26 C
Nha Trang
Thứ tư, 6 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 186

Thị trường và đạo đức (kỳ 6)

 

Lord Griffiths of Fforestfach

Doanh nghiệp như là cộng đồng đạo đức

Trong tư duy về quản lý, mãi thời gian gần đây người ta mới chú ý đến vai trò của “giá trị” trong việc giải thích sự thành công của doanh nghiệp. Ở Mĩ, đề tài này bắt đầu nổi lên từ hồi những năm 1970, sau một thập kỷ khi các doanh nghiệp Mĩ nhận thấy rằng vận may của họ đang giảm dần vì các công ty chế tạo ô tô và hàng điện tử Nhật đã xâm nhập vào thị trường Mĩ. Nó thúc giục cộng đồng doanh nghiệp Mĩ thực hiện những cuộc tự vấn lương tâm và đến lượt nó, việc này lại dẫn đến những công trình nghiên cứu, phân tích hiệu suất công tác trong các công ty Mĩ.

Kết luận được rút ra là nhân tố quan trọng trong việc lý giải sự thành công vượt bậc của một số doanh nghiệp là họ có một số giá trị chung: cụ thể là một tập hợp những tín điều và giá trị được tất cả các nhân viên trong tổ chức chia sẻ và đấy chính là nền tảng văn hóa của tổ chức đó. Công trình nghiên cứu sau đó, do Trường Kinh doanh Harvard (Harvard Business School) thực hiện, khẳng định vai trò quan trọng của các giá trị chung trong sự thành công của công ty, và đấy chính là nhân tố quan trọng dẫn tới những thay đổi lớn trong tư duy về quản trị hồi những năm 1980, người ta đã không còn chú trọng vào khoa học quản lý, lập kế hoạch và sản xuất hàng loạt nữa mà tập trung hơn vào người tiêu dùng, đóng góp của từng người lao động trong công ty và ý nghĩa của văn hóa doanh nghiệp. Từ đó, đề tài về giá trị vẫn là đề mục chính trong chương trình nghị sự của các doanh nghiệp Mĩ và càng ngày càng giành được sự chú ý của các doanh nghiệp trong các nước khác.

Tôi xin khảo sát năm vấn đề về vai trò của các giá trị trong kinh doanh. Tiêu chuẩn đạo đức trong kinh doanh là gì? Doanh nghiệp có thể hoạt động mà không cần tiêu chuẩn đạo đức hay không? Tiêu chuẩn đạo đức của doanh nghiệp có xuất xứ từ đâu? Doanh nghiệp hoạt động như thế nào và làm sao áp dụng được tiêu chuẩn đạo đức trong một xã hội đa nguyên? Công ty tôn trọng tiêu chuẩn đạo đức có vai trò quan trọng như thế nào đối với xã hội?

Đấy là những câu hỏi mà tôi tin là và chắc chắn phải là mối quan tâm của ban quản trị tất cả các công ty cổ phần.

Tiêu chuẩn đạo đức trong kinh doanh là gì?

Đấy là một tập hợp các giá trị, quy tắc hay nguyên tắc đạo đức, được coi là chuẩn, là giá trị tham khảo hay tiêu chuẩn cho tất cả những người làm việc trong công ty và kết quả là nó sẽ dẫn dắt và chi phối hành vi của họ. Điều đó không có nghĩa là một số hành vi nhất định được chấp nhận hay không được chấp nhận mà là một cái gì đó lớn hơn nhiều: cụ thể là những hành vi này được chia thành tốt hay xấu, đúng hay sai. Tiêu chuẩn đạo đức này là nguồn gốc của những đòi hỏi mang tính đạo đức đối với mỗi người và với nguyên vật liệu mà từ đó doanh nghiệp tạo ra đặc tính và văn hóa đặc trưng của họ.

Tiêu chuẩn đó được hình thành từ những nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp hoặc điều lệ của doanh nghiệp và được củng cố bằng tuyên bố của chủ tịch hội đồng quản trị hay giám đốc điều hành và những người nằm trong ban lãnh đạo. Đấy là nguyên tắc bắt buộc, nó làm cho doanh nghiệp có thể hoạt động như là một cơ thể thống nhất, thống nhất về quan điểm và hành động. Chính vì các doanh nghiệp tập trung chú ý vào việc thiết lập và giữ gìn các tiêu chuẩn đạo đức cho nên các doanh nghiệp hiện nay có thể và phải được coi là cộng đồng đạo đức.

Mỗi công ty có cách hiểu khác nhau về tiêu chuẩn đạo đức của công ty và cách thể hiện nó. Nhưng nghiên cứu điều lệ của nhiều công ty khác nhau ta thường thấy những chủ đề sau đây: liêm khiết, trong sáng, lương thiện và nói đúng sự thật, tôn trọng cá nhân con người vì đấy là những người có nhân phẩm, đối xử không thiên vị với mọi người, phục vụ một cách hoàn hảo, đặc biệt là trong quan hệ với khách hàng và trong phương thức lãnh đạo của những người có chức quyền, tầm quan trọng của sự hợp tác, trách nhiệm của công ty đối với môi trường, và cam kết ủng hộ những cộng đồng, nơi công ty đặt cơ sở sản xuất.

Trên thực tế, những đề tài này xuất hiện với tần xuất cao trong nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau, trong nhiều nước khác nhau, trên nhiều lục địa và nền văn hóa khác nhau đến mức chúng không còn là bộ sưu tập những giá trị rời rạc do các công ty riêng lẻ thu thập mà càng ngày càng trở thành những giá phổ quát.

Không trước thì sau, tất cả các tôn giáo đều ép môn đồ của họ “vào vòng cương tỏa”, tiêu chuẩn đạo đức trong kinh doanh không phải là ngoại lệ. Tiêu chuẩn đạo đức tạo ra những yêu cầu cao, làm cho doanh nghiệp vượt lên trên những đòi hỏi thuần túy vể mặt pháp lý. Nó có thể buộc doanh nghiệp từ chối một vụ kinh doanh, buộc họ phải đầu tư nhiều vào lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, hoặc giải quyết vấn đề mà không cần cầu viện đến luật sư, tất cả những điều này đều có thể có ảnh hưởng tiêu cực tới lợi tức ngắn hạn, nhưng đồng thời nó thể hiện sự cam kết của doanh nghiệp đối với các tiêu chuẩn đạo đức. Cho nên khi ông chủ tịch hay ông tổng giám đốc đứng dậy và tuyên bố rằng công ty của ông ta áp dụng tiêu chuẩn đạo đức thì có nghĩa là ông ta nói rằng đấy không chỉ là sự khác biệt trong cách thức kinh doanh mà còn xác định trên thực tế cách thức kinh doanh đó.

Doanh nghiệp có thể hoạt động mà không cần tiêu chuẩn đạo đức hay không?

Về nguyên tắc, câu trả lời là có: công ty có thể hoạt động với tiêu chuẩn đạo đức mà cũng có thể hoạt động mà không cần có ý thức về đạo lý hoặc trái với luân thường đạo lý. Nhưng công ty hoạt động trái với luân thường đạo lý sẽ nhanh chóng nhận ra rằng họ đã xung đột với luật pháp và với chính phủ. Thí dụ như tội phạm có tổ chức, hay công ty lảng tránh (chứ không phải trốn) cơ quan thuế vụ, hay công ty biết rõ là đang buôn bán những món hàng hoặc dịch vụ bị cấm như thuốc gây nghiện, buôn bán bào thai người, buôn bán trẻ con.

Những công ty này không chỉ buôn bán những sản phẩm được coi là vô luân: họ còn tham gia vào những hoạt động mà kết quả chắc chắn sẽ là tống tiền, bạo lực và lừa đảo. Những người bị phát hiện đang điều hành những công ty như thế sẽ bị phạt tiền, bị truy tố và có thể bị bỏ tù. Công ty hoạt động trái với luân thường đạo lý có thể tồn tại trong ngắn hạn nhưng khó tưởng tượng được là làm sao mà nó lại có thể tồn tại được trong dài hạn.

Câu hỏi hấp dẫn hơn là liệu công ty có thể hoạt động mà không cần có ý thức về đạo lý? Mục tiêu duy nhất của công ty này là tối đa hóa lợi nhuận. Công ty có thể hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật nhưng không quan tâm tới các nguyên tắc đạo đức. Họ có thể hỏi đường lối hoặc việc làm của họ là hợp pháp hay phi pháp, nhưng họ không hỏi là đúng hay sai. Đạo đức nằm bên ngoài phạm vi kinh doanh. Tiêu chuẩn lương thiện của họ có thể bắt nguồn từ thói vị lợi, tính liêm khiết của cá nhân có thể là không quan trọng, và cá nhân chỉ được đánh giá theo tỷ lệ đóng góp của anh ta mà thôi.

Công ty không có ý thức về đạo lý là công ty lạnh lùng, lãnh đạm và có môi trường làm việc thiếu an toàn. Nhân viên không có lòng trung thành. Khó mà có thể tin rằng nhân viên sẽ giữ lời hứa. Không ai tin ai. Việc lập hợp đồng kéo dài rất lâu, mệt mỏi và phức tạp. Thành lập công ty liên doanh là cả một cơn ác mộng vì không bên nào tin là bên kia nói thật.

Chức năng kiểm toán nội bộ phải được tăng cường. Mức độ thận trọng để khỏi bi quy tội bất cẩn làm cho công việc trở thành vừa lâu vừa chán ngắt và là cản trở đáng kể đối với việc mua sắm. Luôn luôn xảy ra cãi vã, xung đột và tranh chấp. Bổn phận của các thành viên ban lãnh đạo đối với tương lai của công ty không rõ ràng. Người ta không thể nào biết được là liệu người đồng nghiệp có thể hiện đúng quyền lợi của anh/chị ta trong những vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hay không. Vì mang tiếng xấu như thế mà việc tuyển mộ nhân viên sẽ gặp khó khăn.

Một trong những hậu quả của việc thiếu ý thức đạo lý là chi phí cao, thuật ngữ kinh tế học là “chi phí giao dịch” lớn đến mức công ty sẽ nhanh chóng nhận ra là nó ở thế bất lợi trước các đối thủ. Bernard Mandeville có thể đã miêu tả thành công nhất đặc điểm của nền kinh tế thiếu ý thức đạo đức trong tác phẩm Truyện ngụ ngôn về đàn ong: sự đồi bại của cá nhân và lợi ích của xã hội, (The Fable of the Bees: or Private Vices,Publick Benefits) xuất bản lần đầu vào năm 1714 và dựa vào bài thơ được công bố cách đó chín năm với nhan đề là Tổ ong lầm bầm hay kẻ bất lương trở thành người công chính,(The Grumbling Hive or Knaves turned Honest[1]).

Trong khi mô tả một tổ ong đang phát triển như là ẩn dụ nói về một dân tộc thành công trong ngành thương mại là nước Anh thời đó, Mandeville chỉ ra rằng dối trá, ích kỷ và ham mê những trò trụy lạc là cội nguồn của sự thịnh vượng. Thương nhân, binh lính, luật sư, bác sĩ, chính khách, tất cả đều như thế hết:

“Hàng triệu người ráng sức
Cung cấp cho nhau những trò trụy lạc và cảnh phù hoa.”

Bằng cách tách thương mại khỏi đức hạnh (“tôn giáo là một bên, còn thương mại là phía bên kia”), ông khẳng định rằng thái độ buông lung đối với thói xấu và tính ích kỷ của những con ong sẽ dẫn tới việc mở rộng quá trình phân công lao động, mở rộng thị trường và sự phát triển của ngành thương mại, làm cho mọi người đều được lợi. Vì vậy mà ông nhận xét về tổ ong như sau:

“Chỗ nào cũng đầy tội lỗi
Nhưng tất cả đều được sống giữa thiên đường trên mặt đất.”

Vấn đề chỉ xuất hiện khi những kẻ bất lương cầu thần linh ban cho lòng trung thực và Chúa trời đã cho phép trả lời, kết quả thật là thảm khốc. Thói kiêu ngạo và xa hoa giảm dần, thương mại suy thoái, nghệ thuật và nghề thủ công bị lờ đi và qua việc giảm bớt tội lỗi mà đàn ong cũng lại nhận thấy rằng chúng đã đánh mất hết sự cao quý của mình. Đạo đức là:

“Người ngu chỉ cố gắng
Làm ra tổ ong lớn và lương thiện
Hưởng thụ các tiện nghi của trần gian
Vinh quang trong chiến trận, nhưng sống đời an nhàn
Không có tội lỗi lớn là vô nghĩa
Không tưởng đã nằm sẵn trong đầu rồi.”

Cái không tưởng vô nghĩa mà ông nói tới chính là đức tính khiêm nhường và lòng nhân từ của Thiên chúa giáo, những đức tính mà sau khi đã rũ hết tội lỗi thì chỉ dẫn cả nước đến cảnh đói nghèo mà thôi. Không lấy gì làm ngạc nhiên là câu chuyện ngụ ngôn này đã tạo ra một vụ ồn ào và đã bị tòa án hạt Middlesex coi là có hại đối với xã hội. Ngay cả Adam Smith, được coi là người đặt nền móng cho chủ nghĩa tư bản hiện đại, trong tác phẩm Lý thuyết về cảm nhận đạo đức (Theory of Moral Sentiments[2]) cũng đã phê phán Mandeville vì phép ngụy biện của ông, coi đức hạnh đồng nghĩa với tiết dục và quan niệm hư vô chủ nghĩa của ông về đạo đức, không công nhận bất cứ tiêu chuẩn nào nhằm phân biệt đạo đức với phi đạo đức.

Có thể đặc điểm nổi bật nhất của cách tiếp cận mà không cần ý thức về đạo lý là ý kiến cho rằng kinh doanh chỉ cần quan tâm tới việc tối đa hóa lợi nhuận, ngoài ra không còn gì khác. Ban quan trị là do các cổ đông lựa chọn, cho nên phải tìm kiếm lợi nhuận cho họ và không được làm đại diện cho bất kỳ ai khác. Kinh doanh là kinh doanh, đức hạnh không có liên quan gì ở đây hết.

Nhưng không chỉ Milton Friedman, trong tiểu luận nổi tiếng Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là gia tăng lợi tức của nó (The Social Responsibility of Business is to Increase its Profits[3]), gợi ý rằng mục tiêu duy nhất của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận: ông nói rằng những người lãnh đạo doanh nghiệp phải “điều hành doanh nghiệp phù hợp với nguyện vọng của họ, mà nguyện vọng này nói chung sẽ là kiếm được càng nhiều tiền càng tốt, trong khi vẫn đáp ứng được những quy định căn bản của xã hội”, nhưng ngay sau đó – và đây là điều cực kỳ quan trọng – ông đã định nghĩa rõ rằng “các quy định căn bản của xã hội” bao gồm “cả những điều được thể hiện trong luật pháp lẫn những điều được thể hiện trong truyền thống đạo đức”, rõ ràng như vậy có nghĩa là việc theo đuổi lợi nhuận phải không được trái với các quy tắc văn hóa và tiêu chuẩn đạo đức.

Thứ ba là công ty hoạt động với các tiêu chuẩn đạo đức. Ban lãnh đạo công ty phải đưa ra những giá trị đặc thù của họ, mà đấy thường bao gồm tính trung thực, thật thà và tinh thần phục vụ: trình độ học vấn hoặc tay nghề, có khả năng hợp tác và đặt quyền lợi tập thể lên trên quyền lợi cá nhân, có tinh thần trách nhiệm với người khác, cả bên trong lẫn bên ngoài tổ chức. Có nhiều lý do để ban lãnh đạo quyết định phải đưa ra tiêu chuẩn đạo đức rõ ràng, nhưng nếu những người lãnh đạo và nhân viên tin chắc rằng họ có những giá trị nội tại thì một trong những hậu quả của các tiếp cận này là trong công ty sẽ có mức độ tin cậy cao.

Trong công ty mà mọi người tin cậy lẫn nhau thì tinh thần đồng đội sẽ cao. Các quy định và điều lệ nội bộ sẽ không cần phải viết quá chi tiết. Việc thanh tra, kiểm toán nội bộ và giám sát sẽ không cần phải thực hiện một cách tràn lan. Phát biểu của những người lãnh đạo sẽ được mọi người hiểu đúng theo nghĩa đen. Những công ty như thế sẽ được coi là những người sử dụng lao động đáng quý, cho nên việc tuyển dụng người sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Giữa các công ty như thế cũng không cần những bản hợp đồng dài dòng và phức tạp. Tất cả đều là những lợi ích có được từ lòng tin, mà lòng tin là một trong những cái mà các nhà kinh tế học gọi là “tác nhân bên ngoài”. Chúng là những tài sản có giá trị kinh tế hữu hình và làm tăng năng suất của công ty, nhưng chúng không phải là hàng hóa có thể mua bán được trên thương trường.

Như vậy là công ty có tiêu chuẩn đạo đức phù hợp sẽ không chỉ giảm được chi phí giao dịch mà, cùng với thời gian, còn phát triển được văn hóa doanh nghiệp vững chắc, dựa trên cơ sở lòng tin, cho nên các tiêu chuẩn đạo đức sẽ làm cho doanh nghiệp có ưu thế về mặt cạnh tranh.

Cho nên về nguyên tắc ta có thể gật đầu khi trả lời câu hỏi: “Doanh nghiệp có thể hoạt động mà không cần tiêu chuẩn đạo đức hay không?”, nhưng trên thực tế thì câu trả lời như thế là hoàn toàn không đúng, đặc biệt là nếu doanh nghiệp muốn trở thành một tay chơi có trọng lượng và lâu dài trên thương trường.

Tiêu chuẩn đạo đức của doanh nghiệp có xuất xứ từ đâu?

Cần khảo sát ba phương án: quyền lợi của chính doanh nghiệp, luân thường đạo lý phổ quát dựa trên cơ sở của chủ nghĩa nhân văn duy lý, hay tôn giáo thiên khải như Do Thái giáo, Hồi giáo hoặc Thiên chúa giáo.

Ý tưởng cho rằng công ty có thể tự tìm ra được những tiêu chí đạo đức cho mình là một ý tưởng hấp dẫn. Francis Fukuyama, trong tác phẩm Sự đổ vỡ vĩ đại (The Great Disruption) mới ra gần đây, viết rằng:

“Lời khẳng định cho rằng đức hạnh, thí dụ như tính trung thực, cần thiết trong lĩnh vực thương mại, phải dựa vào tôn giáo mới tồn tại được, cuối cùng đã tỏ ra là vô nghĩa lý. Quyền lợi của chính doanh nhân là đủ để đảm bảo rằng tính trung thực (hay ít nhất là biểu hiện của tính trung thực) sẽ tiếp tục tồn tại[4]”.

