28 C
Nha Trang
Thứ bảy, 2 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 198

Tuổi trẻ là khi bạn dũng cảm gạt bỏ những xiềng xích

Featured Image: Paulo Zerbato

Đã lâu rồi không viết, cũng chẳng nhớ là khi nào và thế nào là lâu, chỉ cảm giác như cái việc viết mình đã bỏ nó từ lâu lắm rồi. Hôm nay, sau chuỗi ngày vô định, trống rỗng, ta ngồi lại đây, viết vài điều, cũng có thể là nhiều điều về cái ta gọi là tuổi trẻ, về những điều mà ta đang trải qua, đang sống, đang là… Để làm gì nhỉ? Uhm để nhìn nhận con người mình đang là rõ hơn, và để tìm thấy sự cảm thông, tình bạn giữa những con người cũng đang trải qua những điều đó, đang sống với nó, hoặc cũng có thể chỉ là viết để chia sẻ cái nhìn của ta cho mọi người biết. Uhm chắc là vậy!

Bắt đầu từ đâu nhỉ? Uhm từ ngày còn nhỏ đi! Chúng ta sống trong cùng một thế giới, cùng một bầu không khí, dưới cùng một bầu trời nhưng những hoàn cảnh sống lại khác nhau, cha mẹ, truyền thống, đất nước, văn hóa… khác nhau, và vì thế mà chúng ta được uốn nắn, định hình con người cũng khác nhau, những cái “tôi” khác nhau, niềm tin, hệ tư tưởng cũng khác nhau. Và có lẽ cái khác nhau đó sẽ tan biến dần đi khi chúng ta được thoát khỏi những bao bọc, những rào chắn của gia đình, xã hội, truyền thống, văn hóa… để được tự do nhìn nhận cuộc sống, nhìn con người mình bắng chính đôi mắt của chúng ta, chứ không phải bằng lăng kính của một người nào khác.

Và có lẽ cái tự do ít ỏi đó cũng đủ để chúng ta thấy bản thân mình trong mọi người khác nhiều lắm, những sợ hãi, hoang mang, vô định, thấy cái năng lượng ngập tràn bên trong, thấy tình yêu, niềm hân hoan vô lượng với cuộc sống, với những trách nhiệm, bổn phận… Và trong quãng thời gian tuổi trẻ có thể là dài hoặc cũng có thể là ngắn đó, chúng ta lựa chọn những con đường khác nhau, và rồi đến một lúc nào đó nhìn lại, ta sẽ cảm thấy thế nào? Sẽ tiếp tục sống ra sao? Ta đã chạm đến cuộc sống thực, tình yêu thực sự hay chưa?

Ta hãy tạm đánh dấu cột mốc tuổi trẻ là khoảnh khắc khi ta vứt bỏ hết những quy định, những truyền thống, những khuôn mẫu, những rào chắn của gia đình, xã hội… Nếu có nhiều người không thể vứt bỏ những điều ấy thì xin lỗi với tôi các bạn vẫn là những đứa trẻ đang được nuôi dưỡng bởi những tư tưởng, những niềm tin, những lý tưởng của người khác và các bạn vẫn đang ở trong một nhà trẻ đang được uốn nắn, định hình. Tuổi trẻ với tôi là khi con người ta dũng cảm gạt bỏ những xiềng xích, những màn che để nhìn đời bằng tất cả sự tự do, bằng tất cả đôi mắt và trái tim ngây dại của mình, để tự khám phá con người của ta, sự thật trong ta.

Nếu với bạn tuổi trẻ là khác thì cũng không có vấn đề gì cả, đó chỉ là một từ và bạn hay tôi mang ý nghĩa gì cho nó cũng là quyền của mỗi người. Chỉ là tôi đang muốn làm rõ những điều tôi chia sẻ, chứ không áp đặt điều gì cả, không muốn áp đặt cái ý nghĩa cao siêu gì lên từ nào cả. Và tôi cũng không nói triết lý, không lý tưởng hóa điều gì cả, nếu ai thực sự đã trải qua thì có thể hiểu, và tôi nghĩ chỉ một vài người thấu hiểu thôi cũng đã tốt lắm rồi.

Và cái tiến trình trong ta là gì khi vứt bỏ những thứ mà đã kiềm chế, định hình con người ta trong suốt thời thơ ấu? Có phải là sự hoang mang, sợ hãi, trống rỗng, tuyệt vọng hay không? Phải là ta đã thấy sự cô đơn, một mình tuyệt đối mà không ai có thể chạm tới được hay không? Có phải là sự sợ hãi đó khiến ta muốn tìm ngay cho mình một điều gì đó để bám víu, có phải ta đã thấy ta sống như không sống? Có phải ta thấy cái vô nghĩa của mọi sự khi mọi thứ ta cho là ý nghĩa – niềm tin, lý tưởng, văn hóa, truyền thống bị rơi rụng, phải là ta đã tuyệt vọng ghê gớm lắm, sợ hãi dữ dội lắm, muốn buông bỏ nhiều lắm cái mà ta gọi là cuộc Sống, phải vậy không? Và ta đối diện những điều kinh khủng đó như thế nào với đôi mắt ngây dại, với trái tim mong manh như hạt mầm vừa trổ? Có phải khi đó dù vô ý hay hữu ý, ta tìm được điều gì đó trong ta, cái mà giữ ta lại với cuộc sống này để ta không làm những điều điên rồ?

Phải là tình yêu? Phải là tình bạn, tình yêu của ta với những người ta đã từng thương yêu nhiều lắm? Phải là lòng trắc ẩn với những con người ngoài kia đang lầm lũi giống ta? Có phải những điều đó chỉ xuất hiện rất ngắn và ít ỏi cũng đủ kéo ta lại với cuộc sống, không cho phép ta làm những điều mà cái trí nhỏ hẹp của ta lúc đó muốn làm. Và từ khoảnh khắc đó, có phải ta đã tự đào sâu hơn vào chính bản thể mình hay không? Những suy nghĩ, cảm xúc, sợ hãi,… trong ta, có phải ta vẫn loay hoay tìm cho mình một con đường để tìm đến hạnh phúc thực sự hay không?

Nếu các bạn không trải qua những điều như vậy thì tôi xin lỗi vì đó có thể chỉ là những trải nghiệm của riêng tôi, nhưng có những điều bản chất tôi nghĩ đều giống nhau, những hoang mang, mâu thuẫn, giằng xé bên trong tâm can của mỗi người… Và khi trải qua tiến trình đó, ta nhìn con người mình và cuộc sống bên ngoài với nhiều sự chú tâm hơn, nhiều chân thật hơn. Có phải khi nhìn thấy rõ những suy nghĩ, cảm xúc, những động đậy của cái ngã, của tham lam, của dục vọng, của giả tạo, ảo tưởng bên trong, thì ta cũng có thể thấy được những điều đó từ người khác? Và đôi khi thấy rất rõ? Và rồi thì sao?

Có người không thể chấp nhận cái giả tạo đó, nhưng có những người đành để đó coi như không thấy cái giả tạo đáng khinh bỉ đó của bản thân, của người khác. Và rồi chúng ta kiếm việc, lo lắng cho tương lai, va chạm nhiều hơn, tiếp xúc nhiều hơn với mọi người, tiếp xúc nhiều hơn với những hệ thống, những lý tưởng, những áp lực từ công việc, từ người khác, và mỗi người tự chọn cho mình một con đường, và thường sẽ tự định hình cho mình những nguyên tắc, những hệ thống tư tưởng để sống với chúng, và chấp nhận cái ngã của mình như là việc cần thiết để không bị quy định bởi những điều mà mình đã vứt bỏ – những niềm tin, rào chắn, quy định của xã hội, của người khác.

Thời gian trôi và tôi tự hỏi, chúng ta có cảm thấy thoải mái, có cảm thấy hạnh phúc, bình an? Hay chúng ta mỗi lúc một hoang mang, trống rỗng hơn khi đối mặt trực diện với những ảo tưởng, dục vọng của mình và người khác, chúng ta có thương xót cho kẻ khác như thương xót chính bản thân ta? Hay chúng ta cảm thấy khinh bỉ, ghê tởm chính bản thân hay người khác nhiều hơn, ghê tởm những giả tạo, xấu xa, nhỏ nhen… của cái xã hội này, của những con người sống trong xã hội này, làm nên một cái xã hội thối rữa này?

Tôi tự hỏi chúng ta – Tuổi trẻ đang làm những gì để vươn đến tình yêu thực sự, cuộc sống thực sự, có phải chúng ta vẫn đang loay hoay với những khúc mắc bên trong, những mâu thuẫn, những trống rỗng, mệt mỏi… Hay chúng ta tự tạo cho mình những tư tưởng, niềm tin của riêng mình dù là cao thượng hay thấp hèn ta vẫn bám chấp vào nó, đóng sập cánh cửa của sự học hỏi và sống cả đời với những tư tưởng đó, tạo ảnh hưởng lên người khác và thu phục người khác theo con đường của ta? Hay chúng ta hoang mang, bối rối để rồi có một ai đó đến và mang cho ta những tư tưởng, lý tưởng nào đó và ta chấp nhận con đường đó như con đường của ta, lý tưởng đó như lý tưởng của ta? Hay ta một mình, cô độc, không giao tiếp với ai, không chấp nhận một ai, không chấp nhận cái thế giới này, ta chỉ chấp nhận riêng ta, cái ngã của riêng ta và sống với những nỗi niềm của riêng ta?

Hay ta nhìn đời bằng con mắt khinh khỉnh, ta để mọi sự như nó đang là, ta vui đùa với những điều ta cảm thấy ghê tởm, ta phóng túng, bất cần, ta mặc mọi sự đến đâu thì đến, ta cũng chỉ sống với cái ngã của ta và với cái ngã của người khác? Hay chúng ta cảm thấy bối rối ghê gớm khi cảm thấy khinh bỉ những xấu xa xung quanh ta, ghê tởm những thói khôn ranh, những dục vọng, ảo tưởng, giả tạo xung quanh ta và nó khiến ta sợ hãi những con người đó, khiến ta chỉ muốn một mình để né tránh những điều đó, những con người đó?

Hay chúng ta vẫn đang cố gắng, rất rất cố gắng để thấu hiểu con người mình, nhận biết những cái giả ngụy, xấu xa, dục vọng, tham lam,.. bên trong bản thân mình và những mối quan hệ xung quanh. Và ta luôn muốn hướng đến sự thật, luôn muốn thấu hiểu, nhận biết những cái giả tạo, ảo tưởng bên trong ta để mà soi sáng cuộc sống của ta? Ta giáp mặt với cuộc sống như nó đang là, đối diện với con người ta dù thấp hèn, nhỏ nhen, giả tạo hay tràn đầy yêu thương, lòng từ với tất cả lòng dung cảm, sự vô tư và tình yêu…

Có lẽ phải như vậy chúng ta – Tuổi trẻ mới tạo ra được một thế giới hoàn toàn mới mẻ, nơi con người hiểu được chính họ, và sống với tất cả chân thật của mình, với tất cả tình yêu của mình, năng lực thiên bẩm của mình. Ôi nghe mấy từ này lại cảm thấy triết lý quá, như một ý tưởng nào xa vời quá nhưng tôi chẳng biết dung từ nào hơn thế nữa để mà bạn thấu hiểu những gì bên trong tôi đang muốn chia sẻ với tất cả sự chân thật và thẳng thắn.

Nếu chúng ta để tuổi trẻ qua đi, có nghĩa là khi ta an phận với cuộc sống này, bằng lòng với xã hội này, mặc nhiên chấp nhận những quy định, ngục tù, những xấu xa, giả mạo, tham lam của thế giới này, khi ta mệt mỏi, thân tâm rã rời, để mặc cuộc sống ngày qua ngày lặp lại nhàm chán, vứt bỏ cái khao khát truy tìm sự thật, cái thôi thúc chạm đến tình yêu thực sự, thì cũng là lúc ta bắt đầu chết, và bắt đầu kéo những người khác lê lết theo ta xuống mồ.

Nhìn lại chúng ta đều có thể thấy, thấy rất rõ nhiều người từ một đứa trẻ, lớn lên và bị quy định về cách sống, chúng còn chưa biết thực sự sống là gì vậy mà chúng đã chuẩn bị chết rồi, và rồi thế hệ nối tiếp thế hệ lầm lũi trong những cái cũi mà chính chúng ta tạo ra. Tuổi trẻ có quá nhiều sự hoài nghi, mâu thuẫn và vì thế mà nó mở ra cho tuổi trẻ quá nhiều khả năng chạm đến chân của cuộc sống. Tôi thích nói chuyện với người trẻ nhiều hơn, họ chân thật hơn, hoài nghi nhiều hơn, nhiều mâu thuẫn hơn, không như những người lớn tuổi, xin lỗi nếu tôi có đụng chạm đến ai nhưng những người lớn tuổi, họ e dè hơn, giả dối nhiều hơn, bảo thủ và che giấu ngu si nhiều hơn, và tất nhiên họ sợ hãi nhiều hơn, và lại muốn bành trướng cái tôi của mình nhiều hơn, vì thế mà những người trẻ tuổi cần phải tỉnh táo trước mọi tư tưởng không chỉ là của người lớn mà cả tư tưởng của chính mình, đừng để bị lừa dối hay tự lừa dối bản thân.

