân sẽ không còn là thứ bạn muốn quan tâm nhất trên đời nữa.

Mọi việc xảy ra một cách rất tự nhiên, thậm chí đến một lúc nào đó vô tình nhìn lại, bạn sẽ chợt thốt ra, a, thằng này ngày xưa tao với mày thân lắm nè, mày còn sống hả con? Hay ê nhận ra tao không? Ngày xưa chơi chung nhóm thân quá trời quá đất nè…

Thế đấy, việc hết mình vì bạn bè thì không có gì sai. Nhưng nếu bạn đặt trọng tâm cuộc sống vào những người bạn thì lại không khôn ngoan chút nào. Không chỉ có thời gian và khoảng cách khiến cho tình bạn thay đổi, mà đôi khi có rất nhiều nguyên nhân để hai người đã từng rất thân sẽ không nhìn mặt nhau nữa. Bạn bè hoàn toàn có thể hiểu lầm nhau, tức giận nhau và thâm chí đâm chọt sau lưng nhau nếu cần thiết.

Một mối quan hệ không vững vàng thì không xứng đáng để bạn đặt trọng tâm cuộc sống của mình vào đó. Nếu như bạn gặp vấn đề nào đó, hãy thoải mái chia sẻ với bạn bè, hãy nghe những lời khuyên của họ, nhưng chỉ để tham khảo thôi, đừng để mọi suy nghĩ của họ chi phối hành động của bạn. Mới đây tôi đọc một bài tâm sự của một chàng trai, rằng anh ta đã đánh mất tình yêu của cuộc đời mình, sau khi nghe lời những cậu bạn thân chỉ bảo và đánh giá bạn gái của anh ta. Thật khôi hài, thật vớ vẩn! Tất nhiên rồi, giờ anh ta đang cực kỳ hối hận. Bạn sẽ không muốn cuộc đời mình có những trường hợp như thế đâu.

Đặt trọng tâm cuộc sống vào tình yêu/bạn đời

Đây là một điều rất nhiều người hiện đang làm. Khi có người yêu, bị say đắm trong những điều ngọt ngào hạnh phúc, người ta dễ dàng đặt người yêu của mình vào vị trí trung tâm nhất. Rồi sau đó làm mọi việc vì người đó, người yêu vui bạn vui, người yêu buồn bạn buồn, người yêu tức giận thì bạn cũng đứng ngồi không yên…

Tình yêu là một thứ rất đẹp, nhưng cũng như vật chất, nó là thứ không bền vững. Không gì có thể đảm bảo bạn sẽ luôn hạnh phúc hay người yêu sẽ luôn khiến bạn hài lòng. Đừng đặt trọng tâm cuộc sống vào đó, đừng để cho họ điều khiển bạn, vì hơn ai hết, chính bạn phải điều khiển cuộc đời của mình. Một ví dụ rõ nét và kinh điển trong tác hại của việc đặt trọng tâm cuộc sống vào tình yêu, đó là nếu như cuộc tình tan vỡ, bạn bị phản bội hay chia tay, bạn sẽ đau khổ tận cùng, thậm chí tìm đến cái chết. Ôi không, tình yêu không thể nào quan trọng hơn mạng sống của bạn được. Bạn có thể yêu ai đó hơn mạng sống của mình, có thể nguyện chết vì một người khi đang yêu say đắm. Điều đó nghe có vẻ đẹp đẽ cao vời, nhưng không, tuyệt đối không nên. Cha mẹ cho bạn cuộc sống và bạn nợ họ. Bạn không nợ bất cứ ai ngoài kia mạng sống của bạn, có thể có, nhưng có nhiều cách để trả lại những mối nợ này mà không phải dùng mạng sống. Bạn không thể chết thay một người đã chết chỉ vì họ từng cứu bạn, tình yêu cũng vậy thôi.

Có một quan điểm hết sức sai lầm rằng trên thế giới này thường chỉ có một người duy nhất là một nửa của chúng ta, rằng chỉ có 1/9 tỷ người là thuộc về mình mãi mãi. Ôi không, tôi không học giỏi môn xác suất thống kê, nhưng tôi có niềm tin mãnh liệt rằng thế giới ngoài kia có hàng trăm hàng ngàn người phù hợp với bạn. Chỉ là bạn không tìm kiếm, hoặc chưa thấy, không có nghĩa là họ không tồn tại. Tình yêu là như thế, bạn có thể yêu chỉ một người cả một đời, nhưng bạn cũng hoàn toàn có thể yêu rất nhiều người trong đời, chẳng có con số nào quy định bạn phải yêu bao nhiêu cả. Thế nên đừng quá thần thánh hóa người yêu, hãy chỉ nên xem họ như một mảnh ghép của cuộc đời. Mà một mảnh ghép thì không thể nào làm trọng tâm của cả bức tranh được.

Không đặt trọng tâm vào người yêu/bạn đời, sẽ không có cảnh bạn bỏ bê công việc, sức khỏe, gia đình vì người đó. Sẽ không có những thất vọng hay những câu oán than đại loại “hôn nhân là nấm mồ của tình yêu, tình chỉ đẹp khi còn dang dở, tại sao người ta lại có thể thay đổi đến thế khi kết hôn…”, và tất nhiên sẽ không có chuyện bạn lệ thuộc vào người đó. Cho nên bất cứ thứ gì không ổn định, dễ thay đổi như một con người thì đều chưa xứng đáng để bạn đặt làm tâm điểm.

Đặt trọng tâm cuộc sống vào gia đình, ba mẹ

Đây nghe chừng như một lời khuyên tốt. Nhưng hãy suy xét lại, nếu bạn đồng ý đặt ba mẹ làm trọng tâm cuộc sống của mình, tức là mọi hành động, việc làm của bạn đều hướng về họ, vì họ. Cuộc sống của bạn có tốt đẹp không khi bạn thi vào một trường đại học, học một ngành không hề yêu thích, chỉ vì đó là điều ba mẹ bạn muốn? Bạn có hạnh phúc không khi từ bỏ cô người yêu ngàn năm của mình để lấy một người con gái vừa đẹp người, vừa đẹp nết mà ba mẹ bạn chọn trong khi bạn không hề có chút tình cảm nào với cô ta? Gia đình bạn liệu có ổn, vợ bạn liệu có vui khi bạn không có tiếng nói nào mà mọi chuyện nhất nhất tuân theo sự sắp đặt của cha mẹ? Thế nên, mặc dù mới nghe thì đây có vẻ như là một lời khuyên tốt nhưng thực tế lại không tốt chút nào. Để cho người khác làm chủ cuộc sống của bạn không phải là điều nên làm, dù cho đó là cha mẹ của bạn đi nữa.

Khi tôi nói không nên đặt trọng tâm cuộc sống vào ba mẹ, vào gia đình không có nghĩa là tôi nói bạn không quan tâm hay không yêu thương gia đình hay ba mẹ mình. Tất nhiên là bạn nên và nhất định phải yêu thương, quý mến và kính trọng họ, nhưng không phải bằng tất cả cuộc sống của bạn. Dù cho bạn có một gia đình tuyệt vời đến đâu, bạn cũng chỉ có nửa đời sống với cha mẹ mình, còn lại bạn phải chăm lo cho gia đình riêng của mình. Hãy nhớ, ba mẹ không nên là trọng tâm cuộc sống của bạn, cũng như vợ và con bạn vậy. Họ rất quan trọng, tất nhiên, nhưng chưa đủ làm trọng tâm.

Đến lúc này nhiều bạn sẽ hỏi, vậy thì tôi nên đặt nó vào đâu? Khi mà công việc, gia đình, tình yêu đều không phải sự lựa chọn đúng đắn. Thì đây, đây là lời khuyên khôn ngoan dành cho bạn.

Hãy đặt trọng tâm cuộc sống vào những nguyên tắc sống đúng đắn

Nói tóm lại, bạn bè, sự nghiệp, gia đình, tình yêu… đều là những thứ quan trọng và tuyệt vời, những thứ đáng để ta phấn đấu và trân trọng, nhưng như thế thì chưa đủ. Nó chỉ là nhân tố phụ bởi bạn không thể để bất cứ thứ gì trong đó chi phối mọi thứ xảy ra trong cả cuộc đời mình, trong một vài trường hợp thì được, nhưng cả cuộc đời thì không.

Nhưng có một thứ mà bạn nên đặt và sẽ không bao giờ khiến bạn phải hối hận, đó là “lương tâm”- là từ thu gọn của những nguyên tắc sống đúng đắn mà bạn tự đúc kết hay tích lũy cho mình qua cuộc sống. Đó chính là lời khuyên cho bạn.

Nguyên tắc sống đúng đắn là thứ bạn nên chọn để làm trọng tâm cuộc sống của mình. Vì không ai làm những điều đúng đắn mà lại phải hối hận hay dằn vặt cả. Những nguyên tắc sống không bao giờ thay đổi, không bao giờ phản bội bạn, chúng luôn ở đó để bạn nương vào mỗi khi gặp khó khăn trắc trở trên đường đời. Những nguyên tắc sống đúng đắn luôn có mặt ở đó như một ngọn hải đăng soi chiếu con đường bạn đi, dù là trong công việc, cách đối nhân xử thế hay ứng xử tình cảm, gia đình. Chúng không bao giờ thay đổi khi bạn không muốn. Và chúng luôn là thứ để người khác hướng theo. Những nguyên tắc như luôn đặt uy tín lên hàng đầu, không bao giờ dối trá hay phản bội, luôn làm đúng với lương tâm, kính trên nhường dưới, sống như không có ngày mai, không bao giờ từ bỏ… Chính những điều này, sẽ khiến cho cuộc sống của bạn không bao giờ lầm đường lạc lối, dẫn bạn đi đúng hướng và đạt được mọi thứ trên đời.

Hãy đặt nguyên tắc sống cho những khía cạnh khác nhau trong cuộc đời bạn: Sự nghiệp, tình yêu, gia đình, con cái, bạn bè… và sau đó hoàn toàn đơn giản là tuân theo nó, tuyệt đối hoặc gần như tuyệt đối. Dùng nó như kim chỉ nam soi lối mọi hành động và quyết định của bạn. Bạn cũng có thể thay đổi những nguyên tắc này sao cho phù hợp với tình hình thực tế, nó không nhất thiết là một điều được duy trì mãi mãi. Ví dụ hôm nay nguyên tắc của bạn là không tin tưởng bất cứ ai ngoài bản thân, thì ngày mai bạn có thể đổi nó thành không tin những lời người khác nói, nhưng sẽ nhìn vào những gì người khác làm để đặt niềm tin nơi họ…

Có rất nhiều cảm xúc đáng ghét diễn ra mỗi ngày trong cuộc đời của chúng ta, đó là cảm giác bị lừa dối, cảm giác bị ruồng bỏ, cảm giác thất bại, cảm giác sợ hãi… Riêng đối với tôi mà nói, có một thứ cảm giác còn tồi tệ hơn rất nhiều, đó là cảm giác chông chênh. Chông chênh là khi bạn đứng giữa lưng chừng tất cả, nghi ngờ mọi thứ, sợ hãi tương lai và không biết phải làm gì. Không có gì để bấu víu, để tin tưởng, tất cả đều nhờ nhợ, không có gì rõ ràng cả. Cảm giác đó thật sự đáng sợ, vì nó đeo đẳng, rất khó tìm ra cách giải quyết và chấm dứt cảm giác đó một cách nhanh chóng hay dễ dàng. Đó mới thật sự là cảm giác tồi tệ. Những lúc đó bạn cần tìm ra cái la bàn của mình. Và trọng tâm cuộc đời chính là một trong những chiếc la bàn đó.

Khi đặt trọng tâm cuộc đời vào những nguyên tắc sống, cũng giống như bạn chọn cách để chính bản thân mình điều khiển cuộc đời mình. Đó là điều đúng đắn, vì chính bạn và chỉ bạn mới biết được điều gì là tốt nhất cho bản thân. Trong mọi trường hợp, hãy lắng nghe “lương tâm” của mình.

Thân chúc bạn không bao giờ còn cảm thấy chông chênh.

“Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng cả trái đất lên.” – Acsimet

Điểm tựa là thứ sẽ cho bạn sức mạnh không ngờ. Vậy điểm tựa, hay trọng tâm của cuộc đời bạn, là gì?

 

Phi Tuyết 

Thông báo: THĐP mở cuộc thi viết tháng 8

Featured image: Leilockheart

 

Mục đích

  • Khuyến khích mọi người đọc nhiều hơn, viết nhiều hơn, tư duy nhiều hơn.
  • Mở rộng nhận thức.
  • Chia sẻ ý tưởng, tư tưởng
  • Kết nối tác giả – độc giả

Giải thưởng

Sẽ có 2 giải đồng hạng, cả hai giải sẽ đều do ban giám khảo là các admins của THĐP lựa chọn, cân nhắc dựa theo nhiều yếu tố, chẳng hạn như số Likes, views, comments, độ hay, v.v… Sở dĩ không có giải do độc giả bình chọn là vì thời điểm và nội dung chia sẻ lên fanpage không thể làm sao cho đồng đều được.