Ông còn biện luận rằng:

“Công ty đòi hỏi nhân viên phải có lòng trung thực cao và lịch sự trong khi tiếp xúc với khách hàng hay công ty rút ngay lập tức những sản phẩm có khiếm khuyết khỏi quầy hàng hoặc người giám đốc tự giảm lương nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết với người lao động trong giai đoạn suy thoái không chỉ thể hiện thái độ vị tha: mỗi hành động như thế đều làm cho người ta tin rằng đấy là công ty trung thực, khả tín, chất lượng và công bằng hay đơn giản là rất có lợi. Những đức tính tốt đó trở thành tài sản kinh tế và là tài sản cho nên nó được các cá nhân và công ty quan tâm tới những vấn đề mấu chốt tìm kiếm.[5]”

Luận điểm này công nhận rằng tính trung thực, cũng như lòng tin và sự hợp tác, là đạo đức xã hội, góp phần nâng cao nguồn vốn xã hội của tổ chức. Fukuyama còn biện luận rằng không được coi nguồn vốn xã hội như là hàng hóa xã hội, mà thị trường tự do không thể cung cấp đủ. Phải nói đấy là món hàng hóa mà thị trường tư nhân sẽ cung cấp đúng số lượng mà các nhà quản trị công ty muốn cung cấp. Các công ty tư nhân thường xây dựng vốn xã hội bằng cách đầu tư vào giáo dục và dạy nghề cũng như đầu tư cho những chương trình nhằm nâng cao trình độ quản lý.

Nền tảng trí thức của cách tiếp cận như thế đã được Friedrich Hayek[6] xây dựng một cách cực kỳ vững chắc và rất hay được những nhà kinh tế học như Milton Friedman và Gary Becker sử dụng. Hayek khẳng định rằng kinh tế thị trường là thí dụ điển hình của cái mà ông gọi là trật tự tự phát: cụ thể, đấy là hệ thống phát triển không phải nhờ sự chỉ đạo tập trung hay sự bảo trợ của một người hoặc nhóm người, mà thông qua những kết quả không có chủ ý của những quyết định của vô số cá nhân, mỗi người trong số họ đều là những người theo đuổi lợi ích riêng thông qua việc trao đổi và hợp tác tự nguyện, thông qua thử và sai.

Quá trình vận động tự phát này không những có thể được dùng để giải thích sự phát triển kinh tế mà còn có thể được dùng để giải thích sự phát triển của ngôn ngữ, tiền tệ, văn hóa, luật pháp, quy tắc xã hội, thậm chí cả phẩm hạnh và đạo đức nữa. Mặc dù trật tự tự phát phát triển thông qua những cá nhân đang theo đuổi lợi ích riêng của mình, nhưng các cá nhân vẫn phải theo những quy tắc chung chứ không thể hành động tùy ý được, còn các quy tắc lại cũng là sản phẩm của quá trình tiến hóa.

Kết quả là, đối với Hayek, đạo đức là khía cạnh quan trọng của trật tự xã hội: trên thực tế, trật tự xã hội không thể tồn tại mà không có “những quy tắc… hướng dẫn cá nhân hành động theo cách mà đời sống xã hội có thể tồn tại được[7]”. Nhưng những quy tắc này là kết quả của quá trình tiến hóa của văn hóa, tập trung vào “chọn lọc hoặc lựa chọn” các định chế và thói quen của nhóm.

“Truyền thống văn hóa, nơi con người được sinh ra bao gồm một loạt những thói quen hay quy định về tư cách đang thịnh hành vì chúng làm cho nhóm người đó thành công nhưng lại không được chấp nhận vì người ta biết rằng chúng sẽ tạo ra những kết quả đáng mong muốn.[8]”

Đồng thời Hayek lại coi thường những cố gắng nhằm gắn đạo đức với tôn giáo, với niềm tin vào Chúa trời, hoặc cho rằng đạo đức là nhất thành bất biến. Chìa khóa để hiểu đạo đức học của Hayek là đạo đức là kết quả của một quá trình tiến hóa lâu dài về mặt văn hóa, một quá trình xảy ra trong trật tự tự nhiên, ở đó mỗi cá nhân theo đuổi quyền lợi riêng tư theo cách hiểu của mình. Như vậy nghĩa là, trật tự đạo đức trong triết học của Hayek, trong tính trọn vẹn của nó, là sản phẩm của những nỗ lực của con người và nhằm tránh mọi hiểu lầm có thể xẩy ra, ông dứt khoát bác bỏ nhu cầu phải có một cái gì đó bên ngoài trật tự tự nhiên để cho đạo đức bám vào.

Kết quả là, đấy là hệ thống đạo đức hoàn toàn tương đối, không có những chân lý hay quan niệm cứng nhắc về đúng và sai. Sự khôi hài của các tiếp cận của Hayek là mặc dù ông bác bỏ mọi cơ sở của tôn giáo đối với trật tự đạo đức hiện tồn, nhưng ông lại công nhận ảnh hưởng quan trọng mà tôn giáo đã đóng trong việc hình thành những quy tắc mà ông đánh giá cao như thế. Trên thực tế, bằng bút pháp đặc trưng của mình ông đã vượt ra ngoài đường lối của mình và công nhận rằng có lỗi vì là người theo thuyết bất khả tri trước những người có đạo.

Nếu tính tư lợi là cơ sở của tiêu chuẩn đức hạnh thì nó lại đặt ra vấn đế là những tiêu chuẩn đó đáng tin cậy và vững chắc đến mức nào. Fukuyama khẳng định rằng có thể dựa váo tính tư lợi để bảo đảm rằng sự trung thực, hay ít nhất là, nói theo lời ông “biểu hiện của sự trung thực” sẽ tiếp tục tồn tại. Nhưng nhược điểm của lý lẽ của ông lại thể hiện rõ trong sự độc đáo của nó. Trước đó nhiều năm, C. S. Lewis đã hỏi rằng: “Có sự khác nhau giữa một người cho rằng trung thực là chính sách tốt nhất với một người trung thực hay không?” Ông tin, cũng như nhiều người sau đó đã tin, là có.

Nguyên nhân là, việc theo đuổi tư lợi có thể dẫn đến kết quả là công ty muốn giữ danh tiếng là trung thực, việc theo đuổi tư lợi có thể không dẫn tới cam kết là liêm khiết hay thật thà như là giá trị cao quý nhất của công ty, mọi người trong công ty phải thừa nhận và sẽ bị phán xử theo những tiêu chí đó. Lý do là hiển nhiên: có những trường hợp, khi trung thực không phải là mối quan tâm cao nhất của công ty, nếu sắc xuất bị phát hiện là rất thấp thì người ta sẽ dối trá miễn là danh tiếng của công ty không bị mất.

Hậu quả của việc theo đuổi biểu hiện của tính trung thực chứ không phải chính tính trung thực có thể dẫn tới sự thiếu liêm chính ngay tại cơ quan đầu não của công ty và ban quan trị có thể chấp nhận tiêu chuẩn kép. Ban lãnh đạo và ban quản lý cao cấp sẽ bị coi là những kẻ đạo đức giả. Khi dối trá càng ngày càng bị bỏ qua, và khi tiêu chuẩn kép được chấp nhận trên thực tế thì nhất định sẽ xảy ra những vụ tai tiếng. Vấn đề chỉ còn là thời gian mà thôi. Nếu ban lãnh đạo công ty không tin vào sự tồn tại của những tiêu chuẩn tuyệt đối, tức là những tiêu chuẩn có giá trị tự thân và họ phải phục tùng, thì khó có thể hiểu được làm thế nào mà công ty có thể tiếp tục đưa trung thực vào trong những giá trị cốt lõi của nó. Tính cách lươn lẹo của con người, nơi ẩn trú của tính tự tư tự lợi, không thể là nền tảng để xây dựng những giá trị đạo đức lâu dài được. Cần phải có một cái gì đó lớn hơn tính tự tư tự lợi của những người lãnh đạo doanh nghiệp thì đức hạnh mới đứng vững được.

Cơ sở khác cho sự hình thành các tiêu chuẩn đạo đức trong kinh doanh là hình thức đạo đức toàn cầu dựa trên những giá trị chung của nhân loại, kết hợp với những quan niệm của các tôn giáo trên thế giới và truyền thống đạo đức. Cơ sở này công nhận rằng tôn giáo vẫn là một lực lượng mạnh mẽ nhưng cũng công nhận rằng đối với nhiều người thì phi tôn giáo có nghĩa là giải phóng khỏi mọi tín ngưỡng. Mặc dù phi tôn giáo cổ vũ người ta coi mình là người kế thừa chân chính và độc lập của tinh thần Khai sáng, nhưng vẫn có những động cơ thúc đẩy người ta hướng tới những tiêu chuẩn đạo đức căn bản và những hệ giá trị bắt buộc, dựa trên những giá trị chung của nhân loại, tức là những giá trị được nhiều người chấp nhận và công nhận như là tiêu chuẩn của hành vi. Mục tiêu của những người ủng hộ cách tiếp cận này là xây dựng một nền đạo đức mang tính toàn cầu, dựa trên những truyền thống tôn giáo lớn, nhưng đồng thời cũng được những người không có đạo ủng hộ.

Có thể nói giáo sư thần học Hans Kung ở trường đại học Tubingen là người say mê nhất dự án này, ông đã bỏ biết bao nhiêu thời gian và công sức để tìm cách phát triển một nền đạo đức toàn cầu mới, làm cơ sở cho xã hội toàn cầu và coi nền đạo đức đó là sự kết hợp những giá trị, tiêu chuẩn, thái độ, cần thiết nhất, tối thiểu nhất và chung nhất của nhân loại[9]. Hội đồng tôn giáo toàn cầu [The Council of the Parliament of the World’s Religions] họp ở Chicago vào năm 1993 – hội nghị đầu tiên trên thế giới – đã ra Tuyên bố về nền đạo đức toàn cầu.

Tuyên bố này dựa trên hai nguyên tắc song hành là mọi người đều phải được đối xử một cách nhân đạo và hãy làm cho người khác những gì mình muốn họ làm cho mình. Nó bao trùm lên tất cả các khía cạnh của đời sống, kể cả công việc kinh doanh và đòi hỏi phải thực hiện những cam kết chủ chốt như tôn trọng cuộc sống và trật tự kinh tế công bằng, dựa trên những nguyên tắc đặc biệt như tình đoàn kết, trung thực, lòng khoan dung và quyền bình đẳng.

Mặc dù không đưa ra đạo đức đặc thù cho lĩnh vực kinh doanh, cách tiếp cận này rất gần với Quy tắc đạo đức được trình ra tại Diễn đàn kinh tế Davos [Davos management forum] vào năm 1970[10] và các Nguyên tắc Kinh doanh [Principles for Business] trong Caux Round Table (1980)[11], thậm chí có một số đặc điểm chung với Tuyên bố liên tôn giáo về Quy tắc đạo đức trong nền thương mại quốc tế[12] [interfaith Declaration on a Code for Ethics for International Business] ở St George’s House,Windsor, mặc dù tuyên bố này chỉ là tuyên bố của những người theo Do Thái giáo, Thiên chúa giáo và Hồi giáo mà thôi.

Các điều khoản của cả ba bản tuyên bố này đều nhấn mạnh đến trách nhiệm trước các cổ đông và không chỉ cổ đông, mà còn nhấn mạnh những giá trị nền tảng như phẩm giá của con người, sự thật, công bằng, tôn trọng lẫn nhau, tinh thần phục vụ, điều độ và khiêm nhường. Nền đạo đức toàn cầu mà Kung dự kiến còn nhấn mạnh nhu cầu của một sự đồng thuận mới trên bình diện xã hội, đấy sẽ là một khế ước mới giữa lao động, nhà đầu tư và chính phủ.

Sức mạnh của cách tiếp cận đạo đức toàn cầu này là nó chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên và chủ nghĩa thế tục, nó không chấp nhận những lời răn dạy xưa cũ và chủ nghĩa chính thống. Nó bao gôm tất cả, hiện đại và không mang trên mình gánh nặng của quá khứ. Nó được thiết kế một cách chuyên biệt cho nền kinh tế toàn cầu hiện đại.

Vấn đề mà tôi đặt ra ở đây là động cơ. Nói một cách đơn giản nhất là vì sao người ta phải thực hành đạo đức toàn cầu? Mặc dù đấy là một công việc đầy thử thách, nhưng cuối cùng thì lập ra một nền đạo đức phù hợp, mang tính nhân bản và toàn diện cho công việc kinh danh, được cả những người có đạo cũng như những người không theo đạo nào chấp nhận, không phải là việc khó. Nhưng thiết kế ra nền đạo đức và đưa nó vào thực tiễn là hai việc hoàn toàn khác nhau.

Tuyên bố liên tôn giáo đã thành thật công nhận rằng cuộc sống trên hành tinh của chúng ta, trong đó có cả công việc kinh doanh, không thể được cải thiện “trừ phi nhận thức của cá nhân có thay đổi[13]”. Đây là yêu cầu cấp bách. Do đó người ta đã hứa “làm việc nhằm chuyển hóa nhận thức của cá nhân và tập thể, nhằm đánh thức sức mạnh tinh thần của chúng ta thông qua tư duy, thiền định và cầu nguyện hay suy nghĩ một cách tích cực, nhằm cải tạo tâm hồn. Cùng nhau, chúng ta có thể rời núi lấp biển[14]”.

Vấn đề của nền đạo đức toàn cầu là nó nhất định phải thấp hơn giá trị trung bình của cả tôn giáo lẫn phi tôn giáo. Và như thế, nó không thể và không bao giờ có thể trả lời được những vấn đề mà tôn giáo giải quyết, thí dụ như ý nghĩa của cuộc đời, hay cung cấp cho người ta những giá trị, quy tắc hay lý tưởng tuyệt đối làm tiêu chuẩn hành động hoặc tạo ra hi vọng dựa trên hiểu biết về lịch sử; hoặc lặp lại lời kêu gọi do Chúa toàn năng và yêu thương tất cả đã đưa ra cho mỗi người. Tuyên bố liên tôn giáo chỉ rõ rằng sống với nền đạo đức toàn cầu đòi hỏi phải chuyển hóa nhận thức, cải tạo tâm hồn, nhưng thật khó tưởng tượng làm sao có thể cải tạo nếu không có tôn giáo.

Lựa chọn thứ ba: tiêu chuẩn đạo đức là các tôn giáo độc thần mặc khải như Do Thái giáo, đạo Hồi hay đạo Thiên chúa. Một trong những sức mạnh của các tôn giáo này là tiêu chuẩn đạo đức được khắc trên đá và ghi trong những Kinh Sách. Mặc dù việc sử dụng những Điều Răn làm cơ sở của tiêu chuẩn đạo đức trong doanh nghiệp hiện đại có phát sinh một số phức tạp nhất định. Nhưng những Điều Răn không chỉ là hiện thân của một tập hợp mang tính khách quan của những giá trị đạo đức tuyệt đối mà còn kèm theo trách nhiệm phải tuân thủ luật đạo đức nữa. Đạo Do Thái-Thiên chúa giáo trong lịch sử từng là cơ sở cho sự phát triển của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là ở Anh và Mĩ.

Nhiều công ty mà tên gọi đã trở thành nổi tiếng khởi kỳ thủy đã gây được ảnh hưởng tôn giáo rất lớn như: Cadburys, Rowntrees, Barclays, Wedgwood, Unilever, Laing, đấy là chỉ kể một số mà thôi. Trong khi cách tiếp cận đạo đức theo lối tôn giáo có nhiều điểm chung với những cách tiệp cận triết học nhưng phi tôn giáo như thừa nhận ý thức bẩm sinh về trách nhiệm đạo đức, nhận thức mang tính trực giác về những tiêu chí đạo đức khác nhau, quan niệm về thế giới hoàn hảo và ý nghĩa quan trọng của cuộc đấu tranh cho mục tiêu đức hạnh, nhưng cách tiếp cận theo lối tôn giáo khác ở chỗ là đức hạnh có nguồn gốc tôn giáo.

Trong Kinh Cựu Ước, thế giới và chúng ta, những người sống trên đó đều là một phần của trật tự được Chúa sáng tạo ra và đời sống đức hạnh là tuân theo điều luật và quy định đã được Chúa mặc khải cho người Do Thái, là những người mà Chúa ký giao kèo. Lời kinh, thí dụ như: “Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va, Rất ưa thích điều răn của Ngài!” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Kinh Cựu Ước. Trong Kinh Tân Ước, cơ sở để cá nhân hành xử theo những đòi hỏi đạo đức của Phúc âm là cuộc đời, sự chết và sự tái sinh của Jesus Christ. Vì vậy mà lời khuyên của Thánh Paul cho nhà thờ ở Ephesus: “Tôi nài khuyên anh em phải ăn ở cách xứng đáng với ơn kêu gọi mà anh em đã được gọi” (Thơ của Phao-Lồ gửi cho Ê-Phê-Sô), cũng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Kinh Tân Ước.

Mặc dù giữa ba tôn giáo độc thần nói trên có những khác biệt căn bản, nhưng học thuyết tôn giáo và đạo đức của cả ba đều có chung nền tảng và cả ba đều xây dựng đức hạnh trên cơ sở tôn giáo. Quy tắc đạo đức trong nền thương mại quốc tế là kết quả của quá trình tham vấn về đề tài được lấy ra từ bốn khía cạnh của học thuyết liên quan đến vấn đề kinh doanh. Một là nguyên tắc công bằng, thứ hai là tôn trọng lẫn nhau, “yêu người ta như mình tôi vậy”; thứ ba là tinh thần làm chủ, nghĩa là trách nhiệm của nhân loại trước sự sáng tạo của Chúa; và cuối cùng là tính trung thực hay là liêm chính, bao gồm tính thật thà và tinh thần trách nhiệm.

Sức mạnh của cách tiếp cận tôn giáo được thể hiện trong quy định pháp luật, thí dụ như Mười Điều Răn là một giá trị tuyệt đối, với những huấn thị cụ thể như “Ngươi phải” hoặc “Ngươi không được”. Các quy định đều rõ ràng và đưa ra biện pháp chế tài đối với hành vi của con người. Nó đã vượt qua thử thách của thời gian. Mặc dù trong những thế kỷ qua đã có nhiều thay đổi trong ngôn ngữ, văn hóa và cơ cấu kinh tế nhưng các tôn giáo mặc khải vẫn chứng tỏ được khà năng thích ứng vô song đối với những hoàn cảnh mới mà không cần thay đổi những đức tin nòng cốt.