Chúng ta phải tự do khỏi mọi xiềng xích, phải chân thật với toàn thể cuộc sống thì mới có hy vọng chạm đến cuộc sống thực. Tôi muốn chia sẻ nhiều lắm với những con người có niềm khao khát giống tôi, không phải chia sẻ trên bình diện tư tưởng, mà chia sẻ với những sự thật đang xảy ra với tất cả sự vô tư và thẳng thắn, và tôi nghĩ khi những nhận biết có sự cộng hưởng, điều đó sẽ biến đổi tất cả lên những bình diện cao hơn, không! Không phải cao hơn mà là giúp cả hai chạm đến sự thật nhanh hơn. Tôi nghĩ vậy!

Có lẽ viết vậy thôi, hơi lan man và có vẻ cũng không logic, và cũng chẳng có một mục đich rõ ràng nào nhưng đủ cho một buổi tối mát mẻ để nhìn lại bản thân, để chia sẻ cùng những con người đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ!

Phạm Đức Hậu

[BDTT8] Pippi Tất Dài – Astrid Lindgren

20

Nếu bạn muốn có những phút giây cười vui sảng khoái, hay bạn đang cần thêm niềm tin vào sức mạnh của bản thân, hay là bạn muốn chứng kiến óc hài hước, trí thông minh, sự sáng tạo mà con người có thể đạt tới khi chơi đùa cùng với những con chữ, thì truyện ngắn Pippi tất dài của nhà văn Astrid Lindgren là tất cả những gì bạn cần.

Pippi tất dài đã đến với mình sáu năm trước, qua lời giới thiệu của một người bạn cùng lớp. Và BÙM! Trí não mình đơn giản nổ tung như một quả bóng bay. Với một kẻ đam mê sự sáng tạo và hài hước thì cuốn truyện quả là một thiên đường thật sự. Thậm chí người đó có thể mỉm cười sau khi đọc xong và nhẹ nhàng nói rằng: “Giờ thì tôi có thể yên tâm nhắm mắt được rồi.”

Pippi là tên nhân vật chính của câu truyện. Cô bé mất mẹ từ nhỏ và cha thì mất tích ngoài biển khơi. Pippi có mái tóc đỏ quạnh bện thành hai bím vắt vẻo, đôi mắt to tròn và má thì lốm đốm những vết tàn nhang. Cô bé có sức khỏe phi thường và một trái tim nhân hậu. Tác phẩm kể về cuộc sống và những cuộc phiêu lưu của Pippi cùng với hai người bạn nhỏ hàng xóm, Thomas và Annika, họ là hai anh em ruột. Câu chuyện về cô bé đã được xuất bản tại hơn 90 nước và bảy lần dựng thành phim ở các quốc gia khác nhau, trở thành một trong những nhân vật kinh điển được yêu quý nhất của văn học thiếu nhi châu Âu và thế giới.

Truyện về những đứa trẻ thì trên đời này không thiếu, nhưng một đứa trẻ như Pippi thì chỉ có một mà thôi. Lí do mình thích cuốn truyện này bởi nghệ thuật xây dựng nhân vật cùng lối hành văn vô cùng độc đáo của tác giả, và hơn cả là những thông điệp thâm sâu được truyền tải qua từng chi tiết. Nếu Nhóc Nicolas kinh điển cần có những người bạn khác nhau để làm nên một bức tranh hoàn thiện đa màu sắc, thì ở đây Pippi tất dài có tất cả những màu sắc đó. Thậm chí, cô bé còn có khả năng làm những nhân vật khác bật lên những màu mà họ chưa bao giờ có. Ví dụ như một con cá mập thông thường sẽ có vẻ hung hăng, dữ tợn, nguy hiểm, nhưng khi gặp Pippi, nó sẽ được diện một khuôn mặt ngơ ngác, tội nghiệp khi bị cô bé vác lên trên khỏi mặt nước, và cảm thấy vô cùng khó thở khi ở giữa không trung vì đã lỡ dọa Thomas và Annika yếu đuối.

Tác giả đã để cho Pippi được đảm đương nhiều vai diễn trong một tác phẩm: Một cô bé nghịch ngợm, một bà chủ nhà khôn ngoan, một cô giáo dễ tính, môt người bạn chân thành, và thậm chí một người mẹ (Pippi tự làm mẹ mình, tự nhắc mình đi ngủ vào mỗi buổi tối, nếu cô bé nhất định không chịu đi ngủ thì cô sẽ bị mẹ cho ăn đòn. Đơn giản vậy thôi!) Vui tươi, hài hước, tinh nghịch, thông minh, sáng tạo, nhân ái, ưa mạo hiểm,… đó là những gì Pippy có. Dù bạn có kể thêm rằng là: Hay nói phét, châm biếm, mỉa mai, kì quặc, quái đản, dở hơi, thì nó cũng thuộc về cô bé nốt. Cả thế giới đều có ở nơi Pippi vậy.

“Ha, thiên hạ phải có cả mắt lẫn tai, cháu hi vọng thế.” Pippi nói. “Một số người cho rằng tai chỉ dùng để vẫy mà thôi.”

Bản thân mình sau khi đọc xong truyện thì có cảm giác Pippi như một người đắc đạo, cho dù có thể cô bé chẳng đánh vần đúng được từ “đắc đạo” đi chăng nữa. Một người không bị ảnh hưởng bởi những gì người khác nói về mình, không bị ngoại cảnh tác động mà còn có khả năng làm thay đổi ngoại cảnh với một bầu không khí vui tươi mà cũng không kém phần thâm sâu, thì ắt phải là người đã đi vào dòng Thánh.

Chưa hết, Pippi còn khiến người khác muốn trở thành cô bé, hoặc muốn được làm những điều phi thường như thế (Từ việc xách cổ con ngựa ra vườn để có chỗ ở hành lang uống caffe chiều cho đến cứu người khỏi đám cháy theo phong cách biểu diễn xiếc.) Có biết bao nhiêu trẻ em trên thế giới có ước muốn đó khi biết đến nhân vật đặc biệt này. Mình cũng vậy và cả bốn người bạn được mình giới thiệu đọc truyện Pippi cũng thế. Giờ thì sao? Cô bé trở thành siêu nhân rồi. Nhưng không ạ, Pippi chỉ là chính mình mà thôi, cái sự là chính mình đó khiến cô bé trở nên đẹp đẽ như vậy. Đây cũng là bài học lớn lao nhất mà bạn có thể cảm nhận được ngay cả khi chưa đọc hết cuốn truyện.

Cùng một nội dung, cùng một câu chuyện, nếu bạn kể theo những cách khác nhau thì chúng, hoặc có thể trở thành thảm họa, hoặc cũng có thể trở nên độc đáo số một . Nhưng phải nói là những ai đã được đọc Pippi tất dài thì họ là những kẻ cực kì may mắn vì được thưởng thức khả năng kết hợp, biến tấu ngôn từ rất khác biệt, táo bạo và hài hước của tác giả.

“Giờ các cậu về được rồi đấy, Pippi nói với Thomas và Annika, có thế mai các cậu mới lại có thể sang được chứ. Vì nếu các cậu không về, các cậu cũng không thể sang lại được nữa. Mà như thế thì tiếc lắm.”

Hay như lúc cô bé đứng trên một núi đá dốc đứng, nhìn xuống và nói:

“Bay xuống hoàn toàn có thể tập được. Chắc chắn bay lên sẽ khó hơn. Nhưng có lẽ ta nên bắt đầu từ dễ đến khó. Tớ nghĩ thế, tớ thử đây.”
Pippi bèn giang hai tay và bước một bước vào khoảng không(!)

“Khi có bão thì khổ ơi là khổ, Pippi kể thế, thậm chí bầy cá cũng say sóng và muốn vào bờ. Chính mắt tớ đã trông thấy một con cá mập mặt xanh mét như tàu lá và một con mực có bao nhiêu vòi đưa cả lên ôm đầu. Ôi chao, bão gì mà khủng khiếp!”

Cái sự hài hước nhất định không chỉ dừng lại là dí dỏm thôi đâu ạ, nó xuất hiện ở mọi cấp độ: Từ đơn giản phổ thông cho đến thông minh phức tạp, ngược đời quái đản cho đến mỉa mai châm biếm. Mục tiêu tấu hài của truyện chủ yếu nhằm vào những quy tắc, lề lối ứng xử cứng nhắc của con người trong cuộc sống, bên cạnh đó là những bất cập trong một hệ thống giáo dục máy móc. Cảm giác khi được chứng kiến một tác phẩm mà người làm ra nó đầu tư tất cả trí lực và tình cảm (Câu truyện này tác giả sáng tạo ra để dành tặng cô con gái bé bỏng của mình) để hoàn thiện thì ắt hẳn phải là rất may mắn. Theo đánh giá cá nhân thì mình thấy Pippi tất dài xứng đáng được phong là “trùm hài”. Cái sự hài trong Mr.Gum không thể phong phú bằng cho dù tần suất cười lớn hơn so với Pippi tất dài. Cuốn truyện về cô bé khiến bạn cười không chỉ để mà cười, nó còn khiến bạn trăn trở suy ngẫm, rồi bạn lại cười tiếp. Đó mới là cái cười giá trị.

“Nhưng các cậu thử nghĩ mà xem, Pippi nói, ngón tay trỏ sờ lên mũi với vẻ suy tư, giả sử tớ vừa mới học để biết bộ tộc Hottentotten có tất cả bao nhiêu thổ dân xong, thì bỗng dưng một thổ dân bị viêm phổi lăn đùng ra chết, thế là công lao học tập của tớ đổ xuống sông xuống biển hết, còn tớ chỉ biết ngồi đực mặt ra đấy, chẳng còn đâu một-quý-bà-thực-sự-thanh-lịch nữa. Phải có ai đấy bảo với đám thổi dân Hottentotten rằng họ là thế nào thì làm, không được để các con số trong sách giáo khoa của các cậu bị sai đi”

“Đúng, Pippi trả lời một ông bác nóng tính, không ưa trẻ con, lẽ ra người ta nên bắn bỏ hết lũ trẻ con. Nhưng việc đó không thể được. Vì nếu như thế thì làm sao chúng lớn lên thành những ông bác nhỏ đáng yêu được nữa. Mà người ta không thể không cần những ông bác.”

“Bà nội rất chi là nóng nảy, một việc cỏn con cũng khiến bà nổi giận. Nếu bà đi ra phố mà bị một viên gạch rơi trúng đầu, thì lập tức bà nhảy choi choi lên mà la hét ầm ĩ, khiến ai không biết cứ tưởng vừa có tai họa gì không bằng!”….”Cháu không có bà nội. Đơn giản là bà không tồn tại trên đời. Vì thế bà càng chẳng có lí do gì để nóng tính đến phát khiếp lên như vậy!”

“Nhưng tớ chẳng bao giờ bị say sóng cả, nên trước mắt tớ khỏi cần lo đánh vần nó thế nào. Còn ngộ nhỡ sẽ có lúc tớ bị say sóng, thì tớ sẽ có nhiều việc khác phải làm hơn là nghĩ ngợi xem viết hai chữ đó ra sao” (Pippi biện minh cho việc cô bé không đánh vần đúng hai chữ “say sóng”)

Nghệ thuật ẩn dụ trong truyện chính là thứ ma thuật khiến người ta phải đọc đi đọc lại Pippi tất dài. Chẳng có mấy kẻ đọc lại một câu chuyện cười hai lần khi đã biết rõ cái kết. Người ta đọc lại vì có cảm giác rằng còn điều gì đó chưa được khám phá, chính cái sự bí ẩn đó làm nên sự ngây ngất cho độc giả. Riêng bản thân mình đã đọc cuốn truyện này 4 lần rồi nhưng chưa bao giờ mình dám khẳng định là đã hiểu tường tận mọi ngõ ngách, mọi chi tiết trong truyện, cho dù nó chỉ là cuốn truyện dành cho thiếu nhi.

Pippi tất dài đặt những kẻ đi tìm kiếm vào một trạng thái mênh mang (vừa hiểu mà vừa có cảm giác còn điều gì đó chưa hiểu vẫn loanh quanh đâu đó), rồi từ đấy người đọc sẽ tự suy diễn theo trình độ và cảm nhận riêng của bản thân để ra được bức tranh mình mong muốn. Pippi tất dài biến bạn trở thành một kẻ đang yêu vô cùng nhạy cảm, bất kì “động tĩnh” gì của “người ấy” cũng khiến bạn có thể tưởng tượng, suy diễn, thậm chí là ảo tưởng. Xin được mượn câu nói của một người bạn để minh họa, đó chính là kiểu “Anh nói một câu, em nghĩ ba ngày”. Vì được tự do tưởng tượng như vậy nên câu chuyện chạm tới được tất cả mọi người, ai cũng nhìn được thế giới của chính mình trong đó, ai cũng có phần.