Hiện tại mỗi giải thưởng trị giá $25 USD (trên dưới 500k VND). Nếu có thêm mạnh thường quân tài trợ thì con số này sẽ tăng lên. Hiện tại đã có bạn Thạch Phạm — chủ trang web chuyên hướng dẫn tạo blog, website, wordpress, thiết kế, lập trình… khá lớn ở VN, pageviews còn cao hơn THĐP gấp nhiều lần :]] — đứng ra tài trợ cuộc thi này.

Số tiền thưởng sẽ được tính ra bitcoins giá hiện tại và gửi về địa chỉ bitcoins của tác giả. Những ai chưa có địa chỉ btc thì có thể tạo một địa chỉ miễn phí cho mình tại trang blockchain.info uy tín. Nếu không muốn giữ btc thì bạn có thể vào trang BitcoinVietnam để bán ra. Tuy nhiên cá nhân tôi không khuyến khích bán ra. Vì 500k không có là bao nhiêu, chỉ có thể nói là một giải thưởng tượng trưng cho vui khích lệ, trong tương lai nếu giá bitcoin tăng lên thì bán ra sẽ có nhiều tiền hơn 😉 Muốn tìm hiểu thêm về bitcoin thì bạn có thể đọc thêm trong trang này (blog của BCVN), và trang này (blog của admin Nguyễn Hoàng Huy). Mục đích của việc trao giải thưởng bằng bitcoin là để giới thiệu tới mọi người một phát minh mang tính lịch sử của thế giới, cũng như khuyến khích và cổ động việc sử dụng bitcoin tại Việt Nam.

Chủ đề tháng 8

“Nếu bạn chỉ có thể giới thiệu một cuốn sách duy nhất thì cuốn sách đó là gì? Bạn đọc được nó trong hoàn cảnh nào? Tại sao bạn thích nó? Nó có gì hay, có gì ấn tượng? Thông điệp trong sách là gì? Bạn học được những gì từ cuốn sách? Tại sao bạn nghĩ nhiều người nên đọc nó? Vân vân…”

Vì sao lại chọn đề tài này? Vì chúng tôi muốn khơi dậy tinh thần yêu thích đọc sách cho các bạn trẻ VN, khi được biết VN là một trong những nước ít đọc sách nhất thế giới, nhiều người có thể cũng muốn đọc sách nhưng chưa biết đọc sách gì. Nên loạt bài dự thi này hi vọng là sẽ nhiều đầu sách tâm đắc của các tác giả muốn giới thiệu tới mọi người.

Hạn chót nộp bài là 31/08/2014. Kết quả sẽ được tổng kết và công bố vào thứ bảy 6/9/14, giải thưởng cũng sẽ được gửi đi cùng ngày.

Tiêu chuẩn

  • Bài viết không ngắn hơn 1000 từ. Chưa từng đăng trên website nào.
  • Mỗi tác giả có thể gửi nhiều hơn một bài, nếu thấy rằng chỉ giới thiệu một quyển sách thôi là chưa đủ.
  • Trong tựa đề bài viết phải có tên tác phẩm, tác giả, kèm theo tag [BDTT8]  (viết tắt cho: Bài dự thi tháng 8) đặt ngay đầu tựa đề.

Cập nhật (12/8/14): Sau khi đăng thông báo này lên đã có thêm bạn Phi Tuyết và Karmi Phuc muốn ủng hộ thêm cho phần tiền thưởng, nâng tổng số tiền thưởng hiện nay lên $200. Mỗi giải sẽ còn được nhận thêm một tấm bằng khen treo tường làm kỷ niệm làm một món quà tinh thần.

Tại sao nhiều người Việt Nam vô cảm?

Featured Image: Theen Moy

 

Gần đây, báo chí và những người trên mạng chỉ trích lẫn nhau, và  phê phán những người trẻ khá nhiều về chuyện vô cảm, vô tâm, thờ ơ với thời cuộc, người xung quanh, xã hội. Họ nói như thể đấy là một đặc tính cố hữu của người Việt Nam, và cũng như mọi khi, chỉ trích chỉ để mà chỉ trích, tức là không phân tích tại sao lại như thế, cũng không nói phải làm thế nào để thay đổi. Tất cả cứ như một dàn đồng ca, thi nhau xỉa xói rằng người Việt vô tâm, người Việt lạnh lùng đến tàn bạo. Các bác người lớn đĩnh đạc trong nhà nước thì thường nói, giới trẻ ngày nay biến thái, vô cảm vì ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, của văn hóa phương tây, của các trang mạng xã hội độc hại, những câu các bác lải nhải bao nhiêu năm qua mà có khi cũng chẳng hiểu mình đang nói gì. Bản chất của cái việc phê bình mà không đưa ra nguyên do đấy khiến mình khó chịu không kém việc phải chứng kiến những biểu hiện của việc vô cảm kia.

Theo mình thì việc người ta thờ ơ, không dám lên tiếng khi chứng kiến cái xấu, không dám quan tâm khi nhìn thấy người bị nạn, bịt mắt trước những tổn thương của người khác, có mấy nguyên do thế này.

Thứ nhất, ngay từ bé, người ta đã không được phép quan tâm. Một đứa trẻ dám hỏi những câu mà cô giáo không biết sẽ bị quát bắt ngồi xuống, thay vì được khuyến khích hỏi tiếp. Một đứa trẻ dám thắc mắc khi nhìn thấy người lớn đưa bó hoa kẹp phong bì sẽ bị kéo đi, thay vì được trả lời. Có quá nhiều thứ một đứa trẻ lớn lên ở thành phố trong xã hội Việt Nam hiện đại (đối tượng bị phê phán chủ yếu, mấy người nông dân làm ruộng hoặc công nhân may chảy máu ngón tay có thấy bị chê là vô cảm bao giờ đâu), phải học cách hiểu và chấp nhận trong im lặng.

Từ cấp một lên cấp ba, mình bao nhiêu lần phải ngồi chép mỏi tay những bài thi tìm hiểu pháp luật, tìm hiểu Đoàn gì gì đó đơợc phát động mà không hiểu tí gì mình đang chép, chỉ biết là phải nộp cho xong. Rồi một đứa làm chi đội trưởng, liên đội trưởng, trong Đội Thiếu Niên Tiền Phong (đội ngũ kế cận của Đoàn, tức đội hậu bị của Đảng) cũng biết cách bịa đặt từ bé để ghi vào sổ những buổi sinh hoạt chi đội không diễn ra. Lúc đầu cô tổng phụ trách đọc cho viết, sau này đã quen thì tự bịa ra dựa vào các tháng trước. Tất cả những việc không đúng sự thật đó diễn ra như nước thấm dần, có thể đứa trẻ cắc cớ hỏi một hai lần, nhưng rồi nó cũng sẽ nhanh chóng học được cách im lặng. Mà để im lặng trước những điều không hiểu, không hợp lý, thì người ta phải lờ đi, phải giả như không biết, không nghĩ đến, lâu dần sẽ quen.

Đó là chưa kể sức ép phải giống như mọi người của một xã hội đã hàng nghìn năm vận động theo mô hình làng bản, tức là “lệ làng” là quyền uy tối thượng. “Phép vua” – tức là pháp luật quy chuẩn của nhà nước phải thua, thì tất nhiên cái tôi cá nhân bị đè bẹp dúm. Nếu lệ làng là nhìn thấy người ăn xin phải quay mặt đi, xua tay, thì ai không làm như thế sẽ bị coi là kỳ dị. Lệ làng là đi ngoài đường phải chen vào bất cứ khoảng trống nào, nếu không chen mà cứ nhường thì sẽ chôn chân mãi ở một chỗ. Mình nhớ hồi mới từ Canada về, quen thói lịch sự giữ cửa cho mọi người qua, không những không có ai nói câu cảm ơn mà tất cả mọi người cắm đầu đi qua, mình cứ đứng giữ mãi cuối cùng đành bỏ ra để cắm đầu đi giống mọi người.

Cũng là hồi mới về, mình hay có cảm giác khá khó chịu là thấy mọi người như đang di chuyển trong một quả bóng trong suốt, không ai tchạm vào ai. Có lẽ cảm giác đấy đến từ quá nhiều những xét nét (đi xe đạp thì sẽ không dám vào cửa hàng mua quần áo, mặc quần ngố thì không dám vào cửa hàng buffet) mà mọi người phải giữ kẽ để sống cho đúng khuôn khổ của nhau, và từ việc không ai dám quan tâm đến những điều có vẻ khác thường.

Nguyên nhân thứ hai của sự vô cảm (vô thưởng vô phạt) là do thiếu thông tin. Những thông tin đáng bàn nhất, đáng để gây tranh cãi nhất, đáng lẽ ở nước khác có thể gây ra bao nhiêu cuộc bút chiến hay khẩu chiến sâu sắc, thì ở nước ta đều bị bưng bít. Ví dụ như chẳng ai được phép nói về việc dân ở chỗ này chỗ kia đang khởi kiện chính quyền vì thu đất không đúng, dân đang vật vã bệnh tật vì nhà máy sản xuất xả chất thải công nghiệp vào nguồn nước mà kêu không ai xử lý, dân bị đàn áp, dân bị mất mùa vì tính toán sai của những doanh nghiệp thu mua nguyên liệu nhà nước, dân đánh cá đang bị Trung Quốc bắn tỉa.

Tất cả những vấn đề không thể được nói đến đó đương nhiên tạo ra một khoảng trống lớn trên báo đài, và những cơ quan này lại phải lấp vào bằng những tin chẳng ảnh hưởng đến ai, những vụ việc mà dù có đấu khẩu hăng hái cỡ nào cũng không gây nguy hại cho nhà cầm quyền. Nào là ngực to ngực khủng, thằng bé này tí tuổi mà hợm hĩnh, con bé kia dám viết sách bịa đặt, anh ca sĩ nọ diễn trò trên sân khấu. Người dân bị dắt mũi bởi truyền thông, cũng cứ thế là đâm đầu vào bới móc, mổ xẻ, hăng hái tranh đấu vì ý kiến của mình, trong khi những tin tức thật sự cần tranh luận, phản biện, thì hoàn toàn vắng bóng.

Sự bưng bít thông tin này, mà thường là những thông tin đa chiều, dẫn đến việc người dân không có khả năng và thói quen nghĩ ngược lại với những gì mình được dạy, hay còn gọi là tư duy phản biện. Chính vì không thể nghĩ ngược, nên khi gặp cái gì không quen, họ không nghĩ, ngại nghĩ, sợ nghĩ, vì thế lảng tránh để khỏi phải nghĩ. Sự vô cảm là thói quen, vì từ bé đã không được dạy cách lên tiếng, cách thể hiện suy nghĩ cá nhân, và cũng là kết quả của sự bất lực, vì không biết làm thế nào để suy nghĩ độc lập. Vì các thông tin đều phập phù như thế, biết hay không biết cũng chẳng ảnh hưởng gì đến tình hình xã hội, hôm nay có thằng bé to mồm này để dân tình chửi bới thì mai phải có con bé ngu xuẩn khác để bà con lên án cho xôm.

Mình rất thích TED, nhưng khi TED về đến Việt Nam, tất nhiên không dám vơ đũa cả nắm, nhưng qua những video youtube mình xem các bạn quay lại các sự kiện đã tổ chức, thì mình khá thất vọng. TED ở Việt Nam không khác gì những sự kiện diễn thuyết các bạn trẻ tổ chức, mời một số người nổi tiếng nói những bài dài lê thê, không có trọng tâm, thậm chí nhạt nhẽo. Mình cứ tự hỏi nếu những người, tạm coi là có tầm ảnh hưởng đến công chúng, được quyền nói những thông tin có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước, mà không bị kiểm duyệt, được bàn luận về những cái xấu và cái tốt của bộ máy cầm quyền một cách tự do, được đưa ra chính kiến của họ mà không bị bỏ tù, thì liệu các bạn trẻ đang lắng nghe hau háu kia có học được cách suy nghĩ độc lập và nhìn sự việc từ nhiều phía, để từ đó bớt vô cảm hơn được không?

Cuối cùng, nguyên nhân gốc rễ của cả hai nguyên nhân trên, mình nghĩ là do thể chế chính trị. Nếu có sự đối thoại trong nhà nước, thì cũng sẽ có sự đối thoại trong nhân dân. Nếu người dân cảm thấy rằng họ có quyền chất vấn, và thật sự có khả năng xoay chuyển tình thế, họ sẽ quan tâm nhiều hơn. Những nước phương Tây người dân của họ phê phán chính phủ rất nhiều, họ sẵn sàng phản đối khi có điều gì không vừa lòng, tại sao nước họ vẫn mạnh, vẫn giàu? Còn ở nước mình, quyền phê phán của người dân chỉ gói gọn trong mấy bộ ngực và mấy nhân vật vô thưởng vô phạt, mỗi lần túm được vụ việc nào là báo chí không chịu để nguôi ít nhất vài tuần vì có thứ để giật tit, câu view; thì nước vẫn yếu, vẫn nghèo?