Khiếm khuyết của cách tiếp cận tôn giáo là trong thế giới hiện đại hoặc hậu hiện đại ngày nay mà nó vẫn mang theo những quan niệm của thế giới xưa cũ. Đúng là vốn liếng đạo đức của truyến thống Do Thái giáo-Thiên chúa giáo đã bị chủ nghĩa thế tục bào mòn đáng kể, nhất là ở châu Âu, nhưng vẫn có thể nói rằng tôn giáo vẫn còn khá mạnh và trên thực tế trong mấy thập niên qua đã được tăng cường nhờ một loạt các xuất bản phẩm và những lời tuyên bố của các nhà thờ và lãnh tụ tôn giáo. Thí dụ, từ đầu những năm 1960 Đức Giáo hoàng đã công bố ít nhất là mười bốn thông tri có liên quan tới kinh doanh và các vấn đề kinh tế.

Những lời tuyên bố về nến kinh tế Mĩ do Đức Tổng giám mục Mĩ đưa ra trong những năm 1980 và tuyên bố về khái niệm quyền lợi chung đối với đời sống kinh tể của những vị chủ chăn khác ở nước này trong những năm 1990 là những tài liệu có ảnh hưởng lớn. Ở Anh, báo cáo Đức tin trong các thành phố[15] của Lord Runcie, Tổng Giám mục ở Canterbury, công bố vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước đã khuấy động một cuộc tranh luận sôi nổi về sự công bằng của nền kinh tế thị trường và trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp.

Giáo sư Robert Fogel ở trường đại học Chicago [University of Chicago], người từng được giải Nobel về kinh tế học, trong tác phẩm đầy hấp dẫn: Lần thức tỉnh thứ tư [The Fourth Great Awakening[16]], đã khẳng định rằng từ cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960 nước Mĩ đã chứng kiến một sự thức tỉnh mới về mặt tôn giáo – lần thức tỉnh thứ tư trong lịch sử nước này- và nó đã tạo ra một chương trình nghị sợ mới cho cuộc cải cách xã hội và chính trị, cả trên bình diện đạo đức lẫn tinh thần. Mặc dù ông không nói rõ, nhưng thật khó tưởng tượng làm sao mà phong trào đó lại không có ảnh hưởng đối với đời sống kinh tế. Mặc dù đã diễn ra quá trình thế tục hóa và sự phát triển của chủ nghĩa hậu hiện đại, nhưng tôn giáo vẫn là lực lượng sống động ở Mĩ và do ảnh hưởng của các công ty Mĩ mà có ảnh hưởng đến công việc kinh doanh trên toàn thế giới.

Rõ ràng là có nhiều câu trả lời cho câu hỏi thứ hai: “Tiêu chuẩn đạo đức của doanh nghiệp có xuất xứ từ đâu?” Muốn cho tiêu chuẩn đạo đức có ý nghĩa thì nó phải cụ thể và thực tế chứ không được mơ hồ và trừu tượng: nó phải mạnh mẽ, vượt qua được thử thách của thời gian, nó phải được coi là hợp tình hợp lý và thể hiện được trí tuệ. Nó phải ngăn chặn được những ảnh hưởng cực đoan và chế tài hiệu quả một số hành vi. Theo các tiêu chuẩn đó thì tôi ngờ là tính tư lợi khó có thể là nguồn gốc của tiêu chuẩn đạo đức có đủ sức mạnh để đứng vững và có đủ sức mạnh để có thể gây được ảnh hưởng đối với hành vi của người ta. Thêm thắt, che dấu và lừa dối bao giờ cũng có sức cám dỗ rất lớn.

Nền đạo đức mang tính nhân bản toàn cầu khó có thể trở thành hiện thực vì nó đòi phải chuyển hóa nhận thức nhưng lại không đưa ra phương tiện để làm điều đó. Từ quan điểm này thì tôn giáo là lực lượng đầy sức mạnh. Các tôn giáo nói trên là những tôn giáo coi kinh doanh là một thiên hướng hay một chức phận, cho nên sự nghiệp kinh doanh được coi là phụng sự Chúa Trời, là cội nguồn mạnh nhất để từ đó ta có thể thiết lập, tìm thấy và khuyến khích những tiêu chuẩn đạo đức tuyệt đối trong hoạt động kinh doanh.

Tiêu chuẩn đạo đức hoạt động như thế nào và làm sao áp dụng được tiêu chuẩn đạo đức trong một xã hội đa nguyên?

Muốn hoạt động được thì tiêu chuẩn đạo đức phải được đặt ra một cách rõ ràng. Kết quả là ngay khi được nhận vào làm mỗi người đã biết chính xác đây là tổ chức như thế nào và họ phải là gì để đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp. Tiêu chuẩn đạo đức như thế có thể được ghi rõ trong điều lệ hay mục tiêu của công ty, trong các nguyên tắc kinh doanh, thông qua chương trình huấn luyện và những bài phát biểu, trong báo cáo định kỳ hàng năm, và thông qua những hoạt động mà công ty tài trợ.

Khi đưa tiêu chuẩn đạo đức vào xã hội đa nguyên mà ta đang sống thì điều quan trọng là tiêu chuẩn đó phải được những người làm việc cho và đầu tư vào công ty chấp nhận. Dù công ty không phải là chế độ dân chủ, nhưng cũng không thể thiết lập được tiêu chuẩn đạo đức nếu nó không được những người làm việc trong đó đồng ý, dù không nói ra. Họ phải coi tiêu chuẩn đó là của chính mình. Nếu không thì tiêu chuẩn trở thành vô giá trị, hay tệ hơn, có rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau, nhưng chúng chỉ gây ra hỗn loạn thêm mà thôi. Nếu người lao động không chấp nhận tiêu chuẩn đó thì họ có thể bỏ đi và tìm việc trong công ty với tiêu chuẩn phù hợp hơn với họ.

Tương tự như thế, nếu các cổ đông không chấp nhận tiêu chuẩn đó thì họ có thể bán cổ phiếu, nhưng tệ hơn nữa là họ cứ giữ cổ phiếu và vận động mọi người đứng lên chống lại những giá trị của công ty bằng cách gây khó khăn trong những cuộc họp cổ đông. Tình hình có thể còn xấu hơn nếu họ được người tiêu dùng ủng hộ bằng cách phản đối công khai, hay sẵn sàng mua ở những chỗ khác và bị cộng đồng nơi công ty đặt nhà máy phản đối thông qua các tiến trình chính trị. Nếu người ta phải chấp nhận những tiêu chuẩn mà công ty đặt ra thì họ phải nhìn thấy những mục tiêu thực tiễn của chúng: cung cấp cho người tiêu dùng dịch vụ tốt hơn, cải thiện chất lượng công việc được thuê làm bên ngoài, tôn trọng người lao động, giúp người lao động khi có khó khăn, tạo điều kiện và cải thiện cuộc sống trong nội bộ công ty.

Ban lãnh đạo công ty có vai trò quan trọng và đặc biệt trong việc giữ gìn các tiêu chuẩn đạo đức đã được công bố. Vai trò gương mẫu của ban lãnh đạo là tiếng nói đầy sức mạnh về sự gắn bó của công ty đối với những giá trị của họ, cho nên trước hết, các nhà lãnh đạo phải tự mình sống bằng tiêu chuẩn đó. Đặt ra tiêu chuẩn một cách hợp lý, làm rõ những nguyên tắc làm cơ sở cho nó và những đặc điểm của nó trong tất cả các lĩnh vực của đời sống công ty là những tác nhân quan trọng. Nhưng đây chỉ là một phần của câu chuyện.

Trong tác phẩm Đức dục (Ethics[17]), Aristotle đã làm rõ sự khác nhau giữa sự trong trắng về mặt trí tuệ và sự trong trắng về mặt đạo đức. “Sự trong trắng về mặt đạo đức đa phần là sản phẩm của thói quen và nói cho ngay là xuất phát từ tên của nó, với một ít thay đổi về hình thức, từ cái từ đó … Thiên hướng đạo đức của chúng ta được hình thành như là kết quả của những hoạt động đáp ứng… Vì vậy mà trong thời niên thiếu ta được huấn luyện thói quen này hay thói quen kia không phải là chuyện nhỏ: ngược lại, đấy là điều rất quan trọng thậm chí là quan trọng nhất”. Nhận thức sâu sắc như thế, mà cụ thể là hình thành thói quen là tác nhân quan trọng nhất trong việc phát triển hành vi mang tính đạo đức, liên quan đến việc nuôi dạy trẻ em, nhưng cũng liên quan đến việc thực hành những tiêu chuẩn đạo đức trong nội bộ công ty.

Điều đó cho thấy rằng thói quen thể hiện cách thức công ty giải quyết công việc hàng ngày là tác nhân quan trọng, vì người ta sẽ coi những thói quen này là những giá trị thực sự của công ty: sự tôn trọng của ban lãnh đạo đối với người lao động, chăm lo đối với việc phát triển tay nghề của người lao động, sự cởi mở của những người lãnh đạo các đơn vị trong khi trình bày kết quả công tác và ngân sách của họ, việc lựa chọn những người được thăng chức, cách thức thực hiện tiêu chuẩn đạo đức trong các chi nhánh của công ty, xử lý các nhà quản lý kém hiệu quả, sự cởi mở của ban lãnh đạo trước những ý kiến trái chiều…v..v

Nếu các nhân viên thấy rằng công ty tôn trọng một cách nhất quán tiêu chuẩn do mình lựa chọn thì những hoạt động thường ngày mà người ta chứng kiến sẽ trở thành thói quen và củng cố thêm tiêu chuẩn của công ty; còn nếu không có sự nhất quán, không dám đối mặt với những trường hợp khó khăn, một số người không phải tuân thủ tiêu chuẩn, thì người ta cũng nhanh chóng nhận ra và một thói quen mới sẽ được hình thành, đến lúc nào đó nó sẽ làm mất giá tiêu chuẩn mà công ty tự đặt ra.

Trong quá trình thực hiện tiêu chuẩn thì cả ban lãnh đạo công ty phải tham gia chứ không chỉ một mình ông giám đốc điều hành là có thể làm được. Muốn thiết lập được tiêu chuẩn thì phải có một nhóm các nhà lãnh đạo nòng cốt tận tụy ở cấp cao nhất, những người sẵn sàng bảo vệ tiêu chuẩn đó, đồng thời tất cả các cấp lãnh đạo trong tổ chức cũng phải sẵn sàng coi nó là ưu tiên hàng đầu. Điều đó sẽ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với quá trình tuyển dụng và bố trí nhân viên của công ty. Một trong những tiêu chí của chính sách tuyển dụng là người được thuê mướn phải chấp nhận những giá trị đã được minh định rõ ràng: những người không thể hoặc sẽ không chấp nhận phải bị gạt ngay.

Xin được nhấn mạnh một vấn đề: cân nhắc trong việc chuyển người trong khắp tổ chức để bảo đảm rằng những người thể hiện được nền văn hóa của công ty được đưa đến những vị trí mà họ có thể tạo được ảnh hưởng to lớn nhất đối với tổ chức. Mặt khác, tinh thần đồng đội sẽ bị tổn thất nặng nề nhất, nếu việc thăng chức trước hết dựa trên sự phù hợp với tiêu chuẩn văn hóa mà không dựa trên khả năng hoàn thành nhiệm vụ của những cá nhân liên quan. Mặc dù không chứng minh được, nhưng tôi tin rằng cùng với thời gian, tiêu chuẩn đạo đức độc lập không chỉ là một điều gì đó tự bản thân nó là tốt đẹp mà còn có lợi cho cả cổ đông lẫn người lao động nữa.

Tiêu chuẩn đó không bao giờ có thể thay thế được cho các biện pháp quản lý khác nhau như chiến lược, hệ thống, cơ sở hạ tầng hay những người lãnh đạo có tài. Nhưng cùng với thời gian, tính trung thực sẽ tạo ra niềm tin, người ta sẽ đáp ứng theo một cách khác khi được tôn trọng, chất lượng phục vụ cao sẽ tạo ra lòng trung thành của người tiêu dùng, và sẽ có ít khách hàng và nhân viên bỏ đi hơn. Công ty gắn bó với tiêu chuẩn sẽ cảm thấy rằng mỗi ngày làm việc đều là thử thách và ngày làm việc nào cũng là một ngày mới.

Công ty tôn trọng tiêu chuẩn đạo đức có vai trò quan trọng như thế nào đối với xã hội?

Mặc dù không phải lúc nào cũng được tín nhiệm, nhưng công ty kinh doanh hiện đại đã trở thành người đi đầu trong việc truyền bá các giá trị trong xã hội chúng ta. Nó chưa được tín nhiệm đúng mức là vì nhiều người thường đồng nhất công ty với việc tối đa hóa lợi nhuận hoặc tối đa hóa thu nhập của cổ đông, những giá trị được coi là kết quả của nạn độc quyền, các cartel và giá quá cao, mức đền bù quá đáng cho những người quản lý, những vụ bê bối tài chính và gây nguy hiểm cho môi trường – tất cả những điều đó đều bị coi là có hại cho quyền lợi của xã hội. Đây là đề tài phức tạp, không thể nói chi tiết ở đây được, nhưng những điểm sau đây là đặc biệt có ý nghĩa.

Thứ nhất, đa phần các công ty hiện nay đều có một tập hợp hiển ngôn các tiêu chuẩn thể hiện những quan điểm mạnh mẽ về mặt đạo đức, trong lĩnh vực công cộng và đòi hỏi dưới dạng những tiêu chuẩn hành động mà họ đặt ra cho tất cả các nhân viên của công ty.

Thứ hai, cùng với sự suy giảm ảnh hưởng của nhà thờ và sự thất bại trong đời sống gia đình ở phương Tây, công ty đã trở thành cộng đồng càng ngày càng có vai trò quan trọng hơn vì người ta dành nhiều thời gian làm việc trong công ty, và thường thì những người làm việc cùng công ty cũng là nhóm quan trọng cho việc hình thành quan hệ ban bè. Thứ ba, công ty càng ngày càng có vai trò quan trọng cho những đóng góp từ thiện, cả bằng tiền mặt lẫn thông qua những chương trình hướng dẫn.

Thứ tư, một phần là do thành tích và danh tiếng của lĩnh vực tư nhân vì sử dụng hiệu quả những nguồn lực sẵn có, nhưng một phần cũng vì sự tôn trọng các giá trị của công ty mà các công ty tư nhân đã được đề nghị điều hành một số định chế công cộng như các trường học kém chất lượng hoặc đóng vai trò quan trọng hơn trong việc thực hiện công tác xã hội hay chăm sóc sức khỏe, những công việc mà cách đây vài thập kỷ không ai có thể nghĩ là các công ty sẽ đứng ra đảm nhận.

Thứ năm, người ta có cơ hội thăng tiến thông qua những chương trình đào tạo và thực hiện trách nhiệm mà công ty giao cho họ. Thứ sáu, trong lĩnh vực đào tạo, khu vực công cộng càng ngày càng muốn làm việc với những đối tác trong lĩnh vực tư nhân nhằm triển khai các chương trình đào tạo và học tập suốt đời.

Và thứ bảy, sự tập trung chú ý vào việc quản lý công ty một cách hiệu quả tại nhiều nước phương Tây kết hợp với những đòi hỏi mang tính pháp quy, yêu cầu công ty phải minh bạch hơn, tạo cho các công ty vai trò quan trọng trên trường quốc tế trong việc thúc đẩy những tiêu chuẩn về trách nhiệm giải trình trong những nước đang còn phải vật vã trong cuộc chiến đấu nhằm đưa ra các tiêu chuẩn như thế.

Kết luận

Quan niệm công ty kinh doanh như một cộng đồng đạo đức chỉ là một khía cạnh trong đời sống kinh tế mà thôi. Nó chưa phải là đề tài quan trọng trong chương trình nghị sự vì khó đo lường được tác động và ảnh hưởng kéo dài của nó. Nhưng nếu được quản lý tốt, việc xác lập một cách rõ ràng những tiêu chuẩn đạo đức trong nội bộ công ty có thể mang lại lợi ích đáng kể cho tất cả những người có quan hệ với công ty đó.

 

Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn: Capitalism, Morality and Markets


[1] Bernard Mandeville, The Fable of the Bees: or Private Vices, Publick Benefits, Oxford,
Clarendon Press, 1924. Republished Liberty Press, Indianapolis 1988.
[2] Adam Smith, The Theory of Moral Sentiments, 1759, pp. 485-6
[3] Milton Friedman, ÔThe Social Responsibility of Business is to Increase Its ProfitsÕ.
Reprinted in Ethical Theory and Business, T. Beauchamp and N. Bowie (eds.), En –
glewood Cliffs, New Jersey, Prentice Hall, 1988.
[4] Francis Fukuyama, The Great Disruption, Profile Books, London 1999, p. 254.
[5] Ibid, p. 256
[6] The fullest treatment of this subject is in the three volumes of Law, Legislation and
Liberty, Friedrich Hayek, Chicago University Press, Chicago, vol. I, “Rules and
Order”, 1973, vol. II, “The Mirage of Social Justice”, 1978, vol. III, “The Political
Order of a Free People”, 1981.
[7] ibid, vol. I, p. 44.
[8] ibid, vol. I, p. 17.
[9] See in particular Hans Kung and Helmut Schmidt (eds.), A Global Ethic and Global Responsibilities: Two Declarations, SCM, London, 1993; Hans Kung (ed.), Yes to a Global Ethic, SCM, London, 1995; Hans Kung, A Global Ethic for Global Politics and Economics, SCM, London, 1997.
[10] See Rosemarie Fiedler-Winter, Die Moral Der Manager, Seewald Verlag 1977.
[11] Caux Round Table Principles for Business, 1980.
[12] Interfaith Declaration. Code of Ethics on International Business for Christians, Muslims
and Jews, Interfaith Foundation, October 1993.
[13] Hans Kung and Helmut Schmidt (eds.), A Global Ethic and Global Responsibilities:
Two Declarations, SCM, London, 1993, p. 31.
[14] ibid, p. 32.
[15] Archbishop of Canterbury’s Commission on Urban Priority Areas, Faith in the City, Church House Publishing, London, 1985.
[16] Robert William Fogel, The Fourth Great Awakening, University of Chicago Press, Chicago, 2000.
[17] For a useful discussion of Aristotle’s Ethics see Alisdair MacIntyre, A Short History
of Ethics, Routledge and Kegan Paul, London, 1967.