Để cho người khác được tự do, đó là điều mà một kẻ không có tự do không thể nào làm được. Sự vĩ đại của một tác phẩm nằm ở chỗ đó. Đã có biết bao nhiêu kẻ ngoài kia yêu thơ của Bùi Giáng vì không hiểu hết được thơ của ông và cũng không ít kẻ mê đắm Truyện Kiều vì những điều “vô ngôn” ở trong đó, nói trăng nói mây nhưng lại là nói con người, nói con người lại cũng chính là nói đất trời. Theo ý kiến cá nhân, một tác phẩm thành công hay không phụ thuộc vào nó có bao nhiêu phần tảng băng chìm ở dưới mặt nước. Kho báu thật sự nằm ở đó.

Cuối cùng, xin được nói về bài học lớn nhất mình học được từ câu chuyện này. Đó là sống hài hòa với chính mình để từ đó có khả năng chung sống vui vẻ được với mọi người và thế giới xung quanh. Cái sai lầm hiện nay của rất nhiều người đó là muốn thay đổi thế giới, muốn thế giới được hài hòa tốt đẹp nhưng không bao giờ chịu tu sửa bản thân (cái mà tạo nên chính thế giới ấy) cho hài hòa tốt đẹp trước đã. Pippi chỉ là môt đứa trẻ, nhưng cô bé đã làm được điều đó. Đây cũng chính là lí do tại sao người ta lại muốn được trở thành cô bé đến vậy. Pippi sống hài hòa với chính mình nên đã nắm giữ được chiếc chìa khóa để đến được với thế giới. Không có Pippi theo kiểu Cho tôi một vé đi tuổi thơ, hay mang phong cách Peter Pan hay thậm chí nhang nhác Shrek. Đó là Pippi duy nhất trên đời này. Mỗi người chúng ta còn cần gì hơn được sống hoàn toàn là chính mình?

Như mình đã nói, mỗi người luôn chắc chắn có được một phần trong truyện để tưởng tượng và soi chiếu, hãy đọc nó và bạn sẽ không bao giờ phải thấy hối tiếc. Có những cuốn sách sau khi đọc xong người ta có cảm giác không cần phải đọc thêm bất kì cuốn sách nào khác nữa. Với mình, đó chính là Pippi tất dài.

Mình thật sự hi vọng rằng sẽ có thêm nhiều người may mắn được đọc cuốn truyện độc đáo này! Chúc các bạn một ngày may mắn! 🙂

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

*Featured Image: adayroi

Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP)

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

Gọi tôi Sài Gòn

Featured Image: Châu Đặng Duy

 

Tôi yêu cái cảm giác được khám phá những vùng đất mới. Du lịch, hai từ ngắn gọn ấy không biết từ khi nào đã trở thành niềm đam mê của tôi. Nhưng có một thứ tôi nâng niu hơn nữa. Đó là cảm xúc trong giây phút trở về. Về với Sài Gòn thân thương.

Thật khó diễn tả hết cảm xúc trong khoảnh khắc thương yêu đó. Dù đi xa hay gần, chuyến đi tính theo đơn vị ngày hay tuần hay tháng, những cảm xúc ấy đều dào dạt tràn đến trong cùng một thời điểm.

Đó là khi, ngóng qua ô cửa nhỏ và lớp kính dày của máy bay, tôi thấy độ cao hạ dần bên ruộng đồng tươi mới và những dòng sông quyến rũ. Tiếp đến là tòa nhà Bitexco chót vót trông như trái bắp và… chớp mắt đã thấy con đường Cộng Hòa như sợi chỉ mảnh mai vắt ngang tấm áo đầy màu sắc của cô gái Sài Gòn.

Đó là khi, ô kính xe lửa ghi lại khoảnh khắc qua ga Bình Triệu, đã “nghe” được hơi hướng, mùi vị của Sài Gòn. Gương mặt người trở về có thể chưa qua cơn ngái ngủ nhưng trong lòng đã rộn ràng ca hát Sài Gòn ơi ta đã về…

Đó là khi vi vu bánh xe máy chạm đến bờ Bắc cầu Sài Gòn, khói bụi, cát tung mịt mù và trước mặt lấp loáng bao tòa cao ốc. Nơi cao nhất trên cầu, tôi có thể thấy mọi thứ chứa đựng trong Sài Gòn. Những mái villa ngói đỏ điềm đạm một cách kiêu kỳ lẫn dưới bóng cây bên dòng nước. Những căn nhà tạm bợ vách tôn sàn gỗ và cánh cửa làm bằng vật liệu gì không rõ, nửa trên bờ, nửa lấn ra sông. Tàu hàng bề thế hay ghe xuồng mỏng manh. Siêu xe bóng nhoáng hay những chiếc cub bền bỉ với thời gian. Tôi yêu tất cả Sài Gòn.

Sài Gòn trong tôi không chỉ là thành phố. Trở về Sài Gòn là trở về quê hương. Làn gió Sài Gòn có thể khiến tôi nhăn mặt vì bụi khói nắng mưa nhưng lại ẩn chứa hương vị trăm năm, thứ hương vị đặc sắc đã ngày ngày nuôi dưỡng tâm hồn hoài cổ trong tôi.

Thật buồn cười khi tôi cứ nghĩ đến Sài Gòn từ thuở khai hoang. Dạo bước trên từng ngõ ngách phố phường, lòng tôi miên man không dứt với những cuốn sách sử, để “rà” xem nơi này mười năm trước, năm mươi năm trước, một trăm năm trước, hay ba trăm năm trước đã từng ghi lại những dấu ấn nào. Yêu con chữ Sài Gòn, yêu luôn cả cái hồn xưa của tên gọi Bến Nghé hay Phiên Trấn dinh, Tân Bình huyện, Gia Định trấn, Phiên An thành…

Đã 20 năm ở đất Sài Gòn. Sài Gòn của tôi vẫn thế. Từ năm 1994 đến giờ Sài Gòn vẫn đẹp thay. Nhớ lúc nhỏ đường phố chỉ xe đạp, xích lô, xe cub, lâu lâu lại vài chiếc Toyota hay Mercedes. Trưa trưa là từng dòng nón lá đổ bộ, tiếng rao hàng rong thưa thớt. Chiều chiều lại là những cơn mưa bất chợt. Rồi cả những lúc cao điểm 7 giờ, 11 rưỡi, 5 giờ chiều kẹt xe, quán ăn, quán nước mở nhạc xập xình để câu khách. Tất cả cùng tạo nên một âm thanh bát nháo, nhưng đối với tôi, đó là “tiếng” của Sài Gòn, “tiếng” của sự bình yên…

Nét quyến rũ của Sài Gòn còn nằm trong chính sự thay đổi của một thành đô năng động. Bồi hồi xúc động xiết bao trong mỗi lần trở về, Sài Gòn đều duyên dáng khoe ra những nếp áo mới, khi là một tòa cao ốc tinh tươm và ngạo nghễ, khi là một đại lộ thênh thang tít tắp, cũng có khi là những ô vỉa hè mướt xanh dọc hai bên đường như chiếc áo được viền tà. Tôi đã yêu cái phong vị xưa cũ, lại càng thêm yêu hơi thở tràn trề sức sống của Sài Gòn mến thương.

Thật thiếu sót nếu không nhắc đến cảm giác nhẹ nhàng thư thái của café Sài Gòn. Sự tiện nghi và cách bày trí ngày càng tinh tế trong những khuôn viên rợp mát luôn mang cho tôi một tâm thế an nhiên tự tại. Nơi đó, những vị khách không quen biết đôi khi làm tôi nóng máu vì mùi khói thuốc, nhưng cái cách họ chuyện trò và lắng tai nghe nhạc cũng đủ cho tôi biết Sài Gòn nên thơ đến dường nào. Bao nỗi tâm tư, bao niềm tình tự, có lẽ đã đong đầy trong những quán xanh ngõ nhỏ êm đềm.

Cuối cùng, về với Sài Gòn chính là về với gia đình và công việc. Tôi chợt nhận ra, bao chuyến đi xa, cái mình nhận được không chỉ là lượng kiến thức về văn hóa, địa lý, lịch sử hay những giây phút thư giãn hòa mình cùng thiên nhiên, điều quý giá nhất là, tôi càng cảm thấy nhớ, thấy yêu gia đình hơn sau mỗi chuyến đi, tôi càng hăng say mê mẩn hơn với công việc, với những ngày tháng sinh viên, với những điều ngọt ngào nhất mà cuộc sống mang lại.

Và tất nhiên, mỗi lần trở về, cũng là để thương để nhớ, để say sưa hơn với Sài Gòn.

https://www.youtube.com/watch?v=ZbIBduwTf5Y

 

Vy Nguyen

Tháng 8/2014, đêm mất ngủ giữa lòng Sài Gòn. 

[BDTT8] Người đua diều – Khaled Hosseini – Có một Afghanistan rất khác, một Afghanistan đẹp đẽ và đầy nhân văn mà bạn sẽ phải ngỡ ngàng

Featured Image: Trịnh Thanh Tùng

 

Tôi còn nhớ, đấy là một buổi chiều muộn đầu tháng 5, tôi ngồi trong nhà chờ của ga đợi chuyến tàu cuối ngày để trở về nhà, tôi đã lặng người khi nhìn màn hình ti vi đưa bản tin về trận lở đất kinh hoàng ở Afganistan, 2500 người chết và mất tích, chôn vùi trong đống đổ nát. Đôi chiếc máy xúc, dăm ba cái xẻng, vài căn lều dựng tạm, một người đàn ông afganistan được phỏng vấn trên một đống đổ nát mà theo như ông nói: “mẹ, chị gái, vợ và các con tôi còn nằm dưới kia”. Giọng nói có vẻ rất khẩn thiết nhưng rõ ràng là ông ấy không khóc. Đôi mắt dáo dác, tôi cố nhìn quanh kiếm tìm một sự đồng cảm nhưng dường như không mấy ai quan tâm, nhiều người dồn mắt vào những chiếc điện thoại, một vài ánh mắt nhìn ti vi với con mắt thờ ơ. Thực sự tôi đã giật mình, không phải chỉ bởi sự vô cảm của người khác mà còn bởi chỉ cách đấy có một tuần, tất cả những ánh mắt ấy còn đổ dồn và màn hình ti vi dõi theo tin tức vụ chìm phà sewol.

Cầm chiếc điện thoại, tôi gõ vội một cái note: “Thân phận con người sao lại khác nhau đến vậy? Không… Có một afghanistan rất khác, không phải như mọi người nghĩ…, không phải chỉ là chết chóc, cuồng tín và khủng bố, và những con người nằm dưới đống đất kia mới thật đáng thương!”. Suốt buổi hôm ấy, ngồi trên tàu, nhìn ra màn đêm dày đặc, những hình ảnh trong cuốn tiểu thuyết của Khaled Hosseini cứ hiện lên rõ nét như thể tôi vừa mới gập cuốn sách lại. Câu nói của Hassan “Vì cậu cả ngàn lần” vang trong đầu ngỡ như chính tôi là Amir, nhân vật chính của cuốn truyện đang hổi tưởng lại tuổi thơ của mình.

Tôi tìm đến “Người đua diều” trong một cái gọi là cơ duyên có tính logic. Đó là vào buổi tối, tôi không nhớ lắm, có lẽ là khoảng 3-4 năm về trước, tôi bật HBO và tình cờ xem một bộ phim đang chiếu dở. Bộ phim thực sự quá đỗi cuốn hút và xúc động và đến khi kết thúc tôi đã phải ngỡ ngàng tự hỏi: “ Tại sao lại có một bộ phim hay đến vậy mà tôi lại chưa từng nghe tới, nó đáng ra phải được trao giải Oscar chứ nhỉ?”. Âm hưởng của bộ phim thức sự cứ âm ỉ và ám ảnh tôi, rồi có một thứ logic trong đầu mách bảo: “ Một bộ phim hay như thế chắc chắn phải được chuyển thể từ một cuốn tiểu thuyết có thể còn hay hơn thế, giống như một bài hát hay thường lấy chất liệu từ một tứ thơ đẹp”. Và thế là tôi bật máy tính và vào google search: “The kite runner”. Đúng như những gì tôi nghĩ, một tiểu thuyết được đánh giá là lay động lòng người của một nhà văn Mỹ gốc Afghanistan. Ngay ngày hôm sau, tôi đã có được cuốn sách trong tay. Nếu là một cuốn sách hay, có thể bạn sẽ đọc ngấu nghiến nó rồi đọc đi đọc lại nhiều lần, nhưng ngay lần đầu đọc “Người đua diều” tôi đã luôn phải ngừng lại để suy ngẫm, tôi luôn có cảm giác mình bỏ sót, đánh rơi những ý nghĩa sâu xa đằng sau từng chi tiết của câu chuyện.

