28 C
Nha Trang
Thứ ba, 5 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 188

Ngày mùa thu và khúc vô ngôn

Featured Image: Khánh Hmoong

 

Những đám mây dặn dò ngọn cây xám đừng khóc trong ngày áp thấp
bầu trời mùa thu không mang màu xanh lá cây
không lời mộng mơ hoa bướm
an nhiên không thật thà lật lọng khóc bên viên an thần
giãy tung thềm đêm bạch tạng
nụ hoa lặng lẽ chảy máu
đừng
cúi
đầu
đừng
để
nước
mắt
rơi
dưới
bầu
trời
mùa thu
ngôn ngữ tối tăm bập bẹ lời dẫm đạp
khuôn diện em kiều mị vết lem nhem thời gian
không còn chỗ cho ngày xưa về ký thác
những di chứng được tẩm liệm sau quên lãng
sẽ có những ngày mùa quả chín rời bỏ địa đàng
cơn mưa vong thân mùa lũ cũ
nụ hôn cằn cỗi bởi sự hãi sợ thời gian
nuối ức một cơn nắng khô rang ngày hè mất mặt
người trôi theo chiếc bóng mình thâu đêm trên vách
mơ hồ
rũ rượi
môi đau

 

Phương Uy
4.9.14

Vì sao tôi tham gia tổ chức “Cơm Có Thịt”

Featured Image: Cơm Có Thịt Australia

 

Không biết ở đâu đó có một câu nói rằng: “Trên đời này không ai làm điều gì mà không có mục đích.” Và cũng đôi khi có bạn đã hỏi tôi rằng, vì sao tôi lại thích tham gia các công tác từ thiện. Vâng, hôm nay tôi xin chia sẻ với các bạn, lý do thật sự nào đã khiến cho tôi tham gia vào tổ chức quỹ từ thiện Cơm Có Thịt, tại Australia.

Trước tiên, tôi xin thú nhận, tôi tham gia là vì chính bản thân mình

Là người làm khoa học, tôi không tin và không theo bất cứ một tôn giáo nào, nhưng tôi tin vào các triết học sâu xa trong tôn giáo. Một trong những triết lý đó là luật nhân quả. Những trải nghiệm nhỏ bé trong cuộc sống này đã phần nào giúp tôi hiểu được nghĩa ý sâu sắc nhưng rất bình dị của luật nhân quả: “Gieo nhân nào – gặt quả đấy” “gieo gió – gặt bão”, gieo yêu thương, sẽ gặt lấy yêu thương.

Tôi mong muốn có được một cuộc sống tốt đẹp hơn, yên bình hơn cho mình, cho gia đình mình. Tôi mong muốn được mọi người yêu thương mình nhiều hơn, vậy nên cách tốt nhất tôi làm là đem yêu thương của mình đến với mọi người, đặc biệt các em nhỏ kém may mắn hơn mình.

Và thực tế đã chứng minh như vậy. Một thời gian ngắn ngủi tham gia Cơm Có Thịt, tôi đã có thêm rất nhiều người bạn mới, có những người chưa từng gặp ngoài đời, nhưng họ rất chân thành, họ âm thầm nhắn tin, tỏ ý muốn hỗ trợ thêm cho những hoạt động của chúng tôi. Họ – những người tôi chưa bao giờ gặp mặt, cũng sẵn sàng bỏ cả ngày để đi giao những tấm bookmark, những chiếc khăn len gửi sang cho chúng tôi cho kịp chuyến bay, để bán hàng gây quỹ. Họ – những người tôi chưa từng bao giờ gặp mặt, sẵn sàng chuyển vào tài khoản của chúng tôi những đồng tiền nhỏ bé nhưng với bao gửi gắm yêu thương, cho những người mà họ cũng chưa bao giờ từng biết mặt.

Vâng, tất cả chúng tôi đều là như vậy – và cuộc sống này cũng là như vậy – là nơi để chúng ta gắn kết yêu thương, giữa con người với con người.

Thứ hai, tôi tham gia là vì bố mẹ của mình

Là sinh viên xa nhà, cũng chưa biết đến khi nào mới có thể quay trở về đất nước nếu không tính những kỳ nghỉ ngắn ngày, tôi hiểu rằng mình sẽ không có nhiều cơ hội để chăm sóc ông bà cha mẹ những lúc họ ốm đau. Cứ mỗi lần nhìn một ai đó trong số bạn bè mình, vội vàng về nước vì người thân gia đi, lòng tôi lại quặn thắt. Tôi hiểu rằng, chấp nhận cuộc sống xa nhà cũng là sẽ chấp nhận có những lúc những sự việc như thế cũng sẽ đến với mình, với gia đình mình. Người già có tuổi, sinh lão bệnh tử là lẽ trời, trong khi cuộc sống bên này chưa biết khi nào mới gọi là ổn để có thể về nước.

Vậy nên tôi cố gắng làm ông bà vui. Người Việt mình cha mẹ nào cũng thương con, nhất là khi về già. Bố mẹ tôi cũng không ngoại lệ, ông bà không có nhu cầu vật chất gì nhiều. Mỗi khi mua cho ông bà món quà gì đó, thì các cụ lại bảo thôi không cần, giờ già rồi có cần dùng gì đến nữa đâu. Hàng ngày về quê trồng rau, ăn uống đơn giản, thỉnh thoảng lại đi vào chùa chữa bệnh cho mọi người.

Có lẽ điều vui nhất đối với các đấng sinh thành là sự thành đạt của con cái. Nhưng cái sự thành đạt đó không chỉ đơn giản kiếm được nhiều tiền, hay làm quan chức, mà cái sự thành đạt đó lại là về nhân cách, đạo đức, lối sống và sự hạnh phúc trong gia đình con cái của mình. Tôi tin rằng, tôi đang làm cho bố mẹ mình vui về những việc mình đang làm. Tôi quan niệm rằng mình làm như vậy, cũng là để cố gắng tích lũy phước đức cho gia đình mình, cho dòng họ mình, để cầu mong ông bà luôn được khỏe mạnh với con cháu sau này.

Và còn một lý do nữa, tôi tham gia vì con cái của mình

“Cha mẹ là tấm gương soi rõ nhất cho con cái.” Tôi hiểu rằng việc dạy dỗ con không thể bằng những lời lẽ hoa mỹ, mà quên đi rằng cách sống của mình – chứ không phải lời nói – mới là thứ ảnh hưởng lớn nhất đến tính cách của con sau này. Con tôi sẽ không thể trở thành người bao dung – nếu hàng ngày tôi vẫn đối xử cay nghiệt với những người xung quanh mình: dù là người giúp việc, hay đồng nghiệp bạn bè xung quanh mình.

Trẻ con chỉ có thể phát triển một cách tốt nhất bởi tình yêu thương. Những câu chuyện cho con buổi tối, về những em nhỏ nghèo đâu đó mà con chưa bao giờ gặp mặt, không có đủ cơm ăn áo mặc, sẽ là những bài học giúp con không thể là người tiêu xài hoang phí, ăn uống thừa thãi. Càng hiểu được nỗi khổ, sự khó khăn của người khác bao nhiêu, con sẽ càng hiểu rằng mình là người hạnh phúc bấy nhiêu, và càng phải trân trọng cuộc sống của mình bấy nhiêu.

Tôi mong rằng sau này các con mình, có thể không phải là người xuất sắc nhất, nhưng nhất định sẽ phải là những người có lòng bao dung độ lượng, và tình yêu thương con người. Đó mới là điều mong muốn thực sự của một người làm cha mẹ Việt Nam mình.

Vâng, đó là tất cả những lý do thực sự, vì sao tôi tham gia tổ chức Cơm Có Thịt Australia.

“Where there is love, there is life.” – Mahatma Gandhi

 

Evelyn Chi Nguyen

Học để làm gì?

Featured Image: Melissa J

 

Một vị giáo sư hỏi học sinh nhân ngày khai trường 5 tháng 9: “Theo cháu, học để làm gì?” Cô học sinh lớp 9 nhanh nhảu trả lời: “Thưa bác, học để làm người ạ!” Giáo sư hỏi tiếp: “Vậy làm người là như thế nào?” “Nghĩa là biết yêu gia đình, yêu quê hương đất nước, đóng góp sức lực xây dựng quê hương. Nếu thế hệ đầu tiên vững chắc, thì thế hệ tương lai vươn lên.

Không riêng gì Giáo sư thừa nhận, câu trả lời này “tương đương” trình độ nguyên Bộ trưởng Bộ giáo dục, tôi cũng thật bất ngờ và hân hoan cho trình độ ứng biến lẫn trả lời của cô gái lớp 9 (bạn nên nhớ, bằng tuổi cô bé, bạn chưa đủ bản lĩnh như thế đâu). Vậy tôi tạm kết luận, nguyên Bộ trưởng chỉ thông minh tương đương học sinh lớp…9.

Tôi cũng đi tìm câu trả lời, “học để làm gì?”, bởi tôi không thông minh hơn học sinh lớp 9. Dò tìm trong nhiều tài liệu và tra hỏi google “học để làm gì mày?”, có đến 10 triệu 500 kết quả tìm kiếm trong 0.19 giây “HỌC ĐỂ LÀM NGƯỜI”. Ohm hay, sao giống câu trả lời của cô gái lớp 9 thế!

Không thể chịu thua, ngồi lục lại trí nhớ của mình. Có một lần Lý Quang Diệu diễn thuyết trước sinh viên Singapore, một đất nước mạnh là một đất nước hội tụ nhiều nhân tài và sử dụng họ theo đúng sở trường. Sở trường đó chỉ phát huy khi họ biết học để làm gì? Học để làm giàu, tập hợp mỗi cá nhân giàu có thì sẽ hình thành một đất nước giàu có. Sự giàu có đến từ nền tảng của tri thức (không nhớ rõ nguồn, xin thứ lỗi).

Chẳng lẽ học chỉ để làm giàu, một lần nữa quyết tâm đi tìm câu trả lời cho câu hỏi. Chợt nhớ ra lời Đức Phật giáo huấn “con người sinh ra đều có một bức màn vô minh che phủ (ngu muội, dốt nát, tham lam, độc ác…), chính cái vô minh đã làm Người trong lốt Con. Hãy giải thoát vô mình và hướng đến chí minh thì Người mới là Người. Muốn vậy con người hãy tìm sự học, học để tìm kiếm tri thức – đây là phần đầu tiên của để khai minh nhưng chưa đạt được chí minh, học để biết yêu thương – giúp đỡ người khác, bạn đã có chí minh rồi đó.

Một chút tư lự để suy ngẫm câu trả lời cho chính mình: “Học để làm gì Linh?” Tôi sinh ra ở miền Trung – một vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, quanh năm chịu rét như cắt da, chịu nóng như thiêu đốt và chịu đói như cơm bữa. Vậy đừng trả lời tôi “học để làm người”, tôi chỉ biết học để thoát cái nghèo, thoát đúng nghĩa bằng vận dụng chất xám và óc sáng tạo, thoát bằng thực chất bản lĩnh và sự hội tụ tri thức. Hãy thử nghĩ mà xem, bạn sống trong một gia đình không có gì, chỉ có chút ít của cải để đầu tư cho học hành thì bạn sẽ làm cách nào để thoát nghèo – tất nhiên tri thức sẽ quyết định. Còn bạn sống trong một gia đình, đào cái gì lên trong nhà đều có thể chuyển đổi ra tiền, vậy bạn học để làm gì. Cuộc sống của bạn ở hoàn cảnh nào cũng đều tương tự một quốc gia, hãy xem Israel và Việt Nam.

Vậy thoát nghèo để làm giàu, nên nhớ tập hợp một cá nhân giàu có thì sẽ hình thành một đất nước giàu có. Nhưng cái giàu đó, bạn đừng chỉ hưởng thụ một mình – nếu chỉ phục vụ cho cái tôi ích kỷ của bạn thì tôi có thể gọi bạn là “trọc phú” không hơn không kém!

Cái giàu hãy san sẻ và giúp ích, trước hết cha mẹ, anh em, bà con…nhưng không chăm chăm giúp con cá mà hãy cho họ cả cần câu và cách câu – để cùng nhau giàu có. Nếu bạn muốn đạt đến đỉnh cao của chí minh thì hãy làm những hành động chia sẻ sự giàu có như các tỷ phú thế giới đang làm hoặc đơn giản hơn tham gia các chương trình thiện nguyện hoặc chỉ cần yêu thương những người xung quanh.