Một ngụ ngôn về tổn phí cơ hội

Featured Image: Nan-Cheng Tsai

 

3 tháng 4, 2006

Có một buổi nhạc hội. Ban nhạc Green Way sắp ghé thành phố này. Muốn được nghe ban nhạc Green Way chơi nhạc sống các ca khúc tuyệt vời trong dĩa nhạc American Dolt, bạn phải sắp hàng, cắm lều qua đêm chờ mua vé. Bạn tới phòng bán vé khoảng nửa đêm, nhưng không thể ngủ được vì chung quanh quá ồn ào. Cuối cùng, bạn cũng thiếp đi. Giấc ngủ tưởng chừng chỉ được vài phút khi bạn bị đánh thức bởi tiếng kéo cửa mở phòng bán vé, lúc đó là tám giờ sáng. Dưới ánh nắng chói lọi, bạn nhận ra số người xếp hàng đông hơn là bạn nghĩ. Có tới cả mấy ngàn người. Rất có thể bạn không mua nổi vé, dù đã bỏ công trực cả đêm.

Sau ba giờ đồng hồ, hàng người trườn gần về cửa sổ phòng vé. Bên trong lồng kính, bạn trông thấy người bán thu tiền và giao vé. Bạn càng cảm thấy lo lắng. Nỗi lo có nguyên nhân: lại có tiếng vang từ cửa sổ phòng bán vé, lần này do cánh cửa bị đóng sầm xuống. Hết vé? THẬT HẾT VÉ! Thôi rồi. Cô đào của bạn mong đợi tấm vé này bao nhiêu. Cô nàng mê tít ban nhạc Green Way mà.

Nay lẻ loi quay bước về nhà, bạn cúi đầu chán nản. Đột nhiên, nghe tiếng huyên náo bên kia đường. Xem ra đám người trong hàng đầu sáng nay chẳng phải là người hâm mộ ban nhạc Green Way gì cả! Họ mua vé chỉ để bán ngay lại cho người khác. Và họ đang bận rộn rao bán ồn ào. Hết xẩy – có lẽ vẫn gặp may.

Băng nhanh qua đường, bạn nhập vô đám đông bao quanh những “người bán lại”(gọi một cách lịch sự). Nhưng bạn không biết tai mình nghe có đúng không: “Ba trăm đô một vé, cha nội. Trả tiền mặt.”

Càng khó tin hơn khi vẫn có người sẵn sàng trả 300 đồng một vé. Phải nghĩ lại xem nên hay không nên cái đã. Theo luật tại tiểu bang của bạn, việc “đầu cơ” vé coi văn nghệ là hợp pháp. Thêm đó, đối với bạn chuyện đầu cơ cũng chẳng có gì trái với lương tâm. Tiền dành dụm có được 600 đủ trả hai vé. Vé nào cũng đồng hạng, không có ghế thượng hạng.

Nhưng rồi bạn lại nghĩ đến tổn phí cơ hội, cái tổn phí cơ hội to tát.[i] Nhớ lại hồi học lớp kinh tế, ông thầy dạy rằng tổn phí cơ hội có dính dáng tới việc được cái này thì mất cái kia. Nói cách khác, tổn phí bỏ ra để thực hiện một việc chính là tất cả các số việc khác mà bạn không thể thực hiện được nữa.

Sáu trăm đồng quả là một tổn phí cao. Bạn không tiếc số tiền cho mấy, nhưng nếu tiêu tới 600 đô la, bạn có thể mua tất cả mọi dĩa nhạc mà ban Green Way đã thu thanh, kiêm luôn máy Mp3 để nghe nhạc. Rồi vẫn dư tiền rủ bạn bè đi vũ trường nghe nhạc của ban Green Way mỗi tối thứ sáu trong cả tháng. (Chắc chắn là những vũ trường chơi nhạc của Green Way, vì hiện nay mọi nơi toàn chỉ chơi nhạc này, đặc biệt là bản ca ngợi sinh thái học, “Nader of Suburbia”)

Điểm cốt yếu là tiền không phải là tổn phí toàn bộ của bất cứ hoạt động nào. Tổn phí chính thực là cái mà bạn phải từ bỏ: chi tiền cho việc X tức là bạn không còn số tiền ấy để chi cho việc Y. Do đó, tổn phí thực sự của X là… Y. Một số nhà kinh tế học cho rằng tiền chỉ là “tấm màn” che giấu thực chất rằng giá tiền là thước đo sự khan hiếm có tính cách tương đối của hàng hóa.

Nếu bạn đi dự buổi nhạc hội, bạn sẽ không có 10 cái CD nhạc, với giá $20 một dĩa, một máy X-pod Mp3 đáng giá $250, và $150 tiền mua nước giải khát tại vũ trường. Tất cả mọi thứ ấy đánh đổi với chỉ một đại nhạc hội dài hai tiếng đồng hồ. Suy đi nghĩ lại, bạn lắc đầu. Không đáng tí nào.

Quyết định xong, bạn định hướng về nhà, mặt chảy dài. Đi bộ khoảng hai mươi ngã tư đường, bạn nhìn thấy một phong bì nhàu nát nằm cách lề đường một tí. Mặt ngoài phong bì trống trơn.

Lượm phong bì lên, cảm giác là lạ, tim đập nhanh. Xé phong bì ra… bên trong là hai tấm vé nhạc hội Green Way! Hết xẩy!

Tiếp theo… cảm giác tội lỗi. Hai vé này không phải của bạn. Nhưng bạn lại nghĩ, giả như cái phong bì này bay ra từ cửa sổ xe hơi và người đánh mất nó hiện đã đi xa lắc rồi thì sao? Có thể chính họ cũng chưa biết đã mất vé, cơ mà.

Thế nhưng, bạn vẫn chờ gần một tiếng đồng hồ. Mỗi khi có xe đi ngang, bạn nín hơi, toàn thân chỉ có tim thót đập. Không chiếc xe nào chậm lại, và không bộ hành nào đến kiếm phong bì. Bạn chật vật lắm mới đưa phong bì lên hỏi: “Có ai đánh rơi cái này không?” Vả lại trong nhạc hội, chỗ ngồi như nhau nên sẽ chẳng thể xác nhận chủ quyền đích thực của hai tấm vé. Vé này thuộc về bạn, công bằng và thẳng thắn.

Xong, bạn báo tin vui cho cô bồ qua điện thoại di động.

Hết chuyện.

Bây giờ, đây là vấn đề: Thế nào? Anh hay chị có đi nghe nhạc hội không, và nếu có, thì tại sao? Hãy giả sử anh hoặc chị là người “khôn ngoan” về mặt tài chính.

Tôi dùng ngụ ngôn này (một phần là chuyện có thật về đại nhạc hội của ca sĩ Bruce Springsteen) làm một câu hỏi trong đề thi học kỳ hai cho môn Kinh Tế Học Vi Mô tại Đại Học Dartmouth vào năm 1986. Tôi cho rằng đề thi dễ. Sinh viên của tôi tại Dartmouth thông minh nhanh trí, và chắc chắn là biết rõ định nghĩa của Tổn Phí Cơ Hội. Trên thực tế, họ hiểu Tổn Phí Cơ Hội rất rành.

Thế mà hơn nửa lớp trượt câu hỏi này; một số sinh viên giải đáp hoàn toàn sai. Chúng ta hãy thử xem các anh/chị định điện thoại báo tin như thế nào với bạn trai hay bạn gái của mình, kể cả số điểm tôi chấm cho mỗi lời giải.

Cách trả lời thứ nhất: “Anh có vé chùa! Mình đi nghe đại nhạc hội Green Way!”

Điểm: F

Anh/chị trả lời trật rồi; về học lại. Vé đâu phải của chùa, không mất tiền. Nhớ kỹ, bạn không ngại bán lại vé với giá cắt cổ, đầu cơ vé là chuyện hợp pháp, và bạn biết là có thể bán được với giá $300 một vé. Thêm đó. sau khi suy nghĩ kỹ, bạn đã thấy rằng buổi nhạc hội không đáng cái tổn phí cơ hội với giá $300 một ghế. Tổn phí cơ hội của việc tham dự nhạc hội vẫn là $600, cho dù bạn lượm được vé bên lề đường.

Cách trả lời thứ hai: “Mình đi mua vài CD nhạc, mua luôn máy Mp3, rồi tối đi chơi. Anh vừa lượm được $600!”

Điểm: B+

Bạn đã giản dị hóa thái quá vế bên kia của vấn đề. Nên nhớ, bạn còn phải đi bộ hai mươi ngã tư đường để trở về lại chỗ bán vé, rồi rao bán. Và nếu bạn bán đi hai cái vé, bạn phải giải thích lý do với bồ của mình. Giữ hay bán, thật ra không bên nào hiển nhiên hơn bên nào.

Cách trả lời thứ ba: “Em ơi, mình sẽ đi nghe nhạc hội Green Way! Anh lượm được hai vé, tương đương như lượm được $600, trừ đi $50 chi phí giao dịch để bán vé lại cho người khác (đi bộ ngược lại chỗ bán vé, rao hàng, v.v.) Thành ra vé thiệt chỉ tốn có $550 thôi. Tính ra là có lời do vé lượm được, vậy em được đi nghe nhạc.

Điểm: A+

Trúng phóc.

Bây giờ chúng ta hãy thảo luận về thang điểm của tôi. Giả thiết một sinh viên đề cập đến kết quả lợi tức thu nhập, và chi phí giao dịch, và rồi vẫn quyết định không đi nghe nhạc, thì lời giải đó cũng được điểm A+. Ngược lại, luận giải rằng “Anh được vé chùa! Mình đi nghe nhạc hội!” là luôn luôn sai, hoàn toàn sai, sai một cách dã man.

Thế mà hơn nửa số sinh viên của tôi đưa giải đáp “Vé chùa! Mình đi!” [Với kết quả này], Tôi quả thật là một giáo sư tồi trong môn kinh tế học.

Tổn Phí Cơ Hội không phải là điều ta thường nghĩ

Tôi than vãn về kết quả đề thi với các bạn đồng nghiệp. Những đồng nghiệp kinh tế gia nghe chuyện tôi kể không lấy làm ngạc nhiên. “Người ta không hiểu tổn phí cơ hội. Nói đúng ra, người ta không hiểu rất nhiều những khái niệm xem chừng đơn giản trong ngành kinh tế học. Vì thế chúng ta nên nghiên cứu thêm về kinh tế học.” Tôi không chắc quan niệm này đúng. Nó khiến tôi nhớ đến lời bình phẩm của Bill Niskanen về Ludwig von Mises (1971).[ii] Niskanen lập luận rằng nhiều người, trong đó có cả von Mises, đã quá lạc quan khi kết luận dựa trên “một niềm hy vọng, mà nay nhìn lại thấy ngây thơ làm sao, là một sự giáo dục đại chúng về kinh tế học sẽ làm cho quần chúng bớt ủng hộ bộ máy chính quyền cồng kềnh cùng với kết quả của nó là một nền hành chính thư lại.”

Niskanen không nghĩ rằng kinh tế học lại hiển nhiên như vậy, ít nhất là không hiển nhiên như thế đối với đa số quần chúng.

Thay vào đó, câu trả lời hình như đơn giản hơn: Người ta tình thật không suy nghĩ theo lối này, cho dù bạn cố gắng chỉ dạy cho họ đường lối suy nghĩ theo kinh tế học. Bằng chứng là lời giải thích của tôi không thuyết phục được đa số người nghe. Và nhiều đồng nghiệp khác ngành cho rằng cái lý luận xem chừng hiển nhiên trong khía cạnh kinh tế học đã sai trong thực tế ngay từ đầu, ít ra thì nó cũng mô tả sai về cách hành xử của con người. “Dĩ nhiên người ta chọn đi nghe nhạc hội; nếu anh tìm được vé chùa, mà lại không dẫn bạn gái đi nghe, thì coi như đôi bên chia tay là cái chắc! Đừng tính kỹ quá!”

Anthony de Jasay viết một bài khá thú vị cho Econlib,[iii] mô tả tầm quan trọng của việc phân tích. Jasay nhắc lại lời khuyến cáo của Frédéric Bastiat rằng cần chú trọng vào tổn phí cơ hội: “Khi ta có ấn tượng tốt với các tác động cụ thể và ta chưa biết nhận ra các tác động vô hình, ta sẽ theo đuổi các thói quen xấu xa, không những vì khuynh hướng tự nhiên, mà còn vì cố ý.”

Nói cho công bằng, cũng có một số tài liệu Tâm Lý Học và Kinh Tế Học bàn rằng ta thường không nghĩ đến tổn phí cơ hội theo như dự đoán thông lệ trong ngành Kinh Tế Học. Xem ra ta đánh giá thu nhập khác với tổn thất; có vé mà không dùng là bỏ phí, khác với sự chọn lựa nên hay không nên bỏ tiền ra mua vé. Cho dù giá trị của thu nhập và tổn thất thật vốn bằng nhau ($600, trong trường hợp này), ta coi sự kiện này không liên hệ. Lối suy nghĩ này liên quan đến “công trình nghiên cứu về kinh nghiệm bản thân và thành kiến” của khoa tâm lý suy luận (do Kahnermann, Tversky, và các người khác trình bày). Thành kiến này, mang tên “hiệu ứng hàng đã có,” dựa trên kinh nghiệm rằng ta đánh giá vật ta đang có cao hơn vật ta chưa mua hoặc thu được, cho dù vật đó là cùng một thứ và đáng cùng một giá.

Nhưng tôi vẫn chưa cảm thấy được thuyết phục. Có lẽ người ta hiểu sai. (Nói cho công bằng, Kahnemann và Tversky cũng nghĩ sự chọn lựa theo kiểu này là “sai,” theo cách nhìn dựa trên lý trí, nên tôi cũng không bất đồng ý kiến với họ trong những trường hợp quan trọng). Mong người ta sẽ hiểu đúng khái niệm này cũng giống như là có niềm hy vọng, “gần như ngây thơ khi nhìn lại,” rằng công dân đều được giáo dục về căn bản kinh tế. Trên các chuyến bay, tôi đưa ra câu hỏi về tổn phí cơ hội với các hành khách khác, hoặc hỏi những tham dự viên trong các hội nghị. Họ rõ ràng chia làm hai phe, ngay cả sau khi nghe tôi giải thích câu trả lời “đúng.”

Vấn đề tương tự luôn xảy ra tại những trận banh bóng rổ tại đại học Duke, nơi tôi giảng dạy. Giá vé xem bóng rổ tại sân Cameron Indoor là $40. Thế nhưng đa số trận, vé bán được giá cao hơn nhiều. Vài trận, thí dụ trận đội Duke đấu đội UNC, giá vé đầu cơ vượt hơn $1000. Trong năm 2006, vé bán tới khoảng $2500. Do đó, khi ban giáo sư xin tôi (trưỏng khoa) cho tăng lương vào cuối năm, tôi sẽ nhắc nhở rằng họ không cần thêm tiền vì họ giàu quá rồi.

“Ông nói thế là thế nào?” họ hỏi.

Tôi trả lời, “Thì quý vị mua nổi $2500 một vé đi xem bóng rổ. Quý vị phải giàu lắm.”

Họ đưa tôi xem cái vé. “$40! Là vé $40 đó!”

Câu trả lời của tôi ? “Thế thì thế này. Tôi có $50. Ông chịu bán vé đó cho tôi không ? Theo ông nói thì vé có $40 thôi.”

Cho tới nay, tôi vẫn chưa mua được vé nào theo lối ấy, kể cả từ những người nói với tôi rằng tổn phi cơ hội là một khái niệm ngu xuẩn.


Tài liệu tham khảo

Bastiat, Frederic. 1848. “What is Seen and Not Seen.”
Buchanan, James. 2001. Cost and Choice: The Collected Works of James M. Buchanan. Indianapolis: Liberty Fund.
Caplan, Bryan. “Mises and Bastiat on How Democracy Goes Wrong, Part I
___________. “Mises and Bastiat on How Democracy Goes Wrong, Part II
De Jasay, Anthony. 2002. “The Seen and the Unseen: The Costly Mistake of Ignoring Opportunity Cost.”
Mises, Ludwig von. 1944/1969. Bureaucracy.
Niskanen, William. 1971. Bureaucracy and Representative Government. Chicago: Aldine-Atherton.
Tversky, A. and D. Kahneman. 1992. Advances in Prospect Theory: Cumulative Representation of Uncertainty. Journal of Risk and Uncertainty 5: 297-323.


[themify_box style=”pink rounded” ]Michael Munger là Trưởng Phân Khoa Khoa Học Chính Trị tại Đại Học Duke[/themify_box]

 

Michael Munger
© Học Viện Công Dân 2010
Nguồn: Michael Munger, A Fable of the OC

Hãy đơn giản giữa cuộc đời phức tạp

Featured Image: Amanda Mabe

 

“Hãy cố gắng lên!” – Câu nói “tạo động lực” kinh điển tôi được nghe từ người thân cũng như nhiều người khác, tôi nghĩ chắc cũng không riêng tôi được nghe đâu nhỉ?

“Cố gắng học thật giỏi để làm được những điều lớn lao.”- Mẹ tôi.

“Mày phải cố gắng như con ông A, thằng cu con nhà bà B, cháu ông bà XYZ nào đó thì mày mới không uổng công dưỡng dục của cha mẹ mày!”– Mẹ của con nhà người ta.

“Cố mà đậu trường ABC rồi du học qua DCE nào đó cho đời bớt khổ con à. Cầm viết mà sống với đời, đừng cầm cuốc, cầm xẻng như ba má mày thì khổ cả đời.”– Bà con của con nhà người ta.

Tại sao phải cố gắng? Cố gắng trở thành một người phù hợp với xã hội nhưng không phải là chính mình, cố gắng làm hợp tình hợp ý với suy nghĩ người khác, cố gắng thành chú robot tuân thủ theo những chuẩn mực xã hội, khép mình trong định kiến giữa người với người và cố gắng giấu con người thật sau vỏ bọc… Để làm gì chứ?

Cố, cố nữa, cố mãi… cố quá rồi cũng quá cố. Nhưng có cái “cố” mà mình tâm nghiệm được từ những thăng trầm, trong những lúc cô độc, tuyệt vọng cho tới những khoảnh khắc hân hoan, hạnh phúc, cao hơn nữa là những thành công theo định nghĩa chủ quan của mình… Cố gắng đơn giản.

“Cuộc sống vốn dễ dàng, đừng khiến nó khó khăn hơn.” – Jon Jandai

Mình viết ra, đơn giản chỉ là muốn đơn giản hóa những gì mình cảm được từ cuộc sống phức tạp này…vạn vật vạn biến khi tâm mỗi người cũng vì đó biến hóa không lường không kém, qua truyền trông cũng như đời thực cũng đã thấy được bề nổi sự việc trên? Bề chìm thì còn tùy tâm, tùy người, bài viết cũng muốn đơn giản nên không tiện chi tiết thêm. Vô trọng tâm thôi.

Đơn giản là gì?