Thế gian này luôn thật giộng lớn, và trong lúc tôi hay bạn đang ngồi ngắm sao trên bầu trời yên bình thì rất có thể cũng ở một khoảng trời nào đó là đạn pháo chói sáng, là tiếng súng inh tai. Afganistan không xa, và truyền thông là những thứ quái quỉ, nó nhòi nhét vào đầu chúng ta bất cứ thứ gì nó muốn? nó luôn đánh lạc hướng chúng ta, khủng bố? Taliban? Thánh chiến? không sai nhưng đó không phải là tất cả. Chúng ta thường lơ đãng với những thứ quá đỗi quen thuộc, chết chóc sẽ là bình thường nếu nó diễn ra hàng ngày. Ngay lúc tôi ngồi viết những dòng này, đã có hàng ngàn người và trong đó là hàng trăm trẻ em chết dười làn đạn pháo sau những cuộc không kích của Israel vào dải gaza nhưng có thể nhiều người không biết, nhiều người còn đang quá tập trung vào những tấn thảm kịch máy bay rơi với hàng trăm nạn nhân đủ mọi quốc tịch.

Tôi đã phải thốt lên rằng thân phận con người sao mà khác nhau đến vậy nhưng mà mạng người thì đâu có khác nhau? Và cái buổi chiều muộn ở nhà chờ ga tàu hôm đấy chỉ có mình tôi thực sự xót thương cho những con người ấy, cho đất nước ấy, vì tôi biết có một afghanistan rất khác, một afghan đẹp đẽ và đầy nhân văn mà tôi đã thực sự rơi lệ sau mỗi trang sách của Khaled Hosseini. Một đất nước mà con người thật mạnh mẽ và dữ dội nhưng cũng thật yếu đuối khi tự đặt mình “trong lòng bàn tay của thượng đế”. Một thứ giáo lý mê muội hay thứ kiêu hãnh mù quáng về chủng tộc, gốc gác khiến những người đàn ông anh em chĩa súng vào nhau còn những người phụ nữ mãi phải giấu mình sau chiếc burqa. Một đất nước mà con người luôn phải đối diện với nỗi đau, mất mát thường trực, mọi thứ đã thành chai sạn và những người cha thì luôn phải dạy những đứa con mình trước những mất mát rằng: “ Đó là ý của thượng đế, ngài luôn có một lý do”. Với tôi đất nước ấy thật đáng thương và những thân phận nhỏ bé vùi dưới đống đất kia mới thật xót xa và đau đớn.

“Người đua diều” có thể đưa bạn đến một đất nước Afghanistan rất khác-afghan của những năm 70 đầy mầu sắc với những giá trị văn hóa lâu đời, nó cũng có thể giải đáp cho bạn một phần những câu hỏi về thế giới hồi giáo, về xung đột sắc tộc, các chi nhánh tôn giáo, một chủ đề mà nhiều người trong chúng ta đã quan tâm sau sự kiện 11-9. Nhưng tôi có thể nói cho bạn rằng những thông điệp mà “ Người đua diều” truyền tải còn hơn thế rất nhiều, bạn sẽ thấy những điều ở ngay quanh chúng ta, hay sâu tận trong tâm can mỗi con người. Đó là tình bạn, tình cha con, tình yêu, tình yêu quê hương, niềm tin tôn giáo đan xen với chúng là kiêu hãnh, danh dự, lỗi lầm, chuộc tội hay tha thứ … Thật khó có thể hình dung được sức mạnh truyền tải của câu chuyện.

Bằng lối văn giản dị nhưng tinh tế, Khaled Hosseini đã dẫn giắt một cách đầy lôi cuốn người đọc trên hành trình của Amir từ lúc là một cậu bé đến lúc trưởng thành trở thành một nhà văn trẻ và hành trình tìm về quá khứ chuộc lại lỗi lầm cũng như giải thoát cho những day dứt đã đeo đẳng Amir suốt những năm tháng anh lớn lên trốn chạy theo cha khỏi afghanistan rồi trở thành một công dân Mỹ. Cốt truyện, tình huống li kì, pha trộn màu sắc văn hóa, tôn giáo và có phảng phất các yêu tố chính trị có tính thời sự đã đủ khiến “ Người đua diều” trở thành tác phẩm đầy hấp dẫn. Nhưng điều mà tôi thích nhất ở “Người đua diều” lại chính ở từng chi tiết tinh tế và thấm đẫm tính nhân văn. Tôi đã học được rất nhiều từ những chi tiết đó, tôi thích tất cả các nhân vật trong truyện, và tôi nhớ từng câu nói, hành động của họ.

“có duy nhất một tội, một tội thôi, đấy là tội ăn cắp, mọi tội khác đều là biến thái của tội ăn cắp, con có hiểu không?”, “ Khi con giết một người con ăn cắp một cuộc đời, con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp cha của lũ trẻ. Khi con nói dối là con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật. Khi con lừa bịp, con ăn cắp quyền được ngay thẳng. Con có hiểu không”, “ Bố muốn nói tất cả bọn họ, đái vào râu tất cả cái lũ khỉ lên mực đạo đức ấy. Họ chẳng làm được trò gì ngoài việc lần tràng hạt và đọc một cuốn sách viết theo một lối mà chính họ cũng không hiểu, cầu thượng đế phù hộ cho chúng ta để đừng bao giờ Afghanistan rơi vào tay họ”.

Đấy là cái cách Baba của Amir dạy đứa con của mình về tội lỗi và về những giáo sĩ đạo hồi ở nhà trường. Tôi đã thực sự bàng hoàng khi đọc những dòng ấy, rõ ràng có một afghan rất khác, afghan của những con người đầy tiến bộ, hiện đại nhưng cũng rất nhân văn như Baba hay Rahim Khan, bạn của ông. Rồi cái cách Baba đứng phắt dậy gạt đôi tay Amir đang níu kéo ông, để bênh vực cho người phụ nữ trước nòng súng của tên lính Nga khi chiếc xe trên đường trốn chạy khỏi afghan gặp trạm gác lính Nga đã thực sự làm tôi sững sờ và xúc động. Cũng trên hành trình ấy, khi đứng giữa biên giới, bên kia là Pakistan, người đàn ông afghan lặng lẽ: “dốc hết thuốc ở hộp ra, và bốc một vốc tay bụi đất ở giữa con đường không rải nhựa. Ông hôn bụi đất, đổ vào trong hộp, đút hộp vào túi ngực ở gần tim ông”

Có lẽ ông đã có một dự cảm rằng sẽ mãi mãi không được trở về mảnh đất quê hương nữa và quả thật nhiều năm sau, trên đất Mỹ, trước khi nhắm mắt, người đàn ông đó lại lặng lẽ lôi hộp đất ấy ra hôn lần cuối. Câu chuyện trở lên cao trào vào cái buổi Amir đưa đứa con trai của người anh em cùng cha khác mẹ – Hassan mà anh vừa lôi khỏi tay Taliban vào bệnh viện cấp cứu. Vào cái lúc Amir lao ra ngoài hành lang hỏi người y tá đâu là hướng Tây, rồi anh vứt cái tấm khăn làm thảm quỳ xuống đất, nước mắt đầm đìa tấm khăn, cúi lạy về phía Tây, lảm nhảm cầu nguyện, tôi tin rằng nếu bạn đọc đến đó bạn sẽ cảm nhận thấy rõ cái ranh giới mong manh giữa niềm tin con người và niềm tin tôn giáo. Đấy là đỉnh điểm của sự cứu rỗi, mong muốn chuộc tội, của sự day dứt đến giằng xé, bởi “máu mủ là thứ quyền uy tối thượng”.

“Bây giờ, tôi mới thấy Baba nhầm, có một Thượng đế, luôn luôn có một Thượng đế. Tôi thấy Người ở đây, trong những con mắt của mọi người nơi dãy hành lang tuyệt vọng này. Đây là ngôi nhà thực sự của Thượng đế, đây là nơi những ai để lạc mất Thượng đế sẽ tìm thấy Người, không phải toà masjid trắng với những ngọn đèn lấp lánh như kim cương và những tháp gọi cầu kinh cao vời vợi. Có một Thượng đế ở đây, ở đây phải có, và bây giờ tôi sẽ nguyện cầu, tôi phản bội, đã dối trá, và đắc tội mà không bị trừng phạt, chỉ quay lại với Người vào giờ khắc cần thiết lúc này của tôi. Tôi cầu xin Người hãy nhân từ, khoan dung và độ lượng như cuốn kinh của Người đã dạy về Người như vậy”

Tôi tin đấy là những dòng viết nhân văn nhất. Đánh giấu sự trưởng thành thực sự của Amir vào cuối truyện là khi anh nhìn thẳng vào mắt tướng quân sahib (bố vợ anh) để nói: “Tướng quân Sahib, bố thấy đấy, bố con ngủ với vợ người ở của ông ấy. Bà này đẻ cho bố con một đứa con trai tên là Hassan. Hassan bây giờ đã chết. Thằng bé đang ngủ trên ghế dài là con của Hassan. Nó là cháu của con”. Không hiểu sao chi tiết này luôn dạy cho tôi rằng cái cách mà một thằng đàn ông cần phải sống, đó là cái sự ngay thẳng, thẳng thắn đối diện với cả những tội lỗi, sai lầm đáng xấu hổ của bản thân. Tôi cho rằng đấy là lúc Amir đã thực sự tìm lại được con người tốt đẹp trong mình, anh đã thực sự được thanh thản, thanh thản để có thể tha thứ, tha thứ cho cha anh và cho cả chính anh, và bởi vì: “luôn có một con đường để tốt lành trở lại”

Đó chỉ là vài chi tiết trong rất nhiều chi tiết mà khiến “Người đua diều” thực sự đã ám ảnh tôi và nó khiến tôi nghĩ khó có thể đọc một cuốn tiểu thuyết tiếp theo, tôi sợ rằng các cuốn truyện tiếp theo sẽ chỉ là cái sự nhàn nhạt. Một tác phẩm quá đẹp đẽ, đẹp ngày cả chính cái tựa để của tác phẩm, hình ảnh chiêc diều tượng trưng cho tuổi thơ, cho hòa bình, tự do, cho ước mơ, khát vọng, có ở đâu nó cũng như vậy thôi. Chiếc diều của tuổi thơ và tình bạn giữa Amir và Hassan bay trên bầu trời Kabul và đến cuối truyện nó lại bay trên bầu trời nước Mỹ trong tay của Sohrab con trai Hassan, phải chăng là sự kết nối cho nhiều thứ…

Tôi không biết chắc rằng cuốn sách này sẽ đem tới được gì cho các bạn, tôi chỉ muốn chia sẻ. Những giá trị nhân văn của cuốn sách tôi nghĩ rằng khó có thể đong đếm và ước lượng. Tôi thầm cảm ơn Khaled về những trang viết xúc động mà ông đem đến không chỉ ở “Người đua diều” mà ở cả những “Ngàn mặt trời rực rỡ” hay “And the mountains echoed” sau này, bởi văn chương theo tôi nghĩ như nhiều thứ nghệ thuật khác mục đích và tác dụng sau cùng cũng là hướng con người tới cái “Chân – thiện – mỹ”.

Trịnh Thanh Tùng


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP)

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét của ban giám khảo

Về chuyện chùa bồ đề: Xin bố thí cho đời một cái nhìn từ tâm

Featured Image: Braden Gunem

 

“Chuyện kể rằng, vào một buổi sáng tinh mơ tại một ngôi Chùa nọ, lúc sư trụ trì vừa mở cổng ra đã thấy dưới chân mình hình hài một sinh linh bé bỏng. Sự kinh ngạc ban đầu nhanh chóng trôi qua, sư trụ trì như “ngộ” ra một điều: Có lẽ đây là sự “ký thác” của người đời về trách nhiệm làm cha làm mẹ bất đắc dĩ đối với nhà Chùa. Nghĩ vậy, nên sư vội vàng cúi xuống nhặt sinh linh bé bỏng ấy lên, ôm nó vào lòng để truyền hơi ấm, sư khép cổng lại và trở vào chánh điện. Không biết là “nhân duyên” hay “nghiệp báo”, kể từ ấy đến nay nhà Chùa không chỉ là nơi phát tâm tu hành của các Phật tử mà còn là nơi cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi, không nơi nương tựa.