Học không chỉ để có những câu trả lời sáo rỗng, học để hội tụ tri thức, học để làm giàu, học để giúp đỡ những người xung quanh, học để biết yêu thương, học để biết trân trọng cuộc sống… học để làm người – khi đóng nắp quan tài.

Cuộc sống mấy ai là người…

Châu Đình Linh

Hai mươi, xưa và nay

Featured Image: Lizzy Gadd

 

Hai mươi xưa thật tuyệt vời
Hai mươi nay thấy cuộc đời buồn thay.
Hai mươi xưa súng trên tay
Hai mươi nay thấy lênh đênh, mịt mùng.
Hai mươi xưa đẹp vô cùng
Hai mươi nay thấy nhiều người “khùng” “điên”.
Hai mươi xưa có bạn hiền
Hai mươi nay chỉ thấy tiền mà thôi.
Hai mươi xưa có nụ cười
Hai mươi nay thấy con người dối gian.
Hai mươi xưa học thâu đêm
Hai mươi nay chỉ cày game thôi mà.
Hai mươi xưa – một tuổi hoa
Hai mươi nay để trôi qua, chẳng màng.
Hai mươi xưa đã trưởng thành
Hai mươi nay vẫn là người trẻ con.
Hai mươi xưa tình sắt son
Hai mươi nay đã chia tay vài lần.
Hai mươi xưa ít sai lầm
Hai mươi nay thấy cứ nhầm đường thôi.
Hai mươi xưa chẳng đơn côi
Hai mươi nay chỉ mình tôi với đời.
Hai mươi xưa thích nói cười
Hai mươi nay chỉ thấy toàn người “câm”.
Hai mươi xưa viết thư tay
Hai mươi nay chỉ ngồi face giết giờ.
Hai mươi xưa có ước mơ
Hai mươi nay cứ thờ ơ với đời.
Hai mươi xưa, nét chữ quen
Hai mươi nay cách nhắn tin quen rồi…

Tuổi hai mươi ngày xưa sao đẹp thế?
Tuổi hai mươi bây giờ chỉ thấy toàn “trẻ trâu”…

 

Một Đời Quét Rác

Đam mê ơi, mi ở đâu?

Featured Image: Sarah Witherby

 

Thật hạnh phúc, cho những ai có đam mê hay tìm ra đam mê của mình, để đi đến cùng với nó. Nhưng không phải ai cũng may mắn được đam mê “gõ cửa” ngay từ đầu. Vậy với những người còn đang loay hoay tìm kiếm “một cái gì đấy” làm chất xúc tác cho bản thân thì phải sao đây? Chẳng lẽ cứ ngồi thở dài rồi nói rằng: “Tôi không thể làm được việc này, vì tôi không thích nó.” Vài câu thở dài như thế, chẳng mấy chốc là hết một đời rồi. Cuối cùng, đam mê đâu chẳng thấy mà việc nào cũng dang dở, khiến cả cuộc đời dở dang. Có khi đến chết vẫn còn “ôm niềm uất hận ngàn thâu” vì không tìm thấy cái gọi là đam mê.

Để trả lời câu hỏi đó tôi xin dẫn dắt hơi dài dòng một chút

Nếu bạn nào đã đọc bài viết “Sự lựa chọn giữa Cao đẳng và Đại học” của tôi trên Triết Học Đường Phố thì đều biết rằng nguyên nhân ban đầu khiến tôi học trường Cao đẳng Sư Phạm hoàn toàn là miễn cưỡng, bắt buộc với tâm lý “cùng đường”. Nhưng rốt cuộc, tôi lại phải cảm ơn vì mình đã học Cao đẳng mà không theo đuổi hư danh Đại học. Nghề sư phạm đến với tôi cũng gần tương tự như vậy.

Ấn tượng của tôi về nghề này là không có gì thích thú, ngày nào cũng diễn gương mặt ấy, giọng nói ấy, bước lên bục giảng “nhai đi nhai lại” những bài đã thành thuộc làu từ lớp này sang lớp khác, từ năm này sang năm khác. Những quyển giáo án đã ngả màu, sờn gáy của một vài thầy cô cho tôi thấy nghề giáo cũ kỹ, buồn tẻ đến thế nào: Trong khi tuổi trẻ đang hăm hở, tràn đầy nhiệt huyết, khát khao những điều mới lạ, muốn đi và được đi để khám phá thế giới sôi động, hấp dẫn ngoài kia. Nên thật dễ hiểu, báo chí mới là nghề mơ ước của tôi hồi ấy, hay luật gia mới là điều tôi hằng tưởng tượng đến (vì bị ám ảnh bởi những bộ phim đi tìm công lý của điện ảnh Mĩ).

Ấy vậy mà tôi lại phải cắp cặp đi học Sư Phạm. Thế mới “đau” chứ!

Năm qua đi, tháng qua đi, tôi tốt nghiệp, ra trường, đi làm mà cũng chẳng mảy may có ý niệm nào là thích nghề giáo. Ở trường, người ta bảo học thì tôi học, cố gắng học tốt là để chứng tỏ bản thân với mọi người, chứ không phải là để lo cho một tương lai tươi sáng “đi gõ đầu trẻ” sau này. Lúc đi làm người ta bảo dạy thì tôi dạy, cố gắng dạy tốt để đồng nghiệp không coi thường mình, học sinh không chê bai mình. Đơn giản thế thôi. Tôi cứ làm hết trách nhiệm, nghĩa vụ mà mình phải làm trong từng giai đoạn cuộc đời; lòng tự trọng bản thân không cho phép tôi đại khái, qua loa. Còn đam mê ư, tôi chưa biết tới…

Thậm chí trong suốt thời gian dạy học, tôi còn cảm thấy đó là một công việc thật mệt mỏi, nó không đơn giản là soạn bài và lên lớp mà quan trọng là làm sao để học sinh chịu ngồi yên nghe mình nói, mấy chục cái miệng đừng có nhao nhao lên như chợ vỡ, mấy chục cái đầu đừng quay ngang quay ngửa, kiếm cớ chạy ra, chạy vào trong lớp. Không biết bao nhiêu lần tôi đau đầu, nát óc, tìm cách “bình ổn” lớp học, “hạ nhiệt” những học sinh cá biệt, có lúc rơi nước mắt vì ức chế, vì thất vọng,vì không biết phải làm sao. Nghĩ tới nghĩ lui thì tôi chỉ có một cách duy nhất là phải dạy thật tốt, dạy tốt để học sinh phục mình, quý mình, chịu nghe lời mình.

Nhớ lại những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường, mình thấy ấn tượng, thích thú với thầy cô nào, vì sao mình thích, bây giờ áp dụng lại. Mình cũng nhớ cả những thầy cô mình không thể thích được để tự rút kinh nghiệm. Dần dần từng bước một, tôi nhận ra một điều dạy học không hề nhàm chán, nó quả thực là một sự nghiệp lớn lao. Đó là cơ hội và thử thách với tất cả những ai có tình yêu con người, có trách nhiệm với lớp trẻ, với xã hội.

Thành công của người thầy không phải là những tờ giấy khen, những danh hiệu nọ kia, mà nó được ghi nhận từ chính ánh mắt, nụ cười, gương mặt chăm chú, say mê của học trò trong mỗi giờ lên lớp. Mỗi học trò là một cá thể riêng biệt, bao nhiêu học trò là bấy nhiêu sự đa dạng, phong phú làm nên nét đẹp muôn màu của nghề giáo.

Rồi một ngày kia, tôi chợt nhận ra mình đã đam mê nghề giáo mất rồi. Nó ngấm vào tôi từ từ, nhẹ nhàng như mưa thấm vào đất, giọt nước chảy vào vách đá, liên tục ngày đêm, giọt nước đã làm mòn vách đá lúc nào không hay. Để bây giờ khi phải xa nghề, xa bục giảng, tôi mới càng nhận ra mình yêu nó đến mức nào, hàng trăm lần tôi mơ được một ngày trở lại. Để bây giờ, dạy học gần như đã trở thành bản năng, thành niềm thích thú không mệt mỏi của tôi, mỗi khi có dịp được trổ tài sư phạm là tôi liền “chớp ngay lấy thời cơ”. Thật đấy!

Thế nên bạn ơi, đừng vội kết luận rằng mình chẳng có đam mê nào, mình chẳng có thiên hướng về điều gì rõ rệt. Hãy cứ làm việc đi, làm việc hết mình, trách nhiệm đến cùng với nó, chinh phục nó ở một mực độ nhất định, tự nhiên đam mê sẽ đến với bạn. Khi công việc và đam mê hòa quyện làm một, không gỡ ra được ấy chứ.

Tôi còn có thể kể cho bạn nghe nhiều câu chuyện khác từ cuộc đời mình. Nhưng tựu chung lại đều đi một kết luận là: Với tôi, đam mê thường đến sau cùng. Có khi nào bạn nghĩ dường như tất cả những việc mình làm trước đây tưởng chẳng đâu vào đâu thực ra lại là sự chuẩn bị tất yếu cho một anh chàng khổng lồ có tên gọi Đam Mê, ngày nào đó sẽ trỗi dậy?

 

Phương Liên

Thời gian chính là vật liệu của cuộc sống, xin đừng lãng phí…

Featured Image: Gioia De Antoniis

 

“Anh có yêu cuộc sống không? Nếu có thì đừng lãng phí thời gian, vì thời gian chính là vật liệu của cuộc sống.” – Benjamin Franklin

Tất cả chúng ta đang cố gắng làm việc chăm chỉ mỗi ngày vì mục đích gì?

Bạn biết không, ở Anh vào những năm đầu thế kỷ 19, thời gian làm việc bình thường của một người lớn là 15 tiếng/ngày, và với trẻ em là 12 tiếng/ngày và thậm chí đôi khi chúng vẫn phải làm nhiều như người lớn. Nếu ai phàn nàn, họ sẽ được dạy rằng làm việc giúp người lớn tránh xa nhậu nhẹt và trẻ con khỏi nghịch dại. Và giờ thì sau một vài trăm năm, thời gian làm việc trung bình của chúng ta là 8 tiếng/ngày. Một khoảng thời gian đáng kể đã được rút ngắn đúng không?

Nhưng chúng ta phải luôn thừa nhận một sự thật rằng, chỉ một phần rất nhỏ người trong xã hội có thể sống tốt với khoảng thời gian làm việc tiêu chuẩn 8 tiếng mỗi ngày đó. Còn đâu phần đông ngoài cuộc sống, người ta phải làm việc gấp đôi thời gian đó mỗi ngày, không việc này thì việc khác. Người bán hàng ăn hay những chị tiểu thương sẽ phải thức từ tinh mơ cho tới tối mịt, những người bán hàng lề đường phải rong ruổi cả ngày dài, những người nghệ sĩ đôi khi nhiều ngày không được ngủ… Cứ như thể chúng ta sống trên đời này, chỉ là để làm việc.

Vậy câu hỏi đặt ra là, chúng ta làm việc để làm gì? Sẽ có vô vàn câu trả lời cho câu hỏi nhảm nhí này: để nuôi sống bản thân và gia đình, để phát triển xã hội, để kiếm tiền, để duy trì cuộc sống, để thỏa niềm đam mê… Câu trả lời nào cũng vô cùng hợp lý cả. Nhưng tôi thì cho rằng, chỉ có một câu trả lời là hợp lý nhất thôi, mà chúng ta thường hay bỏ qua, vì không nghĩ đến, vì không biết hay vì cố tình làm lơ. Đó là chúng ta làm mọi việc trên đời, tất cả chỉ vì một thứ quan trọng nhất, đó là ta làm việc để kiếm thời gian.

Nghe lạ lùng quá phải không?

Tại sao thời gian lại quan trọng?