Đơn giản là những điều quen thuộc, ai cũng muốn làm điều mình thích, có ích cho xã hội và điều mình đam mê. Những ai còn lăn tăn làm cách nào để tìm ra nó thì… đơn giản nó đi. Điều gì bạn muốn làm khi nó không còn liên quan về những định nghĩa tiền bạc, danh vọng hay quyền uy? Nó có phù hợp với mình không? Về khả năng bản thân, khả năng tài chính, khả năng ngoại cảnh… bla bla bla? Thôi gạt hết đi cho bớt phức tạp Đơn giản là bạn thích nó, muốn nó và nó làm bạn thoải mái… ừ vậy thôi.

Bạn tôi nhanh nhảu trả lời ngay sau khi tôi trần tình quan điểm của mình về đam mê: “Lướt facebook chắc là đam mê của tớ rồi!”

Are you kidding me? Tâm thức bạn thoải mái một cách tích cực chứ không phải điều làm bạn ù lì, lười nhác trước màn hình máy tính đâu nhé! Hãy nhớ, nó thay đổi tâm thức bạn, từ trong ra ngoài, từ thời gian đến không gian, bạn muốn nó không vì mục đích cụ thể nào cả, không vì nghĩa vụ, không vì ai cả… Bạn hạnh phúc khi làm nó chứ không dành thời gian mải mê với những việc bạn cho là thích… rồi cuối ngày dành ít thời gian hối hận cho những việc đáng lẽ bạn cần làm.

Đơn giản là những việc giản đơn. Điển hình như trong việc thăm gặp người thân trong gia đình như cha mẹ, anh chị. Tôi quan sát thấy đa số vẫn tâm niệm rằng phải đem theo quà cáp vật chất nào đó và cho rằng đó là hiếu thảo, là quan tấm đến người khác trong khi lại hời hợt trò chuyện với nhau trong lời nói lẫn ánh mắt, cử chỉ. Đừng mang theo gì cả nếu như bạn đang mang theo một tâm hồn mục rỗng bởi sự thờ ơ đó!

Đơn giản hãy đến thăm người ta yêu thương với một tấm lòng chân thành của một người con, người em, một nụ cười sảng khoái khi tán gấu cùng nhau hay nấu một bữa ăn cho gia đình, dù có “nghèo nàn” về chuyên môn nhưng lại “giàu có” tấm lòng thì thiết nghĩ vẫn làm gia đình mỗi chúng ta yêu thương, mật thiết với nhau hơn. Sao cứ phải nghĩ rằng giàu có rồi thì mới dám cho đi, mà cho đi thì lại mong muốn nhận lại, đơn giản đi, ta đâu cần giàu có để cho, đâu cần gì nhận lại giữa những người ta yêu thương hay kể cả người xa lạ, chỉ cần một tấm lòng vừa đủ, nhận lại hay không và nhận gì thì còn tùy tâm mỗi chúng ta.

Đơn giản là những là chiếc mắt xích phức tạp. Một bài toán khó không đến từ những lý thuyết, nguyên tắc cao siêu, phức tạp nào đó mà nó là tập hợp những điều đơn giản lại với nhau. Tâm thức chúng ta chỉ cần bền bỉ tháo gỡ từng lớp đơn giản để tìm ra nút thắt được tổng hợp từ nó, kiền trì từng chút, từng chút một và không bào giờ từ bỏ, bạn sẽ tìm ra đáp số bài toán. Tập hợp thì có giới hạn, hãy đặt giới hạn cũng như tâm trí bạn tại tiệm cận của nó, thách thức giới hạn đó, cảm giác chiến thắng được bản thân và giới hạn của mình thật hạnh phúc biết bao!

Đơn giản không đơn giản như bạn nghĩ, nó phức tạp hơn ta tưởng nhiều. Ta cần một tâm hồn vui vẻ hòa mình vào sự nhàm chán của việc lặp đi, lặp lại những việc đơn giản. Ta cần một thái độ nghiêm túc thực hiện nó một cách không dễ dãi. Ta cần một trái tim yêu thương những thái độ chán ghét việc đơn giản,, xem nó là không đủ tầm với họ.

“Đừng giao trách nhiệm lớn lao cho những người vẫn còn chưa làm xuất sắc những việc đơn giản.” – Khuyết danh

Cuộc sống vốn đơn giản, không phức tạp như con người và xã hội. Ta thường theo quy chiếu người khác và xã hội để phản ánh con người mình qua nó bằng nhiều thứ: Bằng cấp, tiền bạc, danh quyền…v.v. Xã hội không định nghĩa những quy chuẩn, nó tập hợp những định kiến của quy chế. Hạnh phúc nội tại không tồn tại qua những điều ngoại cảnh, trong khi những thứ tôi kể trên chỉ là “ảo cảnh” do chúng ta tạo ta chứ không được xem là ngoại cảnh chính thức tác động tới bạn (môi trường, thiên nhiên chẳng hạn..). Nếu bạn đã từng đọc bài viết 10 thói quen của những người hạnh phúc của tôi thì sẽ rõ hiểu ở trên hơn.

Tóm lại, mình muốn nói rằng những việc đơn giản trong cuộc sống này, ở bất cứ góc cạnh, bất cứ lĩnh vực nào đều quan trọng trực tiếp đến cuộc sống chúng ta, vì bài viết là đơn giản, nên mình muốn đơn giản như vậy thôi. Còn nhiều điều khác thiết nghĩ nên dành cho những tâm hồn tươi trẻ của mỗi người với những góc nhìn khác nhau vẽ nên vẻ đẹp của nó- vẻ đẹp của đơn giản.

Dù đi đến đâu, chỉ cần mang trong mình một tâm hồn khờ dại, khát khao, một tâm thức trung thực, hết lòng và… đơn giản thì dù có khókhăn như thế nào đều có thể giải quyết được.

“Think global, act local.” – Khuyết danh

 

Hoàng Khôi

Đừng xem thường những hành động nhỏ giúp nâng cao giá trị con người bạn

Featured Image: Danielle Hughson

 

Chủ động trong mọi tình huống

Bạn có thể không nhận ra rằng mình có thể chủ động trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Nếu như xưa giờ bạn luôn là người bị động, để mặc mọi thứ ra sao thì ra. Thì nay, hãy thử trở thành một người chủ động, bạn sẽ thấy cuộc sống này thú vị đến thế nào.

Nếu như bạn muốn làm quen hay add friend một cô nàng/anh chàng nào đó qua facebook. Hãy bớt chút thời gian ghé thăm trang cá nhân của người ta để tìm hiểu những thông tin căn bản: nơi họ sống, cách họ giao tiếp với mọi người, những chủ đề họ quan tâm, những gì họ chia sẻ… Thật may mắn nhờ có facebook ta dễ dàng biết trước về một người trước cả khi ta quen họ, điều này là vô tưởng trong quá khứ đúng không.

Hãy tận dụng facebook để chủ động biết điều bạn muốn biết. Rồi sau đó, hãy viết vài dòng làm quen trước hoặc ngay khi nhấn nút add friend, đối phương hẳn sẽ cảm thấy bạn là một người lịch sự và chân thành. Còn ấn tượng nào tốt hơn thế để bắt đầu một mối quan hệ? Dù đôi khi ta kết bạn với nhau mà luôn biết khó có thể gặp được, có sao đâu, ấn tượng đầu tiên luôn là ấn tượng khó phai mà. Đừng để vuột mất những ấn tượng đầu tiên tốt đẹp mà bạn có thể tạo dựng. Rồi khi nói chuyện, hãy chủ động hỏi hay nói về chủ đề người ấy quan tâm, nhất định người ta sẽ rất ngạc nhiên đấy.

Trong buổi hẹn đầu hay những buổi hẹn khác. Hãy tự lên kế hoạch cho thật chu đáo nếu đối phương không có ý kiến gì. Phần lớn mọi người khi hẹn hò thường hỏi nhau: “Giờ em muốn đi đâu, giờ mình đi đâu, quán nào đây, chỗ nào được nhỉ?” Và câu trả lời đa phần của chúng ta là: “Sao cũng được.” Thật là nhàm chán làm sao. Việc chủ động chọn một quán cafe thú vị hay ăn một món ít người biết sẽ làm cho người ta dễ bị bất ngờ và ấn tượng lắm.

Không gì tuyệt vời hơn trong một buổi hẹn hò mà chúng ta được dẫn từ bất ngờ này đến bất ngờ khác đúng không? Tuyệt hơn nữa khi đối phương lại dẫn đến đúng nơi ta thích, chọn đúng món ta muốn ăn hay chủ động tạo ra những điều ta không nghĩ tới, một món quà nhỏ, một bản nhạc… Nhất định đối phương sẽ bất ngờ và cảm động, dù cho họ không nói ra, hẳn trong lòng họ đã thấy bạn thật ấn tượng. Tất cả những bước này sao có được nếu bạn không chủ động tìm hiểu về họ trước?

Trong công việc, hãy chủ động trong mọi tình huống, tìm hiểu trước về nó, sẵn sàng cho các hoàn cảnh có thể xảy ra. Nếu sếp bạn yêu cầu bạn đi mua một lãng hoa, hãy chủ động tìm hiểu hoa cho dịp gì, sếp thích phong cách nào, chi phí trong khoảng bao nhiêu… Tìm hiểu những điều này sẽ khiến bạn đỡ mất thời gian và công sức rất nhiều tránh khỏi các tình huống phát sinh. Hẳn bạn còn nhớ câu chuyện “chén nào mua mắm, chén nào mua tương, đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương” đúng không?

Để chủ động, khi sếp nhờ bạn đi mua mắm hay tương, hãy hỏi lại ổng cho rõ đồng nào mua mắm, chén nào mua tương. Chỉ mất chút thời gian tìm hiểu, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều công sức. Đương nhiên đây chỉ là một ví dụ minh họa thôi. Nhưng ngoài cuộc sống, trong những công việc thường ngày bạn phải làm, hãy để tâm và hoàn thành nó theo cách chủ động nhất có thể. Hãy tìm hiểu kỹ về công việc bạn đang làm, sắp làm và sẽ làm. Bạn sẽ không phải hối hận đâu.

Bạn cũng có thể chủ động trong các tình huống nhỏ li ti khác trong công việc. Những việc không ai nhờ hay những việc ai cũng làm lơ. Hãy chủ động tắt điện khi ra khỏi phòng họp, dẹp một đống giấy lộn vứt lăn lóc, sắp xếp lại tủ hồ sơ… Những việc này có thể chẳng ảnh hưởng gì đến công việc của bạn. Nhưng tin tôi đi, chắc chắn bạn sẽ được nhiều người quý mến. Công việc biết đâu nhờ đó sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.

Trong học tập, hãy chủ động tìm hiểu những điều khác bên ngoài sách giáo khoa và những bài giảng truyền thống. Chủ động phát biểu, thắc mắc, nghi ngờ và đặt câu hỏi cho giáo viên. Chính từ những hành động này, tuy nhỏ nhưng sẽ tác động không nhỏ đến cuộc sống, công việc và khả năng thành công của bạn sau này.

Trong cuộc sống, nếu không ai đả động gì, thì chính bạn hãy là người chủ động tổ chức những buổi họp mặt gia đình, những buổi sinh nhật cho người thân dù chính họ cũng không nhớ, những buổi gặp mặt bạn bè khi rảnh rỗi… Chủ động làm cầu nối gắn kết mọi người lại với nhau. Bạn sẽ luôn là một người quan trọng trong mắt họ.

Để duy trì thật tốt các mối quan hệ, hãy chủ động quan tâm tới họ dù cho họ chưa quan tâm đến bạn. Chủ động nói lời xin lỗi để hàn gắn một mối quan hệ rạn nứt đã lâu. Chủ động bắt liên lạc với một người bạn nhiều năm không gặp. Chủ động làm quen hay ngỏ lời với một người mà bạn luôn nghĩ về hay thậm chí cả chủ động rời xa những thứ đang gò ép bạn: Một tình yêu danh nghĩa, một công việc tệ hại hay một cuộc sống buồn tẻ…

Nếu bạn có thể tập thói quen luôn chủ động dù cho chỉ trong từng công việc nhỏ, nhất định tương lai bạn sẽ luôn ở thế chủ động. Ai cũng thích được chủ động điều khiển mọi thứ. Nhưng người ta lại quá nhút nhát và lười biếng để có thể làm điều đó. Nếu như bạn cũng muốn được ở trong tâm thế của những người điều khiển, người cầm quyền, người lãnh đạo thì tập thói quen chủ động ngay từ hôm nay. Hãy luôn nhớ rằng bạn có thể chủ động trong mọi hoàn cảnh. Luôn có cách để làm điều đó.

Hãy luôn đúng giờ vì quý trọng thời gian là quý trọng chính mình

Nếu bạn thể hiện với mọi người rằng thời gian của bạn là quý giá, thể hiện sự trân trọng thời gian của chính mình. Thì hẳn người khác cũng sẽ tự nhiên trân trọng thời gian của bạn cũng như trân trọng chính bạn vậy. Người ta sẽ không gọi một người quý trọng thời gian ra quán nhậu làm vài chai bia giết thì giờ và sẽ không dám giữ bạn lại những cuộc vui vô bổ khi bạn từ chối nữa. Hãy trân quý thời gian của mình và thể hiện cho mọi người biết điều đó. Cách thể hiện rõ nhất là hãy luôn đúng giờ trong mọi cuộc hẹn, giờ giấc càng chính xác càng tốt.

Một người đến cuộc hẹn sớm 5 phút hẳn sẽ không ấn tượng bằng một người xuất hiện đúng chóc thời gian đã hẹn. Tôi từng bị ấn tượng mạnh như thế trong một cuộc hẹn. Gần đến giờ hẹn nhưng vẫn không thấy cậu bạn gọi, tôi sốt ruột phát điên. Và đến khi đồng hồ chỉ đúng giờ, cậu ấy gọi tới cho biết đã đứng trước nhà. Sự đúng giờ của cậu bạn làm tôi hơi ngạc nhiên đôi chút nhưng càng ngạc nhiên hơn nữa khi cậu ấy nói rằng đã tới trước đó 5 phút nhưng đợi đến đúng giờ mới gọi cho tôi. Trời, đây là câu chuyện về sự đúng giờ ấn tượng nhất mà cho tới giờ tôi vẫn nhớ được, dù đã khá nhiều năm.

Thời gian của bạn không quan trọng, không có nghĩa là thời gian của người khác cũng không quan trọng. Khi bạn tôn trọng thời gian của người khác, là tôn trọng chính họ. Vậy nên làm ơn đừng trễ hẹn, đừng để người khác phải chờ đợi, đừng thử thách lòng kiên nhẫn và sự quan tâm của người khác dành cho bạn. Nếu trong một cuộc hẹn mà bạn đến trễ, tôi xin chỉ bạn câu nói này, tôi xem nó từ một bộ phim và cảm thấy tâm đắc vô cùng. Văn hóa chúng ta không thường làm vậy, nhưng không có nghĩa là bạn không được làm vậy.

Khi bạn đến trễ một cuộc hẹn (dù quan trọng hay không) bạn có thể nói thế này: “Tôi xin lỗi vì đã trễ giờ hẹn của chúng ta. Tôi có hàng ngàn lý do để biện minh nhưng không, tôi chỉ muốn xin một lời xin lỗi chân thành.” Vậy thôi, chỉ ngắn gọn thế thôi. Không cần lý do gì cả, không cần giải thích gì cả. Chỉ cần thế thôi, ai có thể giận bạn được chứ?

Nếu như trong cuộc gặp mặt, ai cũng dùng giờ dây thun, thì chính bạn, hãy là người đúng giờ đầu tiên. Và hãy là người giữ nguyên tắc đúng giờ, đúng giờ thì tiến hành, đừng chờ đợi người trễ hẹn. Họ có tôn trọng bạn đâu mà phải dành thêm thời gian quý báu cho họ chứ.

Nhớ nhé, hãy luôn đúng giờ và đừng để thời gian trôi qua vô nghĩa, vì khi bạn trân quý thời gian của mình, người khác cũng sẽ trân quý thời gian của bạn. Và khi người khác trân quý thời gian của bạn, họ sẽ trân quý bạn!

Hãy cố gắng luôn giữ mọi lời hứa, dù to hay nhỏ bạn đã nói ra

Muốn trở thành người giá trị, đầu tiên hãy làm cho mọi lời nói của bạn trở nên giá trị. Nếu bạn hứa sẽ dạy đứa em học thêm toán, hãy làm điều đó. Nếu bạn hứa với ba mẹ sẽ đi chơi về đúng giờ, hãy về đúng giờ. Nếu bạn hứa sẽ gặp ai đó, đừng lãng quên họ. Thậm chí ngay cả khi bạn hứa với bản thân mình rằng sẽ thay đổi, sẽ không nói dối nữa, sẽ không hút thuốc nữa… Hãy cố gắng bằng mọi cách để thực hiện những lời hứa đó. Sẽ không ai đánh giá bạn khi bạn không hoàn thành, nhưng tâm khảm bạn sẽ tự đánh giá chính mình là một người thất hứa, một người không giữ lời, một người yếu đuối và vô trách nhiệm… Bạn không thể nào sống thoải mái cả đời với những lời trách cứ của chính bản thân mình như thế đâu.

Có câu nói rất hay trong Đắc Nhân Tâm rằng: “Cách duy nhất để giữ lời hứa đó là đừng hứa gì cả.” Đúng vậy, đừng hứa gì hết, đừng nói bất cứ gì khi bạn không hề có ý nghiêm túc với lời hứa đó. Đừng hứa gì hết khi bạn không hề muốn giữ lời, không muốn làm hay thấy không cần thiết. Đừng hứa. Bạn không biết được rằng đối với bạn, lời hứa chỉ là một lời nói, nhưng đối với người nghe, lời nói của bạn đôi khi còn là niềm hy vọng, niềm tin và niềm hạnh phúc nữa. Đừng tước đoạt những điều này khi chính bạn đã gieo hạt giống nơi họ.

Nếu bạn hứa sẽ dành cuối tuần dẫn cô con gái đi chơi công viên. Vì vài lý do, bạn không làm được và cũng chẳng buồn giải thích hay xin lỗi. Bạn có thể không biết con gái mình đã háo hức mong chờ đến cuối tuần đó như thế nào và tâm trí con sẽ buồn bã sụp đổ ra sao khi mọi sự chờ mong đều vô nghĩa. Nếu bạn hứa giúp một đồng nghiệp giải quyết một rắc rối nhỏ mà bạn quên bẵng đi. Người đồng nghiệp sẽ nhanh chóng chuyển từ trạng thái biết ơn bạn qua tức giận và cả thất vọng về điều đó lắm. Nếu bạn hứa với người yêu của mình rằng cuối năm sẽ cùng nhau đi du lịch và bạn lại không thể thực hiện nó. Hẳn khi bao nhiêu sự chuẩn bị, mong chờ, tưởng tượng của cô ấy về những tháng ngày ngọt ngào tan biến.