Mình không tin có cái gọi là “tính cách cố hữu” của người Việt Nam. Mọi thứ là do thể chế và cách tổ chức xã hội mà ra. Như Hàn Quốc và Triều Tiên, cùng một dân tộc, tiếng nói, văn hóa, tại sao một nước giàu có thịnh vượng, một nước nghèo dân đói đến mức phải ăn thịt người? Những sự bất lực, thờ ơ, vô tâm, đều có căn nguyên sâu xa của nó. Bạn mình bảo cứ về Việt Nam là thấy không khí ngột ngạt và bi quan, thấy người ta không chịu hành động, chỉ ngồi một chỗ than thở và nêu ra các lý do mình không thể làm được cái mình muốn. Ở một xã hội không khuyến khích sự khác biệt và tính phản kháng, mọi người khuyên nhau “lo cho cái thân mình yên ấm đã” hoặc tự nhủ “có cố cũng chẳng khác được gì, con vua rồi lại làm vua.”. Chẳng phải chính Marx, người mà đi vào phòng họp của các UBND đều thấy đang ngồi sừng sững trên bệ, đã viết là “không có mâu thuẫn thì không có phát triển” sao?

Mâu thuẫn bị bóp chết, thành ra cái gì cũng xam xám, nhờ nhờ, trôi đi vô nghĩa, kể cả những người đang sống trong xã hội này.

 

Via Kể Chuyện

Thư chúc mừng trượt đại học

Featured Image: Mark Hunter

Có nhiều em đọc thấy tiêu đề có khi bảo tôi dở hơi, hoặc có vấn đề.

“Tao đang trượt đại học, đang buồn không thiết sống lại chúc mừng!” Nhưng với trải nghiệm một người đã từng trượt đại học vì thiếu 0.5 điểm, phải học cao đẳng và ôn thi lại vào năm sau. Đã đỗ vào đại học top đầu Việt Nam, đã có bằng kỹ sư, nhưng chưa một ngày dùng đến nó, đã làm rất nhiều ngành nghề, đã tìm hiểu rất nhiều gương thành công và ngâm cứu khá kỹ về khoa học thành công & phát triển bản thân thì với tôi trượt đại học nên đáng chúc mừng hơn.

Tôi biết cái cảm giác chán nản, đau buồn và nhục nhã của các bạn đang gặp phải, tôi cũng gần ứa nước mắt khi ăn liên hoan những thằng học dốt hơn mà thi đỗ. Nếu muốn khóc các bạn cứ khóc đi, khóc thật to, nếu xấu hổ khi gặp bạn bè, thầy cô các bạn có thể nằm ở nhà hoặc xách ba lô đi phượt. Tôi cũng đã như vậy, trùm chăn khóc cả buổi, và một năm không gặp bạn bè, không gặp thầy cô cho đến khi tôi đỗ. Động lực giúp tôi vượt qua khi đó là gì các bạn biết không?

Vào cái buổi đó, cái buổi tôi không bao giờ quên trong đời, cái buổi thằng con trai khóc lóc như con nít. Bố tôi đến bên cạnh tôi nói một câu tôi nhớ mãi: “Nam nhi đầu đội trời, chân đạp đất, nước mắt phải chảy vào trong.“ Từ đó đến nay với tôi không còn biết đến khái niệm “khóc”.

Nhưng đó là tôi ngày xưa, nếu các bạn đọc được bài viết này các bạn không nên làm như vậy, các bạn không phải tự hành hạ mình, thân thể bạn vô tội.. Mà ngược lại các bạn có thể cười lớn, hát vang bởi vì các bạn đang học được những bài học vô giá mà 12 năm qua các bạn chưa từng được học, bài học về 2 chữ “thất bại”.

‘Trong mỗi nghịch cảnh hay khó khăn đều luôn ẩn chứa một cơ hội nào đó.” – Khuyết danh

Bài học lớn:

– Mọi người thường chỉ quan tâm đến kết quả, họ không thèm quan tâm đến bạn học hành vất vả thế nào, thậm chí còn chê bai khi bạn học hành chăm chỉ nhưng vẫn trượt – nhưng đối với bạn quá trình mới quan trọng, nó chính là những bước mà bạn trưởng thành. Kết quả chỉ là hệ quả của quá trình bạn phát triển bản thân.

– Trượt đại học là do bạn chọn chưa đúng trường, ngành nghề, hoặc đa phần do bố, mẹ bắt bạn phải thi trường như vậy hoặc bạn chọn theo xu hướng xã hội, nếu bạn chọn ngành nghề bạn thực sự thích, bạn giỏi tôi nghĩ bạn sẽ không thể nào trượt – nên nhớ trượt đại học không có nghĩa BẠN LÀ NGƯỜI THẤT BẠI

– Thế giới không hoàn toàn là ánh sáng và cầu vồng. Nó là một nơi rất khốn khổ và khó chịu, người khác không quan tâm bạn đang khó khăn thế nào, khó khăn nó sẽ đánh gục bạn phải quỳ, và giữ bạn ở đó mãi mãi nếu bạn để nó làm thế. Bạn phải sẵn sàng đối đầu nó, sự cứng cỏi, chịu đựng thế nào khi bạn bị đánh và bạn vẫn tiếp tục tiến về phía trước. Bạn chịu bao nhiêu và vẫn vững bước đi lên. Chiến thắng được tạo ra là như thế đó.
Bạn phải nhớ điều này: “ Những cây mạnh nhất, khỏe nhất thường sống ở những nơi cằn cỗi nhất.”

– Trượt đại học dạy bạn rằng khó khăn là tất yếu trên con đường bạn đi đến thành công, vinh quang. Đó chính là quy luật đào thải tự nhiên thế giới là sân chơi cho những con người ý chí và nghị lực.

– Khi trượt đại học, khi bạn không còn gì, khi đó bạn biết bạn bè thực sự của mình là ai, ai thực sự quan tâm tới bạn.

– Trượt đại học giúp bạn có thêm thời gian nghĩ bản thân, nhĩ về tương lai của mình nghĩ về cái mình thích, nghĩ sâu hơn về ngành nghề bạn muốn theo đuổi.

– Bạn nghĩ trượt đại học thì không làm nên việc gì? Bạn có biết Bill Gates bỏ đại học năm thứ 3 sáng lập ra Microsoft, bầu Đức người người có máy bay riêng đầu tiên Việt Nam trở thành doanh nhân sau 3 lần trượt đại học…và còn nhiều tấm gương khác nữa..

Và điều quan trọng nhất đối với bạn, đối với những người thành công:

  • Không phải là sống chết để đỗ đại học mà nên nhớ “đại học” chỉ là nơi bạn tích lũy kiến thức để thực hiện ước mơ, hoài bão, sứ mệnh cuộc đời bạn. Vì vậy trước khi nghĩ đỗ đại học bằng mọi cách thì bạn nên trả lời câu hỏi TẠI SAO TÔI PHẢI HỌC ĐẠI HỌC? Nếu không trả lời được câu này bạn thi đỗ rồi cũng phí tiền, phí thời gian, nó là lý do nhiều người làm trái ngành, rồi bỏ đại học giữa chừng.
  • Vấn đề của bạn bây giờ phải nghĩ sâu, phải tìm hiểu xem bạn thực sự muốn gì, bạn đam mê làm gì, đâu là năng khiếu của bạn và ước mơ, hoài bão của bạn là gì.
  • Hãy đầu tư vào nó, hãy theo đuổi nó, hãy sống với nó, khi bạn tập trung vào nó thì mọi nguồn lực sẽ đến với bạn.
  • Bạn trượt đại học bạn có thể mất bạn bè, có thể mất danh dự tạm thời… nhưng niềm tin, giấc mơ, hoài bão của bạn không thể mất.

Và bạn để lại cho thế hệ sau bạn, câu chuyện như thế nào!

tuyệt vời hay dở tệ tất cả phụ thuộc vào bạn!

 

Vũ Văn Chức

Chuyện hai người điên đạp xe đưa thư xuyên Việt

Featured Image: Lê Trường Giang và Dương Xuân Phi

 

7 giờ 15’ tối, tôi gặp Xuân Phi và Trường Giang trong một quán café trên đường Thành Thái. Buổi nói chuyện mở đầu bằng câu hỏi nghề nghiệp quen thuộc. Giang cười: “Không, mình tạm dừng mọi công việc để lên đường khám phá bản thân.”

Và câu chuyện về hai người điên muốn đạp xe đưa thư xuyên Việt trong 6 tháng bắt đầu.

Lê Trường Giang

“Chúng tôi bắt đầu chuẩn bị cho chuyến đi từ cuối tháng 5. 8 giờ 08’ ngày 8/8/2014, hai đứa sẽ khởi hành tại Tree coffee (Tô Hiến Thành, TP.HCM), dấn thân vào hành trình xuyên Việt.

Ban đầu, tôi chỉ định thử thách chính mình mà thôi. Nhưng càng làm ý tưởng càng ào ạt tuôn. Chúng tôi lập trang web phuotxuyenviet.com và bắt tay vào thực hiện ba dự án cộng đồng trong chuyến đi. Một trong số đó là “Thư tay xuyên Việt” – “Điều chưa nói”, thu nhận hơn 200 bức thư tay từ khắp Việt Nam. Bạn có thể viết thư cho gia đình, người thân, bè bạn ở xa hay thậm chí là viết cho chính mình hoặc viết cho một người xa lạ – về những suy tư , tâm sự trong mình nhưng chưa từng dám chia sẻ. Và trên hành trình 6 tháng đạp xe, chúng tôi cam kết sẽ chuyển tới nơi cho dù vất vả thế nào đi chăng nữa.

Nhưng muốn truyền cảm hứng để người khác viết một bức thư, thì tôi phải làm điều đó trước.

Là một đứa con trai, tôi ít nói chuyện với bố mẹ, càng ít thổ lộ cảm xúc. Cho dù quan điểm hai thế hệ có thể xung khắc, tôi cũng không tranh cãi bởi lẽ điều đó có thể làm họ tổn thương.

Nhưng lần này tôi quyết định viết tất cả. Tôi viết xuống những điều suốt 25 năm không thể nói. Đó là bốn chữ “Con yêu bố mẹ”. Đó là cảm xúc về những gì gia đình đã làm cho tôi. Đó là những trăn trở về cuộc sống mà chưa khi nào tôi dám nói. Khi tình cảm trong tim bao nhiêu năm tự nhiên ghi lại thành câu chữ, tôi không gò ép gì mình cả. Lần đầu tiên, tôi nhận ra rằng, khi yêu thương tới, nỗi sợ hãi sẽ biến mất đi.

Tôi không ngờ là khi nhận thư bố mẹ đã khóc. Hai người bảo họ tự hào về tôi, họ cảm động khi đọc những tâm sự chưa bao giờ được nghe. Phải chăng, khi có cảm xúc, tất cả những gì tôi viết không còn là cuộc cãi vã, mà đó là cuộc sẻ chia? Lần đầu tiên tôi cảm thấy gia đình mình gần gũi sau nhiều năm.

Và tôi quyết định dấn bước với hành trình “Thư tay xuyên Việt”. Tôi muốn mình có thể mang lại cơ hội cho thật nhiều người khác, cũng giống tôi, vốn sợ hãi, trốn tránh, vốn có bao nhiêu điều chưa nói, được một lần chia sẻ với những người mình thương.”

Dương Xuân Phi

“Tôi cho rằng để có hạnh phúc trong cuộc sống, chúng ta phải biết ơn những gì xung quanh mình. Khi viết một lá thư cho gia đình, cho người yêu, hay cho một người xa lạ, họ sẽ tĩnh tâm hơn, cảm xúc lắng lại. Ngôn từ tự nhiên tuôn ra ào ạt, họ không cần suy nghĩ, chỉ viết cảm xúc thuần túy mà thôi. Đó chính là phút giây hiện tại, khi chúng ta cảm nhận được những phút giây này, cảm xúc thoải mái và lâng lâng bắt đầu xuất hiện. Đó chính là hạnh phúc.

Trong cuộc sống hối hả hôm nay, người ta sống quá nhanh. Họ sống cho tương lai, họ làm tất cả vì tương lai, bởi lẽ đó họ luôn phải lo lắng, mà khi đã lo lắng thì không bao giờ bạn có thể hạnh phúc được. Thân thể họ thì đang ở hiện tại, nhưng tâm hồn họ không ở đó, nó đang lo lắng bất an cho ngày mai và những ngày của tương lai.

Và họ ít khi sống chậm lại, để quay về với thực tại, để quay về với những gì họ đang có. Đó chính là người thân họ yêu thương. Họ sẽ hiểu được giá trị của những người đó khi họ sắp mất đi. Khi đối diện với cái chết, họ ko còn lo lắng cho tương lai nữa. Trở về thực tại, họ nhận ra họ đã bỏ lỡ một cuộc đời đáng sống, thì lúc đó cũng đã muộn, thật sự là đã quá muộn.