Cái này chắc ai cũng biết. Vì nó là thứ không bao giờ lấy lại được. Tiền mất, có thể có lại, sức khỏe mất, trong đa số trường hợp, chúng ta vẫn có thể khỏe lại, tuổi trẻ qua đi, chúng ta sẽ tìm lại được nó trong độ… hồi xuân, nghị lực mất, vẫn sẽ tìm được, niềm tin mất, không vấn đề gì, ta chỉ cần một niềm tin mới… Ok, bây giờ tới thời gian, nếu thời gian mất, bạn có kiếm lại được không? Không, sẽ không có bất cứ cách nào giúp bạn cứu vãn hay tìm lại những khoảng thời gian đã mất. Một ngày trôi qua là sẽ trôi qua mãi mãi, bạn không thể níu kéo, không thể mua, không thể tìm lại được nữa. Không bao giờ. Không một cách nào hết.

Ta hãy xét tầm quan trọng của một vài thứ cơ bản trước khi nói đến tầm quan trọng của thời gian. Bạn có thể thấy, sự thật là nước thì rất quý, quý hơn bất cứ thứ tài nguyên khoáng sản nào, nhưng vì nước có quá nhiều so với nhu cầu và quá dễ tìm kiếm nên chúng ta chẳng thấy nó quý giá gì cả. Nhưng nếu thử đặt bạn vào giữa một sa mạc khô cằn, hay nhét bạn vào một quốc gia Châu Phi nghèo khổ, nơi mà người ta thậm chí phải uống cả nước thải của bò, hay đơn giản chỉ cần cúp nước nhà bạn trong một vài ngày, bạn sẽ thấy phát điên lên và nhận ra nó quý giá biết bao nhiêu.

Còn vàng, chúng chẳng có giá trị thực tế gì to tát cả, nhưng người ta lại sống chết vì nó, vì nó hiếm, nó khó tìm, nó có một vài đặc tính mà không thứ gì có được, những đặc tính này chẳng liên quan gì đến sự sống còn của chúng ta hay của bất kỳ ai, nhưng nó vẫn quý. Vì nó quá ít, nó hữu hạn, nó không sinh thêm ra và không có đủ nhiều cho tất cả mọi người cùng sở hữu, thế là nó quý giá. Quý như vàng! Bạn có thể cho rằng sự so sánh này là khập khiễng, vậy hãy xét tiếp nào. Bạn nghĩ thời gian quý chứ? Chúng quý hơn vàng, hơn nước không? Chắc hẳn chúng ta đều thừa nhận thời gian là rất quý báu, nhưng chỉ là một cảm tưởng mơ hồ, chúng ta vẫn chưa nhận ra nó quý báu và cần được trân trọng biết bao nhiêu.

“Anh có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không.” – Benjamin Franklin

Có một bộ phim Mỹ từng nói về chủ đề này, đó là một bộ phim với ý tưởng tuyệt vời về tầm quan trọng của thời gian. Ở thế giới đó, mọi người biết được mình còn bao nhiêu thời gian để sống, thế nên họ làm mọi việc, tìm mọi cách để kiếm thêm thời gian cho mình, chứ không phải tiền? Ở thế giới đó, người ta đi làm mỗi ngày để được nhận thêm thời gian, người ta mua hàng hóa nhu yếu phẩm sẽ phải trả bằng lượng thời gian tương ứng, người ta tặng cho nhau thời gian và xử phạt nhau cũng bằng thời gian. Người ta hơn nhau kém nhau cũng chỉ cần một thước đo thời gian để đánh giá. Tất cả mọi thứ con người tìm kiếm và trao đổi hàng ngày đều được quy về một thứ cơ bản: Thời gian. Đó thật sự là một ý tưởng rất hay, cực kỳ hay giúp cho chúng ta nhận ra mục đích thật sự khi còn sống trên đời, tất cả chỉ là để kiếm thêm thời gian mà thôi.

Thực tế, chúng ta không nhận ra tầm quan trọng của thời gian đúng mức độ của nó. Bởi vì nó quá công bằng. Bất cứ ai, dù nghèo khổ hay sang giàu, dù nam hay nữ, già hay trẻ, giám đốc hay lao công, tất cả chúng ta đều có một lượng thời gian như nhau trong mỗi ngày. Đều có 60 giây cho 1 phút, 60 phút cho 1 giờ, 24 giờ cho 1 ngày, 30 ngày cho một tháng và 12 tháng cho 1 năm. Không ai hơn, không ai kém, dù chỉ một phút, một giây hay một khắc. Đó thực sự là thứ duy nhất công bằng tuyệt đối trên đời này. Vì nó công bằng nên chúng ta thờ ơ, chúng ta không hỏi tại sao và cũng không cần phấn đấu để có hơn được người khác. Vì nó công bằng nên chúng ta hài lòng và chấp nhận như một lẽ tất nhiên, mà không hề biết rằng, chính tư tưởng đó đã khiến chúng ta đi sau người khác cả ngàn dặm trong cuộc đời.

Quay trở lại câu hỏi, bạn nghĩ mình đi làm để làm gì? Để có đủ tiền trang trải và duy trì cuộc sống, để có thể về hưu dưỡng già không âu lo, để có gì đó để lại cho con cháu, để tạo nên một cuộc sống tiện nghi hiện đại… Rất nhiều lý do, tôi sẽ bật mí cho bạn lý do thật sự, như đã nói ở trên. Tất cả những mục tiêu này, đều là những hình thái khác nhau của… thời gian. Đúng vậy đó, mọi thứ bạn đi làm để kiếm tìm, đều là những trạng thái khác của thời gian mà ra cả.

Con người tạo ra các sản phẩm mới dù hiện đại hay mới mẻ đến đâu, cũng vì một lẽ thực tế nhất, giúp loài người tiết kiệm thời gian và công sức. Từ xe đạp lên xe máy, ô tô rồi máy bay. Từ điện thoại bàn tới cục gạch tới những smartphone thế hệ mới. Từ chiếc máy giặt giặt nhanh hơn, nước ngâm tẩy vết bẩn mau hơn, máy tính bàn lên xách tay, tivi thường tới tivi hẹn giờ, thư tay đến thư điện tử, ngân hàng tới bitcoin, đồ ăn nhanh, thực phẩm đóng gói đến thuốc men và cả các chương trình giải trí hay tin tức nữa… Tất cả mọi thứ trên đời đều được làm ra với mục đích làm sao cho nhanh hơn, siêu việt hơn, thông minh hơn, giúp con người tiết kiệm thời gian và công sức. Mà công sức suy cho cùng, cũng là về thời gian.

Bạn làm mọi việc bạn đang làm, để kiếm tiền, kiếm tiền để sắm những thứ công nghệ mới, cho dù vì lý do gì như hiện đại, sành điệu hay tiện dụng… cũng là để làm cho cuộc sống được dễ dàng và nhanh hơn. Bạn xây một căn nhà to rồi sắm sửa mọi vật dụng đắt giá và rồi làm mọi thứ để được ở trong căn nhà đó lâu hơn, vui chơi cùng con cháu nhiều hơn. Bạn thuê những người giúp việc làm cho bạn thật ra là bạn đang mua khoảng thời gian của họ thay bạn làm việc đó. Rồi bạn lại dùng thời gian mua được từ người khác để đổi lấy tự do cho chính mình, cho những sở thích cá nhân.

Thay vì nấu ăn, cắt cỏ, dọn dẹp bạn có thể chơi gôn, đọc sách hay tham gia các câu lạc bộ. Bạn làm mọi thứ vì tương lai con cái với mong muốn chúng không phải mất quá nhiều thời gian để có được những thứ đó. Kiếm nhiều tiền để tích trữ của cải cho con cháu với hy vọng chúng sẽ nhanh đạt được điều mà ta đang phấn đấu hơn, một cuộc sống dễ dàng và sung túc hơn từ sớm, chứ không như bạn phải đợi tới cuối đời. Bạn làm việc để mua khoảng thời gian nhàn rỗi không phải lo lắng đi làm kiếm tiền lúc tuổi già.

Bạn cày ngày đêm để dành chút tiền để kéo dài cuộc sống, hy vọng khi ốm đau bệnh tật tiền sẽ giúp bạn mua được tài năng của những bác sĩ tay nghề cao, mua được loại thuốc hiệu quả giúp bạn sống lâu thêm chút nữa. Bạn và tôi, chúng ta cố gắng kiếm nhiều tiền sau cùng để tận hưởng mọi điều mà ta mong muốn trong cả cuộc đời, như những khoảng thời gian thư thái bên người yêu thương, như thời gian chăm lo cho những mối quan tâm của riêng mình, những đam mê, những ước vọng…

Vậy đó, sự thật là vậy đó, rằng mọi điều chúng ta đang làm, chung quy đều có thể quy về một mục tiêu duy nhất: Chúng ta muốn kéo dài thời gian cho cuộc sống này lâu nhất có thể. Bây giờ bạn đã đồng tình chưa khi tôi cho rằng chúng ta đi làm, tất cả chỉ vì một mục đích đó là mua những trạng thái khác nhau của “thời gian”?

Nếu chưa xin bạn đọc tiếp câu chuyện ngắn này, hẳn không ít người đã được đọc nó:

Một buổi chiều nắng đẹp, một ngư dân ra biển câu cá. Ông ta nằm thư giãn trên bãi biển… Cần câu được cắm trên cát trắng và sợi dây câu dài vươn tít ra ngoài xa, bập bềnh với sóng xanh. Ông lim dim mắt tận hưởng nắng chiều ấm áp.
Đúng lúc đó, một vị doanh nhân đã nghỉ hưu từ đằng xa đi tới. Ông ta cũng đang đi kiếm một chỗ tốt để ngồi câu cá. Nhìn thấy lão ngư dân, ông ta lại gần cất tiếng bắt chuyện.
– Bằng cách này ông chẳng thể kiếm được nhiều cá đâu! Lẽ ra ông nên mua một tấm lưới lớn, ông sẽ bắt được nhiều cá hơn.
Người đi câu ngước nhìn lên, mỉm cười:
– Vậy ư? Tại sao tôi phải bắt được nhiều cá hơn, để làm gì nào?
– Ông sẽ có tiền. Và ông có thể mua một con tàu, sản lượng cá sẽ cao thêm nữa.
– Rồi sau đó?
– Ông sẽ có thể thuê người làm thay ông hay thậm chí xây dựng một đội tàu đánh cá lớn.
– Thế lúc đó tôi được gì? – Người đi câu lặp lại câu hỏi.
Vị doanh nhân về hưu đỏ mặt giận dữ:
– Chẳng lẽ ông không hiểu? Lúc đó, ông sẽ trở nên giàu có tới mức ông không bao giờ phải động chân động tay làm việc để kiếm sống nữa. Rồi ông có thể như tôi đây, ngồi cả ngày trên bãi biển xinh đẹp này và thưởng ngoạn cảnh hoàng hôn. Ông sẽ không còn một lo lắng nào trên đời nữa mà chỉ vui hưởng niềm vui câu cá thư giãn mà thôi.
Người câu cá vẫn mỉm cười, nhìn vị thương gia với vẻ thương hại:
– Vậy ông nghĩ tôi đang làm gì lúc này?

Một câu chuyện khá hay về cách chúng ta tận hưởng cuộc sống và sử dụng thời gian đúng không? Một người làm việc cật lực cả đời, chỉ để kiếm chút thời gian nhàn nhã lúc tuổi già, một người khác tận hưởng từng giây phút trong cuộc sống mà người kia phải phấn đấu cả đời, chỉ vì ông ta biết cách.

“Người nào dám lãng phí một giờ đồng hồ thì người đó hãy còn chưa phát hiện ra giá trị của cuộc sống.” – Charles Darwin

Ta biết thời gian là quý vậy đó, hơn cả vàng bạc nữa. Nhưng chúng ta đang đối xử với thời gian của mình như thế nào? Cô bạn mới tag tôi vào hình chụp một trang sách, đại ý thế này: Nếu mỗi ngày bạn để 3 giờ trôi qua lãng phí, hãy nhân nó lên 1 năm, bạn đã lãng phí 1095 giờ. Giả sử tính từ lúc này về sau, bạn còn 50 năm nữa để sống, tổng số giờ lãng phí của bạn là 54.750 giờ, tương đương với 2.281 ngày hay 6,25 năm. Gần 1/10 cuộc đời bạn trôi trong vô nghĩa, đấy là coi như thời gian ngủ vẫn tính là thời gian sử dụng nhé. Một con số khủng khiếp đáng giật mình đúng không?

