Featured Image: Bìa sách “Đại Gia” phần 1 và phần 2
Là người thực dụng, tôi không phải là tín đồ của những câu chuyện. Nhưng “Đại Gia” thì khác, một tác phẩm mà tôi cho rằng đã vượt lên trên tất cả những câu chuyện. Quyển sách đã ghi dấu ấn đậm nét của một bộ óc kinh tế tinh nhạy, một nhận thức chính trị sâu sắc, một triết lý giàu tính nhân văn và một trái tim giàu lòng trắc ẩn. Nó giống như ánh đèn chói lọi của người thợ săn rọi thẳng vào tận ruột gan của những “con thú” tàn độc đang đè đầu cởi cổ, đang kìm kẹp đàn áp, đang lăm le giết thịt những thân phận bé mọn, những mảnh đời bất hạnh, và những nạn nhân của một xã hội nhiễu loạn. Nó là tấm gương phản chiếu vô cùng chân thực và rõ nét của xã hội Việt Nam ngày nay. Một tác phẩm của người Việt, dành cho người Việt và vì người Việt.
“Đại Gia” – đúng như cái tên của nó. Quyển sách bắt đầu bằng những cuộc truy hoan của những ông quan lớn, những tên trọc phú với những thân gái bán hoa, những mảnh đời bất hạnh, với cả những siêu mẫu đình đám trong làng giải trí. Ban đầu, họ hành nghề qua mai mối và những cuộc cò kè chào giá. Sau này được tập hợp lại dưới sự điều hành và đào tạo của người phụ nữ vô cùng tài ba và sắc sảo là Vân Chi. Một trung tâm gái gọi cao cấp chuyên phục vụ cho những ông lớn trong quan trường và thương trường.
Mục tiêu săn đón của Vân Chi là những ngôi sao trong làng giải trí hoặc những cô gái như búp măng non tận vùng sơn cước. Những em bé khờ khạo, dễ dụ dỗ và còn trinh tiết. Nếu ai không may lỡ sa chân vào đây là xem như đường cùng ngõ cụt. Ai dám chống đối, dám cự tuyệt “tiếp khách” sẽ bị “lãnh án” tử hình không thương tiếc. Sẽ bị giết, bị làm mồi cho hổ báo và sâu bọ. Nhẹ hơn thì bị trói lại đưa vào ổ Kiến và tổ Ong, bị hãm hiếp tập thể và cho rắn chui vào “cửa mình”. Với họ, thân xác các cô gái chẳng khác gì những cây cỏ dại, họ có quyền định đoạt số phận, muốn cho xanh tốt, héo úa hay nhổ tận gốc là tuỳ thích. Nhiều cô gái vốn bản chất nhút nhát hiền ngoan cũng dần trở thành ma mãnh và lỳ lợm khi lạc vào chốn đây.
“Em muốn tìm mọi cách để có tiền, kể cả bán thân xác của chính mình. Nhục hay khổ em cũng chịu được. Em đã chán ngán tuyệt vọng rồi. Bao nhiêu đêm em đã khóc. Đã suy nghĩ tìm con đường thoát, nhưng tất cả đều bế tắc. Em đã chứng kiến, con người bây giờ đối đãi với nhau rất tệ mạt. Vợ chồng anh em người ta coi nhau chẳng ra gì. Bạn bè nữa, người ta lừa gạt nhau, kiếm lợi trên mồ hôi nước mắt của nhau. Em mồ côi từ nhỏ, cuộc đời em đã trải qua biết bao cay đắng, qua bao sự khinh miệt của người đời. Em đã hiểu thế nào là miệng lưỡi và lòng dạ con người.”
Núp bóng dưới cái tên của một công ty giải trí. “Học viện điếm” của họ được đào tạo vô cùng khoa học và bài bản nhằm mục đích phục vụ cho công cuộc “chăn voi” của doanh nhân Tấn Đạt. Anh là người tình của Vân Chi, là một doanh nhân trẻ giàu có và quyền lực bậc nhất trong doanh giới Việt Nam. Một con người thông minh, linh hoạt, táo bạo và nhiều mưu mô, thủ đoạn. Là ông vua của nghệ thuật luồn cúi, đút lót, lọc lừa làm hư hỏng đám quan chức. Luôn giăng bẫy đưa họ vào thế phải tuân lệnh để thao túng, điều khiển và trục lợi. Bằng nhiều mánh khoé xảo trá và những “con bài” mỹ nhân. Tấn Đạt đã tạo ra một phe cánh lớn với tất cả các mối quan hệ rộng lớn và phức tạp. Liên tục móc nối hết quan chức này đến quan chức khác để moi ruột các công ty và tập đoàn nhà nước.