Khi chúng ta lắng lòng lại, chúng ta nhận ra chúng ta đang có rất nhiều thứ xung quanh. Dành tình yêu thương cho những người thân xung quanh chúng ta chính là biết ơn cuộc sống. Chúng ta thực sự hạnh phúc khi viết những lá thư đó, và chính người nhận cũng cảm thấy rằng yêu thương cũng xung quanh. Họ biết ơn điều đó, sống cho thực tại, họ cũng hạnh phúc, và hạnh phúc đó cứ lan tỏa.

Nhưng tại sao lại phải đưa chúng tôi và chờ đợi vài tháng, khi bạn có thể gửi qua bưu điện vốn chỉ mất vài ngày? Bởi vì tôi tin, giá trị một lá thư tay sẽ nhân lên gấp bội, không những mang trong đó cảm xúc của người viết mà còn của chúng tôi, khi được chuyển bằng xe đạp. Hãy tưởng tượng, một ngày gia đình bạn đột nhiên thấy hai gã điên đạp xe mấy ngàn cây số, chẳng lấy bất cứ thứ gì cả, chỉ để chuyển một bức thư thật sự. Tôi có niềm tin đến rằng, chỉ có những điều xuất phát từ trái tim mới có thể đến được trái tim

Tôi muốn tình cảm mà bạn gửi vào bức thư ấy, sẽ kết nối với tình cảm của chúng tôi, để yêu thương nhân lên bội phần khi thư đến tay người nhận, để thấy rằng cuộc đời còn rất nhiều điều kỳ lạ và tuyệt vời. Đó là lý do tôi cam kết rằng, dù khó khăn và gian khổ thế nào, dù bạn Hà Nội, Sài Gòn hay Cà Mau chúng tôi sẽ vẫn chuyển thư bằng xe đạp.

Cuối cùng, chúng tôi chỉ muốn nói: đừng chờ đợi nữa, đừng lo sợ nữa. Bạn không thấy là nắng ngoài kia đang rất xanh và gió ngoài kia chưa bao giờ ngừng thổi. Đã qua rồi cái thời ngồi và chờ đợi hạnh phúc tự nở hoa. Hãy lao ra và tìm kiếm. Đó là tuổi trẻ. Và ngay cả khi tuổi không còn trẻ thì hãy cứ sống trẻ như đã từng trẻ và ước mơ. Bạn còn nhớ câu này không, câu mà Steve Jobs thường nói:

“Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ.

Bạn ạ, hãy cứ sống như thể ngày mai bạn sẽ chết. Vậy thôi.”

Người kể chuyện

Trên con đường săn tìm những câu chuyện truyền cảm hứng, tôi nhận ra những người khác nhau lại có tâm sự rất giống nhau: Khi bạn ôm một giấc mơ, số người tin tưởng bạn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn số người nghi ngờ, giễu cợt, hoài nghi xếp hàng dài cây số.

Đạp xe đưa thư suốt 60 tỉnh thành trong 6 tháng với 2 triệu đồng chỉ vì thích là một chuyến đi ngớ ngẩn, một giấc mơ lý tưởng không thể nào thành hiện thực. Tôi biết, sẽ có rất nhiều người cười khẩy khi đọc giấc mộng viển vông này. Và họ sẽ chống mắt lên xem bạn đi, sẽ không phiền lòng chỉ trích lúc bạn khó khăn, sẽ sẵn sàng cười cợt lúc bạn tuyệt vọng. Họ chỉ im lặng và thôi chế giễu bằng bàn phím khi bạn chứng minh được bằng kết quả.

Nhưng kể từ hôm nay, tôi sẽ kể lại câu chuyện của hai người điên đạp xe xuyên Việt từ lúc hành trình bắt đầu cho tới khi hành trình kết thúc. Chỉ cần hai người còn đi, tôi sẽ còn viết. Bởi vì tôi, cũng như một số người dại khờ trong thế giới này, vẫn tin rằng cuộc sống còn đất cho những giấc mơ điên rồ, còn mở đường cho những kẻ dại khờ và khát khao lao mình vào thực hiện chuyến hành trình vượt quá tầm với.

 

Đỗ Thanh Lam

Tản mạn về cái tên

Featured Image: Kristi Fräzier

 

Để mở đầu tôi xin trích lại một đoạn trong quyển “Tôi là Bêtô” của tác giả Nguyễn Nhật Ánh (một trong những tác giả tôi hâm mộ từ bé xíu):

Tôi là Bêtô.

Tôi chưa bao giờ tự gọi tên tôi. Hôm nay là lần đầu và tôi ngạc nhiên nhận ra mình tự gọi tên mình rồi lim dim mắt lắng nghe cái âm thanh vừa thân thiết vừa bổng nhiên lạ lẫm đó ngân nga trong tai là một điều vô cùng thú vị.

Nếu không tin bạn hãy thử gọi tên bạn một lần đi, bạn sẽ thấy lòng bạn nẩy mầm một cảm xúc gì đó như là sự trìu mến, nỗi hân hoan và niềm kiêu hãnh – cùng một lúc.

Đó cũng là một trong vô vàn những điều thú vị mà cuộc sống cố tình giấu kín ở ngóc ngách nào đó trong tâm hồn của mỗi chúng ta theo cái cách các bậc cha mẹ vẫn giấu quà tặng con cái ở những nơi bất ngờ nhất trong nhà.

Vai trò của cái tên

Mỗi một con người hay rộng hơn là một địa danh, đồ vật, hiện tượng, sự vật… đều có một cái tên. Có bao giờ bạn tự hỏi cái hình ống tròn tròn có đáy bàn cầm trên tay tại sao được gọi là cái cốc. Tai sao bạn tên là A, chứ không phải là B hay C. Thành phố bạn đang ở tên là Hà Nội chứ không phải là Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng. Giống như việc để trả lời cho câu hỏi “bạn là ai” trong lần gặp mặt đầu tiên, bạn thường giới thiệu tên mình trước khi giới thiệu tuổi tác, nơi ở, địa vị...

Hẳn cái tên được sinh ra là để phân biệt giữa người này với người kia, địa danh này với địa danh khác. Cho dù đó không phải là sự phân biệt hoàn toàn rạch ròi, vì trên trái đất này có vô vàn người trùng tên cũng như việc có thể có hai thành phố Hà Nội, ở một thế giới song song chẳng hạn (!) Nhưng ít ra nó cũng phân biệt được người A với người B bên cạnh, hay ở thế giới bạn đang sống chỉ có một thành phố Hà Nội khác với một thành phố có tên Thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi tin rằng ngoài vai trò để phân biệt, cái tên còn là minh chứng khẳng định cho sự tồn tại của một con người trên cõi đời này. Nếu bạn nào đã từng xem “Chihiro lạc vào thế giới linh hồn” của đạo diễn Miyazaki Hayao hẳn sẽ không quên phân đoạn khi Chihiro buộc phải ký kết một giao kèo với Yubaba, bà ta đã lấy đi tên thật của Chihiro và trả lại cái tên “Sen” ( ký tự đầu trong từ ” Chihiro” của nghĩa là “một nghìn”) nhằm làm cho cô bé quên mất tên thật của mình và phải làm việc suốt đời ở phòng tắm.

Điều đó khiến tôi cảm giác như Yubaba đã hoàn toàn biến một cô bé Chihiro tự do, được sống hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của ba mẹ ở thế giới loài người trở thành cô bé giúp việc ở thế giới linh hồn tên Sen. Từ đây, em sẽ quên mất thân phận thật sự của mình mà chỉ biết lầm lũi làm việc quần quật dưới sự bóc lột của Yubaba. Đối với Chihiro mà nói, bản hợp đồng với Yubaba chẳng khác nào văn tự bán linh hồn cho quỷ dữ, em bị mất đi thứ quý giá và thiêng liêng, thứ cơ bản chứng tỏ sự tự do cơ bản nhất của một con người. Vì có thể người ta không có nhà , không có gia đình, không có tài sản, vật chất nhưng ít nhất cũng phải có một cái tên đúng nghĩa.

Đặc biệt, cái tên còn là sự kỳ vọng, mong đợi của những người làm cha làm mẹ đối với đứa con cưng của mình. Hay đơn giản là để kỷ niệm một sự kiện đặc biệt nào đó.

Và những câu chuyện xung quanh cái tên thì lại là những câu chuyện dài khác…

Cách đặt tên

Ngày xưa các cụ thường đặt tên con thật xấu như Chắt, Hĩm, Cu…. vì theo quan niệm cũ, tên càng xấu ma quỷ không dám đến gần, càng dễ nuôi. Bao giờ đi học cần cái tên chính thức thì mới đặt tên đẹp. Còn ngày nay cha mẹ đều muốn đặt tên thật đẹp thật kêu cho con như muốn nói lên kỳ vọng, mong muốn của họ đối với đứa bé mới chào đời. Nếu muốn con trở thành một cô gái xinh đẹp, hiền dịu thì đặt tên là Ngọc Hân, Diễm Lệ, Thùy Chi… Muốn con trở thành một chàng trai mạnh mẽ tài giỏi thì đặt tên là Trí Dũng, Huy Hoàng, Anh Tuấn… Muốn tên con thật bay bổng lãng mạn thì đặt tên là Thiên Di, Thiên Lam, Mai Sương… Rồi con gái thì thường có chữ ” Thị” , con trai thường có chữ “Văn”. Họ của người Kinh thì thường bắt đầu với Trần, Nguyễn, Đỗ… người dân tộc thì có A, Hơ , Ma, Ong…

Một số trường hợp khác lại đặt tên để kỷ niệm một sự kiện nào đó, như trường hợp của mẹ tôi. Năm 1965 – thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta đang trong thời kỳ ác liệt nhất, bà ngoại sinh mẹ vào thời điểm máy bay Mỹ bỏ bom tại cầu Cầm ( Đông Triều, Quảng Ninh), ông đã đặt cho mẹ cái tên là Mỹ như để kỷ niệm cái đêm đầy khói lửa ấy. Còn tôi thì luôn thắc mắc tại sao ông bà lại đặt tên mẹ là Mỹ mà không phải là Cầm, Mỹ Cầm. Cái tên đẹp đấy chứ!

Kết

Quay lại với đoạn được trích dẫn ban đầu, đã bao giờ bạn tự gọi tên mình hay đã từng tìm hiểu ý nghĩa tên mình là gì chưa. Tôi rất yêu cái tên của mình, kể cả nếu như tôi được quyền thay đổi, tôi vẫn chọn cái tên ấy. Không giống như đa phần các bậc phụ huynh muốn đặt tên con thật ý nghĩa thật sang trọng, ba tôi chỉ đơn giản đặt tên tôi là An, có chữ A đứng đầu để mai này đi học, đi làm lúc nào tôi cũng được xếp đầu trong bảng danh sách. Sau này khi đủ lớn, tôi thử tìm hiểu cái tên của mình, càng tìm hiểu tôi càng thấy yêu mến cái tên đó hơn.

An có nghĩa là yên bình, an ổn, không có sóng gió. Và bất ngờ hơn trong cấu tạo chữ Hán, An được cấu thành từ bộ Gia (nhà) và bộ Nữ. Không biết có phải là định mệnh hay không khi đúng là ba tôi luôn mong tôi trở thành một cô gái đủ tam tòng tứ đức, hiền dịu và đảm đang, một mẫu người của gia đình. Dù thực sự tôi khá bướng bỉnh và lập dị, không đáp ứng được những kỳ vọng của ba nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn luôn mong cuộc sống của mình luôn bình an và yên ổn.

Nhưng cho dù bạn có cái tên như thế nào thì chính bạn mới là người quyết định khiến cho cái tên tỏa hương khiến ai mỗi lần nhắc đến đều với niềm ngưỡng mộ và sự yêu thương như Quang Trung, Hồ Chí Minh, Bill Gates,… Khiến người ta ghê sợ và khinh miệt như Lê Văn Luyện , Trần Đức Nghĩa. Hay gây cho người ta cảm giác hài hước như cái tên Nobita (trong tiếng Nhật “Nobi” nghĩa là quá, “Ta” nghĩa là thông thái thông minh, trong khi sự thực Nobita là cậu bé hậu đậu, lười biếng).

Vậy nên, chính bạn là người quyết định bạn trở thành người thế nào chứ không phải là cái tên!

 

Hạ An

Think-Outside-The-Box: Một thế giới không nhà tù, không trường học

Featured Image: LPHR Group

 

Think-outside-the-box

Chắc hẳn nhiều bạn đã nghe hoặc đã quá quen thuộc với kiểu tư duy này. Đó đơn giản là lời khuyên về việc khám phá sự khác biệt, bên ngoài cái tư duy cố hữu của mỗi người. Một cách nhìn khác, một góc độ khác và một chiều hướng khác… Có thể không ngoa khi nói rằng, chính kiểu tư duy “thoát khỏi cái hộp” đã giúp cho thế giới này phát triển không ngừng.

Đó là kiểu tư duy mà Thomas Edison đưa chúng ta vào một thế giới ngập tràn ánh sáng của những “chiếc đèn treo ngược không cần dầu”, là kiểu tư duy mà Henry Ford muốn làm cho thế giới này sang trang mới khi xe hơi trở nên phổ cập để mọi người đều có thể sở hữu. Đó là kiểu tư duy mà anh em nhà Wright đã cố gắng để đưa chúng ta bay trên bầu trời như những cánh chim. Và cũng là kiểu tư duy mà Bill Gate, Mark Zuckerberg làm cho mọi thứ mọi vật thế giới này xích lại gần nhau hơn bao giờ hết.