Bạn không nghĩ mỗi ngày mình lãng phí tới 3 giờ? Vậy thì hãy xem xét lại, mỗi lần bạn lang thang hết trang tin này tới trang tin khác, đọc đi đọc lại cùng một nội dung ở các trang khác nhau, tiêu đề khác nhau, mất bao nhiêu thời gian? Mỗi khi ai đó trễ hẹn bắt bạn leo cây, bạn ngồi đó không làm được gì, hoặc may mắn có cái điện thoại, lướt new feed lướt đi lướt lại, thậm chí cáu gắt vì mọi người không viết status đủ nhanh cho bạn lướt, thời gian đó có bị coi là lãng phí?

Bạn chơi game, như nông trại chẳng hạn, bạn phải chăm và thu hoạch nó mỗi ngày, nghe bạn tôi nói mất cả mấy chục phút để lo cho cái trang trại ảo đâu ra đấy. Điều đó có coi là thời gian vô nghĩa? Rồi thậm chí những giấc ngủ nướng triền miên khi bạn đã ngủ dư 8 tiếng/ngày, đó cũng là một sự lãng phí. Nếu bình thường bạn thức dậy lúc 8 giờ, hãy thử một ngày thức dậy từ 6 giờ, và xem bạn có thể làm được những gì trong thời gian đó, tập thể dục, phụ mẹ chuẩn bị đồ ăn sáng, đọc một vài chương sách… Rất rất nhiều việc bạn có thể làm bạn biết không?

“Tiền bạc và thời gian là những gánh nặng ghê gớm nhất của cuộc đời… và những kẻ bất hạnh nhất là những người sở hữu chúng nhiều hơn mình có thể sử dụng.” – Samuel Johnson

Tôi biết nhiều người khá bận rộn, họ ao ước có được chút thời gian rảnh để làm những việc bạn cho là rất tầm thường trong cuộc sống: Ngồi lặng lẽ một góc quán cafe yên tĩnh đọc cho hết một cuốn sách, đưa đón con đi học, nấu cho gia đình nhỏ một bữa ăn tử tế, tụ tập những người bạn lâu năm không gặp, thăm một ông bác bị bệnh đã lâu, bước vào một spa để được người khác chăm sóc… Những việc rất bình thường, nhưng đối với người bận rộn, họ cũng khó lòng làm được.

Còn chúng ta, những con người rảnh rỗi, lúc nào cũng thấy có quá nhiều thời gian không biết làm gì. Chúng ta nhìn người bận rộn với ánh mắt thèm muốn. Hãy thừa nhận đi, đã bao giờ, hay ít nhất một lần, bạn quá rảnh rỗi và bạn ước mình được bận rộn như một người nào đó? Hơn cả khoe tiền khoe sắc, khoe sự bận rộn là điều khiến cho rất nhiều người thèm muốn, nhất là trên cái xã hội người ta chỉ có thời gian để lướt newfeed, check like mỗi giây mỗi phút chứ không có đủ thời gian để làm bất cứ gì khác.

Giữ cho mình bận rộn, đó cũng chính là cách bạn tận dụng thời gian và cảm thấy mỗi ngày trôi qua đều thật ý nghĩa và đáng sống. “Nhàn cư vi bất thiện” là một câu nói rất hay và đúng, khi rãnh rỗi chúng ta có xu hướng suy nghĩ những việc linh tinh vặt vãnh và dễ dàng làm những việc xàm xí vô bổ. Trộm cắp cướp giật chủ yếu đến từ những người người lao động, quá rãnh rỗi, không muốn làm việc mà chỉ muốn ngồi ăn rồi làm hại người khác. Tin tức giật gân với những tiêu đề đập vào mắt cũng bắt nguồn từ việc người ta thích thông tin nhanh hơn, dễ đọc nhưng không cần tìm hiểu.

Chúng ta sống lướt trên đời tưởng đâu để tiết kiệm thời gian nhưng kỳ thực là đang lãng phí thời gian một cách khủng khiếp. Mọi thứ trong xã hội đều là mì ăn liền, những bữa ăn ăn liền, những trang tin tức ăn liền, những sản phẩm công nghệ ăn liền, những bộ phim ăn liền cho tới những cuốn sách ăn liền. Tất cả đều do quan niệm sai lầm của chúng ta về thời gian, điều đó làm rối tung mọi thứ. Làm cho chúng ta sống bằng một trái tim vội vã cuống cuồng không kịp cảm nhận bất cứ điều gì nữa. Mà một trái tim khi không cảm nhận được những thứ xung quanh, thì có khác gì những con robot đâu cơ chứ.

“Tính cách là kết quả của hai thứ: Thái độ tinh thần và cách chúng ta sử dụng thời gian. – Elbert Hubbard

Có một số học thuyết để phân biệt và đoán định tương lai một con người. Một trong số đó, là chỉ cho chúng ta cách đánh giá người khác, khi họ rãnh rỗi. Nói một cách dễ hiểu hơn, bạn sẽ hiểu một người, khi anh ta rảnh rỗi, chứ không phải lúc anh ta bận rộn. Hãy lắng nghe những câu chuyện người ta nói khi rãnh rỗi, hãy nhìn những hành động người ta làm khi rãnh rỗi, bạn sẽ hiểu về ai đó thêm rất nhiều.

Một ông chồng khi rảnh thì giúp vợ việc nhà, tìm cách tăng thu nhập cho gia đình, chơi với con dạy con học hay chỉ suốt ngày đàn đúm nhậu nhẹt bên đám bạn chén chú chén anh. Một cô gái khi rảnh thì đọc sách, đi làm thêm, học thêm ngoại ngữ hay chỉ quần áo, trang điểm, shopping… Tất cả những điều này, quả thực cho bạn cái nhìn đáng giá hơn rất nhiều cách mà người ta thể hiện cho bạn thấy qua mạng xã hội, bản đã bao giờ thử đánh giá chưa? Nếu chưa thì thôi, cũng không cần thử làm gì. Vì bạn sẽ thất vọng đấy, khi biết phần lớn chúng ta làm gì lúc rảnh rỗi.

Đọc sách ư? Chẳng ai cả. Làm từ thiện hay giúp một ai đó sao? Mơ đi. Giúp đỡ cha mẹ việc nhà? Làm gì có. Trồng một cái cây, chăm một con vật? Thôi quên đi. Học hỏi, tìm tòi kiến thức? Ở đâu ra vậy. Nghiên cứu sáng tạo một thứ gì đó mới mẻ có ích cho cuộc sống? Thôi đủ rồi, bạn sẽ không tìm thấy điều gì tương tự thế trên mạng xã hội đâu. Vì mạng xã hội là nơi người ta khoe lối sống mì ăn liền, khoe những thứ bám ngoài da, khoe những hành động thực tại hào nhoáng. Đừng thất vọng, điều đó là quá bình thường rồi.

“Hãy có thời gian cho cả công việc và hưởng thụ. Khiến mỗi ngày vừa hữu ích vừa thoải mái, và chứng tỏ rằng bạn hiểu giá trị của thời gian bằng cách sử dụng nó thật tốt. Và rồi tuổi trẻ sẽ tươi vui, và tuổi già không có nhiều hối tiếc, và cuộc đời sẽ là một thành công tươi đẹp.” – Louisa May Alcott

Tôi đã từng sống một cuộc sống nhàn tênh buồn chán, cả ngày loay hoay hết coi phim lại chat chit, lại coi phim, ăn uống rồi ngủ. Đó là những tháng ngày nhàn nhã nhất, nhưng cũng là chuỗi ngày buồn chán và vô nghĩa nhất trong cuộc đời. Và giờ đây, cũng cùng một công việc nhưng tôi biết cách làm cho mình bận rộn, luôn bận rộn tới mức cảm thấy bao nhiêu thời gian cũng không đủ làm cho hết việc. Tôi tự tạo việc cho chính mình. Một ngày của tôi bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc lúc 12 giờ, công việc không có gì nặng nhọc nhưng luôn tay luôn chân.

Điều đó thật sự khiến tôi hạnh phúc, hạnh phúc ngập tràn. Không còn cảm thấy buồn chán, không còn cảm thấy lãng phí thời gian, không còn than thở, không còn bận tâm những chuyện râu ria xung quanh cuộc sống. Chỉ tập trung làm tốt công việc của mình và tôi hài lòng với nó. Khi bận rộn, ta quý trọng thời gian hơn, biết yêu những giây phút rảnh rỗi hiếm có và thực sự đắm mình tận hưởng từng giây phút trên đời.

Điều đó quả thực rất tuyệt vời. Bạn có thể thấy tôi online cả ngày trên facebook nhưng bạn không biết tôi có thể làm bao nhiêu việc trong thời gian đó. Tôi đọc sách, tôi tìm hiểu thông tin, tôi làm việc kinh doanh của mình, tôi viết, và giờ thêm việc viết thư tay, học tiếng Anh và nói chuyện với mọi người nữa. Tôi thực sự rất bận rộn. Bận tới không ngó qua một lần các trang tin tức tôi từng mê mẩn, bận tới không thèm xem bộ phim yêu thích, bận tới cả ngày không lướt new-feed một lần.

Bận là thế nhưng tôi luôn sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi hay giúp đỡ một ai đó, sẵn sàng đóng cửa tạm nghỉ việc buôn bán để gặp một cậu bạn hay về nhà thăm ba mẹ, hay thậm chí nghỉ một vài ba hôm đi du lịch đây đó… Cũng hơi khó hiểu, vì nói tôi bận cũng đúng mà nói tôi rảnh rỗi cũng chẳng sai tí nào. Nhưng đại loại là tôi có toàn quyền kiếm soát thời gian và sự bận rộn của mình. Đó là một niềm hạnh phúc lớn lao. Và bạn cũng hoàn toàn có thể làm được điều đó như tôi.

Nếu bạn cũng muốn hạnh phúc, muốn mỗi ngày qua đi đều cảm thấy hài lòng mãn nguyện, hãy tự tạo việc cho bản thân và cố gắng duy trì sự bận rộn của mình. Chỉ cần thời gian trôi qua bạn cảm thấy nó không vô nghĩa, không phí hoài là bạn đã thành công và hạnh phúc hơn rất nhiều người rồi đó.

Bổ sung cho bạn một vài hoạt động/công việc có thể “tạo sự bận rộn một cách hoàn hảo”:

  • Đọc sách
  • Viết gì đó, kế hoạch, nhật ký, nghĩ thêm việc làm trong ngày, gì cũng được
  • Học một thứ mới: Nấu ăn, nhiếp ảnh, photoshop, nghiên cứu chủ đề bạn quan tâm…
  • Các hoạt động từ thiện, nhân đạo
  • Thể thao
  • Chăm sóc một con thú nuôi hay một cây cảnh
  • Thăm hỏi người thân trong nhà/những người bạn lâu năm không gặp/một tình yêu cũ kỹ/một ông sếp cũ mèm…
  • Viết thư tay cũng là một hoạt động có thể xem xét

Bạn hãy giúp tôi điền thêm việc vào danh sách đi…

 

Phi Tuyết

Thị trường và đạo đức (kỳ 2)

 

Phỏng vấn một doanh nhân

Do Tom G. Palmer thực hiện, John Mackey ghi.

Trong bài phỏng vấn này, ông John Mackey, doanh nhân, đồng-sáng lập viên và là đồng-giám đốc điều hành công ty Whole Foods Market, giải thích triết lý của ông về “chủ nghĩa tư bản tự giác” và chia sẻ những suy nghĩ của ông về bản chất và động cơ của con người, bản chất của kinh doanh, và sự khác nhau giữa chủ nghĩa tư bản thị trường tự do và “chủ nghĩa tư bản ô dù”.

John Mackey cùng với một người nữa lập ra công ty Whole Foods Market vào năm 1980. Ông đã và đang là người đi đầu trong việc khuyến khích ăn uống lành mạnh, đối xử tử tế với các loài và sự gắn bó của doanh nghiệp với cộng đồng. Ông còn là ủy viên lãnh đạo cơ quan nghiên cứu gọi là Conscious Capitalism Institute.

______________________________________________

Palmer: John ạ, anh là của hiếm trong thế giới kinh doanh: một doanh nhân không tỏ ra xấu hổ khi bảo vệ đạo đức của chủ nghĩa tư bản. Anh còn nổi tiếng vì đã nói rằng đối với chủ nghĩa tư bản thì tư lợi chưa phải là điều kiện đủ. Ý anh là thế nào?