Điển hình nhất trong những “con voi” to lớn quyền uy mà Tấn Đạt chăn dắt và tiêu khiển là nhân vật Lê Đức. Anh sử dụng hoa hậu, MC Thu Quỳnh để làm mê lú hồn ông và dành lấy hàng chục chữ ký trong những dự án béo bỡ. Là một trong “tứ trụ triều đình”, tiếng nói của Lê Đức có sức mạnh như tiếng gầm của một con Hổ dữ. Ông có quyền ban phát tài lộc, và cất nhắc quân hàm cho bất cứ ai biết chia chác và khéo nịnh bợ, biết vâng lời và tuân lệnh như một con chó quắp đuôi trước mọi lời sai khiến của chủ. Tác giả đã cho ông vào vai một cách hoàn hảo cho một ông quan bất tài nhưng thét ra lửa, đại diện cho một cơ chế xin cho trong một chế độ thối nát.
Khác với Hà, cô bé mồ côi trong đoạn trích trên thì Lư lại là người may mắn được cứu sống khi bị người cha giàu có và quyền quý của mình đem vất bỏ chỉ vì anh bị dị tật bẩm sinh. Anh hiện diện trong tác phẩm một cách sống động và chân thực cho một cuộc đời bị nguyền rủa. Người ta coi anh như hiện thân của ma quỷ. Mỗi khi anh xuất hiện ở đâu là như một điềm báo của sự xui xẻo. Bị người đời chà đạp như một thứ súc sinh, bị người cha nuôi bóc lột bằng cách đày đi hát rông ăn xin đầu đường xó chợ để kiếm tiền nuôi ông và những mụ gái điếm. Anh là nơi ông trút những trận đòn chí tử mỗi khi bực dọc. Thường xuyên bị đuổi ra khỏi nhà dưới những đêm mưa buốt giá. Với anh, những trận đòn, sự nhục mạ và hành hạ đã trở thành những “món ăn” quen thuộc. Thường xuyên chết đi sống lại với những cơn đau tột cùng của xác thịt. Anh là hiện thân của bi kịch, là nhân chứng cho sự vô lương tâm của con người.
Cứ lướt qua mỗi dòng chữ nếu nước mắt tôi không trào ra thì cũng là những cái nắm tay, bậm môi đến căng tức và uất nghẹn. Ngấu nghiến từng con chữ một, cảm giác từ trong tim phổi, trong từng đường gân, thớ thịt của tôi có một cái gì đó như đang sôi lên, căng phồng rồi vỡ nát. Ôi! Sự đen bạc giả trá của lòng người, sự phù phiếm hoang hoá của thời cuộc. Tôi không thể tin rằng đây là xã hội Việt Nam mà tôi đang sống. Một xã hội luôn được tung hô là Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc.
Đọc “Đại Gia”, ta không chỉ như được xem những trò “ảo thuật” của các chính trị gia và tầng lớp thượng lưu trên sân khấu mà chúng ta còn được ngó thấy những mảng miếng thấp thoáng hai bên cánh gà và phía sau hậu trường. Một cái nhìn đa chiều, khách quan, và chân thực. Nó là tiếng còi báo động cho sự thối nát của chính quyền đương thời, là bản cáo trạng đầy đủ nhất, trung thực nhất về tội ác của bọn quan tham và những tên trọc phú.
“Trong các buổi họp, trong các diễn đàn, ở đâu người ta cũng tung hô lãnh đạo sáng suốt. Họ làm vậy để làm gì? Để có thể gây bè kết cánh, để có thể thăng quan tiến chức. Lên quan lên chức để tham nhũng, để làm giàu. Không biết từ bao giờ, chỗ nào cũng dày đặc những tên bẻm mép, những kẻ nói dối, sự lưu manh đã trở thành một thuộc tính, không thể thay đổi và không muốn thay đổi.”
Đó là lời than vãn xót xa, và bất lực của một vị quan thanh liêm là chánh văn phòng chính phủ. Đứng giữa những phe cánh quyền lực khổng lồ, Trần Anh chẳng biết làm gì hơn ngoài cách tự che mắt, bịt tai mình trước sự man trá và mưu lợi của các phe nhóm. Lòng chính trực đã khiến ông nhiều lần phải lãnh đòn hiểm hóc của nhóm lợi ích. Những công thần như ông đều hiểu rằng, họ chỉ là những chú thỏ con đứng giữa một rừng Hổ đói mồi. Chỉ cần lên tiếng ho he hay dám ra mặt để “bốc bệnh” cho nền kinh tế, cho bộ máy công quyền là bị trù dập và bóp chết ngay tức khắc.