Có thể nói, tư duy “thoát hộp” cực kỳ quan trọng đối với chúng ta, hôm qua, hôm nay và cả tương lai nữa. Đó cũng là bước khởi đầu cho những ước mơ của bạn từ thời thơ bé, ước mơ thay đổi thế giới, ước mơ làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Tư duy này sẽ khiến cho ước mơ đó không còn là tưởng tượng hay lời nói xàm vô nghĩa nữa.

Một thế giới không nhà tù

Tư duy thoát hộp không chỉ ứng dụng trong công nghệ, kỹ thuật hay những thứ cao siêu. Mà nó có thể áp dụng trong hầu hết mọi sự việc, mọi vấn đề trên thế giới.

Hãy nghĩ về chuyện này: Làm cách nào để xóa bỏ hệ thống nhà tù trên toàn thế giới?

Đây là câu hỏi chủ đề thảo luận tôi đọc được trong cuốn sách nào đó, rất thú vị đúng không? Câu chuyện được kể thế này. Một vị chủ tọa đặt ra chủ đề thảo luận để cả lớp cùng nhau suy nghĩ và phản biện. Khi vị chủ tọa đặt vấn đề này với sinh viên trong lớp. Cả lớp đã nhao nhao lên phản đối, rằng làm sao mà thế giới lại không cần đến nhà tù chứ? Lấy chỗ nào để giam giữ những tên phạm nhân. Thế giới này sẽ loạn mất, cuộc sống rồi sẽ không còn an toàn, rằng đây là một ý tưởng điên rồ và không tưởng…

Vị chủ tọa lắng nghe, sau đó ông mỉm cười và giải thích với các bạn sinh viên rằng: Không gì là không thể cả, hãy tư duy ra ngoài chiếc hộp định kiến và thực tế, và hơn hết, đây chỉ là một bài tập, mọi người hãy cố gắng làm bài tập đó và đừng ngại đưa ra quan điểm của mình. Nên nhớ, đề bài là “làm thế nào để xóa bỏ nhà tù” chứ không phải “bỏ nhà tù thì tác hại thế nào”. Các bạn sinh viên, cũng như chúng ta thôi, bắt đầu ngồi lại và xem xét, dù sao cũng chỉ là bài tập chứ không phải thực tế mà, nghĩ gì nói đó thôi.

Và thế là họ bắt đầu nêu ý kiến của mình, ban đầu thì khá dè dặt và ấp úng, nhưng rồi như một làn sóng, mọi người bắt đầu nhao nhao lên tìm lý do và cách thức để xóa bỏ hệ thống nhà tù: Có lẽ chúng ta nên tạo ra nhiều trường học, trung tâm giáo dục và nơi ở hơn cho những người nghèo khổ, thất nghiệp và lang thang, vì họ chính là đối tượng dễ phạm tội nhất. Thay vì nhà tù chúng ta có thể tạo nên một kiểu trung tâm chức năng nhân văn hơn để giáo dục những phạm nhân. Chúng ta phải tạo nhiều công ăn việc làm hơn nữa và cả các trường dạy nghề cho người không có công việc và nghề nghiệp gì.

Cần các biện pháp khuyến khích người ta làm những việc như đọc sách, từ thiện. Có thể thay thế hình phạt giam giữ bằng những cách như lao động công ích, chăm trẻ mồ côi, chăm người bệnh tật và chăm người già trong viện dưỡng lão… để họ nhận thức được những nỗi đau của người khác, từ đó tâm họ sẽ thiện lành hơn. Cho các phạm nhân chuộc lại lỗi lầm bằng những việc làm thiết thực thay vì giam giữ họ lại. Phạm nhân là những con người, họ đã sai lầm thì cần phải học được từ sai lầm của mình, cần được đối xử như một con người và cần được cho cơ hội để làm lại tất cả…

Bắt đầu từ những cách để giảm thiểu những người phạm pháp, cho tới việc đối xử với những tù nhân hiện tại thế nào và các cách để thực hiện hình phạt cho những người phạm tội sau này ra sao để không cần đến nhà tù nữa. Đã có rất nhiều, rất nhiều những ý kiến và biện pháp khác nhau được đưa ra. Sau buổi thảo luận, tất cả các sinh viên trong lớp đều ngỡ ngàng khi nhìn nhận lại vấn đề. Họ đều nhất loạt cho rằng việc xóa bỏ nhà tù là điều hoàn toàn có thể làm được, chứ không chỉ là một ý tưởng nhảm nhí vớ vẩn như lúc ban đầu họ nghĩ. Họ đã thoát-hộp thành công.

Viết tới đây, tôi chợt nhớ ra mình đã đọc được đâu đó, từ rất lâu rồi, những chuyện thú vị lạ lùng đại loại thế này: Một anh chàng phạm luật về môi trường đã bị tuyên án bằng việc trồng 100 cây xanh và chăm sóc chúng trong 5 năm, rồi một ông chồng phạm tội ngoại tình bị phạt bằng cách rải 1000 tờ rơi xin lỗi vợ và phải tặng cho bà vợ 1000 bông hồng, mỗi ngày một bông, một bạn trẻ phạm tội gì đó đã bị phạt đọc 10 cuốn sách về chủ đề đó…

Đây hoàn toàn là chuyện có thật, tôi không nhớ là đã đọc chúng ở đâu, chỉ nhớ rằng tôi thấy chúng thú vị đến mức đã ghi chép lại vào một cuốn sổ tay những điều lạ lùng, tiếc là cuốn sổ đã bị mất. À tôi còn nhớ một điều thú vị khác nữa có ghi trong cuốn sổ, đó là việc bạn hoàn toàn có thể làm tăng kích thước “của quý” của mình bằng cách học theo một bộ lạc trong rừng sâu. Xưa nay đây vốn là điều mọi người cho rằng không thể làm được đúng không? Ồ, hãy ra ngoài chiếc hộp đi, hoàn toàn có thể đó. Bộ lạc đó, họ sử dụng một loại vỏ và lá cây bí mật để bọc “của quý” của mình, sau một thời gian ngắn, chúng sẽ phồng rộp và sưng to lên… Ok, đó không phải cách hay ho gì, nhưng cũng là một kiểu tư duy bên ngoài chiếc hộp đúng không? Thôi được rồi, không đùa nữa.

Hãy suy nghĩ về việc này, liệu chúng ta có thể thay thế những năm tháng giam giữ tù nhân bằng những hình phạt nhân văn hơn? Một người phạm tội trộm cắp hoặc gây rối thay vì 5 năm trong tù sẽ phải dùng 5 năm đó để chăm sóc các trẻ em mồ côi hoặc hoặc người bệnh liệt giường. Một người phạm tội phá rừng phải chịu trách nhiệm trồng lại một đồi cây hoặc chăm sóc một vườn hoa công cộng, một ông chồng ngoại tình sẽ phải làm việc nhà thay vợ trong một năm và đưa vợ con đi du lịch 2 lần trong năm… Những hình phạt này nghe có vẻ điên rồ đúng không? Tôi lại cảm thấy thật thú vị, tùy mỗi tội sẽ có những hình phạt nặng nhẹ khác nhau, nhưng chung quy, hãy bắt họ đền bù bằng những hành động thiết thực, chứ không đơn giản là ngồi trong một căn nhà đá có người bảo vệ và cơm ăn hàng ngày.

Thời gian là thứ quý báu, đừng lãng phí thời gian của bản thân và cũng không nên làm lãng phí thời gian của người khác. Hãy để cho hành động thiết thực bù đắp những lỗi lầm. Người phạm nhân sẽ phải làm những việc ý nghĩa cho cuộc sống, xã hội cũng sẽ đỡ gánh nặng và thậm chí là tuyệt vời hơn. Có khi, những hình phạt nghe chừng nhân văn như trên lại khiến cho phạm nhân nổi da gà hơn cả việc ngồi không trong tù ấy chứ. Và tôi tin xác suất khiến họ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn sẽ cao hơn nhiều so với những hình phạt tài chính hay giam giữ hiện hành.

Một thế giới không trường học

Bây giờ, hãy thoát hộp trong một chủ đề khác. Hãy chuẩn bị tinh thần, tôi biết bạn có thể bạn sẽ không đồng tình, có thể bạn sẽ phản biện gay gắt, có thể bạn sẽ cho rằng đây là chủ đề khùng điên và đóng sập trang này mà quay đi. Ồ không sao cả, cũng như trên, hãy coi nó như là một bài tập, tôi muốn bạn cho ý kiến tìm giải pháp chứ không phải trốn tránh và chê trách. Đây chỉ là ý tưởng thôi chứ chưa phải là thực tế nên đừng hoang mang và hoảng sợ. Xin hãy cứ mạnh dạn nêu ý kiến của mình. Chủ đề mà tôi muốn chúng ta “thoát hộp” hôm nay, đó là: Hãy nghĩ cách để xóa bỏ hệ thống trường học hiện hành.

Bạn nghĩ sao? Chúng ta đều biết hệ thống giáo dục, cụ thể trường học hiện nay là bất ổn, đúng không? Việc dạy lý thuyết mà lãng quên thực hành, việc dạy nghe lời mà lãng quên sáng tạo, việc chú trọng toán học mà lãng quên các môn nghệ thuật căn bản, việc coi trọng bằng cấp… Quá nhiều điều bất cập, tại sao chúng ta không thể đập tan cái hệ thống giáo dục ấy? Tôi cũng thừa nhận chúng ta cần một nơi để “giữ trẻ” cho các bậc phụ huynh yên tâm đi làm, cho các bạn trẻ con đường hướng đến tương lai. Vậy sao không bám sát vào mục tiêu đó để mà thay đổi.

Khi nói chủ đề này, ý tôi khi nói xóa bỏ trường học, không có nghĩa đen như kiểu đập tan hết các trường học hiện hành, nhưng ý tôi là đập tan cái cách giáo dục hiện hành, thay vào đó là một môi trường giáo dục hợp lý và màu sắc hơn, tươi vui và thú vị, một nơi khuyến khích người ta tìm hiểu và khám phá, một nơi mà học sinh được chú trọng phát triển năng khiếu và tố chất của bản thân, một nơi mà người ta ham thích chứ không phải chán ngán và cảm thấy mất thời gian vô nghĩa. Một nơi mà chuyện mặc đồng phục y hệt nhau không còn quan trọng và việc phải giữ trật tự tuyệt đối không còn ý nghĩa. Đó là nơi mọi người thoải mái trao đổi với nhau những vấn đề trong cuộc sống. Nơi mà các giáo viên không áp đặt, mà chỉ đơn giản là hướng dẫn và định hướng mà thôi.

Đại loại như đưa ra các chủ đề cho cả lớp cùng thảo luận. Ví dụ như một lớp về chủ đề tìm hiểu lịch sử Việt Nam, làm thế nào để xóa bỏ những bất công trong xã hội, cách đương đầu với khó khăn trong cuộc sống, sức mạnh của tình yêu, tầm quan trọng của tình thân gia đình, lớp nghiên cứu thành công của những danh nhân thế giới, lớp học khám phá thế giới tự nhiên, giáo dục giới tính cởi mở… Một bạn trẻ càng được tiếp xúc với nhiều vấn đề thì sẽ càng làm tăng hiểu biết và vốn sống, rồi sẽ sớm tìm ra lĩnh vực mà bạn ấy quan tâm và rồi sẽ tìm cách cống hiến cho điều mà bạn ấy tin tưởng. Một thế giới mà ai cũng tìm cách cống hiến thì chẳng mấy chốc chúng ta sẽ tiếp cận được một nơi chỉ có trong truyền thuyết: “thiên đường”.

Này nhé, thay vì trường học như hiện nay, chúng ta có thể xây dựng nên những thứ đại loại như là “trung tâm định hướng” hoặc “học viện năng khiếu”. Đó là một nói mà các em nhỏ đương nhiên vẫn được dạy đọc, viết và làm toán, nhưng các em cũng được toàn quyền quyết định con đường mà mình sẽ theo, môn học mà mình thích, nơi mà các em sẽ được tiếp xúc với mọi vấn đề trong cuộc sống và nêu chính kiến của mình, các em sẽ được vui chơi và sáng tạo, được hướng dẫn để tìm ra năng khiếu và sở trường của mình. Một nơi mà ai thích toán sẽ học toán, ai thích múa sẽ được học múa, ai thích đàn thì sẽ học đàn. Một nơi mà nhân cách và tư duy được phát triển đồng bộ, cái gì cần thì chú trọng, cái gì không cần thì có thể đi lướt qua.