Mackey: Qui mọi thứ vào tư lợi là tin vào cái lý thuyết còn khiếm khuyết về bản chất của con người. Nó nhắc tôi nhớ lại những cuộc tranh luận trong trường đại học với những người khẳng định rằng tất cả những gì ta làm đều xuất phát từ tính tư lợi, nếu không ta sẽ không làm. Đấy là quan điểm không thể bác bỏ được và cuối cùng là vô nghĩa, bởi vì ngay cả nếu ta làm những việc không liên quan đến quyền lợi của ta thì họ vẫn nói rằng đấy là quyền lợi của ta, nếu không ta sẽ không làm. Đấy là lý sự cùn.

Palmer: Anh nghĩ thế nào mà lại cho rằng những động cơ bên ngoài tư lợi lại là những động cơ quan trọng đối với chủ nghĩa tư bản?

Mackey: Tôi không thích câu hỏi này, vì người ta có những định nghĩa khác nhau về tư lợi và ta thường kết thúc câu chuyện khi nói đến đề tài này, đấy là lý do vì sao tôi nhắc đến những buổi tranh luận thuở học trò, về những thứ tư lợi. Tôi muốn nói rằng con người là phức tạp và chúng ta có nhiều động cơ, tư lợi chỉ là một, nhưng không chắc đã là duy nhất.

Chúng ta được thúc đẩy bởi nhiều thứ, đấy là những thứ chúng ta quan tâm, trong đó có tư lợi, nhưng tư lợi không phải là tất cả. Tôi nghĩ rằng bằng một số họat động của mình, phong trào tự do – có thể là do ảnh hưởng phối hợp của Ayn Rand và nhiều nhà kinh tế học khác – đã tiến gần đến sự cáo chung về mặt ý thức hệ, mà tôi cho là bất công đối với việc kinh doanh hay chủ nghĩa tư bản hoặc bản chất của con người.

Nếu suy nghĩ thì ta sẽ thấy rằng khi còn trẻ và chưa chín về tình cảm chính là lúc ta tự tư tự lợi nhất. Phần lớn trẻ con và người vị thành niên đều là những người không muốn dính líu với người khác hoặc quá chú ý đến mình. Họ hành động vì tư lợi, tất nhiên là theo cách hiểu của họ. Khi trưởng thành và lớn lên, chúng ta có nhiều khả năng cảm thông, có nhiều lòng trắc ẩn và yêu thương hơn, chúng ta có đầy đủ cung bậc tình cảm hơn. Người ta làm việc vì nhiều lý do. Người ta thường phân tách một cách sai lầm giữa tư lợi hay tính ích kỷ với tinh thần vị tha.

Theo tôi đấy là sai lầm, vì chúng ta là cả hai. Chúng ta là những người tư lợi, nhưng chúng ta không phải là những người chỉ biết có tư lợi. Chúng ta còn quan tâm tới những người khác. Chúng ta rất quan tâm đến hạnh phúc của gia đình mình. Chúng ta thường quan tâm tới cộng đồng của chúng ta và đến xã hội rộng lớn hơn mà chúng ta đang sống. Chúng ta còn quan tâm tới đời sống của các sinh vật và môi trường rộng lớn xung quanh. Chúng ta có những lý tưởng thúc đẩy chúng ta tìm cách làm cho thế giới trở thành tốt đẹp hơn. Định nghĩa một cách chính xác thì dường như chúng sẽ mâu thuẫn với tư lợi, đấy là nói nếu chúng ta không trở lại với lý sự cùn là tất cả những điều chúng ta quan tâm và ước muốn thực hiện đều là tư lợi tất.

Cho nên tôi nghĩ rằng tư lợi chưa phải là đủ. Tôi không nghĩ rằng coi tất cả các hành động đều là tư lợi là một lý thuyết hay về bản chất của con người. Tôi nghĩ rằng chủ nghĩa tư bản và việc kinh doanh phải thể hiện đầy đủ sự phức tạp của bản chất của con người. Tôi còn nghĩ rằng lý thuyết đó tạo ra những tác hại to lớn cho “mác” kinh doanh và chủ nghĩa tư bản, vì nó tạo điều kiện cho kẻ thù mô tả chủ nghĩa tư bản và kinh doanh là ích kỷ, tham lam và bóc lột. Đấy là điều làm tôi lo lắng, Tom ạ, vì chủ nghĩa tư bản và kinh doanh là lực lượng vĩ đại nhất trong việc thúc đẩy những điều tốt đẹp trên thế giới. Ít nhất là trong ba trăm vừa qua đã như thế… thế mà vẫn có người chưa thực sự tin rằng chính chúng đã tạo ra những giá trị làm người ta kinh ngạc.

Palmer: Ngòai việc theo đuổi tư lợi hay lợi nhuận, kinh doanh còn làm được gì nữa?

Mackey: Nói một cách tổng quát, doanh nghiệp thành công tạo ra giá trị. Điều thú vị nhất của chủ nghĩa tư bản là nó dựa hoàn toàn vào việc trao đổi tự nguyện để hai bên đều có lợi. Thí dụ như công ty Whole Foods Market: chúng tôi tạo ra giá trị cho những người tiêu dùng của chúng tôi thông qua những hàng hóa và dịch vụ mà chúng tôi cung cấp cho họ. Họ không bị bắt buộc phải mua bán với chúng tôi, họ làm thế vì họ thích, vì họ nghĩ rằng sẽ được lợi khi làm như thế. Nghĩa là chúng tôi tạo ra giá trị cho họ. Chúng tôi tạo ra giá trị cho những người làm việc cho chúng tôi: đấy là những thành viên trong đội ngũ của chúng tôi. Không có ai là nô lệ hết. Họ tự nguyện làm việc vì họ thích, đấy là công việc họ muốn làm, lương chấp nhận được, họ nhận được nhiều lợi ích từ công việc ở Whole Foods, cả về tâm lý lẫn tiền bạc.

Chúng tôi tạo ra giá trị cho các nhà đầu tư vì thị phần của chúng tôi đã vượt 10 tỷ dollar, mà xuất phát điểm là con số không! Nghĩa là trong hơn ba mươi năm qua chúng tôi đã tạo ra cho các nhà đầu tư giá trị là hơn 10 tỷ dollar. Không có cổ đông nào bị bắt buộc phải giữ cổ phiếu của chúng tôi. Họ làm một cách tự nguyện vì tin rằng chúng tôi tạo ra giá trị cho họ. Chúng tôi tạo ra giá trị cho những nhà cung cấp, đấy là những người buôn bán với chúng tôi. Chúng tôi quan sát họ trong nhiều năm, chúng tôi thấy việc kinh doanh của họ phát triển, thấy họ phát tài – tất cả đều diễn ra một cách tự nguyện. Họ giúp cho Whole Foods tiến bộ và chúng tôi giúp họ tiến bộ.

Palmer: Anh gọi triết lý của mình là “chủ nghĩa tư bản tự giác”. Anh định nói gì với cái tên đó?

Mackey: Chúng tôi sử dụng thuật ngữ này để tách biệt nó khỏi những nhãn hiệu từng gây ra nhiều sự rối rắm, khi chúng vón cục vào nhau, như “trách nhiệm xã hội của công ty”, hay như Bill Gates gọi là “chủ nghĩa tư bản sáng tạo” hoặc “chủ nghĩa tư bản bền vững”. Chúng tôi có một định nghĩa rõ ràng về chủ nghĩa tư bản tự giác, dựa trên bốn nguyên lý.

Nguyên lý thứ nhất, doanh nghiệp có thể có những mục tiêu cao cả, trong đó có việc kiếm tiền, nhưng không chỉ giới hạn ở việc kiếm tiền. Mỗi doanh nghiệp đều có thể có mục tiêu cao hơn. Và nếu bạn nghĩ về chuyện này thì bạn thấy rằng tất cả các nghề nghiệp trong xã hội của chúng ta đều được thúc đẩy bởi động cơ mà nếu chỉ giới hạn ở việc tối đa hóa lợi nhuận thì sẽ không thể nào giải thích nổi. Các bác sỹ là những người được trả lương cao nhất trong xã hội của chúng ta, nhưng các bác sỹ cũng có mục tiêu – chữa bệnh cứu người – đấy là đạo đức nghề nghiệp được dạy trong trường y.

Đấy không có nghĩa là nói không có bác sỹ tham lam, nhưng tôi biết là có nhiều bác sỹ thực sự quan tâm tới bệnh nhân của họ và cố gắng chữa trị cho họ khi họ ốm đau. Thày giáo cố gắng dạy người, kiến trúc sư thì thiết kế nhà, luật sư thì tìm cách thúc đẩy công lý và công bằng trong xã hội của chúng ta. Mỗi nghề đều có một mục tiêu nào đó nằm ngòai việc tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp cũng vậy. Whole Foods chuyên kinh doanh thực phẩm, cho nên chúng tôi bán những món ăn tự nhiên và hữu cơ, chất lượng cao cho người dân, giúp họ sống mạnh khỏe hơn và lâu hơn.

Palmer: Thế còn nguyên lý thứ hai?

Mackey: Nguyên lý thứ hai của chủ nghĩa tư bản tự giác là nguyên lý những người có liên quan, mà tôi đã nói bên trên, nguyên lý là bạn phải nghĩ đến những người có liên quan khác nhau. Doanh nghiệp tạo ra giá trị cho những người đó và họ cũng là những người có ảnh hưởng tới việc kinh doanh. Bạn phải nghĩ về sự phức tạp trong việc tạo ra giá trị cho tất cả những người có liên quan, tương thuộc lẫn nhau đó: người tiêu dùng, người lao động, nhà cung cấp, nhà đầu tư và cộng đồng.

Nguyên lý thứ ba là doanh nghiệp phải có những người lãnh đạo có đạo đức và những người này phải coi mục đích của doanh nghiệp là số một. Họ sẽ cố gắng thực hiện mục tiêu này và cố gắng tuân theo nguyên lý những người có liên quan. Như vậy là họ phải thúc đẩy những cuộc thảo luận về kinh doanh.

Và nguyên lý thứ tư là bạn phải tạo ra nền văn hóa cổ vũ cho mục tiêu, người liên quan và ban lãnh đạo sao cho chúng hài hòa với nhau.

Palmer: Liệu những nguyên lý này có phải là động cơ thúc đẩy bạn mỗi sáng? Bạn nói: “Ta sẽ kiếm thêm mấy dollar nữa” hay sẽ nói: “Ta sẽ trung thành với những nguyên lý căn bản của mình”?

Mackey: Tôi ngờ rằng về mặt này thì tôi là người hơi lập dị, bởi vì đã gần năm năm nay tôi không nhận một đồng lương nào của Whole Foods. Thưởng cũng không. Lợi tức từ cổ phần mà tôi được hưởng đều được chuyển cho quỹ gọi là The Whole Planet Foundation để tạo ra những khỏan vay nhỏ dành cho người nghèo trên khắp thế giới. Tôi được mục tiêu của Whole Foods khuyến khích là chính, chứ không phải là tôi có thể kiếm được bao nhiêu tiền từ việc kinh doanh, hiểu theo nghĩa là bù đắp cho công sức bỏ ra. Tôi nghĩ là cá nhân mình đã có quá nhiều của cải từ cổ phần của công ty mà tôi đang nắm giữ tại công ty rồi.

Palmer: Một lần nữa, xin hỏi, anh định nghĩa mục tiêu này như thế nào?

Mackey: Mục tiêu của Whole Foods là.. vâng, nếu chúng ta có nhiều thời gian hơn, chúng ta có thể nói hơi dài một chút về mục tiêu cao hơn của Whole Foods. Tôi mới nói chuyện với nhóm lãnh đạo của chúng tôi cách đây hai tuần. Điều tôi có thể nói trong ít phút là công ty chúng tôi được xây dựng xung quanh bảy giá trị cốt lõi. Giá trị cốt lõi thứ nhất là làm cho khách hàng thỏa mãn và thích thú. Giá trị cốt lõi thứ hai là hạnh phúc và sự vượt trội của đội ngũ nhân viên. (Nhân tiện nói thêm rằng tất cả những chuyện này đều có trên website của chúng tôi, chúng tôi công khai hết). Giá trị cốt lõi thứ ba của chúng tôi là tạo ra của cải thông qua lợi nhuận và phát triển.