Theo thời gian, những sinh linh bé bỏng (không biết vì lý do gì) lại bị người đời “ký thác” cho nhà Chùa ngày một nhiều hơn. Trước tình hình ấy, sư trụ trì phải “cậy” đến lòng từ bi, sự thiện nguyện của các thiện nam tín nữ xa gần nhằm chung tay với nhà Chùa chăm sóc những đứa trẻ tội nghiệp. Một trong số các thiện nam tín nữa đó là Trang Thị. Được sự cho phép của sư, Trang Thị và một vài người khác nữa đã ở lại hẳn trong Chùa để tiện bề coi sóc cho những đứa trẻ.

Thế rồi, một biến cố đã xảy ra. Ngày nọ, một đứa trẻ trong Chùa đột nhiên mất tích một cách kỳ lạ và khó hiểu. Tin này nhanh chóng đến tai chính quyền sở tại. Sau quá trình điều tra, Trang Thị đã bị cơ quan chức năng bắt giữ và khởi tố vì tội “mua bán trẻ em trái phép”. Lẽ thường tình, sư trụ trì đương nhiên cũng bị cơ quan chức năng triệu tập nhằm làm rõ hơn một số vấn đề có liên quan. Bởi dù muốn dù không sư cũng là người trực tiếp coi quản và điều hành mọi hoạt động ở Chùa từ trước tới nay.

Sự việc xảy ra đúng vào mùa “Vu Lan báo hiếu” – đây vốn được coi là ngày “lễ” truyền thống của dân chúng nhất là với các Phật tử mộ đạo. Tương truyền “lễ” này có nguồn gốc từ chuyện về ngài Mục Kiền Liên Bồ tát (trong kho tàng truyện cổ Phật giáo) – một đệ tử của đức Phật muốn báo hiếu cho Mẹ mình là bà Mục Liên Thanh Đề đang bị đọa dưới địa ngục vì những tội lỗi mà bà đã gây ra từ “kiếp” trước.”

***

Tôi muốn tóm tắt lại sự việc liên quan đến chùa Bồ Đề (mà ai cũng biết) thành câu chuyện nhẹ nhàng như trên, trước hết là để nhắc nhở bản thân về một sự việc vốn đang tạo ra vố số những suy nghĩ trái chiều; sau nữa là góp thêm một góc nhìn về mối quan hệ giữa “đạo” và “đời” của người Việt ở xã hội ta hiện nay.

Xin một lời đính chính

Có lẽ, không nhất thiết phải là Phật tử, những ai có tìm hiểu ít nhiều về Phật giáo đều biết hạt nhân cơ bản của tôn giáo này là quan niệm về lòng từ bi của con người. Tuy vậy, với Phật giáo thì lòng từ bi không chỉ giới hạn trong mối quan hệ giữa người với người mà là với tất thảy mọi chúng sinh. Lòng từ bi trong tư tưởng Phật giáo không chỉ hiện diện ở cõi dương gian mà còn hiện diện ngay ở một nơi rất ghê rợn: Địa ngục. Chứng kiến chúng sinh vì tội lỗi mà bị đọa vào địa ngục, bằng tất cả lòng từ bi, tình yêu thương của mình, ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát – một đệ tử của đức Phật đã nguyện rằng:

“Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật
Chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ Đề.”

Tạm hiểu là: “Khi nào chốn địa ngục chưa hết kẻ bị đọa đày sẽ không thành Phật, tất thảy mọi chúng sinh được giải thoát mới chứng quả Bồ Đề.”
Đây cũng là lý do vì sao trong một nơi u tối, ghê rợn của địa ngục nhưng vẫn có hơi ấm của mùa xuân lan tỏa vào. “Mùa xuân trong địa ngục” [1] – một cách nói, cách lý giải rất hay của giáo sư Cao Huy Thuần về tinh thần từ bi, bác ái, phổ độ tất thảy mọi chúng sinh trong tư tưởng Phật giáo.
Để những hạt mầm từ bi đâm chồi, nẩy nở; để cây từ bi đơm hoa kết trái trong lòng mỗi người, giáo lý Phật giáo đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề “nhân quả và nghiệp báo”.

Đặc biệt, “nhân quả và nghiệp báo” trong tư tưởng Phật giáo được “tính” ngay cả trong mỗi suy nghĩ, trong mỗi lời nói của con người. Vì suy nghĩ là khởi nguồn cho hành động. Suy nghĩ đúng sẽ đưa đến hành động đúng, suy nghĩ sai tất sẽ dẫn đến hành động sai. Trong giáo lý nhà Phật, những suy nghĩ sai được gọi là “tà niệm” “tà kiến” (đối lập với suy nghĩ đúng – “chánh niệm” “chánh kiến”). Trong“tà niệm” “tà kiến” thì nói dối, nói không đúng sự thật là điều đáng chê trách nhất. Đó cũng là lý do vì sao “không sát sinh” (chứ không phải không “giết người”) và “không nói dối” là hai trong 5 giới cấm mà bất kỳ ai đã quy y nơi cửa Phật đều phải thề nguyện không vi phạm.

Trở lại vụ việc ở chùa Bồ đề, có thể nói, những người nào thật sự có liên quan đến chuyện “mua bán trẻ em” mà cơ quan chức năng đang điều tra, hơn ai hết bản thân họ biết rất rõ mình sẽ bị báo ứng như thế nào. Đây là “bản án” mà theo tôi, những người có liên quan trong vụ này đang phải đối mặt hàng ngày trước cái nhìn của Phật tổ nơi chánh điện, trong từng lời kinh câu kệ, từng cái chấp tay, từng động tác quỳ lạy, từng tiếng chuông mỗi phút mỗi giây vọng về trong tâm tưởng…

Điều đó cũng có nghĩa, trong mối quan hệ với “đạo” thì “bản án” có tên gọi “lương tâm” đã được tuyên từ rất lâu rồi, còn trong mối quan hệ với “đời” thì như mọi người đã và đang nhìn thấy, các cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ và chắc chắn sẽ có những bản án được tuyên. Đây phải chăng là “báo ứng nhãn tiền” (ngay trong “kiếp” này chứ không đợi “kiếp” sau) cho những suy nghĩ và hành động lỗi đạo của những Phật tử đang hành đạo ở ngôi chùa này?

Thế thì, với tư cách là những người “ngoài cuộc”, chúng ta có nên tự cho mình quyền đứng cao hơn hai “bộ luật” kia để tuyên thêm một bản án nào nữa không? Cá nhân tôi nghĩ là không nhưng nếu ai đó cho rằng mình có quyền phán xét chuyện này thì về mặt tự do ngôn luận tôi xin tôn trọng nhưng với điều kiện: có lẽ mỗi người cũng nên biết đâu là bản chất thật và giới hạn của vấn đề.

Mùa Vu Lan ở chùa Bồ Đề năm nay đã không còn cái khí nhộn nhịp của dòng người đến hành lễ và cúng dường, “bố thí” như những năm trước đây. Điều này đã nói lên tất cả sự hoài nghi, sự đổ vỡ niềm tin, đổ vỡ đức tin trong lòng mỗi người dân từ khi vụ việc xảy ra. Nhưng phải chăng một trong những nguyên nhân đưa đến sự đổ vỡ niềm tin này là do sự tác động từ những bản án được tuyên quá vội vàng và quá khắc khe của dư luận? Phải chăng đây chính là sự “khủng hoảng của truyền thông”[2]?

Ai đó qua vụ việc ở này đã khái quát đây là “bức tranh đời lệch chùa nghiêng” [3]. Hoàn toàn không phải chuyện bắt bẽ chữ nghĩa nhưng có lẽ theo tôi, chúng ta cần định danh sự việc đúng với bản chất thật của nó (cũng là tránh một cái nhìn thiên lệch sẽ vô tình “tạo nghiệp” về sau theo tinh thần của Phật giáo). Cho nên nếu chính xác thì đây không phải “đời lệch” mà là “lòng người lệch”; không phải “chùa nghiêng” mà là “lòng người (đang hành đạo dưới mái Chùa) nghiêng”.

Nói như vậy để thấy rằng trong cuộc sống, chúng ta chỉ chống lại những hành động (gây nên hậu quả tiêu cực) của con người chứ không phải và không nên chống lại con người. Cái ranh giới giữa hai vấn đề này nhất định phải được vẽ và phân định thật rạch ròi chứ không nên nhập nhằng, lẫn lộn.

Đến đây có thể thấy, phải chăng trong nhiều trường hợp (dù vô tình hay có ý) dư luận đã không có cái nhìn bao dung và lòng từ bi như ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát? Vì vậy, hơi ấm của mùa xuân đã không thể lan tỏa đến những người có lẽ đang rất sầu não trong cái địa ngục của “bản án lương tâm”? Nếu cứ tiếp tục như vậy thì thật là nguy hiểm cho xã hội vì những hạt mầm từ bi có nguy cơ không thể nẩy mầm; những cây từ bi không thể đơm hoa, kết trái.

Hãy bố thí cho đời một cái nhìn từ tâm

Trong cái nhìn của chúng ta hiện nay, từ “bố thí” nghe có vẻ không được hay cho lắm. Tuy nhiên, trong giáo lý nhà Phật, từ này được hiểu với nghĩa tích cực. “Bố thí” là hành động cụ thể rõ ràng nhất chứng nhận cho lòng từ bi của con người. Nói như giáo sư Cao Huy Thuần là:

“Phật giáo đề cao tận cùng công đức của bố thí. Đừng tưởng bố thí chỉ là cúng dường. Cũng đừng tưởng bố thí chỉ là làm việc từ thiện. Bố thí phải hiểu cho đúng nghĩa: Là cho nhưng là cho không thấy người cho, không thấy người nhận, không thấy vật cho. Cho như vậy, nghèo giàu gì cũng cho được vì đâu phải chỉ có tiền, có tài vật mới gọi là cho. Cho một tiếng cười cũng là bố thí. Một lời nói dịu dàng. Một cái nhìn trìu mến. Một lời cảm ơn. Một cái chắp tay. Một tiếng chào. Một lời xin lỗi. Một lời tha lỗi. Một cái cúi đầu. Một bóng mát từ cây cao tỏa xuống ven đường. Vấn đề là đừng nghĩ rằng mình cho, đừng nghĩ ai có lợi, cho với một cái tâm trống không như bóng mát kia tự nhiên tỏa xuống không biết nó là bóng mát hay không biết ai ngồi hưởng mát giữa bóng mình.”[4]

Trước bất kỳ một vấn đề của cuộc sống, mọi người đều có quyền bình đẳng, tự do phát biểu suy nghĩ của riêng mình. Đó là lẽ đương nhiên không ai có quyền ngăn cấm (mà dẫu có muốn ngăn cấm cũng không được). Tuy vậy, có lẽ trước những sự việc liên quan đến niềm tin, hay đức tin về tôn giáo của con người thiết nghĩ, mọi phát biểu của chúng ta cần phải hết sức cẩn trọng. Vì lời nói cũng giống như một mũi tên, một khi đã bay đi thì không có cách nào cản lại được. Nên không khéo, có khi vì muốn sửa cái sai này, chúng ta lại rơi vào cái sai khác.

Có lẽ, ai đó cho rằng, tôi – kẻ viết bài này là một Phật tử nên mới có những lời “mộ đạo” như trên để chiêu tuyết cho những kẻ phạm sai lầm chăng? Rất thành tâm tôi xin trả lời tôi không phải là Phật tử, tôi chưa từng đến cửa Phật để quy y, trong chứng minh thư của tôi hiện vẫn ghi rất rõ một từ “không” ngay phía sau dấu hai chấm của mục kê khai về tôn giáo.

Trước đây, nhà thơ Kiên Giang trong bài thơ “Hoa trắng thối cài trên áo tím” có viết:

“Lạy Chúa con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ngự trên trời.”

Bắt chước người xưa, tôi xin phép được kết thúc bài viết của mình tại đây với suy nghĩ tương tự:

“Lạy Phật con là người ngoại đạo
Nhưng tin có nhân-quả trên đời.”

 

Nguyễn Trọng Bình


Chú thích nguồn dẫn:
[1]; [4]: Cao Huy Thuần – “Chuyện trò”. Nhà xuất bản Trẻ, 2013
[2]: Xem tạihttp://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/191763/chua-bo-de-va-khung-hoang-truyen-thong.html
[3]: Xem tại http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/191409/bo-de-va-buc-tranh-doi-lech–chua-nghieng.html

Bế tắc, âm nhạc và hời hợt

Featured Image: Anthony Maragou

 

Thất bại thì thật đau đớn. Nhưng vấp đi vấp lại thất bại còn đau đớn gấp nhiều lần, như ngàn nhát dao cứa vào vết thương cũ còn chưa lành hẳn. Niềm tin sụp đổ phũ phàng, đam mê đang bùng cháy thì vụt cái trở thành ngọn lửa tí tách tin hin. Bế tắc, như một tất yếu, xâm chiếm cái tinh thần mỏng manh dễ vỡ. Và vỡ oà, trăm ngàn tấm gương bay tán loạn cắm phập vào những cố gắng đầy miễn cưỡng… Buông xuôi…

Trong thời gian lướt facebook “giết thời gian”, tôi tình cờ quen một người bạn mới. Hai tâm hồn nói chuyện với nhau đồng điệu một cách lạ lùng, cảm xúc ngấm cả vào những con chữ vô hồn. Cậu ấy khuyên tôi một vài bài của ban nhạc mà cậu ấy rất thích – The Beatles.