Một nơi mà thay vì học thuộc một bài thơ các em sẽ phải đọc sách, thật nhiều sách và thuyết trình về chúng, nơi mà những cuộc thi “tìm hiểu lịch sử Đảng” sẽ thay bằng “sáng tạo cho cuộc sống xung quanh”, nơi mà những công thức toán học lý học sẽ không phải học thuộc lòng, nơi mà thay vì làm văn về các bài văn cũ kỹ sẽ là ý kiến cá nhân về vấn đề xã hội mà bạn quan tâm… Nói chung là một môi trường thuần túy “giáo dục và định hướng” chứ không phải là “nhồi sọ và bắt ép” như hiện nay nữa.

Một thế giới không có trường học là một thế giới mà cả xã hội phải có trách nhiệm và quan tâm tới tuổi trẻ, cả xã hội phải giáo dục chúng, chứ trách nhiệm không chỉ thuộc về thầy cô hay cha mẹ. Xã phường tổ chức những cuộc cắm trại, tham quan cho thanh thiếu niên trong xã. Hội phụ huynh tổ chức những hoạt động vui chơi cho con mình. Nhà nước đề xuất các cuộc thi tài từ khoa học, công nghệ cho tới bảo vệ môi trường cho tất cả các bạn trẻ cùng tham gia. Các học viện năng khiếu thường xuyên tổ chức và ứng tuyển những tài năng trẻ. Mỗi địa phương sẽ có các câu lạc bộ khác nhau về văn hóa, nghệ thuật, kinh doanh và khuyến khích mọi người cùng tham gia. Các tổ chức kinh doanh cùng nhau quyên tiền trao thật nhiều học bổng, nhà nước xây thật nhiều thư viện và phòng thí nghiệm. Nơi mà giáo viên không đánh giá học sinh mà chính học sinh sẽ đánh giá giáo viên của mình, họ giảng bài có thú vị không, hấp dẫn không? chủ đề họ dạy có cần thiết không? bạn hài lòng về buổi học này chứ?…

Đập nát cái hộp

Những điều trên có lẽ bạn sẽ thấy thật ngớ ngẩn và lạ lùng, thậm chí không tưởng. Nhưng không phải mọi thứ trên đời này đều bắt nguồn từ những ý tưởng sao? Và không phải ý tưởng càng điên rồ thì thành công lại càng rực rỡ hay sao? Vốn dĩ tôi cũng không mong và không nghĩ chúng ta có thể làm được điều này, ít nhất vài trăm năm nữa. Nhưng từng bước một thì hoàn toàn có thể, như là cùng nhau góp sức xây dựng nên những thư viện công cộng, như là loan truyền những tư tưởng tốt đẹp, những vấn đề xã hội cho các bạn trẻ quan tâm hơn, hay đơn giản nhất là hãy trở thành những tấm gương sáng cho chính con cái của bạn. Muốn chúng đọc sách ư, bạn hãy đọc sách trước đã, muốn chúng làm nhiều việc thiện ư, chính bạn hãy làm nhiều việc thiện trước đã, muốn con cái bạn có thể làm gì đó thiết thực thay đổi thế giới ư, trước hết chính bạn, hãy tư duy ra ngoài chiếc hộp định kiến của mình.

Việc xóa bỏ nhà tù và trường học nghe khó khăn và xa vời quá, thật khó để mà hình dung chứ đừng nói đến thực hiện. Tuy nhiên tôi biết có một việc bạn hoàn toàn có thể làm được, ngay hôm nay, ngay lúc này. Đó là hãy đập tan cái hộp trong đầu bạn. Cái hộp định kiến, cái hộp tư duy, cái hộp bó buộc bạn trong những điều bạn biết, bạn tin và bạn nghĩ. Đừng nghĩ rằng vợ bạn chỉ cần bạn mang tiền về, đừng nghĩ rằng cha mẹ chỉ cần bạn mua cho thứ này thứ kia, đừng nghĩ rằng con bạn chỉ cần đến trường là đủ. Đừng nghĩ rằng những người giàu có đều là may mắn, đừng cho rằng những ai ngoại tình đều đáng khinh, đừng nghĩ rằng cuộc sống của bạn đang ổn nghĩa là nó sẽ luôn ổn… Hãy Thoát-hộp trong những chuyện nhỏ nhặt đó trước đã, khi đã quen, bạn hoàn toàn có thể nhận ra Thoát-hộp là một trong những cách đơn giản nhất làm cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn nhiều.

Nào giờ hãy thừa nhận đi, nếu có một môi trường giáo dục như trên, bạn có muốn được sống trong đó không? Hãy xem đây như một câu chuyện cổ tích hiện đại, cổ tích vì chúng hiện không có thật, nhưng hiện đại vì biết đâu chúng có thể trở thành sự thực thì sao. Bạn biết đấy, con người ngày càng tiến gần tới ngưỡng cửa của những vị thần rồi, nên việc kiến tạo một thế giới cổ tích là điều hoàn toàn có thể, dù không biết là khi nào. Tất cả những gì chúng ta cần làm trước tiên là hãy Think-Outside-The-Box…

 

Phi Tuyết

Bàn về chủ nghĩa cá nhân (bài cuối)

Featured Image: Redjayd2kx

 

Gần đây có người khẳng định rằng những người theo trường phái tự do (libertarians), tức những người tự do truyền thống (classical liberals) thực sự nghĩ là “con người cá nhân tự cảm thấy là đủ và những điều ưa thích mang tính giá trị của họ nằm trước và bên ngoài mọi xã hội”. Họ “phớt lờ bằng chứng xác đáng của khoa học xã hội về hậu quả xấu của sự cách ly” và, kinh khủng hơn nữa là họ “hăng hái chống lại khái niệm về ‘những giá trị được nhiều người chia sẻ” và ý tưởng về “lợi ích chung”. Đấy là tôi trích dẫn từ bài phát biểu của giáo sư Amitai Etzioni, chủ tịch Hội xã hội học Mỹ trước các thành viên của tổ chức này vào năm 1995 (được đăng trên tờ Tạp chí xã hội học Mỹ, số tháng 2 năm 1996). Là khách mời thường xuyên của các talk show và là biên tập viên tạp chí The Responsive Community, ông Etzioni trở thành người truyền bá nổi tiếng cho phong trào chính trị có tên là chủ nghĩa cộng đồng (communitarianism – xuất phát từ từ commmune nghĩa là cộng đồng hay công xã -ND).

Etzioni không phải là người duy nhất đưa ra những lời kết án như thế. Từ phái tả, bình luận viên tờ Washington Post, ông E. J. Dionne Jr. khẳng định trong cuốn Vì sao người Mỹ ghét chính trị (Why Americans Hate Politics) của ông ta rằng “càng ngày càng có nhiều người chia sẻ quan điểm của phái tự do cho phép giả định rằng nhiều người Mỹ thậm chí đã không còn tin vào nguyên tắc “lợi ích chung” nữa và tiểu luận gần đây trên tờ Washington Post Magazine tuyên bố rằng “nhấn mạnh tự do cá nhân không giới hạn, dường như những người theo phái tự do (libertarian) thừa nhận rằng các cá nhân xuất hiện trên đời như những người đã trưởng thành hòan tòan, những người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình ngay từ khi mới chào đời”.

Từ phía hữu, ông Russell Kirk, một người nay đã quá cố, trong một bài báo với giọng cay độc với đầu đề Những người theo phái tự do: Môn phái lắm lời tuyên bố rằng: “Những người theo phái tự do kiên định, giống như quỷ Satan, không chấp nhận bất kỳ quyền lực nào, cả thế tục lẫn tôn giáo.” Và rằng: “Người theo phái tự do không tôn trọng tín ngưỡng và phong tục truyền thống, không tôn trọng thế giới tự nhiên hay đất nước của anh ta, không tôn trọng ngọn lửa bất diệt trong con người.”

Thượng nghị sĩ Dan Coats (Đảng cộng hòa) và nhà báo David Brooks của tờ Weekly Standard bằng hình thức lịch sự hơn đã chỉ trích những người theo phái tự do là dường như họ coi thường giá trị của công đồng. Coats viết rằng dự luật của ông ta mang tính “bảo thủ vừa phải, chứ không phải là hoàn toàn tự do. Nó công nhận không chỉ các quyền cá nhân mà còn công nhận vai trò của các nhóm tiến hành việc tái xây dựng hạ tầng xã hội và đạo đức của những cộng đồng địa phương của họ”.

Những lời kết án như thế – càng ngày càng xuất hiện nhiều hơn từ phía những người phản đối các lý tưởng của chủ nghĩa tự do truyền thống – không bao giờ được chứng minh bằng các trích dẫn từ những bài viết của những người theo phái tự do truyền thống, cũng không có bằng chứng nào chứng tỏ rằng những người ủng hộ tự do cá nhân và chính phủ hạn chế quả thật đã nghĩ như Etzioni và những người cùng hội cùng thuyền với ông ta lên án. Những lời kết án vô lý được nhắc đi nhắc lại và không bị bác bỏ có thể được người ta coi là chân lý, vì vậy mà cần phải buộc Etzioni và những người phê phán theo phái cộng đồng khác trả lời về những sự xuyên tạc của họ.

Chủ nghĩa cá nhân làm cho xã hội trở thành rời rạc?

Xin phân tích luận điểm cho rằng chủ nghĩa cá nhân làm cho xã hội trở thành rời rạc mà Etzioni, Dionne, Kirk và những người khác đã nêu ra. Cơ sở triết học của lời phê phán đó được những người phê bình chủ nghĩa cá nhân truyền thống như nhà triết học Charles Taylor và nhà chính trị học Michael Sandel theo thuyết cộng đồng xây dựng nên. Thí dụ, Taylor khẳng định rằng vì những người theo phái tự do tin vào quyền cá nhân và nguyên tắc trừu tượng của công lý cho nên họ cũng tin vào “con người tự cấp tự túc-đơn lẻ, hay nếu muốn, có thể gọi là cá nhân”. Đấy chỉ là phương án đã được hiện đại hóa của cuộc tấn công cũ vào chủ nghĩa cá nhân tự do truyền thống mà thôi, theo đó, dường như những người theo phái tự do coi “con người cá nhân trừu tượng” là cơ sở cho quan điểm về công lý của họ.

Khẳng định như thế là vô nghĩa. Không ai tin rằng có “những con người cá nhân trừu tượng” vì tất cả các cá nhân nhất định đều là những con người cụ thể. Cũng như không hề có bất kỳ cá nhân “tự cấp tự túc” nào, đấy là điều mà các độc giả của Tài sản của các dân tộc (Adam Smith – ND) đều biết.

Không những thế, những người theo phái tự do truyền thống khẳng định rằng hệ thống tư pháp phải tách ra khỏi tính cách cụ thể của các cá nhân. Nghĩa là khi một cá nhân đứng trước tòa thì trọng lượng, màu da, tài sản, địa vị xã hội và tôn giáo của anh ta không có liên quan gì tới vấn đề công lý. Bình đẳng trước pháp luật có nghĩa như thế, chứ nó không có nghĩa là không người nào có trọng lượng, màu da hay niềm tin tôn giáo cụ thể. Trừu tượng hóa là quá trình tư duy mà chúng ta sử dụng nhằm phân biệt bản chất hay khuôn khổ của vấn đề, chứ không đòi hỏi phải tin rằng con người là một cái gì đó trừu tượng.

Chính vì không có cá nhân hay nhóm nhỏ nào có thể hoàn toàn tự cấp tự túc cho nên con người cần phải hợp tác thì mới sống còn và thịnh vượng được. Và vì sự hợp tác diễn ta giữa muôn vàn cá nhân không quen biết nhau cho nên luật lệ điều chỉnh sự tương tác đó về bản chất là luật lệ trừu tượng. Luật lệ trừu tượng, tức là luật lệ xác định trước điều chúng ta có thể kỳ vọng ở người khác, làm cho sự hợp tác của nhiều người trở thành khả thi.

Không một người có lý trí nào lại tin rằng cá nhân được hình thành một cách trọn vẹn bên ngoài xã hội – trong tình trạng cách ly, nếu bạn muốn nói như thế. Điều đó có nghĩa là không có cha mẹ, họ hàng, bạn bè, thần tượng hay thậm chí là hàng xóm nữa. Rõ rang là tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh. Những người theo phái tự cho chỉ khẳng định rằng sự khác biệt giữa những người trưởng thành bình thường không đưa đến sự khác biệt về những quyền cơ bản của họ.

Nguồn gốc và giới hạn trách nhiệm

Tại căn để của nó, chủ nghĩa tự do không phải là lý thuyết siêu hình về tính ưu việt của cá nhân so với cái trừu tượng, lại càng không phải là lý thuyết trừu tượng về “cá nhân trừu tượng”. Nó cũng không phải sự chối bỏ sạch trơn truyền thống, như Kirk và một số nhân vật bảo thủ khác kết án. Trái lại, nó là lý thuyết nhằm đáp trả lại sự gia tăng quyền lực của nhà nước; sức mạnh của chủ nghĩa tự do là ở chỗ nó kết hợp lý thuyết có tính quy chuẩn về nguồn gốc đạo đức và chính trị cũng như giới hạn trách nhiệm với lý thuyết thực chứng giải thích nguồn gốc của trật tự xã hội. Mỗi người đều có quyền tự do và những con người tự do có thể tạo ra trật tự một cách tự phát, mà không cần bộ máy hành chính quan liêu ra lệnh cho họ.