Sau tất cả bạn sẽ chỉ thấy được một gương mặt buồn đang cố che giấu cảm giác thực sự bên trong, đó là sự thất vọng. Nếu bạn hứa sẽ trả tiền nợ nhưng đến ngày hẹn bạn vẫn không thể xoay xở. Hãy giải thích hoặc xin khất lại vào đúng ngày hẹn đó. Người cho bạn mượn tiền có thể không cần đến khoản tiền đó ngay, nhưng chắc chắn sẽ rất vui lòng khi bạn khất hơn là khi bạn trốn biệt đi không đủ can đảm để lại dù chỉ là lời nhắn gửi. Đặc biệt là khi người bạn hứa không còn nhớ tới lời hứa của bạn, nhưng bạn vẫn nhớ, vẫn thực hiện, hẳn người ta sẽ bất ngờ và ấn tượng đến mức nào.

Không nhất thiết phải có từ “tôi hứa” thì nó mới là lời hứa. Chỉ cần một câu nói, một câu khẳng định, một lời đề nghị trong những câu chuyện thông thường đều có thể xem như lời hứa. Nếu như bạn muốn biết việc giữ lời hứa ảnh hưởng tới cách người khác nhìn nhận và đánh giá về bạn như thế nào. Hãy thử hứa gì đó và quên nó đi một vài lần. Tin tôi đi, rồi thì lời nói của bạn sẽ chẳng còn tí gía trị nào với ai cả. Nhưng, nếu như bạn có thể nhớ và giữ đúng mọi lời hứa cũng như lời nói của mình, tôi dám cá mọi lời nói của bạn về sau đều trở nên vô cùng trọng lượng và đáng giá. Bởi vì giữ được lời hứa với mọi người, bạn sẽ có lòng tin của họ. Và một khi đã có lòng tin, bạn có thể đạt được rất nhiều thứ khác nữa.

Một trong những lý do khiến chúng ta trở thành kẻ thất hứa, đôi khi chỉ là chúng ta không nhớ mình đã hứa gì. Để thay đổi điều này, hãy ghi mọi lời hứa vào nơi bạn có thể thấy, và coi đó như những nhiệm vụ tối mật mà mình phải thực hiện, càng sớm càng tốt. Giữ lời hứa, chính là tạo dựng danh dự cho bản thân. Giữ lời hứa, chính là thể hiện một người tự trọng và tinh thần trách nhiệm. Nuốt lời, cũng giống như kẻ nói dối, kẻ ba hoa hay thùng rỗng kêu to vậy. Chẳng ai đánh giá cao những người đó cả. Vậy nên, để làm cho bản thân của mình trở nên giá trị, hãy nhớ làm cho lời nói của bạn cũng trở nên giá trị như chính con người bạn vậy.

Hãy tìm cách và thôi ngay việc tìm cớ

Cách nhanh nhất để chứng minh mình là một kẻ bình thường, như mọi người bình thường khác, chính là việc viện cớ. Chúng ta đều là những kẻ viện cớ siêu giỏi giang. Chúng ta viện cớ trong mọi trường hợp, mọi lĩnh vực và mọi nơi mọi lúc. Điều này vốn chẳng hay ho tí nào.

Mỗi khi nói chuyện với một người nào đó về việc họ muốn làm mà không thể. Tôi thường đưa ra những lời gợi ý. Gợi ý một bị bác bỏ, tôi sẽ đưa thêm gợi ý hai, gợi ý hai bị bỏ qua tôi vẫn tiếp tục cho thêm một gợi ý nữa. Khi nó cũng bị bác bỏ tôi sẽ không nói gì nữa. Lúc đó tôi biết họ không thực sự muốn cái thứ mà họ nghĩ là họ muốn.

Bạn biết đấy, câu nói yêu thích của tôi có lẽ đã tác động được tới nhiều người. Câu nói đơn giản: “Khi ta muốn ta sẽ tìm cách, khi ta không muốn, ta tìm lý do.” Rất chi là đáng giá đối với mỗi người nếu họ muốn thành công. Chúng ta thường than van về mọi thứ, tưởng chừng như quan tâm về mọi thứ, nhưng thật ra chúng ta chẳng quan tâm thực sự đến thứ gì cả. Vì nếu ta quan tâm, nếu ta thực sự muốn điều gì đó, ta sẽ tìm cách chứ không tìm lý do. Nói chuyện với những người luôn tìm lý do thật là chán.

“Này, cuối tuần họp lớp đấy, mày đi chứ? -Ừ tao cũng thích lắm nhưng…”
“Hey, kế hoạch mở quán của cậu tới đâu rồi. – Ờ tớ không làm nữa vì…”
“Vẫn thể thao đều đặn chứ? – Ôi làm gì có thời gian” ….

Những người hay viện cớ là người nhút nhát, không bản lĩnh và thiếu đi khí chất quan trọng nhất để đạt được thành công, đó là tinh thần trách nhiệm. Trách nhiệm với lời nói của mình, trách nhiệm với bản thân và những người khác nữa. Họ không dám nhận trách nhiệm về sự yếu kém của mình, đối với họ, việc họ không làm được gì, không đạt được gì, tất cả đều do lỗi của mọi thứ xung quanh, tất cả người và sự vật xung quanh, chứ không phải tại họ.

Giữa rất rất nhiều người luôn viện cớ để trốn tránh, chính bạn hãy tạo nên khác biệt bằng cách không viện cớ nữa. Nếu bạn muốn điều gì, hãy tìm cách để đạt được điều đó. Nếu vấn đề là do bạn, hãy nhận trách nhiệm. Một người có tinh thần trách nhiệm luôn được mọi người yêu quý và kính trọng. Như có câu nói rằng: “Khả năng thành công của một người chính là khả năng chịu trách nhiệm của người đó.” Vậy thì còn chần chờ gì, hãy chịu trách nhiệm cho nhiều việc hơn, đừng kiếm cớ thoái thác hay sợ sệt. Nhất định bạn sẽ được trả công xứng đáng một ngày không xa.

Những việc nhỏ khác

Hãy dùng tiền bạc một cách khôn ngoan

Tiền bạc thì có giá, nhưng con người bạn phải là vô giá. Đừng để bất cứ một số tiền nào biến bạn thành kẻ rẻ tiền. Nhưng hãy sử dụng nó khôn ngoan để biến bản thân trở nên giá trị và được mọi người quý mến.

Nếu trong một cuộc hẹn và bạn là người phải trả tiền hay muốn trả tiền, tốt nhất hãy trả khi đối phương không biết, không để ý. Điều này tạo ấn tượng rất tốt về sự lịch sự, tinh tế và lịch thiệp.

Nếu trong một chầu vui chơi ăn uống mà bạn muốn mọi người cùng share. Hãy mạnh dạn là người nói ra điều đó. Sử dụng một vài câu bông đùa để mọi người cùng hiểu ý. Tiền bạc là một chủ đề tế nhị, hãy tự đứng ra giúp mọi người giải quyết nó một cách dễ dàng.

Nếu bạn nợ tiền ai đó, hãy trả đúng hẹn, nếu không thể trả đúng hẹn, hãy khất nợ đúng hẹn hoặc sớm hơn, đừng để trễ hơn ngày hẹn hay đừng để người ta phải nhắc. Nhắc một lần, hai lần rồi sẽ không ai còn muốn giúp đỡ bạn nữa. Hãy trả lời đúng ngày, dù cho là lời khất hẹn, bạn sẽ tạo được lòng tin cho người khác nhiều hơn rất nhiều.

Nếu như một ngày trong túi bạn có một số tiền nhỏ (20-30 ngàn đồng) và bạn muốn làm gì đó để nó mang lại niềm vui cho mình, thay vì quăng nó vào một trò game, một bao thuốc lá, một món ăn vặt hay một tờ vé số. Hãy làm gì đó biến số tiền đó trở nên ý nghĩa: mua cho cô đồng nghiệp một ly nước mía/rau má, rất rẻ. Mua cho bọn trẻ hàng xóm vài cây kẹo, tặng ai đó một món quà nhỏ xíu bất ngờ, hay chỉ là một bông hoa tặng cho người mẹ tảo tần của mình. Thật sự chỉ cần một số tiền nhỏ, rất nhỏ thôi, bạn hoàn toàn có thể mua được niềm vui cho mình, thông qua việc bán niềm vui cho người khác. Hãy thử đi!

Hãy thuần thục ngôn ngữ Việt Nam trong các cuộc trò chuyện

Thực tế chúng ta giao tiếp qua chữ viết nhiều hơn qua lời nói. Hãy là một người sử dụng tiếng Việt thành thạo, cả dấu câu lẫn chính tả. Điều này có thể không tạo thêm được ấn tượng tốt đẹp nào, nhưng chắc chắn chẳng ai thích nói chuyện (qua chữ viết) với những người vừa không viết dấu, hay không có chấm phẩy, thậm chí là sai chính tả cả. Những lỗi này nhỏ, nhưng sẽ để lại ấn tượng rất xấu cho người đối diện. Đây có thể là những hành động rất nhỏ, nhưng hãy duy trì và biến nó thành thói quen, thành phản xạ của bạn.

Cùng với chúng bạn sẽ trở nên đáng giá trong mắt mọi người và có thể chính nó sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn nữa đấy. Nếu thấy bổ ích và cần thiết, bạn có thể ghi những điều này ra ngay cuốn sổ tay của mình như một lời nhắc nhở.

Trước khi cố trở thành người có giá trị với người khác, hãy làm sao để chính mình trở nên giá trị với bản thân mình, một người nói được làm được, một người không bao giờ thất hứa với bản thân, một người hoài bão và hữu ích… đây là một điều cực khó khăn chứ không dễ dàng đâu nhé.

 

Phi Tuyết

Ngộ nhận kính vỡ [Team Freenamese Vietsub]

 

Chiến tranh là tốt cho kinh tế? Cùng xem video clip này để hiểu vì sao đây là một ngộ nhận sai lầm.

“Thảm họa thiên nhiên, các cuộc tấn công khủng bố và chiến tranh đều có một điểm chung: Chúng mang lại sự tàn phá khủng khiếp. Nhưng mỗi khi có thảm họa thiên nhiên, khủng bố hay chiến tranh, thì hầu như sẽ luôn có một ai đó đến và nói rằng trong cái rủi còn có cái may. Nó tốt cho nền kinh tế vì nó sẽ tạo ra thêm nhiều việc làm….”

 

[youtube https://www.youtube.com/watch?v=H0QnKtF5KDM?rel=0]

Điều phụ nữ mong muốn mà không nói ra

Featured Image: Andrew Abajian

 

Đã từng đọc khá nhiều bài viết và những tâm sự của các anh, về mẫu hình người con gái lý tưởng. Tôi tâm đắc về tâm sự của một tác giả với cuốn sách mới xuất bản khá nổi trong dân marketing- anh ấy cho rằng, mẫu người con gái vừa có hình thức đẹp lại vừa có nội dung thì chắc chắn chàng trai nào cũng muốn đổ rạp trước chân cô ấy. Đây là một yêu cầu khá ngắn gọn, nhưng cũng hết sức tham lam. Con người là một loài tham lam, tham lam khủng khiếp. Không sao cả, điều này rất tốt. Vì nếu không tham lam mà chỉ biết bằng lòng với những gì mình có, thì có lẽ giờ đây chúng ta vẫn còn đang phải quấn lá cây chạy loăng quăng trong rừng nhặt quả bắn chim săn thú mà ăn ấy chứ.

Cho nên, tôi dám khẳng định rằng, về một khía cạnh nào đó. Tham lam là rất tốt. Đàn ông tham lam, thì phụ nữ cũng vậy. Các anh đề ra đủ loại tiêu chuẩn cho phụ nữ. Thì phụ nữ cũng có những tiêu chuẩn mong muốn nơi các anh. Các anh vẫn luôn muốn biết những điều mong muốn sâu kín trong lòng phụ nữ đúng không. Nhưng phái nữ dường như lại quá e dè trong việc nói ra mong muốn của mình làm các anh cứ hoang mang và nghi ngờ thắc mắc mãi không thôi. Là một nữ nhi 100% hôm nay tôi xin có đôi điều trình bày với các anh về những gì phái nữ giấu kín trong lòng, dù là 100 năm trước, hiện tại hay 100 năm sau đều bất biến cả, mong các anh đón nhận.

Đẹp trai – Con nhà giàu – học giỏi: Những tiêu chuẩn cổ xưa (cần quăng thùng rác) không còn hợp với thực tế nữa

Ngày trước, thậm chí hiện tại vẫn còn rất nhiều chị em nhắc đến tiêu chuẩn này, như một câu khen ngợi, tự hào, như một dạng thang đánh giá người đàn ông. Eo ôi…

  • Đẹp trai ư? Đáng ra đây là tiêu chuẩn thường gặp nhất ở độ tuổi “ô mai” thôi, cái độ tuổi xem phim Hàn và chết dí những vẻ đẹp công tử bột vừa sành điệu vừa ngọt ngào như kẹo. Nhưng rồi đẹp trai để làm gì? Đẹp trai có giúp cuộc sống gia đình tốt lên không hay đẹp trai có ăn được không? Một người con trai có gương mặt đẹp rất dễ gây thiện cảm với người khác. Anh ta thường biết thế mạnh đó của mình và thường sử dụng nó như một thứ vũ khí lợi hại. Con trai đẹp thường bị các con trai khác ghét bỏ. Cũng như con gái đẹp ghét con gái đẹp vậy. Đó là lý do các anh chàng mỗi khi nhắc đến một tên đẹp trai nào đó thường hay gắn với một thái độ xem thường, bĩu môi và hằn học. Ai cũng thích cái đẹp cả, nhưng tiêu chuẩn để chọn một người đàn ông trong gia đình mà lại đề cao vẻ đẹp gương mặt của người con trai thì xem ra … hỏng bét.
  • Con nhà giàu? Con gái thường mong muốn quen và lấy được một tấm chồng có khả năng tài chính tốt. Con gái ngoan thường thích trai nhà giàu vì cảm giác được chiều chuộng và sang chảnh. Càng giàu càng sang, càng hãnh diện với bạn bè. Sau rồi thì bao trường hợp về nhà tấm tức khóc thầm trong ân hận và tiếc nuối. Đặc biệt khi chứng kiến bộ mặt thật của những công tử nhà giàu chỉ biết hưởng thụ cơm bưng nước rót. Những người trai này thường bám vào gia đình, sự nghiệp ba mẹ mà bể là con cái cũng nát tan luôn. Vậy mà vẫn có những người tự tin vì quen được một anh con nhà giàu ư?
  • Học giỏi. Theo tôi đây là tiêu chuẩn hài hước nhất quả đất. Ở trường học, con trai học giỏi hẳn nhiên được mọi người nể và yêu quý, yêu quý để có gì còn xin chép bài trong các kì thi. Thế nhưng việc các chị em cho đây vào một trong ba tiêu chuẩn chọn người đàn ông của mình thì tôi thật không thể nào hiểu nổi. Chính xác là không thể nào chịu đựng nổi. Liệu có một chàng trai nào, tán tỉnh một cô gái mà dám mở miệng khoe rằng: “Em à, hãy yêu anh nhé, bởi vì anh học rất giỏi đó. Em biết không, anh có bằng học sinh xuất sắc này, ghê chưa?” Thật hài hước làm sao.

ÔI không? Bạn muốn nói với tôi rằng tiêu chuẩn của phụ nữ không chỉ có thế, đó chỉ là bề nổi đúng không, rằng sau những cụm từ này là những mong muốn sâu xa tiềm ẩn khác chứ không chỉ đơn giản là ba cụm từ thần thông đó? Thế thì đó là gì? Sao các chị em không nói huỵch toẹt ra cho các anh biết mà phấn đấu, mà cố gắng. Sao lại còn phải ẩn ý với giấu diếm những mong đợi của chính mình? Thôi hôm nay xin phép được đại diện cho phần lớn các chị em, trình bày với các anh em về những điều mà phụ nữ/phái yếu thực sự thích và mong muốn, để các anh biết đường mà thay đổi bản thân, để phấn đấu và đạt được trái tim của cô nàng các anh đang thương nhớ nè. Và sau khi đọc rồi thì yêu cầu hãy nhanh nhanh thử bắt tay dô hành động xem những bí quyết tôi chỉ cho anh có hiệu quả không nhé.

Các anh không cần đẹp trai, nhưng hãy cố gắng để có một sức khỏe tốt và một cơ thể đẹp.

Sức khỏe chính là tiền đề của mọi thứ. Các anh phải duy trì và bảo vệ nó như bảo vệ tương lai của chính mình vậy đó. Phần lớn các anh đang quá chú trọng đến những vấn đề quan trọng khác của một nam nhân (tài chính, sự nghiệp, tính tình, ý chí vân vân) mà quên đi hay chính xác hơn là lơ đi nhiệm vụ quan trọng này. Hiện anh không bệnh tật gì và đủ sức làm mọi thứ nên anh cho rằng tương lai anh cũng sẽ mãi khỏe mạnh như thế? Đây là điều chúng ta không bao giờ dám chắc chắn đúng không?

Tôi từng nghe từng đọc từng biết rất nhiều người đang khỏe mạnh bỗng đổ bệnh, bệnh nặng rồi nặng hơn tới mức không chữa được nữa. Tất nhiên không kể những trường hợp “ý trời” còn lại thì rất nhiều bệnh là do chính chúng ta tự chuốc lấy. Nếu ta biết có bao nhiêu việc cần làm để bảo vệ sức khỏe thì dường như ta cũng có bấy nhiêu lý do để làm biếng và chây lười. Thôi đừng biện hộ, thôi đừng nghi ngờ gì thêm nữa, anh cần phải quan tâm tới sức khỏe của mình ngay, không phải vì hôm nay, ngày mai hay năm sau, mà là cho tương lai hàng chục vài chục năm tới. Đừng để khi sức khỏe mất đi mới hối hả tìm lại. Đừng để cái viễn cảnh hiện tại đầu tắt mặt tối đi làm gom góp chút tiền sau đó lại phải đổ hết vào bệnh viện trong tương lai.