Giá trị cốt lõi thứ tư là trở thành những công dân tốt trong những cộng đồng nơi bạn đang kinh doanh. Giá trị cốt lõi thứ năm là cố gắng kinh doanh mà không làm tổn hại đến môi trường. Giá trị cốt lõi thứ sáu là chúng tôi coi các nhà cung cấp là đối tác của mình và cố gắng tạo lập quan hệ hai bên cùng thắng (win-win) với họ. Và giá trị cốt lõi thứ bảy là chúng tôi muốn dạy cho tất cả những người có liên quan về một lối sống mạnh khỏe và ăn uống có lợi cho sức khỏe. Cho nên mục tiêu cao hơn của chúng tôi xuất phát trực tiếp từ những giá trị cốt lõi đó. Đấy là: cố gắng chữa nước Mĩ, dân tộc ta là dân tộc béo phì và ốm yếu, chúng ta ăn những món ăn khủng khiếp, chúng ta chết vì bệnh tim mạch, ung thư và đái tháo đường. Đấy là những bệnh tật do cách sống mà ra – đấy là những căn bệnh có thể tránh được hay chữa được, cho nên đấy là một trong những mục tiêu cao cả hơn của chúng tôi.

Mục tiêu cao hơn tiếp theo của chúng tôi liên quan tới hệ thống sản xuất nông nghiệp của chúng ta, chúng tôi cố gắng làm cho trở thành hệ thống sản xuất nông nghiệp bền vững hơn, hệ thống như thế cũng có năng suất cao hơn.

Mục tiêu thứ ba liên quan tới quỹ gọi là Whole Planet Foundation, cộng tác với tổ chức tín dụng có tên là Grameen Trust và những tổ chức tín dụng nhỏ khác [Ghi chú của biên tập viên: Ngân hàng Grameen Bank và quỹ tín dụng Grameen Trust thúc đẩy những khỏan tín dụng nhỏ, nhất là cho phụ nữ, một cách dẫn đến sự phát triển] nhằm giúp xóa đói nghèo trên tòan thế giới. Chúng tôi hiện có mặt tại 34 nước, hai năm nữa sẽ có mặt tại 56 nước – điều này đã có tác cộng tích cực đối với hàng trăm ngàn người. Mục tiêu thứ tư của chúng tôi là truyền bá chủ nghĩa tư bản tư giác.

Palmer: Anh đã nói về mục tiêu của doanh nghiệp, thế… tại sao lại phải có lãi? Kinh doanh không phải là công việc nhằm tối đa hóa lợi nhuận hay sao? Anh không thể làm tất cả những chuyện đó mà không cần lợi nhuận hay sao? Anh chỉ cần kiếm đủ tiền để bù đắp chi phí cũng được chứ sao?

Mackey: Câu trả lời là như thế thì anh sẽ không hiệu quả lắm, vì nếu anh chỉ kiếm đủ tiền bù đắt chi phí thì ảnh hưởng của anh sẽ rất hạn chế. Hiện nay công ty Whole Foods có nhiều ảnh hưởng hơn cách đây hai mươi, ba mươi, mười lăm năm hay mười năm trước đây. Vì chúng tôi có lợi nhuận cao, vì chúng tôi có thể phát triển và thực hiện những mục tiêu của mình ngày một tốt hơn, chúng tôi có thể tiếp cận và giúp hàng triệu người thay vì chỉ giúp được mấy ngàn người. Cho nên tôi nghĩ là lợi nhuận là tối cần thiết cho việc thực hiện mục tiêu của chúng tôi. Còn nữa, tạo ra lợi nhuận cũng có nghĩa là cung cấp nguồn vốn mà thế giới đang cần để có thể cải tiến và tiến bộ – không có lợi nhuận thì cũng không có tiến bộ. Chúng là những hiện tượng tương thuộc lẫn nhau.

Palmer: Nhưng lợi nhuận lại chui vào túi cổ đông của anh, thế thì lợi nhuận có thực hiện được sứ mệnh của nó hay không?

Mackey: Đương nhiên là phần lớn lợi nhuận không chui vào túi cổ đông rồi. Chỉ mấy phần trăm cổ tức mà chúng tôi trả là chui vào túi họ thôi. Hơn chín mươi phần trăm tiền kiếm được được tái đầu tư vào việc phát triển doanh nghiệp. Nói chính xác thì phải trả cổ tức cả một trăm phần trăm lợi tức thì mới đúng, nhưng ngòai REIT (Real Estate Investment Trust) ra thì tôi không thấy doanh nghiệp nào làm như thế hết. Mọi người khác đều tái đầu tư.

Hơn nữa, lợi nhuận dành cho cổ đông khuyến khích họ đầu tư vào doanh nghiệp, không có những khoản đầu tư như thế thì bạn sẽ không có vốn để thực hiện những mục tiêu cao cả hơn. Khả năng tăng vốn của công ty chứng tỏ rằng bạn có thể tạo được giá trị và tiêu chuẩn đo lường điều đó là giá cổ phiếu của bạn. Đấy là điều tôi muốn nói khi bảo rằng chúng tôi đã tạo được giá trị là hơn 10 tỷ dollar trong hơn ba mươi năm qua.

Palmer: Đôi khi người ta nói rằng thị trường tự do tạo ra bất bình đẳng. Anh nghĩ sao về lời khẳng định này?

Mackey: Tôi nghĩ là không đúng. Nghèo đói cùng cực đã và đang là điều kiện sống của đa số người trong suốt chiều dài của lịch sử. Người ta đều nghèo và chết non cả. Hai trăm năm trước 85% dân chúng sống trên trái đất này chỉ sống với chưa đến một dollar mỗi ngày – 85%! Hiện nay con số này là 20% và đến cuối thế kỷ này thì sẽ là không phần trăm nào. Cho nên đây là thủy triều lên. Thế giới đang giàu lên. Dân chúng đang thoát nghèo. Nhân loại đang tiến bộ. Văn hóa đang phát triển. Trí thức đang phát triển.

Chúng ta đang tiến lên theo đường xoáy trôn ốc, đấy là nói nếu chúng ta không tìm cách tiêu diệt chính mình, đấy dĩ nhiên là một mối nguy vì người ta đôi khi còn thích cả chiến tranh nữa. Nhân tiện, xin nói rằng đấy là một trong những lý do vì sao chúng ta phải khuyến khích kinh doanh, tinh thần dám nghĩ dám làm và làm ra của cải, như là lối thoát lành mạnh cho năng lượng của con người, thay cho chủ nghĩa quân phiệt, xung đột chính trị và phá hoại tài sản. Nhưng đây là một đề tài lớn khác.

Thế thì nó có làm gia tăng bất bình đẳng không? Tôi cho rằng chủ nghĩa tư bản không làm gia tăng bất bình đẳng nhiều vì nó giúp người ta ngày càng thịnh vượng thêm, và không phải đương nhiên là mọi người cùng giàu lên với tốc độ như nhau, nhưng cuối cùng thì mọi người đều giàu lên sau một thời gian nào đó. Và chúng ta đã thấy điều đó, nhất là trong hai mươi năm gần đây chúng ta đã thấy hàng trăm triệu người Trung Quốc và Ấn Độ thoát nghèo vì họ đã chấp nhận nhiều chủ nghĩa tư bản hơn.

Thực tế là một số người thoát nghèo và thịnh vượng sớm hơn một số người khác. Nhưng điều đó không phải là nguyên nhân của đói nghèo – nó xóa nạn nghèo đói. Nó cũng không tạo ta bất bình đẳng theo cách mà nhiều người nghĩ về thuật ngữ này. Trong suốt chiều dài của lịch sử, tổ chức nào của xã hội cũng đều có bất bình đẳng cả. Ngay cả chủ nghĩa cộng sản, với tham vọng là tạo ra xã hội bình đẳng về quyền sở hữu, mà xã hội còn rất phân tầng và có tầng lớp tinh hoa nhiều đặc quyền đặc lợi. Cho nên tôi nghĩ không nên trách cứ chủ nghĩa tư bản về hiện tượng bất bình đẳng. Chủ nghĩa tư bản tạo điều kiện cho người ta thoát nghèo và ngày càng thịnh vượng thêm, ngày càng khỏe mạnh hơn, thế là tốt lắm rồi. Đấy là đề tài mà chúng ta phải tập trung vào.

Có một cách biệt lớn giữa những nước chấp nhận chủ nghĩa tư bản thị trường tự do và trở thành giàu có và những nước không chấp nhận và vẫn nghèo. Vấn đề không phải là một số nước trở thành giàu mà vấn đề là những nước khác vẫn còn nghèo.

Palmer: Anh phân biệt chủ nghĩa tư bản thị trường tự do với những hệ thống, trong đó người ta cũng kinh doanh và kiếm lời nhưng lại thường được gọi là “chủ nghĩa tư bản ô dù”. Sự khác nhau giữa quan điểm đạo đức của anh với những hiện tượng đang tồn tại tại nhiều nước trên thế giới là gì?

Mackey: Chúng ta phải có chế độ pháp quyền. Người dân phải có những bộ luật áp dụng một cách bình đẳng cho tất cả mọi người, và hệ thống công lý phải coi nó là mục tiêu trước mắt. Chúng ta cần phải coi mọi người bình đẳng trước pháp luật là mục tiêu quan trọng nhất – không ưu tiên cho người này hay người kia. Cho nên hiện tượng đang xảy ra tại nhiều nước và tôi cho là cũng đang xảy ra thường xuyên hơn ở Mĩ, đấy là có sự thiên vị đặc biệt đối với những người có dây mơ rễ má với bộ máy chính trị.

Thế là sai. Thế là không tốt. Đến mức là xã hội nào cũng bị nạn chủ nghĩa tư bản ô dù, bạn không còn được sống trong xã hội thị trường tự do nữa và bạn không tận dụng được sự phồn vinh, làm cho nhiều người không được thịnh vượng theo đúng khả năng của họ, đấy là nói trong trường hợp xã hội thị trường tự do đúng nghĩa, và chế độ pháp quyền nâng đỡ cho nó.

Palmer: Xin quay trở lại với Hoa Kỳ là đất nước mà chúng ta đang sống. Anh có nghĩ rằng ở Mĩ cũng có nạn ô dù không?

Mackey: Tất cả những khoản tài trợ cho “công nghệ xanh” theo tôi đều là chủ nghĩa tư bản ô dù cả, thí dụ thế. Người ta tài trợ cho một số doanh nghiệp, và cuối cùng thì, vì nhà nước làm gì có tiền, họ lấy tiền của người đóng thuế và phân phối cho những người được bộ máy chính trị ưu ái. Tôi coi trường hợp công ty General Electric, với những khoản thuế khóa mà họ trả hiện nay cũng là ô dù; họ được ghi vào luật những khoản miễn giảm thuế. Và vì họ dính líu sâu vào những kiểu công nghệ năng lượng thay thế như vậy cho nên sẽ đến lúc họ không phải trả thuế cho phần lớn các khoản thu nhập của họ chỉ đơn giản là vì họ có những mối liên kết chính trị. Nó làm tôi bực mình. Tôi nghĩ đấy là những điều không tốt.

Palmer: Anh có nghĩ là trái đạo đức không?

Mackey: Có, tôi nghĩ thế. Trái đạo đức… tôi gọi là trái đạo đức. Nhưng bạn sẽ phải định nghĩa trái đạo đức nghĩa là gì. Chắc chắn là nó trái với quan niệm đạo đức của tôi và trái với cảm nhận của tôi về đúng sai. Còn nó có trái với quan niệm đạo đức của người khác hay không thì khó nói. Chắc chắn là tôi không thích chuyện đó. Tôi phản đối chuyện đó. Nó không tương thích với quan niệm của tôi về cách thức cai trị xã hội. Những hiện tượng như thế không thể diễn ra trong thế giới có chế độ pháp quyền mạnh mẽ.

Palmer: Anh thấy ai là người được lợi nhất từ chủ nghĩa tư bản thị trường tự do mà anh đi theo?