Với cái tâm của người làm nghề viết và lòng dũng cảm, với lối văn phong táo bạo và đanh thép. Thiên Sơn đã như một vị thám tử, một ông quan toà gỡ bỏ lớp mặt nạ, đào xới và phơi bày những tên tội phạm, những kẻ bán nước hại dân ra trước công chúng và dư luận. Tác giả không những gióng lên “hồi chuông báo động đỏ” về sự tha hoá và xuống cấp đạo đức trầm trọng của giai cấp quan tham, trọc phú và con buôn, mà còn là tiếng thét gào bi ai của những thân phận cơ hàn, những con người thấp cổ bé họng, những nạn nhân của xã hội nhiễu loạn và cả những tiếng thở dài bất lực của một bộ phận người tri thức – những nhân tài bị thất sủng, bị trù dập, bị đè đầu cỡi cổ.
Tôi nghĩ rằng, Thiên Sơn viết tác phẩm này không phải cho ông, cũng chẳng phải cho riêng bạn, riêng tôi mà ông viết nó cho cả đất nước này, cho cả lịch sử, cả tương lai, và cả nhiều lớp thế hệ mai sau. Một tác phẩm hoàn toàn xứng đáng dành được sự quan tâm của tất cả chúng ta. Bởi vì không chỉ nó hay, nó sâu sắc mà nó còn là những câu chuyện kể về con người thực về một xã hội thực mà chúng ta đang sống. Một xã hội hiện đại mà phong kiến. Một xã hội nhiễu nhương, điên loạn đã chạm đáy của sự mục ruỗng và cần được đổi thay. Có lẽ tôi phải mượn một đoạn trích trong tác phẩm “Con đường đi của đất nước chúng ta” của tác giả Park Chung Hee viết về xã hội Hàn Quốc cách đây nữa thế kỷ mới minh chứng hết được cho sự điên loạn của xã hội Việt Nam và sự bất hủ của tác phẩm này.
“…Trong bối cảnh đó, ý tưởng nguy hiểm đã thắng thế rằng bất kể kẻ khác sống hay chết, bất kể số phận quốc gia mất hay còn, miễn là bản thân tao sung túc no đủ, miễn là gia đình tao giàu sang, miễn là bạn bè tao giành được phần ngon so với bọn khác. Những kẻ láu cá được coi là các gã chơi đẹp, thông minh, còn những người làm tròn bổn phận lại bị coi là ngu ngốc và khờ dại. Những viên chức chính quyền trung thực và liêm khiết không nhận hối lộ thì bị chế độ hắt hủi như kẻ lập dị, còn lũ bê bối và kiếm chác được coi là tất yếu và những ai không làm như vậy bị coi là kỳ cục, điên rồ…”
Đó là một thế giới mà trong đó, nắm đấm mạnh hơn luật pháp, là một cộng đồng trong đó chỉ có tiền bạc và con ông cháu cha mới được coi trọng, là một xã hội mà trong đó những người không có quyền hành, không có quan hệ với đám quan chức, và không có tiền bạc thì bị xem rẻ và đá ra rìa không thương tiếc. Đó là một xã hội mà trong đó nghịch lý được coi là logic, sự bất công và phi pháp thịnh hành. Mọi thứ đều bị đảo ngược. Đó là một xã hội của những giá trị đảo ngược..”
Có thể nói, qua tác phẩm này Thiên Sơn đã thay lòng dân mà nói lên tất cả. Tác giả đã đau đớn để nhận biết, để đồng hành, để cập nhật với nỗi đau của những phận người đông đảo mà bé nhỏ, bị bóp nghẹt trong thế giới quyền lực đen. Một khát vọng cháy bỏng để sự méo mó ấy, ung hoại ấy được cắt bỏ và những vết thương được lành lại.
Tôi nghĩ cụ Nguyễn Du đã đúng khi nói rằng:
“Thà rằng chẳng biết cho xong
Biết bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu”
Gấp hai tập của quyển sách lại, tâm hồn tôi như lạc vào cõi bi quan đen ngòm không lối thoát. Tôi xót xa trước những ung nhọt của thời cuộc, trước sự sụt lở đạo đức về một xã hội mà luân lý con người không còn được coi trọng. Tôi run sợ và hoang mang về tương lai mịt mù của đất nước.
Nhưng hơn tất thảy những cái hay, cái xấu trong tác phẩm là cảnh tượng thực về ngôi làng Hà Vọng và nhân vật trưởng phòng luật sư Tuấn. Một chi tiết và thông điệp không phải quan trọng nhất trong tác phẩm nhưng lại chạm đến sâu từng ngõ ngách, mao mạch trong trái tim tôi. Tác giả đã kể về một ngôi làng y hệt như nơi tôi đã sinh ra. Từ một miền quê yên bình và cổ kính đã biến thành ổ ma tuý, mại dâm, cờ bạc và nạn cướp bóc, giết người. Ngồi miên man suy nghĩ về thực trạng của quê hương tâm tư tôi như bị cày xới rồi vỡ ra từng mảnh. Tôi muốn thay đổi, muốn làm gì đó để “giải độc” cho quê hương mình. Trong cái cảm xúc ngùn ngụt ấy, tôi đã mất kiểm soát và đặt bút viết một “bản cáo trạng” với tiêu đề “Quê hương là chùm khế…chua” rồi đăng lên Facebook.