“Hey Jude, don’t make it bad
Take a sad song and make it better
[…]
And anytime you feel the pain, hey Jude, refrain
Don’t carry the world upon your shoulders
For well you know that it’s a fool who plays it cool
By making his world a little colder.”
 – The Beatles (Hey Jude)

https://www.youtube.com/watch?v=eDdI7GhZSQA

Đó là khi âm nhạc lại cứu rỗi tôi lần nữa, lần này là những bài hát “cũ kỹ” nhưng sống cùng năm tháng. Tôi nhìn sâu vào trong tâm hồn mình, và nhận ra vấn đề đâu có quá phức tạp như bản thân đinh ninh.

“Càng đơn giản bao nhiêu thì cuộc sống lại càng nhiều sắc màu bấy nhiêu, đừng tự phức tạp nó nên, để rồi cuộc sống chỉ bao trùm một màu đen không lối thoát.” – Mưa

Đơn giản là tôi đã sai mà không chịu sửa chữa, là do mình, do chính mình. Tôi cứ bận tìm lý do ở tận đâu đâu rồi thật sự không nhận ra cái gốc là phải từ bản thân. Thất bại nối liền thất bại, đó là vì tôi đã sống một cuộc sống quá hời hợt.

Hời hợt trong công việc

Trước đây, tôi có tham gia một cuộc thi Khoa học kỹ thuật của Thành phố. Trước khi nó nổ ra, tâm trạng của ai trong nhóm tham gia cũng đều rất sôi nổi, hào hứng. Đặc biệt là tôi, tôi tự tin bản thân mình sẽ giúp nhóm đạt được giải nhất và tiến vào vòng Quốc gia. Nhưng những khó khăn ban đầu chưa gì đã khiến tôi phát chán. Tôi phải có một báo cáo hay nhất quả đất, nhưng viết đi viết lại cũng chỉ là một đống rác ngôn từ. Sản phẩm tham gia dự thi cho đến khi tham khảo mới nhận ra là chưa thật sự mới; chưa thật sự sáng tạo so với hàng trăm những điều tuyệt vời ngoài kia. Khó khăn này, tôi đã xác định được ngay từ khi bắt đầu. Nhưng đến khi bắt tay vào thực hiện, tôi mới dính mùi đời và chả bao giờ chịu làm cho đến nơi đến chốn.

Tôi lao vào những thú vui giết thời gian đã thành thói quen; chỉ làm việc khi rảnh rỗi, tí là lại nghỉ ngơi. Và hậu quả là đến ngay sát deadline mới hoàn thành được bản báo cáo vá sửa tùm lum. Sự nửa vời của tôi đã làm thất vọng người đồng đội, bao nhiêu những tốt đẹp tôi vạch và hứa sẽ thực hiện không một điều nào trở thành hiện thực cả. Cuối cùng, nhóm tôi chỉ đạt được giải khuyến khích, quá tồi tệ so với những gì tôi đã mơ mộng. Người ta nói giải thưởng không phải là tất cả, quan trọng là ta đã cố gắng hết mình để với tới mục tiêu đó. Nhưng, tôi đã cố gắng hết mình đâu…

Tự tin là điều tốt, nhưng nếu không có hành động đi kèm theo thì nó không khác gì hơn sự ảo tưởng. Khó khăn là điều chắc chắn sẽ đến, đời đâu có như mơ. Vì vậy hành động chứng minh không những phải làm, mà phải nỗ lực hết mình, cho đến nơi đến chốn.

“Khả năng nỗ lực không ngừng… đó là tài năng lớn nhất mà ai đó có thể có.” – Hiroshi (Phim Barakamon)

Hời hợt trong các mối quan hệ

Mạng quan hệ xã hội của tôi không được gì là tự hào cho lắm. Nó thực sự rất bé và nông cạn, hầu như chỉ là xã giao, bạn thân thì ít, nên tri kỷ lại càng hiếm hoi. Tôi có thể nói chuyện, giao tiếp cũng không đến nỗi nào, câu hỏi thường trực của tôi là: Tại sao?

Hời hợt! Hay tôi đã phạm phải một trong những điều tệ hại nhất của mối quan hệ: sự coi thường. Tôi đối xử với người trò chuyện một cách coi thường. Nhưng không dễ để nhận ra đâu, nó ẩn nấp dưới hình hài của những cuộc giao tiếp bỏ lửng, trả lời cho qua, hay những lần chán chả thèm quan tâm. Tất cả những gì tôi nghĩ là chỉ bản thân mình, mau chóng kết thúc nhanh nhanh đi để vì làm cái lý do khỉ gì cũng chả nhớ được.

Sự khốn đốn vì mạng quan hệ bé tẹo ấy gây ra dạy cho tôi một bài học: Luôn phải tôn trọng và trân trọng người giao tiếp với mình; tuyệt đối không được nghĩ đến việc ậm ừ cho qua trừ những trường hợp quá cấp bách. Trong nghệ thuật trà đạo Nhật Bản có một triết lý thế này: Ichigo Ichie – Nhất kỳ nhất hội (đời người gặp nhau chỉ một lần): Mọi cuộc gặp gỡ của chúng ta với một ai đó đều chỉ có một lần nên chúng ta nên trân trọng cuộc gặp gỡ ấy, đối xử với người đó bằng tấm lòng chân thành để về sau không phải tiếc nuối. Tiếp khách là phải cho đến nơi đến chốn.

Phần chốt

Sự hời hợt, đó là kẻ thù lớn mà chúng ta phải cố gắng vượt qua để đạt đến được sự thoả mãn – to the fullest. Dù là công việc, mối quan hệ hay bất cứ cái gì cũng vậy. Đó là khi ta nỗ lực cố gắng hết mình. Kết quả sẽ không còn là quan trọng nữa, mà ta chỉ nghĩ mình được sống – thật sự sống.

Đó là lời khuyên chân thành của tôi – một kẻ thất bại đắm mình trong Âm nhạc, phiêu cùng Tản văn, và bái bai cái của nợ bế tắc gông cùm bấy lâu.

“For the loser now
Will be later to win
For the times they are a-changin”
– Bob Dylan (The Times They Are A Changing)

Tạm dịch:
“Những kẻ thất bại bây giờ
Sau này sẽ thành người chiến thắng
Vì theo thời gian họ là những người thay đổi.”

Hiệp Siêu Nhân

[BDTT8] Khóc Giữa Sài Gòn – Nguyễn Ngọc Thạch

Feautured Image: Phạm Duy Phúc

 

Sài gòn. Vừa quen thuộc,vừa lạ lẫm,vừa diễm lệ,vừa huyền bí. Sài Gòn không lớn, đất hẹp người đông nhưng chưa có ai dám khẳng định hiểu hết tất tần tật về Sài Gòn cho dù là một cụ lão tuổi đã cao dành trọn cả cuộc đời ở nơi đất lành này. Mỗi con người đến với Sài Gòn theo một cách riêng, cảm nhận và hoà nhập với mảnh đất này theo một cách cực riêng khác. Là một người trẻ, sống và lớn lên ở Sài Gòn 17 năm: Sài Gòn trẻ, hiện đại, tràn đầy sức sống với nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, nhà hát Thành phố, khách sạn Rex và Bitexco Tôi thật sự ngỡ ngàng khi cầm lên cuốn:” Khóc Giữa Sài Gòn” của một tác giả trẻ Nguyễn Ngọc Thạch.

Là một chàng trai mập mạp, ghiền trai đẹp và nghiện Sài Gòn. Nguyễn Ngọc Thạch đưa tôi đến những góc khuất, những nơi hỗn tạp các giọng nói nhiều vùng miền tụ về sinh sống, những khu chợ khu tập thể đầy rẫy những phức tạp của công nhân và dân lao động chân tay, những ổ mại dâm, những quán bar, những con người đang vật lộn trên mảnh đất “vàng” này để sinh sống. Bằng giọng văn mạnh mẽ, lôi cuốn, “Khóc Giữa Sài Gòn”- đứa con tinh thần của anh, không chỉ khơi ra nhưng mảnh tối của cuộc sống, anh còn hoà vào đó tình yêu, lòng thương giữa người với người, cách đối nhân xử thế và cái hay nhất anh vẫn thường nói” cái đắt nhất ở chốn Sài Thành này là lòng tin”

Nét đặc sắc ấn tượng trong cuốn sách này là anh dùng cảm xúc thật, tên nhân vật thật, người thật ,việc thật, anh thường tự ví mình là:” người buôn chữ kiếm sống qua ngày”,anh dùng chính giác quan của mình để ghi lại những hình ảnh chân thật nhất về đời sống người dân pha trộn những câu truyện dở khóc dở cười do chính anh chứng kiến ẩn sâu bên trong là nhiều thông điệp cho cuộc sống tất bậc hiện đại ngày nay.

Tôi nhớ nhất là câu truyện anh nhà báo Tú sống trong khu lao động của dân nghèo vì làm nghề viết lách không kiếm được bao nhiêu. Sự túng thiếu, cái đói nghèo đã dồn anh vào chân tường để anh đi viết về cái xe mì gõ của chị đầu đường mình hay ăn nấu nước lèo băng chuột cống. Bài báo của anh được công ty trọng dụng và đăng tải trên mọi web giật tít. Hôm sau anh ra kiếm xe mì gõ thì nghe chị bán than vãn về tình hình khách sợ không dám ăn. Sự đấu tranh tư tưởng mãnh liệt, cái thiện đấu cái ác, nhưng cái ác lại bị cái đói dìm chết. Mâu thuẫn nội tâm diễn ra gây gắt, độc đáo với gam màu nóng đến rực cháy. Sự ám ảnh về khuân mặt chị bán hàng cứ ám ảnh anh nhà báo để rồi sau này anh bỏ nghề. Cái ác rồi cũng sẽ có quả báo. Là một nhà văn thiên về cảm xúc, Nguyễn Ngọc Thạch xây dựng nhân vật, cốt truyện dai dẳng, bị chính lương tâm mình đè nặng rồi tự gục ngã.

Mỗi nhân vật là một câu truyện khác nhau, mỗi một khía cạnh riêng biệt của Sài Gòn, nhưng hay một cái, tất cả các nhân vật đều có một mắc xích tương tác hỗ trợ hoặc đè dìm lẫn nhau.

Thuỵ, một thanh niên điển trai lên Sài Gòn có ước mơ đổi đời nhưng bị cuốn theo dòng xoáy trai bao đồng tính. Lại tìm được một tình yêu không rõ ràng với một cô gái tên Ân-ám ảnh bởi số like và comments trên mạng xã hội. Ân lại là bạn của Mễ, một nhà tâm lý học nhưng lại ghiền tình một đêm, mà ngặc là lại có tình cảm mãnh liệt với anh Tú nhà văn bán lương tâm vì đồng tiền. Rồi anh Tú cũng là bạn thân của Thuỵ. Tất cả xoay quanh nhau và xoay quanh cặp đôi đồng tính nam Phan-Nam, tình yêu, tình dục, chất kích thích và lối thoát bằng tình yêu chân thành.

Một phần bên trong cuốn sách là tình cảm của tác giả dành cho Sài Gòn. Anh Thạch gần như bị Sài Gòn ám ảnh. Sài Gòn cao như Bitexco bất cứ bạn đi lạc ở quận nào cứ hễ nhìn lên và đi theo toà nhà búp sen này thì sẽ không bao giờ lạc. Sài Gòn sáng mướt trong trẻo, trưa nắng hè gió lào gay gắt, chiều nhả mây nhè nhẹ, tối đèn lên hoa mỹ. Sài Gòn như thế, ôm trọn mọi con người đến với nó, luôn mở rộng vòng tay với những đứa con lạc lối trong cả tâm trí và hành động. Sài Gòn, nhịp sống năng động không bao giờ ngừng trôi nhưng con người ta vẫn muốn lao vào nó, hoạ chăng là thiêu thân vẫn lao vào bóng đèn!?

Thật sự, người trẻ có những cảm nhận rất lạ. Họ thích những cái không rõ ràng, họ thích những mối quan hệ lập lờ và họ luôn đi tìm cái lõi của cuộc sống. Vì họ là người trẻ, sống theo một cách riêng, cuồng nhiệt và mãnh liệt. Có một câu nói:” tuổi trẻ như một cơn mưa rào, nếu thời gian có quay trở lại tôi vẫn muốn đắm mình vào nó một lần nữa, dẫu lạnh, dẫu đau, dẫu đơn độc…”

Nguyễn Ngọc Thạch với “Khóc Giữa Sài Gòn” không được các nhà văn học ưa chuộng hay đề bạc cao hoặc thậm chí tôi đọc trên Facebook nhiều lời trỉ trích nhưng anh chỉ trả lời:” vì tôi thích”. Anh thay đổi cách suy nghĩ tôi rất nhiều qua văn phong, cách bày tỏ, cách ứng xử. Tôi tìm thấy sự đồng cảm về suy nghĩ ở anh và tôi biết, không phải chỉ mình tôi suy nghĩ nhạy cảm như thế.