Mackey: Mọi người! Mọi người trong xã hội đều được lợi. Đấy là chế độ đã đưa rất nhiều người ra khỏi cảnh đói nghèo. Đấy là chế độ đã làm cho đất nước này trở thành giàu có. Chúng ta vốn là những người nghèo rớt mồng tơi. Mĩ là đất nước của cơ hội, nhưng lúc đó không phải là nước giàu. Thậm chí nước Mĩ chắc chắn không phải là hoàn hảo, nước này được hưởng thị trường tự do nhất thế giới trong suốt hai trăm năm, và kết quả là chúng ta đã từ rất nghèo thành thịnh vượng, đích xác là một nước giàu.

Palmer: Trong tác phẩm Chân giá trị của giai cấp tư sản (Bourgeoise Dignity), bà Deirdre McCloskey khẳng định rằng chính những thay đổi trong cách nghĩ của người dân về chuyện kinh doanh và sáng kiến trong làm ăn đã làm cho thịnh vượng trở thành khả thi đối với quần chúng bình thường. Anh có nghĩ là chúng ta có thể phục hồi lại sự tôn trọng đối doanh nghiệp tạo ra tài sản hay không?

Mackey: Tôi nghĩ là có thể, bởi vì tôi đã chứng kiến những chuyện xảy ra sau khi Ronald Reagan được bầu. Trong những năm 1970 nước Mĩ rơi vào suy thoái, không có gì nghi ngờ chuyện này hết; xin hãy xem nạn lạm phát, lãi suất ngân hàng, GDP, tần số những vụ suy thoái kinh tế, suy thoái đình đốn cho thấy khiếm khuyết nghiêm trọng của học thuyết Keynes, và đúng lúc đó, chúng ta có một nhà lãnh đạo mới, ông này tiến hành giảm thuế và cởi trói cho nhiều ngành công nghiệp bằng cách bãi bỏ một số quy định và nước Mĩ đã phục hưng, đã hồi sinh, và điều đó đã dẫn dắt chúng ta suốt ba nhăm năm qua.

Đơn giản là chúng ta đã đi theo đường xoáy trôn ốc của sự phát triển và tiến bộ. Đáng tiếc là gần đây chúng ta lại giật lùi, ít nhất cũng lùi mất vài bước. Trước hết dưới thời… vâng, tôi có thể phê phán từng vị tổng thống và chính trị gia, và Reagan cũng không phải là tuyệt vời theo bất cứ khía cạnh nào, nhưng gần đây ông Bush đã đẩy nhanh tốc độ thụt lùi, còn Obama thì còn làm nhanh đến nỗi không vị tổng thống nào trước đó có thể làm được như thế.

Nhưng, anh biết đấy, tôi là doanh nhân, cho nên tôi là người lạc quan. Tôi thực sự nghĩ là có thể đảo ngược được xu hướng này. Tôi không nghĩ là chúng ta đang trong quá trình đi xuống không thể đảo ngược được, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta phải tạo ra được một số thay đổi quan trọng trong thời gian sớm nhất. Chúng ta đang phá sản, đấy là một. Nếu chúng ta không giải quyết vấn đề này một cách thực sự và giải quyết nó mà không tăng thuế và bóp nghẹt việc làm ăn của Mĩ, nếu chúng ta không giải quyết chuyện đó thì tôi nghĩ suy thoái là không thể tránh được. Nhưng hiện nay tôi vẫn hi vọng!

Palmer: Anh nghĩ rằng chủ nghĩa tư bản tạo ra sự phục tùng hay là nó tạo ra không gian cho sự đa dạng? Tôi đang suy nghĩ về những người thích đồ ăn chế biến theo luật Do Thái hay đồ ăn của người Hồi giáo hoặc những nền văn hóa hoặc thói quen tình dục của những nhóm thiểu số…

Mackey: Bằng cách liệt kê những vấn đề đó là anh đã gần như trả lời được câu hỏi rồi. Rút cục thì chủ nghĩa tư bản chính là người dân hợp tác với nhau để tạo ra giá trị cho những người khác cũng như cho chính mình. Đấy là chủ nghĩa tư bản. Đấy dĩ nhiên cũng là tính tư lợi nữa. Cái chính là có khả năng tạo ra giá trị thông qua hợp tác và làm như thế cho cả mình lẫn tha nhân. Và nó tạo ra những nỗ lực rất khác nhau vì người ta rất khác nhau cả về nhu cầu lẫn ước muốn.

Như vậy là, nó tạo ra không gian rộng lớn cho cá tính. Nếu anh sống trong xã hội độc tài, một nhóm lợi ích nào đó – đấy có thể là giới tăng lữ hay các giáo sư ở trường đại học hoặc nhóm những kẻ cuồng tín, những người tin rằng họ biết điều gì là tốt cho tất cả mọi người – có thể áp đặt giá trị của họ cho tất cả những người khác. Họ có quyền ra lệnh cho người khác. Trong xã hội tư bản bạn có nhiều không gian cho cá nhân mình hơn. Ở đây có không gian cho hàng tỷ đóa hoa kheo sắc, đơn giản là vì sự thịnh vượng của con người là mục đích của chủ nghĩa tư bản, là tác phẩm vĩ đại nhất của nó.

Palmer: Xin cho biết quan niệm của anh về một tương lai công bằng, năng động và thịnh vượng?

Mackey: Điều tôi muốn thấy trước hết là những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản bắt đầu hiểu rằng chiến lược mà họ đã và đang sử dụng thực ra là có lợi cho đối thủ của họ. Họ thừa nhận vai trò quan trọng của nền tảng đạo đức và họ để cho kẻ thù của chủ nghĩa tư bản mô tả nó như là hệ thống bóc lột, tham lam, ích kỷ, hệ thống tạo ra bất bình đẳng, bóc lột công nhân, lừa dối người tiêu dùng và phá hoại môi trường sống, gậm nhấn dần các cộng đồng.

Những người biện hộ cho chủ nghĩa tư bản không biết trả lời như thế nào vì họ đã công nhận lý do chủ yếu cho sự phê phán của chủ nghĩa cộng sản rồi. Họ cần phải thoát ra khỏi nỗi ám ảnh về tư lợi và bắt đầu nhìn thấy những giá trị mà chủ nghĩa tư bản tạo ra không chỉ cho các nhà đầu tư – mặc dù dĩ nhiên là như thế rồi, mà còn tạo ra giá trị cho tất cả những người tham gia mua bán với doanh nghiệp: tạo ra giá trị cho người tiêu dùng, cho công nhân, cho nhà cung cấp, cho toàn thể xã hội, nó tạo ra cả giá trị cho chính phủ nữa. Ý tôi là chính phủ sẽ ra sao nếu không có khu vực kinh tế mạnh, tức là khu vực tạo ra công ăn việc làm và của cải để chính phủ đánh thuế?

Chủ nghĩa tư bản là nguồn gốc của giá trị. Đấy là bộ máy hợp tác lạ lùng nhất mà ta thấy trên đời. Và đấy là câu chuyện mà chúng ta cần truyền bá. Chúng ta phải thay đổi cách trình bày. Từ quan điểm đạo đức, chúng ta phải thay đổi câu chuyện về chủ nghĩa tư bản để chỉ cho người ta thấy rằng nó tạo ra giá trị, không phải chỉ cho một vài người mà là cho tất cả mọi người. Nếu người ta có thể nhìn chủ nghĩa tư bản dưới góc độ của tôi thì người ta sẽ yêu chủ nghĩa tư bản như tôi yêu vậy.

Palmer: Cám ơn anh đã dành thời gian.

Mackey: Nói chuyện với anh tôi cũng thấy rất vui, Tom ạ.

 

Phạm Nguyên Trường Dịch
Nguồn: The Morality of Capitalism Introduction

Do Tom G. Palmer thực hiện, John Mackey ghi

Tôi đi học

Featured Image: Ngo Quang Minh

 

Tôi sắp không còn được đi học. Có lẽ vì thế ngày mai đối với tôi có chút muốn níu kéo. 4 năm trước khi quay trở về trường cấp 3 thấy thân thương biết mấy. Mọi thứ vẫn vậy, chỉ là mình đi xa một chút mà thôi. 3 năm rồi 2 năm, tôi dần quên đi cái cảm giác khi còn là học sinh. Có nhiều thứ có thể bạn vẫn nhớ rất rõ nhưng không tài nào hình dung được cái cảm giác lúc đó. Nó như kiểu một người nhìn thấy hết mọi việc mà không thể cất lời để nói ra vậy. Rất khó chịu. Thế nhưng có một vài điều tôi vẫn còn nhớ…

Khai giảng trong tôi là ngày mà phố phường tràn ngập cờ, hoa. Từ các xe đạp bán rong cho đến cửa hàng văn phòng phẩm gần trường, đâu đâu cũng bán những lá cờ Tổ quốc nhỏ xíu mà rực rỡ và là niềm mơ ước của các bé trai trong khi đó tụi con gái bọn tôi lại thích những bông hoa giấy xanh, đỏ, tím, vàng xinh xắn.

Khai giảng trong tôi là những đêm hồi hộp mất ngủ. Không giống như các bạn khác, bố tôi từ bé đến lớn đều không cho tôi đi học hè, học thêm. Ngày khai giảng của tôi có lẽ vì vậy mà ý nghĩa hơn. Mấy ngày trước khai giảng tất bật chuẩn bị biết bao là thứ. Nào là đồ dùng học tập. Bút chì, bút mực, tẩy, thước kẻ, compa, thước đo độ, ê ke, tất cả sẽ được sắp xếp đầy đủ vào hộp bút mới tinh. Tôi thường đi mua những đồ ấy với mẹ. Cảm giác được chọn các món đồ, có một chút phân vân vì nó hơi đắt nhưng mẹ vẫn đồng ý mua cho thật tuyệt vời.

Rồi tập, sách giáo khoa đều được dán nhãn và bọc giấy bóng cẩn thận. Tôi chẳng bao giờ tự viết nhãn vở, không phải vì lười mà vì tôi thích được người khác viết cho. Trong cuộc đời đi học, có ba người viết nhãn vở cho tôi đó là bố, mẹ và o tôi (quê tôi gọi em của bố là o). Tôi thích nhất là được o viết nhãn vở cho vì o là giáo viên tiểu học, chữ o rất rất đẹp. Cứ mỗi dịp gần năm học o mà lên chơi là thể nào tôi cũng bắt o viết nhãn vở cho bằng được. Những cuốn tập với trường, lớp, tên, môn, niên học được viết đẹp đẽ làm tôi sung sướng vô cùng. Cái cảm giác ấy lên đến tận cấp 2 vẫn còn.

Khai giảng trong tôi là những cảm xúc chưa bao giờ được nói ra. Có hân hoan khi gặp bạn bè, có luyến tiếc khi phải tạm biệt mùa hè. Có háo hức đón chờ những điều mới mẻ và cũng có cả suy tư khi những năm cuối cấp đến rất gần. Và rồi tất cả vẫn trôi qua mặc cho tôi có cảm thấy thế nào. Không biết bao lâu nữa thì tôi sẽ quên đi cảm giác là một sinh viên ngồi trên giảng đường đại học nhưng tôi nhớ rất rõ khoảnh khắc năm nhất, vào tiết học đầu tiên, bước trên hành lang đến giảng đường, tôi đã nghĩ: “Mình thực sự đã là sinh viên chứ không còn là học sinh nhưng sao không thấy khác gì?”

Bao lâu nữa thì tôi sẽ lại tự hỏi sinh viên khác gì với những người đi làm ngoài kia rồi chợt nhận ra tôi đã đi làm, đã quên đi phân nửa những ký ức thời còn tung hoành dọc ngang, vô lo vô nghĩ cùng đám anh em chiến hữu? Không cầu thời gian có thể ngừng trôi, tôi chỉ cầu trí nhớ tốt một chút để những ký ức đẹp mãi hiện hữu trong cuộc sống của mình. Bởi thế, ngày mai, tôi đi học…

 

Phong Linh

Ai cho Hào Anh… lương thiện?

Featured Image: Thaiz Heringer

 

Mấy hôm nay, thông tin cậu bé Hào Anh (một thời bị hành hạ dã man) ngược đãi mẹ và cha dượng tràn ngập các báo. Về phía dư luận, khi nghe tin cậu bé “đáng thương” một thời  bỗng dưng… bất hiếu(?) thì tỏ ra hụt hẫng, bàng hoàng thậm chí phẫn nộ, chửi bới xem Hào Anh như một kẻ vô ơn.