Các anh chắc chưa nhận ra việc mắc một căn bệnh nào đó có thể phá hủy toàn bộ sự nghiệp các anh gầy dựng, thiêu đốt tài sản các anh gom góp cả đời nhanh như thế nào đâu. Mọi người đều cần giữ sức khỏe tốt, nhưng khi là phái mạnh, các anh lại càng cần phải khỏe mạnh, để gánh vác vai trò trụ cột gia đình, để tạo sự an tâm cho vợ con và xa hơn nữa là để luôn đủ sức bảo vệ những người mà anh yêu thương nữa. Nếu có thể, xin hãy tiết giảm thuốc lá, rượu bia nhậu nhẹt chè chén, xin hãy thôi lười biếng vận động cơ thể, thôi dính chặt lấy cái máy tính hay bàn làm việc, để dành thời gian chăm sóc cho sức khỏe của chính mình.

Có sức khỏe tốt rồi, anh có thể làm việc để đạt được mọi điều anh mong muốn. Mạnh khỏe là tốt, nhưng chưa đủ tuyệt vời, các anh nên chú ý đến cơ thể mình và hãy tập luyện để có một cơ thể đẹp nữa. Lúc đó khía cạnh sức khỏe mới thật hoàn chỉnh. Bài viết “Tại sao các chàng trai cần một thân hình đẹp” chính là lý do và động lực tôi cung cấp cho các anh để thêm nghị lực phấn đấu.

Sức hấp dẫn giới tính – hy vọng sẽ là một động lực đủ lớn cho các anh thêm phần quyết tâm. Bài viết này quá dài nên tôi đã tách riêng mục đó ra, nó có vẻ hơi không được chính thống với trang tin của chúng ta, nhưng hãy cứ xem như đó là món tráng miệng để các anh chuẩn bị tinh thần cho món chính này. Nếu có thời gian, xin hãy chú ý một vài phản hồi khá thú vị, đó là một bạn trẻ đã nói rằng, nếu chỉ vài tháng trước mà bạn ấy đọc bài, sẽ cho rằng đó là một bài vớ vẩn, rằng sức khỏe mới quan trọng chứ hình thể đẹp mà làm gì, nhưng giờ bạn ấy đã đi tập được vài tháng thì suy nghĩ đã hoàn toàn khác hẳn, chỉ trách sao không đi tập từ sớm hơn mà cứ dầy dừa lâu như vậy, hiện tại bạn ấy cảm giác luôn tự tin và yêu bản thân, cơ thể mình hơn hẳn và nhất là cái suy nghĩ làm chủ được cuộc sống của chính mình khi không còn quá nghiện cái màn hình máy tính nữa.

Đây là một chia sẻ rất thật lòng làm tôi rất vui, việc quan tâm tới sức khỏe, tới hình thể mình, làm cho nó trở lên mạnh mẽ và hấp dẫn hơn các anh có thể làm được điều đó mà đúng không? Vậy thì tại sao không chứ? Các anh nên nhớ tôi không hề nói chỉ cần quan tâm tới sức khỏe hay hình thể mà không cần quan tâm tới việc trau dồi những kĩ năng sống, những nét tính cách tốt đẹp và sự nghiệp. Tôi không hề nói thế, cái nào cũng quan trọng cả, quan trọng như nhau, nhưng dường như các anh đang quá nuông chiều cơ thể mình rồi. Hãy kiên quyết với nó, mạnh mẽ với nó, rèn luyện được nó thì các anh cũng sẽ mạnh mẽ và kiên quyết được với rất nhiều những vấn đề khác trong cuộc sống nữ

Anh không cần con nhà giàu, nhưng hãy là một người giàu có về nghị lực, ý chí và nhất là không bao giờ được nghèo “tinh thần trách nhiệm lẫn bản lĩnh đàn ông”

Một người giàu có, anh ta thường thể hiện điều đó qua cách hành xử, nhất là khi muốn tỏ cho các cô gái thì anh ta sẽ dẫn họ đi những nơi sang trọng đẹp đẽ, tặng họ những món quà đắt tiền và làm những việc càng đập thẳng vào những con mắt hình chữ $ kia càng tốt để chứng tỏ ta đây, để khoe khoang hoặc lấy lòng. Những cô gái thường bị điều này hấp dẫn nhất đúng không? Nhưng khi anh không giàu có đi chăng nữa, anh vẫn có thể hấp dẫn được những người khác, tất nhiên bằng những cách thức hoàn toàn khác mà vẫn đem lại hiệu quả không ngờ.

Thật ra mà nói có hàng ngàn cách để gây ấn tượng với mọi người mà không cần phải có nhiều tiền bạc gì cả. Đó là những hành động đi sâu vào tâm khảm và tâm hồn của mọi người. Những hành động khiến người khác phải cảm nhận bằng trái tim, chứ không phải bằng mắt nhìn món quà đẹp hay lưỡi nếm đồ ăn ngon. Để là một người đàn ông đúng nghĩa, hãy là một người giàu nghị lực, đừng than thở về mọi điều trong cuộc sống. Đừng chỉ ngồi chê bai con gái thời nay sao chỉ thích trai giàu, mà hãy phấn đấu để mình cũng trở nên giàu có hơn. Để làm được điều đó, các anh phải chăm chỉ lên, phải cầu tiến vào. Chứ đừng lười biếng và ỷ lại thêm chút nào nữa.

Các anh có thể không giàu có, nhưng hãy làm mọi cách để đảm bảo mình có thể nuôi được vợ con, chăm lo được cho gia đình. Đừng bao giờ xem thường tầm quan trọng của đồng tiền trong đời sống hôn nhân, cũng đừng quá bắt ép vợ mình phải chịu chung gánh nặng tài chính. Tất nhiên việc san gánh nặng tài chính là của cả hai người, nhưng nhớ đừng bao giờ quên đó là trách nhiệm chính của anh, đừng than sao vợ người ta làm kinh tế tốt hơn vợ mình, đừng tự hào mình kiếm tiền giỏi hơn những thằng đàn ông khác. Anh nên tự hào khi anh có thể mang cho vợ và con mình một gia đình đúng nghĩa và hạnh phúc. Đó mới là điều đáng tự hào.

Một người phụ nữ khi được chồng con cô ấy đánh giá đúng những giá trị của mình, sẽ không bao giờ khiến các anh phải thất vọng. Nên trước tiên, đừng bao giờ để cho người phụ nữ của mình phải thất vọng, đừng bao giờ để người phụ nữ của mình phải nhìn gia đình khác mà thèm thuồng ước muốn. Các anh có làm được không?

Đặc biệt, khi anh là đàn ông, “bãn lĩnh” là một trong những đức tính nhất định mọi người đàn ông nên có và phải có. Đối với các anh, bản lĩnh chắc là phải đương đầu sóng gió, phải đối mặt gian nan thử thách hay phải là trải qua đau thương tầm cỡ thì mới là người bản lĩnh đúng không? Nếu các anh tưởng các cô gái cũng thấy vậy thì chưa đúng đâu. Ngoài điều đó, chúng tôi nhìn bản lĩnh của người đàn ông theo cách rất khác biệt. Một người đàn ông sẵn sàng giúp vợ công việc nhà mặc cho bạn bè bĩu môi, đó là bản lĩnh. Một người đàn ông dám đứng giữa mà phân xử cái đúng cái sai của mẹ chồng – nàng dâu, đó là bản lĩnh.

Một người đàn ông dám khước từ những lời mời nhậu nhẹt, dám nói câu “tôi đủ rồi, tôi chỉ uống bấy nhiêu thôi” đó là bản lĩnh, bãn lĩnh một cách khủng khiếp. Một người đàn ông biết nhận lỗi và xin lỗi, đó là bản lĩnh. Một người đàn ông biết từ bỏ những thói quen và sở thích có hại, vì sức khỏe bản thân, vì tương lai gia đình và con cái, điều đó quá chi là bản lĩnh luôn. Những bản lĩnh này bao gồm cả sự mạnh mẽ và quyết đoán, nó là điều mọi phụ nữ mong muốn ở người đàn ông của mình. Bạn có phải là một người đàn ông bản lĩnh chưa, nếu xét theo cách nhìn của các chị em phụ nữ?

Ngoài ra, tinh thần trách nhiệm là tính cách mọi cô gái đều mong muốn chàng trai của mình sở hữu. Trách nhiệm với bản thân, với gia đình và thậm chí trách nhiệm với xã hội nữa. Trách nhiệm với bản thân là khi biết tiết chế những thói quen xấu xí ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và cuộc sống. Trách nhiệm với gia đình bao gồm cả gia đình trước và sau khi kết hôn, hãy luôn cố gắng để hoàn thành trách nhiệm cao cả của một người trụ cột, về kinh tế và tất cả những gì liên quan để duy trì hạnh phúc gia đình. Hãy thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cả những việc trong quá khứ, những việc đang xảy ra ở hiện tại và bao gồm cả tương lai của chính mình và gia đình mình. Cho các cô gái biết anh là một người đầy tinh thần trách nhiệm, họ sẽ có cảm tình với anh ngay.

Một khía cạnh khác của tinh thần trách nhiệm, mọi cô vợ sẽ hạnh phúc biết bao nhiêu, nếu anh có thể san sẻ gánh nặng việc nhà với họ. Vì họ cũng đang san sẻ gánh nặng tài chính với các anh mà. Họ thật ra chẳng yêu cầu các anh phải giặt quần áo thật sạch, lau nhà thật thơm, họ chẳng cần các anh phải nấu ăn ngon như đầu bếp nổi tiếng hay lãng mạn như diễn viên Hàn.

Không cần, các anh chỉ cần thực sự hiểu rằng phụ nữ đã phải vất vả như thế nào khi vừa phải đảm đương cả việc kiếm tiền, nội trợ và nuôi dạy con cái. Hãy thông hiểu và giúp họ một tay. Thật hạnh phúc biết bao nhiêu khi được cùng các anh dọn dẹp nhà cửa, cùng nhau nấu một bữa ăn tử tế hay cùng chơi đùa và dạy con học tập. Dù cho tất cả việc các anh làm chỉ là minh họa, chỉ làm vướng tay vướng chân, nhưng với tất cả phụ nữ, họ cũng đều rất vui mừng. Và nhất định sẽ tự hào đem đi khoe khắp nơi, hơn cả việc khoe một bộ váy mới nữa.

Hãy yêu thích việc phụ giúp các chị em, các anh sẽ làm gương được cho con cái. Và rồi chúng cũng sẽ là những người thành công trong cuộc sống. Vì có một nghiên cứu tại Israel được đề cập trong cuốn “vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” rằng một khảo sát cho thấy những sinh viên thích làm việc nhà sau khi ra trường thường có công việc tốt hơn và tiền đồ tươi sáng hơn những đứa trẻ khác. Nhất định anh cũng muốn con cái mình sẽ thành công mà đúng không? Vậy hãy làm gương cho nó trước đã.

Mọi cô gái đều ngưỡng mộ những quý ông. Để trở thành một quý ông, cách đơn giản nhất là hãy đối xử với mọi phụ nữ như những quý cô:

Còn một loại hành động rất dễ dàng mà các anh hoàn toàn làm được, loại hành động này “được mắt” các chị em một cách khủng khiếp. Đó là sự ga lăng, lịch thiệp. Một cô gái được một chàng trai đối xử như một quý cô, đôi khi chỉ một vài hành động thôi, có thể khiến cô ấy mỉm cười hạnh phúc nhiều ngày trời. Những hành động nhỏ tí hin như là giúp con gái chọn đồ uống, gọi món ăn, chuẩn bị chén đũa, mở cửa giữ cửa, nhường đi trước, gắp thức ăn, nắm tay dẫn lối khi bước đi giữa chốn đông người… toàn những hành động nghe thì thật tầm thường, nhưng các anh thật sự không biết công lực của nó lớn đến thế nào đâu. Hãy tập cách đối xử với các cô gái như những quý cô thực thụ, anh sẽ lấy lòng được bất cứ ai.

Tôi vẫn còn nhớ mình đã bị ấn tượng thế nào khi ở trong một đám cưới cùng anh bạn. Cùng bàn có hai chú đã khá lớn tuổi, có lẽ là bạn của nhau. Họ đã già và có lẽ không quen ai trong bàn cả, nhưng cái cách mà hai chú ấy hành động thì không chê vào đâu được. Hai chú thay phiên để ý từng ly nước ngọt của chúng tôi (3 người phụ nữ duy nhất trên bàn trong đó gồm tôi, một cô đứng tuổi và một bé gái nhỏ), từng cái ống hút và từng viên đá, mỗi khi món ăn ra hai chú đều sắp xếp và gắp cho các chị em. Đây là những hành động xuất phát từ một người lịch thiệp vì không thể có ý đồ gì trong đó được.

Hay trong bất cứ một cuộc gặp gỡ nào mà người đồng hành đối xử với tôi như một quý cô, tôi đều cảm thấy không thể nào ghét bỏ họ được. Một ai đó mở cửa và giữ cửa cho tôi, ai đó mở lon nước và rót nước dùm tôi, ai đó kéo ghế cho tôi khi ngồi… Tất cả những hành động đó, làm tim tôi muốn vỡ tan, và nhất định là cô nàng nào cũng cảm thấy như vậy.Nhưng nhớ rằng, khi cư xử như một quý ông, các anh phải cư xử như thế với tất cả mọi người phụ nữ, dù quen hay không, dù thích hay không, có thể tùy theo mức độ mà các anh quan tâm hay yêu thương nhiều hay ít, chứ đừng chỉ lịch thiệp với mỗi người yêu của mình. Đó là giả tạo. Không ai ưa nổi những kẻ giả tạo cả.

Có một lần, tôi và hai người bạn đi ăn tối, bạn tôi – anh ấy không chỉ bứt lá thơm, hỏi có muốn vắt chanh không, có ăn tương không, chuẩn bị đũa muỗng, lau sạch ly và rót nước khi tôi nhờ, mà khi đi về, anh ấy đứng lên trước và kéo chiếc ghế của mình ra xa cho tôi bước ra dễ dàng. Hành động đó, trước bao nhiêu người, tôi cảm thấy như mình là một quý cô thực sự. Tôi vui chứ, tôi hạnh phúc chứ và cả hãnh diện nữa. Nếu ai đó kêu tôi đánh đổi giây phút đó lấy một giây phút lớn lao như lúc nhận bằng khen học sinh xuất sắc. Tôi cũng không thèm.

Cũng ngày hôm đó, tôi chứng kiến sự lịch thiệp của ông chú người Canada khi nhường đường cho một chị bán vé số đang đi bộ tới từ cách xa vài mét với câu nói kinh điển “Lady first!” Các anh có biết, phụ nữ dạo này càng thích lấy chồng ngoại quốc vì đâu không? Đó chính là vì sự ga lăng, lịch thiệp và tôn trọng phụ nữ của họ. Nếu các anh luôn có thể đối xử với phụ nữ như thế, tôi tin chắc các cô gái sẽ tranh giành để có được các anh. Đừng bao giờ cho rằng chỉ những người con trai tính toán, đào hoa hay lăng nhăng mới hay có những hành động như thế. Anh biết sao không? Thật ra chính vì họ như thế nên nhiều người con gái mới thích, nên họ mới có cơ hội quen nhiều người rồi mới được gọi là đào hoa chứ, đúng không? Tôi không muốn các anh đào hoa, nhưng tôi thực sự mong muốn các anh có thể làm cho nhiều người yêu quý mình hơn nữa.

Gợi ý cho các anh một vài hành động nhỏ nhưng có thể gây ấn tượng và cảm động chết người:

  • Nấu ăn: không gì đáng yêu cho bằng một chàng trai biết nấu ăn ngon, hay đơn giản chỉ là biết nấu 1-2 món tủ và thỉnh thoảng trổ tài trong những dịp trọng đại (ngày thường càng tốt) tất nhiên phải kèm yếu tố bất ngờ, chắc hẳn các chị em sẽ cảm động phát khóc mất thôi.
  • Không nghiện các thú vui bình dân ai cũng có: rượu chè, thuốc lá, chửi thề, game, bài bạc… Là một lợi thế lớn trong việc được mắt mọi cô nàng.
  • Tặng hoa, dù chỉ một bông không cần gói ghém gì (hoặc một món quà nhỏ), nhân chẳng dịp gì cả, điều này có thể giá trị bằng 10 bó hoa to bự ngày lễ.  Ngày lễ lạc, hoa chỉ là hình thức, nhưng ngày thường, hoa là tấm lòng, là thứ đẹp nhất, đáng quý nhất và khiến đối phương cảm nhận được nhiều tình cảm nhất. Hãy thử tặng người phụ nữ bạn yêu quý nhất, có thể là bạn gái, chị hai, mẹ, giáo viên hay ai đó một bông hoa nhân ngày thường đi, tôi dám cá thứ bạn nhận lại sẽ khiến cho bạn muốn duy trì việc này mãi không thôi.
  • Nhiếp ảnh gia nghiệp dư: Hãy thử “vô tình” chộp lại một vài khoảnh khắc bạn cho là đẹp nhất của đối phương, (hoặc lấy về từ trang cá nhân) chỉnh sửa đôi chút hiệu ứng rồi in nó ra, nhớ là phải đem in nó ra, và tặng cho cô nàng mà bạn để ý, như món quà nhỏ mừng gặp mặt hay gặp lại… Trời ơi, ai mà không yêu những hành động ngọt ngào như thế.
  • Chủ động: hãy tự lên kế hoạch mọi thứ cho cuộc hẹn đầu tiên hay mọi cuộc hẹn nếu đối phương không có gợi ý gì. Sau đó hỏi họ có muốn làm gì khác không, không thì a lê hấp cứ thế tiến hành những gì mình đã lên kế hoạch. Đừng hỏi bây giờ em thích đi đâu, đừng hỏi bây giờ em muốn ăn gì. Thay vì chỉ hỏi, hãy đưa ra vài sự lựa chọn hay giới thiệu cho cô ấy một vài nơi bạn tâm đắc. Làm chủ cuộc chơi, nắm thế chủ động không chỉ là một cảm giác rất tuyệt mà còn khiến cho đối phương rất ấn tượng đấy.
  • Những lời khen: đừng bao giờ keo kiệt những lời khen đối với mọi người phụ nữ, dù quen hay không. Nhưng cũng đừng bao giờ khen chỉ vì một mục đích nào đó. Hãy khen nhiều điều hơn, với nhiều người hơn, tìm ra điểm thật sự đáng khen ở mỗi người phụ nữ các anh tiếp xúc và thể hiện nó. Đừng lười biếng vì không ai lại không có bất cứ thứ gì để khen, dù đôi khi chỉ là một mái tóc đẹp, một nụ cười xinh, sự duyên dáng của một cô nàng hay tay nghề nấu ăn tuyệt vời của mẹ… Bạn thật sự có rất nhiều thứ và nhiều cơ hội để trao tặng ai đó một lời khen. Nhớ đừng bao giờ keo kiệt và càng không được giả dối. Tôi chưa từng bao giờ thấy ai lại không vui khi nghe những lời khen chân thành cả. Và càng chưa thấy bất cứ ai ghét người nhận xét tốt về mình. Các anh nhớ nhé, lời khen luôn là một thứ vũ khí cực kỳ hiệu quả nếu các anh muốn gây thiện cảm với bất cứ cô nàng nào.