Còn đặc điểm rõ ràng là vô lý mà Dionne gán cho chủ nghĩa tự do: “Các cá nhân xuất hiện trên đời như những người đã trưởng thành hoàn toàn, những người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình ngay từ khi mới chào đời.” Thì sao? Những người theo phái tự do công nhận có sự khác biệt giữa người trưởng thành và trẻ con, cũng như có sự khác biệt giữa người trưởng thành bình thường và người điên, người bị hạn chế hay kém phát triển về mặt trí não.

Trẻ con và người trưởng thành nhưng bất bình thường cần có người bảo hộ vì họ không thể thực hiện những lựa chọn có trách nhiệm cho chính mình. Nhưng không có lý do rõ ràng nào cho quan niệm cho rằng một số người trưởng thành bình thường được quyền lựa chọn cho những người bình thường khác, như những người có quan niệm gia trưởng cả phái tả lẫn phái hữu nghĩ. Người theo phái tự do khẳng định rằng không một người trưởng thành bình thường nào có quyền áp đặt lựa chọn cho những người trưởng thành bình thường khác, trừ những trường hợp ngọai lệ, thí dụ như khi thấy một người bất tỉnh và trợ giúp về mặt y tế hay gọi xe cấp cứu.

Sự khác biệt chủ yếu giữa chủ nghĩa tự do với những quan điểm khác về đạo đức chính trị là lý thuyết về những trách nhiệm buộc phải thực hiện. Một số trách nhiệm, thí dụ như trách nhiệm viết vài lời cảm ơn chủ nhân sau bữa tiệc thường là trách nhiệm không bị buộc phải thực hiện. Nhưng những trách nhiệm khác, thí dụ như không được phê phán thẳng cánh người khác hay phải trả tiền trước khi cầm đôi tất ra khỏi nhà hàng, là trách nhiệm buộc phải thi hành. Trách nhiệm có thể là phổ quát mà cũng có thể là cụ thể. Cá nhân, dù là ai, dù ở đâu (nghĩa là trừu tượng hóa khỏi những hòan cảnh cụ thể) cũng có trách nhiệm buộc phải thi hành với tất cả những người khác: không được xâm phạm đời sống, quyền tự do, sức khỏe và tài sản của họ.

Theo lời của John Locke thì: “Vốn là những người bình đẳng và tự chủ, không ai được xâm phạm đời sống, sức khỏe, quyền tự do hay tài sản của người khác.” Mọi người đều có quyền hưởng thụ những thứ đó mà không bị ai cản trở. Quyền và trách nhiệm liên quan với nhau, cả hai đều có tính phổ quát và “tiêu cực”; trong điều kiện bình thường mọi người đều có thể hưởng thụ cùng một lúc. Nền tảng của quan điểm tự do là luận điểm về tính phổ quát của quyền con người: không bị giết hại, không bị đánh đập, không bị cướp bóc và không cần phải là “con người cá nhận trừu tượng” mới khẳng định được tính phổ quát của những quyền đó. Chính là sự tôn trọng chứ không phải thái độ coi thường “ngọn lửa bất diệt trong con người” mà những người theo phái tự do đứng lên bảo vệ quyền con người.

Đấy là những trách nhiệm phổ quát. Còn trách nhiệm “cụ thể” thì sao? Tôi đang viết những dòng này trong một quán cà phê và vừa gọi một ly cà phê nữa. Tôi đã tự nguyện nhận trách nhiệm cụ thể là trả tiền ly cà phê: tôi đã chuyển quyền sở hữu tài sản là một số tiền cho người chủ quán cà phê, còn bà ta thì chuyển quyền sở hữu ly cà phê cho tôi. Ngược lại, những người theo phái tự do thường khẳng định rằng trách nhiệm cụ thể, ít nhất là trong những hòan cảnh bình thường, phải được hình thành theo lối đồng thuận, chứ không thể được áp đặt bởi một phía. Bình đẳng về quyền nghĩa là một số người không thể áp đặt trách nhiệm lên một số người khác, vì đấy là vi phạm đức hạnh và quyền của những người đó.

Nhưng những người theo phái cộng đồng lại khẳng định rằng tất cả chúng ta đều sinh ra với rất nhiều trách nhiệm cụ thể, như hy sinh cho tập thể – gọi là nhà nước hay một cách tù mù hơn là dân tộc, cộng đồng hay đồng bào – tiền bạc, sự tự chủ và thậm chí là cuộc sống nữa. Họ còn khẳng định rằng có thể dùng vũ lực nhằm ép buộc người ta thi hành những trách nhiệm đó. Những người theo phái cộng đồng như Taylor và Sandel cho rằng tôi là một con người không chỉ vì tôi được giáo dục và có những trải nghiệm của mình mà còn vì tôi có một lọat những trách nhiệm cụ thể mà tôi không được phép tự do lựa chọn.

Xin nhắc lại, những người theo phái cộng đồng khẳng định rằng chúng ta là những con người bởi vì chúng ta có những trách nhiệm cụ thể và vì vậy mà những trách nhiệm này không thể là vấn đề lựa chọn. Nhưng đấy chỉ là lời khẳng định, nó không thể thay cho luận cứ cho rằng một người phải có trách nhiệm với những người khác; nó cũng không phải là lời biện hộ cho việc sử dụng bạo lực. Người ta cũng có thể hỏi: Nếu một người được sinh ra với trách nhiệm tuân thủ thì ai là người được sinh ra với trách nhiệm chỉ huy? Muốn cho lý thuyết về trách nhiệm được chặt chẽ thì phải có một người nào đó – một cá nhân hay một nhóm người – có quyền buộc những người khác thực thi trách nhiệm.

Nếu tôi là một con người vì tôi có trách nhiệm tuân thủ thì ai là một con người vì anh ta có quyền buộc người khác tuân thủ? Lý thuyết về trách nhiệm như thế có thể là lý thuyết chặt chẽ trong thời của các Thiên tử, nhưng bây giờ nó đã lỗi thời rồi. Xin tóm tắt như sau: không một người có lý trí nào lại tin vào sự tồn tại của con người trừu tượng, cuộc tranh luận thực sự giữa những người theo phái tự do và những người theo phái cộng đồng không phải là chủ nghĩa cá nhân như nó vốn là mà là tranh luận về nguồn gốc của những trách nhiệm cụ thể – trách nhiệm bị áp đặt hay được lựa chọn một cách tự do?

Các nhóm và lợi ích chung

Lý thuyết về trách nhiệm nhắm vào cá nhân không có nghĩa là những người ủng hộ lý thuyết này không công nhận sự tồn tại của xã hội hay họ không nói đến các nhóm. Nói cho cùng, thấy cây không có nghĩa là chúng ta không thể nói đến rừng. Xã hội không chỉ là các cá nhân tụ tập lại với nhau, cũng không phải là cái gì đó “lớn hơn và tốt hơn” tách biệt khỏi những người đó. Cũng như tòa nhà không phải là đống gạch, mà là những viên gạch được gắn kết theo một trật tự nhất định, xã hội không phải là một người với những quyền của anh ta mà là nhiều cá nhân và mối quan hệ phức tạp giữa họ với nhau.

Chỉ cần suy nghĩ một chút cũng thấy rõ là lời tuyên bố cho rằng người theo phái tự do phủ nhận “những giá trị được mọi người chia sẻ” và “lợi ích chung” là nói nhảm. Nếu những người theo phái tự do chia sẻ giá trị của tự do (ít nhất là như thế) thì họ không thể “phản đối một cách quyết liệt khái niệm “giá trị được chia sẻ”, và nếu những người theo phái tự do tin rằng nếu được hưởng tự do thì tất cả chúng ta sẽ hạnh phúc hơn thì họ không thể “phủ nhận lợi ích chung”, vì điểm cốt lõi của những cố gắng của họ là khẳng định lợi ích chung là gì!

Để đáp lại lời tuyên bố của Kirk rằng những người theo phái tự do phủ nhận truyền thống, cho phép tôi nói rằng những người theo phái tự do bảo vệ truyền thống tự do, đấy chính là kết quả của hàng ngàn năm lịch sử của lòai người. Thêm nữa, truyền thống thuần túy là khái niệm không chặt chẽ vì một số truyền thống có thể mâu thuẫn với nhau và người ta không còn biết phải hành động như thế nào cho đúng. Nói chung, tuyên bố rằng người theo phái tự do “phủ nhận truyền thống” là vô nghĩa và vô lý. Người theo phái tự do giữ gìn truyền thống tôn giáo, truyền thống gia đình, truyền thống dân tộc và truyền thống xã hội, thí dụ như có thái độ lịch sự và tôn trọng người khác, đấy rõ ràng không phải là những truyền thống mà Kirk cho là cần phải giữ.

Lý do thực sự để những người theo phái tự do đấu tranh cho quyền tự do cá nhân – đã bị những người phê phán thuộc trường phái cộng đồng xuyên tạc – thật đơn giản và hợp lý. Rõ ràng là mỗi người khác nhau cần những thứ khác nhau để có thể sống cuộc sống tốt đẹp, mạnh khỏe và đức hạnh. Mặc dù bản chất là như nhau, nhưng người ta khác nhau về điều kiện vật chất, về chiều cao, cân năng..v.v.. và vì vậy mà nhu cầu của chúng ta cũng khác nhau. Vậy thì đâu là giới hạn của lợi ích chung?

Karl Marx, một trong những người đầu tiên phê phán chủ nghĩa tự do từ quan điểm của phái cộng đồng, lý luận của ông ta cũng rất sắc sảo và chua cay. Marx khẳng định rằng xã hội dân sự dựa trên “sự phân ly con người”, kết quả là “bản chất của anh ta không còn giống nhau mà là khác nhau”; ngược lại, trong chủ nghĩa xã hội con người sẽ thể hiện mình như là “cá thể của lòai”. Như vậy là, những người xã hội chủ nghĩa tin rằng biện pháp cung cấp tất cả mọi thứ theo lối tập thể là phù hợp, trong nhà nước xã hội chủ nghĩa chân chính tất cả chúng ta đều được hưởng những lợi ích chung giống nhau và xung đột đơn giản là không xảy ra nữa.

Những người theo phái cộng đồng thường tỏ ra thận trọng hơn; và mặc dù nói rất nhiều, nhưng ít khi họ nói rõ lợi ích chung của chúng ta là gì. Thí dụ, triết gia theo phái cộng đồng, ông Alasdair MacIntyre, trong tác phẩm mang tên Sau đức hạnh (After Virtue), khẳng định trong 219 trang sách rằng: “Đời sống tốt đẹp đối với con người” phải diễn ra trong cố gắng chung và sau đó thì kết luận một cách khập khiễng rằng “đời sống tốt đẹp cho con người là đời sống được dùng để tìm kiếm đời sống tốt đẹp cho con người.”

Một tuyên bố thường gặp là lương hưu do nhà nước cung cấp là một thành phần của lợi ích chung vì nó “làm cho tất cả chúng ta đoàn kết lại với nhau”. Nhưng ai là “tất cả chúng ta”? Số liệu thực sự cho thấy rằng đàn ông Mỹ gốc Phi, trong suốt cuộc đời làm việc của mình, đóng số tiền bảo hiểm giống như đàn ông da trắng, nhưng họ chỉ nhận lại được một nửa so với đàn ông da trắng mà thôi. Hơn nữa, đàn ông da đen thường chết trước khi nhận lương hưu, nghĩa là tất cả tiền nong của họ đã làm lợi cho những người khác và tất cả các khỏan “đầu tư” của họ chẳng mang lại lợi ích gì cho gia đình.

Nói cách khác, họ bị ăn cướp nhằm làm lợi cho những người về hưu da trắng. Những người đàn ông Mỹ gốc Phi có phải là một phần trong “tất cả chúng ta”, những người được hưởng lợi ích chung hay họ là nạn nhân cho “lợi ích chung” của những người khác? (Độc giả của tạp chí này phải biết rằng tất cả đều được lợi với hệ thống hưu bổng tư nhân, vì vậy mà những người theo phái tự do khẳng định rằng tự do lựa chọn giữa các hệ thống hưu bổng khác nhau là lợi ích chung). Thế mà những lời tuyên bố về “lợi ích chung” lại thường được dùng để che đậy những hành động ích kỉ nhằm giành lợi ích riêng cho mình, như nhà văn Áo theo trường phái tự do truyền thống, ông Robert Musil, từng viết trong tác phẩm Con người không phẩm chất (The Man without Qualities): “Ngày nay chỉ có bọn tội phạm mới dám làm hại người khác mà không cần triết lý mà thôi.”

Người theo phái tự do công nhận tính đa nguyên tất yếu của thế giới hiện đại và vì vậy mà họ khẳng định rằng tự do cá nhân ít nhất cũng là một phần của lợi ích chung. Họ còn hiểu rằng muốn đạt được mục đích thì hợp tác là nhu cầu thiết yếu, con người cô đơn không bao giờ có thể tự cấp tự túc được. Chính vì thế mà chúng ta phải có luật lệ – thí dụ như luật lệ về tài sản và họp đồng – để làm cho quá trình hợp tác một cách hòa bình trở thành khả thi và chúng ta thành lập chính phủ để buộc mọi người phải thi hành những luật lệ này.