Cũng là một điều dễ hiểu, bởi nhớ lại cái ngày Hào Anh bị đánh đập dã man khi đi làm thuê, rồi được cứu, thông tin tràn lan trên các báo thì mỗi người đọc ai cũng mong muốn (và tin tưởng) một ngày Hào Anh sẽ trở thành một người tốt. Một cậu bé biết quên đi quá khứ đau đớn, biết sử dụng tiền của các nhà hảo tâm hỗ trợ, biết sống với cha mẹ hiếu thảo, biết sống hiền hòa… Tóm lại, Hào Anh trở thành tâm điểm của xã hội, cứ như việc “làm dâu trăm họ”. Mỗi bước đi, mỗi hành động của Hào Anh đều có các “camera giấu kín” quan sát.

Việc gì đến phải đến, năm Hào Anh 18 tuổi như “lời hứa của xã hội” cậu bé được thừa hưởng số tiền mà nhiều nhà hảo tâm quyên góp (khoảng 900 triệu đồng). Cậu xây nhà và nghiễm nhiên ngôi nhà mang tên cậu bé, số tiền còn lại cũng vậy. Chuyện một cậu bé 18 tuổi – cái tuổi làm ít suy nghĩ sâu sắc, làm theo cảm xúc phần nhiều bất đồng với cha mẹ vốn dĩ là chuyện hết sức bình thường. Nhưng với Hào Anh phải là một câu chuyện bất thường. Bởi cả xã hội đang kỳ vọng vào cậu bé, đang “săm soi” từng đường đi, nước bước của cậu bé. Và cái ý nghĩ: “Hào Anh-mày phải là một cậu bé ngoan, không được hư dù chỉ một ý nghĩ.”- Dường như đã ăn sâu vào những người biết tên cậu bé.

Sự kỳ vọng ấy vô tình đặt lên vai Hào Anh một áp lực, không nghĩ đâu xa ngay mỗi chúng ta thôi chỉ bố mẹ đặt kỳ vọng vào việc học là đủ áp lực rồi. Đằng này, Hào Anh một cậu bé đang chuẩn bị bước vào đời được cả xã hội kỳ vọng thì áp lực ấy lớn đến chừng nào? Đó là chưa kể đến việc, cách giúp đỡ Hào Anh chỉ có phần “ngọn” (cho tiền) mà không có phần gốc (cho đi học).

Nhắc đến đây, tôi bỗng nhớ tới cậu bé Ishmael Beah -tác giả của cuốn hồi ký Dặm Dài Đã Qua, một chiến binh trẻ em. Cậu bé này có một tuổi thơ làm chiến binh với bắn và giết nên khi bước ra khỏi chiến trường cậu (và những người bạn) phải điều trị tâm lý rất lâu. Cái cách mà các điều trị viên Liên hợp quốc làm để Ishmael Beah quên đi những ám ảnh chiến tranh phải trải qua rất nhiều khó khăn. Nhắc tới cuốn hồi ký đó, để thấy dường như cậu bé chiến binh kia và Hào Anh có đôi chút tương đồng: Một quá khứ đầy ám ảnh. Nhưng với Hào Anh thì chúng ta đã làm được gì ngoài cho tiền và kỳ vọng?

Với một cậu bé 18 tuổi bỗng dưng có một số tiền thì … không tiêu mới là lạ! Có ai từng ở tuổi 18 mới hiểu được những “nông nỗi” của cái tuổi này. Mà “nông nỗi” ấy lại đi ngược kỳ vọng xã hội. Bi kịch của Hào Anh nằm ở đó!

Hãy nghe Hào Anh chia sẻ trên báo Thanh Niên: “Trong gia đình có nhiều chuyện lắm. Mẹ hay xen vào chuyện riêng của con, trong khi con rất nóng tính. Lúc giận con cũng hay đập đồ và đây cũng chính là nguyên nhân con và bạn gái chia tay, hiện con đã lớn, cái gì con sai, người lớn chỉ dạy nhưng đừng can thiệp quá sâu vào tình cảm riêng tư của con. Nhiều lần con nói với mẹ là đừng gọi điện cho bạn gái con, mà mẹ cứ gọi hoài, làm con cũng bực mình và ngại với bạn.”

Đọc những chia sẻ này mà tôi thấy mình và hình ảnh nhiều gia đình Việt Nam trong đó: Tuổi 18 chưa kịp suy nghĩ chín chắn, cha mẹ kỳ vọng, nhiều lúc can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư của con cái. Cứ sợ con cái thế này, thế kia.

Và cái mà cả xã hội kỳ vọng vào mới đáng sợ: “Giờ con muốn làm người tốt cũng khó quá! Con không ăn trộm, cũng bị cho là ăn trộm. Giờ con đi đâu, xin việc gì cũng có người nói ra, nói vào. Con nhuộm tóc, con đeo bông tai cũng bị để ý. Trong khi con làm những việc tốt, thì chẳng được ai quan tâm, động viên.” Nỗi khổ của Hào Anh chính là ở đó! Tưởng như được cả xã hội quan tâm mà không phải. Bởi sự thực “ai cũng tỏ ra hiểu mà chẳng ai hiểu”!

Hào Anh cũng là một người bình thường thôi, cớ sao cả xã hội cứ phải “làm quá” những câu chuyện của em?

Đọc những chia sẻ của Hào Anh, với những gì dư luận đang bàn tán, tôi bỗng nghĩ nếu cứ tiếp tục như thế thì: “Ai cho Hào Anh…lương thiện?”

 

 Đức Lộc

Chuyện cậu bé Hào Anh năm nào – Cần câu và con cá

Featured Image: Ken Rowland

 

Sáng nay, báo nhà giật tít: “Vụ Hào Anh đuổi cha mẹ ra đường: 8 tháng, Hào Anh đổi xe 4 lần, ‘nướng’ hết 200 triệu”. Chỉ riêng một cái tít báo đã tàn nhẫn. Chỉ riêng một cái tít báo đã biến một đứa trẻ 18 tuổi thành kẻ phản diện hoàn toàn.

Tôi tự hỏi những nhà báo ấy ngày xưa đã dành những mỹ từ xót xa nào cho em? Để gần 800 triệu đã được kêu gọi quyên góp và góp phần vào bi kịch lần hai của cuộc đời em?

“Đạo Phật cũng dạy như vậy, có hiểu mới có thương, tình yêu phải làm bằng sự hiểu biết” – Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Đây là hệ quả của việc thương mà không hiểu, thương ở phần ngọn, thương để giải quyết nhu cầu tâm linh, lương tâm của chính bản thân mình của người đời dành cho Hào Anh.

Khi câu chuyện này xảy ra, tôi có đọc báo, tôi có biết nhưng rõ ràng tôi không quan tâm, tôi mới chỉ có 20 tuổi. Tôi không nghĩ lúc đó có ai quan trọng hơn mình. Khổ đau khi chưa chạm tới tôi thì chỉ là một danh từ trên giấy trên báo. Giờ 4 năm đã trôi qua, sự thương của người đời với Hào Anh đột nhiên trở thành một bi kịch mới. Tôi 24 tuổi, vì chưa từng xót thương chuyện cũ mà sao chợt bỗng thấy xót xa cho chuyện mới. Có lẽ thời gian khiến người ta ủ rũ và mềm yếu đi nhiều.

Câu chuyện bắt đầu với một ý nghĩa nhân văn rõ ràng: Giải cứu một con người đồng đẳng với chúng ta, dang tay giúp đỡ để sau này em có thể bắt đầu một cuộc sống mới, bù đắp cho những tổn thương em đã phải trải qua. Chuyện xảy ra lúc này, chắc chắn không phải hồi kết, chỉ là hệ quả trên con đường đi, tất cả vì chúng ta vẫn cho rằng “tiền là công cụ giúp ích hữu hiệu nhất cho những số phận, mảnh đời bất hạnh”.

Nhưng mẹ tôi chưa từng dạy: “Tiền có thể giúp chữa lành vết thương lòng của con.” hay: “Tiền có thể giải quyết triệt để những đau buồn một con người phải chịu đựng.” Với một vài trường hợp, như trường hợp này, tiền trở thành con dao hai lưỡi, cầm thế nào cũng bị thương chảy máu.

Thế là chúng ta trở lại với câu chuyện con cá và chiếc cần câu:

Và giờ một số người đang tiếc rẻ con cá mà họ đã đem cho

Có lẽ tình thương của phần lớn chúng ta chỉ dừng lại ở đó? Nghĩa là nếu còn ngoan, còn tốt thì thương. Hết tốt, hết ngoan thì cảm thấy chỉ-muốn-đạp-cho-phát? Trong 4 năm vừa qua, ngoài việc (Hào Anh) chờ đủ tuổi để nhận được gần 800 triệu đồng từ nhà hảo tâm, tôi tự hỏi những nhà hảo tâm liệu có còn nhớ tới em? Hay từ thiện chỉ là một hình thức làm phúc làm đức cho chính mình và vốn em đã bị lãng quên rồi cho tới khi bi kịch mới này phát sinh?

“Trong đạo Phật, từ bi gắn liền với trí tuệ. Không hiểu, không thể thương yêu sâu sắc. Không hiểu, không thể thương yêu đích thực. Hiểu chính là nền tảng của tình thương yêu.” – Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Vậy nên chỉ có thể đổ lỗi rằng chúng ta đã không hiểu. Không hiểu sự thật ngọn ngành khi bi kịch thứ nhất xảy ra (em bị bạo hành do lý do chủ trại tôm trình bày: trộm cắp). Người bạo hành một đứa trẻ đương nhiên cần bị trừng phạt nhưng còn đứa trẻ? Chỉ vì đã từng bị bạo hành thì có thể không cần được giáo dục và dạy dỗ?

Đột nhiên tôi cảm thấy một cái nhói nhè nhẹ trên má: Cái tát đầu tiên và duy nhất từ bố vào năm tôi 17 tuổi. Chúng ta không hiểu một đứa trẻ bị bạo hành ngoài điều trị thể xác còn cần điều trị cả về tinh thần, tâm lý và một đứa trẻ cho dù thế nào vẫn luôn cần được giáo dục, dạy dỗ. Vì chúng ta không hiểu: chúng ta quyên tặng tiền. Và chúng ta lãng quên em. Như rất nhiều những mảnh đời bất hạnh khác.

Và giờ chúng ta tiếc nuối con cá ngày xưa cũng chỉ vì chúng ta không hiểu. Chúng ta không hiểu bản chất của bi kịch lần thứ hai này là quả của nhân chúng ta gieo. Là thứ rục ruỗng còn sót lại của con cá ngày đó. Chuyện của em làm tôi nhớ tới rất nhiều những gia đình nông thôn tan nát khác chỉ vì giải tỏa, hiện đại hóa, giải phóng mặt bằng. Những con người quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho giời đột nhiên được đổi cái cần vất vả kiếm ăn hàng ngày (miếng đất, miếng ruộng) thành một con cá rất to, đứng từ bên này con cá nhìn sang bên kia không thấy mặt nhau, tưởng rằng ăn cả đời không hết. Và rồi thế mà nó cũng hết. Và giờ thì cái cần đã ở đâu mất rồi?

Tôi nghĩ, giá mà chúng ta đã đủ yêu thương và hiểu biết để cho em cái cần câu, đủ kiên nhẫn và quan tâm để dạy em câu cá, đủ nghiêm khắc để không khiến em nghĩ rằng bi kịch của em là lý do chính đáng khiến em được thụ hưởng mà không phải nhỏ mồ hôi nước mắt.

Nhưng tôi cũng đâu có quyền gì để phán xét? Tôi cũng chỉ 24 tuổi và tôi cũng chỉ đang trên con đường tự khai phá chính mình…Vì tôi không cho em một con cá nào nhưng cũng không đủ thương yêu để cho em cái cần, tôi chỉ biết xót xa là vậy.

Thế mà tôi cứ ước: Ước rằng con người biết cảm thông hơn với em. Để thực sự lần này, em có thể làm lại.

  • Trích dẫn tham khảo từ: http://www.nguoiduatin.vn/thien-su-thich-nhat-hanh-ke-chuyen-tinh-yeu-va-tinh-duc-a82279.html

 

Tương Nhi