Chúc may mắn trong việc trở thành mẫu người đàn ông hoàn hảo, các chàng trai!

 

Phi Tuyết

Thị trường và đạo đức (kỳ 5)

 

Tom G. Palmer

Chữa bệnh kiếm lời và động cơ của lòng trắc ẩn

Tác giả tiểu luận này đưa ra suy nghĩ của mình, trên cơ sở trải nghiệm của chính ông trong quá trình điều trị bệnh đau lưng. Đây không phải là học thuyết xã hội, cũng không phải là đóng góp vào môn khoa học xã hội. Đây chỉ là một cố gắng nhằm làm rõ quan hệ giữa công việc kinh doanh và lòng trắc ẩn mà thôi. Chữa bệnh kiếm lời[i] chắc chắn là công việc khủng khiếp và phi đạo đức.

Lúc nào tôi cũng nghe thấy người ta tấn công nó như thế. Thực vậy, tôi đang nghe thấy người ta tấn công các bệnh viện tư trên sóng của CBC (Hãng phát thanh & truyền hình Canada – ND). Khi các bác sỹ, y tá và những nhà quản lý bệnh viện chỉ nghĩ đến thu nhập thì lòng trắc ẩn sẽ được thay thế bằng tính ích kỷ nhẫn tâm, nhiều người nói như thế. Nhưng tôi vừa ngộ ra chuyện này sau khi phải đến hai bệnh viện – một bệnh viện tư nhân và cái kia là bệnh viện họat động phi lợi nhuận[ii] – để chữa bệnh đau lưng.

___________________________________________________________________

Gần đây tôi bị thoát vị đĩa đệm cột sống, đau không thể tưởng tượng nổi. Tôi đến gặp một chuyên gia tại một bệnh viện tư trong khu vục, ngay trong vòng một giờ đồng hồ ông ta đã sắp xếp cho tôi chụp MRI tại một phòng chụp X-quang tư nhân ở gần đó. Sau đó ông ta lại sắp xếp cho tôi tiêm thuốc tê để làm giảm viêm dây thần kinh cột sống, đấy chính là nguồn gốc của cơn đau. Tôi bị đau đến mức gần như không cử động được.

Cái khoa chữa bệnh đau lưng tư nhân trong cái bệnh viện tư mà tôi đến chữa bệnh gồm toàn những bác sĩ và y tá cực kỳ tử tế và họ đã cư xử với tôi một cách nhẹ nhàng. Sau khi cô y tá giảng giải cho tôi thủ tục và chắc chắn là tôi đã hiểu rõ tất cả các quy định thì bà bác sỹ phụ trách việc tiêm thuốc tê tự giới thiệu, bà giảng giải từng bước một và sau đó mới tiến hành công việc với tính chuyên nghiệp cao và sự quan tâm thấy rõ đối với bản thân tôi.

Sau đó vài tuần. Tôi vẫn còn đau và yếu, nhưng đã khá hơn rất nhiều. Bà bác sỹ đề nghị tôi tiêm một mũi nữa. Thật không may là cái khoa chữa bệnh đau lưng lại đang chữa trị cho những người đã giữ chỗ trước suốt ba tuần lễ liền. Tôi không muốn chờ lâu và tôi gọi điện cho một vài bệnh viện nữa trong khu vực. Một bệnh viện công nổi tiếng và được đánh giá cao có thể tiếp nhận tôi sau hai ngày. Tôi vui mừng xin hẹn gặp bác sỹ sau hai ngày nữa.

Khi đến bệnh viện công, trước hết tôi hỏi chuyện mấy ông bà đã về hưu nhưng lại mặc những bộ đồng phục tình nguyện viên khá gọn gàng. Đấy rõ ràng là những người nhân đức, đúng như người ta có thể nghĩ về bệnh viện công. Sau đó tôi mới tập tễnh chống gậy đi vào khoa chữa trị đau lưng, rồi ngồi xuống bên cạnh một cái bàn. Một cô y tá đi ra, cô gọi tên tôi và sau khi tôi lên tiếng thì cô ngồi xuống bên cạnh tôi ngay trong phòng chờ đó. Cuộc phỏng vấn diễn ra giữa đám đông những người lạ mặt như thế. May là cũng không có câu nào có thể làm người ta lúng túng.

Tôi nhận thấy là những cô y tá khác cũng đang lên giọng hạ lệnh cho các bệnh nhân xung quanh. Một cô y tá bảo một bà rõ ràng là đang bị đau chuyển sang một cái ghế khác và sau khi bệnh nhân nói rằng nếu bà cứ được ngồi ở đấy thì tốt hơn, cô y tá đã chỉ tay vào cái ghế bên cạnh và gằn giọng: “Không. Ngồi sang kia!” Khi cô y tá này tiến lại chỗ tôi, tôi nghĩ là ánh mắt của mình đã cho cô ta thấy rằng tôi không muốn bị đối xử như những học sinh trong trường giáo dưỡng. Cô ta không nói gì, chỉ lấy tay ra hiệu cho tôi đi vào phòng khám.

Vị bác sỹ điều trị bước vào. Không giới thiệu. Không tên tuổi. Không bắt tay. Ông ta nhìn hồ sơ của tôi, lầm bầm cái gì đó, rồi ông ta bảo tôi ngồi lên giường, và ông ta cởi quần áo của tôi ra. Tôi bảo ông ta rằng lần trước tôi được nằm nghiêng, tư thế đó tiện hơn vì ngồi rất đau. Ông ta bảo rằng thích tôi ngồi. Tôi trả lời rằng tôi thích nằm nghiêng. Ông ta nói rằng ngồi dễ làm hơn, điều đó đáp ứng cả quyền lợi của tôi lẫn của ông ta nên tôi đồng ý. Sau đó – không như bà bác sỹ trong bệnh viện tư – ông ta ấn mạnh mũi kim tiêm và tiêm đau đến nỗi tôi phải la lên. Sau đó ông ta rút kim, rồi ghi hồ sơ và biến mất. Cô y tá đưa cho tôi tờ giấy và chỉ lối cho tôi đi ra. Tôi trả tiền rồi biến.

Lợi nhuận và lòng trắc ẩn

Đấy là những kinh nghiệm nhỏ giúp ta so sánh bệnh viên tư và bệnh viện công. Nhưng nó có thể nói cho ta biết về động cơ vụ lợi và quan hệ của nó với lòng trắc ẩn. Không chỉ bệnh viện tư mới hấp dẫn những người tử tế và có lòng trắc ẩn vì những người tình nguyện già nua trong bệnh viện công chắc chắn cũng là những người tử tế và có lòng trắc ẩn. Nhưng tôi nghĩ rằng các bác sỹ và y tá làm việc trong khoa chữa bệnh đau lưng ở bệnh viện tư được khuyến khích thể hiện lòng trắc ẩn trong khi họ làm việc.

Xét cho cùng, nếu cần chữa nữa hoặc nếu có người tham khảo ý kiến tôi thì tôi sẽ nghĩ đến bệnh viện tư. Nhưng tôi sẽ không quay lại hay khuyên ai tới bệnh viện công, tôi nghĩ rằng tôi biết lý do: các bác sỹ và y tá ở đó chẳng có lý do gì để muốn gặp tôi. Và tôi còn hiểu được vì sao bệnh viện công lại tiêm tôi nhanh như thế. Tôi ngờ rằng họ chẳng có mấy khách quay lại lần thứ hai.

Kinh nghiệm này không nói rằng lợi nhuận là điều kiện cần hay thậm chí điều kiện đủ để cho người ta thể hiện lòng trắc ẩn, nhân từ hay nhã nhặn. Tôi làm tại một tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức này sống dựa vào sự ủng hộ của những nhà tài trợ. Nếu tôi không hoàn thành trách nhiệm thì họ sẽ không tài trợ cho công việc của tôi nữa. Chuyện là, tôi và các đồng nghiệp của tôi làm việc ở đây vì chúng tôi và những nhà tài trợ cùng có những mối quan tâm chung, cho nên công việc diễn ra một cách hài hòa.

Nhưng khi nhà tài trợ, người làm công và “khách hàng” (dù đấy có là người bị đau hay nhà báo hoặc nhà giáo cần thông tin và kiến thức thì cũng thế) không chia sẻ những giá trị và mục tiêu như nhau – thí dụ như trong bệnh viện công bên trên – thì động cơ lợi nhuận sẽ hành động một cách quyết liệt nhằm làm cho những mục đích của họ trở thành hài hòa. Lợi nhuận kiếm được trong khuôn khổ pháp luật rõ ràng và có hiệu lực (khác với lợi nhuận của một tên ăn cắp có hạng) có thể làm cho người ta không còn lãnh đạm mà có lòng trắc ẩn.

Muốn có lợi nhuận thì bác sỹ phải để ý tới quyền lợi của bệnh nhân bằng cách đặt ông ta hay bà ta vào vị trí của bệnh nhân, buộc họ phải tưởng tượng được những đau khổ của người khác và phải có lòng trắc ẩn. Trong nền kinh tế thị trường tự do, động cơ lợi nhuận có thể trở thành tên gọi khác của động cơ trắc ẩn.

 

Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn: The Morality of Capitalism do Tom G. Palmer chủ biên, nhà xuất bản Jameson Books ấn hành, 2011.
Trên mạng: http://studentsforliberty.org/college/the-morality-of-capitalism/


[i] Để cho đơn giản từ đây sẽ gọi là bệnh viện tư.
[ii] Để cho đơn giản từ đây sẽ gọi là bệnh viện công.

Gửi anh D, chị P – những người ghét facebook!

Featured Image: Maria Elena

 

Thưa anh D, chị P!

Chắc chắn anh chị đã nghe câu “cái gì cũng có tính hai mặt”. Ngay cả chính bản thân chúng ta, những con người mà vẫn nhiều khi chênh vênh giữa hai lựa chọn: Thật-giả, tốt-xấu! Bởi thế nên những sản phẩm do con người làm ra chắc chắn sẽ mang “đức tính” của chủ nhân nó. Nên hằng ngày, chúng ta vẫn được học các bài học để biết cách hạn chế các mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực. Lúc đó, những sản phẩm do con người làm ra (như facebook) sẽ phục vụ, làm cho đời ta vui hơn! Thế nên, trong trường hợp anh chị vì sử dụng những sản phẩm ấy mà lại thấy quá nhiều mặt tiêu cực phát sinh, thì có lẽ do anh chị chưa học cách quản lý nó. Bởi thế, chúng ta chỉ cần thay đổi cách chúng ta tiếp cận chứ không phải cứ lên tiếng chê và “yêu cầu” xóa bỏ!

Facebook là một sản phẩm của con người nên chắc chắn nó có những yếu tố tích cực lẫn tiêu cực. Theo ý anh chị thì: Hiện nay, facebook có quá nhiều yếu tố tiêu cực:

  • Xung quanh có những: “Người bạn quá “bê bối”, rầu rĩ, kém cỏi và nhàn rỗi đến mức chuyện gì cũng có thể cho lên Facebook. Nếu là bạn bè tốt của nhau, xin hãy đăng những status khuyến khích nhau học tập, làm việc, cảm nhận những điều ý nghĩa từ cuộc sống. Tôi cũng như nhiều người, có quá nhiều điều phải lo toan trong một ngày, xin đừng hút hết nhựa sống của tôi bằng những điều vặt vãnh, vớ vẩn đó.” (Đó là nguyên văn của chị P trên báo Tuổi trẻ)
  • Là một người đang sử dụng facebook, tôi thấy rõ ràng, bên cạnh những cái lợi thì thực tế có không ít nhóm, hội được lập ra trên facebook chỉ để bêu xấu, có những hành động vượt quá kỷ cương, pháp luật, thuần phong mỹ tục. Từ thực tế đó, để tránh những nguy cơ xấu ở trên, tôi thấy rằng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình đưa các thông tin sai lệch thực tế, gây hoang mang cho dư luận.

Và một việc, theo tôi cũng cần thực hiện sớm đó là, cần phải đóng cửa ngay hoạt động của facebook tại Việt Nam” (lời anh D trên báo Giáo dục Việt Nam)

Thưa anh chị!

Theo ý của anh chị thì facebook hiện nay có nhiều người lên chỉ để chửi bới, than vãn, nói xấu chế độ,..Nhưng con số nhiều là bao nhiêu anh chị chưa nói rõ? Hay chỉ là nhiều trong số friendlist của anh chị? Như vậy, tôi nghĩ anh chị nên xem lại mình và bạn bè mình.

Anh chị cho rằng facebook cần được quản lý và định hướng cho có… văn hóa. Nhưng ở đời, ranh giới giữa có văn hóa và vô văn hóa nó chênh vênh lắm! Có những status với những ngôn từ “chửi thề” nhưng lại được hàng ngàn người like và cho rằng hay. Bạn không thể cho đám đông kia là những người “vô văn hóa” được. Bởi đôi lúc giữa những status dài ngàn chữ, người ta biết cách chọn ra một câu đắt giá làm bài học cho chính mình. Điều này, bản thân tôi đã “lĩnh hội” được! Những facebooker mà tôi “theo dõi” luôn có những status “sốc”, đầy rẫy lời nói “chợ búa”, thậm chí nếu bạn đọc lần đầu sẽ dễ chạm tự ái! Nhưng càng đọc càng ngẫm, lọc những từ ngữ chợ búa kia đi thì thông điệp mà họ gửi đến sâu sắc quá!

Nói đến đây, tôi chợt nhớ đến câu nói “chọn bạn mà chơi” của ông bà ta dạy quá thực đúng trên… facebook. Anh D cho rằng: “Có không ít hội lập ra để bêu xấu.” Chị P cho rằng: “Những bạn bè bê bối, rầu rĩ quanh mình…” Vậy là anh chị chưa biết chọn bạn mà chơi chăng?

Những bạn bè trên facebook tôi thật đa dạng: Có những anh chàng nhìn ngoài “hổ báo” làm mẫu “thanh niên nghiêm túc”, mặc áo đoàn, ca ngợi sao vàng. Có những chị nhìn mặt rất… hiền lại suốt ngày viết status kiều… haivl, ngôn ngữ toàn “động từ mạnh”. Lại có anh kia tri thức suốt ngày chỉ viết về sách mà thôi,…tóm lại nhiều lắm! Nhưng tôi thấy điều đó thật thú vị: Với anh chàng “thanh niên nghiêm túc kia” cho tôi bài học về sự chín chắn, cảm giác trường thành. Với cô nàng… haivl lại cho tôi cách nhìn đời hài hước, đôi khi hơi “đểu” một xíu! Với anh tri thức lại cung cấp cho tôi nhiều thông tin thú, nhiều khi đọc xong status của anh tôi lao đi mua sách!

Thưa anh chị!

Tôi tin anh chị không phải là người giáo điều, không phải là người cứng nhắc. Chắc chắn anh chị cũng không phải là người cổ hủ, đầy lòng thù hận. Mà có lẽ anh chị SỢ cái facebook kia làm mình… hư?

Mỗi ngày anh chị lên facebook bên ly café sữa nóng đọc những status rồi tỏ ra “quan ngại sâu sắc”, rằng facebook phức tạp, rằng facebook xấu xí, cần dẹp ngay và trả lại môi trường “trong sáng” cho mạng xã hội!

Dường như anh chị chỉ muốn mỗi ngày lên facebook chỉ thấy quanh mình những “status an toàn”: Hôm nay có cuốn sách này hay quá, cô gái mặc áo dài thật đẹp, ồ anh thanh niên đoàn viên gương mẫu! Anh chị sợ những “status phức tạp”, những “bạn bè phức tạp”. Tốt nhất là nên dẹp cho đỡ… phức tạp!

Tôi cữ nghĩ lẩn thẩn, nếu một ngày mình mở facebook ra xung quanh mình toàn những status bàn việc học hành, bàn chuyện nghiêm túc thì thật… chán! Mỗi lần mở facebook tôi lại có một “ước ao” đọc những status đủ vị của anh thanh niên nghiêm túc, chị xinh đẹp haivl, anh tri thức mê sách, cô nàng đang yêu lãng mạn… Tôi chỉ nghĩ đơn giản, cứ như lúc đi ăn phở thì phải có hành, ngò, rau thơm, ớt, sa tế, chanh… Mặn, ngọt, chua, cay âu cũng là do mình nêm nếm!

Facebook vào Việt Nam mang ý nghĩ trong sáng, nhưng giờ nó đang trở nên phức tạp có lẽ do những người… sợ phức tạp như anh chị?

 

Đức Lộc

Đi đi em…

Featured Image: Lizzy Gadd

 

Em!
Hãy khoác balo lên và đi đi, em nhé
Em hãy đi đến một nơi rất xa
Để em tự tin hơn, và thêm yêu cuộc sống
Và quan trọng hơn, đi để thấy nhớ nhà!

Hãy khoác balo lên và đi đi, em nhé
Đi để thấy thế giới này bao la
Em sẽ phải đi cả quãng đường gian khổ
Để có được một giây phút ghi tạc vào lòng ta…

Hãy khoác balo lên và đi đi, em nhé
Để thấy rằng em hạnh phúc biết bao
Cuộc sống của em, em không ngừng than vãn
Nhưng có những người vẫn mãi mãi ước ao…

Hãy khoác balo lên, và đi đi, em nhé
Bởi em chẳng có gì ngoài đôi chân
Và một tuổi trẻ cho em những nhiệt huyết
Đi đi em, sao vẫn cứ phân vân…?

Hãy khoác balo lên, và đi đi, em nhé
Vì cuộc đời là những chuyến đi
Hạnh phúc là những dấu chân em để lại
Và những gì em có được trong tim…

 

Một Đời Quét Rác

Hóa thạch

Featured Image: Can Agaoglu

 

Ừ, em nhé ngày hôm qua vốn cũ
anh man nhiên đi hết tháng năm rồi
quá khứ vẫn đẹp như màu dang dỡ
hồn nhiên anh đem hóa thạch ngày trôi

không trì níu ai trở lòng xua đuổi
mặc hàng cây chảy máu biếc góc vườn
cơn bất lực chợt lộng về đắm đuối
giữa thời gian vằng vặc những tai ương

vọng âm phố lắm ồn ào chật hẹp
anh loay hoay dấu chấm lặng cuối hàng
trên trang trắng một cuộc tình rất cũ
lẩm nhẩm chờ ngày em bấm phím sang trang.

 

Phương Uy
27.08.2014