Thật sự, Khóc Giữa Sài gòn là một cuốn sách rất hay . Tôi không dám so sánh nó với bất kì cuốn sách văn học vĩ đại nào nhưng nếu chỉ được chọn một cuốn trên giá sách tôi sẽ chọn nó, vì tôi là fan cuồng của anh Thạch, vì tôi là người trẻ, vì tôi cảm nó và vì “tôi thích”!

Ban đầu, tôi định mình sẽ đọc lại để lấy cảm xúc vì tôi đọc nó đã lâu nhưng tôi viết bài này trong 30 phút ko dừng tay. Cảm xúc vẫn còn nóng lắm, tràn trề lắm. Nếu có dịp bạn thử nhé.

 

Phạm Duy Phúc


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP)

Các bài viết dự thi tháng 8

Tình mẹ là thế đó!

Featured Image: Nathan O’Nions

(Trích) Còn tôi? Tình mẹ là khi mẹ hạnh phúc nhìn anh cả tôi cất tiếng khóc chào đời. Nhưng niềm hạnh phúc ấy nhanh chóng tan biến và thay vào đó là sự lo lắng, là những giọt nước mắt khi mẹ biết anh cả mắc một chứng bệnh mà y học thời đó không thể chữa trị. Mẹ đau đớn nhìn đứa con bé bỏng ra đi mà chưa thể gọi được tiếng “mẹ”.

• • •

“Mẹ!” Thật thiêng liêng nhưng thật gần gũi, thật vĩ đại nhưng thật ngọt ngào, thật bao la nhưng thật êm đềm… “Mẹ!” Có lẽ sẽ không bao giờ tôi cảm nhận hết được. Nhưng tôi tin chắc rằng mình có cùng cảm nhận với Nguyễn Duy khi ông viết:

“Ta đi trọn kiếp con người
Vẫn không đi hết mấy lời mẹ ru.”

Hai câu thơ thật sâu lắng trong một bài thơ xúc động về mẹ. Vẻ đẹp của hai câu thơ thể hiện ở cảm xúc vừa lắng đọng, vừa thiêng liêng nhưng thật triết lý. “Mấy lời mẹ ru” là biểu tượng cho tình cảm yêu thương vô bờ mà mẹ dành cho con. Người ta gọi là “tình mẫu tử”. Cách nói “đi trọn kiếp…vẫn không đi hết…” khẳng định tình mẫu tử là vô cùng thiêng liêng, cao cả; là vô cùng, vô tận, không gì có thể đền đáp hết được.

Tình mẹ của Nguyễn Duy

Tôi không biết nhiều về Nguyễn Duy, tôi cũng không am hiểu nhiều về thơ và đặc biệt là bài thơ “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” của ông. Nhưng tôi tin chắc rằng khi viết bài thơ này và đặc biệt là hai câu thơ chất chứa cảm xúc kia, ông đã cảm nhận một cách thật sâu sắc về tình mẹ, về tình mẫu tử mà mẹ ông đã dành cho ông. Ông thật may mắn khi có được tài năng để thể hiện được tình cảm, cảm xúc của mình qua những câu thơ hàm súc. Còn tôi, giờ tôi mới nhận ra thế nào là “sự bất lực của ngôn ngữ” khi mà giờ đây tôi không biết phải dùng những ngôn từ nào để có thể diễn đạt hết được cảm nhận của tôi về tình mẹ. (Tôi thích dùng hai từ “tình mẹ” hơn vì nó gần gũi hơn, thân thương hơn với tôi).

Không ai sinh ra trong cuộc đời mà không có mẹ. Nhưng mấy ai có thể cảm nhận hết được tình mẹ? Nhạc sĩ Y Vân trong bài hát nổi tiếng “Lòng Mẹ” đã viết:

“Lòng mẹ bao la như biển Thái bình dạt dào.
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào.”

Còn tôi? Tình mẹ là khi mẹ hạnh phúc nhìn anh cả tôi cất tiếng khóc chào đời. Nhưng niềm hạnh phúc ấy nhanh chóng tan biến và thay vào đó là sự lo lắng, là những giọt nước mắt khi mẹ biết anh cả mắc một chứng bệnh mà y học thời đó không thể chữa trị. Mẹ đau đớn nhìn đứa con bé bỏng ra đi mà chưa thể gọi được tiếng “mẹ”.

Tình mẹ là sự khao khát được làm mẹ và được nhìn thấy đứa con mình sinh ra khôn lớn. Thời gian đã làm cho nỗi đau nguôi ngoai, mẹ mang thai và sinh ra anh thứ hai, cơn đau đớn khi sinh chưa dứt thì mẹ lại một lần nữa đau đớn đến tột cùng, mẹ đã khóc thật nhiều khi nhìn thấy đứa con mà mình vừa sinh ra không giống như những đứa trẻ bình thường. Anh tôi bị dị tật từ trong bào thai. Mẹ có thể gục ngã? Không, tình mẫu tử đã giúp mẹ chiến thắng tất cả, mẹ mạnh mẽ sau những đau đớn, những thất vọng để chăm sóc và yêu thương đứa con vốn đã thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác.

Tình mẹ là khi một lần nữa “Ông Trời” lại tiếp tục thử thách sức chịu đựng của mẹ. Sau chín tháng mười ngày mong đợi, cả nhà và nhất là mẹ mong đợi ngày chị gái tôi ra đời. Mẹ được đưa tới Trạm Y tế xã dưới cái mưa phùn giá rét của những ngày cuối năm như càng làm tăng thêm những nỗi vất vả của mẹ. Đến nửa đêm thì mẹ sinh chị gái. Nhưng sao không gian lại im ắng đến thế? Có phải vì trời đã khuya không? Có thể. Không đó là vì tất cả mọi người mà nhất là mẹ, đang không thể tin vào mắt mình nữa. Chị gái tôi cũng giống như anh trai tôi, bị dị tật từ trong bào thai. Nỗi đau chồng chất nỗi đau. Đến bây giờ khi đã lớn khôn, tôi vẫn luôn tự hỏi: vì sao mẹ tôi có thể mạnh mẽ vượt qua được những nỗi đau ấy? Có lẽ câu trả lời duy nhất đó là vì tình yêu. Tình yêu vô bờ bến mẹ dành cho những đứa con của mẹ.

Tình mẹ là khi cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn, thiếu thốn hơn khi mà chi phí thuốc thang cho hai anh chị tôi vượt quá thu nhập của gia đình. Nhưng mẹ vẫn không gục ngã. Ngược lại mẹ lại mạnh mẽ hơn để cùng bố tôi chèo lái con thuyền gia đình trong những thời gian này. Mẹ ngủ ít hơn để tranh thủ làm thêm nghề đan võng, mẹ đi chợ xa hơn vì như thế sẽ bán được nhiều hàng hơn. Mẹ bàn với bố thuê thêm ruộng để cấy, mẹ làm thêm cho những gia đình khá giả trong làng… Mẹ tôi thật vĩ đại phải không?

Tình mẹ là khi mẹ quyết định mang thai tôi trong sự ngăn cản của tất cả mọi người. Nhưng tình mẹ là thế đấy, nó có thể giúp mẹ vượt qua được tất cả và để rồi… Cảm ơn mẹ vì đã cho con được sinh ra trong cuộc đời. Cảm ơn mẹ vì đã cho con có cơ hội được gọi hai tiếng thiêng liêng “ Mẹ ơi!” Thật không gì có thể kể siết niềm hạnh phúc của mẹ khi tôi cất tiếng khóc chào đời. Mẹ ôm tôi vào lòng, hôn lên trán tôi, những giọt nước mắt yêu thương tràn ra, rơi xuống khuôn mặt ngay thơ, bé bỏng của tôi. Tôi không biết phải diễn tả thế nào nữa…

Tình mẹ là những khi tôi lên cơn sốt, mẹ đã thức trắng đêm lo lắng, đắp khăn ướt cho tôi. Tình mẹ là mỗi khi đi chợ về, mẹ luôn mua cho tôi một cái bánh nếp nho nhỏ. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ mùi thơm của nó. Tình mẹ là những đêm hè oi bức, mẹ thức cả đêm để quạt cho anh em tôi ngủ. Tình mẹ là những lời ru, những bài học thật giản đơn nhưng thật sâu sắc mà mãi đến sau này tôi mới nghiệm được. Tình mẹ là những trận đòn khi tôi không nghe lời mẹ. Tình mẹ là những lần mẹ ôm tôi và khóc khi có đứa bạn trêu tôi con nhà nghèo và không chơi với tôi vì anh chị tôi bị tàn tật. Tình mẹ là những giọt nước mắt hạnh phúc khi tôi khoe: “Mẹ ơi, hôm nay con được điểm 10!”…

Tình mẹ là khi tôi thi trượt đại học, mẹ luôn là người động viên, an ủi tôi để tôi có thêm niền tin, nghị lực, để đứng lên và đi tiếp. Tình mẹ là khi mẹ ôm tôi thật chặt và khóc thật nhiều khi tiễn tôi lên đường đi học xa nhà. Tình mẹ là những tháng ngày tần tảo sớm hôm lo toan chi phí cho tôi đi học xa nhà. Tình mẹ là khi biết tin tôi ốm, mẹ đã một mình lên tận Hà Nội thăm tôi, mẹ lại còn bị say xe nữa chứ, mà mẹ đã bao giờ đi xa như thế đâu?

Tình mẹ là khi tôi ấp úng nói ra con đường mà tôi muốn đi theo: “Con muốn…đi …tu…u.” Tôi cứ sợ mẹ sẽ phản đối. Nhưng không, mẹ lại chạy đến, nhẹ nhàng ôm tôi và nói: “ Cố gắng lên con trai. Mẹ hạnh phúc lắm con biết không?”

Tình mẹ là khi cả gia đình đang chuẩn bị đón tết, tết năm nay sẽ ăn to hơn mọi năm vì mừng tôi tốt nghiệp Đại học. Nhưng điều gì đã xảy ra? Buổi chiều hôm đó bố đã vĩnh viễn rời xa mẹ và anh em chúng tôi. Mẹ chỉ còn một mình… Có nỗi đau nào lớn hơn chăng?

Tôi hiểu rằng để tôi không chùn bước, mẹ đã giữ chặt nỗi đau trong lòng. Nhưng mẹ ơi, con biết và hiểu vì sao mẹ làm thế mà. Giờ đây, mẹ còn đóng vai trò một người cha nữa. Tình mẹ giờ còn có cả tình cha nữa.

Tình mẹ là thế đó! Sẵn sàng hy sinh tất cả, chấp nhận tất cả để con nên người.

Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Duy đã viết ra thay cho tôi những cảm nhận về tình mẹ qua những câu thơ hàm súc. Ông đã giúp tôi cảm nhận được nhiều hơn về tình mẹ, cảm nhận được những điều mà có đôi lúc tôi đã vô tình lãng quên. Dẫu biết rằng không bao giờ có thể đền đáp cho hết tình mẹ đã dành cho tôi, nhưng tôi sẽ cố gắng thật nhiều, thật nhiều để mẹ được hạnh phúc!

Trần Luân

Nhiếp ảnh và cuộc sống!

Featured Image: Phạm Duy Phúc

Nhiếp ảnh có rất nhiều mảng, khía cạnh khác nhau nhưng nhìn chung trên một tiêu chí là cái đẹp. Riêng tôi, tôi thích thể loại Streetlife, cuộc sống đời thường của những người dân lao động. Khi chụp được cảnh một anh quét rác nhăn nhó mặt đi đẩy xe, giọt mồ hôi của cụ già bán vé số, các ly cà phê sáng của các anh xe ôm hay chỉ là nụ cười của một chị bán bánh mì là bạn đã thành công một phần lớn ở thể loại này. Thể loại này thường được chụp ở định dạng trắng đen, một phần làm ảo đi cuộc sống quá khắc khổ của dân lao động , một phần phơi bày được cái đẹp của đời sống lao động.