Hệ thống pháp luật tạo điều kiện cho chúng ta sống trong hòa bình và hòa hợp là lợi ích chung, chứ không phải là lợi ích “cho tất cả mọi người” nhưng thực ra lại là lợi ích của một số người trong khi những người khác phải chịu thiệt thòi. (Thuật ngữ “tự lực cánh sinh” còn một nghĩa nữa mà người làm cha mẹ nào cũng hiểu. Cha mẹ thường muốn con mình có tính tự lập chứ không sống như những kẻ ăn cắp, vô công rồi nghề, lười biếng hoặc ăn bám. Đấy là điều kiện cần thiết cho lòng tự trọng, Taylor và những người phê phán chủ nghĩa tự do khác đã lẫn lộn tinh thần tự lực cánh sinh với việc không dựa vào hay không hợp tác với người khác, một việc không thể xảy ra trên đời).

Vấn đề lợi ích chung bao giờ cũng liên quan tới quan điểm của những người theo phái cộng đồng về tính cá nhân hay sự tồn tại riêng biệt của những nhóm người. Cả hai quan niệm đó đều là thành phần của một quan điểm hòan tòan phi khoa học và phi lý của đường lối chính trị có xu hướng cá nhân hóa các định chế và các nhóm người, như nhà nước, dân tộc hay xã hội. Luận điểm về cá nhân hóa không những không làm phong phú thêm khoa chính trị học và tránh được sự ngây thơ của chủ nghĩa cá nhân tự do – mà những người theo phái cộng đồng khẳng định – mà còn làm cho vấn đề thêm rối rắm và ngăn chặn, không cho chúng ta nêu ra những câu hỏi thú vị, công trình nghiên cứu khoa học nào cũng phải bắt đầu bằng những câu hỏi như thế. Không có ai đặt vấn đề một cách rõ ràng bằng ông Parker T. Moon, nhà nghiên cứu lịch sử theo phái tự do ở Columbia University. Trong công trình nghiên cứu về chủ nghĩa đế quốc châu Âu hồi thế kỉ XIX với nhan đề Chủ nghĩa đế quốc và nền chính trị thế giới (Imperialism and World Politics) ông viết như sau:

Ngôn từ thường che lấp sự thật. Ngôn từ che mắt chúng ta trước những sự kiện trong quan hệ quốc tế nhiều hơn là chúng ta thường nghĩ. Khi sử dụng từ “Pháp” chúng ta thường nghĩ đến nước Pháp như là một đơn vị, một thực thể vậy. Để tránh lặp lại, chúng ta thường dùng đại từ nhân xưng thay cho một nước – thí dụ chúng ta nói: “Pháp đã gửi các đơn vị quân đội của họ đi xâm lược Tunis” – là chúng ta không chỉ coi đấy là một thực thể thống nhất mà còn nhân cách hóa cả một đất nước nữa. Chính ngôn từ đã che dấu các sự kiện và biến quan hệ quốc tế thành một vở kịch đầy màu sắc, trong đó các dân tộc đã được nhân cách hóa là các diễn viên và quên mất rằng những con người bằng xương bằng thịt mới là diễn viên thực sự.

Mọi thứ sẽ thay đổi đáng kể nếu không có từ “Pháp”, và lúc đó chúng ta phải nói 38 triệu đàn ông, đàn bà và trẻ con với những quyền lợi và niềm tin khác nhau sống trên diện tích là 218 ngàn dặm vuông! Lúc đó chúng ta phải mô tả cuộc viễn chinh Tunis chính xác hơn, theo kiểu như sau: “Một vài người trong số 38 triệu người đó đã đưa 30 ngàn người đi xâm lược Tunis.” Trình bày sự kiện theo kiểu đó sẽ lập tức tạo ra câu hỏi, hay đúng hơn là một lọat câu hỏi. “Một vài” người đó là ai? Tại sao họ lại đưa 30 ngàn người tới Tunis? Và tại sao những người này lại tuân theo?

Nhân cách hóa các nhóm người chỉ làm rối chứ không soi sáng những vấn đề chính trị quan trọng. Không thể dùng quan điểm từ việc nhân cách hóa những nhóm người như thế để giải thích một số vấn đề liên quan tới những hiện tượng chính trị và trách nhiệm đạo đức phức tạp, nhân cách hóa làm cho hành động của các chính trị gia trở thành huyền bí và tạo điều kiện cho một số người lợi dụng “triết học” – mà thường là triết học huyền bí nhằm làm hại những người khác.

Những người theo phái tự do không đồng ý với những người theo phái cộng đồng về một lọat vấn đề quan trọng, đặc biệt là nhu cầu sử dụng vũ lực nhằm bảo vệ cộng đồng, tình bằng hữu, tình yêu, và những vấn đề khác, tức là những thứ làm cho cuộc đời là đáng sống và chỉ có thể được hưởng thụ cùng với những người khác. Không thể gạt bỏ những khác biệt này ngay từ đầu; xuyên tạc, nêu ra những đặc điểm vô lý hay dán nhãn cho chúng không thể giúp giải quyết được những khác biệt đó.

 

Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn: Tom G. Palmer – Những ngộ nhận về chủ nghĩa cá nhân

Now we are free!

Featured Image: Ahmed Emad Eldin

 

Đầu tiên, hãy nghe bài hát này:

Hôm qua bạn nói với tôi về việc bị bó cánh. Bạn bảo, đôi cánh của bạn bị bó buộc quá. Bó bởi đồng tiền, bởi trách nhiệm, bởi gia đình, và vô vàn cái nhân cách quy chuẩn khác trong xã hội. Tôi cười: “Ừ, mình sinh ra phận làm người mà.”

Tôi vẫn nghĩ tạo hóa vốn rất cân bằng và có lý do cho tất cả. Không phải tự dưng chỉ loài chim có cánh mà loài người lại không. Con người sinh ra, không có cánh như loài lông vũ, không trơn trượt như loài bò sát, răng không sắc như loài gặm nhấm, không khát máu như thú dữ… Nhưng con người sinh ra để chinh phục tất cả những loài trên. Đó là ở chỗ, cảnh giới loài người đều hơn vạn vật một vài bậc. Và trách nhiệm ràng buộc là điều kiện cần và đủ cho việc làm người.

Nói về chuyện bay, tôi lại nghĩ đến loài ong bắp cày. Trong giới tự nhiên, ong bắp cày là một động vật rất thú vị. Đã từng có rất nhiều nhà sinh vật học, nhà vật lý học, nhà xã hội hành vi học đã liên hợp lại để nghiên cứu sinh vật này.

Theo quan điểm của sinh vật học, tất cả những động vật biết bay, điều kiện tiên quyết là trạng thái cơ thể nhẹ nhàng, cánh phải rất rộng. Nhưng loài ong bắp cày lại trái ngược với lý thuyết này: Thân ong bắp cày thô nặng, còn cánh thì lại ngắn một cách kỳ lạ. Theo lý thuyết của sinh vật học thì ong bắp cày tuyệt đối không thể bay được. Còn lý thuyết của các nhà vật lý học thì tỷ lệ giữa thân thể và cánh của ong bắp cày, xét về khí động học cũng không có khả năng bay. Nói một cách đơn giản, ong bắp cày hoàn toàn không thể bay lên được.

Nhưng, trong thiên nhiên, không một con ong bắp cày bình thường nào không thể bay, thậm chí tốc độ bay của nó không thua kém bất kỳ loại động vật nào. Hiện tượng này hình như là một sự đùa cợt lớn đối với thiên nhiên và các nhà khoa học.

Về sau, các nhà xã hội hành vi học đã tìm thấy lời giải đáp cho vấn đề này, đáp án đơn giản là ong bắp cày không hiểu “sinh vật học” và “khí động học”. Mỗi con ong bắp cày đều biết rất rõ rằng, nó nhất định phải bay lên để kiếm ăn, nếu không sẽ chết đói! Đó chính là sự huyền bí khiến ong bắp cày có thể bay giỏi như thế.

Có thể suy xét từ một góc độ khác, nếu ong bắp cày được dạy, học được khái niệm cơ bản của sinh vật học, hiểu được khí động học, dựa vào những kiến thức đó nó biết rõ kết cấu cánh và thân của mình hoàn toàn không thích hợp với việc bay, như vậy, con ong bắp cày này sẽ bảo mình rằng “KHÔNG THỂ BAY ĐƯỢC”, liệu nó còn có thể bay lên hay không?

Bạn thấy không? Mọi chuyện tưởng chừng như không thể trên thế giới này, chỉ được giải thích bằng một câu ngắn gọn vậy thôi. Đơn giản là: “Nếu tao không làm, tao sẽ chết!” Vậy, bạn đã thèm khát được bay đến nỗi “fly or die” chưa?

Lúc trẻ, Napoleon Hill ôm mộng trở thành một nhà văn. Nhưng vì lúc nhỏ gia đình ông rất nghèo, việc học hành không được đến nơi đến chốn, vì thế những người bạn có thiện ý thường bảo ông rằng ước mơ của ông “không thể” thực hiện được. Chàng thanh niên Hill gom tiền mua một cuốn từ điển tốt nhất, đầy đủ nhất, đẹp nhất, mọi điều mà cậu cần đều ở trong cuốn từ điển này.

Nhưng cậu đã làm một việc lạ lùng: Tìm thấy từ “không thể” (impossible), cậu dùng kéo con cắt rời ra, sau đó vứt đi, thế là cậu có cuốn từ điển không có từ “không thể”. Về sau Hill xây dựng toàn bộ sự nghiệp của mình trên tiền đề này. Với một người muốn thành công, vượt qua người khác, không có bất cứ việc gì là không thể làm được.

Tôi không đề nghị bạn cắt bỏ từ “không thể” trong từ điển của bạn, mà là đề nghị bạn gạt bỏ quan niệm này từ trong ý nghĩ của bạn và dùng chữ “có thể” để thay thế nó.

“Thân thể tại ngục trung, Tinh thần tại ngục ngoại.” – Hồ Chí Minh

Tôi vẫn có tín niệm vào khả năng bay của chúng ta. Một khả năng vô thường ở một tầm cao đẳng cấp không tưởng.

Thế nên bạn tôi ạ, đừng than vãn tại sao mình không bay được. Khi chỉ “trẻ” là không đủ. Chúng ta đều có thể bay, thậm chí là bay cao và xa. Quan trọng là, bạn có đủ bền bỉ hay không? Có bay được dài không? Gặp bão bạn có sợ không? Gặp gió lớn có nản lòng không? Bạn đủ can đảm không? Bạn có tiếc nuối không?

Cuộc sống luôn có những điều bất trắc xảy ra và chỉ kẻ hèn kém mới luôn lo sợ về tương lai. Đừng sợ! Vì kẻ đến đích cuối cùng, sẽ là người chiến thắng. Vì Vì trách nhiệm nặng nề chả liên quan quái gì đến việc bay cả khi bạn đủ can đảm đối mặt.

Because: NOW WE ARE FREE!

 

Thiên Thiên

Phải chi mẹ đừng kể

Featured Image: Muhammed Muheisen

 

Phải chi mẹ,
Đừng kể cho con nghe câu chuyện cổ tích nhân văn,
Nó không giúp con hiểu về cuộc sống đầy nghiệt ngã
Hãy chỉ kể con nghe về những gì người đời đã trả,
Con đã không,
Đánh đổi cả tương lai, trả giá nửa cuộc đời...

18 tuổi con mất cha,
Mất đi cái nóc mà người đời thường bảo trong ca dao sách vở
18 tuổi con lạc lõng giữa dòng đời,
Lạc giữa những vòng tay mà con ngỡ sẽ vịn vào bám víu.

18 tuổi con ngỡ đó là một giấc mơ…
(Những suy nghĩ trẻ thơ khi gặp điều ác mộng)
Để rồi quỵ ngã khi con không thể về thực tại
Sau những giấc ngủ vùi vẫn chẳng thể đổi thay

Rồi con chấp nhận những bàn tay để kéo con vực dậy
(Những con người mà con biết có lúc sẽ buông tay…)

Gia đình
Con chứng kiến được những người gọi anh gọi em,
Dẫm đạp nhau, hại nhau bằng những điều hèn hạ
Chỉ để cốt thỏa mãn cho cái ngã tầm thường,

Bạn bè
Con đã cảm nhận được những người gọi con là bạn
Sau thất bại đầu đời, họ dang rộng vòng tay chia sẻ
Như đằng sau sự sẻ chia lại là những nụ cười…

Xã hội
Con thấy được một xã hội nghèo nàn
Nghèo nàn trong tư duy, bởi giáo dục nghèo nàn
Chính sách ngu dân hay “dân ngu hóa lợn”(TĐ)
Tương lai nào cho những trẻ thơ….

Phải chi….

 

Thich Nhat Tien
(Nhật Ký Trong Nhà)