Hơn bốn trang A4 chất chứa tất cả xúc cảm và tình yêu của một người con xa quê. Bài viết đã làm rúng động dư luận xã hội. Nó được các cấp lãnh đạo địa phương và người dân quê tôi in ra và truyền tay nhau đọc. Rồi nó cũng đã trở thành sợi dây thắt cổ lôi tôi và cả gia đình xuống tận đáy địa ngục. Tôi đã tự biến số phận mình thành “bản sao” của nhân vật Tuấn trong tác phẩm.
“Vì lương tâm nghề nghiệp, vì lòng yêu nước thương dân, anh đã dũng cảm đấu tranh với những nhân vật khổng lồ để đòi sự công bằng cho dân làng Hà Vọng. Tiếc thay, công lý không thể thắng được cường quyền. Anh bị dẫm đạp, đè nghiến như một hòn sỏi nhỏ dưới bàn chân và bánh xe của bọn tài phiệt, bị đóng cửa văn phòng luật sư và nếu không có bàn tay quyền lực của người tình cũ cứu giúp thì tính mạng anh cũng đã bị kết liễu.”
Đó là một ký ức rùng rợn, hãi hùng vĩnh viễn hằn sâu trong cuộc đời tôi. Ký ức gắn liền với một tác phẩm mà mỗi khi nhắc đến cuống tim tôi như muốn rụng rời.
Thú thật, tôi rất ít đọc sách của tác giả Việt Nam. Nhưng với “Đại Gia” thì không những tôi đọc đi đọc lại nhiều lần mà tôi còn xem nó như một người thầy, người khai sáng vĩ đại. Cuốn sách đã giúp tôi xé toang bức màn đen kịt của thời cuộc, dẫn tôi bước ra khỏi khu rừng “u minh” để tách khỏi con thú và tiến gần hơn đến con người, tới gần quan niệm đến cuộc sống tốt đẹp nhất và về sự thèm khát sự tốt đẹp ấy.
Nếu bạn cho phép tôi được nói điều gì đó với bạn qua quyển sách này thì tôi sẽ quỳ xuống và nói với từng người một, hoặc đứng thẳng dậy quát to vào mặt bạn rằng: Hãy đọc “Đại Gia” đi, hãy đọc nó để bạn hiểu rằng chúng ta không phải đang sống trong xã hội loài người thường được tung hô là “ĐỘC LẬP – TỰ DO – HẠNH PHÚC”, mà đang sống trong một “vườn thú người”, một nền kinh tế nghèo nàn và lạc hậu, một tư duy và ý thức nô lệ, một cơ chế xin cho, bị kiềm kẹp và đàn áp. Tất cả là sự lừa bịp. Mọi thông tin đến tai dân đều méo mó và lệch lạc, được “tô son trét phấn” bởi những cái lưỡi hùng hồn và sắc sảo. Một thời cuộc gian manh và thối nát. Ở đó luật pháp chỉ là cái dây cương, yên ngựa, roi da cho bọn CƯỜNG QUYỀN ngồi lên để cưỡi, để quất và giết thịt.
Dù quyển sách đã bị nhà nước cấm và thu hồi từ lần xuất bản đầu tiên nhưng bởi độ sâu sắc và uyên thâm của nó nên vẫn được xuất bản lậu và bán khá nhiều trên thị trường. (Dư luận đã ném đá gay gắt cục Xuất Bản khi cấm phát hành và thu hồi tác phẩm này. Tôi nghĩ nguyên nhân tác phẩm bị cấm là vì nhiều ông tai to mặt lớn đã bị chột dạ và giật mình khi tác giả đánh trúng tim đen của họ)
Cuối cùng tôi xin phép được kết thúc bài viết này bằng chính lời giới thiệu của tác giả.
“Tôi đã viết cuốn sách này bằng tất cả khao khát chỉ ra cái hiện thực hiểm nghèo, vạch trần nguồn gốc sâu xa luôn bị che đậy và cảnh báo những điều nguy hiểm đến với xã hội và số phận con người. Để rồi cuối cùng, chúng ta hiểu ra những vận động sai lạc, lệch hướng đã đưa con người đến sự đau khổ như thế nào. Mong muốn lớn nhất của tôi là quyển sách sẽ được bạn đọc thấu hiểu, sẽ chia và chúng ta cùng nhau đi đến nhận thức cũng như hành động chung nhằm mang lại những gì tươi sáng hơn cho tương lai.” – Thiên Sơn
Nguyễn Văn Thương
Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP), Kính Kong (shop phụ kiện).