Lần đầu tiên tôi chụp ở chợ Bến Thành được hình ảnh một cậu bé khiêng vác thuê ngồi đếm tiền, mặt mày chăm chú, nhăn nhó xếp từng tờ tiền lẻ ngay ngắn, tay vuốt phẳng phiêu, xong xuôi cậu nhét tất cả vào một cái bọc nilong rồi bỏ cái bọc nilong vào một cái túi rút cột chặt ngay lưng quần. Động tác của cậu thật chậm rãi như sợ làm đau tờ tiền, à mà đó là cả buổi ăn trưa của cậu cả tháng hay mua thuốc cho mẹ như trên các phim. Tôi rút máy ảnh bấm liên hồi rồi chợt giật mình nghĩ đến những hình ảnh quán cafe “sang chảnh” hay ngay cả cái máy chụp hình đắt tiền mình cầm trên tay và nghĩ đến nhiều giá trị của đồng tiền. Rồi rùng mình.

Một lần khác, tôi đi cùng với bạn. Nó bảo: “Mày chụp làm sao mà lúc người ta chưa thấy mày, nó mới tự nhiên.” Chúng tôi đi loanh quanh khu nhà thờ Đức Bà. Đến lúc chuẩn bị lấy xe về, tôi bắt gặp cảnh ba ông xe ôm ngồi ba tư thế khác nhau xôm xả nói chuyện. Lấy máy ảnh lên chụp, thằng bạn tôi chậm hơn vài giây. Đến lúc về nhà so ảnh trên facebook, ảnh tôi ghi lại hình tự nhiên, ảnh bạn tôi có một ông giơ ngón tay lên chửi kiểu: “F*ck you b*tch.” Không biết là giỡn hay là chửi tụi tui mất dạy. Đôi khi đi chụp hình, tôi chỉ đơn giản là muốn thấy nét đẹp trên khuân mặt người lao động chân chính nhưng họ lại nghĩ: “Tao què, tao bán vé số, tao đẩy xe rác mày chụp tao để xỉ nhục tao hả?” Nó khắc khổ ở chỗ đó!

Hay là để bổ sung hình cho đề tài dám sống với cá tính, một tấm hình một cậu nhóc đi xe đạp nhảy lên với xung quanh là bao nhiêu chiếc xe đạp cùng tuổi hướng mắt lên nhìn là rất hoàn hảo. Cậu đã làm nên sự khác biệt, đã dám mạo hiểm ngay khi những lứa bạn cùng chơi chỉ dám đứng nhìn và sợ. Hãy thử, thử trên đam mê, dù vấp ngã thì thất bại là mẹ thành công. Mỗi một hình ảnh là một thông điệp là minh chứng rõ ràng cho những gì được thơ văn hoá trên 12 cuốn sách ngữ văn bậc phổ thông.

Nhiếp ảnh, văn học, xúc cảm và nghệ thuật đi liền với nhau. Không rõ nét về mối quan hệ chặt chẽ này nhưng nhìn ở nhiều khía cạnh, nó bổ sung, hoà quyện và đánh bóng cho nhau. Mỗi tấm hình là một câu truyện, một cảm nghĩ riêng, một góc cạnh khác của cuộc sống. Người nhiếp ảnh thành công là phải đem được tất cả những ý nghĩa đó vào trong một tấm hình và thổi hồn cho bức hình đó đến gần mọi người hơn. Vác máy ảnh trên tay, đi bộ dọc theo những con đường ở Sài Gòn, tôi như khắng khít hơn với thành phố chân thật này.

Công nhân viên chức vẫn ngồi uống ly cafe 10 ngàn ở vỉa hè là đẹp, việt kiều có thể húp tô mỳ gõ sùy sụp không cần biết nước lèo có bỏ trùng trĩ hay không là đẹp, mấy đứa con nít bu quanh ông bán kẹo bông gòn là đẹp,.. Sài Gòn là nơi phức tạp nhưng cái đẹp vẫn tồn tại ở khắp nơi, chỉ là do bạn chưa nhận ra thôi.

Nếu có điều kiện hãy thử làm nhiếp ảnh amature một ngày bạn sẽ sững sờ với những gì mình trải nghiệm!
Thật đấy!

 

Phạm Duy Phúc

Ai cho em tuổi thơ?

Featured Image: Takuro Kikuchi

 

Tuổi thơ tôi êm đềm trôi qua giữa nơi phố thị, trong sự bảo bọc ấm yên của cha mẹ tôi. Khi tôi lớn lên, đọc được câu chuyện ai đó kể lại về tuổi thơ dữ dội họ đã từng trải qua, tôi thèm lắm. Tuổi thơ với những bước chạy rong chơi, nghịch đùa, phiêu du với cánh diều, những cánh đồng xanh ngát, ngút ngàn mây, những con sông quê hương tắm táp cả quãng đời tuổi thơ. Tôi luôn mơ ước giá như mình cũng được có một tuổi thơ như vậy.

Cho rồi, đến một ngày, khi tôi đọc được trên những trang báo mạng hay qua các phương tiện thông tin đại chúng về những sự vụ nào đó liên quan đến những đứa trẻ, tôi giật mình, gạt phắt khỏi tâm tưởng những suy nghĩ về một tuổi thơ dữ dội nào đó tôi đã luôn ao ước, giờ tôi chỉ biết thầm cảm ơn sự bình yên tôi đã được sống và trải qua.

Tôi tự hỏi: Nếu tôi và bạn đã từng có một tuổi thơ giống như những đứa trẻ đang xuất hiện trên mặt báo của ngày hôm nay thì giờ này chúng ta sẽ ra sao?

Ước mơ nào cho những đứa em thơ, khi chúng đang phải chịu những trận đòn roi vọt đến phi nhân tính? Ước mơ nào cho những đứa em thơ khi chúng được sinh ra trong một gia cảnh cơ hàn, cha mẹ chúng buộc phải bỏ rơi hoặc để chúng nương nhờ nơi cửa phật để những bữa cơm đáng giá 1,000đ sẽ nuôi chúng lớn khôn, rồi đến một ngày chúng được bán trao tay như những món hàng để khoả lấp sự thèm khát mùi tiền của những con người có thể đã là cha, là mẹ của những đứa trẻ khác? Tuổi thơ thực sự mới chua chát làm sao và ai sẽ cho chúng tuổi thơ đúng với ý nghĩa của nó?

Tôi không quan tâm liệu bà sư trụ trì ngôi chùa nọ có biết đến vụ việc mua bán những đứa trẻ ngay trong chính ngôi chùa do mình quản lý hay không, tôi cũng không quan tâm liệu câu chuyện về bữa ăn 1000đ của chúng có chính xác. Nhưng tôi mong hơn bao giờ hết lúc này là một câu chuyện có kết thúc nhân quả như những gì tôi đã được học trong các bài học về đạo lý đầu đời. Cái ác phải bị trừng phạt cho dù nó có được bảo bọc, nương náu tại nơi thanh tịnh hay chốn tôn nghiêm nhất.

Và đằng sau những sự vụ như thế này, chúng ta đã nhìn ra được gì? Rồi mai đây, một sự rối rắm của pháp luật sẽ dẫn đến đâu với cơ chế quản lý lỏng lẻo, ai có thể thấu hiểu được nỗi đau em thơ khi chúng nào có cơ hội cất lên tiếng nói của mình. Quá rõ rồi, mùi tiền che lấp đi mùi vị của lòng tốt, để rồi sau tất cả giữa trốn trần thế, những đứa trẻ nào có được giấc ngủ yên lành? Nơi bình minh yên tĩnh nào sẽ cưu mang em khi lũ người với lòng dạ nham hiểm, không từ mọi thủ đoạn để kiếm tiền trên thân xác các em.

Ngày mai của chúng bao giờ mới tới…? Chúng nó, những trái tim được sinh ra trong thời bình, đáng nhẽ phải được hưởng một cuộc sống mà phía trước là tương lai của những niềm mong ngóng. Sự kỳ vọng của cha mẹ, sự kỳ vọng của xã hội và niềm hân hoan khi được bước chân vào đời. Tuổi thơ theo như tôi vẫn mặc định hiểu đó phải là nơi cho tiếng cười em thơ ngự trị, nơi chúng được thả ước mơ ngập tràn màu sắc, đặt những kỳ vọng vào một cuộc sống còn đang rộng mở phía trước chứ không thể là những bước chân lầm lũi nơi hè phố, hay giấc ngủ co quắp dưới gầm cầu.

Nhưng rồi tương lai nào gọi tên những đứa trẻ này, những đứa trẻ đi học qua sông trong những cái túi nilon. Những đứa trẻ bị cha mẹ thẳng tay bạo hành, đánh đập. Những đứa trẻ khi còn đang ẵm ngửa đã được chính những người sinh thành ra chúng cho người khác thuê để kiếm tiền theo giờ, đi theo những kẻ lang thang trong bộ dạng ăn xin, ăn mày, kiếm sống nơi mọi nẻo đường dưới nắng nóng và những cơn mưa tầm tã. Tương lai nào khi chúng chạy lăng xăng trên khắp các ngõ phố, bán những tờ vé số dạo, đánh những đôi giầy, học cách móc túi khách du lịch, để rồi cuối ngày những đồng tiền mà chúng kiếm được cho chúng bữa cơm không đủ no do lũ bảo kê ngồi hưởng thụ ở một góc nào đó ban phát.

Những tên lưu manh đường phố, cướp của giết người, mối nguy hiểm cho xã hội phải chăng được bắt nguồn từ đây, ai cho chúng một tương lai làm con người lương thiện với cái tuổi thơ này? Phải chăng khi những tin tức đầy phẫn nộ được đưa lên mặt báo như: Nghịch tử sát hại những người thân trong gia đình hay các vụ án đau lòng khác là một trong những hậu quả của tuổi thơ đòn roi, đầy bạo hành và uất ức.

Đau đớn hơn nữa khi số phận gọi tên những đứa trẻ, thậm chí còn không có cơ hội được sống, được sửa sai và vươn lên đón lấy ánh nắng từ lớp bùn nhầy nhụa mà tuổi thơ đã phải vẫy vùng trong đó. Chúng đã mãi ra đi. Đứa bị một ông bố đánh đến chết trong cơn say, đứa bị tiêm nhầm vắc xin một cách vô trách nhiệm, đứa bị bảo mẫu giẫm đạp trong cơn cuồng nộ, rồi 108 đứa ra đi trong dịch sởi mà chúng ta đã loay hoay đi tìm câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai? Tôi chẳng nhớ tên được bất kỳ đứa nhỏ nào trong số chúng cả. Chiến tranh đã đành, loạn lạc hay bom rơi đạn nổ đã đành, giữa thời bình chúng ra đi như vậy sao chấp nhận được?

Trong một chuyến phượt lên Hà Giang, tháng 12 năm ngoái, chúng tôi, những thanh niên phố thị rong chơi, đi tìm kiếm và trải nghiệm những điều mới lạ trong cái giá rét chỉ dưới 5 độ C ở vùng núi, được trang bị tận răng nhiều lớp quần áo, găng tay, giày, mũ để làm ấm cơ thể mà vẫn phải run lên cầm cập. Còn lũ nhỏ nơi đây, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh chúng, với đôi bàn chân đứa đi đất, đứa đi dép, tuyệt nhiên không một đôi giầy hay một đôi tất, đôi mắt tròn nhìn chúng tôi ngơ ngác chìa đôi tay lấm lem ra để xin bất cứ thứ gì có thể ăn được.

Lũ chúng tôi ngậm ngùi. Và nếu lũ chúng tôi, những thanh niên có học hành đến nơi đến chốn, được sinh ra và lớn lên ở vùng đất địa đầu của Tổ quốc này thì liệu chúng tôi sẽ có được ngày hôm nay? Ai đó đã nói, chọn lọc tự nhiên sẽ đưa nhưng cá thể thích nghi với cuộc sống xung quanh. Nhưng làm gì có thứ chọn lọc tự nhiên nào biết cho những đứa trẻ này tuổi thơ.

Ngay trước khi định ấn nút gửi bài này tới ban biên tập THĐP thì tôi có đọc được thông tin mà tôi nghĩ mình nên đưa vào phần kết của câu chuyện ngày hôm nay. Nó khiến tôi không khỏi rùng mình nhưng tôi nghĩ thông tin này sẽ làm cho lũ người lớn chúng ta phải sửng sốt nhìn nhận lại thực sự câu chuyện của ngày hôm nay. Trẻ em chính là thế giới của ngày mai. Nhưng cái ngày mai ấy lại đang bị huỷ hoại bởi chính những con người của ngày hôm nay.

“Cộng đồng những người sử dụng Twitter sốc khi Khaled Sharrouf, một người Úc Hồi giáo cực đoan, đăng tấm ảnh đứa con trai 7 tuổi của hắn tươi cười giơ đầu một người lính Iraq lên chụp hình. Hắn đang sống ở Úc thì mang con trai sang Iraq tham gia đội quân ISIS, hiện đang diệt chủng người Yazidis. Tệ hại hơn là mấy thằng bạn của Sharrouf hiện sống ở Úc ủng hộ Sharrouf và bảo việc gì phải ồn ào vì tấm ảnh thằng bé đó.”

Và một thằng bé 7 tuổi đã được dạy cách trở thành ác ôn như thế.

 

Nguyễn Trần Chung